TC muốn độc chiếm Mêkông
Liên quan đến châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa TC xuống các nước Đông Nam Á.
Ngày 14/11/2015, TC đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (CLM) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.
Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.
Từ 20 năm qua, TC xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do TC quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì TC xả lũ.
Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, TC đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa TC và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.
“Phải thận trọng khi giải quyết với láng giềng phương bắc”
Dự án cải thiện lưu thông trên dòng Mêkông mà chính phủ Thái Lan thông qua hồi tháng 12/2016 bị người dân một ngôi làng sống bên bờ sông phản đối do lo ngại tác động đến môi trường và kinh tế. Song họ lại tỏ ra “dè dặt” trước người láng giềng khổng lồ.
Một chuyên gia về quan hệ Thái-Trung thuộc đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét “TC là một nước lớn. Điều này khiến người ta phải thận trọng”. Bà không nhắc đến kích thước về mặt địa lý mà nhấn mạnh đến trọng lượng và sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia phương bắc đối với các nước trong vùng, cụ thể thông qua dự án Con đường Tơ lụa mới với những công trình hạ tầng có quy mô lớn để hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ nối nền kinh tế TC và khu vực Á-Âu.
Trong khoảng 2008-2014, lượng đầu tư của TC vào ASEAN đã tăng hơn 200%. Sông Mêkông vẫn là tuyến đường chính nối miền nam TC đến các nước Đông Nam Á. Giới đầu tư TC bị thu hút trước các nguồn tài nguyên dồi dào và tầng lớp trung lưu ngày càng đông với tiềm năng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp đầu tiên giữa TC và các nước bên bờ Mêkông, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu viễn cảnh chương trình Hợp tác cam kết cùng chia sẻ lợi ích.
Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương không có chung cách nhìn tích cực như Bắc Kinh, thậm chí họ cho rằng TC “lợi dụng” những nước nhỏ. Các dự án phát triển của TC, từ các mỏ đồng ở Miến Điện đến các nhà máy giấy và trung tâm thủy điện ở Việt Nam hay các nông trường chuối ở Thái Lan, đều gây ra những quan ngại về môi trường.
Một số khác coi sự đầu tư ồ ạt của TC như một “mối đe dọa đến chủ quyền”. Trong một bài báo nghiên cứu, giáo sư Khoa học-Xã hội Pollavat Prapattong thuộc đại học Mae Fah Luang ở Chiang Mai không ngần ngại miêu tả cách thức đầu tư của Trung Quốc như một âm mưu “biến (thành phố Chiang Mai và môi trường) thành một vùng đất của TC và cho người Hoa”.
Lào cũng là một trường hợp điển hình. Một số thành phố của nước này bị “vẽ” lại hoàn toàn để dành chỗ cho mạng lưới đường sắt nối liền với TC. Các khu đô thị như Luang Prabang và Viêng Chăn ngày càng giống một số khu vực ở tỉnh Vân Nam.
Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh yêu cầu các nhà đầu tư ra nước ngoài phải có trách nhiệm về xã hội và môi trường, nhưng những tiêu chí trên chỉ được một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước áp dụng. TC thu lợi từ trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực Mêkông nhưng cũng tìm cách để ngăn các nước ASEAN liên minh với nhau chống lại Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.
Bangkok Post nhận định khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của TC trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi TC xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy. – Theo RFI