TC công bố kế hoạch dùng mạng lưới vệ tinh do thám Biển Đông — Biển Đông vẫn là mục tiêu chính của TC
TC dự định đưa thêm 10 vệ tinh vào không gian từ đảo Hải Nam ở phía nam nước này trong ba năm tới để có thể do thám toàn bộ Biển Đông, một bước đi mà có thể củng cố hơn nữa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp.
Khi hoàn tất, mạng lưới vệ tinh này có thể thám sát Biển Đông liên tục 24 giờ đồng hồ và phân tích từng vật thể một cách chi tiết trong vùng biển này, bao gồm cấu trúc của những chiếc tàu, tờ Hải Nam Nhật Báo dẫn lời một chuyên gia của Viện nghiên cứu Viễn thám và Địa cầu Kỹ thuật số Tam Á, nói.
Kế hoạch này được thông báo hôm thứ Sáu sau khi một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy TC đã xây thêm cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS ở Washington cho biết TC đã thêm 29 hectare cơ sở hạ tầng vào bảy hòn đảo nhân tạo này kể từ đầu năm ngoái.
Họ nói việc xây cất thêm này cho thấy Bắc Kinh sẽ phát triển các tiền đồn lớn hơn này thành các căn cứ không quân và hải quân có khả năng hoạt động đầy đủ.
Theo Tân Hoa Xã, TC sẽ phóng các vệ tinh này, bao gồm các vệ tinh sử dụng công nghệ viễn thám “siêu phổ” phức tạp hơn và “radar khẩu độ tổng hợp” đến trước năm 2021.
TC đã mở rộng do thám và các cơ sở quân sự ở Biển Đông giữa lúc đang tranh chấp chủ quyền với Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia.
Bắc Kinh cũng đã xoa dịu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng việc đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử được chờ đợi từ lâu cho vùng biển này.
Các nhà phân tích nói Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình tương đối yên ổn để lặng lẽ củng cố sự kiểm soát của họ đối với vùng biển. – Theo VOA
***
Trong năm 2017, tình hình xung khắc tại Biển Đông có vẻ lắng dịu, trong khi bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt. Trên thực tế, Bắc Kinh không ngừng gia cố và tăng cường cơ sở quân sự trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chiến thuật «nghi binh» của TC bị tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI tố giác trong bản tổng kết tình hình Biển Đông năm 2017.
Mọi động thái của TC tại Biển Đông đều bị tổ chức Minh Bạch Hàng Hải Châu Á, Asia Maritime Transparency Initiative, trụ sở ở Washington, theo dõi từng bước.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy trong năm 2017, TC đã xây thêm một cơ sở hạ tầng rộng 28 hecta, gồm phi trường và quân cảng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để yểm trợ cho các tiền đồn quan trọng. Chiến dịch bồi đắp lấn biển thực hiện trong năm 2016 đã giúp cho TC có thêm 1248 hecta đất , trong vùng biển đảo tranh chấp với Đông Nam Á, đặt biệt là với Việt Nam và Philippines.
Cụ thể, trong bản báo cáo công bố ngày 14/12/2017 được truyền thông quốc tế loan tải, Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải cho biết TC tiếp tục xây dựng nhà chứa máy bay, kho hàng dưới mặt đất và hầm trú ẩn chống tên lửa, bố trí đài ra-đa cùng nhiều cơ sở khác trong vùng biển đảo tranh chấp với Đông Nam Á , đặt biệt là với Việt Nam và Philippines.
Đá Chữ Thập là nơi mà TC xây dựng nhiều nhất trong năm nay với hơn 110.000 mét vuông.
Trong khi đó Bắc Kinh làm như như muốn tiến hành cuộc «vạn lý trường đàm» với ASEAN, về một bộ luật ứng xử ở biển Đông gọi tắt là COC. Căng thẳng với Mỹ cũng giảm phần nào cho dù Hoa Kỳ của Donald Trump vẫn chỉ trích TC quân sự hóa Biển Đông, giành ưu thế, đe dọa thông thương hàng hải quốc tế.
Trump, Duterte, Kim Jong Un là vận may của Tập?
Năm 2017 sắp kết thúc là một năm có nhiều thuận lợi cho Bắc Kinh. Theo Greg Poling, giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải, chính sách ngoại giao mới của Philippines, từ khi tổng thống Rodrigo Duterte đắc cử, hoà dịu với TC trong vấn đề xung khắc chủ quyền, là biến chuyển thứ nhất.
Thuận lợi thứ hai, với Donald Trump ở Nhà Trắng, Washington dường như chú ý đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên và cán cân thương mại với TC hơn là tình hình Biển Đông. Do vậy, TC tiếp tục lấn chiếm Biển Đông. Chuyên gia Greg Poling cảnh báo: «Tình hình Biển Đông không còn lên trang nhất thông tin quốc tế, nhưng chúng ta đừng tưởng lầm TC giảm bớt tham vọng. Họ tiếp tục làm những gì họ muốn làm».
Không những xây cơ sở quân sự, TC còn đưa thêm máy bay ra Phú Lâm và quảng bá hình ảnh các cuộc tập trận không quân với chiến đấu cơ J-11B hồi tháng 10. Đến tháng 11, vệ tinh Mỹ phát hiện máy bay trinh sát gián điệp Y-8 có mặt cũng trên đảo Phú Lâm.
Tuy Tổng thống Trump phân tâm vì Kim Jong Un, vì nhập siêu với TC và vì những khó khăn nội bộ, nhưng quân đội Mỹ vẫn theo sát các hoạt động của TC. Trung tá Christopher Logan, được Reuters trích dẫn, tuyên bố: Quân đội không bình luận chi tiết về những diễn biến ở Biển Đông, nhưng điều chắc chắn là các hành động quân sự hóa của TC sẽ làm tăng căng thẳng giữa các nước tranh chấp.
Tuy không liên can trực tiếp, nhưng chính phủ Úc lên án hành động của TC. Như thông lệ, hôm nay, phát ngôn viên bộ ngoại giao TC Lục Khảng một lần nữa khẳng định TC «có toàn quyền trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình» xây dựng «công trình hoà bình» và bố trí «phương tiện phòng thủ cần thiết”. – Theo RFI