Tập San Tân Đại Việt – Số 6 – 2017 – Kỷ niệm ngày Quân Lực
Mục Lục
BS Mã Xái: Phong Trào Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam Trước Hiện Tình Đất Nước: Thách thức và Thuận Lợi
Cổ Tấn Tinh Châu: Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Nguyễn-Huy Hùng: Tim Hiểu về ngày Quân Lực VNCH 19-6
Wikipedia: Lịch sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa
tvbqgvn.org: Sơ Lược về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Người Lính Già: Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai
Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ: Vài nét về một anh hùng: Đại Tá Hồ Ngọc Cẫn
GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn – Những cuộc tranh đấu giữa các đoàn thể hợp quần của người
Trọng Đạt: Hòa Bình Danh Dự Và Sự Phản Bội Việt Nam
Đào Văn Bình: Nhật Ký Biển Đông
1.Ô. Trump Chọn Hoa Lục Hay Đông Nam Á?
2.Cơm Áo Đối Đầu Với Bảo Vệ Môi Trường
Từ Thức:
1.Chánh trị Pháp :một thời đại mới
2.Nhìn về Việt Nam
Nguyễn thị Cỏ May
1.Chừng Nào Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa Tiêu Vong?
2.Lớp Tàu trẻ ở Paris và Hội kín
Mai Thanh Truyết: Ngày Môi Trường Thế Giới 2017: Nối kết Người với Thiên Nhiên
Nguyễn Thượng Vũ: Trump và hiệp ước Paris về môi trường
Từ Thức: Khâu đít chuột
Phong Trào Dân Chủ Nhân Quyền- Việt Nam Trước Hiện Tình Đất Nước: Thách thức và Thuận Lợi – Bác Sĩ Mã Xái
Năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt mới trong công cuộc đấu tranh Dân Chủ Nhơn quyền trước hiện tình bất ổn về các mặt chánh trị kinh tế xã hội trong chế độ độc tài toàn trị CSVN, nằm trong bối cảnh của nền trật tự tự do thế giới đang bị tấn công trên mọi phía từ một Nga độc tài với tham vọng nắm lại quyền uy với các lân bang, đòi thiết lập một Trật tự Hậu Phương Tây ( Post Western Order), và bị tấn công bởi một cường quốc Trung Cộng đang trổi dậy không hài hoà với Giấc mộng Trung Hoa, và nhơn loại còn bị đại nạn “Khủng bố”của Quốc gia Hồi giáo (IS); thêm vào bức tranh u ám đó, chủ nghĩa dân tuý đang làm Liên hiệp Âu châu thêm suy yếu và nước Mỹ đang trong tình thế khủng hoảng chánh trị cũng vì Trumpism và vị thế siêu cường đang lung lay.
Trong thời đại toàn cầu hoá, các chuyển biến mọi nơi đều ảnh hưởng ít nhiều đến hiện tình Việt Nam nhứt là từ hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Cộng. Trái ngược với tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN cho rằng họ đang cải thiện nhơn quyền, các báo cáo đầu năm 2017 từ các tổ chức nhơn quyền quốc tế, các tổ chức quốc tế về tự do tôn giáo, tổ chức Ân Xá Quốc tế, Mang lưới Nhân Quyền Việt Nam, từ Văn phòng đặc trách Lao động, Dân chủ Nhơn quyền của bộ ngoại giao Hoa Kỳ đều vạch rõ CSVN tiếp tục vi phạm nhơn quyền trầm trọng và mức độ trấn áp vẫn theo chiều hướng gia tăng; trong khi Phong trào đấu tranh dân chủ nhơn quyền đang lớn mạnh và phát triển và biết tận dụng hữu hiệu công cụ truyền thông thời đại một cách sáng tạo ( Facebooks, live steam…) mở rộng không gian cho công cuộc đấu tranh một cách sống động và tạo thêm sự tin tưởng cho toàn dân trong ý chí xoá bỏ chế độ toàn trị, độc tài CSVN.
Thái độ lộng hành của CSVN trong việc đàn áp khốc liệt phong trào dân chủ nhơn quyền, trong những năm tháng gần đây có thể hiểu vì phe cánh Nguyễn Phú Trọng phải đối phó với nguy cơ mất đảng hoặc bể đảng vì vấn đề tự diễn biến tự chuyển hoá ngay trong lòng đảng và tác động của “diễn biến hoà bình” từ “thế lực thù địch “ của chế độ , và nguy hiểm hơn cho Trọng là từ bộ sậu của phe cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem như cánh cộng sản thân Mỹ, lại được Tây phương đánh giá có tinh thần cải cách, là điều mà Tập Cận Bình và đồng chí của y là Nguyễn Phú Trọng chống đối quyết liệt và cả hai dùng chánh sách” đả hổ diệt ruồi” nhằm loại trừ đối lập.
Mặt khác chánh sách lơ là với nhơn quyền dân chủ của TT Trump cũng gián tiếp khuyến khích các quốc gia độc tài công sản leo thang đàn áp, điển hình gần đây là sự bạo hành của công an CSVN trong cái chết khuất lấp, đầu bị cắt gần lìa cổ của tín đồ PGHH Nguyễn Hữu Tấn ngay trong phòng thẩm vấn . TT Trump đã từng tuyên bố với báo chí việc phát huy dân chủ nhơn quyền không phải là ưu tiên của chánh quyền ông; trong bài diễn văn nhậm chức(20/01/2017), ông không dấu diếm ”Hoa Kỳ sẽ không cố gắng ép buộc các tiêu chuẩn Mỹ lên các nước khác.” Nhưng việc tiếp tục tăng tốc trấn áp nhơn quyền, tôn giáo trước thượng đỉnh Trump-Phúc hôm 31/05 phải chăng là một thông điệp mang ý nghĩa thách thức của đảng CSVN để trắc nghiệm TT Trump? Vị tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ lại tỏ ra thân thiện tiếp đón thủ tướng Phúc như một lãnh đạo tầm cở tại White House, và ông Trump lại bằng lòng hơn khi thủ tướng Việt Nam đặt hàng trên 08 tỉ đô-la, điều này có thể tạo vài chục ngàn công ăn việc làm cho người Mỹ, trong khi ông Phúc chỉ nhận được lời hứa từ Trump việc thúc đẩy quan hệ song phương và việc khai triển Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu tư ,cũng như tăng cường đối tác toàn diện ( xem Tuyên bố chung Phúc-Trump ); không nghe ông Trump bàn đến hồ sơ nhơn quyền với Phúc dù các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhơn kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam(ngày 11/05) tại Điện Capitol đã khuyên ông Trump nên đặt điều kiện nhơn quyền khi gặp ông Phúc; dân biểu Chris Smith chủ tich nhóm dân biểu chuyên giám sát nhơn quyền quốc tế nói Hoa Kỳ nên ra “ điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ đáng kể (về nhơn quyền) về tự do tôn giáo , quyền của người lao động, tự do Internet, các quyền tự do dân chủ khác thì Hoa Kỳ mới mở rộng lợi ích thương mại hoặc bán vũ khí cho Việt Nam “Chúng tôi hi vọng chánh phủ Mỹ tìm cách để buộc Việt Nam trả tự do cho hơn 100 tù nhơn chánh trị tôn giáo…” Nhưng CSVN luôn nói Viêt Nam không có tù nhơn chánh trị mà chỉ có giam giữ những người phạm tội” lại còn khoe khoang CHXHCNVN có một hiến pháp tiến bộ nhứt về nhân quyền !!! Tuy vậy Hoa Kỳ tới bây giờ vẫn được mến mộ và kính trong vì các giá trị Mỹ là dân chủ, tự do, nhơn quyền nhưng khi nhơn quyền đem áp dụng bên ngoài thì nó tuỳ thuộc vào phương châm“Nước Mỹ Trước Hết”, chánh sách đối ngoại này vẫn như vậy qua các đời từ Bush,Clinton, Obama. Nhiều nhà lâp pháp Mỹ vẫn giữ được ngọn đuốc tự do,dân chủ nhưng mải đến cuối năm 2016, luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu mới được chào đời , và Obama lại trao cho TT Trump để thi hành! Do vậy, trong cuộc tranh đấu cho dân chủ nhơn quyền chúng ta không nên kỳ vọng vào hành pháp Hoa kỳ; cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài cộng sản Việt nam phải tuỳ thuộc vào ý chí của toàn dân, là việc của chúng ta. Công cuộc quốc tế vận ở Hoa Kỳ có thể trong cậy vào các nhà lập pháp mà cộng đồng hải ngoại đang đảm nhận . Chánh quyền Trump dường như đã quay lưng với giá trị truyền thống cốt lõi của nước Mỹ; đối với ông, mậu dịch và an ninh là ưu tiên.Từ sau Thoả thuận Thành Đô, CSVN ở vào vị thế như một chi bộ của đảng CSTQ và mức lệ thuộc 16 chữ vàng 4 tốt trở thành chiếc vòng kim cô càng ngày càng siết chặt , Hà nội trở nên hèn với giăc ác với dân, sẵn sàng đàn áp khốc liệt mọi cuộc biểu tình của nhơn dân chống Tàu xâm lược biển đảo…
Thêm một tội ác trời không dung đất không tha của CSVN là thảm hoạ môi trường Formosa gây nên do sự đồng loả của Hà Nội và Bắc Kinh , nhưng nhà cầm quyền lại thẳng tay đàn áp đồng bào chỉ ôn hoà đòi “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch” chẳng những cho đời sống trước mắt mà nhơn dân đã nhìn thấy âm mưu diệt chủng dân tộc Việt Nam của Tàu Cộng. Dưới cái nhìn của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch,trong cuộc trao đổi với VOA ngày 17/06/2017, cho biết những năm gần đây, ngoài cách dùng luật pháp mơ hồ về an ninh quốc gia để kết tội những ai đi ngược lại đường lối nhà nước, một chiến thuật đàn áp kiểu mới là CSVN càng ngày càng gia tăng dùng bọn côn đồ tấn công những nhà hoạt động, họ hợp tác với công an hoặc hành động riêng rẻ.
Trước các phương thức đàn áp cực kỳ nham hiểm và tinh vi, man rợ của nhà nước, phong trào phát triển đến nay đã có trên hai ba chục tổ chức, nhưng khó bề kết hợp; tình hình đáng lạc quan hơn cho cuộc đấu tranh là có sự tham gia của giới trẻ, thanh niên, sanh viên ,đây là thành phần rất quan trọng rất sáng tạo , năng động và nắm vững kỷ thuật truyền thông hiện đại đang được áp dụng vào phương thức đấu tranh .Theo báo cáo của ông Phil Robertson, cho biết hiện nay các quyền cốt lõi của con người vẫn bị đe doạ tại Việt Nam ( bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do lập hội); nhà cầm quyền nhắm vào các nhóm người có khả năng khuấy động công luận, cho côn đồ sách nhiểu hành hung và bắt bớ xếp vào tội danh hình sự; “Đáng ngại nhất là các vấn đề đang tiếp diễn liên quan đến các quyền dân sự và chánh trị căn bản của công dân. …” ( nguồn :trích từ VOA ngày 17/06/2017 “ Nhân quyền Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump”).
Quả thực truyền thông hiện đại như Internet, Facebooks, livestream là công cụ có vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh hiện nay, giải quyết một số khó khăn,thách thức mà Phong trào dân chủ đã gặp phải trước kia. Xử dụng kỷ thuật live steam trong công tác tuyên truyền, vận động, tranh luận : Trao đổi nhận thức về nhân quyền, dân quyền cho người dân cả nước, chia xẻ đường lối đấu tranh ôn hoà bất bạo động , phản biện kịp thời đường lối chủ trương nhà nước đi ngược lại lợi ich của người dân ; và vạch trần bộ mặt xấu xa của họ, lâp danh sách cán bộ các cấp vi phạm nhân quyền và tham nhũng chẳng những cho toàn dân biết, mà còn thông báo cho thẩm quyền quốc tế ( thí dụ cho cơ quan thi hành đạo luật Magnitsky ), qua phương tiện truyền thông giới trẻ và đồng bào cả nước nhận ra ưu điểm của xã hội tự do dân chủ Miền Nam , của VNCH ; Phong trào dân chủ trong nước phối hợp với hải ngoại qua nhiều kinh , trao đổi đường lối đấu tranh, trao đổi quan điểm về hiện tình đất nước trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữ các cường quốc Mỹ-Trung trong một thế giới luôn biến chuyển và bất ổn.
CSVN lệ thuộc mọi mặt chánh trị, kinh tế, chánh trị vào Trung Cộng nhưng lại là chỗ dựa khá tin cậy cho Hà Nôi, thêm vào đó nền bang giao Việt Mỹ không còn tuỳ thuộc vào thành tích nhơn quyền khi vị tổng thống tỷ phú Donald Trump bước vào Nhà Trắng, điều này giúp Nguyễn Xuân Phúc rảnh tay đàn áp các nhà hoạt động dân chủ. Tuy vậy những hoạt động của phong trào trong thời gian qua và hiện tại đã đạt được kết quả khá tích cực và hiệu quả như trên đã trình bày, khiến Nguyễn Phú Trọng rất lo âu về “hậu quả không lường “ do “tình trạng suy thoái “tự diễn biến” “ tự chuyển hoá” cộng hưởng với hiện tượng “diễn biến hoà bình”, trong đó có vai trò tác động của truyền thông ; Phong trào cũng đã góp phần thúc đẩy cuộc tranh chấp quyền lực của phe cộng sản giáo điều thân Trung Nguyễn Phú Trọng và phe “cộng sản cải cách” thân Mỹ , cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu.
Nhưng vấn đề nóng bỏng là liệu Phong trào dân chủ chừng nào đủ mạnh để cùng nhơn dân vùng lên làm cuộc nổi dậy xoá bỏ chế độ độc tài toàn trị ? Những thách thức của nền kinh tế rệu rã, tình trạng tranh chấp quyền lực nội bộ giữa cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam , một xã hội bất ổn đưa đến bạo loạn là hội chứng báo nguy cho sự lung lay đưa đến sụp đổ của chế độ.
Ai sẽ là người cứu nguy nền kinh tế trên bờ vực thẩm, nợ công vượt trần , ngân sách cạn kiệt ? Tập Cận Bình hay Trump ? Chờ xem; Trump đã rút ra khỏi TPP, làm Hà Nội thất vọng không ít; hiệp định song phương Mỹ Việt có thể sẽ được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhưng nếu Việt Nam bị đưa trở lại danh sách CPC thì tương lai hiệp định mậu dich song phương có bề bị ngăn trở, và việc tiếp cận tín dụng từ các định chế tài chánh quốc tế (WB,IMF, ADB, ) có bề khó khăn mà nợ nay đã đáo hạn . Nhưng ai cũng đoán được là Trump sẽ không áp lực Hà Nội về thành tích nhơn quyền, sau khi Phúc đã đăt chử ký đặt hàng Mỹ trên 08 tỷ USD.! Còn về phương Bắc, Trọng đã ký 15 văn kiện bán nước cho Tập vào đầu năm 2017, nhưng tới nay Hà Nội chưa nhận được chút viện trợ nào!
Trong mặt trận tranh chấp quyền lực, Nguyễn Phú Trọng dường như ổn định được chiếc ghế tổng bí thư cho hết nhiệm kỳ, ông có vẻ đã kiểm soát được hai cột trụ chống đỡ chế độ là công an và quân đội , ông ta kêu gọi sự trung thành tuyệt đối với đảng , ông Trọng loay hoay lo trấn áp dứt điểm phe đối lập 3X và đẩy mạnh khống chế các nhà hoạt động cho dân chủ, cho nhơn quyền, cho tự do tôn giáo, các nhà bất đồng chính kiến.
Tình trạng xã hội đầy bất ổn, hố sâu giàu nghèo mở rộng, tham nhũng làm mờ mắt của giới cầm quyền , cấu kết với ngoại bang làm giàu phi pháp bất kể sự sống còn dân tộc, điển hình là thảm trạng môi trường Formosa khiến đồng bào phải đứng lên đòi quyền sống.
Mồi lửa cho cuộc nổi dậy từ Formosa , sau đó là Đồng Tâm , và gần đây từ Miền Tây với cái chết khuất lấp của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn ngay trong đồn công an cần được Phong trào dân chủ nhân quyền nuôi dưỡng , khai thác và tiếp tục cuộc đấu tranh, thúc đẩy sớm kết thúc quy trình sụp đổ. Nhìn chung với nhiệm kỳ Trump, công cuộc đấu tranh có chiều hướng bất lợi và phải đối phó nhiều thử thách cho dân chủ Việt Nam. Nhưng công việc giải phóng dân tộc ta khỏi ách độc tài công sản toàn trị tuỳ thuộc vào ý chí của toàn dân : vai trò chủ lực là quốc nội; hải ngoại có nhiệm vụ yểm trợ ; vận động sự hổ trợ quốc tế trong thời đại toàn cầu hoá là cần thiết.
Hiện tình dấu tranh trong nước cho ta hi vọng một cuôc cách mạng sẽ không còn xa. Muc tiêu cuộc đấu tranh là xây dựng một Việt Nam tự do dân chủ pháp trị, độc lập, chủ quyền và sự toàn ven lãnh thổ.”Cộng sản không thể nào sữa chữa, mà cần phải đào thải nó”( Boris Yelsin).Chúng ta không chủ trương hoà giải hay hoà hợp với cộng sản. Chánh nghĩa phải thành công.
(19/06/2017)
Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – Mũ xanh Cổ Tấn Tinh Châu
Ngày quan trọng của đất nước Việt Nam đã đến, đó là ngày 19 tháng 6, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một ngày thiêng liêng, là biểu tượng cho khí phách anh hùng của các thế hệ cha anh, những người đã chung vai sát cánh bên nhau ngoài tiền tuyến chống xâm lăng và những người đã làm việc với cả tấm lòng ở hậu phương để bảo vệ Tổ quốc. Ngày mà hầu như ở mọi nơi trên thế giới, chúng ta những người Việt tỵ nạn cs đều tổ chức Ngày Quân Lực, đồng thời tưởng nhớ và cầu nguyện cho các chiến sĩ và đồng bào đã vị quốc vong thân, hy sinh cho chính nghĩa Quốc Gia.
Ngày Quân Lực, khẳng định, các chiến sĩ đã hy sinh trên các chiến trường để bảo vệ đất nước đã mở ra con đường đến an bình và hạnh phúc cho dân tộc. Lễ Ngày Quân Lực cũng là để khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, tạo sự thống nhứt ý chí cho toàn quân và toàn dân.
Thưa các chiến sĩ VNCH thương mến!
Các anh là nhân vật chính của lễ Ngày Quân Lực hôm nay. Sự hào hùng của Quân Lực VNCH, gồm cả sự đóng góp của các chiến sĩ có mặt tại đây đã dũng cảm chiến đấu cùng với hàng ngàn anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đất nước, duy trì hạnh phúc cho toàn dân và phất cao lá cờ Vàng tung bay ngạo nghể . Với ý chí của lòng yêu nước, là động lực thôi thúc các anh đã lập những chiến công hiễn hách. Các anh là biểu tượng của sức mạnh, của ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường. Chúng tôi ngưỡng mộ và xin được chia xẻ phần hãnh diện và tự hào với các anh.
Suốt cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản phương bắc, các anh luôn có mặt mọi lúc mọi nơi để chiến đấu cho tự do dân chủ bằng chính xương máu của mình, ròng rã hơn 20 năm trời như Bắc Phạt năm 1965, Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lữa 1972, Hoàng Sa 1974 v.v..Các chiến sĩ đã chống giữ giặc thù với tinh thần dũng mãnh gấp nhiều lần trong tâm thế của người bị xâm lược, đã làm rực sáng ý chí chiến đấu và sức mạnh của QLVNCH.
Ngoài chiến trường, các anh đã đem tuổi thanh xuân với quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc, với ý chí “ một lần ngã xuống, nhìn anh em đứng lên giương cao ngọn cờ Vàng”, viết thành khúc quân hành bất diệt, góp phần xứng đáng làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc. Có biết bao anh linh đã ở lại nơi nào đó trên những chiến trường khốc liệt, có biết bao lời hẹn ước mãi mãi không thành…? “ Các anh đi đã lâu rồi. Đó là những con người vĩ đại đã cùng với “hồn thiêng sông núi” làm nên vóc dáng của đất nước Việt Nam.
Chúng tôi đã nợ các anh nhiều lắm, các anh đã tạo nên cuộc sống ấm no cho đồng bào Miền Nam.” Biết bao anh hùng đã đi trọn đường trần bằng tất cả gian nguy trong cuộc chiến chống xâm lăng với một ước mơ chưa thành. Trong đó có những chiến sĩ đang tuổi mơ ước, đã ôm những ước mơ, hoài bảo, những khao khát của tuổi trẻ bước vào giấc ngũ ngàn thu, để đổi lấy sự tự do dân chủ cho đất nước, dân tộc có được cuộc sống an bình thịnh vượng. Họ như những vì sao sáng trên bầu trời, như những cây cổ thụ cắm rễ sâu xuống đất để giữ từng tấc đất tấc biển cho chủ quyền của đất nước Việt Nam. Đó là các chiến sĩ đã sống anh dũng, chết vẻ vang. Tấm gương chiến đấu và sự hy sinh của họ là “tấm lòng son gửi lại cho dân tộc”, đời đời sáng rực mãi, trường tồn cùng sông núi. Các anh đã coi gian nan, nguy hiểm là “nợ anh hùng phải trà” nên đã dấn thân đương đầu với mọi thử thách ngoài chiến trận, và cũng sẵn sàng nằm gói thân thiên thu trong chiếc poncho. Họ là nam nhi của thời loạn, là người trai nước Việt có chí anh hùng. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì sự an bình thịnh vượng của đất nước. Các anh mãi mãi là những con người bất tử trong lòng chúng tôi hôm nay và những thế hệ mai sau. Sự hy sinh của các anh đã tô thêm sắc thắm cho lá Quốc Kỳ , cho sự toàn vẹn của tổ quốc, cho cuộc sống luôn được xanh tươi trên đất nước Việt Nam…. Đây là những chiến sĩ mà chúng ta chỉ cò thể nghiêng mình để tôn vinh và ca ngợi.
Ngày nay cuộc chiến đã đi qua nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những hiến dâng cho Tổ Quốc, mỗi tấc đất của quê hương đất nước đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để chúng tôi, những người Việt Nam đã được sống trong ấm no và hạnh phúc. Giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đoàn kết lại, tin tưởng với nhau, hành động cùng nhau, để trở thành một sức mạnh chung có khả năng đập tan mọi mối đe dọa cho cộng đồng người Việt tỵ nạn CS.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, họ đang khao khát và tự hào để nối bước thế hệ đi trước, quyết tạo ước mơ thành hiện thực. Lịch sử nước Việt Nam đã từng dành những trang sử sáng chói cho tuổi trẻ; và tiền đồ xán lạn của dân tộc đang chờ đón bàn tay xây dựng của thế hệ tương lai. Hồn thiêng sông núi luôn nhắc nhở chúng ta, những ai hiện diện tại đây đừng bao giờ quên thảm cảnh của ngày 30/04/1975 để cùng góp sức đấu tranh cho một ngày cờ Vàng rực rở trên khắp đất nước Việt Nam.
Chúng tôi xin gởi những tình cảm thân thiết, kính trọng và biết ơn đến các gia đình tử sĩ và thương phế binh.
Dân tộc Việt Nam hào hùng muôn năm!
19 tháng 6-2017
Tìm Hiểu về ngày Quân Lực VNCH 19-6 – Nguyễn-Huy Hùng – (K1 Trường VBQGVN)
Cả gia đình Tôi tới định cư tỵ nạn Cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ, vào đầu tháng 8 năm 1992 theo diện H.O.10 (Humanitarian Operation), đến nay 2015 tính ra cũng được hai mươi hai năm rồi. Các cháu nội, cháu ngoại của Tôi đã tiếp theo nhau vào Đại học. Có người đã tốt nghiệp và đã đi làm, có người còn đang tiếp tục học nửa chừng, có người sắp sửa hết chương trình Trung học, có người mới vào Tiểu học. Bạn bè của các cháu, có người là Hoa Kỳ chính gốc da trắng, cũng có người là Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ hay gốc các sắc tộc khác, đến nhà chơi trong những dịp Lễ hoặc kỷ niệm sinh nhật, biết Tôi là cựu Sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa, nên thường đưa ra những câu hỏi rất đơn giản và thành thật, yêu cầu Tôi giải thích cho họ rõ về 2 điểm mà họ thường thắc mắc sau đây:
1.- Ngày Quân Lực 19 tháng 6 là ngày kỷ niệm của Quân đội nước nào vậy?
2.- Việt Nam Cộng hoà đã tan rã không còn, tại sao các Ông vẫn hàng năm tổ chức ngày kỷ niệm Quân lực làm chi vậy?
Tôi đã trả lời cho những người bạn của các cháu, một cách tổng quát đơn giản cho qua truyện. Nhưng họ không chịu, nhất định yêu cầu Tôi phải soạn ra những câu trình bầy chi tiết hơn, để họ có thể dựa vào đó giải thích cho các bạn khác cũng thường thắc mắc muốn tìm hiểu như họ. Vì thế, Tôi đã phải cố gắng vận dụng trí nhớ, cũng như tham khảo các ngày tháng năm chính xác trong 3 cuốn sách dưới đây, để soạn thành một tài liệu hướng dẫn đơn giản, nhưng tạm đầy đủ để làm vui lòng họ. Các sách ấy là:
1.- Bộ Quân sử Quân đội Việt Nam, Quyển IV, nói về Quân lực Việt Nam Cộng Hoà giai đoạn hình thành 1946 -1955, do Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH sưu khảo, biên soạn và phổ biến ngày 6 tháng 8 năm 1972 tại Saigon.
2.- Việt Nam Niên biểu 1939-1975, Tập A và Tập B, của Chánh Đạo, do nhà xuất bản Văn Hoá phát hành năm 1996 tại Hoa Kỳ.
3.- Việt Nam Niên biểu Nhân vật chí, có ghi gần 900 tác nhân lịch sử cận đại từ 1848 tới 1975, cũng của Chánh Đạo, do nhà xuất bản Văn Hoá phát hành năm 1997 tại Hoa Kỳ.
Những điều Tôi trình bầy được gói ghém trong 3 mục chính sau đây:
I.- Vì sao có Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)?
II.- Vì sao chọn 19 Tháng 6 làm NGÀY QUÂN LỰC?
III.- Những kỷ niệm khó quên của riêng Tôi về ngày Quân lực VNCH.
Nay thấy nhiều Hội đoàn đã tổ chức các Đoàn Hậu Duệ, để hướng dẫn các thế hệ trẻ nhập cuộc hoạt động thay thế các Thế hệ Cha Ông tiếp tục công cuộc đấu tranh hỗ trợ cho đồng bào Việt Nam ở trong nước vùng lên lật đổ bạo quyền Việt Cộng, giành lại Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, Bình đẳng cho mọi người. Do đó, Tôi thấy cũng là một việc làm rất hữu ích là nhờ các cơ quan truyền thông tiếp tay phổ biến rộng rãi tài liệu này, để bất cứ ai muốn tìm hiểu về NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ 19 THÁNG 6, đều có sẵn tài liệu xử dụng mỗi khi cần đến, đỡ tốn công mất thì giờ tìm tòi sưu tập.
Với tuổi già, bệnh hoạn, trí nhớ bị suy yếu vì 13 năm chịu cảnh tù đầy lao động khổ sai trong các trại cải tạo của Việt Cộng sau 30-4-1975, nếu có điều nào ghi lại bị thiếu sót thì mong quý vị độc giả còn minh mẫn bổ túc giùm, Tôi chân thành cảm tạ.
I.- Vì sao có quân lực Việt Nam Cộng Hòa
11.- Quan niệm chung về nhu cầu cần có Quân Lực.
Khi có một tập thể đông đảo người cùng chung nguồn gốc, hoặc nhiều Sắc tộc khác nhau nhưng sống bên nhau hoà thuận, theo cùng một chí hướng ước vọng giống nhau, đồng tâm hiệp lực sản xuất phát triển, để cùng có một cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày một tân tiến hơn, thì nhóm người đó đương nhiên trở thành một DÂN TỘC và gọi nhau là ĐỒNG BÀO.
Khoảng KHÔNG GIAN trên Trái Đất mà Dân Tộc đó chiếm giữ và làm chủ, cũng đương nhiên được coi là LÃNH THỔ QUỐC GIA riêng của họ, không một Dân tộc nào khác được quyền xâm phạm, giành giật.
Trong cuộc sống tập thể đông đảo như vậy, nhu cầu duy trì trật tự bảo vệ an toàn cá nhân cho mọi người trong nội bộ Quốc gia, cũng như chống lại các THẾ LỰC NGOÀI DÂN TỘC muốn xâm lấn, uy hiếp, trấn lột cuộc sống bình an của Dân Tộc mình là cần thiết, nên đương nhiên cần phải có một lực lượng chuyên nghiệp võ trang hùng mạnh gọi là QUÂN ĐỘI hay QUÂN LỰC để chuyên lo.
Vì khoảng Không gian 3 chiều của mỗi Quốc gia gồm có: phần ĐẤT, phần TRỜI, và phần BIỂN, do đó muốn bảo vệ được hữu hiệu thì Tổ chức Quân đội cũng phải có đủ 3 loại Quân Chủng chuyên biệt khác nhau là: LỤC QUÂN, KHÔNG QUÂN, và HẢI QUÂN, để có thể hỗ tương nhau điều hành cuộc chiến tùy theo nhu cầu của mỗi hoàn cảnh tình huống khác nhau.
12.-Bối cảnh nào Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được thành lập?
Suốt 61 năm, nước An-Nam bị Thực dân Pháp đô hộ (sau 1945 khi giành lại được Độc lập tên nước mới gọi là Việt Nam), các Triều đình nhà NGUYỄN kế tiếp nhau không được phép có Quân đội riêng, chỉ có Lực lượng Cảnh vệ trang bị vũ khí thô sơ gọi là LÍNH LỆ, LÍNH DÕNG, chuyên canh gác các Dinh thự, bảo vệ an ninh, hầu hạ Vua và các Quan chức trong Triều đình. Tại các Phủ, Huyện hành chánh thống thuộc Hoàng Triều có LÍNH CƠ. Trực thuộc các phủ Thống Sứ (Bắc Kỳ), Khâm Sứ (Trung Kỳ) và Thống Đốc (Nam Kỳ) có lực lượng địa phương mà tại Bắc Kỳ là các đơn vị Lính Khố Xanh. Lực lượng chính quy của Phủ Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là các Trung Đoàn Bộ Binh hoặc Pháo Binh Thuộc Địa (Regiment d’Infanterie ou Artillerie Coloniale) thường được gọi là Lính Khố Đỏ.
Sau khi Thế giới Đại Chiến II chấm dứt, Việt Nam giành lại được Độc lập cho Quốc gia thì Quân đội Quốc gia Việt Nam mới được thành lập.
Trên lãnh thổ Việt Nam, vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 3 năm 1945 (hai ngày sau khi quân Nhật lật đổ Pháp nắm toàn quyền cai trị Đông Dương), Vua Bảo Đại được Vua Nhật giúp tái lập Quốc Gia Việt Nam Độc Lập (thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam) trong Khối Đại Đông Á do Nhật chủ xướng. Ông Trần Trọng Kim đã được Vua Bảo Đại cử làm Thủ Tướng thành lập chính phủ điều hành Quốc gia, và ban bố chương trình hưng quốc vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó quy định Quốc Kỳ là cờ Quẻ Ly, nền vàng giữa có biểu tượng Quẻ Ly mầu đỏ nằm dọc theo bề dài nền cờ (2 vạch dài liền, nằm song song 2 bên 1 vạch đứt quãng chính giữa, trông như chữ CÔNG của Hán tự). Quốc Ca là bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân.
Việt Nam minh châu trời Đông!
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng!
Non sông như gấm hoa uy linh một phương,
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi,
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Máu ai còn vương cỏ hoa,
Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.
Giơ tay cương quyết, Ta ôn lời thề ước.
Hy sinh tâm huyết, Ta báo đền ơn nước.
Dầu thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam,
Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.
Khoảng 5 tháng sau, quân Phiệt Nhật đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Liên Hiệp Quốc cử các lực lượng quân sự của Trung Hoa Dân Quốc và Anh Quốc vào lãnh thổ Đông Dương để giải giới quân Nhật, và tiếp giúp cho các Dân tộc bản Xứ (Annam, Lào, Cao Miên) tái lập Quốc gia độc lập thoát khỏi ách đô hộ của Pháp.
Rồi vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 (hai ngày sau khi Vua Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh do Hoa Kỳ lãnh đạo), các đoàn thể Công chức và quần chúng Việt Nam họp mít tinh trước Nhà Hát Lớn tại Hà nội, để ủng hộ ông Trần Trọng Kim tiếp tục làm Thủ Tướng, nhưng đã bị nhóm Việt Minh của Hồ Chí Minh trà trộn vào lèo lái biến thành cuộc xuống đường đòi Chính phủ Trần trọng Kim từ chức. Đồng thời, nhóm Hồ Chí Minh và Việt Minh cũng đưa người vào Huế làm áp lực buộc Vua Bảo Đại phải thoái vị, để nhường quyền cho nhóm Việt Minh thành lập các Ủy ban Nhân dân Cách mạng thay thế các tổ chức hành chánh của Chính phủ Trần trọng Kim.
Sau đó phe Việt Minh Cộng sản của Hồ Chí Minh vận động các Đoàn thể chính trị Quốc gia không theo Cộng sản hoà hợp với chúng để thành lập chính phủ Liên Hiệp điều hành đất nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp đại diện đứng ra tuyên bố NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HOÀ ĐỘC LẬP, không còn lệ thuộc vào Pháp nữa.
Nhưng đến ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh lại lợi dụng danh nghiả Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp, phản bội Tổ Quốc Việt Nam bằng cách ám muội ký với Saintenay (Đại diện Pháp) đang sống tại HàNội, Bản Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-1946, chấp nhận cho Pháp đổ quân lên trấn đóng tại nhiều Thành phố lớn tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam kể cả HàNội, sau khi Pháp đã chiếm và đóng quân tại các tỉnh thuộc miền Nam Vĩ Tuyến 16 của Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 1946.
Đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe Việt Minh của hắn chính thức đón tiếp quân Pháp đổ bộ lên thành phố cảng Hải Phòng và tiến lên HàNội, bằng cách cho quân Việt Minh hộ tống bảo vệ an ninh lộ trình và treo cờ Đỏ sao vàng khắp hang cùng ngõ hẻm để gọi là phô trương thanh thế giả để cho quân Pháp tưởng rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh đang được toàn dân Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Việc làm này bị các đảng và Đoàn thể chính trị Quốc gia không Cộng sản trong Chính phủ Liên Hiệp phản đối, nên phe Việt Minh trong chính phủ Liên Hiệp phải gian xảo ra quyết định chỉ thị toàn dân treo cờ là để mừng ngày sinh nhật của chủ tịch Hồ Chí Minh
Các tài liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu trên toàn Thế giới, nhất là các tang chứng hồ sơ hành chánh của chính quyền Pháp về Hồ Chí Minh và Cha của hắn ta (một cựu quan lại bị cách chức vì tội tham nhung say rượu đánh chết dân lành) đều cho người ta biết rõ rằng ngày 19-tháng 5 không phải là ngày sinh của Hồ Chí Minh. Cái mưu xảo quyệt này của bọn Việt Cộng chẳng làm hại gì cho tinh thần quân lính của Pháp, nên Chính quyền Pháp đã lặng thinh không thèm có ý kiến gì cả. Chỉ có người dân chân chất Việt Nam bị mắc lừa mà thôi.
Sau hơn 7 tháng quân Pháp được công khai an toàn đóng quân và củng cố vị trí an ninh ngay giữa các thành phố lớn, nhiều điều xích mích đã xẩy ra về chia chác quyền hành cai trị giữa Việt Minh và Pháp, ngay trong các thành phố đã không được giải quyết ổn thoả. Nên tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe nhóm Việt Minh đã phát động cuộc tấn công các điạ điểm trú quân của quân Pháp tại tất cả các thành phố đang có quân Pháp trú đóng. Nhưng rất tiếc vì trang bị vũ khí thô sơ, tổ chức quân chưa hoàn chỉnh nên Việt Minh đã bị thua phải bỏ các thành thị rút vào “bưng” để tiếp tục tiêu thổ kháng chiến. Quân Pháp toàn thắng, bắt đầu tái dụng các Quan lại thời đô hộ cũ, và nhóm con lai Pháp, lập hệ thống Hành chánh cai trị, giúp dân chúng tái tạo cuộc sống bình thường tại các Đô thị. Chiến tranh tiếp tục lan tràn qua các tỉnh kế cận Hà Nội, đến các vùng nông thôn, dân chúng phải sống giữa 2 gọng kềm VIỆT MINH và PHÁP, vô cùng thảm thương bi đát.
Trước hoàn cảnh đó, các Nhân sĩ Việt Nam thương nước yêu nòi và thành viên các Đảng phái Quốc gia Không Cộng sản, thoát chết sau vụ Việt Minh tàn sát hồi đầu năm 1946, ngồi lại với nhau tìm giải pháp ôn hoà giành lại Độc lập cho đất nước mà không phải phung phí xương máu của Dân tộc vì chiến tranh, đã đi đến kết luận vận động mời Cựu Hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông, đứng ra thương thuyết với Chính phủ Pháp, tái dựng QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT cả 3 miền, trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.
Ngày 19 tháng 8 năm 1947, Cựu Hoàng Bảo Đại từ Hồng Kông tuyên bố bằng lòng đứng ra tiếp xúc điều đình với Chính phủ Pháp. Cuộc vận động kéo dài mãi tới ngày 5 tháng 6 năm 1948, trên chiếc tầu biển DUGUAY TROUIN neo tại Vịnh HẠ LONG, Cựu Hoàng Bảo Đại mới tới để chứng kiến Thiếu tướng NGUYỄN VĂN XUÂN Thủ Tướng và mấy vị ĐẠI DIỆN CÁC MIỀN BẮC TRUNG NAM thuộc Chính phủ Trung Ương Lâm thời Việt Nam Thống Nhất, cùng Ông BOLLAERT (đại diện Chính phủ Pháp) ký bản HIỆP ƯỚC HẠ LONG, công nhận QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT CẢ 3 MIỀN BẮC – TRUNG -NAM, trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.
Cờ Quốc gia Việt Nam mới là Nền Vàng với Ba Sọc Đỏ nằm dài chính giữa (theo hình Quẻ Càn của Bát quái trận đồ), và Quốc Ca là bài “Tiếng gọi công dân” nhạc của Lưu Hữu Phước(nguyên là đoạn 1 của bài “Sinh viên hành khúc” nhưng lời ca được sửa đôi chỗ. Bài “Sinh viên hành khúc” nguyên thủy gồm 3 đoạn đã được các Sinh viên Viện Đại học Hà Nội trình bầy hợp ca lần đầu tiên trong buổi trình diễn văn nghệ ngày 15-3-1942 tại hội trường Viện Đại học, để gây quỹ giúp các bệnh nhân nghèo trong các Bệnh viện nơi Sinh viên Y khoa thực tập.) Hiện nay, cả Quốc kỳ và Quốc Ca nói trên vẫn được người Việt lưu vong tỵ nạn Cộng sản coi là biểu tượng Quốc gia gốc của mình. Đặc biệt Quốc Kỳ Việt Nam (nền vàng ba xọc đỏ) còn được Ủy ban Văn Hoá Liên Hiệp Quốc và nhiều Thành phố, Quận, Tiểu Bang Hoa Kỳ ra Nghị Quyết chính thức công nhận là Quốc kỳ nguyên thủy của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, treo song hành với Quốc kỳ Hoa Kỳ tại các nơi công cộng, suốt dọc các đuờng phố chính trong khu thương mại đông cửa hàng do người Mỹ gốc Việt làm chủ, vào những ngày kỷ niệm như Quốc hận 30 tháng 4, Quân Lực VNCH 19 tháng 6, và thường xuyên quanh năm suốt đêm ngày tại các đài tưởng niệm Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hoà trên toàn Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong cuộc Diễn hành Văn hoá Quốc tế hàng năm do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York nơi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc, thì đoàn Đại diện dân tộc Việt Nam tham dự là Cộng đồng người Mỹ gốc Việt với rừng Quốc kỳ VN (nền vàng ba sọc đỏ).
Một ngày sau khi ký Hiêp Ước Hạ Long, tức là ngày 6 tháng 6 năm 1948, Quốc Trưởng BẢO ĐẠI chỉ thị Thiếu Tướng Nguyễn văn Xuân Thủ Tướng Chính phủ Trung Ương của nước Việt Nam Thống Nhất cả 3 Miền, xúc tiến việc thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM (QĐQGVN), khởi sự bằng việc tổ chức TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM HIỆN DỊCH tại Huế (tiền thân của Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, sau này vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, lại cải danh thành TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM, có giá trị tương đương với các trường Võ bị Lục quân Saint Cyr của Pháp và West Point của Hoa Kỳ) để đào tạo cấp Chỉ huy, trước khi thành lập các ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN và CƠ SỞ QUẢN TRỊ YỂM TRỢ TIẾP VẬN HÀNH CHÁNH QUÂN ĐỘI.
Ngày 1 tháng 6 năm 1949, Khóa Sĩ Quan Hiện dịch đầu tiên tốt nghiệp tại Huế, được đặt tên là Khoá BẢO ĐẠI (sau 1956 đổi tên là Khoá Phan Bội Châu) cung cấp cho Bộ Quốc Phòng chính phủ Việt Nam 53 THIẾU ÚY hiện dịch. Đồng thời 4 TIỂU ĐOÀN VIỆT NAM đầu tiên cũng được khởi sự thành lập tại 2 miền Nam và Bắc Việt Nam: -Tiểu đoàn 1 VN (Bặc Liêu), -Tiểu đoàn 2 VN (Thái Bình), -Tiểu đoàn 3 VN (Rạch Giá), -Tiểu đoàn 4 VN (Hưng Yên). (Bản thân người viết được cái vinh dự là một trong số 53 Sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp Khoá đầu tiên nêu trên, và được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 VN tuyển mộ thành lập tại Hànội và Hải phòng từ ngày 1-6-1949, huấn luyện xong vào khoảng tháng 10-1949 tập trung tất cả về HàNội, và khởi sự xuất phát đi hành quân tại các vùng Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều, Hưng Yên, rồi tiến sang tỉnh Thái Bình trụ quân tại đó ít lâu sau lại di chuyển về Sơn Tây, Hà Đông…).
Đến tháng 6 năm 1950, với sự thoả thuận của QUỐC HỘI PHÁP và sự thông báo chính thức của CHÍNH PHỦ HOA KỲ đồng ý cung cấp viện trợ Quân sự cho Việt Nam, Thủ Tướng TRẦN VĂN HỮU mới chính thức công bố thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM CHỐNG CỘNG SẢN, với quân số 60,000 người, chia ra phân nửa CHỦ LỰC QUÂN và phân nửa PHỤ LỰC QUÂN.
Hai năm sau khi thi hành Hiệp Ước Đình Chiến Genève tháng 7 năm 1954, không có tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Bắc và Nam Việt Nam như quy định. Tại miền Nam Việt Nam, nhân dân đồng lòng qua một cuộc “Trưng cầu Dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại” để thành lập nước VIỆT NAM CỘNG HÒA và ủy nhiệm ông NGÔ ĐÌNH DIỆM làm Tổng Thống, ông này đã quyết định cải danh QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM thành QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HOÀ.
II.- Vì sao chọn ngày 19 tháng 6 làm ngày quân lực ?
Suốt từ khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được thành lập dưới thời Quốc trưởng BẢO ĐẠI, qua thời Ông NGÔ ĐÌNH DIỆM làm Tổng Thống đổi tên là Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Đến khi giới quân nhân lên cầm quyền danh hiệu này được đổi lại là Quân Lực VNCH. Cả 2 vị Nguyên thủ Quốc gia này đều chỉ thị Bộ Tổng Tham Mưu nghiên cứu đề nghị một NGÀY KỶ NIỆM RIÊNG CHO QUÂN LỰC, để hàng năm tổ chức biểu dương lực lượng cho mọi người thấy được sự lớn mạnh của Quân Lực Việt Nam, và ghi nhớ công ơn các TỬ SĨ (Quân đội và Đồng bào các giới) đã VỊ QUỐC VONG THÂN để bảo vệ Tự do Dân chủ Nhân quyền Phồn vinh Hạnh phúc cho Dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ Thống nhất của Quốc gia Việt Nam. Nhưng chưa cuộc nghiên cứu nào được hoàn tất, thì các biến cố thay đổi lịch sử thời đại đã tiếp theo nhau xẩy ra trên đất nước Việt Nam thân thương của chúng ta.
Cho tới ngày 19 tháng 6 năm 1965, QLVNCH chính thức nhận viết một trang sử mới, lãnh trách nhiệm với toàn DÂN đứng ra thành lập Chính phủ điều hành quản trị đất nước theo hình thức JUNTA (Có Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Chủ Tịch giữ vai trò QUỐC TRƯỞNG, và Ủy ban Hành pháp Trung ương, Chủ Tịch giữ vai trò Thủ Tướng), rồi cải tiến nền ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ (theo mô thức Hoa Kỳ, Tổng Thống đích thân điều hành chính phủ) sang nền ĐỆ NHỊ CỘNG HOÀ (theo mô thức Pháp, dưới Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thêm Thủ Tướng điều hành chính phủ), thì Tướng NGUYỄN VĂN THIỆU, Chủ Tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, mới ban hành văn kiện chính thức quy định ngày 19 THÁNG 6 là ngày kỷ niệm hàng năm của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
III.- Những kỷ niệm khó quên của riêng người viết, về ngày quân lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6
Mỗi lần kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, mỗi người tùy theo hoàn cảnh riêng đều ghi nhớ những kỷ niệm khác nhau. Phần cá nhân Tôi được may mắn phục vụ lâu năm trong các Cơ Sở Trung Ương, thống thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tại Saigon, nên ghi nhận được nhiều kỷ niệm đặc biệt, mà các chiến hữu phục vụ tại các địa phương, cũng như các Đồng bào ít quan tâm đến các sinh hoạt QUÂN ĐỘI không thấy được. Vậy Tôi xin kể ra đây để Qúy độc giả cùng chia sẻ những điều thích thú đó:
A.- 19 tháng 6 năm 1966, kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC lần đầu tiên, cũng là ngày kỷ niệm một năm hoạt động của Chính phủ NGUYỄN CAO KỲ, nên ĐẠI HỘI ĐỒNG QUÂN LỰC e ngại nếu tổ chức rềnh rang giữa Thủ đô Saigon, thì có thể bị BÁO CHÍ và các NHÓM ĐỐI LẬP phê phán là phung phí, kiêu binh, nên đã tổ chức rất khiêm tốn trong lãnh địa của Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH (Trại Trần Hưng Đạo, Tân Sơn Nhất). Một số Đơn vị đại diện Hải, Lục, Không quân thuộc Chủ lực Quân, Địa phương quân, Nghiã quân, và Cảnh sát Quốc gia, được điều động về tham dự trong tinh thần đoàn kết HUYNH ĐỆ CHI BINH thắm thiết. (Lúc đó Tôi là Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Trung Ương Địa phương quân và Nghĩa quân, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tại Saigon, do Đại tá Trương văn Xương làm Chỉ huy trưởng.) Đặc biệt trong cuộc duyệt binh này, có một hình ảnh rất ngộ nghĩnh dễ thương không bao giờ quên được là, Tướng VĨNH LỘC cùng Bộ Tham mưu Quân đoàn II từ PLEIKU về tham dự, ai cũng choàng ra ngoài bộ quân phục chiếc áo SẮC PHỤC THƯỢNG miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam, và ngồi trên lưng những con ngựa vùng Cao nguyên nhỏ thó, chớ không ngồi trên những chiếc xe Chỉ huy có cần Ăng-ten như các vị Tư lệnh khác.
B.- Năm 1967, để cùng toàn dân hân hoan đón mừng NỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HOÀ sắp ra đời vào tháng 10, NGÀY QUÂN LỰC kỷ niệm lần thứ 2 được tổ chức rầm rộ trên Đại lộ TRẦN HƯNG ĐẠO, suốt từ dọc Bến Bạch Đằng trước Bộ Tư lệnh Hải quân, qua Công viên Quách thị Trang trước chợ BẾN THÀNH Saigon vào tận CHỢ LỚN. Một đặc điểm đáng ghi nhớ về ngày kỷ niệm Quân lực lần thứ 2 này là, việc xây dựng đồng loạt những Tượng đài THÁNH TỔ các Quân Binh Chủng và Ngành chuyên môn trong QLVNCH, Địa phương quân – Nghĩa quân, và Cảnh sát Quốc gia, tại tất cả các Công viên lớn trong Thủ đô SAIGON, để Đồng bào và Du khách ngoại quốc có dịp ghé Saigon chiêm ngưỡng chụp hình kỷ niệm. Việc xây dựng các Tượng đài này còn có mục đích quan trọng khác là chiếm hết các công viên lớn, để các nhóm chống đối Chính Phủ hồi đó, không còn nơi dựng các đài kỷ niệm hay hình tượng các cuộc tranh đấu và các nhân vật họ tung hô, thần thánh hoá.
C.- Sau Quốc hận 30-4-1975, vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Saigon đã xẩy ra một sự việc thật quan trọng không bao giờ quên được là, CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM không được phép tổ chức lễ quy mô, trọng thể để vinh danh hơn 1OO VỊ TỬ ĐẠO VIỆT NAM ĐƯỢC PHONG THÁNH theo lệnh của Toà Thánh Vatican, chỉ vì ngày 19 tháng 6 là ngày kỷ niệm của QLVNCH thuộc Chế độ Saigon cũ. (Đây là lời của Đại diện Chính quyền Cộng sản địa phương giải thích cho một vị Linh Mục cư ngụ tại Nhà Thờ 3 Chuông (Saint Thomas) Phú Nhuận, Saigon. Ngài đã nói lại cho biết nhân dịp Tôi ghé thăm và tâm tình về các truyện thời sự). Vị Linh mục khả kính này quen Tôi từ hồi còn bị giam chung trong Trại Z30D quận Hàm Tân tỉnh Thuận Hải. Ngài nguyên là Giáo sư thuộc một Dòng tu của Thiên Chúa Giáo tại Thủ Đức trong lãnh thổ tỉnh Gia Định, bị giam cả chục năm trời chỉ vì một tội “âm mưu vượt biên” mà chính quyền địa phương gán cho Ngài. Thực ra Ngài không bao giờ có ý định vượt biên, mà chỉ cải trang mặc đồng phục cán bộ Việt Cộng, để di chuyển được dễ dàng đến các nơi xa xôi hẻo lánh gặp “con chiên” thừa hành Mục vụ theo chức năng Linh mục mà thôi.
D.- Suốt 20 năm qua, định cư tỵ nạn Cộng sản tại khu Little Saigon Quận Orange Nam California (Thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn Cộng sản), có dịp được tham gia nhiều kỳ tổ chức Lễ kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, Tôi đã ghi nhận được một số kỷ niệm xúc động không sao quên được sau đây:
D1- Năm 1994, Tổng Hội Ái hữu Chiến tranh Chính trị QLVNCH Hải ngoại tại Nam California, được các Hội đoàn Ái hữu Quân đội các Quân Binh chủng khác ủy nhiệm đứng ra phối hợp tổ chức NGÀY QUÂN LỰC tại GARDEN GROVE PARK, rất rầm rộ, có phi cơ bay trên nền Trời Quận Orange kéo theo Đại kỳ Việt Nam Cộng Hoà (nền vàng 3 sọc đỏ), có Cựu chiến binh Hoa Kỳ nhẩy dù xuống ngay vị trí hành lễ mang theo Quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Buổi lễ được rất đông Đồng hương tỵ nạn CSVN hưởng ứng tham dự, điều này chứng tỏ rằng TÌNH QUÂN DÂN CÁ NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HOÀ chưa hề phai lạt sau bao nhiêu năm lưu vong. Một hiện tượng khác cũng rất đặc biệt là, lần đầu tiên được cả chục vị Tướng nguyên thuộc Hải, Lục, Không quân QLVNCH và Phu nhân, đang cư ngụ tại các vùng thuộc Quận Orange, Quận Los Angeles, và Quận Riverside cũng đến tham dự. (Lúc đó Tôi là Phó Chủ tịch Ngoại Vụ của Ban Chấp hành Tổng Hội Ái hữu Chiến tranh Chính trị Hải ngoại tại Nam California, do cố Trung tá Nguyễn Ngọc Thông làm Chủ tịch Tổng hội.)
D2- Năm 1995, Hội Ái hữu Cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ bị QGVN Nam California, đến lượt được giao trách nhiệm phối hợp tổ chức NGÀY QUÂN LỰC, đồng thời vận động thành lập LIÊN HÔI CỰU CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ NAM CALIFORNIA. Liên Hội đã được thành lập và Ngày Quân lực được tổ chức tại Công viên trước Toà Thị Chính Thị xã Westminster.Lần đầu tiên trong lịch sử tỵ nạn Cộng sản tại Nam California, người ta thấy lá QUỐC KỲ VIỆT NAM CỘNG HOÀ được trang trọng kéo lên song hàng với lá QUỐC KỲ HOA KỲ, ngay tại các cột cờ danh dự trước Toà Thị Chính của Thị xã Westminster, mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã lập bang giao với Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp này, Hội đồng Nghị viên Thành phố Westminster cũng đã đọc bản QUYẾT NGHỊ công nhận NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 THÁNG 6 là một biến cố được ghi thêm vào danh sách các ngày kỷ niệm của Thành phố Westminster. Các Sự kiện này đã làm Tôi và mọi người có mặt trong buổi lễ, xúc động nghẹn ngào, rưng rưng lệ, xót xa cho hoàn cảnh đại nạn của dân tộc VIỆT NAM chúng ta ở trong nước, đang còn phải chịu đựng sự cai trị tàn bạo vô nhân đạo của Đảng và Bạo quyền Việt Cộng. Đài phát thanh BBC bên Anh quốc, cũng loan tin phóng sự buổi lễ này trong giờ phát thanh tiếng Việt của họ về Việt Nam, cho mọi người trong nước và trên toàn Thế giới cùng biết.
Nguyễn-Huy Hùng (Khoá 1, Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam) trình bầy ý nghiã Ngày Quân lực 19 tháng 6.
D3- Đặc biệt năm 1999, ông FRANK FRY Thị trưởng của Thành phố Westminster được mời đến tham dự NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, trong lời phát biểu ý kiến ông đã kêu gọi phát động việc gây quỹ xây dựng tại Thị xã Westminster một TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM CÁC CHIẾN BINH HOA KỲ VÀ VIỆT NAM CỘNG HOÀ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Cộng sản để bảo vệ Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho dân tộc Việt Nam trước 30 tháng 4 năm 1975. Ông ta hăng hái làm việc này để giữ lời hứa với cử tri người MỸ GỐC VIỆT từ mùa Thu năm 1996, lúc ông ta đến vận động tranh cử chức Thị trưởng tại Trung tâm sinh hoạt người Việt Quốc gia trên đường Moran bên hông thương xá Phước Lộc Thọ khu Little Saigon, nhân buổi lễ bàn giao trách vụ Chủ Tịch Khu Hội Cựu Tù nhân Chính trị Nam California giữa Giáo sư Phan Ngô (tiền nhiệm) và Tôi (Nguyễn-huy Hùng tân nhiệm), trước sự hiện diện đông đủ các Hội trưởng thuộc Liên hội Cựu Chiến sĩ VNCH Nam California, Đại diện các Đoàn thể và Đảng Chính trị Việt Nam lưu vong, một số Nhân sĩ Hoa Kỳ, Mỹ gốc Việt, và khoảng 300 anh chị em Cựu Tù nhân Chính trị thuộc Khu Hội Nam California.
Theo dự tính thì Tượng đài phải hoàn tất và khánh thành vào Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 2000. Nhưng vì công trình này làm mất thể diện và giảm uy tín của Bạo quyền Việt Cộng trước dư luận Thế giới một cách trầm trọng, nên Toà Tổng Lãnh sự Việt Cộng tại San Francisco và Toà Đại sứ của chúng tại Hoa Thịnh Đốn đã chính thức gửi văn thư đến Chính quyền Hoa Kỳ lên tiếng phản đối, đồng thời xúi giục bầy mưu cho bọn tay sai trở cờ đón gió muốn hoà hợp hoà giải với chúng, tìm đủ mọi cách gây cản trở làm trì trễ các tiến trình thực hiện tại Thị xã Westminster. Nhưng, với quyết tâm của mọi người (trong đó có cả các vị ĐẠI DIỆN DÂN CỬ thuộc Tiểu bang California và Liên bang Hoa Kỳ) mọi khó khăn đã được giải quyết vượt qua một cách ổn thoả, chỉ có tiến trình thực hiện là không hoàn thành được đúng thời hạn như mong muốn mà thôi.
Ngày 20 tháng 1 năm 2001 (tức là ngày 26 tháng Chạp năm Canh Thìn), tại khu đất Thị xã Westminster dành để xây dựng Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, Tổng Hội Sinh viên Nam California đã tổ chức Hội chợ Tết Tân Tỵ (2001), trong chương trình Lễ Khai mạc Hội chợ có ghi một mục quan trọng chính yếu là Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Tượng đài. Rất đông Đồng hương Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các vị Dân Cử và Giới chức Công quyền Hoa Kỳ địa phương đến tham dự.
Năm 2002, mọi thủ tục hành chánh và kỹ thuật được hoàn tất đúng theo đòi hỏi. Trong một buổi họp công khai trước sự hiện diện của quần chúng, Hội đồng quản trị thị xã Westminster đã biểu quyết chấp thuận cho khởi công xây cất Tượng đài. Việc đấu thầu lựa chọn công ty đảm nhiệm xây cất được thực hiện kỹ lưỡng, và ngày 29 tháng 4 năm 2002, thị xã Westminster và Ủy ban xây dựng tượng đài long trọng tổ chức “Lễ xới đất” khởi công xây dựng khu CÔNG VIÊN TỰ DO. Ngày 23 tháng 9 năm 2002, pho tượng 2 Chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà được di chuyển từ xưởng đúc của điêu khắc gia Nguyễn Tuấn tại Laguna Beach về thị xã Westminster, để an vị trên đài nơi chính giữa CÔNG VIÊN TỰ DO (Sid Goldstein Freedom Park) đường All American Way (tên cũ là đường Monroe).
Năm 2003, Lễ khánh thành CÔNG VIÊN TỰ DO, trong đó có TƯỢNG ĐÀI CHIẾN BINH HOA KỲ-VIỆT NAM CỘNG HOÀ hiên ngang đứng trước 2 cột cao trương cờ Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa (nền vàng 3 sọc đỏ) tung bay, và lư hương vĩ đại với ngọn lửa thiêng bập bùng cháy quanh năm suốt ngày đêm, đã được tổ chức trọng thể vào lúc 11 giờ ngày 27 tháng 4. Cũng kể từ ngày đó Công viên mở cửa đón khách thập phương đến chiêm ngưỡng nườm nượp quanh năm. Đây là một Tượng đài di tích lịch sử vĩ đại có một không hai trên Thế giới, được những người yêu chuộng Tự do Dân chủ Nhân quyền đóng góp hoàn thành đúng mốc thời gian giao điểm giữa 2 Thế Kỷ 20 và 21. Đặc biệt là trong số những người được Ban tổ chức mời lên phát biểu trong buổi lễ khánh thành có Tướng Lâm Quang Thi.
Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hoà tại Thị xã Westminster đem lại niềm vinh dự lớn lao cho Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, là biểu tượng cho gương hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên trì bất khuất của những người Chiến sĩ yêu chuộng Tự do Dân chủ và Hoà bình của Nhân loại, và làm sáng danh CHÍNH NGHĨA của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA trong cuộc chiến chống Cộng sản Quốc tế từ tháng 6 năm 1949 đến 30 tháng 4 năm 1975 trên đất nước Việt Nam, tiền đồn của Thế giới Tự do ngăn cản làn sóng Cộng sản Quốc tế lan tràn xâm chiếm toàn vùng Đông Nam Á Châu và Thái Bình Dương.
Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hoà tại Thị xã Westminster vĩnh viễn hiện diện xuyên thời gian để nhắc nhở những ai trong quá khứ đã từng khoác áo lính Việt Nam Cộng Hoà, hay không khoác áo lính nhưng đã cùng đứng dưới lá CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ chiến đấu chống Cộng sản xâm lăng để bảo vệ hạnh phúc cho dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, phải luôn luôn nhớ rằng TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI QUỐC GIA DÂN TỘC VIỆT NAM CHƯA HOÀN THÀNH. Phải luôn luôn sáng suốt, đừng để bả lợi danh và những tiếng nỉ non tâng bốc ngọt ngào của bọn Việt Cộng gian xảo và tay sai đón gió trở cờ (kẻ thù của dân tộc) lôi cuốn, mà có những hành động và lời nói giúp cho chúng tồn tại lâu hơn nữa để tiếp tục hại dân hại nước. Hãy dứt khoát hăng hái kiên trì tiếp tay hỗ trợ liên tục về mọi mặt cho đồng bào trong nước, vùng lên loại bỏ bọn chúng sớm chừng nào hay chừng nấy, để cho quốc gia dân tộc Việt Nam sớm có Tự do, Dân chủ, và Nhân quyền được tôn trọng.
Cá nhân Tôi đã được cái vinh dự hoà đồng cùng hơn 20,000 đồng hương Việt Mỹ tham dự buổi Lễ Khánh thành Tượng đài vào trưa ngày 27 tháng 4 năm 2003, nên đã cảm tác mấy vần thơ kỷ niệm dưới đây, xin ghi lại để chư Vị cùng thưởng thức:
“ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG BẤT TỬ”
Quận Cam nắng Hạ chan hoà,
Bên nhau Việt Mỹ trẻ già hân hoan.
Cờ Hoa xen lẫn cờ Vàng,
Tung bay mở hội nghiêm trang đón mừng.
Tượng hai Chiến sĩ Anh Hùng,
Hiên ngang bất tử đứng cùng thời gian.
Gương hy sinh rạng mây ngàn,
Bao năm chiến đấu gian nan vì đời.
Tự do rạng toả nơi nơi,
Nhân quyền, Dân chủ, người người hưởng chung.
Trọng thay nghiã khí kiêu hùng,
Khác da khác giống nhưng cùng ước mơ.
Mơ toàn nhân loại an hoà,
Công bằng , bác ái, nhà nhà ấm no.
Tình thương dâng ngát muôn hoa,
Hoà đồng Sắc Tộc Mầu Da Giống Nòi./.
Để thay lời kết luận, cũng đồng thời trả lời cho những ai còn thắc mắc, vì sao thua trận phải lưu vong tỵ nạn mà hàng năm vẫn còn tổ chức kỷ niệm một Quân lực không còn sự hiện diện. Tôi xin phép dùng bài Thơ sau đây, nói lên tâm trạng của người Cựu Chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà:
TRÁCH NHIỆM CHƯA HOÀN THÀNH.
Bao năm nếm mật nằm gai,
Dấu giầy đo bước sông dài, rừng sâu.
Ngày đêm lận đận ải đầu,
Vì Dân đâu ngại dãi dầu gió sương.
Dốc lòng bảo vệ Quê hương,
Chống loài Qủy Đỏ Bắc phương bạo tàn.
Bốn mùa chiến đấu hiên ngang,
Giúp Dân xây dựng Xóm Làng yên vui.
Trớ trêu Tai kiếp Giống nòi,
Đồng minh phản bội, chơi vơi bẽ bàng.
Hoạt đầu Lãnh tụ hai mang,
Buộc quân buông súng đầu hàng cầu vinh.
Ô danh bại Tướng bán mình,
Thế gian nguyền rủa, miệt khinh đời đời.
Thương Dân bỏ xác biển khơi,
Xót Quân lao khổ, giữa nơi ngục tù.
Hận thù chồng chất Thiên thu,
Non sông tan tác, xác xơ tình người.
Tha phương trăn trở khôn nguôi,
Đồng lòng hiệp sức muôn người chung lo.
Dẹp tan Cộng đảng vong nô,
Cùng nhau dựng lại cơ đồ Việt Nam./.
Little Saigon, Nam California, Hoa Kỳ.
NGUYỄN-HUY HÙNG (K1) : Cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Phụ tá Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị, kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến,
Cựu Tù Chính trị 13 năm lao động khổ sai trong các trại cải tạo của Dảng và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam sau ngày Quốc hận 30-4-1975.
https://khoa28tvbqgvn.com/tim-hieu-ve-ngay-quan-luc-vnch-19-6/
Lịch sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Wikipedia
Lịch sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt đầu từ cuối thập niên 1940 với tư cách là các đơn vị người Việt phục vụ trong Quân đội Pháp tại Đông Dương. Sự tồn tại của quân đội này kéo dài đến 30 tháng 4 năm 1975.
Giai đoạn tiền thân (1948-1954)
Trong suốt thời gian chiếm đóng Đông Dương, Quân đội Pháp có những người Việt phục vụ trong quân đội để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Các quân nhân này được đào tạo theo quy chế Pháp và đại đa số là binh lính, hạ sĩ quan với một số rất ít sĩ quan.
Năm 1948: Với sự hỗ trợ của Quân đội Pháp, Chính phủ Quốc gia Việt Nam thành lập trường sĩ quan Quốc gia Việt Nam tại Huế.
Năm 1949: Dời trường sĩ quan Quốc gia Việt Nam về Đà Lạt và hợp lại với trường Võ bị Liên quân Viễn đông Đặc biệt của Pháp, lấy tên mới là Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, đào tạo sĩ quan Việt Nam cho Quốc gia Việt Nam (năm 1959, trường này đổi tên thành Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, đến năm 1965 (từ khoá 22b), trường cải tổ chương trình huấn luyện lên đến 4 năm).
Năm 1950: Quốc gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc gia Việt Nam. Quốc hội Pháp thông qua dự luật thành lập một Quân đội cho Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp với quân số 60.000 người. Cùng năm 1950, Quốc gia Việt Nam thành lập Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức và Nam Định.
Năm 1952: Quốc trưởng Bảo Đại ra sắc lệnh chính thức thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam vào ngày 1 tháng 5 năm 1952, đặt trụ sở tại số 1 đường Galiéni, Sài Gòn (sau năm 1955 là đường Trần Hưng Đạo).
Năm 1953: Thành lập Trung tâm Huấn luyện Quán Tre (sau là Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung) đào tạo binh sĩ các ngành.
Năm 1954: Quân số đạt khoảng 200.000 người, thuộc các Binh chủng Bộ binh, Nhảy dù, Thiết giáp, Pháo binh, Truyền tin, Công binh, Quân vận, Không quân, Hải quân, với tổ chức như sau:
• Bộ binh: gồm 67 Tiểu đoàn
• Công binh: 6 Đại đội
• Không quân: 2 Phi đoàn quan sát trợ chiến, 39 phi cơ quan sát, vận tải cơ, Morane Saulnier phi cơ Pháp, Cessna L19, C45 và C47 do Hoa Kỳ cung cấp.
• Nhảy dù: 5 Tiểu đoàn (cuối năm 1954, các Tiểu đoàn này được tổ chức thành Liên đoàn).
• Pháo binh: 5 Tiểu đoàn 150 mm
• Quân vận: 6 Đại đội
• Thiết giáp: 1 Trung đoàn thám thính, 5 Chi đội chiến xa biệt lập, 1 Trung tâm Huấn luyện
• Truyền tin: 6 Đại đội
• Hải quân: 3 Hải đoàn xung phong, 3 Liên đoàn tuần giang, 1 Lực lượng Biệt kích không rõ quân số trang bị hai loại trung vận đĩnh (LCM—Landing Craft Medium) và tiểu vận đĩnh (LCVP—Landing Craft Vehicle And Personnel) do Hoa Kỳ cung cấp năm 1950. Lực lượng Biệt kích nầy sau Hiệp định Geneva, dời vào Nam đổi tên là Hải quân bộ binh, và là tiền thân của Binh chủng Thuỷ quân Lục chiến sau này.
Giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963)
Năm 1955: Sau khi Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa, và Quân đội Quốc gia Việt Nam từ đó đổi tên là Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cùng năm này, Bộ Tổng tham mưu không còn tuỳ thuộc hệ thống chỉ huy của Pháp. Binh chủng Không quân tiếp nhận căn cứ Nha Trang và đổi tên thành Căn cứ Trợ lực Không quân số 1. Pháo binh thành lập thêm các Tiểu đoàn 6, 12, 32, 34. Hải quân được trang bị 24 chiến hạm, hơn 110 chiến đỉnh, tổ chức thành 5 Hải đoàn và 1 Hải lực.
Năm 1956: Bộ Tổng tham mưu dời vào trại Trần Hưng Đạo, gần cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, và bắt đầu cải tiến toàn bộ cơ cấu tổ chức. Các Tiểu đoàn bộ binh được tổ chức lại thành 4 Sư đoàn dã chiến (1, 2, 3, 4) và 6 Sư đoàn khinh chiến (11, 12, 13, 14, 15, 16). Mỗi Sư đoàn khoảng hơn 5.000 người. Pháo binh có thêm Tiểu đoàn 23, 25, 34. Tiểu đoàn 34 là đơn vị đầu tiên được trang bị đại bác 155 mm. Cùng năm này, mỗi Sư đoàn bộ binh được trang bị thêm 2 Tiểu đoàn pháo binh với 18 khẩu 105 mm. Không quân tiếp nhận thêm căn cứ Tân Sơn Nhất và căn cứ Biên Hòa. Cả hai đổi thành Căn cứ Trợ lực Không quân số 2 và số 3. Hải quân bắt đầu tiếp nhận tàu chiến từ Hải quân Hoa Kỳ gồm 31 chiến hạm với 193 chiến đỉnh.
Năm 1957: Thành lập Binh chủng Lực lượng Đặc biệt, huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan tại trường Biệt động đội ở Đồng Đế (tiền thân của Trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa), và đơn vị đầu tiên mang tên Liên đội Quan sát Số 1.
*Ngày 1 tháng 6 thành lập Bộ tư lệnh Quân đoàn I (phạm vi Đệ nhị Quân khu cũ) tại Đà Nẵng với trách nhiệm bảo an lãnh thổ các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị vào tới Quảng Ngãi.
*Ngày 1 tháng 10 thành lập Bộ tư lệnh Quân đoàn II (phạm vi Đệ tam và Đệ tứ Quân khu cũ) tại Ban Mê Thuột (năm 1962 dời lên Pleiku) với trách nhiệm bảo an lãnh thổ các tỉnh cao nguyên
Trung phần từ Kontum tới Lâm Đồng và các tỉnh duyên hải nam Trung phần từ Bình Định tới Bình Thuận.
Năm 1958: Quân số Không quân tăng lên thành 7 Phi đoàn, gồm: 1 Phi đoàn khu trục, 2 Phi đoàn liên lạc, 2 Phi đoàn vận tải, 1 Phi đoàn trực thăng, và 1 Phi đoàn đặc vụ. Đầu tháng 12 cuối năm, cải tổ các Sư đoàn dã chiến số 1, 2, 3, 4 và 6, các Sư đoàn khinh binh số 11, 12, 13, 14, 15 và 16 được cải tổ thành 7 Sư đoàn bộ binh số 1, 2, 5, 7, 21, 22 và 23 với quân số mối Sư đoàn là 10.500 người.
Năm 1959: Ngày 1 tháng 3 thành lập Bộ tư lệnh Quân đoàn III tại Biên Hòa với trách nhiệm bảo an các tỉnh gồm miền đông (phạm vị Đệ nhất Quân khu) và miền tây Nam phần (phạm vi Đệ ngũ Quân khu) từ Bình Tuy (Hàm Tân) xuống tới An Xuyên (Cà Mau).
Năm 1960: Binh chủng Biệt động quân được thành lập với 50 Đại đội và bắt đầu hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Năm 1961: Binh chủng Lực lượng Đặc biệt đổi tên Liên đội quan sát số 1 thành Liên đoàn 77 Lực lượng Đặc biệt. Cùng năm 1961, Không quân được trang bị nhiều loại phi cơ, nhất là khu trục cơ AD6, trực thăng chiến đấu H34.
Năm 1962: Liên đoàn Nhảy dù gồm các Tiểu đoàn (nguyên là các đơn vị thuộc địa của Pháp) được phát triển thành Lữ đoàn nhảy dù gồm 7 Tiểu đoàn Nhảy dù 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Liên đoàn 31 Lực lượng Đặc biệt được thành lập. Các đơn vị Không quân tác chiến và yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp Không đoàn tại mỗi Quân đoàn, với các Không đoàn như sau: Không đoàn 41 (Đà Nẵng), Không đoàn 62 (Pleiku), Không đoàn 23 (Biên Hòa), Không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất), Không đoàn 74 (Cần Thơ). Cũng trong năm này, Liên đoàn Thuỷ quân Lục chiến được đổi tên thành Lữ đoàn và tách rời khỏi Hải quân. đồng thời thành lập thêm Sư đoàn 9 và 25 bộ binh, nâng tổng số Lực lượng bộ binh lên thành 9 Sư đoàn.
Năm 1963: Ngày 1 tháng 1 thành lập Bộ tư lệnh Quân đoàn IV tại Cần Thơ với trách nhiệm bảo an các tỉnh thuộc miền tây Nam phần.
Giai đoạn Đệ nhị Cộng hòa (1963-1975)
Năm 1963: Binh chủng Thiết giáp được trang bị thiết vận xa M113 và M114, 4 Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp với thám thính xa M8, chiến xa M24, và 1 Liên đoàn thủy xa. Binh chủng Biệt động quân tăng quân số lên đến 86 Đại đội, và thành lập thêm các Bộ chỉ huy Tiểu đoàn bên cạnh các Bộ Tư lệnh Quân đoàn/Vùng chiến thuật, với các phiên hiệu 11, 21, 22, 31, 32, 33, và 41.
Năm 1964: Hải quân tiếp nhận tàu chiến từ Hải quân Hoa Kỳ, gồm 9 chiến hạm loại lớn và hằng trăm ghe bằng sợi thủy tinh gắn máy Yabuta thay ghe buồm của Lực lượng Hải thuyền. Đến 1967 đợt trang bị nầy mới kết thúc. Binh chủng Thiết giáp được tân trang chiến xa M41 thay thế chiến xa M24, và thám thính xa V100 thay thế thám thính xa M8. Cùng năm 1964, Liên đoàn 77 Lực lượng Đặc biệt đổi danh thành Liên đoàn 301 Lực lượng Đặc biệt.
Năm 1965: Liên đoàn 301 và 31 Lực lượng Đặc biệt bị giải tán để sắp xếp lại và chính thức gọi là Binh chủng Lực lượng Đặc biệt, gồm một Bộ Tư lệnh, một Đại đội Tổng hành dinh, một Trung tâm Huấn luyện, và 4 Bộ chỉ huy ở 4 Quân khu. Mỗi Bộ chỉ huy có một số Đại đội và mỗi Đại đội có một số toán (quân số mỗi toán khoảng 12 người). Tổng cộng quân số Lực lượng Đặc biệt vào khoảng 5.000 trong thời điểm đó. Lữ đoàn Nhảy dù phát triển thành Sư đoàn Nhảy dù gồm các Lữ đoàn 1, 2 và 3, trong đó mỗi Lữ đoàn có 3 Tiểu đoàn gồm các Tiểu đoàn: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 11. Mỗi Lữ đoàn được trang bị thêm 1 Tiểu đoàn Pháo binh với đại bác nhẹ 105 mm (Tiểu đoàn 1, 2 và 3 Pháo binh Nhảy Dù). Mỗi Tiểu đoàn Nhảy dù được trang bị thêm 1 Đại đội vũ khí nặng gồm cối 60 mm, súng không giật SKG 90 mm, và trung liên M60. Các cá nhân được trang bị súng tự động AR-15, (tiền thân súng M-16). Thời điểm này các đơn vị dù bắt đầu chuyển quân theo chiến thuật trực thăng vận của Hoa Kỳ, ít còn nhảy dù bọc gió loại cổ điển vào vùng chiến thuật. Cũng trong năm này thành lập Sư đoàn thứ 10 trong Lực lượng bộ binh với phiên hiệu là Sư đoàn 10 (đến năm 1967 đổi tên thành Sư đoàn 18 bộ binh). Cũng trong năm này đổi tên Quân đội Việt Nam Cộng hòa thành Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1967: Không quân được 1 Phi đoàn khu trục trang bị phản lực cơ F5. Phiên hiệu của các đơn vị Không quân được cải tổ, xếp thành 3 số. Theo đó, số hàng trăm để chỉ công dụng của đơn vị, như: Số 1 là Phi đoàn liên lạc, số 2 là trực thăng, số 3 là đặc vụ, số 4 là vận tải, số 5 là khu trục, số 7 là quan sát, số 8 là hỏa long, và số 9 là huấn luyện.
Năm 1968: Sau Sự kiện Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chương trình tối tân hóa quân sự. Đầu tiên là Lực lượng Tổng trừ bị, dần dần đến toàn bộ chủ lực quân được tân trang quân trang quân dụng, sử dụng súng trường tự động M-16.
Năm 1971: Ngày 1 tháng 10 thành lập thêm Sư đoàn bộ binh thứ 11 với phiên hiệu là Sư đoàn 3.
Năm 1973: Sau Hiệp định Paris, Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút quân ra khỏi việt Nam và bàn giao toàn bộ quân dụng lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, chủ yếu nhằm tiếp tục phát triển Hải quân, Không quân, Pháo binh và Thiết giáp. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cung cấp đạn dược vũ khí, nhưng bắt đầu từ tài khóa 1974-1975, nguồn viện trợ cạn dần và đến đầu năm 1975 thì đi dến tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Binh chủng Biệt động quân thành lập thêm thêm Liên đoàn 8 và 9 (đặt thành các đơn vị Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu).
Năm 1975: Toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa gồm có 1 triệu quân, gần 2 triệu súng trường, 1.200 chiến xa và thiết vận xa, kể cả chiến xa M48 loại mới nhất của Hoa Kỳ, hơn 1.000 khẩu đại bác từ 105 mm xe kéo đến 175 mm cơ động, 40.000 xe vận tải, 1.600 chiến hạm chiến đỉnh, và hơn 2.000 phi cơ và trực thăng.
Ngoài Bộ Tổng tham mưu với các Cơ quan, Binh chủng, và Binh sở trong hệ thống quản trị gồm: (hành chánh, nhân viên, huấn luyện, chiến tranh chính trị, tiếp vận), còn có các đơn vị yểm trợ tác chiến gồm 4 Bộ tư lệnh Quân đoàn và các đơn vị yểm trợ trực thuộc. Các đơn vị trực tiếp tác chiến gồm:
*Lục quân: Có 11 Sư đoàn Bộ binh, 1 Sư đoàn Nhảy dù, 1 Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, 1 Liên đoàn Biệt kích Nhảy dù, 17 Liên đoàn biệt động quân, 4 Lữ đoàn Kỵ binh Thiết giáp, Lực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật, các đơn vị Pháo binh biệt lập, và Lực lượng Địa phương quân (400 Tiểu đoàn), Nghĩa quân hơn 50.000 quân.
*Không quân: Quân số 60.000 gồm: một bộ tư lệnh Quân chủng với đầy đủ các cơ quan và binh sở yểm trợ, 5 Sư đoàn Không quân tác chiến gồm: (20 phi đoàn khu trục cơ, trang bị khoảng 550 phi cơ A1H, A37, và F5, 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ UH1 và CH47, 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ O1, O2, và U17), 1 Sư đoàn vận tải gồm: (9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ. C7, C47, C119, và C130), 1 Không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119, AC130 Spectre Gunship. Ngoài ra còn có các Phi đoàn trắc giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn quan sát RC119L, và Biệt đoàn đặc vụ 314.
*Hải Quân: Quân số hơn 40.000, ngoài các đơn vị yểm trợ hành chánh, nhân viên, huấn luyện, tiếp vận (có Hải quân Công xưởng), gồm 3 Lực lượng tác chiến: (1) Hành quân lưu động sông, với 14 giang đoàn trang bị khoảng 260 chiến đỉnh, (2) Hành quân lưu động biển với 1 Hạm đội trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, tuần duyên hạm, giang pháo hạm, trợ chiến hạm, dương vận hạm, hải vận hạm, và giang vận hạm và (3) các Lực lượng Đặc nhiệm 211 Thủy bộ với 6 Giang đoàn, 212 Tuần thám với 12 Giang đoàn, 214 Trung ương với 6 Giang đoàn và Liên đoàn người nhái.
Giai đoạn sụp đổ (3/1975-4/1975)
Tháng 3/1975, sau khi Phước Long và Buôn Mê Thuột thất thủ: Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra lệnh tái phối trí, rút bỏ Quân khu I và II, dồn toàn quân về Quân khu III và IV chống giữ. Cuộc rút quân tái phối trí hoàn toàn thất bại, ông Thiệu từ chức, các tướng tá tháo chạy, và trong vòng 55 ngày, toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa tan rã, không chỉ vì giao tranh mà còn vì suy sụp tinh thần và không còn lãnh đạo.
Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngoài vành đai Sài Gòn xảy ra tại Xuân Lộc, do Sư đoàn 18 bộ binh dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Lê Minh Đảo và Lữ đoàn 1 Nhảy dù dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh.
Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong thành phố Sài Gòn xảy ra tại bản doanh Bộ Tổng tham mưu, do Liên đoàn 81 Biệt kích Dù dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Phạm Châu Tài, Biệt đội trưởng Biệt đội 3 chiến thuật (Bộ chỉ huy chiến thuật 3).
Lực lượng tan hàng sau cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Liên đoàn 81 Biệt kích Dù, dưới sự chỉ huy của Đại tá Liên đoàn trưởng Phan Văn Huấn.
Vui cười
Cảnh sát bắt được một tên trộm người nước ngoài nên nhờ phiên dịch nói lại: “Anh hãy khai ra nơi giấu số vàng, không thì tử hình!”
Phiên dịch nói lại, tên trộm sợ hãi khai:
– Tôi… tôi chôn nó trong góc bãi đất trống đằng kia!
Người phiên dịch quay lại nói với cảnh sát:
– Hắn nói: “Đừng mong tao khai, có giỏi thì cứ bắn!”
Nghi lễ kết hôn đã hoàn tất. Chú rể thò tay vô túi áo ngoài và hỏi vị mục sư chàng phải thanh toán tất cả là bao nhiêu. Vị mục sư nói:
– Các phần này nhà thờ ko tính tiền……
Ngài nói tiếp:
-Nhưng con có thể trả tùy theo nhan sắc của cô dâu, con có vợ đẹp thì con vui, mà con vui đóng góp cho nhà thờ thì ta cũng vui. Chú rể đưa cho vị mục sư 1 đô.
Sau đó vị mục sư vén tấm màng che cô dâu, nhìn kĩ quan sát, xong ngài thọc tay tìm kiếm ở trong túi của ngài và nói:
– Đây là 50 xu ta thối lại cho con!!!!!! AMEN
Ông nội và người cháu đích tôn 3 tuổi đang ngồi chơi trò bán hàng.
Cháu: – Đây tôi đưa bác 5.000 đồng, nhưng với một điều kiện.
Ông: – Điều kiện gì cũng được.
Cháu: – Thật không?
Ông: – Thật. Bác cứ nói đi.
Cháu: – Bác phải về dạy lại con bác đi nhé, con bác hay đánh tôi lắm đấy.
Hai người bạn thân ở chung phòng trọ rãnh rỗi ngồi nói chuyện với nhau.
– Hôm qua tao vừa rủ bé đi chơi trong túi không có đồng nào. Nhưng cuối cùng tao vẫn quyết định cứ rủ.
Người bạn kia hứng chí vỗ đùi cái đét bảo :
– Mày thật là có chí khí !
– Khi đi tao mới phát hiện ra trong túi có rất nhiều tiền, thế là 2 đứa tao sài hết số tiền đó.
– Uh, nhưng khi về tao mới phát hiện ra… tao lỡ mặc nhầm quần của mày.
Sơ Lược về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Lịch Sử của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là lịch sử của một thực thể gắn liền với lịch sử cận đại của dân tộc, của lịch sử chiến tranh Việt Nam nói chung và của giòng Quân Sử Việt nói riêng. Vào năm 1945, khoảng thời gian mà nhân loại đang hân hoan đón chào một nền hòa bình thật sự qua sự đổ vỡ toàn diện của phe Trục, người dân Việt Nam vẫn chịu âm thầm chiến đấu đòi hỏi độc lập và hòa bình cho quốc gia, vừa tranh đấu với ngoại bang vừa chống trả lại những thủ đoạn gian manh lừa đảo của tập đoàn Cộng Sản Quốc Tế mà đại điện là Hồ Chí Minh. Công cuộc tranh đấu này đã đem lại một thành quả đầu tiên qua Hiệp Ước Vịnh Hạ Long vào năm 1948, mà theo đó, người Pháp công nhận Việt Nam độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Lợi dụng cơ hội này, Quân Đội Quốc Gia sơ khai được thành hình nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của người Pháp. Ngoài ra, chính phủ lúc bấy giờ đã cho thành lập trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá bên cạnh dòng sông Hương, Huế, một quân trường nhằm đào tạo sĩ quan hiện dịch, nòng cốt cho Quân Đội VN. Sau hai năm, trường Sĩ Quan Hiện Dịch Huế được di chuyển về Đà Lạt vì nơi đây có đầy đủ các điều kiện về khí hậu và huấn luyện để rèn luyện các sĩ quan sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện khốc liệt của chiến trường mai hậu. Trường được cải tổ toàn diện và được cải danh thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
Năm 1955, thoát khỏi sư đô hộ của thực dân Pháp, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thực hiện cuộc cách mạng Quốc Gia và khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Quân Đội Quốc Gia với toàn vẹn chủ quyền được thống nhất chỉ huy dưới danh xưng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Trường Võ Bị Liên Quân cũng nằm trong khuôn khổ cải tổ đó và một lần nữa được cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, do Nghị Định 317/QP/TT ngày 29-7-1959, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký. Năm 1960, Ông cũng là người đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng một cơ sở huấn luyện khang trang tọa lạc tại đồi 1515, gần hồ Than Thở, khoảng 5 km phiá Bắc trung tâm thị xã Đà Lạt.
Từ 1959, do nhu cầu chiến trường, chương trình huấn luyện của các khoá thay đổi theo thời gian thụ huấn, gần 4 năm rồi trở lại 2 năm. Từ 1966, chương trình và phương pháp huấn luyện phỏng theo các tiêu chuẩn đào tạo sĩ quan của Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ. Kể từ đây, thời gian huấn luyện các khoá SVSQ là 4 năm.
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có trách nhiệm đào tạo các sĩ quan hiện dịch nòng cốt cho Hải-Lục-Không Quân, có khả năng chỉ huy, chiến đấu trong thời chiến và một trình độ kiến thức bậc đại học, để sẵn sàng phục vụ đất nước trong thời bình.
Chương trình huấn luyện quân sự luôn được cập nhật các kiến thức mới, các chiến thuật mới. Các sinh viên sĩ quan được huấn luyện chiến thuật tác chiến cấp trung đội và thêm một số kiến thức thuộc cấp đại đội, để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trung đội trưởng bộ binh khi ra trường, cũng như sẵn sàng nhận một chức vụ cao hơn sau một thời gian ngắn phục vụ tại các đơn vị. Các tân sĩ quan mới ra trường sẽ thụ huấn thêm các khoá học khác theo quân binh chủng của họ. Tuy nhiên, từ 1971, các sinh viên năm thứ 3 thuộc Không Quân và Hải Quân theo học chuyên môn tại các trường của Không và Hải Quân. Mùa Văn Hoá, họ trở về trường học chung với đồng khoá.
Từ 1966, các ứng viên muốn gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam phải có bằng Tú Tài và được chọn lọc qua một cuộc khảo sát. Chương trình học mỗi năm được chia làm hai mùa, mùa nắng quân sự, mùa mưa văn hóa. Về văn hóa, sinh viên sĩ quan được dạy chương trình bậc đại học dân chính, thêm vào các cuộc thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm với các học cụ tối tân. Các tân sĩ quan các khoá sau cùng được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng.
Để trao dồi nghệ thuật chỉ huy và lãnh đạo, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có truyền thống tổ chức Hệ Thống Tự Chỉ Huy và 8 tuần huấn nhục cho các tân khóa sinh. Hệ Thống Tự Chỉ Huy ngoài mục đích giúp các sinh viên sĩ quan thực tập về chỉ huy, còn có tác dụng phát huy tình huynh đệ giữa các khóa. Tám tuần huấn nhục giúp khóa sinh dứt bỏ nếp sống dân chính, để khép mình vào khuôn khổ kỷ luật của nhà trường.
Thời hạn đào tạo sĩ quan cho quân đội cũng thay đổi theo như cầu chiến trường. Trải qua 27 năm kể từ ngày thành lập, thời gian thụ huấn của các khóa thay đổi từ môt năm, rồi hai đến ba. Từ 1966, thời gian thụ huần kéo dài đến bốn năm. Các sinh viên sĩ quan được huấn luyện một chương trình văn hoá có trình độ đại học, tương đượng với các trường đại học khác, hoặc các trường quân sự khác trên thế giới.
Từ ngày thành lập cho đến tháng 4 năm 1975, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã cung ứng cho các chiến trường bốn Vùng Chiến Thuật tất cả 29 khóa Sĩ Quan với tổng số gần bảy ngàn Sĩ Quan, cùng với gần 500 sinh viên sĩ quan của 2 khóa cuối cùng. Các sĩ quan tốt nghiệp được phân phối đi khắp các Quân, Binh, Chủng để đảm trách vai trị cán bộ Chỉ Huy hoặc Tham Mưu. Dù ở cương vị nào, kỹ thuật hay tác chiến, người Sĩ Quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần “Tự Thắng Để Chỉ Huy” và câu châm ngôn “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” là kim chỉ nam minh chứng mọi hành động vị quốc an dân. Đa số các cựu sinh viên sĩ quan đã thành công trên đường binh nghiệp và làm vang danh Trường Mẹ. Những người còn sống đang tiếp tục con đường đã chọn, những người nằm xuống đã trở thành những anh hùng vị quốc vong thân.
Trong 27 năm phục vụ cho đất nước, các sĩ quan xuất thân đã đóng góp tích cực cho sự tồn tại của chế độ Cộng Hoà của miền Nam VN, đồng thời chứng minh được tinh thần tận tuỵ hy sinh, kể cả mạng sống mình cho dân tộc. Những công trạng của họ, cùng những gương anh hùng, cùng trách nhiệm “Bảo quốc an dân” là những bằng chứng sống khiến người dân luôn tin cậy.
Sau năm 1975, dầu Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã đi vào Quân Sử, nhưng truyền thống Bất Khuất và Hào Hùng chưa lịm tắt được trong tâm tư của những sĩ quan xuất thân từ Ngôi Trường lịch sử này.
Vui cười
– Anh chồng nói: Tốt nhất chúng ta chia tay đi
– Người vợ tiếp lời: Nếu điều đó làm anh vui.
Anh chồng ra điều kiện: Chúng ta mỗi người bước đi 100 bước về 2 hướng khác nhau, nếu hết 100 bước mà cả hai quay đầu lại thì coi như không có chuyện gì, còn không thì về sau này nếu có gặp lại nhau chúng ta vẫn coi nhau là bạn bè nhé.
Anh chồng kìm lòng bước qua 99 bước, đến bước cuối cùng thì quay đầu lại,…sững sờ khi thấy người vợ không đi về hướng ngược lại mà đi theo ngay sau lưng mình.
– Người vợ điềm tĩnh nói: Chỉ cần anh quay lại, em sẽ luôn ở phía sau anh.
Anh chồng nghẹn ngào nấc không thành tiếng, ôm choàng vợ vào lòng rưng rưng, còn người vợ từ từ lẳng viên gạch giấu trong người xuống bụi cây, nghĩ thầm trong bụng: Chỉ cần mày bước thêm 1 bước nữa, viên gạch của bà sẽ cho nát cmn đầu mày luôn
Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai – Người Lính Già Đa Hiệu 52
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi ông Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng dâng miền Nam cho tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt làm tiêu tan nền tảng hợp pháp hóa sự xâm lăng của chúng thì một số quân nhân các cấp không chấp nhận đã tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng hoặc tự sát. Trong số các anh hùng đó, có các danh Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân.
Với mục đích góp thêm vài nét chấm phá rất thực để tưởng niệm một người quân nhân thuần túy bất khuất, coi quyền lực như không có và đôi khi gần như ngạo mạn, không tham sân si và cả cuộc đời chỉ nhằm đóng góp nỗ lục cho Đất Nước…
Phải thẳng thắn nhìn nhận là ít ai để ý và biết tới tân Thiếu Úy Trần Văn Hai tốt nghiệp Khóa 7 trường Võ Bị Đà Lạt tình nguyện ra chiến đấu tại chiến trường Bắc Việt năm 1952 bổ nhiệm về phục vụ Tiểu Đoàn 4 Việt Nam (Thiếu Tá Đặng Văn Sơn Tiểu Đoàn Trưởng, sau này là Đại Tá Tư Lệnh Su Đoàn 2 rồi Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Dục Mỹ). Sau khi đất nước bị chia đôi và người Pháp lần lượt trao trả quyền quản trị, điều khiển các quân khu lại cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (đặc biệt là Quân Khu 4 trên cao nguyên từ trước vẫn hoàn toàn do các sĩ quan Pháp nắm giữ) và do một cơ duyên nào đó ông Hai gặp Đại Úy Đặng Hữu Hồng là một chuyên viên tình báo mới được bổ nhiệm lên cao nguyên làm Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4 đã nhận thấy ông Hai rất có thiện chí với nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị rút về phụ trách ban binh địa của Phòng 2 Quân Khu, sau đó vinh thăng Đại Úy đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 địa phương đồn trú tại Phan Thiết rồi về làm Đại Đội Trưởng chỉ huy công vụ Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khóa bộ binh cao cấp tại Hoa Kỳ thì Đại Úy Trần Văn Hai đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến trong tình thân thương cũng có mà thù ghét cũng không phải là ít. Khi Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ được thành lập để huấn luyện các đơn vị Biệt Động Quân cũnh như rừng núi sình lầy, mưu sinh thoát hiểm cho sĩ quan, hạ sĩ quan của các đơn vị và sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đại Úy Hai là một trong số những huấn luyện viên tận tụy làm viếc hết mình theo đúng quan niệm: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, và mồ hôi của ông luôn luôn ướt sũng bộ đồ tác chiến như mọi người đã nhìn thấy.
Năm 1964, Đại Úy Trần Văn Hai được vinh thăng Thiếu Tá sau khi mang lon Đại Úy liên tiếp 9 năm và được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên và cũng chính từ ở chức vụ này ông đã có dịp bộc lộ các cá tính và con người thực. Dưới đây là phần trích dẫn bài của Lôi Tam viết lại cuộc đối thoại của một nhóm quân nhân và công chức trẻ mà chính anh là một:
– Tụi bây bỏ hết công việc ra đây mai mốt anh Mũ Nâu lại gọi vào chửi cho cả đám.
Anh Mũ Nâu là biệt danh chúng tôi dùng để gọi Trung Tá Hai Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng vốn xuất thân là Biệt Động Quân.
– Ối ăn nhằm gì, chửi bới là nghề của anh ấy, không có chuyện cho anh ấy chửi, anh ấy bệnh ngay. Dưới mắt anh ấy cả nước này chỉ có mình anh ấy là khá, kỳ dư còn lại là lũ ăn hại, đái nát…
– Tụi bây chửi anh ấy cũng tội nghiệp, phải công nhận là anh ấy có thiện chí. Nếu nước mình mà có vài mươi mạng như anh ấy thì cũng đỡ khổ.
– Đỡ qúa chứ cũng đỡ gì…chỉ riêng cái việc anh ấy không ăn bẩn là tao sợ anh ấy rồi…
Chúng tôi kính phục Trung Tá Hai vì sự trong sạch, thái độ ngay thẳng và lòng yêu mến dân chúng thật tình của ông. Trong thời gian phục vụ dưới quyền ông, chúng tôi phải làm việc gấp hai ba lần hơn khi làm việc với các ông Tỉnh Trưởng khác nhưng cũng là thời gian mà chúng tôi thích thú nhất…
…Ông không bao giờ cười, họa hoằn lắm mới có một cái nhếch mép nhưng lại có máu khôi hài lạnh. Tôi nhớ sau cuộc hành quân t.ai Vũng Rô, một phái đoàn Tướng Tá Việt Mỹ đến Phú Yên tham dự cuộc thuyết trình về thành quả. Trong khi ông Hai đang thuyết trình về tổn thất địch thì một ông Đại Tá Mỹ đứng dậy đặt câu hỏi là trong số thương vong của địch có bao nhiêu phần trăm do hỏa lực bộ binh?
Trung Tá Hai không trả lời ngày, ông có vẻ suy nghĩ, một lát sau ông nói:
– Tôi rất tiếc không thể trả lời câu hỏi của Đại Tá lúc này được.
Mọi người có vẻ ngạc nhiên, viên Đại Tá Mỹ cau mày hỏi:
– Tại sao vậy Trung Tá?
Ông Hai hơi nhếch mép, tôi biết ông đang cố gắng nén cái cười ngạo mạn.
– Tại vì tôi chưa kịp viết thư cho viên Tướng Cộng Sản ở vùng này. Lẽ ra tôi phải viết thư trước và yêu cầu hắn chỉ thị cho binh sĩ của hắn khi bị sát hại bằng hỏa lực phi pháo thì phải nằm riêng ra một chỗ và khi bị bộ binh bắn chết thì phải nằm riêng ra một chỗ để chúng ta dễ đếm và thống kê, lần này thì chịu, theo nhận định của Bộ Chỉ Huy hỗn hợp thì đầy là một cuộc hành quân phối hợp hoàn hảo của Hải, Lục, Không Quân, thương vong của địch rải rác lẫn lộn, tình thế cũng không cho phép binh sĩ của ta ở lại lâu tại vị trí giao tranh để làm thống kê tỉ mỉ, vì vậy tôi không thể trả lời được câu hỏi của Đại Tá.
Trung Tá Hai có thể nén cười được, nhưng chúng tôi thì không…
Trung Tá Hai rời chức vụ Tỉnh Trưởng vì một chuyện rất nhỏ…Ông Tướng Tư Lệnh Vùng đang say mê một cô ca sĩ; biết rõ như thế nên một số các ông Tỉnh Trưởng trong vùng thi nhau làm vui lòng ông mỗi khi cô ca sĩ này đến trình diễn tại địa phương.
Ông Hai không cần biết điều này và ông cũng không cần tìm biết làm gì vì bản chất của ông: thanh liêm, chính trực. Sau một lần không làm vừ lòng Tướng Tư Lệnh về những chuyện công vụ, một tháng sau ông Hai bị thay thế, chúng tôi tiễn ông ra máy bay trực thăng… và hành trang của ông là một túi vải nhỏ, loại mà các phi công thường sử dụng mỗi khi đi bay…
– Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong những tháng vừa qua, có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng…
Thảo luận với ông về những khó khăn trở ngại ông thường nói: Tôi biết, tôi biết, tôi đã di qua chiếc cầu đó rồi, đừng nản, sớm muộn gì đất nước mình cũng có ngày sáng sủa…
…Ông về làm Chỉ Huy Trưởng BĐQ vinh thăng Đại Tá…Sau Tết Mậu Thân được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, vinh thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Biệt Khu 44, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ và cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Khi ông vừa rời Phú Yên về trình diện Bộ Quốc Phòng thì cũng đúng lúc chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang trống và ông Hai được bổ nhiệm điều khuyết để trở lại nơi ông đã xuất thân với những tình cảm thân thương.
Vừa nhận chức với buổi họp tham mưu đầu tiên tại Bộ Chỉ Huy, ông đã giành tối đa thời giờ để lên lớp đúng theo danh từ mà Lôi Tam dùng để diễn tả các chỉ thị Tham Mưu chính yếu nhằm quét dọn rác rưới trong việc điều hành, thuyên chuyển nhân viên, sử dụng quỹ xã hội cách rất đúng đắn và những ngày sau đó đi thăm viếng các đơn vị, đặc biệt là những đơn vị trú đóng những căn cứ hẻo lánh, các trại gia binh và các thương bệnh binh đang nằm điều trị tại các quân y viện.
Quyết định đầu tiên của ông là xuất quỹ xã hội trao tặng cho mỗ đơn vị 5000 dồng để tổ chức cây mùa xuân, ông quan niệm đây là tiền của anh em đóng vào thì họ phải được hưởng, và hơn nữa ông là một người trong sạch nên ông coi giá trị đồng tiền khá cao, tại mỗi đơn vị ông giơ cao bao thơ đựng tiền lập đi lập lại nhiều lần khiến mọi người phải cười thầm.
Đặc điểm của ông là luôn luôn lắng nghe và ghi nhận những khó khăn của các đơn vị trưởng và dù với cấp bậc khiêm nhượng ông không ngần ngại đến gõ cửa chính các vị Tư Lệnh vùng để trực tiếp can thiệp giải quyết vấn đề chứ không qua các vị Tham Mưu Trưởng. — đâu có đụng chạm, có khó khăn là có sự hiện diện của ông và đặc biệt là nhiều khi mùi khét của thuốc súng giao tranh chưa tan ông cũng không ngần ngại đáp trực thăng xuống để cùng chia sẻ ngay tại chỗ với đơn vị và đặc biệt với các cấp chỉ huy về những nỗi khó khăn gặp phải mặc dù đó không phải là nhiệm vụ chính yếu được ấn định cho chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng của ông là quản trị.
Trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, chính ông đã trực tiếp điều khiển các Liên Đoàn BĐQ hành quân giải tỏa vùng ven đô gây tổn thất nặng nề cho địch quân cũng như giảm thiểu thiệt hại cho dân chúng.
Khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc CSQG, ông có đem theo một số sĩ quan và hạ sĩ quan để cùng tiếp tay với ông điều hành công vụ và ông đã tỏ ra rất cứng rắn đối với những người này. Trường hợp Đại Úy La Thành H. cùng quê và được ông coi như một người em đỡ đầu được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 10 nhưng có những hành động lợi dụng chức vụ, tức khắc bị ông áp dụng biện pháp trừng phạt và trả về quân đội, trong đó có luôn cả chánh văn phòng của ông.
Khi một đại diện của Giám Sát Viện phàn nàn với ông về những bê bối trong ngành Cảnh Sát, ông trầm ngâm trả lời: Tôi biết, nhưng vấn đền không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp khá nhiếu khó khăn, mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình thấy cần phải làm.
Tướng Hai là một quân nhân thuần túy, không biết hay nói cho đúng hơn là không bao giờ chịu luồn cúi. Khi mới nhận chức CHT/BĐQ và lúc đó uy quyền của Tân Sơn Nhất hay nói đúng hơn là Tướng Kỳ đang ở thế thượng phong nên có người đặt vấn đề là nếu ông muốn vững tiến thì cần phải tìm cách móc nối để lọt vào vòng ảnh hưởng, nhưng ông làm ngơ. Với ông, bè phái là một từ ngữ xa lạ.
Theo tiết lộ của cụ Trần Văn Hương khi cụ được chỉ định làm Thủ Tướng thay thế Luật Sư Lộc, cụ đề nghị với Tổng Thống bổ nhiệm một tướng lãnh có khả năng chỉ huy chiến trường là Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Đại Tá Trần Văn Hai, một sĩ quan trong sạch làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Nhưng có lẽ đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm trong kế hoạch loại bỏ ảnh hưởng của ông Kỳ.
Khi vừa nhận chức được ít lâu thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ muốn đưa đàn em về coi Cảnh Sát Tư Pháp nên yêu cầu ông Hai cất chức Phụ Tá Tư Pháp là Luật Sư Đinh Thành Châu, nhưng ông Hai thẳng thắn trả lời: Nếu ông Bộ Trưởng muốn thay xin cứ ban hành nghị định, tôi sẽ thi hành nhưng tôi không thấy LS Châu có lỗi lầm gì hết. Để dằn mặt và trả dũa về sự cứng đầu của ông, phụ phí cho Cảnh Sát đã bị cắt giảm quá một nửa, ông biết như vậy sẽ gặp rất nhiều trở ngại cho sự thi hành nhiệm vụ nhưng vẫn làm những gì mà lương tâm ông nghĩ và coi đó là lẽ phải.
Với thời gian hơn một năm làm TGĐ, ông Hai chỉ đến gặp Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Thủ Tướng khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày, ngoài ra không bao giờ mon men cầu cạnh và chưa bao giờ người ta thấy ông mặc thường phục đi xe hơi mang số ẩn tế hoặc công xa lộng lẫy với xe hộ tống võ trang cùng mình chạy trước, chạy sau dẹp đường mà chỉ sử dụng chiếc xe jeep cũ của BĐQ mang theo với vài người cận vệ ngồi phía sau. Người ta cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy ông bị thay thế trở về Quân Đội vì cụ Hương đã rời phủ Thủ Tướng và hơn thế nữa, các thế lực sẽ không thể chi phối các hoạt động của Cảnh Sát nếu còn để ông tiếp tục nắm giữ quyền điều khiển cơ quan này.
Mùa hè đỏ lửa 72, Cộng quân đẩy mạnh các nỗ lực tấn công có tính cách trận điạ chiến cắt đứt các trục giao thông chiến lược, đặc biệt là đoạn Quốc Lộ 14 nối liền hai thị xã Kontum Pleiku và Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Quân Khu 2 cũng vừa mới nhận chức muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy của ông cũng như tạo một tiếng vang nên ra lệnh cho lực lượng BĐQ phải hành quân giải tỏa đoạn Quốc Lộ nêu trên với sư tăng cường của một Chi Đoàn Thiết Kỵ giao tiếp với một thành phần của Sư Đoàn 23 nhưng liên tiếp bị chận đánh không tiến lên được như ý muốn của ông nên trong một buổi họp tham Mưu, Tướng Tư Lệnh đã trút giận dữ cho là BĐQ không chịu đánh, ra lệnh thay thế các cấp chỉ huy liên hệ bằng những sĩ quan khác đồng thời còn hướng về Tướng Hai lúc này đã được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn và nói: Biệt Động Quân của anh đó. Bị miệt thị và nhất là tự ái binh chủng của ông nên ông đã thẳng thắn đáp lễ là ông sẽ đứng ra trực tiếp điều khiển cuộc hành quân và ngay sau chấm dứt ông sẽ rời khỏi Quân Đoàn 2 vì ông không thể cộng tác với một ông Tư Lệnh làm việc tùy hứng…Hai ngày sau đó lực lượng Biệt Động Quân giao tiếp được thành phần tiếp đón từ Kontum tiến ra, Tướng Tư Lệnh đã bay tới nơi với một phái đoàn báo chí để ngợi khen cái bắt tay có tính quyết định này. Tuy nhiên, để giữ lời hứa, Tướng Hai yêu cầu được rời Quân Đoàn 2, sau đó về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, nơi mà trước đây ông đã phục vụ với tính cách một huấn luyện viên nhỏ bé; nhưng ông chưa ngồi ở chức vụ này được bao lâu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 nên ông Hai được bổ nhiệm thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7, một đại đơn vị nổi danh với những vị Tư Lệnh tiền nhiệm yêu nước, trong sạch gồm cố Trung Tướng Nguyền Viết Thanh và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Một đơn vị đã hoạt động một cách hữu hiệu trong nhiệm vụ chận đứng sự xâm nhập của các đơn vị Cộng quân trong mưu toan cắt đứt đường liên lạc tiếp tế từ miền Tây về thủ đô và đó cũng là đơn vị đã chứng kiến hành động khí phách phi thường nhất của ông với niềm tin sắt đá sớm muộn gì đất nước mình rồi sẽ có ngày sáng sủa.
Cùng các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Tướng Hai đã ghi đậm một nét son cho trang cuối của quân sử Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân ngày quân lực, xin đốt nén nhang cho những tang trung liệt, những người đời đời là nỗi tiếc thương và niềm hãnh diện cho Quân Dân Miền Nam, cho mọi thế hệ, cho mọi thời đại của giòng sử đấu tranh Việt.
http://nguyentin.tripod.com/tvhai-2-u.htm
Tiếu lâm liên xô
1. Stalin muốn kiểm tra xem những người nông dân sống ra sao. Ông đi tới một ngôi làng và hỏi:
– Này các đồng chí, cuộc sống ra sao?
– Dạ thưa đồng chí, trước kia chúng tôi có 2 bộ quần áo còn bây giờ chỉ có một thôi ạ.
– Quần áo không thể dùng để đánh giá mức sống được. Các đồng chí có biết rằng ở châu Phi có những nơi người ta hoàn toàn cởi truồng không?
– Thật là tội nghiệp! Có lẽ ở đó họ đã tiến tới chủ nghĩa cộng sản trước cả chúng ta!
2. Một sinh viên thi trượt khóa tốt nghiệp chỉ vì anh không nói lên được sự khác biệt giữa kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa và kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Anh sinh viên buồn bã kể lại với bố. Ông bố an ủi con:
– Vậy là chuyện may đấy con à! Ở cơ quan bố, một cán bộ đã nói ra sự khác biệt này và không bao giờ thấy ông ta trở lại nữa…
Vài nét về một anh hùng: Đại Tá Hồ Ngọc Cẫn – Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938, tại Cần-Thơ. Thân phụ là một hạ sĩ quan trong quân đội Quốc Gia Việt Nam. Thủa nhỏ ông rất khỏe mạnh, không hề bị bệnh tật gì. Năm 10 tuổi ông bị bệnh quai bị, cả hai bên. Tính tình hiền hậu, giản dị, trầm tư, ít nói. Khi ông bắt đầu đi học (1945) thì chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, nên sự học bị gián đoạn. Mãi đến năm 1947 ông mới được đi học lại. Ông học không lấy gì làm giỏi cho lắm, thường thì chỉ đứng trung bình trong lớp. Năm 1951, phụ thân nộp đơn xin cho ông nhập học trường Thiếu Sinh Quân.Thời điểm này, trên toàn lãnh thổ VN có 7 trường TSQ, phân phối như sau :
– Trường TSQ đệ nhất quân khu, ở Gia-Định.
– Trường TSQ đệ nhị quân khu ở Huế.
– Trường TSQ đệ tam quân khu ở Hà-Nội.
– Trường TSQ Móng-Cáy dành cho sắc dân Nùng.
– Trường TSQ đệ tứ quân khu ở Ban-Mê-Thuột.
– Trường TSQ Đà-Lạt của quân đội Pháp.
– Trường TSQ Đông-Dương của quân đội Pháp, ở Vũng-Tầu.
Hồ Ngọc Cẩn được thu nhận vào lớp nhì trường TSQ đệ nhất quân khu niên khóa 1951-1952. Trường này dạy theo chương trình Pháp. Ông đỗ tiểu học năm 1952. Cuối năm 1952, trường TSQ đệ nhất quân khu di chuyển từ Gia-Định về Mỹ-Tho.
Khi hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954, thì ngày 19 tháng 8 năm 1954, trường TSQ đệ tam quân khu di chuyển từ Hà-Nội vào, sát nhập với trường TSQ đệ nhất quân khu ở Mỹ-Tho. Niên học 1954-1955, trường TSQ đệ nhất quân quân khu bắt đầu dạy chương trình Việt, và chỉ mở tới lớp đệ ngũ. Hồ Ngọc-Cẩn học lớp đệ lục A, giáo sư dạy Việt-Văn là ông Nguyễn Hữu-Hùng, từ Bắc di cư vào. Thực là một điều lạ, là giữa một số bạn học chương trình Việt từ Bắc vào, mà Hồ Ngọc-Cẩn lại tỏ ra xuất sắc về môn Việt-Văn. Trong năm học, có chín kỳ luận văn, thì bài của Cẩn được tuyển chọn là bài xuất sắc, đọc cho cả lớp nghe bảy kỳ. Nhưng bài của Cẩn chỉ đứng thứ nhì trong lớp mà thôi. Năm này Cẩn bắt đầu làm thơ. Thơ của Cẩn không có hùng khí, đa số những bài thơ này cực kỳ lãng mạn.
Ghi chú : Ông Hùng bấy giờ mới đỗ tú tài. Trong thời gian dạy tại trường TSQ, ông tự học, đỗ cử nhân luật. Sau khi đỗ cử nhân luật, ông được bổ làm thẩm phán ở Tuy-Hòa, rồi làm bộ trưởng Lao-Động, rồi thẩm phán ở Phước-Tuy, rồi lại làm bộ trưởng Lao-Động. Sau 1975 ông sống tiềm ẩn ở Houston, bang Texas, Hoa-kỳ và từ trần năm 2000.
Hết năm học, Cẩn đã 17 tuổi. Theo học quy của trường TSQ, thì khi một học sinh mười bẩy tuổi, mà chưa học hết đệ ngũ, sẽ được gửi đi học chuyên môn. Còn như mười bẩy tuổi, mà học hết đệ ngũ, lại tỏ ra xuất sắc thì được giữ lại học đệ tứ, rồi… cho học lên cao nữa. Niên khóa 1955-1956, Hồ Ngọc-Cẩn được gửi lên học tại Liên-Trường Võ Khoa Thủ-Đức, về vũ khí. Sau ba tháng, Cẩn đậu chứng chỉ chuyên môn về vũ khí bậc nhất với hạng ưu. Sáu tháng sau đó, Cẩn lại đậu chứng chỉ bậc nhì, và bắt đầu ký đăng vào quân đội với cấp bậc binh nhì.
Quy chế dành cho các TSQ Việt-Nam thời ấy là quy chế dành cho các TSQ Pháp trong thời bình. Một học sinh ra trường, thì ba tháng đầu với cấp bậc binh nhì, ba tháng sau với cấp bậc hạ sĩ, ba tháng sau thăng hạ sĩ nhất, và ba tháng sau nữa thăng trung sĩ. Chín tháng sau Cẩn là trung sĩ huấn luyện viên về vũ khí.
Chiến tranh tại miền Nam VN tái phát vào năm 1960 tại một vài vùng. Sang năm 1961 thì lan rộng. Để giải quyết nhu cầu thiếu sĩ quan, bộ Quốc-Phòng cho mở các khóa sĩ quan đặc biệt. Được nhập học trường này, tất cả các hạ sĩ quan có trên năm năm công vụ, có bằng Trung-Học đệ nhất cấp. Với sự nâng đỡ đặc biệt của đại tướng Lê Văn-Tỵ Tổng-tham mưu trưởng, nguyên là một cựu TSQ, các hạ sĩ quan xuất thân từ trường TSQ, không cần phải hội đủ trình độ học vấn, cũng như thâm niên công vụ, đều được nhập học.
Nào ai ngờ, với sự nâng đỡ đặc biệt này, đã cung cấp cho đất nước VN không biết bao nhiêu sĩ quan gương mẫu, anh hùng trên chiến trường.
Hồ Ngọc-Cẩn tốt nghiệp khóa 2 sĩ quan đặc biệt với cấp bậc chuẩn úy. Dường như có một mật lệnh của Tổng-Thống Ngô Đình-Diệm hay đại tướng Lê Văn-Tỵ, các tân chuẩn úy, xuất thân từ trường TSQ, đều được đưa về phục vụ tại các binh chủng : Dù, Thủy-Quân Lục Chiến (TQLC) , Biệt-Động Quân (BĐQ), Quân-Báo, An-Ninh Quân Đội, và Lực-Lượng Đặc Biệt (LLĐB).
Sau khi ra trường, Hồ Ngọc-Cẩn theo học một khóa huấn luyện BĐQ, rồi thuyên chuyển về phục vụ tại khu 42 chiến thuật, với chức vụ khiêm tốn là trung đội trưởng. Lãnh thổ khu này gồm các tỉnh Cần-Thơ (Phong-Dinh), Chương-Thiện, Sóc-Trăng (Ba-Xuyên), Bặc-Liêu, Cà-Mâu (An-Xuyên). Về sau, vì tình hình chiến tranh thay đổi, quân cộng-sản từ du kích chiến, chuyển sang đánh cấp tiểu đoàn và trung đoàn, các đại đội BĐQ cũng phải kết hợp thành tiểu đoàn. Các đại đội BĐQ của khu 42 chiến thuật kết thành hai tiểu đoàn. Tiểu đoàn mang số 42, đơn vị mà Cẩn phục vụ, được tặng mỹ danh là tiểu đoàn Cọp ba đầu rằn. Tiểu đoàn mang số 44 được tặng mỹ danh là Cọp xám U-Minh Hạ.
Tôi đã gặp Hồ Ngọc-Cẩn bao giờ ? Tại đâu ? Câu truyện như thế này :
Năm 1966, khi đọc trong Đại-Nam chính biên liệt truyện, Đại-Nam nhất thống chí viết về « Ngụy Tây-sơn », có rất nhiều nghi vấn trong những trận đánh giữa vua Quang-Trung, với vua Gia-long tại rừng U-minh. Tôi nảy ra ý xuống vùng tận cùng của đất nước này tìm hiểu thêm. Bấy giờ đang xẩy ra vụ biến động miền Trung, « các thầy mang bàn thờ xuống đường » , chiến cuộc tại miền Tây cực kỳ sôi động, mẹ tôi, bà má má (vú nuôi) cực lực phản đối, vì đi như vậy dễ tiêu dao miền Cực-lạc lắm. Nhưng bố tôi, sau khi tính số Tử-vi của tôi, cụ lại khuyên tôi nên đi. Cụ nói « Con đi lần này sẽ có thêm nhiều bạn tốt, hơn nữa có dịp biết về vùng đồng lầy Cà-mau ». Tôi nhất quyết đi, bà má má tôi khóc khốn khổ, nhưng cũng không cản được cái tính phiêu lưu và mê sưu tầm của tôi.
Nhưng làm thế nào để có thể được vào tất cả những làng, những xã, mà không gặp trở ngại ? Làm sao có phương tiện di chuyển ? Chỉ một cú điện thoại, ông bố tôi đã kiếm cho tôi cái giấy giới thiệu của tờ tuần báo trung lập lớn nhất ở Paris. Bà má má kiếm cho tôi giấy giới thiệu của tờ nhật báo Hoa-văn tại Hương-Cảng. Thế là tôi bỗng trở thành ký giả bất đắc dĩ. Tôi đến bộ tư lệnh MACV xin giúp phương tiện làm phóng sự chiến trường ở vùng 4 chiến thuật. Tôi chỉ mong tìm hiểu lịch sử, chứ nào có chủ tâm làm ký giả !
Nhưng sau chuyến đi ấy, quá xúc động về cuộc chiến tranh thê thảm, tôi đã viết rất nhiều bài ký sự chiến trường, đăng trên một số báo ngoại quốc. Khởi đầu, uất hận trước cái chết của một cô bạn gái tên Đặng-thị Tuyết, mới hai mươi tuổi, làm nữ cán bộ Xây-Dựng Nông Thôn tại kinh Tắc-Vân, Cà-Mau. Tôi là thầy thuốc, mà cô bị trúng đạn, chết trên tay tôi. Tôi viết bài « Giang biên hoa lạc » gây xúc động mạnh cho độc giả Hương-Cảng và giới Hoa-Kiều tại VN. Sau tôi có dịch bài này sang tiếng Việt với tên là « Hoa rơi bên bờ kinh Tắc-Vân » . Tôi gửi bài này dự thi giải ký sự chiến trường của Cục Tâm-Lý Chiến năm 1967. Bài của tôi được giải nhì. Giải nhất về Trang-Châu cũng là một bài ký sự của y sĩ tiền tuyến. Một trong các giám khảo nói với tôi « Về nội dung, bài của cháu với Trang-Châu cùng nói lên niềm mơ ước của tuổi trẻ quên mình cho quê hương. Nhưng bài của Trang-Châu trung thực, còn bài của cháu thì ướt át quá, thê thảm quá, dù rằng đó là sự thực ».
Sau đây, tôi xin trích nguyên văn một đoạn tôi viết về Hồ Ngọc-Cẩn, trong bài « Ngũ Hổ U-Minh Thượng », kể chuyện năm tiểu đoàn trưởng nổi danh can đảm, có máu văn nghệ, nhất là phong lưu tiêu sái, tại chiến trường cực Nam năm 1966. Ngũ hổ là :
• Đai-úy Hồ Ngọc-Cẩn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/33,
• Thiếu-tá Lưu Trọng-Kiệt tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 42 BĐQ.
• Thiếu-tá Nguyễn Văn-Huy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 44 BĐQ,
• Thiếu-tá Lê Văn-Hưng tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/31.
• Đại-úy Vương Văn-Trổ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/33.
Ghi chú: Tôi xếp theo thứ tự abc. Trong năm người thì Kiệt tuẫn quốc năm 1967. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hưng tự tử, Cẩn bị xử bắn. Còn Trổ , sau lên đại tá lĩnh tỉnh trưởng Kiên-Giang, hiện định cư tại Houston, bang Texas, Hoa-Kỳ. Còn Huy tôi không biết sau ra sao ?
Ngày19 tháng 4 năm 1966, tôi tới phi trường Vĩnh-Lợi bằng phi cơ Caribou của quân đội Hoa-Kỳ. Người đón tôi là thiếu tá Raider, của cố vấn đoàn 42. Tại bản doanh của cố vấn đoàn 42, đại tá cố vấn trưởng Hathaway không biết gì về chủ đích chuyến đi của tôi. Ông chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu do hai chủ báo cấp, mà đoán rằng tôi là tên thầy thuốc trẻ, thích phiêu lưu, nên đi làm ký giả. Ông cho tôi biết tình hình địch rất chi tiết. Về tình hình quân đội VN tại năm tỉnh tận cùng của đất nước, ông nói :
– « Khu 42 chiến thuật, do sư đoàn 21, thuộc quân đoàn 4 trấn nhậm. Sư đoàn có ba trung đoàn mang số 31, 32, 33. Trung đoàn 31 đóng tại Chương-Thiện. Trung-đoàn 32 đóng tại Cà-Mau. Trung-đoàn 33 đóng tại Ba-Xuyên. Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn Biệt-Động Quân mang số 42 và 44. Tiểu đoàn 42 đóng tại Bặc-Liêu, tiểu đoàn 44 đóng tại Ba-Xuyên ».
Ông ca tụng quân đội VN như sau :
« Lương bổng cho người lính VN, chỉ gọi là tạm đủ ăn. Doanh trại không có, trang bị thiếu thốn. Nhưng họ chiến đấu như đoàn sư tử. Tuy vậy vẫn có những điều đáng phàn nàn. Ông là thầy thuốc cầm bút, xin ông lướt qua những cái đó ».
Bốn hôm sau, có cuộc hành quân cấp sư đoàn. Tôi được gửi theo tiểu đoàn 42 Biệt-Động Quân. Tiểu đoàn trưởng là thiếu-tá Lưu Trọng-Kiệt, tiểu đoàn phó là trung-úy Hồ Ngọc-Cẩn. Cái tréo cẳng ngỗng là đối với cố vấn đoàn thì tôi là ký giả. Còn Kiệt với Cẩn lại tưởng tôi là bác sĩ tình nguyện ra mặt trận. Tiểu đoàn được đặt làm trừ bị tại phi trường Vĩnh-Lợi, từ bẩy giờ sáng, chuẩn bị nhảy trực thăng vận. Nếu khi nhảy, thì tiểu đoàn sẽ nhảy làm hai cánh. Cánh thứ nhất gồm đại đội 1, 2 do Hồ Ngọc-Cẩn chỉ huy. Cánh thứ nhì gồm đại đội 3 và đại đội chỉ huy, do thiếu tá Lưu Trọng-Kiệt chỉ huy. Tôi với Kiệt, Cẩn ngang ngang tuổi nhau. Tôi có máu giang hồ của người tập võ, coi trời bằng vung, lại cũng có học qua quân sự, nên chúng tôi thân cận nhau dễ dàng. Đại-úy cố vấn tiểu đoàn muốn tôi nhảy theo bộ chỉ huy. Anh hỏi tôi :
– Lần đầu tiên ra trận, « sơ » có sợ không ?
Tôi trả lời như những nhân vật trong lịch sử Việt-Nam :
– Tráng sĩ khi ra trận, không chết thì cũng bị thương. Nếu sợ chết thì đừng ra trận.
Cẩn hỏi tôi đã học quân sự chưa ? Tôi đáp :
– Kiến thức về quân sự của tôi chỉ bằng phó binh nhì thôi. Nhưng cũng biết bò, biết núp, biết nhảy, biết bắn. Đánh nhau bằng súng thì tôi dở ẹc, nhưng đánh cận chiến thì tôi có hạng, vì tôi là ông thầy dạy võ.
Thông dịch viên dịch lại cho binh sĩ nghe. Họ khen tôi :
– Ông bác sĩ này ngon thực !
Tôi hỏi Kiệt :
– Trong hai cánh, thì cánh nào có hy vọng được đánh nhau nhiều hơn ?
Kiệt chỉ Cẩn :
– Anh cứ nhảy theo thằng này, thì sẽ toại nguyện. Tha hồ mà hành nghề.
Tiểu đoàn cũng có sĩ quan trợ y. Anh biệt phái cho tôi một y tá cấp trung sĩ, với đầy đủ thuốc cấp cứu. Trên lưng tôi chỉ có bộ đồ giải phẫu dã chiến. Khoảng mười giờ thì có lệnh : Một đơn vị địa phương quân chạm địch tại Vĩnh-Châu. Địch là tiểu đoàn Cơ-động Sóc-Trăng. Tiểu đoàn phải nhảy trực thăng vận đánh vào hông địch. Địa điểm nhảy là một khu đồng lầy.
Sau khi Kiệt họp các sĩ quan, tóm lược vắn tắt nhiệm vụ, tình hình trong mười phút. Cẩn dẫn tôi ra phi đạo. Hai đại đội đã lên trực thăng từ bao giờ. Chúng tôi cùng leo lên một trực thăng. Hai mươi lăm chiếc trực thăng cùng cất cánh. Trực thăng bay khoảng bẩy phút, thì Cẩn chỉ vào khu làng mạc trước mặt :
– Kìa, chỗ chúng mình đáp kìa.
Trực thăng hạ cánh. Thoáng một cái hơn hai trăm người từ trực thăng lao ra. Một cảnh tượng, mà không bao giờ tôi quên : Những người lính dàn ra thành một hàng ngang. Họ núp vào cái những cái bờ ruộng, mô đất, tay thủ súng, mắt đăm đăm nhìn về trước. Đó là một làng, lưa thưa mấy ngôi nhà tranh, ẩn hiện dưới những cây dừa xanh tươi. Mặc dù súng trong làng bắn ra, nhưng những người lính ấy,
vẫn chưa bắn trả. Tôi đưa mắt nhìn một lượt, các sĩ quan, người thì nằm, người thì quỳ, cũng có người đứng.
Từ lúc nhảy xuống, Cẩn không hề nằm, quỳ, mà đứng quan sát trận mình, quan sát trận địch. Một là điếc không sợ sấm, hai là tự tin vào số tử-vi của mình thọ, tôi cũng đứng.
Hơn mười phút sau, cánh quân thứ nhì đã nhảy xuống trận địa. Trận vừa dàn xong, thì sĩ quan đề lô xin pháo binh nã vào những chỗ có ổ moọc-chê, trung liên, đại liên trong làng. Một lệnh ban ra, hơn bốn trăm con cọp dàn hàng ngang, vừa bắn, vừa xung phong vào trong làng. Trong khi súng trong làng bắn ra, đạn cầy các ụ đất, trúng vào ruộng nước, bụi, nước bắn tung.
Hàng quân tới bờ ruộng cuối cùng, cách bìa làng không đầy năm mươi thước, thì súng nhỏ từ trong mới nổ. Cả hàng quân đều nằm dài ra sau cái bờ ruộng. Giữa lúc đó, sĩ quan pháo binh trúng đạn lật ngươc. Tôi chạy lại cấp cứu, thì không kịp, viên đạn xuyên qua sọ anh. Thế là pháo binh vô hiệu. Trực thăng võ trang được gọi đến. Cố vấn Mỹ báo về trung tâm hành quân. Cố vấn tại trung tâm hành quân ra lệnh cho phi công trực thăng nã xuống địa điểm có địch quân.
Tôi đứng cạnh Cẩn tại một mô đất. Cẩn không thực tiếp cầm máy chỉ huy, mà ra lệnh cho các đại đội, trung đội qua hiệu thính viên.
Sau khi trực thăng võ trang nã ba loạt rocket, đại liên, thì lệnh xung phong truyền ra. Cả tiểu đoàn reo lên như sóng biển, rồi người người rời chỗ nằm lao vào làng. Không đầy mười phút sau, tiếng súng im hẳn.
Bây giờ là lúc tôi hành nghề. Những binh sĩ, tù binh bị thương nặng được băng bó, cầm máu, rồi trực thăng tải về quân y viện. Còn như bị thương nhẹ thì được điều trị tại chỗ. Tôi ngạc nhiên vô cùng, khi thấy những binh sĩ bị thương khá nặng, nghe tôi nói rằng : Nếu họ muốn, tôi có thể gắp đạn, may các vết thương đó cho họ, mà không phải về quân y viện. Họ từ chối đi quân y viện, xin ở lại để tôi giúp họ. Tôi cùng sĩ quan trợ y, bốn y tá làm việc trong hơn giờ mới xong. Tôi hỏi Cẩn :
– Tôi tưởng, thương binh được về quân y viện chữa trị, nghỉ ngơi, thì là điều họ mong muốn mới phải. Tại sao họ muốn ở lại ?
– Bọn cọp nhà này vẫn vậy. Chúng tôi sống với nhau, kề cận cái chết với nhau, thì xa nhau là điều buồn khổ vô cùng. Đấy chúng nó bị thương như vậy đấy, lát nữa anh sẽ thấy chúng chống gậy đi chơi nhông nhông ngoài phố, coi như bị kiến cắn.
Tôi đi một vòng thăm trận địa. Hơn hai trăm xác chết, mặc áo bà ba đen, quần đùi. Những xác chết đó, gương mặt còn non choẹt, đa số tuổi khoảng 15 đến 20, cái thì nằm vắt vẻo trên bờ kinh, cái thì bị cháy đen, cái thì mất đầu. Cũng có cái nằm chết trong hầm. Không biết, trong khi họ phơi xác ở đây, thì cha mẹ, anh em, vợ con họ có biết không ?
Sau trận đó thì Cẩn được thăng cấp đại úy. Cuối năm 1966, Cẩn từ biệt tiểu đoàn 42 BĐQ đi làm tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 (Sư đoàn 21). Việc đầu tiên của Cẩn khi làm tiểu đoàn trưởng là xin sư đoàn cho tất cả các sĩ quan, hạ sĩ quan xuất thân trường TSQ về chiến đấu cùng với mình. Cẩn đã được thỏa mãn một phần yêu cầu. Tôi hỏi Cẩn :
– Anh đem các cựu TSQ về, với mục đích gì ?
– Một là để dễ sai. Tất cả bọn cựu TSQ này đều ra trường sau tôi. Chúng là đàn em, dù tôi không phải là cấp trên của chúng nó, mà chúng no lộn xộn, tôi vẫn hèo vào đít chúng nó được. Nay tôi muốn chúng về với tôi, để tôi có thể dạy dỗ chúng nó những gì mà tại quân trường không dạy. Hai là, truyền thống của tôi khi ra trận là chết thì chết chứ không lùi, vì vậy cần phải có một số người giống mình, thì đánh nhau mới đã. Bọn cựu TSQ đều như tôi cả.
Suốt năm 1967, Cẩn với tiểu đoàn 1/33 tung hoành trên khắp lãnh thổ năm tỉnh Hậu-Giang, khi Đại-Ngãi, khi Tắc-Vân, khi Kiên-Hưng, khi Thác-Lác, khi Cờ-Đỏ. Sau trận tổng công kích Mậu-Thân, Cẩn được thăng thiếu tá. Năm 1968, Cẩn là người có nhiều huy chương nhất quân đội. Thời gian này tôi bắt đầu viết lịch sử tiểu thuyết, nên tôi đọc rất kỹ Lục-Thao, Tam-Lược, Tôn-Ngô binh pháp, cùng binh pháp của các danh tướng Đức, Pháp, nhất là của các tướng Hồng-Quân. Tôi dùng kiến thức quân sự trong sách vở để đánh giá những trận đánh của Cẩn từ 1966. Tôi bật ngửa ra rằng, Cẩn không hề đọc, cũng không hề được học tại trường sĩ quan, những binh pháp đó. Mà sao từ cung cách chỉ huy, cung cách hành xử với cấp dưới, cấp trên, nhất là những trận đánh của Cẩn bàng bạc xuất hiện như những lý thuyết trong thư tịch cổ ?
Năm 1970, Cẩn thăng trung tá, rời tiểu đoan 1/33 đi làm trung đoàn trưởng trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9. Năm 1972, Cẩn được lệnh mang trung đoàn 15 từ miền Tây lên giải phóng An-Lộc. Cuối năm 1973, Cẩn được trở về chiến trường sình lầy với chức vụ tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng Chương-Thiện. Lần cuối cùng tôi gặp Cẩn vào mùa hè năm 1974 tại Chương-Thiện. Tôi hỏi Cẩn :
– Anh từng là trung đoàn trưởng, hiện làm tỉnh trưởng. Anh có nghĩ rằng sau này sẽ làm sư đoàn trưởng không ?
– Tôi lặn lội suốt mười bốn năm qua, gối chưa mỏi, nhưng kiến thức có hạn. Được chỉ huy trung đoàn là cao rồi. Mình phải biết liêm sỉ chứ ? Coi sư đoàn sao được.
– Thế anh nghĩ sau này anh sẽ làm gì ?
– Làm tỉnh trưởng bất quá một hai năm nữa rồi tôi phải ra đi, cho đàn em họ có chỗ tiến thân. Bấy giờ tôi xin về coi trường TSQ, hoặc coi các lớp huấn luyện đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, đem những kinh nghiệm thu nhặt được trong mười mấy năm qua dạy đàn em. Tôi sẽ thuật trước sau hơn ba trăm trận đánh, mà tôi trải qua, nhờ anh viết lại. Bộ sách đó, anh nghĩ nên đặt tên là gì ?
– « Cẩm nang của các đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng trong chiến tranh chống du kích taị vùng đồng lầy ». Nhưng liệu bộ Quốc-phòng có cho phép in hay không ?
– Không cho in thì mình cũng cứ thuật, rồi đem giảng dạy, ai cấm được ?
Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với Cẩn.
Sau khi miền Nam mất, tôi không được tin tức của Cẩn. Mãi năm 1976, tôi được tin : Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi tên tướng mặt bánh đúc Dương Văn-Minh ra lệnh đầu hàng. Cẩn chống lại lệnh đó. Các đơn vị Cộng-quân tiến vào tiếp thu tiểu khu Chương-Thiện, thì gặp sức kháng cự, chết rất nhiều. Cẩn bị bắt, rồi bị đem ra xử tử.
Ghi chú: Tại Sài-Gòn 9 giờ bẩy phút, tiếng súng kháng cự tại các đơn vị dù chấm dứt. Tại bộ chỉ huy tiểu khu Chương-Thiện kéo dài tới 15 giờ. Trong khi đó, tiếng súng kháng cự của các Thiếu-Sinh-Quân còn kéo dài tới 19 giờ bốn mươi lăm phút tại Vũng-Tầu. Nếu tôi không lầm thì các TSQVN là những người chiến đấu cuối cùng của miền Nam.
Cuộc xử Cẩn do hai nhân chứng thuật lại:
Một là Trung-tá Bùi Văn Địch (Hiện sống ở Berlin), xuất thân trường Thiếu-Sinh-Quân Hà-Nội, sau di vào Mỹ-Tho. Trung-tá Địch đã sống với Cẩn 2 năm tại trường Thiếu-Sinh-Quân Mỹ-Tho. Thời gian 1972, cả hai từng cùng phục vụ tại sư đoàn 9 bộ binh.
Hai là phu nhân của Trung-tá bác-sĩ Jean Marc Bodoret, nhũ danh Vũ-Thị Quỳnh-Chi (Hiện sống ở Marseille), em ruột của cựu Thiếu-sinh-quân Vũ Tiến Quang. Quang là người nạp đạn cho Cẩn xử dụng khẩu đại liên 30, bắn đến viên đạn cuối cùng trong công sự chiến đấu tiểu khu Chương-Thiện. (Xin xem bài Cái bóng của Hoài-văn vương Trần Quốc Toản trong sách này). Bà Bodoret chứng kiến tận mắt hai cuộc xử án Cẩn.
Cuộc xử án như sau:
Ngay khi Cẩn bị bắt, người ta để Cẩn lên một chiếc xe mui trần, chở đi khắp thành phố Chương-Thiện cho dân chúng xem chiến lợi phẩm. Ngồi trên xe, Cẩn thản nhiên mỉm cười, vẫy tay chào dân chúng. Cái gọi là tòa án nhân dân được lập ngay trước tòa hành chánh. Sau khi quan tòa kết tội Cẩn bằng những từ ngữ hiếm hoi thấy trong các đạo luật trên thế giới. Người ta kêu gọi dân chúng, ai là nạn nhân của Cẩn thì đứng lên tố cáo, rồi muốn đánh, muốn chửi tùy thích. Nhưng chỉ có vài cán bộ nội thành tố cáo Cẩn là ác ôn có nợ máu. Dân chúng không có ai lên tiếng cả. Người ta hỏi : Những ai đồng ý xử tử Cẩn thì dơ tay lên ! Lại cũng chẳng có ai dơ tay. Thế là cuộc xử án ngừng lại.
Rồi, ba tuần sau, cuộc xử án Cẩn lại diễn ra ở sân vận động thể thao Cần-Thơ. Lần này người ta chuẩn bị kỹ hơn, người ta cho tụi bò-vàng xen lẫn với dân chúng. Cũng bản cũ soạn lại, nhưng người ta khôn khéo hơn, người ta không hỏi xem Cẩn đã nợ máu với ai, thì hãy ra mà xỉ vả, đánh đập. Người ta chỉ hỏi : Ai đồng ý xử tử Cẩn thì dơ tay. Bò vàng dơ tay, một số dân chúng dơ tay. Số đông vẫn cứng đầu, không đơ tay.
Người ta hỏi Cẩn có nhận những tội mà tòa án nêu ra không ? Cẩn cười nhạt :
« Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt ».
Rồi Cẩn hô:
« Đả đảo cộng-sản. Việt-Nam muôn năm »
Sau khi Cẩn bị băn chết, dân chúng hiện diện khóc như mưa như gió. Trời tháng năm, đang nắng chói chang, tự nhiên sấm chớp nổ rung động không gian, rồi một trận mưa như trút xuống.
Nắng mưa là hiện tượng bình thường của trời đất. Nhưng dân chúng Cần-Thơ thì cho rằng, trời khóc thương cho người anh hùng, gặp cơn sóng gió của đất nước.
Khi tôi gặp Cẩn, thì tôi chưa khởi công viết lịch sử tiểu thuyết. Thành ra cuộc đời Cẩn, cuộc đời các cựu TSQ quanh Cẩn, in vào tâm não tôi rất sâu, rất đẹp. Vì vậy sang năm 1968, khi bắt đầu viết, thì bao giờ tôi cũng khơỉ đầu bằng thời thơ ấu của những nhân vật chính. Trong bộ nào, cũng có những thiếu niên, khi ra trận chỉ tiến lên hoặc chết, chứ không lùi.
Có rất nhiều người đặt câu hỏi : Giữa tôi và Cẩn như hai thái cực . Cẩn chỉ học đến đệ lục, tôi được học ở nhà, ở trường đến trình độ cao nhất. Cẩn là người Nam, tôi là người Bắc. Cẩn theo đạo Chúa, tôi là cư sĩ Phật-giáo. Tôi thì sống trong sách vở, hay đi trên mây, Cẩn thì lăn lộn với thực tế. Tôi không biết uống rượu, Cẩn thì nổi danh tửu lượng cao nhất sư đoàn 21 bộ binh. Tôi thấy người đẹp là chân tay run lẩy bẩy, Cẩn thì rửng rưng. Thế mà khi gặp nhau, chúng tôi thân với nhau ngay. Thân đến độ giãi bầy cho nhau tất cả những tâm sự thầm kín nhất, không một người thứ nhì biết được. Tại sao ? Cho đến nay, tôi mới trả lời được rằng : Cẩn cũng như những người quanh Cẩn, là những hình bóng thực, rất quen thuộc mà trước kia tôi chỉ thấy trong lịch sử. Nay được gặp trong thực tế.
Hai mươi mốt năm qua, đúng mười hai giờ trưa, ngày 30 tháng tư, dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng mua bó hoa, đèn cầy, vào nhà thờ đốt nến, đặt hoa dưới tượng đức mẹ, và cầu xin cho linh hồn Cẩn được an lành trong vòng tay người.
Tôi lược thuật về cuộc đời Cẩn mà không phê bình, vì Cẩn là bạn thân của tôi. Vả tôi không đủ ngôn từ đẹp đẽ để tặng Cẩn.
http://batkhuat.net/van-vainet-anhhung-tsq.htm
Dân Tộc Sinh Tồn – GS Nguyễn Ngọc Huy
Ð.- Những cuộc tranh đấu giữa các đoàn thể hợp quần của người
Khảo-sát về sự hợp-quần giữa loài người, ta đã nhận thấy rằng sự hợp-quần có xu-hướng đi từ một phạm-vi nhỏ hẹp đến một phạm-vi rộng lớn. Mộng-tưởng thế-giới đại-đồng, thống-nhứt nhơn-loại không thể đạt được vì nhiều nguyên-nhơn vật-chất và tâm-lý luôn luôn chia rẽ loài người.
Một mặt khác, việc noi theo sự tiến-triển của sự hợp-quần đã cho ta thấy rằng số người trong một đoàn-thể càng đông thì tánh-cách đồng-nhứt của họ càng giảm bớt đi. Do đó, người trong những đoàn-thể rộng lớn không thể hoàn-toàn giống nhau về mọi phương-diện.
Hơn nữa, chế-độ phân-công do sự hợp-quần rộng lớn gây ra lại giúp người nâng cao trình-độ kỹ-thuật của mình lên. Nhờ đó, sự sản-xuất những vật dụng cần-thiết cho sự sống của người càng ngày càng tăng-tiến.
Ðiều này, phụ vào ý-muốn cải-thiện không ngừng đời sống của mình đã làm cho số nhu-cầu vật-chất và tinh-thần của người thêm lên mãi mãi. Sự sống còn của người vì thế mà trở nên phức-tạp, và sự cần thỏa-mãn những nhu-cầu khác nhau của mình làm cho quyền-lợi của người có rất nhiều mặt.
Vì những lẽ nầy, người có thể vừa hợp-quần với người này, vừa hợp-quần với người khác về mặt kia. Một người có thể vừa hợp-quần về huyết-thống với thân-quyến trong tiểu-gia-đình và đại-gia-đình mình, vừa hợp-quần về mặt nghề-nghiệp với những bạn đồng-nghiệp trong nghiệp-đoàn, vừa hợp-quần về mặt tâm-tánh với bạn bè, vừa hợp-quần về mặt tín-ngưỡng với những đạo-hữu, vừa hợp-quần về mặt tư-tưởng chánh-trị với những đồng-chí trong một chánh-đảng, vừa hợp-quần với tất cả người đồng-bào trong quốc-gia.
Việc một người có thể đồng-thời có mặt trong nhiều đoàn-thể hợp-quần khác nhau làm cho vấn-đề thành ra hết sức phức-tạp. Quyền-lợi của tất cả những đoàn-thể khác nhau trong đó người có chơn không thể nào luôn luôn hòa-hợp với nhau được. Mỗi khi quyền-lợi của những đoàn-thể ấy xung-đột lẫn nhau, người bắt buộc phải quyết-định đặt cái nào trên hết.
Vì mỗi đoàn-thể đều bảo-vệ cho một thứ quyền-lợi vật-chất hay tinh-thần của người cho nên người phải chọn lựa xem quyền-lợi nào đáng cho mình trọng nhứt. Sự chọn lựa này hoàn-toàn tùy theo quan-niệm sinh-tồn của người, thành ra nó không giống nhau hết được.
Cùng trong một trường-hợp như nhau, mỗi người đều có thái-độ riêng của mình. Có người đặt tư-tưởng chánh-trị lên trên hết, và khi quyền-lợi của chánh-đảng họ bắt buộc, họ dám bỏ gia-đình, chống lại thân-quyến, bằng-hữu và bạn đồng-nghiệp của họ, họ dám phủ-nhận tôn-giáo họ theo, giết hại đồng-bào và nhiều khi phạm vào quyền-lợi tối-cao của quốc-gia nữa. Có người, trái lại, xem tình gia-đình là nặng nhứt và không ngần-ngại bỏ chánh-đảng, bỏ quyền-lợi quốc-gia để phụng-sự người thân. Cũng có người nuôi một tinh-thần tôn-giáo mạnh mẽ, và khi giáo-hội họ ra lệnh, họ dám chống lại chánh-đảng, chọi lại quyền-lợi quốc-gia.
Chính vì những chỗ khác nhau trên này mà có những sự rắc rối trong sự hợp-quần để tranh-đấu của loài người.
E.- xu hướng hợp quần quan trọng trong lịch sử
Những xu-hướng hợp-quần để tranh-đấu thật có rất nhiều. Những xu-hướng có đủ điều-kiện để lôi cuốn một số đông người theo và gây những cuộc đảo lộn lớn lao trong lịch-sử thì không có được bao nhiêu.
Những người theo chủ-nghĩa Karl Marx cho rằng yếu-tố tương-đồng hoàn-cảnh là yếu-tố mạnh nhứt. Nó đã luôn luôn thắng-lợi trong sự lôi kéo con người chỉ hợp-quần nhau lại mà tranh-đấu lẫn nhau. Bởi đó, lịch-sử loài người chỉ là lịch-sử của một cuộc giai-cấp tranh-đấu không ngừng.
Những lời quả-quyết của những người theo thuyết Karl Marx không hợp với thực-tế. Sự xung-đột giai-cấp không thể nào giải-thích được những cuộc chiến-tranh đã xảy ra giữa người Việt với người Trung-hoa và người Chiêm, người Miên, người Lào, người Thái. Nó cũng không giải-thích được những cuộc chiến-tranh xảy ra giữa những người theo đạo Thiên-chúa và người theo đạo Hồi, hay giữa những nước phát-xít và những nước dân-chủ trong trận đại-chiến vừa qua.
1.- Những loại chiến tranh đã xảy ra trong lịch sử loài người
Ðọc lịch-sử một cách khách-quan, chúng ta nhận thấy rằng trong quá-khứ, có bốn yếu-tố lôi kéo được một số đông người hợp-quần lại để tranh-đấu chung nhau. Bốn yếu-tố này là: dân-tộc, giai-cấp, xu-hướng chánh-trị và tôn-giáo.
a)- Chiến tranh dân tộc
Những cuộc tranh-đấu giữa người Việt với người Trung-hoa và người Chiêm, người Miên, người Lào, người Thái, người Pháp, những cuộc tranh-đấu giữa người Pháp với người Đức, người Ý, người Tây-ban-nha, người Anh v.v… là những cuộc chiến-tranh dân-tộc.
Trong những cuộc chiến-tranh ấy, người của dân-tộc này đem hết năng-lực mình ra đối chọi lại lực-lượng của dân-tộc kia để bảo-vệ lãnh-thổ nước mình, để giữ vững nền độc-lập của mình, để xâm-chiếm một mảnh đất cần-thiết cho sự sinh-tồn của mình, hay để tranh giành một nguồn quyền-lợi gì đó.
Những cuộc chiến-tranh dân-tộc có thể xuất-hiện dưới hình-thức những cuộc cách-mạng giải phóng khi một dân-tộc nhược-tiểu vùng lên để thoát ách đô-hộ của đế-quốc thống-trị mình.
b)- Chiến tranh giai cấp
Bên trong quốc-gia, ta thường thấy xuất-hiện chiến-tranh giai-cấp. Trong những cuộc chiến-tranh này, hạng người nghèo khó bị bóc lột đứng lên chống chọi lại những hạng thiểu-số chiếm lấy chánh-quyền và thừa thế mà áp-chế đồng-bào.
Cuộc cách-mạng năm 1789 ở Pháp là một cuộc chiến-tranh giai-cấp do hạng bình-dân gây ra để hủy bỏ những đặc-quyền của hai hạng quí-tộc và tăng-lữ. Ta cũng có thể xem một số những cuộc khởi- loạn của dân-chúng trong nước ta thuở trước như là những trận chiến-tranh có tánh-cách giai-cấp một phần nào.
c)-Chiếntranh chánh trị
Nhưng tất cả những cuộc tranh-đấu giữa người trong một nước không phải đều là những cuộc chiến-tranh giai-cấp. Nguyên nhân một số những cuộc tranh-đấu này là sự bất-đồng xu-hướng chánh-trị.
Vì ủng-hộ những cá-nhơn hay những tư-tưởng khác nhau, người trong nước phân ra làm nhiều nhóm tranh-đấu lẫn nhau để giành lấy chánh-quyền. Những cuộc tranh-đấu giữa những người binh vực những triều-đại khác nhau thuở trước và giữa những chánh-đảng bây giờ đều là những cuộc chiến-tranh chánh-trị.
Nhiều lúc cuộc chiến-tranh vì xu-hướng chánh-trị lại được ghép vào những cuộc chiến-tranh giai-cấp thành một phong-trào chung. Có khi nhà minh-chủ một chi-phái hay nhà lãnh-tụ một chánh-đảng lợi dụng sự bực tức của giai-cấp bần-dân đối với chánh-phủ đương-hữu để lôi kéo họ tranh-đấu cho mình.
Cũng có khi người lãnh-đạo một phong-trào chiến-tranh giai-cấp thành-công rồi biến thành một nhà chánh-trị mà mục-đích duy-nhứt là giữ lấy chánh-quyền để an-hưởng giàu sang. Trường-hợp này xảy ra rất thường trong lịch-sử Trung-hoa và Việt-Nam. Những nhà vua sáng-nghiệp ở hai nước này phần lớn là những người áo vải xuất-thân và khởi đầu làm lãnh-tụ những người bị bóc lột trong nước. Sau khi lật đổ xong triều-đại cũ rồi, họ lập nên một triều-đại mới và trở thành vị thiên-tử chỉ nghĩ đến quyền-lợi của dòng họ mình.
d)- Chiến tranh tôn giáo
Sau hết, ta còn nhận thấy trong lịch-sử nhơn-loại những cuộc chiến-tranh tôn-giáo. Những cuộc Thập-tự viễn-chinh, những cuộc tranh-đấu giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo và tín-đồ HồI-giáo, giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo La Mã và Thiên-chúa-giáo Cải-lương, giữa tín-đồ Bà-la_môn-giáo và tín-đồ Phật-giáo thuộc về loại chiến-tranh tôn-giáo này. Trong những cuộc chiến-tranh tôn-giáo, những người cùng thờ một mối đạo hợp sức nhau chiến-đấu với những người theo đạo khác để tiêu-diệt họ hay bắt họ theo đạo mình.
Những cuộc chiến-tranh tôn-giáo có thể nằm trong phạm-vi một dân-tộc hay nằm choàng lên nhiều dân-tộc một lượt. Những cuộc chém giết nhau giữa tín-đồ Thiên-chúa-giáo La-mã và Thiên-chúa-giáo CảI-lương ở Pháp vào thế-kỷ 16 là những cuộc chiến-tranh tôn-giáo bên trong một dân-tộc. Những cuộc thập-tự viễn-chinh từ thế-kỷ thứ 11 đến thế-kỷ thứ 13 mà tín-đồ thiên-chúa giáo gây ra để giải-phóng thánh địa Jérusalem là những cuộc chiến-tranh tôn-giáo huy-động nhiều dân-tộc khác nhau. Một bên là những dân-tộc Âu-châu, một bên là những dân-tộc sống ở vùng Trung-đông.
2.- Vai tuồng ưu tiên của chủng tộc trong các loại chiến tranh giữa loài người
Nhũng cuộc chiến-tranh giữa nhơn-loại gồm có nhiều loại khác nhau. Những người đã tranh-đấu nhau vì quyền-lợi dân-tộc hay quyền-lợi giai-cấp đụng chạm nhau, vì tư-tưởng chánh-trị hay tôn-giáo bất-đồng. Nhưng mặc dầu những nguyên-nhơn chánh-yếu gây chiến-tranh có thể khác nhau, trong phần lớn những cuộc xung-đột giữa loài người, ta đều nhận thấy một yếu-tố làm gốc : yếu-tố chủng-tộc.
Những cuộc chiến-tranh giữa các đoàn-thể nhỏ cổ-sơ như gia-đình, thị-tộc, bộ-lạc, tiểu-bang, tự-nhiên là hoàn-toàn có tánh-cách chủng-tộc. Vì sự sống còn của vật-chất và tinh-thần của mình, người của các đoàn-thể ấy phải cố-kết nhau để đương đầu lại các đoàn-thể khác.
Những cuộc xung-đột giữa các đoàn-thể rộng lớn hơn như quốc-gia và đế-quốc phần lớn cũng có tánh-cách chủng-tộc vì nếu dân-chúng các quốc-gia và đế-quốc ấy chưa hỗn-hợp nhau lại để lập thành một dân-tộc, quyền-chánh trong các quốc-gia và đế-quốc ấy cũng thuộc về tay một dân-tộc bá-chủ, dân-tộc đã chinh-phục được các chủng-tộc kia để xây dựng nên đế-quốc.
Tất cả mọi chủng-tộc trên thế-giới ngày xưa đều phụng thờ một tôn-giáo. Cơ-vận của tôn-giáo thường trùng-hợp với cơ-vận của những chủng-tộc phụng thờ nó. Dân-tộc nào cũng muốn đem tôn-giáo mình truyền-bá ra ngoài để thao túng tư-tưởng tinh-thần các giống khác. Do đó, những cuộc chiến-tranh tôn-giáo đều phải dựa vào các chủng-tộc và có tánh-cách chủng-tộc.
Những cuộc chiến-tranh giữa những người chung một nước cũng có thể mang tánh-cách chủng-tộc. Trong nhiều xã-hội xưa, sự phân giai-cấp đưa vào yếu-tố chủng-tộc. Chính những chủng-tộc chiến-thắng đã họp lại lập thành giai-cấp thống-trị trong khi các chủng-tộc bị thống-trị bị ghép vào giai-cấp hạ-tiện. Ở Ấn-độ, những giai-cấp trên gồm có người Aryen đã chinh-phục các dân-tộc khác. Ở Trung-hoa dưới thời nhà Thanh, người Mãn-châu lập thành một giai-cấp trên hẳn dân Hán tộc.
Những tư-tưởng chánh-trị một phần nào tùy-thuộc đời sống các chủng-tộc. Vì đó, mỗi dân-tộc đều có một hình-thức tổ-chức chánh-trị lý-tưởng. Khi một dân-tộc thất-bại, chế-độ chánh-trị trong nước họ thường bị sụp đổ, và cải-tổ theo chế-độ của dân-tộc chiến-thắng. Sự phát-huy những cách-thức sinh-tồn của mình bao giờ cũng được các dân-tộc xem là một biểu-hiệu của sức mạnh mình. Và trong những cuộc xung-đột giữa hai khối Nga-Mỹ hiện-thời ngoài yếu-tố tư-tưởng chánh-trị là sự chống chọi nhau giữa chủ-nghĩa dân-chủ tự-do và chủ-nghĩa xã-hội duy-vật Karl Marx lại còn có yếu-tố chủng-tộc xen vào : một bên là khối người Ăng-lô-Sác-xong, một bên là khối dân Tư-lạp-phu.
Như thế, trong phần lớn những cuộc chiến-tranh đã xảy ra trong nhơn-loại, yếu-tố chủng-tộc đều có đóng một vai tuồng. Những cuộc chiến-tranh nổ bùng bên trong một quốc-gia mà hoàn-toàn do sự bất-đồng quyền-lợi giữa các giai-cấp hay sự bất-đồng chánh kiến bất-đồng tôn-giáo gây ra, và không có hơi hướng chủng-tộc cũng có chớ chẳng phải không. Tuy-nhiên, nó chỉ là số ít. Vậy, ta có thể bảo rằng trong sự xung-đột giữa các đoàn-thể loài người từ trước đến giờ, yếu-tố chủng-tộc đã đóng vai tuồng quan-trọng hơn hết. Nó là yếu-tố ưu-tiên làm cho người hợp-quần lại để tranh-đấu lẫn nhau.
G.- Những khối và xu hướng hợp quần hiện tại trên thế giới
Nhìn ra thế-giới hiện giờ, chúng ta có thể nhận thấy nhiều đoàn-thể và nhiều khuynh-hướng hợp-quần. Nhơn-loại hiện phân ra sống trong nhiều quốc-gia. Những quốc-gia này có thể gồm một dân-tộc chủ-yếu và một số dân-tộc nhược-tiểu không đáng kể. Nó có thể gom nhiều dân-tộc như Thụy-sĩ, như Liên-Bang Sô-viết. Nó có thể gồm người thuộc nhiều chủng-tộc khác nhau như Hiệp- chúng-quốc Mỹ. Ngoài ra, còn có một trường-hợp dân-tộc lập nên nhiều quốc-gia như dân Ăng-lô Sác- xong lập nên nước Anh và Hiệp-chúng-quốc Mỹ.
Tổ-chức quốc-gia là một tổ-chức có tánh-cách pháp-lý. Kế bên tổ-chức pháp-lý đó, ta lại còn thấy nhiều tổ-chức khác nằm choàng lên trên biên-giới quốc-gia.
Trong những tổ-chức này, quan-trọng nhứt là những tôn-giáo. Phát xuất từ một dân-tộc, một số tôn-giáo đã lan rộng ra, chinh-phục được nhiều giống dân khác. Nhiều khi, chính giống dân nêu ra một tôn-giáo lại không phụng thờ nó bằng giống dân khác. Đó là trường-hợp dân Do-thái đối với Thiên-chúa-giáo và dân Ấn-độ đối với Phật-giáo.
Hiện giờ, giáo-hội Thiên-chúa-giáo La-mã gồm có những tín-đồ khắp nơi trên thế-giới nhứt là Âu-châu.
Những tín-đồ Hồi-giáo lập thành một khối rất to ở các nước Bắc-Phi, Trung-Đông và ở Ấn-độ, Nam-dương. Tín-đồ Phật- giáo cũng hết sức đông đảo và chiếm cả các nước Viễn-Đông.
Có khi mỗi quốc-gia có một giáo-hội riêng. Đó là trường-hợp Thiên-chúa-giáo chánh-thống ở các nước Trung-Âu và Tư-lạp-phu. Nhưng cũng có khi người trong một quốc-gia thuộc về nhiều giáo-hội khác nhau.
Nếu những người cùng thờ chung một vị thần-minh trên thế-giới hợp nhau lại thành những giáo-hội thì những người cùng chung lý-tưởng chánh-trị cũng hội nhau lại lập nên những chánh-đảng. Chánh-đảng có thể có tánh-cách quốc-tế như đảng Cộng-sản ; nhưng cũng có thể có tánh-cách quốc-gia. Lẽ tất-nhiên là những chánh-đảng quốc-gia có xu-hướng tranh-đấu để phụng-sự quốc-gia hay một dân
tộc, trong khi những chánh-đảng quốc-tế nhắm mục-đích hợp-nhứt nhơn-loại. Trong những chánh-đảng quốc-tế hiện giờ, có đảng lấy chủ-trương giai-cấp làm mục-đích của mình.
Về thái-độ đối với con người, các chánh-đảng có thể chủ-trương theo một chế-độ tự-do cá-nhơn rộng rãi hay một chế-độ độc-tài quốc-gia khắc-nghiệt.
Sau hết, trên thế-giới có những tổ-chức nghiệp-đoàn quốc-gia hay quốc-tế.
H.- So sánh những thể thức hợp quần trong nhơn loại
Những yếu-tố gây hợp-quần cho người thật hết sức phức-tạp. Sức hấp-dẫn của nó tùy theo người, theo chủng-tộc, theo trình-độ mở mang của xã-hội mà khác nhau một cách vô-cùng. Tuy thế, ta vẫn có thể so sánh được sự lợi hại của từng yếu-tố một cách khái-quát.
2.- Vai tuồng hiện thời của yếu tố tôn giáo và tư tưởng chánh trị
a.- Yếu tố tôn giáo
So với hấp-lực quá-khứ của nó, yếu-tố tôn-giáo đã suy-giảm nhiều. Nói như thế, không phải là cho rằng tôn-giáo đã hết lý-do tồn-tại hoặc không còn gom góp một số đông tín-đồ theo mình, hay không tổ-chức được những tín-đồ ấy thành một đoàn-thể vững chắc được.
Thật ra, hiện-giờ những tín-đồ Thiên-chúa-giáo, Hồi-giáo, Phật-giáo v.v… chiếm một phần lớn nhơn-loại và đã được tổ-chức đàng-hoàng. Những tổ-chức này đang đóng một vai tuồng quan-trọng trong lịch-sử thế-giới. Vấn-đề tôn-giáo hiện được đặt ra cho hầu hết các nước. Và trong cuộc tranh chấp Mỹ Nga hiện phân chia nhơn-loại ra làm hai khối, những người cuồng-tín tôn-giáo đã cung-cấp một lực-lượng hết sức mạnh mẽ.
Như thế, mặc dầu không chi-phối được cả đời sống nhơn-loại một cách chặt chẽ như xưa kia, những giáo-hội vẫn còn một ảnh-hưởng lớn lao đến đời sống của những dân-tộc.
Nhưng có một điều mà ai ai cũng phải công-nhận là yếu-tố tôn-giáo càng ngày càng yếu lần đi. Nếu hiện-thời, trong những dân-tộc bán-khai, tôn-giáo hãy còn lôi kéo một số người tranh-đấu nhau một cách cương-quyết và mãnh-liệt, chắc chắn ngày mai, khi ánh sáng khoa-học rọi đến các dân-tộc ấy, nó sẽ không còn hấp-dẫn như hiện-thời nữa. Thái-độ các dân-tộc văn-minh đã chứng tỏ điều này một cách rõ ràng.
Những nguyên-nhơn gây ra tình-trạng này có rất nhiều.
Trước hết, vì bản-chất nó, tôn-giáo phải chú-trọng đến tinh-thần nhiều hơn đến vật-chất và phải lo cho phần hồn của người nhiều hơn là lo cho phần xác của người. Điều này làm cho tôn-giáo phải săn sóc về đường đạo-đức nhiều hơn là về đường đời. Mà sự sống vật-chất của người càng ngày càng được nâng cao lên và vì đó, càng phức-tạp, càng thâu hút sự hoạt-động của người. Người phải để nhiều thì giờ lo cho phần đời của mình nên xao lãng bớt nhiệm-vụ đối với phần đạo. Do đó, trong xã-hội văn-minh, thế-lực của tôn-giáo đối với người phải giảm bớt.
Một mặt khác, những phát minh khoa-học và những lý-thuyết duy-vật về nguồn-gốc con người đã chứng tỏ sự sai lầm của những thuyết khởi-nguyên mà các tôn-giáo đưa ra. Số người vô-thần càng ngày càng đông, và những người còn tin-tưởng nơi tôn-giáo, nhưng không mê-tín cũng rất nhiều.
Những điều này làm cho người ta có một óc khoan-dung tôn-giáo rộng rãi hơn trước. Trừ ở những nước còn hủ-lậu, hoặc những nước độc-tài vô-thần, sự tự-do tín-ngưỡng thường được người thời nay chấp-nhận. Các chánh-phủ không cấm cản người ta theo tôn-giáo mà phần lớn tín-đồ của những tôn-giáo hiện giờ cũng không đến nỗi dùng những phương-pháp bạo-tàn võ-đoán để bắt thiên-hạ tin-tưởng theo mình. Ngay ở nhiều nước lâu nay dân-chúng hết sức mê-tín và có lòng tin-tưởng cuồng-nhiệt nơi tôn-giáo đến nỗi không ngần-ngại chém giết nhau vì nó như nước Ấn-độ và những nước Á-rạp, hiện giờ những phong-trào tự-do tín-ngưỡng và khoan-dung tôn-giáo cũng đã nảy mầm và càng ngày càng mạnh mẽ thêm lên.
Vì những lý-do nêu ra trên này, ta có thể tin-tưởng rằng từ đây về sau, nhơn-loại sẽ không còn thấy những cuộc chiến- tranh lớn lao vì tôn-giáo như trước nữa.
b)- Yếu tố chánh trị
Yếu-tố xu-hướng chánh-trị thì hiện giờ cũng vẫn còn quan-trọng như trước, nếu không phải là quan-trọng hơn. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy điều này là trong xu-hướng chánh-trị đời nay, tư-tưởng đã lấn thế hơn uy-tín cá-nhơn rất nhiều. Mặc dầu sự tôn-sùng cá-nhơn còn là một yếu-tố mạnh mẽ để lôi kéo người ta tranh-đấu cho một phong-trào, linh-hồn của phong-trào ấy bao giờ cũng phải là một hệ-thống tư-tưởng chánh-trị.
Những đoàn-thể chánh-trị theo một chánh-sách uy tín cá-nhơn luôn luôn phải bị thất-bại trước những đoàn-thể có một chủ-nghĩa chánh-trị chặt chẽ làm gốc.
Những chủ-nghĩa chánh-trị phần nhiều là những hệ-thống tư-tưởng triết-lý giải bày những quan-niệm võ-trụ và nhơn-sanh rất phức-tạp, thành ra không phải mọi người đều hiểu nó một cách tường-tận, rõ ràng. Bởi đó, chỉ có một số ít chiến-sĩ ưu-tú là có thể thâm-cảm được nó, và say mến nó dám chết vì nó mà thôi. Muốn thực-hiện được lý-tưởng mình, những chiến-sĩ này phải dựa vào sự ủng-hộ của quần-chúng, vào sự tranh-đấu của một số đông người nhiều khi không hiểu rõ chủ-nghĩa chánh-trị được nêu ra và không thấy rõ được mục-đích chánh-yếu của phong-trào.
Xét các tư-tưởng chánh-trị từ xưa đến nay, ta thấy rằng tuy có nhiều, nó có thể qui về một số chủ-trương chánh-yếu. Đứng về phương diện cá-nhơn mà nói, chỉ có hai xu-hướng quan-trọng : tự-do và độc-tài. Đứng về phương-diện phạm-vi hợp-quần, ta cũng thấy hai xu-hướng : quốc-gia và quốc-tế.
Vấn-đề tự-do, và độc-tài chỉ mới được đặt ra một cách rõ rệt trong vòng mấy thế-kỷ sau này, với sự xuất-hiện của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản. Sự tranh-đấu cho lý-tưởng tự-do đã gây ra nhiều cuộc nộI-loạn ở các nước. Ở một số quốc-gia nhược-tiểu, những người theo lý-tưởng tự-do nhắm vào mục-đích phụng-sự dân-tộc nhiều hơn là cá-nhơn. Sự thi-hành chủ-nghĩa Tam-Dân của Tôn Văn ở Trung-hoa đã cho ta thấy rằng trong trường-hợp này, lý-tưởng tự-do thật-sự không được tôn-trọng và dưới danh-nghĩa phụng-sự tự-do, người ta đã áp-dụng một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt.
Xét vấn-đề tự-do và độc-tài qua thuyết sinh-tồn, ta thấy rằng lý-tưởng tự-do nhắm vào mục-đích bảo-đảm sự sinh-tồn của cá-nhơn, nhưng làm yếu sự sinh-tồn của đoàn-thể. Trái lại, chủ-trương độc-tài hướng đến chỗ làm cho đoàn-thể được hùng-cường và do đó uy-hiếp sự sinh-tồn của cá-nhơn.
Chế-độ tự-do áp-dụng đến triệt-để có thể làm yếu đoàn-thể nhiều quá, khiến cho dân-tộc bị thất-bại trước dân-tộc khác và điều này trở lại làm hại cho sự sinh-tồn cá-nhơn. Bù lại, một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt quá có thể gây sự bất-bình trong quần-chúng khiến họ nổi lên tao-loạn, hay làm cho họ mất óc sáng-kiến, mất một khả-năng phát-triển. Điều này tự-nhiên làm hại cho sức mạnh của đoàn-thể.
Vậy, tự-do hay độc-tài một cách cực-đoan đều có hại. Cái khéo của một tổ-chức chánh-trị từ trước đến nay vẫn ở chỗ dung-hòa được hai thể-thức này như thế nào cho sự sinh-tồn cá-nhơn và sự sinh-tồn của đoàn-thể đi đôi được với nhau.
Nhưng dầu sao, vấn-đề tự-do và độc-tài cũng chỉ là một vấn-đề hình-thức tổ-chức. tuy vẫn có sự quan-trọng của nó, vấn-đề này không đáng chú-ý bằng phạm-vi hợp-quần của người.
Vấn-đề phạm-vi hợp-quần này, chúng ta đã đề-cập đến khi khảo về lý-tưởng thế-giới đại-đồng và những nguyên-nhơn làm cho lý-tưởng ấy không thực-hiện được. Hiện giờ, phạm-vi hợp-quần chánh-thức của người là quốc-gia, và có lẽ cho đến một thời-gian vô-hạn-định, hình-thức quốc-gia sẽ còn được duy-trì. Tuy-nhiên, tánh-cách không-tưởng của chủ-trương thế-giới đại-đồng chưa được mọi người nhận-thức nên nhiều người vẫn còn tranh-đấu cho nó.
Ngày xưa, sự xung-đột giữa lý-tưởng quốc-gia và lý-tưởng quốc-tế dựa vào chủ-trương tôn- quân hay chủ-trương tôn-giáo ; người ta tranh-đấu cho lý-tưởng quốc-gia hay quốc-tế dưới quyền một nhà vua hay để phụng-sự một tôn-giáo. Nhưng từ khi lý-thuyết xã-hội duy-vật ra đời kêu gọi người ta bỏ tổ-quốc để tranh-đấu cho vô-sản thế-giới, sự xung-đột giữa lý-tưởng quốc-gia và lý-tưởng quốc-tế dựa vào ý-niệm dân-tộc và giai-cấp. Điều này làm cho vấn-đề hợp-quần theo xu-hướng chánh-trị thu về vấn-đề chủ-trương hợp-quần thành dân-tộc hay thành giai-cấp. Hai yếu-tố dân-tộc và giai-cấp do đó mà trở thành quan-trọng nhứt trong vấn-đề hợp-quần của người.
3.- So sánh hai yếu tố dận tộc và giai cấp
a) phân biệt chủng tộc có tieu chuẩn rõ rệt hơn sự phan biệt giai cấp
Trong khi khảo về lý-thuyết xã-hội duy-vật, chúng ta đã xét qua vấn-đề giai-cấp.
Chúng ta đã thấy rằng Karl Marx và Engels rất lầm lạc mà xem lịch-sử thế-giới là lịch-sử của những cuộc tranh-đấu giai-cấp. Thật-sự lịch-sử thế-giới là lịch-sử những cuộc tranh-đấu sinh-tồn trong ấy tranh-đấu giai-cấp chỉ là một trạng-thái.
Chúng cũng đã thấy rằng nếu ngày xưa sự phân-biệt giai-cấp còn có tánh-cách pháp-lý và nhờ đó mà hóa ra rõ rệt, hiện giờ nhờ sự bành-trướng của tư-tưởng dân-chủ, xã-hội đã có tánh-cách công- bằng hơn và sự phân-biệt giai-cấp không còn dựa vào những tiêu-chuẩn rõ rệt.
Trong khi đó, sự phân-biệt dân-tộc thật hết sức rõ ràng. Tánh-cách một dân-tộc bao giờ cũng gồm nhiều yếu-tố họp lại cấu-tạo nên. Những yếu-tố này rất phức-tạp và tùy theo dân-tộc mà mạnh yếu không đều nhau, nhưng bao giờ người ta cũng nhận thấy nó.
1.- Yếu tố huyết thống
a)- Yếu tố huyết thống trong sự cấu tạo tánh cách một dân tộc
Yếu-tố quan-trọng nhứt cho sự cấu-tạo tánh-cách một dân-tộc là huyết-thống. Những người cùng chung một dân-tộc đều có những nguồn huyết-thống chung nhau. Nhờ đó, họ có một sự tương-đồng lớn lao về tánh-cách thể-chất. Điều này làm cho họ thấy mình gần nhau và cố-kết nhau lại.
Có nhiều người cho rằng yếu-tố huyết-thống này không phải cần-thiết cho một dân-tộc, vì một dân-tộc có thể do nhiều chủng-tộc hợp lại lập thành. Những người này lấy cớ rằng dân-tộc Thụy-sĩ gồm có người của các giống dân Đức, Pháp, Ý với dân bổn-xứ, còn dân-tộc Hiệp-chúng-quốc Mỹ thì do nhiều giống dân ở Âu-châu và người da đen cấu-tạo ra.
Nhưng thiết tưởng không cần phải lấy gương trên này làm thí-dụ, ai cũng biết rằng trên thế-giới không một dân-tộc nào thống-nhứt chủng-tộc, nghĩa là do một bộ-lạc sanh sôi nảy nở mãi mà thành. Tất cả những dân-tộc trên hoàn-cầu đều gồm có nhiều bộ-lạc hợp lại lập nên. Những bộ-lạc này có nhiều nguồn-gốc khác nhau, cho nên các dân-tộc không phải mang một thứ máu thuần-túy mà lại mang một thứ máu hỗn-hợp, do nhiều nguồn máu khác nhau trộn lẫn nhau theo sự ngẫu-nhiên của lịch-sử.
Sau khi thành-lập rồi, các dân-tộc lại còn vì sự chinh-phục thôn-tính lẫn nhau mà lai giống với nhau nữa. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể nhận thấy điều này : những bộ-lạc họp nhau lại thành một dân-tộc đều phải ở gần nhau và có những tánh-cách thể-chất gần giống nhau mới có thể đồng-hóa nhau được sau một thời-kỳ hợp-quần lâu dài. Những chủng-tộc khác nhau xa quá không thể nào trộn giống nhau lại để tạo thành một dân-tộc vững-vàng được.
b)- Yếu tố huyết thống đối với người Thụy Sĩ
Như chúng ta đã thấy trên đây, người ta thường hay lấy cớ rằng dân-tộc Thụy-sĩ gồm có người của nhiều giống dân khác nhau để cho rằng yếu-tố huyết-thống không cần-thiết cho sự thành-lập dân-tộc.
Trước hết, chúng ta nên lưu-ý rằng cái mà người ta gọi là dân-tộc Thụy-sĩ thật ra chỉ là quốc- dân Thụy-sĩ mà thôi. Trường-hợp nước Thụy-sĩ là một trường-hợp đặc-biệt.
Trong lịch-sử, người Thụy-sĩ chưa lúc nào hợp nhau lại thành một nước mà quyền-chánh được tập-trung vào một cơ-quan thống-suất trung-ương mạnh mẽ. Ngay đến khi nước Thụy-sĩ được chánh- thức nhìn nhận là một quốc-gia trước mặt quốc-tế, nó cũng là một liên-bang gồm có nhiều tiểu-bang kết-hợp nhau một cách lỏng lẻo.
Đặc-điểm của Thụy-sĩ là sự phân-quyền hết sức rộng rãi. Sự phân-quyền này làm cho nước Thụy-sĩ không được mạnh mẽ hùng-cường và dễ dàng làm mồi cho một cuộc xâm-lăng. Nhưng nó đã thực-hiện và duy-trì được nhờ một tình-thế bất thường.
Từ khi các quốc-gia Âu-châu vì sự bừng tỉnh của ý-thức dân-tộc mà phải lấy dân-tộc làm nền tảng cho mình thì nước Thụy-sĩ được mọi nước công-nhận là một nước trung-lập, hơn nữa, một nước tượng-trưng cho nền hòa-bình thế-giới. Nhờ đó, Thụy-sĩ không bị lôi kéo vào những cuộc xô xát giữa các dân-tộc Âu Châu.
Trong hai trận đại-chiến của thế-kỷ thứ 20, nước Đức đã xâm-phạm nền trung-lập của Bỉ, nhưng vẫn không động đến Thụy-sĩ. Vị-trí quốc-tế đặc biệt này đã giúp người Thụy-sĩ an-ổn làm ăn, thêm vào sự tự-do cá-nhơn rộng rãi mà họ được hưởng làm cho dân Thụy-sĩ có thể sống còn sung-mãn trong nước Thụy-sĩ và trung-thành với nó.
Chính nhờ sự trung-thành với quốc-gia Thụy-sĩ mà những giống dân khác nhau ở Thụy-sĩ họp lại làm một khối chặt chẽ không tan rã, khiến cho người có cảm-tưởng là họ đã họp nhau lại thành một dân-tộc.
Như thế, sự thật không có dân-tộc Thụy-sĩ, chỉ có quốc dân Thụy-sĩ. Mà dầu cho ta có công- nhận rằng người Thụy-sĩ họp nhau lại thành một dân-tộc đi nữa, những điều-kiện đặc biệt làm cho dân-tộc ấy thành-lập và duy-trì được, và chỗ nó không phải trải qua những cuộc thử thách ê chề như những dân-tộc khác làm cho tánh-cách bền vững của nó không đủ để chứng-nhận rằng yếu-tố chủng-tộc không cần-thiết để cấu-tạo nên dân-tộc.
Nếu nước Thụy-sĩ ở vào vị-trí bán-đảo Ba-nhĩ-cán và bị các dân-tộc hùng-cường đua nhau lôi kéo vào vòng thế-lực một cách mãnh-liệt, chưa chắc những nhóm dân Đức, Pháp và Ý của Thụy-sĩ có còn đoàn-kết nhau chặt chẽ để thành-lập một khối quốc-dân cứng chắc như ta thấy bây giờ.
c)- Yếu tố huyết thống đối với dân tộc Mỹ
Dân-tộc Mỹ được thành-lập trong một tình-thế khác hơn quốc-dân Thụy-sĩ, nhưng việc nó gồm nhiều giống người nguồn-gốc khác nhau cũng không phải làm cho vấn-đề chủng-tộc bớt quan-trọng.
Tổ-tiên người vốn là người Âu-châu, vì không chịu nổi đời sống vật-chất hẹp hòi trên Cựu-lục -địa, hoặc vì muốn trốn tránh một phong-trào đàn-áp tôn-giáo ở nước mình mà di-cư sang Tân-thế-giới. Đến đó, họ bị trơ trọi trong những đám thổ-dân da đỏ nên rất khó mưu-sanh. Lúc còn liên-lạc chặt chẽ với tổ-quốc mình, những kẻ được người trong nước mình ủng-hộ có khi dựa vào thổ-dân để chọi lại với những người khác nước cùng di-cư đến đất Mỹ như mình. Nhưng về sau, khi bị chánh-quốc bỏ rơi những người da trắng đã siết chặt hàng-ngũ lại để đối-phó với người thổ-dân. Sự sống chung đụng nhau trong một thời-gian dài dặc đã làm cho họ lần lần đồng-hóa nhau để thành dân-tộc Mỹ.
Sự đồng-hóa này thực-hiện được một các tương-đối dễ dàng là vì đại-đa-số người đã cấu-tạo nên dân-tộc Mỹ là người Anh. Về dân-tộc Mỹ, chúng ta có thể nhận thấy những điều này chứng tỏ rằng chủng-tộc là một yếu-tố chánh-yếu cho dân-tộc.
Trước hết, những giống dân Âu-châu có một ý-thức chủng-tộc mạnh mẽ quá rất khó đồng-hóa với những giống dân khác, người Đức ở Mỹ thường lập thành những khối riêng biệt trong Hiệp-chúng- quốc, đến nỗi sau này người Mỹ phải lo ngại và tìm cách hạn-chế bớt sự nhập-cư của người Đức.
Thêm nữa, người Mỹ thường tìm cách tiêu-diệt những giống thổ-dân da đỏ hay dồn họ vào những vùng rừng núi, chớ ít khi chịu hỗn-hợp với họ. Ngoài ra, vấn-đề dân da đen, ngay đến bây giờ, cũng vẫn còn là một mục ung nhọt trong xã-hội Mỹ. Nếu yếu-tố chủng-tộc không cần-thiết cho sự thành-lập một dân-tộc thì những việc đáng tiếc trên này đã chẳng xảy ra.
d.- Yếu tố huyết thống và hai dân tộc Anh Mỹ
Người ta cũng lấy chỗ người Ăng-lô-Sác-xong đã lập thành hai dân-tộc Anh và Mỹ để cho rằng yếu-tố dân-tộc không quan-trọng.
Nhưng sự thật, sở-dĩ người giống Ăng-lô-Sác-xong đã phân rẽ ra để lập thành hai dân-tộc là vì họ đã hùng-cường và không còn bị người giống khác uy-hiếp một cách mạnh mẽ, thành ra nghĩ đến việc mưu-đồ sự sinh-tồn riêng cho mình nhiều hơn là đến việc mưu-đồ sự sinh-tồn chung. Lúc dân Mỹ đứng lên đòi độc-lập, nước Anh đã chiếm một địa-vị ưu-thắng trên hoàn-cầu rồi.
Trong sự giao-thiệp quốc-tế, từ lúc dân Mỹ tách ra khỏi dân Anh đến sau, chúng ta lại còn có thể nhận thấy điều này : Mỹ nhiều khi cũng xung-đột với Anh, nhưng mỗi khi Anh cần chống một địch-thủ hùng-cường khác giống thì Mỹ lại luôn luôn tiếp sức với Anh.
Hiện giờ Anh và Mỹ đã hiệp nhau lại làm khối Ăng-lô-Sác-xong để chọi lại lực-lượng của Nga mà họ gọi là khối Tư-lạp-phu. Ý-thức chủng-tộc như thế, cũng có đóng một vai tuồng quan-trọng trong cuộc xung-đột Nga Mỹ hiện giờ vậy.
Nói tóm lại, yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc là yếu-tố quan-trọng làm tiêu-chuẩn cho sự phân chia dân-tộc. Ngay trong những trường-hợp đặc-biệt như dân-tộc Mỹ, yếu-tố chủng-tộc cũng đóng một vai tuồng trọng-yếu, tuy có hoàn-cảnh làm cho mở rộng hơn. Đối với phần lớn những dân-tộc khác trên thế-giới, yếu-tố chủng-tộc có một tánh-cách nhỏ hẹp hơn cho nên người trong dân-tộc đồng-nhứt hơn.
Tiếu lâm liên xô
20. Hỏi: Tại sao những người bất đồng quan điểm lại bị chèn ép đến nỗi phải rời khỏi đất nước?
Đáp: Anh không biết rằng tất cả những sản phẩm tốt nhất luôn được lựa chọn để xuất khẩu à?
21. Hỏi: Chủ nghĩa Cộng Sản có thể xây dựng thành công ở Mỹ được không?
Đáp: Được chứ. Nhưng sau đó thì chúng ta sẽ mua ngũ cốc từ đâu?
22. Hỏi: Đến gia đoạn cuối cùng của Chủ nghĩa Xã Hội, tức là Chủ nghĩa Cộng Sản, thì có còn trộm cắp không?
Đáp: Không. Vì mọi thứ đã bị lấy sạch hết trong giai đoạn Chủ nghĩa Xã Hội rồi.
23. Hỏi: Sự khác nhau giữa nền thương nghiệp Chủ nghĩa Xã Hội và Chủ nghĩa Tư Bản là gì?
Đáp: Thương nghiêp Tư Bản : “Cái gì cũng có bán.” Thương nghiệp Xã Hội chủ nghĩa: “Cái gì cũng phải xếp hàng mua.”
24. Hỏi: Có thể sống nổi chỉ với đồng lương chính của mình hay không?
Đáp: Không biết nữa! Chưa thằng nào trong chúng tôi dám thử cả
Hòa Bình Danh Dự Và Sự Phản Bội Việt Nam – Trọng Đạt
Đa số nhà nghiên cứu và chính khách Mỹ khi nói về sự sụp đổ của miền nam Việt Nam năm 1975 họ thường lập luận như sau:
-Giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa bè phái tham nhũng, không tìm được một giải pháp hòa bình cho đất nước họ.
-Các Tướng lãnh VNCH ít có ai đủ khả năng chỉ huy những đại đơn vị, khi trực diện với quân địch họ rút chạy hỗn loạn đưa tới sụp đổ.
-Khi Mỹ rút đi, họ không đủ sức chống Cộng Sản và thua trận, chẳng lẽ thanh niên của chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho họ mãi mãi tại Đông Dương hay sao?
-Chúng ta viện trợ cho họ máy bay, xe tăng, tầu chiến… nhưng họ không biết xử dụng sao cho có hiệu quả nên đã thất bại khi quân địch tới.
-Quân đội miền Nam chiến đấu kém hiệu quả, phải dựa vào hỏa lực Mỹ…
Thậm chí giữa thập niên 2000 cựu Tổng thống Bush con bênh vực cho cuộc chiến Iraq của ông đã tuyên bố: Iraq sẽ không như Việt Nam, miền nam VN mất vì quân đội của họ không chịu đánh mà chỉ chờ Mỹ đánh dùm!
Nhiều người dựa vào thảm bại của cuộc triệt thoái Cao nguyên tháng 3-1975 để kết án ông Thiệu làm sụp đổ miên Nam chỉ trong vài tháng.
Có nghĩa là VNCH sụp đổ vì chính họ và Mỹ không có trách nhiệm, tuy nhiên gần đây nhiều nhà học giả Mỹ viết về chiến tranh VN có công nhận Quốc hội đã cắt hết nguồn tiếp liệu khiến VNCH phải đầu hàng địch. Họ cũng chỉ nhắc sơ vài hàng chứ không khai thác tỉ mỉ, nhiều nhà sử gia khác lờ đi không nhắc tới sự thật phũ phàng này.
Hiệp định bất bình đẳng
Giáo sư Larry Berman, một tác giả viết nhiều sách về chiến tranh VN (Planning a Tragedy: The Americanization of the War in Vietnam; Lyndon Johnson’s War: The Road To Stalemate in Vietnam ; No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam ; Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent.)
Có hai cuốn trong số các tác phẩm của ông được chú ý tới là Lyndon Johnson’s War: The Road To Stalemate in Vietnam– Cuộc Chiến Của Johnson, Con Đường Đi Tới Bế Tắc Tại Việt Nam, dầy 250
trang, in năm 1991 viết về chiến tranh thời TT Johnson những năm từ giữa tới cuối thập niên 60. Cuốn này nghiêng về quân sử, chỉ trích những sai lầm của Johnson trong chiến tranh hạn chế.
Sau đó là cuốn No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- Không Hòa Bình, Không Danh Dự, Nixon, Kissinger Và Sự Phản Bội Việt Nam, dầy350 trang, in năm 2001. Đây là tác phẩm nổi tiếng của ông viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh VN. Cuốn này nghiêng về chính trị, chú trọng về Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973.
Nó cũng là một trong những cuốn sách hiếm hoi của Mỹ đề cập tới sự phản bội miền nam VN. Với cái tên “Không Hòa Bình, Không Danh Dự, Nixon, Kissinger Và Sự Phản Bội Việt Nam ”, tác giả đặt trách nhiệm lên hai nhà lãnh đạo Nixon và Kissinger, những người đã phản bội VNCH. Larry Berman nói về chủ đề của tác phẩm trong một số chương và ở phần Lời mở đầu (Prologue). Tôi xin sơ lược vài hàng, ông trình bầy vấn đề làm hai phần:
Trước hết cái gọi là Hiệp định Paris, Hòa bình danh dự của hai nhà chính khách này chỉ là để Mỹ rút quân, lấy tù binh, lừa cho ông Thiệu ký Hiệp định vô nghĩa, bảo đảm miền nam sẽ sụp đổ. Phần sau Berman nói đã tham khảo nhiều tài liệu giải mật được biết sự thực Hiệp định chỉ là hòa bình giả. Nixon, Kissinger khi ký Hiệp định chỉ chờ cho CSBV vi phạm để oanh tạc, tiếp tục cuộc chiến bằng không lực để giúp miền nam VN tồn tại, đây là hòa bình giả, đánh lừa dân Mỹ. Hai phần này mâu thuẫn nhau.
Quan điểm của ông về sự phản bội của Nixon, Kissinger nằm ở chỗ Hiệp Định Paris tháng 1-1973 để cho 150 ngàn quân BV được ở lại khiến VNCH không thể tồn tại (1). Rất nhiều người chỉ trích Nixon, Kissinger về chuyện này. Trước hết tôi xin bàn về số quân BV ở lại miền Nam : TT Nixon (2) nói sau trận tổng tấn công 1972, Cộng quân thua chạy (tháng 10-1972) nhưng còn đóng tại một số vùng thưa dân thuộc QK I và QK II, quân đội VNCH không đủ lực lượng để đẩy lui địch.
Theo tài liệu phía CS (Chiến dịch xuân hè 1972- Wikipedia tiếng Việt) thì lực lượng của họ trong trận tổng tấn công 1972 gồm 14 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập (3) khoảng 120,000 quân. Theo ước lượng phía Mỹ và VNCH có vào khoàng từ 70 cho tới 100 ngàn Cộng quân bị giết trong trận này (4) như thế số tàn quân không thể nào quá 100 ngàn được,
Xin nói về lý do tại sao không đòi được CSBV rút về Bắc
Larry Berman và nhiều người như Negroponte, Tướng Haig (hai phụ tá của Kissinger) (5), TNS Thurmond South Carolina (6)… chỉ trích Nixon, Kissinger ký hiệp định bất bình đẳng không đuổi được CS về Bắc, địch còn đóng quân kể như thua. Berman nói Hiệp định Paris vô nghĩa, nó bảo đảm miền nam VN sẽ mất về tay CS.
TT Nixon đã trả lời về vấn đề này, ông nói “Có một châm ngôn ngoại giao là cái gì ta không làm được ở chiến trường thì không thể đòi được ở bàn hội nghị”, Kissinger cũng nói y như thế (7). Sau trận đánh 1972, VNCH tuy thắng lớn nhưng không đủ lực lượng để đuổi địch ra khỏi những vùng chiếm đóng tại QK I và QK II nên không thể đòi chúng rút về Bắc được,
Nixon nói
“Chúng tôi biết nếu đạt thỏa hiệp đòi BV trả lại đất cho VNCH thì họ sẽ không ký Hiệp định. Nếu ta đòi BV rút quân bằng được sẽ không có Hiệp định”
(No more Vietnams trang 152)
Đầu tháng 1-1973, Quốc hội đốc thúc Nixon ký Hiệp định, họ cho biết nếu không sớm ký kết sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ VNCH, buộc Hành pháp rút hết quân…(8). Ngoài ra Nixon nói (trang 155) sự tồn tại của VNCH không phụ thuộc việc Cộng quân còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt mà phụ thuộc vào viện trợ của Quốc hội và sự cho phép cưỡng bách (CS) thi hành Hiệp định
Paris (enforce the agreement). Nếu ta không sớm ký Hiệp định, Lập pháp sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh vào tháng 1-1973 cho rằng VNCH gây trở ngại hòa đàm.
Trên thực tế mọi người đều thấy sự sụp đổ miền nam VN không do Hiệp định mà vì cạn kiệt tiếp liệu đạn dược, không có sự kiện nào chứng tỏ Hiệp định đã trực tiếp gián tiếp gây ảnh hưởng. Sau Hiệp định Paris tháng 1-1973, hơn nửa triệu quân đồng minh gồm Mỹ, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan…đã rút về nước, VNCH phải một mình gánh vác chiến trường với quân viện bị cắt giảm xương tủy. Đó là lý do chính khiến cho CS thắng lợi dễ dàng.
Việc đòi Cộng quân rút về Bắc không có nghĩa VNCH sẽ được an toàn, họ chỉ rút qua biên giới Lào, Miên sát ngay đó và trở lại khi cần.
Berman chỉ trích Nixon Kissinger đánh lừa Thiệu, hứa hẹn trừng phạt BV đã ghi trong Hiệp định (trang 202). Cuối tháng 11-1972, Nguyễn Phú Đức, đại diện ông Thiệu đi Hoa Thịnh Đốn họp với các nhà lãnh đạo Mỹ về bản sơ thảo Hiệp định. Kissinger nói với Đức rằng lời cam kết của TT Nixon sẽ ghi vào hồ sơ đàng hoàng. Berman nói thực ra chẳng ghi hồ sơ gì cả, nước Mỹ không đụng một ngón tay ngăn chận CS chiếm miền Nam, những ngày cuối của Saigon, Kissinger và Nixon đánh lừa Đức nhưng không đánh lừa được lịch sử (lời Berman)
Sự thực khi CSBV vào chiếm VNCH, Nixon đã bị ép từ chức tháng 8-1974, vả lại Quốc hội ra luật (9) cắt hết các ngân khoản (của Hành pháp Mỹ) dành cho chiến tranh Đông Dương 30-6-1973 (nửa năm sau Hiệp định). Nixon bị bó tay nhìn CSBV và Khmer đỏ tấn công chính phủ Lon Nol và VNCH.
Berman chỉ trích Nixon, Kissinger ép Thiệu ký Hiệp định bất bình đẳng mà thực ra tháng 1-1973 Quốc hội đã thúc ép Nixon phải sớm có hòa bình. Các vị chức sắc Quốc hội đã nhắc nhở Nixon nêu VNCH làm trở ngại Hiệp định họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh nên không thể qui trách nhiệm cho Nixon Kissinger trong việc ký kết.
Hòa bình danh dự, Peace with Honor theo định nghĩa của TT Nixon là rút quân về nước, lấy tù binh, chấm dứt chiến tranh và không làm sụp đổ đồng minh VNCH. Trong khi đó đảng đối lập chủ trương rút bỏ VN sớm mà không quân tâm tới sự tồn tại của Đông Dương, sống chết mặc bay, miền nam VN sẽ sớm mất về tay CS. Nixon chỉ làm được đến thế, thật vô lý khi Berman cũng như rất nhiều người chỉ trích kết án hòa bình danh dự của ông. Họ nói Hiệp định của hai nhà lãnh đạo đã làm sụp đổ Đông Dương trong khi Nixon đã bị ép phải từ chức.
Thật vô lý khi Berman và nhiều người chỉ trích TT Nixon không giữ lời hứa (với ông Thiệu) sẽ trừng trị CSBV nếu họ vi phạm Hiệp định khi ai cũng biết ông đã từ chức tháng 8-1974 và đã bị Lập pháp trói tay.
Tác giả nói nay có hai cách giải thích sự thất bại của Hiệp định Paris và sự sụp đổ Sài Gòn, trước hết cách nói của hai nhà lãnh đạo: Nixon nói (10) năm 1973 ông đã bảo đảm nền độc lập VNCH nhưng năm 1975, Quốc hội đã hủy hoại khả năng thi hành Hiệp định (của ông) khiến VNCH sụp đổ. Kissinger nói thảm kịch là do tình trạng xáo trộn tại Mỹ, tháng 4-1973 vụ Watergate nổi lên, kế đó TT không được phép cưỡng bách thi hành Hiệp định Paris (trừng trị CSBV khi họ vi phạm)
Cách giải thích thứ hai của tác giả Frank Snepp (trang 8) cho rằng Hiệp định chỉ là một khoảng cách tốt đẹp (Decent interval). Nixon, Kissinger chỉ chú trọng lấy tù binh, tìm người mất tích, tương lai chính trị VN thì để người VN tự giải quyết. Chính phủ Mỹ không muốn CS thắng quá nhanh, họ biết là CS sẽ ngẫu nhiên thắng, khi ký Hiệp định CSBV không bỏ mục tiêu dài hạn chờ cho Mỹ rút. Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp nói Hiệp định chỉ là cách trốn trách nhiệm của Mỹ (Nixon – Kissinger), một cách bảo đảm để Mỹ rút đơn phương.
Kissinger đã nói với Phụ tá TT Ehrlichman miền nam VN may mắn lắm thì có thể cầm cự được một năm rưỡi, ông cũng nói với phụ tá của mình Negroponte rằng Mỹ không muốn tiếp tục ở lại VN.
Hồ sơ giải mật
Nhưng chương thứ 10 và 13 (11) Larry Berman nói sau khi tham khảo những hồ sơ đã giải mật thì thấy sự kiện tệ hại hơn thế. Ông nói sự thực khác xa với giả thuyết Decent interval và khác xa những điều mà Nixon, Kissinger tuyên bố. Hồ sơ giải mật có ghi là Chính phủ Mỹ muốn Hiệp định bị BV vi phạm ngay và sẽ đưa tới sự giáng trả dữ dội. Chiến tranh thường trực bằng oanh tạc (B-52) mà Nixon và Kissinger sẽ khởi động từ Hiệp định. Họ tin đó là con đường duy nhất để dân Mỹ chấp nhận (chiến tranh) nếu đã ký Hiệp định, Nixon tin là sẽ xử dụng B-52 để giúp VNCH cho tới cuối nhiệm kỳ của ông năm 1976.
Đối với Nixon, Hiệp định là một phương tiện để có quyền can thiệp thường trực vào Đông Nam Á. Sự thực đã được chôn vùi khá lâu vì Nixon và Kissinger từ chối không cho ai được xem những bí mật lịch sử, hạn chế không cho người khác đọc cũng như coi giấy tờ riêng, băng thu điện đàm và tất cả những nguồn tài liệu gốc …
Nhờ tham khảo những tài liệu giải mật Berman đã đánh giá được chủ trương hiếu chiến của Nixon-Kissinger, nó hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa của hòa bình danh dự mà ông ca ngợi, phô trương. Hai nhà lãnh đạo này đã đánh lừa người dân Mỹ, dư luận Mỹ bằng một nền hòa bình giả (12).
Berman cho biết (trang 203), sáng 30-11-1972, khoàng hai tháng trước ngày ký kết Hiệp định Paris, TT Nixon họp Ban tham mưu liên quân, Kissinger thuyết trình về bản Dự thảo Hiệp định ngưng bắn, ông nói Tổng thống muốn tập trung vào tình trạng khẩn trương nhất gồm hai sự kiện: Nếu hòa đàm tan vỡ, giải pháp quân sự nào? Thứ hai nếu hòa đàm thành công nhưng Hiệp định bị vi phạm ta sẽ trừng trị địch thích đáng bằng không lực Mỹ.
TT Nixon chỉ thị cho Ban tham mưu sửa soạn chương trình oanh tạc khẩn cấp trong trường hợp hòa đàm tan vỡ, chiến dịch sẽ xử dụng ồ ạt Hải quân, Không quân trên lãnh thổ BV. Chiến dịch được gọi là Priming Charge (trừng phạt khởi đầu) được phác họa để phá hủy bộ máy chiến tranh BV gồm 58 mục tiêu và phong tỏa hải cảng…
Đô đốc Elmo Zum Walt Tư lệnh Hải quân trong buổi họp cho rằng Nixon chủ trương đánh mạnh (oanh tạc) trong hai năm nữa sẽ thương lượng một Hiệp định tốt đẹp hơn. Tổng thống nói ông cần Ban tham mưu hợp tác, VNCH sẽ vui mừng, họ vẫn được viện trợ kinh tế, quân sự.
Trong trường hợp CSBV vi phạm, tăng cường xâm nhập, tấn công VNCH, Đô đốc Thomas Moorer (trang 204) Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã thảo kế hoạch khẩn trương 3 và 6 ngày cho kế hoạch đòi hỏi để tấn công BV. Kế hoạch gồm gài mìn Hải Phòng, oanh tạc Hà Nội bằng B-52, sự giáng trả phải ồ ạt hữu hiệu.
Ngoài ra hồ sơ giải mật (trang 260) về cuộc nói chuyện trong buổi họp với Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ngày 4-8-1973. Kissinger nói chỉ có oanh tạc (B-52) mới bảo vệ và giúp VNCH không bị sụp đổ, cuộc đối thoại cho ta thấy rất nhiều. Kissinger đã nhìn nhận ký Hiệp định xong tháng 1 và nói tôi cảm thấy chúng ta phải tái oanh tạc BV vào tháng 4 hay tháng 5.
“ Nếu BV vi phạm Hiệp định chúng tôi sẽ tái oanh tạc”
Điều ông xác nhận cũng giông y như cái mà Đô đốc Zumwalt đã kết luận cuối tháng 11-1972 tại buổi họp Tham mưu trưởng liên quân. Đó là hòa bình giả trong kế hoạch đánh lửa dân Mỹ với những từ ngữ văn vẻ hào nhoáng “danh dự cho Mỹ”.
Kissinger cho rằng Watergate (1974) đã phá hỏng kế hoạch của Nixon, ông không hề có ý định phản bội VNCH. Nixon muốn được coi là vị Tổng thống có chính sách ngoại giao vĩ đại người đã
-Bang giao với Trung Cộng.
-Hòa với Nga Sô.
-Bảo vệ được VNCH.
Quyết tâm bảo vệ miền Nam VN của Nixon để bảo tồn một di sản cho sự nghiệp chính trị của ông. Hôm 27-4-1975, William Buckley viết trên Wall Street Journal nhận định Watergate đã làm cho kế hoạch nghiền nát miền Bắc VN của Nixon bị trật đường rầy.
Điều mà Larry Berman khám phá nhờ tài liệu giải mật cho thấy Nixon, Kissinger đã đánh lừa người dân Mỹ, Quốc hội. Hòa bình danh dự mà họ tìm kiếm chỉ là hòa bình giả (a sham peace)
Nixon-Kissinger mang tội giả dối với nước Mỹ (như tác giả nói) nhưng có công với VNCH vì ông chủ trương cưỡng bức (CS) thi hành Hiệp định, tiếp tục bảo vệ đồng minh. Nếu do tham khảo hồ sơ mật để khám phá ra sự thật ấy thì nó mâu thuẫn với chủ đề mà ông đưa ra trên đây khi kết án Nixon, Kissinger ký Hiệp ước bất bình đăng phản bội VNCH.
Đô đốc Elmo Zum Walt Tư lệnh Hải quân đã ghi lại cảm tưởng về buổi họp, ông nhận định Nixon lường gạt: Tổng thống nói về tình trạng ngưng bắn, hứa viện trợ ồ ạt cho miền nam VN và giáng trả vi phạm của CSBV để bảo đảm hòa bình. Chính phủ (Nixon) dấu kín và không bao giờ cho người dân và Quốc hội biết chuyện bí mật này.
Ai phản bội Việt Nam
Larry Berman đặt tên tác phẩm “Không Hòa Bình, Không Danh Dự, Nixon, Kissinger Và Sự Phản Bội Việt Nam ” khiến người ta nghĩ rằng hai nhà chính khách này đã không mang lại hòa bình danh dự và họ phản bội VN. Nhưng phần sau, tác giả tham khảo tài liệu giaỉ mật cho thấy các vị này chỉ chuẩn bị chờ oanh tạc trừng trị BV để cứu VNCH.
Trong phần mở đầu cũng như phần kết luận, ông chiếu lại khúc phim cuối tháng 4-1975 người Mỹ tháo chạy bỏ VN và có nói sơ về sự phản bội đồng minh của Mỹ. Kissinger cho biết danh dự Mỹ bị lâm nguy (trang 3) Đại sứ Martin điện tín cho Kissinger xin đừng cho di tản ồ ạt vì nó cho thấy sự phản bội khiến ta mất hết danh dự. Khi trực thăng di tản những người Mỹ cuối cùng, tại hạm đội Đại tá Harry G. Summers nói “Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, đối với người Mỹ ngày này thật chẳng lấy gì làm tự hào” (trang 4)
Tại Bạch Cung TT Ford chính thức thông báo chỉnh phủ VNCH đã đầu hàng
“Lịch sử sau cùng sẽ phán xét phán xét những cái ta đã và chưa làm ở VN cũng như nơi khác. Ta hãy bình tâm chờ bản án” (trang 5)
Ngoài Larry Berman ra không thấy tác giả nào đề cập tới khía cạnh này, họ thường nhấn mạnh sự sai lầm của ông Thiệu trong kế hoạch lui binh tại Cao nguyên và vùng hỏa tuyến
Tác giả tuy đề cập tới vấn đề người Mỹ phản bội đồng minh nhưng ông lại hướng về hai nhân vật lãnh đạo Hành pháp và không đả động gì tới trách nhiệm của nước Mỹ. Berman cũng như nhiều người chỉ trích Nixon, Kissinger ký Hiệp định vô nghĩa nhưng họ không biết hoặc vờ không biết về những khó khăn mà chính phủ phải đương đầu tại bàn Hội nghị. Kissinger kể lại những ngày đầu đàm phán với phía CSBV từ 20-2 tới 4-4 -1970 (13) trong khi Mỹ đang rút quân từ từ. Thái độ của Lê đức Thọ rất cha chú, ta đây. Thọ nói Mỹ phải rút không điều kiện, lật đổ chính phủ Thiệu, thành lập Liên hiệp, ngoài ra chẳng có gì để bàn cả. Đảng Dân Chủ và Ủy ban ngoại giao Thượng viện đòi rút nhanh, loại bỏ Thiệu-Kỳ nhưng Nixon-Kissinger không chấp nhận vì như thế coi như đầu hàng CS (14). Kissinger nói Thọ hiểu biết rõ, chính xác về dư luận phản chiến tại Mỹ nên tếp tục đòi Mỹ rút đơn phương, lật đổ Thiệu cho tới tháng 9-1972, (hai năm rưỡi sau) khi BV thảm bại về quân sự họ mới chịu nhượng bộ nhiều.
Ngày 18-3-1970, ông Hoàng Sihanouk bị Tướng Lon Nol lật đổ khi đang ở Bắc Kinh. Từ giữa tháng 4 -1970 CSBV tại căn cứ biên giới tấn công bao vây Nam Vang để lật đổ Lon Nol đưa Sihanouk về, nay Sihanouk đã theo CS. Nếu Mỹ không can thiệp VNCH sẽ bị lâm vào tình trạng nguy khốn. Cuối tháng 4 -1970 Nixon giúp VNCH hành quân sang Miên phá hủy các căn cứ CSBV, VC nhưng vấp phải sự chống đối dữ dội của Quốc hội, truyền thông, sinh viên và phong trào phản chiến… Hàng trăm ngàn người biểu tình phía sau Tòa Bạch Ốc, tại Thủ đô. Tình trạng cho thấy sự ngang ngược của Quốc hội Dân chủ, truyền thông, phong trào phản chiến…họ muốn Hành pháp phải chịu bó tay trước sự lộng hành của CS.
George Donelson Moss (15) nói Nixon nhậm chức đã được hai năm, sau hai năm chiến đấu và đàm phán để chấm dứt chiến tranh mang lại hòa bình nhưng ông nhận thấy quyền hạn của Tổng thống bị thu hẹp, vị trí nước Mỹ tại bàn hội nghị tồi tệ, hòa bình còn xa….
Kissinger thất vọng không tìm ra cách nào đòi CSBV rút song phương, ông nói khi Nixon nhậm chức thay thế những người (Dân Chủ) trước đây đã can thiệp (đưa quân) vào VN. Mới đầu họ trung lập sau quay ra chống đối, kết án Nixon có trách nhiệm với cuộc chiến mà thực ra ông chỉ thừa hưởng. Họ chỉ trích Nixon không theo giải pháp này nọ mà chính họ trước đây chẳng làm được gì (16).
Kissinger cũng nói Bảo thủ (CH) xuống tinh thần vì cuộc chiến tới giai đoạn phải rút quân, Cấp tiến (DC) ám ảnh bởi chính họ đã đưa nửa triệu quân vào Đông Dương. Họ không chịu đối mặt với sự can thiệp của mình trong quá khứ hoặc ngồi im miệng mà ngược lại, trốn trách nhiệm và đổ lỗi cho Tổng thống Nixon (17). Đảng Dân chủ đã đưa nước Mỹ vào chỗ sa lầy tại VN thập niên 60 nay trở mặt a dua với phản chiến, truyền thông để chống chiến tranh, chống chính phủ (đối lập), không được ăn thì đạp đổ, tạo lên không khí phân hóa dữ dội.
Dân chủ vẫn nắm Quốc hội với 55.86% Hạ viện và 57% Thượng viện.
Sau hai năm lãnh đạo, Nixon thấy chính phủ bị giới hạn quyền hành, đảng Dân Chủ, truyền thông, phong trào phản chiến, sinh viên…những năm 1969, 70 đã đưa nước Mỹ bước vào giai đoạn “toàn quốc phản chiến” đòi rút bỏ VN.
Những tháng đầu năm 1973, CSBV vi phạm hiệp định và giúp Khmer đỏ tấn công chính phủ Lon Nol, Nixon oanh tạc trừng trị địch và bị Quốc hội phản đối dữ dội. Họ ra tu chính án cắt hết ngân khoản quân sự dành cho Đông Dương cuối tháng 6-1973, có hiệu lực từ giữa tháng 8 (18). Sau đó Quốc hội Dân chủ cắt giảm quân viện VNCH mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975 (19) khiến miền nam VN lâm vào tình trạng kiệt quệ tiếp liệu đạn dược.
Tổng thống lúc này chẳng khác gì bù nhìn nhưng người ta vẫn chỉ trích ông không trừng trị quân địch để cứu VNCH.
Sau khi tham khảo tài liệu giải mật Larry Berman lại nói Nixon, Kissinger không bỏ Đông Dương mà còn sẵn sàng trừng trị CSBV vi phạm Hiệp định, họ chủ trương kéo dài chiến tranh. Điều này cho thấy những lời chỉ trích, lên án Nixon, Kissinger phản bội VN hoàn toàn sai.
“Không hòa bình không danh dự” như tác giả nói không phải để ám chỉ Hiệp định vô nghĩa mà là tiếp tục chiến tranh chứ không phải hòa bình danh dự, người ta thường nghĩ là ông chỉ trích hòa bình danh dự làm sụp đổ VN
Tên tác phẩm của Berman khiến độc giả tưởng ông kết án Hiệp định Paris không có hòa bình, không có danh dự vì nó làm sụp đổ VNCH. Nhưng khi ông nói về hồ sơ giải mật thì không phải vậy mà tác giả muốn nói “không hòa bình, không danh dự” vì Nixon, Kissinger không tìm hòa bình như họ tuyên bố mà muốn tiếp tục chiến tranh bằng không lực Mỹ để bảo đảm cho miền nam VN.
Lúc này Berman không lên án hai nhà chính khách này phản bội đồng minh nhưng chỉ trích họ họ đánh lừa, lường gạt nước Mỹ vì tiếp tục cuộc chiến bảo vệ miền nam VN, phản lại chủ trương của nước Mỹ muốn vứt bỏ mảnh đất này cho lùi vào dĩ vãng. Đúng vậy, Quốc hội, truyền thông, sinh viên…muốn nước Mỹ phải bỏ Đông Dương trong khi Nixon-Kissinger đi ngược lại chủ trương này, hai ông không phản Đông Dương mà có tội với nước Mỹ.
Tại phần mở đầu và kết luận cuốn sách Berman có đề cập dù là sơ sài tới việc nước Mỹ bị sứt mẻ uy tín vào những ngày cuối tháng 4-1975 khi họ tháo chạy bỏ Đông Dương. Hầu như không có nhà nghiên cứu nào nói như ông dù là ngắn gọn, họ thường chỉ trích sự sai lầm của ông Thiệu làm sụp đổ miền nam.
Họ lờ đi không nói tới quân viện ồ ạt của CS quốc tế cho Hà Nội tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí (20). Trong khi CSBV muốn bao nhiêu xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, phòng không… đều có ngay thì VNCH những năm cuối cùng 1974, 1975 phải trầy da tróc vẩy cử phái đoàn sang Mỹ xin viện trợ thường là nhỏ giọt
Không phải rằng Nixon, Kissinger phản bội VN mà là nước Mỹ phản bội vì như đã nói trên, ngay từ 1970, nước Mỹ đã phát động phong trào toàn quốc phản chiến gồm Quốc hội, đảng đối lập, sinh viên, truyền thông….Theo lời kể của Kissinger (21) Quốc hội Mỹ đã bắt đầu đề nghị một số tu chính án cắt ngân khoản chiến tranh Đông Dương nhưng chưa được phê chuẩn. Như thế nước Mỹ chống chiến tranh tập thể, hành động phản bội chính là nước Mỹ chứ không thể là Nixon, Kissinger. Chủ trương rút bỏ Đông Dương đã thành hình từ 1970 và nhất là sau khi Nixon, Kissinger đã bang giao được với Trung Cộng, hòa hoãn với Nga sô từ giữa năm 1972 là cơ hội tốt cho Quốc hội Dân chủ Mỹ phản bội đồng minh
Larry Berman phải lục lọi, tìm kiếm những hồ sơ giải mật để viết về sự dối trá của Nixon, Kissinger đối với người dân Mỹ, nước Mỹ, nhưng ông không viết về sự phản bội của nước Mỹ. Muốn vậy ông cũng chẳng cần tham khảo các hồ sơ giải mật. Tài liệu đầy cả ra, không cần thiết phải tìm tòi nhưng đã có nhà sử gia, chính khách Mỹ nào biên soạn chưa? Tháng 6-1973 Quốc hội ra luật cắt hết ngân khoản dành cho chiến tranh Đông Dương để trói tay Tổng thống. Nixon không còn quyền hành ngăn chận CS vi phạm Hiệp định Paris, sau đó họ dần dần cắt giảm viện trợ miền nam VN mỗi năm 50% mà ai cũng đều biết cả…hậu quả là VNCH sụp đổ trong khoảng thời gian thật ngắn.
Berman nói kế hoạch trừng trị BV vi phạm Hiệp định của Nixon-Kissinger đã bị Wategate hủy hoại (trang 9), thực ra dù không có biến cố này, Nixon cũng đành chịu bó tay vì không có ngân khoản để oanh tạc. Quốc hội đã ra luật từ giữa năm 1973 cắt hết nguồn tài chánh (của Hành pháp) dành cho chiến tranh Đông Dương.
Ta không thấy sử gia chính khách Mỹ so sánh viện trợ Mỹ cho VNCH với viện trợ của CS Nga, Tầu cho BV, ta không thấy các vị ấy nói về tình đồng chí của CS, họ không bỏ đồng minh
Hậu quả của sự phản bội là nay tại Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Việt, Mên, Lào, Mã Lai, Phi Luật Tân … có khuynh hướng ngả về Trung Cộng, họ không dám theo Mỹ khi nhớ lại biến cố Đông Dương 1975.
Nhiều nhà nghiên cứu, chính khách Mỹ thường ra vẻ công bình, khách quan, họ khen kẻ địch can đảm, yêu nước được lòng dân …nhưng họ không công bình vì không so sánh viện trợ Mỹ cho VNCH với viện trợ của CS quốc tế cho BV. Ta không thấy các vị ấy nói về tình đồng chí của CS, họ giúp đỡ đồng minh tới ngày chiến thắng cuối cùng.
Trên thực tế hầu hết các nhà sử gia, chính khách Mỹ tránh nói tới việc Quốc hội nước họ bức tử VNCH vì tâm lý chung đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại. Họ thường nói Hoa Kỳ bảo vệ dân chủ, tự do cho tất cả các nước bị áp bức xâm lăng nhưng tránh xúc phạm đất nước mình
Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris mới rút quân, lấy tù binh là không đúng sự thật. Quốc hội Mỹ có hai cách để lấy hòa bình
– Ký Hiệp định Paris
– Ra luật chấm dứt chiến tranh
Trường hợp có được nền hòa binh danh dự đẹp mặt cả nước là điều họ mong đợi, cùng kỳ lý nếu Hiệp định trở ngại họ sẽ phải ra luật chấm dứt chiến tranh cho dù tàn khốc vô nhân đạo.
Ít người chịu để ý vấn đề này, các nhà sử gia Mỹ tránh không nhắc tới vì nó thể hiện bộ mặt xấu của Lập pháp, của cả đất nước mình.
(trích trong Chiến Tranh Việt Nam Dưới Thời Kennedy-Johnson-Nixon-Ford, 2017)
Tham khảo
(1) No No Peace Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam các trang 2, 7
(2) Richard Nixon: No More Vietnams trang 152
(3) Nixon trong No more Vietnams trang 150 cũng nói vậy
Theo Phillip B. Davidson: Vietnam At War, The History 1946-1975 trang 673 là 125 ngàn quân
Theo George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 353 khoảng 122 ngàn trang 550-598
Theo Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang tr 550-598 nói khoảng 100 ngàn, sau họ bổ sung thêm 50 ngàn
(4) No more Vietnams trang 150, Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 587
(5) Walter Isaacson: Kissinger A Biography, trang 483.
(6) No Peace, No Honor…trang 2
(7) No more Vietnams trang 152: “It is an axiom of diplomacy that one cannot win at the conference table what one could not win on the battlefield”
Henry Kissinger : White House Years trang 974 “không thể đàm phán đòi chúng (BV) rút trừ phi ta dùng vũ lực để đuổi chúng đi” (no negotiation would be able to remove them if we had not been able to expel them by force of arms)
(8) No more Vietnams trang 169, 170
Berman: No Peace no Honor trang 200, 221
Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 178, 179, 180
George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 366
(9) No more Vietnams trang 179, 180
(10) No Peace no Honor trang 7, 8
(11) Hòa Bình ở Cuối Cây Bút trang 180-206 và Hiệp Định Vô Nghĩa trang 240-264
(12) Về vấn đề này tôi đã đề cập riêng trong một bài Nixon Và Hòa Bình Trong Danh Dự
(13) White House Years trang 442, 444, 448
(14) Sách kể trên trang 444, 446: “we were being offered terms for surrender not a negotiation in any normal sense”
(15) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 342, 343
(16) White House Years trang 227
(17) Sách kể trên trang 513
(18) Nixon: No more Vietnams trang 180
(19) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
(20) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(21) White House Years trang 513
Vui cười
Vợ có thai chồng rất vui lấy điện thoại vợ gửi tin nhắn: “Tôi có thai” cho toàn danh bạ để mọi người chia vui. Ngay lập tức nhận được tin trả lời:
– Mẹ vợ: Sao nói chồng không sinh được? Còn q.hệ với thằng Tiểu Lí à?
– Đồng nghiệp: Không phải chứ? mới 2 ngày mà?
– Bạn thân: Chúng ta đã nữa năm không gặp, đừng có đổ lên đầu tôi!
– Cấp trên: Tôi cho cô 10tr, cô nghỉ một thời gian đi.
– Khách hàng: Được rồi! Đừng dọa tôi, mai ký hợp đồng.
– Đồng nghiệp: Không phải cô nói là của tôi chứ? Hôm đó có sếp nữa mà!
– Người lạ: Đừng có lừa tôi, tôi đã phẫu thuật triệt sản rồi.
– Người lạ: Cô định xử lí như thế nào?
Nhật Ký Biển Đông – Đào Văn Bình
Ô. Trump Chọn Hoa Lục Hay Đông Nam Á?
Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Năm ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-Newsweek ngày 16/5/2017: “Tổng Thống Nga Putin hỗ trợ sáng kiến của Hoa Lục mở Con Đường Tơ Lụa Mới mà Chủ Tịch Tập Cận Bình cam kết đóng góp thêm 124 ngàn tỉ đô-la cho dự án đã được công bố vào năm 2013 với cái tên Vành Đai và Trục Lộ. Nói chuyện tại diễn đàn Bắc Kinh, Ô. Putin nói rằng dự án là một nhu cầu rất cao và bảo đảm với cử tọa là Nga sẽ tham gia vào dự án này. Trong cuộc hội thảo hai ngày, Ô. Tập Cận Bình cố trấn an nghi ngại cho rằng dự án sẽ bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Âu Châu và Á Châu bằng cách nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chia xẻ kinh nghiệm phát triển với tất cả các quốc gia. Chúng tôi không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác. Chúng tôi không xuất cảng hệ thống tổ chức xã hội của chúng tôi và mô thức phát triển và thậm chí không áp đặt quan điểm lên những quốc gia khác.”
-CNBC ngày 17/5/2017: “Một viên chức bộ ngoại giao xin được giấu tên cho biết Hoa Kỳ sẽ giảm nhẹ thêm lệnh cấm vận Iran để đổi lấy việc Ba Tư cam kết giới hạn chương trình hạt nhân theo như thỏa hiệp ký kết năm 2015. “
Như vậy Ô. Trump giơ cao đánh khẽ khi phải đối đầu với thực tế là nếu hủy bỏ thỏa hiệp và gia tăng cấm vận Ba Tư như lời hứa lúc tranh cử, thì chiến tranh Mỹ- Ba Tư có nguy cở xảy ra trong lúc Hoa Kỳ đang dính líu vào 5 cuộc chiến ở Trung Đông, chiến tranh lạnh với Nga và căng thẳng với Bắc Hàn trong lúc Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói rằng một giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa với mức độ không tin nổi và Hoa Thịnh Đốn đang làm việc trên quy mô quốc tế để tìm một giải pháp ngoại giao. Một ông bộ trưởng quốc phòng của một siêu cường mà nói như thế thì sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên không phải “đồ rởm”. Hơn thế nữa Bắc Triều Tiên là vùng trái độn, là vành đai an toàn của Hoa Lục. Hoa Lục sẽ không bao giờ để Hoa Kỳ đánh xập vùng này. Cho nên ngay từ lúc đầu tôi đã nói, dù Ô. Trump tuyên bố rất mạnh, chỉ để hù dọa và một giải pháp ngoại giao cho Bán Đảo Triều Tiên là hợp lý nhất.
-Tổng Hợp ngày 21/5/2017: Trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống, ngày đầu ghé Saudi Arabia ký kết thỏa hiệp bán vũ khí 110 tỉ Mỹ Kim và có thể lên tới 350 tỉ trong vòng 10 năm, ngày hôm sau 21/5/2017 Tổng Thống Donald Trump đọc bài diễn văn trước các lãnh đạo quốc gia Hồi Giáo toàn thế giới tại Thủ Đô Riyadh của Saudi Arabia với những lời lẽ có tính toán hơn là những lời nói cường điệu trong thời gian tranh cử. Ô. Trump nói, “Đây không phải là cuộc chiến do khác biệt tôn giáo, khác biệt giáo phái hay khác biệt về nền văn minh. Đây là cuộc chiến giữa tội ác man rợ muốn tiêu diệt con người và những thành phần khả kính của mọi tôn giáo muốn đứng ra bảo vệ. Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Nhưng chúng ta chỉ có thể thắng cái ác nếu có sức mạnh tốt và đoàn kết mạnh mẽ- và nếu mọi người trong phòng hội này chia xẻ trách nhiệm một cách công bình và hoàn thành trách nhiệm phần mình. Khủng bố đã lan tràn khắp thế giới. Thế nhưng hòa bình thì khởi đầu từ ngay đây (ngay chốn này) tại vùng đất cổ kính, tại vùng thánh địa.”
Ô. Trump muốn dùng diễn đàn thượng đỉnh Ả Rập để trình bày quan điểm của Hoa Kỳ về cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi các quốc gia Hồi Giáo cùng đứng với Hoa Kỳ trong cuộc chiến này. Theo tôi đây là việc làm cần thiết về mặt chính trị, còn mong chờ sự hợp tác thì thật khó khăn. Hiện nay chỉ có vài quốc gia Âu Châu như Anh, Pháp, Đức đứng chung với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Iraq, Syria và Lybia nhưng chỉ ở mức độ “góp mặt” cho có lệ. Còn các quốc gia hăng hái tham gia như Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ chưa hẳn với mục đích tiêu diệt khủng bố mà để tiêu diệt phe Hồi Giáo hệ phái Shiite. Còn các quốc gia Hồi Giáo khác thì họ vô cùng thận trọng. Họ lên kế hoạch chống khủng bố ở ngay trên đất nước họ. Còn chuyện tham gia hay ủng hộ Hoa Kỳ hay Tây Phương trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria, là điều vô cùng tế nhị. Nếu họ lên tiếng ủng hộ hoặc tham gia, họ sẽ gặp ngay sự chống đối của thành phần Hồi Giáo cực đoan trong nước. Lợi chưa thấy, mà hại thì đến liền. Hầu hết các quốc gia Hồi Giáo còn lại đều giữ thái độ im lặng và họ sẽ tiếp tục giữ thái độ đó cho dù Ô. Trump có kêu gọi thế nào đi nữa. Tin tức cập nhật ngày hôm nay cho biết Do Thái lo lắng về thỏa thuận bán vũ khí khổng lồ với Saudi Arabia vì Do Thái lúc nào cũng muốn duy trì địa vị ưu thắng về vũ khí đối với các quốc gia Ả Rập. Thỏa thuận này sẽ làm Do Thái mất đi địa vị “số một”. Chính trị thế giới vô cùng phức tạp. Chơi với phe này thì mất lòng phe kia. Còn Ba Tư thì mỉa mai là Ô. Trump nên nhắc nhở Saudi Arabia đừng có gây nên một 9-11 thứ hai vì chính Saudi Arabia là nước tài trợ cho tổ chức khủng bố đánh vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
-Newsweek ngày 22/5/2017: Trong bài viết nhan đề “Chiến Tranh Lạnh Mới: Có Phải Nga Đang Dòm Ngó Hoa Kỳ Từ Nicaragua?” (New Cold War: Is Russia Spying On The U.S. From A Nicaragua Military Compound?) tác giả nói rằng, “Trong gần hai tháng, các viên chức Nicaragua đã dùng trạm vệ tinh thiết lập trong một doanh trại của Thủ Đô Managua để theo dõi các hành động chuyển vận ma túy, thiên tai và những đe dọa khác. Thế nhưng Hoa Kỳ lại lo ngại rằng Nicaragua muốn dòm ngó tới những chuyện không phải chuyện nội bộ. Nga đã tặng trạm vệ tinh này cho Nicaragua khi hai quốc gia gia tăng mối liên hệ quân sự, kể cả năm ngoái đã tặng 50 xe tăng T-72 hầu gia tăng sức mạnh quân sự của Nicaragua. Những món quà đắt giá của tình bạn quốc tế này đã gia tăng lo ngại là mục đích thật sự của “con mắt nằm ở trên trờ” này là theo dõi các hoạt động của Hoa Kỳ rồi báo cáo lại cho Nga. Theo Roberto Orozco- giám đốc điều hành của Trung Tâm Điều Tra và Phân Tích Chiến Lược- một tổ hợp nghiên cứu ở Managua nói với tờ Washington Post là, “Điều mà Nga muốn là sự hiện diện của hoạt động quân sự tại Nicaragua.”
-Al Jazeera.com ngày 25/5/2017: “Khối NATO đang thảo luận về việc gửi thêm quân tới A Phú Hãn để chống lại các chiến binh Taliban hiện đang chiếm thêm một số khu vực trong những năm gần đây. Tổng Thống Donald Trump đang nghiên cứu việc gửi thêm 3000 quân tới A Phú Hãn dưới ngọn cờ của NATO. Thế nhưng nhiều người ở A Phú Hãn không tin sự gia tăng quân ngoại nhập sẽ đem lại thay đổi đáng kể.”
Có thể để đáp lại dự tính này, ngày 30/5/2017, Taliban đã cho tiến hành một cuộc đánh bom tự sát tại khu vực dành cho các phái đoàn ngoại giao của Thủ Đô Kabul khiến 80 người chết, 360 người bị thương.
-Defence One ngày 28/5/2017: “Một thành viên của quốc hội Nga nói với các viên chức phụ trách an ninh của chính phủ rằng Nga buộc lòng phải xử dụng vũ khí nguyên tử nếu Hoa Kỳ hay NATO tiến vào miền đông Ukraine.”
-International Business Times ngày 29/5/2017: “Hoa Thịnh Đốn gửi thêm HKMH thứ ba cùng nhóm tàu tấn công tới tây Thái Bình Dương, gần vùng biển của Bán Đảo Triều Tiên, một cuộc phô diễn sức mạnh chưa từng có giữa tình hình căng thẳng trong vùng. HKMH Nimitz- một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới sẽ cùng hợp nhất với hai HKMH Carl Vinson và Ronald Reagan đã có mặt tại đây.”
Đây là phản ứng để cảnh cáo việc Bắc Triều Tiên liên tục phóng thử các hỏa tiễn trong mấy ngày qua.
-AP ngày 30/5/2017: “Tổng thống Kenya vừa khánh thành dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất kể từ thời kỳ độc lập (1963) đó là hệ thống đường xe lửa do Trung Quốc hỗ trợ trị giá gần 3.3 tỉ đô-la nối liền một phần lớn của Đông Phi tới những hải cảng lớn tại Ấn Độ Dương khi Trung Quốc tìm cách gia tăng thương mại và ảnh hưởng vào Phi Châu.”
Tình hình Syria:
-Military.com ngày 15/5/2017: “Bá Linh chỉ trích quyết định của Ankara từ chối không cho phép các nhà lập pháp Đức viếng thăm một căn cứ của NATO gần biên giới Syria và cảnh báo Đức có thể di chuyển binh sĩ của họ tới một nơi khác. Bộ ngoại giao Đức mô tả đây là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được khi Thổ cấm không cho phái đoàn viếng thăm căn cứ Incirlik ở nam Thổ mà liên minh quốc tế dùng để tấn công lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Đức có khoảng 250 binh sĩ đóng tại đây, lái máy bay thám thính Tornado trên không phận Syria và tiếp dầu cho lực lượng bạn chống lại các chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo.”
Đúng là chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới dám ngang tàng với các cường quốc Âu Châu, kể cả Nga cũng không dám làm như vậy. Thế nhưng Âu Châu không dám làm gì vì Thổ là quốc gia Hồi Giáo mà lại ở trong NATO. Vào ngày 16/5/2107, Tổng Thống Donald Trump đã tiếp kiến Tổng Thống Erdogan tại Tòa Bạch Ốc. Theo tường thuật của báo chí, mặc dù có sự khác biệt rất lớn về cuộc chiến tại Syria nhưng hai bên hoan nghênh thời kỳ mới của mối quan hệ khác với thời cựu Tổng Thống Obama. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, theo AP, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho Hoa Kỳ biết họ sẽ không tham gia bất cứ kế hoạch hành quân nào tại Syria nếu có sự tham dự của các chiến binh người Kurd và Tổng Thống Erdogan hứa sẽ đánh trả lực lượng người Kurd do Hoa Kỳ hỗ trợ nếu lực lượng này đe dọa an ninh của Thổ. Bộ ngoại giao Thổ cũng yêu cầu thay thế đại sứ Mỹ vì nghi ngờ ông này ủng hộ người Kurd. Thế nhưng bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Đại Sứ McGurk hoàn toàn được bộ tham mưu của Ô. Trump ủng hộ.”
Tất cả những diễn biến vô cùng phức tạp và trớ trêu nói trên cho thấy giải quyết cuộc chiến Syria không phải dễ. Không phải cứ nói là làm được. Hoa Kỳ đứng trước lựa chọn thật khó khăn, hoặc ngưng ủng hộ người Kurd hoặc mất Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình Biển Đông:
-International Business Times ngày 18/5/2017: “Một phụ tá cao cấp cho biết Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã từ chối khoản viện trợ 278 triệu Mỹ Kim từ Liên Hiệp Âu Châu (EU) để chứng tỏ Phi Luật Tân tự chủ về chính sách ngoại giao. Nhà lãnh đạo ăn nói thô tục này đã từ chối, để Liên Hiệp Âu Châu không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Phi Luật Tân chẳng hạn như chiến dịch triệt hạ nạn buôn bán xì ke ma túy thật tàn bạo khiến khối Âu Châu chỉ trích và lên án.”
-Reuters ngày 19/5/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte hôm nay nói rằng Ô. Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng nếu Phi Luật Tân triển khai phán quyết của Tòa Hague về Đường Lưỡi Bò và cho khai thác dầu khí tại vùng tranh chấp ở Biển Đông thì Hoa Lục sẽ gây chiến.”
Có thể Ô. Duterte chỉ “la Quảng la Tiều” hay đây là chiến thuật lên tiếng cảnh báo trước? Theo tôi nghĩ, nếu Phi Luật Tân tiến hành cho khai thác dầu khí tại Biển Đông thì quá lắm Hoa Lục chỉ phản đối hoặc cho tàu chiến tới đe dọa công ty khai thác chứ không thể “gây chiến”. Khi đó, một lần nữa Phi có thể nhờ Tòa Án Trọng Tài về Luật Biển phân xử và Hoa Lục có thể lại thua to một lần nữa.
Sau phán quyết của Tòa Hague, các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân đang nắm chính nghĩa về mặt công pháp quốc tế và Hoa Lục ở vào thế hạ phong hay thế kẹt chứ không phải chơi. Việc Hoa Lục chịu ngồi vào bàn hội nghị để soạn thảo Bộ Quy Tắc Hành Xử tại Biển Đông cho thấy Bắc Kinh không thể hung hăng được nữa. Xin nhớ, tại Biển Đông, ngoài Việt Nam và Phi Luật Tân, còn có Hoa Kỳ, Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ và có thể cả Âu Châu. Nếu Ô. Duterte khôn khéo về ngoại giao giống như Việt Nam là đừng căng thẳng với Hoa Kỳ thì thế liên minh Việt-Phi “vững như bàn thạch” chứ không phải chuyện đùa. Theo tôi nghĩ, Ô. Duterte nên củng cố liên minh Việt-Phi giống như cựu Tổng Thống Aquino đã làm.
-AFP ngày 19/5/2017: “Hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã nghênh cản một phi cơ Hoa Kỳ tại Biển Đông. Chiếc Constant Phoenix WC-135 có nhiệm vụ lọc không khí để tìm dấu hiệu của hoạt động nguyên tử. Hoa Kỳ đã chuyển đạt sự kiện này tới Trung Quốc theo đúng thủ tục ngoại giao và quân sự vì phi cơ tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế.”
Hiện nay Hoa Lục nằng nặc cho rằng Biển Đông và nhất là một số đảo tân tạo là “lãnh thổ” của họ. Mọi hoạt động trên biển cũng như trên không của bất cứ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ là vi phạm, cho nên nếu là trên biển thì họ cho tàu chiến đâm húc, trên không thì họ cho phi cơ nghênh cản. Có lẽ Hoa Kỳ chỉ phản đối theo phương thức ngoại giao chiếu lệ chứ không thể làm gì hơn.
-AP ngày 20/5/2017: “Các bộ trưởng thương mại của Vành Đai Thái Bình Dương đã bắt đầu cuộc họp hai ngày tại Hà Nội để tập trung vào lãnh vực tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế toàn vùng giữa những lo sợ chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch gia tăng. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer thực hiện chuyến công du quốc tế, khởi đầu bằng cuộc họp 21 bộ trưởng của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Bên lề diễn đàn, 11 bộ trưởng thương mại có tham gia thỏa hiệp TPP dự trù họp vào ngày hôm sau 21/5/2017 để làm sống lại thỏa hiệp sau khi Hoa Kỳ rút chân ra. Ô. Alan Bollard- giám đốc điều hành của Thư Ký Đoàn APEC nói rằng các bộ trưởng sẽ thay đổi một vài điều khoản để đưa thỏa hiệp trở thành hiệu lực hoặc thảo luận thêm nữa.” Trong lúc đó, 16 bộ trưởng của dự án Hợp Tác Toàn Diện Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership) do Trung Quốc dẫn đầu sẽ có cuộc họp vào ngày 22/5/2017 tại Hà Nội để thảo luận thêm nữa về thỏa hiệp coi như để thay thế cho TTP. Thỏa hiệp dự trù chung kết vào cuối năm nay.
-AFP ngày 22/5/2017: “Vào hôm nay, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã đáp máy bay đi Nga để gặp gỡ người hùng Putin, tìm kiếm vũ khí và lèo lái chính sách ngoại giao lánh xa đồng minh kỳ cựu Hoa Kỳ. Chuyến thăm 5 ngày sẽ củng cố thêm mối bang giao với Nga kể từ khi Ô. Duterte nắm quyền năm ngoái và bắt đầu tháo gỡ liên minh nhiều thập niên với Hoa Kỳ mà ông cho rằng đạo đức giả và bắt nạt Phi Luật Tân. Trước khi lên đường, Ô. Duterte nói với các ký giả, “Nga phải chấm dứt việc đứng bên lề của nền ngoại giao Phi Luật Tân. Việc quá lệ thuộc và đồng minh truyền thống đã giới hạn tính năng động của chúng tôi trong chính trường quốc tế.” Theo Sputnik News, trong buổi gặp gỡ Ô. Putin tai Mạc Tư Khoa, Ô. Duterte nói rằng Phi Luật Tân cần vũ khí của Nga để chống khủng bố và phiến quân Hồi Giáo. Ô. Duterte đã phải rút ngắn chuyến viếng thăm Nga để đối phó với quân khủng bố đã tiến chiếm một số khu vực ở Đảo Mindanao vừa được ban bố tính trạng thiết quân luật.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Phi Luật Tân đã theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương giống như Việt Nam. Nhưng Việt Nam không chỉ trích Hoa Kỳ, còn Ô. Duterte liên tục chỉ trích Hoa Kỳ. Theo tôi nghĩ, chính sách ngoại giao đa phương là khôn ngoan, nhưng vô cùng khó khăn. Muốn thành công thì không nên chỉ trích Hoa Kỳ hay bất cứ ai và theo kế sách “Làm mà không nói” và “Ngậm miệng ăn tiền”.
-VOA News ngày 22/5/2017: “Thủ tướng Việt Nam hy vọng tìm được câu trả lời cho Đông Nam Á về vai trò trong tương lai của Hoa Kỳ trợ giúp các quốc gia trong vùng chống lại sự bành trướng trong vùng biển rộng lớn đang tranh chấp. Tuần tới Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc – nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên viếng thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Ô. Trump nhậm chức vào Tháng Giêng. Có thể ngoại thương và những tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Người tiền nhiệm Obama khá nôn nóng về chính sách “Xoay Trục” để giúp các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Nhưng còn đường hướng của Ô. Trump đối với Đông Nam Á bây giờ thì chưa rõ.”
Trong buổi nói chuyện tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ngày 30/5/2017, Ô. Phúc cho biết Việt Nam sẽ ký kết những thỏa thuận với Hoa Kỳ nhập cảng thêm khoảng từ 15 tỉ tới 17 tỉ đô-la hàng kỹ thuật cao và dịch vụ. Hành động này có thể nhằm bù đắp lại lo ngại của Ô. Trump cho là Hoa Kỳ đã thiệt thòi khi làm ăn với Việt Nam.
Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam có lo lắng cũng là lẽ tự nhiên. Sau khi nhậm chức, Ô. Trump ký sắc lệnh hủy bỏ việc tham gia thỏa hiệp TPP rồi ân cần tiếp đón Ô. Tập Cận Bình và chủ trương lo cho nước Mỹ trước đã (America First), thiên hạ có ra sao cũng mặc kệ. Thế nhưng có điều trớ trêu là muốn lo cho nước Mỹ thì phải lo từ xa. Nếu các nước Đông Nam Á khuất phục trước sức mạnh của Hoa Lục thì Hoa Kỳ lâm nguy. Cho nên tôi vẫn giữ quan điểm là cuối cùng Ô. Trump cũng phải xét lại, cũng phải “trấn thủ” ở Đông Nam Á nếu không muốn Mỹ bị đẩy ra khỏi Thái Bình Dương. Chính các chiến lược gia Hoa Kỳ nói rằng, “Ai làm chủ Thái Bình Dương, người đó bá chủ thế giới”.
-ABC News ngày 23/5/2017: “Nhà cầm quyền Nam Dương nói rằng một vài tàu đánh cá Việt Nam đã thoát khỏi hải phận của họ sau khi tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp nói rằng vào ngày 23/5/2017 phía Việt Nam đã giữ một viên chức Nam Dương lúc đó leo lên một trong những chiếc tàu của Việt Nam và Nam Dương hiện giữ 11 ngư phủ Việt Nam. Theo Nam Dương, cuộc đụng độ xảy ra ở bắc quần Đảo Natuna nằm trong khu Đặc Quyền Kinh Tế của Nam Dương. Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp Nam Dương nói rằng năm tàu đánh cá mang cờ Việt Nam đã bị các tàu tuần duyên ngăn chặn và kiểm soát được tình hình cho đến khi một tàu Cảnh Sát Biển của Việt Nam tông vào tàu đánh cá, trên đó có viên chức Nam Dương và làm chìm tàu này, nhưng không có ai bị thương. Sau đó tàu Nam Dương rút lui khi một vài tàu tuần duyên Việt Nam – thấy trên màn ảnh radar dường như đang tiến tới. Cảnh Sát Biển Việt Nam từ chối bình luận về vụ này.” Tin tức mới nhất cho biết hai bên đã đồng ý tiến hành cuộc điều tra để giải quyêt vụ đụng chạm này trong tinh thần hợp tác chiến lươc giữa hai quốc gia.
-Bloomberg News ngày 25/5/2017: Trong bài viết,” Sinh Viên Việt Nam Đổ Xô Du Học Nhật Bản” (Vietnamese Students Are Pouring Into Japan), tác giả đưa ra nhận định, “Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Hoa Lục để tạo cơ hội và ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Nhật Bản đang xâm nhập vào một mặt trận mới, đó là mặt trận văn hóa. Nhật Bản đã mạnh mẽ tuyển sinh viên ở trong khu vực, với hy vọng họ sẽ cải tiến mối liên hệ kinh tế với Nhật trong tương lai. Bởi vì Đông Nam Á là nơi đầu tư mấu chốt của Nhật và là nguồn tài năng quan trọng. Việt Nam đã chụp lấy cơ hội này. Hiện nay số sinh viên Việt Nam du học Nhật Bản kể cả các trường dạy tiếng Nhật đã gia tăng gấp 12 lần trong sáu năm tính tới Tháng Năm 2016, lên tới mức 54,000 sinh viên theo thống kê của Cơ Quan Sinh Viên Vụ.”
Vào đầu Thế Kỷ 20, Phong Trào Đông Du do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Cụ Phan Bội Châu sáng lập để giành lại độc lập từ tay Thực Dân Pháp. Ngày nay phong trào du học Nhật Bản lại là một phương thức nâng cao trình độ tri thức, khoa học, kỹ thuật để chống lại ảnh hưởng từ phương bắc. Một đất nước mà kinh tế không mạnh, trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, thì không thể đề kháng lại bất cứ ngoại bang nào. Tôi không hề kỳ thị. Chỗ nào tốt thì mình học hỏi. Nhưng trong tình thế hiện tại, du học Nhật Bản vẫn tốt hơn du học Trung Quốc vì người sinh viên,
ngoài kiến thức khoa học – kỹ thuật họ còn học được đức tính kỷ luật và tự trọng nơi người Nhật. Còn tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, chúng ta chẳng học được gì cả.
Nhận Định:
Reuters ngày 27/5/2017, trước chuyến công du Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Xuân Phúc, trong bài viết, “Việt Nam ở vào tình thế quyết định khi cân bằng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục” (Vietnam is in a pivotal position as it balances the US and China) tác giả viết, “Việt Nam trở nên bồn chồn hơn nữa bởi việc Ô. Trump tiếp đón nồng hậu Ô. Tập Cận Bình mới đây để đối phó với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ô. Carl Thayer – một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Học New South Wales, Úc Châu nói rằng việc Hoa Kỳ dồn nỗ lực/gắn chặt vào vấn đề Bắc Triều Tiên khiến Việt Nam lo ngại rằng vấn đề Biển Đông có thể bỏ ngỏ. Tại Hoa Thịnh Đốn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Katrina Adam nói rằng sự hợp tác Việt-Mỹ là thành tố mấu chốt của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.” (Vietnamese nerves were jangled further by Trump’s recent coziness with Chinese President Xi Jinping in trying to tackle North Korea’s nuclear program. “The total fixation on North Korea had Vietnam quite worried that the South China Sea would be left wide open,” said Carl Thayer, a Vietnam expert at Australia’s University of New South Wales. In Washington, State Department spokeswoman Katrina Adams said “the U.S.-Vietnam partnership is a critical component of U.S. foreign policy in the Asia-Pacific region“.)
Rõ ràng như ban ngày ai cũng thấy, cả thế giới đều thấy; và dĩ nhiên các chiến lược gia Hoa Kỳ đã nhìn thấy từ thời Ô. Bill Clinton, Ô. Bush Con tới Ô. Obama, cho nên mới có chuyện bình thường hóa ngoại giao, hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam:
-Một Việt Nam mạnh lên về kinh tế và quân sự là lực cản tự nhiên đối với Hoa Lục.
-Một sự thăng bằng sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông là nhân tố tạo ổn định trong vùng và cũng là vành đai an toàn cuối cùng của Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ từ bỏ hay suy yếu tại vùng này thì an ninh của Hoa Kỳ lâm nguy.
Ô. Trump trong lúc tranh cử phải tấn công đối thủ để kiếm phiếu. Nay đắc cử rồi, trách nhiệm của tổng thống là bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ. Từ bỏ Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông, thì dù Ô. Trump có tăng chi phí quốc phòng lên gấy mấy cũng sẽ là thảm họa. Chúng ta hy vọng bộ tham mưu của Ô. Trump sẽ xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á. Theo Huffington Post ngày 24/5/2017, Hoa Kỳ đã cho tàu chiến đi vào bên trong 12 hải lý của bãi Đá Vành Khăn do Hoa Lục bồi đắp như một thách thức đầu tiên của bộ tham mưu của Ô. Trump. Nếu không làm mạnh hơn ở Biển Đông thì ít ra Ô. Trump cũng phải “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (Rebalance Power) giống như thời Ô. Obama.
Phi Luật Tân ngày nay đã theo chính sách ngoại giao đa phương và thế yếu. Thái Lan, Lào, Căm Bốt, Miển Điện đã ngả theo Hoa Lục. Duy nhất chỉ còn Việt Nam là đủ khả năng đối đầu với Hoa Lục ở Đông Nam Á. Hơn thế nữa Việt Nam không bao giờ lên tiếng chỉ trích mà lại “welcome” Hoa Kỳ. Ôm lấy Hoa Lục, bỏ rơi Đông Nam Á thì Hoa Kỳ sẽ mất hết. Có thể ông Đại Sứ Ted Osius là người lo lắng nhất cho chính sách ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Nhưng nói đi thì phải nói lại. Biết đâu Ô. Trump đi nước cờ cao? Giả bộ “vui vẻ” với Ô. Tập Cận Bình nhưng rồi quyền lợi của Mỹ vẫn là tối thượng? Nếu làm chính trị mà “thẳng ruột ngựa” thì nên đi tu hay làm thầy giáo. Chúng ta chờ xem, sau cuộc gặp gỡ với Ô. Nguyễn Xuân Phúc mọi việc diễn biến như thế nào.
(California ngày 31/5/2017)
Cơm Áo Đối Đầu Với Bảo Vệ Môi Trường
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Sáu ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-Yahoo News ngày 4/6/2017: Trong một cuộc phỏng vấn Tổng Thống Putin thực hiện bởi cô Megyn Kelly tại Hội Thảo Kinh Tế Thế Giới tổ chức tại Mạc Tư Khoa, để trả lời câu hỏi về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Ô. Putin đã có một câu trả lời thật đáng chú ý. “Tổng thống Hoa Kỳ đến rồi đi và thậm chí đảng cầm quyền có thay đổi nhưng chiều hướng chính trị chính vẫn không thay đổi. Đó là lý do tại sao, về phương diện hoạch định lớn, chúng tôi không quan tâm tới ai là vị lãnh đạo Hoa Kỳ. Chúng tôi, hoặc biết nhiều hoặc biết ít về những gì đang diễn ra. Và vì thế đối với vấn đề này, cho dù chúng tôi muốn, cũng chẳng có ý nghĩa gì khi chúng tôi can thiệp vào cuộc bầu cử.” (Presidents come and go, and even the parties in power change, but the main political direction does not change. That’s why, in the grand scheme of things, we don’t care who’s the head of the United States,” Putin continued. We know more or less what is going to happen. And so in this regard, even if we wanted to, it wouldn’t make sense for us to interfere,” he added.)
Ô. Putin nói đúng, tinh thần “bài Nga” có từ thời kỳ Ô. Obama kéo dài 8 năm. Nay Ô. Trump đắc cử, lập trường hoàn toàn trái ngược với Đảng Dân Chủ nhưng tinh thần “bài Nga” vẫn hừng hực, thậm chí ngay trong hàng ngũ lãnh đạo quốc hội thuộc Đảng Cộng Hòa. Vậy can thiệp để “bầu Ô. Trump lên” cũng vô ích. Khi con tàu được chỉ định đi về một hướng, dù thay đổi thuyền trưởng, thì cũng vậy thôi. Sách lược của các chiến lược gia Hoa Kỳ bây giờ là: Có thể thỏa hiệp với Tàu nhưng sẽ một sống một còn với Nga vì họ coi Nga là kẻ thù nguy hiểm hơn. Hơn thế nữa, ép Nga dễ hơn ép Tàu. Vì nếu ép Tàu thì nền kinh tế Hoa Kỳ xụp đổ vì hai nền kinh tế gắn bó như vợ chồng.
-Reuters ngày 5/6/2017: “Ả Rập Sê-út, Ai Cập, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates) và Bahrain đã cắt đứt ngoại giao với Qatar, cáo buộc đất nước này hỗ trợ cho khủng bố, khởi đầu cho một sự rạn nứt nghiêm trọng nhất trong số quốc gia mạnh của thế giới Ả Rập. Ba Tư, một quốc gia hiềm khích với Ả Rập Sê-út và là mục tiêu bên trong của chuyển động này lập tức đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã giàn dựng chuyện này nhân chuyến công du của Tổng Thống Donald Trump tới Riyadh. Các quốc gia Vùng Vịnh và Ai Cập từ lâu đã bất bình việc Qatar hỗ trợ cho những nhóm Hồi Giáo quá khích, đặc biệt là tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) mà họ coi đó là đối thủ chính trị nguy hiểm. Với sự tham gia của Yemen và chính quyền Libya (nắm giữ miền đông), tạo nên một sự rạn nứt nghiêm trọng trong các quốc gia Hồi Giáo phần lớn nằm trong tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu hỏa (OPEC). Ba quốc gia Vùng Vịnh đã ra lệnh cho du khách và kiều dân Qatar trong hai tuần lễ phải rời khỏi đất nước và trục xuất Qatar ra khỏi liên minh do Ả Rập Sê-út đứng đầu đang chiến đấu tại Yemen. Các hãng máy bay lớn như Etihad Airways và Emirates đã đình chỉ các chuyến bay tới Qatar.”
Ngoại trưởng Ba Tư kêu gọi các quốc gia ngồi lại để giải quyết các bất hòa và điện thoại với các ngoại trưởng Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Dương và Iraq. Ba Tư cũng đề nghị cho Qatar dùng ba hải cảng để tiếp nhận lương thực nhập cảng mà Qatar cần. Ngoại Trưởng Tillerson cũng kêu gọi các quốc gia Vùng Vịnh giải quyết các khác biệt. Thế nhưng vào ngày 6/6/2017, Ô. Donald Trump lại lên tiếng ủng hộ hành động cô lập Qatar của Ả Rập Sê-út với lý do Qatar tài trợ cho quân khủng bố. Hoa Kỳ hiện có căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực tại Qatar, là nơi đồn trú của B-52 và cũng là bộ chỉ huy trung ương của cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria. Với hành động này, không biết căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar có bị ảnh hưởng gì không? AP ngày 7/6/2017 có bài bình luận cho rằng, việc đứng về phe Ả Rập Sê-út, Hoa Kỳ lao mình vào cuộc tranh chấp không biết kết quả ra sao và làm suy giảm nỗ lực đối phó với Ba Tư và cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo. Tin mới nhất cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ lập trường ủng hộ Qatar, phê phán hành động cô lập Qatar đồng thời cho phép triển khai quân đội tại một căn cứ của Thổ tại Qatar khiến tình hình trở nên vô cùng phức tạp trong lúc lập trường của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tillerson và Ô. Trump hoàn toàn trái ngược nhau. Có thể bên trong của vấn đề là – Qatar có mối liên hệ với Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mà không chịu sự khống chế của Ả Rập Sê-út cho nên cần phải bứng cái gai này đi cho rảnh nợ. Thế nhưng trong tình thế vô cùng phức tạp như vậy, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa cho biết họ đã chung kết thỏa thuận bán một số lượng phi cơ chiến đấu F-15 trị giá 12 tỉ đô-la cho Qatar. Không biết thương vụ này có làm phiền lòng Ả Rập Sê-út không?
Tình huynh đệ Hồi Giáo ngày xưa gắn bó như thế nào, ngày nay vỡ vụn ra từng mảnh bởi hai nguyên nhân: Sự khác biệt về tông phái/hệ phái, sự diễn giải kinh điển, người thừa kế Giáo Chủ Mohammad và ngày nay thêm…khuynh hướng chính trị và bè phái chính trị. Khi các quốc gia nối kết bằng tôn giáo, khi tôn giáo phân liệt thì các quốc gia ấy cũng tan vỡ theo. Vậy muốn một đất nước trường tồn, thì tôn giáo phải tách biệt ra khỏi chính trị (State and Church Separation). Mục tiêu của tôn giáo không phải là mục tiêu của đất nước. Mục tiêu của tôn giáo nằm ở trên Trời. Còn mục tiêu của quốc gia nằm ở dưới Đất. Nói tóm lại, đó phải là một nhà nước thế tục, thoát hỏi ảnh hưởng chi phối của tu sĩ, giáo sĩ. Các tu sĩ lãnh đạo đất nước, họ không do dân bầu lên, vô trách nhiệm mà quyền hạn thì vô tận, có khi nói toàn chuyện “trên trời dưới biển”, không tưởng. Rồi tầng lớp chính trị gia hoạt đầu quỳ lạy để xin quyền chức…khiến tạo bất công, thối nát. Bất cứ đất nước nào, khi chính trị bị chi phối bởi các thầy tu sẽ nát như tương và vô phương hàn gắn.
Chính vì thế mà năm xưa, khi Đạo Phật huy hoàng nhất, Đức Phật du hóa khắp Ấn Độ. Nhưng Ngài không bao giờ bàn tới chính trị, gây ảnh hưởng chính trị hay gầy dựng một tổ chức chính trị. Cho nên Đức Phật được tất cả các vua chúa- dù thù nghịch nhau- ngưỡng mộ và vấn hỏi về mặt trị quốc, tâm linh, đạo đức. Nhân loại đã có quá nhiều học thuyết. Nhưng muốn trở nên một vĩ nhân được nhân loại tôn thờ, phải nói về Tình Thương, Cảm Thông, Đoàn Kết, không mưu cầu lợi lộc cho chính mình và phe nhóm của chính mình và lý thuyết ấy phải xây dựng trên nền tảng Trí Tuệ. Hiện nay, dù văn minh tuyệt đỉnh, con người đang sống bằng tham vọng, bằng cảm tính thương-ghét, chứ không phải bằng Trí Tuệ cho nên thế giới, khắp nơi ngày càng trở nên chia rẽ và vô cùng nguy hiểm.
-Newsweek ngày 7/6/2017: “Tổng Thống Putin bác bỏ ý tưởng của Hoa Kỳ nói rằng sẽ chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh nguyên tử, và chỉ ra rằng chẳng có ai sống sót trong một cuộc chiến như vậy. Nói chuyện với đạo diễn điện ảnh Oliver Stone trong chương trình Phỏng Vấn Putin bốn kỳ trên Showtime Ô. Putin đã có cái nhìn tiêu cực về hành động quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh NATO, rằng NATO chỉ là công cụ của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Đó không phải là đồng minh mà là chư hầu. Khi nước nào gia nhập NATO thì khó lòng cưỡng lại áp lực của Hoa Kỳ.” (Russian President Vladimir Putin has dismissed the idea that the U.S. would claim victory in a conflict with Russia, noting that “nobody would survive” such a clash. Speaking to U.S. movie director Oliver Stone for The Putin Interviews, a four-part series on Showtime, Putin shared a negative view of U.S. military action and its NATO alliance. “NATO is a mere instrument of U.S. foreign policy,” Putin says in a clip of the interview, aired by the Showtime channel. “It has no allies, it has only vassals. Once a country becomes a NATO member, it is hard to resist the pressures of the United States.)
-Newsweek ngày 7/6/2017: “Nga và Hoa Lục đang hoạch định những hoạt động quân sự phối hợp rất quan trọng và to lớn trong tương lai sau cuộc họp trong đó hai bên đã thỏa thuận một lộ trình quân sự cho tới năm 2020. Hai siêu cường đã hoàn tất một cuộc thao diễn hải quân khổng lồ trên Biển Đông là vùng biển tranh chấp vào Tháng 9, 2016. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu, sau khi gặp người đồng cấp Trung Quốc đã nói rằng Nga và Trung Quốc với nỗ lực hỗ tương, sẵn sàng bảo vệ thế giới và gia tăng an ninh quốc tế.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mỹ cứ tiếp tục cấm vận Nga, để sống còn, Nga sẽ liên minh quân sự với Hoa Lục để chống Mỹ. Không biết các chiến lược gia Hoa Kỳ nghĩ thế nào? Nếu một ngày nào đó, tàu chiến Nga và Trung Quốc cùng tuần tra chung ở Biển Đông thì tình hình sẽ trở nên vô cùng rắc rối. Hiện nay nỗ lực hòa dịu với Nga của Ô. Trump đang bị cản trở do quốc hội nghi ngờ Nga có thể can dự vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa “diều hâu” vào ngày 14/6/2017 đã liên minh với Đảng Dân Chủ, ban hành nghị quyết gia tăng cấm vận Nga khiến tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Không biết Ô. Trump có can đảm phủ quyết dự luật này hay không? Khi quốc hội và tổng thống chống đối nhau về sách lược ngoại giao, thì tổng thống gần như bị trói tay và sẽ “cuốn theo chiều gió” hoặc mặc cho số phận chứ không có một sách lược nào cho quốc gia. Quốc hội có quá nhiều quyền hạn để “kiểm soát và cân bằng” (check and balance) với hành pháp, nếu lạm dụng sẽ là thảm họa khi các dân biểu và thượng nghị sĩ trở nên hiếu chiến, mị dân hoặc thiển cận.
Tình hình Syria:
AFP ngày 3/6/2017: “Tổng Thống Assad của Syria nói rằng tình trạng bi thảm của sáu năm chiến tranh đã bỏ lại sau lưng sau một loạt những chiến thắng do sự hỗ trợ của Nga -đồng minh chủ chốt của Syria. Trong những tháng gần đây, quân chính phủ và đồng minh đã lấy lại nhiều khu vực trải rộng khắp đất nước, bao gồm cả việc tái chiếm Thành Phố Allepo vào Tháng 12 sau một năm giao tranh. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình WION có trụ sở tại Ấn Độ, Ô. Assad cho biết giờ đây mọi việc diễn tiến theo chiều hướng đúng, đó là chiều hướng tốt hơn bởi vì chúng tôi đã đánh bại quân khủng bố, trừ phi Tây Phương và những quốc gia khác cùng đồng minh thực ra là những tổ chức bù nhìn, hỗ trợ to lớn cho những kẻ cực đoan…tôi bảo đảm rằng tình trạng tệ hại sẽ qua.”
-AP ngày 15/6/2017: “Đại sứ Nga tại Geneve đã nói trước hội nghị rằng khoảng 25,000 dân Thiên Chúa Giáo đã trở lại Thành Phố Aleppo để cho thấy thành phố điêu tàn này lần hồi trở lại bình thường – sáu tháng sau khi phiến quân bị lực lượng chính phủ do Nga hỗ trợ đánh bật ra khỏi đây. Hội Hồng Thập Tự cũng ước lượng có khoảng 80,000 dân đã hồi cư.”
-Newsweek ngày 15/6/2017: “Các nhóm nhân quyền nói rằng việc liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo sử dụng đạn lân tinh (white phosphorus ) tại các thành phố Raqqa và Mosul để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo làm tổn thương tới thường dân bị kẹt trong các thành phố này.” Chất lân tinh này gây tác hại ghê gớm. Nó sẽ bốc cháy dữ dội khi bám vào người, quần áo, săng nhớt, đạn dược và những thứ khác. (burns fiercely and can ignite cloth, fuel, ammunition, and other combustibles.)
Tình hình Biển Đông:
-AP ngày 2/6/2017: “Thủ Tướng Hun Sen cảnh cáo phe đối lập không được thách thức (thưa kiện) kết quả cuộc bầu cử địa phương nếu không đảng của họ sẽ bị giải tán. Đây là lần xuất hiện rất hiếm hoi trước ngày bầu cử là để cổ vũ cho Đảng Nhân Dân Cambodia. Ông Hun Sen nhiều lần nhắc đi nhắc lại là đất nước Căm Bốt sẽ đi vào nội chiến nếu đảng của ông thất cử. Vào ngày 2/6/2017, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Căm Bốt của Ô. Kem Sokha đã tổ chức cuộc tập họp lớn tại Sokha Hotel trước khi tiến hành cuộc diễn hành trên đường phốNam Vang.”
Ô. Hunsen giống hệt như Thủ Tướng Prayut Chan-o-Cha của Thái Lan và Tổng Thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, cứ làm và không hề sợ ai. Nếu đảng đối lập Căm Bốt thắng cử chắc chắn Ô. Hunsen sẽ thiết quân luật, bắt hết phe đối lập, bỏ tù và rồi cuối cùng cũng êm ru như Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai sẽ can thiệp vào chuyện nội bộ của Căm Bốt đây? Hoa Kỳ chăng? Cấm vận, cô lập rồi lật đổ? Nhưng lúc đó Hoa Lục sẽ nhảy vào và mọi chuyện lại chìm xuồng vì dù muốn dù không Ô. Hun Sen cũng đem lại ổn định cho tình hình cho Căm Bốt, không khủng bố, không xung đột sắc tộc và bất ổn với các nước láng giềng. Còn Đảng Cứu Nguy Dân Tộc có khuynh hướng bài Việt. Nếu đảng này thắng cử chắc chắn xứ Chùa Tháp sẽ nát như tương. Do đó, Ô. Hun Sen sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi nào chán thì “nhường ngôi” cho con trai Hun Manet, tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point, tiến sỹ kinh tế tại Đại Học Bristol (Anh) hiện là trung tướng chỉ huy lực lượng chống khủng bố của Căm Bốt.
Tranh chấp quyền lực nơi nào, thời nào cũng khốc liệt. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc hơn nửa năm rồi mà không khí thù hận vẫn hừng hực. Hơn ba mươi năm ở Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy tình hình nước Mỹ hỗn loạn như vậy, kiện cáo, biểu tình đập phá liên miên, kể cả trong các trường đại học. Thậm chí nắm cái đầu giả rướm máu bị cắt cụt mang hình dạng của Tổng Thống Donald Trump lên đài CNN để làm trò giải trí, xách súng bắn cả những dân biểu có lập trường mà mình không ưa. Còn tại các quốc gia như Iraq, Syria, A Phú Hãn, Yemen, Lybia…các phe phái giết nhau khủng khiếp cũng là để tranh đoạt quyền lãnh đạo đất nước.
Trên trái đất này có ba thứ có thể hủy diệt con người mà chưa cần tới bom nguyên tử đó là: Tranh chấp quyền lực, tài nguyên thiên nhiên và “thánh chiến”. Cứ thử nhìn vào bầy sư tử đói giành nhau miếng ăn như thế nào thì sự tranh giành quyền lực, tài nguyên thiên nhiên và “thánh chiến” cũng khủng khiếp như thế.
-Reuters ngày 2/6/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte hứa sẽ mua thiết bị quân sự mới toanh chứ không còn mua đồ cũ đã qua tay sử dụng từ Hoa Kỳ nữa. Trong hai tuần qua, khoảng 3000 binh sĩ chính phủ đã chiến đấu chống lại khoảng 400 chiến binh có khuynh hướng theo Nhà Nước Hồi Giáo. Các binh sĩ này đã sử dụng máy bay cũ được tân trang của Hoa Kỳ, thiết vận xa và súng máy.”
Vũ khí cũ có hai loại: Loại cũ mèm sắp phế thải, thay vì vứt đi, bán cho “đồng minh” vừa có tí tiền còm, vừa rảnh nợ. Còn vũ khí mới sử dụng vài năm, còn rất tốt, nói là “cũ” để che mắt đối thủ (Trung Quốc) đem bán với giá rẻ như một hình thức viện trợ đồng minh thì nên mua. Ô. Duterte nhiều lần đòi lính Mỹ rút khỏi Phi Luật Tân thế nhưng tin tức ngày hôm qua cho biết biệt kích Mỹ đã phối hợp với quân đội Phi để trục xuất nhóm phiến quân Hồi Giáo có thiện cảm với Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi Marawi của Đảo Mindanao. 13 binh sĩ thủy quân lục chiến Phi đã chết trong cuộc đụng độ mới nhất. Máy bay trinh sát tối tân P3 Orion của Mỹ đã bao vùng để yểm trợ cho quân đội Phi.
-Reuters ngày 4/6/2017: “Trung Quốc bày tỏ thái độ rất bất mãn và gọi đó là nhận xét vô trách nhiệm về Biển Đông của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis khi ông này phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La tại Tân Gia Ba tuần rồi. Hoa Lục đã cáo buộc Ô. Mattis khinh thường quyền lợi của các quốc gia khác và bất kể luật pháp quốc tế. Ô. Mattis đã nói tại Đối Thoại Shangri-La rằng việc Hoa Lục xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông đã phá hoại sự ổn định trong vùng.”
Đây là lời tuyên bố rất hay của Ô. Mattis. Tại diễn đàn này mà Hoa Kỳ không nói mạnh thì coi như các quốc gia Đông Nam Á sẽ vô cùng thất vọng và địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ lung lay. Ô. Trump vì đã tiếp đãi quá ân cần Ô. Tập Cận Bình cho nên nếu nói ra thì rất kẹt. Kế sách hay nhất là im lặng và để các ông bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao nói. Trong Tam Quốc Chí, để đối phó với Giang Đông, Lưu Bị có khi chỉ ngồi yên để Khổng Minh nói. Đôi khi lãnh đạo phải “giả ngơ giả điếc” để bộ hạ nói và làm. Lãnh đạo mà cái gì cũng nói là “lãnh đạo mà không biết lãnh đạo”.
-ABC News ngày 6/6/2017: “Nhật Bản và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác về an ninh qua những dự án do Nhật tài trợ bao gồm việc việc gia tăng khả năng duyên phòng cho Việt Nam, chuyển giao thiết bị và kỹ thuật giữa những lo lắng về những hành động của Hoa Lục tại Biển Đông. Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Abe hội đàm tại Tokyo cùng chia xẻ những lo ngại sâu xa về sự phát triển phức tạp của Hoa Lục tại Biển Đông. Họ thúc giục, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nên tránh những hành động làm thay đổi nguyên trạng và leo thang căng thẳng trong khu vực.”
-Newsweek ngày 9/6/2017: “Cam kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, hôm nay Trung Quốc nói rằng họ đang theo dõi hoạt động của Hoa Kỳ tại vùng tranh chấp tại Biển Đông sau khi Reuters cho biết hai máy bay ném bom của Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc thực tập tại đây.”
Theo tôi, nếu Hoa Lục không triển khai thường trực các chiến hạm tại Biển Đông có khả năng phát hiện và bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược tàng hình như B-1 và B-52 thì các máy bay này có thể “trải thảm” bom và các đảo nhân tạo sẽ chìm xuống lòng biển. Tuy nhiên chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Tất cả chỉ là sự hù dọa để kiềm chế nhau mà thôi.
Nhận Định:
Vào ngày 1/6/2017, Tổng Thống Donald Trump loan báo quyết định rút lui khỏi thỏa hiệp biến đổi khí hậu do 195 quốc gia thương thảo và ký kết tại Paris ngày 22/4/2016 khiến gây phản ứng ồn ào ở các nước Âu Châu và hệ thống truyền thông “chống Trump”. Một số nhà bình luận còn cho rằng hành động này nhằm đưa Trung Quốc lên vai trò lãnh đạo thế giới và đất nước Hoa Kỳ sẽ sống trong hoang dã! Riêng Tổng Thống Putin lại không chỉ trích và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hợp tác với ông Trump về vấn đề này.
Theo tôi, Ô. Trump có thể liều lĩnh nhưng các chính trị gia đều rất “thực tế”. Họ hành động khác với người thường. Họ nhìn thấy cơm ăn áo mặc, việc làm của người dân trong nước là tối thượng. Ô. Trump phải giữ lời hứa với cử tri đã giúp ông đắc cử là cho tái khai thác các mỏ than hiện phải đóng cửa và công nhân hiện đang thất nghiệp. Thứ nữa, một tổng thống Hoa Kỳ dù có thành công lẫy lừng trên các lãnh vực ngoại giao, bảo tồn khí hậu, bảo vệ nhân quyền cho thế giới – mà trong nước kinh tế trì trệ, lạm phát gia tăng, công nhân thất nghiệp thì cũng vứt đi. Có ai thành tích lẫy lừng bằng Ô. Bush Cha? Sau khi tiến quân vào Kuwait, bẻ gẫy bộ máy quân sự khổng lồ của Saddam Hussein và truy kích gần tới Thủ Đô Bagdad. Uy tín của ông trong các cuộc thăm dò lên tới 85%. Các chính trị gia Dân Chủ sợ quá không một ai dám ra ứng cử bèn đẩy Bill Clinton – một tay non choẹt và là thống đốc Tiểu Bang Arkansas nhỏ xíu ra như một “vật thí”. Có ngờ đâu, sau đó kinh tế suy xụp rồi phải tăng thuế khiến dân chán ngán và quên mất thành tích lẫy lừng của ông và muốn thay đổi cho nên đã bầu cho Ô. Bill Clinton. Yếu tố kinh tế tức cơm ăn áo mặc của người dân đã là thảm họa cho Ô. Bush Cha.
Giả sử Ô. Trumg tuân thủ thỏa hiệp biến đổi khí hậu Paris, nghĩa là các mỏ than vẫn đóng cửa, công nhân vẫn thất nghiệp, chắc chắn họ sẽ oán hận ông và cuộc bầu cử tới sẽ cho ông về vườn. Trong lúc vận động tranh cử, Bà Clinton chủ trương đóng cửa các mỏ than ở West Virginia để bảo vệ môi trường. Các công nhân mỏ than đang thất nghiệp đã hỏi bà có kế hoạch gì tạo công ăn việc làm cho người dân Hoa Kỳ không? Bà không trả lời được và đã thua ở tiểu bang này. Trong cuộc bầu cử tổng thống, Hội Ân Xá Quốc Tế, các tổ chức nhân quyền hay mấy chục quốc gia Âu Châu, chẳng có lá phiếu nào để giúp Ô. Trump. Cho nên các chính trị đều rất thực tế. Bản thân tôi cũng rất trân quý thỏa hiệp Paris. Nhưng tôi chỉ là người dân thường. Nếu tôi là Ô. Trumg, có lẽ tôi cũng hành động như ông. Tôi phải lo nồi cơm hũ gạo cho dân Mỹ trước, phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, chứ không phải là các thứ “phù phiếm” xa lắc, xa lơ, ở tận đâu đâu, nếu tôi muốn người dân thương và bỏ phiếu cho tôi. Đứng về mặt bảo vệ môi trường chúng ta có thể phê phán Ô. Trump nhưng đứng về mặt thực tế chính trị, Ô. Trump là người khôn ngoan.
Chúng ta nên nhớ, giới bình dân muôn đời vẫn khác với các nhà nghiên cứu, nhà bình luận hoặc các khoa học gia, trí thức…thường nghĩ ngợi xa xôi. Người dân bình thường chỉ cần công ăn việc làm, đời sống ổn định, vui vẻ với vợ con, coi Super Bowl, Baseball, nghe nhạc, có tiền du lịch, săn bắn, câu cá…là họ vui rồi. Nhiều khi họ cũng chẳng thèm theo dõi các vụ cãi cọ nhau ở Quốc Hội. Hai vấn đề lớn của nước Mỹ bây giờ là job (công ăn việc làm) và chống khủng bố (ISIS). Nếu Ô. Trump làm được hai chuyện này sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nếu thất bại thì chắc chắn về vườn nghỉ cho khỏe. Còn những vấn đề khác như nhân quyền, khí hậu, NATO…chỉ là những vấn đề “hoa lá cành”, có cũng được, không cũng được. Nhưng nói như thế không có nghĩa Hoa Kỳ “tàn phá môi trường”, nhưng sẽ bảo vệ ở mức độ nào đó mà vẫn phát triển kinh tế. Hiện nay Trung Quốc là nước đang tàn phá môi trường từ trên không, dưới biển tới sông ngòi, nhất là dòng sông Mekong. Thành Phố Bắc Kinh sẽ không bao giờ còn “trời xanh, mây trắng” nữa. Trên thế giới này, ngoại trừ tham nhũng, hầu hết các chính quyền xụp đổ vì vấn đề kinh tế. Kinh tế trì trệ, dân chúng thất nghiệp thì nói gì cũng chẳng ai nghe. Lúc đó khoe thành tích bảo vệ nhân quyền, bảo vệ khí hậu, bảo vệ người đồng tính luyến ái, hợp tác chặt chẽ với NATO… lại càng vô duyên và sẽ thất cử trong đau khổ như Bà Clinton bây giờ. Đời là thế. Muốn lãnh đạo phải đáp ứng đúng khát vọng của dân. Đừng nói chuyện trên trời dưới biển. Cơm áo và an ninh cho người dân là quan trọng nhất.
Trong cuộc tiếp đón Ô. Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc ngày 31/5/2017, Ô. Trump đã nói với phóng viên báo chí, “Họ (Việt Nam và General Motor) vừa ký thỏa thuận mua bán trị giá nhiều tỉ đô-la (5 tỉ 8), điều đó có nghĩa là công ăn việc làm cho Hoa Kỳ và thiết bị lớn cho Việt Nam. Tôi rất trân trọng thỏa thuận này.” (They just made a very large order in the United States – and we appreciate that – for many billions of dollars, which means jobs for the United States and great, great equipment for Vietnam,” Trump told reporters at the White House.)… và không hề đề cập gì tới vấn đề nhân quyền.
Không phải Ô. Trump không biết gì về Việt Nam. Ngoài báo cáo của tòa đại sứ , CIA theo dõi từng ngày và trước đây còn mướn cả tòa đại sứ Tân Tây Lan- một quốc gia bề ngoài trông rất hiền lành- theo dõi Việt Nam. Nhưng vấn đề công ăn việc làm và an ninh tại Biển Đông đang là ưu tiên hàng đầu…cho nên Ô. Trump mới “welcome” Ô. Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả những lãnh tụ như chủ tịch Trung Quốc, thủ tướng Nhật Bản, thủ tướng Anh, thủ tướng Đức, thủ tướng Gia Nã Đại, tổng thống Ai Cập, thủ tướng Do Thái…tới thăm Ô. Trump nhưng không ông bà nào bỏ ra một đồng xu để mua hàng của Mỹ cả. Vậy làm sao có thể gây thiện cảm với các đại công ty và dân chúng Mỹ chứ? Khi các đại công ty Mỹ “gật đầu” thì ông tổng thống nào cũng phải chiều theo mà thôi, bởi vì “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật…” Các ông tổng thống Hoa Kỳ rất khôn ngoan. Vào cuối nhiệm kỳ, trước khi về hưu thường ký những sắc lệnh về nhân quyền, bảo vệ môi trường v.v.. để lấy điểm và lưu lại với đời, sau đó phủi tay, đùn trách nhiệm cho vị kế nhiệm mà lại được tiếng thơm.
Vậy đừng tưởng Hoa Kỳ ngu dại. Hoa Kỳ ngu sao đánh bật tất cả các đế quốc hùng mạnh Âu Châu ra khỏi các thuộc địa Phi Luật Tân và toàn bộ Nam Mỹ để rồi bá chủ thế giới ít ra từ 1945 tới nay? Hoa Kỳ không bao giờ ngu dại, nhưng chính sách của Hoa Kỳ thay đổi theo từng vị tổng thống. Chính sách đó có thể đúng, có thể sai, nhưng Hoa Kỳ không bao giờ làm chuyện gì không có lợi cho Hoa Kỳ đúng như câu nói của Ô. Trump, “America First”, “Cơm áo của người dân Hoa Kỳ là trên hết”.
(California ngày 15/6/2017)
Chánh trị Pháp: Một thời đại mới – Từ Thức
Những phòng phiếu ở Pháp vừa đóng cửa. Đã đến lúc đặt câu hỏi tại sao có hiện tượng Macron, tại sao những đảng phái một sớm một chiều bị quét sạch, có gì bất ổn, nếu không nói khủng hoảng, trong hệ thống đảng phái hay trong những chế độ dân chủ. Một thời đại cũ đã hạ màn, nhưng kỷ nguyên mới sẽ dẫn nước Pháp, Âu Châu đi về đâu ?Kết quả bầu cử vòng hai đã cho Macron quá số dân biểu cần thiết để có đa số tuyệt đối, mặc dù làn sóng dân biểu LREM ( La République En Marche ) ít vũ bão hơn dự đoán : 350 đắc cử ( kể cả 42 ghế của đảng đồng minh Modem ) thay vì 400 hay 450, trên tổng số 577, theo các cơ quan thăm dò. Cử tri Pháp, giữa hai vòng đầu phiếu, đã nghe lời kêu gọi của các nhóm đối lập, không muốn cho Macron một số dân biểu quá đông, đã muốn những khuynh hướng khác có tiếng nói trong quốc hội.
Phá sản
Đảng Cộng hòa, LR, hữu phái, không thua quá nặng như dự đoán, nhưng với 113 ghế, đã mất một nửa dân biểu. Chưa bao giờ một chính đảng hữu phái chiếm ít ghế như vậy. Nhất là nhóm LR sẽ chia ra ít làm hai : một bên là những người chống Macron, một bên là những người – gọi là ‘’les constructifs ‘’ (những người có thiện chí xây dựng) sẵn sàng ủng hộ Macron, hay tham chánh, nếu có cơ hội. Đồng sàng, dị mộng. Cuộc tranh chấp nội bộ sẽ nẩy lửa để nắm cái xác LR.
Đảng Xã Hội, với 30 ghế, so với 290 trong quốc hội cũ, đã phá sản, theo nghĩa chính trị cũng như tài chánh. Trên phương diện chính trị, với 30 dân biểu ngơ ngác, chia rẽ, đảng tả phái ôn hòa ngày nay không biết mình là ai, ở đâu. Tổng thư ký Đảng Cambadélis, bị loại ngay từ vòng đầu ( với 8% phiếu bầu ) đã tuyên bố từ chức. Mất gần 90 % số dân biểu và phiếu tín nhiệm, đảng Xã hội mất…90 triệu euros tiền trợ cấp trong 5 năm, sẽ phải bán trụ sở khang trang đường Solférino, Paris (ước tính 50 triệu euros) và sa thải hầu hết nhân viên làm việc đảng.
Khi nhìn Cambadélis đứng trên một bục gỗ giữa đường, cầm phóng thanh hô hào bỏ phiếu cho phe xã hội, nhưng không có ai tò mò dừng chân, người ta khó tưởng tượng chỉ cách đây năm năm, khi Hollande lên ngồi ghế tổng thống, đảng Xã hội còn đa số ở thượng viện, hạ viện, nắm trong tay hầu hết các chính quyền địa phương, từ cấp vùng tới cấp tỉnh.
Hai đảng cực đoan mang được người vào quốc hội, nhưng không đông đảo như họ mong đợi. Đảng cực hữu FN ( Front National ), chỉ có 8 ghế, không đủ 15 ghế để lập một nhóm, để có tiếng nói trong quốc hội.
Đảng cực tả LFI ( La France Insoumise ) với 17 ghế có thể coi là thành công, vì lần đầu đặt chân vào Hạ viện, nhưng cũng có mùi vị thất bại, vì thủ lãnh Mélenchon vẫn hy vọng đóng vai trò đối lập số một, làm mưa làm gió ở quốc hội.
Nhiều người nghĩ rằng số dân biểu ít hơn dự trù là một điều hay cho Macron. Thứ nhất, vì rất khó kiểm soát một đội quân ô hợp trên 400 dân biểu chưa bao giờ làm việc với nhau, người tới từ bên hữu, người tới từ bên tả, chưa bao giờ làm việc với nhau. Thứ hai, với Mélenchon phe cực tả, Le Pen cực hữu, những tay mồm loa mép giải ( grandes gueules ), phe đối lập sẽ có tiếng nói, trong khi Macron vẫn ngủ ngon, vì ngoài đa số tuyệt đối, đảng cầm quyền có bốn lực lượng đối lập, chống đối nhau mạnh hơn là chống chính phủ.
57% vắng mặt
Nếu Macron đưa tới một làn gió mới, người ta chưa biết làn gió đó sẽ thổi về phương nào, vì ít người biết rõ chính sách của ông ta về những vấn đề quan trọng, thí dụ vấn đề khủng bố, di dân, hồi giáo, tại một quốc gia có trên 6 triệu người Hồi giáo và hàng ngàn thanh niên, mặc dù sinh ra, lớn lên ở Pháp nhưng đã và đang tham gia thánh chiến ở Trung Đông.
Người ta biết rõ hơn quan điểm của Macron về kinh tế ( tự do kinh doanh ), về nạn thất nghiệp ( cởi trói các xí nghiệp để khuyến khích tuyển mộ ), về Âu Châu ( nước Pháp không thể đứng ngoài Âu Châu, Âu châu không thể tồn tại nếu không có nước Pháp ), thế giới hóa ( phải đương đầu, hơn là đóng cửa quay về với quá khứ ), nhưng cũng phải chờ xem ông ta giải quyết, xoay xở ra sao để thực hiện những cải cách trong một quốc gia chia rẽ và một dân tộc vẫn còn thờ ơ : 57% cử tri không đi bầu, con số kỷ lục trong đệ ngũ Cộng hòa. ( từ 1958 )
Cử tri Pháp, không ai bảo ai, cùng một lúc, khắp nơi, theo chủ nghĩa ‘’ dégagisme ‘’, loại trừ không thương tiếc cả một hệ thống chính trị lỗi thời, cho về vườn một loạt chính khách, hôm qua còn là những khuôn mặt chính trị tưởng là không ai thay thế nổi. Đúng như câu ngạn ngữ ‘’ nghĩa địa đầy những người không ai thay thế nổi ‘’.
Nhiều người chưa hề đọc một chữ trong 12 trang chương trình hành động của Macron, bỏ phiếu chỉ để gởi những dinausores – những con vật thời tiền sử- về vườn. Nhưng số người tham dự bầu cử quá yếu, một nửa nước Pháp vẫn còn hoài nghi, nhất là những người có cảm tưởng mình bị gạt ra bên lề đường : cử tri bầu cho Macron đa số là những người thuộc thành phần ưu tú, có bằng cấp, thích ứng với thế giới hiện đại.
Mặc dầu có đa số tuyệt đối, Macron sẽ phải mềm dẻo hơn, khôn khéo hơn, không thể nói đa số dân Pháp đã ủng hộ chính sách của mình để thi hành những biện pháp mạnh. Mỗi dân biểu được đắc cử với không quá 25% tổng số cử tri ghi danh. Đó là cái gai đầu tiên của ông Tổng thống trẻ.
Các đảng đối lập nói Macron không đại diện cho dân Pháp, bởi vì không tới một nửa cử tri đi bầu. Quên rằng chính họ cũng không vận động nổi cử tri của họ và còn được ít phiếu bầu hơn Macron.
Kiến thức chánh trị
Có nhiều lý do con số tham dự qúa yếu : thứ nhất là thời tiết. Trời tốt, thiên hạ đi chơi hơn đi bầu. Trời xấu, ngồi nhà hơn đi bầu. Có người không đi bầu vì coi TV, nghe thăm dò, thấy đằng nào Macron cũng thắng, có bầu cũng không thay đổi gì. Đáng lo ngại hơn là những người không đi bầu vì hết tin tưởng. Hay, như trường hợp đa số những người trẻ, không hiểu vai trò của một dân biểu trong một chế độ dân chủ. Đó là một đe dọa thực sự cho dân chủ, nhất là tệ trạng đó càng ngày càng trầm trọng : con số vắng mặt trong những cuộc bầu cử lập pháp, từ 15% năm 1978, đã không ngớt leo thang, tới kỷ lục 43% cách đây năm năm, và 57% kỳ này.
Tệ trạng thiếu kiến thức chính trị nhiều khi đưa tới tai họa. Sau khi dân Anh bỏ phiếu Brexit, trong vài giờ, hàng triệu người trẻ lên Internet tìm hiểu về hậu quả của việc ra khỏi liên hiệp Âu Châu, và ký kiến nghị đòi…làm lại cuộc trưng cầu dân ý. Nếu họ chịu khó tìm hiểu trước, kết quả trưng cầu dân ý đã khác hẳn
Alternance paresseuse
Macon có thể cải cách nước Pháp trong bối cảnh đó ? Đó là một dấu hỏi phải chờ thực tế trả lời.
Tới giờ này, Macron mới chỉ qua giai đoạn đầu, nhưng cũng đã là một cuộc cách mạng, giai đoạn xoá bỏ một truyền thống kỳ cựu, có người gọi là ‘’ alternance paresseuse ‘’ ( luân phiên lười biếng ). Hai chính đảng tả, hữu thay nhau nắm quyền, chán phe này, người ta bỏ phiếu cho phe kia, mặc dù không tin tưởng gì. Cử tri lười biếng đẻ ra những chính quyền lười biếng. Hay ngược lại. Phong tục đó đã chấm dứt.
Cũng như đã chấm dứt hiện tượng các chính tri gia nhà nghề. Đa số những người lãnh đạo ở Pháp mới chập chững ra khỏi những trường lớn như Sciences Po, ENA, đã nắm ngay những chức vụ hành chánh hay chính tri quan trọng, trở thành dân biểu, từ trần với chức bộ trưởng, nghị sĩ, chưa hề làm việc trong một xí nghiệp, chưa hề đụng chạm với đời sống thực. Các chính trị gia thao thao bất tuyệt về mọi vấn đề lý thuyết lớn lao, nhưng ú ớ khi được hỏi giá một ổ bánh mì, một vé xe bus..
Phá hủy sáng tạo
Macron mới thực hiện được chuyện mà một chuyên gia chính trị gọi một cách văn hoa là ‘’ destruction créative ‘’, phá hủy sáng tạo. Phá bỏ một hệ thống chính trị đã lỗi thời, đã quá mệt mỏi, để tạo một phương pháp làm việc khác, thực tiễn hơn, coi việc hiệu quả quan trọng hơn ý thức hệ.
Macron đưa vào quốc hội những người đa số đến từ xã hội dân sự, đã hành nghề, chưa hề làm chính trị, trẻ hơn và một nửa là phụ nữ. Trong đó có một phụ nữ gốc Việt, Stéphanie Đỗ, 37 tuổi. Không phải chỉ có đảng LREM của Macron, những đảng khác, từ cực tả tới cực hữu, kể cả đảng bảo thủ LR, lần này cũng đưa vào quốc hội những bộ mặt mới. Ba phần tư dân biểu đặt chân vào quốc hội lần đầu, trung bình 48 tuổi ( 54 tuổi năm 2012 ), 40% là phụ nữ, so với 25% trong quốc hội cũ và …1,4% thời De Gaulle, 1958. Người ta không biết đội quân mới đó sẽ sinh hoạt ra sao, nhất là dân biểu LREM, tới từ bốn phương, chưa quen kỷ luật của một chính đảng. LREM sẽ tổ chức một khóa hội thảo để các dân biểu mới học nghề. LREM cho hay có đủ chính trị gia có kinh nghiệm để hướng dẫn, và quốc hội có một đội ngũ chuyên viên đông đảo, có khả năng, để trợ giúp những người một sớm một chiều trở thành dân biểu.
Tả, hữu
Nhiều người đặt hai câu hỏi. Thứ nhất : chuyện tả hữu có còn ý nghĩa gì không, và thứ hai, những đảng chính trị có cần thiết nữa không trong một chế độ dân chủ ?
Câu trả lời là chuyện tả, hữu vẫn sẽ tồn tại, vì trong một chế độ dân chủ, không có gì tệ hại hơn là mọi người nghĩ như nhau. Nhưng thêm vào đó, sẽ có những yếu tố khác : hướng về tương lai hay quay về quá khứ, chống hay chấp nhận thế giới hóa …Và không thể có sinh hoạt dân chủ nếu không có các chính đảng đứng đắn.
Vấn đề của các chính đảng ở Pháp là họ không chịu, không có khả năng thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.
Phe hữu chẳng hạn, đặt trọng tâm vào kinh tế thị trường, sáng kiến cá nhân, trên định luật căn bản là sự cạnh tranh sẽ đưa tới tiến bộ, sẽ khiến giá cả hạ thấp, người tiêu thụ được hưởng, thị trường sẽ tự điều hòa, tự lành mạnh hóa và xã hội sẽ phát triển.
Những cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây cho thấy định luật ấy không đứng vững nữa. Các tổ hợp công ty càng ngày càng lớn, càng ngày càng tập trung, càng ngày càng cấu kết với nhau để thao túng thị trường. Hậu qủa là hàng triệu người mất nhà mất việc, nằm đường. Hậu quả là sự bất công trở thành khủng khiếp.
Thế giới hóa, nếu đã nâng cao đời sống của hàng trăm triệu người, cũng đã gây điêu đứng, làm tan nát hệ thống kỹ nghệ ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia Tây phương. Hậu quả là nạn thất nghiệp và niềm tin vào tương lai lung lay, nhuệ ký bại hoại.
Phe tả tin vào sự can thiệp của nhà nước sẽ đưa tới công bằng xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng trong thế kỷ trước. Sau đệ nhị thế chiến, ‘’ l’état providence ‘’, nhà nước mầu nhiệm, là một mô hình xã hội của Pháp được cả thế giới mơ ước. Tất cả những tiến bộ xã hội đều do phe tả tranh đấu và đạt được : hạn chế giờ làm việc, cấm lao động thiếu nhi, nghỉ hè ăn lương, an sinh xã hội vv. Đó là những tiến bộ làm thay đổi hoàn toàn đời sóng của người dân, nhất là giai cấp thợ thuyền. Chữ Xã hội Chủ nghĩa không có nghĩa xấu như người Việt nghĩ vì bị ám ảnh với kinh nghiệm Xếp Hàng Cả Ngày.
Nhưng khi các hãng xưởng thi nhau đóng cửa vì bị các nước đang phát triển cạnh tranh, nhà nước trở thành bất lực. Cựu thủ tướng Xã Hội Lionel Jospin nói như thú tội: nhà nước không thể giải quyết mọi chuyện ( L’état ne peut pas tout ).
Các chính phủ tả phái không biết làm gì hơn là sáng chế ra đủ mọi hình thức trợ cấp, để băng bó những vết thương. Nhưng khi những vết thương quá nhiều, ngân sách trống rỗng, ngay cả chuyện hàn gắn vá víu đó cũng trở thành khó khăn, gây bất mãn.
Sự bất mãn càng tăng trong một xã hội có trên 10% dân số là di dân Ả Rạp. Những trợ cấp đặt trên nguyên tắc rất chính đáng là ưu tiên cho người nghèo. Trên thực tế, những người di dân bao giờ cũng có lợi tức thấp, đông con, được hưởng nhiều trợ cấp. Ngưòi dân bản xứ bất mãn, kết án các đảng tả phái chỉ bênh vực di dân, người đen, người Ả Rập.
Tình trạng càng rắc rối hơn khi có những phong trào Hồi giáo quá khích, lộng hành tại những khu bình dân. Phe tả, theo truyền thống vẫn chống chế độ thuộc địa, có mặc cảm da trắng, nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện lộng hành đó, khiến càng ngày càng bị coi là đảng của người di dân, thay vì đảng của thợ thuyền
Dần dần, giới thợ thuyền bỏ các đảng tả phái, đi theo những nhóm cực hữu, lấy chủ nghĩa dân tộc làm chiêu bài hành động. Chữ ‘’ ouvriers‘’ ( thợ thuyền ) ngày nay biến mất trên những chương trình hành động của đảng Xã hội, và muốn thắng cử, tại nhiều địa phương, phe tả bắt buộc phải trông đợi vào lá phiếu của di dân.
Các chính khách, bất lực không nhất thiết vì vô trách nhiệm, nhưng vì thực tế phức tạp vượt khỏi khả năng của họ. Dân chúng có cảm tưởng bầu bán cũng vô ích, vì sẽ không thay đổi gì
Lấy một thí dụ : tổng thống Xã hội Hollande khi tranh cử hứa sẽ đánh thuế 75 % những lợi tức trên 1 triệu euros. Biện pháp được ủng hộ vì … ít người kiếm được 1 triệu mỗi năm. Lên cầm quyền, chuyện đó không bao giờ được thi hành, vì một lẽ đơn giản : chỉ cần ký giấy thi hành, hôm sau đa số những người có lợi tức cao sẽ… di tản chiến thuật qua Belgique, Thụy Sĩ, chỉ cách Paris một, hai giờ xe lửa.
Những ông cực tả như Mélenchon, LFI, đưa giải pháp mị dân, hứa lấy tiền của người giầu chia cho người nghèo. Quên rằng hầu hết những người có gia sản lớn đều sống ở những nước láng giềng, ít thuế hơn. Một anh chơi tennis, chỉ thắng vài trận đã tính chuyện mua nhà ở Bruxelles hay Lausanne. Ở Pháp, những người có lợi tức rất lớn chạy lánh nạn, trên 55 % dân có lợi tức thấp được miễn thuế. Hậu quả là gánh nặng thuế má đều đổ lên đầu giới trung lưu. Lại thêm một tầng lớp đông đảo bất mãn.
Đó chỉ là một vài thí dụ, trong hàng trăm, hàng ngàn thí dụ khiến các chính đảng càng ngày càng xa cử tri. Họ sống trong một thế giới khác. Những người làm chính trị đôi khi mù quáng đến độ không biết đất đang lở dưới chân. Trước ngày tranh cử quốc hội vòng đầu, từ LR, FN, tới LFI, đảng nào cũng vẫn còn hy vọng chiếm đa số trong quốc hội, để bổ nhiệm thủ tướng và thi hành chính sách của mình. Những chuyên gia về chính trị cũng không có ai tiên đoán hiện tượng Macron. Rút kinh nghiệm Trump và Brexit, người ta nghĩ đến phong trào cực hữu FN hơn là LREM.
Sự lo lắng mơ hồ
Lý tưởng tả hay hữu, các đảng chính trị chưa hoàn toàn biến mất như nguời ta nghĩ, nhưng chắc chắn phải thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Macron thể hiện cái nhu cầu thích ứng, đổi mới đó.
Với đa số tuyệt đối ở quốc hội, Macron bắt buộc phải thành công, nếu không, khó tưởng tượng phản ứng của một dân Pháp trong những năm tới.
Trước khi thực hiện những thay đổi cụ thể, việc đầu tiên là phải tạo một niềm tin cho một dân tộc đầy những hoài nghi. Trong chính trị cũng như trong kinh tế, lòng tin là yếu tố quyết định. Triết gia Ivan Krastev nói những khó khăn của nước Pháp có thực, nhưng dù sao, nước Pháp vẫn là một nước giầu, sản lượng quốc gia không ngừng tăng từ nhiều thập niên. Cái phải thay đổi trước hết là tinh thần bi quan. Cái lo lắng mơ hồ của một dân tộc, Krastev gọi là ‘’ anxiété culturelle ‘’, nhiều khi nó sâu xa và tai hại hơn là những khó khăn cụ thể thưòng nhật.
( Paris, 06/2017 )
Nhìn về Việt Nam
Tôi nhớ suốt đời một buổi ngồi coi TV với một gia đình người Pháp. Một phóng sự về ẩm thực VN. Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn quại, lấy máu, uống và mời khách.
Ông ta cười cợt, hãnh diện như vừa thực hiện một kỳ công, trước con mắt hãi hùng của người làm phóng sự. Ông chủ nhà người Pháp nhăn mặt, bà chủ nhà che mắt không dám nhìn. Nếu nền nhà không bằng xi măng, tôi đã đào một cái hố chui xuống cho đỡ xấu hổ. Lại thêm một cơ hội muốn chối không phải là người Việt.
Những cảnh bạo lực trong xã hội VN càng ngày càng nhiều trên Internet, trên Facebook. Những cảnh ẩu đả tàn nhẫn, trẻ em bị đối xử dã man, bị bắt nhịn ăn, phơi nắng, học sinh kéo bầy đánh đập một cách hung bạo một em nhỏ yếu ớt hơn, công an tàn nhẫn với dân thấp cổ bé miệng, người ta chửi nhau thậm tệ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, sau một tai nạn lưu thông hay một chuyện bất đồng.
Ở các nước Tây phương, thỉnh thoảng người ta đưa những vidéo về cảnh súc vật bị đối xử dã man trong các nhà hoả lò. Những vidéo này chiếu trên TV, gây phẫn nộ, hoả lò bị đóng cửa, ban giám đốc bị cách chức. Ở VN, người ta đưa những hình ảnh tàn bạo, dã man, không phải chỉ giữa người với vật, mà giữa người với người. Và đưa lên Internet, ít khi để tố cáo, nhiều khi để khoe khoang một hành động vẻ vang, anh dũng. Cảnh một tên lỗ mãng, cầm gậy đập đầu con chó dẫy đành đạch, cắt tiết, uống máu trước máy quay phim. Cảnh một đàn xúm lại đạp vào đầu, vào mặt một cô bé, một chú bé gầy yếu. Cảnh ông chủ nắm tay đấm mặt một cô bé sưng vù, trước sự hỗ trợ, tán thưởng của gia đình, vì cô bé ăn trộm tiền, đưa lên facebook, với dòng chữ: “hãy nhớ mặt con chó này”. Và thiên hạ chuyển đi, thú vị như chuyển một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật.
Ở những xứ có văn hóa, luật pháp cấm đưa hình, đưa tên những vị thành niên trên báo, dù tội nặng tới đâu. Để đương sự có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở VN, người ta đưa hình những cô gái, nhiều khi vị thành niên, bị bắt về tội mại dâm lên báo, lên mạng, với những lời bình phẩm độc ác, thô bỉ, khiến gia đình nhục nhã và nạn nhân phải tự vẫn. Những cô gái bán mình để nuôi thân, nuôi gia đình ở cái tuổi, tại một xứ khác, chắc chắn còn cắp sách đi học, đi coi hát, đi du lịch, chạy nhẩy, cười đùa với bạn bè.
Những người đã rời quê hương từ nhiều năm không tưởng tượng đất nước mình sa đọa đến như vậy. Người Việt có nhiều khuyết điểm, nhưng người ta vẫn nghĩ người Việt bản chất hiền lành, từ tâm, chất phác. Ngay cả cái tính tốt cuối cùng ấy cũng đã mất? Người ta nói đến một xã hội vô cảm. Ghê rợn hơn cả một xã hội vô cảm, đó là một xã hội bất nhân.
Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào, cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, facebooks VN, nhưng người Việt ta coi, dửng dưng, thích thú, đồng lõa. Đối xử với nhau như vậy, trách gì người Tầu đối xử tàn bạo với anh em mình?
Lần đầu tôi có cái cảm tưởng ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một nhóm học sinh du học. Một nhóm nữ sinh viên khả ái, thông minh, có kiến thức, có kiến thức hơn là tôi nghĩ, với cái thành kiến của những người đứng từ xa nhìn về. Tôi hỏi: các cô nghĩ VN sẽ có thay đổi gì không.
Một cô bé, rất dễ thương, rất lễ độ, trả lời:
“Thưa chú, cháu nghĩ đéo có gì thay đổi. Đâu lại vào đó”.
Hai người sững sờ là tôi và một ông bạn đã xa nhà từ lâu. Những cô bạn của người phát biểu không bày tỏ một chút khó chịu. Đó là chuyện tự nhiên. Chữ “đéo” trở thành một chữ hàng ngày, rất bình thường, như chào ông, chào bà..
Sự bạo hành bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tôi không chê trách cô bé. Tôi rùng mình. Nếu sống trong xã hội đó, giờ này tôi cũng ăn nói như vậy. Cũng nói với khách:
“Dạ, cám ơn, đéo muốn ăn cơm, còn no bụng quá”
Tôi nhìn cô bé, rất dễ thương, ái ngại. Chúng ta chỉ là sản phẩm của xã hội Cộng sản, của môi trường sống.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, so với cái văn hoá man rợ của Cộng sản VN, người này trèo lên cổ người khác để sống. Hay chỉ để chứng minh mình hiện diện. Đạp mặt người khác chứng tỏ tôi hiện diện. Je cogne donc je suis (1). Tại sao có thể mất nhân tính đến như vậy.? Bởi vì sống trong một xã hội độc tài, suốt đời bị chèn ép, bị áp bức, bị đối xử như con vật, người ta không có cách gì giải tỏa hơn là quay lại hành hạ những người yếu hơn mình. Lại càng kính nể hơn nữa những người sống trong xã hội chụp giựt đó nhưng vẫn giữ cái thiện, giữ lòng nhân ái.
Tất cả những nghiên cứu xã hội đứng đắn đều đi tới kết luận: những người có hành vi bạo hành thường thường đã là nạn nhân của bạo hành. Là nạn nhân, người ta có một trong hai thái độ. Hoặc đứng về phe kẻ yếu, tranh đấu chống bất công, nhưng rất hiếm. Hiếm, bởi vì phải có nghị lực và lòng bao dung phi thường. Hoặc để trả thù đời, trút lên đầu những người yếu hơn mình những cái mình đã phải chịu đựng.
Đó là cái vòng di truyền luẩn quẩn, bệnh hoạn (cercle vicieux) trong một gia đình. Trên tầm vóc quốc gia, một đại họa. Mỗi người theo hay chống chủ nghĩa Cộng sản vì những lý do khác nhau. Tôi từ chối chủ nghĩa Cộng sản, trước hết vì lý do đó: nó làm tiêu tan cái đẹp của một xã hội tử tế. Nó đưa chúng ta lại gần với thú vật. Ở một xã hội văn minh, người ta kính trọng, lễ độ với mọi người, kể cả, nhất là, những người yếu hơn mình.
Trên Internet, người ta dạy cách trừ chuột hữu hiệu nhất, không cần thuốc độc, không cần bẫy. Mổ đít con chuột, cắt tinh hoàn của con vật, thay vào đó hai hạt đỗ tương, rồi khâu lại. Dần dần hạt đậu chương lên, con chuột đau quá, phát khùng, cắn đồng loại như điên dại. Đám chuột sợ quá, bỏ chạy, nhà hết chuột. Trước đây có một truyện ngắn, rất hay, tựa là ” Khâu đít chuột “, quên tên tác giả, nói bóng nói gió về một xã hội như vậy.
Người Việt ta là những con chuột bị thiến, bị khâu, nổi khùng, cắn nhau chí choé. Viết mấy giòng này, tôi nghĩ cả tới những người quá khích, chống bạo lực thì ít, chống nhau, hại nhau, chụp mũ nhau thì nhiều.
Chúng ta đều là những con chuột điên cuồng. Bao giờ mới ý thức được mình bị khâu, những người chung quanh cũng chỉ là nạn nhân bị khâu như mình. Và nhận diện những người khâu đít chuột, thực sự là những kẻ làm khổ mình, biến đời mình, đất nước mình thành địa ngục?
Paris, 05/06/2017
(1) Je cogne donc je suis. Tôi đánh đập vậy tôi hiện hữu. Nhại câu nổi tiếng của Descartes, “Je pense donc je suis “, tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.
Chừng Nào Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa Tiêu Vong? – Nguyễn Thị Cỏ May
Ai cũng biết cộng sản Quốc tế đã sụp đổ trọn vẹn như chưa từng có, ngay trên quê hương của nó. Nhưng sự sụp đổ vụng về nên còn để lại đây đó vài mảnh vụn: Tàu, Bắc hàn và Việt nam. Tuy mảnh vụn nhưng đủ trở thành một tai vạ thảm hại cho 3 dân tộc ở bờ Thái Bình Dương.
Trong gần đây, có không ít người Việt Nam, nhứt là những người tranh đấu cho dân chủ, lãnh tụ đảng phái, nhà báo, … thường đưa ra lời dự đoán «Việt nam sẽ hết cộng sản trong năm tới, trong vài năm nữa, ….”. Nhưng tới nay thì kỳ hẹn ấy đã qua khá xa, Việt nam vẫn chưa có dấu hiệu khả dĩ lạc quan. Người ta nói theo sự nóng lòng với đất nước.
Cộng sản đang nắm quyền không thể tự thay đổi, từ bỏ cộng sản để cho đất nước tốt đẹp.
Cộng sản chỉ từ bỏ chánh quyền khi có sự can thiệp cần và đủ.
Vậy chừng nào cộng sản hà nội sẽ từ bỏ cộng sản? Hay đúng hơn chừng nào cộng sản ở Việt nam sẽ tiêu vong?
Biến cố mới: Đảng xã hội pháp tan rã
Hồi đầu tháng 5 vừa rồi, một biến cố lớn chưa từng có đã làm rung chuyển nước Pháp. Sau bầu cử Tổng thống hôm thượng tuần tháng 5/2017, đảng xã hội (chủ nghĩa – Le Parti socialiste) bắt đầu phân hóa và tan rã. Nguyên nhơn cũng giống như trường hợp ở Liên-xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ vì không đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi chánh đáng của nhơn dân và không mở ra được tương lai cho nhơn dân. Vì thiếu tính khoa học tuy mang danh chủ nghĩa xã hội hiện thực khoa học!
Riêng đảng xã hội pháp thì bết bát nhứt thế giới, đó là điều không còn ai nghi ngờ gì nữa. Suốt 5 năm cầm quyền, ông François Hollande, Tổng thống xã hội chủ nghĩa, nguyên Tổng Bí thư đảng suốt 15 năm, đã làm thối rữa đảng và chế độ để vào dịp bầu cử sơ bộ hôm rồi, các đảng viên Tung ương Hamon, Martine Aubry, Manuel Valls,… đã thật sự kết thúc sanh mạng đảng xã hội của họ vì chỉ đạt được số phiếu quá thấp. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Xã hội Benoit Hamon bị loại ngay ở vòng I vì chỉ có 6% phiếu. Thật thảm hại!
Nay trước bầu cử Quốc Hội (11 và 18/6/2017), đảng viên xã hội gọi là “cuộc bầu cử sát sanh”, nghĩ trước cái thực tế ấy là nếu tốt lắm, thì sẽ là một sự nhục nhã, còn nếu đó là trường hợp tệ hại, thì sẽ là sự tiêu vong đơn thuần của Đảng Xã hội Chủ nghĩa khỏi chánh trường kể từ nay.
Một ứng cử viên cựu Dân biểu xã hội tâm sự “Tôi ráng góp nhặt từng lá phiếu, may ra … hơn là trả lời báo chí nữa”.
Bà Martine Aubry, Dân biểu, Thị trưởng thành phố Lille, voi già xã hội chủ nghĩa, đã không ngần ngại bộc bạch thẳng thắng “Tôi 66 tuổi rồi. Tôi có cảm tưởng là tất cả điều tôi đã làm giờ đây hư hại hết, đổ vỡ hết. Tất cả điều tôi đã tin tưởng là đúng, là đẹp”!
Đảng Xã hội Pháp ngày nay giống như thứ thực phẩm bán trong siêu thị, trên bao hàng có ghi DLC, theo sự bắt buộc của Cơ quan Vệ sinh (Date Limite Consommation = Thời hạn tiêu thụ) mà nay đã quá hạn từ khá lâu chưa kịp rút ra khỏi kệ hàng thì nhờ có các đảng viên nổi loạn ly khai trước đây đã ra tay thúc đẩy tiến trình tiêu vong nhanh chóng.
Nói về đảng xã hội, cựu Thủ tướng Anh, ông Churchill, có một nhận xét được ghi vào sử sách: “Nhà thám hiểm Christophe Columbus là người xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Khi ra đi, ông không biết ông đi đâu, không biết ông đang ở đâu và ông đã làm tất cả việc đó với tiền đóng thuế của nhơn dân”.
Theo kết quả thăm dò dư luận hiện nay thì đảng xã hội quả thật là một cái xác không còn ngoa ngoe nữa. Trong Quốc Hội khóa tới, nếu có Dân biểu gốc đảng xã hội thì họ sẽ giử vai trò chỉ khả dĩ đủ “làm cho có người đối lập”.
Nhắc lại Đảng Xã hội chủ nghĩa ở Pháp
Đảng Xã hội xuất hiện vào đầu thế kỷ XX lúc mà Âu châu chi phối thế giới trên phương diện kinh tế và cả chánh trị. Kinh tế vì Âu châu là cái nôi của tư bản. Chánh trị vì Âu châu là mẫu quốc của các thuộc địa, kìểm soát phần lớn Á châu và Phi châu.
Và cũng là lúc mà Âu châu chia làm 2 khối tranh chấp nhau. Một bên gồm 3 nước Nga, Anh và Pháp thỏa thuận nhau theo đuổi chánh sách thuộc địa, đại diện cho đế quốc thực dân; bên kia gồm Đức, Áo-Hung (Autriche-Hongrie) và Ý là 3 nước không có thuộc địa. Sự tranh chấp của họ đưa tới xung đột võ lực.
Chánh phủ các nước đều duy trì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nặng tinh thần kỳ thị chủng tộc thể hiện trong chánh sách thuộc địa.
Năm 1910, ở Hội nghị Copenhague, Đan-mạch, ra đời Quôc tế Xã hội tái khẳn định “chiến tranh là do tư bản gây ra và nhứt là do sự cạnh tranh kinh tế quốc tế của các Đế quốc tư bản trên thị trường thế giới”. Vậy giải pháp chấm dứt chánh sách thực dân, chấm dứt chủ trương kỳ thị chủng tộc sẽ là cách mạng xã hội chủ nghĩa, chớ không còn con đường nào khác hơn, bởi tiêu diệt chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với đem lại hòa bình cho nhơn loại.
Năm 1889 ở Paris, Quốc tế Thợ thuyền ra đời gồm nhiều phân bộ cấp quốc gia trên 23 quốc gia, tập họp gần mười triệu công nhơn tham dự.
Quốc tế Thợ thuyền là sự nối tiếp Đệ Nhứt Quốc tế bị giải tán năm 1872 do Công Xã Paris thất bại.
Ngày 28 tháng 9/1864, thợ thuyền của cả Âu châu họp nhau ở Luân-đôn để ủng hộ Ba-lan bị Nga đàn áp. Từ đó, Hội Quốc tế Thợ thuyền ra đời (AIT = Association Internationale des Travailleurs), sau này được biết tới dưới tên gọi là Đệ I Quốc tế (I Internationale).
Chính Hội nghị Quốc tế Thợ thuyền này tổ chức tại Paris đã quyết định lấy ngày 1/5 năm 1890 làm một cuộc biểu tình quốc tế đòi hỏi cho thợ thuyền ngày làm việc 8 giờ. Và ngày 1/5 trở thành ngày lễ quốc tế của thợ thuyền hằng năm. Quốc tế Thợ thuyền này thừa nhận sự độc lập của các phân bộ quốc gia, không can thiệp vào nội bộ của các phân bộ.
Năm 1900, ở Hội nghị Paris, Quốc tế Thợ thuyền tổ chức được một cơ cấu thường trực: Văn phòng xã hội Quốc tế đặt ở Bruxelles, Thủ đô nước Bỉ, và gồm 2 Đại biểu mỗi quốc gia, Ban Bí thư Thường trực và một Ban chấp hành. Các cơ quan khác được tổ chức tiếp theo.
Những mâu thuẫn nội bộ
Quốc tế Thợ thuyền chấp nhận rộng rải nhiều xu hướng khác nhau đứng chung nhau hoạt động như phong trào vô chánh phủ, những nhơn vật tiếng tâm thiên về chủ nghĩa xã hội, và họ tới từ các nước phát triển Mỹ, Âu châu và Á châu như Nhựt bổn.
Nhưng năm 1893, ở Zurich (Thụy sĩ), Hội nghị tuyên bố chỉ nhìn nhận là thành viên đảng Dân chủ-xã hội những tổ chức chấp nhận giai cấp đấu tranh và xã hội chủ nghĩa hóa những phương tiện sản xuất và những quyết định của hội nghị quốc tế xã hội chủ nghĩa. Thế là những thành phần khác được kết nạp lúc đầu như phong trào vô chánh phủ bắt đầu bị loại.
Sau đó, chủ nghĩa mác-xít bị ông Eduard Bernstein, đảng Dân chủ-xã hội Đức, đem ra xét lại. Và cả vấn đề liên kết với tư sản tự do. Sau cùng, mọi mâu thuẩn được ông Kautsky giải quyết tạm ổn: kết án theo nguyên tắc, nhưng chắp nhận tùy trường hợp đặc biệt.
Tiếp theo, vấn đề thuộc địa và chiến tranh cũng gây tranh chấp không ít. Chánh sách thuộc địa bị lên án là do tư bản.Vấn đề nghiêm trọng là chiến tranh. Mọi người đều nhìn nhận chiến tranh là do tư bản gây ra. Tuy nhiên, các đảng xã hội Đức và Áo nghĩ không thể ngăn chận chiến tranh được. Nhưng Jean Jaurès và Lénine, ở Hội nghị Stuttgart, Đức, nắm được đa số đồng ý là phải ngăn chận chiến tranh bằng mọi cách, và nếu cần, phải hạ tư bản thống trị.
Nhưng biện pháp chọn lựa ở Hội nghị Copenhague năm 1910 để ngăn chận chiến tranh bùng nổ là thợ thuyền xuống đường, đình công với sự hưởng ứng của dân chúng. Tháng 7/1914, Văn phòng Quốc tế xã hội ở Bruxelles họp đưa ra yêu cầu các Đảng thành viện hảy tổ chức chống chiến tranh. Nhưng sau đó, các Dân biểu xã hội Đức lại biểu quyết chấp thuận ngân sách chiến tranh cho chánh phủ Đức. Trong số các quốc gia lớn liên hệ chiến tranh, chỉ có 5 Đại biểu bôn-sơ-vít và nhiều Đại biểu măn-sơ-vít của Nga tuyên bố không chấp nhận sự biểu quyết đó.
Năm 1919 ỏ Berne và năm 1920 ở Genève, Văn phòng Quốc tế đã cố gắng tổ chức hội nghị để tìm cách hàn gắn sự rạng nứt giửa các đảng xã hội chủ nghĩa anh em trong Quốc tế Xã hội nhưng không hiệu quả.
Tháng 3/1919, cánh Tả của Quốc tế Xã hội tổ chức một Quóc tế cộng sản gọi là Đệ III Quốc tế hay Komintern và qua tháng 2/1921, Trung tâm Hòa bình (Centre pacifiste – chủ hòa hay phản chiến) tách ra khỏi Quốc tế, tổ chức Cộng đồng Lao động của các Đảng Xã hội chủ nghĩa được biết vội vàng là Đệ II Quốc tế rưởi (Internationale II et demie).
Quốc tế Thợ thuyền hay Đệ II Quốc tế từ đây chỉ còn âm vang để tới năm 1923 thật sự tiêu vong nhường chổ cho Quốc tế Thợ thuyền xã hội chủ nghĩa mới (Internationale ouvrière socialiste) ra đời. Và đảng Xã hội chủ nghĩa ở Pháp ngày nay thừa hưởng di sản này.
Đệ II Quốc tế vẫn giử sự trung thành với nền dân chủ đại nghị. Ngày 26 tháng 4/1905, nhiều hệ phái xã hội chủ nghĩa ở Pháp, cả hệ phái cải cách của Jean jaurès và hệ phái mác-xít của Jules Guesde, tập hợp lại dưới tên chung trở thành Phân bộ Quốc tế Thợ thuyền Pháp (SFIO = Section Française de
lInternationale ouvrière, có một chi nhánh hoạt động ở Việt nam vào giừa tiền bán thế kỷ XX mà những nhà tranh đấu chống Pháp lúc đó gọi khôi hài là «Đảng xách dép vô»). Nhưng tới ngày 4 tháng 5/1969, nó trở thành Đảng Xã hội chủ nghĩa gọn lỏn (Le Parti socialiste – thêm tiếng “chủ nghĩa” để tránh hiểu lầm với 2 tiếng “xã hội” là “social” không hàm nghĩa như socialiste).
Quốc tế thợ thuyền có bài hát vô sản thế giới để tưởng niệm tổ chức thợ thuyền do Eugène Pottier sáng tác. Anh vừa là thợ thuyền, vừa là ca sĩ bị tù vì tham dự Công xã Paris thất bại. Bài hát được ấn hành trong tuyển tập những bài hát cách mạng năm 1887 và năm sau, được công nhơn Pierre Degeyter phổ nhạc.
2 người thừa tự lớn
Trong nền Đệ V Công hòa Pháp, có 2 ông Tổng thống Xã hội chủ nghĩa là François Mitterrand và François Hollande. Cả hai ông để lại thành tích ơn ích cho nước Pháp thì ít nhưng những tiếng tâm ồn ào về đời tư không mấy “bình thường” của nguyên thủ quốc gia thì lớn và nhiều.
Ông Mitterrand có tiếng là kẻ hào hoa. Ông rất điệu nghệ. Cô nào, bà nào «biết điều” với ông, khi nắm quyền, ông đều ban chức phận cho nên ông có không dưới 20 bồ bịch, không tính bà bồ ruột có đứa con gái cùng sống kín đáo trong Điện Elysée. Điều đặc bìệt là trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của ông có nhiều người thân cận của ông tự tử.
Người thừa tự trực tiếp từ ông là François Hollande chỉ sống với bồ, đưa cả bồ vào Tổng thống Phủ làm Đệ I Phu nhơn. Khi đánh ghen, bà bồ đập bể đồ đạt, bảo vật, trong Elysée trị già hơn 3 triêu euros nhưng không biết khi rời Elysée, ông đã đền cho công quỉ chưa?
Trong 2 nhiệm kỳ từ năm 1981 tới năm 1995 của ông Mitterrand, dân pháp thất nghiệp từ 1, 5 triệu tăng lên 2,5 triệu (+66,67%), công nợ tăng 152, 27%, từ 110 tỷ lên 663 tỷ euros.
Qua ông Tổng thống Hollande, nguyên Tổng Bí thư 15 năm của đảng Xã hội, rời Điện Elysée để lại 5 460 800 thất nghiệp, công nợ lúc lên cầm quyền là 90, 20% của Pib (1868 tỷ euros), năm 2015, là 98, 40% của Pib (2098 tỷ euros). Tăng chậm nhờ lải xuất hạ thắp như không có.
Chánh trị Pháp chưa bao giờ có được sự đồng thuận và thật lòng hợp tác vì quyền lợi đất nước giửa các đảng phái. Nay hai chánh đảng lớn đều không còn giử được tầm vóc của mình nếu may mắn không bị tiêu vong trọn vẹn sau bầu cử Quốc Hội sắp tới đây (11 và 18/6/2017). Nhưng chắc chắn trên đóng tro tàn của chánh đảng, chánh trường pháp sẽ tái cấu trúc. Chở xem.
Về chủ nghĩa xã hội, Hàn lâm Học sĩ Jean dOrmesson có đưa ra định nghĩa “chủ nghĩa xã hội là lấy tiền của dân cho tới khi nào hết tiền để lấy thì lúc đó là hết chủ nghĩa xã hội!”.
Chế độ xã hội chủ nghĩa khoa học ở Việt nam cũng chỉ tiêu vong khi dân chúng không còn tiền, đất nước không còn rừng, không còn đất để chúng cướp và bán cho Tàu.
Vậy liệu có cách nào làm cho chúng nó hết tiền để cho chúng nó sớm tìêu vong được không?
Lớp Tàu trẻ ở Paris và Hội kín
Trong các bài trước về bầu cử pháp, Cỏ May, tôi, có đề cặp tới Thợ Hồ ảnh hưởng trực tiếp và khá sâu vào chiến dịch vận động của ứng cử viên gà nhà. Và có nhắc lại trong chánh phủ của TT Hollande có cả mươi Thợ Hồ, cà ông Hollande cũng là người của Thợ Hồ. Và ông Macron đắc cử nhờ sự ủng hộ hết mình của Thợ Hồ.
Không riêng gì trong chánh trị, Thợ Hồ có mặt cả trong hoạt động của Vatican, ảnh hưởng đường lối của Giáo hội.
Trước kia, Giáo hội Vatican vô cùng nghiêm ngặt đối với Thợ Hồ, nhưng từ sau Vatican II, thay đổi thái độ và Thợ Hồ đã xâm nhập vào Vatican. Có lẽ vì vậy mà Giáo hoàng François đang lo cải tổ vưong triều. Nhứt là Ngài sẽ thu xếp vén gọn Phân bộ P2 trong Vatican từng mang tiếng là Phân bộ tội phạm.
Năm 1978, Giáo hoàng François 1er vừa lên ngôi được 33 ngày thì bị ám sát vì đã trục xuất 2 Thợ Hồ Marcinkus và Villot khỏi Giáo hội (David Yallop, Le pape doit mourrir : enquête sur la mort suspecte de Fraçois 1er, Nouveau Monde Édition=Giáo hoàng phải chết : điều tra về cái chết của Françơis 1er).
Theo nhà báo Pier Carpi, trong Vatican có hơn trăm chức sắc cao cấp như Hồng Y, Giám mục, Đức Ông là Thợ Hồ thuộc “Loge ecclésiastique (Phân bộ Tăng lữ) và liên lạc trực tiếp với Đại Sư phụ Phân bộ Anh, Công tước Michael Kent. Pier Carpi cũng nói thêm là Giáo hoàng Jean XXIII và Paul VI gia nhập Phân bộ Rose – Croix của Thợ Hồ Ý.
Họ đều giử bí mật nhưng sự thật đã không thoát khỏi sự điều tra của tổ chức Opus Dei (Theo Lexpresso, 12-1987).
Thợ Hồ là một thứ Tổ chức, trước kia bí mật, nay chỉ giử kín đáo, hoạt động trên nhiều quốc gia. Cùng Hội kín như Thợ Hồ, Tàu có mạng lưới Hội kín Tam Điểm. Ở Pháp, Tam Điểm bắt đầu hoạt động.
Tam Điểm – Triade
Tam Điểm có lẻ dịch từ chữ Triade theo cách gọi của Tây phương nhưng ghi bằng tiếng tàu là 三合会, chữ tàu theo Đài-loan ; 三合會, Bắc kinh : Sānhéhuì. Săn là Tam, hé là Hiệp, hui là Hội. Đọc là « Tam Hiệp Hội ».
Hội kín này xuất hiện cuối thế kỷ XVII ở Tàu nhưng ngày nay hoàn toàn không còn quan hệ gì với quá khứ. Đã biến chất, đánh mất tinh thần ái quốc kháng Thanh phục Minh của lúc ban đầu. Tam Điểm ngày nay rải rác trên khăp thế giới, hoạt động như mafia của Ý, chỉ nhằm kiếm tiền, gồm 250 000 hội vìên.
Nhưng theo ông Georges Coulet (Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam, Sai gòn, 1926), Giáo sư P.Ký những năm 1930, thì Hội kín này là Thiên Địa Hội vì tôn thờ 3 yếu tố lớn, quan trọng, đó là Trời, Đât và Người. Cũng có người gọi là Hội Tam Hoàng. Cách gọi phổ thông của báo chí và an ninh pháp ngày nay đó là Mafia tàu.
Hôm 26/3/22017, cảnh sát pháp xét nhà người tàu tên Shaoyo Liu. Cửa vừa mở, cảnh sát vừa bưóc vào, tên Tàu Shaoyo Liu, chủ nhà, cầm chiếc kéo dài, xông ra lao vào đâm cảnh sát bị thương, bị cảnh sát phản ứng bắn chết.
Đông đảo người Tàu tụ tập biểu tình phản đối cái chết của Shaoyo Liu, với thái độ hung hăng bất thường.
Theo một thông tin của An ninh Nội chính thì sở dĩ Tàu dám làm loạn như vậy vì có nhiều yếu tố từ bên ngoài can thiệp và tổ chức : mạng lưới mafia, thanh niên Tàu bạo loạn và mạng lưới Bắc kinh (Jean-Michel Décugis, Eric Pelletier et Geoffroy Tomasovitch -Faits divers Shaoyo Liu DGSI Chinois).
Mạng lưới mafia ở đây là Triade. Hồi Hồng kông biều tình chống Bắc kinh bầu cử độc đoán cũng bị mafia chen vào phá rối và hành hung. Triade là Hội kín lâu đời ở Tàu, ngày nay vẫn hoạt động trong cộng đồng người Tàu hải ngoại. Họ bị an ninh Pháp nhận diện đầy đủ. Họ chen vào xách động, gây bạo loạn mà nhiều người Tàu tham gia biểu tình và cả gia đình nạn nhơn có lẽ không biết?
Aubervilliers là thành phố ngoại ô phía Đông-Bắc Paris là nơi tập trung người Tàu từ lục địa tới lập nghìệp, sau Quận XIII Paris và Qưận XIX Paris. Nơi đây sàn xuất thời trang rẻ tiền bán ra khắp các chợ Á châu ở Đông Âu. Người Tàu ở đây bị dân đen và rệp (á rập) lật lưng cướp tiền. Cảnh sát Pháp không can thiệp tận tình nên không bão vệ họ được. Chủ nhơn xí nghiệp nhờ mafia tới bảo vệ cho họ. An ninh Pháp điểm mặt đưọc một con “Cá lớn ” (Un Gros Poisson – tiếng lóng của cảnh sát) của mafia ở đây.
Ngoài dịch vụ bảo vệ an ninh cho đồng hương, Mafia còn tổ chức cờ bạc lậu và gái điếm Tàu. Bảo vệ an ninh vì họ muốn kiểm soát “Thị trường an ninh” của cộng đồng người Tàu ở Quận XIX, Paris, nên họ lợi dụng cái chết của Shaoyo Liu như một cái cớ để thử mở rông sự kiểm soát của họ lên cộng đồng ngưòi Tàu ở đây. Ngoài ra, an ninh Pháp cũng ghi nhận, đứng đầu phong trào người Tàu phản đối cảnh sát Pháp, có hai người Tàu, một của đảng cộng sản Tàu, người kia là gián điệp. Cả hai hoạt động bám sát các Hội hè của Tàu ở Paris nhưng phong trào bìểu tình lại vượt khỏi sự kiểm soát của họ. Vì phong trào tập hợp đông đảo thanh niên mà những người trẻ này lại không muốn nghe nói tới đảng, nói tới băng Tam Điểm. Chúng chỉ muốn được độc lập và chỉ đòi hỏi quyền sống có an ninh mà thôi. Tức muốn tự xác định chính mình trong xã hội pháp. Đặc điểm của thanh niên Tàu là hoàn toàn sống theo suy nghĩ và cách ứng xử của chính mình. Họ lớn lên ở Pháp hoặc một phần thời gian dài ở Pháp, theo học trường pháp nên họ thoát khỏi cái định kiến xã hội đã từng bám chặc thế hệ ông cha của họ. Điều gì khó hiểu, quái gở, bị người Pháp gọi là “chinoiserie “. Và người Tàu bị điểm mặt là “chinetoc / chinetoque» một cách miệt thị. Cả người Việt nam trước đây cũng bị người Pháp nhìn là người Tàu vì không phân biệt được. Nhưng người Việt nam nào dám đánh họ thì họ gọi là « japonais – nhựt bổn ».
Trong lúc đó Bắc kinh tỏ ra rất khó chịu khi biết phong trào phản kháng cái chết của Shaoyo Liu bị Tam Điểm và thanh niên làm chủ tình hình. Họ bèn xử dụng tư cách ngoại giao, chánh thức yêu cầu Chánh phủ Pháp làm sáng tỏ cái chết của Shaoyo Liu, do tự vệ chánh đáng hay lạm dụng quyền hành?
Nhưng bên dưới là cả một sự tranh chấp quyết liệt với nhau về ảnh hưởng. Theo an ninh Pháp thì Bắc kinh kiểm soát rất chặc chẻ cộng đồng người Tàu ở Quận XIII, Paris, nhưng Tàu ở Quận XIX và nhứt là ở Aubervilliers, tuy tất cả đều là Tàu lục địa tới, gần như hoàn toàn thoát khỏi mọi kiềm kẹp của Bắc kinh.
Bắc kinh sẽ khởi động những cơ sở an ninh của họ phối hợp chặc chẽ cộng đồng người Tàu để tránh bị Tam Điểm lũng đoạn, đồng thời nắm lại đám thanh niên bạo động trong phong trào biểu tình. Hai thử thách khá gay gắt của tình báo Bắc kinh.
Cái chết của Shaoyo Liu bị nhiều phe giành giựt lợi dụng cho mục tiêu riêng của mình, hoàn toàn không liên hệ đến sự thật và đòi hỏi của gia đình nạn nhơn. Mải cả tuần sau mà còn hai vụ biểu tình, một ở Công trường Cộng hòa, vụ kia ở Công trường Bastille.
Phía người Việt nam tỵ nạn cộng sản sanh sống ở Pháp và Paris có bị công an Hà nội lén lút chen vào như người Tàu hay không? Có chớ. Nhưng hai thái độ và hai mục tiêu khác nhau
Tòa Đại sứ Hà nội chỉ biết moi tiền và khủng bố đồng bào
Tòa Đại sứ Hà nội ở Paris quan tâm kiếm tiền ở người nào đi về xứ, kiểm soát sinh viên để chia chác tiền túi của chúng nó, buôn bán, và chỉ làm vài hoạt động chánh thức về văn hóa, xã hội vào các dịp lễ hội, …. Nhơn viên an ninh từ hà nội qua thì ngơ ngác, cả hai đều khó xâm nhập vào cộng đồng người Việt không phải thân cộng. Đám an ninh chỉ qua Đông Âu, bám sát người Việt nam ở bên đó từ Việt nam qua, có không ít người làm ăn có tiền, có nhiều người ở không hợp pháp, tất cả đều còn gia đình ở Việt nam, tìm cách moi tiền. Nếu ai không chung đù sẽ bị họ thanh toán mờ ám hoặc hiền làm lắm là tố cáo với cảnh sát địa phương tình trạng vi phạm luật pháp của đồng bào, …
Cỏ May tôi biết một tên tới Paris trước đây với tư cách tu nghiệp quản trị Quân y nhưng gốc Thiếu tá Công an. Nay lên Đại tá và hoạt động ở Đông Âu vì bị lộ ở Paris. Ở lại sợ bị cảnh sát Pháp bắt hoặc bị vạch mặt.
Hôm 31/03, ứng cử viên Macron tiếp gia đình nạn nhơn Shaoyo Liu tại Tổng Hành dinh Chiến dịch vận động tranh cử của ông. Nhưng khi tới thì không phải chỉ có gia đình Shaoyo Liu mà cả một đoàn người Tàu lớn nhỏ tháp tùng theo trong đó có Jacques Sun là Chủ tịch Hội Ái hữu Tàu ở Paris và cả Đại diện Tàu Paris XIII. Bắc kinh đã coi giò coi cẳng Macron và định bắt làm gà vì biết chắc Macron sẽ làm Tổng thống thứ 8 của Pháp. Ngoại giao của Tàu lúc nào cũng đi trước một bước. Trong trao đổi làm ăn, Tàu vẫn giử bài học vở lòng căn bản « Tiền đi trước là đồng tiền khôn ».
Theo an ninh Pháp thì Jacques Sun là tình báo của Bắc kinh đặc trách hội đoàn người Tàu ở Paris. Sau khi gặp Emmanuel Macron, Jacques Sun đi ngay qua Bắc kinh. Đại diện của Macron điện thoại hỏi lại tư cách tình báo của Jacques Sun thì được hắn cực lực cải chánh. Cho đó chỉ là lời đồn đải mà thôi. Hắn ta là người lớn lên tại Pháp. Như người Pháp !
Dĩ nhiên, ông Macron không thể quên năm 2012 ông Hollande đắc cử với số phiếu của Hồi giáo trên 80%. Nay Macron, người do Hollande bố trí ứng cử, nếu có o bế Ba Tàu để kiếm thêm phiếu ở vòng nhì thì cũng là chuyện cần làm rát bình thường. Khi trả lời an ninh là có biết Jacques Sun là người của Bắc kinh hay không, Đại diện của Macron xác nhận có biết nhưng đó là Đại diện cộng đồng người Tàu ở đây, họ có tiếng nói nên ta cần lắng nghe.
Người Tàu sống ở hải ngoại rất có kỷ luật. Họ răm rắp tuân hành ý kiến hay chỉ thị của Bang hội của họ nên khi được lệnh hảy dồn phiếu cho ai thì họ sẽ bỏ phiếu cho người đó, không hề thắc mắc. Và không dám vắng mặt như cử tri người Việt nam.
Thật ra, người Tàu ở Pháp có trọng lượng hơn người Việt nam và các cộng đồng Á châu khác. Về số đông, về sức giàu có, tầm vóc kinh doanh và cả chìu dài lịch sử. Từ đầu thế kỷ XX, lúc Thế chiến diển ra, người Tàu bị bắt đưa qua Pháp lao động trong các công binh xưởng để trả nợ. Cả đi lính Pháp hoặc theo lính Pháp đào công sự, gở mìn, đánh giặc. Con số lên tới 140 000 người. Mỗi ngày, họ được trả lương 1, 50 frcs, chỉ bằng 1/10 lương công nhơn pháp. Sau 3 năm, số trở về xứ không còn được bao nhiêu. Số chọn ở lại khá đông.
20 000 người Tàu chết do bịnh dịch, tai nạn làm việc và nhiều lý do khác được chôn cất ở làng Noyelles-sur-Mer. Đây là nghĩa trang lớn nhứt của lính thợ Tàu ở Âu châu.
Người Tàu biết nghĩ tới tầm quan hệ của họ với chánh quyền pháp. Họ có nhà sách khá lớn ở Paris 13, có nhiều nhựt báo, tuần báo, nguyệt san đủ loại, bày bán chung với báo pháp ở khắp sạp báo.
Người Vìệt nam hoàn toàn trái lại : không có sách báo, mà có cũng không có mấy người chịu mua và chịu đọc. Người Việt nam thường bảo nhau chuyện của Tây, như bầu cử các câp, là chuyện của họ. Mình lo chuyện của mình còn không hết nữa là … Mà chuyện của mình ?
Trong đó có chuyện đi làm để dành tiền, thì giờ, lẻn về Việt nam du hí ….
Chữ nghĩa, văn hóa bỏ qua thì làm sao nhiệt tình với đất nước !
Nói ra chỉ thêm đau lòng !
Ngày Môi Trường Thế Giới 2017: Nối kết Người với Thiên Nhiên – Mai Thanh Truyết
Ngày Môi trường năm nay rất đặc biệt vì lần đầu tiên yếu tố kết nối con người với thiên nhiên (connecting People to Nature) được nêu ra nhằm mục tiêu kêu gọi mọi công dân trên toàn cầu tiếp tục chủ đề năm 2016 là “Tham gia vào cuộc tranh đua để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Erik Solheim, Trưởng Cơ quan Môi trường LHQ cho biết: “Ngày Môi trường Thế giới là ngày kỷ niệm tình yêu tập thể (collective love) phụ thuộc vào thiên nhiên. Cơ quan Môi trường LHQ và Chánh phủ Canada kêu gọi ‘Kết nối con người với thiên nhiên’. Đó cũng là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2017, nhắc nhở chúng ta hãy ra ngoài và hướng về thiên nhiên, để đánh giá cao nét đẹp và tầm quan trọng của thiên nhiên, cũng như tiếp tục kêu gọi bảo vệ trái đất chung của chúng ta. Ngày nầy giúp và khuyến khích chúng ta hành động để bảo vệ môi trường và thúc đẩy việc đánh giá sâu hơn về sự kết nối giữa chúng ta với thế giới thiên nhiên. Nước chủ nhà của ngày nầy là Canada với chủ đề đã chọn và sẽ là trung tâm của lễ kỷ niệm cho năm 2017.
1- Ngày Môi trường Thế giới là một ngày cho mọi người, mọi nơi.
Chủ đề năm nay mời bạn suy nghĩ về tư thế của chúng ta là một phần của thiên nhiên và chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên như thế nào. Điều đó thách thức chúng ta tìm ra những phương cách thú vị và tích cực để trải nghiệm và trân quý mối quan hệ quan trọng giữa con người với thiên nhiên.
Kể từ năm 1972, hàng năm, chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tổ chức và vinh danh Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day) vào ngày 5 tháng 6 nhằm mục tiêu nâng cao sự cảnh giác cho dân chúng toàn cầu về những vấn đề môi trường, cũng như kêu gọi mỗi người dân có hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ trái đất.
Thông điệp trên nhằm mục đích kêu gọi tất cả những người quan tâm tập trung nhiều hơn về các nguy cơ mà môi trường chungphải đối mặt và động não về những hướng giải quyết các nguy cơ hiện đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Đa số trong chúng ta, ít ai nghĩ đến vấn đề MÔI TRƯỜNG. Với trên 7 tỷ nhân khẩu sống trong điều kiện “chật hẹp” hơn, diện tích sống hạn chế hơn, nguồn thực phẩm vẫn còn giới hạn hơn… Nếu chúng ta tiếp tục tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, chắc chắn các thế hệ tương lai sẽ …thiếu ăn và thiếu nơi “nghĩ chân”!
Đó là lý do sống còn, và là lý do tại sao chúng ta phải tiêu thụ nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu thiên nhiên có ý thức và không phí phạm!
2- Suy nghĩ của chúng ta
Đây là một tiêu đề có thể áp dụng cho mọi người để bất chợt tự hỏi rằng: “Chúng ta sống như thế nào và cuộc sống đó ảnh hưởng lên trái đất ra sao?”
Từ đó, một chuổi câu hỏi khác hiện ra trong đầu trong mỗi chúng ta là:
Chúng ta ăn uống như thế nào?
Đi lại và mua sắm ra sao?
Đi du lịch và du hí…bằng phương tiện gì? v.v…
Từ những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ nhận thức được là nếp sống bền vững rất cần thiết và là cốt lõi của việc bảo vệ môi trường. Theo ước tính của UNEP, vào năm 2050 dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,6 tỷ. Nếu mức tiêu thụ và sản xuất vẫn giữ nguyên với dân số 7 tỷ rưỡi như hiện nay, chúng ta cần phải có một diện tích tương đương với 3 lần trái đất cộng lại để đạt được lối sống như bây giờ.
Vì vậy, việc giữ được nguyên trạng nếp sống như ngày hôm nay cho năm 2050 cần phải có một chiến lược thông minh để bảo vệ một tương lai lành mạnh.
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.
Dưới đây là các chủ đề tiếp nối so với những năm qua. Đó là:
Chủ đề của năm 2016 – “Tham gia cuộc đua để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Chủ đề năm 2015 – “Một Thế giới, Một Môi trường”.
Chủ đề của năm 2014 – “Các quốc đảo nhỏ đang phát triển” (Small island developing states – SIDS) và “Nâng cao tiếng nói chứ không phải mực nước biển” (Raise your voice not the sea level).
Chủ đề của năm 2013 – “Suy nghĩ, Ăn. Lưu trữ”. Và khẩu hiệu “Giảm bớt Lương thực của Bạn”.
Chủ đề của năm 2012 – “Kinh tế Xanh: Nó bao gồm bạn không?”
Chủ đề của năm 2011 – “Rừng xanh: Thiên nhiên nằm trong dịch vụ bạn”?
Chủ đề năm 2010 – “Nhiều chủng loại. Một hành tinh. Một tương lai”.
Chủ đề năm 2009 – “Trái đất Cần Bạn – Hợp nhứt lại để chống lại sự Thay đổi Khí hậu”.
Chủ đề và khẩu hiệu của năm 2008 – “CO2, Đá các Thói quen (xấu) – Hướng tới nền kinh tế xử dụng ít Carbon”.
Đặc biệt, vào năm 2013, Ngày Môi trường Thế giới nhấn mạnh việc phí phạm thực phẩm, điều nầy không những cần được góp phần vào việc cứu đói mà còn là một việc làm tiêu hao tài nguyên của trái đất nữa! Nên nhớ, thức ăn dư thừa của học sinh tiểu và trung học tại Hoa Kỳ trong buổi trưa đủ để cung cấp thực phẩm cho một số dân 30 triệu trong một năm!
Nên nhớ, trong giây phút đổ một miếng hamburger dư thừa vào thùng rác, chúng ta cần nghĩ đến tình trạng trên thế giới hiện còn trên 120 triệu con người không có gì để ăn hàng ngày. Khi chúng ta đang đánh răng mà cứ để vòi nước tiếp tục chảy, chúng ta hãy nghĩ đến trẻ em ở Phi Châu phải đi hàng bao cây số để hứng lấy một, hai lít nước dơ đọng trong lỗ chân thú để uống!
Cũng vào năm 2013, thế giới nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường bằng “Giáo dục Môi trường và Khơi dậy Nhận thức” (Environmental Education & Awareness-raising), trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trên thế giới. Từ đó, chúng ta thấy rằng, vấn đề thực phẩm luôn luôn được nhắc nhở và được lập đi lập lại hàng năm nhằm kêu gọi mỗi công dân toàn cầu cần ý thức rõ ràng nguồn thực phẩm và nguồn nước sạch là nhu cầu cốt lõi của sự sinh tồn của nhân loại.
3- Chúng ta phải làm gì cho Ngày Môi trường Thế giới?
Những việc làm nho nhỏ liệt kê dưới đây thể hiện mối quan tâm của mỗi người trong chúng ta đối với Ngày Môi trường Thế giới:
Cùng bón phân hữu cơ và nhổ cỏ dại trong sân nhà và nếu có thể trong các nơi công cộng như vườn chơi trẻ em, công viên;
Ăn thực phẩm “sạch” (organic food) được nuôi dưỡng hay trồng trọt trong vùng để tránh sự chuyên chở tạo thêm xả thải khí carbonic vào không khí;
Tuyệt đối tránh xả rác bừa bãi nơi công cộng và giúp đở dọn dẹp rác rến ở các nơi nầy;
Cùng nhau tiết kiệm năng lượng bằng cách hạn chế sự phí phạm và mức tiêu thụ điện và nước trong nhà;
Về phương diện thành phố, kết nghĩa “chị em” (sister city) để cùng nhau nâng cao ý thức về “sức khỏe môi trường” (environmental health) ở những nơi khác nhau;
Tổ chức và thành lập các diễn đàn môi trường để phổ biến và cập nhật một số thông tin mới về việc bảo vệ môi trường sống;
Hạn chế xử dụng xe và dùng xe đạp nếu có thể;
Về vấn đề phế thải, cần lưu ý đến các phế thải độc hại như bình điện, thùng sơn nhà cửa, các máy móc điện tử cũ không xài nữa, v.v…cần phải mang đến những trung tâm thu hồi có ở những thành phố lớn;
Đặc biệt, cần nên biết ủ (composting) phế thải hữu cơ như cỏ, nhánh cây, v.v…là một nguồn phân bón hữu cơ cho cây cỏ trong vườn, thay vì đem đổ trong thùng rác rồi đổ vào các bãi rác, chiếm thêm một diện tích không nhỏ của trái đất;
Và, mỗi chúng ta cố gắng làm thế nào để sống một đời sống thân thiện với môi trường.
4- Còn Việt Nam ứng xử như thế nào trước Ngày Môi trường Thế giới năm nay?
Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước và cũng chọn một địa phương làm nơi tổ chức các hoạt động quy mô cấp quốc gia hưởng ứng sự kiện này.
Nhưng riêng cho năm nay, vẫn chưa thấy Việt Nam có những bước tiến nào thúc đẩy ý thức liên quan hữu cơ giữa Con người và Thiên nhiên cho chủ đề năm nay. Phải chăng vì tình hình vi phạm môi trường và nhân quyền của cường quyền qua các vụ nhiễm độc và đầu độc khắp nước khiến cho Cộng sản Bắc Việt không còn chú ý đến Ngày Môi trường hàng năm?
Ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới về tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng (số lượng) và đang từ từ chuyển sang phát triển theo chiều sâu (phẩm chất). Sản xuất công nghiệp với công nghệ lạc hậu làm tăng mức tiêu hao nguyên liệu và năng lượng cần thiết rất lớn, kéo theo tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao, cộng với nhu cầu phát triển cấp bách làm cho các nền kinh tế không đồng bộ, nhu cầu tiêu dùng tăng và với nhiều thói quen tiêu cực do phong tục, tập quán. Tất cả đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác tối đa làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng và gây ra nạn mất cân bằng sinh thái của quốc gia.
5- Những kết ước bằng lời
Trở về các khẩu hiệu và mục tiêu từ ngày thành lập Ngày Môi trường Thế giới, LHQ qua Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đã đưa ra một khái niệm duy nhứt là nhắm vào thế hệ tương lai. Như các chủ đề cho những năm đầu tiên là:
“Phát triển nhưng không Hủy hoại” (Development without Destruction) cho năm 1978;
Năm 1979:“Chỉ có một Tương lai cho Con cháu chúng ta” (Only one Future for Our Children);
Năm 1980:”Một thách thức mới cho Thập niên mới” (A new Challenge for the New Decade);
Năm 1981:”Mạch Nước ngầm, Hóa chất độc hại trong dây chuyền Thực phẩm của con người” (Ground water, Toxic chemicals in Human Food chains).
Từ đó, chúng ta thấy rằng vấn đề môi trường chung trên thế giới là vấn đề sống còn của nhân loại, trong đó nước và thực phẩm là hai yếu tố quan trọng nhứt.
Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Môi trường Thế Giới, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa về việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.
Riêng về tình trạng thực phẩm ở Việt Nam, có thể nói, hơn bao giờ hết, nguồn thực phẩm “hoàn toàn” bị ô nhiễm vì những hóa chất kích thích tố tăng trưởng, hóa chất tăng trọng, trừ nấm mốc, hóa chất bảo quản dùng cho kỹ nghệ, hóa chất làm ngọt, “thúc” cho trái cây mau “chín”, làm thực phẩm có mùi thơm, làm cho có màu bắt mắt…
Và kết quả là, hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ bịnh ung thư đủ loại cũng như số tử vong cao nhứt thế giới, và tình trạng nầy ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ Y tế Việt Nam, trong năm năm gần đây, hàng năm có thêm trên trăm ngàn nạn nhân ung thư mới và số tử vong hàng năm là khoảng 50.000 người.
Ai là thủ phạm của các nguy cơ trên ngoài Trung Cộng với sự tiếp tay của CS Bắc Việt, thái thú biết nói tiếng Việt? Trong đó Chợ Kim Biên ở Chợ Lớn là một thí dụ điển hình cho cuộc đầu độc tập thể người dân Việt!
Nếu không thực hiện việc thay đổi chính sách và quyết tâm bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt của chính sách phát triển quốc gia trong những ngày sắp tới.
6- Thay lời kết
Trong thời đại của nhựa đường (asphalt), điện thoại thông minh (smart phone) và trong số những phiền nhiễu của cuộc sống hiện đại, kết nối với thiên nhiên có thể được suy nghĩ thoáng qua mà thôi. Nhưng với sự giúp đỡ của bạn, Ngày Môi trường Thế giới có thể làm cho minh bạch và rõ ràng hơn bao giờ hết rằng chúng ta cần sự hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên để cả hai có thể phát triển một cách tích cực hơn.
Đại hội đồng LHQ đồng ý tuyên bố thập kỷ 2014-2024 là thập kỷ của Năng lượng Bền vững cho Mọi người, nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề năng lượng đối với phát triển bền vững và để xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Còn Việt Nam thì sao?
Thế giới đã bước qua gần hai thập niên đầu của thế kỷ 21, thế mà con thuyền CS Bắc Việt vẫn còn lẽo đẽo co cụm trên nhữngdòng sông không còn sinh khí vì đã biến thành dòng sông đen do ô nhiễm hóa chất từ các nhà máy sản xuất, cũng như não trạng sơ cứng với cơ chế chuyên chính vô sản… thì làm sao CS Bắc Việt có thể lái con thuyền CHẾT đó ra biển khơi được!
Vì vậy, một câu hỏi thiết yếu được đặt ra là, mỗi người trong chúng ta, trong và ngoài nước cần phải làm gì để giải quyết những vấn nạn trước mắt của tổ quốc, của dân tộc để tránh làm nô lệ cho Trung Cộng, tránh nạn bị đầu độc môi trường, biển Đông, thực phẩm, để rồi từ đó, có thể sống còn và ngưỡng mặt lên với năm châu?
Câu hỏi nầy cần mỗi người trong chúng ta phải động não để đi tìm một tương lai cho Việt Nam.
Qua lời của Cố Tổng Thống Ronald Reagan:”Chính phủ chúng ta không có quyền lực gì ngoại trừ quyền lực mà nhân dân đã giao cho họ. Và chúng ta, “những người dân” cần cho chính phủ biết họ nên làm gì, và họ không không có quyền làm ngược lại”.
“Chúng ta là người lái;
Chính phủ là chiếc xe”
Có suy nghĩ như thế, 95 triệu người con Việt sẽ quyết định tương lai Việt Nam, chứ không nằm trong tay của Tàu cộng phong kiến, cũng không nằm trong tay của Anh Hai Tư bản Hoa Kỳ, và càng không nằm trong tay của CS Bắc Việt.
Mà tương lai Việt Nam chắc chắn nằm trong tay của 65% Tuổi Trẻ Việt Nam.
Đã đến giờ Tuổi Trẻ Việt Nam đứng lên đáp lời sông núi.
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2017
Phụ lục:
The value of nature
In recent decades, scientific advances, as well as growing environmental problems such as global warming are helping us to understand the countless ways in which natural systems support our own prosperity and well-being.
For example, the world’s oceans, forests, and soils act as vast stores for greenhouse gases such as carbon dioxide and methane; farmers and fisher-folk harness nature on land and under water to provide us with food; scientists develop medicines using genetic material drawn from the millions of species that make up Earth’s astounding biological diversity.
Billions of rural people around the world spend every working day ‘connected to nature’ and appreciate full well their dependence on natural water supplies and how nature provides their livelihoods in the form of fertile soil. They are among the first to suffer when ecosystems are threatened, whether by pollution, climate change or over-exploitation.
Nature’s gifts are often hard to value in monetary terms. Like clean air, they are often taken for granted, at least until they become scarce. However, economists are developing ways to measure the multi-trillion-dollar worth of many so-called ‘ecosystem services’, from insects pollinating fruit trees in the orchards of California to the leisure, health and spiritual benefits of a hike up a Himalayan valley.
Nature up close
Connecting to nature can involve all the physical senses: why not take off your shoes and get your feet (and hands) dirty; don’t just look at the beautiful lake, jump in! Take a hike at night and rely on your ears and nose to experience nature.
You can also connect with nature in the city, where major parks can be a green lung and a hub of biodiversity. Why not do your bit to green the urban environment, by greening your street or a derelict site, or planting a window box? You could put a spade in the soil or lift a paving slab and see what creatures live beneath.
Wherever you are, you could vow to pick up 10 (or 100) pieces of trash, or take inspiration from the citizens of Mumbai, India, and organize a mass beach clean-up.
Your activity doesn’t have to take place on 5 June itself. UN Environment, for instance, will soon begin testing your knowledge and raising your appreciation of a healthy environment with competitions and online quizzes and provide a whole menu of ideas to help you celebrate the day.
In the age of asphalt and smartphones and among the distractions of modern life, connections with nature can be fleeting. But with your help, World Environment Day can make clearer than ever that we need harmony between humanity and nature so that both are able to thrive.
Trump và hiệp ước Paris về môi trường – BS Nguyễn Thượng Vũ
Thưa các Anh Chị,
Từ hôm qua, tôi nhận được nhiều mail của các Bạn hữu chỉ trích TT Trump đã rút ra khỏi Hiệp định Paris về Global Warming.
TT Trump bị coi như 1 kẻ chỉ biết tiền tài, không có nguyên tắc luân lý, làm hại trái dất.
BS Lại Mạnh Cường viết Trump là 1 lương tâm trong cơn gió lốc.
Các người Bạn viết email này, gồm có một số người tôi hết sức quý mến.
Nhiều email yêu cầu các Bạn hữu viết lên những ý nghĩ của mình về TT Trump và Hiệp định Paris vềGlobal Warming.
Tôi xin phép chia sẻ với các Bạn hữu những ý nghĩ hết sức thô thiên của tôi :
Disclosure: Tôi phải nói ngay: Tôi bỏ phiếu cho TT Trump tháng 11 vừa qua, tôi hài lòng về lá phiếu của tôi sau ngót 6 tháng TT Trump nhận chức.
Tại sao tôi bỏ phiếu cho ông Trump ?
Đối với tôi, cách xử thế của Trump thiếu lễ phép tối thiểu mà người ta chờ đợi ở
một ứng cử viên Tổng Thống, ông ta như một hooligan mất dạy,tuy nhiên nếu không bầu cho Trump thì Hillary Clinton, một kẻ mà tôi nghĩ là vô cùng xảo quyệt, gian trá sẽ làm TT, việc mà tôi không muốn như vậy.
Cách đây 2 hôm, bà Thủ Tướng Meckel tuyên bố 1 cách giận dữ là Âu Châu và Nước Đức không thểtin cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ nữa,
Bà Meckel không nhắc tới việc nước Đức, cường quốc #1 của Âu Châu, không hề đóng góp đủtheo như thỏa hiệp mỗi nước phải đóng góp 2% GDP vào Quốc Phòng.
Trong 50 năm nay, nước Mỹ là nước duy nhất của Nato/Otan đóng góp 3.7% GDP để bù đắp vào quỹ Quốc Phòng Âu Châu, không một nước nào của Âu Châu đóng góp đủ đúng như thỏa hiệp cả. (Chỉ có Anh, Ba Lan và Hungary là gần đủ)
Nước Mỹ có câu : “to eat the cake and take it home also”.Một đại cường quốcnhư nước Đức, đứng đầu Âu Châu, không chịu đóng đúng mức về Quốc Phòng, lại giận dữ,chửi Trump như 1 kẻbạc tình nhân, thì thật là 1 chuyện buồn cười.
Tôi không biết nhiều về Ecology, ngành Khoa Học Sinh Thái nói là nếu chúng ta không thay đổi cách sống, vô cùng khốn đốn, thì sẽ có Global Warming.
Tôi không biết các khoa học gia về Global Warming có đúng hay không, hay là đúng tới mức nào ?
Nhưng tôi nghi ngờ khi các Khoa Học Gia này,trong 1 buổi họp tuyên bố tập thể cách đây vào khoảng 2 năm, là họ bỏ không dùng chữ Global Warning nữa và từ nay họ sẽ dùng chữClimate Change.
Nóí một cách nôm na khác là có thể có warming hay cũng có thể có Climate cooling nữa.
Thế nghĩa là thế nào ?
Anh bác sĩ Dương Hồng Mô, một người bạn mà tôi vô cùng kính phục, có viết 1 bài rất hay vềsựthay đổi từ Global Warming ra Climate Change và cái trí trá của nó.
Tôi là kẻ ít học, nhưng tôi có cảm tưởng các khoa học gia về Ecology nói nước đôi,
Nóng cũng đúng, và lạnh thì các ông cũng đúng.
Tôi nghĩ nói Tài là Tài và nói Sửu là Sửu, chứ không thế đánh cả Tài, cả Sửu, mà lại bắt nhà Cái chung tiền.
Đọc cách sách khoa học về sự cấu tạo của trái đất thì tôi hiểu là trong 6 billions năm của lịch sử trái đất, từ trước khi loài người – Homonid- có mặt trên trái đất chỉ từ 6 triêu năm nay, trái đất đã trải qua cả trăm lần lúc nóng, lúc lạnh.
Lúc đó không có loài người, thì không hiểu buộc tội ai bây giờ ?
Các người Neanderthal đi từ Phi Châu sang Âu Châu và Á Châu trong thời kỳ giá lạnh 200,000 năm trước, Homo Sapiens chỉ bắt đầu sang Á Châu/Trung Đông khi trái đất bắt dầu đỡ lạnh vào khoảng từ 60,000 năm cho tới 100,000 năm.
Trái Đất còn lạnh nhiều cho tới vào khoảng 15,000 – 12,000 năm về trước.
Vào khoảng 15-12,000 năm về trước, Detroit Behring còn lạnh và đóng băng nên nhiều bộ lạc Á Châu đi bộ sang Châu Mỹ và trở thành các bộ lạc “Da Đỏ” sống tại Mỹ Châu từ trước khi Colombus khám phá ra Mỹ Châu.
Lúc đó loài người rất ít, có lẽ chưa tới 1 triệu cho toàn thể nhân loại, chưa có cách mạng kỹ nghệdùng than và củi, vậy tại sao Trái Đất lại nóng trở lại vào thời kỳ Neolithic 11,000 năm về trước.
Tôi nghĩ, vì những lý do mà mình chưa hiểu rõ, Trái đất trải qua nhiều thời kỳ nóng và lạnh thay phiên nhau, vì vậy các súc vật như loại Mammouth lông dài không còn nữa khi trái đất nóng lại.. Tôi thầm nghĩ , nếu trái đất đang trải qua 1 cơn nguy hiểm vô cùng trầm trọng, vì nhân loại dùng than đá hay củi để sản xuất energy ,như các khoa học gia tuyên bố , thì tại sao các nước như Trung Cộng, như Ấn Độ . . . là các nước gây nhiều thán khí nhất, lại chỉ phải giảm dùng than đá nhiều năm nữa (2030 cho Trung Cộng).
Nếu quả thật vô cùng trầm trọng thì tất cả nhân loại phải ngừng dùng than đá hay các nhiên liệunhư vậy, tại sao lại có 1 thời khóa biểu prefential cho Trung Cộng, Ấn Độ và nhiều nước khác có thể vẫn dùng trong nhiều thập niên nữa ?.
Phải chăng có một yếu tố chính trị trong việc cấm đoán xử dụng than đá hay các nhiên liệu khác.
Tôi rất bâng khuâng và thắc mắc.
Tôi muốn đóng góp vào Trái Đất , nhưng cho tới giờ phút này các Khoa Học gia về Ecology chưa thuyết phục tôi.
TT Trump xử thế như một kẻ côn đồ nhưng tôi nghĩ Hoa Kỳ suốt 70 năm này viện trợ cho tất cảnhân loại từ 1945, kể cả Âu Châu với Plan Marshall , mà suốt 70 năm này, không có quốc gia nào thực tâm cám ơn nước Mỹ cả.
Thậm chí các quốc gia Âu Châu – kể cả nước Pháp mà tôi yêu quý vô cùng – mỗi khi nhắc tới Mỹ là toàn chê bai, coi rẻ.
Vừa nhận tiền, vừa nhận viện trợ, và vừa chê bai, chửi bới.
Có ai có thể cho tôi 1 lý do chánh đáng tại sao Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục viện trợ về Quốc Phòng cho Đức trong khi Đức không chịu chi tiêu đủ để bảo vệ chính mình?
Trong 6 tháng nay, TT Trump mang lại cho GDP Hoa Kỳ trên 3 tỷ US $, kiếm được việc làm cho cả triệu công dân Hoa Kỳ.
Trên phương diện này, tôi cảm ơn TT trump.
Một vài ý nghĩ thô thiển và nông cạn, xin các anh chị thứ lỗi cho.
Nay kính,
BS. Nguyễn Thượng Vũ
http://vietmania.blogspot.fr/2017/06/trump-va-hiep-uoc-paris-ve-moi-truong-bs.html
Vui cười
Thấy cơ thể mình đột nhiên có nhiều thay đổi, một phụ nữ đi khám bệnh và được bác sĩ cho biết, chị đã có thai.
Chị ta giận dữ mắng cho bác sĩ một trận và một mực cho rằng điều đó không thể xảy ra vì chồng mình đã đi công tác nước ngoài hơn 1 năm.
Một tuần lễ sau, bệnh nhân đó lại đến phòng mạch và nhỏ nhẹ:
– Thưa bác sĩ, lần trước tôi quên khuấy mất là cách đây 2 tháng chồng tôi có về phép!
Bác sĩ tủm tỉm cười:
– Nghe có vẻ khá hơn rồi đấy, nhưng cô cần nhớ kỹ lại một chút nữa, vì cái thai đã sang tháng thứ tư rồi
Khâu đít chuột – Từ Thức
Tôi nhớ suốt đời một buổi ngồi coi TV với một gia đình người Pháp. Một phóng sự về ẩm thực VN. Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn quại, lấy máu, uống và mời khách.
Ông ta cười cợt, hãnh diện như vừa thực hiện một kỳ công, trước con mắt hãi hùng của người làm phóng sự. Ông chủ nhà người Pháp nhăn mặt, bà chủ nhà che mắt không dám nhìn. Nếu nền nhà không bằng xi măng, tôi đã đào một cái hố chui xuống cho đỡ xấu hổ. Lại thêm một cơ hội muốn chối không phải là người Việt
Những cảnh bạo lực trong xã hội VN càng ngày càng nhiều trên Internet, trên Facebook. Những cảnh ẩu đả tàn nhẫn, trẻ em bị đối xử dã man, bị bắt nhịn ăn, phơi nắng, học sinh kéo bầy đánh đập một cách hung bạo một em nhỏ yếu ớt hơn, công an tàn nhẫn với dân thấp cổ bé miệng, người ta chửi nhau thậm tệ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, sau một tai nạn lưu thông hay một chuyện bất đồng.
Ở các nước Tây phương, thỉnh thoảng người ta đưa những vidéo về cảnh súc vật bị đối xử dã man trong các nhà hoả lò. Những vidéo này chiếu trên TV, gây phẫn nộ, hoả lò bị đóng cửa, ban giám đốc bị cách chức.
Ở VN, người ta đưa những hình ảnh tàn bạo, dã man, không phải chỉ giữa người với vật, mà giữa người với người. Và đưa lên Internet, ít khi để tố cáo, nhiều khi để khoe khoang một hành động vẻ vang, anh dũng. Cảnh một tên lỗ mãng, cầm gậy đập đầu con chó dẫy đành đạch, cắt tiết, uống máu trước máy quay phim. Cảnh một đàn xúm lại đạp vào đầu, vào mặt một cô bé, một chú bé gầy yếu. Cảnh ông chủ nắm tay đấm mặt một cô bé sưng vù, trước sự hỗ trợ, tán thưởng của gia đình, vì cô bé ăn trộm tiền, đưa lên facebook, với dòng chữ : ‘’hãy nhớ mặt con chó này ‘’. Và thiên hạ chuyển đi, thú vị như chuyển một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật.
Ở những xứ có văn hóa, luật pháp cấm đưa hình, đưa tên những vị thành niên trên báo, dù tội nặng tới đâu. Để đương sự có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở VN, người ta đưa hình những cô gái, nhiều khi vị thành niên, bị bắt về tội mại dâm lên báo, lên mạng, với những lời bình phẩm độc ác, thô bỉ, khiến gia đình nhục nhã và nạn nhân phải tự vẫn. Những cô gái bán mình để nuôi thân, nuôi gia đình ở cái tuổi, tại một xứ khác, chắc chắn còn cắp sách đi học, đi coi hát, đi du lịch, chạy nhẩy, cười đùa với bạn bè
Những người đã rời quê hương từ nhiều năm không tưởng tượng đất nước mình sa đọa đến như vậy. Người Việt có nhiều khuyết điểm, nhưng người ta vẫn nghĩ người Việt bản chất hiền lành, từ tâm, chất phác. Ngay cả cái tính tốt cuối cùng ấy cũng đã mất ? Người ta nói đến một xã hội vô cảm. Ghê rợn hơn cả một xã hội vô cảm, đó là một xã hội bất nhân.
Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào, cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, facebooks VN, nhưng người Việt ta coi, dửng dưng, thích thú, đồng lõa. Đối xử với nhau như vậy, trách gì người Tầu đối xử tàn bạo với anh em mình?
Lần đầu tôi có cái cảm tưởng ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một nhóm học sinh du học. Một nhóm nữ sinh viên khả ái, thông minh, có kiến thức, có kiến thức hơn là tôi nghĩ, với cái thành kiến của những người đứng từ xa nhìn về. Tôi hỏi : các cô nghĩ VN sẽ có thay đổi gì không. Một cô bé, rất dễ thương, rất lễ độ, trả lời : ‘’ thưa chú, cháu nghĩ đéo có gì thay đổi. Đâu lại vào đó ‘’. Hai người sững sờ là tôi và một ông bạn đã xa nhà từ lâu. Những cô bạn của người phát biểu không bày tỏ một chút khó chịu. Đó là chuyện tự nhiên. Chữ ‘’ đéo ‘’ trở thành một chữ hàng ngày, rất bình thường, như chào ông, chào bà..
Sự bạo hành bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tôi không chê trách cô bé. Tôi rùng mình. Nếu sống trong xã hội đó, giờ này tôi cũng ăn nói như vậy. Cũng nói với khách: Dạ, cám ơn, đéo muốn ăn cơm, còn no bụng quá. Tôi nhìn cô bé, rất dễ thương, ái ngại. Chúng ta chỉ là sản phẩm của xã hội, của môi trường sống.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, so với cái văn hoá man rợ, người này trèo lên cổ người khác để sống. Hay chỉ để chứng minh mình hiện diện. Đạp mặt người khác chứng tỏ tôi hiện diện. Je cogne donc je suis (1).Tại sao có thể mất nhân tính đến như vậy. ? Bởi vì sống trong một xã hội độc tài, suốt đời bị chèn ép, bị áp bức, bị đối xử như con vật, người ta không có cách gì giải tỏa hơn là quay lại hành hạ những người yếu hơn mình. Lại càng kính nể hơn nữa những người sống trong xã hội chụp dựt đó nhưng vẫn giữ cái thiện, giữ lòng nhân ái.
Tất cả những nghiên cứu xã hội đứng đắn đều đi tới kết luận : những người có hành vi bạo hành thường thường đã là nạn nhân của bạo hành. Là nạn nhân, người ta có một trong hai thái độ. Hoặc đứng về phe kẻ yếu, tranh đấu chống bất công, nhưng rất hiếm. Hiếm, bởi vì phải có nghị lực và lòng bao dung phi thường. Hoặc để trả thù đời, trút lên đầu những người yếu hơn mình những cái mình đã phải chịu đựng.
Đó là cái vòng di truyền luẩn quẩn, bệnh hoạn (cercle vicieux) trong một gia đình. Trên tầm vóc quốc gia, một đại họa. Mỗi người theo hay chống chủ nghĩa CS vì những lý do khác nhau. Tôi từ chối chủ nghĩa CS trước hết vì lý do đó : nó làm tiêu tan cái đẹp của một xã hội tử tế. Nó đưa chúng ta lại gần với thú vật. Ở một xã hội văn minh, người ta kính trọng, lễ độ với mọi người, kể cả, nhất là, những người yếu hơn mình.
Trên Internet, người ta dạy cách trừ chuột hữu hiệu nhất, không cần thuốc độc, không cần bẫy. Mổ đít con chuột, cắt tinh hoàn của con vật, thay vào đó hai hạt đỗ tương, rồi khâu lại. Dần dần hạt đậu chương lên, con chuột đau quá, phát khùng, cắn đồng loại như điên dại. Đám chuột sợ quá, bỏ chạy, nhà hết chuột. Trước đây có một truyện ngắn, rất hay, tựa là ‘’ Khâu đít chuột ‘’, quên tên tác giả, nói bóng nói gió về một xã hội như vậy.
Người Việt ta là những con chuột bị thiến, bị khâu, nổi khùng, cắn nhau chí choé. Viết mấy giòng này, tôi nghĩ cả tới những người quá khích, chống bạo lực thì ít, chống nhau, hại nhau, chụp mũ nhau thì nhiều.
Chúng ta đều là những con chuột điên cuồng. Bao giờ mới ý thức được mình bị khâu, những người chung quanh cũng chỉ là nạn nhân bị khâu như mình. Và nhận diện những người khâu đít chuột, thực sự là những kẻ làm khổ mình, biến đời mình, đất nước mình thành địa ngục ?
Paris, 05 /2017
( 1 ) Je cogne donc je suis. Tôi đánh đập vậy tôi hiện hữu. Nhại câu nổi tiếng của Descartes, ‘’Je pense donc je suis ‘’, tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu
Vui cười
Một du khách Ngoại Quốc qua thăm Hà Nội, Ông ta muốn đi thăm tất cả những nơi nổi tiếng nhất.
Ông ta tới nhà hàng sang trọng nhất Hà Nội.
Người hầu bàn bảo ông:
– Thưa ông, nhà hàng hết chỗ trống rồi!
– Thế anh làm ơn cho tôi đặt cọc 3 bàn, nhưng tôi chỉ cần 1 bàn và một ghế thôi, hai bàn kia anh có quyền xử dụng tùy ý!
Ngay tức khắc, người hầu bàn tìm ra chỗ ngồi cho ông khách hào phóng.
Sau khi thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn,có bồi bàn đứng hầu, ông khách quyết định đi xem buổi trình diễn của đoàn ca múa Trung Ương có tiếng ở VN.
Tới trước của rạp, người gác của nói:
– Thưa ông, hội trường đã hết chỗ!
– Thế anh cho tôi mua mười vé, tôi chỉ xài một, còn chín cái anh muốn làm gì thì làm.
Đúng một phút sau, ông khách có ngay một chỗ ngồi tốt nhất trong rạp. Vãn hát, ông khách đi tới Ba Đình để vào thăm lăng Hồ chí Minh. Trước lăng, một hàng dài cả trăm người đang phải nối đuôi nhau chờ đợi.
Ông khách nói với đám Công an:
– Thời gian tôi ở đây rất ngắn, các anh có cách nào giúp tôi vào thăm lăng mà khỏi xếp hàng không?
– Xin lỗi ông, rất tiếc, ông phải xếp hàng như mọi người khác.
Ông khách mỉm cười rồi nói:
– Nếu đã vậy thì trong khi chờ đợi, tôi xin mời các anh cùng uống với tôi một ít rượu ngoại quốc.
Nói xong, ông khách lôi trong túi ra năm sáu chai Walker, đưa cho mỗi công an một chai.
Nhận rượu xong, đám công an vồn vã nói:
– Thưa ông, bây giờ ông muốn vào thăm lăng “bác”, hay ông muốn chúng tôi bưng “bác” ra đây cho ông thăm !