Tàu Pháp tuần tra Biển Đông
03/11/2017
Nathalie Guibert
(Báo Pháp Le Monde số ra ngày 1 tháng 11 năm 2017)
Từ đáy lòng, xin cảm ơn tàu săn ngầm Auvergne
André Menras, Hồ Cương Quyết
Mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi công dân trên thế giới gắn bó với tự do và hòa bình chỉ còn biết vui mừng trước sáng kiến này của nước Pháp: một cuộc xuất quân để hiện diện và khảo sát vùng biển Đông Nam Á đang bị Tàu đe dọa cấm thiên hạ bén mảng. Phóng sự của báo Le Monde xác nhận về căn bản mối hiểm họa chờ chực xảy ra: «Hiểm họa là một ngày nào đó sẽ thấy Biển Nam Trung Hoa đóng lại như một cái hồ, mọi quyền lợi của các cường quốc khác bị Tàu bắt làm con tin». Trung Quốc đã «bắt làm con tin» rồi các đảo và vùng biển Việt Nam tại Hoàng Sa, tại Gạc Ma… Trung Quốc đang thuận đường kiểm soát một khoảng không gian độc lập lớn của nước Philippines được tổng thống Duterte của họ chống cự èo uột …
Về luật pháp, nước Tàu chỉ thừa nhận có luật pháp Tàu. Nước Tàu tự đặt ra ngoài Công ước LHQ về quyền Biển mà chính họ có ký. Tòa Trọng tài La Hague mới xác nhận không mập mờ những vụ nước này xâm phạm luật pháp quốc tế: «Trung Quốc không có các quyền do lịch sử để lại» đối với đại bộ phận vùng nước chiến lược ở Biển phía Nam Trung Hoa; nước này đã «vi phạm chủ quyền … »; Trung Quốc đã «làm cho việc tranh chấp thêm nghiêm trọng»… Tóm lại, Trung Quốc đang âm thầm xây dựng Vạn Lý Trường Thành trên biển của họ bằng chính sách dùng đại bác, đã dùng sức mạnh quân sự để các quốc gia trong vùng mất đi chủ quyền của họ và dùng con đường thương mại đầy sức mạnh chiến lược để thách thức cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Đây rành rành là một chiến lược xâm lược bắt đầu từ năm 1974 khi nước Trung Hoa của họ Mao đã dùng quân sự chiếm quần đảo Hoàng Sa trước sự câm tiếng (của thế giới) ai ai cũng thấy. Và bây giờ thì Tập Cận Bình đang hoàn tất vụ thâu tóm này.
Trong bối cảnh đó, có ý nghĩa hơn là một cuộc xuất quân để khẳng định luật lệ quốc tế, sự hiện diện về quân sự tại các quốc gia bị đe dọa ở vùng dễ bùng nổ này có ý nghĩa là một hành động phòng vệ chính đáng. Tuyệt đối chính đáng và cần thiết vì luật pháp và chưa muộn đâu, còn vì hòa bình nữa.
Bởi vì, việc duy trì không gian quốc tế bị đe dọa không thể chỉ thu gọn lại ở cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington. Cuộc ra quân này rõ ràng có tầm cỡ toàn cầu, phổ quát. Nước Pháp đã mở ra con đường bày tỏ sự cảnh giác quyết liệt và sống còn này. Cầu mong cho tấm gương Pháp này sẽ nhanh chóng được noi theo bởi những quốc gia liên quan như: Anh quốc, Châu Âu, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản … Điều này sẽ có tác dụng đẩy lùi lũ cướp biển và mang lại sự vững tâm cho những ngư dân tội nghiệp bị bọn Bắc Kinh vùi dập.
André Menras, Hồ Cương Quyết
|
Tàu Pháp tuần tra Biển Đông
Le Monde – Tàu săn ngầm Auvergne của Pháp vào tháng Mười (2017) đã tiến hành lần đầu tiên một cuộc xuất quân tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – nơi có nhiều nước tranh chấp chủ quyền, đứng đầu bảng là Trung Quốc. Cuộc tranh chấp địa-chính trị này khiến vùng biển nằm giữa Việt Nam, Philippines, Trung Hoa và Malaisia trở thành một trong những điểm nhạy cảm nhất toàn cầu. Khu vực đặc biệt này luôn luôn được «thăm viếng» cả trên mặt nước cũng như dưới ngầm. Có nghĩa là cuộc xuất quân của Pháp lần này được theo dõi chặt chẽ. Trên con tàu săn ngầm này, nhà báo nữ Nathalie Guibert kể lại nỗi lo âu của thuyền trưởng Xavier Breitel và cách thủy thủ đoàn đã làm để không châm ngòi cho những phản ứng đối địch.
*
Trên con tàu Auvergne trên vùng biển phía Nam Trung Hoa, con tàu săn ngầm của Pháp dã thực hiện một chuyến ra quân lần đầu tiên tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Một trận bão tung hoành phía Bắc, gió hơn 75 km/ giờ. Phiá sau những vòi nước đang trút xuống quân cảng Kota Kinabalu của Malaisia, khó mà nhìn ra những hòn đảo bao quanh vùng bờ biển nước ấm và bùn. Con tàu chiến Pháp nhổ neo khỏi nơi đây giữa hai đợt gió mạnh, dưới bầu trời đầy mây mù trắng như sữa. Thứ Sáu 20 tháng Mười, tàu Auvergne, con tàu săn ngầm mới sinh của Hải quân Pháp đi vào vùng biển nằm ở phía Nam Trung Hoa trực chỉ quần đảo Trường Sa. Những rạn đá nằm gần Philippines này được tất cả các nước trong khu vực đeo đuổi, mà hàng đầu là Trung Quốc, nước đã xây đắp ở đó các công trình vĩnh cửu. Trong những ngày sắp tới, con tàu sẽ tiến thẳng tới Trường Sa nằm ngoài khơi Việt Nam. Cả ở đó, Bắc Kinh cũng quân sự hóa quần đảo đang còn tranh chấp này, tạo thành đường phòng thủ tiền phương của cánh phía Nam Trung Quốc.
«Việc đã rồi»
Các tấm bản đồ của người Anh được đặt lên bàn điều khiển hải hành tàu Auvergne. Các chú thủy thủ Pháp phải học tất cả về biển phía Nam Trung Hoa, có những điểm sâu tới 4.000 mét. Đây là nơi qua lại vận chuyển một nửa nền giao thương thế giới. Những căng thẳng trong vùng và quốc tế đều gia tăng vì tác động của chính sách bành trướng của Bắc Kinh mà người phương Tây đánh giá là «việc đã rồi». Tại đây, Hải quân Pháp lần đầu tiên tiến hành tác nghiệp đầy đủ tới mạn Bắc của khu vực.
Tàu săn ngầm có nhiệm vụ ưu tiên là tác chiến săn ngầm. Những quốc gia vùng Thái Bình Dương (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Australia) tất cả đều hiện diện về quân sự ai ai cũng thấy ở vùng biển này. Ngày thứ Sáu này, ba tàu săn ngầm Nga vừa tới Manilla, trước thềm một cuộc Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á. Khi thuyền trưởng Xavier Breitel thông báo «Có vật dưới ngầm», chắc chắn đó là những con tàu của Trung Quốc, trong đó có cả những tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Quân Giải phóng Nhân dân. Ngày 28 tháng Mười, Bắc Kinh vừa mới thông báo rằng để chuẩn bị triển khai nhiều hơn nữa nước này sẽ thành lập tại Hải đội phía Nam thêm một đơn vị cứu hộ ngầm.
Nếu tàu Auvergne và trực thăng Caïman phát hiện sóng âm của một trong những con tàu kia, thì đó cũng lại là một «lần thứ nhất» nữa. «Nếu bảo đó là tàu Mỹ, thì ta đã đề cao họ (người Trung Quốc) quá mức!», một sĩ quan kỹ thuật hàng đầu trên tàu nói nhạo. Liệu người Tàu sẽ phản ứng ra sao? Từ năm 2015, có cả chục tàu Pháp đi lại gần quần đảo Trường Sa. Hải quân Pháp có phương tiện hạn hẹp, nhưng các chuyến hải hành trên vùng biển Nam Trung Hoa càng ngày càng đều đặn làm nhiệm vụ trinh sát.
Mặc dù các tàu này đều đi vào các vùng biển quốc tế, nghĩa là ngoài 12 hải lý (22,2 km) cách xa các đảo tranh chấp, song một nửa số tàu của Pháp này đã bị Hải quân Bắc Kinh «theo dõi»: cách đơn giản là bị hỏi han qua radio hoặc thô lỗ hơn thì cho tàu chạy bám theo. Nước Trung Hoa không phải là «mối đe dọa», chỉ huy của ta dẫu sao cũng nhắc nhở đoàn tàu bám theo đó. «Đây chỉ đi ngang thôi mà, và đi trên vùng biển quốc tế, như mọi con tàu. Đi ngang không gây hấn gì chỉ cốt thấy luật giao thương vẫn có giá trị thôi mà», chỉ huy của ta nói.
Nước Pháp muốn hành động khác với Hoa Kỳ, nước này tiến hành các «hoạt động tự do giao thông» rất đủ lệ bộ hợp thức. Thực vậy, các tàu chiến Mỹ đã đi vòng quanh nhiều lần các đảo đang tranh chấp, họ đi ngang đi dọc các vùng rạn đá và bãi nổi, đi thành những vòng số 8 trên mặt biển… Vào tháng Tám, tàu sân bay USS McCain đã đến sát đá Vành Khăn (Mischief) tới 6 hải lý, thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đó là lần thứ ba họ tác nghiệp như vậy trên biển phiá Nam Trung Hoa kể từ khi Donald Trump được bầu làm tổng thống, người thường xuyên trách cứ Bắc Kinh về những hành động xâm lấn thực địa của nước này. Bắc Kinh đã ngay lập tức kết án đó là «hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Hoa», và khẳng định đã «đuổi» con tàu Mỹ đi.
Tàu Auvergne dự tính đi cách các đảo tranh chấp từ 30 đến 13 hải lý. Tàu bắt đầu kín đáo đi hướng tới vĩ tuyến 10. Các radar và hệ thống định vị đều ngắt, máy dò sóng âm tắt, trực thăng cho vào nhà chứa, theo cách này con tàu sẽ không lớn hơn một con tàu chở hàng nếu bị phía «bên kia» dò ra. Nhưng rồi nó cũng vẫn hành động như một con tàu chiến dang hoạt động. Bữa thứ Sáu đó, các thủy thủ được đưa vào vị trí chiến đấu từ lúc 20 giờ. Đêm xuống, các cờ tín hiệu, các đèn chiếu và máy ảnh đều vào vị trí để ngộ nhỡ có «trao đổi» với tàu chiến Trung Quốc. Các trọng liên 12,7 mm lên đạn và đặt bên sườn boong tàu. Tàu Auvergne sẵn sàng bị tiếp cận. «Tôi chờ đợi bị theo dõi», thuyền trưởng nhấn mạnh. Khi đó, cần ghi lại cho đầy đủ. «Mặt sau của mọi sự là một cuộc chiến tranh thông tin». Chỗ tinh vi của vấn đề là phản ứng nhân danh an ninh biển theo luật quân sự chung, không bao giờ gây cảm giác tuân theo luật quân sự kiểu Tàu. «Tôi giữ nguyên hành trình, giữ nguyên tốc độ». Thứ Bảy ngày 21, đá Công-Đo (Commodore) hiện ra ở phía bên trái màn hình cuộc hải hành. Bên ngoài, nhiệt độ nóng ẩm, chỉ có những ngư dân trên biển. Nhưng phía xa bên trên màn hình, khi gần tới đá Vành Khăn, phát hiện hai dàn radar Tàu. Chúng đang hoạt động. Rồi gần trưa, phát hiện dàn radar Tàu thứ ba. Phía Đông, một tàu vận tải lương thực quân sự của Tàu cũng đang trên đường tới đá Vành Khăn. Vượt vĩ tuyến 10, theo đúng kế hoạch, tàu săn ngầm Pháp lộ diện. «French warship!», trực ban nói qua radio. Các radar trên tàu Auvergne lại bật – các khí tài quân sự Trung Quốc dĩ nhiên đã bắt được sóng. Trực thăng chuẩn bị cất cánh, cùng với máy dò sóng âm, đó là một phao ném xuống mà lũ tàu ngầm rất sợ. Nhưng chẳng có tín hiệu gì. Chẳng có con tàu nào đang đi tới tàu Auvergne của ta.
Lảng tránh. Từ trên boong, chúng tôi theo dõi chặt chẽ những con tàu bằng gỗ sặc sỡ đang bơi trong vùng. Nom chúng giống hệt tàu cá của ngư dân, chúng không chạy loăng quăng, đó là những dân binh Tàu cải trang thành dân thường, có nhiệm vụ tiên phong tại vùng Trường Sa. Họ chưa hành động gì, tàu Auvergne vẫn giữ nguyên hải trình, cứ lướt sóng mà đi. Nếu thay đổi tốc độ, nếu quay đầu, nếu rẽ ngoặt, đó sẽ là những thao tác quân sự mang tính khiêu chiến trên biển.
«Rắc rối là ở chỗ, nếu tránh những «ngư dân» kia, hải trình của mình sẽ đi vuông góc vào vùng biển đang tranh chấp», sĩ quan trực ban nhận xét.
«Đồ hộp»
Ra đi đã hai tháng, các thủy thủ Auvergne đều đã mệt. Con tàu săn ngầm mới và «đa chức năng» này được thiết kế cho một thủy thủ đoàn giảm bằng nửa bình thường, khiến anh em đều kiệt sức, và một đêm thức dài dặc đã khiến thần kinh họ căng thẳng. Công việc coi như xong. Máy dò âm thanh cả đêm hoạt động của tàu Auvergne sục sạo dưới biển cứ reo lên the thé làm thủy thủ đoàn thức giấc.
Chủ nhật 22, sáng sớm con tàu ra khỏi vùng Trường Sa. Trực thăng bốc bay lên bầu trời xám xịt, bảo đảm con tàu không bị theo dõi. Khi nhận ca trực ban mới sáng sớm nay, cậu «midship» (sĩ quan nhỏ tuổi nhất) hứa hẹn một ngày đẹp tuyệt cho những con tàu ngầm nào dõi theo tàu Auvergne: «được run rẩy trong các vỏ đồ hộp của quý vị!» Đến gần Scarborough, vùng bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines, tàu của ta phát hiện một tàu tuần duyên Trung Quốc, nó tảng lờ con tàu của ta. Trong khi bên ta vẫn đón đợi một cuộc gặp gỡ ít nhiều lịch thiệp trên mặt biển, các máy dò sóng âm vẫn quét khắp vùng dưới mặt nước, hy vọng lôi cuốn những kẻ đối lập và lật tẩy dấu vết bằng âm thanh của chúng. «Chúng tôi cược rằng khi đến địa điểm nào đó, cái tàu ngầm rất có thể đang ở đó sẽ di chuyển đi chỗ khác», một sĩ quan ở vị trí trung tâm tác nghiệp giải thích. «Tại vì, một tàu ngầm nào đó đang có mặt ở đây sẽ không thể không phát hiện ra chúng ta», thuyền trưởng giải thích rõ hơn. Đến 19 giờ, hình như đã túm được một chú tàu ngầm. Đã ghi nhận một chú rất có thể là một tàu ngầm. Nó cũng lẩn trốn mình. Trên mặt biển động, tàu Auvergne hướng Trường Sa thẳng tiến. Thứ Hai, chiếc trực thăng trở lại sau chuyến tuần tra cuối cùng với một ghi nhận có tàu bên dưới mặt nước. Nó chộp được chú nữa vào sáng thứ Ba. «Về mặt chiến tranh chống tàu ngầm, không phát hiện được gì không hẳn đã là thất bại. Mình vẫn làm cho bên đối phương nghi ngờ. Và nếu có ai đó trong vùng, thì mình cũng làm cho hắn ta đủ khó chịu rồi», chàng dẫn đường A. giải thích rõ hơn. Khi «không có va chạm trực tiếp với bên phía Trung Quốc, thì đó cũng là một thông tin!», sĩ quan tác nghiệp R. nói. Bắc Kinh có hai mươi tiền đồn ở vùng Hoàng Sa và trên tám đảo vùng đó, họ đã xây dựng kiên cố. Ngày hôm sau, hướng hải hành ra đảo Lincoln, tàu Auvergne bơi một vòng để hướng xuống mạn Singapour, được hộ tống bằng cả một bầy đàn hải âu săn cá chuồn. Đi ngang bãi cạn Bombay, vào buổi trưa thứ Tư, lại phát hiện các dàn radar Trung Quốc. Ý chí không gì lay chuyển của Bắc Kinh. Phản ứng của Bắc Kinh diễn ra tức khắc khi tàu Auvergne vướt qua để lại bên mạn phải cái căn cứ chính của Quân Giải phóng Nhân dân trên đảo trên đảo Woody, đi dọc vùng biển cạn Macclesfield. Một máy bay tuần tra biển của Trung Quốc bay từ mạn Đông Bắc hiện ra trên màn hình radar. Một chứng cớ, nếu còn cần đến chứng cớ, về việc Trung Quốc gửi phương tiện tuần tra của họ xa vùng biển được thừa nhận của họ. Chiếc máy bay tới thám sát tàu Auvergne. «Rất chuyên nghiệp. Tàu của ta vẫn không bao giờ cảm thấy bị đe dọa», thuyền trưởng Breitel phán. Trên không, chiếc máy bay tuần tra ở lại khoảng cách 12 hải lý, bay một vòng quanh tàu Auvergne. Rồi nó bay về phía Nam trước khi bay về phiá chính Bắc. Và khi hai lần tàu săn ngầm Auvergne thay đổi hoạt động, thì cũng hai lần chiếc máy bay kia điều chỉnh đường bay. Dù không nói năng gì, rất có thể Hải quân Trung Hoa vẫn theo dõi tàu Auvergne từ khi nó bắt đầu chuyến viễn du. Và họ đã áp dụng một nguyên tắc của nhà chiến lược Tôn Tử: «Khi hành động, thì làm như bất động. Khi đến gần, thì làm như đi ra xa. Khi đã ở xa, hãy làm như đang ở cận kề». Trung Quốc làm cho các nước trong vùng quen với thái độ của họ, bộ tham mưu Pháp nhấn mạnh. Nhưng giữa lảng tránh và dùng sức mạnh, bao giờ Bắc Kinh cũng bầy tỏ ý chí khôn glay chuyển của họ là gia cố các vị trí của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. «Nếu ở đây người ta nhạo báng được quyền tự do giao thông, thì trong thời gian ngắn điều đó sẽ diễn ra khắp nơi», lời của Denis Bertrand, đô đốc chỉ huy vùng biển Thái Bình Dương của Pháp. Điều nguy hiểm là một ngày nào đó được thấy biển phía Nam Trung Hoa đóng lại như một cái hồ, bắt giữ làm con tin tất cả quyền lợi của tất cả các cường quốc khác».