Mặc dù thú nhận “không phải không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm”, nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm khuyết điểm này và kiên quyết sửa chữa, dù đau đớn, nên đã khiến cho người dân càng tin tưởng vào đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam.
“Nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có đau đớn hay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản”, ông Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân vào ngày 20/1, nhân dịp Tết Nguyên Đán và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vẫn theo lời ông Trọng, chính nhờ tinh thần “tự phê bình và phê bình này” mà “hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bài phỏng vấn đặc biệt Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về hành động được cho là “thất nhân tâm” khi thực hiện cuộc bố ráp, đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho “thủ lĩnh tinh thần” của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán, dịp hội tụ quây quần của các gia đình Việt Nam.
Bộ Công an quy kết ông Lê Đình Kình và hàng chục người dân làng Đồng Tâm là “đối tượng chống đối” và đưa ra quyết định khởi tố vụ án ngay sau đó đối với 22 người làng Đồng Tâm (trong đó có nhiều người là con cháu ông Kình) về 3 tội danh: giết người, tàng trữ-sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.
Trong khi đó, 3 công an tử vong ngay lập tức được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” và Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp.
Theo nhận định của một số người quan sát tình hình thời sự Việt Nam, chưa có vụ tranh chấp đất đai nào từ trước tới nay lại dẫn đến sự phân hóa, chia rẽ công luận và rạn vỡ xã hội như trong vụ Đồng Tâm.
Hơn 10 ngày kể từ sau khi xảy ra vụ việc, công luận vẫn có thể nhìn thấy rõ làn sóng bất bình của người dân biểu lộ qua mạng xã hội và những hành động “bất tuân dân sự”.
Chẳng hạn, ngay sau khi Bộ Công an tuyên bố việc phong tỏa số tiền phúng điếu ông Kình với hơn nửa tỷ đồng (gần 23.000 USD) mà người dân đóng góp là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi “tài trợ khủng bố”, kêu gọi người dân “nâng cao cảnh giác, không gửi tiền và tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ” và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý”, thì người dân không những không tuân theo mà còn lập tức “tỏ thái độ” bằng cách kêu gọi tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi lưu giữ số tiền gây quỹ trên, và đồng thời gây một quỹ khác trên GoFundMe và đóng góp số tiền còn nhiều hơn số tiền đã bị công an phong tỏa, gần 35.000 USD (vào tối 21/1) chỉ sau 3 ngày kêu gọi.
Một số người khác, đứng đầu là TS. Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đã đến Viện kiểm sát Hà Nội nộp đơn “tố cáo” về hành vi giết người trong vụ việc mà họ cho là chính quyền đã “tấn công” vào người dân tại Đồng Tâm.
VOA