Tập San Tân Ðại Việt Số 7 – 2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Ðại Việt Số 7 – 2015

Mục Lục

Chánh trị, Kinh tế

Bs Mã Xái: Nguyễn Phú Trọng công du Hoa Kỳ, nhìn lại sau hai năm quan hệ đối tác toàn diện Sang-Obama

TS. Nguyễn Ngọc Sẵng: Ba Chuyến Đi Mỹ của Phạm Quang Nghị…

Nhữ Đình Hùng: Làm thế nào Nhà Nước Hồi Giáo (E.I) lại có thể có thế lực như hiện nay?

Phan Văn Song: Nhân Quyền, Điều Kiện Tiên Quyết Để Phát Triển Dân Chủ Tại Việt Nam

Nguyễn Vĩnh Long Hồ: Tọa Sơn Quan Hổ Đấu

Phan Văn Song: Việt Nam còn khả năng phát triển không? Từ thực tế tụt hậu ngày nay, hãy nhìn về tương lai

Tài liệu tham khảo

GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn Lý thuyết xã hội

Trần Nguyên: Nhân tài xứ bưởi, GS Nguyễn Ngọc Huy

Nguyễn văn Trần: Chung quanh vài luận điểm mới về Hồ Chí Minh

Phan Văn Song: Việt Nam Con Người và tư tưởng

Nhữ Đình Hùng: Tin tức Âu Châu

-Khủng bố ở Isère

-Họp mặt các quốc gia  liên ….

nhanquyenchovietnambolgspot: Sự suy xét lại toàn diện của Mỹ về Trung Quốc

anhbasam.wordpress.com: Biển Đông có thể trở thành cuộc chạy đua sức mạnh quân sự nguy hiểm

Trương Sĩ Lương Nhân: Ngày Quân Lực VNCH 19-6

Sưu tầm, Văn, Thơ

Đằng Phương: Thơ Anh Hùng Vô Danh

Nhữ Đình Hùng: Thơ Sống khỏe để chờ chết

Nguyễn thị Cỏ May: Mặt thật của lãnh tụ cộng sản Fidel Castro

vn-share-news.com: Chuyện 1 người Việt can đảm

Đoàn Thanh Liêm: Chết mới được ra lời

Nguyễn thị Cỏ May: Hội Rau Muống

NhaNgoc: Du sinh hồi hương

Minh Diện: Vết Roi

BS Trần Ngọc Quang: Saigon xưa

 

Nguyễn Phú Trọng công du Hoa Kỳ, nhìn lại sau hai năm quan hệ đối tác toàn diện Sang-Obama – Bs Mã Xái

Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí Thư đảng CSVN chuẩn bị cuộc găp gỡ Tổng Thống Obama tại Toà Bạch Ốc Thứ Ba 7-7-2015 trong một lịch trình thăm viếng năm ngày từ ngày 5 đến 9-7-2015, trong lúc nội tình của đảng đầy bất ổn tranh chấp quyền lực trước đại hội đảng XII, đồng thời trên mặt trận đối ngoại tình hình căng thẳng ở Biển Đông vẵn tiếp tục leo thang dù TBT Trọng đã triều kiến Bắc Kinh trong chuyến công du tháng Tư vừa qua ở Bắc Kinh.

Một mặt khác, ông Trọng sẽ chứng kiến một cuộc biểu tình lớn lao của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản để phản đối chế độ toàn trị độc tài do toàn trị.

Và về phía Hoa Kỳ, Hội đồng An Ninh Quốc gia có buổi họp tham vấn tại toà Bạch Ốc hôm thứ Tư với các nhân vật hoạt động dân chủ, nhơn quyền để ghi nhận các đề nghị có thể được trình bày trong hồ sơ đối thoại Trọng-Obama.

Nhu cầu gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo quốc gia tuy hơi bất thường trong cung cách ngoại giao của Hoa Kỳ trong sự thừa nhận một lãnh tụ đảng CSVN như một lãnh đạo nhà nước giữa hai quốc gia có chế độ chánh trị khác nhau, không cùng ý thức hệ. Sự kiện này nhắc lại việc Đặng Tiểu Bình năm 1979 khi ông là một phó chủ tịch quân uỷ trung ương, vừa là phó thủ tướng TC cũng được Hoa Kỳ tiếp đón trọng thể, ông còn đọc môt bài diễn văn lịch sử trước quốc hội Hoa Kỳ để cho CS Hà Nội “một bài học để đời” trong cuộc chiến tranh biên giới Hoa-Việt.

Nghị trình phiên họp của hai vị có thể suy đoán dựa trên các vấn đề then chốt cần thảo luận mà cách đây hai năm Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama xác lập tại Toà Bạch Ốc quan hệ Đối tác toàn diện Viêt Nam-Hoa Kỳ (Tuyên Bố chung ngày 25/7/2013), tạo ra cơ chế hợp tác trên nhiều lãnh vực. Trong hai năm qua nhiều biến chuyển đáng kể trong mối quan hệ phức tạp Việt –Trung-Mỹ. Hai điểm nổi bật trong trong bối cảnh bang giao tam giác này là đồng chí 16 chữ vàng bốn tốt Bắc Kinh đã lộ diện bắt nạt, chèn ép CSVN không thương tiếc trong vấn đề Biển Đông; kế tiếp là việc Hoa Kỳ mở cửa giúp cho Trung cộng vươn lên giàu mạnh, những mong người đối tác phương Bắc sẽ đảm lấy trách nhiệm một cường quốc giúp thế giới an ninh hơn, ngược lại Trung Cộng ngày nay được Ngũ Giác Đài xếp vào nhóm quốc gia đe doạ nền an ninh cho Hoa Kỳ (Trung Cộng, Nga,Bắc Hàn, Iran).

Bài nhận định này không nhằm đánh giá buổi họp mặt giữa Trọng và Obama, mà chỉ nhằm nhìn lại các chuyển biến bang giao Việt Mỹ và những những định hướng mới do ảnh hưởng thời cuộc trên bước đi trong tiến trình thực hiện quan hệ đối tác toàn diện. Do đó các vấn đề Biển Đông , chiến lược Tái Cân Bằng/ Xoay Trục, TPP, An ninh , Nhân quyền phần chắc sẽ là những hồ sơ ưu tiên trên bàn đối thoại Obama-Trọng trong cuộc găp gỡ tại Toà Bạch Ốc dự trù diễn ra ngày 7/7/2015.

Trước hết là tình hình Biển Đông, mà biến cố nổi bật là việc bồi đấp đảo nhơn tạo trong vùng quần đảo Trường Sa với qui mô quân sự hoá, gây nên sự bất ổn, đe doạ nền an ninh khu vực, có khả năng làm trở ngại con đường huyết mạch lưu thông nhộn nhịp nhứt trên thế giới, chưa nói đến việc TC còn hăm he có thể thiết lâp vùng nhận dạng phòng không; TC lại lôi giàn khoan HD-981 trở lại vùng biển ngoài khơi Việt Nam tại một địa điểm chỉ cách bờ 100 hải lý. Tại Đối Thoại Sangri-La (31-5-2015) Bộ trưởng Hoa Kỳ tuyên bố tuy không can dự vào tranh chấp chủ quyển biển đảo, nhưng cũng nhắc nhở mọi tranh chấp cần được xử lý ôn hoà; Ông Carter kêu gọi các bên tranh chấp ngưng ngay các công tác xây đấp đảo nhân tạo và chấm dứt quân sự hoá trên các thực thể tranh chấp. Hoa Kỳ hổ trợ quyền kiện tụng tại toà án trọng tài quốc tế, và khuyến khích các quốc gia ASEAN cùng Trung Cộng sớm kết thúc Bộ Quy-tắc Ứng xử (COC); Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đến cùng quyền tự do lưu thông trên biển cũng như trên không nơi mà luật pháp quốc tế cho phép; TC nên biết rằng dù có cải tạo những bãi đá ngầm thành sân bay cũng không giúp TC hợp thức chủ quyền trên đảo nhơn tạo cũng như những đòi hỏi phi pháp, phi lý trên đường Lưỡi Bò còn gọi là Đường Chín Đoạn. Bộ Trưởng Carter cho biết động thái của Trung Cộng ở Biển Đông đã bước ra khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế vốn là nền tảng cho an ninh và ổn định cho Biển Đông. Trong khi Tướng Vịnh thứ trưởng quốc phòng VC coi việc Biển Đông là của Hoa Kỳ và tuyên bố quan điểm ba không để làm vui long phương Bắc.

Sự thể đang đi vào chỗ bế tắc vì chánh sách lệ thuộc Đại Hán của ban lãnh đạo đảng CSVN qua mấy thời kỳ từ thoả thuận Thành đô và các thoả thuận khác giữa sau này; Trọng và nhóm lãnh đạo bảo thủ vẫn chưa sáng mắt để thật lòng chuyển hướng trong quan hệ mới của thời đại để thoát Trung mà trở về với dân tộc, điều mà trí thức tinh hoa cấp tiến trong nước quan tâm đến vận mạng đất nước đang mất dần vào tay TC. Hy vọng Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển biến tư duy sau buổi họp mặt lich sử này.

Tổng Thống Obama chắc không lạ gì với các thoả thuận bán nước cho TC của các lãnh đạo của đảng CSVN với chánh sách ngoại giao lệ thuộc vào Trung Cộng. Dù thấy như vậy, nhưng vì nhu cầu chiến lược tái cân bằng/ chuyển trục về Châu Á, Tổng thống Obama đã nhiều lần coi CSVN là đối tác tiềm năng để hợp tác trong cơ chế Đối tác toàn diện theo Tuyên bố chung Sang-Obama 25-7-2013, điều này cho thấy trong hồ sơ Biển Đông và trong mối quan hệ ngoại giao Việt Mỹ, Hoa Kỳ bỏ qua sự khác biệt ý thức hệ, chế độ chánh trị, cái mà Hoa Kỳ quan tâm là quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Trong cái nhìn chiến lược cho một Á Châu-Thái bình dương an ninh, ổn định có cơ hội vươn lên và thịnh vượng (và tất nhiên cho Hoa Kỳ nữa), một vùng có trên 60% dân số thế giới và là nơi có vai trò đòn bẩy phát triển kinh tế cho hoàn vũ, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh khởi động hiệp hội tự do mậu dich với chuẩn mực cao của thế kỷ là hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Hoa Kỳ đã đặc biệt mời CSVN vào tham gia đàm phán, có thể kết thúc ngay trong chuyến công du của Nguyễn Phú Trọng tại Hoa Kỳ nếu các vấn đề nhạy cảm (công đoàn độc lập, kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, nhơn quyền, xã hội dân sự độc lập…) được TBT Nguyễn Phú Trọng giải đáp thoả đoán.

TPP là mủi dùi chiến lược quyết đinh trong chánh sách Á Châu-TBD, bên cạnh các mũi dùi an ninh, ngoại giao, nhơn quyền, mà Hoa Kỳ đang đương đầu với chiến lược kinh tế tài chánh của cường quốc kinh tế Trung Cộng đang phát động những dự án lớn “Một Vòng Đai , Một Con Đường”, Ngân hàng Á Châu Đầu tư Hạ tầng Cơ sở (AIIB), hiệp hội mậu dịch tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership); người ta thấy nhà nước CSVN vừa tham gia đàm phán với TPP, với RCEP và cũng là thành viên của AIIB.

Động thái hung hãn, ỷ thế, dùng cơ bắp bắt nạt, chèn ép nước nhỏ, cưởng chiếm phi lý, trái luật pháp chuẩn mực quốc tế trong tranh chấp Biển Đông làm thay đổi nguyên trạng khu vực gây tình hình căng thẳng, đe doạ an ninh ổn định, làm nhiều quốc gia quan tâm khiến khối ASEAN có thể ngồi gần nhau lại, mong muốn sự hiện diện của Hoa Kỳ để tạo thế cân bằng Mỹ-Trung. Việt Nam là nước chịu thiệt thòi nhứt trước chánh sách xâm lược của Bắc Kinh, mà sự chịu đựng, mối nhục nhã đã đến cái chớn có thể làm cho TBT Trọng nên xem lại cái chánh sách ba không, nên xích lại Hoa Kỳ gần hơn, dựa vào Hoa Kỳ để tăng cường nội lực, vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, trao quyền lại cho dân, vì chỉ có sức mạnh tổng hợp của toàn dân, ý chí quyết thắng của toàn dân thì Đại Hán cũng phải khuất phục trước Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ. Thực tế thì vòng đai an ninh của Hoa Kỳ từ Đông Bắc Á trãi dài xuống ĐNA với những đồng minh Nhựt, Đại Hàn, Phi, Úc, Thái Lan với những đối tác tin cậy Indonesia, Singapore, Ấn độ cộng với đối tác tiềm năng CSVN (?) là một sức mạnh răn đe khiến TC cũng phài dè chừng khi tìm kiếm một cuộc xung đột với Mỹ. Chánh sách hợp tác quốc phòng Mỹ Việt trong khung Đối tác Toàn diện đã tiến khá xa mà bảng Tuyên bố Tầm nhìn chung giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Carter-Phùng quang Thanh (01/06/2015) sẽ đi vào thực chất trong đó có việc mua võ khí sát thương nếu TBT Nguyễn Phú Trọng đoan chắc với Obama rằng chánh phủ của ông quyết thực lòng tôn trọng nhơn quyền; người cộng sản đã từng nuốt lời sau khi được việc như sau khi được Mỹ hổ trợ vào WTO, vào Hội Đồng Nhơn Quyền LHQ; trước mắt còn hàng trăm tù nhơn lương tâm, công an và công an giả dạng côn đồ thường xuyên đàn áp các nhà dân chủ, “truy lùng thế lực thù địch” để ngăn ngừa triệt tiêu mầm móng diễn biến hoà bình, chưa kể chuyện bộ Chính trị CSVN kêu gọi người Việt ti nạn xoá bỏ mặc cảm, định kiến, tăng cường chia rẻ cộng đồng tị nạn hải ngoại qua nghị quyết 36.

Còn mấy hôm nữa, Nguyễn Phú Trọng có dịp găp Tổng thống Obama, để nhìn lại thành quả sau hai năm Quan hệ Đối tác toàn diện kể từ ngày Tuyên bố chung Sang-Obama (25-7-2013); trước động thái bành trướng ngang ngược của TC ở Biển Đông, CS Hà Nội phải xích lại gần Hoa Kỳ nhiều hơn nữa, Obama do đó có thể lôi cuốn CSVN vào chiến lược chuyển trục về châu Á, kết thúc vòng đàm phán TPP với Hà Nội dù rằng hồ sơ nhân quyền vẫn còn trong vòng thảo luận giữa hai phía.Liệu Obama và Trọng sẽ thảo luận về việc nâng quan hệ toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam; đây là thời điểm cho CSVN lựa chọn. trong định hướng hợp tác giữa Hoa Kỳ và CSVN để hai bên cùng có lợi.

Mục tiêu đấu tranh của người Việt quốc gia tị nạn là một Việt Nam tự do, dân chủ, pháp trị và sự toàn vẹn lãnh thổ, đó cũng là cũng là mục tiêu của những người tranh đấu dân chủ trong nước. CSVN đã quay lưng trước nguyện vọng của nhơn dân, con đường dân chủ hoá là giải thể chế độ cộng sản dù bằng bạo lực hay ôn hoà. Đảng Tân Đại Việt không chủ trương hoà giải hay hoà hợp với công sản.

Đảng Tân Đại Việt kêu gọi các chánh đảng, hội đoàn, tổ chức cộng đồng và quần chúng tích cự tham gia biểu tình khi Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ họp mặt với Tổng thống Obama dự trù vào ngày 7/7/2015, để phản đối chế độ Cộng sản độc tài cam tâm làm chư hầu cho Trung Cộng.

 

Ba Chuyến Đi Mỹ của Phạm Quang Nghị, Phạm Bình Minh và Nguyễn Phú Trọng – TS. Nguyễn Ngọc Sẵng

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ hai năm trở lại đây, những chuyến đi ngoại giao dồn dập của các giới chức Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Cộng gây nhiều suy đoán về mối bang giao tay ba nầy, nhất là sự liên quan của Mỹ trong chiến thuật Xoay Trục sang Châu Á.  Sau đây là vài ghi nhận của một số quan sát viên lưu tâm đến vấn đề Mỹ, Trung Cộng và Việt Nam.

1- Chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị

Trong năm 2014 báo chí đã ồn ào bàn tán về chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị với tư cách Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, trong khi Phạm Bình Minh đang chuẩn bị sang Mỹ để hội đàm với ngoại trưởng Kerry theo lời mời. Nhưng bất ngờ Bộ Chính Trị “chặn” Phạm Bình Minh lại và đưa Phạm Quang Nghị đi Mỹ, ông Phạm Quang Nghị đã gặp một số giới chức cao cấp và chính khách Mỹ như Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman, ông Thomas Shannon, cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng Thống Obama Tony Blinken, kể cả quyền Chủ Tịch Thượng Viện Patrick Leahy, và Thượng nghị sĩ John McCain. Nhưng ngoại trưởng Kerry từ chối tiếp đón ông Nghị.

Chuyến đi có thể mang theo thông điệp của người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam về vị trí của ông Nghị.  Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho chính quyền Mỹ thấy ông Phạm Quang Nghị là một ứng cử viên mà ông Trọng sẽ đề cử vào ghế Tổng Bí thư và chuyến đi cũng giúp ông Nghị học kinh nghiệm đối ngoại và cũng để chứng tỏ năng lực của ông khi tranh chức vụ Tổng Bí Thư đảng.

Phạm Quang Nghị, một người thuộc phe Nguyễn Phú Trọng,  thân Trung Cộng, được cử đi Mỹ thay Phạm Bình Minh cũng có tác dụng như một liều thuốc an thần cho Trung Cộng.  Tín hiệu này cho thấy phe bảo thủ trong đảng có vẻ muốn chủ động và trực tiếp hơn trong quan hệ với Mỹ.

Giáo sư Thayer cho rằng Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tỏ thái độ nhân nhượng Trung Cộng quá mức khi không đáp ứng lời mời của Ngoại trưởng Mỹ dành cho ông Phạm Bình Minh.

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng tại các cuộc gặp gỡ với các giới chức cao cấp của Mỹ, ông Nghị yêu cầu Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, hạ các rào cản thương mại, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam và thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Món quà lạ lùng mà ông Nghị “tặng” cho Thượng Nghị Sĩ John McCain, được coi là một sự lố bịch ngoại giao.  Hai tấm ảnh chụp bia kỷ niệm chỗ bắn rơi máy bay của ông McCain, bia khắc ông McCain đang quỳ gối giơ tay đầu hàng và có dòng chữ “NGÀY 26 10 1967 TẠI HỒ TRÚC BẠCH QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI BẮT SỐNG TÊN JOHN SNEY MA CAN THIẾU TÁ KHÔNG QUÂN MỸ LÁI CHIẾC MÁY A4 BỊ BẮN RƠI TẠI NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHÚ. ĐÂY LÀ MỘT TRONG 12 CHIẾC MÁY BAY BỊ BẮN RƠI CÙNG NGÀY”.

Một món quà quái gở mà chưa có quốc gia văn minh nào tặng cho chủ nhà khi đến viếng, ngoại trừ người cộng sản Việt Nam.  Món quà của người tiền văn minh!  Cộng thêm sự kém cỏi về ngoại giao khi viết sai tên người nhận và vô lễ khi dùng từ “tên john sney”.

2- Chuyến đi Tàu của Phạm Bình Minh

Ông Phạm Bình Minh, con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, trước đây đã phản đối Hội nghị Thành Đô bán nước cho TC và đã cay đắng thốt lên: “Thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự…”.

Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng, ông Dương Khiết Trì, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng CSVN, ông Phạm Bình Minh đã tới Bắc Kinh, tham dự phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam Trung Cộng ngày 17-19/6. Theo truyền thông trong nước, hai bên đã trao đổi về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Cộng, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển. Hai bên cũng đồng ý thực hiện đầy đủ bản Tuyên Bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) ; không có hành động làm phức tạp thêm, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Buổi chiều ngày 18/6/2015, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, ông Phạm Bình Minh đã tiếp xúc với Thủ tướng Trung Cộng, ông Lý Khắc Cường.  Vẫn theo truyền thông trong nước, hai bên tiếp tục đồng ý kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cùng ngày, ông Phạm Bình Minh đã gặp mặt Ngoại trưởng Trung Cộng, ông Vương Nghị.

Tức khắc ngay sau khi ký kết, nhiều tàu cá của Việt Nam ra khơi đánh bắt tại ngư trường truyền thống trên quần đảo Hoàng Sa, liên tiếp bị tàu của Trung Cộng đâm, cướp tài sản, ngư cụ, toàn bộ số hải sản đánh bắt được và hành xử thô bạo với ngư dân Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh ký các bản cam kết có hại cho VN theo lệnh của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương mà thực chất là VN thực hiện gần như vô điều kiện mọi yêu cầu của Trung Cộng.

Trong việc xây dựng, bồi cơi những bãi san hô, bãi đá ngầm, Trung Cộng tuyên bố việc xây dựng nhằm mục đích tuân thủ trách nghiệm và nghĩa vụ quốc tế bằng cách cung cấp các cơ sở mới để hỗ trợ, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nghiên cứu khoa học hải dương, quan sát khí tượng học, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, dịch vụ sản xuất ngư nghiệp và các lĩnh vực khác. Đó là  hành động thật, với giọng điệu giả mà Trung Cộng luôn lập lại trong bang giao quốc tế..

Trung Cộng lo rằng vì chuyện Biển Đông, Việt Nam rất có thể hoàn toàn ngã theo Mỹ. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đang có những ủng hộ nhất định đối với Việt Nam ở Biển Đông.  Về lâu dài mong muốn Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á. (Đa Chiều).

Trung Cộng cũng muốn Việt Nam không lên tiếng trước những vi phạm luật quốc tế của họ ở Biển Đông để cô lập Philippines. Do đó Bắc Kinh thường truyền đạt thông điệp, chủ trương của họ về Biển Đông thông qua các kỳ họp của Ủy Ban Chỉ Đạo Quan Hệ Hợp Tác Việt Nam và Trung Cộng.

Ông Phạm Bình Minh đã ký bản Cam Kết không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông, thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển giữa VN  TC, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển. Ông gián tiếp hợp thức hoá những hành động ngang ngược mà Trung Cộng đã làm.

3-  Chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng

Tin tức từ trang mạng điện tử cho biết Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ với lời hứa hẹn là sẽ được Tổng thống Barack Obama đón tiếp theo nghi thức cao nhất dành cho các nguyên thủ.

Ông Trọng phải diện kiến Tập Cận Bình từ 7 đến 10 tháng 4 năm 2015 trước khi đi Mỹ hội kiến với Tổng Thống Obama Hoa Kỳ từ 7-9/7/2015. Chuyến viếng thăm TC của ông Trọng hứa hẹn gìn giữ mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục tốt đẹp trên căn bản 4 tốt và 16 chữ vàng. Trung Cộng có lẽ sẽ gây áp lực để Việt Nam không tiến hành các hành động pháp lý về tranh chấp trên biển Đông, và không tiến quá gần Hoa Kỳ và có thể chỉ thị cho Việt Nam giới hạn việc tiếp nhận vũ khí từ Hoa Kỳ.

Phe lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng có lúc đưa ra những tuyên bố gây ấn tượng về dân chủ và pháp quyền, về luật phạt tù những kẻ ngăn cản tự do ngôn luận, về thí điểm diễn đàn trí thức phản biện.  Nhưng kể từ sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng gió đã đổi chiều. Có lẽ ông Trọng đã được ông Tập hứa hẹn điều gì đó, chỉ bảo hướng đi trong đaị hội đảng lần thứ 12 sắp đến.

Có thể ông Tập đã hà hơi cho ông Trọng là phải nâng cao uy tín, giữ vững nhóm thân Bắc Kinh để tiếp tục khống chế Việt Nam, nắm vững VN trong chiến lược Biển Đông của Mỹ.

Nhiều người nghĩ rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng chỉ dám nhận lời thăm Mỹ sau khi thăm Trung Cộng.  Ông cũng có thể đã nhận lệnh của Bắc Kinh, sau khi họ Tập đã tính toán kỹ kịch bản, đường đi nước bước để biến ông Trọng thành một con bài có lợi trong cuộc bang giao với Mỹ và cũng để dễ bề biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Cộng.

Về phiá Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ được thiết lập năm 2013 đã tạo ra khuôn khổ cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong các lãnh vực kinh tế, an ninh, năng lực hàng hải, biến đổi khí hậu và môi trường, giáo dục và quyền con người.

Việt – Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy khai triển hiệu quả hơn nữa chín lãnh vực ưu tiên của quan hệ đối tác toàn diện, từ chính trị đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giáo dục, giao lưu nhân dân và các vấn đề khác. Về hợp tác đa phương, hai bên chia xẻ những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tiếp tục hợp tác trong các diễn đàn khu vực cấp cao Đông Á (EAS), Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF).

Những người lạc quan cho rằng đây là một cơ hội lớn để ông Trọng rửa tiếng nhơ bán nước cho Trung Cộng để giữ quyền lực.

Nếu ông Trọng không nhân dịp này mà lập công chuộc tội với nhân dân VN, liên minh thực sự với Mỹ để bảo vệ và phát triển đất nước, giải tán đảng cộng sản VN, thiết lập thể chế dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền, chinh trị đa nguyên thì tội “cõng rắn về cắn gà nhà” của ông và giới cầm quyền tham nhũng VN thật ngàn năm khôn rửa.

Nguyễn Phú Trọng có cái may mắn của lịch sử để thực hiện sứ mạng này, và cũng là cơ hội để ông có thế chuộc lại những lỗi lầm cực kỳ to lớn, nguy hiểm do những người tiền nhiệm và cả chính ông gây ra cho dân tộc.

Hai chuyến đi của Tổng Bí Thư Trọng có thể sẽ thiết lập cơ sở để đảng CSVN đóng vai trò quyết định trong các quan hệ quốc tế trong 5 năm tới sau cuộc bầu cử của đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.

Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo thì hành trang Mỹ du của ông Trọng là một chiếc va li trong đó cuộn tròn một con rắn Trung Cộng.

 

Làm thế nào Nhà Nước Hồi Giáo (E.I) lại có thể có thế lực như hiện nay? – Nhữ Đình Hùng tổng-hợp/01.06.2015

Từ năm 2000, trong luận văn tiến-sĩ, nhà địa-lý-học Fabrice Balance  đã tiên-đoán sự vỡ vụn của Syrie, theo một trình-tự giống như Nam-Tư sau cái chết của Tito. Ông Balance hiện đang điều khiển tại Lyon “nhóm học hỏi và nghiên-cứu về Trung Đông và Địa Trung Hải’ (groupe d’études et de recherches sur le Moyen Orient et la Méditerranée).

Trong một phỏng vấn dành cho tạp-chí Le Progrès ( http://www.leprogres.fr/actualite/2015/05/29/decryptage-pourquoi-l-etat-islamique-devient-si-puissant) ông đã cho rằng vùng đất nằm giữa Syrie và Irak sẽ trở thành một lãnh thổ đặt nền tảng trên sắc-tộc và giáo-phái. Điều này giải-thích sự việc vì sao Nhà Nước Hồi Giáo có thể đứng vững ở đó.

Việc thành phố cổ Palmyre bị Nhà Nước Hồi Giáo chiếm đóng ngày 21 tháng 05 đã có một tầm quan-trọng đặc-biệt. Đô-thị này được coi như là một giao-điểm nằm giữa sa-mạc, cách Damas khoảng 200 cây số. Từ vị-trí này, Nhà Nước Hồi-Giáo (E.I hay Daesh) có thể, hoặc mở cuộc tấn-công về Damas, hoặc mở cuộc tấn công về phiá đông nhắm vào thủ đô Bagdad của Irak. Trước đây, Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát vùng đông bắc Syrie, với việc chiếm Palmyre, họ có thể đổ xuống miền nam. Palmyre là một ốc đảo, có các tài-nguyên quan-trọng như mỏ phốt-phát được dùng để chế-tạo phân bón dùng trong nông-nghiệp. Ở đây cũng có mỏ hơi đốt cung cấp hơi đốt cho các trung tâm điện-lực ở Damas và Homs; Đây là một đe dọa về việc sản xuất điện năng ở Damas và Homs…Các lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo cũng khó có thể tiến về Damas vì quân-đội chính-qui của Syrie sẽ kháng cự mạnh mẽ. Ở Damas cũng có lực lượng chống Bachar al Assad nhưng cũng chống lại cả Nhà Nước Hồi Giáo, đó là Mặt Trận Al Nosra (theo Al Qaïda). Ở Homs, một lực lượng dân binh đã được thành lập gồm những người theo Thiên Chúa Giáo, những người alouit rất thù nghịch với Nhà Nước Hồi Giáo. Nhà Nước Hồi Giáo vì thế đã mở các cuộc tấn công hướng về Irak, đã chiếm được trạm kiểm soát biên-giới al-Walid,biên-giới Syrie/Irak đã đặt dưới sự kiểm soát của Nhà Nước Hồi Giáo, tuy nhiên, quân cuả chánh-phủ Syrie vẫn còn giữ được đồn biên giới với Liban! Có thể nói gần một nửa nước Syrie bị đặt dưới sự kiểm soát của  Nhà Nước Hồi Giáo!

Theo ông Balance, nếu như Nhà Nước Hồi Giáo đã có thể mở rộng vùng kiểm soát ở Syrie và Irak, đó chính là vì liên-quân tây-phương đã không có quyết-tâm trong việc chống lại Nhà Nước Hồi-Giáo , đặc-biệt là Hoa-Kỳ không muốn gặp lại trường-hợp giống như ở Irak trước đây, ngoài ra còn có cả lý-do kinh-tế… Về phiá các nước đối-tác trong vùng của Hoa-Kỳ như Arabie Saoudite, Turquie, Qatar đã không làm gì cả.(Ba nước này được biết đến như là những nước đã tài trợ cho quânnổi dậy ở Syrie, một nhật báo đối-lâp ở Turquie đã cho đăng tải các hình ảnh và vidéo về việc Turquie cung-cấp các vũ khí cho quân djihadistes. Ngoài ra, Turquie còn được biết đến như một bàn xoay(plaque tournant) cho những người ở phương tây muốn trở thành djihadiste ở Syrie và Irak cũng như những quân djihadistes muốn trở lại các quốc-gia tây phương. Cũng ghi nhận là Turquie không cho các phi-cơ của liên-quân tây-phương xử dụng các căn-cứ của OTAN tại Turquie để oanh tạc Nhà Nước Hồi-Giáo).

Các vương quốc Ả Rập là những nước cung cấp tài-chánh cho Nhà Nước Hồi Giáo nhưng đây không phải là nguồn tài-chánh chánh. Nhà Nước Hồi Giáo đã kiểm soát một vùng đất  giữa Irak và Syrie ước lượng trên 300.000 cây số vuông trong đó một phần là sa-mạc,(cho phép NNHG trở thành một nước đứng hàng thứ 11 về diện tích trong số 22 nước thuộc liên-đoàn ả-rập) với một dân-số ước lượng 10 triệu dân,  có các tài nguyên quan-trọng cho phép có được nguồn tài-chánh riêng. Một nguồn lợi-tức đến từ thuế 10% đánh trên các hoạt động của các thương gia nhưng không đáng kể, chánh yếu là việc bán dầu hoả…Theo như một tài liệu trên đài truyền hình ARTE ngày 10 tháng hai 2015, tài-sản của Nhà Nươc Hồi Giáo lên đến khoảng 2000 tỉ đô la do việc Nhà Nước Hồi Giáo chiếm khoảng 60% sản xuất dầu hoả của Syrie và khoảng 10% sản xuất dầu hoả của Irak ( Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát 13 mỏ dầu ở Irak và 7 mỏ dầu của Syrie, lợi tức thu hoạch mỗi ngày từ 2 đến 3 triệu đô la. Nhà Nước Hồi Giáo cũng kiểm soát 40% sản lượng luá mì và 53% sản lượng về lúa mạch của Irak… Nói một cách tổng-quát, lợi-tức hằng năm của Nhà Nước Hồi Giáo có thể lên đến gần 3 tỉ đô la, do các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Đây là một lợi điểm của Nhà Nước Hồi Giáo so với Al Qaïda chỉ sống nhờ các khoản tặng dữ! Nhà Nước Hồi Giáo bảo đảm được 82% ngân-sách của mình nhờ dầu hoả (38%), khí thắp (17%), các loại thuế…Lợi tức thu được từ tiền chuộc, tiền mãi-lộ ( một xe vận tải muốn chạy từ Turquie sang Jordan phải nộp khoảng 800 đô la) chiếm khoảng 16% ngân sách.!

Mặc dù bị ‘phong-toả kinh-tế’, Nhà Nước Hồi Giáo vẫn có thể bán dầu hoả qua các hệ-thống buôn lậu của người Kurdes, người nước Jordanie hay dân Thổ Nhĩ Kỳ. Giá bán mỗi baril dầu qua ngõ chợ đen như thế chỉ khoảng 30 đô la/thùng trong khi giá thị trường xoay quanh 50 đô la/ thùng. Khó có thể biết là trong số lượng dầu nhập cảng vào Âu Châu, có bao nhiêu phần trăm là dầu do Nhà Nước Hồi Giáo cung cấp.

Tuy nhiên, với thu nhập hằng năm tròm trèm 3 tỉ đô la, Nhà Nước Hồi Giáo vẫn không có khả năng điều hành đúng mức các vùng kiểm soát. Chỉ riêng vùng Irak dưới sự kiểm soát của Nhà Nước Hồi Giáo đã cần đến 2,6 tỉ đô la!

Mặc dù chưa có khả năng như một một quốc gia, Nhà Nước Hồi Giáo mong muốn trở thành một quốc-gia. Bằng chứng là Nhà Nước này đã cho đúc các loại tiền kim loại, bằng vàng, bạc và đồng từ tháng mười một 2014; các loại tiền này lưu hành trong vùng kiểm soát của họ ở Irak và Syrie Đây là việc mang tính cách biểu-tượng, chứng tỏ với thế-giới Nhà Nước Hồi Giáo là một quốc-gia có chủ-quyền.

Việc lựa chọn đúc tiền kim khí còn có mục đích kiểm soát các hoạt động kinh tế trong vùng do Nhà Nước Hồi Giáo kiểm-soát. Tiền này không được ấn-định tỉ giá hối đoái và do tính thích trữ quý kim và vàng luôn luôn có giá-trị, đồng tiền vàng ít có cơ ra khỏi vùng kiểm soát của Nhà Nước Hồi Giáo.

Ngoài việc chiếm được các vùng có tài-nguyên thiên-nhiên có giá-trị, Nhà Nước Hồi-Giáo cũng chiếm được các phương-tiện vũ khí quan-trọng .Thủ tướng Irak, Haider al-Abadi trong ngày chủ nhật 31.05.2015 cho biết trong cuộc triệt thoái vào tháng sáu 2014 ở Mossoul, quân Irak đã để mất 2300 xe bọc sắt  Humvee và nhiều vũ khí, đạn dược. Ước lượng tổn thất này lên đến 579 triệu đô la, nếu là một tổn hại nặng cho Irak thì đó cũng lại là sự tăng cường thế lực cho Nhà Nước Hồi Giáo. Lực lượng của NNHG đã xử dụng các xe bọc sắt này trong các cuộc tấn-công tự sát!

Cuộc chiến giữa NNHG chống lại Syrie và Irak mang một tính cách đặc biệt, đó là cuộc chiến giữa những người sunnistes chống lại những người chiites, mặc dù cả hai đều là hồi-giáo. Đằng sau những người sunnistes là Arabie Saoudite, Qatar với hệ giáo wahhabistes trong khi đằng sau những người chiites là Iran. Đa số dân chúng trong những vùng NNHG kiểm soát ít học, họ học các lời giảng Coran theo lối thuộc lòng, với NNHG, chỉ cần cho học thuộc lòng lại các lời giảng mới. Việc áp dụng charia không gây nhiều khó khăn cho dân chúng, họ đã ít nhiều áp dụng từ trước đó! NNHG tìm cách thực hiện một ‘califat hồi-giáo’ nằm vắt ngang một nửa ở Syrie, một nửa ở Irak.

Nếu NNHG là lực lượng chính trong cuộc chiến ở Syrie và Irak, tại Syrie, NNHG gặp phải sự cạnh tranh của Front Al Nosra, một nhánh của al-Qaïda tại địa-phương (vùng tây bắc Syrie); một vài nhóm nổi dậy khác kiểm-soát khu-vực nam Syrie. Về phiá quân chánh-quyền Damas, lực-lượng này nhắm kiểm-soát vùng duyên hải, hai tỉnh Hama, Homs thuộc vùng trung Syrie và thủ đô Damas. Quân-đội và dân-binh theo chính phủ Damas không muốn chiến-đấu trong những vùng mà dân-chúng không chịu tiếp tay chiến-đấu, phần lớn những vùng này có đa số dân sunnites.

Ngoài ra, NNHG còn phải chống trả với lực lượng người kurdes và các người theo thiên-chúa-giáo. Những thắng-lợi của những nhóm này không được giới truyền-thông lưu-ý mặc dù họ đã đẩy được quân của NNHG ra khỏi vùng đất Assyrie! Điều này cho thấy lực lượng của NNHG không phải là ‘bất khả chiến bại’. Nhưng nếu cho đến nay, lực lượng này có thể mở rộng ảnh-hưởng và vùng kiểm soát chính vì lực lượng liên quân tây phương không có chiến-lược rõ rệt.

Khó có thể nói các nhà lãnh đạo tây phương có quyết tâm chống NNHG, họ có vẻ có quyết-tâm chống lại Bachar al-Assad nhiều hơn.Không chối cãi việc Bachar al-Assad là một nhà độc tài nhưng trước hết, ông ta được dân chúng Syrie bầu ra (trong khi NNHG là  tự xưng),, có các định chế chánh-trị dân-chủ, có toà án xét xử theo luật (trong khi NNHG không có định chế chánh-trị rõ rệt, toà án xử theo luật hồi-giáo ). Hiện có 5 triệu người Syrie tị nạn.  Người ta có thể võ-trang, huấn-luyện để họ chiến-đấu chống lại các lực lương hồi-giáo ‘triệt để’ (fondamentaliste). Vai trò các nhóm thiểu số quan-trọng (vì họ không theo hồi giáo triẹt để) nhất là những người theo Thiên Chúa Giáo hay Thiên Chúa Chính Thống Giáo. Vùng Trung Đông có nhiều ‘cơ may’ để trở thành một Yougoslavie. Một chuyên gia của ‘think tank’ IRIS, Karim Pakzad, ‘hi-vọng rằng các nước tây-phương ý thức được rằng thà có một nhà độc tài  yếu như  Bachar al-Assad còn hơn là Nhà Nước Hồi Giáo.’

Tham khảo:

http://www.metronews.fr/info/palmyre-aux-mains-de-daech-la-situation-pourrait-etre-pire/moeu!asEaMnn7sxlEo/

http://tvanouvelles.ca/lcn/infos/lemonde/archives/2015/05/20150531-115533.html

http://sentinellededieu.com/2014/11/15/pourquoi-letat-islamique-frappe-sa-propre-monnaie-en-or-et-en-argent/

http://www.leprogres.fr/actualite/2015/05/29/decryptage-pourquoi-l-etat-islamique-devient-si-puissant

http://www.i24news.tv/fr/actu/international/moyen-orient/63822-150310-l-etat-islamique-n-est-pas-invincible

Vui cười

Một luật sư nổi tiếng đi săn vịt trời ở ngoại ô thành phố. Ông ta bắn được một con vịt nhưng nó lại rơi vào một nông trại. Luật sư trèo qua hàng rào vào bên trong nông trại, một nông dân trên chiếc xe máy cày chặn lại ông lại:

– Ông vào đây làm gì?

– Tôi đã bắn được một con vịt, nó rơi vào đây và tôi đến để lấy lại nó.

– Nhưng đây là đất của tôi, và ông không thể làm như vậy được.

– Tôi là luật sư giỏi nhất thành phố đấy, nếu ông không để tôi lấy con vịt tôi sẽ đưa ông ra tòa.

– Hình như ông không biết luật lệ ở đây, chúng tôi giải quyết những mâu thuẫn nhỏ bằng một trò chơi – Người nông dân cười rồi nói.

– Nó như thế nào – Viên luật sư hỏi.

– Là như vầy, trước tiên tôi sẽ đá ông ba cái và sau đó ông đá lại tôi cũng ba cái, cứ như vậy cho tới khi một người không còn chịu nổi nữa.

Viên luật sư nghĩ thầm và quyết định chơi trò đó, ông ta nghĩ rằng có thể dễ dàng hạ gục người nông dân già kia. Người nông dân tiến tới gần luật sư, đá cho ông ta ba cái trời giáng bổ nhào. Viên luật sư đầy căm hờn, loạng choạng đứng dậy nói:

– Và bây giờ lão già kia, tới lượt ta rồi.

– Không, tôi xin chịu thua rồi. Ông lấy con vịt đi – Người nông dân mỉm cười nói.

 

Trong giờ học về hôn nhân, giáo sư hỏi sinh viên:- Anh có hiểu tại sao người ta nói hôn nhân giống như giông bão không?

– Thưa giáo sư, bởi vì cả hai đều bắt đầu bằng sự cuốn hút, giằng co, tàn phá dữ dội rồi nổ tung. Cho đến khi mọi sự yên lặng trở lại thì bạn mất luôn cả cái nhà đang ở.

 

Sếp và thư ký đi công tác, đến tối sếp hỏi: “Chúng ta sẽ ngủ như thế nào đây? Như vợ chồng hay như đôi tình nhân?”- Như vợ chồng,  Cô thư ký trả lời. Lập tức sếp quay mặt vào tường và ngủ liền một mạch đến sáng.

Nhân Quyền, Điều Kiện Tiên Quyết Để Phát Triển  Dân Chủ Tại Việt Nam – Phan Văn Song

Vào cuối tháng 6 năm 1993, nhằm cải thiện hiệu năng hoạt động của Liên hiệp Quốc về việc vận động và bảo vệ Nhơn Quyền trên thế giới, và cũng để kỷ niệm 50 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhơn Quyền, một Hội nghị Nhơn Quyền thế giới kỳ ll được tổ chức tại Vienna (Áo quốc). Hội nghị thảo luận về những tiến bộ đạt được về mặt thực hiện từ năm 1948 và kiểm điểm những khó khăn, trở ngại gặp phải, đồng thời đưa ra những khuyến cáo nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế đúng theo Hiến chương  và những văn kiện quốc tế về Nhơn quyền.

Từ đó đến nay, hai mươi hai năm qua, những vi phạm Nhơn Quyền nghiêm trọng vẫn thường xuyên xãy ra khắp nơi trên thế giới. Về mặt thành quả đạt được, phải ghi nhận vụ truy tố Pinochet, vụ Khờ-me đỏ,  vụ Kosovo với sự can thiệp của khối Bắc Đại Tây Dương, những vụ điều tra và truy tố các can phạm sự sát hại người dân Hutus ở Rwanda… Những sự kiện này đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa những giá trị con người với chủ quyền quốc gia.

Trong lúc đó, ở Việt Nam, Nhơn Quyền vẫn bị vi phạm, vì hệ thống do chế độ cộng sản vẫn rập khuôn theo quan niệm Nhơn Quyền của người Mác-Lê. Tình trạng nàysẽ còn kéo dài khi mà quyền «dân tộc tự quyết  »  vẫn chưa thực hiện được ở Việt Nam để mỗi công dân được quyền hành sử những quyền làm con người căn bản của mình (quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do thương doanh, tự do thờ tự, tôn giáo …)

Đây là những quyền sở hữu của con người. Nhà nước không thể tước đoạt mà không thể ban phát cho con người. Cũng như TỰ  DO : Nhà nước không tạo ra Tự Do cho dân chúng, mà Nhà nước chỉ nhìn nhận nó, và nhìn nhận bằng cách chính Nhà nước tự giới hạn mình.

Ngày nay cổ vũ Nhơn Quyền cho Việt Nam có phải là cách tranh đấu hữu hiệu không ? và tranh đấu đem lại Nhơn Quyền cho Việt Nam có đi ngược lại những đặc thù văn hóa  địa phương không ?

1 – Nhơn Quyền là những quyền tự nhiên của con người hay Nhơn Quyền trong Văn hóa Việt Nam:

Trong ngôn ngữ chánh trị Việt Nam trước đây không có từ ngữ Nhơn Quyền, Dân chủ. Mãi đến thế kỷ XIX, những từ ngữ ấy, từ Tây phương du nhập qua Nhựt bổn để rồi sang Việt Nam. Nói như thế, không có nghĩa rằng ở Việt Namvào những thời kỳấy, người dân Việt Nam không được sống xứng đáng với địa vị con người và những quyền lợi mình không được chánh quyền tôn trọng. Xã hội chánh trị Việt Nam dưới thời quân chủ được thiết lập trên ý niệm nền tảng là Nhà Vua ngự trị trên cao, còn thường dân là thứ dân ở nấc thang thấp kém nhứt, mỗi người phải có bổn phận chu toàn trong vị thứ của mình.

Vậy thì, khi nhà vua làm tròn bổn phận của mình thì tự nhiên toàn dân hưởng được phúc lợi, đại khái phù hợp với những quyền mà ngày nay chúng ta gọi là Nhơn Quyền. Như vậy, người dân Việt Nam ngày xưa tuy không biết ý niệm về Nhơn Quyền như những thứ quyền bất khả thời tiêu của con người, vẫn có thể hưởng được ít hay nhiều do có làm tròn bổn phận hay không?  Khổng tử xưa đã định nghĩa Vị Anh Quân là người “Tiên thiên hạ chi ưu; Hậu thiên hạ chi lạc “. Nhà vua biết lo lắng cho dân được ấm no hạnh phúc và chỉ biết vui sau khi dân mình được hưởng cái vui cái sướng, đó là quan niệm Nhơn Quyền của người dân Việt Nam nói riêng và của Văn hóa Á đông nói chung vậy.

Quan niệm Á đông về bổn phận Nhà Vua gọi là Thiên mệnh. Đối lại dân chúng là nền tảng quốc gia là Dân bản. Khi nền tảng vững chắc thì quốc gia yên ổn, bền vững, xã hội an vui, người người hạnh phúc.

Trong quan hệ giữa thiên mệnh và dân bản, nhà vua có bổn phận phải hết lòng chăm lo  đời sống cho dân chúng. Vì nhận lãnh thiên mệnh nên nhà Vua bị Trời kiểm soát việc làm của mình qua thành quả đời sống của dân chúng của mình như sung sướng hay cơ cực. Ý dân là ý Trời. Nếu nhà Vua không làm chu tròn bổn phận mình đối với dân, nghĩa là không chu toàn  thiên mệnh, trái lại nhà Vua còn tàn bạo đối với dân chúng thì Trời cũng thể theo ý dân mà thu hồi thiên mệnh. Thực tế, dân chúng sẽ nổi dậy truất phế nhà Vua để thiết lập triều đại khác cho hợp với lòng dân. Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, phần lớn các vị Vua đều cố gắng làm tròn bổn phận đối với thần dân. Những người dân của những triều đại ấy hưởng được những quyền mà chúng ta tạm gọi là quyền tự nhiên của con người.

1.1-Về chánh trị:

Chế độ quân chủ được chia ra nhiều đẳng cấp, trên cao nhứt là ngôi vị nhà Vua. Ở Việt Nam và Trung Hoa, chỉ có ngôi Vua là cha truyền con nối trong hoàng tộc. Còn các chức tước khác, thứ dân nhờ tài học và đạo đức, vẫn có thể thủ đắc. Từ thời nhà Lý, vào thế kỷ thứ XI, Việt Nam đã mở ra những khoa thi để chọn nhơn tài ra giúp nước. Như vậy dưới thời quân chủ chuyên chế cực thạnh, dân chúng mọi người tùy theo khả năng, aì aì cũng có thể tham giaviệc chánh trị một cách bình đẳng. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Hoa kỳ 1984)

Ngoài ra, các chế độ quân chủ Việt Nam chẳng những còn cho phép, mà còn khuyến khích mọi người bày tỏ quan điểm chánh trị của mình. Quan chức và dân chúng có quyền dâng sớ phê bình, hoặc bày tỏ nguyện vọng của mình. (Trần Trọng Kim, nt). Vua Minh Mạng đã từng nói :”Việc nước quá nhiều, mà sự hiểu biết của một người thì quá hạn chế.. Bởi vậy , chúng ta cần phải biết ý kiến của mọi người để có thể có cái nhìn đúng và có giải pháp tốt ” (Minh Mạng Chánh yếu, Saigon 1972).

Đối với các tù binh, các vua Lê Thái Tổ và Quang Trung đều cung cấp lương thực, phương tiện và cho phép chúng trở về Tàu an toàn. Vua Quang Trung còn lập đàn giải oan cho quân Thanh tử trận. (Trần Trọng Kim, nt)

Ngày nay, chế độ cộng sản ở Việt nam, vì không thừa hưởng di sản của tiềnnhơnnên cực lực đàn áp, trù dập tất cả mọi người khác chánh kiến, mặc dù ý kiến của họ rất lương thiện như đòi hỏi Dân chủ, Nhơn quyền. Hiện nay còn bao nhiêu người bị giam cầm, quản chế, có khi không xét xử, vì tội dám đưa yêu sách hoặc phê phán chánh quyền Hà nội : cựu Tướng Trần Độ, nhà văn Hà Sỹ Phu, nhà thơ Bùi Minh Quốc, luật sư Lê Chí Quang;.. đó là những người thuộc thành phần có đóng góp cùng chiến tuyến với họ, còn đối với những người đã từng chống đối họ, thì như Bác sĩ Nguyễn Đang Quế, hay Linh mục Nguyễn Văn Lý, chỉ vì đòi hỏi dân chủ mà các ông phải lãnh án đi tù. Chúng ta chớ quên rằng sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, đối với những tù nhơn bại trận của chánh quyền Miền Nam, Hà nội đã tập trung tù đày một cách dã man. Đối với đồng bào  Miền Nam, một chiến dịch đấu tố truy kích để vơ vét mọi tài sản cơ đồ và sau đó đuổi họ ra khỏi thành phố thúc đẩy hàng triệu người bỏ nước vượt biên. Như thế, Nhà cầm quyền Hà nội đã lưu đày biệt xứ hàng triệu nhơn dân lương thiện. Hành động nầy là một sự vi phạm Nhơn Quyền nghiêm trọng vì Nhà cầm quyền đã tước đoạt quyền định cư và quyền sống của dân chúng. Đó là đối với người sống, đối với người chết, Đảng Cộng sản Hà nội đương quyền cho san bằng tất cả những nghĩa trang quân đội của các quân nhơn Việt NamCộng Hòa (nhắc lại : Vua Quang Trung cho lập đàn gỉải oan binh sĩ nhà Thanh) .

1.2- Về mặt luật pháp :

Các chế độ quân chủ Việt Nam đều quan tâm đến việc bảo đảm cho dân chúng có một đời sống công bằng trong một xã hội lấy đạo đức làm nền tảng. Hai bộ luật còn được sử dụng ở Việt Nam cho đến thập niên 70 là “Quốc triều hình luật” và “Hoàng Việt luật lệ” quy định những hình phạt rất nặng, có khi đến tử hình, nhằm phạt những quan chức tham nhũng, hối mại quyền thế, qua trung gian vợ con, người thân trong họ hoặc gia nhơn, thu lợi về cho mình. Án tử hình thường phải do nhà Vua quyết định cuối cùng.

Hai bộ luật nầy rất trọng nữ quyền; Hình phạt dành cho phụ nữ luôn luôn nhẹ hơn. Và trong gia đình, về quyền lợi, phụ nữ có đầy đủ quyền lợi như người đàn ông.

Quốc Triều Hình Luật quy định rõ thời hạn của vụ án phải được kết thúc nhanh để tránh làm mất thời giờ cho đôi bên. Điều này, so với một số nước Tây Phương, đã là một sự tiến bộ rõ ràng. Còn Cộng sản Việt Nam? Bắt giam người năm bảy năm không xét xử là chuyện thường tình (người viết bài bị “tạm giữ để điều tra ” gần 4 năm, và cuối cùng chỉ nhận giấy «Tạm Tha  » và trục xuất về xứ vợ.)

1.3-Về mặt kinh tế xã hội :

Chế dộ quân chủ Việt Nam bảo đảm cho mỗi người dân có được một mức sống tối thiểu bằng cách cấp phát cho mỗi người một phần đất để sanh sống. Từ nhà Lê, vua Lê Thái tổ đã thực hiện chánh sách cải cách ruộng đất, trưng thu đất ruộng của các triều đại trước, của những quan chức làm giàu bất chánh, của những người không có thừa kế, để cấp phát đống đều cho dân chúng canh tác. Việc cấp phát này được xét lại bốn năm một lần. Về sau việc xét theo lệ mười năm một lần. Qua thời nhà Nguyễn, nhờ mở mang trong Nam, nên việc cấp phát ruộng đất  được rộng rãi hơn. Và giao cho địa phương đãm trách. Nhà Nguyễn còn nghiên cứu trưng tập các tư điền của các nhà giàu lớn (lấy 3/10 diện tích) để sung vào công điền cấp phát cho cô nhi quả phụ, thương phế binh …

Đó là dưới thời quân chủ chuyên chế cực thạnh mà người dân ở Việt Nam đãđược hưởng khá đày đủ các quyền lợi mà ngày nay chúng ta tạm gọi là những quyềntựnhiên của con người ( Đại Việt sử ký toàn thư, Hà nội, 1967 )

Riêng mỗi người có một phần đất để tự mưu sinh, nói  lên đầy đủ ý nghĩa về quyền làm một con người ở tại Việt Nam đã có từ thế kỷ thứ XV rồi.

Còn ở Việt Nam ngày nay? Quyền nầy đã bị tước đoạt.  Thay thế vào bằng chế độ hộ khẩu và công an khu vực quản lý chánh trị đời sống người dân nhằm giữ cho nhân dân tồn tại mà vẫn không được sống, vì không có quyền làm con người nên  không được làm người

2 –  Nhơn quyền theo người Mác xít:

Việt Nam ngày nay bị cai trị bởi một chế độ cộng sản, Hồ Chí Minh và những người cộng sản hành sử khuôn theo ý thức hệ Mác-Lê. Nền tảng của chủ thuyết Mác-Lê là vật chất và duy vật biện chứng.

Theo quan niệm duy vật họ chối bỏ mọi giá trị tinh thần, như luân lý, đạo đức. Biện chứng, người cộng sản không chấp nhận có những giá trị vĩnh cữu, thường tại …Với quan niệm căn bản ấy, người cộng sản Mác-lê từ khước những quyền tự nhiên bất khả nhượng của con người, như quyền sống, quyền tự do, quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần, quyền tư hữu …Theo người cộng sản :”Nhơn quyền chỉ là phản ảnh của những quyền lợi về kinh tế, đó là quyền lực của giai cấp thống trị ” (Jean Touchard, L’histoire des idées politiques , Paris 1975)

Từ quan niệm này, người cộng sản phê bình bản Tuyên Ngôn Nhơn Quyền 1789 của Pháp, cho đó là: “thành quả của thắng lợi của giai cấp tư sản đối với giai cấp quý tộc, vũ khí để bảo vệ quyền lợi và củng cố uy quyền của họ mà thôi. Nhơn quyền chỉ dành cho những người có của, có tiền. Đối với những người nghèo khổ, Nhơn quyền không có lợi ích gì hết!”.Đi xa  hơn nữa trong lý luận, người cộng sản cho rằng : ” những quyền tự do cũng chỉ là thứ ” tự do hình thức”  hoàn toàn không chứa đựng một  “nội dung thực tế”, ” cụ thể (Jean Rivero, Les droits de l’homme, Paris 1978).

Đối với người cộng sản, Nhơn quyền chỉ có ý nghĩa thực tế trong một xã hội không giai cấp và không có chiếm hữu trong những phương tiện không sản xuất. Nên chỉ có chế độ cộng sản mới đem lại cho mọi người tự do thật sự, nghĩa là tự do có nội dung cụ thể, chớ không phải thứ tự do hình thức. (Jean Rivero, nt).

Rõ hơn, ta thử đọc lại lời Mác viết về Nhơn Quyền ” Chúng ta hãy xem những thứ cho là Nhơn Quyền trong nguyên trạng, của những người đã khám phá ra, đó là những người Bắc Mỹ và Pháp. Chúng ta sẽ nhận thấy ngay Nhơn Quyền, ngược lại với Dân Quyền, không gì khác hơn là thành phần thuộc xã hội tư sản, nghĩa là của con người ích kỷ, của con người tách rời  khỏi con người của quần chúng. Quyền Tự do của con người không được thiết lập  trên mối quan hệ  giữa người với người , mà trái lại, trên sự tách rời giữa người với người. Đúng hơn đó là quyền chia cách giữa con người với nhau.”(Morange, Droits de l’homme et philosophie, Paris 1983 ).

Đối với người cộng sản, không thể nói chuyện về Nhơn Quyền với họ được. Bởi vì họ cho Nhơn Quyền  chỉ là thứ quyền ” cho là” ” gọi là” chớ không có thật. Thế mà người cộng sản khi tranh đấu trong một chế độ dân chủ, chẳng những lại được thụ hưởng, được bảo vệ bởi những quyền ấy, họ thậm chí, lại nhân danh những quyền ấy để phát động cuộc tranh đấu, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là quyền lợi của chuyên chế vô sản, và, cộng sản chủ nghĩa.

3 –  Nhơn Quyền, điều kiện tiên quyết cho một giải pháp Phát triển Dân chủ:

Trong xã hội ngày nay, mọi cá nhơn đều hưởng được những quyền lợi và những quyền lợi này được luật pháp bảo vệ.Nếu luật pháp không bảo vệ thì những thứ quyền lợi ấy sẽ không tồn tại.

Trong truyền thống Văn hóa Việt Nam lại có một loại quyền gọi là quyền tự nhiên, những quyền này thuộc về mỗi cá nhơn con người; có là những quyền căn bản. Nếu thiếu thì xã hội con người không thể vận hành được.

Nguyên tắc Dân chủ chỉ có giá trị trong những giới hạn của những quyền tự nhiên của con người .Những quyền tự nhiên để được hoàn hảo, được bảo đảm cao, phải được đặt trong mối quan hệ với xã hội chánh trị, như sự tôn trọng luật pháp do xã hội chánh trị đặt ra. Dỉ nhiên mục đích là nhằm bảo đảm và bảo vệ những quyền tự nhiên.

Thế là mối quan hệ ấy mặc nhiên trở thành một khế ước giữa dân chúng và Nhà Nước.

Đã nói đến Khế ước là nói đến vấn đề hổ tương, lưởng lợi (synallagmatique -Win Win ), đôi bên đều có những quyền lợi, nhưng đôi bên đều phải có những bổn phận, tương quan với nhau. Những cá nhơn bị bắt buộc phải tuân hành mệnh lệnh của chánh quyền nhưng lại được chánh quyền bảo vệ đời sống, bâo vệ sự tự do, quyền sở hữu…còn chánh quyền khi ban hành luật lệ để bảo đảm an ninh và bảo vệ những quyền tự nhiên, chánh quyền chỉ làm một bổn phận giữ trật tự cho một sự hài hòa ổn định chánh trị.

Nếu một bên nào không thi hành nghiêm chỉnh bổn phận của mình thì sự hài hòasẽ mất cân bằng Sự mất ổn định sẽ bị tạo ra.

Nếu chánh quyền trở thành hung bạo, độc đóan thì dân chúng sẽ không còn nghĩa vụ phải tuân phục chánh quyền nữa. khế ước hai bên sẽ bị huỷ bỏ.

Chỉ có khế ước và sự tôn trọng khế ước ấy mới đem lại cho chánh quyền sự chánh thống, hay chánh nghĩa.

Nói như vậy, khi một Nhà Nước đã xóa bỏ bổn phận của mình, không làm đúng bổnphận của mình, thậm chí còn dùng bạo quyền để tước đoạt những quyền tự nhiên của dân chúng của mình,

thì dân chúng có quyền dùng quyền lực  nổi dậy (Thuyết của Jean de Salisbury, một triết gia, được Guy Haarscher trích dẫn trong La philosophie des droits de l’homme, Bruxelles 1993)

Phản ứng về phía dân chúng đối với bạo quyền là chánh đáng..Phản ứng này đưa vào hệ thống chánh thống hóa quyền lực để trở thành một thứ quyền bất khả nhượng.

Đó là quyền chống lại áp bức.

Kết luận:

Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng vẫn viện dẫn sự ổn định chánh trị để  phát triển, bởi Việt nam là một nước đang phát triển, mà trù dập mọi đòi hỏi thực thi Nhơn Quyền.

Ngày nay, thuyết “dân chúng an ninh do quốc gia ổn định” không còn giá trị nữa, mà trái lại, sự an ninh quốc gia phải được xoáy theo sự an ninh cùa toàn dân.

Chính sự an ninh của toàn dân mới mới là điểm quy chiếu. Quan niệm này đã làm thay đổi mọi tiêu chuẩn chánh trị của thế giới bởi nó không còn chấp nhận chủ quyền quốc gia như là cột trụ của bang giao quốc tế  (Nhựt báo Le Monde, 22/5/1999, Lời tuyên bố của ông Ngoại trưởng Gia-Nã-Đại, Ông Lloyd Aworthy).

Sự đề cao và bảo vệ an ninh con người trước chánh quyền dẫn đến chấp thuận nguyên tắc sử dụng những biện pháp cưỡng bách, kể cả việc can thiệp quân sự như ở Nam Tư, Kosovo… Liên Hiệp Quốc đã có mặt ở mọi nơi khi tình hình  an ninh quần chúng ở nơi ấy bị de dọa: Libéria, Rwanda, Cam-bốt-đia…

Tại sao những vùng có dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện đang bị đàn áp và mất an ninh không được bảo vệ bởi một thể chế quốc tế “phi quân sự”? Nghĩa là không có mặt của quân đội hay công an Nhà nước Việt Nam, đàn áp như hiện nay? Cho dân chúng những vùng ấy một tư cách tự quản lý và do một cơ chế quốc tế giám định? (Liên Hiệp Quốc, hay các đại diện thường dân, y tế, xã hội, hay quân sự của quốc tế, hay của vùng Đông-Nam-Á) để chờ một giải pháp chánh trị ôn hòa vừa có công bằng cho dân tộc thiểu số ấy vừa giử được chủ quyền cho đất nước, vừa giữ tránh nhà cầm quyền sỡ tại những hành động có tính cách xâm phạm Nhơn Quyền?

Tranh đấu cho Nhơn Quyền là thiết lập điểm quy chiếu có tính cách bắt buộc cho chánh quyền trong các hoạt động pháp chế trong nước hoặc ngoài nước, đối nội như đối ngoại ( Dominique Rousseau, Le Monde 16/7/1999)

Tranh đấu cho Nhơn Quyềnlà đặt lại nền tảng  quyền quan hệ : tự do tư hữu, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do phản kháng, dư luận, lập hội…đó là những quyền căn bản ràng buộc thân ái hài hòa chánh trị những con người trong xã hội với nhau.

Tranh đấu cho Nhơn Quyền có mặt ở Việt Nam chỉ là tranh đấu cho sự trở về vớiVăn hóa Dân tộc Việt Nam, trở về với những tập quán chánh trị của ông cha chúng ta, trở về với cái hài hòa nhân ái của nếp sống chánh trị của tiền nhơn.

Nhà vua thì ” Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc”.

Thứ dân thì ” Quân Sư Phụ”.

Trên thuận dưới hòa. Khế ước ” thiên mệnh” và “dân bản” hài hòa trong sự hòa hợp cân bằng những cái quyền tự nhiên và căn bản của mỗi cá nhơn con người, và bổn phận mỗi con người chúng ta đối với tập thể cộng đồng đại diện bởi nhà nước. Và ngược lại nghĩa vụ và bổn phận của nhà cầm quyền là bảo vệ và bảo đảm những quyền căn bản và tự nhiên của mỗi cá nhơn trong trật tự, an ninh của cộng đồng.

Nhơn Quyền Dân chủ là những giá trị toàn cầu, vượt trên những quyền lợi quốc gia, Chánh trị Dân chủ phải được xây trên Nhơn Quyền.

Nhơn Quyền là điều kiện tiên quyết để xây dựng phát triển Dân chủ

Hồi Nhơn Sơn Cuối tháng sáu 2003

Hiệu đính cuối tháng sáu 2015

Để Đóng Góp Đòi Hỏi Nhơn Quyền cho Việt Nam để vào TPP

 

Thơ Đằng Phương – Anh hùng vô danh

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

 

 

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một dải san hà gấm vóc.

 

Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng.

 

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,

Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.

 

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

 

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.

Và anh hồn chung với tấm tình trung

Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Putin: “Tọa sơn quan hổ đấu” – Nguyễn Vĩnh Long Hồ

“Tọa sơn quan hổ đấu” là gì?

Có một câu chuyện xin kể về tuyệt chiêu nầy: “Hai con hổ đang giành nhau ăn thịt một con trâu. Biện Trang, người nước Lỗ (thời Xuân Thu) là tay săn hổ chuyên nghiệp, thấy vậy muốn xuống núi nhào ra giết hổ. Bỗng có một thằng bé bảo rằng:

– Hãy đợi đấy, ông ơi! Hổ là giống tàn bạo, trâu là miếng mồi ngon. Bây giờ, cả hai con hổ đang giành ăn một con trâu, tất tranh nhau. Đấu với nhau thì có một con sẽ bị giết, còn con kia tất bị thương nặng ngất ngư. Ông đợi đến bấy giờ hãy ra tay, thì có phải chỉ đâm một đang bị thương thật dễ dàng mà rồi được cả hai con không? Như thế, thì chẳng phải là dùng công sức ít mà được lợi nhiều hơn sao?

Biện Trang cho lời nói phải, bèn làm y theo lời thằng bé chỉ bảo, quả nhiên bắt được cả hai con hổ cùng một lúc về nấu cao hổ cốt.

Trước đây, TT Putin tuyên bố, khẳng định rằng: “Liên minh với Bắc Kinh để phá vở cục diện với Hoa Kỳ”. Nhưng, lãnh tụ thiểu số đối lập trong Quốc hội Nga đã lên tiếng cảnh báo: “Bắc Kinh liên minh với Nga là để biến nước Nga thành một “thuộc địa tài nguyên dầu mỏ” của Trung Quốc”. TT Putin tin tưởng rằng, nếu một ngày nào đó, Hoa Kỳ và đồng minh phong tỏa kinh đào Panama, chặn dầu mỏ từ Nam Mỹ. Phong tỏa eo biển Malacca, chặn dầu hỏa từ Trung Đông và Bắc Phi thì Bắc Kinh tin tưởng còn có Nga yểm trợ. Putin cho rằng, chỉ có TC là khách hàng quan trọng nhất, tiêu thụ dầu và khí đốt của Nga.

Tham vọng của Putin cho rằng, ngoài tiềm năng dầu mỏ ở biển Caspien, Siberia và vùng Viễn Đông, với tiềm năng vô tận nầy sẽ đưa nước Nga lên hàng quốc gia sản xuất dầu hỏa số 1 thế giới, qua mặt cả Saudi Arabia, Iran, Kuwait, Bahrain… còn về phía lãnh đạo Bắc Kinh cũng yên tâm với dầu hỏa và khí đốt vô tận của Nga cung cấp. Liên minh với Nga, Tập Cận Bình sẽ thực hiện tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa”, loại Nga rồi vượt mặt Hoa Kỳ tiến thẳng lên ngôi bá chủ thế giới.

Theo A.A Khramchikin – Phó giám đốc viện Hàn Lâm Khoa Học Nga – một chuyên gia rất có uy tín của Nga, viết trên báo “Bình luận Quân sự Độc lập” với chủ đề: “Cuộc chiến tranh của Trung Quốc chống LB Nga – Chiến thắng sẽ không thuộc về chúng ta”. Xin tóm lược những điểm chính:

Tình trạng dân số quá tải, cộng với tăng trưởng kinh tế nhanh của TQ làm cho nước nầy phải đối mặt với các vấn đề cực kỳ phức tạp ở chỗ, TQ sẽ không còn đủ sống trong các đường biên giới hiện nay của nó.

TQ sẽ không thể tồn tại như hiện nay, nếu không bành trướng để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và lãnh thổ các quốc gia khác và đây mới là một vấn đề thực tế.

Chúng ta không nên nghĩ hướng bành trướng của TQ sẽ là Đông Nam Á. Khu vực nầy tương đối ít lãnh thổ và rất đông dân bản địa. Hướng ngược lại là nơi rất có nhiều lãnh thổ mà hoàn toàn không có đông dân cư, đó chính là Kazakhstan và phần Châu Á của Liên Bang Nga. Đây mới chính là hướng mà TQ sẽ bành trướng để mở rộng biên giới lãnh thổ. Hơn nữa, vùng Ngoại Ural, chính khu vực nầy TQ vẫn coi là lãnh thổ của mình.

Tất nhiên, đối với TQ thì phương án bành truớng ưu tiên một cách hòa bình bằng kinh tế & di dân. Nhưng, tuyệt đối không thể loại bỏ “kịch bản chiến tranh”.

Có lẽ đến bây giờ, chúng ta không hình dung một cách rõ ràng là đã từ lâu Nga mất ưu thế không những về số lượng mà cả về chất lượng đối với phương tiện kỹ thuật tác chiến. Dưới thời Liên Xô, chúng ta có cả 2 ưu thế mà trên cuộc chiến ở bán đảo Damanski giữa biên giới Trung – Xô năm 1966, TQ đã thảm bại mặc dù quân số đông hơn gấp nhiều lần.

Theo nhận định của GS Karl Gerth – Khoa lịch sử TQ hiện đại Đại học Oxford – cũng đồng ý với quan điểm của A.A Khramchilin: “Trong thập niên tới đây, ở TQ sẽ xuất hiện hơn 150 triệu di dân người tỵ nạn sinh thái Tàu. Đội ngũ di dân đói khát nầy sẽ đi về đâu? Karl Gerth khẳng định: “Vùng đất hứa đó là vùng Siberia của Nga.”

Nhà phân tích A.A Khramchilin còn vạch ra một kịch bản, Bắc Kinh sẽ tấn công chớp nhoáng xâm lược Nga với 7 bước trong thời điểm Nga có thể mất cảnh giác, đăng trên báo “Komsomolskaya Pravda” của Nga, kịch bản đưa ra: “TRUNG QUỐC CÓ THỂ XÂM LƯỢC NGA”, ông cho rằng TQ sẽ giống như Đức xâm lược Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Dưới đây là 7  kịch bản giả tưởng PLA tràn ngập vùng Siberia. Xin tóm lược:

BƯỚC 1 – Chiến dịch bắt đầu:

Tấn công cắt đứt đường sắt lớn Siberia.

Tiêu diệt triệt để tất cả công trình quân sự ở bang Amur, khu biên cương ngoại Baikal, khu Primorsky Krai, khu biên cương Khabarovsk và Vladivostok.

Pháo binh và không quân TC tiêu diệt lực lượng tên lửa chiến lược Nga ở Irkutsk, Uzhur, Barnaul, Novosibirsk. Đồng thời tiến hành tấn công đường không và tên lửa đối với Petropavlovsk- Kamchatka và Vilyuchinsk và sau đó lực lượng tác chiến đổ bộ.

BƯỚC 2 – Cối xay thịt:

2 giờ sau tại Moscow trong đêm khuya, sư đoàn dự bị PLA vượt qua sông Amur và sông Ussuri xâm nhập biên giới. Đồng thời, không quân TC bắt đầu tấn công các mục tiêu của lực lượng phòng không ở Kazakhstan. Đại quân khu Lan Châu vượt biên giới và Quân đoàn nhảy dù lần lượt tấn công Yakutsk, Astana và Ulan Bator.

Trở ngại chính của PLA là thời tiết và các khẩu đại pháo cũ kỹ tê liệt bị bỏ lại trên đường phố Moscow. Họ chỉ quan tâm tới việc “chiếm đất” và chiếm kho dự trữ vũ khí của Nga ở khu vực biên giới.

BƯỚC 3 – Gửi thông điệp tới Moscow:

Đại sứ TC tuyên bố trên đài truyền thanh & truyền hình TC: “Lịch sử dân tộc Trung Hoa vĩ đại bị các cường quốc, đế quốc lăng nhục 200 năm đã kết thúc. Dân tộc Trung Hoa đã khôi phục sự huy hoàng trước đây, đã xoá sổ chủ nghĩa đế quốc”.

Từ miền Đông tới Ural, chỉ có lực lượng thiết giáp ở bang Chelyabinsk, Sverdlov, Kemeroyo và Sakhalin và căn cứ không quân MiG- 31 ở khu biên cương Krasnoyarsk là còn sức chiến đấu.

Nhà nước Nga không có lực lượng phòng thủ khu vực miền Đông và điều động lực lượng tăng viện. Sau mấy ngày, quân PLA có thể xâm nhập phần lãnh thổ Châu Âu của Nga.

BƯỚC 4 – NATO không muốn cứu giúp:

Moscow cầu cứu Brussels và Washington. NATO quay lưng.

Chỉ có Washington là có thể giúp Nga.

BƯỚC 5 – Nga đáp trả:

Một phần lực lượng của cụm chiến đấu Nga ở Buryars đưọc bảo toàn, phản công khi “cối xay thịt” của PLA thẳng tiến vào trung tâm nước Nga. Cuộc tấn công thực sự đầu tiên làm cho quân PLA bỏ chạy tán loạn.

Nhưng, Bắc Kinh điều dộng lực lượng chiến đấu hợp thành bởi các quân đoàn 16, 38, 39 và 54 là quân chính quy thiện chiến của PLA nhanh chóng đánh tan quân Nga và tiến thẳng tới Baikal, tấn công Irkutsk, mở con đường khai thông sang hướng Tây.

Hầu hết toàn bộ khu vực miền Đông đều đã bị PLA kiểm soát.

BƯỚC 6 – Vũ khí hạt nhân:

Vệ tinh trinh sát Nga, phát hiện ở khu vực miền trung Trung Cộng xuất hiện hơn 800 thiết bị phóng tên lửa cơ động, sau vài giờ số lượng tên lửa nầy tăng lên 1.500 quả. Bắc Kinh công khai tuyên bố kho vũ khí tên lửa hạt nhân của họ: 745 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nâng tổng số lên tới 8.500 quả. Trên thực tế, không ai kiểm chứng được số lượng tên lửa nầy.

Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thì cả Trung Cộng có thể bị thương vong hàng trăm triệu người. Nhưng, Bắc Kinh đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, tỷ lệ sống sót tối thiểu của Nga cũng không có. Vì thế, Moscow đồng ý đàm phán với Bắc Kinh.

BƯỚC 7 – Hiệp ước Hoà bình:

Căn cứ vào “Hiệp ước Nerchinsk” năm 1689 và “Hiệp ước Kiakhta” năm 1727, tình hình cụ thể như sau: Khu biên giới Khabarovsk, Primorsky Krai, bang Amur, khu biên giới ngoài Baikal, Kurile, nước Cộng hòa Tuva và Mông Cổ trở thành một phần lãnh thổ của Trung Cộng. Các tướng lãnh Bắc Kinh hết sức vui mừng, chúc mừng thắng lợi nầy.

Lãnh thổ ở giữa khu vực Ural và sông Yenisei vẫn thuộc quản lý của Nga, tại đó công dân Hoa Lục được hưởng quyền lợi như công dân Nga.

Tiến sĩ Quân sự học Sivkov bình luận rằng, ở một góc độ chiến lược quân sự, biên giới Nga- Trung hiện nay tương đối thông suốt, không thể bí mật tập trung quân dự bị. Một khi bị xâm lược, quân Nga sẽ rút khỏi khu vực phòng thủ. Hơn nữa, đợt tấn công đầu tiên của TC hoàn toàn không thể bắn trúng các mục tiêu. Chiến tranh chớp nhoáng sẽ không xuất hiện. Ở góc độ chính trị quân sự, kịch bản nầy cũng không đứng vững.

Theo Tiến sỹ Sivkov, số lượng không quân TC có rất nhiều, nhưng tương đối cũ kỹ. Không quân Nga & Không quân Hoa Kỳ nếu tấn công liên hợp thì có thể chặn đứng các cuộc tấn công của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nga không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh thực hiện kịch bản như vậy, sau khi tiến hành hiện đại hóa. Song điều nầy ít nhất cần 10- 15 năm nữa, khi đó TQ và Nga sẽ do ai lãnh đạo? Tình hình cụ thể như thế nào? Hiện còn khó dự đoán chính xác.

Viện trưởng Fursov – Viện Phân tích Chiến lược Nga – cho rằng, cạnh tranh toàn cầu Trung – Mỹ trầm trọng hơn. Mỹ tuyên bố Châu Á- TBD & Đông Á là khu vực ưu tiên của họ. Trong tình hình nầy, Bắc Kinh cần “LIÊN MINH VỚI NGA”, hậu phương ổn định và tài nguyên phong phú. Hiện nay, gây chiến tranh với Hoa kỳ và các đồng minh, đối với Bắc Kinh hoàn toàn là cuộc phiêu lưu mạo hiểm.

Tờ Sputnik News số ra ngày 9/6/2015 dẫn lời của chuyên gia Alexander Larin – Trung tâm Nghiên cứu TQ thuộc viện Viễn Đông – cho rằng, Bắc Kinh chuyển sang “THẾ TẤN CÔNG” đang leo thang ở Biển Đông. Trong khi đó, Washington phản ứng chậm chạp với diễn biến sự kiện và có vẻ như Bắc Kinh không quan tâm đến ý kiến của họ”.

Theo thiển nghĩ của tôi, nếu cho rằng Bắc Kinh đổi sang thế tấn công là chuyện “không tưởng”. TT Putin và nhân dân Nga đã dần dần thấy rõ bản chất nham hiểm của “đồng chí” Tập Cận Bình qua những dòng sự kiện: Trung Cộng đang từng bước thôn tính Nga như thế nào? Xin đơn cử những trường hợp điển hình:

[1] Ngày 22/6/2015, Yuri Soloviev – Phó Tổng Giám đốc Ngân Hàng mậu dịch Đối ngoại Nga (Vneshtorgbank) – tiết lộ: “Các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt với Nga, thậm chí không muốn hợp tác với các đơn vị ngân hàng của Nga, bởi vì họ sợ gặp rắc rối với nhiều mối kinh doanh Mỹ và phương Tây,” ông nói. “Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc có giá trị hơn Nga. Họ sẽ không vì Nga mà thực hiện các vụ làm ăn lỗ vốn.”

[2] Nhà phân tích kinh tế Nga Vladislav Zhukovsky nhận xét: “Kinh tế TQ vẫn ổn nếu không có Nga, nhưng nước Nga hiện nay đang gặp khó khăn hơn nhiều nếu TQ không hổ trợ; vì vậy, Bắc Kinh sẽ lợi dụng cơ hội nầy để giành lấy các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự hay mua vũ khí của Nga. Bắc Kinh trục lợi nhiều lĩnh vực từ việc thắt chặt quan hệ với Nga là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời của Bắc Kinh,” ông nói. “Cảm giác mất cân bằng và bất ổn ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp của Nga sẽ ở vào “thế yếu” khi làm ăn với các đối tác TQ, thậm chí dẫn đến việc Nga chỉ được Bắc Kinh xem là đối tác hạng 2.”

[3] Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg, tỷ phú người Nga là Oleg Deripaska đã kêu gọi: “Nga nên tránh xa TQ và nhanh chóng tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây, chỉ có như vậy nền kinh tế Nga mới trở lại thịnh vượng,” ông nói. “Tích cực hợp tác với Mỹ và Châu Âu, chứ không phải TQ.”

[4] Người Nga làm Oshin cho các “xì thẩu” Tàu: Với vỏ bọc “đồng phát triển”, chiêu này của Bắc Kinh là di dân qua nước khác để hình thành một cộng đồng người Hoa, nhằm tận thu nguồn tài nguyên của nước đó và nếu cộng đồng người Hoa này bị đàn áp, họ sẽ đưa quân qua can thiệp. Bắc Kinh cũng áp dụng chiêu nầy với láng giềng Nga. Cụ thể là ở vùng Siberia giàu tài nguyên nhưng thưa dân ở vùng Viễn Đông Nga khiến cho Điện Kremlin phải lo lắng.

[5] Báo New York Times của Mỹ số ra ngày 3/7/2015, có bài bình luận Bắc Kinh đang âm mưu chiếm Siberia, vùng đất bao la chiếm ¾ tổng diện tích nước Nga và bằng tổng diện tích của hai nước Mỹ và Ấn Độ. Hồi đầu thế kỷ XX, có một khẩu hiệu: “Một vùng đất không người cho một dân tộc không đất” để cổ động người Do Thái di cư qua Palestine. Nay, Bắc Kinh áp dụng chiêu nầy: lập quan hệ hữu hảo, đổ tiền đầu tư và đưa công nhân TQ qua Siberia, nơi đó họ kết hôn với phụ nữ địa phương, đẻ ra một thế hệ dòng con lai Trung – Nga (Bắc Kinh đang áp dụng hiệu quả chiêu nầy tại Việt Nam)

[6] Tại Siberia, nhiều xí nghiệp do người TQ làm chủ ngày càng có khả năng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn, cho thấy vùng này đã thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế của Bắc Kinh. Tầm ảnh hưởng của TC ở vùng Viễn Đông nhanh chóng tăng lên, Siberia trở thành nguồn cung cấp vật liệu thô cho “phép lạ kinh tế” của TC. Trên dãy biên giới Nga – Trung (dài nhất thế giới với 3.645 km) Nga không còn an ninh và ổn định, không đúng theo cái tên có nghĩa “đất hòa bình” của Mirnaya, không còn bóng dáng lính Nga nào sau khi LX sụp đổ. Nó gần như hoàn toàn bỏ ngõ.

[7] Để sống còn, người dân Nga vùng hẻo lánh nầy phải đem hết tài sản, đồ nội thất ra bán kiếm chút tiền mua lương thực. Rồi gỡ từng miếng sắt vụn, dân “ve chai” gom hàng bán cho các đại lý xuất khẩu kim loại nầy qua Trung Cộng. Người dân Nga cùng khổ, phải là một người kiên nhẫn mới có thể ngồi xe 5 ngày từ Moscow vượt 5.000 km để tới hồ Baikal ở Siberia, rồi đến Mirnaya, rồi còn phải đi tiếp 380 km nữa mới xuống miền đông- nam TQ, nơi mà dân làng nầy tìm đến làm “lao động chui” hoặc làm oshin cho các “bá hộ Tàu”.

[8] Tại chốt biên phòng Zabaikalsk (Nga) – Manzhouli (TQ) chỉ cách làng Mirmaya một giờ xe. Khách du lịch Nga qua TQ mua hàng với giá bèo. Người lao động Nga bị gọi là “lạc đà” vì làm cho những nhà phát hành, mỗi tháng qua TQ vài lần để cõng hàng trở về Nga nào là quần jean, đồ chơi trẻ con, giày thể thao…Nữ cựu nhân viên hải quan Mariya Sergeyeva, khi về hưu đã trở thành “lạc đà”, mỗi giờ qua lại chốt biên phòng Zabaikalsk nối thành phố Manzhouli (TQ) để “cõng hàng”.

[9] Tại 2 thành phố Blagoveshchensk (Nga) và Heihe (TQ) bên kia sông Amur có cùng chung một biểu ngữ “Hai quốc gia, một thành phố”. Nhưng thực tế thì dân Nga ở Blagoveshchensk rất căm ghét tên Tàu “đại gia” He Wenan, người xây 5 trung tâm mua sắm ở đây, làm chủ khách sạn đắt nhất và là người đầu tiên lái chiếc xe siêu sang Bentley. Họ cũng ghét nữ doanh nhân Tàu Li Lihua mua trọn ngành trang trí thành phố và một phụ nữ TQ khác sản xuất loại bia Kvass nổi tiếng làm từ lúa mạch của Nga.

NƯỚC NGA – THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU?

Cách đây 60 năm, Moscow còn là nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Trung Quốc. Ngày nay, phụ nữ Nga lấy chồng Tàu Hoa Lục, sinh ra một thế hệ con lai và cuộc thôn tính nước Nga bằng chiêu “HÁN HOÁ” đã và đang bắt đầu từ lâu…

Năm 1891, triết gia Nga Konstantin Leontyev đã cảnh báo về tương lai Đế quốc Nga: “Cái chết của Đế quốc Nga sẽ đến từ hai phiá: Một là từ phía Đông bởi lưỡi kiếm của Trung Hoa. Hai là thông qua sự thôn tính, sáp nhập một khối quốc gia láng giềng lân bang”. Nước Nga có một diện tích lớn nhất thế giới, nhưng quá ít dân. Trước đây, Đế quốc LX còn là trung tâm quyền lực của thế giới. Nhưng, ngày nay nước Nga đã trở nên quá yếu bên cạnh anh láng giềng khổng lồ tham lam đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Vì thế, Sergey Karaganov – Cố vấn chính sách đối ngoại của Nga – ủng hộ một liên minh với EU. Ông nói: “Nếu Nga không hòa mình vào Châu Âu, chắc chắn sẽ trở thành kho nguyên liệu thô cho Trung Quốc”.

Bắc Kinh tỏ ra khôn khéo, triệt để khai thác sự mâu thuẫn giữa Nga với Hoa Kỳ và phương Tây, đầu tư hàng tỷ USD vào vùng biên giới phía Bắc. Khi người Nga đến Manzhouli cảm thấy như về nhà: có nhà thờ chính thống giáo Nga, một búp bê Matryoshka khổng lồ, vô số tượng các nhà thơ Alexander Puskin, văn hào Fyodor Dostoyevsky.

Khi biên giới mở đầu vào những năm 1990, chỉ có chưa tới 10.000 người sống ở vùng cửa khẩu Zabaikalsk – Manzhouli. Nay, Zabaikalsk chỉ vẫn là cái làng nhỏ với nhiều nhà gỗ, dù cơn bùng nổ kinh tế làm tăng số dân lên 11.000 người, toà nhà cao nhất chỉ là 5 tầng. Ngược lại, bên Manzhouli là 300.000 người, toà nhà cao nhất là 30 tầng, ban đêm tỏa ánh đèn màu rực rỡ chẳng khác gì Thượng Hải. Ở đấy, các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xếp chồng chất lên nhau trên khoảng đất dài 7 km, TC nhập cảng 2/3 gỗ từ vùng Siberia của Nga và mỗi năm có 700.000 lượt tàu xe chở gỗ Nga vượt qua biên giới qua Tàu.

Báo Niezawisimaja Gazieta ở Moscow viết: “TQ đầu tư vào vùng Viễn Đông Nga còn hơn chính phủ ta và sự bành trướng theo vết dầu loang của TQ đã gieo nỗi lo ngại ở Điện Kremlin, làm sống lại nỗi sợ hai kẻ thù cũ Nga – Trung sẽ lại đánh nhau, như đã từng đánh nhau hồi những năm 1960”.

Tờ New York Times bình luận: “Trên thực tế, Bắc Kinh có thể dùng chính chiến thuật của Nga ở Ukraina, đó là cấp hộ chiếu cho người dân thân TQ tại các vùng đang có tranh chấp với Nga, rồi sau đó đem quân sang bảo vệ “công dân của mình”. Và nếu Bắc Kinh chọn cách đánh chiếm Siberia bằng vũ lực thì những người lãnh đạo Điện Kremlin chỉ còn có một cách để ngăn chận đứng cuộc xâm lược của QĐNDTQ vào lãnh thổ nước Nga bằng vũ khí hạt nhân”.

Nhà Trung Hoa học người Nga, ông Alegsandr Aladin, gần đây trả lời mạng News (Mông Cổ) đặt câu hỏi: “Người TQ muốn gây chiến tranh chăng?”. Nội dung chính như sau: “Nhiều tuyến đường bộ đang được thi công từ lãnh thổ TQ hướng về biên giới Nga, được đổ bằng bê tông, có khả năng vận chuyển các thiết bị quân sự nặng. Khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng, ngoài việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị, vũ khí đến dọc biên giới Nga. TQ sẽ không có trở ngại nào khi thực hiện tập kích tấn công chiến lược”.

Năm 2004, TT Putin và Hồ Cẩm Đào ký Hiệp Ước bổ sung về biên giới của 2 nước; theo đó, Nga trao trả cho Bắc Kinh 337 km2. Vùng đất này đang đe dọa đến an ninh chiến lược của thành phố Khabarovsk và vùng Viễn Đông của Nga. Khi thành phố nầy bị PLA chiếm thì con đường trên sông Amur cũng bị chiếm, các tuyến đường bộ, đường sắt khác trên con sông nầy cũng bị chiếm giữ. Như vậy, khu vực Viễn Đông sẽ hoàn toàn bị chia cắt. Trên thực tế, Nga không có năng để giúp đở khu vực nầy. Phần lớn trang thiết bị, vũ khí ở khu vực Viễn Đông rất lạc hậu, lực lượng lại mỏng; vì vậy, lá chắn bảo vệ vùng Đông Siberia và khu vực Viễn Đông hầu như bị bỏ rơi.

Quân đội TQ có 2,250 triệu quân dưới cờ, nhưng khi chiến tranh xâm lược xảy ra, con số nầy sẽ là 208 triệu người. Quân đội TQ nếu bắt đầu tấn công theo đường bộ và đổ bộ bằng đường hàng không thì họ sẽ nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn tại khu vực nầy và dùng nó làm bàn đạp tấn công vùng Ural và tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

THỦ ĐOẠN MƯỚN ĐẤT CANH TÁC:

Theo báo Kommersant, tại Diễn đàn Kinh tế tại Saint Petersburg mới đây, chính quyền vùng Zabaikalye đã ký biên bản về việc cho công ty TQ đứng ra thuê đất là Hua Xingbang, một công ty không hề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công ty hứa hẹn đầu tư 24 tỷ rúp (440 triệu USD) vào các vùng đất được thuê ở Zabaikalye. Bước đầu dự định thuê 115.000 ha, sau đó sẽ thuê tiếp khoảng 200.000 ha nữa trong vòng 49 năm để trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

Đảng Dân chủ Tự Do (LDPR) đã đề nghị viện DUMA (Hạ viện) yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev đình chỉ mọi tiến trình pháp lý của thỏa thuận này, do lo ngại đối với an ninh quốc gia Nga cũng như hậu quả về địa chính trị.

Ông Igor Lebedev – phát ngôn viên của LDPR – quan ngại: “Nó có thể dẫn đến tình trạng nhiều người TQ sinh sống tại Zabaikalye hơn người Nga và họ có thể được bầu vào chính quyền địa phương, rồi trong vòng 20 – 30 năm tới họ tuyên bố Zabaikalye là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”. Bắc Kinh luôn nghĩ đến kế hoạch di dân sang Nga và định cư vĩnh viễn tại vùng đất nầy. Người TQ đã bắt đầu chui sâu vào ban lãnh đạo địa phương của Nga. Họ đã bắt đầu cung cấp tài chánh cho các hoạt động bầu cử Thống đốc địa phương và các cuộc vận động tranh cử khác. Họ mua đại diện của chính quyền và các quan chức nhà nước Nga. Tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế địa phương đã bị người TQ mua chuộc.

Chiêu nầy, Bắc Kinh đã áp dụng một cách hiệu quả tại Việt Nam và các quốc gia tại Phi Châu. Vì vậy, những người ở điện Kremlin rất lo ngại là phải, vì phần diện tích lãnh thổ bao la của Nga ở Châu Á chiếm 72%; còn phần Châu Âu chỉ chiếm 28%. Nhưng, 75% người Nga sống ở  Châu Âu; còn phần Châu Á chỉ chiếm 25% dân số.

BẮC KINH ĐÃ LOẠI NGA RA KHỎI SÂN CHƠI TRUNG Á?:

Tuần báo Argoumenty Fakty của Nga, nêu quan điểm tới việc Bắc Kinh “Người láng giềng háu ăn một cách đáng sợ tại khu vực Trung Á”. Từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, các nước thành viên cũ đã lần lượt trao Bắc Kinh một phần đất đai lãnh thổ của họ: (1) Tadjikistan: 1.358 km2. (2) Kyrgystan: 1.160 km2. (3) Kazakhstan: 407 km2. Bài báo đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh sẽ nuốt chững  hết các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ?

Vị trí Trung Á nằm giữa ngã ba Châu Á – Châu Âu – Trung Đông, gồm có 5 quốc gia: Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan là một phần của con đường tơ lụa nổi tiếng thời xưa. Trung Á có liên quan tới vấn đề an ninh của Bắc Kinh. Thật vậy, TC có 3.000 km giáp biên với Kazakhstan, Kyrgystan và Tajikistan là sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố. Sự bất ổn tại Trung Á sẽ đe dọa an ninh quốc phòng cũng như nguồn năng lượng của Bắc Kinh vì Trung Á là cái “rốn dầu” của thế giới:

Kazakhstan: 39,8 tỷ thùng – khí đốt 2.407 tỷ thước khối.

Turkmenistan & Uzbekistan: 6 tỷ thùng.Turkmenistan: 7.504 tỷ thước khối khí đốt (chiếm 1/3 trữ lượng thế giới)

Hàng hoá độc hại giá bèo của TC tràn ngập tại vùng Trung Á. Các ống dẫn dầu đi qua Trung Á vận chuyển dầu hỏa và khí đốt từ Nga và các nước kể trên về Hoa Lục.

Đối với Nga có quan hệ đặc biệt với các quốc gia Trung Á từ thời Liên Bang Xô Viết, cũng đang tìm mọi biện pháp tái xác lập vị thế của Nga. Trung Á luôn được coi là “sân sau” của Nga, điện Kremlin quyết tâm ngăn chận không cho bất cứ một quốc gia nào giành được vị trí chiến lược của Nga tại vùng nầy.

KẾT LUẬN:

Gần đây, Tập Cận Bình hung hăng, ngang ngược, cao ngạo quá mức. Bắc Kinh sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để hợp thức hóa về chủ quyền lãnh thổ, đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo và cải tạo trái phép các đảo đá mà Bắc Kinh cưỡng chiếm phi pháp ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Bắc Kinh công khai thách thức với cả thế giới vì Bắc Kinh nghĩ rằng, “liên minh Trung – Nga” nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương trên 2 lĩnh vực quân sự & năng lượng trong bối cảnh cả hai đều phải bị áp lực của Hoa Kỳ và phương Tây.

Giới phân tích cho rằng, cả Bắc Kinh & Moscow đều nhận ra những lợi thế chiến lược của việc thiết lập liên minh Trung–Nga trong thời điểm Biển Đông dậy sóng nầy. Cả hai nước muốn cùng nhau làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, từ đó mở ra chiến lược bành trướng rộng lớn hơn tại Ukraina và Biển Đông.

Bắc Kinh thì cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh trong khu vực Châu Á- TBD kiềm chế, đặc biệt sau chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ ngày 26/4/2015 trong chuyến thăm một tuần nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ – Nhật Bản.

Ông Meredith Miller – Cơ quan Nghiên cứu vấn đề Châu Á – cho biết: “Tôi nghĩ, một trong những điều Mỹ muốn làm hiện nay, đó là gởi đi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ với Bắc Kinh mà còn các nước khác trong khu vực, cũng như người dân Nhật Bản về giá trị của đồng minh. Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng, Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”. Theo đó, khẳng định “chiến lược tái cân bằng” Châu Á- TBD, một dấu hiệu cho thấy Ngũ Giác Đài đang nổ lực gia tăng sự quan tâm đến khu vực nầy. Trong năm 2014, các nhà lãnh đạo Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố của TT Obama khi tái khẳng định cam kết của Mỹ theo Hiệp ước an ninh 1951 giữa Hoa Kỳ & Nhật Bản.

Còn Nga lo ngại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng về phía Đông, đặc biệt là xu hướng khuếch trương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), uy hiếp đến vùng ảnh hưởng của Nga. Đây cũng là lý do khiến Nga có phản ứng mạnh mẽ trong vấn đề Ukraina, bởi quốc gia thành viên cũ của LX này là nước diện tích lớn nhất nằm giữa Nga & EU.

Với việc TT Putin và Tập Cận Bình cùng xuất hiện trong lễ khai mạc tập trận chung, Moscow đã gửi đi tín hiệu rõ ràng là sẽ nghiêng hẳn về phiá Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng tại Biển Đông.

Đùng một cái, chiều ngày 19/6/2015, trong bài phát biểu tại “DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ” tại Saint Petersburg 19 (SPIEF 2015), TT Putin bất ngờ tuyên bố: “Nga không theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới mà chỉ mong xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Âu – Á…” ông Putin khẳng định. “Nga từng nhiều lần đề nghị hợp tác, song vẫn bị dồn ép giới hạn không thể nhượng bộ.” Ngoài ra TT Putin đặc biệt nhấn mạnh: “Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng, Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất kỳ quan hệ “ĐỒNG MINH QUÂN SỰ” nào.”

Học giả Tăng Kim Nhuận (TC) đánh giá: “…sự tái khẳng định “không liên minh với Trung Quốc” tưởng như đơn giản, nhưng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang leo thang, điều nầy có thể khiến Mỹ và đồng minh càng yên tâm gia tăng quyết tâm cũng như áp lực để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.”

Một câu hỏi được đặt ra: “Trong bối cảnh, hiện nay Nga không liên minh với TQ. Nhưng, tại sao điện Kremlin chấp nhận bán 24 chiếc chiến đấu cơ Su- 35 để giúp Bắc Kinh thống trị Biển Đông để làm gì vậy?”

Theo Zachary Keck – biên tập viên The National Interrest – số ra ngày 19/6/2015, Nga đã bộc lộ ý định bán cho TQ chiến đấu cơ tiên tiến nhất của mình vào cuối năm nay, hành động nầy rất có khả năng sẽ giúp cho Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự bành trướng trên Biển Đông. Tại cuộc triển lãm Không quân Paris, ông Yuri Slyusar – Chủ tịch United Aircraft Corp – cho biết, công ty của ông đang hướng tới thỏa thuận bán cho Bắc Kinh 24 chiếc Su- 35”.

Theo thiển nghĩ của tôi, những người lãnh đạo ở điện Kremlin dần dần nhận ra dã tâm và tham vọng của Tập Cận Bình muốn thôn tính vùng Viễn Đông và Siberia của Nga. Động thái mới nhất là công ty Hua Xinbang của TC đứng ra thuê 300.000 hecta đất nông nghiệp vùng Zabaikalye (Siberia) trong thời hạn 49 năm làm cho Nga phản ứng quyết liệt trước tham vọng chính trị và ý đồ bành trướng lãnh thổ nguy hiểm của Bắc Kinh. Việc Nga thỏa thuận bán cho Bắc Kinh 24 chiếc Su- 35 nhằm mục đích cổ vũ cho Bắc Kinh có đủ khả năng quân sự để gây chiến tranh với Hải quân Mỹ và đồng minh ở Biển Đông. Putin sẽ “toạ sơn quan hổ đấu”, dùng chiêu “tá đao sát nhân” mượn tay Mỹ và đồng minh tiêu diệt Trung Cộng dùm Nga, một mầm mống đại họa cho nước Nga trong tương lai.

Thế nhưng, tại sao Bắc Kinh không mua được máy bay ném bom siêu âm Tu- 160 “White Swan” của Nga, để có thể thực hiện chương trình “hiện đại hoá” lực lượng không quân của TC? Tu- 160 là một trong những loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới hiện nay. Nó có thể mang theo 40 tấn bom và tên lửa hành trình được trang bị đầu đạn hạt nhân với tầm hoạt động 12.300 km. Nếu Bắc Kinh sở hữu được những chiếc Tu- 160, TC có thể thực hiện dễ dàng cuộc tấn công hạt nhân, đánh phủ đầu vào lãnh thổ Hoa Kỳ bất cứ lúc nào.

Một lý do dễ hiểu, là vì Putin sợ Tập Cận Bình lật lọng, tráo trở dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với Nga thì sao?…

nguồn: http://baotoquoc.com/2015/06/27/putin-toa-son-quan-ho-dau/

 

Việt Nam còn khả năng phát triển không? Từ thực tế tụt hậu ngày nay, hãy nhìn về tương lai – Phan Văn Song

I – Việt Nam:

Con đường phát triển tương lai trong giấc mơ dài của nhóm lãnh đạo

Từ mùa thu năm 1989, khi nhóm Solidarnosc thắng cuộc tranh cử để cầm quyền tại Ba Lan đến tháng 12/1991. đánh dấu ngày Liên Bang Sô Viết vở tung và bức tường Bá Linh sụp đổ. Các nhà nghiên cứu chánh trị thế giới vừa ngạc nhiên vừa vui mừng tin rằng chế độ Cộng Sản sẽ tan rã trên khắp thế giới – và chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ không còn lý do để tồn tại nữa!

Hai Mươi Lăm năm trôi qua thế giới vẫn còn 4 chế độ CS tại Á Châu và tại Cu Ba. Tuy rằng Cộng Sản Cu Ba là một chế độ vá víu, nay đã trên đường mở cửa nhờ Mỹ bỏ cấm vận và nói chuyện trở lại và các chế độ Cộng Sản Tàu, Bắc Hàn và Hà Nội thuộc loại Mác xít Lê nin nít nửa chừng xuân, nhưng có một sức phản kháng khá đặc biệt với tất cả những diễn biến thời cuộc bên ngoài, nhưng tựu trung, có lẽ là nhờ những chánh sách kịp thời vá víu theo thời cuộc.

Câu hỏi thường xuyên của các nhà bình luận là đảng cộng sản Việt Nam đang thay hình đổi dạng trên đà suy sụp hay chế độ cộng sản Việt Nam đang biến hóa để cải tiến và vượt qua những chướng ngại vật do thời cuộc và sự sống còn bắt buộc?

Rất nhiều những người đang mong chờ một Gorbatchev Việt Nam chụp lấy chánh quyền để sửa đổi. Có người lại mong chờ các phe phái đang cầm quyền đấm đá nhau.

Nhưng nhóm cầm quyền tại Ba Đình vẫn cố gắng giữ lấy tay lái. Họ nhứt định khư khư không thay đổi hướng đi, nhưng họ không cưỡng lại những sự thay đổi bên ngoài. Một sự thả lỏng chánh trị, bằng những bài trả lời «lưỡi gỗ» bằng những bản “vẹt hót”, «ai có nghe hay không nghe mặc kệ! Nếu cần họ «đè bẹp», họ «khủng bố» mọi dư luận chống đối chế độ ở trong nước và nếu cần họ có thể chấp nhận đổ máu để đập tan mọi hành động «phản kháng» có tổ chức và nguy hiểm cho sự sống còn của chế độ.

Họ vẫn biết là cái chủ nghĩa của họ ngày nay rỗng tuếch không có một tí gì hy vọng giữ bền vững «chế độ anh hùng chủ nghĩa cộng sản nữa» nhưng họ vẫn cố gắng gỡ gạc dưa vào cái «quá khứ anh hùng kháng chiến chống Pháp chống Mỹ». Bài nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 30 tháng 4 năm 2015 nầy đã chứng minh điều ấy, mặc cho những tay «cá độ» mong chờ Đồng chí X Ba Dũng ra tay cứu nước!

Hồ chí Minh dù là cái xác khô đét được ướp nằm đó, hàng ngày tô son điểm phấn bởi một nhóm văn công gia nô ca bài «Tư tưởng Hồ chí Minh» vẫn tiếp tục hướng dẫn hành động của nhóm cầm quyền, nhưng đặc biệt không thấy có một chương trình, một dự án, không thấy một tư tưởng chánh trị Việt Nam có giá trị khả thi để phát triển đất nước.

Đối với tuổi trẻ mọi giấc mơ tương lai đều trở thành xa xỉ.

Cái vòng lẩn quẩn «Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa» chẳng những đã không giải quyết được phát triển mà chỉ trói buộc thêm suy nghĩ của nhà cầm quyền Cộng Sản mà thôi.

Làm sao có thể mở cửa cho đầu tư – thật sự -, cho thương mại – thật sự – theo hướng kinh tế thị trường – thật sự – mà không bị trói buộc bởi những suy nghĩ định chế xơ cứng của chủ nghĩa cộng sản lỗi thời?

Làm sao có thể áp dụng một chánh sách kinh tế xã hội mà dung hòa được hai quan niệm «thợ thuyền» và «nông dân» mà không bị mâu thuẫn về bản chất, bởi nông dân còn mang nặng đầu óc về tư hữu?

Hà Nội đang mơ giấc mơ dài giữa hai hình ảnh «tương lai xán lạn kinh tế thị trường» và «quá khứ anh hùng xã hội chủ nghĩa chống ngoại xâm»…

Nhằm đề cao «chánh nghĩa» tinh thần dân tộc bằng những cuộc chống Pháp Mỹ (nhưng bỏ quênTàu) ngõ hầu động viên nội lực dân tộc, để khắc phục khó khăn, đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, vì nếu tăng trưởng kinh tế không đạt được như dự tính, Nhà nước lo sợ sức ép của xã hội sẽ có cơ bùng nổ lớn.

Thực tế là những hiện tượng chống đối của nhiều giới trong đó có giới trẻ trí thức xuất hiện là một hiện tượng rất quan trọng, càng ngày cho thấy càng rõ, nét và gây, ảnh hưởng sâu rộng thêm.

2 – Những khó khăn phải vượt qua:

Muốn phát triển Việt Nam, phải có một chương trình đầy đủ khả năng vượt những khó khăn sau đây:

– giữ vững một chỉ số tăng trưởng của Tổng sản lượng hàng năm vào 7% là tốithiểu. Chỉ ở chỉ số này, mới hy vọng tạo đủ công ăn việc làm cho những công nhơn mới hàng năm bước vào thị trường lao động: giới trẻ và những nông dân trên đà đô thị hóa. Nhưng chỉ số 7% không đủ sức để giảm những bất công xã hội chớ chưa nói đến hy vọng bắt kịp những phát triển của những nước trong khối ASEAN, Thái Lan hoặc Mã Lai Á trong một tương lai dài.

– Cố gắng giải quyết những thiếu sót trong những chương trình nông nghiệp, hiện nay chỉ số phát triển chỉ ở độ mức 4,5%, rất xa với cái 7% lý tưởng: năng suất thu hoạch của nông nghiệp kém, giá cả thị trường nông nghiệp càng ngày càng hạ thấp, những thông tin, hiểu biết về những thị trường nông nghiệp thay thế kém hay không được cập nhựt hóa, chương trình tín dụng các ngân hàng nông nghiệp không ứng dụng đúng với tình trạng nông nghiệp hay nhu cầu nông nghiệp nên biến lợi tức của nông dân mỗi ngày mỗi kém cỏi: kết quả họ bỏ ruộng lên thành thị tìm sống qua ngày.

– Làm sao giải quyết được hai tệ nạn đang làm «bế tắc» mọi phát triển của thị trường «Khu vực thứ hai»:

a. Hàng hóa thứ rẻ tiền của Tàu sang tràn ngập vào thị trường tiêu thụ Việt Nam ? Nhập cảng bình thường và nhập cảng lậu, nghĩa là trốn thuế doanh nghiệp.

b. Một loại kinh tế gia đình không giấy tờ, không cơ sở doanh nghiệp, chui lòn, trốn thuế, trốn nhiệm vụ xã hội nhưng vẫn sản xuất, vẫn trao đổi doanh thương, nửa lậu, nửa thật chỉ làm lợi cho người buôn và các nhơn viên cầm quyền hủ hóa tham nhũng.

– Làm sao chống tham nhũng hữu hiệu, chống cửa quan cửa quyền làm khó khăn mọi thủ tục hành chánh. Phần sau tạo thiên vị và bất công để phần trước sanh sôi nẩy nở.

– Có dám đóng cửacác cơ sở quốc doanh và nâng cao số cơ sở tư doanhkhông? Làm sao biến các công thương quốc doanh làm ăn có lời, có hữu hiệu?

– Có dám có những chương trình tín dụng ra lệnh những ngân hàng chỉ cho vay những dự án làm ăn có lời. Với những bản chiết tính chi thu rõ ràng?

– Lập lại hệ thống ngân hàng, xóa những nợ khó đòi, lập một chương trình đầu tư, và tín dụng với những chương trình phát triển dài hạn có lời, những chương trình xem xét, kiểm tra rõ ràng hằng năm cập nhựt hóa lời lỗ.

– Cải tổ lại chương trình giáo dục, y tế, giảng huấn cán bộ cấp Đại Học, cải tổ và mở mang mạng lưới giao thông và thông tin.

3- Những tất yếu phải làm ngay:

Hình ảnh bi quan ấy chúng ta có thể vượt qua được nếu chúng ta và đặc biệt nếu Nhà nước Việt Nam chấp nhận một vài cải tổ về mặt suy nghĩ và tư tưởng như:

Áp dụng một nền dân chủ pháp trị,

Tôn trọngnhơn quyền và tôn trọng những quyền tự do cho một công dân một con người.

Chấp nhận những hoạt động chánh trị của các đoàn thể, đảng phái…ngoài đảng cộng sản trong thế đối lập xây dựng. Chấp nhận đối thoại với những đoàn thể đảng phái trong hay ngoài nước với các nước liến hệ bang giao trong tình xây dựng kinh tế, trong dân chủ, trong công bằng với những luật lệ chiếu theo những luật lệ quốc tế về nhơn quyền, về xã hội, về lao động, về y tế, giáo dục, vân vân…

Việt Nam trong thực tế chỉ vì bi quan ấy, có thể có một chương trình xây dựng phát triển dựa trên những yếu điểm sau đây:

Tài nguyên thiên nhiên dồi dào và đặc biệt về dầu khí.

Tài tháo vát của người Việt Nam trong những lãnh vực làm ăn «ít vốn»: doanh nghiệp, thủ công nghiệp, công việc làm ăn kiểu phường xóm, láng giềng , xây dựng (nhơn công)…

Việt Nam vẫn là nơi đầu tư ngoại quốc thích vào: mặc dù hiện nay họ đang ở thế chờ đợi một sự tháo khoán tư tưởng của các nhà cầm quyền cộng sản vẫn còn đỏ.

Việt Nam có một sức lao động rẻ tiền, lanh lợi, khôn ngoan, khéo léo, và đặc biệt là một sức lao động trẻ.

Khu vực tư doanh phải dù đang được khuyến khích phát triển và một tiềm lực doanh nhơn (do những số tiền dành dụm tiết kiệm đàng hoàng hay chui).

Địa lý chánh trị của Việt Nam là một địa lý lý tưởng. Nằm trên biển Nam Thái Bình Dương ngó ra hải đạo Nam Bắc Nhật Bản- Malacca.

ASEAN và tương lai thị trường chung ASEAN sẽ làm đòn bẩy cho sự phát triển.

Kết luận:

1/ Những quyết định can đảm vì đất nước

Việt Nam phải có một nền chánh trị và một thể chế pháp lý dựa trên một nền dân chủpháp trị đúng mức, nghiêm chỉnh. Đây là một sine qua non.

Một nền chánh trị đối ngoại dựa trên một sự giao hảo hữu nghị với tất cả các cường quốc, quốc tế và vùng, để thoát khỏi vòng phong tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hãy suy nghĩ lại và làm lại một chương trình phát triển mới.

Hãy cố quên đi «quá khứ anh hùng chống ngoại xâm» một vài giây đi và cố gắng bỏ đi giọng nói trịnh thượng của người chiến thắng đi «xin tiền» các kẻ thù nay đã thua trận.

Hãy mạnh dạn có những suy nghĩ thực tiễn để tìm một hướng đi sáng tạo khai triển các tinh túy của tính chất «Việt». Quá khứ của dân tộc Đại Việt, văn hóa của dân tộc Đại Việt. Thành tựu của nhóm người Việt tỵ nạn tại những quốc gia tư bản đã chứng minh rằng người Việt và Việt Nam có một tiềm lực. Vì vậy, phải và nên sử dụng đúng đắn.

Một chế độ chánh trị và một phương trình chánh trị đúng đắn, văn minh, nhơn bản, sẽ đưa Việt Nam nhanh chóng bước vào một kỷ nguyên phát triển thật sự. chương trình ấy phải được dựa trên một sự nối tiếp theonhững cái hay cái mới của thế giới văn minh vừa qua và ngày nay, đã, trong một hoàn cảnh đặc biệt, đã hội nhập vào cho Việt Nam trong một thời gian rất ngắn!

Thật vậy, Việt Nam đã học hỏi, và tiếp thu trong sự đớn đau của chiến tranh, thù hận, chia rẽ, những hệ thống kinh tế, những suy nghĩ, những tư tưởng chánh trị khác nhau. Việt Nam, là một trong một số nước nhỏ trên thế giới nhận được sự góp nhặt vô cùng quí báu ấy. Và cũng do một vị trí địa lý thuận lợi đem lại cho Việt Nam nhiều cay đắng, nhưng cũng nhiều học hỏi tích cực đặc biệt về kinh tế.

Hãy không ngại làm « đứa con lai giống » kinh tế ấy, vì đó sẽ giúp Việt Nam có những yếu tố để phát triển trong những ngày tới. khi Việt Nam đã hồi phục được dân chủ dân bản pháp trị.

2/ Những giá trị truyền thống cần đổi mới hay khai triển:

▪ Một quan niệm nông dân, và văn minh nông dân đặc biệt với hệ thống văn minh “ lũy tre “ “lệ làng “ giúp đỡ nhiều cho sự phát triển nông nghiệp và đời sống xã hội cộng đồng.

▪ Những sự bất công xã hội mà các tiền bối của chúng ta đã vấp phải và đã có chánh sách giải quyết thỏa đáng, nếp sống phong kiến của quan lại vua chúa, tôn giáo.v.v…

▪ Văn hóa Trung Hoa cổ, đặc biệt tư tưởng của Khổng Tử, rồi những sai lầm cũ và mới của Trung Quốc do một lớp quan lại vì đặc quyền đặc lợi cố tình bảo thủ để giữ quyền lực đã tác hại xã hội không ít mở đường cho thực dân cộng sản ngày nay.

▪ Tính Nhơn Bản của Tam giáo

▪ Bản chất của Việt Nam là lấy con người và tình thương làm gốc xây dựng xã hội.

▪ Duy lý (cartesianisme) của các nhà cầm quyền Pháp.

▪ Sự thực tiễn chất Business, và quản lý của người Mỹ.

3/ Những ảnh hưởng thời đại cần phải tránh:

▪ Ảo tưởng của ý thức cộng sản đã lường gạt cả tình lẫn lý nên dứt khoátloại bỏ

▪ Những sự thái quá do những sự đầu cơ và những sự phá điều lệ (dérégulation) tài chánh của thị trường chứng khoán á châu. v.v…

Trong không khí thiếu điều chỉnh, thiếu tổ chức, trong không khí đấu tranh giành ảnh hưởng của những «tư tưởng kinh tế», Việt Nam ráng đừng như một con thuyền dập dờn trôi theo những dòng nước ngược chiều nhau giữa DAVOS và Porto Alegre.

4/ Đào sâu, phát triển, phổ biến một dự kiến:

Vào những ngày từ 20 tháng ba và 10 tháng tư năm 2002, tại Washington DC, thủ đô xứ Huê Kỳ, một nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam và một nhóm nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cùng nhau làm việc, cùng trao đổi những suy nghĩ về các vấn đề chánh trị, kinh tế sau 15 năm đổi mới, quân sự và vị trí chiến lược của Việt Nam trong vùng Thái Bình Dương.

Sau hai ngày làm việc cả hai nhóm đều chấp nhận một bản nhận định tổng quát về tình hình Việt Nam và đưa ra một Bản Lộ Đồ Thư để giúp chánh phủ Huê Kỳ có những suy nghĩ và chọn lựa khi cần đề cập đến vấn đề Việt Nam trong chánh sách đối ngoại của Huê Kỳ vào những ngày tháng tới.

Dĩ nhiên về phía Việt Nam, Nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội cũng có thể sử dụng Bản Lộ Đồ Thư này như bức cẩm nang để đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng (lúc ấy). Bản Lộ Đồ Thư ấy, chẳng những đem lại Việt Nam một chế độ dân chủ tự do để phát triển, sẽ nâng Việt Nam vươn lên tầm vóc các nước láng giềng trong vùng mà còn có khả năng bảo vệ Việt Nam trước những hiểm họa bành trướng của phương Bắc.

Thực hiện Bản Lộ Độ Thư ấy là chuyển hóa Việt Nam về mặt hiện tại vô cùng xấu, cực kỳ bất lợi cho dân tộc, để tiến lên một tình trạng tốt đẹp hơn, đem lại phúc lợi cho toàn dân, chớ hoàn toàn không nhằm lật đổ, gây xáo trộn bất ổn vô ích. Bản Lộ Đồ Thư ấy, nay năm 2015 vẫn còn hiệu lực, chỉ cần cập nhựt hóa vài dữ liệu, vài con số thống kê…

Nhưng nếu Hà Nội vẫn cương quyết giữ mãi con đường xã hội chủ nghĩa, thì làm sao Hà Nội có thể

Ở trong nước xây dựng một sự phát triển hài hòa với các sắc tộc, các tôn giáo, với những phần tử ly khai, với những người không cộng sản đấu tranh cho dân chủ cho nhơn quyền, trong ôn hòa?

Và ở ngoài nước phải tuân hành theo một chánh sách mở cửa hợp tác?

Hãy chấp nhận đối thoại, mở cửa, phải chấp nhận xét lại toàn bộ tư tưởng của mình.

Hãy mạnh dạn dứt bỏ mô hình cũ để bước vào một mô hình mới.

Đây là lúc phải dứt khoát để được vào TPP, góp mặt với thế giới về mặt kinh tế, góp mặt với Vùng thoát ảnh hưởng Bắc phương.

Đừng quên Việt Nam có ba yếu tố quyết định quan trọng để tiến lên hàng một nước phát triển ngày mai này:

▪ Sự khát vọng tự do

▪ Tuổi trẻ từ 17-25 tuổi chiếm 70% dân số

▪ Địa lý trên bản đồ Đông Nam Á.

Mong lắm thay!

Hồi Nhơn Sơn, tháng Ba 2003,

Hiệu đính tháng 7 năm 2015  .

Mười hai năm rồi, cảm thấy vẫn như cũ.

 

Sống khỏe để chờ chết – Nhữ Đình Hùng

Người biết chết là những người biết sống

là những người dám sống bạn đường ơi

Như thầy Huy dù đã khuất đi rồi

mà vẫn sống trong lòng bao chiến hữu

Như Thái Học ở nửa đường tranh đấu

đã thà rằng cam chịu cảnh đầu rơi

mà tuổi tên còn sống mãi đời đời,

trong lịch sử, trong lòng người yêu nước

và chúng ta sẽ theo gương người trước,

sống một ngày cho đáng với một ngày

và dặn lòng sao cho đến ngày mai,

sẽ không tiếc hôm qua mình đã chẳng!

04.07.2015

Dân Tộc Sinh Tồn

CHƯƠNG III : LÝ-THUYẾT XÃ-HỘI

I-  Xã Hội Tư Bản và những lý thuyết xã hội duy tâm

A.- Những ý tưởng xả hội thời c

Lý-tưởng xã-hội thật ra không phải là một ý-tưởng mới mẻ. Nó có một nguồn gốc sâu xa trong cuộc tranh-đấu vĩnh-cửu giữa người giàu và người nghèo, giữa người có của và người vô-sản. Có lẽ nó đã phát-sanh từ đời thái-cổ, từ lúc trong xã-hội có một người đói khát – dầu vì cớ gì mà đói khát cũng mặc – ở gần bên một người no ấm – dầu nhờ đâu mà no ấm cũng mặc.

Một mặt, nó là kết-quả sự ganh tị của những người kém thế đối với những kẻ may mắn hơn, sự ganh tị này không đưa người đến chỗ cố gắng để bằng kẻ khác mà lại xúi giục người chiếm đoạt để hưởng tài-sản kẻ khác. Một mặt nữa, nó là sản-phẩm của những người bác-ái, thấy loài người khốn-khổ nên động lòng thương xót, tìm cách xây dựng cho thế-giới một chế-độ trong đó loài người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Hầu hết những nhà hiền-triết và những nhà tôn-giáo thời xưa, hễ có bàn đến vấn-đề chánh-trị thì đều có nhắc đến việc nâng cao đời sống bần-dân. Những ý-tưởng xã-hội thời cổ thật ra đã cùng xuất-hiện với những tư-tưởng dân-chủ và những người gieo rắc những tư-tưởng dân-chủ đầu tiên, từ những giáo-chủ thời thượng-cổ đến các lý-thuyết-gia dân-chủ của thế-kỷ thứ 17 và 18, đều đồng-thời gieo rắc những tư-tưởng xã-hội.

B.- Những lý thuyết xã hội duy tâm

1.  Sự phát sanh những lý thuyết xã hội

Tuy vậy, suốt thời cổ, qua thế-kỷ 17 và ngay đến thời-kỳ cuộc cách-mạng Pháp bùng nổ, làm đảo lộn cả trật-tự các quốc-gia Âu-châu, ta chưa thấy có một lý-thuyết nào chặt chẽ đủ sức hướng-dẫn cuộc tranh-đấu của người nghèo chống lại người giàu, và hợp-lý-hóa yêu-sách bình-đẳng kinh-tế mà số đông người nêu ra vì quyền-lợi hay vì lý-tưởng.

Dưới thời cách-mạng Pháp, một môn-đồ của Robespierre là Gracchus Babeuf đứng ra lập « Nhóm đồng-mưu bình-đẳng » năm 1796 và đưa ra ý-tưởng tổ-chức chế-độ độc-tài của giai-cấp bần-dân. Nhưng nói cho thật đúng, ông ta cũng chỉ tiêu-biểu cho phần cấp-tiến nhứt của cuộc cách-mạng chớ chưa phải là một lý-thuyết-gia xã-hội.

Lý-thuyết xã-hội với ý-nghĩa hiện-thời của nó chỉ phát-sanh vào thế-kỷ 19, với những biến đổi to tát mà sự phát-triển nền đại-kỹ-nghệ mang đến cho các nước Âu Mỹ về mặt kinh-tế và xã-hội.

Lúc bấy giờ, một giai-cấp vô-sản thành hình, gồm một số đông người sống nheo nhóc bên lề xã-hội. Những điều-kiện sanh-hoạt của giai-cấp vô-sản ấy lắm khi đen tối quá, khiến cho nhiều nhà từ-thiện, nhiều nhà kinh-tế, nhiều nhà tư-tưởng phải xúc-động và nhơn-danh đạo công-bằng hay lòng từ-bi mà đứng lên phản-đối.

Kết-quả dĩ-nhiên của sự phản-đối này là xã-hội tư-bản do chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản dựng lên bị kết án. Những nền tảng của chủ-trương tự-do kinh-tế : quyền tư-hữu, sự tự-do cạnh-tranh phủ-nhận mọi can-thiệp của quốc-gia, bắt đầu bị công-kích. Ngay đến sự tự-do chánh-trị cũng không thoát  khỏi sự chỉ-trích của những người binh-vực giai-cấp vô-sản. Những người này cho rằng sự tự-do bình-đẳng mà xã-hội dân-chủ tư-sản công-nhận chỉ là một sự tự-do bình-đẳng « hình-thức » không giúp được kẻ yếu chống người mạnh. Nó cần phải được chuyển từ lãnh-vực chánh-trị thuần-túy qua lãnh-vực xã-hội để có hiệu-lực hơn.

2. Những lý thuyết gia xã hội duy tâm

Trong số những người nêu ra những lý-thuyết xã-hội chủ-trương đánh đổ chế-độ dân-chủ tư-sản trước năm 1848, nổi danh nhứt là Saint Simon, Louis Blanc, Owen, Fourier và Proudhon. Ta có thể phân họ ra làm hai nhóm, một nhóm chủ-trương dựa vào quốc-gia, một nhóm chủ-trương hoạt-động ngoài quốc-gia.

a) Nhóm chủ trương dựa vào quốc gia

SAINT SIMON (1760-1825) và các môn đồ của ông

Saint Simon là một nhà đại-quí-tộc Pháp, tự xưng là hậu-duệ của hoàng-đế Charlemagne, nhưng lại sống một cuộc đời trôi nổi rất bấp bênh. Tuy vậy, ông có rất nhiều sáng-kiến và nhiều ý-tưởng cấp-tiến so với thời-đại ông. Chính ông là người đầu tiên nêu ra ý-tưởng làm nền tảng cho thuyết thực-nghiệm, một lý-thuyết về sau được một cựu bí-thơ của ông là Auguste Comte chánh-thức trình bày.

Về phương-diện kinh-tế, Saint Simon là người rất thán-phục nền kỹ-nghệ đang nảy nở. Trước sự thắng-thế của cơ-giới, ông không lo ngại như những học-giả đồng-thời, mà lại còn tỏ vẻ hoan-hỉ vô-cùng.

Ông cho rằng với thế-kỷ thứ 19, nhơn-loại thấy xuất-hiện một kỷ-nguyên mới, bắt buộc xã-hội phải có một tổ-chức mới. Tổ-chức đó như thế nào, Saint Simon không nói rõ ; ông chỉ cho biết rằng nó phải dựa vào khoa-học và trao tất cả quyền-chánh cho một lớp người ưu-tú gồm những nhà bác-học và những nhà kỹ-nghệ.

Như thế, Saint Simon muốn đem kinh-tế thay chánh-trị và lập một quốc-gia dựa vào kinh-tế thế cho quốc-gia hiện-hữu dựa vào chánh-trị. Để bảo-đảm địa-vị ưu-thắng của những nhà bác-học và kỹ-nghệ, Saint Simon thảo ra nhiều dự-án phỏng theo tổ-chức Giáo-hội La-mã, và dự-định việc bổ-nhiệm một Giáo-hoàng kỹ-nghệ, có một Hội-đồng gồm những nhà phát-minh và những kỹ-nghệ-gia phụ giúp.

Về mặt xã-hội, Saint Simon được xem là nhà thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội hiểu theo nghĩa kim-thời. Ông chủ-trương rằng « tất cả mọi chế-độ xã-hội đều phải có mục-đích cải-thiện đời sống vật-chất của hạng người đông đảo nhứt và nghèo khổ nhứt ».

Sau khi Saint Simon chết, các môn-đồ ông tiếp-tục truyền-bá ý-kiến của ông và nhấn mạnh về phần chủ-trương xã-hội của tư-tưởng ông. Hai người danh tiếng nhứt trong đám môn-đồ này là Enfantin và Bazard đã cùng hợp-tác nhau viết ra quyển « Trần-thuyết về chủ-nghĩa Saint Simon ».

Trong sách này, thật ra Enfantin và Bazard đã thêm rất nhiều ý-kiến riêng. Họ nêu trở lại vấn-đề cải-tổ xã-hội, nhưng để chứng tỏ rằng sự cải-tổ này rất cần-thiết, họ đã đi xa hơn thầy mình và đứng ra chỉ-trích quyền tư-hữu.

Sự chỉ-trích quyền tư-hữu của môn-đồ Saint Simon gồm về hai điểm sau đây :

1). Về phương-diện phân-phối, quyền tư-hữu đưa người đến việc người bóc lột người ; nó cho phép người nắm dụng-cụ sản-xuất trong tay bắt buộc người muốn dùng những dụng-cụ ấy phải nộp cho mình một số tiền. Như vậy, nó cho phép một số người ngang-nhiên thâu-đoạt một phần công-lao của người làm việc.

2). Về phương-diện sản-xuất, quyền tư-hữu đưa đến sự hỗn-loạn. Vì chế-độ thừa-kế, những dụng-cụ sản-xuất không phải thuộc về những kẻ có năng-lực nhứt mà lại thuộc về một số người do huyết-thống chọn lựa một cách ngẫu-nhiên. Một mặt khác, quyền tư-hữu cho phép những người nắm dụng-cụ sản-xuất trong tay tự ý sản-xuất những món họ thích và theo số lượng họ muốn. Do đó mà có nạn khủng-hoảng, khiến cho trong các ngành sản-xuất, ngành thì thiếu nát, ngành lại dư ra nhiều quá.

Để chấm dứt sự bất-công và sự phung-phí vô-ích, Enfantin và Bazard cho rằng phải nhờ đến quốc-gia. Quốc-gia sẽ là thừa-kế duy-nhứt ; nhờ đó, nó sẽ lần lần tập-trung tất cả mọi dụng-cụ sản-xuất lại. Nhưng nó phải phân-phát các dụng-cụ ấy cách nào cho hợp với quyền-lợi xã-hội.

Đối với môn-đồ Saint Simon, quốc-gia là một ngân-hàng trung-ương nắm giữ mọi tư-bản của xã-hội, có chi nhánh ở khắp nơi, chọn lựa những người có năng-lực để khai-thác các tài-nguyên và ban thưởng họ theo công-trình họ.

Tất cả tổ-chức của môn-đồ Saint Simon dựa vào hai định-luật. Về phương-diện sản-xuất, mỗi người nhận lãnh một phần dụng-cụ sản-xuất cân-phân với khả-năng mình. Về phương-diện phân-phối, khả-năng phải được đánh giá theo công-trình  : mỗi người nhận lãnh một phần sản-xuất nhiều ít khác nhau tùy theo công việc họ làm chớ không phải tùy theo nhu-cầu họ.

Nhưng ai sẽ đứng ra để phán-đoán về khả-năng của mỗi người và quyết-định trả công cho họ ? Môn-đồ Saint Simon trả lời rằng đó là những người đặc-biệt, có tinh-thần phục-vụ xã-hội, phụng-sự quyền-lợi chung. Tuy-nhiên, họ không cho biết ta phải làm sao để nhận ra những con người quí báu đó và để bắt buộc mọi người nghe theo những quyết-định của những người ấy. Họ chỉ bảo rằng cần phải tạo ra một mối đạo mới khuyến-cáo con người vui lòng tuân lịnh trên.

2° LOUIS BLANC (1811-1882)

Louis Blanc là một nhà viết báo Pháp đã đóng một vai tuồng trong đời sống chánh-tri nước mình. Năm 1839, ông đăng trong « tạp chí Tiến-Bộ » một bài báo nhan-đề là « Sự tổ-chức làm việc ». Bài báo này được in thành sách năm 1841 và rất được hoan-nghinh.

Trong « Sự tổ-chức làm việc », Louis Blanc bảo rằng sự tư-do cạnh-tranh tiêu-diệt dân-chúng và làm cho giai-cấp trưởng-giả phá-sản. Ông cũng cho rằng sự tư-do chánh-trị trừu-tượng của cuộc cách-mạng 1789 chỉ là một ảo-ảnh, vì không có phương-tiện để thực-hiện sự tự-do thì có quyền tự-do cũng như không có mà thôi. Đối với một người bịnh không được ai điều-trị cho thì cái quyền được điều-trị còn có ích-lợi gì ?

Để cải-thiện xã-hội, Louis Blanc đề-nghị lập ra những quốc-xưởng qui-tập những thợ thuyền cùng nghề. Quốc-xưởng khác với xưởng thường ở chỗ thợ thuyền làm chủ các dụng-cụ sản-xuất và tự-do bán những món mình sản-xuất được, lời thì nhờ, lỗ thì chịu.

Thợ thuyền tự-nhiên không thể có đủ số vốn cần-thiết để lập quốc-xưởng. Bởi đó, Louis Blanc chủ-trương nhờ quốc-gia xuất vốn ra cho quốc-xưởng rồi qui-định sự tổ-chức các quốc-xưởng ấy và điều-hòa sự sản-xuất. Như vậy, theo Louis Blanc, quốc-gia phải đóng vai tuồng nhà ngân-hàng cung-cấp dụng-cụ làm việc cho bần-dân. Nó phải có đủ những phương-tiện cần-thiết để thay thế chánh-phủ hỗn-tạp đương-hữu bằng một chánh-phủ khoa-học.

Sự cạnh-tranh của các quốc-xưởng sẽ lần lần tiêu-diệt nền kỹ-nghệ tư-nhơn. Tới chừng đó, sự sản-xuất kỹ-nghệ của cả xã-hội sẽ được một oai-quyền duy-nhứt hướng-dẫn, thành ra nạn khủng-hoảng không còn nữa.

b) Nhóm chủ trương hoạt động ngoài quốc gia

1° OWEN (1771-1858)

Owen là một người Anh trước làm công-nhơn nhưng sau trở thành một đại kỹ-nghệ-gia. Trái với những nhà tư-bản đồng-thời, ông rất chú ý đến số-phận đám thợ thuyền nghèo khổ.

Nhận thấy cái hại của những cuộc khủng-hoảng kinh-tế do cơ-giới gây ra, ông nhiệt-liệt chỉ-trích chế-độ tư-bản. Ông cho rằng chế-độ tư-bản với hai trụ cốt của nó là trục-lợi và sự tự-do cạnh-tranh không phù-hợp với trật-tự thiên-nhiên cho nên cần phải được thay thế. Và theo ông, chính thợ thuyền phải tự mình hoạt-động để cải-thiện đời sống của mình.

Đối với Owen, vấn-đề cốt-yếu là hủy-diệt sự trục-lợi – các sản-phẩm phải bán theo một giá chỉ gồm có lương những người thợ đã tham-dự vào việc chế-tạo nó. Sự trục-lợi dính dáng mật-thiết với tiền bạc, vì chính việc người ta dùng tiền bạc để mua bán sản-phẩm làm cho thợ thuyền không thấy rõ sự bóc lột của hạng con buôn đem bán mọi vật với một giá cao hơn giá họ mua. Vậy, muốn hủy-diệt sự trục-lợi, cần phải bỏ hẳn tiền bạc. Kết-luận này đưa Owen đến chủ-trương thợ thuyền hợp-tác nhau để sản-xuất.

Năm 1832, Owen tổ-chức ở Luân-đôn một « Kho mậu-dịch » qui-tập đến 800 hội-viên. Mỗi hội-viên có thể mang sản-phẩm mình chế-tạo đến kho đổi lấy một số  « phiếu lao-công » bằng số giờ mình dùng để chế-tạo sản-phẩm ; số giờ này do chính hội-viên cho biết. Những sản-phẩm mang đến được giữ trong kho với một bản nhỏ ghi số giờ chế-tạo cần-thiết. Hội-viên muốn mua sản-phẩm chỉ cần nộp vào kho một số « phiếu lao-công » bằng số giờ ghi trên bảng.

Lúc ban đầu, số hội-viên có ít và gồm những người lương-thiện, muốn cho cuộc thí-nghiệm thành-công. Nhờ đó « Kho mậu-dịch » đứng vững được một thời-gian. Nhưng về sau, nhiều hội-viên gia nhập mà không có được tinh-thần cần-thiết. Họ khai những số giờ làm việc cao hơn số giờ thật-sự họ mất để chế-tạo sản-phẩm, thành ra, cuối cùng, kho phải cử một kiểm-soát-viên để định số giờ chế-tạo ghi cho mỗi sản-phẩm. Các hội-viên bèn quay ra thế khác : họ chỉ mang đến kho những món họ không bán được ở ngoài và đến kho lấy hết những món hàng họ không mua được ở ngoài. Và sau cùng, « Kho mậu-dịch » đầy dẫy những món hàng không bán được, thành ra phải tự đóng cửa.

2° FOURIER (1772-1837)

Fourier là một người Pháp giúp việc cho một hãng buôn. Trái với Saint Simon và Louis Blanc còn nhận vai tuồng quan-trọng của quốc-gia trong đời sống kinh-tế và xã-hội, ông cho rằng nhơn-loại có thể mưu-đồ hạnh-phúc mình bằng cách hợp-tác nhau ngoài quốc-gia. Và đi xa hơn Owen, ông chủ-trương một « sự hợp-tác hoàn-toàn ».

Theo Fourier, trong xã-hội hiện-tại, người phải làm việc vì nhiệm-vụ cho nên tự thấy khốn-khổ. Bởi đó, họ cố ý làm việc ít chừng nào hay chừng ấy. Kết-quả là sự sản-xuất kém đi, và sự phân-phối đưa đến những cuộc xung-đột xô-xát. Vậy, muốn đi đến một xã-hội tốt đẹp hơn, ta phải làm sao cho sự làm việc trở thành một thú vui. Được như thế, người sẽ hăng hái làm việc, sự sản-xuất sẽ tăng-gia, và sự phân-phối sẽ dễ dàng vì mỗi người đều có thể nhận đủ những món mình cần dùng.

Để cho sự làm việc trở thành một thú vui, Fourier đề-nghị thành-lập những công-xã (phalanstère), mỗi cái qui-tập 1620 người, 810 người đàn ông và 810 người đàn bà. Các công-xã phải cố tự-túc : nó phải cung-cấp cho nhơn-viên nó đủ mọi vật họ cần dùng.

Sự sản-xuất vật-phẩm giao về cho nhơn-viên công-xã họp lại thành đoàn, thành đội, thành nhóm, mỗi tổ-chức lãnh một nhiệm-vụ khác nhau. Mỗi người có thể tự chọn lấy đội mình thích và nếu cần thì có thể bỏ đội này sang đội khác. Họ cũng tự chọn lấy nhiệm-vụ và có thể đổi nhiệm-vụ ấy tùy thích, nên không ngán làm việc, và hăng làm việc như là để tiêu-khiển vậy.

Fourier cho rằng sở-thích và khả-năng của loài người khác nhau vô-cùng cho nên mọi công việc đều sẽ có người nhận lãnh. Công-xã sẽ trả cho mỗi người một số lương cân-phân với vốn liếng, sức cần-lao và tài-năng họ, và họ sẽ dùng lương đó mà mua mọi thứ họ cần dùng.

Sự tổ-chức các tiểu-tổ kinh-tế theo lối này giúp người bỏ hẳn quốc-gia. Trong hệ-thống tổ-chức của Fourier, chánh-quyền không còn nữa. Các « đoàn » người chỉ biết có những cá-nhơn do cảm-tình cột buộc vào nhau. Bên trên, chỉ có một cơ-quan quản-lý kinh-tế gồm những người cầm đầu các đoàn. Cơ-quan này không có quyền cưỡng-chế, nhiệm-vụ nó là trình bày ý-kiến mà thôi. Vậy, theo Fourier, tinh-thần hợp-tác tạo ra một lòng tận-tâm vô-hạn đối với quyền-lợi chung của đoàn-thể và có đủ sức mạnh để thay thế chánh-quyền.

3° PROUDHON (1811-1882)

Trong những lý-thuyết-gia xã-hội trước năm 1848, Proudhon, một ấn-công nhờ tự-học mà trở thành một học-giả nổi danh, là người có nhiều ý-kiến hơn cả. Ông đã chỉ-trích một cách nhiệt-liệt chế-độ tư-bản, nhưng cũng không chừa những chủ-trương tập-sản xuất-hiện thời ông.

Trước hết, ông thẳng tay đả-kích quyền tư-hữu. Trong sự đả-kích này, ông nêu ra ý-niệm về lực-lượng công-cộng và chứng-minh nó bằng thí-dụ sau đây. Hai trăm cận-vệ-binh đã cùng nhau họp lại dựng một cây tiêm-bi Ai-cập lên giữa công-trường Concorde trong mấy tiếng đồng-hồ, nhưng môt anh cận-vệ-binh không thể nào dựng nổi cây tiêm-bi ấy trong một thời-hạn hai trăm lần dài hơn. Vậy, sự hoạt-động chung giữa nhiều người tạo ra một công-trình lớn hơn tổng-số công-trình mỗi người. Trong trường-hợp đó, xã-hội tự-nhiên có đóng góp một phần công-trình vào việc sản-xuất vật-phẩm.

Quyền tư-hữu cho phép người có dụng-cụ sản-xuất thâu-đoạt những mối lợi do sự làm việc chung mà có người chủ chỉ trả cho mỗi công-nhơn giá tiền của sức lao-động cá-nhơn, mà lại được hưởng tất cả công-trình do lực-lượng công-cộng tạo ra được. Vậy, chế-độ tư-bản không cho phép người thợ mua lại hết sản-phẩm do sức làm việc của mình chế-tạo ra. Một mặt khác, những người nắm lấy dụng-cụ sản-xuất trong tay lại còn buộc những thợ thuyền cần-dùng dụng-cụ ấy phải trả cho mình một số tiền rồi mới cho họ dùng nó. Như thế, quyền tư-hữu không chi khác hơn là một phưong-tiện để cướp bóc thợ-thuyền.

Nhưng nếu không có quyền tư-hữu,quốc-gia sẽ sử-dụng kết-quả những công-việc làm của người khác một cách độc-đoán. Như vậy, quyền tư-hữu cũng là bảo-đảm cho sự tự-do của người. Chế-độ tập-sản đối với Proudhon cũng là một hiểm họa không kém chế-độ tư-bản.

Chống chế-độ tư-bản,nhưng cũng chống chế-độ tập-sản, Proudhon chủ-trương duy-trì quyền tư-hữu,nhưng hạn-chế nó về quyền chiếm-hữu. Quyền này chỉ cho phép mỗi người có một phần tài-sản vừa đủ cho mình tự khai-thác lấy mà thôi.

Một khi quyền tư-hữu đã hạn-chế lại thành quyền chiếm-hữu, các giai-cấp sẽ tự tiêu-diệt hết. Trong xã-hội, sẽ không còn người mạnh kẻ yếu, người bóc lột, kẻ bị bóc lột. Toàn-thể nhơn-dân sẽ bình-đẳng nhau và sẽ được tự-do hoàn-toàn. Những con người bình-đẳng và tự-do này sẽ đồng-thời tìm lại được tánh tốt nguyên-thủy của mình. Công-lý tự-nhiên xuất-hiện trong xã- hội và chánh-phủ sẽ trở thành vô-ích.

Proudhon cũng như những người chủ-trương vô-chánh-phủ sau ông, không nghi ngờ chút nào về chỗ người có thể sử-dụng một cách sai-lầm sự tự-do họ thâu-hoạch được. Ông không bao giờ nghĩ đến giả-thuyết một số người có thể tìm cách ngự-trị lên kẻ khác hay bóc lột kẻ khác. Vậy, cũng như Rousseau,   ông hoàn-toàn tin cậy nơi tánh tốt bẩm-sanh của người.

3. Luận chung về các lý thuyết gia xã hội duy tâm

Tất cả  những lý-thuyết-gia xã-hội kể trên này, từ Saint Simon đến Proudhon đều giàu lòng từ-ái và hết sức bất-bình xã-hội tư-bản vì nó bóc lột bần-dân thái-quá. Nhưng nếu sự chỉ-trích chế-độ kinh-tế tự-do của họ rất đúng, những chủ-trương họ nêu ra để thay thế vào nguyên-tắc tổ-chức xã-hội cũ không có tánh-cách thực-tiễn. Bởi đó, họ không thể thành-công được trong lý-tưởng cải-tạo xã-hội của họ, và sau này, họ bị các môn-đồ của chủ-nghĩa duy-vật gọi là những lý-thuyết-gia xã-hội không-tưởng.

Chúng ta không thể chối được tánh-cách không-tưởng của ý-kiến họ. Tuy thế, ta cũng phải nhìn nhận rằng dầu sao, họ cũng có công trong việc đề-xướng phong-trào bài-xích sự bóc lột công-nhơn và cải-lương đời sống của bần-dân. Do đó,ta có thể gọi họ là những lý-thuyết-gia xã-hội duy-tâm để đối chọi  lại những lý-thuyết-gia xã-hội duy-vật đã gây được một ảnh-hưởng rất lớn trong giới thợ thuyền và làm đảo lộn xã-hội hiện-thời.

II. Lý thuyết xã hội duy vật

A.- Những lý thuyết gia duy vật : Karl Marx và Engels

Thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội duy-vật là hai nhà học-giả Karl Marx và Engels.

Karl Marx sanh năm 1818 tại Trèves,một châu-thành ở nước Đức. Ông là con một trạng-sư Do-Thái, chuyên học về lịch-sử, luật và triết-lý. Vì có những ý-tưởng cấp-tiến không hợp với chánh-phủ đương thời, ông không đi dạy học được và quay về nghề viết báo. Sau đó, ông bị đàn-áp,phải bỏ nước Đức qua ở nước Pháp vào năm 1843.Năm 1845, ông bị chánh-phủ Pháp trục-xuất và trốn sang Bruxelles, kinh-đô nước Bỉ.

Engels thuộc một gia-đình kỹ-nghệ-gia ở Đức. Ông sanh năm 1820 tại Barmen. Lúc thiếu-niên, ông được thân-phụ gởi sang Anh để tập cho quen việc làm ăn. Sự tiếp-xúc với nền đại-kỹ-nghệ Anh đưa ông đến ý-tưởng xã-hội. Ông được biết Marx ở Paris và sau đó, theo Marx đến Bruxelles để cộng-tác với Marx.

Trong khoảng những năm 1845-1847 Karl Marx và Engels nêu ra thuyết duy-vật biện-chứng và duy-vật sử-quan. Nhưng cứ theo lời Engels thì ông chỉ đóng một vai uồng phụ thuộc, vì tất cả công sáng-tác đều là của Marx. Từ đó trở đi,hai ông cùng đánh đổ những lý-thuyết xã-hội duy-tâm để đem lý-tưởng mình phổ biến trong đám thợ thuyền. Marx chết năm 1883, còn Engels đến năm 1895 mới mất.

Trong những tác-phẩm quan-trọng của Marx và Engels, ta có thể kể : « Bản Tuyên-ngôn Cộng-sản » và « Tư-bản luận ». Tất cả những tư-tưởng chánh-yếu của họ đều chứa đựng trong những tác-phẩm này, và về sau mới được các môn-đồ tiếp-tục mở mang thêm ra mãi.

B.- Những nguyên tắc căn bản của lý thuyết xã hội duy vật

Lý-thuyết xã-hội duy-vật của Karl Marx và Engels gồm một loạt những lý-thuyết sau đây mà những người cộng-sản cho là hoàn-toàn có tánh-cách khoa-học.

1.Thuyết duy vật biện chứng và duy vật sử quan

a)Thuyết duy vật

Từ mấy ngàn năm nay, người ta đã suy-luận rất nhiều về vấn-đề nguồn-gốc của nhơn-loại và đã tranh cãi nhau một cách hết sức sôi nổi. Những hệ-thống tư-tưởng được dựng lên để giải-quyết nó thật rất nhiều. Nhưng tựu-trung, ta có thể phân-biệt những tư-tuởng đó ra làm hai dòng chánh :duy-tâm và duy-vật.

1° NHỬNG CHỦ-TRƯƠNG DUY-TÂM.

Một số nhà học-giả cho rằng mọi vật ở đời đều có nguồn gốc và thế-giới cũng như sự sống tất cũng phải có nguồn gốc. Theo những học-giả này, vật-chất hữu-hình sở-dĩ có được và tác-động theo những định-luật bất-di bất-dịch là vì có một quyền-năng vô-hạn tạo-lập nó ra.

Quyền-năng này chính là Thượng-Đế.Thượng-Đế đã dựng nên võ-trụ và ban sự sống cho muôn loài. Con người có thể không hiểu rõ Thượng-Đế, nhưng không thể phủ-nhận được oai-quyền  Thương-Đế.

Đối với một số đông người,Thượng-Đế là một  nhơn-vật có hình-thể giống như người, lắm khi lại có những nhu-cầu, xúc-cảm ,tánh-tình như người nữa. Nhưng đối với một số triết-gia, Thượng-Đế có tánh-cách trừu-tượng hơn. Đó là một nguyên-lý linh thiêng, ở đâu cũng có và lúc nào cũng có, nhưng không có hình-thể và tánh-chất như một nhân-vật hữu-hình.

Quan-niệm duy-tâm là quan-niệm của hầu hết các triết-gia Âu-châu vào đầu thế-kỷ 19. Trong thời-kỳ này, nước Đức được xem là nước sản-xuất những tư-tưởng triết-học cao-kỳ nhứt. Những triết-gia Đức lúc ấy phần lớn tin-tưởng nơi Thượng-Đế, với tư-cách là một nguyên-lý cường-kiện chi-phối võ-trụ và vạn-vật. Một trong những người nổi danh hơn hết trong số triết-gia này là Hegel.

Theo quan-niệm Hegel, Thượng-Đế là Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối, tức là một ý-tưởng tự nó vốn có chớ không phải ở trong một trí óc nào.Cái Ý-tưởng tuyệt-đối này tự nó hoàn-toàn bất-định và chỉ có thể định được bằng cách xuất-hiện ra thiên-nhiên.Từ một nguyên-lý vô-hình không nhận-thức được, nó trở thành một vật khả-định nhờ nơi thế-giới.

Sự tiến-hóa của thế-giới đưa đến con người và tư-tưởng của người. Nhờ tư-tưởng này, Ý-tưởng tuyệt-đối lần lần có ý-thức về mình, ban đầu dưới hình-thức của tinh-thần chủ-quan hay cá-nhơn, rồi dưới hình-thức của tinh-thần khách-quan hay tập-thể. Tinh-thần khách-quan này tạo ra trong gia-đình,trong các xã-hội, trong quốc-gia,những mối cương-thường đạo-lý và bao giờ cũng hướng đến cái tuyệt-đối.Vậy, những tinh-thần cá-nhơn lần lần đi đến chỗ hợp-nhứt trở về cái Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối đã tự phân-tán trong thiên-nhiên để có một ý-thức về mình.

Như thế ,tất cả cái thật-tại đều có tánh-cách tư-tưởng. Tinh-thần hay Ý-tưởng tuyệt-đối là nền tảng, là linh-hồn của mọi việc.Vật-chất hữu-hình chỉ là một trạng-thái của Tinh-thần hay của Ý-tưởng tuyệt-đối mà thôi.

Về vấn-đề giá-trị của lý-trí con người, Hegel cho rằng muốn trở thành hữu-ích, tư-tưởng con người cần phải hòa-hợp vào thế-giới bên ngoài. Muốn tự hiểu lấy mình và tự nhận ra mình, người không thể đứng tách ra một mình để lý-luận trong trừu-tượng, mà phải tiếp-xúc với người và vật chung quanh.

Do đó, Hegel chỉ-trích những học-giả duy-tâm khép mình vào tháp ngà ; ông cho rằng sự suy-luận thuần-túy của những học-giả ấy hoàn-toàn vô-ích.Tuy-nhiên,cũng như những học-giả duy-tâm khác, Hegel vẫn còn theo chủ-trương siêu-việt, một chủ-trương cho rằng trong con người có một yếu-tố đặc-biệt không phải do thế-giới vật-chất mà ra.Yếu-tố này cao hơn thế-giới vật-chất và có thể dùng để phán-đoán thế-giới vật-chất được.Nhờ yếu-tố đặc-biệt đó, người có một nguyên-lý hoạt-động của riêng mình và có thể dựa vào nguyên-lý ấy mà cải-tạo thế-giới bên ngoài.

2° CHỦ-TRƯƠNG DUY-VẬT

Những môn-đồ cánh hữu của Hegel đã dựa vào lý-luận trên đây mà xây-dựng nên những lý-thuyết chánh-trị bảo-thủ theo tinh-thần Thiên-chúa-giáo. Môn-đồ cánh tả của Hegel trong đó có Fuerbach và Karl Marx nhiệt-liệt phản-ứng lại chủ-trương duy-tâm của thầy và nêu ra chủ-trương duy-vật.

Theo phái duy-vật này, trên đời chỉ có cái thế-giới hữu-hình, tức là những vật-chất ta có thể trông thấy, sờ mó được, là thật-tại.Vật-chất vốn vô-thủy vô-chung, bởi lẽ « với hư vô,người ta không thể tạo- lập cái gì thật-tại cả ».

Nói một cách khác, đối với Fueurbach và Karl Marx,vật-chất tự nó đã có bao giờ và sẽ tồn-tại mãi mãi, dầu có tan vỡ cũng vậy.Chất của một vậ bị đốt cháy hoàn-toàn xuất-hiện lại dưới những hình-thức khác như hơi, tro, than, khói mà trọng-lượng chung cũng bằng trọng-lượng của vật bị đốt.

Như vậy, việc sáng-thế là việc không thể có được. Nếu cho rằng mọi việc đều có nguồn gốc và võ-trụ do Thượng-Đế tạo ra, thì ta lại phải đặt vấn-đề tìm nguồn gốc của Thương-Đế, vì Thượng-Đế tất cũng không thể từ chỗ hư-vô mà phát-hiện ra được.

Đã không nhìn nhận có Thương-Đế và chỉ lấy vật-chất làm thật-tại,những học-giả duy-vật trên này tự-nhiên phải đặt nguồn gốc nhơn-loại trong vật-chất.Theo họ, tất cả những biểu-thị của sự sống đều là những hiện-tượng lý-hóa vì tánh-cách của vật -chất mà có. Những sanh-chất hữu-cơ cấu-tạo nên con người do nơi những tử-chất vô-cơ mà ra và sự biến-đổi tử-chất thành sanh-chất đã phát-hiện một cách tự-nhiên theo các định-luật lý-hóa,không có sự can-thiệp của một quyền-oai siêu-hình nào cả.

Về những biểu-thị cao nhứt của người là tư-tưởng, tinh-thần, nó cũng là sản-phẩm của một cơ-quan vật-chất : bộ óc của người. Những nhân-vật siêu-tuyệt do trí tưởng-tượng của các nhà tôn-giáo tạo ra thật sự chỉ là những phản-ảnh huyền-hoặc của chính bản-thân họ. Theo Marx,  « vật-chất không phải là sản-phẩm của tinh-thần ; trái lại,tinh-thần là sản-phẩm cao-cấp của vật-chất »

Như thế,Marx theo chủ-trương nội-tại, một chủ-trương cho rằng trong con người không có yếu-tố gì ngoài thế-giới vật-chất cả. Đối với chủ-trương ấy, người không thể nào vượt ra khỏi thế-giới vật-chất được, và không thể có một tác-động ở ngoài vật-chất và cao hơn vật-chất. Điều này đưa Marx đến ý-tưởng cho rằng trong võ-trụ có một trật-tự thiên-nhiên, ngẫu-phát.

Quan-niệm duy-vật trên này, Karl Marx đem ghép vào biện-chứng-pháp để tạo ra duy-vật biện-chứng-pháp, một học-thuyết đã có ảnh-hưởng rất lớn đến nhơn-loại trong thế-kỷ sau này. Muốn hiểu rõ học-thuyết này, trước hết ta phải xét qua biện-chứng-pháp.

b) Biện chứng pháp

1° ĐỊNH-NGHĨA.

Biện-chứng-pháp nguyên là từ-ngữ của người Nhựt dùng để dịch chữ dialectique của người Âu-châu. Chữ dialectique này bắt nguồn từ một tiếng Hi-lạp gồm có hai nghĩa : một là « ngôn-ngữ » hay « diễn-từ » , hai là « lý-trí ». Cứ theo từ-nguyên thì biện-chứng-pháp vừa là phép diễn-giảng, làm cho người hiểu và chấp-nhận ý mình,vừa là phép tranh-luận để giành phần thắng về mình.

Hiểu theo nghĩa trên đây, biện-chứng-pháp gồm có phép chứng-minh và phép bài-bác. Nhà biện chứng là người biết sắp đặt những tri-thức của mình thành một hệ-thống có mạch-lạc và nhứt là tìm cho những ý-kiến mình một nền tảng hợp-lý. Nhưng trước hết, cái tài của nhà biện-chứng ở chỗ phân-biệt được chỗ phải và chỗ quấy trong chủ-trương người khác, tìm ra nhược-điểm của thuyết họ,và đưa cái luận-cứ vững chắc có thể làm cho họ chịu thua, không cãi được.
Như thế, biện-chứng-pháp cũng gần giống khoa luận-lý. Nói cho thật đúng thì khoa luận-lý là khoa-học về cách tư-tưởng cho hợp-lý, còn biện-chứng-pháp là thuật áp-dụng những qui-tắc của khoa luận-lý trong sự tranh-luận. Nhà luận-lý sánh với nhà biện-chứng cũng như ông luật-sư chuyên nghiên-cứu về luật với ông trạng-sư chuyên dựa vào luật-pháp mà tranh cãi để đem phần thắng về mình.

2° BIỆN-CHỨNG-PHÁP CỔ-THỜI.

Tuy có một cái nghĩa gốc rất hẹp hòi là  tranh-biện, biện-chứng-pháp trải qua một lịch-sử mấy ngàn năm đã đổi dời nhiều. Từ đời cổ Hi-lạp cho đến thế-kỷ 19, người ta đã có rất nhiều quan-niệm về biện-chứng-pháp.

Nhưng đại-khái,những nhà biện-chứng cổ-thời đều dựa vào một nguyên-tắc chung trong sự tranh-luận. Đó là nguyên-tắc đồng-nhứt hay là nguyên-tắc không mâu-thuẫn.

Nhà biện-chứng ngày xưa khi tranh-luận chỉ cố  chứng tỏ rằng lập-thuyết của người đối-thoại, hoặc trái với những sự-kiện hiển-nhiên, hoặc trái với một thuyết của chính họ.Những mệnh-đề tương-phản nhau vốn không thể đồng-thời chánh-xác được cả, người đối-thoại tất phải bị dồn vào chỗ phải nhận rằng mình sai lầm.

Do đó, theo biện-chứng-pháp cổ-thời, nguyên-tắc không mâu-thuẫn là định-luật tuyệt-đối của mọi vật cũng như của tinh-thần. Một vật không thể vừa có vừa không,và khi người quả-quyết liên-tiếp hai điều chống chọi nhau,một trong hai quả-quyết áy tất nhiên phải bị kể là sai lầm.

3° BIỆN-CHỨNG-PHÁP HEGEL.

Với Hegel, biện-chứng-pháp bước sang con đường mới và không còn dựa vào nguyên-tắc đồng-nhứt như biện-chứng-pháp cổ-thời nữa, mà lại dựa vào chủ-trương mâu-thuẫn. Thật ra thì trước Hegel,cũng đã có nhiều triết-gia công-nhận sự mâu-thuẫn trong vạn-vật rồi.

Thời cổ đã có ông Héraclite chủ-trương rằng mọi vật đều biến-thiên và chứa đầy mâu-thuẫn. Ông này bảo : « Ta vừa có, vừa không có » và đã từng nói : « Người ta không thể nào tắm hai lần ở cùng một con sông ». Ông nhấn mạnh về sự xung-đột giữa các vật mâu-thuẫn nhau trong vạn-vật và cho rằng sự xung-đột này rất cần để đi đến sự điều-hòa.

 

Sau Héraclite, lại còn nhiều triết-gia chấp-nhận sự mâu-thuẫn trong vật-chất và trong lý-trí người. Tuy thế,những chủ-trương của họ không có một ảnh-hưởng nhiều đến giới tư-tưởng, và chỉ đến Hegel, biện-chứng-pháp mới lấy nguyên-tắc mâu-thuẫn làm gốc cho mình.

Theo Hegel, người ta có thể phân-biệt hai loại lý-trí : một lý-trí trừu-tượng của nhà toán-học chỉ suy-luận về những ý trừu-tượng và do đó mà đứng ngoài thực-tại, hai là lý-trí cụ-thể,lý-trí của nhà vật-lý hay nhà sử-học nghiên-cứu về thực-tại.

Lý-luận của nhà toán-học hoàn-toàn dựa vào nguyên-tắc đồng-nhứt hay nguyên-tắc không mâu-thuẫn : trong hai mệnh đề mâu-thuẫn hay nghịch nhau, tất phải có một cái sai.

Nhưng trong tư-tưởng thật-sự của người và trong các khoa-học nghiên-cứu các vật cụ-thể, ý-tưởng trên này không đúng. Kinh-nghiệm cho ta biết rằng trong sự suy-luận, lý-trí của người không hề theo đúng phép luận-lý. Nó không phải đi từ cái này sang một cái kia giống cái này, mà đi từ cái này đến cái khác. Hơn nữa, nó cần sự tương-phản mới xuất-hiện được. Người chỉ chú-ý đến sự vật khi có cảm-giác rằng nó khác nhau, chống chọi nhau. Trí người cố gắng đồng-hóa tức là qui vật mình mới nhìn thấy về một kiểu mẫu mình đã biết. Sự cố gắng đồng-hóa này hàm-ý rằng những vật người nhận thấy vừa giống nhau – nếu không thì không đồng-hóa đươc – vừa lại không giống nhau – nếu không thì người không cần phải đồng-hóa nữa. Như thế, sự tư-tưởng bao gồm cả sự đồng-nhứt và sự mâu-thuẫn.

Ta  đã thấy rằng đối với Hegel, Ý-tưởng tuyệt-đối hiện ra nơi thiên-nhiên. Do đó, trong thiên-nhiên, lịch-trình diễn-tiến của tư-tưởng cũng phát-hiện ra. Người ta có thể nhận thấy trong thiên-nhiên một sự xung-đột hằng-cửu của những lực nghịch nhau ; không có sự xung-đột ấy, thiên-nhiên sẽ ở vào một trạng-thái bất-động gần như là hư-không vậy. Như thế,thực-tại gồm có sự đồng-nhứt và sự mâu-thuẫn, nhưng ta phải xem sự mâu-thuẫn có tánh-cách sâu xa và cốt-yếu hơn.

Với những chủ-trương trên này, Hegel  quan-niệm biện-chứng-pháp là sự dung-hòa những cái mâu-thuẫn trong vạn-vật cũng như trong tinh-thần người. Quá-trình biện-chứng của ông gồm ba giai-đoạn : chánh-đề ( hoặc khẳng-định hay lập-thể ), phản-đề ( hoặc phủ-định hay hủy-thể ) và hợp-đề (hoặc phủ-định của phủ-định hoặc hủy-thể của hủy-thể).

Theo quá-trình này,trước hết,người ta nêu ra một chánh-đề ; kế đó,lại đưa ra một phản-đề chống lại chánh-đề ; và sau cùng,tổng-hợp những ý-kiến chánh-xác của chánh-đề và phản-đề để tạo ra hợp-đề. Cái hợp-đề này chỉ có một tánh-cách tạm-thời,vì nó chung-qui chỉ là một chánh-đề sẽ tự gây ra một phản-đề chọi lại nó, và tấn tuồng cứ như thế mà diễn mãi không cùng.

Ý-tưởng tuyệt-đối vốn phát-hiện ra võ-trụ cho nên võ-trụ cũng noi theo diễn-tiến trên này.Nó gồm nhiều lực nghịch nhau, đối chọi nhau rồi ghép lại thành một tổng-hợp cao hơn.

Tất cả hệ-thống triết-lý của Hegel đều dựa vào nguyên-tắc trên này.

c) Thuyết duy vận biện chứng của Karl Marx và Hegel

Karl Marx vốn là học trò của Hegel. Ông rất phục biện-chứng-pháp của Hegel lấy  sự mâu-thuẫn làm nguyên-lý và động-lực của vạn-vật. Nhưng ông không đồng-ý với Hegel về chủ-trương duy-tâm.Vì đó, ông cùng với Engels lấy biện-chứng-pháp Hegel ghép vào chủ-trương duy-vật của mình để tạo ra thuyết duy-vật biện-chứng.

Theo ý Marx và Engels,vật-chất không phải là một thực-tại thụ-động chỉ biến đổi khi chịu sức tác-động của những lực từ ngoài đưa đến. Nó cốt là hoạt-động : không bao giờ và không chỗ nào có được vật-chất không hoạt-động. Vậy vật-chất chỉ có vẻ ổn-định bên ngoài mà thôi,và Hegel rất hữu-lý khi đã nêu ra  quan-niệm rằng trong thế-giới có nhiều lực-lượng nghịch nhau,bao gồm nhau rồi đương đầu lại một đối-lực để đi đến một tổng-họp cao hơn.

Biện-chứng-pháp Hegel đã biết lấy sự hoạt-động làm ý-tưởng cốt-yếu của mình.Nhưng vì đặt nền tảng trên chủ-trương duy-tâm,nó không thể đứng được. Theo Hegel, quá-trình biện-chứng của thực-tại chỉ là một cuộc vận-động của ý-tưởng được phát-hiện ra ngoài thế-giới. Nói một cách khác, ông cho rằng sự vật là một phản-ảnh của tư-tưởng người.

Đối với Marx và Engels, trái lại, thế-giới hữu-hình đã có ngoài tinh-thần người,và luật biện-chứng của tư-tưởng chỉ là phản-ảnh của luật biện-chứng trong sự vật. Do sự bất-đồng quan-điểm này, Marx và Engels bảo rằng hệ-thống tư-tưởng của Hegel đã trình bày một cách đầy đủ và ý-thức tất cả sự hoạt-động trong võ-trụ, nhưng lại lộn đầu xuống đất, trở cẳng lên trời và chính họ đã lật nó đứng dậy.

Nói tóm lại,theo những nhà thủy-tổ của lý-thuyết xã-hội duy-vật, lịch-trình biện-chứng là đặc-điểm của vật-chất và chỉ hiện ra trong tư-tưởng người với tư-cách là phản-ảnh của thế-giới vật-chất. Mà đối với họ, vật-chất cốt là hoạt-động. Vì thế,những môn-đồ họ đã định-nghĩa biện-chứng-pháp duy-vật là « khoa-học nghiên-cứu về những luật tổng-quát của sự hoạt-động trong thế-giới hữu-hình cũng như trong tư-tưởng con ngườỉ ».

d) Những nguyên tắc căn bản của duy vật biện chứng pháp

Những luật tổng-quát này, đã được những môn-đồ Karl Marx và Engels nghiên-cứu rất kỹ. Trong quyển « Duy-vật biện-chứng-pháp và Duy-vật sử-quan » Staline đã trình bày nó một cách rõ ràng. Dựa vào quyển sách đó,ta có thể định những nguyên-tắc căn-bản của biên-chứng-pháp duy-vật như sau:

1° SỰ TÁC-ĐỘNG LẪN NHAU GIỮA SỰ VẬT.

Giữa các phần-tử khác nhau của một vật, luôn luôn có một mối tương-quan hoạt-động. Mỗi cá-nhơn tùy-thuộc sự tác-động của những vật bao quanh mình và tùy-thuộc cả quá khứ mình. Vậy,muốn hiểu rõ một sự vật, ta phải đặt nó vào khung cảnh nó, nghiên-cứu sự tác-động của toàn-thể đối với nó, và những phản-ứng của nó đối với toàn-thể.

Theo Staline, « biện-chứng-pháp xem võ-trụ không phải như là một mớ hỗn-độn những sự vật và hiện-tượng rời rạc nhau, biệt-lập nhau, mà như một tổng-thể thống-nhứt, có mạch-lạc, trong đó những sự vật và hiện-tượng liên-quan nhau ngay trong bản-thể, tùy-thuộc nhau và chi-phối nhau. Bởi đó,biện chứng-pháp xem rằng trong võ-trụ, không có hiện-tượng nào có thể hiểu được nếu người ta xem xét nó riêng ra,ngoài cái hiện-tượng bao-quát nó » (Duy-vật biện-chứng-pháp và duy-vật sử-quan)

2° SỰ BIẾN ĐỔI TRONG SỰ VẬT.

Trên đời,cái gì cũng biến đổi không ngừng. Đối với Marx và Engels, võ-trụ không phải là một mớ sự vật phiền-phức, cố định mà là hỗn-hợp những lịch-trình. Tiến theo lịch-trình ấy,những sự vật và những phản-ảnh nó trong trí óc người, tức là những tư-tưởng, dầu bề ngoài có vẻ ổn-định, cũng luôn luôn ở vào trạng-thái «trở thành» và «lão suy». Ta có thể nhận thấy trong sự biến đổi không ngừng của những sự vật và tư-tưởng ấy nhiều sự ngẫu-nhiên, nhiều sự tạm-thóai, nhưng cuối cùng rồi, những sự vật và  tư-tưởng ấy cũng tiến-hóa được.

3° SỰ THAY ĐỔI TỪ LƯỢNG SANG PHẨM.

Sự hoạt-động và sự trở thành của vật-chất hướng đến chỗ tạo ra thể mới, vì nó không phải đưa đến những sự thay đổi lập đi lập lại làm cho sự tiếp-tục của các hiện-tượng thiên-nhiên qui về một sự biến-hóa vòng tròn không chấm dứt. Trong sự trở thành, có một lúc, một sự thay đổi nhỏ nhặt về lượng đưa đến một sự thay đổi về phẩm, hay trái lại.Sự thay đổi này thực-hiện bằng một cái nhảy tới trước hay bằng một cuộc cách-mạng.

Những môn-đồ Karl Marx và Engels thường đưa ra một thí-dụ về nước để chứng-minh sự thay đổi này. Khi ta đặt một ấm nước lên bếp lửa, nhiệt-độ nước tăng cao lên mãi. Sự tăng-gia nhiệt-độ này là một sự thay đổi về lượng. Lửa cháy một lúc thì nước bốc hơi trong khi nhiệt-độ của nó vẫn ở nguyên lại một chỗ. Sự bốc hơi này là một hiện-tượng mà phẩm khác với sự gia tăng nhiệt-độ của nước.

Môn hóa-học cũng cho ta biết rằng những sự thay đổi về lượng đưa đến những sự thay đổi về phẩm: bản-chất và đặc-tánh nhiều chất hóa-học tùy theo phân-số những yếu-tố cấu-tạo nên nó.

4° SỰ MÂU-THUẪN NỘI-TẠI CỦA SỰ VẬT.

Theo biện-chứng-pháp, những sự vật và hiện-tượng của võ-trụ đều hàm những mâu-thuẫn nội-tại, vì cái nào cũng có một mặt tiêu-cực và một mặt tích-cực, một quá-khứ và một tương-lai, cái nào cũng có những yếu-tố mất đi và những yếu-tố phát-triển. Sự tranh-đấu nhau giữa các đối-lực này, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đang chết và cái đang sanh, giữa cái lão-suy và cái phát-triển là nội-dung của quá-trình sự tiến-triển, của sự thay đổi lượng thành phẩm.

Do đó, những nhà biện-chứng cho rằng lịch-trình phát-triển từ cấp dưới lên cấp trên không phải thực-hiện bằng sự tiến-hóa điều-hòa của các hiện-tượng, mà bằng sự bộc-lộ những mâu-thuẫn nội-tại của các sự vật và hiện-tượng. Nói một cách khác, mỗi sự vật đều tự chứa mầm mâu-thuẫn bên trong và chánh sự xung-đột nhau giữa các mâu-thuẫn này đưa đến sự hoạt-động và tiến-hóa.

Xét một quả trứng gà, ta thấy bên trong nó có một cái ngòi. Với một nhiệt-độ và một số điều-kiện thích-hợp, ngòi ấy phát-triển ra để thành ra gà con. Vậy,cái ngòi sẽ hủy-diệt qủa trứng, nó là sự phủ-định của quả trứng. Như thế,trong quả trứng có hai lực: một lực hướng đến chỗ làm cho quả trứng vẫn còn là quả trứng, một lực khác hướng đến chỗ làm cho quả trứng thành con gà con.

Những môn-đồ của Marx và Engels nhấn mạnh rằng chính các sự vật tự mâu-thuẫn với mình, và sự chống chọi nhau xảy ra ở bên trong sự vật chớ không phải do một lực từ ngoài đưa đến.

5° TÁNH-CÁCH TẠM-THỜI CỦA CHƠN-LÝ.

Từ sự mâu-thuẫn của các sự-vật và ý-tưởng bất-ổn-định tiếp theo nó,Marx và Engels kết luận rằng chơn-lý chỉ có tánh-cách tạm-thời. Trên đời, không có sự thật nào bất-di bất-dịch và hoàn-bị,cũng như không có những lực mâu-thuẫn nào không dung-hợp nhau được. Loài người suy-luận bằng cách nêu ra một chánh-đề hay khẳng-định, kế đó lại đưa ra một phản-đề hay phủ-định chống lại chánh-đề này và sau cùng, tổng-hợp những ý-kiến của chánh-đề và phản-đề để tạo ra một hợp-đề cũng gọi là phủ-định của  phủ-định. Hợp-đề thật ra chỉ có tánh-cách tạm-thời, vì nó chung-qui cũng là một chánh-đề tự gây ra một phản-đề chọi lại nó,và tấn tuồng cứ diễn như thế mãi không cùng.

Như vậy, mọi lý-thuyết khoa-học và triết-lý chỉ là một giai-đoạn trong lịch-sử của tư-tưởng hoạt-động để giải-nghĩa võ-trụ, chớ không thể là một chơn-lý cố-định và tuyệt-đối.

d) Thuyết duy vật sử quan

Nói theo những chủ-trương triết-học duy-vật của mình trong sự nghiên-cứu đời sống xã-hội qua các thời-đại, Marx và Engels nêu ra thuyết duy-vật sử-quan. Trái với Hegel, nhà lý-thuyết duy-tâm, nghĩ rằng động-lực của lịch-sử là tư-tưởng, Marx và Engels cho rằng không phải tư-tưởng hướng-dẫn thế-giới, mà trái lại, nó còn tùy-thuộc những điều-kiện kinh-tế, tức là vật-chất .Do đó, chính vật-chất mới giải-nghĩa được lịch-sử loài người.

Nói một cách khác, theo Marx và Engels, tất cả những biến-cố trong lịch-sử đều bị vật-chất chi-phối. Trong sự sản-xuất những món cần-thiết cho sự sống của mình, con người tạo ra nhiều mối liên-quan tiền-định, cần-thiết và ngoài ý-muốn của người.

Những «liên-quan» sản-xuất này họp lại làm cái nền tảng kinh-tế xã-hội. Nền tảng kinh-tế đó là cái cơ-sở thật-sự, căn-bản,cái hạ-tầng kiến-trúc trên đó người ta xây-dựng một thượng-tầng kiến-trúc luật-pháp, chánh-trị, trí-thức, v.v…Như thế,chính những điều-kiện sanh hoạt vật-chất, hay nói hẹp lại một chút nữa, chính những phương-pháp sản-xuất vật-sản, đã hạn định phong-tục và chế-độ xã-hội, chánh-trị, luật-pháp của loài người.

Khi dùng những khí-cụ bằng đá, loài người theo chế-độ cộng-sản nguyên-thủy; những dụng-cụ bằng sắt đưa đến chế-độ nô-lệ; sự cải-lương những phương-pháp đúc gang và thép cùng việc dùng cày và khung cửi sản-xuất chế-độ phong-kiến; và sau này,những máy cày với nền đại-kỹ-nghệ đã tạo ra chế-độ tư-bản. Khi phương-pháp sản-xuất thay đổi, xã-hội cũng thay đổi theo. Sự thay đổi này thực-hiện một cách biện-chứng,do những mâu-thuẫn nội-tại của xã-hội mà ra.

 

 

Nhân tài xứ bưởi Biên Hòa: Thi sĩ & Học giả Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy –  Trần Nguyên 

 Biên Hòa xứ bưởi thường được ca ngợi là vùng “đất lành chim đậu”. Đặc biệt về mặt phong thủy, Biên Hòa có rất nhiều địa danh tứ linh bao hàm Long Lân Quy Phung. Điển hình như núi Bửu Long , đình Tân Lân, cù lao Rùa, bàu Phụng … Dưới có giòng sông Đồng Nai ngọt ngào trên có núi Bửu Long linh thiêng nên đời đời đã tạo ra biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt cho dân tộc Việt. Cũng như hun đúc ra khá nhiều nhà thơ nổi tiếng đóng góp trên diễn đàn văn chương. Nhưng khách quan mà nói, Đằng Phương (1924 -1990) là thi sĩ đầu tiên của xứ Bưởi đi vào văn học sử với những bài thơ ái quốc nổi tiếng được giảng dạy trong học đường như bài thơ “Anh hùng vô danh”:

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

và nhiều bài thơ quen thuộc ái quốc hùng tráng tương tự như: Ngày tang Yên Bái, Ngọn đuốc Việt Nam, Quyết sống, Lời sông núi, Anh hùng đất Việt, Lẽ sống, Thanh niên Việt Nam, Việt Nam thống nhất, Nước Việt trường tồn … Toàn bộ cuộc đời của nhà thơ Đằng Phương khá ly kỳ. Năm 17 tuổi đã bắt đầu sáng tác được những bài thơ nổi tiếng nêu trên. Đến lứa tuổi đôi mươi xuất bản tập thơ ái quốc đầu tiên mang tên Hồn Việt (nxb Đuốc Việt 1950). Vì lúc đó dưới thời thực dân Pháp nên phải giấu danh tánh thực của tác giả. Sau đó đặc biệt cả hai miền Nam Bắc đều giảng dạy những dòng thơ ái quốc đó trong học đường, mà ai cũng tưởng là tác giả vô danh. Mãi đến lúc tròn 60 tuổi, tác giả cho tái bản tập thơ Hồn Việt (nxb Thanh Phương Paris 1984). Không ai ngờ nổi, thi sĩ Đằng Phương lại là một học giả nổi tiếng của miền Nam về hoạt động văn hóa, giáo dục, báo chí và chính trị. Ông là dân Biên Hòa, quê ở Tân Uyên. Đó chính là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy . Một niềm hảnh diện lớn lao của Biên Hòa xứ Bưởi chúng ta.

I . Tiểu Sử Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Văn bằng:

§ 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

§ 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.

§ 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

§ Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị Đại Học Paris.

§ Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.

§ Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn:

§ Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).

§ 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

§ 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

Trong Chánh Quyền:

§ 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.

§ 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

§ 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

Hoạt Động Chánh Trị:

§ Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ

§ Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

§ 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).

§ 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

§ 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.

§ 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương năm 1948.

Tưởng Lục:

§ WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.

§ Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

Chuyên Môn:

§ Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.

§ Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

Tác phẩm :

§ Tiếng Việt:

1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.

2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.

3. DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.

4. DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?

5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).

6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.

7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.

8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.

9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.

10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA

– Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

11. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

12. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

§ Tiếng Pháp:

13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

§ Tiếng Anh:

14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –

15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.

16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.

Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 16 và 17 trong danh sách này)

17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.

18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Bài Đăng Báo:

§ Tiếng Việt:

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như TỰ DO DÂN BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

§ Tiếng Pháp:

– LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.

– LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

§ Tiếng Anh:

– Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.

– LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.

– THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.

– ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.

– THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.

Thuyết Trình:

· VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.

· CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.

· KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.

· CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.

· LIÊN MINH LIÊN SÔ – CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.

· TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.

· VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.

· THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.

· NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28-7-1990 tại Paris hưởng thọ 66 tuổi, mang lại tiếc thương vô vàng cho mọi người mến mộ. Không những cho riêng người Việt, mà ngay cho cả người ngoại quốc. Có lẻ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời , được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau (xem : Nhà Chí Sĩ Thời Đại : Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương xuất bản năm 2003 / trang 11).

II . Một hiện tượng hiếm có

Kể từ đó cứ đến độ giửa hè vào dịp cuối tháng bảy , ở quốc nội và tại hải ngoại, âm thầm hoặc công khai đều có Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Như vậy tính đến nay đã gần 20 năm rồi. Một thời gian quá dài để thử thách mức độ thực lòng thương nhớ của quần chúng đến một nhà lãnh đạo đã nằm xuống. Sự ra đi vĩnh viễn của Giáo Sư Huy vào ngày 28 tháng 7 năm 1990 xảy ra đúng vào lúc thế lực cộng sản đang trên đà gục ngã tại Đông Âu. Bây giờ gần 2 thập niên sau nhìn lại toàn bộ thấy tiếc nuốt đã mất một cơ hội hiếm có trong đời để xoay chuyển dân chủ hóa được cho VN. Rỏ ràng lúc đó không có yếu tố cấp lãnh đạo uy tín và sáng suốt với tầm vóc cở Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nên không ai đưa ra được kế hoạch hữu hiệu nào cả và để rồi tình thế thuận lợi vuột mất đi.

III . Công trình sáng tác

Nhìn lại, Giáo Sư Huy để lại một công trình sáng tác đồ sộ gồm hàng chục tác phẩm lẩy lừng trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau. Điểm rất lạ là suốt đời Giáo Sư Huy hoạt động tranh đấu, lãnh đạo đoàn thể, đấu trí chống chỏi các thế lực độc tài, rồi lại bị bịnh ung thư kéo dài gần 10 năm, vậy mà vẫn có thể viết ra được quá nhiều những tác phẩm độc đáo.

Vào ngày 4.8.1990 tại Austerlitz (Hoà Lan), Bác Sĩ Trần Ngọc Quang (Pháp) đã ca ngợi kiến thức uyên bác hầu như lãnh vực nào giáo sư Huy cũng thông suốt. Mà quả thực vậy, nhìn lại toàn bộ các tác phẩm của ông đã cho thấy rỏ điều đó. Chỉ nội trong quyển ‘‘Quốc Triều Hình Luật’’ dầy 263 trang được dẩn chứng 478 lần rút từ trên 100 quyển sách. Còn quyển Perstroika (Anh, Pháp) dầy 497 trang với 639 dẫn chứng của trên 200 tác phẩm ngoại quốc.

Có lẽ nhờ kiến thức uyên bác , trí nhớ hiếm có , lối làm việc đam mê khác thường bất kể không gian và thời gian và nghị lực phi thường , Giáo Sư Huy viết được nhiều tác phẩm bất hủ như vậy . Ông còn rất nhiều dự định sáng tác, và khi ra đi ông còn để lại nhiều di cảo . Trong những năm cuối cùng ông thường tâm sự, nếu có thì giờ rảnh rổi thì cứ mỗi tháng có thể viết xong một tác phẩm . Mặc dù trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gầy, ông đã cố gắng viết được các tác phẩm giá trị như liệt kê trong phần tiểu sử phía trên . Trong đó có 6 tác phẩm được coi là đắc ý nhứt :

Thơ Hồn Việt

Đây là tác phẩm đầu tay được Giáo sư Huy qua thi hiệu Đằng Phương trân quý và hảnh diện nhứt . Bao gồm những bài thơ đầy lòng ái quốc, thể hiện rỏ lý tưởng của giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu đến khi lìa đời . Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, “Ngày tang Yên Bái” …. đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử nổi tiếng của Dân Tộc Việt .

Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học

Qua kinh nghiệm đau thương, tổ chức bị phân tán khi lãnh tụ Trương Tử Anh bị thất tung, Giáo Sư Huy đã dụng tâm, suy nghĩ, điều chỉnh chủ thuyết lại để thâu nhận các nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, phù hợp với tiến trình nhân loại . Ông đã dứt khoát bác bỏ đường lối lãnh tụ chế, vì nhận thấy sẽ đưa đên thảm họa độc tài .

Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời. Là luận án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris .

Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Thoạt nhìn thì đây là quyển sách chỉ nhằm giải trí. Nhưng thực sự Giáo Sư đã dụng tâm lớn lao khi viết tác phẩm này. Ai cũng biết, nhờ hành văn kể chuyện đầy hấp dẫn và bố cục kết cấu tinh vi, truyện kiếm hiệp của Kim Dung đã lôi cuốn cả hàng tỷ đôc giả trên thế giới . Ngay tại Việt Nam hầu như đa số đã có thời say mê kiếm hiệp Kim Dung. Vì vậy lợi dụng qua đề tài hấp dẫn này Giáo Sư Huy muốn trình bày, giải thích lợi hại của đường lối chính trị (nhứt là tai hại của chủ trương độc tài) và từ đó đưa ra thông điệp chính trị với đề nghị cụ thể nhằm đạt được mục tiêu mang lại yên vui hạnh phúc cho người dân. Tác phẩm này được ghi nhận bán chạy nhứt với xuất bản lần thứ tư tại Hoa Kỳ, Pháp và Úc .

Quốc Triều Hình Luật

Đây là bộ sách bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy khám phá ra ai là tác giả thực sự của Bộ Luật Hồng Đức và từ triều đại nào phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói. Trong di bút cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới.

Perestroika

Sự kiện lãnh tụ Liên Xô Gorbachev thay đổi chính sách làm đão lộn tình hình thế giới. Điều này đã dẫn tới cuộc cách mạng tại các xứ cộng sản Đông Âu và chắc chắn sẽ làm chủ nghiã cộng sản độc tài tan biến trong tương lai để Việt Nam sẽ thoát khỏi gông cùm cộng sản. Giáo Sư Huy đã phân tích tiên đoán rỏ ràng trước trong tác phẩm này. Theo lời Gs Cao Thế Dung, đây là một tác phẩm rất quan trọng của Giáo Sư Huy qua 2 thứ tiếng (Anh, Pháp) để góp vào diễn đàn tư tưởng chánh trị quốc tế.

Một giai thoại hi hữu là bản thảo “Tên Họ Người Việt Nam” bị thất lạc lúc Giáo Sư Huy qua đời và ai cũng tưởng rằng bị mất luôn tài liệu quý giá này. Chúng tôi tiếc lắm, vì biết rỏ Giáo Sư Huy đã bỏ rất nhiều thì giờ nghiên cứu biên khảo ta’c phẩm này. Có lần Giáo Sư nhờ chúng tôi tìm kiếm một số danh tánh của các nhân vật nổi tiếng có ý nghĩa giải thích được nguồn gốc tên họ xuâ’t phát ở Âu Châu. Chúng tôi đã sưu tầm và dịch ra gửi đến cho Giáo Sư xử dụng. Bất ngờ gần 10 năm sau, có lẻ nhờ sự hiển linh của hương hồn Gs Huy, nên Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần (Paris) tình cờ có được bản thảo và giao lại nhà xuất bản Mekong-Tỵ Nạn in phổ biến. Chúng tôi nhận được sách tặng và rất cảm động đọc thấy lại kỷ niệm năm xưa qua những dẩn chứng với tên họ của các nhân vật nổi tiếng như Tổng Thống Freiherr von Weizsaecker , Nữ vô địch quần vợt Steffi Graf , Bộ Trưởng Nội Vụ Zimmerman , Nam vô địch bơi lội Michael Gross …

IV . Con Người Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

Tình Yêu Tổ Quốc

Lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước . Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam . Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gắm vào tâm tình nồng nàn ấy . Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lổi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách . Ông đã đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa người Việt Tự Do.

Tình Yêu Gia Đình

Trong buổi lễ ra mắt tập thơ Hồn Việt tại California (Hoa Kỳ) có thính giả hỏi về bài thơ tặng bạn Ngọc Điệp phải chăng dành cho bạn gái. Giáo Sư Huy đã cho biết đó chỉ là người bạn cùng tranh đấu. Với giọng thổn thức đẩm lệ ông còn cho biết trong đời ông chỉ có một tình yêu cho người đàn bà duy như’t. Đó là người vợ (nhủ danh Dương Thị Thu) đã qua đời vào năm 1974 (tai nạn tại bải biển Vũng Tàu) và một tình yêu nữa là cho Tổ Quốc Việt Nam mà thôi. Khi bà Huy qua đời, mặc dù lúc đó còn ở tuổi trung niên đầy danh vọng và tài hoa, Giáo Sư Huy ở vậy nuôi con tôn thờ hình ảnh người vợ hiền cho đến chết. Thật là trường hợp hạn hữu. Đặc biệt hơn nữa, ông để lại ước nguyện được hoả táng để sau này tro tàn mang về Việt Nam thổ táng trộn cùng xương cốt của ngươì vợ hiền năm xưa.

Tình Nghĩa Thâm Sâu

Một điểm nổi bật nhứt của Giáo Sư Huy là được mọi cộng sự viên kính nể và thương yêu thật sự . Thực là hiện tượng hiếm có trong thời đại đầy nhiểu nhương và đổ vỡ này. Tiền bạc, danh vọng, ông chả còn gì trong tay để lôi cuốn dẫn dụ người khác cả. Nhưng rất nhiều người đã hết lòng hết dạ hy sinh thời giờ, tiền bạc và hạnh phúc gia đình để đi theo ông. Có nhiều chủ quan khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là họ đặt niềm tin thực sự vào con người Nguyễn Ngọc Huy. Một con người chân thành không hề chủ trương bá đạo, đạt tình yêu Tổ Quốc lên trên hết và luôn luôn có tình nghĩa thâm sâu với các cộng sự viên đồng hành.

Tấm Lòng Quảng Đại và Tận Tụy

Hoạt động tích cực trong lảnh vực chính trị vơ’i nhiều tranh châ’p va chạm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng luôn luôn giử được nét mặt hòa nhả với nụ cười vui vẻ từ tấm lòng chân thành mà ra. Từ năm 1982 bị mắc bịnh ung thư, tuy vậy ông cố gắng kiềm chế không để tâm tình nóng nảy bộc lộ. Cuối cùng, biết sức mình sắp tàn, Giáo Sư Huy đã ráo riết làm việc không ngừng , chạy đua với tử thần để cố ráng làm tròn trách niệm trước tổ quốc. Di sản tư tưởng của ông để lại bàng bạc trong các tác phẩm. Giáo Sư Huy là người chủ trương tự do dân chủ thực sự, quyết liệt chống đường lối lãnh tụ chế, độc tài (dù là loại độc tài yêu nước mà các xứ chậm tiến thường ca ngợi). Ông đã đưa ra bài học Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng được độc lập . Bắc Mỹ chọn con đường tự do dân chủ thực sự nên đã thành cường quốc, dân chúng sống hạnh phúc ấm no. Trong khi đó Nam Mỹ chủ trương độc tài yêu nước, rốt cuộc đến nay vẫn còn xảy ra đảo chánh hổn loạn chính trị, dân chúng sống trong áp bức bất công.

Ngoài ra ông âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẻ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc…) làm đất nước càng ngày càng suy vong.

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Ông đã từng tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ tài giỏi hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một người Biên Hòa xứ Bưởi đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cỏi đời đầy nhiểu nhương này.

Nguồn:   http://www.aihuubienhoa.com/a144/nhan-tai-xu-buoi-bien-hoa-giao-su-nguyen-ngoc-huy

 

Vui cười

Giáo Sư có vài lời khuyên đối với học trò của mình:

-Em nào đã thi đậu vào Đại Học, nên đối xử tốt với những đứa thi rớt, để sau này ra trường, dễ xin làm vào làm việc trong công ty của chúng nó.

-Em nào thi đậu trường A, phải đối xử tốt với những em đậu trường B, vì sau này Lãnh Đạo ở vùng quê hay các Phường Khóm đều là chúng nó cả đấy.

-Em nào vào được trường B hãy tạo quan hệ tốt với những đứa vào học Cao Đẳng, vì sau này chúng nó sẽ là thầy dậy con cái các em.

-Nhớ chơi thân với những đứa thi trượt phải đi lính, vì chúng sau này đều thành Cảnh sát giao thông, Công an phường xã hoặc Cơ động cả.

-Đám con nhà giàu phải thân thiện với những bạn gái xinh xinh trong lớp, vì chúng nó có thừa khả năng sẽ làm mẹ kế của các cậu.

 

Chung quanh vài luận điểm mới về Hồ Chí Minh – Nguyễn văn Trần

2 – Hận thù qua, lịch sử sẽ đánh giá đúng công và tội

Tác giả “Chung quang vấn đề nhận thức và đánh giá Hồ chí Minh hiện nay” (Lê Kỳ Sơn,Viet-studies, 17-05-2015, internet) tỏ ra lương thiện – vì chắc không phải đảng viên – khi phê phán những người lãnh đạo đảng cộng sản hà nội «sau 30/04/75 không biết đối xử có tình có nghĩa với dân miền nam để đoàn kết dân tộc, không biết tận dụng cái thế  chiến thắng  mà có một đường lối đối ngoại tốt đẹp giúp đưa Việt nam sớm phát triển, hàn gắn những đau thương của cuộc chiến dài»!

Tiếp theo, ông chỉ ra nền « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa » ngày càng suy thoái, sản sanh ra những « nhóm lợi ích » dựa vào chức quyền cướp giựt tài sản của dân làm cho xã hội băng hoại, đời sống cơ cực và dân chúng khắp nơi phản ứng mạnh, công khai chưa từng thấy. Người có nhận thức không tránh khỏi lo âu sự tồn vong của chế độ.

Tác giả phê phán để muốn nói rằng nguyên nhân của bi kịch này là « lỗi hệ thống » do những người theo cộng sản Staline và Mao Trạch-đông gây ra, chớ không phải Hồ Chí Minh vì Hồ theo Lê-nin. Và Hồ là nhà cách mạng yêu nước, dân tộc, dân chủ vì suốt đời, ông tâm niệm « Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do » !

Từ quan điểm này, tác giả đã không ngần ngại bảo vệ vị trí Hồ Chí Minh trong lịch sử việt nam « Chúng ta vững tin rằng năm tháng qua đi, hận thù được xóa bỏ, dân tộc hòa hợp lại, lịch sử sẽ đánh giá đúng công lao, sự nghiệp của Hồ Chí Minh : “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà yêu nước vĩ đại, chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX ” ».

Vậy chúng ta thử nhìn lại Hồ Chí Minh qua vài sự kiện đơn giản cũng đủ đễ ghi nhận Hồ Chí Minh là người có công hay tội đối với đất nưóc Việt nam, dân tộc Việt nam.

Nên đưa « Bác ” ra khỏi lò hấp « Made in Hà nội ”

Để bênh vực quan điểm của mình, Ông Lê Kỳ Sơn cho rằng Hồ Chí Minh là người việt nam theo cộng sản đầu tiên nhưng không phải ông du nhập cộng sản vào Việt nam. Vì từ « bài phát biểu ở Đại hội Tours, đến các bài báo trên Le Paria, rồi tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản tại Pháp năm 1925,… không có bài viết nào trực tiếp tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, tất cả đều đứng trên lập trường người dân thuộc địa  mất nước mà tố cáo tội ác cai trị tàn bạo, cướp bóc man rợ của chủ nghĩa thực dân ; kêu gọi đồng bào thức tỉnh, đứng dậy, đoàn kết đấu tranh giành lại độc lập, tự do ».

Nhắc lại chuyện củ « lẩm cẩm » chung quanh Hồ Chí Minh do người công sản ở Hà nội đưa ra nhằm tâng bốc lãnh tụ, thật ra, không phải là điều hay ho gì cho lắm. Nhiều thông tin về Việt nam từ ngày Pháp truyền gìáo và Pháp thuộc địa tới đều có thể tìm đọc được ở thư viện Quốc gia, các Trung tâm Văn khố về Quân sự, Thuộc địa và Ngoại giáo ở Pháp. Cả phim ảnh, âm thanh những buổi nói chuyện, hội kiến của Hồ Chí Minh với những nhà cầm quyền pháp. Nóí như vậy để cho biết việc thẩm định Hồ Chí Minh một cách trung thực không còn là điều mơ hồ phụ thuộc tưởng tượng của vài người tâng bốc ông một cách lấy được.

Trở lại với quan điểm của Ông Lê Kỳ Sơn về Hồ chí Minh. Ông nói rất đúng khi viết « Hồ Chí Minh lúc này không tuyên truyển cộng sản, mà đứng trên lập trường người dân thuộc địa mất nước, …kêu gọi đồng bào thức tỉnh, đứng dậy, đoàn kết, đấu tranh giành độc lập, tư do ».

Đúng lắm. Hồ Chí Minh lúc này « chưa cộng sản » vì chính ông cũng chưa kịp bìết cộng sản là gì. Ông chưa đọc về cộng sản vì không có thì giờ và cũng không đủ sức đọc loại sách tư tưởng bằng tiếng pháp tuy vốn liếng cơ bản về pháp văn thời đó đã đậu « Sơ Đẳng Tiểu học Văn bằng » là khá hiếm ( Ông Chouquet, Hiệu trưởng Quốc Học Huế, ngày 7/8/1908, trả lời thư ngày 4/8/1908 của Khâm sứ Trung kỳ « sẽ có thể nhận » tên Nguyễn Sinh Côn sanh ở Nghệ an, đã học trường pháp-an nam ở Thừa thiên, vào học niên khóa 1908-1909. Nếu được học, Hồ Chí Minh sẽ học Lớp Nhì năm thứ I – Cours Moyen 1ère Année. Việc Hồ Chí Minh tham dự biểu tình chống thuế nên bị đuổi học lại là một thứ chuyện « Cây Đuốc yêu nước Lê văn Tám ! »).

Hồ Chí Minh vốn là người nuôi dưởng một tham vọng mảnh liệt phục hận « ta phải có danh gì với núi sông » nên khi tàu vừa cặp bến Marseille là ông viết đơn xin học Trường Thuộc địa. Biết sai thủ tục, ông gởi đơn lại từ Chánh quyển thộc địa ở Việt nam. Rất tiếc tây thuộc địa đã không sáng suốt đánh giá đúng Hồ nên mất một người phục vụ đắc lực, tốn 9 năm chiến tranh xương máu. Sau đó, trong thời gian ở lại Paris, hể thấy chổ nào đình đám là Hồ xáp vô. Ông đã từng theo Đệ II Quốc tế, gia nhập Thợ Hồ ( La Franc-maçonnerie gồm tiêu tư sản và tư sản trí thức) nhưng hai tổ chức này phần lớn gồm những người học giỏi, có địa vị xã hội cao nên Hồ phải rút lui sớm. Nói Hồ Chí Minh « đứng trên lập trường người dân thuộc địa mất nước tranh đấu chống thực dân đòi độc lập dân tộc… » là đúng vìônglúc đó chịu ảnh hưởng tư tưởng ái quốc không cộng sản của các Cụ Phan văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Còn những lời tuyên bố, những bài báo, bản kiến nghị, …đều do các Cụ viết và Hồ Chí Minh chỉ là người đứng tên và phổ biến. Cả cái tên Nguyễn Ái Quốc cũng là cái tên chung ký dưới những bài « phong ». Mang tên Nguyễn Ái Quốc chỉ vì Hồ sẳn sàng trình diện cảnh sát Paris (Hồ nói với cảnh sát : may quá, chú tôi kịp đưa giấy của các ông cho tôi. Kỳ tới, các ông đưa thẳng cho tôi hoặc căn dặn chú tôi đưa cho tôi) để nếu có ở tù, sẽ ở tù thế cho các Cụ. Vậy mà không thấy lịch sử đảng cộng sản hà nội ca ngợi lòng can trường hiếm có này của « Bác » ta. Trong quyển hồi ký «  Une histoire de conspirateurs annamites à Paris – Còn bán trên Amazon » (Một âm mưu của những người an-nam ở Paris) của Phan văn Trường do L’Insomniaque, Paris, xuất bản năm 2003, tác giả ghi lại kỷ niệm với những người cùng tranh đấu chống thực dân lúc đó nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới Nguyễn Tất Thành tuy Thành ở với ông suốt 2 năm dài. Là điều dễ hiểu thôi !

Phan văn Trường là một trong những người trí thức việt nam đầu tiên đặt nền móng Cách mạng Đông dương đầu tiên  mà tới những năm 1930 người ta mới biết nhưng lịch sử chánh thức ở Hà nội không nhắc tới. Trong những năm 1911- 1920, Phong trào Ái quốc của người Việt nam ở Pháp do Phan văn Trường lãnh đạo, qua năm 1924-1927 do Nguyễn Thế Truyền nối tìếp. Tới năm 1927, Nguyễn Thế Truyền về nước, Phong trào tranh đấu ái quốc không cộng sản này được trao qua nhóm Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Huỳnh văn Phương, Trần văn Thạch, Hồ Hữu Tường kế tục. Trong mặt trận cùng chống thực dân giành độc lập ở Việt nam những năm 45, tất cả những người ái quốc chơn chánh này đều bị Việt Minh của Hồ Chí Minh giết hết, chỉ còn Hồ Hữu Tường sống sót nhờ lúc đó lánh mặt ở Hà nội.

Thế mà Nguyễn Tất Thành, qua tên Trần Dân Tiên (Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chụ tịch), khi làm Chủ tịch nước, chánh thức tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc và tác giả các bài báo, là lãnh tụ Phong trào  Người Việt nam Ái quốc ở Pháp. Một người viết những chuyện không đúng sự thật để nhằm tự ca tụng chính mình như vậy, thử hỏi tư cách lãnh tụ ở đâu ? Vậy chuyện gì lãnh tụ không dám làm miển phục vụ mục tiêu của lãnh tụ ? Cả cái đảng cộng sản đưa « tác phẩm văn của Bác » vào văn học thì cái đảng này có từ chối việc gì không làm vì vi phạm đạo đức và luật pháp ?

Hồ Chí Minh « chọn Đệ 3 Quốc tế » ? Có lẽ nên nói cho phù hợp vói hoàn cảnh lúc đó là chính ông được Quốc tế 3 tuyển dụng nhờ có hồ sơ ở cảnh sát pháp là « tác giả » những bài báo chống thực dân, đòi đôc lập, qua mạng lưới cộng sản âu châu. Và cũng nhờ mạng lưới này mà ông được tới Mạc-tư-khoa năm 1923. Staline đã không coi Hồ Chí Minh là người « cộng sản chơn chính » vì ông chưa kịp hiểu cộng sản. Ông bắt đầu « phấn đấu », trui rèn để sau đó trở thành người « cộng sản chân chính ».

Một nhận xét nhỏ. Nói về Hồ Chí Minh, Ông Lê Kỳ Sơn đã chưng diện « Bác ta » với hia mảo khá tươm tất  « Bác đặt chân lên đất … », « Bác ra đi khảo sát thế giới từ Á sang Âu … ». Tưởng nên trả « Bác » về nguyên vẹn với « Bác ta » để như vậy hình ảnh của « Bác » đừng bị những người tâng bốc « Bác » vô tình làm cho hoen ố, rất khó nhận ra « Bác » lắm. Trái lại, nên ca tụng « Bác » là người con chí hiếu lúc này, nhờ chưa phải cộng sản chơn chánh, ngược xuôi lao động gian khổ, gởi tiền về nuôi cha thất nghiệp vì bị đuổi việc do say rượu, hun bạo, đánh chết phạm nhơn khi xử án.

Khi « Bác » trở thành lãnh tụ cộng sản theo Lê-nin

Năm 1930, Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức lại hàng ngũ cộng sản, soạn Cương lĩnh, Điều lệ đảng, Lời kêu gọi, … và được suy tôn làm lãnh tụ sáng lập đảng cộng sản ở việt nam.

Theo Lê Kỳ Sơn, Hồ Chí Minh trước sau vẫn là người cộng sản lê-ni-nít, « hoàn toàn khác với chủ nghĩa tả khuynh của Staline và Quốc tế cộng sản sau khi Lê-nin qua đời, nhất là từ sau Đại hội VI năm 1928. Đặc điểm của chủ nghĩa tả khuynh dưới sự áp đặt của Staline là nhấn mạnh độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản …, đề cao chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng, sử dụng guồng máy chuyên chính để đàn áp, sẵn sàng bắt bớ, thủ tiêu những người có ý kiến khác biệt, … Staline đã từ bỏ những quan điểm đúng đắn của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và kiên trì bảo vệ ».

Vậy để thấy bản chất con người cộng sản của Hồ Chí Minh, tưởng không gì bằng kiểm điểm qua quan điểm cách mạng cộng sản của Lê-nin và tiếp theo, kiểm điểm sự nghiệp cách mạng cộng sản của Hồ Chí Minh thực thi quan điểm Lê-nin vào cách mạng việt nam khi ông làm Chủ tịch nước, nắm trọn quyền chánh trị trong tay, cho tới năm 1963, bị cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hạ bệ.

1 – Quan điểm cách mạng cộng sản của Lê-nin

Trong bài «Chung quanh vài luậm điểm mới về Hồ Chí Minh», chúng tôi có trích dẩn về Lê-nin theo tài liệu của Văn khố ở Mạc-tư-khoa do sử gia Nicolas Werth công bố năm 2003. Nay, chúng tôi cũng xin giới thiệu tiếp về Lê-nin, để qua đó, độc giả sẽ thấy rỏ con người cộng sản chơn chánh Hồ Chí Minh.

Tài liệu  cho thấy Lê-nin đã từng «khuyến khích đưa cách mạng  và bạo lực xâm nhập nhằm khuynh đảo tất cả những Quốc gia độc lập» và nhằm «tạo ra những xung đột quốc gia và chủng tộc để biến thành công cụ phục vụ mục tiêu cách mạng». Một phần khác của tài liệu nói «Lê-nin công khai hô hào một chánh sách khủng bố, đàn áp và thanh lọc trên qui mô lớn» nhằm vào nhiều thành phần xã hội khác nhau và vào những thời điểm mà chế độ cách mạng không hề bị hăm dọa.

Ngày 19/03/1922, trong một mật lệnh gởi cho Bộ Chánh trị – năm 1970 lần đầu tiên được một cơ quan thông tin công giáo phổ biến ở Paris bằng tiếng Nga – nhưng nhiều người không tin tính xác thật của tài liệu vì, theo đó, chẳng lẽ Lê-nin tàn bạo và dã man đến như vậy sao, chủ trương khai thác trận đói khủng khiếp ở Nga làm chết 6 triêu sanh mạng để đánh một cú cho Giáo hội Cơ đốc sụp đổ theo luôn?

Chuyện thật như sau:

«Năm 1922, chánh quyền bôn-sơ-vít tung ra một chiến dịch vĩ đại nhắm tịch thâu của cải, tài sản của nhà thờ để bán lấy tiền giúp nạn nhơn trận đói vùng Volga. Thực tế, từ nhiếu tháng nay, Giáo hội, qua trung gian Ủy Ban Nga cứu trợ nạn đói, giúp nạn nhơn. Việc tịch thâu tài sản của Giáo hội gây ra nhiều xung đột.

Ngày 15/03/1922, tại thành phố Chouia, ngoại ô của Mạc-tư-khoa, lực lượng võ trang bắn vào giáo dân vì những người này phản đối vìệc tịch thâu tài sản Giáo hội».

Lê-nin muốn trông thấy trong những vụ xung đột đẩm máu này Giáo hội có tổ chức chống đối hay không vì Giáo hội là tổ chức độc lập cuối cùng trong chế độ nhân dân. Lê-nin gởi tới Bộ Chánh trị một bản chỉ thị khá dài, có vài điểm chánh :

Tăng lữ đang lập kế hoặch chống ta và đưa ta vào một cuộc chiến quyết định.

Về phía chúng ta, đây là lúc thuận lợi để chúng ta giết chết kẻ thù, giử thế mạnh cho những ngày tới.

Mọi người đang chết đói, họ ăn thịt nhau, đường xá đầy ngặp xác người, đây đúng là lúc thuận lợi và duy nhứt để chúng ta tịch thu hết tài sản của Giáo hội, không tội nghiệp, thanh toán ngay mọi chống đối. Chỉ có lúc này, quần chúng sẽ ủng hộ ta hoặc họ không ủng hộ Giáo hội hay thiểu số tư sản phản động chống lại ta… Như vậy tôi (Lê-nin) kết luận cụ thể là ta tiêu diệt được đám tăng lữ một cách tàn bạo để mọi người nhớ đời. Số người bị giết nhiều càng tốt cho ta. Nhờ đó ta cho chúng nó một bài học là đừng bao giờ hồng chống lại ta».

Hằng ngày, Lê-nin nhắc báo cáo cho ông số tăng lữ bị hành hình. Ít tháng sau, ông nhận được báo cáo có 8000 linh mục, nữ tu bị xử tử không cần xét xử hoặc có đưa ra tòa án nhơn dân.

Một năm sau «Chánh sách Kinh tế mới» (NEP) ban hành, Lê-nin kết thúc giai đoạn «cộng sản chiến tranh», tổ chức quan hệ mới chánh quyền bô-sơ-vít với xã hội nhưng chánh sách mới từ đây là «lê-nin-nítkhủng bố» vả «thanh lọc quốc gia, thanh lọc xã hội, thanh lọc tất cả những kẻ thù, tất cả những thành phần có hại cho xã hội», tất cả những «thành phần ăn bám»

Trong tất cả tài liệu do Lê-nin viết, Lê-nin luôn luôn kêu gọi mở rộng khủng bố xã hội vì đây là động cơ củagiai cấp đấu tranh. Và khi cướp được chánh quyền thì giai cấp đấu tranh là hình thức đấu tranh tiếp tục. Trong một buổi nói chuyện trước quần chúng cách mạng tại Nhà Nhơn dân, Lê-nin lấy làm tiếc, năm 1905, nông dân chỉ tiêu diệt có 1/15 cơ sở nông nghiệp, 1/15 của cái phải thủ tiêu vỉnh viển vì ô nhiểm mùi tanh hôi địa chủ.

Lê-nin dạy «bạo lực có tổ chức và có hướng dẩn» sẽ khai thông dòng lịch sử trong những quốc gia kém phát triển và một khi «quá khứ đã thanh toán sạch».

Với Lê-nin, chánh sách thanh lọc không chỉ giới hạn ở xã hội, mà còn áp dụng trong đảng, trong cán bộ hành chánh, …Nhưng cách thức khác hơn với xã hội, nó chính xác như đi từ thanh toán cá nhơn tới giam giử tập trung hoặc cho đi lao động cải tạo.

Lê-nin hỏi phải ứng xử thế nào với những cán bộ đảng viên không thiệt cộng sản? Những phần tử xâm nhập vào đảng để «lặn sâu, trèo cao»? Phần tử này, Staline gọi là «hai mặt».

Lê-nin dạy phải chậm rải, kỷ lưởng nhưng phải «thanh toán sạch», «quét sạch», và «thanh toán nữa, quét nữa, làm hoài …».

Có người hỏi «Giửa Lê-nin và Staline, ai dữ hơn?». Viatcheslav Molotov, người phục vụ dưới trướng cả hai, không ngần ngại trả lời :

Lê-nin, chớ còn ai nữa!

«Vì chính ông ấy đã đào tạo tất cả chúng tôi. Nếu hình ảnh Staline có bị phai nhạt vì nhà độc tài khát máu, bị hạ bệ, thì Lênin, trái lại, vẫn chiếm giử ngôi vị thần tượng nhà cách mạng, nhà chiến lược, người cướp chánh quyền, sáng lập chế độ cộng sản, chẳng rìêng ở xứ Nga mà cả ở nhiếu nơi trên thế giói ngày sau này».

Nhưng ngày nay, ở nhiều nơi ở Đông Âu và xứ cộng sản củ, tượng Lê-nin đã bị dân chúng lật đổ, tháo bù-lon. Cách đây không lâu, Lê-nin bị dân chúng Ukraine hạ bệ.

2 – Sự nghiệp cách mạng cộng sản của Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là người việt nam đầu tiên theo cộng sản. Và thiết lập chế độ cộng sản sau khi làm cách mạng tháng 8/1945, cướp được chánh quyền sau khi Chánh phủ Trần Trọng Kim từ nhiệm. Ông bắt đầu áp dụng những bài học lê-ni-nít : ra lệnh (thanh lọc) giết tất cả những người kháng chiến yêu nước thật sự không cộng sản. Ở trong Nam, ông chỉ thị Trần văn Giàu lập một danh sách 2500 trí thức để lần lược thanh toán (Hồi ký Trịnh Hưng Ngẫu).

Ở Hà nội, ông khủng bố trí thức, văn nghệ sĩ một cách ác ôn chưa từng thấy. Vâng lệnh Mao Trạch-đông ngày 2/3/1953, Hồ Chí Minh ban hành lệnh làm cải cách ruộng đất, ông giết không dưới 500 000 người vô tội (bị đấu tố vì địa chỉ, chết trong lúc ccrđ, chết dài dài sau đó do nghèo đói, bệnh tật, …) vì tuân theo tiêu chuẩn do Tàu đưa ra phải đủ 5, 65% địa chủ trên phạm vi 3563 xã với 1ối 10 triệu nông dân (Lịch sử kinh tế việt nam 1945-2000, Viện Kinh tế Hà nôi xuất bản).

Cùng với cải cách ruộng đất, còn là cuộc thanh lọc hàng ngũ quân đội, cán bộ gốc kháng chiến yêu nước thật sự, không thuộc bần nông, cố nông, không cộng sản, dưới sự cố vấn chỉ đạo của Trưởng đoàn Kiều Hiếu Quang, Phó Bí thư Quảng Tây.Theo Kiều Hiếu Quang,  áp dụng thuyết mác-lê, thanh lọc sạch để đưa

«gìai cấp vô sản» lên lãnh đạo cách mạng việt nam nhưng thực tế, là Kiều Hiếu Quang chọn thay thế bằng những ngưởi mà anh ta tin vì vô học, gốc bần cố nông.

Cuộc thanh lọc này gìết hại hơn 3000 người kháng chiến yêu nước thật sự.

Riêng trường hợp Bà Năm, bị qui tội địa chủ. Hồ Chí Minh, sau khi khóc thương tiếc cái chết của người phụ nữ, viết một bài báo kết tội Bà Năm là địa chủ ác ôn với những tội do Hồ Chí Minh  bịa ra, dưới tên CB (Của Bác / Can Bộ – được xác nhận là của Hồ Chí Minh). CB đúng là một tên đại gian, đại ác và cực kỳ hèn hạ chỉ vì muốn giử tác phong chuyên chính vô sản!

Tổng kết sơ khởi sự nghìệp cách mạng cộng sản của Hồ Chí Minh từ lúc cướp được chánh quyền, giết được 700 000 người dân việt nam vô tội (500 000 trong cải cách ruộng đất và 200 000 dân trong Miền nam, theo báo Anh, bài trước).

Nếu Hồ Chí Minh không theo Lê-nin, yêu nước thật sự, có thêm chút học thức, có thể tranh đấu giành độc lập cho Việt nam được không? Được lắm chớ. Tại sao cứ phải cộng sản mới lấy được độc lập? Mà có độc lập không từ 1954 tới nay? Có Tự do, có Hạnh phúc không ? Có gì quí hơn độc lập, tự do không?

Nhìn lại lịch sử các nước thu hồi độc lập

Trong lúc Hồ Chí Minh chạy theo Quốc tế cộng sản học làm chiến tranh bạo lực giải phóng dân tộc thì 11 nước ở Đông Nam Á lần lược thu hồi độc lập, không đổ máu như 3 nước Đông dương có cộng sản can thiệp. Và nhờ độc lập thật sự không bị lệ thuộc hệ thống cộng sản mà ngày nay họ đều phát triển, Việt nam trong 30 năm nữa chưa chắc theo kịp.

Năm 1919 tại Hội Quốc Liên ( tiền thân của Liên Hiệp Quốc), Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề xướng quyền Dân Tộc Tự Quyết để khuyến cáo các Đế Quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Từ đó trào lưu tiến hóa tất yếu của lịch sử là sự giải thể từ từ các Đế Quốc Tây Phương. Cũng trong năm này, Đế Quốc Anh đã trả chủ quyền độc lập cho Canada tại Bắc Mỹ và A Phú Hãn tại Nam Á.

Năm 1941, khi Thế Chiến II còn đáng tiếp diễn, theo đề nghị của Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, các Đế Quốc Tây Phương Anh, Mỹ, Pháp, Hòa Lan họp nhau tại Newfoundland, Canada, để công bố Hiến Chương Đại Tây Dương theo đó, các thuộc địa và bảo hộ Á Phi sẽ được trao trả độc lập khi Chiến Tranh kết thúc.

Qua mùa xuân 1945, với sự đầu hàng của Đức Quốc Xã, 50 quốc gia đồng minh họp tại San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc và ban hành Quyền Dân Tộc Tự Quyết.

Tìếp theo, từ 1946 đến 1949, các Đế Quốc Mỹ, Anh, Pháp, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho :

–  l946 : Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ, Syrie và Liban thuộc Pháp

– l947 : Ấn Độ và Đại Hồi thuộc Anh.

– l948: Miến Điện, Tích Lan và Palestine thuộc Anh.

– l949: Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên thuộc Pháp, và Nam Dương thuộc Hoà Lan.

Như vậy Hồ chí Minh không phải là người tiên phuông phất ngọn cờ giải phóng dân tộc cho các quốc gia bị đô hộ.

Làm cộng sản, giết dân, tìêu diệt sản xuất xã hội, phá hoại luân thường đạo lý, Hồ chí Minh không gì khác hơn là tên tội phạm diệt chủng, tức tên tội chống nhơn loại.

Hồ chí Minh sẳn lòng làm những chuyện gian ác tài trời như vậy chỉ để thỏa mản tham vọng làm quan, quan cộng sản , để phục hận cha bị bải chức, lưu đày biệc xứ, bản thân phải tha phương cầu thực !

Có làm quan cộng sản, thì cũng chẳng có gì đáng lấy làm danh dự. Bởi cộng sản chỉ đi vào lịch sử bằng ngả sau, với thái độ lắm lét, trốn tránh. Chỉ một khi đứng được trên sân khấu lịch sử thì bắt đầu kèn trống, hia mảo, công kênh nhau lên.

Ngày nay vẫn còn vài người bênh vực Hồ Chí Minh và cộng sản vì họ không thể cộng sản được và không bao giờ dám sống thật sự tại nước cộng sản. Cũng giống như những người hồi giáo, tìm tới những nước không hồi giáo ở, hưởng phúc lợi xã hội ở đó, nhưng thích tranh đấu cho hồi giáo.

Thế mới hợm mình!

 

Vui cười

Anh đạp xích lô bảo 70 nghìn, tôi trả 50 nghìn. Anh ta đồng ý chở tôi đi. Còn cách chợ Đồng Xuân chừng 300 mét, anh bảo tôi xuống. Tôi hỏi anh ta sao lại xuống đây? Anh ấy trả lời 50 nghìn chỉ đến đây thôi! Tôi hỏi sao anh đồng ý giá ban đầu là 50 nghìn mà bây giờ anh nói thế?

Anh ta đáp gọn ơ: “Anh thông cảm cho. Ở đây Đảng lừa dân, cho nên dân chúng em phải lừa nhau mà sống ” Anh ta còn nói thêm: “Không lừa, không phải Cộng Sản. Không đi chàng hảng, không phải Việt Minh. Không nói linh tinh, không phải Ủy Viên Bộ Chính Trị. Không học vị, mới vào Trung Ương”.

 

Việt Nam, Con Người và Tư Tưởng: Nếu lý thuyết thất bại, hãy trở về với học thuyết – Phan Văn Song

Từ bao nhiêu năm nay, cùng với các bạn bè cùng gốc tỵ nạn Cộng sản ở Hải ngoại với nhau, chúng tôi thường tự vấn tại sao vận nước Việt Nam ta cứ mãi lôi thôi thế nầy?  Ngày 9 tháng 11 vừa qua, thế giới, Âu Châu, nước Đức và đặc biệt thành phố Bá Linh kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ.

Sau thế chiến, nước Đức thua trận, nước Đức chia đôi.  Năm 1950, Bức tường Ô nhục.  Năm 1954, Việt Nam chia đôi, con sông Bến Hải đầy uất hận.

9/11/1989, Bức tường Ô nhục sụp đổ, nước Đức thống nhứt quang vinh. 2014 nước Đức đệ nhứt quốc gia Âu Châu, đầu tàu kinh tế Âu chậu.

30/04/1975, con sông Bến Hải xóa lằn ranh, Việt Nam Cộng hòa bức tử, 3 triệu người tỵ nạn, gần triệu người bỏ xác dưới biển cả, trong rừng sâu… bao gia đình tan tác.  2014 Việt Nam tiếp tục đội sổ nước phát triển, đệ nhứt ăn xin, cầu cạnh người tiếp viện giúp đở… 2014 Việt Nam đệ nhứt xuất cảng lao động, đĩ điềm, kỹ nghệ công nghiệp dân thì thi công, dán giày, ráp áo,… quan thì thụt kết, tham nhũng, rút ruột công trình.

Với một chuổi dài đấu tranh chống độc tài, chống thực dân, chống Phát xít, chống Cộng sản, chúng ta đầy những lý thuyết chống, từ lý thuyết Cộng sản chống Tây, chống Mỹ, chống Tư bản, chống người Lạ, tàu Lạ,… đến lý thuyết Chống Cộng chống Tàu… chống ngoại lai, chống thằng láng giềng, chống thằng … chống… nhưng không có một chủ thuyết xây dựng.

Người Việt Nam chúng ta thường thích tham khảo, học gương người, thích lý luận, thích bàn luận trao đổi với nhau… nhưng cùng một ý. Vì thế, đến ngày hôm nay, sau bao năm tháng lưu lạc nơi quê người, người Việt hải ngoại chúng ta cũng chưa đồng thuận để cùng tạo một lý thuyết, để cùng có một ý niệm xây dựng lại một Việt Nam tương lai, cùng chung một viễn tượng Việt Nam, có một thay đổi khả dỉ, cho một ngày mai, hậu Chế độ Cộng sản.

Và cá nhơn chúng tôi cùng các bạn bè chúng tôi, vương vấn ngày đêm ôm ấp, lay hoay với những suy nghĩ ấy.Trong một buổi họp Hội Sư Tử-Lions Club International, tôi gặp lại anh Sư Tử bạn, Giáo sư Jacques Garello, cựu Giáo sư Kinh tế Đại học Aix-Marseille – Pháp. Anh em hàn huyên, và bàn chuyện thời sự, đến cuộc khủng hoảng ngày hôm nay của Âu Châu và Pháp. Khủng hoảng kinh tế chánh trị xã hội đã đành, nhưng khủng hoảng cả quan niệm chánh trị, cách thức làm chánh trị và ngay cả lý thuyết chánh trị và trầm trọng hơn cả không có một suy nghĩ Triết lý Chánh trị. Tuần qua, nhận được một gói quà của Jacques. Mở ra, cuốn sách cũ của tác giả Daniel Villey1 (1910-1968), viết năm 1967. Cuốn sách mỏng tựa: «Đi tìm một học thuyết kinh tế2» với đề tặng của Jacques, «đọc đi để nhớ lời Thầy và để trả lời những thắc mắc của tụi mình-(Lis le, à la mémoire des paroles de notre Maître et pour répondre à nos questions..)».

Tác giả Daniel Villey, Thầy của chúng tôi những năm 1963/1964, năm chúng tôi học năm thứ ba Viện Khoa học Chánh trị Toulouse, môn Triết học Luật khoa. Thầy Daniel Villey là Giáo sư những Trường Luật Paris, Caen và Poitiers về môn Triết học Luật Khoa-Philosophie du droit.

Sau thế chiến 2, Thầy Villey rất bi quan khi thấy môn kinh tế học tách rời ngành triết lý xã hội, để đi vào một hướng «tự cho rằng» tích cực và trung lập. Ngoài ra kinh tế học còn đi chệch hướng qua cái nhìn kế toán và toán học. Thầy tiên liệu một sự thất bại của một Đại học hoàn toàn dựa vào kỹ thuật, và từ nay trở về sau, sanh viên sẽ đi vào một con đường hoàn toàn thiếu hẳn một nền tảng «văn hóa nhơn bản». Thầy bắt đầu vận động để thành lập và giảng dạy môn «Triết học kinh tế». Thầy Villey chia các kinh tế gia thành hai nhóm: nhóm 1, các «kiến trúc sư» và nhóm 2, các «thầy thuốc». Nhóm đầu thích lý luận tổng quát một cách trừu tượng-in abstracto và thích cải tổ các cơ chế và các hình thức kinh tế, nhóm 2, mà Thầy ủng hộ, không đụng vào sửa đổi cơ chế kinh tế nhưng thích ứng xử để tùy cơ ứng biến, để cơ chế kinh tế hội nhập, dung hòa với thời cuộc.

Đi tìm một học thuyết kinh tế: với luận đề nầy, tác giả tiên liệu những thắc mắc, những câu hỏi của tuổi trẻ Pháp trước thời cuộc. Lúc ấy, vào năm 1967, tác giả tiên liệu được cuộc bùng nổ của Cách mạng Sanh viên tháng 5, 1968. Sanh viên xuống đường biểu tình và đòi quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng…Và tác giả cũng đặt vấn đề là phải đi tìm một học thuyết.

Nước Pháp năm 1967 đang đầy thành công với những lý thuyết chánh trị và kinh tế của chủ nghĩa và quan niệm của Tướng De Gaulle, người anh hùng đã giải phóng nước Pháp khỏi ách NaZi. Nhưng Gaullisme-Chủ nghĩa De Gaulle cũng đang nhốt tuổi trẻ Pháp trong một khuôn khổ khô cằn cứng rắng, với một quan niệm của một xã hội trước thế chiến 2, với những giá trị xã hội lỗi thời, bịt mắt mọi tầm nhìn, bịt mồm mọi lời nói, bịt tai mọi khúc nhạc tân thời…Nước Pháp lúc ấy, đang trên đường xây dựng, giàu có, con cái học hành giỏi, bắt đầu có những kỹ thuật mới,… nhưng dân Pháp vẫn còn bị giáo dục huấn luyện như những con người máy, nói hành động như những con két, và kết quả xã hội Pháp đang sống trong trạng thái Adoxalisme-trạng thái vô học thuyết, hay phi học thuyết, thờ ơ, sống qua ngày, nhút nhát, chỉ muốn hưởng thụ, trùm chăn.

Vì vậy, với cuốn sách nầy, Thầy Villey, tác giả kêu gọi: hãy bỏ đi những lý thuyết cứng ngắt, lỗi thời, thủ cựu, Hãy mở cửa cho học thuyết, mở cửa cho tưởng tượng, mở cửa cho sáng tạo. Cuốn sách ra đời, chưa đầy năm sau, sanh viên xuống đường, biểu tình đòi tự do cởi mở…Từ đây lịch sử nước Pháp có hai giai đoạn rõ rệt: có một nước Pháp trước tháng 5, 1968, và có một nước Pháp sau tháng năm 1968, hoàn toàn khác nhau.

Từ đấy:L’imagination est au pouvoir – Tưởng tượng và Sáng tạo nắm quyền.

1. Adoxalisme – thái độ chối bỏ học thuyết    

Xin phép quý độc giả cho để nguyên từ ngoại quốc nầy. Anh và Pháp đều dùng từ nầy cả, nghĩa chánh là phủ nhận hay không biết học thuyết là cái gì, tạm dịch phi học thuyết ? hay vô học thuyết ? chúng tôi đề nghị chối bỏ học thuyết– vô tình hay cố ý.

Sau đây xin dịch những lời nhận xét của thầy Villey:

«Càng ngày càng nhiều người không còn để ý đến những vấn đề cốt yếu, không còn ai có cái nhìn toàn diện, và không còn ai biết đến bực thang của những giá trị. Người ta có cảm tưởng là những việc ấy vượt ngoài tầm suy nghĩ của họ, họ cho rằng đó là việc giành cho các chuyên gia, tốt hơn là không nên để ý đến. Và dần dần từ không để ý, họthụ động sống không còn suy nghĩ, tò mò hay đặt câu hỏi nữa». Ôi sao nhận xét ấy, ngày nay vẫn còn rất thời sự như vậy!

Từ cái nhận xét của sự chối bỏ học thuyết đó, Thầy Villey đã tổng hợp những đức tánh sau đây:

«Suy nghĩ có học thuyết là trước tiên phải là một cố gắng kết hợp, hòa hợp tất cả những không gian trí tuệ. Ráp nối những lựa chọn trí thức với những lựa chọn tinh thần khác như đạo đức, chánh trị, mỹ thuật, tôn giáo vân vân… kếp hợp lại để hòa hợp tạo thành một khối suy nghĩ chung, thông thoáng-la pensée doctrinale, c’est d’abord un effort de raccordement, d’harmonisation des divers compartiments de l’esprit. Articuler ensemble nos diverses options intellectuelles, les relier aussi bien à mes options morales, politiques, esthétiques, religieuses etc .. organiser ma pensée en un tout cohérent».

Vậy thì học thuyết là một vận dụng trí tuệ hoàn toàn cá nhơn-personnelle. Và cũng vì lý do đó, học thuyết không thể nhầm lẫn với tư tưởng khoa học-la pensée scientifique được, vì tư tưởng khoa học là một tư tưởng vô ngã-impersonnelle, vì kết quả của khoa học là một kết quả được tất cả mọi người chấp nhận !.

«Khoa học là quan niệm, là cái nhìn độc nhứt. Trái lại, Học thuyết là đa dạng, là đa nguyên-La science est une. Il est des doctrines d’être plurielles». Và, cũng vì lẽ ấy, học thuyết dễ đem đến sự sùng kính và sự nhiệt thành vì «ai đã lở tạo một học thuyết, họ sẽ sống vì nó, họ sẽ chết vì nó, nghĩa là học thuyết là đời sống họ, học thuyết là hiện hữu của họ-pour quiconque en professe une, sa doctrine est raison de vivre, voire de mourir, c’est-à-dire d’accomplir et signer sa vie».

2. Nhưng tại sao ngày nay, thiên hạ đã bỏ quên đi học thuyết?

GS Villey nói đến thuyết định mệnh-le déterminisme (học thuyết để làm gì?). Thầy nói đến thuyết nghi ngờ, hay hoài nghi-le scepticisme (học thuyết dùng để che lấp sự thật?). Thầy cũng nói đến cái tật cố hữu tránh né của con người, cái tánh an thân, tránh né, sống yên thân, … an thân đến nhút nhát-la pusillanimité (chiến tranh, đánh nhau, nhưng để làm gì? Tại sao ta phải tình nguyện đi đánh nhau?). Những nhận xét ngày nay vẫn còn thời sự trên khắp mọi quốc gia và đặc biệt ở Việt Nam ta. (dân ta đã khổ vì bao năm chiến tranh, nay ta nên tránh chiến tranh )

Để tìm hiểu, chúng tôi xin phép được nói đến lịch sử, xin được đề cập đến lịch sử nhơn loại từ thế kỷ 20 nầy.

Thế kỷ 20, là thế kỷ của các lý thuyết – idéologies, và các lý thuyết đã đưa thế giới đến nạn độc tài – totalitarisme. Vàsau đây xin trình bày một nhận xét: lý thuyết-idéologie là cái đảo ngược của học thuyết-doctrine. Lý thuyết là một cái học thuyết dỏm, vì lý thuyết chỉ là những trả lời cho những thách đố của một đời sống và xã hội tổ chức chung quanh một tư tưởng chánh. Trả lời ấy được đề nghị trong một gói hàng chung. Lý thuyết Cộng sản chẳng hạn, người Cộng sản giao cho chúng ta một chìa khóa hiểu biết để mở cửa các vấn đề như đấu tranh giai cấp, con đẻ của của quy trình tư bản chủ nghĩa do tư sản tạo thành. Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976) của Nga dám dùng chủ thuyết mát-xít để giải đáp ngành Thiên Văn Vật lý học–Astrophysique. Lý thuyết nhồi sọ con người, lý thuyết điều kiện hóa con người, và từ đó con người không còn tự chủ để đi tìm một học thuyết cá nhơn. Và dỉ nhiên, ngày nay, và đây chúng tôi xin khẳng định rằng tất cả những lý thuyết từ CácMác, LêNin, hay HítLe hôm qua cũng như Mao Hồ tiếp tục ngày nay, đã tạo ra những Chế độ Chánh trị, Kinh tế, Xã hội và ngay cả những Con Người Vô Đạo đức, Vô Lương tri, Vô Nhơn Cách, Vô Nhơn Phẩm.(Trong từ ngữ Việt Nam ngày nay từ Phẩm Chất không được dùng đến, thay thế bằng từ Chất Lượng là một điển hình của cái hiện tượng của sự «bỏ cái tri thức trừu tượng duy tâm để đi đến các cụ thể duy vật»). Và nếu chúng ta lợi dụng những sai trái, những sơ hở của lý thuyết để đả phá và đi đến chủ nghĩa thực nghiệm-l’empirisme bừa bãi, chúng cũng không giải đáp được các vấn đề. Những việc tốt, là những việc thành công. Đúng! Nhưng không ai giải nghĩa tại sao thành công là tốt. Cứu cánh và phương tiện, hai vế, hai vai trò để giải quyết một vấn đề, dùng tất cả những phương tiện để đi đến cứu cánh, nhưng trái lại, những việc thành công không biện minh được những phương tiện. Đảng Cộng sản Việt Nam được cho rằng đã thành công lớn, vì đã cướp được chánh quyền và hiện nay ngự trị cầm quyền nước Việt Nam gần 70 năm nay có biện minh được tất cả những phương tiện đã và đang sử dụng không? Hỏi là trả lời vậy. Và trung lập? Thế trung lập? Nghĩa là đứng giữa? Thuyết trung lập-le neutralisme? một thái độ không lựa chọn (thật vậy không?) giữa một xã hội tự do và một xã hội kềm chế, kiểm soát là hậu quả của suy nghĩ trên (việc tốt là việc thành công, cứu cánh biện minh cho phương tiện). Ngày nay, vẫn còn những lý thuyết đi tìm một «cơ chế thứ ba», đi tìm một «con đường thứ ba» hay đi tìm một kiểu mẫu quốc gia «không tham gia không đồng mình–nonalignés». Nghĩ rằng không chơi với ai, hay chơi với tất cả mọi người là thượng sách. Bế môn hay mở cửa.

Đời sống kinh tế càng ngày càng biến chuyển nhanh, những thành công (tạm thời) là của những chánh sách dựa trên những chương trình cải tổ kinh tế ngắn hạn, những phát triển càng ngày càng nhanh của những kỹ thuật càng ngày càng tiên tiến, đưa con người chánh trị chỉ biết tạo những chương trình, những chánh sách ngắn hạn, nên thiên hạ – chánh trị gia hay chuyên gia khoa học hay trí thức – ngày nay cảm thấy không cần có những viễn tượng. Và đau thương thay, lịch trình các cuộc bầu cử để thay đổi những người lãnh đạo của một đất nước biến thành lịch trình của đời sống chánh trị kinh tế và xã hội của quốc gia ấy. Người dân chỉ biết chăm chú theo dõi những thực hiện, những kết quả của những lời hứa, mà không nghĩ thật sự đến những lựa chọn một chánh sách, một chương trình đúng đắn. Chánh trị đã thay thế học thuyết. Những lý thuyết về «public choice» không thể giúp đở một người lãnh đạo áp dụng một học thuyết (nếu người lãnh đạo có một học thuyết). Lý do rất đơn giản, để thắng một cuộc bầu cử, người ứng cử phải đi tìm lá phiếu của các phe đối lập mình, vì vậy không nên làm sợ hãi những người cảm tình viên của đối lập, chỉ vì mình có một học thuyết. Ứng cử viên phải mang một mặt nạ ôn hòa, và kềm chế hẳn những tư tưởng của học thuyết mình (nếu mình có!). Người làm chánh trị nên có một bộ mặt trung dung, ôn hòa, gần với «ba phải». Nếu không tìm được toàn bộ đồng thuận, cũng ráng tìm một «số ít bất hòa». Trong ngành chánh trị, học thuyết là một món hàng nội bộ, chỉ bán trong gia đình, cho các đảng viên và cũng vừa phải thôi, không thái qua. Một chương trinh chánh trị tốt phải giống như là một món ăn thập cẩm, một tả pín lù, mọi người đều thích, mọi giới đều thương.

3. Nhưng học thuyết vẫn là một cần thiết  

Học thuyết là một sự cần thiết. Vì con người cần học thuyết. Con người có tự do vì con người có trách nhiệm. Đoàn thể và tập thể là những cưởng bức của con người. («Tôi rất sợnhững tổ kiến con người–La termitière humaine m’épouvante» như Saint-Exupéry đã nói). Cái gì lật đổ những chánh thể độc tài trong thế kỷ 20? Không phải là cuộc sống nghèo nàn thiếu thốn hay nạn cải tạo tù đày, mà là do con người mất tự do, mất quyền làm chủ cuộc sống cá nhơn của con người, do số phận con người chỉ là một con số không, vô danh sống trong một tập thể bị đàn áp, bị trị, bị chi phối một cách độc đoán.

Khi mất tất cả những định hướng, khi không còn những giấc mơ, khi không còn một mẫu sống tương lai, tuổi trẻ một đất nước sẽ bị khủng hoảng, họ chạy theo những cái nhứt thời, và những cái đam mê nhứt thời có thểbiến thành những cái nô lệ dài hạn. Những kẻ lớn tuổi thường bám vào dĩ vảng, mơ thời vàng son một thuở huy hoàng đã mất. Nhưng dĩ vảng dừng bước ở khoảng 20 năm trước, và từ đấy thời vàng son chấm dứt, và họ quên thực tại, họ sống trong luyến tiếc, và họ quên cả suy nghĩ, quên cả tưởng tượng, quên cả mơ tưởng và quên cả cái sống hằng ngày.

Kết luận: Vì vậy hãy đi tìm lại Học Thuyết:

Biết sống, hiểu biết thế nào là cuộc sống, hiểu biết thế nào là sống chung, thế nào là một cuộc sống chung (vì sống chung là xã hội, là làng xóm, là đất nước, là chánh trị, là kinh tế. Nói tóm lại, là cái hằng ngày).

Hệ thống Giáo dục đương thời (ở tất cả mọi quốc gia ) có giải đáp câu hỏi trên không? Chương trình giáo dục thời xưa, ở bậc thi Tú Tài, có phần Triết học và Nhân văn – Philosophie et les Humanités. Tuổi trẻ ngày nay có cần trở về với chương trình học ấy không? Có cần lập lại những phần bàn, phần luận, trao đổi một ý kiến, bàn luận một suy nghĩ một điểm triết học…Tranh luận, trao đổi…cãi nhau để tìm ra ánh sáng-de la disicussion jaillit la lumière. Mỗi người chúng ta đều có quan niệm, có quan điểm riêng mình, bảo vệ, tranh tụng, bàn cãi. Truyền thống Anh Quốc với những «câu lạc bộ-clubs». Truyền thống Pháp với «Thế kỷ Ánh sáng–Siècle de Lumière»…. Trường Sciences Po–Khoa học Chánh trị có dạy môn débat-tranh luận. Một đầu đề, bất cứ, chánh trị, kinh tế, thời sự, xe cán chó, cũng đều đem tranh cãi. Bốc thăm, anh xuôi, tui ngược, nhưng năm phút sau, ngược lại, anh ngược tui xuôi và không có quyền dùng đến những lý luận đã được đề cập trước do anh hay cả do tôi. Có khi có 5 phút soạn, có khi ứng khẩu.

Việt Nam muốn có một ngày mai, muốn có một tương lai, đổi mới, xán lạn, với những con người mới phải sáng tạo, phải thành lập, phải xây dựng những câu lạc bộ, những hội triết học, những đoàn thể xã hội… nói tóm lại phải tạo một xã hội dân sự phong phú, với những đoàn thể nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến mọi ưu tư, mọi lo lắng, mọi vấn đề xã hội. Xã hội từ nghĩa rộng như chánh trị, chánh sách, kinh tế từ gia đình đến quốc gia, đến nghĩa hẹp của xã hội là những vấn đề liên quan đến các thiểu số, nghèo, trẻ mồ côi, đàn bà goá, hay những tệ đoan như nghiện rượu hay ma túy, hay cờ bạc…

Không có việc gì mà người dân, người công dân bị cấm không được quyền nghĩ đến. Học thuyết là như vậy! học thuyết là ở mỗi cá nhơn! Mỗi cá nhơn người dân đều có quyền nghĩ đến vận mệnh, tương lai của đất nước mình nơi mình trú ngụ, sanh sống, sanh hoạt! Và mỗi mỗi cá nhơn được quyền đóng góp. Tùy theo chủ đề, các tập thể đoàn thể được thành hình bởi những quan điểm gần nhau để tổ chức thành những toán, những nhóm suy nghĩ để đồng-đóng góp, đồng- quản trị, với Nhà nước, dù Nhà nước ấy có lý thuyết, có chương trình hay không.

Học thuyết của mỗi cá nhơn, của mỗi công dân đóng góp sẽ «trách nhiệm hóa» công dân, và «trách nhiệm hóa lãnh đạo» dể đồng-trách nhiệm, tạo tương lai cho một quốc gia.

Trong thế giới đầy khủng hoảng, đầy biến cố của ngày hôm nay, bất cứ người lãnh đạo nào, nhóm lãnh đạo nào, đảng lãnh đạo nào, mà vẫn tiếp tục khư khư giữ quan điểm độc tài để trị dân thì nhóm lãnh đạo ấy, nhóm cầm quyền ấy là một nhóm ngoan cố chỉ đưa đất nước, dân tộc ấy vào bế tắc thôi!

Đây là một lời kêu gọi mong được hưởng ứng bởi người dân Việt Nam. Hãy vùng lên, hãy thức dậy, tỉnh ngủ, bỏ tránh né, bỏ nhút nhát, mỗi người đem suy nghĩ, tạo học thuyết để lấy lại quyền làm chủ đất nước Việt Nam!

Mong lắm!

Hồi Nhơn Sơn, 9 tháng 11 2014.

Kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá linh sụp đổ 

Hiệu đính tháng 7 năm 2015.  

GHI CHÚ

1GS Daniel Villey và Trường Đại học Poitiers:Trường Đại học Poitiers là Trường Đại học thứ 11 của Vương Quốc Pháp được thành lập năm 1432. Lý do: năm 1416, Paris bị quân Hoàng gia Anh và quân đồng minh Quận công Bourguignons chiếm đóng (Chiến Tranh 100 năm). Vua Pháp, Charles VII phải dời đô về Poitiers, Quốc hội Hoàng gia cũng phải theo về Poitiers. Poitiers biến thành thủ đô Vương quốc Pháp.

Khai mạc ngày 1 tháng 2, năm 1432 thoạt đầu với bốn chuyên khoa: Luật khoa, Thần Học, Y khoa, và Nghệ thuật, Đại học Poitiers nổi tiếng ngay khắp Âu châu với hơn 4000 sanh viên đầu thế kỷ thứ XVI, và được nhà văn Agrippa d’Aubigné gọi là: «Người mẹ của những học sanh–La mère des écoliers». Đấy cũng là lần đầu tiên tên một thành phố được gắn liền với một Đại học. Các sanh viên trang phục mầu sắc tùy môn học: đỏ cho Luật, đỏ tím cho Y, xanh lam cho Nghệ thuật, đen cho Thần học.

Ngày hôm nay, Poitiers có khoảng 30,000 sanh viên đủ ngành nghề và các chuyên khoa. Poitiers là thành phố của Cộng hòa Pháp có số sanh viên cao nhứt đối với dân số ; Đại học Poitiers có 7 chuyên khoa. Riêng về Luật khoa ra đời ngay từ đầu và chánh thức tách hẳn thành Trường Luật năm 1808. Những danh nhơn xuất thân từ Poitiers: François Rabelais, Guez de Balzac, Joachim Du Bellay, René Descartes… Thầy Daniel Villey tốt nghiệp và hành nghề ở Trường Luật Poitiers, và chúng tôi người viết cũng được hân hạnh tốt nghiệp Cao học Chuyên Khoa Luật Y Khoa và Xã hội, và phục vụ 10 năm ở Luật khoa Poitiers cho đến lúc về hưu năm 2003.

2 À la recherche d’une doctrine économique, Editions Génin-Paris 1967

 

Vui cười

Bác Hải nói với Bác Tú:

– Trong đời một người, dù nam hay nữ, cái không thể nào quên được, cái kỷ niệm đầu đời không bao giờ có thể phai mờ trong tâm khảm. Đó là: Nụ hôn đầu tiên. Với tôi dư vị của “Cái hương vị môt đời vương vấn ấy” không bao giờ phai mờ trong tôi, thậm chí tôi còn hình dung lại được buổi chiều hôm ấy trời vừa chớm thu, hai chúng tôi dìu nhau trên con đường vắng, lất phất mưa bay. Hai con tim đang hòa chung một nhịp, môi tìm môi… Còn Bác, bác hãy kể tôi nghe cảm giác nụ hôn đầu đời của bác như thế nào ?

Bác Tú trả lời:

– Đối với tôi, cái giây phút ấy, ngàn năm nhớ mãi, suốt đời không quên, nhưng khác với bác là sau đó tôi thấy tái tê trong hồn và toàn thân tê dại.

Bác Hải hỏi:

– Chắc đó là nụ hôn lần đầu và cũng là nụ hôn cuối cùng trước khi hai người xa nhau ???

Bác Tú đáp:

– Đúng vậy, sau nụ hôn ấy, tôi không còn gặp lại nàng nữa. Tôi nhớ rất rõ, khi môi tôi vừa chạm vào môi nàng, thì nàng giáng cho tôi một cái tát nẩy lửa, toàn thân tôi tê dại, tôi đã thấy được trăm ngàn vì sao của tình yêu !!!

 

Tin tức Âu Châu:

Khủng-bố ở Isère (Pháp)Nhữ Đình Hùng

Ngày 26.06, một vụ nổ đã xảy ra vào lúc 9g50, trong khuôn viên xưởng Air Product ở Saint Quentin-Fallavier thuộc tỉnh Isère; Giả-thuyết về khủng-bố đã nhanh chóng được đưa ra.

Theo nguồn tin lúc đầu, một chiếc xe đã chạy bừa vào xưởng và đã đụng nhiều bình hơi. Người ta tìm thấy thi thể mtộ người đàn ông, không phải nhân-viên của xưởng, bị cắt đầu và đầu người này được tìm thấy treo trên hàng rào của xí nghiệp chạy dọc theo tỉnh lộ 311, theo tin báo Le Dauphiné Libéré. Một cờ hồi-giáo cũng được tìm thấy tại chỗ.

Sau đó ít lâu,một người tình nghi đã bị bắt giữ, người này có hồ sơ theo dõi của sở an-ninh quốc-nội DGSI. một lực lượng hiến-binh quan-trọng đã được điều động đến tại chỗ. Các điểm nhạy cảm trong vùng đã được (tăng cường cảnh-giác’!

Sau đây là một số chi-tiết quan-trọng về vụ khủng-bố ở Isère ngày 26.06.2015

Vào lúc 7g50, một vụ nổ dữ dội và tiếp sau đó là hoả hoạn đã xảy ra ở xí-nghiệp Air Product nằm trên đường Arrivaux ở Saint Quentin-Fallavier. Một lực lượng quan-trọng cứu hoả và hiến-binh đã lập tức đến tại chỗ.

Theo các tin tức đầu tiên, người ta coi đây là một vụ khủng-bố.Nhiều người bị thương và người ta tìm thấy một xác người chết bị chặt đầu ở gần ngõ vào xí nghiệp. Có tin nói vó một người đàn ông đã chạy vào bên trong xí-nghiệp, tự nhận là thuộc về Daesh, tay cầm cờ hồi giáo. Khu vực đã bị các lực lượng an ninh vây kín!

Khoảng 10g 30;biện lý ở Vienne đến tại chỗ, cơ quan chống khủng-bố ở Paris vũng cùng lúc được triệu tập.  Préfet của Isère đã đến tại chỗ sau đó và tổng trưởng nội-vụ Casaneuve.. Lúc 11g19 phút, đầu của nạn nhân được tìm thấy, đầu đã bị treo ngoài rào của xí-nghiệp Air Product, có dầy chữ ả rập. Ngay sau đó,  trong vùng Rhône Alpes ,các cảnh sát cuộc được tăng cường kiểm soát.

Lúc 11giờ23, một người tình-nghi bị bắt giữ, người này từng có hồ sơ ở DGSI nhưng đã không còn bị theo dõi kể từ 2008.Một người tình nghi khác cũng đang được tìm kiếm, người ta ghi nhận người này đã chạy xe qua lại nhiều lần trước xí nghiệp Air Product trước khi xảy ra vụ khủng bố.

Tổng-thống pháp François Hollande đang tham dự cuộc hội-nghị thượng-đỉnh ở Bruxelles đã trở về Pháp trong buổi trưa, một cuộc họp quốc-phòng  được triệu tập vào lúc 15 giờ tại điện Elysée. Ngay sau khi có tin đầu người chết có đầy chữ ả rập, ông Hollande đã coi cuộc tấn công mang tính cách khủng-bố!

Một người tình nghi, bị thương, đã bị bắt giữ, theo loan báo của tổng trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve, người này tên Yassine Salhi, có tên trong danh sách S năm 2006 của sở mật-vụ, có liên hệ với phong-trào salafiste nhưng không có hồ sơ tư pháp!

Người tình nghi thứ hai, đã dùng xe Ford Fusion chạy qua lại nhiều lần trước khi xí nghiệp Air Product bị tấn-công cũng bị bắt giữ.Người này cư ngụ trong vùng Saint Quentin-Fallavier. Các điều tra về căn cước nạn nhân được tiến-hành, các tang chứng như cờ hồi-giáo, các chữ viết được xét nghiệm và phiên-dịch. Vào lúc 14 giờ 13 phút, nạn nhân được nhận dạng như là quản-lý một xí nghiệp vận-tải ở Chassieu/Rhône., Hervé Cornara, 54 tuổi. Ông ta đi giao hàng cho Air Product và Yassine Salhi là nhân-viên của ông ta! Cùng lúc, người ta được biết thêm là Air Product là một xí-nghiệp mỹ ở Isère, vừa được Saudi Aramco, một xí-nghiệp khai thác dầu hoả và hoá chất của Arabie Saoudite giao cho việc xây cất và quản lý một cơ sở sản xuất hơi đốt trong thời hạn 20 năm ở Jazan tại Arabie Saoudite. Có phải đây là nguyên-nhân đưa đến việc xí-nghiệp bị tấn-công?

vào lúc 18giờ 10, biện-lý François Molins đã cho biết thêm các chi tiết về vụ tấn công  qua các hình ảnh của các vidéo quan-sát; ‘Một xe cam-nhông đã vào xí nghiệp để thực-hiện việc giao hàng,..Cửa xí nghiệp để ngỏ..sau đó xe ra khỏi vùng quan sát của vidéo quan-sát từ 9g28 đến 9g35; Xe cam-nhông xuất-hiện trở lại trên vidéo ‘chạy nhanh vào một kho hàng lộ thiên. Hãng có hai kho hàng, một kho hàng che và một kho hàng lộ thiên, kho hàng sau chưa các bình hơi đốt. lúc 19 giờ, người khả nghi bị các nhân viên cứu hoả tìm thấy, anh này đang mở các bình acétone trong kho hàng che. Anh này đã bị nhân viên cứu hoả khống chế. Anh ta tên Yassin Salhi, được các nhân-viên của Air Product biết vì thường xuyên đến giao hàng.

Trong cuộc tấn công nhắm vào Air Product, nạn-nhân duy nhất là Hervé Cornara, 54, quản lý một hãng vận tải trong đó Yassine Salhi là nhân viên. Có bốn người đang bị tạm giữ để điều tra là Yassin Salhi, vợ và em gái anh ta và một người khác bị tình nghi.

Theo nguồn tin cảnh-sát, lúc đầu Yassin Salhi đã làm thinh, không khai báo gì nhưng  sau đó đã thay đổi thái độ. Trong buổi sáng chủ nhật 28.06, một nguồn tin thân-cận với hồ sơ cho biết Salhi đã thú nhận việc giết ông Hervé Carnara tại một  bãi đậu xe, tin này đang được phối kiểm.  Nguồn tin cảnh sát cho biết Salhi đã tự chụp hình mình với thủ cấp của nạn nhân và gởi đi cho một địa chỉ thuộc bắc Mỹ nhưng địa chỉ này có lẽ là một hộp thơ tự động sẽ chuyển cho một địa chỉ khác! Các cơ quan an ninh của Canada đang theo dõi việc này.

Khó có thể nghĩ Salhi đã một mình hạ sát được Hervé Carnara vì ông này còn trẻ, vào ngày chủ nhật 26.06, ông được đúng 55 tuổi! Trong giảo nghiệm, người ta được biết ông đã bị siết cổ chết trước khi bị cắt đầu. Trong các cuộc họp để tưởng niệm nạn nhân, người dân Pháp đã có một phản ứng mang tinh thần quốc-gia: bài quốc ca Pháp đã được hát lên!

Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/28.06.2015

Nguồn: truyền thông Pháp Le Monde, Le Figaro, Le Parisien, Dauphiné Libérée.

 

 

Họp mặt của các quốc gia liên-kết chống Nhà Nước Hồi-Giáo tại Paris – Nhữ Đình Hùng

Trong ngày thứ ba,02.06.2015, một cuộc họp giữa những nước liên-kết chống lại Nhà Nước Hồi Giáo đã được tổ-chức tại Paris. Các quốc-gia này, kể từ mùa hè năm 2014, đã tổ-chức  các cuộc không-tập nhắm vào lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo trải rộng trong vùng bao gồm một phần lãnh thổ Syrie và một phần lãnh thổ Irak. Tuy thế, các cuộc không-tập đã không ngăn được sức tiến của Nhà Nước Hồi Giáo, trong những ngày cuối tháng 05.2015, lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo đã chiếm được thành-phố Palmyre của Syrie và Ramadi của Irak. Chính vì thế mà cuộc họp giữa các nước liên kết đã được triệu-tập để duyệt xét lại chiến-lược. Sách-lược hiện nay là dùng không-quân oanh-tạc các lực-lượng của NNHG, trong khi trên chiến-trường vẫn dựa vào các lực lượng quân-sự của Irak và các quân peshmergas của Kurdistan.

Cuộc họp ngày 02.06 tại Paris lẽ ra được chủ tọa bởi ngoại trưởng Mỹ Kerry và thủ tướng Irak, Haider al-Abadi. Nhưng Kerry bị thương vì tai nạn xe đạp, bị gãy chân, đã được đưa về Mỹ chữa trị.

Trong cuộc họp báo trước khi tham-dự buổi họp, thủ-tướng Irak đã cáo-giác sự thất-bại của cộng-đồng quốc-tế trong việc chống lại Nhà Nước Hồi Giáo (E.I hay Daesh), lực lượng của NNHG đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng nằm vắt ngang qua biên giới Syrie và Irak. ‘ Tôi nghĩ rằng đây là một thất-bại của cộng-đồng quốc-tế. Về việc hỗ-trợ cho Irak, nói thì nhiều mà trên diện địa làm chẳng bao nhiêu’. Ông nói lực lượng quân-sự của Irak không được giúp đỡ nhiều nhất là về vũ khí và đạn dược! Được biết sau cuộc thất thủ ở Ramadi, Hoa Kỳ đã chỉ trích Irak không có quyết tâm chiến đấu. Điều chỉ trích này không hẳn là thiếu căn cứ: trong việc tháo chạy ở Mossoul, quân Irak đã để lại quân trang,vũ khí và 2300 xe bọc sắt. Với lực lượng xe bọc sắt này dàn hàng tấn công quân E.I, việc ngăn chặn là điều có thể nếu không phải là chắc chắn!

Ông al-Abadi cũng đòi quyền được mua các vũ khí của Nga, phần lớn các khế ước đã được chánh-phủ trước ký kết nhưng do việc Nga bị tây phương phong toả kinh-tế, Irak đã không thể trả tiền để nhận vũ khí. Al-Abadi nói  ‘Chúng tôi không xin vũ khí nhưng hãy để cho chúng tôi dễ dàng trong việc mua vũ khí’. Ông này cũng nhấn mạnh việc có nhiều người ngoại-quốc trong hàng ngũ E.I, ước lượng là 60% người quốc và chì có 40% là người Irak và đặt câu hỏi ‘tại sao lại có chừng đó quân khủng bố đến từ Arabie Saoudite, vùng Vịnh,Ai-Cập, Syrie, Thổ và những nước Âu Châu..Chúng tôi cần đến một việc làm chánh-trị của những nước đối-tác trong hàng ngũ liên-minh về đề tài này.’

Kể từ tháng 10.2014 cho đến nay,liên-quân chống EI đã thực-hiện hơn 4000 cuộc không tập nhắm vào các vị trí của NNHG, tuy nhiên, quân của NNHG vẫn mở rộng được vùng kiểm-soát ( bài học oanh tạc bằng không lực chiến lược B.52 tại VN hình như vẫn chưa được  rút tỉa kinh nghiệm!)

Theo thủ tướng Irak,’việc yểm-trợ từ trên không không đủ..Việc kiểm soát quá ít. Quân NNHG di động và bằng những toán nhỏ’. Kinh nghiệm của quân Kurde ở Kobané không được dùng đến, với sự yểm-trợ trên không và một lực lượng dưới đất, quân NNHG đã bị quân kurde đẩy lùi khỏi Kobané. Gần đây, quân NNHG cũng bị các dân-quân theo Thiên Chúa Giáo đẩy khỏi nhiều vùng theo Thên Chúa Giáo ỏ Assyrie…Thủ tướng Irak đưa ra một chương trình nhằm thu hồi lại các vùng lãnh thổ bị quân NNHG chiếm, nhưng các kế-hoạch quân sự và chánh-trị không được nói ra. Dự đoán là các thị tộc sunnite ở al-Anbar sẽ được vận-đông để chiến đấu chống NNHG, các nhóm quân tham-chiến trong số có các dân quân chiite sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Thủ Tướng. Tại Irak hiện vẫn còn có sự nghi kị giữa người Irak chiite và Irak sunnite. Các chiến-lược quân-sự nhằm thu hồi các vùng bị mất về tay quân NNHG sẽ không thể tách khỏi việc thực hiện một chánh-sách hoà-giải dân-tộc trong đó có việc hội-nhập người sunnite vào guồng máy quân-sự và chánh-trị.Trong cuộc họp của liên quân chống EI tại Paris, điểm đáng nói là Thủ tướng Irak đã ‘nhắc khéõ đến vai trò của Nga , có thể coi đó là một dấu hiệu mở đường cho việc Nga trở lại trong G8.

Sự ổn-định ở Irak cũng tuỳ thuộc vào tình-hình Syrie,do đó, vấn đề Syrie xem chừng cũng có cơ giải quyết. NNHG không phải chỉ chiếm một phần lãnh thổ Irak mà còn chiếm cả một phần lãnh-thổ Syrie. Các thành viên của liên-quân chống NNHG trong thông cáo chung ghi-nhận ‘sự không khả năng và việc thiếu quyết-tâm của chế-độ Bachar al Assad trong việc chống lại NNHG’ và kêu gọi việc thực-hiện một tiến trình chánh-trị được đặt dưới sự giám sát của LHQ nhằm thi-hành các nguyên-tắc được đề ra trong thông cáo ở Genève.Theo thoả thuận được ký ở Genève vào tháng sáu 2012, một chánh-quyền chuyển tiếp có đầy đủ thẩm quyền hành-pháp sẽ được thành-lập với sự đồng-thuận giữa chánh quyền Damas và phe nổi dậy. Cho đến nay, phe ‘nổi dậy ôn-hoà’ luôn luôn đòi ông al-Assad phải từ chức. Dưới mắt các chuyên gia phân-tích hiện nay, ông al-Assad là quân cờ chính trong nổ lực chống NNHG, các phe nổi dậy, ngoài thành-phần nổi dậy được coi là ôn-hoà phần lớn gồm các sĩ quan và binh sĩ trước đó của chế độ Damas, phần còn lại – có thực-lực- là những nhóm djihadhistes như Front Al-Nosra, NNHG..Như vậy, chánh quyền chuyển tiếp nếu thực hiện được, sẽ chỉ gồm phe chế độ Damas và phe nổi dậy ôn-hoà. Ông al-Assad vừa được tái đắc cử vào chức vụ tổng thống qua một cuộc phổ thông đầu cử trong khi phe nổi dậy là thành phần li khai. Việc chấp nhận vai trò lãnh đạo của ông al-Assad là điều phải thảo luận và cho đến nay, ông al-Assad được sự ủng hộ của Iran, Nga.. Và dù muốn dù không, việc thi hành thoả ước Genève về Syrie năm 2012 đòi hỏi sự hiện-diện của Nga. Phải chăng G7 sẽ sắp trở lại thành G8 như trước đây?

Trong khi các đại biểu của 24 quốc-gia thuộc liên-quân chống Daesh (NNHG) đặt lại vấn đề chiến lược, các chuyên gia về Irak hay Trung Đông đã đưa ra nhiều nhận định về tình-hình.

David Rigoulet-Roze, thuộc học viện phân tích chiến-lược Pháp (IFAP=institut français d’analyses stratégiques) nói rằng ‘cần phải ghi nhận một số điểm bế tắc và sửa chữa nó bằng cách xét lại chiến-lược là không thể chỉ đơn giản giới hạn vào chiến-dịch không tập. Mà, có một số các biến-số phụ thuộc phải xét tới, với các mâu-thuẫn tiềm ẩn, nhất là về vấn-đề vai trò của Iran, thiết yếu vì Iran tham dự trực tiếp vào cuộc chiến đấu trên đất để chống lại NNHG, đặc biệt là tại Irak.Ở đó, người ta tìm thấy sự mâu thuẫn trong cái gọi là liên quân trong chừng mực mà các thành viên của liên quân coi Iran như là kẻ thù được chỉ danh. Đó có thể là lý do giải thích các thất bại liên quan đến chiến lược đang được thực hiện cho đến nay. Nghĩa là nó tập-hợp các tác-nhân không có cùng chung các lợi ích, kể cả việc có những lợi ích đối chọi nhau và như thế đã phần nào đem ‘thế chấp’ sự thành công của chiến-lược chống NNHG.’

Về việc gởi quân tham-chiến trên đất liền, chánh-quyền của ông Obama không chủ trương việc này! Theo Kenneth Weinstein, giám-đốc viện Hudson, một viện nghiên-cứu thân phe bảo-thủ, ‘việc can-thiệp của Hoa-Kỳ là giải pháp duy nhất! ‘Đó là một sai lầm khổng lồ việc không có một thoả-hiệp về các lực-lượng quân-sự ở Irak….Chiến-lược duy nhất đối với tôi là khả dĩ, đó là việc không-kích bằng các phi-cơ tự-hành (drones) và các lực lượng Mỹ và đồng-minh, nhắm trước hết vào NNHG và cũng như việc có thể gởi một số lượng quân đến Irak nhằm ngăn cản việc bành-trướng thực sự của NNHG và làm đổ thắng lợi của họ.Chính thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã nói đến 10.000 người, như thế không phải là một lực lượng khổng lồ nhưng là một lực lượng tối thiểu’.

Một nhà phân tích chánh-trị khác của Pháp, bà Myriam Benraad, một chuyên-gia về Irak ở Ceri-Sciences Po, trong một cuộc phỏng-vấn của France 24 , đã coi cuộc họp của liên-minh chống NNHG tại Paris là một hình thức lập đi lập lại, ‘muá may quay cuồng mọi hướng’! Các thành-viên trong liên minh chống NNHG đã không ăn nhịp với nhau, có những lịch trình khác nhau, đã hãm đà hoạt động của lực lượng chống NNHG và cuộc chiến dành bá quyền khu vực vượt qua cuộc chiến chống NNHG!

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền-hình Mỹ Bloomberg, trả lời câu hỏi ‘tại sao Nga không tham dự vào liên-minh chống NNHG, ông Lavrov nói rằng các chiến dịch quân sự của liên-minh phải được sự cho phép của HĐBA LHQ…Chúng tôi ưa thích cách làm việc bằng cách đặt trên luật pháp quốc-tế; Ông Lavrov cũng chỉ-trích sự ‘sai lầm’ của Mỹ khi không xin phép Syrie để oanh-tạc các vị trí của NNHG tại Syrie, trong khi ở Irak thì đã xin phép và được chánh-quyền Irak chấp thuận! Theo Lavrov, đây là một ám ảnh chung quanh nhân-vật Al-Assad và ‘coi rằng việc từ chối cộng-tác với tổng-thống Syrie sẽ chẳng lợi ích gì cho lý tưởng là chống lại chủ nghĩa khủng bố’, nhắc rằng ‘al-Assad được thừa nhận như là một đối-tác hoàn toàn chánh-đáng trong việc chấp nhận quyết-nghị về việc tháo dỡ vũ khí hoá-học ở Syrie, một quyết-nghị do Hoa Kỳ hỗ trợ.’ Lavrov cũng nhắc lại đề nghị của đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura ‘kết hợp mọi thành phần của xã hội Syrie trong tiến trình giải quyết chánh-trị và đưa ra câu hỏi ‘các tác nhân quốc-tế cần tự hỏi ai là đại biểu cho sự nguy hiểm nhất: al-Assad hay NNHG?’

Sau cuộc họp của các nước trong liên linh chống NNHG tại Paris vào đầu tháng sáu, người ta chờ đợi những dấu hiệu ‘cụ thể’ trong chiến lược áp dụng ở Irak. Và như nhận xét của ngoại trưởng Pháp, tình hình Irak chỉ có thể ổn định nếu có được một chánh-quyền chuyển-tiếp ở Syrie. Như vậy, cuộc họp ở Paris không phải chỉ để bàn về vấn đề Irak. Đằng sau nó có lẽ có những vấn đề khác được đề cập tới trong đó Irak, Syrie chỉ là phần nổi của tảng băng-sơn.

Nhữ Đình Hùng 06.06.2015

Tham khảo:

http://www.huffingtonpost.fr/2015/06/02/coalition-anti-etat-islamique-difficulte-faire-reculer-jihadistes_n_7483292.html
http://www.lesechos.fr/journal20150602/lec2_crible/021102952833-myriam-benraad-chercheuse-specialiste-de-lirak-1124431.php?EleLBw0w0VJqsAR8.99

http://www.rfi.fr/moyen-orient/20150601-reunion-pays-coalition-paris-contre-etat-islamique-syrie-irak/

http://tempsreel.nouvelobs.com/en-direct/a-chaud/3003-daesh-reunion-coalition-internationale-djihadistes.html

http://www.opex360.com/2015/06/02/la-coalition-internationale-anti-ei-soutient-le-plan-militaire-politique-irakien-visant-reconquerir-la-province-dal-anbar/#ZJC50z1Gp4ovb1go.99

 

Vui cười

Một anh chàng từ nông thôn ra thành phố xin được làm chân bán hàng tại cửa hàng bách hoá trung tâm, nơi đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm trên đời.

Ông chủ hỏi anh ta:

– Anh đã có kinh nghiệm trong công việc này chưa?

– Rồi, thưa ông! Tôi từng bán hàng ở quê – Chàng trai đáp.

– Tốt! Cậu sẽ bắt đầu thử việc vào ngày mai và tôi sẽ đến kiểm tra kết quả công việc sau khi hết giờ làm – Ông chủ nói. Với chàng trai, ngày làm việc đầu tiên dài đằng đẵng và thật căng thẳng nhưng mãi rồi cũng tới 5h chiều. Ông chủ xuất hiện và hỏi:

– Hôm nay cậu phục vụ được bao nhiêu khách hàng?

– Một. – Nhân viên bán hàng mới đáp.

– Mỗi một thôi à! – Ông chủ nổi giận – Hàng ngày, mỗi nhân viên của tôi phục vụ được 20 đến 30 khách hàng kia! Thế cậu bán được bao nhiêu tiền?

– Ba trăm nghìn đôla, thưa ông.

– Thế quái nào mà cậu bán được nhiều như vậy? – Ông chủ ngạc nhiên.

Chàng trai giải thích:

– Ông khách đó vào cửa hàng và tôi bán cho ông ta một lưỡi câu nhỏ, rồi một lưỡi câu vừa và cuối cùng là một lưỡi câu cỡ đại. Tiếp đó, tôi bán cho ông ta một sợi dây câu nhỏ, một sợi vừa và một sợi lớn. Tôi hỏi xem ông ta câu cá ở đâu và vị khách đáp: “Ở bờ biển”. Tôi gợi ý ông ta nên mua một chiếc xuồng câu rồi đưa ông tới bộ phận bán thuyền, thuyết phục ông mua một xuồng cao tốc dài 7 mét gắn 2 động cơ. Chiếc Wolkswagen của ông ấy không kéo nổi cái xuồng nên tôi bán cho ông một chiếc Cruiser Deluxe nữa. Ông chủ loạng choạng vì choáng:- Cậu bán tất cả những thứ đó cho một người vào mua lưỡi câu?

– Không! – Chàng trai đáp – Ông ta hỏi mua băng vệ sinh cho vợ, và tôi bảo: “Kỳ nghỉ cuối tuần của ông thế là hỏng rồi. Có lẽ là ông nên đi câu cá!”.

Biển Đông: Sự suy xét lại toàn diện của Mỹ về Trung Quốc – Tác giả: David Feith, Người dịch: Trần văn Minh

Washington có thể vất bỏ chiến lược hội nhập sử dụng trong 45 năm qua

Tham vọng của Bắc Kinh thống trị một trong những thủy lộ quan trọng nhất thế giới là Biển Đông, một lần nữa trở thành điểm chú ý khi Mỹ và các nhà lãnh đạo Á châu tụ họp về cuộc Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh an ninh Á châu. Cuộc họp năm ngoái xảy ra khi Trung Quốc đang khoan dầu ở vùng biển Việt Nam và bắn pháo nước vào các tàu thuyền cản đường của họ. Năm nay Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự trên 2.000 mẫu đất nhân tạo mà họ đã bồi đắp lên trên các rạn san hô và đá do các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.

Nhưng một chuyện lớn đã xảy ra. Hành vi từ trước đến giờ của Trung Quốc đã đưa đến sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Mỹ. Tiến trình từng bước của Bắc Kinh theo kiểu “tằm ăn dâu” để kiểm soát hàng hải có thể đã đi quá xa, dẫn đến lập trường quan điểm cứng rắn hơn trong số các quan chức, các chuyên gia chính sách, các nhà lãnh đạo kinh doanh và cử tri. Sự cứu xét này có thể định hình an ninh toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

Bắt đầu với Tổng thống Barack Obama, đang chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước vào tháng 9, theo sau chuyến đi của ông tới Bắc Kinh năm ngoái, bao gồm việc ký kết một hiệp ước môi trường được ca ngợi (nhưng không có chế tài). Dự đoán chuyến thăm của ông Tập sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác, nhưng ngay cả ở cấp tổng thống sự việc này chỉ làm mát một chút.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ hai năm trước, ông Obama có vẻ chấp nhận khẩu hiệu của ông Tập rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên theo đuổi “một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc”. Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cam kết cuối năm đó để “thực nghiệm hóa” khái niệm của Bắc Kinh, ngay cả khi khái niệm này ngày càng có vẻ giống như một đòi hỏi để thích nghi với một thế giới ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á. Một lần nữa ông Obama nói về sự “tiếp tục củng cố và xây dựng một mô hình quan hệ mới” vào tháng 3 năm 2014, nhưng ông đã mau chóng ngừng sử dụng cụm từ – một sự thay đổi được ghi nhận ở Bắc Kinh – nơi mà sự thành hình quan hệ chính thức như vậy mang tầm quan trọng đáng kể.

Quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc cũng vì thế hạ nhiệt sau một khoảng thời gian ấm áp mà đỉnh điểm là việc Trung Quốc tìm kiếm và nhận được lời mời đến cuộc Tập trận Hải quân Đa phương Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo (Rimpac) lớn nhất thế giới, vào năm 2014. Đô đốc hải quân Mỹ, Jonathan Greenert, được biết là đã trở nên rất gần gũi với người đồng nhiệm phía Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli, đến nỗi một số quan chức Ngũ Giác Đài đề cập đến bộ đôi bằng từ ghép “Wunert.”

Tuy nhiên, một ước muốn lớn của hai đô đốc – để đưa hàng không mẫu hạm USS George Washington đến một cảng của Trung Quốc, có lẽ Thượng Hải, để nhân viên hải quân Trung Quốc tham quan – đã bị Ngũ Giác Đài hủy bỏ, ít nhất là tạm thời, vào tháng 1. Các quan chức Mỹ từng nói rằng Trung Quốc trước tiên phải ký kết một số quy tắc về xử lý các cuộc tiếp cận ngoài ý muốn giữa các máy bay quân sự. Các quy định như vậy có thể phòng ngừa máy bay chiến đấu của Trung Quốc hoạt động bay lượn nguy hiểm trong vòng 50 feet của chiếc máy bay do thám của Mỹ trong không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc tháng 8 năm ngoái.

Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc đã tôn trọng các quy định ký kết năm ngoái liên quan đến các cuộc tiếp cận ngoài ý muốn trên biển. Nhưng các quan chức vẫn còn khiếu nại về việc Trung Quốc từ chối mở đường thông tin đáng tin cậy và giải thích các hành động gây mất ổn định như việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo với mục tiêu quân sự – điều mà Đô đốc hạm đội Thái Bình Dương mới của Mỹ, Harry Harris, gọi là “vạn lý trường thành cát”. Nhân viên của Quốc hội và những người khác ở Washington hy vọng quân đội Trung Quốc sẽ không được mời vào cuộc tập trận Rimpac kế tiếp.

Nên nhớ rằng tất cả những điều này, từ một chính quyền hầu như không buồn đối đầu với các đối thủ ngoại quốc của Mỹ. Nhưng trong việc chuyển đổi lập trường đối với Trung Quốc, Washington giống như một chỉ số tụt hậu. Thăm dò dư luận từ Pew cho thấy chỉ có 35% người Mỹ xem Trung Quốc là thuận lợi trong năm qua, giảm từ một nửa vào năm 2011 (Có hơn 80% người Nhật, Việt Nam, Hàn Quốc, và hơn 90% người Philippines lo sợ tranh chấp lãnh thổ sẽ dẫn đến xung đột vũ trang).

Ngay cả Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đại diện cho các công ty mà từ lâu từng ủng hộ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất ở Washington, nhận thấy, 60% thành viên của họ than phiền năm ngoái rằng các điều kiện ở Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ cho các doanh nghiệp ngoại quốc. IBM và nhiều công ty khác tiếp tục mở rộng đầu tư ở Trung Quốc, nhưng có lẽ có một giới hạn về số lượng trộm cắp sở hữu trí tuệ mà các công ty Mỹ chịu đựng được, đó là chưa nói tới những người Mỹ mà hệ thống lưới điện, đường ống dẫn khí đốt và email, tất cả đều là nạn nhân của các cuộc tấn công tin học không ngừng của Trung Quốc .

Lời kêu gọi rõ ràng nhất để xem xét lại chính sách Trung Quốc đến từ một bài nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) gần đây do nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Blackwill và Ashley Tellis biên soạn. Họ viết, sự mong đợi sau bốn thập niên của sự hội nhập Mỹ-Trung đã được chứng minh không thể vận hành được: Trung Quốc không quan tâm đến việc trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong bất kỳ trật tự thế giới tự do nào do Mỹ dẫn đầu, chấm hết! Bắc Kinh muốn kết thúc sự thắng thế của Mỹ ở khu vực Đông Á, một mục tiêu sẽ gây nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ trong vấn đề thương mại tự do, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hòa bình và ổn định.

Họ viết, Trung Quốc không phải kẻ thù và chính sách “vây bọc” không thích hợp, nhưng do thận trọng đòi hỏi, phải cố gắng để “hạn chế khả năng Trung Quốc lạm dụng sức mạnh ngày càng tăng của họ”. Vì vậy, thực hiện chính sách “xoay trục” của Obama – di chuyển lực lượng quân sự qua Á châu, hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – nhưng cũng cần làm nhiều hơn. Họ nói rằng: Loại bỏ mức trần ngân sách cho quốc phòng, duy trì cân bằng hạt nhân, đẩy mạnh phòng thủ tên lửa, mở rộng hợp tác với các đối tác khu vực, nhấn mạnh về tự do hàng hải. Hơn nữa: Thắt chặt giới hạn về chuyển giao công nghệ cho các khách hàng Trung Quốc và thậm chí theo đuổi chính sách “đánh thuế đồng loạt trên mọi hàng hóa Trung Quốc” để trả lời cho việc ăn cắp tin học.

Trong bối cảnh này, sự thách thức Trung Quốc vượt xa chuyện xây đảo đang cấp thời gây rất nhiều chú ý. Nhưng khi các đại biểu gặp nhau tại Đối thoại Shangri-La, các nước láng giềng Trung Quốc và các quan chức hàng đầu của Mỹ lên tiếng báo động. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết hôm thứ Tư, “Không nên hiểu sai về điều này. Hoa Kỳ sẽ bay, hải hành và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi làm trên toàn thế giới”.

Phát biểu hùng hồn như thế cho thấy, xuất phát từ một sự đồng thuận hoàn toàn của Washington rằng Trung Quốc đã tự tuyên bố là một đối thủ chiến lược thực sự. Đối xử với Trung Quốc như thế sẽ kéo theo những rủi ro và cơ hội mà các nhà lãnh đạo và cử tri Mỹ chỉ mới bắt đầu suy ngẫm. Nguy cơ là rất lớn, đại diện cho một sự thay đổi chiến lược chưa từng có trong tay chỉ một năm trước đây, hoặc cho cả thời gian 45 năm qua.

Ông Feith là biên tập viên cho trang bình luận của tờ The Wall Street Journal ở Hồng Kông.

Wall Street Journal (28-05- 2015)

Nguồn:http://nhanquyenchovn.blogspot.fr/2015/06/su-suy-xet-lai-toan-dien-cua-my-ve.html

 

 

Biển Đông có thể trở thành cuộc chạy đua sức mạnh quân sự nguy hiểm – Howard W. French, Người dịch: Trần Văn Minh

Sau đây là cách Hoa Kỳ có thể phòng tránh chuyện đó

Năm 2009, trong đợt đầu tiên của chiến dịch mở rộng của Trung Quốc để khẳng định quyền kiểm soát hầu hết vùng Biển Đông, Bắc Kinh ghim yêu sách của họ lên một bản đồ mà họ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc và sau đó in [bản đồ] vào mỗi hộ chiếu mới để cấp cho công dân nước họ.

Bản đồ này, trước đây là một di sản bí mật của chính phủ Quốc dân đảng vào đầu thế kỷ 20, đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới vì một điểm quan trọng nhất của nó, một vòng cung dưới hình thức chín gạch ngang, kéo dài hàng trăm dặm từ tỉnh cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và tiếp cận bờ biển của một số nước Đông Nam Á, bao trùm một trong những thủy lộ quan trọng nhất thế giới. Bản đồ đã làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc chú ý, đất nước lớn nhất khu vực đang trở nên xét lại khi họ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian hiện nay, một số nước có thể được trấn an bởi sự tin tưởng rằng hầu hết thế giới sẽ khinh bỉ nỗ lực của Trung Quốc trong chuyện tán thành việc vẽ lại bản đồ mà trên cơ bản là vô căn cứ.

Sự thiếu tin tưởng của chính Bắc Kinh về “đường chín đoạn” được phản ánh qua việc họ chưa bao giờ công bố tọa độ xác định tuyên bố này, thay vào đó, dựa vào một lập luận mơ hồ rằng Trung Quốc là người đầu tiên khám phá ra các nhóm đảo và rạn san hô từ thời cổ đại mà nay gọi là quần đảo Trường Sa – và đã thực hiện việc kiểm soát kể từ đó. Trên thực tế, không có điểm nào của lập luận này đứng vững trước sự khảo sát kỹ lưỡng. Đầu tiên, họ đòi hỏi phải tin tưởng rằng những dân tộc của các nước gần nhóm đảo hơn Trung Quốc – Mã Lai, Chàm, và Malaccans, chỉ kể vài tên – không phải là những người đi biển rành nghề như được biết đến.

Điểm “cho không” rõ ràng khác về việc Trung Quốc thiếu niềm tin vào bất cứ cơ sở pháp lý nào đối với tuyên bố của họ là sự từ chối tham gia vào một vụ kiện do Philippines đưa ra tòa Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 2013, trực tiếp thách thức đường chín đoạn. Bắc Kinh tuyên bố gần như ngay lập tức rằng bất kể kết quả thế nào, quyết định của tòa án sẽ không có hiệu lực đối với các hoạt động của họ.

Thay vì thụ động chờ đợi phán quyết của tòa án, Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch khổng lồ trong việc cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, điều mà trong vòng hơn một năm, đã gieo vào đường thủy lộ nhiều địa điểm mặt đất mới, hầu hết đủ lớn để có thể đồn trú binh lính và một số đã được trang bị với phi đạo đủ dài để đáp ứng máy bay vận tải quân sự.

Trong tiến trình để tạo ra “sự kiện trên biển”, Trung Quốc đã chính thức công bố không có ý muốn tham gia vào cuộc thảo luận hay tranh luận. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một lỗi lầm về ngoại giao khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì thuyết trình trong tư thế hạ mình với các đối tác tại diễn đàn Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2010 khi chủ đề về quyền hàng hải được nêu ra. Ông Dương tuyên bố, “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ” – tất cả mọi người hiểu theo nghĩa là họ sẽ phải cúi đầu trước ý muốn của Bắc Kinh. Nhưng sau một cuộc họp khu vực tương tự ở Singapore vào cuối tháng 5 năm 2015, khi nhiều người tham dự, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, áp lực Bắc Kinh phải ngừng xây dựng đảo, Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] lặp lại quan điểm này, gọi Trung Quốc là “nước lớn” – gợi ý rằng họ có đặc quyền.

Theo truyền thống, chủ quyền là điều được xác định dựa trên tập thể, nhưng Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh, sau đó đưa ra một loạt các chủ đề báo hiệu một chủ nghĩa đơn phương đang lớn dần về vấn đề này. Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã được hình thành qua “quá trình lịch sử lâu dài” và có “cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ”, bà khẳng định thẳng thừng. Công trình xây dựng của Trung Quốc là “hợp pháp, hợp lý và chính đáng”, và đang được tiến hành “với tốc độ và quy mô xứng đáng với trách nhiệm quốc tế”. Tự do hàng hải chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một vấn đề, bà cho biết, trước khi thêm rằng khái niệm này không nên sử dụng “như một cái cớ để xâm phạm chủ quyền, quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”, một cảnh báo ngầm cho Hoa Kỳ, nước mà bà nói rõ ràng là nên tránh ra.

Trong bài phát biểu tại Singapore tháng 5 này, ông Carter đã đưa ra một cái nhìn khác hẳn, thề rằng các phương tiện quân sự của Hoa Kỳ sẽ “bay, hải hành và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” chỉ thêm rằng “hoán chuyển một tảng đá dưới nước thành một sân bay chỉ đơn giản không được quyền chủ quyền hoặc quyền hạn chế hàng không quốc tế hoặc giao thông hàng hải”.

Cách mỗi bên hình dung vấn đề đặt ra câu hỏi:

Tại sao Washington đầu tư sức mạnh và uy tín của mình trong một cuộc tranh chấp xa xôi như vậy làm gì? Lý do trực tiếp nhất là, hiện nay, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có cả phương tiện và sự tự tin để làm như vậy. Các đối thủ yêu sách chủ quyền với Trung Quốc, các nước như Philippines và ngay cả Việt Nam, biết rằng đối đầu với Bắc Kinh trực tiếp sẽ đưa đến thất bại hoặc sự sỉ nhục. Và đây chính là lý do tại sao những người ủng hộ hành động của Mỹ xem đó như điều bắt buộc.

Cuối cùng là các tranh chấp mở ra giữa Bắc Kinh và Washington là hai vấn đề gắn kết chặt chẽ với nhau, điều sẽ đi xa hơn như nhiều người nghĩ trong việc xác định tương lai trật tự thế giới. Đầu tiên là làm thế nào các cường quốc lớn giải thích luật lệ hàng hải – và Trung Quốc và Hoa Kỳ giữ vị trí hoàn toàn khác nhau về điều này, thích ứng với hoàn cảnh địa lý rất khác nhau của họ.

Hoa Kỳ đã trở thành một quyền lực toàn cầu trong hai bước. Đầu tiên, Hoa Kỳ đạt được ưu thế ở bán cầu riêng của mình. Và thứ hai, bắt đầu với sự kết thúc của Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ vào thế kỷ 19, bằng cách phô trương sức mạnh ra thế giới thông qua một lực lượng hải quân có thể thống trị cả hai đại dương lớn nhất thế giới – bằng cách bước ra chậm rãi từ cả bờ biển phía đông lẫn bờ biển phía tây (cộng với sự bổ sung đáng chú ý của Alaska, Hawaii, và Guam).

Ngược lại, Trung Quốc bị bao bọc bởi những nước láng giềng có chung biên giới trên đất liền với lịch sử phiền hà và một bờ biển ở phía Đông bị đóng hộp từ Bắc tới Nam bởi một chuỗi dài của các nước từ bán đảo Triều Tiên tới Indonesia, mà họ đề cập đến như là “chuỗi đảo đầu tiên”. Hơn nữa, kể từ Thế chiến Thứ Hai, Mỹ đã duy trì liên minh quân sự với nhiều quốc gia chủ chốt ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc, nổi bật nhất là Nhật Bản và Philippines. Hơn bảy thập niên qua, các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực đã giúp Hải quân Hoa Kỳ trở thành lực lượng ưu việt trong vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc quyết tâm trở thành một cường quốc biển hàng đầu, nhưng để làm được như vậy, đầu tiên Bắc Kinh, bằng cách nào đó phải có vị thế ưu việt trong vùng biển nhà của mình. Nói chung, bàn về tự do hàng hải là lạc hướng trong cuộc chạy đua gia tăng sức mạnh trong khu vực. Thống lĩnh vùng biển được bao bọc bởi chuỗi đảo đầu tiên là sống còn đối với Bắc Kinh – vì hai lý do ít được thảo luận. Đầu tiên là về việc đạt được sự thống trị chiến lược trong vùng biển nhà của họ, làm cho vùng biển trở nên nguy hiểm cho Hoa Kỳ nếu khai triển Hạm đội 7 trong một cuộc xung đột với Đài Loan hay chiến tranh với Trung Quốc.

Lý do thứ hai ít được công khai biết đến nhưng hẳn là quan trọng hơn. Trung Quốc sở hữu một kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Khả năng sống sót với bất kỳ khả năng đánh trả đáng tin cậy nào của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử hoạt động từ đảo Hải Nam. Hoa Kỳ tuần tra vùng Biển Đông với các khả năng chiến tranh và giám sát chống tàu ngầm tân tiến nhất thế giới và – điều làm cho Trung Quốc rất khó chịu – Ngũ Giác Đài liên tục giám sát lưu thông tàu ngầm từ đảo Hải Nam để thu thập thông tin tình báo.

Trung Quốc có thể từ bỏ tranh cãi về đường chín đoạn, nhưng không bao giờ họ giảm bớt tham vọng kiểm soát Biển Đông. Để thắng thế, có thể Bắc Kinh dự kiến sẽ đưa ra một lý thuyết về luật biển trái ngược hoàn toàn với Hoa Kỳ và cũng như hầu hết các quốc gia khác. Sự đồng thuận chung cho rằng giới hạn 200 hải lý gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), trong đó mỗi quốc gia ven biển được thừa hưởng theo UNCLOS, ngăn cấm các quốc gia khác đánh cá, khai thác mỏ, và những thứ như thế – nhưng cho phép tàu quân sự “qua lại không phương hại”. Trung Quốc (đáng chú ý, cùng với Ấn Độ và Brazil) cho rằng hoạt động của tàu quân sự nước ngoài – bao gồm việc thu thập thông tin tình báo – nên bị loại trừ khỏi vùng EEZ của nước khác, trừ khi họ được cấp giấy phép trước.

Trong vùng Biển Đông, tác động của quan điểm này thật sâu đậm và gây nên ấn tượng chưa từng có với chiến dịch xây dựng đảo tất bật của Trung Quốc. Trong tháng 12 năm 2014, tôi đến thăm Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông có trụ sở ở đảo Hải Nam. Giám đốc Wu Shicun, đưa ra một một cái nhìn hoảng hốt và trả lời: “Tất nhiên là không”, khi tôi hỏi ông ta nếu các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ được hưởng bất kỳ quyền chủ quyền nào, chẳng hạn như một khu kinh tế hoặc không phận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vài tháng, lập trường của Trung Quốc dường như đã bắt đầu thay đổi, như được phát ra bởi những cảnh báo của hải quân Trung Quốc “hãy rời khỏi ngay lập tức để tránh quyết định sai lầm”, nhắm tới một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang qua một trong những dự án cải tạo đất mới tại đá Chữ Thập.

Tại cuộc họp ở Singapore, Trung Quốc đã tránh trả lời những câu hỏi về lý thuyết chủ quyền đối với các hòn đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng trên các rạn san hô ngập nước và đảo san hô ở quần đảo Trường Sa. Trong tầm mức nếu giới hạn hải lý có thể được thiết lập xung quanh chúng, Trung Quốc sẽ có thể ngăn cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực rộng lớn ở Biển Đông, và nếu tiêu chuẩn 200 hải lý có thể được áp dụng đầy đủ một cách rộng rãi, vùng biển này sẽ trở thành vùng bất khả xâm phạm đối với các nước khác – “vạn lý trường thành cát” mới, như Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặt tên. Đó là lý do tại sao, quan điểm của Washington chống chọi với Bắc Kinh và ngăn chặn không cho thiết lập bất kỳ tiền lệ nào, như là điều bắt buộc.

Có một giây phút thẳng thắn bất thường tại đối thoại ở Singapore mà có thể dễ dàng bị bỏ qua như sự hù dọa, khi ông Carter tuyên bố Hoa Kỳ “sẽ vẫn là cường quốc an ninh chủ yếu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới”. Dù ở bất cứ nơi nào khi dựa vào những vấn đề cơ bản này đều biết rằng vấn đề thật ra nằm ở đây. Sẽ có vài cuộc tranh đua đáng ghi nhớ hơn trong những năm tới.

Nếu bản chất của cuộc cạnh tranh này đã rõ ràng, không có con đường tốt nhất đang chờ Hoa Kỳ ở phía trước. Các nhà phê bình, những người nói rằng Washington đã thiếu đầu tư vào vấn đề này từ thập niên 90, đã cổ vũ thái độ quả quyết của Ngũ Giác Đài. Dù sao, sự lựa chọn tốt nhất của Hoa Kỳ có lẽ là tránh đối đầu và làm nổi bật, thay vào đó là sự tham gia vào hệ thống quốc tế.

Chỉ có biện pháp tốt nhất là Quốc hội phê chuẩn UNCLOS – một hành động hiếm khi được thảo luận tại Washington hiện nay. Từ đó Hoa Kỳ cần thúc giục các nước thân thiện trong vùng Tây Thái Bình Dương kiện Trung Quốc ra tòa án về luật biển, như Philippines đã làm. Nếu Trung Quốc tiếp tục xây dựng các hòn đảo nhân tạo và trang bị quân sự trên các hòn đảo đó, có lẽ cần thiết phải nhảy vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên cơ sở mơ hồ. Nhưng việc gọi Trung Quốc ra một cách hợp pháp, cho phép một loạt các nước nhỏ hơn có một chỗ đứng trên một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp – đó là điều mà Hoa Kỳ nên đại diện cho – thay vì hạ xuống thành một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự nguy hiểm.

Foreign Policy (05-06-2015)

Nguồn:https://anhbasam.wordpress.com/2015/06/10/4064-bien-dong-co-the-tro-thanh-cuoc-chay-dua-suc-manh-quan-su-nguy-hiem/

 

Vui cười

Thế giới đều sợ đàn bà Mỹ, Vì đàn bà Mỹ hể nói là làm.Đàn bà Mỹ sợ đàn bà Nhật,Vì đàn bà Nhật làm xong mới nói. 

Đàn bà Nhật lại sợ đàn bà Trung Quốc, Vì đàn bà Trung Quốc không nói mà làm.

Nhưng đàn bà Trung Quốc lại sợ đàn bà Việt Nam,Vì đàn bà Việt Nam nói một đàng mà làm một nẻo. 

Nhưng người xưa vẫn nói rằng ” Vỏ quít dầy có móng tay nhọn”.Bằng chứng :

Đàn bà Việt Nam lại sợ đàn ông Việt Nam,vì đàn ông Việt Nam không nói thì không làm,Mà khi làm thì lại làm chuyện không nói. 

 

Một học sinh đi chơi về tuyên bố với cả phòng:

Cuối cùng rồi cũng có người con gái dám liều mình vì tao. Cả phòng nhao nhao:

– Ai vậy mày, nhỏ nào nói nghe coi?

– Nhỏ Hồng bên lớp sử chứ ai!

– Nhỏ nói gì với mày?

– Nhỏ nói “Yêu ông ư? Tui thà nhảy lầu còn hơn”.

 

Nhân Ngày Quân Lực VNCH 19-6 – Trương Sĩ Lương

Giở chồng sách cũ, tìm lại hình ảnh ngày xưa,  những người lính trẻ của QLVNCH một thời đã phải xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông. Họ có hận thù ai không? Chắc chắn là không! Nhưng bổn phận của họ là “ăn cây nào phải rào cây ấy”, thế thôi. Giặc đến nhà, làm trai không thể ngồi yên để chờ trói. Giặc đến nhà không thể ngồi đó để ăn chơi hưởng thụ. Thế rồi giặc cộng đã đến theo lệnh quan thầy Mác-Lê và người chiến sĩ QLVNCH đã chiến đấu đến hơi thở sau cùng, mặc dù đã bị những bàn tay lông lá quốc tế bán đứng vì quyền lợi của họ.

Càng ngày những tài liệu sự thật về cuộc chiến quốc-cộng đã được giải mã, danh dự của người lính VNCH đã và đang được phục hồi. Những hy sinh anh dũng, cao cả của người lính sẽ được ghi vào binh sử mai hậu.

Cho đến giờ phút này, người chiến sĩ của Quân Lực VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu trên nhiều chiến trận,  vì cuộc chiến ấy vẫn chưa kết thúc, dù họ đã luống tuổi đời. Chỉ có những kẻ hèn nhát mới quay đầu, làm tay sai cho địch. Chỉ có những người hám danh, hám lợi mới luồn cúi theo chân bọn đồ tể lòng lang dạ thú, hại nhà hại nước; chỉ có những kẻ làm chính trị theo thuyết “duy lợi”, háo danh, suy luận nông cạn mới lọt vào bẫy sập của những tay phản thùng. Thời nào cũng có hạng người như thế! Thời nào cũng có những anh hùng và thời mà không có những tay Việt gian bán đứng anh em, bà con, bạn bè.

Vâng, nhân sinh mỗi người mỗi tính. Có người khi thấy đồng loại máu đổ thịt rơi là họ đau đớn như chính bản thân họ lâm nạn; nhưng có người thì dửng dưng bỏ đi không một chút bận tâm; có người khi thấy quê hương ngụp lặn trong đau khổ vì đại nạn cộng sản, họ đã quên đi đời sống riêng tư của mình để dấn thân vào đại cuộc, góp máu, góp xương cho tự do quê nhà; có người xem nhẹ vật chất, vì vật chất không thu hút được họ trước đại nghĩa, trước sự sinh tồn của quốc gia dân tộc; nhưng có rất nhiều người vật chất đã làm cho họ mờ lý trí, chấp nhận để đồng tiền sai khiến, phản lại anh em, phản lại đồng đội, nhận làm tay sai cho kẻ thù mà từ xưa tới nay vẫn không thiếu những loại người như họ.

Có thể theo thời gian và vì hoàn cảnh sống, họ không còn hăng say đấu tranh như buổi ban đầu trốn chạy cộng sản; có thể vì trăm thứ lý do khác để họ không còn ở trong hàng ngũ của người tỵ nạn cộng sản.

Thậm chí vì tư lợi, vì bản chất của họ đổi thay như trời đất đổi mùa, nên họ có thể giao du, mua bán làm ăn với những kẻ một thời hành hạ xác thân họ, gia đình họ, bạn bè họ… Họ có thể làm bất cứ chuyện gì họ thích trên xứ tự do này: ăn chơi, dùng đồng tiền phi nghĩa ấy cho bản thân họ, cho gia đình họ; thâm chí ngay cả việc quay về nơi họ xuất phát để hưởng thụ trên nỗi đau triền miên của đất Mẹ cũng chẳng ai màng tới, miễn là họ âm thầm rời khỏi hàng ngũ của những người Việt tỵ nạn cộng sản là được. Thà như vậy còn rõ ràng hơn là họ ở đây, nhởn nhơ, trà trộn, quấy phá trong tập thể của những người không cùng chiến tuyến, không cùng lý tưởng. Thà như vậy còn hơn là họ đội lốt dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để đâm bị thóc, thọc bị gạo, xé lẻ hàng ngũ của chúng ta với mục tiêu duy nhất: tuyên truyền, làm tay sai cho cộng sản, phá nát cộng đồng ở khắp nơi.

Những tên du kích tuyên vận ấy đang mở cuộc tổng tấn công vào tập thể người Việt khắp hải ngoại, theo lệnh của quan thầy Bắc Bộ. Họ tấn công chúng ta bằng phương tiện nào? Súng AK, Súng cối, Hỏa tiễn 122 ly, Xe tăng, Đại pháo… Thưa không, họ đang tấn công chúng ta bằng mặt trận tuyên vận, sử dụng văn nghệ, văn hóa, báo chí, truyền thông để vô hiệu hóa công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của chúng ta. Mục tiêu của họ là gây hoang mang, tạo chia rẽ bằng những lý luận ru ngủ tập thể người Việt ly hương vốn có quá nhiều cảm tính.  Họ chính là những người đang sống chung quanh ta, nhởn nhơ trước mắt, lăng xăng vào những công tác của tập thể người Việt, khi úp, khi mở mà chúng ta đã thấy, đã nghe, đã biết.

Vậy đối sách của chúng ta là phải làm gì? Làm thế nào để nhận diện, đối đầu với chiến dịch tuyên vận cộng sản rất xảo quyệt, tinh vi. Khó lắm! Nhưng không vì thế mà chúng ta không biết nhận diện, phân loại. Một số đã lộ diện ở khắp nơi mà chúng ta đã biết. Trước nhất là không giao du, không liên lạc, không cần những phương tiện của họ. Bởi họ đã ra mặt. Cây kim trong lai áo lâu ngày phải lòi ra.  Vì vậy không tiếp xúc, nhất định không tiếp xúc là xong. Họ dùng chiêu rỉ tai, viết lách lăng nhăng trên diễn đàn ảo để phá hoại? Chúng ta vô hiệu hóa, bằng cách đứng nghe, đứng đọc. Nơi nào họ có mặt, ta không đến, nơi nào ta có mặt mời họ ra… thế là tuyệt chiêu.

Nhân ngày Kỷ Niệm QLVNCH 19-6, ngày tưởng niệm những chiến sĩ đã bỏ mình cho quê hương dân tộc, ngày vinh danh các chiến sĩ một thời cầm súng chiến đấu cho sự tự do của 18 triệu dân miền Nam, chúng ta không ai không có thân bằng quyến thuộc trong hàng ngũ của những người chiến sĩ ấy. Xin hãy thắp nén tâm hương gửi đến hồn thiêng của những người trai trẻ đã nằm xuống cho chúng ta được sống và được hít thở tự do như ngày hôm nay. Đồng thời xin tri ân những chiến sĩ đang sống và xin hãy thêm sức, thêm tinh thần cho họ bền vững, một lòng với đại cuộc giành lại quê hương.

Đã đến lúc những người cầm súng, một thời hy sinh cho chính nghĩa quốc gia, hãnh diện vì màu cờ sắc áo không thể để cho thành phần đâm sau lưng chiến sĩ tiếp tục chui rúc, quấy phá trong hàng ngũ của chúng ta; đồng thời đề cao cảnh giác trước âm mưu chia rẽ để trị của CSVN.

Đã đến lúc chúng ta phải đứng dậy, đứng thẳng, vạch mặt, chỉ tên thành phần trở cờ, phá hoại, buôn xương bán máu trước công luận. Chúng ta không bao giờ sợ cộng sản, sợ tay sai cộng sản, vì nơi này là hậu cứ an toàn nhất của chúng ta. Cán bộ việt gian cộng sản chui rúc, lén lút phải sợ chúng ta chứ ta nào sợ chúng.

Đã đến lúc người chiến sĩ QLVNCH phải vun lại niềm tin vì các anh đã đổ máu xương cho cuộc chiến Quốc Cộng đầy chính nghĩa, chính danh. Chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu bằng cách yểm trợ cho phong trào tuổi trẻ yêu nước đang vùng dậy ở quốc nội; đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ của chúng ta ở hải ngoại nỗ lực tiếp tay cho quốc nội trước trận chiến sau cùng này. Chế độ công an trị của CSVN đang đứng trước bờ vực thẳm trong trận chiến mất còn ở Biển Đông, sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Chắc chắn hoa tự do sẽ rộ nở trên quê hương Việt Nam một ngày tất đến.

Nguồn: http://batkhuat.net/tl-nhanngay-QL-19-6.htm

 

Mặt thật của lãnh tụ cộng sản Fidel Castro – Nguyễn thị Cỏ May

Hoa Kỳ và Cuba muốn bình thường hóa bang giao, chấm dứt thời gian dài hai nước láng giềng thù địch, đưa Cuba từng bước tiến tới nền dân chủ và kinh tề tự do, là một biến cố vô cùng quan trong.

Tiếp theo, một quyển sách viết về đời sống thật của vị cựu lãnh tụ Fidel Castro, phơi bày những điều mà trước giờ dấu diếm mọi người nhằm dựng lên huyền thoại một “ nhà cách mạng cộng sản suốt đời sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư ”. Đó là quyển “ Đời sống dấu kín của Fidel Castro ” (Michel Lafon, Paris xuất bản) do Ông Juan Reinaldo Sachez, người cận vệ của Fidel Castro suốt 17 năm dài, kể lại những bí mật nhà nước và vô số những chuyện về đời sống thật của vị Lãnh tụ Maximo mà từ trước tới giờ chưa từng được tiết lộ. Mọi thứ chung quanh Castro đều được dấu nhẹm, từ ngôi làng ma nơi huấn luyện quân du kích đến từ năm châu cho tới gia tài kết sù của ông, gồm vô số bất động sản, hòn đảo thần tiên mà người dân cu-ba không thể biết, tiền lấy riêng từ ngân sách nhà nước, … Castro có 9 người con với 5 người đàn bà. Về điểm này, ít ra Fidel Castro lương thiện hơn Hồ Chí Minh vạn lần. Phải chăng vì vậy mà Hồ Chí Minh, rồi Nguyễn Minh Triết, đã chịu khó “ thức canh cho cu ba ngủ ”?

Theo tiết lộ của người cựu cận vệ, Fidel Cadtro là một người độc tài khật khùng, trùm gián đìệp ngoại hạng, đồng lỏa trong những vụ buôn bán bạch phiến, …

Cu-ba và Hoa Kỳ

Năm 1959, Cu-ba làm cách mạng cộng sản. Hoa Kỳ vẫn giử thái độ trung lập. Nhưng năm sau, quan hệ giữa hai nước xuống cấp. Cu-ba tịch thu các doanh nghiệp của Hoa Kỳ ở Cu-ba. Phản ứng, Hoa Kỳ không mua đường của Cu-ba nữa. Tháng 4/1961, Hoa  Kỳ phong tỏa Vịnh Con Heo nhưng thất bại.

Trước phong tỏa, hai nước giử quan hệ khá thân thiện. Nhiều người dân Hoa  Kỳ qua Cu-ba sanh sống vì ở đó đời sống rẻ. Trong lúc đó, Cu-ba muốn dựa vào Hoa Kỳ là một cường quốc thế giới.

Đến khi hai nước trở thành thù địch, Hoa Kỳ ghi Cu-ba vào danh sách nước ủng hộ khủng bố. Khi trở thành quốc gia khủng bố hay ủng hộ khủng bố, có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt hoặc tấn công khi cần.

Ngày 17/12/2014, hai nước đồng thanh lên tiếng muốn nối lại mối bang giao. Chánh quyền Obama cho phép bỏ biện pháp hạn chế du lịch. Nhưng về việc bỏ cấm vận, Huê kỳ phải thông qua một thủ tục phức tạp.

Liền khi Cu-ba và Huê kỳ sưởi ấm lại mối quan hệ, TT Pháp, Ông Hollande, vội bay qua thăm viếng Cu-ba, nhắc lại mối tình “ môi hở răng lạnh ” giữa hai nước, trong LHQ, Pháp luôn luôn ủng hộ Cu-ba. Những nhà  đầu tư pháp bắt đầu dòm ngó qua bên kia Đại Tây dương.

Đời sống dấu kín của lãnh tụ

Người cộng sản nào cũng tạo riêng cho mình một đời sống trước công chúng với những nét vô cùng đạo đức như sống đơn giản, vì mọi người, quên bản thân mình. Những nét này để làm bộc lộ “ Đạo đức cách mạng ” nhằm mê hoặc dân chúng. Ngày nay, ỏ Pháp, những người của Đảng Xã hội (chủ nghĩa) còn không ngần ngại lớn tiếng rêu rao “ Xã hội chủ nghĩa là cấp tiến. Vì vậy mà chúng tôi tranh đấu cho đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa ”.

Ông Hollande từng tuyên bố “ Tôi ghét nhà giàu. Tôi ghét tiền! ”. Nhưng ông lại là người “ khá ” hơn đại đa số dân pháp. Ở cương vị Tổng thống, ông biết hưởng thụ khá sành sỏi. Không riêng gì ông, mà cánh xã hội của ông nên dân chúng pháp mới gọi đó là những “ người xã hội chủ nghĩa Caviar ” (Trưởng giả)!

Nhưng không ai có thể qua mặt “ Bác Hồ ” về ngón nghề điếm xạo của lãnh tụ.

Về mặt quan hệ với đàn bà, bác là thứ “ già không bỏ, nhỏ không tha ” nhưng bác hèn là không bao giờ dám nhận những mối quan hệ ái ân đó. Cả đảng cộng sản ở Hà nội cũng đồng lỏa che đậy lấy được cho bác.

Một chi tiết điếm vặt của bác nhưng được tuyên truyền thổi phòng trở thành một đức tính cần kiệm. Bác luôn luôn hút thuốc thơm PhilipMorris hoặc Craven “A”, cả trong chiến khu hay vùng Việt Bắc. Nhưng khi mời khách, nhứt là khách ngoại quốc, bác móc trong túi ra bao thuốc rê hoặc thuốc đen để thấy bác “ sống với nhân dân ” vốn nghèo. Bác đi dép râu, chỉ đi giày khi nào nhân dân cả nước đều được đi giáy!

Một lần đi về vùng quê thăm nông dân, bác cố ý đi vào vủng nước để cán bộ điện ảnh quay phim “ bác lội nước với nông dân ” trong lúc đó, trên đường đi không thiếu chổ khô ráo. Cán bộ nhận thấy “ đoạn phim này thiếu giá trị thông tin ” nên tắt máy. Sau đó bị phê bình.

Bác lội xuống ruộng cấy lúa với nông dân, vừa hỏi:

– Ruộng này của ai đây?

– Nông dân trả lời: Ruộng của đảng ạ .

– Không phải. Ruộng của nông dân. Bà con hảy lo chăm sóc cho lúa tốt, thu hoặch thật nhiều. Nghe chưa.

Riêng Lider Maximo

Ông Juan Reinaldo Sanchez làm cận vệ cho Castro suốt 17 năm vừa kể lại đời sống riêng tư thầm kín của ông ấy. Lời kể do ký giả Axel Gylden ghi lại, được nhà xuất bản Michel Lafon ở Pháp, xuất bản.

Ông trước đây muốn nghỉ hưu và muốn qua Huê kỳ sanh sống, liền bị cho vào tù. Theo ông, không có người dân cu-ba nào có ý nghĩ rằng lãnh tụ tối cao của họ lại có một đời sống chẳng những xa hoa, mà phải nói đúng là đời sống của vua chúa thời xưa.

Người dân không thể mơ mà hình dung được. Trái ngược hoàn toàn với những hi sinh mà lãnh tụ luôn luôn đòi hỏi ở người dân.

Nói về đời tư, Fidel Castro luôn luôn nói ông hoàn toàn không có tài sản gì cả, ngoài “ cái chòi của người đánh cá ” trên bờ biển. Thật ra “ Cái chòi của người đánh cá ” đó là cả một cơ ngơi thượng thặng vận dụng đủ mọi thứ tiếp liệu khổng lồ để quan sát và bảo trì.

Từ năm 1961, Fidel Castro chiếm hữu rìêng hòn đảo Cayo Piedra cách phía Nam Vịnh Con Heo 15 km. Đúng là một hòn đảo như cảnh thần tiên trong truyện cổ tích. Ở phía Tây, Castro cho xây một cầu tàu dài 60 m. Ở phía dười nhà là bải cát nhỏ mịn. Để cho du thuyền Aquarama của ông dài 27 m và 2 thủy đỉnh có thể vào đậu sát nhà, Castro cho đào một con kinh dài 1 km. Cayo Piedra trở thành một nơi có đời sống sang trọng nhờ có một nhà hàng nổi dài 15 m với bar và grill dành làm barbecues. Ỏ đây, người ta và trẻ con có thể ngắm những con rùa bơi lội. Nếu muốn nướng hoặc rang muối, cũng rất tiện.

Castro thích bắn cá dưới biển. Ông lặn rất giỏi, không cần bình hơi và có  thể lặn sâu dưới 10 m dễ dàng vì người ông có lồng ngực vậm vở, cao 1, 91, nặng 95 kg. Trên bờ, ông thích môn bóng rổ và săn vịt trời.

Ông tới đảo bằng du thuyền lộng lẫy. Khách được mới tới đảo với ông chỉ vài người chọn lựa.

Ngoài những nhà cửa lớn tại Thủ đô La Havane và vườn tược, nông trại, Castro còn có riêng một bệnh viện đầy đủ trang thiết bị tối tân để phục vụ sức khỏe cho ông và gia đình.

Castro và gia đình đông người ăn uống hằng ngày giống như ăn ở nhà hàng. Mỗi người chọn món ăn, thức uống riêng theo sở thích của mình. Bửa ăn dọn ra bàn lớn ở nhà. Mọi người cùng ăn chung. Bửa ăn do hai người bếp làm. Bà quàn gia coi sóc sinh hoạt trong nhà. Tối, bà lo ghi thực đơn cho cả nhà cho ngày hôm sau gồm 3 bửa ăn : điểm tâm, ăn trưa và ăn tối.Ông không bao giờ đi đâu mà không có mươi cận vệ trong số đó có 2 người sẳn sang để hiến máu cho ông.Juan Reinaldo Sanchez khai ra “ Suốt gần 20 năm dài, ông sống với Castro nhiều hơn là với gia đình riêng của ông. Castro là một thứ “ Ông Trời ” ! Ông phải nuốt những lời nói của Castro, tin những điều ông ấy nói ra, theo sát bên ông ấy ở khắp nơi và sẳn sang chết cho ông ấy  ”.

Sau này, Juan Reinaldo Sanchez mới vở lẽ ra “ Xứ Cu-ba thật sự là tài sản riêng của Castro như đất đai của địa chủ hồi thế kỷ XIX vậy ”.

Những người chung quanh Castro, cả nhân viên giử an ninh cho ông, tất cả đều bị thường xuyên theo dõi, nghe lén.

Cạnh văn phòng của ông là phòng thâu âm tất cả mọi cuộc nói chuyện, với tướng lãnh, với nhơn viên chánh phủ, với khách ngoại quốc.

Cách đó mươi thước là phòng họp Nội các và họp đảng cộng sản cu-ba chung. Trên tường gắn đầy máy thu thanh và thu hình để không một lời nói, một cử chi nào có thề thoát khỏi kiểm soát.

Ơ Cu-ba, phải nói không có ai hay điều gì thoát khõi kiểm soát. Cả các khách sạn cũng đều có trang bị máy móc tình báo điện tử.

Ngày 13 tháng 8 hằng năm là sanh nhựt của Castro. Ông thích cùng với đội bảo vệ an ninh gặp nhau trong căn cứ quân sự để ăn uống mừng sinh nhựt. Thường dịp này không có vợ con tới.Họ nướng một con cừu. Mọi người ăn bằng tay, không dùng dao, nỉa, dỉa như bình thường.

Thêm một điều đáng ghi nhận về đới tư của Castro là trong số mươi lăm cận vệ, có vài người được tuyển dụng không vì tài giỏi võ nghệ, hay thiện xạ, mà chỉ nhờ có nhân dạng giống lãnh tụ mà thôi. Một cách đánh lạc hướng thông tin ở đối phương có ý đồ xấu.Ở nước cộng sản, người dân sống cơ cực và tánh mạng như trên đe, dưới búa. Nhưng lãnh tụ hay đảng viên luôn luôn sống sung sướng và quyền uy tuyệt đối.Phải chăng vì vậy chỉ có người dân muốn đổi đời, người cộng sản thì chết sống phải bám chặc cái ghế đã chiếm được.Đảng còn, họ còn. Đảng mất, họ chết không đất chôn.

Về hiện tình việt nam, có lập luận rằng Nguyễn Tấn Dũng đang đấu đá để tóm thâu quyền hành. Một khi quyền hành đã nắm vững, Dũng sẽ tuyên bố thay đổi dân chủ và đi theo Huê kỳ.Chuyện chỉ có thể xảy ra khi Dũng bị bịnh tâm thần ! Mà Dũng bị bịnh chưa?

Chuyện 1 người Việt can đảm

(LM Nguyễn duy Tân)

Posted on June 25, 2015 by Ban Dieu Hop VNSN in Suy tư, Tin trong nước

Linh Mục Nguyễn Duy Tân sinh ra và lớn lên ở giáo xứ Bắc Thần.Giáo xứ nầy nằm trên đường tới Tiểu Chủng Viện mà hồi nhỏ Tịnh đã ở (8 năm). Bài viết mới nhất của Cha.Cực kỳ can đãm.

Trương Minh Tịnh

Linh Mục NGUYỄN DUY TÂN

1. Thuở bé, mỗi khi đêm về, mà nghe tiếng súng: kắc kục; kắc kục… thì hãi lắm.

Mẹ tôi bảo: Việt Cộng về làng rồi đấy! con phải đóng cửa chuồng gà cho chắc, nếu ai kêu cửa thì không được mở nghe chưa!

Cũng may, nhà tôi có dán câu thần chú trên cửa: “VIỆT CỘNG RÚT VỀ BẮC, HÒA BÌNH SẼ ĐẾN NGAY”. Cho nên Việt Cộng không dám bén mảng đến nhà tôi bao giờ.

Tôi rất ước ao VIỆT CỘNG RÚT VỀ BẮC, để cho HÒA BÌNH HIỂN TRỊ.

Tôi mong ước HÒA BÌNH biết là dường nào!

2. Lớn lên, mỗi khi nhận được giấy mời của Công An Đồng Nai PA88… thì hãi lắm (Chuyện cách đây 4 năm rồi, nhưng vẫn còn hãi).

Tôi phải làm việc với họ từ sáng tới chiều, phải bỏ cả lễ lậy.

Máy camera quay liên tục, thỉnh thoảng máy chụp hình lại chớp chớp. Tôi ngồi ở giữa phòng, có lúc dăm bảy “đồng chí” đứng xung quanh, làm thằng bé sợ, teo hết cả …linh hồn .

Hãi nhất là, có một “đ/c” nói với tôi: “Bánh xe lịch sử nó cứ quay, nếu anh mà không theo, thì sẽ bị bánh xe nghiền nát” (tôi hiểu là: VN sẽ tiến lên CNXH nếu anh không theo, thì anh sẽ bị nghiền nát).

Là Linh mục, tôi rao giảng một lối sống YÊU THƯƠNG, tôi tôn trọng mạng sống của mọi người, và không muốn ai đe dọa mạng sống tôi.

Tôi mong ước NHÂN QUYỀN biết là dường nào!

3. Năm nay, lên 47 tuổi, tôi chưa một lần nào được đi BẦU CỬ chính quyền các cấp (ấp, xã, huyện, tỉnh, trung ương).

Không phải vì tôi không quan tâm đến chính chị chính em gì, nhưng vì mỗi lần có đợt bầu cử, tôi lại gọi điện về nhà nhờ mẹ đi bầu dùm, và bầu ai cũng được, vì việc bầu cử của Nhà Sản chỉ là hình thức.

Năm nay, tôi mới được nhập hộ khẩu vào xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc.

Tôi cảm thấy thèm khát được đi bầu cử biết bao. Tôi mong ước, cực kỳ mong ước, VN ta được tiến bộ như Campuchia, việc bầu cử có Liên Hiệp Quốc giám sát.

Lúc đó, tôi sẽ rất hãnh diện và hạnh phúc vô cùng, nếu được cầm lá phiếu đi bầu vị đại diện cho Dân Tộc lãnh đạo Đất Nước.

Tôi mong ước được quyền BẦU CỬ biết là dường nào!

4. Hôm Tuần Thánh, tôi nhận được tin nhắn của cha Tin Vui hỏi ý: “Nhân dịp 30/4, cha có muốn chia sẻ gì với tư cách là Linh mục Công Giáo không?”.

-Vâng. Con cũng muốn phát biểu vài điều cảm nghĩ về “sự kiện ba mươi tháng tư”; nhưng chả dám, sợ bị “nhập kho”.

Sống dưới triều nhà Sản, thì chả ai dám nói thật, kể cả các Linh mục và Giám mục. Vì nói thật thì mất lòng, và mất bổng lộc.

Tôi đành phải mượn hình ảnh “ngày Thứ Sáu Tuần Thánh” để nói về “ngày Ba Mươi Tháng Tư”.

Tôi mong ước được quyền NÓI SỰ THẬT biết là dường nào!

5. SỰ KIỆN THỨ SÁU TUẦN THÁNH:

– Cách đây 2.000 năm rồi, các trưởng tế và luật sĩ đã bắt nộp Đức Giêsu cho quan Philato xét xử.

Sự kiện XÉT XỬ, KẾT ÁN, VÀ XỬ TỬ Đức Giêsu. Người có quyền chức thì bạo tàn gian ác vì ganh ghét . Chúng hò hét : “Giết! Giết! Giết! Đóng đinh nó vào thập giá”. Những người lương thiện thì im lặng hoặc dửng dưng. Quan Philatô thì bán rẻ lương tâm , vì phải chiều theo những kẻ quyền thế .

– Ngày ấy: CÁI ÁC đã chiến thắng CÁI THIỆN,

HẬN THÙ đã chiến thắng TÌNH YÊU,

DỐI TRÁ đã chiến thắng CHÂN THẬT,

GIAN TÀ đã chiến thắng CÔNG LÝ,

BẠO LỰC đã chiến thắng HÒA BÌNH.

*So sánh với “Sự kiện Ba Mươi Tháng Tư”:

Với sự trợ giúp súng AK, B40 của Satan, thì kẻ ác đã tăng thêm sức mạnh. Chúng bất tuân các hiệp định đình chiến (Paris 1973), chúng bắn phá, giết chóc, cướp bóc, gây bao đau thương.

Và rồi CÁI ÁC đã chiến thắng.

– Ngày ấy: CÁI ÁC đã chiến thắng CÁI THIỆN,

HẬN THÙ đã chiến thắng TÌNH YÊU,

ĐỘC TÀI đã chiến thắng DÂN CHỦ ,

ĐỘC ÁC đã chiến thắng NHÂN QUYỀN,

GIAN TÀ đã chiến thắng CÔNG LÝ,

BẠO LỰC đã chiến thắng HÒA BÌNH.

– Đang khi đó, thì những người Tây Đức và Nam Hàn họ vẫn đứng vững , nghĩa là cái ác vẫn không thắng được cái thiện .

6. THỨ BẨY TUẦN THÁNH:

– Thời gian 40 năm qua (1975-2015), ví như thời gian Chúa Giêsu bị mai táng trong mồ. Thời gian đủ để cho con người VN hiểu rõ Cộng Sản là gì?

– 40 năm qua, tôi đã từng trải nghiệm, thời kỳ tủi nhục của Dân tộc: đói khát, nghèo hèn, nhục nhã… đạo đức, văn hóa, xã hội suy đồi. Người VN phải đi làm nô dâm, nô dịch cho khắp cả thế giới.

7. NGÀY PHỤC SINH DÂN TỘC ĐÃ GẦN ĐẾN.

– Ngày nay, có khoảng 4 triệu người Việt sống lưu vong vì chạy trốn Cộng Sản. Có khoảng 500,000 người đi xuất khẩu lao động, và khoảng 150,000 Du học sinh. Họ đã biết Dân chủ là gì, và Cộng Sản là gì?

– Với sự phát triển của internet, kẻ ác không thể che đậy và bưng bít được nữa.

– Tôi tin tưởng, chắc chắn rằng: VN sẽ PHỤC SINH.

– Ngày đó: CÁI THIỆN sẽ chiến thắng CÁI ÁC,

YÊU THƯƠNG sẽ chiến thắng HẬN THÙ,

DÂN CHỦ sẽ chiến thắng ĐỘC TÀI,

NHÂN QUYỀN sẽ chiến thắng ĐỘC ÁC,

CÔNG LÝ sẽ chiến thắng GIAN TÀ,

HÒA BÌNH sẽ chiến thắng BẠO LỰC.

– Ngày đó Dân Tộc VN sẽ được hưởng một nền DÂN CHỦ và NHÂN QUYỀN, hòa bình và thịnh vượng. Ngày đó 4 triệu dân sẽ quay trở về xây dựng lại Quê Hương.

.

***NÓI TÓM LẠI:

“Sự kiện Thứ Sáu Tuần Thánh” là sự kiện CÁI ÁC CHIẾN THẮNG CÁI THIỆN nhưng chỉ là tạm thời, chóng qua.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, NGÀY PHỤC SINH CỦA DÂN TỘC ĐÃ GẦN ĐẾN.

Thọ Hòa ngày 11-4-2015

Lm. Kts Nguyễn Duy Tân.

Nguồn: http://vn-share-news.com/2015/06/25/chuyen-1-nguoi-viet-can-dam-lm-nguyen-duy-tan/

 

Vui Cười 

Tối hôm đó anh Tư bèn nói thật với vợ về ý định đi ăn phở.

Vợ anh thuộc lớp trẻ đợt sống mới đã trả lời anh tỉnh bơ : – Cái đó tùy anh. Em đã thử rồi mà cũng chán phèo !

 

Bác sĩ Pháp:

– Ở Pháp, ba năm trước chúng tôi cắt một lá phổi của người chết cho một người đàn ông khác.

Hôm qua ông ấy đang đi tìm việc làm.

Bác sĩ Đức:

– Nhầm nhò gì, ở Đức chúng tôi cấy 1/100 óc của một người chết cho một người sanh ra không có óc.

Hiện nay người ấy đang đi tìm việc làm.

Bác sĩ Nga:

– Chưa tới đâu, bên Nga chúng tôi lấy một trái tim của con heo cấy cho một người sắp chết.

Ông ấy vừa có một việc làm tốt hôm qua.

Bác sĩ Vịệt cộng:

– Chuyện nhỏ, hai mươi năm trước chúng tôi bắt con khỉ ở Trường Sơn mang về dậy nó ăn, nói, đi, đứng như người.  Bây giờ nó là Thủ Tướng của nước tôi và cả quốc gia đang đi tìm việc làm.

 

Chết mới được ra lời – Đoàn Thanh Liêm, California, tháng Ba 2011

(bài viết nhân đọc cuốn Hồi ký xuất bản năm 2009 của Cố Thủ tướng Triệu Tử Dương: bản Anh ngữ nhan đề:“Prisoner of the State – The Secret Journal of Premier Zhao Ziyang “do nhà xuất bản Simon & Schuster New York ấn hành)

Sau biến cố Thiên An Môn vào đầu tháng 6 năm 1989, ông Triệu Tử Dương bị tước đoạt mọi chức vụ lãnh đạo và bị đặt trong tình trạng quản chế nghiêm ngặt tại nhà riêng ở Bắc kinh. Vào khoảng năm 1999-2000, ông tìm cách tường thuật lại sự việc liên hệ đến biến cố này trong khoảng 30 băng ghi âm cỡ nhỏ, rồi hết sức kín đáo chuyển được ra bên ngoài, phân tán tại nhiều nơi khác nhau để tránh bị phát hiện và bị tịch thu. Ông lìa đời vào năm 2005, ở tuổi 86 (1919 – 2005).

Mãi đến năm 2009, nhân dịp tưởng niệm năm thứ 20 các nạn nhân bị thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, thì cuốn Hồi ký này mới đươc công bố với công chúng tại Trung Hoa và khắp nơi trên thế giới, tức là phải đến 4 năm sau khi tác giả đã từ trần. Vì thế mà bài viết này mới có nhan đề là : “ Chết mới được ra lời”.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin bắt đầu bằng việc lược thuật về thân thế và sự nghiệp của tác giả, sau đó sẽ giới thiệu chi tiết về cuốn Hồi ký rất có giá trị này của vị cố Thủ tướng được nhiều người dân Trung quốc mến mộ và thương tiếc.

I – Sơ lược tiểu sử của Thủ tướng Triệu Tử Dương (1919-2005)

Sinh năm 1919 tại tỉnh Hồ Nam, năm 1932 Triệu Tử Dương gia nhập Liên Đoàn Thanh niên Cộng sản. Năm 1936, theo học trường trung học Vũ Xương ở tỉnh Hồ Bắc. Năm 1937, sau khi quân đội Nhật bản xâm lăng Trung quốc, thì Triệu bỏ học, trở về quê nhà tại Hồ Nam và tham gia hàng ngũ kháng chiến chống quân xâm lược do đảng cộng sản tổ chức. Năm 1938, gia nhập đảng cộng sản.

Năm 1949, làm Bí thư đảng tại khu vực Nam Dương tỉnh Hồ Nam. Năm 1951 di chuyển đến tỉnh Quảng Đông, bắt đầu một sự nghiệp thành công của nhà quản lý cấp tỉnh hạt. Năm 1962, được thăng chức Bí thư thứ hai của tỉnh Quảng Đông. Năm 1965 vào độ tuổi 46, Triệu là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất với cương vị Bí thư thứ nhất của tỉnh Quảng Đông.

Năm 1967, trong giai đoạn cách mạng văn hóa, ông bị tạm giam ở bộ chỉ huy quân sự tại Quảng châu. Năm 1971, được chuyển đi làm Bí thư tại khu tự trị Nội Mông.

Năm 1972, được trở về Quảng Đông, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng. Năm 1973, được bầu vào chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung quốc và năm 1979 trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 1975, làm Bí thư Tỉnh Tứ Xuyên. Với chủ trương cải cách nông nghiệp bạo dạn, ông Triệu đã đem lại sự phồn thịnh cho nhân dân địa phương này, và sự thành công của ông đã được nhiều giới thức giả Trung hoa, cũng như ngoại quốc đánh giá cao. Điển hình như kinh tế gia lỗi lạc người Mỹ là Milton Friedman, thì ông này đã từng ca ngợi “Triệu Tử Dương là nhà kinh tế xuất sắc nhất mà tôi đã gặp trong một nước theo xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt ông còn được nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Trung quốc Đặng Tiểu Bình chú ý và đề bạt lên giữ chức vụ cao hơn ở cấp trung ương.

Năm 1980, giữ chức vụ Thủ tướng của Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Năm 1984, với cương vị này, tại thủ đô Bắc kinh họ Triệu cùng với Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh quốc đã ký Bản Tuyên bố chung về việc trao trả chủ quyền của Hongkong về lại cho Trung quốc vào ngày 1 tháng Bảy năm 1997.

Năm 1987, ông giữ chức vụ Quyền Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung quốc, thay thế ông Hồ Diệu Bang. Trong cương vị mới này, ông Triệu đã tìm cách hạn chế việc Bộ chính trị can thiệp vào các vụ kiện do phiên tòa xét xử, và ngưng việc kiểm soát trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật. Hành động này đã gây bất bình cho giới bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản.

Tháng 4 năm 1989, sau khi Hồ Diệu Bang qua đời, sinh viên khởi sự biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Quan điểm của Tổng Bí thư Triệu Tử Dương là tìm cách đối thoại với sinh viên để giải quyết êm thắm vụ việc đòi hỏi cải cách chính trị này. Nhưng Đặng Tiểu Bình lại có chủ trương cứng rắn là : phải ban hành thiết quân luật để đàn áp cuộc “nổi loạn” này. Họ Triệu bày tỏ sự bất đồng với lối giải quyết tàn bạo đó. Ông thuật lại : “Tôi từ chối không chịu là một vị Tổng Bí thư mà lại huy động quân đội để đàn áp sinh viên”.

Do đó, mà ông bị giới lãnh đạo cứng rắn bảo thủ giáo điều trong Bộ Chính trị phê phán và tước đoạt khỏi mọi chức vụ lãnh đạo trong guồng máy nhà nước. Và từ sau ngày thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đó, họ Triệu hoàn toàn bị cô lập và quản chế tại gia, cho đến khi lìa đời vào năm 2005, ở tuổi thọ 86.

II – Những nét chính yếu trong cuốn Hồi ký.

Cuốn Hồi ký dài cỡ 300 trang, chưa kể bài tựa và bài giới thiệu của nhà xuất bản, tổng cộng gần 20 trang. Nhan đề ấn bản tiếng Anh là “Prisoner of the State” ( Người tù của Nhà nước), kèm theo phụ đề là “the secret journal of Zhao Ziyang “ (Nhật ký bí mật của Triệu Tử Dương).

Nhóm chủ trương phổ biến tài liệu này đã phải làm việc rất thận trọng để khai thác các băng ghi âm, và rồi công phu sắp xếp, biên tập và dịch thuật để có thể trao được tới người đọc khắp thế giới cuốn sách thật quý giá này qua ấn bản Anh ngữ, mà người viết đã có trong tay từ mùa hè năm 2009, vào lúc tôi đang viếng thăm thành phố New York. Và tuy không được biết đến ấn bản Hoa ngữ, nhưng tôi tin rằng với lối làm việc nghiêm túc, cẩn thận như đối với bản Anh ngữ, thì chắc chắn là độc giả người Hoa cũng sẽ được hài lòng với tác phẩm trong chính ngôn ngữ nguyên gốc của vị Thủ tướng thật đáng quý trọng của họ vậy.

Sách được chia thành 6 phần, mỗi phần gồm nhiều chương nhỏ với tiêu đề riêng biệt. Xin liệt kê nhan đề của 6 phần như sau :

Phần 1 : Cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Phần 2 : Quản chế tại gia.

Phần 3 : Gốc rễ của cuộc bùng nổ kinh tế của Trung quốc.

Phần 4 : Chiến sự bên trong Bộ Chính trị.

Phần 5 : Một năm xáo trộn.

Phần 6 : Trung quốc phải thay đổi như thế nào.

Nói chung, thì tác giả đã tìm cách trình bày diễn giải về sự xáo trộn của Trung quốc trong mấy năm tháng dẫn đến biến cố đẫm máu Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, cũng như những mâu thuẫn đối nghịch trong nội bộ giới lãnh đạo của đảng cộng sản hồi đó. Bằng lối tường thuật bình tĩnh, trung thực họ Triệu đã góp phần làm sáng tỏ những sự việc phức tạp mà nhà nước cộng sản đương quyền ở Trung quốc đã cố tình dấu nhẹm, hay bóp méo sự thật đi. Do vậy mà tài liệu này được giới thức giả quốc tế đánh giá là có độ khả tín và chính xác rất cao, phù hợp với nhân cách của một bậc “chính nhân quân tử” như trong truyền thống ngàn xưa của dân tộc Trung quốc.

Xin trích dẫn một số đoạn văn điển hình tiêu biểu như sau :

A – Vụ đàn áp ngày 4 tháng 6 (trang 33 – 34) : … “ Đêm ngày 3, lúc ngồi trong sân với gia đình, tôi nghe tiếng súng nổ dữ dội. Tấn bi kịch làm rung động thế giới đã không thể tránh được, và cuối cùng đã diễn ra…Đã nhiều năm trôi qua. Trong số các sinh viên liên hệ đến vụ này, trừ một số nhỏ đi thoát ra nước ngoài, đa số bị bắt giữ, bị kết án và liên tục bị thẩm vấn. Lúc này cần phải làm sáng tỏ sự thực…Trước đó, tôi đã nói rằng đa số sinh viên chỉ đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa những sai trái, chứ họ không nhằm lật đổ hệ thống chính trị của chúng ta…”

B – Đi tìm đường lối thích hợp ( trang 112 – 113) : …” Dĩ nhiên lúc đầu tôi cũng chỉ hiểu nông cạn, mù mờ về cách thức tiến hành cuộc cải cách…Tôi khởi sự với ý muốn duy nhất là cải thiện hiệu năng kinh tế…, để người dân thấy được những thành quả rõ rệt… Và lần hồi, chúng tôi đã tạo ra được lối đi đúng hướng”.

C – Con đường tiến tới (trang 270) : “ Dĩ nhiên, có thể trong tương lai một hệ thống chính trị tiến bộ hơn nền dân chủ đại nghị sẽ xuất hiện. Vào lúc này, thì chưa thể có con đường nào khác.

Căn cứ vào đó, ta có thể nói rằng nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, thì không những nó phải áp dụng nền kinh tế thị trường, mà còn phải chấp nhận nền dân chủ đại nghị như là hệ thống chính trị của mình…”

III – Thay lời kết luận.

Như đã trình bày ở trên, cuốn hồi ký này chỉ được xuất hiện với công chúng vào năm 2009, tức là 4 năm sau khi tác giả là Thủ tướng Triệu Tử Dương lìa bỏ cõi đời vào đầu năm 2005. Người viết lấy nhan đề bài này là “Chết mới được ra lời”, đó là mượn lời trong bài thơ của người Phật tử Nhất Chi Mai viết để lại trước khi tự thiêu để cầu nguyện cho Hòa bình, tại sân chùa Từ Nghiêm ở đường Bà Hạt Chợ Lớn vào Mùa Phật Đản năm 1967. Câu thơ đó như sau :

“ Sống mình không thể nói

Chết mới được ra lời “.

 Năm 2008, nhân kỷ niệm năm thứ 60 ngày công bố Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, hàng mấy trăm sĩ phu trí thức ở Trung quốc đã cùng ký tên vào bản “Linh Bát Hiến Chương” (Charter 08) kêu gọi đảng cộng sản phải cải cách hệ thống chính trị và mở rộng tự do phát biểu và xây dựng nền tư pháp độc lập. Thế mà nhà cầm quyền Bắc kinh đã thẳng tay đàn áp bằng cách bắt giữ nhiều nhân vật đã ký tên vào văn kiện lịch sử này. Điển hình là nhà đối lập Lưu Hiểu Ba bị kết án tù nhiều năm, mà lại vừa được cấp phát Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 vừa đây. Hành động can đảm bất khuất đó của giới sĩ phu trí thức Trung quốc rõ ràng là đã theo tấm gương kiên cường tiến bộ của những bậc đàn anh như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương.

Vào năm 2011 này, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Hoa Lài đang vũ bão diễn ra tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, chúng ta cầu mong cho người dân Trung quốc cũng sẽ thực hiện được một cuộc cách mạng mới như cha ông của họ đã làm được cách đây đúng một thế kỷ, đó là cuộc Cách mạng năm Tân Hợi 1911, lật đổ vương triều phong kiến nhà Mãn Thanh để thành lập được một nền Cộng hòa đầu tiên tại xứ này.

Và chúng ta cũng quyết tâm góp phần vào công cuộc tranh đấu của toàn thể bà con tại quê nhà Việt nam để xóa bỏ hẳn được cái chế độ độc tài phản động thối nát, mà lại tàn bạo sắt máu do đảng cộng sản đã áp đặt từ lâu trên đất nước thân yêu của chúng ta nữa vậy./

Hội Rau Muống – Nguyễn thị Cỏ May

Ở Pháp, luật 1901 qui định các hội, như các hội ái hữu với mục đích bất vụ lợi, mà không phải tổ chức tranh đấu chánh trị vì tổ chức tranh đấu chánh trị có qui chế khác, qui chế “chánh đảng”.

Lập hội theo luật 1901 rất đơn giản : chỉ cần có 2 người có thể tới cơ quan hành chánh cấp tỉnh khai và lấy liền giấy biên nhận là có thể hoạt động. Sau đó, sẽ có giấy phép thiệt thọ.

Hai người khai lập hội là Hội trưởng và Thủ quỉ. Nên vợ chồng hay cha con, mẹ con có thể kéo nhau ra chánh quyền khai lập hội.

Hưởng luật này, ở Pháp có hơn 1 triêu hội, có hoạt động, còn hoạt động và chết chưa khai tử, chưa có mồ mã. Trong số này, người việt nam tại Pháp chiếm một số khá lớn. Phải tới vài chục ngàn hội!

Các hội của người vìệt không cộng sản, tức người việt chống cộng, chết bao nhiêu, còn bao nhiêu, cho tới nay, chưa có ai làm điều tra. Hội có mục đích chung đều tập trung vào những công tác chống cộng. Như tổ chức biểu tình,…Tôn chỉ khai trước chánh quyền là xã hội hay văn hóa,… đều bị mờ nhạt trước những hoạt động thiên về chánh trị. Cũng dễ hiểu vì hoàn cảnh lịch sử của người việt nam hải ngoại từ sau 30/04/1975, ngày mất nước!

Trong lúc đó, người tàu ở Pháp lập hội và hội của họ hoạt động ái hữu thật sự vì họ không có cùng hoàn cảnh như Việt nam. Cả người tàu chạy cộng sản từ các nước  nơi họ làm khách trú trước kia. Họ làm hội và biết khai thác hội theo tập quán bang hội lâu đời của họ. Họ có kinh nghiệm sống tha phưong cầu thực từ nhiều thế hệ nên «lưôm bạc cắc» là chơn lý sanh tử của họ.

Nói vậy chớ ngoài những hội “tranh đấu chống cộng”, người việt nam hay gốc việt nam ở Pháp cũng có vài hội sanh hoạt đúng theo tôn chỉ ” ái hữu ” thật sự. Tức không giống ta và cũng không phải phe ta. Nhưng là một hiện tượng rất đáng biết qua và suy nghĩ.

Dân biểu, Nghị sĩ rau muống của Quốc hội hà nội

Một hôm, tình cờ Cỏ May nhận được 1 bài viết về Hội Rau Muống và tiếp theo 1 bản tin về buổi họp Quốc hội ở Hà nội có «Nghị sĩ, Dân biểu rau muống» làm cho Cỏ May muốn bìết những sự việc này cho rỏ ra.

Trước hết «Nghị sĩ, Dân biểu rau muống» ở Hà nội là nổi bật nhứt nhưng vô cùng quái lạ. Nếu không đọc hết bản tin, mà chỉ đọc cái tít bản tin, đố ai, dù có chỉ số thông minh cao đến đâu, cũng không làm sao hiểu được. Thật ra, ở Hà nội chỉ có một thứ dân cử là Dân biểu vì chỉ có 1 viện. Nói Nghị  sĩ là cách nói vậy thôi.

Hai chuyện về Dân biểu rau muống: «Một Đại biểu Quốc hội hà nội, trong buổi họp thảo luận về tình hình kinh tề-xã hội việt nam, dẫn chứng giá giá rau muống ở Singapour để so sánh với gìá rau muống ở Việt nam, từ đó Dân biểu ta sẽ kiến nghị xem lại cách giải quyết tình trạng lạm phát. Nhận xét biện chứng chớ ! Phát biểu của vị Dân biểu này được bà Nguyễn thị Doan, con dâu của Đại tướng thân tàu Lê Đức Anh, Phó chủ tịch nước, nhắc lại là ý kiến kiến này, nay đang đã lan truyền nhanh chóng trên mạng và vị nghị sĩ nói trên được dân chúng đặt cho biệt danh mới là “ Nghị sĩ rau muống ”.

2 – «Một Dân biểu khác so sánh thời giá.Tôi không nghĩ lạm phát ở Việt Nam cao nhất khu vực. Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn. Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất».

Và vị Đại biểu này tên thiệt là Đỗ Văn Đương nhưng dân chúng cử tri đặt cho ông cái tên mới đẹp hơn, đó là «Nghị Rau muống».

Nhưng còn lại phần lớn các ông bà nghị khác chẳng dám nói năng gì cả  trước các kỳ họp Quốc hội. Vậy thì dân chúng nên đặt cho các ông bà nghị này cái tên gì đây?

Chẳng lẽ đó là những ông, bà ”Nghị hến”!

Dân gian có câu nói rất phổ thông, ai cũng hiểu “Câm như hến”. Và thực tế là những con hến không bao giờ có một tiếng …kêu!

Vậy Đại biểu rau muống đâu phải là thứ đồ bỏ!

Hội Rau Muống ở vùng Paris

Phải nói thật lòng khi đọc tên Hội Rau Muống, Cỏ May không thể không cảm thấy một cái gì vừa quen thuộc, vừa quá thân cận trong đời sống hằng ngày, vừa lạ lẫm làm cho phải tìm biết thêm.

Hội của cộng đồng người việt hải ngoại đều mang những cái tên như « Ái hữu, Cựu, …của người việt tự do, của người  vìệt tỵ nạn, … ». Đọc lên, nhận biết ngay là «phe ta»!

Hội Rau Muống ! Chắc chắn phải đó là Hội của người việt nam, mà người việt nam nào đây? Ở đâu? Tôn chỉ là gì?

Cỏ May vội mở ra đọc và thấy có cái gì là lạ, bất thường hơn những hội quen thuộc của người Việt ở Pháp và cả ở hải ngoại. Cỏ May tìm thêm thông tin thì được biết rỏ đây là hội của những người việt nam lai pháp, lai ấn độ, lai phi châu, tức có nguồn gốc huyết thống từ những quân nhơn, công chức làm việc trong chánh phủ pháp thời thực dân ở Việt nam.

Đúng vì thấy các hội viên trong Ban Chấp Hành đều lớn tuổi và có nhân diện lai rỏ nét.

Hội Rau Muống là tên việt nam dịch ra từ tên chánh thức khai hội « Association Le Liseron ( Le liseron d’eau là rau muống) . Địa chỉ : 270, Grande-Rue, 78 955 Carrières-sous-Poissy. Tél.  01.39.79.02.39 – le.liseron@hotmail.fr.

Hội trưởng là Ông Jean-Marie Pognon, người lai ấn độ, với  Ông Bernard Biron , người pháp trắng, đồng sáng lập.

Ai mà không ngạc nhiên khi thấy hội mang tên rất việt nam vì không có gì việt nam hơn « rau muống » ! Có thể nói ngày nay rau muống là biểu tượng thống nhứt thật sự, hòa hợp thật sự của người việt nam. Từ Nam ra Bắc, từ Việt nam ra hải ngoại. Nơi nào có người viêt nam là có rau muống. Hay ngược lại, nơi nào có rau muống là thấy có bóng dáng người việt nam.

Ngày 30/04/1975 không thống nhứt. Trái lại còn chia rẻ sâu đậm. Người việt trong nước và ngoài nước lại cũng không thống nhứt. Càng ngày càng khác biệc nhau hơn vì tập quán thay đổi, suy nghĩ thay đổi, tình cảm suy thoái.

Trước hoàn cảnh đó, rau muống mang sứ mạng thống nhứt dân tộc. Rau muống chấm nước mấm hay nước tương (maggi) cũng vẫn giử gốc chung là rau muống.

Còn hội viên hội rau muống có làm cho chúng ta ngạc nhìên không khi họ chọn tên « Hội Rau Muống»?

Nếu đọc qua cái tít của một bản tin về sanh hoạt của hội, chúng ta sẽ hiểu tại sao hội mang tên dễ thương đó: «Lễ dành cho những người pháp yêu (amoureux) Việt nam!

Rất đúng. Chúng tôi thỉnh thoảng đi về vùng quê nước Pháp, tham dự những ngày lễ hội lớn như ngày Quốc hận 30/04, ngày Quốc tế Nhơn quyền hoặc biểu tình về một biến cố nào đó về Việt nam, không khỏi khâm phục nhiệt tình và tinh thần tranh đấu cho Vìệt nam của những đồng bào này. Phải nói họ chống cộng, họ «dành» cho Việt nam tích cực hơn phần lớn người việt ngoại hình «thuần túy».

Hội Rau Muống thành lập tại Thành phố Carrière sous Poissy, thuộc tỉnh Yveline (78), cách Paris 40 km về hướng Tây. Hội thành lập nay được 15 năm. Họ làm lễ Tết hằng năm, với đầy đủ nghi thức như bàn thờ Tổ quốc, liễn đối, bông trái, bánh mứt, múa lân, biểu dìển Việt Võ Đạo, hội chợ Tết. Ban Chấp Hành hội mặc quốc phục truyền thống làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc.

Còn gì hơn?

Tôn chỉ hội là thật sự hoạt động từ thiện. Tại chổ, hội nổ lực phổ biến hiểu biết văn hóa việt nam cho bạn pháp, nhứt là lớp trẻ việt và pháp.

Ngoài những sanh hoạt văn hóa – xã hội, Hội Rau Muống còn hướng hoạt động từ thiện về Việt nam, Miên, Lèo, Ấn độ. Như giúp học bổng, thuốc men, thực phẩm, trẻ mồ côi,…

Hội  làm một vìệc phi thường là trao đổi nghệ thuật ẩm thực với thành phố Reims, nơi sản xuất rượu Champagne nổi tiếng thế giới.

Mà ẩm thực vìệt nam nếu biết làm và trình bày sắc xảo thì chắc chắn không thua Pháp lắm đâu tuy ẩm thực của Pháp năm 2011 được UNESCO nhìn nhận «di sản phi  vật thể của thế giới».

Nhưng …

Hội Rau Muống vì gồm những người lai gốc việt nam nên họ chỉ thiết tha nhớ lại Việt nam, thương Việt nam nơi họ sanh trưởng, nơi gia đình bên ngoại hay nội sanh sống. Họ không quan tâm lắm về chế độ ở đó đang đán áp bà con nội ngoại của họ. Do thiếu thông tin. Hay sau 30/04/75, cha mẹ họ hay chính họ bị chánh quyền cộng sản đuổi đi gắp vì cho rằng họ « không phải việt nam », là tình báo Thực dân, CIA gày lại để ngầm tìm cách đánh phá cách mạng, …

Nếu bà con mình tìm cách khéo léo tới với họ, thân tình với họ, sanh hoạt thật sự với họ, lấy được cảm tình, lòng tin ở họ thì việc chuyển hướng suy nghĩ của họ không còn là việc lạ nữa. Chỉ làm cho họ hiểu bản chất gian manh, ác ôn của cộng sản ở Việt nam để họ tổ chức, thực hiện những hoạt động nhơn đạo của họ ở Việt nam tránh bị nhà cầm quyền địa phương ăn chận mất phần lớn đi thôi.

Chúng tôi có kinh nghiệm ở vùng Bretagne. Tới với bà con ở đó, cũng hội Việt-Pháp Thân-hữu, chúng tôi, sau khi trình bày thực tế ở Việt nam dưới chế độ cộng sản, kêu gọi bà con « hảy giúp NGƯỜI VIỆT NAM, chớ đừng giúp Việt nam !

Bà con, cả người Pháp, hiểu rỏ ngay. Sau đó, bà con cho chúng tôi biết việc làm của họ hữu hiệu hơn trước vì sự giúp đở tù đây tới trực tiếp người có nhu cầu.Tuy lúc đầu thay đổi, họ có bị chánh quyền xách nhiễu. Nhưng không quan trọng lắm.

 

Vui cười

Vợ mới sinh con thương chồng bị “cấm vận” lâu ngày,lại vất vả ngược xuôi , khổ trăm bề , nên đưa cho chồng 

một ít tiền,thì thầm bảo chồng đi  « thư giãn » ở ngoài :

Xả van một tí cho đở bực bội và con người không khó

 chịu anh ạ !Em không trách anh đâu !

Ông chồng đi ra ngoài một lú , rồi trở về. Trả lại gần nửa số tiền rồikể :

Anh định vào quán , nhưng vừa ra cửa gặp cô A. hàng

 xóm, cô ấyhỏi chuyện , thông cảm vợ đẻ nên bằng lòng 

“giúp” anh, lại còngiảm giá 50% !

Con ranh , láo toét….! Cô vợ gầm lên
Ô kìa em ! Đỡ tốn một nửa tiền , hàng lại “đảm bảo”, 
sao em lại giận chứ ?

Cô vợ điên tiết la ầm lên :

 Anh thì biết gì ! Hồi nó đẻ, em có lấy của chồng nó xu 

nào đâu….!

 

Du sinh hồi hươngNhangoc

Du sinh hồi hương.. (Sau khi học 5 năm ở Nga-Xô)

Tôi du học Tây về! Câu đơn giản thế nhưng lanh lảnh như tiếng chuông mới đúc. Chữ “Tây” không chính xác về địa lý nhưng chuẩn xác về sự phân chia cấp bậc cũng như cái nhìn trong xã hội. Có điều tôi chỉ đi “Tây” Nga về chứ không “Tây” Mỹ, “Tây” Úc hay “Tây” Đức, Pháp… Cái “thiệt thòi” hôm nay là “ưu đãi” trước kia của Bộ đại học dành cho tôi. Chả gì nước Nga cũng “ông anh cả” của Việt nam – “nước cộng hòa thứ 16 của Liên xô”.

Tôi là kỹ sư kinh tế ở Nga về. Nghe không vang như câu trên. Phải thôi. Kinh tế Nga chục năm nay lu mu, chả ra “kế hoạch quốc gia”, chả ra “kinh tế thị trường”. Sách vở là phương tiện cãi nhau của các nhà “đổi mới”. Năm năm đèn sách nhét thứ đó vào đầu không ngớ ngẩn là may.

Tôi mang chiếc bằng đi xin việc. Đầu tiên tôi mua báo, nghiên cứu “tuyển người”, đánh dấu xanh đỏ những chỗ “khả thi” và bắt đầu gọi điện. Nhà có điện thoại lợi đủ đường. Tuy nhiên, mỗi lần “bắt” được giọng đầu dây kia, hiện tượng này chiếm 30% số lần gọi, mẹ và bà chị dâu đều “ý tứ” xem đồng hồ. Nào tôi có ham “nấu cháo điện thoại” mà tại phí điện thoại “cấu” vào đồng lương gớm quá. Tôi đi Tây, tưởng “kinh tế” cho gia đình mấy năm sinh viên. Nào đâu đúng thời kỳ khó khăn. Việt nam qua thời “tem phiếu” từ lâu mà nước Nga bắt đầu “talon”*. Tháng 2 kg đường, 7 lạng thịt, 2 chai vôtka là tiêu chuẩn sinh viên! “Talon” đường, rượu tạm đủ còn thịt thiếu nặng. Ra chợ, có đấy, nhưng học bổng eo hẹp.

Chẳng nhẽ để con gái chết đói ở đất nước Xã hội chủ nghĩa, mẹ tôi đành tiếp viện. Năm năm “hạch toán” ra chắc cũng lõm của mẹ tôi ối. Biết thân, biết phận, về nước tôi không dám làm mình, làm mẩy “quen ở Tây” thế nọ, thế kia. Chỉ duy nhất cái “màn tra tấn” 6 giờ sáng bị khua bằng đủ âm thanh “nội” “ngoại” là tôi “choáng” hẳn. “Nội” là tiếng mẹ tôi mở cửa sắt đi tập thể dục, chị dâu tranh thủ sáng có nước bơm giặt giũ. Xô chậu “duyệt binh” xủng xoảng ra trữ nước dùng trong ngày. “Ngoại” là tiếng rao bán.

Từ “mỳ nóng”, “bánh cuốn”, “xôi” các loại đến gạo tẻ, gạo nếp “tên tuổi” nghe như tiếng Thổ, hoặc mắm muối kèm mùi khó tả… Điên nhất là ông mãnh “mỳ nóng” sáng nào cũng như

“đồng hồ Tây”. Nó đứng dưới cửa sổ tôi gào “mì nóng” lanh lỏi, kết thúc bằng chữ “ròn”. Chao ôi, khâm phục độ nẩy của lưỡi nó. Đồ rằng, cả miền Bắc có mình nó biết phát âm chữ R! Không trốn được những âm thanh đó, tôi chúi đầu vào đống chăn chịu đựng qua “cơn bĩ cực”. Nhưng giờ “thái lai” đến là lúc mẹ tôi đi tập thể dục về. Nhìn con gái còn “giương đò”, bà lại ca “dậy sớm có lợi cho sức khỏe” là lá la… Thôi thà dậy béng cho xong.

Chuyện xin việc không thể gọi điện thoại. Tôi đã qua bài học thứ nhất khi tổng kết thông tin qua điện thoại là con số 0 tròn trĩnh. Mấy người trực điện thoại hoặc nhấm nhẳng hoặc chẳng trả lời câu nào cho ra hồn.

Tôi mò tới “Trung tâm giới thiệu việc làm” và thấy ngay mình là con ngớ ngẩn. Vừa lộ “tốt nghiệp ở Nga về”, họ hỏi ngay:

– Sao không ở lại, về làm gì?

– Làm việc.

– Việc gì mà làm?

Tôi trố mắt nhìn họ, thầm điểm lại xem mình có vào nhầm chỗ.

– Ở đây không giới thiệu việc à? Sao ngoài kia cả chục người làm hồ sơ?

– Họ làm hồ sơ xin đi ra nước ngoài lao động, làm ăn. Đi Hàn quốc, Libi, Iran… có cả đi Nga đấy. Cô có muốn…

Tôi xua tay cám ơn rồi chuồn thẳng ra cổng.

Bài học thứ hai. Tránh lai vãng ở “Trung tâm giới thiệu mờ ám”. Không khéo bị lẫn vào hàng ngũ các cô gái “sính” chồng Đài Loan.

Sau hai bài học, 50% nhiệt tình “phục vụ đất nước” đã đi tong. Tôi chuyển sang “xu hướng” nghe ngóng chứ không đâm đầu làm theo báo nữa. Người thân mong ngóng tôi về sau những năm xa cách, qua 5 tháng, tình cảm cũng vơi đi. Đến mẹ tôi còn sốt ruột khi thấy con gái thất nghiệp nằm chỏng gọng ở nhà. Bà rỉ rả “nhàn cư vi rồi đấy con ạ”. Đúng quá, nhàn đến “rách việc” đây. Sáng chiều cơm nước.

Từ ngày tôi về, tự dưng “Osin” về quê. Chả hiểu bà chị dâu tốt nghiệp khoa kinh tế ở đâu mà giỏi tính thế. Tôi hậm hực cũng chịu, nhăn nhó mẹ tôi chả “hát” nửa tiếng đến ong thủ mất. Bạn bè, đứa có việc đi cả ngày, đứa chưa có việc lại có người yêu, chồng con. Tôi trơ thổ địa, chẳng nhẽ trách ông Trời. May còn dăm ba đứa“lơ lửng giữa trời”. Tối tối tôi xách xe chạy qua nhà chúng tán gẫu, chia xẻ “mánh khóe sống đời”.

Tôi hiểu giờ người ta xin việc là xin vào chỗ có “mầu”. “Mầu” là bổng lộc. Khoản này không thể có ngay khi mới làm mà phải nhích lên “lão làng”. Không phải ai cũng nhấp nhổm lên được. Chỉ những “tinh hoa” thôi. “Mầu” nữa là “mầu đi Tây” theo suất “nâng cao”. Tụi bạn tôi may mắn có việc thấy chí tiến thủ của chúng nhuộm sắc “hướng ngoại”. Chúng cong mông theo các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp như lũ “sống gấp”, xem ngoại ngữ là cái “cánh” mang chúng ra bầu trời tự do.

Sau mấy tháng “thất nghiệp” từ một con “Nga ngố” tôi kết hợp tính nói thẳng, nói thật của Tây với ngoa ngoắt của mấy bà hàng rau, hàng thịt mà mỗi ngày hai lần tôi nhẵn mặt thành một dạng “củ chuối” mà mẹ tôi không chấp nhận được. Bạn bè bầu tôi là “huấn luyện viên phụ huynh” tầm cỡ. Từ chỗ mẹ tôi muốn lấy lại hình ảnh đứa con gái út thùy mị của trước ngày đi Tây, chuyển sang tôi “biến” bà phải chấp nhận triết lý “cái gì cũng có thể với con gái mình”, thậm chí là cướp biển! Một kết quả đôi bên cùng có lợi.

Tôi được tự do, mẹ tôi khỏi thấp thỏm khi khuya khoắt. Nhưng một cái lợi nữa mà tôi chưa lường được. Tình trạng “bụi đời” của tôi khủng bố tinh thần cả nhà nên họ huy động toàn bộ các mốiquen biết họ hàng từ “bắn đại bác” đến “phi dao” để tìm việc cho tôi. Vào một bữa cơm chiều, ông anh trai yêu quý thông báo một tin quan trọng rằng ông giám đốc, bạn cũ hồi phổ thông, dù mới tìm lại nhưng có nhiều duyên nợ, nhận tôi vào công ty ông ta. Mà đó là công ty nhà nước trăm phần trăm, thuộc Bộ khoa học và Công nghệ môi trường cơ mà.

Cả nhà xôn xao, khởi sắc. Tôi cũng hí hửng như sắp thành “ông nọ, bà kia”. Thêm bài học thứ ba. Muốn xin được việc phải quen biết. Tổng quát, muốn được bất kỳ việc gì đều phải có “quan hệ”. Cứ kiểm chứng bằng những buổi tôi “đánh quả” nhà bạn bè là biết. Chị dâu hay mẹ tôi đi chợ, y rằng bọn bán hàng nó giúi cho rau già, bí xơ, thịt dai nhoách. Không có “quan hệ khách hàng thường xuyên” tôi xây dựng mấy tháng nay làm sao có đồ ăn ngon. Tôi giờ ra chợ mua cả tuần không trả tiền là cứ vô tư. Quen thế, không chừng khi nào cưới, tôi phát đại cho chúng thiếp mời cũng chẳng có gì muối mặt hết!

Ông anh giục tôi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xin giấy chứng nhận tốt nghiệp làm hồ sơ. Tôi ngoạc mồm cãi “bằng sờ sờ ra còn chứng nhận, chứng nhiếc gì” liền bị cả nhà xúm vào sỉ vả ác liệt. Mỗi người một giọng lên lớp hòng dẹp cái thói “ngông nghênh” của tôi.

Mười giờ sáng tôi có mặt ở cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” có khác, nhà cửa của Bộ đàng hoàng, khang trang. Khu vườn thênh thang giữa thủ đô tấc đất, tấc vàng nhìn sướng mắt. Tôi tiến đến khu nhà 5 tầng, bắt đầu một chuỗi những “xin lỗi chú”, “xin lỗi cô” và cuộc “việt dã” theo cầu thang. Giờ tôi mới biết người Việt nam nào có tính “nhúng mũi” vào chuyện người khác. Tất cả các câu hỏi của tôi đều được trả lời u ơ “không rõ”, “hình như”. Tôi khùng người vì leo thang nhưng ngộ ra vì sao mẹ tôi về hưu rồi còn tập chạy(!).

Cuối cùng tôi cũng mò ra phòng phụ trách lưu học sinh tốt nghiệp. Tôi gõ cửa dõng dạc, bước vào sau tiếng hừm. Tôi chào lịch sự dù chỉ nhận lại chiếc gật hay lay động cơ cổ.

– Cô cần gì?

Một trong hai người đàn ông đang đọc báo hất hàm hỏi.

– Thưa, cháu xin chứng nhận tốt nghiệp để làm hồ sơ xin việc.

– Về bao giờ?

– Dạ, gần một năm.

– Sao giờ mới lên đây?

– Dạ… chẳng ai bảo cháu phải lên ngay cả.

– Cô này vô tổ chức, nguyên tắc về nước phải báo cáo ngay, còn chờ ai bảo.

Bị mắng “ngứa tai” lắm nhưng bài học cả nhà dạy hôm qua còn nguyên nên tôi im như hến. Tôi rút bằng, sổ điểm cùng giấy sứ quán cấp trình ông ta.

Ông ta cầm tấm bằng, không đọc mà lật qua, lật lại. Lật chán ông quay nhìn tôi. Nhìn như đánh giá mặt hàng, không khác gì tôi chọn cá. Thậm chí còn bĩu môi. Tôi nghĩ, ông này mua cá mà “thể hiện” thế, bọn hàng cá chửi cho tanh người. Nghĩ gì thì nghĩ tôi vẫn làm mặt khép nép. Chợt ông ta ném bẹt cả bằng lẫn giấy tờ của tôi xuống bàn, hỏi gọn lỏn:

– Học gì? Ở đâu?

– Dạ kinh tế, trường Plekhanov ở Matxcơva.

– Học từ năm nào? Tốt nghiệp năm nào?

– Dạ… những điều đó có cả trong bằng rồi, sao chú còn hỏi.

– Tôi hỏi là việc của tôi. Cô không trả lời được phải không?

Ông ta ngẩng nhìn tôi mãn nguyện. Chả hiểu ông ta phát minh được cái quái gì từ mấy câu hỏi trẻ con đó mà mắt ông chợt ánh lên ranh mãnh.

– Cô học hành cái gì. Sang chỉ lo đi buôn, bằng thì mua.

Tôi há hốc mồm còn chưa tin ông ta đang “vu cáo” mình. Ông ta dồn tiếp:

– Cô nói tôi nghe, bằng này cô mua bao nhiêu?

Đến nước này tôi chịu hết nổi. Bao kinh nghiệm cãi nhau với mấy bà ngoài chợ chợt loang loáng trở về. Tôi vênh mặt không kém ông ta, mắt cũng “đèn pha ôtô” xoáy áp đảo:

– Chú nói bằng này giả? Chú nói bằng này mua? Nghĩa là bảng điểm cũng giả, giấy chứng nhận của chú trưởng phòng Lưu học sinh Matxcơva cũng mua nốt. Vậy chú làm ơn ghi cho cháu mấy chữ vào đây. Tiện ký và đóng dấu luôn cho cháu. “Nói có sách, mách có chứng”, mai kia có người sang Matxcơva, cháu kiểm chứng lời chú.

Vừa nói tôi vừa rút xoạch tờ giấy và cây bút đặt trước mặt ông ta. Ông ta đứng bật dậy, há hốc mồm chẳng khác gì tôi lúc trước, lắp bắp:

– Cô… cô ăn nói với tôi thế hả. Giọng lưỡi con buôn…

– Chú nhìn người như thần. Cháu học kinh tế chú nói đi buôn. Bằng chú lật qua mà biết giả, thật kém gì người buôn “xanh”…

Ông ta đập bàn đánh rầm:

– Cô tưởng đây là chợ, cô phát biểu vô tổ chức… biết đây là đâu không?

Tôi suýt nữa cũng học bà bán thịt bò kèm 70% thịt trâu ngoài chợ chống tay vô hông, “quạc” lại:

– Cháu biết… thì chỉ có chợ mới nói “giả, thật, giá bao nhiêu” chứ.

Mặt ông ta đỏ rần như người có triệu chứng huyết áp “quá tải”. Tôi trót “cưỡi lưng hổ”, tự biết không đường lui. Cuộc đấu khẩu sẽ đến đâu nếu không có tiếng cười của người đàn ông thứ hai trong phòng. Cả hai “đối thủ” cùng dồn mắt sang ông ta. Người đàn ông chậm rãi tới bên tôi. Nét mặt hòa nhã nhưng mắt giấu vẻ khoái chí sau cặp kính.

– Cháu nói với chú Đạo thế là không được. Chú Đạo người lớn chẳng chấp cháu “trẻ người, non dạ” làm gì. Đứa nào mới đi Tây về chẳng thế. Đưa bộ copy đây chú vào sổ. Chiều mai lên lấy giấy ở phòng 32. Thôi, chưa xin lỗi chú Đạo còn chờ gì?

Nghe vậy là tôi đủ “thông minh” hiểu ý. Một trọng tài kinh nghiệm thổi còi đúng lúc nhắc hai cầu thủ “fair play”! Tôi chuyển tần số lời nói:

– Chú Đạo bỏ qua cho cháu mấy lời láo lếu vừa rồi. Ở nhà cháu vẫn bị mẹ mắng suốt vì tội cãi bướng mà.

“Chú Đạo” kia mặt vẫn đỏ nhưng lẽ nào không “miễn cưỡng bắt tay đối thủ”. Ông ta lầm lỳ chẳng ra gật, ra lắc ngồi xuống cầm tờ báo đọc tiếp. Tôi lại gần người đàn ông mang kính để ký vào sổ, khẽ nói nhỏ: – Cháu cám ơn chú nhiều.

Ông ta mỉm cười với tôi:

– Molodec! (Cừ lắm!)

Bữa cơm chiều, tôi “tường thuật” lại chuyện “chú Đạo”. Chị dâu tôi khoái bất ngờ tới mức trước mặt mẹ chồng dám vỗ đùi đôm đốp. Tôi ngờ rằng bà này cũng từng bị cái Bộ kia “đì” rồi nên giờ được “trả thù quá khứ”. Mẹ và anh tôi nhăn nhó. Mãi sau mẹ mới chép miệng:

– Mày thật chả khác bố mày ngày xưa.

Bố tôi ra đi sớm khi tôi mới 10 tuổi. Tôi chẳng còn nhớ nhiều về bố. Nhưng tôi tin, nếu ông còn, ông sẽ xoa đầu con gái rượu chứ chẳng mắng đâu.

Đầu tuần, theo lời ông giám đốc tôi đến cơ quan làm việc. Không biết nếu tôi đi làm dâu mẹ tôi có lo như tối hôm trước ngày tôi đi làm. Bà đi ra nhắc, đi vào dặn. Anh trai tôi răn đe:

– Mày làm thế nào cho tao còn gặp lại được bạn bè. Bớt mồm đi. Người ta hỏi, trả lời cho ngoan ngoãn. Lớn rồi, nghe hỏi phải biết ý họ mà trả lời.

Con bạn thân đọc “lesson” cho tôi lĩnh hội. Nào bánh kẹo, thuốc lá, trà ra sao, chào ai cô chú, ai anh chị… Đặc biệt khoản “ngoại hình”:

– Mặc đầm cho nữ tính. Đầm dài bớt ganh ghét của đồng nghiệp nữ nhưng mất cổ động viên nam. Độ ngắn của đầm tỉ lệ thuận với trình độ văn hóa.

Tôi lục tung valy tìm ra chiếc đầm xanh. Màu hơi ngớ ngẩn nhưng có vẻ nữ tính. Độ dài của nó vừa khéo để không sexy cái đầu gối củ lạc, lại chứng tỏ tính kín đáo của bằng Đại học.

Tôi đi sớm, lởn vởn chờ phòng số 4 có người. Theo lời giám đốc, tôi xông tới “làm quen”. Ở nhà mẹ vẫn khen tôi có đức “trơ tráo”. Tôi còn nhiễm tính “tự tin mù quáng” của người Nga nên chả bối rối chút nào khi bước vào. – Chào các chị, các anh – Tôi hơi nghiêng người và nở nụ cười bài bản – Em là Thu, anh Bình giám đốc nhận em vào làm công ty mình từ hôm nay.

Năm người, định vị năm bàn quay nhìn tôi. Một giây, hai giây… năm giây. Tôi chợt thấy nụ cười trên môi mình vô duyên trước 10 chiếc mắt dọi vào.

Từ hôm về nước, tôi xem nhiều phim Việt nam và không chịu được vẻ vô cảm của các “sao” điện ảnh. Giá họ học được vẻ mặt của năm người đang chiếu tướng tôi đây chắc nền điện ảnh Việt nam sẽ phất kém gì Holywood. Sang giây thứ sáu, muốn hay không nụ cười của tôi cũng không le lói hơn được nữa. Tôi đứng đực ra chờ phản hồi nhưng hình như họ cố làm vẻ nghễnh ngãng. Tôi thầm rủa số mình đi đâu cũng không xuôi xẻ.

– Sao tôi chả biết gì nhỉ?

Một giọng nam chất kim vang lên phá tan bầu không khí “mặc niệm”.

– Ông Bình làm những chuyện lạ đời. Đùng đùng cái gì cũng theo ý mình, hay dở thế nào cho người khác đổ vỏ. Giọng nữ ồ ồ cằn nhằn.

– Em có nghe loáng thoáng – giọng cô gái khá trẻ ngồi bàn gần cửa – Anh Bình nói nhận người về. Sắp tới công ty mình ký hợp đồng với công ty thiết bị y học của Nga.

– Ôi dào, viện này thiếu gì kỹ sư học Nga về. Toàn thằng chẳng làm được việc gì lại còn nhận thêm.

Giọng kim vừa nẫy nhưng tôi đã phát hiện ra của người đàn ông ngồi góc phải. Dù cửa sổ mang ánh sáng ban mai vào nhưng khuôn mặt ông vẫn không vì thế bớt già nua và nhăn nhó như quả táo Tàu. Kinh nhất là cặp mắt kẻ chỉ, khó đăm đăm đang tranh thủ “miệt thị” tôi.

Tôi vẫn đứng vì chả có ai định mời mình ngồi xuống chịu trận. May hôm nay tôi mặc chiếc đầm xanh. Tuy ngớ ngẩn nhưng theo các nhà “tâm lý học”, màu sắc có tác dụng giải tỏa. Màu xanh lờ lợ đó như lá chuối đặt trên thùng nước đang sánh qua sánh lại. Khổ nỗi “chiếc lá chuối” này không mảy may tác dụng “tâm lý” ông giọng kim. Ông chán bâng quơ, chuyển sang chĩa mũi dùi vào tôi:

– Ai bảo cô tới đây?

Kinh nghiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dạy tôi chẳng nên ngạc nhiên trước câu hỏi thừa. Ngoan ngoãn như lời ông anh dặn, tôi thỏ thẻ:

– Dạ thưa, anh Bình dặn sáng nay em tới làm quen với các anh chị.

Tình hình nghe ra chẳng sáng sủa hơn sau câu trả lời nhún nhường của tôi. May cô gái gần cửa bước tới kéo ghế mời tôi. Tôi đầy cảm kích. Tôi liếc tìm bộ ấm pha trà, lấy mấy gói bánh kẹo, thuốc lá ra đặt trên bàn, mạnh dạn hỏi cô gái còn đang đứng gần tôi:

– Cho mình mượn mấy chiếc đĩa được không?

“Đồng minh trong hy vọng” của tôi nhanh nhẹn mở tủ lấy đồ và giúp tôi. Tôi thầm cám ơn Trời. Dù thái độ của tôi giờ không còn tự tin như trước nhưng tôi vẫn đủ “khả năng” bê ra từng bàn mời các vị đang chiễm chệ đọc báo và bình luận chuyện không đâu. Tất nhiên họ uống trà. Tất nhiên họ gặm nhấm bánh kẹo và coi sự phục vụ của tôi là “tất nhiên” khỏi cần cảm ơn. Còn tôi “tất nhiên” phải quên thói lịch sự của Tây mà coi đó là văn hóa Việt nam!

Người đàn ông ngồi gần cửa sổ chợt cắt ngang câu chuyện về giá xe máy Thái lan đang xuống:

– Em học ngành gì bên Nga?

– Dạ em học Kinh tế.

– Lại Kinh tế – giọng kim lần này hơi méo có lẽ do chiếc kẹo Hải châu còn mắc trong răng – Đâu cũng nhan nhản kỹ sư kinh tế. Mang tiếng học hành mà chả biết “đếch” gì. Làm hợp đồng viết ngu bỏ mẹ. Cháu ông Viện phó học Kinh tế vừa vào Viện, con bà Hoài phòng “Công nghệ nguyên tử” cũng đang làm hợp đồng bên đó.

Tôi khẽ nhăn mặt. “Lại gặp bạn “chú Đạo” rồi. Giờ mà ông hỏi giá bằng Đại học, mình phải hô bao nhiêu đây?”.

– Cô ở đâu đến đây?

Chiếc kẹo đã chui tọt vào họng nên câu hỏi vang lên lanh lảnh. Một câu hỏi đơn giản như bài học đầu tiên của chương trình học ngoại ngữ, ông có hỏi bằng tiếng Anh tôi vẫn trả lời vô tư.

– Em ở Hà nội ạ.

Những khuôn mặt “đầy ấn tượng” hiện ra. Cáu kỉnh là của ông giọng kim:

– Ai chả biết Hà nội. Quen ai mà tới đây?

– Á… – hơi ngượng vì sự “chậm hiểu” nhưng tôi chữa ngay- Dạ, em chỉ quen anh Bình giám đốc thôi ạ.

– Quen mỗi ông Bình mà xin được vào Viện lớn thế này. Giọng ồ ồ thắc mắc kèm theo cái nhìn nghi vấn rất “nữ tính”.

Tôi còn quen thêm được ai từ ngày về nước ngoài mấy bà buôn ngoài chợ.

– Thế cô con ai?

Cái hất hàm đầy tính “khảo sát” của ông giọng kim chĩa vào tôi. Tất nhiên lần này tôi đã “thấu” câu hỏi. Ông anh tôi chả dặn phải xem ý người ta mà trả lời là gì. Tôi dõng dạc:

– Dạ em không con ai cả ạ.

Có bịt tai tôi cũng nghe tiếng cô gái “đồng minh” cười váng lên. Tiếng ho khục khục giấu tiếng cười “thiên nhiên” là của ông ngồi kế cửa sổ, anh chàng trung niên từ đầu chưa nói gì chợt rút kính lau lấy, lau để. Chỉ còn lại hai khuôn mặt của hai chất giọng “ngược đời” là thộn ra. Giọng kim rít lên:

– Cô học đâu kiểu nói trêu ngươi thế hả? Cô biết tôi là ai không?

Tôi nghệt mặt chả hiểu mình có tội gì. Tôi quay sang “đồng minh” cầu cứu nhưng cô ta còn mải cười đến mức chạy bắn ra hành lang, vội vàng lao ngay vào ông Bình đang bước tới. Cô khẽ “Ối”, ngượng nghịu. Bốn người còn lại kéo ghế đứng lên chào đồng loạt. Chỉ có tôi đang ngẩn ngơ vì “quả mắng” nên ngồi tại chỗ khẽ lúng búng.

– Chào mọi người! – Giọng sang sảng đúng chất Sếp – Làm quen vui quá. Nhân viên mới có quà cho anh em hả. Được đấy.

Quay sang bên, ông giám đốc nói:

– Anh Trung tổ chức và chị kế toán lên phòng tôi có việc cần bàn nhé!

Hai người đứng dậy theo ông lên phòng. Tôi toát mồ hôi. Thôi xong. Ông anh nhắc “khéo lời với ông trưởng phòng tổ chức mới hòng được vào biên chế”. Loạng quạng thế nào tôi “trêu ngươi” ông ta rồi. Vụ này khéo đứt!

Ngày sau, tôi đến, chẳng có chỗ riêng của mình trong phòng, chẳng có việc cụ thể. Giám đốc bảo làm quen công việc nhưng có ai nói năng gì với tôi đâu. Cô “đồng minh” trở nên giữ kẽ. Mặt ai cũng như bức tường. Cảm tưởng tôi bị tẩy chay. Tôi ra hành lang nghe chim sẻ chíu chít trên nhánh xà cừ, buồn bã như giữa đảo hoang. Vài ngày sau, giám đốc chỉ tôi phòng nhỏ, kêu dọn dẹp, kê bàn vào lấy chỗ làm việc. Sáng 8 giờ đi, trưa cơm nhà, chiều lại công ty. Việc duy nhất là ngồi và ngó qua cửa sổ. “8 giờ vàng ngọc” thoải mái tiêu. Chán, tôi lò dò xuống phố thăm tình hình Model của Hà nội.

Từ ngày tôi đi làm, dù tập sự không lương, mẹ yên lòng hẳn. Tôi thành “thất nghiệp” toàn phần. Hiếm hoi gặp bọn bạn chẳng biết kể chuyện gì. Chẳng lẽ kể chuyện “năm anh em trên chiếc xe tăng” hở ra là nã đạn vào tôi. Hay kể chuyện Sếp sáng đảo qua công ty vài phút là biến. Thỉnh thoảng, ông định vị trong phòng thì toàn thấy “họp… kín”. Có lần không nén được tò mò, tôi ghé tai nghe trộm. Hoá ra các bố chơi “tá lả”. Tôi chán ngấy đóng vai người thừa. Ho hoe tính chuyện xin thử chỗ khác đã bị ông anh dạy thế nào là đức kiên tâm “trường kỳ kháng chiến”. Tiền tiêu do mẹ tài trợ đủ ăn sáng, bơm xe, tình rỗng tuyếch, công việc đuổi ruồi.

Tôi tù túng trong mọi ràng buộc từ nhà đến công ty. Mẹ tôi nhắc khéo chuyện “gia

đình”. Tôi tỉnh queo:

– Mẹ chi tiền. Con ra chợ coi thằng nào “sạch nước cản” mua về làm chồng.

Bà chán. Tôi buồn, tôi nhớ nước Nga. Khi ở đó tôi chỉ nhìn thấy những điều đen tối mà chê nhưng khi về rồi, tôi biết, tôi thiếu nó. Cho dù ngày đó có bơ vơ, có khó khăn, khắc nghiệt nhưng tất cả thật rõ rằng để mình phải vượt qua. Còn sống nơi quê hương sao tôi lạc lõng. Ai giúp tôi mài bớt những sù sì, góc cạnh để có thể lăn tròn trong xã hội này?

Tối thứ bảy, tôi ngồi nhà xem vở tuồng “tân cổ giao duyên”, ngoan như bà góa thủ tiết với chồng. Chuông điện thoại kêu, tôi uể oải nhấc.

– Thu hả?

– Thu đây, ai đó?

– Còn nhớ Thắng “mập” không? Tao đây.

– Ôi Thắng, mày đang ở đâu vậy? Tôi reo lên khi nhận ra thằng bạn thân từ ngày học phổ thông đến suốt năm tháng ở Nga.

– Matxcơva chứ ở đâu. Mày thế nào, nghe tụi nó bảo đi làm rồi hả?

– Làm khỉ gì, chán muốn bỏ. Tao đã thấy lời mày khuyên ở lại là “chân lý”.

– Thế mày còn thích đến với “chân lý” không?

– Thích cũng phải qua ối “cửa” mới tới được “chân lý”. Còn mày thế nào?

– Tao gọi về hỏi mày chịu qua giúp tao phụ trách phần kế toán cho công ty của tao ở Matxcơva không? Đồng ý tao gửi giấy tờ về làm hộ chiếu. Tao điểm ra chỉ mày đủ khả năng, đúng nghề và tính “bà la sát” của mày mới trị được bọn trong công ty. Nghĩ sao?

Tôi bất ngờ chẳng nói được lời nào. Hơn một năm qua, tôi đã biết, ở Việt Nam “nghề” sáng giá nhất là “nghề đi Tây”, “nghề xuất ngoại” dù ngắn hạn, dài hạn. Những ai chê “nghề” này chắc chắn là Sếp. Mà Sếp chỉ chê “dài hạn” vì đi lâu dễ “vênh cạ” chứ “ngắn hạn” Sếp OK đầu tiên.

– Ê, chán nước Nga chưa mà im như thóc vậy?

– Không… tao đang tính – tôi lúng túng không biết nên nói kiểu gì để hợp “phong cách người Hà nội”- mẹ tao lo đi nữa sẽ “ê sắc ế”…

– À… mày định lấy chồng kiểu gì tao không biết nhưng nếu định lấy thằng yêu mày thì lấy tao đi. Tao yêu mày lâu rồi.

Lần này tôi “cấm khẩu” hoàn toàn. Thắng chợt chuyển giọng:

– Nói thật đấy.

Trời ạ, mẹ tôi nói cấm có sai “Ngưu tầm ngưa, báng bổ như mày, chỉ gặp thằng ngang ngửa”. Nhưng dù “củ chuối” cỡ nào tôi cũng không thể tưởng tượng ra được màn tỏ tình “mày” “tao” qua điện thoại quốc tế!

– Thu ơi, suy nghĩ đến trưa mai nhé! Thời Edison chỉ cho suy nghĩ 5 phút thôi mà -Thắng cười hì hì- không đùa đâu, 100% nghiêm túc. Hẹn mai!

Máy bay cất cánh, mảnh đất quê hương chao nghiêng. Dòng sông Hồng kia rồi, quanh năm đỏ đậm phù sa. Hà nội li ti, nhấp nhô mái ngói. Tôi lại ra đi lần nữa. Chút nhơ nhớ, bâng khuâng về Hà nội, về mẹ.

Giọng cô chiêu đãi viên Nga nhắc người ngồi cạnh đeo dây an toàn nghe quen như mới hôm qua. Nhưng hình như vẫn có gì là lạ. Có lẽ, lạ vì không ngơ ngác như khi xưa sang học. Con đường phía trước sẽ không trải thảm, sẽ không ít khó khăn, nhưng tôi biết, ở đó tôi có thể sống và làm việc mình mong muốn. Cảm giác tự do ngọt ngào.

Hà nội mờ dần qua làn mây mỏng. Quê hương ơi, ta sẽ về như tìm bóng cây giữa con đường chang nắng. Sẽ về để thêm động lực ra đi. Về để hiểu ta Người Việt Nam và Quê hương ngàn đời vẫn một!

Nguồn: https://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2015/06/15/du-sinh-hoi-huong/

 

Vết Roi – Minh Diện

Kỳ thi đại học năm ngoái, con gái tôi thiếu nửa điểm, thế là bao nhiêu hy vọng háo hức của cả nhà tiêu tan. Nhìn con bé héo quắt, khóc đỏ mắt, vợ chồng tôi đứt ruột! Vợ tôi gọi điện cho mấy người bạn, rồi lau nước mắt bảo tôi:

– Em mượn bạn được ngàn rưỡi đô, chắc đủ mua nửa điểm cho con gái.

Tôi giật mình:

– Mua ai? Nhà mình có bao giờ làm việc đó đâu?…

Vợ tôi nói rất tự tin:

– Người ta mua bán đầy! Mình đến vợ chồng anh Lập là xong.

Anh Lập là con bác ruột tôi, anh là giáo sư tiến sĩ, đang làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm khoa Triết trường Đại học nơi con gái tôi dự thi. Chị Dung vợ anh cũng là tiến sĩ, làm Trưởng phòng Giáo vụ trường ấy. Tuy anh em chú bác ruột, cùng ở Hà Nội nhưng chúng tôi vẫn có một khoảng cách. Vợ chồng anh Lập thuộc tầng lớp trí thức, là cán bộ đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Còn vợ chồng tôi chưa học hết lớp 12, chỉ là chủ một đại lý gas, chênh lệch nhau rất xa. Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm anh chị, cứ len lét như rắn mùng năm. Hễ chúng tôi lân la bàn đến chuyện tiêu cực ngoài xã hội là anh Lập và chị Dung mắng té tát…

Vậy mà bây giờ bảo đến gặp anh chị ấy mua điểm cho con? Uống mật gấu tôi cũng không dám!

Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, sáng sớm hôm sau, tôi lấy xe máy chở vợ về Hải Phòng. Phải đánh bài liều nhờ bố tôi sang nói với anh chị Lập xem sao?

Quốc lộ 5 xe nườm nượp ngược xuôi. Tôi gập mình mở hết ga, chiếc xe hơn 100 phân khối phóng đi giữa giá rét. Gió rít ù ù, buốt cả tai. Về đến nơi thì bố mẹ tôi không có nhà. Cô em gái út nói:

– Thầy bu về quê tìm mộ bác Quang và giỗ bà rồi. Anh chị ăn cơm, chiều về quê với chúng em.

Còn bụng dạ nào mà ăn? Tôi uống đầy bụng trà đá cho đã khát rồi ngược đường Mười về Thái Bình.

Quê tôi làng Giành. Bố tôi trước đi bộ đội đóng quân ở Hải Phòng, năm 1975 ông chuyển ngành, làm cán bộ Sở Thương binh Xã hội. Ông đưa gia đình theo. Tôi lấy vợ người Thanh Hóa, lên Hà Nội bươn chải làm ăn. Cái cảnh một chốn bốn quê làm tôi tất bật chẳng lo được chỗ nào trọn vẹn, đến nỗi ngày giỗ bà nội mà không nhớ!…

Làng Giành kia rồi! Tháp chuông nhà thờ Giành nhọn hoắt như cây thông cao vút. Tôi nhấn ga, chiếc xe bon nhanh. Con đường láng nhựa giữa cánh đồng mới gặt thơm nồng mùi rơm rạ. Lòng tôi nao nao. Thấy nhiều người lom khom gần bến sông Cô, tôi chậm xe nhìn, nhận ra bố tôi trong đám người ấy. Có lẽ mọi người đang tìm mộ bác Quang tôi?…

Hơn năm mươi năm trước, một đêm cuối năm, bác Quang tôi bị giặc Pháp tra tấn ở chân tháp chuông nhà thờ, rồi lôi ra bến sông Cô bắn. Mấy người xóm Bến chôn bác dưới gốc cây ruối, không có áo quan, chỉ phủ lên người bác mấy viên gạch. Cây ruối đã đã bị chặt lâu rồi. Những người chôn bác tôi, kẻ thì phiêu bạt, kẻ mất. Mấy chục năm nay hài cốt bác tôi vẫn lạc ở ven sông…

Đúng là bà con trong họ tôi đang tìm hài cốt bác Quang. Thấy vợ chồng tôi đến, mọi người ùa tới mừng rỡ. Bố tôi tỏ vẻ hài lòng, cười trách:

– Năm nay vợ chồng anh nhớ ngày giỗ bà nhỉ?

Tôi nháy vợ. Giờ mà hở chuyện đi tìm bố nhờ chạy điểm cho con thì rách việc. Tôi cầm chiếc thuốn, đứng vào hàng người tìm mộ. Khu vực bến Cô đã chăng dây chia lô, mọi người dàn hàng ngang, xăm hết chỗ này đến chỗ khác, từ ruộng đến bờ, chỗ nào cũng xăm. Mỗi lỗ xăm cách nhau khoảng gang tay, hễ nghe tiếng “kịch” là hồi hộp nín thở, rồi thắp hương khấn vái, để quả trứng gà luộc lên đầu chiếc đũa. Người ta nói nếu quả trứng đậu trên đầu đũa dựng đứng đến tàn nhang thì phía dưới ắt là hài cốt người thân. Mấy ngày qua xăm nát cánh đồng mà quả trứng chẳng chịu đứng yên trên đầu đũa. Nhưng mọi người vẫn không nản. Bố tôi nói:

– Trước khi mất bà nội trăn trở không nhắm mắt được vì chưa tìm được hài cốt bác Quang…

Mặt trời như trái hồng chín rơi xuống dòng sông Cô, nước ngũ sắc ánh lấp loáng. Tiếng chuông nhà thờ Giành ngân vang, tan buổi lễ chiều chủ nhật. Bố con tôi và bà con dung dăng kéo nhau về nhà thờ họ…

Dù chưa tìm được mộ bác Quang, đám giỗ bà nội tôi vẫn tổ chức linh đình. Vợ chồng anh Lập đánh xe con bóng lộn về, cả họ chạy ra đón mừng tíu tít.

Ngày bác Quang hy sinh, anh Lập mới lên năm. Bác gái gửi con cho bà nội và bố mẹ tôi nuôi. Vài năm sau bác gái cũng hy sinh. Năm anh Lập mười lăm tuổi, là con liệt sĩ, anh được nhà nước đưa sang Liên Xô học. Vợ anh là chị Dung cũng học ở Liên Xô, là con một cán bộ cao cấp. Bác Quang là hình ảnh thiêng liêng của dòng họ thời quá khứ. Anh Lập con bác là niềm tự hào của dòng họ thời hiện đại. Anh như tấm gương sáng để người trong họ soi. Con cháu có đứa nào làm điều gì khuất tất thì người lớn nói: “Mày còn dám nhìn anh Lập không?” Mỗi khi có chuyện hệ trọng, người trong họ đều hỏi ý kiến anh Lập. Anh là người học rộng hiểu nhiều.

Giờ đây, đối với tôi, việc “chạy” điểm cho con gái đầu vào đại học quả rất hệ trọng. Trong khi tôi trù trừ thì vợ tôi nhanh nhẩu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cô ấy thủ thỉ với mẹ chồng, mẹ tôi vì thương cháu đã nói nhỏ với bố tôi chuyện đó. Bố tôi nghe xong, mặt đỏ lựng. Ông không nói gì với vợ chồng tôi mà mời tất cả mọi người lớn bé già trẻ lại. Ông thắp ba nén nhang lên bàn thờ rồi hỏi:

– Mọi người có biết tại sao bên cạnh bài vị bác Quang lại có chiếc roi mây không?

Quả thật bây giờ tôi mới để ý đến cái roi mây dựng bên bài vị bác Quang. Tôi ngơ ngác nhìn chung quanh… Mấy người lớn tuổi tủm tỉm cười, tỏ ý biết nguồn gốc chiếc roi mây đó, còn hầu hết đều ngạc nhiên chưa hiểu.

Bố tôi chậm rãi kể:

– Giáp Tết năm 1946, anh Quang tôi về nửa đêm khuya. Quanh người anh ấy quấn một ruột tượng đầy nhẫn, lắc và dây chuyền vàng. Mẹ tôi hỏi: “Vàng ở đâu nhiều thế?” Anh Quang nói: “Vàng dân ủng hộ chính phủ đấy mẹ ạ. Cấp trên giao cho con mang số vàng này sang Lào để mua súng đạn đánh Tây” Rồi anh nói: “Hồi sáng tới giờ con chưa có miếng gì vào bụng. Nhà còn cơm nguội không bu?” Anh tôi thế đấy: Đeo một ruột tượng vàng mà nhịn đói. Tôi nhìn anh, nhìn cái ruột tượng đầy vàng mà cảm phục, rồi lại không tin…

Hôm đó anh Quang ăn hai bát cơm nguội rồi rúc vào ổ rơm ngủ. Lừa lúc anh ngủ say, tôi lẻn vào buồng bới cót thóc moi ruột tượng vàng giấu trong đó. Tôi trộm ba chiếc nhẫn – mỗi chiếc một chỉ, rồi mò sang nhà ông Khán Thủ đánh tổ tôm. Đến gà gáy tôi thua hết ba chỉ vàng ấy.

Hôm sau anh Quang nói với mẹ tôi: “Con đi lần này chắc lâu mới về. Bu ở nhà động viên thằng Chính tòng quân. Nó 17 tuổi rồi, ở nhà lêu lỏng lớ ngớ bị bắt đi lính ngụy thì khốn”. Mẹ tôi nói: “Ừ. Để bu lo” Rồi vào buồng lấy ruột tượng vàng mang ra cho anh Quang. Tôi dửng dưng không mảy may lo sợ vì nghĩ chả ai biết tôi ăn trộm vàng. Nhưng khi anh Quang cầm ruột tượng vàng quấn vào người, anh chăm chú nhìn chỗ thắt nút… Thì ra anh đã dán niêm phong vào đó. Đêm qua nhập nhoạng tối tôi không để ý. Thấy mất dấu, anh Quang biến sắc, vội cởi nút ruột tượng đổ vàng ra chiếu, tỉ mẩn đếm lại từng thứ… Tôi hồi hộp lo lắng, lại nghĩ một đống vàng thế kia mất ba chỉ có trời mới biết. Mà vàng của chính phủ chớ có phải của riêng ai? Anh Quang đếm đi đếm lại nhẫn, lắc, dây chuyền… Miệng lẩm bẩm: “Thiếu ba chiếc nhẫn vàng”. Tôi nghĩ anh Quang nói thế thôi, chắc không truy kẻ trộm đâu. Mấy nghìn chiếc nhẫn, mất ba chiếc ăn thua gì. Vả lại vàng của chính phủ chứ đâu phải của anh.

Không ngờ anh Quang bóp trán suy nghĩ rồi quay ra hỏi tôi: “Chú lấy ba chiếc nhẫn phải không?” Tôi ấp úng… Anh Quang nạt: “Phải không?” Tôi cúi đầu đỏ mặt: “Em trót!…” Rồi thú nhận đã lỡ dại trộm ba chiếc nhẫn vàng đánh tổ tôm thua hết rồi. Anh Quang gằn giọng hỏi: “Mày có biết đấy là vàng của ai không?” Tôi đáp: “Của… chính phủ…” Anh Quang quát: “Đó là xương máu của dân”.

Rồi anh đứng lặng, răng cắn chặt vào môi bật máu, nước mắt nhỏ từng giọt, từng giọt… Anh đùng đùng vào bếp lấy dao chặt sợi mây làm roi, chỉ mặt tôi dằn từng tiếng: “Làm người phải sống trong sạch nghe chưa?” Dứt lời anh quất thẳng chiếc roi mây vào người tôi. Mỗi phát roi anh hỏi: “Nhớ chưa?” Tôi đau điếng nẩy lên, buốt nhói! Roi mây dứt từng miếng thịt trên lưng tôi, máu phụt ra ướt đẫm. Tôi đau đớn quằn quại ngất đi… Khi tỉnh dậy tôi nghe tiếng anh Quang nói với mẹ: “Khi thầy còn sống, dạy con đói cho sạch rách cho thơm. Con theo Đảng, một lòng chí công vô tư. Ba chỉ vàng đó là xương máu của dân đóng góp cho chính phủ. Thằng Chính lỡ ăn cắp đánh bạc thua, gia đình mình phải bồi thường không thể thiếu một phân mẹ ạ!”

Ngay hôm đó, mẹ tôi bán bò mua ba chiếc nhẫn vàng bù vào số vàng tôi đã trộm. Anh Quang im lặng đắp vết thương cho tôi.

Trước khi ra đi anh lau nước mắt cho tôi và nói: “Từ nay đừng làm điều gì khuất tất em nhé?”.

Bốn năm sau anh Quang bị địch bắt khi đang làm Phó bí thư Tỉnh ủy phụ trách tài chính. Anh đã chấp nhận hy sinh chứ không chịu khai nơi cất giấu tiền bạc của Đảng.

Hơn năm mươi năm qua, tôi vẫn giữ chiếc roi anh Quang đã dùng để dạy tôi làm người tử tế. Chiếc roi còn kia”.

Bố tôi kể xong nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi xấu hổ chột dạ lỉnh ra ngoài… Vợ tôi đểnh đoảng, hay cố tình không nghe lời dạy và răn đe của bố chồng, tối hôm ấy cô ta lén gặp riêng vợ chồng anh Lập, dúi vào tay chị Dung cái phong bì đựng 1.000 đô la:

– Em mượn bạn bè được ngần ấy, anh chị thương cháu giúp em nhé?…

Chị Dung cầm phong bì nắn nắn rồi vứt xoạch lên bàn, cười nói với anh Lập:

– Vợ chồng nhà Tuấn đưa 1.000 đô la mua điểm cho con nó vào đại học đấy!

Anh Lập bỏ tờ báo đang đọc dở, quắc mắt hỏi vợ tôi:

– Sao chú thím lại dám làm thế?

Vợ tôi ấp úng:

– Dạ… em…

Anh Lập nghiêm khắc:

– Chú thím coi thường tôi quá đấy! Con chú thím cũng như con tôi. Năm nay nó chưa đủ điểm thì chịu khó ôn tập sang năm thi lại. Bày trò chạy chọt mua bán điểm là làm hư nó. Hiểu chưa?

– Em đâu dám mua bán… Chỉ nhờ anh chị giúp cháu… Tội nó quá!…

Chị Dung chua chát:

– Chú thím định bôi tro trát trấu vào mặt anh Lập và tôi chắc?

– Em… xin lỗi anh chị…

Anh Lập quát:

– Mau mang tiền về, kẻo cả họ nhổ vào mặt bây giờ!

Rồi cầm phong bì ấn vào tay vợ tôi. Vợ tôi xấu hổ ôm mặt khóc chạy ra khỏi ngôi nhà thờ Tổ.

Chuyện vợ chồng tôi đặt vấn đề mua điểm cho con gái ngay sáng hôm sau đồn ầm lên. Những người đi tìm mộ bác Quang túm tụm bàn tán, dè bỉu. Ông Khanh nói:

– Bố mới giảng đạo đức buổi sáng thì đến tối con cái đã làm thế! Nỡm thật!

Bố tôi nghe được, nói với tôi:

– Vợ chồng con trát bùn vào mặt bố rồi đấy!

Vợ tôi ấp úng:

– Con xin lỗi bố…

Bố tôi nói:

– Con là dâu bố không chấp. Nhưng thằng Tuấn thì bố phải trị vì không biết bảo vợ. Nó im lặng là ý cũng muốn như thế.

Sau đó bố tôi mời mọi người vào nhà thờ Tổ. Ông gọi tôi vào, bắt đứng trước bàn thờ. Ông thắp nhang khấn rành rọt:

– Thưa vong linh tổ tiên, thưa anh Quang: Con trai em là thằng Tuấn làm điều khuất tất không thể dung tha, xin anh cho em mượn chiếc roi để dạy nó làm người tử tế.

Bố tôi sụp đầu lạy ba lạy rồi đứng lên cầm roi mây chỉ vào mặt tôi:

– Từ nay phải sống cho sạch nghe Tuấn.

Dứt lời ông vung roi quất thẳng vào tôi. Chiếc roi phập vào lưng tôi buốt nhói! Tôi đau đớn và nhục nhã ê chề trước hàng chục cặp mắt họ hàng thân sơ. Có người xót, thông cảm, có người hả hê…

Giữa lúc đó vợ chồng anh Lập chạy vào, anh gỡ chiếc roi mây khỏi tay bố tôi, đỡ ông ngồi xuống ghế, rồi quay ra nói với mọi người:

– Lối sống thực dụng và kinh tế thị trường đã và đang tác động sâu sắc vào nhận thức tư tưởng mỗi chúng ta. Nó xâm nhập làm phá vỡ nền tảng đạo đức Cộng Sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chúng ta phải giữ vững bản lĩnh…

Anh Lập còn nói nhiều nữa, mọi người im phăng phắc nghe anh nói trơn tru như đọc bài giảng chính trị. Anh nhắc nhở mọi người trong họ tỉnh táo tránh xa mặt trái kinh tế thị trường. Mọi người nín thở, nuốt từng lời anh nói. Mỗi lời nói của anh như một nhát roi quất vào mặt tôi. Tôi ôm mặt nhoài người lách khỏi đám đông lôi theo cô vợ đang đầm đìa nước mắt. Vợ chồng tôi lủi ra sau, trốn về Hà Nội…

Dù vợ chồng tôi giấu, nhưng con gái tôi vẫn biết chuyện tôi bị đánh đòn. Nó nói:

– Tại con mà bố mẹ khổ! Xin bố mẹ đừng trách ông nội và vợ chồng bác Lập. Qua việc đó con rất tự hào vì họ hàng nhà ta!

Rồi con gái tôi viết thư thay mặt bố mẹ xin lỗi ông bà nội, hứa quyết tâm sang năm thi vào đại học không thiếu điểm. Nó cũng chạy sang xin lỗi vợ chồng bác Lập.

Những vết roi trên lưng tôi chưa lành thì một buổi sáng cuối mùa thi, tôi ngồi ở quán cà-phê đầu hẻm, bỗng nghe đứa trẻ bán báo rao to:

– Báo mới đây! Vụ bán điểm thi ở trường đại học T. đã được phanh phui… đây…

Tôi mua tờ báo, dán mắt vào hàng chữ in đậm mà thằng bé bán báo vừa chỉ… Tôi bàng hoàng không tin vào mắt mình: Giáo sư tiến sĩ Lập – Bí thư Đảng ủy kiêm chủ nhiệm khoa, và vợ là tiến sĩ Dung – trưởng phòng giáo vụ trường Đại học T. liên quan trực tiếp đến đường dây mua bán điểm thi vào trường, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng…

Thật vậy sao!? Vợ chồng anh Lập chẳng sạch sẽ đạo đức như bố tôi và mọi người trong họ tưởng, mà là ổ dòi bọ từ lâu rồi. Những lời nói như vẹt của anh Lập chỉ để lòe bịp những người thật thà, mê mẩn truyền thống gia đình như bố tôi. Vợ tôi nói: “Cứ đến anh Lập mua điểm” đâu có sai.

Vợ chồng Lập không bán điểm cho vợ chồng tôi vì chỗ “người nhà” không được giá cao, nhỡ có người biết được thì đúng là bôi gio trát trấu vào mặt. Độc địa hơn, anh chị ấy còn lợi dụng sự nôn nóng, ngay thật của vợ tôi để đánh bóng mình trước họ hàng…

Tôi giấu tờ báo, không muốn vợ con biết cái tin quá buồn này. Dù sao anh Lập cũng là ruột thịt.

Nhưng khi về nhà tôi thấy trên bàn của vợ tôi, cả trên bàn học của con tôi đã có hai tờ báo khác nhau đăng tin anh Lập chị Dung bán điểm thi…

Vợ tôi uất ức, giờ được dịp cạnh khóe:

– Anh gửi bài báo này về quê cho họ hàng, đưa lên bàn thờ mà vái. Để cạnh chiếc roi mây mà bố đánh anh đấy!

Đứa con gái của tôi thì nói giọng buồn tênh:

– Con thất vọng quá bố ạ!… Vậy mà năm nào vợ chồng bác Lập cũng đi tìm mộ ông Quang!…

Khuôn mặt ngây thơ trong sáng của con tôi tối sầm như bị đám mây đen che phủ.

Tôi cảm thấy đau đớn còn hơn bị ăn roi bố đánh. Thế là một vết roi vô hình đã quất vào tâm hồn trong sáng của con tôi!.

Năm nay, lại đến mùa thi!…

(Tác giả gửi BVB)

https://plus.google.com/+Tranhung90/posts/RpQ8x32bNZJ

Saigon xưa – BS Trần Ngọc Quang

Tôi lớn lên tại Sài Gòn, tại số 148 đường Colonel Boudonnet dọc theo đường rầy xe lửa, sau nầy đổi tên là Lê Lai tới nay, đường lấy tên của Đại Tá Théodore Boudonnet thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh Thuộc-Địa và Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh An Nam, tử trận bên Pháp hồi 1914. Mặt đất đường nầy thấp hơn các đường Frère Louis, Phan Thanh Giản và Frères Guillerault nên mỗi khi mưa lớn là đường bị ngập : “nhờ vậy” mà sau khi tạnh mưa, dọc theo bức tường ngăn đường rầy và đường lộ những con dế từ đất chui ra hang để khỏi bị ngộp, nên tôi đi bắt đến khuya mới về ít lắm là ba bốn con và thường bị mẹ tôi quở trách.

Sau khi “chạy giặc” hồi 1945 vì máy bay đồng minh oanh tạc nhà ga và đường rầy xe lửa để chận tiếp tế cho quân Nhựt, gia đình tôi trở về sống tạm trước Nhà thờ “Huyện Sỹ” đường Frères Guillerault và năm sau rồi dọn trở về lại hẻm 176/11 đường Colonel Boudonnet.

Nhà thờ Huyện Sỹ xây cất năm 1905, ông là người giàu có vùng Gò Công, tên thật là Lê Phát Đạt và là Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ của Hoàng Đế Bảo Đại. 2

Gần nhà thờ Huyện Sỹ có hai đường mang tên Frère nhưng nếu Frère Louis là để tưởng nhớ đến Thầy Louis Gaubert lập ra trường Tabert, đường Frères Guillerault (có chữ “S” sau Frères) là để tưởng nhớ đến hai anh em Roland và Léon Guillerault sinh trưởng tại Sài Gòn và tử trận trong Đệ Nhứt Thế Chiến bên Pháp.

Trong lúc “tản cư” tôi đi học lớp chót trường làng tại quận Hóc Môn và vì một sự tình cờ mà Ba tôi ghi cho tôi học tiếp miển phí lớp “Douzième” trường Chasseloup-Laubat, thay vì Petrus Ký như Ba tôi.”Trường Chasseloup” xây cất trong ba năm nơi rạp hát bội của Tả Quân Lê Văn Duyệt, lúc đầu mang tên Collège Indigène de Saigon, nhưng khi khánh thành năm 1877 thì đổi lại là Collège Chasseloup-Laubat và từ 1928 trở thành Lycée có nghĩa là luyện thi đến lớp Tú Tài, mang tên của Hầu Tước Justin De Chasseloup Laubat, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa dưới thời Napoléon III, người quyết tâm chiếm và giữ Nam Kỳ. Hồi 1946 quân đội Pháp mới trở lại Việt Nam nên ít có gia đình và trẻ con Pháp sống tại Sài Gòn nên dư giáo viên mà thiếu học trò ! Lớp 12è niên khoá 1946-1947 trai và gái học chung tại Collège Calmette gần đó, sau đó vài năm trường nầy đổi tên là Lycée Marie Curie cho đến ngày nay. Tôi còn nhớ lúc ra về tôi chạy nhanh ra cổng, không phải để tìm Ba tôi, thường người ra sở trễ và đi xe đạp từ “Toà Tân Đáo” (Sở Ngoại Kiều) ở đường Georges Guynemer dưới Chợ Cũ lên rước tôi, mà là để tranh thủ thời gian để cạo mủ cao su !

Thật vậy, giữa trung tâm thành phố Sài Gòn không hiểu ông Tây nào có ý kiến trồng cây cao su theo hai bên đường Jauréguiberry cho có bóng mát ? Bernard Jauréguiberry là một Đề Đốc Pháp đã đánh vào Đà Nẳng và chiếm thành Gia Định, về sau giữ chức Thượng Nghị Sĩ và Bộ Trưởng Bộ Hải Quân, mà tại sao lại đặt tên cho một đường nhỏ bên hông trường Calmette Nhưng dù sao đi nữa những cây cao su đó, sau khi lấy đá đập vào vỏ thì chảy ra mủ trắng rất nhiều. Tôi trét mủ ấy trên cập táp da của tôi rồi khi mủ khô thì cuốn tròn quanh một cục sỏi và ngày qua ngày trở thành một trái banh nhỏ.

Như vậy tôi thuộc vào thành phần “Nam Kỳ chánh cống” và “dân Sài Gòn một trăm phần trăm”, lớp tuổi gần 70 và và sống tại Saigon trong 34 năm. Những bạn lớn hơn tôi vài tuổi và những bạn gốc “Bắc trước năm mươi tư” mới biết tên đường cũ như tôi, các bạn khác ráng mà tìm các tên trong trang sau cùng ! Không phải tôi bị “tây hóa” nên không chịu dùng tên Việt Nam, nhưng các tên đường cũ đả khắc sâu vào trí nhớ tuổi thơ của tôi, hơn nửa lúc trẻ tôi hay tìm tòi trong tự điển Larousse coi ông nầy là ai mà họ đặt tên đường, sau thế hệ của chúng tôi, ít còn ai nhớ đến tên những con đường Sài Gòn năm xưa…

Mẹ tôi có thuê một cyclo để đi làm và đưa tôi đi học tại trường Chasseloup, “Chú Ba Xích Lô” mỗi ngày chạy ra phía nhà ga Sài Gòn theo đường Colonel Boudonnet, sau khi qua rạp hát Aristo, nay là New World Hotel, quẹo trái qua đường Chemin des Dames và băng qua đường Lacote (chớ không phải Lacotte, Moïse Lacote là cựu Trưởng Ban Hành Chánh vùng Gia Định và Giám Đốc Thuế Vụ Nam Kỳ vào năm 1896) hoặc theo đưòng Amiral Roze (người đã từng tấn công Nam Hàn) để đi thẳng tới đường Gia Long, tên của đường La Grandière vào khoảng ấy (Đề Đốc Pierre De La Grandière thay thế Đề Đốc Bonard là một trong những Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ, Ông tự động đi chiếm xứ Cambodge năm 1863 mà không có lệnh của Hoàng Đế Napoléon III và cũng chính Ông đã chiếm ba tỉnh miền Tây năm 1867 làm cho Cụ Thống Tướng Phan Thanh Giản phải đầu hàng và sau đó tự vận, dưới thời Đề Đốc De La Grandière Sài Gòn phát triển mạnh mẻ).

Chú Ba Xích Lô xuyên qua vườn “Bờ Rô” để có bóng mát rồi ra đường Larégnère, sau nầy là đường Đoàn Thị Điểm. Tôi không biết tại sao người ta kêu công viên đó bằng tên ấy, có thể là phiên âm của chữ “préau (sân lót gạch) nhưng theo học giả Trần Văn Xướng thì do Ông “Moreau”, tên của người quản thủ Pháp đầu tiên chăm nom vườn nầy; thuở trước các người lớn tuổi còn gọi là “vườn Ông Thượng”, có thể là vì trước kia Tả Quân Lê Văn Duyệt là người tạo ra vườn nầy. Dưới thời Pháp thuộc vườn “Bờ Rô” nằm trong khu đất của dinh Thống Đốc nhưng vào năm 1869 Phó Đề Đốc Hector Ohier, người thay thế Đề Đốc De La Grandière, cắt chia đất và tặng thành phố vườn nầy mang tên Parc Maurice Long. Mười năm sau đường Miss Cavell được tạo ra, lúc đó mang tên rue de la Pépinière, để biệt lập với dinh Thống Đốc mà sau nầy là Palais Norodom và sau 1954 trở thành Dinh Độc Lập rồi Dinh Thống Nhứt sau 1975. Cũng có thể tên “Ông Thượng” là Ông Ohier, có tên đường dưới chợ cũ, nhưng tới đời tôi chỉ gọi vườn đó là “vườn Bờ Rổ”, sau nầy mang tên vườn Tao Đàn. Ra vườn Bờ Rô gặp đường Chasseloup-Laubat rồi đi thẳng trên đường Larégnère, sau đó tới đường Testard : hai tên nầy ở gần nhau cũng đúng vì Trung Tá Bộ Binh Jules Testard và Thiếu Úy Hải Quân Etienne Larégnère, 31 tuổi (chớ không phải Lareynière hay Laraignère) tử vong cùng một trận đánh ác liệt tại Đồn Kỳ Hòa, ở vùng trường đua Phú Thọ, giữa lực lượng của Thống Tướng Nguyễn Tri Phương và Đô Đôc Victor Charner năm 1861. Ai cũng biết đường Chasseloup-Laubat, một đường chiến lược rất dài đi từ Chợ Lớn, từ đường 11è R.I.C (Régiment d’Infanterie Coloniale) đến Thị Nghè, sau 1955 đường nầy đổi tên là Hồng Thập Tự.

Đi thẳng đến đường Testard, chú Ba quẹo mặt và bỏ tôi xuống ở góc đường Barbé vì học sinh vào trường Chasseloup bằng cửa sau. Góc đường nầy sẽ liên hệ nhiều với tôi sau nầy khi tôi trở thành sinh viên y-khoa. Đường Barbé (chớ không phải Barbet ) có từ lâu và mang tên của Đại Úy Nicolas Barbé thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Pháp bị Ông Trương Định cho tên Nguyễn Văn Sất ám sát vào năm 1860 gần chùa Khải Tường, nơi vua Minh Mạng sanh ra năm 1791 lúc Nguyễn Ánh chạy lọan vào miền nam để tránh anh em Tây Sơn. Chùa nầy do Nguyễn Ánh sau khi trở thành vua Gia Long ra lệnh xây cất để tạ ơn Phật Trời đã che chở cho con trai là Nguyễn Phúc Đàm (vua Minh Mạng sau nầy), sau đó chùa được lập làm đồn chống Pháp nên bị lính Pháp phá dẹp hồi 1880, pho tượng Phật hiện còn lưu niệm trong Viện Bảo Tàng Sài Gòn, trong Sở Thú. Trên nền chùa bỏ hoang nầy về sau có cất lên một biệt thự lầu lớn kiểu âu-châu tại số 28 đường Testard mà Bà Bác Sĩ Henriette Bùi (con gái thứ ba của Ông Bùi Quang Chiêu) mướn lại của người chủ là một luật sư người Pháp làm dưỡng đường sản-phụ khoa vào thập niên 1940. Ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) là kỹ sư canh nông Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bên Pháp năm 1897 và bị Trần Văn Giàu (phong trào Việt Minh) ám sát cùng ba người con trai vào tháng 9 năm 1945. Còn Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sanh năm 1906 là người đàn bà Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp y-khoa bác sĩ tại Paris năm 1929, nay Bà đã 103 tuổi và hiện còn minh mẩn và sống tại ngoại ô Paris: Bà kể lại rằng vào năm 1943 nhà nầy được bán lại cho một người Do Thái tên là David chủ của nhiều biệt thự tại Sài Gòn; vào đầu năm 1945 chánh phủ Pháp trưng dụng nhà nầy và cho Bà thuê một biệt thự khác ở đưởng Blancsubé để dời dưỡng đường đến đấy. Tháng 3 năm 1945 Nhựt đảo chánh Pháp và tịch thu căn villa nầy, và khi Pháp trở lại thì trao cho Viện Đại Học Sài Gòn để rồi năm 1947 nơi nầy trở thành chi nhánh của Đại Học Y-Dược Khoa Hà Nội rồi năm 1954 thành Đại Học Y-Dược Khoa Saigon, nơi tôi được đào tạo trong sáu năm với GS Phạm Biểu Tâm làm Khoa Trưởng. Nơi đầy kỷ niệm nầy nay là Bảo Tàng chứng tích chiến tranh.

Lớn lên tôi đi xe đạp về một mình nhưng thích đi theo đường Testard hơn vì có bóng mát dưới hàng cây me, song song với đường Richaud (sau đổi lại đường Phan Đình Phùng) và thường ghé biệt thự số 6 đường Eyriaud des Vergnes (sau là Trương Minh Giảng) chơi với một bạn học cùng lớp, nhứt là vào mùa các cây trứng cá có trái. Ông Etienne Richaud là một Toàn Quyền Đông Dương hồi cuối thế kỷ XIX, còn Ông Alfred Eyriaud Des Vergnes người gốc Châteauroux là Kỹ Sư Trưởng Nha Công Chánh Nam kỳ (Cochinchine), Ông là một thần đồng tốt nghiệp trường Polytechnique tại Paris lúc 17 tuổi sau đó học trường Ponts et Chaussées, ra lệnh lấp kinh Charner, tạo hệ thống cống dài 7 km, cất 12 cầu theo “Kinh Tàu” (Arroyo chinois nối liền với rạch Bến Nghé chảy ra sông Sài Gòn). Ông Eyriaud Des Vergnes là người đầu tiên có ý lập ra đường sắt tại Việt Nam chạy lên Cambodge nhưng kế hoạch không thành, về sau nhờ Kỹ Sư Thévenet Giám Đốc Nha Công Chánh Nam Kỳ và sự hỗ trợ của Cố Vấn chánh phủ Paul Blanchy mà Việt Nam có đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho năm 1885. Hai người nầy cũng có tên đường và sau 1955 đổi lại là Tú Xưong (Thévenet) và Hai Bà Trưng (Paul Blanchy).

Sau khi qua đường Pierre Flandin (tên của một “đứa con” của Sài Gòn tuy sanh tại vùng Vaucluse và tử trận tại Noyon, tỉnh Oise, miền bắc nước Pháp vào năm 1917), đến cuối đường gặp rạp hát Nam Quang (nay vẫn còn), tôi quẹo trái ra đường Verdun (khoảng đó tên là đường Thái Lập Thành), đến ngã sáu Sài Gòn thì tôi lại đi qua đường Frère Louis để về nhà bằng đường d’Ypres cho vắng xe. Đường nhỏ nầy ở sau “Mả Lá Gẫm”, đúng hơn là của Ông Mathieu Lê Văn Gẫm, có bức tượng trong nhà thờ Huyện Sỹ, tử đạo thời vua Thiệu Trị vì bị hành hình lối năm 1847, mả đó nay vẫn còn nguyên tuy bị che khuất, và Ypres là tên một thành phố nhỏ bên vương quốc Bỉ, như thành phố Dixmude, nơi đã xẩy ra những trận đánh lớn hồi Đệ Nhứt Thế Chiến.

Đi xích lô mỗi ngày như vậy hoài cũng chán nên tôi thường đề nghị với Chú Ba đi về bằng ngả khác, thuở ấy đường phố ít xe hơn bây giờ vì Sài Gòn và Chợ Lớn không hơn một triệu dân cư. Tôi thích nhứt đi về nhà qua chợ Sài Gòn : Chú Ba tránh đường Mac Mahon (sau 1952 đoạn nầy lấy tên De Lattre de Tassigny và sau đó là Công Lý), đi đường Barbé và một đoạn đường Chasseloup-Laubat, rồi quẹo trái qua đường Miss Cavell với hàng cây cao bên hông Cercle Sportif Saigonnais (tên không phải viết Cawell hay Cavel : Edith Cavell là một nữ y-tá người Anh bị quân Đức xử bắn tại Bỉ vào năm 1915 lúc 50 tuổi vì giúp tù binh Anh, Bỉ và Pháp trốn qua Hòa Lan) để trổ ra đường Aviateur Garros rồi xuống chợ Sài Gòn, nơi bán nhiều trái cây (Roland Garros là phi công Pháp đầu tiên bay xuyên biển Méditerranée hồi 1913 và tử trận năm 1918).

Rồi cứ đi theo mãi đường d’Espagne (sau là Lê Thánh Tôn) vì vào 1859 quân lính Tây-Ban-Nha dưới quyền chỉ huy của các Đề Đốc Pháp đóng tại đó) để về Ngã Sáu (Phù Đổng) rồi về Colonel Boudonnet bằng ngã Amiral Roze. Đặc biệt Sài Gòn có rất nhiều tên đường mang tên các trận đánh thời Đệ Nhứt Thế Chiến (Boulevard de la Somme, Chemin des Dames, đường Verdun, đường Arras, đường Champagne, đường Dixmude, đường Douaumont, Quai de la Marne….) và tên các đề đốc Pháp vì dưới thời các vua Minh Mạng và Tự Đức tất cả quân Pháp đến Việt Nam bằng tàu thủy mà hai vị có tiếng nhứt là Charner và Bonard. Đô Đốc Léopold Victor Charner người vùng Bretagne, gốc Thụy Sĩ là Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân Pháp tại Đông Nam Á, ngưòi đã chiếm Nam Kỳ, còn Đề Đốc Adolphe Bonard (chớ không phải Bonnard ) là Thống Đốc đầu tiên của Nam Kỳ do hoàng đế Napoléon III bổ nhiệm vào năm 1861 dưói thời vua Tự Đức.

Vào cuối thế kỷ XIX kinh rộng nhứt của Sài Gòn là “Kinh Lớn” hay “Kinh Charner” đi từ sông Sài Gòn đến Tòa Thị Sảnh, có hai đường dọc hai bên : đường chạy xuống bờ sông là đường Rigault de Genouilly, đường chạy lên là đường Charner. Vì mùi hôi thúi người Pháp lấp kinh lại sau nhiều năm bàn cãi và khi “đường Kinh Lấp” thành lập thì đương nhiên lấy tên Boulevard Charner vào năm 1861 nhưng Ba tôi vẫn gọi là đường Kinh Lấp vào những năm 1930. Trước đó, có một kinh dẫn nước sình lầy chảy ra Kinh Tàu từ chợ Bến Thành (người Pháp gọi là Les Halles Centrales), theo Học Giả Vương Hồng Sển vì gần rạch Bến Nghé và gần Thành Gia Định, kinh đó mang tên kinh Gallimard. Thiếu Tá công binh Léon Gallimart có dự trận đánh Kỳ Hòa, và đào kinh nầy vào năm 1861 theo lệnh của Đô Đốc Charner. Kinh nầy sau khi lấp lại theo ý kiến của kỹ sư Thiếu Tá Bovet năm 1867 lấy tên là Đại Lộ Bonard, vì thế đường nầy mới rộng lớn như ngày nay. Lúc lấp kinh và bến đò họ thành lập một công trường lớn, đó là “Bùng Binh” trước chợ Bến Thành mà người Pháp gọi là Place Eugène Cuniac, tên của một Thị Trưởng Sài Gòn, nay vẫn còn tên Công Trường Quách Thị Trang, một nữ sinh thiệt mạng lúc biểu tình dưới thời Ngô Đình Diệm năm 1963. Trước Tòa Thị Xã Sảnh, ở góc đường Charner và Bonard cũng có một bùng binh nhỏ với nước phun lên tên là Place Francis Garnier, nay là công trường Lam Sơn, để tưởng nhớ đến một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phiêu lưu trên đất bắc và tử thương tại Hà Nội hồi 1873. Nhiều đường khác củng do lấp kinh mà ra như Boulevard de La Somme (rạch Cầu Sấu, sau nầy là đại lộ Hàm Nghi), đường Tổng Đốc Phương (hay Đỗ Hữu Phương), đường Pellerin (tên của một Giám Mục đã bênh vực công giáo Việt Nam nhưng khuyên lầm Đề Đốc Rigault De Genouilly lúc tấn công Đà Nẳng vào 1858) sau nầy đường Pellerin lấy tên là Pasteur.

Đường mà tôi thích nhứt, sang trọng nhứt và có tiếng nhứt Sài Gòn là đường Catinat, có trước khi người Pháp đến và mang tên một thuyền lớn đã bắn đại bác vào Đà Nẳng (chớ không phải tên của một Đề Đốc như nhiều người tưởng, thuyền “Le Catinat” lấy tên của Thống Chế Nicolas de Catinat, sống hồi thế kỷ XVII dưới thời Louis XIV). Nơi đó có rất nhiều tiệm sang trọng, đường phố sạch sẽ và có nhiều “Ông Tây” ngồi uống cà phê tại khách sạn Continental, lúc đó chưa có tiệm Givral và nơi đó là Nhà Thuốc Tây Solirène, thay thế Pharmacie Centrale. Sau nầy có thêm tiệm Brodard ở gốc đường Catinat và Carabelli, tên của một Nghị Viên thành phố. Tôi cũng có dịp vô nhà sách Albert Portail (nay vẫn còn dưới tên Xuân Thu từ 1955) và đi dạo trong Passage Eden vì trong cùng có rạp hát Eden, rạp nầy và rạp Majestic ở cuối đường Catinat là hai rạp chiếu bóng sang nhứt Sài Gòn vào thuở đó; đi chơi vậy chớ có tiền đâu mà mua đồ, nhiều lắm thì lấy vài tấm hình mà các ông phó nhòm chụp dạo lúc đi trước “Nhà Hát Tây”, cất theo kiểu Opéra bên Paris. Đường Catinat là đường tráng nhựa đầu tiên của Sài Gòn, khi mới tráng nguời ta kêu là đường “Keo Su” dài tới Nhà Thờ Đức Bà ; qua công trường Pigneau de Béhaine trước Bưu Điện có bức tượng Ông “Cha Cả” hay Evêque d’Adran dẫn Hoàng Tử Cảnh ra trình diện Louis XVI tại Versailles. Sau khi qua khỏi đường Norodom thì đường Catinat lấy tên của Cố Vấn chánh phủ và Nghị Viên Thị Xã Sài Gòn Blancsubé và tiếp theo công trường Maréchal Joffre với tượng đài chiến si tử vong trong Đệ Nhứt Thế Chiến là đưòng Garcerie với những hàng cây cao, sau nầy mang tên Duy Tân và công trường Quốc Tế hay “Hồ Con Rùa”.

Ba tôi có nhiều bạn người Tàu và thừờng vô Chợ Lớn chơi bằng xe lửa điện (tramway) mà người ta thường gọi là “xe lửa giữa” vì chạy giửa đường Gallieni, tới trạm gare de Nancy thì bạn của Ba tôi lên xe lửa đi cùng vì ở gần thành Ô Ma (Camp des Mares, sau nầy là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia). Tôi còn nhớ xe lửa giữa đó, với ghế cây theo kiểu của Métro xưa bên Paris, chạy thẳng theo đường Gallieni nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn. Ba tôi nói lúc trứớc nơi đây toàn là đất hoang và sình lầy, sau khi lấp bưng thành đường đất gồ ghề rồi khi Ba tôi xuống Sài Gòn học vào năm 1928 thì đường mới được tráng nhựa và năm sau điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều, một bên chạy lên một bên chạy xuống, đường rầy xe điện đặt trung tâm đại lộ, đến năm 1953 mãn hạn giao kèo khai thác mới dẹp. Đường nầy mang tên của Thống Chế lừng danh Joseph Gallieni chết năm 1916 nhưng phục vụ ngoài Bắc lúc còn Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh và sách vở ghi công Ông về tổ chức hành chánh tại Đông Dương. Tên của Ông viết với chữ “e” chớ không phải với chữ “é” vì là người gốc Ý Đại Lợi.

Xe điện chạy thẳng vô đường rue des Marins, qua khu Đại Thế Giới nay là khu Cát Tường và đường Jaccario (vì lúc trước pháo hạm “Le Jaccario” đậu gần đó trên “Kinh Tàu” hay Arroyo chinois trong Chợ Lớn, và chắc lính thủy lên bờ nhiều nên mới gọi là rue des Marins), ở góc đường có vũ trường Arc-En-Ciel, sau 1975 đổi tên là nhà hàng và khách sạn Arc-En Ciel Thiên Hồng, đến đường Tổng Đốc Phương thì quẹo qua trái mới đến Bưu Điện Chợ Lớn, nhà ga cuối cùng là Gare Rodier, tại Kinh Tàu.

Lúc còn ở đường Colonel Boudonnet tôi có nhiều bạn ở khu nhà thờ Huyện Sỹ và thường vô phía sau nhà thờ bắn “giàn thun” trên mấy cây soài nên bị “Ông Từ” rượt nhiều lần ! Ngoài đường Frères Guillerault trước nhà thờ, còn có đường Duranton và đường Léon Combes mà sau nầy đổi tên là Sương Nguyệt “Ánh”. Trung Sĩ Léon Combes là một đứa con của Sài Gòn ở Giồng Ông Tố bên Cát Lái tử trận năm 1917 tại Craonne, thuộc tỉnh Aisne vùng Picardie phía Bắc Paris. Tôi nhớ, vì học “trường tây” nên tôi thắc mắc và tự hỏi Bà nào mà mang họ Sương mà tôi tìm hoài trong sách vở không thấy ? Sau nầy tham khảo mới biết đó là tên bút hiệu của Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê (có sách nói là Nguyễn Xuân Khuê), con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu, người đàn bà đầu tiên làm Chủ Bút báo “Nữ Giới Chung” cho phụ nữ hồi 1918. Tuần báo nầy còn tên là Fémina Annamite và tòa soạn ở 13 đường Taberd, trong sách kể là Sương Nguyệt ANH (=Góa phụ Nguyệt Anh), nhưng tại sao hồi 1955 họ đổi tên đường Léon Combes thành Sương Nguyệt ÁNH ?

Về sau, gia đình tôi dọn về Chợ Lớn ở đường Lacaze, nay là đường Nguyễn Tri Phương, nổi tiếng vì “Mì La Cai”, đường mang tên của Đô Đốc Lucien Lacaze, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân từ 1915 đến 1917 hồi Đệ Nhứt Thế Chiến, nhưng chúng tôi ở khúc trên, gần gốc đường Pavie (nay là Lý Thái Tổ chớ không phải đường 3 tháng 2 vì dường nầy mới có vào lối 1957, lúc trước là trại lính) dẫn lên trường đua Phú Thọ. Khúc dưới đường mang tên ông Auguste Pavie (lừng danh trên đất Lào) dặc biệt rộng lớn và rất dài, có nhiều cây và bên trong có đường dành cho xích lô và xe đạp. Nếu đi từ Ngã Bảy xuống công trường Khải Định, từ giữa đường nầy đến đường Frédéric Drouhet sẻ thấy những biệt thự mà “Chú Hoả” cất cho con cháu ở (tên thường gọi của Jean-Baptiste Hui Bôn Hoả một triệu phú người Tàu tham gia với chánh quyền tặng thành phố Sài Gòn Policlinique Déjean De La Bâtie, tên của một bác sĩ tận tụy lo cho người Việt Nam, ngoài đường Bonard, sau nầy trở thành Bệnh Viện Đô-Thành), sau 1954 các nhà nầy dành cho Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế Đình Chiến ở và khúc đường nầy gọi là đường Hui Bôn Hoả.

Lúc đó đường Pavie có xe nhà binh pháp chạy nhiều vì có thành lính gần đó và tại khu đường Cây Mai, trước khi tới Phú Lâm. Khu đất từ đường Lacaze đến đường Ducos (sau đổi là đường Triệu Đà) là đồng mả, đường hẻm tôi ở trước một mả đá lớn, mới phá hồi tháng 11 năm 2004 : đó là mả có từ thế kỷ thứ XVIII của một người đàn bà lối 50 tuổi và quan tài thứ nhì chắc là của một người đàn ông, chỉ có vài nữ trang chớ không có vàng bạc chôn theo như người ta tưởng.

Từ đường Lacaze đi ra trường Chasseloup Laubat xa hơn, tôi phải đạp xe xuống Ngã Bảy, quẹo trái qua đường Général Lizé, rồi đạp thẳng hoài, qua khỏi đường Verdun đường nấy lấy tên Legrand De La Liraye. Qua khỏi trường nữ sinh Gia Long (hồi xưa gọi là Collège des Jeunes Filles Annamites, sau là Trường Aó Tím) và đến tận trường Marie Curie mới quẹo xuống đường Barbé. Đường Général Lizé là một đường chiến lược rất dài lúc trước gọi là đường Hai Mươi, đi từ Ngã Bảy Chợ Lớn, nối dài đường Pierre Pasquier, đến đường Albert Premier trên Dakao, lấy tên của Trung Tướng Lucien Lizé, xuất thân từ trường Polytechnique, Paris, Tư Lệnh Pháo Binh chiến trường Ý tử trận hồi 1918, có phục vụ bên Việt Nam lúc còn Đại Tá, còn Legrand De La Liraye là một trong những linh mục thông ngôn cho Đề Đốc Rigaud De Genouilly và trở thành Thanh Tra phụ trách về các hồ sơ giưã người Việt và chánh quyền bảo hộ. Sau 1954 đường nầy đổi thành đường Phan Thanh Giản, một vị anh hùng sáng suốt và can đảm của Việt Nam. Tiếc thay sau 1975 không còn đường nào trên mảnh đất Việt Nam mang tên anh hùng dân tộc nầy, cũng như không còn đường vào mang tên Lê Văn Duyệt và cũng không còn trường học nào mang tên Petrus Ký ! Cho tới nay tôi chưa thấy một học giả Việt Nam nào giỏi hơn Petrus Trương Vĩnh Ký, tuy vài “Sử Gia” buộc tội vị nầy nhiều điều vô lý, họ quên rằng công lao lớn nhứt của Ông Petrus Ký là truyền bá cho dân chúng sử dụng chữ quốc ngữ có từ Alexandre de Rhodes vào thế kỷ XVII thay thế chữ Nôm khó học và khó viết. Tôi nghe nói ở Vĩnh Long hiện nay có một trường học mang tên Phan Thanh Giản và vào tháng 11 năm 2008 rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn đang hát tuồng “Tả Quân Lê Văn Duyệt”, đó là điều đáng mừng vì những vị anh hùng các triều nhà Nguyễn phải được hồi phục.

Hồi thời Pháp thuộc cũng có những tên đường mang tên những anh hùng hay nhân tài Việt Nam như đường Paulus Của (Đốc Phủ Sứ Huỳnh Tịnh Của) trên Dakao, đường Tổng Đốc Phương (Đổ Hữu Phương) trong Chợ Lớn, đường Phủ Kiệt (Đốc Phủ Sứ Trần Văn Kiệt là Nghị Viên thành phố trên 25 năm), Hùynh Quan Tiên, Nguyễn Văn Đưởm trên Tân Định (cà hai là Nghị Viên Thuộc Địa và Nghị Viên Thành Phố), Nguyễn Tấn Nghiệm (Nghị Viên), và Trương Minh Ký, một trong những Nghị Viên đầu tiên của thành phố, ông nầy tên thật là Trương Minh Ngôn cháu bốn đời của Trương Minh Giảng, được ông Trương Vỉnh Ký đem về nuôi và đổi tên, cho đi Pháp học và là một trong những người sáng lập viên ra Trường Thông Ngôn (Ecole des Interprètes) nằm trong Tòa Án, nhờ làm thông dịch viên lúc Traité de Patenôtre năm 1884 nên được vô quốc tịch Pháp, người mất lúc 55 tuổi vì bệnh lao phổi.

Vị anh hùng Đại Úy phi công của quân đội Pháp, xuất thân từ trường Võ Bị Saint-Cyr và là cựu sĩ quan Lê Dương mang tên Đỗ Hữu Vị có tên trên một đường từ bùng binh chợ Bến Thành đến đường Charner, trước đó đường nầy mang tên Hamelin sau nầy đổi lại là Huỳnh Thúc Kháng. Đại Úy Vị là con thứ năm của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, sau khi học trung học tại trường nổi danh Janson De Sailly tại Paris, nhập học vô trường Saint-Cyr vào năm 1904. Trung Úy bên Bắc Phi, ông gia nhập vào binh chủng Không Quân vừa thành lập ; bị thương nặng Đại Úy Vị từ chối giải ngũ và trở về đơn vị Lê Dương và tử thưong tại mặt trận tỉnh Somme năm 1916. Hài cốt được người anh cả là Đại Tá Đỗ Hữu Chấn đem về chôn cất trong nghĩa trang gia đình tại Chợ Lớn.

Sài Gòn mất nhiều di tích ngày xưa, vì chiến tranh và vì sự thay đổi thời cuộc, tôi tiếc nhứt là hồi tháng ba năm 1983 đã sang bằng “Lăng Cha Cả”, có từ 1799 để lập một công trường mà chả thấy ai ngồi …. Hai người ngọai quốc đã ảnh hưởng Việt Nam nhiều nhứt là Alexandre de Rhodes va Pierre Joseph Pigneau de Béhaine, được dân Việt Nam biết dưới tên Bá Đa Lộc hay Evèque d’Adran, người đã giúp Nguyễn Ánh lên ngôi, đi với Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh qua triều đình vua Louis XVI để ký Hiệp Ước Versailles năm 1787. Tên thật là Pigneau, sau đó thêm vô sau tên ấp Béhaine của làng Origny-en-Thiérache mà gia đình có phần đất, thuộc tỉnh Aisne, trong vùng Picardie ở miền bắc nước Pháp. Vua Gia Long cất một ngôi nhà ở số 180 đường Richaud cho Bá Đa Lộc (nay vẩn là Tòa Tổng Giám Mục đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) và đọc điếu văn khi người mất năm 1799. Mộ ông người Sài Gòn gọi là Lăng Cha Cả là một trong những di tích xưa nhứt của Sài Gòn “ở Gia Định” vào thời Gia Long, sau nầy ở trước trại Phi Long trên Tân Sơn Nhứt. Cốt của Cha Pigneau de Behaine được đem về Pháp năm 1983 và chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Etrangères, rue du Bac tại quận XV Paris….