TC: Áp dụng chiến dịch ‘chia để trị’ với Đài Loan – Tập gặp lãnh đạo Quốc Dân Đảng – Bị chỉ trích không sòng phẳng trên sân chơi quốc tế
TC đang áp dụng chiến dịch ‘chia để trị’ đối với lãnh thổ tự trị Đài Loan, ngỏ lời giúp thúc đẩy du lịch tới các thành thị và quận hạt thân Bắc Kinh tại Đài Loan trong khi tỏ ra lạnh nhạt với tân chính phủ ủng hộ độc lập của Đài Loan, theo nguồn tin từ giới chức chính phủ và các chính trị gia.
Những hứa hẹn của Bắc Kinh có trở thành hiện thực hay không còn phải chờ xem, nhưng rạn nứt chính trị đang thúc đẩy Dân Tiến đảng đang cầm quyền Đài Loan phải đề ra những biện pháp riêng đối phó với tình trạng du khách từ Hoa lục tới Đài Loan sụt giảm một cách đáng báo động.
Tám quan chức chính quyền địa phương của Đài Loan, chủ yếu đại diện các quận hạt do phe đối lập thân Bắc Kinh (Quốc Dân đảng) kiểm soát, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng rồi với nhà hoạch định chính sách hàng đầu của TC về vấn đề Đài Loan, đã được hứa hẹn về các mối quan hệ du lịch và nông nghiệp mở rộng.
Tuần này, dự kiến Tập Cận Bình sẽ tiếp chủ tịch Quốc Dân đảng khi bà Hồng Tú Trụ sang thăm Bắc Kinh.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã đình chỉ liên lạc chính thức với chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn cho đến khi nào chính phủ này đồng ý công nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa.’
TC nói Đài Loan là một phần của ‘một nước Trung Hoa’ do Bắc Kinh thống trị và xem Đài Loan là một tỉnh có thể bị sáp nhập thống nhất nếu cần. Quan hệ đôi bên đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái lên nhậm chức hồi tháng 5 năm nay.
Chính quyền Quốc Dân đảng trước đây đồng ý công nhận ‘đồng thuận 1992’ về một nước Trung Hoa, mỗi bên có cách diễn giải khác nhau.
Tám quan chức Đài Loan vừa từ Bắc Kinh trở về đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì ‘quỳ lụy’ trước chính sách một nước Trung Hoa của Bắc Kinh.
Số du khách từ Hoa lục vốn Bắc Kinh có thể kiểm soát dễ dàng qua các cơ quan lữ hành của nhà nước đã giảm 71% từ ngày 1 đến ngày 18/10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Đài Loan. – Theo VOA
***
Truyền thông chính thức TC đưa tin hôm nay 01/10/2016, chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với lãnh đạo Quốc Dân Đảng Đài Loan trong bối cảnh mối quan hệ của Bắc Kinh với tân tổng thống Đài Loan đã xấu đi.
Tân Hoa Xã cho biết Tập Cận Bình đã tiếp lãnh đạo Quốc Dân Đảng Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết. Trước đó, hãng thông tấn này đưa tin bà Hồng Tú Trụ dẫn đầu một đoàn đại biểu Đài Loan sang TC để “thúc đẩy sự ổn định và hòa bình qua eo biển Đài Loan”.
Theo trang internet của Đài truyền hình Trung ương TC CCTV, trong buổi tiếp lãnh đạo Quốc Dân Đảng, chủ tịch TC tuyên bố, đảng Cộng Sản Trung Hoa và Quốc Dân Đảng phải “duy trì mục tiêu” phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và ” kiên quyết chống lại xu hướng đòi độc lập” cho hòn đảo.
Hôm qua 31/10, đoàn đã tới Nam Kinh thăm lăng mộ Tôn Trung Sơn, người khai sinh ra Quốc Dân Đảng và cũng là một lãnh tụ của cách mạng dân tộc Trung Hoa, nhân sắp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông.
Bà Hồng Tú Trụ thiên về lập trường ủng hộ Đài Loan thống nhất với TC và cũng là lãnh đạo nữ đầu tiên của Quốc Dân Đảng. Khi bà Hồng được bầu là lãnh đạo Quốc Dân Đảng vào tháng 03/2016, Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng, tuy nhiên, trong thư ông cũng nhắc nhở là Bắc Kinh chống lại bất kỳ phong trào đòi độc lập nào.
Sau cuộc nội chiến 1949, quân đội của Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất bại trước lực lượng Cộng Sản của Mao Trạch Đông và phải rút lui về đảo Đài Loan. Từ đó đến nay hòn đảo này vẫn luôn là một thực thể độc lập với TC. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của TC.
Thời kỳ Quốc Dân Đảng nắm quyền từ năm 2008 đã đánh dấu một giai đoạn xích lại gần nhau đáng kể giữa Đài Loan và Trung Hoa lục địa. Tuy nhiên mối quan hệ này đang trở nên xấu đi rõ rệt kể từ khi bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đảng Dân Tiến giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hồi tháng 5/2016.
Bà Thái Anh Văn từ chối công nhân thỏa thuận năm 1992 ký giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, theo đó “chỉ tồn tại một nước Trung Hoa duy nhất”. Hệ quả là Bắc Kinh đã cắt liên lạc chính thức với chính quyền Đài Loan hiện nay. – Theo RFI
***
TC khẳng định chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài của họ vẫn không thay đổi, đáp lại những lo ngại rằng đầu tư nước ngoài của những công ty châu Âu đang trở nên khó khăn hơn ở TC.
Bộ trưởng Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel viết trong một cột báo của tờ Welt am Sonntag hôm thứ Bảy rằng TC đang mua trọn những công nghệ quan trọng về mặt chiến lược ở Đức trong khi không cho công ty nước ngoài thâu tóm những công ty của chính mình bằng “những quy định mang tính kỳ thị.”
Ông Gabriel hối thúc Liên minh châu Âu bảo đảm một sân chơi công bằng và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với TC.
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo thường nhật hôm 31/10, nhấn mạnh rằng TC và châu Âu đang ở trong những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và sử dụng những mô hình quản lý khác nhau.
Lưu ý rằng chính phủ TC vẫn nhất quán theo đuổi khai mở nền kinh tế, bà Hoa nói rằng chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi.
“Trung Quốc sẵn lòng kiến tạo một môi trường đầu tư công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bao gồm các nhà đầu tư từ Đức,” bà Hoa nói.
Bà cho biết thêm những doanh nghiệp TC được khuyến khích đầu tư nước ngoài phù hợp với những nguyên tắc thị trường, luật pháp nước sở tại và những chuẩn mực quốc tế vì lợi ích chung.
Những công ty của TC lâu nay vẫn đang lùng sục khắp thế giới để mua công nghệ, thương hiệu, và những tập đoàn đa quốc gia. Xu hướng này đã tăng đáng kể trong năm nay.
Báo Financial Times cho biết trị giá những vụ thâu tóm ở nước ngoài của TC trong chín tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 191 tỉ đôla, gần gấp đôi đầu tư nước ngoài đổ vào TC trong cùng kỳ.
Dù những vụ thâu tóm này nhìn chung được các nước tiếp nhận chào đón vì chúng tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, song những chỉ dấu cho thấy sự chống đối đang tăng lên ở Mỹ và Úc và gần đây cũng ở Châu Âu. Gần 40 triệu đôla những thỏa thuận với TC đã bị hủy bỏ từ giữa năm 2015, chủ yếu là do vấn đề cạnh tranh và an ninh quốc gia bị săm soi nhiều hơn.
Danh sách những những thỏa thuận bị săm soi đang trở nên dài hơn với việc đình hoãn thỏa thuận 44 tỉ đôla của ChemChina thâu tóm công ty nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ.
Đức mới đây đã tuyên bố không chấp thuận để Fujian Grand Chip mua lại công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Aixtron, dẫn ra “thông tin liên quan tới an ninh trước đây chưa được biết tới.”
Nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức dẫn những nguồn tin tình báo Đức cho biết nhà chức trách Mỹ đã cho chính phủ Đức xem những bằng chứng cho thấy những con chip làm từ thiết bị của Aixtron có thể được sử dụng vì mục đích quân sự.
Nhưng sự bất cân đối về đầu tư nước ngoài giữa TC và các nước phương Tây mới là điều đáng lưu ý. Các công ty của phương Tây gần như không bao giờ được Bắc Kinh chấp thuận cho mua lại một công ty quốc doanh quan trọng của TC hoặc thậm chí một công ty tư nhân trong ngành bị hạn chế tiếp cận.
Điều này có nghĩa là những công ty như Đại Liên Vạn Đạt, một công ty có những liên hệ chặt chẽ với chính phủ TC, có thể thâu tóm những phim trường mang tính biểu tượng của Hollywood nhưng những công ty nước ngoài lại bị ngăn cản mua lại những công ty tương đương của TC.
Tương tự, công ty Midea của TC mua được Kuka, công ty sản xuất robot và là một trong những công ty tiên tiến nhất của Đức. Thế nhưng khi Carlyle, một công ty góp vốn tư nhân của Mỹ, tìm cách mua lại XCMG, công ty sản xuất công cụ máy móc của TC, thì việc này bị Bắc Kinh ngăn chặn.
Trong một bài xã luận phản ánh quan điểm của mình, Financial Times, nhật báo chuyên về những vấn đề tài chính kinh doanh của Anh, gọi sự mất cân đối này là “không thể kéo dài và không đáng mong muốn.”
“Nếu TC muốn tiếp tục hưởng lợi từ sự tiếp cận gần như miễn phí đối với những thương hiệu và công nghệ tốt nhất mà phương Tây có, họ cần xem xét nghiêm túc sự tương hỗ qua lại,” bài báo viết. – Theo VOA