TC Chiếm Biển Đông, Ngăn Sông Cửu Long

Cac Bai Khac

No sub-categories

TC Chiếm Biển Đông, Ngăn Sông Cửu Long

Trung Cộng đang mưu đồ bành trướng trọn bán đảo Đông dương, biến bán đảo Indochina/Indochine thành bán đảo China, xoá chữ Indo trên bản đồ thế giới. Nạn nhân trầm trọng là Việt Nam và Campuchia, Lào, trầm trọng nhứt là Việt Nam. VN là nước ở hạ nguồn sát biển, sông Cửu Long/ Mekong là nguồn sống với nước ngọt, cá tôm, với Đồng Bằng Cửu  Long là vựa lúa, vựa cá, hai món ăn căn bản, cơm bữa, hàng ngày của dân tộc Việt.

Viện Lowy của Úc  mới đây tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Với khuyến cáo Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.

Bài viết dưới đây đăng trên trang The Interpreter của Viện Lowy do chuyên gia Elliot Brennan chấp bút. Ông Brennan là nhà nghiên cứu độc lập từng cộng tác với Viện An ninh và chính sách phát triển (Thụy Điển), trang phân tích quốc phòng IHS Jane, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).

Theo Ông sau bao nhiêu ồn ào, đến giờ phút này có thể nói công cuộc bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã gần xong. Bắc Kinh giờ đây có thể kiểm soát một trong những tuyến vận tải huyết mạch của thế giới, biến luật pháp quốc tế thành trò đùa. Trước đó vị tướng sắp được Quân Lực Mỹ cử làm Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Ấn độ-Thái bình dương, Đô đốc Philip Davidson trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018 để được chuẩn thuận báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó. Ông  chỉ rõ “Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội TQ có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng Châu Đại Dương. Đô đốc Philip Davidson kết luận, TQ hiện đủ mạnh để có thể “thâu tóm” Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.

Còn TC càng ngày càng bành trướng không những trên biển mà còn trên đất liền nữa, giành làm chủ sông Mekong, ngăn chận sông Mekong làm cho các nước hạ nguồn cạn dòng nước ngọt, mà VN là nước cuối nguồn ra biển bị thiệt hại nặng nhứt.

TC cho xây hệ thống đập thuỷ điện dày đặc để kiểm soát dòng chảy Mekong để khống chế khả năng tiếp cận nguồn lương thực – sinh kế của hàng trăm triệu triệu người sống ven sông.

Nếu gộp lại, các đập của Trung Quốc có thể giữ tổng cộng 23 tỉ mét khối nước – tương đương 27% lượng nước chảy hàng năm giữa Trung Quốc và Thái Lan. Tổ chức UNESCO và Viện Môi trường Stockholm dự báo lượng phù sa của sông Mekong sẽ giảm 94% một khi các con đập mới xây xong, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá và sức khỏe nói chung của sông Mekong.

Người ta dự báo trong 50 năm tới, các nền kinh tế hạ lưu sông Mekong sẽ tổn thất ròng khoảng 7,3 tỉ USD, trong đó hai nước cuối nguồn là Việt Nam và Campuchia sẽ thiệt hại nhiều nhất. Đó là chưa kể những tổn thất không thể nào đo đếm được về mặt xã hội.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế lo lắng  nhận thấy TC  dùng đập nước như một “vũ khí hủy diệt” để thực hiện điều mà người Trung hoa xưa trong truyện Tàu gọi là thuỷ trận. Chỉ cần Trung Quốc xả một lượng nước lớn nhưng không thông báo trước, hiệu ứng domino sẽ buộc các đập dưới hạ nguồn phải xả đồng loạt và gây ra lũ quét trên diện rộng.

Trung Quốc cũng có thể làm mưa nhân tạo ở các vùng khô hạn trên Cao nguyên Tây Tạng thêm 10 tỉ m3 – tương đương 7% mức tiêu thụ nước hiện tại của Trung Quốc – bằng công nghệ “cloud seeding” (gieo mây, làm mưa nhân tạo). Nước mưa rơi xuống Cao nguyên Tây Tạng một phần sẽ chảy dồn vào lưu vực của các con sông xuyên quốc gia như Mekong, Brahmaputra, Indus, và Salween; phần còn lại Trung Quốc có thể điều tiết tùy theo nhu cầu của họ bằng hệ thống đập và công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia Janos Pasztor thuộc Tổ chức Hội đồng Carnegie (Mỹ), lưu ý rằng công nghệ “cloud seeding” không tạo ra thêm mưa mà nó chỉ lấy ở nơi này chuyển sang nơi khác, tức là khiến mưa xảy ra ở một nơi nhất định, có nghĩa ở một nơi khác mưa sẽ biến mất”.

Kiểm soát thời tiết, bảo đảm rằng mưa rơi trên lãnh thổ Trung Quốc chính là bước tiếp theo giúp Bắc Kinh kiểm soát dòng nước chảy vào các nước láng giềng. Điều này đáng sợ một phần cũng do thành tích quản lý môi trường khét tiếng của Trung Quốc: 70%  sông hồ ở Trung Quốc ô nhiễm nặng.

Trái ngược với hành động bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành trên sông Mekong cái gọi là “Dự án Cải thiện luồng lạch”. Nói đơn giản, đó là hành động cho phá nổ các cồn đất, bãi đá và luồng xoáy trên sông Mekong để hình thành nên tuyến giao thông xuyên qua trái tim của lục địa Đông Nam Á đến tận Lào.

Trớ trêu nằm ở chỗ, cái giá để tạo ra tuyến vận chuyển mới cho hàng hóa Trung Quốc xâm chiếm khu vực lại là những tổn thất nặng nề về môi trường và xã hội của chính các nền kinh tế Đông Nam Á.

Có lẽ vì thấy trước điều này nên Thái Lan đến nay vẫn chưa đồng ý với dự án nạo vét sông Mekong trên phần đất của mình.

Mối quan ngại về sông Mekong và nhiều con sông khác trong chiến lược địa chính trị của Trung Quốc không phải mới mẻ, nhưng dường như nhiều sự kiện nhỏ đã dẫn cả khu vực đến “điểm tới hạn” – tức bước ngoặt dẫn đến những thay đổi lớn. Các nước Đông Nam Á chỉ có 2 lựa chọn, phản ứng hoặc ngồi yên chịu tổn thất.

Nhứt là VN, Biển Đông TC đã chiếm 90%. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa TC cũng đã chiếm và quân sự hoá gần hết. Trong đất liền TC đã khống chế Sông Cửu Long. Lần đầu tiên trong lịch sử VN, quân Tàu chiếm giang sơn gấm vóc VN, TC không cần rút một cây gươm, nổ một phát súng. CSVN quá lệ thuộc quân Tàu chỉ lên tiếng phản đối chiếu lệ cho dân bớt bất mãn. Trái lại Đảng Nhà Nước CSVN còn âm thầm làm luật bán đất, bán nước cho TC. Bộ Chánh trị sai Quốc Hội CS thông qua dự luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo luật này CSVN cho mướn đất tới 99 năm, giảm thuế rất nhiều cho công ty mướn, và cho người TQ qua đặc khu không cần visa chiếu khán nhập cảnh của VN. Chắc chắn CSVN sẽ ưu tiên cho TQ mướn.

Ba đặc khu này là ba khu vực hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho đất nước VN mà ý đồ của TC là muốn chiếm lĩnh và biến thành đặc khu chiến lược của TC. Từ hình thức đến nội dung dự luật này cho thấy Đảng CSVN nhượng địa cho TQ làm tô giới 99 năm như Nhà Mãn Thanh cai trị TQ nhượng địa Hong Kong cho quân Anh làm tô giới 99 năm.

Thế cho nên người dân Việt ở Bắc, ở Trung, ở Nam, ở Hải ngoại đứng lên nhất tề biểu tình chống CS bán nước cho Quân Tàu. CSVN lo sợ đêm hôm khuya khoắt phải họp hoả tốc và 3 giờ khuya phải ra thông cáo lùi lại việc thông qua dự luật này sang kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV.

 Vi Anh