Tập San Tân Ðại Việt Số 4 – 2015
Địa chỉ liên lạc: tapsantandaiviet@gmail.com
Trang web: http://www.tandaiviet.org
Mục Lục
Chánh trị, Kinh tế
BS Mã Xái: Chung quanh ngày quốc hận 30/04 và sự sụp đổ VNCH
Nguyễn Văn Trấn: Dân chủ và dân chủ nào
Phan Văn Song: Tâm thư đầu năm của một người tỵ nạn cộng sản
R. Baker và J. Minnich – Phạm Ðức Duy dịch: Sự chuyển hóa mong manh của Trung Cộng
Nhữ Đình Hùng: Putin tái xuất hiện sau 10 ngày vắng bóng
Đổ Bình: Ký ức
Đào Văn Bình: Chiến tranh lạnh lan qua Á Châu
BS Trần Văn Tích: Xin gọi ngày quốc hận là quốc hận
Huyền Lan: Vĩnh biệt “người vĩ đại trên sân khấu nhỏ”
Quang Thành An: Singapore và quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu
Tài liệu tham khảo
GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn quyển 1 chương 2
Giáo Già: Thư Cho Con
Winfried Scharlau: Những ngày cuối cùng của Saigon …
Trần Trúc Lâm: Người Miêu: Lịch Sử Của Một Dân Tộc Lưu Vong
Sưu tầm trên net,Văn, Thơ
BS Trương Ngọc Thạch: thơ 40 năm thống nhất
Nguyễn Thị Cỏ May: Chuyện tình thời chinh chiến
Mây Cao Nguyên: thơ Mảnh vụn linh hồn
MX Phạm Vũ Bằng: Y Sĩ TQLC: Những Người Không Thích Sống Lâu
Chung quanh Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư và Sự Sụp Đổ VNCH – BS Mã Xái
Trang sử Ngày Quốc Hận sẽ mãi in hằn trong tâm tư người dân đất Việt. Ngày đen tối đó, ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cộng sản Hà Nội xua quân cưỡng chiếm Miền Nam, xé bỏ Hiệp định Paris-73 để rồi áp đặt một chế độ toàn trị, độc tài nhà nước Cộng Hoà XHCN dưới sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, với chiếc áo Mác-Xit Lênin trên toàn cõi Việt Nam. Thành tích của “đỉnh cao trí tuệ “sau 40 năm thống trị cho một Việt Nam “độc lập, tư do, hạnh phúc” đã biến quê hương thành một quốc gia tụt hậu, chà đạp nhơn quyền, lệ thuộc Bắc phương và đại hoạ mất nước thì đã gần kề.
Cộng đồng người Việt tị nạn công sản khắp thế giới hằng năm trang trọng làm Lễ Tưởng Niêm Ngày Quốc Hận không phải vì hận thù, nhưng sẽ mãi không bao giờ quên tội ác tày trời của chế độ cộng sản Hà nội đối với nhơn dân Miền Nam, cách đối xử tàn bạo với quân dân cán chánh VNCH, cái hèn mạt của người thắng cuộc không còn nhơn tính đối với người chiến sĩ quốc gia đã buông súng, đẩy vợ con họ về cái gọi là vùng kinh tế mới, sau khi đã tước đoạt hết tài sản của họ, trên ba trăm ngàn thuyền nhơn chết oan uổng trong lòng biển sâu, và cái tội trời không dung đất không tha mà đảng CSVN phạm phải là tội bán nước cho Trung Cộng.
Cộng đồng hải ngoại làm lễ Tưởng Niệm ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư để nhắc lại cho thế giới biết dưới nền VNCH ngay trong những thập niên 60s-70s dân chúng Miền Nam đã có một chế độ tự do, dân chủ, pháp trị, tôn trọng nhơn quyền. Nhưng nỗi bi thảm là Miền Nam đã phải sụp đổ trước viễn tượng chiến thắng gần kề khi CSVN thảm bại sau trận tấn công Tết Mậu Thân, những người chiến sĩ VNCH phải buông súng vì sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, chánh phủ Hoa Kỳ vì quyền lợi quốc gia, bắt tay Trung công để kềm chế Liên Xô, đưa đến Thông cáo Thượng Hải 1972. Sư thật phũ phàng Hoa Kỳ đã bán đứng VNCH và Đài Loan để lấy sự làm hòa và giao thương với Trung Cộng. Từ năm 1969 Kissinger đã mật đàm với đại diện Hà Nội, với Xuân Thủy rồi với Lê Đức Tho, vẽ ra Hiêp định Paris-73 mà mục tiêu là để HK “rút quân trong danh dự”, bỏ rơi VNCH, cắt hết quân viện kinh viện, lại nhượng bộ yêu sách của Hà Nội để quân đội cộng sản tiếp tục mai phục tại các vùng chiến lược trên lãnh thổ VNCH. Thật là vô nhơn đạo, vô trách nhiệm, thiếu thành tín trong cung cách tháo chạy của một đồng minh siêu cường, trong khi Hà nội tiếp tục nhận viện trợ của các cường quốc cộng sản.
Đã hơn bốn mươi năm rồi từ sau 30-4-75 những người quốc gia, và ngày nay luôn cả những người cộng sản phản tỉnh, những nhà đấu tranh dân chủ vẫn kiên trì trong công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ ,phú cường và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị thế giới vứt bỏ, nhưng vẫn được TBT Nguyễn Phú Trọng ca ngợi trong ngày kỷ niệm 85 năm thành lập đảng CSVN (1930-2015), ông còn muốn được TT Obama tiếp đón ở Phòng Bầu Dục để chánh danh đảng CSVN nhơn cuộc viếng thăm Hoa Thạnh Đốn dự trù vào tháng Năm. Ngày17/03/2015 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Úc đã được Thủ Tướng Tony Abott thông báo Úc sẽ cắt giảm ngoại viện 11 tỉ đô la và còn gián tiếp khuyên nhủ rằng viện trợ là để các nước nghèo (trong đó có Việt Nam) phát triển kinh tế, chứ không phải để nước đó thành thói quen ăn bám!
Những vận động ngoại giao của nhà nước CSVN từ sau sự kiện giàn khoan HD-981 trở nên nhộn nhịp nhằm nâng cao mức quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trong việc mua bán võ khí sát thương và việc hoàn tất TPP trước cuối năm 2015 nhưng “Tôi nghĩ rằng quan hệ Việt Mỹ sẽ không thể đạt được tới mức cao nhứt, nếu vấn đề nhơn quyền không được giải quyết” (phát biểu của Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhơn buổi “Diễn đàn Việt Nam” do viện nghiên cứu CSIS tổ chức cuộc gặp gỡ với đại sứ VC Phạm quang Vinh tại Mỹ ngày 24/03/2015). CSVN đang có những nỗ lực ngoại giao đa phương, nhứt là tìm sự hỗ trơ nơi các đồng minh và đối tác thân hữu của Hoa Kỳ trong khi Trung Cộng mở rộng vòng đai chiến lược kiểm soát Biển Đông tới mức báo đông khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ khuyến cáo TT Obama sớm phát triển và tiến hành chiến lược toàn diện đối phó với đà bành trướng bá quyền của Trung Cộng. Tập Cận Bình lại hứa tham gia các cuộc thảo luận đa phương vào tuần tới với ASEAN để thành lập Bộ Quy Tắc Ứng xử Biển Đông (loan báo 26/03/2015, tin VOA) sau khi nuốt gần trọn Biển Đông! Hoa Kỳ luôn vẫn coi CSVN là đối tác tiềm năng và dù biết Hà Nội chưa dám tháo gỡ vòng kim cô oan nghiệt từ phương Bắc nhưng HK vẫn nới lỏng lịnh cấm vận vũ khí sát thương và khuyến khích các đồng minh hay đối tác thân hữu (Ấn, Nhật Bổn, Phi Luật Tân, Indonesia…) hỗ trợ Việt Nam trong viêc giữ gìn an ninh lãnh hải trước sự đe doạ, cưỡng chế của TC. Chánh sách cốt lõi của ông Obama là Tái Cân Bằng lực lượng/Đổi Trục về Á Châu trong vị thế siêu cường quân sự và kinh tế tại vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đây là thời điểm quan trọng mà nhà cầm quyền CSVN nên cân nhắc việc hợp tác chặc chẽ hơn với Hoa Kỳ, vì rõ ràng quyền lợi Mỹ và Việt Nam đang phù hợp với nhau; và đây là cơ hội thuận lợi để“thoát Trung”. Hoa Kỳ cần kết thúc TPP càng sớm càng tốt trước khi quá trễ vì Tập Cận Bình đã đi khá xa trong vòng đàm phán trong nhiều thỏa hiệp mậu dịch tự do hoặc những định chế tài chánh tạo nên ảnh hưởng chánh trị và kinh tế lấn lướt trong vùng do ông đề xướng (Regional Comprehensive Economic Partnership, Trilateral Free Trade Agreement, Asia Infrastructure Investment Bank, New BRICKS Development Bank) cũng như sáng kiến về Đường Tơ Lụa trên biển, trên bộ mà họ Tâp đề cập tại Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tại Bắc Kinh (11/2014). Nhưng vấn đề nhơn quyền phải được cải tiến hơn, tuy quan điểm hai bên còn cách biệt nhưng “không có điều gì là không thể (Ted Osius)“. Trong chuyến công du vừa qua, Đại Tướng Trần Đại Quang đã tiếp xúc với nhiều giới chức quan trọng Hoa Kỳ (Bộ Quốc Phòng, Bộ An ninh Nội Địa, cơ quan CIA, FBI, giới chức HĐ An Ninh Quốc Gia) để bàn thảo về hợp tác chống khủng bố và tội phạm, và còn gặp ông Phụ Tá Ngoại trưởng Đặc trách Đông Á TBD khiến nhiều người đồn đoán ông đại tướng sẽ có vai trò quan trọng hơn trong tứ trụ triều đình sau đại hội đảng toàn quốc-12.
Mùa Tưởng Niệm ngày Quốc Hận năm nay trùng hợp với nhiều khủng hoảng lớn lao trên thế giới và đặc biệt là những biến chuyển ở Á Châu trong đó mối tương quan phức tạp Việt Trung Mỹ ảnh hưởng tới công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ nhơn quyền. Sau 40 năm độc quyền toàn trị, năm nay đảng CSVN lại tự động tụ tập lại (Hội nghị TƯ-10) sắp xếp nhơn sự cho tập đoàn lãnh đạo đất nước trong Đại Hội toàn quốc thứ 12(2016), nhằm kéo dài chế độ toàn trị, đưa đất nước vào vòng nô lệ phương Bắc. Đảng CSVN đã quay lưng trước đòi hỏi dân chủ hóa của nhơn dân, gần đây gần ba mươi tổ chức XHDS, nhiều nhân sĩ, đoàn thể mở Chiến Dịch Tranh Đấu cho Tự Do- Dân Chủ- Nhân Quyền 2015 với chương trình hành động cụ thể cao điểm dự định vào ngày Quốc Tế Nhơn Quyền năm 2015. Thay Đổi chế độ chánh trị, giải thể đảng CSVN phải đến từ ý chí của toàn dân, do quốc nội chủ động trong nước hoặc bằng cuộc cách mạng (tất nhiên có sự hao hớt nhơn mạng ít nhiều), hoặc bằng diễn biến hòa bình. Trước mắt, con đường dân chủ hóa thấy còn nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng sau cùng chánh nghĩa tất thắng.
Dân chủ và dân chủ nào – Nguyễn Văn Trần
Ý niệm cơ bản về dân chủ
Việt Nam cho đến ngày 30/04/1975, vẫn chưa có được một chế độ dân chủ hoàn chỉnh, tuy tinh thần dân chủ vẫn thể hiện rõ nét qua nếp sống văn hóa dân tộc, ngay cả dưới thời quân chủ. Hai nền Cộng Hòa ở Miền Nam trước đây chưa thật sự dân chủ nhưng đã bảo đảm được một xã hội tương đối thông thoáng, luật pháp được tôn trọng khá tốt. Nếu đem so sánh với chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa thì chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Nhưng đó là chuyện đã qua!
Ai cũng tin ngày mai này chế độ cộng sản độc tài không còn nữa. Người Việt Nam sẽ phải thiết lập cho mình một chế độ chánh trị dân chủ để cai trị đất nước, hầu giữ cho Việt Nam vĩnh viễn không còn bị một chế độ độc tài nào trở lại nữa. Khi muốn làm dân chủ, chúng ta nên học hỏi những kinh nghiệm lịch sử quí báu của các nền dân chủ Tây phương và Huê kỳ, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy sẽ giúp chúng ta thấu hiểu ba ý niệm cơ bản để xây dựng đất nước ngày mai. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ.
1/ Những quyền bất khả nhượng là những “quyền tự nhiên của con người” mà mọi Nhà nước không thể tước đoạt và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta. Đó là quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà nước. Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp đã nhân danh những quyền này làm những cuộc cách mạng của họ, ngày nay đem lại cho họ một đất nước dân chủ tự do và phú cường.
2/ Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.
3/ Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân.
Chúng ta nên nhớ dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do người dân bị cai trị có kiểm soát được hữu hiệu và thường xuyên theo định kỳ người cầm quyền cai trị mình hay không. Dân chủ như vậy thực sự chỉ là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bản của họ. Trong một chế độ dân chủ tự do, Nhà nước không gì khác hơn là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Quyền lực cho phép Nhà nước hành sử chức năng của mình mà không cho phép Nhà nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong chế độ dân chủ, luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia. Nói cách khác, dân chủ thật sự thì phải là dân chủ pháp trị.
Ngộ nhận về dân chủ
Khi nói dân chủ, trong số những nguời Việt Nam ngày nay ở hải ngoại tranh đấu cho dân chủ, có người cổ súy dân chủ đa nguyên để nhằm phản bác lại thứ dân chủ mà cộng sản Hà nội đang áp đặt ở Việt Nam, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cụm từ “dân chủ đa nguyên ”rất gợi hình, làm cho nhiều người nghĩ trong nền dân chủ ấy, nhiều sự khác biệt được tôn trọng. Phải chăng phải “đa nguyên ” mới nói lên đầy đủ những đặc thù về chánh trị, văn hóa, xã hội,… của một quốc gia? Và đa nguyên dân chủ? Nhưng, nếu suy nghĩ về mặt thể chế thì sẽ thấy “đa nguyên ” lại không giúp hội ý được về cơ sở của một nền dân chủ. Như vậy, phải chăng khi nói “dân chủ đa nguyên” là muốn đem cái “dân chủ đa nguyên” ấy đối lập với “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà thường bị hiểu sai lạc là “dân chủ tập trung”? Thật ra không có dân chủ tập trung.
Theo người cộng sản, thì về thể chế chánh trị, đại loại chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau: kinh tế tư sản và kinh tế tập trung, tức kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, rõ ràng với người cộng sản không có “dân chủ tập trung” như bị hiểu sai lạc, mà chỉ có “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và tập trung dân chủ.
Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung để “chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung”. Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là “nguyên tắc cốt tủy” của đảng cộng sản trong lãnh đạo chánh trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhứt về tư tưởng, chánh trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.
Như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ chỉ là phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội dưới sụ lãnh đạo của đảng cộng sản, chớ hoàn toàn không có gì liên hệ đến quyền của người dân làm chủ đất nước và vận mạng của mình hết cả. Bởi dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ không tôn trọng nguyên tắc căn bản là chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nên người dân không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền và quyết định nhiệm kỳ cầm quyền. Thực tế ở Việt Nam ngày nay cho thấy người dân bình thường, không phải đảng viên đảng cộng sản chẳng những không có quyền tham gia chánh sự như dưới thời quân chủ, mà còn không có quyền phát biểu ý kiến khác hơn ý kiến của nhà cầm quyền. Những bản án của những nhà dân chủ ở việt nam ngày nay là bằng chứng điển hình. Những người này ở tù chỉ vì đã không biết “nghĩ trong những điều đảng nghĩ”!
Tóm lại, «dân chủ xã hội chủ nghĩa», «Dân chủ nhơn dân»,… đều không phải là dân chủ, mà đó chỉ là những mỹ từ trang điểm cho chế độ độc tài toàn trị theo ý hệ cộng sản. “Dân chủ pháp trị” hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chánh trị của một chế độ dân chủ của dân và vì dân. Dân chủ pháp trị sẽ áp dụng ở Việt Nam để vĩnh viễn thay thế chế độ cộng sản ngày nay. Xây dựng cho Việt Nam một chế độ dân chủ chẳng những không xa lạ, mâu thuẫn với truyền thống dân tộc, mà còn là mong đợi thiết tha của toàn dân ngày nay.
Một liên bang cho Việt Nam
Về mặt tổ chức lãnh thổ, thiết tưởng nên tổ chức Việt Nam thành một Cộng hòa liên bang (Cộng hòa liên bang Việt Nam). Liên bang để thống nhứt đất nước trong sự tôn trọng những đặc thù địa phương do lịch sử để lại trên một lãnh thổ có chiều dài hơn 2000 km (dân số với mật độ khác nhau, tài nguyên, nhân lực, không được phân phối đồng đều, nhiều vùng địa lý khác nhau…)
Cũng giống như tổ chức thể chế chánh trị, liên bang ở Việt Nam chắc chắn sẽ không tạo ra những xung đột xã hội, bởi nếu trở về đầu thế kỷ XIX, chúng ta sẽ thấy vua Gia Long đã tổ chức nước Việt Nam thành nhiều vùng nhằm đáp ứng những đặc tính tâm lý và địa phương khác nhau (miền Trung gồm 4 doanh, 7 trấn; miền Bắc gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn; miền Nam gồm 5 trấn). Lui về thời gian, xã thôn Việt Nam vẫn giữ được nhiều quyền tự trị đối với triều đình. Chánh quyền xã thôn hoàn toàn do dân chọn lựa theo tiêu chuẩn tài đức. Nhìn Việt Nam qua hệ thống xã thôn tự trị, người ta có cảm tưởng như đó là một liên bang xã thôn. Địa phương tản quyền, trung ương tập quyền. Tản mà hợp. Đây là sức mạnh dân tộc, bởi hạ từng cơ sở Việt Nam là một hệ thống hài hòa, sinh động, toát lên một tinh thần đoàn kết toàn dân đích thực!
Kết luận
Việt Nam hiện tại bị cai trị bởi một chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Thật bất hạnh! Nhưng trước đây, ai có thể nói Liên Xô và Đông Âu sẽ sụp đổ? Điều quan trọng là Việt Nam có một nền văn hóa chánh trị dân chủ đích thực. Người cộng sản, cả Hồ chí Minh, hoàn toàn không hiểu biết về văn hóa dân chủ truyền thống. Chế độ cộng sản đang cai trị Việt Nam không do người Việt Nam chọn lựa và chấp nhận, mà do cộng sản lợi dụng được hoàn cảnh lịch sử cướp chánh quyền, áp đặt lên đất nước. Đó thật sự chỉ là tai nạn lịch sử nhứt thời. Mà quá trình cộng sản còn xót lại ở Việt Nam cũng đang trên đà kết thúc!
Tai nạn lịch sử này sẽ phải được dẹp bỏ. Người Việt Nam sẽ cùng nhau tái lập dân chủ cho đất nước. Dân chủ được tái lập, tức dòng văn hóa Việt được khai thông. Sự tái lập sẽ được thể chế hóa theo hiến định.
Biến cố Đông Âu và Liên xô sụp đổ trọn vẹn sẽ giúp cho người Việt Nam, và nhứt là người cộng sản, rủ bỏ ảo tưởng rằng một khi đất nước bị cộng sản cai trị thì đời đời sẽ “cộng sản”, không ai có thể thay đổi được bởi mọi hiện tượng chống đối, phản kháng đều bị nhà cầm quyền độc tài dập tắt, đàn áp dã man. Trái lại, người cộng sản Hà Nội phải thấy những biến cố ở Đông Âu và Liên xô là những bài học quí báu về chuyển hóa đất nước từ cộng sản qua dân chủ mà không đổ máu. Những quốc gia cựu cộng sản này, ngày nay đã thực sự ổn định để bắt đầu hội nhập vào cộng đồng Âu châu và thế giới.
Đó là những tiền lệ lịch sử chánh trị, những tấm gương sáng về chuyển hóa dân chủ mà Hà Nội cần sớm học hỏi để áp dụng. Ngày xưa nỗi nhục mất nước đã thôi thúc toàn dân dấn thân tranh đấu giành độc lập. Ngày nay, đất nước không có dân chủ, tức người dân không có chủ quyền trên đất nước của mình, cũng là một nỗi nhục lớn không khác hơn nỗi nhục mất nước trước kia! Ý thức được nỗi nhục này sẽ thôi thúc mọi người, như trước kia, phải dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Bởi Việt Nam cần phải có dân chủ và phải có sớm, chẳng những có dân chủ để giúp động viên nội lực toàn dân phát triển đất nước, kịp sớm đưa đất nước thoát tình trạng khủng hoảng hiện nay, mà dân chủ còn giúp Việt Nam chủ động được trong mọi tình huống, nhứt là để đối phó với hiểm họa mất đất, mất chủ quyền quốc gia trước chủ trương bá quyền của Bắc kinh . Dân chủ để mọi người Việt Nam tìm lại cho mình quyền làm một con người.
Hơn nữa, về mặt địa lý chánh trị, Việt Nam cần một chế độ dân chủ để hội nhập hài hòa với các nước dân chủ tự do trong vùng, tạo được niềm tin chánh trị bởi cùng một thể chế.
Ngày nay, Đông Nam Á vẫn còn là vùng tranh chấp, xung đột, làm trở ngại cho nhiều dự án phát triển của các quốc gia địa phương, do thiếu ổn định. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một nỗ lực lớn từ hơn năm mươi năm nay, giúp các quốc gia hội viên trao đổi, hợp tác và phát triển. Nhưng ASEAN không đủ khả năng giữ vững quốc phòng chung, để có thể bảo đảm an ninh quân sự địa phương. Vì tầm quan trọng chiến lược vùng Nam Thái Bình Dương, mà một tổ chức có khả năng quốc phòng cao như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á ngày xưa (SEATO) cần sớm được các nước trong vùng bắt tay nhau vận động thành lập. Úc và Tân Tây Lan sẽ là hai nước có vai trò đem lại những nỗ lực đóng góp lớn và cụ thể, do đã có những liên hệ chặt chẽ và lâu đời với các quốc gia trong ASEAN.
Trước những nỗ lực an ninh và phát triển địa phương ấy, Âu châu và Huê kỳ chắc chắn sẽ không có lý do gì khác hơn để giữ thái độ thờ ơ mà không tích cực hợp tác. Vùng Đông Nam Á sẽ trở thành một khối có quốc phòng vững mạnh, giúp cho các quốc gia thành viên an ninh được bảo đảm, chỉ còn dồn nổ lực cho phát triển. Mọi âm mưu bá quyền sẽ không còn lý do để tồn tại.
Ghi chú:
Michel, Senillart, La théorie médiévale et la raison d’Etat, Paris, 1989.
Fitche, Considérations sur la Révolution française 1793, Paris.
Nguyễn Tiến Phồn, Dân chủ và tập trung dân chủ, Hànội, nhà xb Chánh trị Quốc gia, 2001.
Vui Cười
” Cô gái nói với cha của mình…”
– Tuần sau con và anh ấy sẽ kết hôn… Thưa ba…
– Thế thằng đó có nhà cửa đàng hoàng không?
– Không ạ. Anh ấy ở nhà trọ.
– Nó có xe không?
– Cũng không có. Anh ấy đi xe đạp.
– Bố mẹ nó thế nào?
– Anh ấy mồ côi ạ
– Ở đời phải biết tích phúc, tích đức con ạ… Người đã khổ thế rồi thì con tha cho người ta đi, đừng làm khổ người ta nữa!
Ngày tết, hai bạn thân gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách.
Chuyện trò hồi lâu, chợt một người hỏi:
– À mối tình của cậu và con nai vàng bây giờ ra sao rồi?
Người kia thoáng buồn rồi đáp:
– Hết rồi cậu ạ! chẳng nhìn bóng dáng con nai vàng đâu cả!
– Sao vậy?
– Mình đã cưới nó rồi! Bây giờ, nó đã hoá ra con sư tử!
Tâm Thư Đầu Năm Của Một Người Tỵ Nạn Cộng Sản – Phan Văn Song
Ngày 30 Tháng Tư: Uất Hận Riêng, Quốc Hận Chung. 40 Năm Tỵ Nạn, Tự Do Chưa Đến Việt Nam
1/ Đôi lời chia sẻ:
Khai bút đầu Xuân, trước khi vào bài, người viết Phan Văn Song tôi, xin đôi lời xin lỗi, rằng đầu năm lắm chuyện khô khan. Xin thưa trước với quý độc giả, đặc biệt với tất cả các bạn bè quen biết gần xa, đồng tâm, đồng cảnh, đồng chí đồng hướng, (nếu có ai hổng đồng, hổng giống thì xin tha thứ cho đám tỵ nạn chúng tôi ưa ôm đồm gắn bó lôi kéo nhau), sau xin chia sẻ cùng với tất cả anh chị em. Thưa rằng gần 40 năm cùng nhau đấu tranh chống độc tài, chống Đảng Cộng sản Hán Ngụy đang cướp nước giựt quyền của người dân Việt, cũng chỉ để quyết giữ một chánh nghĩa, xem như một nghĩa vụ: cố giữ linh hồn một người Việt Tử Tế – (Tử Tế xin được viết hoa)- một người Việt được thấm nhuần giáo huấn bởi cả ngàn năm văn hóa của tổ tiên đã dày công giữ vững hồn và gốc dân tộc Việt, dựng nước và giữ toàn vẹn đất nước. Giữ được linh hồn, gieo được hột giống người Việt Tử Tế nơi tạm trú, để ngày mai khi Tự Do phục hồi trên đất nước thân yêu, góp phần đóng góp cho một quê hương Việt Nam Tử Tế với người Việt Tử Tế, cho người Việt Tử Tế.
Người Việt Tử Tế, trong nhà kính cha thương mẹ bảo bọc gia đình, ra đường tiếp láng giềng gần, quý người khách xa, trọng lân bang, giúp hàng xóm. Đó là tề gia, giữ xóm.
Người Việt Tử Tế khi làm quan, biết trọng dân, nghe dân, hiểu dân, hỏi ý dân, lấy công tâm làm luật, lấy công bằng làm lệ, quyền thế, cứng rắn, nhưng nhơn ái, công bằng, giữ luật lệ nhưng nhơn từ giáo huấn. Người Việt Tử Tế khi làm dân biết phán đoán, chọn mặt gởi vàng, bầu người ngay, cử ngưới giỏi, biết suy luận, góp ý với quan, chấp hành luật tốt, chỉ trích lệ sai, cùng quan xây dựng việc nước nhà. Đó là bảo quốc, bình dân.
Bài viết hôm nay khai bút đầu Xuân Ất Mùi, lý ra là phải lạc quan, hào hứng để đón Xuân, nâng cao ly «Rượu Mừng Xuân» (như lời bài ca của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương) cùng tất cả bạn bè khắp năm châu hải ngoại hay tại quê nhà, trái lại người viết chúng tôi xin phép quý độc giả được tỏ chút bi quan, bận lòng đất nước, nói lời đắng cay. Và, tuy là năm mới, tuy là mùa Xuân, nhưng với bổn nhơn và gia đình bổn nhơn không có Mùa Xuân, vậy kính xin được phép nhỏ vài giọt lệ, ngậm ít tủi, nuốt tí hờn, uống ly cà phê đắng, để buồn cho thân phận cá nhơn, khóc cho số phận bạn bè, đồng chí, đồng hướng, đồng cảnh, đồng ngộ, tiếp tục sống kiếp tha hương 40 năm mất quê cha đất mẹ, mai đây vùi thân đất người.
Năm nay, năm thứ 40, của những ngày lang thang đi trên đất người. Chúng ta, người dân Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam, như dân tộc Do Thái năm xưa, sau khi thoát khỏi ách độc tài đô hộ của Ai Cập, đã phải lang thang trong sa mạc 40 năm để tìm vùng đất hứa, mãi sau nầy mới tìm được đất Israël. Ngày nào chúng ta chưa trở về Sài gòn Tự do thì chúng ta cũng như dân Israël vẫn còn chưa đến vùng đất hứa Tự do. Vậy thì chúng ta như dân Do Thái trước khi về lại Israël vẫn chúc nhau: «Hẹn năm tới ở Jérusalem!», chúng ta cũng cùng nhau «Hẹn năm tới ở Sài gòn!»
Và cùng nhau, chúng ta một nhóm đồng hành, mang cùng toàn dân tộc Việt, toàn dân tộc Việt Tử Tế, mãi mãi niềm Uất hận cùng ngày Quốc hận (Vốn gốc Nam kỳ, Uất Hận và Quốc Hận chúng tôi phát âm như nhau) cho đến Ngày có Tự do!
Thật là, của riêng là của chung, niềm đau cá nhơn, nỗi đau tất cả!
2/ Lý lịch người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại:
Chúng tôi cũng xin nói rõ rằng chúng tôi không chỉ trích, không chống đối, phản kháng tất cả những quan điểm hay lập trường khác.
Định nghĩa lý lịch từ «chúng ta» dùng trong bài viết:
«Chúng ta» là một số đông những người gốc Việt đang sống tại Hải ngoại, khi nhập cư nơi quê người với lý lịch tỵ nạn chánh trị, và đa số nay đã là công dân quốc tịch của xứ sở trú ngụ.
«Chúng ta» nhứt định là không phải là những Việt Kiều tức là kiều dân của xứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hiện đang tạm trú (có thể thường trú) tại hải ngoại vì công tác ngoại giao, nghiệp vụ hay công tác ngoại thương hay tập sự du học hoặc đi du lịch.
Tóm lại, «Chúng ta» tuy có gốc gác, huyết thống, chủng tộc, dân tộc, văn hóa truyền thống Việt, thuần chủng cha mẹ cùng người gốc Việt hay lai huyết thống Việt có cha, tên Việt, hay có mẹ, tên người bản xứ.
Nhưng không phải là người (quốc tịch – công dân) Việt Nam (với thông hành CHXHCN Việt Nam với các chiếu khán xuất cảnh Vìệt Nam và nhập cảnh nước nhập cư).
Chúng tôi người viết, hoàn toàn không phản đối những lý luận hay phản bác những ý kiến hay quan điểm của những người muốn nhờ các Chánh phủ bản xứ chủ nhà ngoại nhơn (hiện nay chỉ có Mỹ và Canada) – mặc dù chúng tôi luôn luôn trân trọng, ơn cao nghĩa nặng, lòng nhơn đạo cao quý của những chánh phủ chủ nhà đã cưu mang người gốc Việt tỵ nạn từ 40 năm nay, và đang cho người mình, người Việt tỵ nạn Cộng sản ở đậu và hội nhập – biến ngày 30 tháng Tư đau buồn, đen tối, uất hận, của dân tộc Việt Nam ta, thành một ngày kỷ niệm, trọng đại, sáng sủa, sáng giá (?) cho cuốn lịch ngoại nhơn. Vì lịch ngoại nhơn không thể gọi một ngày hành chánh, là Ngày Đen hay Ngày Buồn hay Ngày Hận, vì quá tiêu cực, nên họ phải đề nghị gọi là Ngày Việt Nam Cộng Hòa hay Ngày Thuyền Nhơn hay Ngày Hành Trình đi tìm Tự do cho có vẽ tích cực, hồ hởi-phấn khởi nói kiểu Việt Cộng hay positive attitude nói kiểu Mỹ.
Xin cám ơn tất cả những hảo ý đó. Nhưng nếu quý vị biến Ngày Tang Chung của toàn dân Việt chúng ta thành một ngày lễ tầm thường như một ngày kỷ niệm khác thì quá phũ phàng cho chúng ta! Chúng ta đã mất mát quá nhiều, nay chỉ còn một Ngày Tang chung để Khóc, mà quý vị cũng sung công luôn, xóa bỏ luôn, thì chúng ta mất tất cả, quá khứ, kỷ vật, lý lịch, mất cả cội nguồn gốc gác! Ngày nay, chúng ta, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở hải ngoại chỉ còn lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của Việt Nam hải ngoại Tự do không biên giới và Ngày Quốc Hận để làm dấu mốc đổi đời. Có một cuộc đời trước 30 tháng Tư 1975, và có một cuộc đời sau ngày ấy. Không so sánh đoạn nào, cuộc đời nào, trước hay sau ngon, hay dở, chỉ biết từ nay, ở mỗi chúng ta hai cuộc đời, hai hình ảnh, hai cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi không cần Ngày 30 tháng Tư của Người Việt Tỵ nạn Cộng sản Việt Nam chúng ta được cầu chứng tại Toà (marque déposée – Trade mark)!
Nếu gọi là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do», thì mỹ từ ấy, tên đẹp ấy ẩn ý gì? Để nói lên một kỷ niệm? Hay để nói xin tha thứ? Hay để trân trọng nói tiếng xin lỗi hay nói tiếng «Sorry» «vì người Mỹ chúng tôi đã bỏ rơi các anh»? Hay thì thầm an ủi rằng «Người Mỹ (cũng) thương Việt Nam Cộng Hòa! (lắm, lắm!)’’, Hay chắt lưỡi tội nghiệp «Tội Nghiệp Thuyền Nhơn Việt Nam» quá!… Nếu như vậy thì thật là tất cả đều là giả dối, giả nhơn giả nghĩa! Tất cả chỉ là những giọt lệ cá sấu!
Vì, tại sao «Thuyền Nhơn Cu Ba» thiếu chi? Biển Ca-ri-Bê cũng đầy xác người Trung Mỹ,… Cu Ba, Porto Rico, Haiti,… Không tội nghiệp sao? Biển Địa Trung Hải ngày nay thiếu chi Thuyền Nhơn? Không tội nghiệp sao? Sao không có Ngày Syrie? Ngày Crimée? Hay Ngày Tây Tạng? Cuộc «Hành trình đi tìm Tự do» của người dân Tây Tạng vượt Hy Mã Lạp Sơn đầy tuyết giá năm 1959 đáng nói lắm chứ! Ấn độ còn cho Tây Tạng và Ngài Đạt Lai Lạt Ma cả một thành phố, một đại bản doanh, một vùng đất để tạo một giang sơn nho nhỏ cho Chánh phủ Tây Tạng Tự do. Nhưng người Tây tạng không xin chánh phủ Ấn độ cho một Ngày kỷ niệm cuộc Hành Trình người Tây tạng đi tìm Tự do!
Còn nếu nói phải vinh danh, hay phải kỷ niệm bằng gọi ngày 30 tháng Tư là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do»? Thì thử hỏi: Ngày ấy của ai? Cho ai? Của riêng người Việt tỵ nạn Cộng sản ta? Cho tất cả người Việt di cư tỵ nạn ta? Người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã tạm trú tại một xứ Tự do, nhưng đã tìm lại được thấy lại được Tự do cho Việt Nam, quê hương mình gốc mình chưa?
Cám ơn dân chúng Canada đã cưu mang, cám ơn dân chúng Mỹ đã cưu mang dân tộc chúng tôi. Nhưng chúng tôi trước đây, trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, đâu có thiếu Tự do, chúng tôi đã có Tự do rồi, chúng tôi biết quý Tự do, chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ Tự do mà!… Nhưng tại sao chúng tôi người Việt Nam phải (hành trình) đi tìm Tự do? Và chỉ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 thôi! Tại sao ngày ấy? Từ đâu nên nỗi? Chúng tôi suốt 20 năm đã biết sống trong Tự do. Một Tự do nhỏ xíu hè! Và rất mong manh! Vì vậy thật đáng quý! Tự do thật đấy, và vì thế, chúng tôi phải đổ máu để giữ. Và suốt thời gian lúc chiến tranh, trong vòng 20 năm, chúng tôi đâu có «vượt biên đi tìm Tự do»? Trái lại, nếu có phải đi công vụ xa nhà, xong việc chúng tôi trở về.
Một thí dụ nhỏ: bổn nhơn người viết, và cũng của rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, cùng chung trường hợp du học sanh, khi tốt nghiệp, đa số chúng tôi đều trở về phục vụ Việt Nam Cộng Hòa. Du học sanh vào tuổi thanh niên, thoát quân dịch, tốt nghiệp xong, cá nhơn tôi vẫn trở về, dù với cô vợ người bản xứ Pháp, tôi có thể dễ dàng ở lại lập nghiệp ở Pháp. Với 10 năm sống ở ngoại quốc, bằng cấp quốc gia Pháp, gia cảnh vợ người Pháp, công ăn việc làm cũng ở Pháp, có đủ điều kiện nhập quốc tịch người, sống ăn đời ở kiếp xứ Tây. Nhưng chúng tôi trở về, đem cả gia đình (vợ Pháp, con quốc tịch Pháp) trở về sống và làm việc ở Sàigòn, để phục vụ đất nước Tự do của Sài gòn. Và để được giữ cái giá của Tự do của đất nước mà chúng tôi tự do lựa chọn phục vụ và sanh sống, chúng tôi dù còn trong thời gian hoãn dịch vì du học sanh trở về, vẫn tình nguyện nhập ngũ để được hợp lệ tình trạng quân dịch. Cho đến ngày phe ta tan hàng, bổn nhơn là quân nhơn được biệt phái phục vụ ngành giáo chức Việt Nam Cộng Hòa. Nghề tư chức chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm cơm.
Ngày 30 tháng Tư năm1975, vì đồng minh Huê kỳ hứa tiều, hứa wảng, hứa cuội, phản thùng, bỏ cuộc nửa chừng, cúp viện trợ quân sự, nên Việt Nam Cộng Hòa đành phải thua trận. Và toàn thể chúng ta, công dân Việt Nam Cộng Hòa, toàn thể người dân người miền Nam Việt Nam đều đi tù Cộng sản, người thường dân vô tội và gia đình quân cán chính của phía miền Nam ta thì ở tù lớn, còn quân cán chính phe ta đều đi tù nhỏ. Con trẻ, nam hay nữ chưa được thành niên phải lao động công trường, từ đấy thất học, lớn một tý thì Thanh Niên Xung Phong làm mồi cho đỉa ruộng, muổi rừng, sốt rét, còn đã trưởng thành rủi đã làm quân cán phe miền Nam, thì lao động cải tạo mút mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha. Cả miền Nam Việt Nam chúng ta thua trận đều phải bị phạt, đi phải tù, phải mất nhà, mất cửa, bị đuổi khỏi thành phố, đi lao động cuốc đất, đào mương, làm rẩy, đi đày lên rừng thiêng nước độc, đi khai quang khẩn ấp, dưới mỹ từ di cư đi vùng Kinh tế mới, chỉ vì chúng ta là người của xứ Tự do, chỉ vì chúng ta ở phía, chỉ vì chúng ta ở phe Tự do, và cuối cùng cũng vì Tự do bị tước đoạt luôn cả Tự do. Cũng vì Tự do bị sang đoạt, nên chúng ta đành phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng sản, dũng cảm, liều mạng, vượt biên đi «vùng Kinh tế mới»… tìm lại Tự do ở nước ngoài. Và ngày nay, cũng vì nạn Cộng sản, vì không muốn sống trong không khí Tự do đã bị tước đoạt, nên chúng ta phải sống tỵ nạn Cộng sản nơi đất khách, nơi tuy có Tự do, nhưng chúng ta phải lê kiếp sống lang thang tha hương cầu thực từ 40 năm nay. Vì những lẽ ấy, thiển nghĩ:
Ngày 30 tháng Tư không thể là ngày đi tìm Tự do của tôi, mà là ngày Cộng sản chiếm nước! Và vì uất hận, tôi bắt buộc phải đi tỵ nạn Cộng sản thôi!
Ngày đi tìm Tự do của bổn nhơn là ngày 15 tháng 8 năm 1971, ngày gia đình nhỏ của tôi trở về Sài gòn sau 10 năm du học để phục vụ một quê hương đang chiến đấu để giữ Tự do, và cũng để đóng góp với toàn dân cùng bảo vệ cái Tự do của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, Tự Do Nhân Bản Dân Chủ. (Xin hãy chú ý giùm, chúng tôi gọi Việt Nam Cộng Hòa là một nước, một quốc gia, chứ tôi không gọi là một chế độ hay một chánh thể).
Vì vậy tôi là người Việt của Quốc Gia Việt Nam.
Nhưng thưa, nếu tất cả quý anh quý chị, đều cho rằng «Nhờ có ngày 30 Tháng Tư, mới có Hành Trình đi tìm Tự Do cho người Việt», thì xin cứ tự nhiên, Vì thiển nghĩ, quý anh chị, ngày nay, có cái lý của quý anh quý chị. Quý anh quý chị sống nhờ có Tự do nơi xứ người, sống ngon lành hơn thời ở quê nhà. Nếu đối với quý anh quý chị, chỉ có ngày nay quý anh quý chị mới có Tự do, xin quý anh chị cứ tự nhiên quảng bá cái không khí thoải mái Tự do ở xứ người ấy. Đấy là quyền của quý anh quý chị.
Nhưng quý anh quý chị, trước khi cám ơn chánh phủ Canada, nhớ cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể, vì nhờ nó cướp nước mình nên gia đình quý anh chị mới chạy giặc vượt biên nên mới được Tự do như ngày nay!
Nhưng đối một số anh em chúng tôi, chúng tôi xin từ chối cái Ngày Hành Trình do Chánh phủ Canada tặng cho. Không dám nhận! Xin cám ơn, vì chúng tôi đã hưởng được Tự do rồi. Và nếu nhận, chúng tôi chả lẽ khinh, và khi dễ cái Tự do của Việt Nam Cộng Hòa đã cho chúng tôi sao? Sao chúng tôi dám quá vô ơn bạc nghĩa với các cha chú bác anh em bạn bè chúng tôi đã đổ máu, bỏ xác để giữ cái Tự do cho Việt Nam Quốc Gia, cho Việt Nam Cộng Hòa, cho miền Nam Việt Nam trong vòng 20 năm. Tội nghiệp cho các cựu quân nhơn, các góa phụ các cô nhi, các nạn nhơn đã bỏ thây, trên đường vượt biên của Việt Nam Cộng Hòa! Có thể khi ở quê nhà, tụi tui nghèo hơn bây giờ, cực hơn bây giờ. Con cái chúng tôi lúc ấy có thể ngu hơn bây giờ, nhưng chúng cũng có cái Tự do của chúng tôi. Cái Tự do ấy, chúng tôi không cắt nghĩa được, nhưng chúng tôi đã hưởng trọn vẹn, nay phải mang ơn cái Tự do ấy! Chúng tôi đã sống rất thoải mái, với cái Tự do đầy tánh dân tộc Việt ấy, với cái thoải mái của toàn người dân miền Nam Việt Nam, với cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Tự do trong tình Việt tộc với nhau, với tình đồng hương, với nghĩa đồng bào!
Các anh các chị có quyền hãnh diện thành tích đề nghị Chánh phủ Canada lấy một ngày trong lịch Canada làm một ngày kỷ niệm gọi là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do» tặng dân tỵ nạn gốc Việt, đúng với truyền thống Thiên chúa giáo Âu Mỹ, nâng đở và cưu mang người tỵ nạn trên thế giới. Và các anh các chị cũng có quyền hãnh diện có tài năng thuyết phục, lôi kéo được các quan chức Canada! Từ nay Canada có nghĩa là Tự do, đến đích rồi! Xin các anh, các chị hưởng lấy thành tích chánh trị ấy! Xin mừng cho các anh các chị! Congratulations!
Nhưng cám ơn các anh các chị, hãy xin quên dùm chúng tôi đi! Đừng rủ chúng tôi! Và chúng tôi xin van quý anh, quý chị, nghĩ tình quen biết, cũng đừng nhơn danh toàn người dân Việt Hải ngoại tỵ nạn Công sản tụi tui! Tội nghiệp tụi tui lắm, quý anh chị có lẽ bỏ nước đi trước, nên chắc không biết rõ Việt Cộng. Chứ dám tụi nầy, rành sáu câu lắm! Toàn là dân ở tù Cộng sản! Đứa dở lắm cũng dỡ nguyên một cuốn lịch! Đấy là giá rẽ đấy, chỉ vì tội vượt biên thôi. Còn số đông dân xấu số, bị đi «du lịch» thăm viếng tất cả các trại tù từ Nam đến Bắc, từ Đại Lợi Sài gòn đến Nam Hà Bắc Việt, dỡ cũng vài cuốn lịch.
Và nếu có ai có thích làm Ngày Kỷ Niệm Vượt Biên, nếu có thể, xin đừng lấy ngày 30 tháng Tư, xin tha cho cái Ngày Khốn Nạn Đầy Tội Nghiệp ấy! Đở cho tụi tui khỏi buồn, khỏi tủi thân, tuổi trên thất thập, sắp chết trên quê người rồi mà còn bị hất hủi!
Quý vị ráng nhớ xem, những hình ảnh hãi hùng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến bào, quân trang, vũ khí quân ta thất trận vứt ngổn ngang đầy đường, dân chúng hôi của các nhà bỏ trống, xác Đại Tá Long bên kia đường trước cửa Hạ Viện, cổng Dinh Độc Lập bị ủi sập… ấy là tôi chỉ nói Sài gòn, ấy là chỉ nói khu vực cá nhơn chúng tôi biết và nhìn thấy… còn những khu khác, vùng khác… như khu vực trước những cổng trại binh sĩ ta, nghe nói có giao tranh lớn, thỉnh thoảng có xác của địch quân Việt Cộng nằm co bên vệ đường, nghe nói có những anh em quân nhơn Việt Nam Cộng Hòa, ôm nhau cùng mở chốt lựu đạn tử tiết anh hùng. Làm sao quên được những hình ảnh ấy? Quý vị quên sao các vị Tướng anh hùng của ta đã tuẫn tiết? Quý vị quên sao được những ngày tháng trước, suốt tháng ba? Suốt tháng Tư? Quý vị có thể không thích, không muốn nghe những thành tích quân sự, đấu tranh giết chóc, vì ngày nay ra sống với người Âu Mỹ lâu năm, đâm ghét chiến tranh, ghét giết chóc, hận thù, nhưng xin quý vị lấy bình tâm một phút nhớ lại những làn sóng người thường dân lánh nạn, chạy giặc Việt Cộng! Hàng ngàn người thường dân vô tội, bị pháo địch giết hại trên đường tỵ nạn ra sao? Quên sao đường tỵ nạn số 19 từ An Khê tiến về biển Đông? Người chết như rạ vì pháo địch? Thế mà quý vị đành lòng gọi là Hành trình đi tìm Tự Do được sao? Vượt cầu Sông Ba bao người chết? Và Huế? Và Đà Nẳng? Và Nha Trang?… Phải, hãy gọi đấy là cuộc Bỏ Phiếu bằng chưn, hay Cuộc Lánh Nạn Cộng Sản, hay Cuộc Tỵ Nạn! Vì khi là thường dân bỏ Tây Nguyên đi lánh nạn Công Sản tiến về phía Đông, hay bỏ Huế tiến về Nam chỉ để tìm… phe Tự Do ta… đó thôi! Tự Do lúc ấy là Sài gòn, là miền Tây vùng Bốn, là đồng bằng Sông Cửu Long còn yên lành hiền hòa và cỏn…Tự Do. Tất cả người dân miền Nam lúc ấy, đi tìm Tự Do, đi tìm Yên Lành, Lánh Nạn, Tỵ Nạn tránh quân Giải Phóng tước đoạt Tự Do của chúng ta trong những vùng đất nước quê hương của chúng ta. Dân chúng miền Nam Việt Nam Tự Do của chúng ta không thể quên cuộc tàn sát người dân vô tội tại thành phố Huế của Tết Mậu Thân năm xưa. Dân chúng miền Nam chấp nhận, chết vì pháo kích, chết trên ven rừng, ven bụi, ngoài biển cả, chớ không để Việt Cộng đập đầu hay chôn sống! Vì vậy Uất Hận, vì vậy Quốc Hận!
Nếu muốn nói kỷ niệm «Hành Trình đi tìm Tự Do», nếu nói riêng cho năm 1975 là năm kết thúc cuộc Hành trình 20 năm giữ nước, giữ Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa, thì ta có thể nên bắt đầu bằng Ngày mất Ban Mê Thuột 10 tháng Ba 1975? Hay Ngày mất Huế 30 tháng Ba? Còn nếu chỉ để đánh dấu kỷ niệm những ngày dân chúng Việt Nam ùn ùn chạy lánh nạn Cộng sản? Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do có thể bắt đầu từ năm 1954, khi 1 triệu người miền Bắc bỏ xứ vào Nam để tìm Tự Do. Ngày Hành Trình có thể là Ngày 20 tháng Bảy?
Nhưng tại sao không lấy ngày 1 tháng 05? Này nhé, Việt Cộng chiếm Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, qua ngày 1 tháng 5 quân dân cán chánh phe ta bắt đầu vượt biên. Lấy ngày 1 tháng 05 là ổn thỏa nhứt.
Còn nếu khư khư giữ ngày 30 tháng Tư để làm Ngày Hành Trình đi tìm Tự Do, thì tội nghiệp cái đám «cựu dân Miền Nam» tụi tui lắm! Thằng tui đây, chỉ là lính 9 tuần, giáo chức hạng chót, tư chức hạng quèn, nên sơ sơ chỉ biết tý tý nhà tù Phan Đăng Lưu, trại T20, lao công chiến trường, theo sư đoàn Gia định giải phóng Cam Bu Chia sau Tết 1979, lao công cực khổ, dọc đường số 1 Sài gòn lên đến phà Nek Luong, cũng dỡ gần hết 4 cuốn lịch, mất trên chục kilô, liệt đi một giò. Còn hầu như một số đông anh em dân ka ki hay dân hành chánh thứ thiệt, đều nếm mùi Lý Bá Sơ hãi hùng, Nam Hà khốn nạn hay Cổng Trời rùng rợn! Vậy thì, thử hỏi ngày 30 tháng tư là ngày tụi tui đi «Hành Trình đi tìm Tự do» ở đâu?
Và cũng xin các anh các chị cũng đừng vội vàng kê tủ đứng chụp mũ chúng tôi, vì viện cớ, thừa nước đục, rằng Việt Cộng cũng phản đối «Ngày Hành Trình tìm Tự do», (của quý vị), nên quý vị nhét chúng tôi nhập bọn Việt Cộng, cá bè một lứa, chụp cho chúng tôi một cái nón cối, một đôi dép râu… thì kẹt tụi tui quá!
Cả đời chống nón cối, mà trên 70 tuổi lại đội nón cối, thiệt tình hổng giống ai!
Thôi xin các anh cho phép chúng tôi giữ cái niềm Uất Hận cùng cái tên Quốc Hận, phát âm chung là Wất Hận! Đúng giọng Nam kỳ, cho dzui cửa dzui nhà, đề huề phe miền Nam mình (có cả Bắc kỳ Di Cư 54)!
3/ Ngày 30 tháng Tư, Uất Hận cá nhơn, Quốc Hận Cả Nước:
Từ ngữ «Nước» ở đây, chúng tôi chỉ xin hạn chế trong phạm vi nhỏ một nước Việt trừu tượng, không biên giới, không chánh phủ, không thể chế, không quốc gia nhưng cùng dân tộc, nước Việt Nam hải ngoại của người Việt Hải ngoại tỵ nạn Cộng sản, phần đông là cựu công dân nước Việt Nam Cộng Hòa. Nước Việt hải ngoại chúng tôi gồm nhiều cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản trú ngụ trên nhiều quốc gia trên thế giới.
Còn có những cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại khác gốc gác với gốc cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa Tỵ Nạn Cộng Sản chúng tôi. Họ có thể tỵ nạn chánh trị (bất đồng ý kiến) hay tỵ nạn kinh tế. Ngoài những người Việt Kiều là công dân của nước Việt Nam Cộng Sản, như đã định nghĩa rõ ràng ờ phần bài trên; ở hải ngoại cũng có những người Việt gốc công dân hay cựu công dân của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tỵ nạn kinh tế hay tỵ nạn chánh trị vì hoặc bất mãn, bất đồng ý kiến, hay không sống nổi với nguồn kinh tế ở Việt Nam ngày nay. Cũng có những cá nhơn có thể chống hẳn, ly khai, đấu tranh đối lập với Đảng Cộng Sản hay Nhà Nước Cộng sản vì lý do quyền lợi cá nhơn, hay quyền lợi tập thể. Chúng tôi kính trọng tất cả, nhưng chúng tôi không dám rủ rê kéo họ họp vào cái nỗi đau Quốc Hận của chúng tôi, cũng như kéo họ vào đứng chung với lá cờ vàng ba sọc đỏ của chúng tôi.
Với 40 năm cầm quyền đất nước Việt Nam, Đảng Cộng sản đã thống nhứt về phương diện địa dư, nhờ chiếm đất cướp nhà, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hoàn thoàn thống nhứt lòng dân, và cũng gây nhiều uất hận, tạo nhiều bất bình. Trước, đối với người dân cư ngụ ở cựu miền Nam, cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa đã đành, nhưng đối với công dân thứ thiệt của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì ôi thôi cũng lắm chuyện bất bình. Thời thế nhiễu nhương, cháy nhà ra mặt chuột, sự thật dấu đầu lòi đuôi, ngày nay, lòi mặt láo khoét, mỵ dân, gạt dân, nên tạo ra nhiều thành phần bất bình, chống đối. Một loạt phong trào chống đối, phản đối bắt đầu chỉ vài năm sau hết chiến tranh, im tiếng súng và ngay trong lòng thành phần giai cấp cán bộ cầm quyền. Bắt đầu là những « cá nhơn » biến qua phong trào nào «phản tỉnh», nào là «tỉnh ngộ», rồi «ly khai», ấy là nói đến cán bộ, đảng viên, hay cựu đảng viên, tuy đã về hưu hay sắp về hưu; rồi đến «bất mãn» lan rộng đến thành phần các cảm tình viên, một thời nuôi cách mạng nay thất vọng, hoặc thành phần nông dân mơ được «làm chủ đất» nay bị «Nhà nước gọi là cách mạng cướp đất» tạo nên các phong trào «dân oan khiếu kiện»! Rồi ngày nay nhờ khoa học tin học, giấu tin không được, nói láo không thông, thế hệ trẻ đọc tin, học hỏi nước ngoài, biết thế nào là Tự do, thế nào là Dân chủ, thế nào là Nhơn quyền, đòi «cởi mở», vì không được nên thế hệ trẻ bất mãn, đấu tranh người «Dân chủ» kẻ đòi «các quyền Tự do», qua các mạng lưới tin học, tạo nên «phong trào bloggers»… Tóm lại đây là một cuộc Hành Trình tìm Tự Do tại chổ bắt đầu, tại quốc nội.
Một cuộc Hành Trinh đi tìm Tự Do khác cũng đang bắt đầu thành hình. Đây là cuộc Hành Trình trốn chạy kinh tế, một loại Vượt Biên Mới với tánh cách Kinh tế, bắt đầu do «dân xuất khẩu lao động» trước 1975 gốc Việt Nam Dân Chủ Công Hoà, hay sau này gốc Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa trốn ở lại nước ngoài, phần đông ở Đông Âu, các quốc gia cựu khối Cộng sản Đông Âu hoặc do dân đi công vụ xong trốn ở lại, vờ xin tỵ nạn chánh trị không về, cũng có những thành phần khác với những lý do khác, nào là du học sanh tốt nghiệp có việc làm, cũng ở lại không về. Nhưng phương cách hiện hành do thành phần quan chức Cộng sản đương nhiệm gởi con đi du học, phần đông còn trẻ vị thành niên, gởi gia đình người thân theo để săn sóc, và từ từ tẩu tán tài sản ra ngoại quốc ra, và cuối cùng bỏ xứ di cư, xin nhập cư bằng đầu tư (tùy quốc gia giá từ 500 ngàn đến 1 triệu dollars) hạ cánh an toàn. Họ thuộc thành phần gia tộc giai cấp đương quyền, cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản, nhờ tham nhũng nên giàu có, chuyển tiền di cư trú ngụ đất người!
Bốn mươi năm cầm quyền, Đảng Cộng sản đã làm xáo trộn đất nước, xáo trộn tình người, tạo nền văn hóa hổn độn, đất nước hỗn độn, dân tình ta thán. Trong nước hồ lốn, nhưng Nhà đương quyền không lo chỉnh đốn trái lại, như một con bạch tuột, Đảng Cộng sản lại thò những vòi ra đến tận hài ngoại để xáo trộn các cộng đồng người Việt tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, từ nay vì vậy lẫn lộn vàng thau, cộng trừ nhơn chia, chẳng còn biết ai gốc gác thiên về ai thuộc phe Tự do, hay ai thuộc gốc Ngụy quyền Cộng sản?
Kết Luận:
«Ngày Hành Trình đi tìm Tự Do» không phải do ngoại nhơn hay người Việt hải ngoại ban cho mà do chính bổn thân toàn thể nhơn dân Việt Nam đề nghị: Để quý anh quý chị thấy chúng tôi không có hồ đồ chống đề nghị đổi ngày của quý vị, và chúng tôi nhận định rõ ràng phải trái, chúng tôi có lời cám ơn quý anh quý chị đã nêu cho chúng tôi thấy cái ý niệm của «Hành Trình đi tìm Tự Do». Chúng tôi đề nghị nên áp dụng ý niệm đó cho tất cả cuộc đấu tranh trong nước. Từ các phong trào «Đòi Nhơn quyền, đòi Dân chủ, đòi Tự do Tôn giáo» qua đến các cuộc biểu tình «Trường sa, Hoàng sa – Đả đảo Tàu Cộng» hay «Dân Oan Khiếu Kiện», đến các «Phong Trào Bloggers», các bài viết đòi Dân Chủ, và nay «Phong trào Tôi không thích Đảng Cộng sản… tất cả đều là những chặng đường trong cuộc Hành Trình đi tìm Tự do đó.
Vì vậy, chúng ta phải trân trọng tất cả những chặng đường đã qua của «Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do». Ta đừng quên «Cuộc Hành trình» đã bắt đầu bằng những đấu tranh ngay từ những ngày đầu phe ta mất nước và nay đang tiếp tục tiếp diễn trong nước, mỗi người một vẻ, tùy giai đoạn, tùy trường hợp, tùy thời cơ… Từ những Phong trào Phục Quốc, Vinh Sơn những năm 1976/77, đến các anh hùng Trần Văn Bá và các chiến hữu anh em đã bỏ mình, tù tội, những năm 80, qua đến các cựu cán bộ đảng viên Cộng Sản phản tỉnh, các nhà đấu tranh đòi Dân Chủ, gốc hai miền Nam Bắc, các nhà đấu tranh đòi Tự do Ngôn luận, Tự do tôn giáo với linh mục Nguyễn Văn Lý, đến các bloggers, các nhà đấu tranh chống nạn Hán Hóa… Cuộc Hành trình thoạt đầu đi chậm, lẻ tẻ, cá nhơn, bí mật, dần dần đang chuyển thành công khai, đầy sáng tạo, tạo một sức mạnh chung, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc, rồi đây sẽ là một giòng thác lũ cuốn lũ độc tài!
Hãy vững tin, hãy nhẫn nại, tiếp tục ủng hộ các nhà đấu tranh, tiếp tục đấu tranh, mỗi người một tay, một kiểu, ồn ào hay lặng lẽ, chờ mong và tin tưởng ngày mai, một ngày mai rất gần, cuộc «Hành trình đi tìm Tự Do» của cả nước thành công, lật đổ Đảng Cộng sản cầm quyền, lấy lại quyền Tự quyết, tìm lại được Tự do. Lúc ấy toàn thể người Việt Tỵ nạn Cộng sản chúng ta ở hải ngoại sẽ nhập giòng «Hành trình Tự do» ấy, trở về cùng cả Nước, cùng cả Dân Tộc, xây dựng lại Non Sông.
Lúc ấy toàn dân tộc Việt Nam chúng ta vinh danh một ngày, lựa một Ngày trong lịch Việt Nam làm «Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do» cũng sẽ không muộn. Và chắc chắn sẽ vinh quang hơn, vì quyết định chung của cả Nước, cho cả Nước! Vì là đây là cuộc «Hành trình đi tìm Tự Do» của cả một dân tộc Việt Nam Tử Tế để xây dựng một đất nước Việt Nam Tử Tế góp mặt với thế giới.
Mong Lắm!
Hẹn nhau tại Sài gòn!! À Saïgon bientôt! See You soon in Saigon!
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Chay Hải Ngoại thứ 40
Sự chuyển hóa mong manh của Trung Cộng – R. Baker và J. Minnich, Phạm Ðức Duy dịch
Tuần trước, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Cộng (TC) đã có một bước ngoặc đáng kể, nhưng đa số chúng ta đã bỏ qua. Cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), kẻ được xếp hạng cao nhất tính đến bây giờ bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của TC, đã bị Tòa án nhân dân tối cao TC đưa ra tuyên bố cáo buộc là “chà đạp pháp luật, hủy hoại sự đoàn kết trong Đảng Cộng sản, và tiến hành các hoạt động chính trị ngoài phạm vi Ðảng.” Hiểu theo ngôn từ của Trung Nam Hải, tuyên bố này được xem gần như là sự xác nhận những tin đồn trước đó rằng Chu và –một cựu đồng minh chính trị và cũng từng là một đảng viên cao cấp tương lai đầy hứa hẹn từ Trùng Khánh- Bạc Hy Lai (Bo Xilai), đã âm mưu một cuộc đảo chính để lật đổ Chủ tịch TC và Tổng Bí thư Ðảng Tập Cận Bình (Xi Jinping). Vì vậy, tuyên bố này của tòa án đánh dấu một sự khởi đầu căn bản trong thay đổi về ngôn từ chính thức không có tính liên hệ chính trị thường được dùng từ trước tới nay về chiến dịch chống tham nhũng.
Dĩ nhiên, lâu nay ai cũng hiểu rõ chiến dịch chống tham nhũng của Tập không chỉ là một cuộc chiến chống tham nhũng, mà còn là một cuộc thanh trừng chính trị để những kẻ lãnh đạo mới thắt chặt kiểm soát Đảng, chính phủ và bộ máy quân sự TC. Nhưng ngôn ngữ chính thức về chiến dịch từng được dùng chỉ luôn đề cập về mặt chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân, chứ không có những lời lẽ đưa ra để ám chỉ ca’c “hoạt động chính trị” của nghi phạm – nhất là những kẻ đã từng ở vị trí lãnh đạo cao như họ Chu, người nắm trọn ngành công nghiệp năng lượng cả nước và bộ máy an ninh nội địa và là một trong những đảng viên quyền lực nhất trong thập niên qua. Dù chưa rõ mục đích chính xác là gì, lời tuyên cáo của Tòa án tối cao lần này gián tiếp đề cập đến cuộc đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang là một việc không bình thường.
Nếu cho rằng việc sử dụng cụm từ “tiến hành các hoạt động chính trị ngoài phạm vi Ðảng” là quan trọng, thì câu hỏi cần nêu lên là: lý do gì đã quyết định sử dụng cụm từ đó? Và vào thời điểm này? Ðiều này nói lên việc gì? Có hai cách giải thích. Thứ nhất, nó có thể đánh dấu một sự thay đổi mới trong cách thức Trung Nam Hải muốn tiếp tục tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và ngụ ý rằng từ nay chiến dịch sẽ công khai mang tính chính trị nhiều hơn. Thứ hai, nó có thể báo hiệu rằng phe cánh của Tập tự tin là đã hoàn toàn loại bỏ hết các mối đe dọa của nhóm Chu Vĩnh Khang, và công nhận chấm dứt một giai đoạn của chiến dịch chống tham nhũng: loại bỏ các phe cánh chống đối – để từ nay bắt tay vào việc củng cố thêm quyền lực và kiểm soát hơn nữa toàn bộ bộ máy cầm quyền.
Nếu suy luận đầu là chính xác, chiến dịch chống tham nhũng sẽ tàn bạo hơn và rất có thể gây bất ổn nhiều hơn khi nó chuyển từ một cuộc thanh trừng tương đối tập trung và để làm trong sạch Đảng sang một cuộc tấn công toàn bộ chống lại những thế lực có thể thách thức nền độc tài họ Tập đang gây dựng. Theo giả thuyết thứ hai, với những kẻ muốn thách thức Tập đã bị công nhận là âm mưu chống đảng, và nay với quyền lực chính trị tập trung vững chắc dưới phe Tập, lãnh đạo TC có thể để sự khác biệt về chính kiến sang một bên và chú tâm vào nhiệm vụ khó khăn hơn và quan trọng là xây dựng một chính phủ sẵn sàng để đương đầu với các khó khăn sâu sắc về xã hội và chính trị mà chắc chắn sẽ đưa đến những suy thoái kinh tế của TC.
Chiến lược của Tập
Trong cả hai trường hợp, chiến dịch chống tham nhũng và tập trung chính trị có lẽ là ưu tiên hàng đầu trong các sáng kiến của Tập từ trước đến nay. Nhưng rõ ràng là vẫn chưa đủ để đối phó với vô số các vấn đề của TC… vậy những gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hai sự kiện gần đây có thể giúp người ta hiểu rõ hơn hướng đi của TC và chiến lược của Tập như thế nào để lèo lái TC và Đảng Cộng sản một cách an toàn qua những năm tháng khó khăn trước mặt. Đầu tiên là việc nhấn mạnh đổi mới của Đảng sau phiên họp toàn thể lần thứ tư trong tháng Mười 2014 về việc thành lập quy tắc hiệu quả của pháp luật. Thứ hai là công bố vào tháng Hai vừa qua là từ nay chiến dịch chống tham nhũng sẽ chú trọng vào 26 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của TC trên các lãnh vực tài nguyên, xây dựng, công nghiệp nặng và viễn thông. Công bố này được đưa ra một tháng trước cam kết mới của chính phủ là sẽ sáp nhập và phối hợp các khu ngành quốc doanh. Ðây là lần đầu tiên chính phủ đã công khai tuyên bố phủ đầu những mục tiêu của chiến dịch trong tương lai. Một cảnh báo công bằng, về mặt lý thuyết, như một quan chức TC so sánh: chính phủ có kế hoạch “treo lưỡi gươm của Damocles” trên đầu các khu ngành nhà nước.
Chủ đề liên kết hai yếu tố dường như khác nhau ở trên là trở ngại về sự phát triển chính trị trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội – đó là, làm thế nào để xây dựng các tổ chức nhà nước linh hoạt và thích ứng có khả năng điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu ngày càng nhiều của một xã hội Trung Hoa đang được đô thị hóa và công nghiệp hóa, cũng như hậu công nghiệp hóa ở một số vùng.
Trong khi xã hội và nền kinh tế tại TC đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong suốt 30 năm qua -nền kinh tế đã tăng gấp 9 lần nếu chỉ tính từ năm 2000– thì cấu trúc chính trị đã chỉ thay đổi từng bước nhỏ. Trên nhiều khía cạnh, nhà cầm quyền TC ngày nay tuy vững mạnh hơn và hiệu quả hơn so với lúc Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) lên nắm quyền vào năm 1978, nhưng nó vẫn còn giữ hình thức cơ bản mà họ Đặng đã đưa ra hơn nhiều thập niên trước. Chừng nào nền kinh tế của TC phát triển theo cách riêng của nó, mô hình này vẫn đủ để đáp ứng với nhiệm vụ đơn giản là chỉ để ngăn chặn chính trị -một Mao Trạch Ðông thứ hai- có thể làm cản trở nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, với chiến dịch chống tham nhũng và tập trung quyền lực của Tập đang biểu hiện, mô hình dựa trên sự ‘đồng thuận chính trị’ để đi đến những quyết định do họ Đặng đưa ra lúc trước đang bị phá bỏ.
Khi Tập Cận Bình thay Hồ Cẩm Đào làm Chủ Tịch nước và TBT đảng là lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 70s người được truyền ngôi lãnh đạo mà không do họ Đặng sắp đặt trước. Sau sự tàn phá của cuộc Cách mạng văn hóa vô sản và triều đại ngắn ngủi của Tứ Nhân Bang, Ðặng Tiểu Bình sau khi nắm quyền lãnh đạo TC, không những đã đảo ngược nhiều chính sách kinh tế của Mao Trạch Đông, mà còn làm nhiều thay đổi cơ bản về tổ chức chính trị của TC. Thay vì dùng mô hình cách mạng của Mao, luôn tạo biến động không ngừng, họ Đặng đã dùng một mô hình tiến hóa, trong đó xử dụng ‘chính trị tập thể đồng thuận’ để vừa phá vỡ các bè phái cực đoan từ thời Mao và vừa làm giảm khả năng của bất kỳ cá nhân nào có thể xây dựng lại một bè phái rõ ràng trong một môi trường gồm các nhóm lợi ích vừa cạnh tranh và vừa hợp tác với nhau.
Để tăng cường hơn nữa sự ổn định, Ðặng đã chọn cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào để bảo đảm kế hoạch chọn người kế nhiệm được xác định rõ ràng trong suốt hơn hai thập niên qua. Hệ thống ‘chính trị đồng thuận’ đã chứng minh phần lớn có hiệu quả trong gần ba thập niên của “phép lạ” phát triển kinh tế tại TC. Mục đích chính của chính phủ là đem lại sự ổn định trong Đảng và hệ thống kinh tế tổng thể, chủ yếu đóng một vai trò quản lý, chứ không phải vai trò lãnh đạo mang tính sáng tạo. Dĩ nhiên đã có ít nhiều khủng hoảng xảy ra, nhưng thường là ngắn ngủi, và phản ứng của chính phủ là để giảm thiểu, chứ không phải thực hiện bất kỳ thay đổi cơ bản đáng kể nào trong hệ thống chính trị, kinh tế, hay xã hội.
Nhưng khi Hồ chuyển giao quyền lãnh đạo qua Tập lúc 2012-2013, TC đã đang ‘thám hiểm một vùng đất mới’. Quá trình chuyển giao quyền lực này không chỉ ra ngoài những điều họ Ðặng đã chuẩn bị, mà còn đã xảy ra đúng vào lúc mô hình kinh tế của TC từ thời Đặng Tiểu Bình đã không còn hợp thời nữa. Cũng như nhiều con hổ kinh tế châu Á trước đó, mô hình kinh tế nặng tính đầu tư của chính phủ và lệ thuộc vào xuất khẩu của TC đã đi đến chỗ nếu chỉ dựa vào sự tăng trưởng mà thôi thì không đủ để duy trì các hoạt động kinh tế, và xã hội đã phát triển nhanh hơn so với mô hình chính trị. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với tình trạng ù lỳ kéo dài tại châu Âu, càng tạo thêm nhiều khó khăn cho TC và khiến Bắc Kinh thấy rằng họ không còn có thể trì hoãn hơn nữa những gì họ đã cố tình trì hoãn trong hơn một thập niên qua: tái cơ cấu nền kinh tế để khai thác và xử dụng tốt hơn sức tiêu thụ trong nước.
Các hành động của Tập là những triệu chứng của sự thất bại trong mô hình chính trị và kinh tế của Ðặng. Chiến dịch chống tham nhũng là một trong những yếu tố của một quá trình chuyển hóa rộng lớn hơn để đưa TC từ mô hình kinh tế cũ (dựa vào xuất khẩu với chi phí thấp và đầu tư xây dựng) sang mô hình kinh tế mới (dựa trên tiêu thụ trong nước, dịch vụ và sản xuất sản phẩm có giá trị cao). Quá trình này sẽ tạo ra những căng thẳng lớn về xã hội, kinh tế và chính trị trong một thời gian từ 5 đến 10 năm. Mô hình cũ không còn khả thi để tiếp tục đem lại sự thịnh vượng và ổn định.
Hướng tới một trật tự chính trị mới
Những gì TC hiện đang xây dựng ở vị trí mô hình cũ dường như là một trật tự chính trị tập trung hơn và mang tính cá nhân hơn: thực chất, là một chế độ độc tài của thời đại họ Tập. Đồng thời, với định hướng phát triển kinh tế xã hội, TC cần kích thích sự tiêu thụ trong nước và các ngành công nghiệp đổi mới, có giá trị cao. Rõ ràng để thành công, trật tự chính trị mới này sẽ cần phải có những khác biệt cơ bản so với kiểu chế độ độc tài đã được Mao thành lập.
Chiến dịch chống Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai không phải chỉ là xung đột giữa các cá nhân và còn đi xa hơn vấn đề cơ bản chống tham nhũng. Đó là một trận chiến để chọn lựa mô hình nào Đảng CS TC sẽ dùng để duy trì quyền lực và kiểm soát trong quá trình chuyển đổi kinh tế; và đó cũng là trận chiến về phương cách nền kinh tế sẽ chuyển hóa như thế nào. Một mặt, Bạc và người đỡ đầu Chu, tán thành việc quay trở lại với mô hình chính trị cách mạng của thời Mao Trạch Ðông, trong đó thực quyền không phải ở bộ máy hành chính, và chắc chắn cũng không phải trong các quy định của pháp luật, mà là trong tay của một nhà lãnh đạo có uy tín, và nhà lãnh đạo đó có lẽ chính là họ Bạc. Mặt khác, với những cam kết gần đây nhằm tăng cường các quy định của pháp luật, cũng như hợp lý hóa và cải thiện một cách nghiêm chỉnh chức năng của các đại doanh nghiệp nhà nước, phe Tập Cận Bình đang dự tính một hướng đi khác. Cái nhìn của phe Tập là một mô hình chính trị có vẻ mang các yếu tố dựa trên di sản của Mao -tập trung quyền lực chính trị và chủ nghĩa dân tộc cực đoan- nhưng cuối cùng vẫn giữ mô hình tiến hóa của Ðặng Tiểu Bình, chứ không phải là thay đổi, cách mạng.
Giả sử việc chính trị hóa các cáo buộc đối với Chu Vĩnh Khang là một dấu hiệu chiến thắng của phe Tập về mô hình chính trị, xã hội và kinh tế cho các cải cách tại TC, điều này chứng tỏ giới lãnh đạo TC, ít nhất về mặt nổi, đang tìm kiếm một mô hình, trong đó, mặc dù dưới sự lãnh đạo chặt chẽ từ trung ương, sẽ cố gắng xây dựng một guồng máy nhà nước chủ động, làm việc hiệu quả và có hiệu suất cao. Mô hình này cũng gần như chắc chắn sẽ tạo ra một số mức độ pháp lý để bảo vệ cho quyền sở hữu tư nhân và trí tuệ – ít nhất là đối với những người dân Trung Hoa – như một phương tiện để kích thích sức tiêu thụ trong nước và đổi mới.
Những tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Hoa gần đây về tầm quan trọng của việc tăng cường các quy định pháp luật, cùng với chiến dịch chống tham nhũng, đặc biệt là trong các ứng dụng của nó đến quá trình sáp nhập và phối hợp các khu ngành quốc doanh chứng tỏ TC đang bắt đầu hướng về mô hình này. Chủ nghĩa chuyên chính và quy tắc hiệu quả của pháp luật về cơ bản không mâu thuẫn nhau; chế độ độc tài và quản lý hiệu quả cũng vậy. Lịch sử đã cho ta một vài ví dụ về các quốc gia kết hợp sức mạnh của chính quyền và bảo vệ pháp lý cho những thứ như sở hữu tư nhân và hợp đồng mà không cần áp dụng dân chủ: như ở Phổ (Prussia) vào thế kỷ 19, hoặc tại Singapore hiện nay. Giới lãnh đạo của TC chắc cũng nghĩ đến những trường hợp trên trong lúc đang cố gắng củng cố các quy định luật pháp của họ và cải cách hành chính.
Tuy nhiên trở ngại của sự so sánh này là Phổ, thời đông dân nhất vào năm 1871, cũng chỉ có ít hơn 25 triệu người, và vào cuối của thời chiến tranh Napoleon, dân số chỉ có 10 triệu. Singapore là một đất nước với 5.4 triệu dân. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia này đã làm việc trong nhiều thập niên, qua các thế hệ kế tiếp nhau, để xây dựng những bộ máy chính quyền có hiệu suất cao kết hợp giữa các loại hình thức bảo vệ những quyền sở hữu có hiệu quả đã được lịch sử chứng minh là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình tiến lên một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Những khác biệt giữa Phổ và Singapore với TC rất nhiều và rất to lớn hầu như không thể so sánh được. Nhưng có hai khác biệt quan trọng, hai khó khăn cơ bản đối với TC, nổi bật nhất là: kích thước và thời gian.
Giữa chuyển hóa và thay đổi cách mạng
Trong suốt lịch sử, Trung Hoa đã phải vật lộn với một vấn đề mang tính chu kỳ phổ biến: Để quản trị một quốc gia rộng lớn và đông dân, trung ương đầu tiên muốn kiểm soát các hạ tầng bên dưới cần phải xây dựng và mở rộng một hệ thống chính quyền có khả năng quản lý sự phức tạp và quy mô của đất nước Trung Hoa. Theo thời gian, các chính quyền địa phương dần dần chiếm đoạt ảnh hưởng quyền lực từ trung ương và cuối cùng lợi ích của các địa phương là trên hết. Tại thời điểm khủng hoảng quốc gia, trung ương cố gắng giành lại quyền kiểm soát, chỉ để nhận ra rằng quyền lực đã hoàn toàn bị phân tán. Quan liêu chống lại những thay đổi, và hệ thống thường bị phá vỡ sau khi nỗ lực để cải cách. Sau đó, một sức mạnh mới của chính quyền trung ương lại mọc lên từ đống tro tàn của cái cũ, và chu kỳ lại bắt đầu một lần nữa.
Đảng Cộng sản TC không xa lạ gì với chu kỳ này. Mao Trạch Ðông đi theo lối cách mạng, chấp nhận phân hóa và gián đoạn thường xuyên để giữ cho bộ máy hành chính luôn tùy thuộc hoàn toàn vào quyền lực từ trung ương. Ðặng Tiểu Bình khuyến khích sự quan liêu, với hy vọng sự thịnh vượng về kinh tế cùng với một vài điều chỉnh nhỏ cuối cùng có thể mang lại sự cân bằng quyền lực giữa trung ương và hạ tầng hành chính. Trong khi mô hình của Đặng là một sự thay đổi mang tính cách mạng từ mô hình chủ nghĩa Mao, nó đã được xác định trên một sự thay đổi, chuyển hóa từ từ, ổn định và có thể tránh được những chu kỳ đã nêu bên trên trong lịch sử Trung Hoa. Sự thay đổi quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, và những thách thức của Bạc Ly Hai, khiến câu hỏi được đặt ra là liệu mô hình của Đặng vẫn còn có thể áp dụng được hay không.
Sự khác biệt giữa mô hình cải cách của Tập và quan điểm của Bạc một phần là cách thức họ sẽ khai thác sự hỗ trợ của người dân như thế nào. Cả Tập và Bạc sẽ cần phải tái cân bằng của cải từ những khu kinh tế phát triển vùng ven biển và lưu vực sông Dương Tử. Bạc Ly Hai đã xuyển dương sự tôn sùng cá nhân tại Trùng Khánh và pha trộn chủ nghĩa dân tộc đại hán với lòng tôn thờ đảng, dường như đã biện minh được rằng thông qua tuyên truyền cách mạng, theo khuôn mẫu của chủ nghĩa Mao trong việc khai thác sự ủng hộ rộng lớn của quần chúng có thể tước đoạt quyền lợi kinh tế để cưỡng bách việc tái phân phối của cải.
Trong khi đó, mặc dù chắc chắn đang củng cố quyền lực và muốn có kiểm soát nhiều hơn, Tập Cận Bình theo đuổi một hướng đi có tính chuyển hóa hơn để định hình lại nền kinh tế của TC. Thay vì dùng tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mao, Tập dùng bộ máy tuyên truyền để tô vẽ mình gần như là một vị Tổng thống một nước Âu Mỹ, một nhà lãnh đạo có đầy đủ năng lực nhất, đáng được tin cậy để hướng dẫn TC qua thời điểm khó khăn. Trong khi đang khai thác một loại chủ nghĩa dân tộc đại hán hoặc yêu nước cực đoan, họ Tập cố gắng để mọi người có thể đồng ý về chính sách, chứ không phải là chống lại nhau.
Tuy nhiên, câu hỏi căn bản là liệu TC có thời gian cho một sự thay đổi chuyển hóa không. Vài quốc gia châu Á khác đã trải qua các tiến trình chuyển hóa kinh tế và chính trị quan trọng, thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji-era) ở Nhật Bản, Phát Chánh Hy (Park Chung-hee) của Nam Hàn, mỗi nước đều từng có những thay đổi triệt để và nhanh chóng hơn đi đôi với các bất ổn lớn trong xã hội – TC có thể bị bắt buộc phải làm như vậy. Thi hành những cải cách rộng lớn về kinh tế là một việc rất phức tạp, và nền kinh tế TC hiện còn quá nhiều “gỗ chết” (dead wood) tồn tại qua mấy thập niên từ thời đại Mao cần phải vứt bỏ.
Giả sử Singapore và thậm chí Phổ có thể là mô hình cho TC bắt chước để thực hiện tiến trình chuyển hóa kinh tế trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ từ trung ương, thì Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) và các hoàng đế Kaiser không bao giờ phải đương đầu với một dân số gần 1.4 tỷ người, mà hơn hai phần ba trong số đó vẫn bị bỏ rơi trong cảnh nghèo đói sau hơn ba thập niên với những lời hứa tất cả mọi người sẽ hưởng một cuộc sống thịnh vượng. Khi TC cố gắng để chuyển đổi từ nền kinh tế với những sản phẩm rẻ tiền và sự kích thích kinh tế qua xây dựng do chính phủ tài trợ, tầng lớp người nghèo trong xã hội sẽ bị thiệt thòi. Một sự thay đổi dần dần trong mô hình kinh tế sẽ cho phép TC từ từ đem lại một đời sống kinh tế tốt hơn cho giới lao động. Nhưng chưa chắc Bắc Kinh có thời gian cho sự chuyển hóa chậm chạp này.
Và có hoặc không có TC, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chuyển hóa.
nguyên bản: China’s Fragile Evolution, Rodger Baker and John Minnich, 3/24/2015, Phạm Ðức Duy dịch
Vui cười
Hôm nọ, mình uống bia với bạn ,nhưng uống không nhiều, trên đường về mình nghĩ được một ý tưởng…Về đến nhà, mình giả vờ say, vợ chưa bao giờ thấy mình say tệ như thế, chạy ra đỡ mình. Mình vả cho cô ấy một cái (nhẹ thôi, nhưng cũng đủ đỏ má) và đẩy ra, quát: “Cô là đứa nào, ngòai vợ tôi ra, chưa có đứa con gái nào đụng được vào người tôi nghe chưa”.Và mình lỉnh luôn vào buồng lăn ra ngủ, sau dậy ăn cơm. Lạ lắm, thấy mình dậy, vợ ngoan ngoãn dọn cơm, lấy ghế ngồi ngắm mình ăn mà mặt lại rạng rỡ lạ, lại còn tủm tỉm cười. Hic, mình thì trả thù được mà vợ mình lại sướng
Vladimir Poutine tái xuất-hiện sau mười ngày vắng bóng – Nhữ Đình Hùng Tổng hợp Bổ túc ngày 21.03.2015
Ngày thứ hai 16.03, Vladimir Poutine đã tái-hiện ở điện Constantin, gần Saint Pétersbourg, trong buổi tiếp đón tổng thống Almazbek Atambaïev của Kirghizistan.
Việc xuất-hiện này đã làm chấm dứt các tin tức đồn đón về tổng thống Nga Poutine, nào là ông này lâm trọng bệnh (cúm, ung-thư, xuất huyết não, đau lưng..), nào là đã bị bắt giam do đảo chánh, nào là ông ta bí mật sang Thụy Sĩ thăm cô bồ đi đẻ… Mặc dù điện Kremlin đã nhiều lần đính chánh các tin đồn này, nhưng việc ông Poutine vắng mặt liên tục mười ngày khiến mọi người ngạc nhiên! Ông Poutine đã vắng mặt kể từ ngày 05.03, sau khi tiếp chủ-tịch hội-đồng chính-phủ Ý, Matteo Renzi. Trong tuần vừa qua, ông Poutine đã cho hủy chuyến công-du đi Kazakhstan để gặp các tổng thống nước này và tổng thống nước Biélorussie, hủy việc đến Nam Ossétie để ký một thoả-hiệp hợp-tác 5nam Ossétie là vùng li khai của nước Géorgie). Để đính chánh các tin đồn đãi này, cơ quan truyền thông của Nga đã cho đăng hình ông Poutine gặp ông Vyacheslav Lebedev, chủ-tịch tối-cao pháp-viện Nga vào ngày thứ tư tuần qua, nhưng trong hình không ghi chú ngày giờ, cũng như không thấy sự hiện diện của các ký-giả..Ngày thứ sáu, truyền-hình cho chiếu cảnh Vladimir Poutine đang làm việc ở nhà riêng tại Moscou…
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sau cuộc gặp tổng thống nước Kirghizistan, ông Poutine đã khôi hài ‘không có mấy tin nhảm này, người ta sẽ chán nản’.
Trong cuộc gặp gỡ với truyền-thông trong dịp tái-xuất -hiện ngày thứ hai 16.03, Ông Poutine đã cho đài truyền-hình Rossia1 hay là sau việc Crimée tái sát-nhập vào Nga, để phòng việc can-thiệp của tây-phương, Nga đã dàn trải những dàn phóng hỏa tiễn phòng-vệ duyên hải K-300P ở ven biển Crimée. ‘Đây là những hoả-tiễn phòng-vệ duyên-hải hữu-hiệu nhất cho đến nay. Và ở vào một lúc nào đó, để cho mọi người biết rằng Crimée được phòng-vệ chặt chẽ, chúng tôi đã đưa các dàn phóng đến đó’.
Vào hồi đó, OTAN đã quyết-định gởi theêm các phi-cơ đến ba quốc-gia ‘baltiques’ (trong khuôn khổ chiến-dịch Baltique Air Policing) và các phi-cơ AWACS trên bầu trời Ba-Lan để có một canh-phòng không-phận! Trong vùng Crimée, Hoa-Kỳ đã gởi chiến-hạm USS Truxtun đến vùng Hắc Hải để thao diễn chung với hải quân nước Bulgarie và Roumanie, nói rằng đây là một thao-diễn đã được hoạch-định trước. Về phiá Nga, nước này coi hành động của OTAN và của Hoa-Kỳ là một đe dọa. Cũng trong cuộc nói chuyện với đài truyền-hình Rossia1, ông Poutine cho biết đã có ý-định đặt Nga trong tình trạng báo-động chiến-lược. Chúng tôi lúc đó không biết nếu như Tây Phương sẽ can thiệp quân-sự. Vì vậy, tôi bắt buộc phải đưa các chỉ thị phải làm cho lực lực quân sự chúng ta… ra lệnh về thái-độ của Nga và của lực lượng quân-sự chúng ta trong mọi tình huống… Tôi đã nói chuyện với các đồng sự và tôi nói với họ rằng đây là lãnh-thổ lịch-sử của chúng ta, rằng người Nga cư ngụ ở đó, rằng họ bị nguy hiểm và chúng ta không thể bỏ rơi họ… Đó là một vị thế ngay thẳng và cởi mởVà chính vì thế, tôi không nghĩ một người nào đó có ý-định gây ra một cuộc tranh-chấp toàn cầu’.
Diễn hành của lực lượng OTAN và Hoa Kỳ tại Estonie nhân ngày độc lập của nước này
Phải chăng, trong cuộc vắng mặt mười ngày lần này, ông Poutine đã nghiền ngẫm sách-lược phải đối phó trước việc diễn hành của OTAN và Hoa Kỳ nhân ngày quốc khánh của Estonie vào cuối tháng 02 vừa qua?
Tổng hợp 17.03.2015
Hay chỉ cốt hướng sự lưu ý của dư luận quốc-tế ra ngoài việc thủ lãnh đối lập Boris Nemtsov bị ám sát (Theo nguồn tin của The Moscow Times, dẫn lại nguồn tin của thông tấn xã Rosbalt, các hung-phạm đã ám sát ông Boris Nemtsov với một khoản tiền thuê là 80.000 euros, trong khi đó, nghi can chính trong vụ, Zaour Dadaïev, nói rằng ‘vì lý do tôn giáo’. Dadaïev là cựu nhân-viên của lực-lượng đặc-biệt tchétchène.)
Có lẽ việc Poutine vắng mặt trong nhiều ngày là nhằm chuẩn-bị việc đối-phó với những tình-hình phức-tạp. Trước hết là việc kỷ niệm một năm ngày tái sát nhập Crimée vào Nga. Trong một phim tài liệu dài trên hai tiếng nhân dịp kỷ-niệm một năm ngày Crimée tái sát-nhập vào Nga, ông Poutine, trong phim, đã cáo buộc Hoa-Kỳ đã dàn dựng ‘cuộc cách-mạng Euromaidan’ ở Ukraine. Trong phim, ông đã nói tới thắng-lợi không đổ máu ở Crimée, sự hưởng lợi của Nga và Crimée về việc này. Trong phim, Poutine đã nói rõ việc ông ra lệnh cho các trưởng tình báo của Nga có những biện-pháp ‘để sát nhập Crimée trong đêm 22 rạng ngày 23 tháng hai 2014 khi thấy rõ ràng việc tổng-thống Ukraine lúc đó là Victor Ianoukovitch sẽ mất quyền-hành. Poutine cũng thừa nhận việc ra lệnh cho các lực-lượng Nga, Spetznaz, dưới sự kiểm soát của GRU (sở tình báo quân đội) và thuỷ quân Nga chuẩn bị việc tái chinh phục bán đảo chiến-lược để ‘tái thống-nhất’ (Crimée truèức đây thuộc Nga đã được tổng bí thư Kroutchev nhường cho Ukraine). Lý do được Poutine viện dẫn là để bảo-vệ dân Nga trên bán đảo! Và Poutine cũng cho biết ông đã có quyết-định này sau khi đã thực-hiện một thăm dò (được bí mật tổ chức) trước khi mở cuộc trưng-cầu dân-ý về việc ‘tái thống-nhất’. Nói chung, trong phim Poutine đề cao vai trò lãnh đạo của mình, đề cao sức mạnh quân-sự của Nga (lực lượng đặc biệt, hải-quân, không quân và lực lượng hoả-tiễn chiến lược được báo-động lần đầu kể từ sau chiến tranh lạnh! Việc Poutine thừa nhận lực lượng hoả tiễn chiến-lược, một lực lượng có trang bị đầu đạn nguyên tử, được báo-động đã là một thông-điệp mạnh mẽ nhằm gởi đến các quốc-gia tây-phương. Điều này liệu sẽ mở ra một cuộc đối đầu mới?
Ngày thứ hai 16 tháng ba, bộ-trưởng quốc-phòng Nga Sergei Choïgou qua ngõ báo chí đã cho biết việc 45000 binh sĩ Nga tham-dự các diễn-tập trên toàn-quốc, với 41 tàu chiến và 15 tàu lặn, và 110 phi-cơ, đây là cuộc diễn tập lớn nhất của Nga kể từ khi chấm dứt ‘chiến tranh lạnh’ Cuộc diễn-tập này diễn ra ở Crimée, trong vùng Arménie,trong hai vùng tiểu bang li khai Abkhazie và nam Ossétie. Theo một nguồn tin từ bộ quốc-phòng Nga trong ngày 17.03, việc đặt các phi-cơ oanh-tạc chiến-lược ở Crimée đang được xét tới. Đây là các phi-cơ Tupolev 22-M3, loại oanh-tạc-cơ chiến-lược mang vũ khí nguyên-tử! Nga đã nhiều lần đề cập việc đặt các phi cơ này ở Crimée, nơi có căn-cứ hải-quân của Nga, vào năm 2016.
Hải quân Nga ở Crimée cho tập trận chống tấn-công của hải-quân địch trong khi hạm đội ở Baltique tập trận chống tấn-công của không-quân địch. Trong vùng trung tâm Nga, 200 chiến xa thực tập việc bao vây một thành-phố, trong khi đó, ở Bouriatie (Sibérie) các đơn vị không-quân thực-tập đáp-ứng cuộc chiến-tranh điện-tử. Cuộc thực-tập quân-sự của Nga sẽ kéo dài đến cuối tháng ba.
Trong khuôn khổ diễn tập, Nga cũng đã cho dàn trải vào ngày 17.03 các dàn phóng hoả-tiễn Iskander-M trong khu-vực đông Kaliningrad, dọc biên-giới Ba-lan và Lituanie, và đặt các đơn vị khinh-kị ở Pskov, dọc biên-giới Lettonie và Estonie, trong tình trạng báo-động đỏ !
Mục-tiêu chính của diễn-tập quân-sự được nhắm vào vùng bắc-cực, huy-động 38000 quân; Nga nói rằng họ muốn bảo-đảm khả-năng hoạt-động của hạm-đội ở bắc-cực, bảo-đảm an-ninh các đường giao-thông hàng-hải, hàng-không và đường bộ. Nga cũng muốn bảo-đảm việc dàn trải quân trong vùng quần-đảo Novaya Zemlya và François-Joseph. Việc vận-chuyển các lực lượng đặc-biệt trong khu-vực này cũng là mục tiêu thực-tập.
Không-quân Nga cũng thực-tập oanh-kích trong vùng Buryatia, 3000 quân đã được dàn ra trên đảo Sakhaline bà bán đảo Kamtchatka. 500 quân lính Nga cũng được dàn trải trong vùng Caucase, nơi có những đòi hỏi độc lập của dân tchétchène, cuộc hành-quân chiến thuật nhằm chống nổi dậy của người hồi-giáo.
Ngày nay, với sự tăng nhiệt độ của địa cầu, vùng địa cực trở thành nơi tranh-chấp về lãnh thổ và lãnh hải. Việc tan băng sẽ khiến một vùng rộng lớn trở thành giao-thông được, nghĩa là những vùng đất của Nga có thể bị đe dọa bằng hải-quân địch. Sergeï Choïgou, bộ trưởng quốc-phòng Nga, nói rằng ‘những thách đố và đe dọa mới về an-ninh quân-sự đòi hỏi các lực-lượng quân-sự gia-tăng khả-năng’
Thao diễn quân-sự Nga vùng Bắc-cực ngày 25.02.2015 (tài liệu sở báo chí và thông-tin bộ quốc-phòng Nga)
Vào năm qua, Poutine đã phê chuẩn một học-thuyết quân-sự mới xác nhận việc bảo-vệ địa cực bởi các lực lượng quân-sự trong thời bình là một vấn-đề an-ninh quốc-gia. Việc bảo đảm an ninh các biên giới phiá bắc, xác nhận chủ quyền trong một vùng có thể có năng lượng và có khả năng kinh-tế là quan ngại hàng đầu của Nga, trước lo ngại bị OTAN vây bọc. Và, nếu việc di chuyển trong vùng bắc-cực sẽ trở nên dễ dàng do việc tan băng, việc tranh chấp giữa Nga và Canada về các lãnh thổ và lãnh hải e sẽ là điều khó tránh!
Về phiá Canada, nước này cũng có những quan-tâm về vùng bắc cực.Ngày 16.03, bộ-trưởng quốc-phòng Canada, Jason Kerry đã cùng với tướng Alain Parent đến thăm tổng hành dinh của NORAD lần đầu tiên, trong dịp này, phiá Canada đã có hội đàm với đô đốc William Gortney. Được hỏi về những cuộc hành quân của Nga trong vùng địa cực, đô đốc Gortey coi đó ‘là một thông điệp gởi cho chúng tôi để nói họ là một cường quốc toàn diện, họ có khả năng; Tôi không biết đâu là ý đồ của họ’. Về phiá Canada, Jason cho biết nuúc này dự định tăng cường các hoạt-động ở bắc-cực qua việc sẽ có 5 tàu tuần dương sẽ đưa vào hoạt-động. Gortey và Jason đồng ý về việc phải dành cho NORAD các khả năng để khám-phá các điều khả dĩ đe dọa ở bắc cực
Bổ túc ngày 21.03.2015
Tham Khảo:
http://www.45enord.ca/2015/03/la-russie-montre-les-muscles-et-lance-une-manoeuvre-militaire-de-grande-envergure-en-arctique/
http://www.lorientlejour.com/article/916164/des-bombardiers-strategiques-russes-bientot-deployes-en-crimee-pour-des-manoeuvres.html
http://www.i24news.tv/fr/opinions/64613-150317-la-disparition-de-poutine-une-diversion-strategique
http://www.ledevoir.com/international/actualites-internationales/434584/nouvelle-manoeuvres-militaires-russes-dans-l-arctique
Vui cười
Bài làm của một học sinh cấp 3 bình về tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. “Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng được thưởng thức rất nhiều loại lòng, như lòng lợn, lòng chó, lòng gà, lòng vịt” chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng…. mẹ.”
Lời phê của thầy giáo:
“vào đề so sánh khập khiễng, nhưng rất bất ngờ”
“Nghe nói chị sắp tái hôn với chồng cũ phải không?”
“Ðúng đấy, em không bao giờ để cho cái tên ác ôn đó được sống an nhàn đâu!”
Ký Ức – Đỗ Bình
«Người ta không thể lúc nào cũng sống với quá khứ vì tương lai mới cần thiết và quan trọng hơn, nhưng chỉ có những người bị bệnh mất trí mới quên ký ức. Kẻ muốn quên ký ức là muốn chạy trốn sự thật của dĩ vãng. Ngày nay thế giới đã có nhiều thay đổi, những tiến bộ vượt bực của khoa học hiện tại tỏa sáng đầy hào quang vì đã mang phúc lợi cho nhân loại, nhưng vẫn không thể thay được lịch sử và quá khứ!»
Thế kỷ vừa qua nhân loại đã trải hai cuộc đại thế chiến mà hậu quả còn di hại mãi đến nay, nhưng khủng khiếp và ác độc hơn vẫn là hai chủ nghĩa: Phát Xít và Cộng Sản, cả hai đều độc tài vì quyền lực nằm trong tay một số nhà lãnh đạo, điểm giống nhau là mang tính bạo lực nên rất dã man. Trong cuốn Le livre Noir du communisme: Crimes tereur Répression do nhà xuất bản Robert Laffont ấn hành, quyển sách đen về chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, Khủng bố, Đàn áp. Sách dày gần 900 trang là một tập hợp công trình biên khảo của nhiều chuyên viên, sử gia, giáo sư đại học đã tổng kết chủ nghĩa cộng sản diễn ra từ quê hương của cuộc cách mạng tháng 10 Nga đến phần đất Châu Âu nạn nhân rồi lan sang Châu Á tới Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cam bốt và ở các châu lục thế giới thứ ba. Chủ nghĩa cộng sản và phát xít đều thi hành những biện pháp mạnh nhằm củng cố quyền lực của chế độ bằng cách trấn áp, khủng bố, thủ tiêu, tù đày v.v… Ở cuối chương còn so sánh tội ác CS với chủ nghĩa Phát xít, khiến tội ác của hai chủ nghĩa đó ngút tận trời. Trong quyển “Death by Government” (Chết do chánh phủ), tác giả Rudolph J. Rummel, giáo sư khoa chính trị học đại học Yale thì cộng sản tại các quốc gia đã giết chết đồng bào của họ, như sau:
Liên Sô 61.911.000 người.
Trung Hoa cộng sản 35.236.000 người.
Quân phiệt Nhật 5.964.000 người.
Khmer đỏ 2.035.000 người.
Thổ Nhĩ Kỳ 1.883.000 người.
Cộng sản Việt Nam 1.670.000 người.
Cộng sản Ba Lan 1.585.000 người.
Cộng sản Nam Tư 1.072.000 người.
Thế kỷ vừa qua thế giới đã kết tội CS là tội ác của nhân loại, do đó những tòa án về tội ác nhân loại được lập ra khắp nơi để xử tội những người có trách nhiệm. Người ta đã cho xây một Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial) tại Washington DC để tưởng niệm hang trăm triệu người đã chết vì bạo lực CS.
Chủ thuyết Cộng Sản và Tư Bản đã xâm nhập Việt Nam gây nên một cuộc chiến Ý Thức Hệ làm hao tổn biết bao xương máu của dân tộc. Cuộc chiến bằng vũ trang chấm dứt vào 30 tháng tư năm 1975
nhưng sự tranh chấp giữa người Việt Quốc Gia và Cộng Sản lại càng trở nên gay gắt, và mãi đến hôm nay đã 40 năm mà các thế lực cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Cộng vẫn chưa từ bỏ ý định lôi kéo VN, cho dù sau bao nhiêu năm mượn dân tộc nhỏ bé nầy làm thí điểm để đọ vũ khí qua chiêu bài ý thức hệ, mục đích tối hậu cũng chỉ để buôn bán vũ khí và duy trì thế lực của các nước mạnh trên thế giới!
Chiến tranh chấm dứt người dân Việt tưởng rằng đất nước đã hòa bình, chiếc cầu Bến Hải được thông thương nam bắc một nhà, xóa bỏ những hận thù và nguyện vọng của toàn dân được an bình sau bao năm mong ước, nhưng sự thật quá phũ phàng, nước mắt vẫn chảy vì một nền Hoà bình khốn khổ! Ngừng tiếng súng những giọt nước mắt vui mừng của mẹ già gặp lại đứa con sau bao năm xa cách, và những người anh em nhìn lại nhau ngấn nước mắt chưa khô thì các vết thương trên da thịt quê hương lại rỉ máu! Sau ngày hoà bình người dân đã thấy CS mở ra hàng trăm ngàn trại tù để nhốt hơn một triệu người gồm sĩ quan và công chức thuộc chế độ cũ. Khẩu hiệu Không Có Gì Quí Hơn Độc Lập Tự Dođược dán khắp nơi kể cả trước cổng tù như hàm chứa sự mỉa mai đối với kẻ thua cuộc! Những chiếc loa phóng thanh luôn hô hào khẩu hiệu: Chí Công Vô Tư, Cần Kiệm Liêm Chính, nhưng kẻ chiến thắng đã vơ vét, cướp đoạt hết nhà cửa, tài sản những người giàu có rồi trấn áp và đuổi hàng triệu người thuộc chế độ cũ đi kinh tế mới một sự lưu đày trá hình nơi rừng thiêng nước độc. Nhiều người chịu không nổi nên đã quay lại thành phố như những kẻ mất hồn vì phải sống vất vưởng nơi những vĩa hè, đầu đường xó chợ hay dựng những túp lều bằng bao cát trong các nghĩa trang để sống lay lất qua ngày! Trên các đài truyền thanh truyền hình và báo chí đảng vẫn lại ca ngợi tình người, réo gọi lương tâm dân tộc bằng những lời đạo đức giả. «Lấy tình thương lấp sông Bến Hải để hàn gắn vết thương dân tộc và cùng nhau xây dựng lại đất nước». Khẩu hiệu, bích chương thì khắp nơi, nhưng đảng lại ngấm ngầm kích động vết thương lòng, gây chia rẽ hận thù dân tộc bắt ép dân đi xem những tàn tích chiến tranh: sản phẩm của Tội ác Mỹ Ngụy được trưng bày khắp nơi, và mãi đến hôm nay 40 năm sau chiến tranh nhà cầm uyền CS vẫn quảng bá về những sản phẩm, những di tích chiến tranh qua những chương trình truyền hình đối ngoại nhằm bóp méo sự thật lịch sử để kết tội phe thua cuộc. Ngay từ lúc người CS mới chiếm được miền nam, trong tâm trí người dân lúc nào cũnglo lắng sợ hãi; vì trong quá khứ họ đã trông thấy những tội ác do CS gây ra khắp nơi trên quê hương, như vụ thảm sát Tết Mậu Thân năm 68 ở Huế khiến hàng ngàn dân vô tội bị đập đầu và chôn sống! Xa hơn chút nữa, tội ác CS đã gây ra khi chủ nghĩa CS mới nhen nhúm ở miền Bắc, hàng trăm địa chủ bị sát hại qua Phong Trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh năm 1931,tiếp đến là Phong Trào Chỉnh Huấn 1951-1956 tố giác tính dã man và sự vô ơn bạc nghĩa của Đảng Cộng Sản đã vắt chanh bỏ vỏ ngay những người cùng hàng ngũ sau khi lợi dụng lòng yêu nước của họ qua chiêu bài chống thực dân. Trong quyển “Death by Government” giáo sư R.J. Rummel viết như sau: “Dưới lớp vỏ Việt Minh chống Pháp, cùng lúc họ thực hiện cuộc chiến tranh tàn sát những người quốc gia không cùng đường lối với họ. Chưa hết, họ cũng tiêu diệt những người cùng trong hàng ngũ khi họ xem những người cộng sản đó chệch hướng”. Điển hình là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm có biết bao trí thức văn nghệ sĩ đã có thời phục vụ dưới quyền lực của đảng họ đã bị quy tội phản động để dễ thanh trừng, loại được những đối tượng không ăn cánh hoặc để bịt miệng những trí thức văn nghệ sĩ đã phản tỉnh vì đã nhìn ra bộ mặt thật bỉ ổi của CS! Cùng thời gian ấy, Phong Trào Cải Cách Ruộng Đất phát động từ 1953-1956, theo nhật báo “Nhân Dân” của CSVN ngày 20/7/1955 sau 6 đợt cải cách ruộng đất có 10.303.004 nạn nhân. Theo bộ “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000” do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004, số người bị đấu tố lên đến 172.008 người, và sau giai đoạn sửa sai xác định trong tổng số đó có đến 132.266 người bị oan. (trích bài nghiên cứu: “Con Số 100 Triệu Nạn Nhân” của nhà báo Tú Gàn ngày 25/6/2007). Và sau nầy vào đầu thập niên 60 cũng xảy ra vụ án Chủ nghĩa Xét lạimột vụ án tương tự như vụ Phong Trào Chỉnh Huấn loại bỏ những người theo Liên Xô, vì đảng lúc đó đang cung cúc nghe lệnh của Bắc Kinh.
Với những bài học quá hãi hùng đã xảy ra trên quê hương giúp cho người dân miền Nam sáng mắt hơn khi lấy quyết định chối bỏ ngay “thiên đường ớn lạnh chủ nghĩa” mà người anh em miền Bắc đã tận tình “chia xẻ”! Họ bỏ của chạy lấy người, cố tìm đường tẩu thoát, vượt biên bằng đường bộ hay đường biển, cho dù phải trả một giá rất đắt trên con đường bôn tẩu. Hơn nửa triệu người đã bỏ mình trong lòng đại dương, và bao người đã gục ngã làm mồi cho muôn thú, cho bọn cướp hải tặc. Cuộc ra đi tìm tự do của người VN là một thảm cảnh bi đát nhất trong lịch sửchạy trốn của nhân loại!
Từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ toàn khối Liên Xô tan rã, chủ nghĩa CS cáo chung thì đảng CSVN lại càng run sợ nên đã vội vã mở cửa kêu gọi thế giới vào đầu tư, vàréo gọi tình dân tộc để mồi chài những Việt kiều bằng ngôn ngữ thân thương những khúc ruột ngàn dặmmà trước nay đảng đã không tiếc lời thóa mạ, hãy trở về xây dựng đất nước và cứu nguy đảng. Thế kỷ mới thế giới chuyển mình toàn cầu hóa, Việt Nam cũng phải biến theo sự chuyển động đó nên đã được gia nhập vào khối cựu thù ASEAN cho dù sự hội nhập có khập khễnh nửa Xã Hội Chủ Nghĩa nửa kinh tế thị trường để cố lết theo. Nhưng tiếc thay nền kinh tế tư bản sẽ không bao giờ đồng hành với Chủ Nghĩa Xã Hội. Có người ví: “Chủ Nghĩa Xã Hội là đường rày, đảng là người lái tàu lửa và nhân dân là hành khách. Đường rày lăn vào hướng hố thẳm, thế là đảng giết hết nhân dân!”.
Lúc mới chiếm được miền Nam những người lãnh đạo CS đổ thừa cho quê hương vừa trải qua chiến tranh, đất nước còn nghèo đói nên nhiều khó khăn, nhưng sau bao năm đổi mới VN vẫn là một trong những nước nghèo đói và tham nhũng nhất thế giới thì đổ thừa cho ai? lợi dụng tình trạng nghèo đói của đất nước do sự uản lý kém của tầng lớp cán bộ CS, giới tài phiệt quốc tế bắt được thời cơ đã đem tiền của đổ vào biến VN thành một nơi tiêu thụ rửa tiền, và thuê đất thuê rừng để lập nên những công kỹ nghệ tiêu thụ như: Công xưởng làm giày dép, công ty du lịch, bãi biển, hotel, nhà hàng, sòng bạc , vũ trường…tạo thành một thứ phồn vinh giả tạo, cũng từ những công trình đó cán bộ CS có thể cắp xén, tham nhũng làm giàu. Để tạo sức mạnh vây cánh cho phe nhóm, giới chức có quyền thế đã cấp thêm nhà đất hóa gía cho một số người thân tín sau đó tăng giá nhà đất, đây là bộ máy đàn áp sẵn sàng dùng họng súng để bảo vệ chế độ!
Xã hội đầy bất công, sự chênh lệch giàu nghèo giữa giai cấp mới tư bản đỏ tỷ phú, triệu phú dollar và tầng lớp dân chúng nghèo quá rõ nét do đó tiếng dân than oán bất mãn khắp nơi tạo thành một làn sóng chống đối. Để duy trì quyền lực, đảng đã bất chấp thủ đoạn thi hành chính sách hai mặt xiết chặt chính trị trấn áp đối kháng kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí, mặt khác nới lỏng tự do, biến đất nước thành khu vực ăn chơi thụ hưởng khiến tệ đoan xã hội càng ngày càng trầm trọng. Ngày nay sự trụy lạc, tha hóa gấp ngàn lần thời thuộc địa và chế độ cũ, nạn mãi dâm, hút sách xảy ra khắp nơi, đạo đức suy đồi nền giáo dục băng hoại! Kể từ sau ngày «giải phóng» đất nước triền miên đói rách, những năm gần đây nhờ tiền của ngoại quốc đổ vào đầu tư bộ mặt của một số thành phố có thay đổi, những dãy biệt thự sang trọng, những khu nghỉ mát lộng lẫy dành cho giai cấp tư bản đỏ; những dãy nhà cao tầng trong các phố thị dành cho ngoại quốc mướn. Chỉ riêng những người Việt ở hải ngoại gởi về hàng năm lên đến mười mấy tỷ dollar góp phần nâng mức sống của giai cấp đỏ. Một số cán bộ đảng viên trở nên giàu có thành đại gia nên có điều kiện tiêu xài phung phí đã khiến thanh niên bắt chước đua theo lao vào ăn chơi. Sự ttha hóa của xã hội, cộng thêm đời sống nghèo đói của những người dân vùng sâu vùng xa khiến những trẻ em dưới vị thành niên bỏ học vì cha mẹ không có tiền nuôi con ăn học! Số thanh niên ở thành phố bỏ học đa số chỉ vì thích đua đòi với chúng bạn mà tiền bạc lại khó kiếm, gia đình phải chạy gạo từng bữa nên các em đã sẵn sàng bán thâm kiếm tiền hầu bắt kịp mode thời đại, thỏa mãn cơn say vật chất thời kinh tế thị trường ràn ngập hàng ngoại quốc lậu! Để kiểm soát tư tưởng và kiềm hãm sự bất mãn dẫn đến xung đột, đấu tranh, Đảng khai thác tính ủy mị để người dân mất tính đề kháng, quên đi tình trạng thiếu tự do dân chủ, vận mạng của dân tộc đang rơi xuống đáy thẳm vì họa Trung Cộng, nên Film ảnh, băng vidéo được nhập vào và trình chiếu toàn là những film tình sướt mướt, ủy mị. Đảng tích cực khuyến khích mở những sòng bạc công khai, để người dân lao đầu vào đen đỏ,̉ quên đi sự vất vả trong cuộc sống hằng ngày như: LôTô, xổ số, cá ngựa, số đề, bóng đá cá độ… Những quán nhậu, nhà hàng, bia ôm, quán karaoké, vũ trường mọc ra như nấm để thanh niên vui chơi say đắm trong men rượu, hưởng thụ những lạc thú Tệ hại hơn nữa là dịch vụ buôn bán ma túy, nạn hút sách khắp nơi, đảng biết nhưng vẫn lờ đi, vì công an: bộ máy đàn áp và mafia đã cấu kết nhau thao túng xã hội đen để làm giàu. Người ta tự hỏi: Sau nhiều năm chiến tranh anh em tương tàn, người dân VN có cần thiết một sự hoà hợp hoà giải dân tôc̣? Biến cố 20-07-1954 đã chia đôi đất nước bằng một lằn ranh ý thức hệ làm hai nửa đối chọi nhau. Những tư tưởng xoay quanh ý thức hệ ầy chỉ là vay mượn! Được chính quyền hai phía áp dụng triệt để, nhưng đối với người dân hai miền lại rất thờ ơ, họ chỉ đau lòng vì sự chia cắt đất nước. Biến cố 30-04-1975, dòng sông Bến Hải được nối liền, mẹ con, vợ chồng, anh em gặp lại nhau trong tình nghĩa ruột thịt sau nhiều năm bị phân chia trong ranh giới thù nghịch. Chẳng có một tư tưởng, chủ thuyết nào định cắt chia tình người mà tồn tại, như thế, tình dân tộc có cần hoà hợp không? Sự hoà hợp chỉ là “thừa” trong cái “sẵn có” của tính dân tộc. Vậy cụm từ hoà hợp nếu cần phải thực hiện thì đảng cần hơn? Nhưng đảng hoà hợp với ai, với đối tượng nào? Nhân dân chăng? Nhắc đến đảng, nhân dân chỉ biết rùng mình và làm thinh chứ không dám hé môi ta thán hay nói xấu đảng vì hãi sợ guồng máy bạo lực của đảng trả thù. Đảng duy trì một chế độ toàn trị đã cướp đi sự tự do, tiếng nói chân chính của người dân để dễ cai trị. Bước chân của người CS tiến đến đâu chỉ có loài kỳ nhông biết đổi màu là tồn tại! Kinh nghiệm cho họ thấy cứ nín thở qua sông hay gượng ép gật đầu trước mọi việc, cứ nhất trí thế là được yên thân. Sống trong chế độ CS biết hèn mới sống và biết câm mới tránh khỏi bị tù đày! Họ đành phải làm ngơ trước những bất công đè lên cổ dù đã bao lần cố vùng vẫy nhưng chưa thoát được chiếc thòng lọng gian ác chuyên chính của đảng, nên đành cắn răng nhẫn nhục làm một thứ công cụ hờ cho đảng. Họ vẫn hy vọng với sức ép kinh tế của những nước tư bản hiện nay nền kinh tế thị trường nửa vời của VN sẽ phải mở cửa dân chủ, điều đó sẽ giúp người dân có cơ hội vùng lên lật đổ bạo quyền để đòi lại tự do dân chủ mà đảng đã tước đoạt. Do đó, giữa nhân dân và đảng luôn có sự chống đối ngầm và ắt sẽ có ngày sự xung đột bùng nổ. “Nhân dân là nạn nhân, còn đảng là thủ phạm, thì giữa nạn nhân và thủ phạm, có bao giờ hoà hợp? Vả lại đảng chỉ xem nhân dân là công cụ thì sự hoà hợp nếu xảy ra sẽ tước đoạt đi quyền lực cần phải có của đảng để tồn tại”.
Nhà cầm quyền Hà-Nội đã tung nghị quyết 36 một chiêu thức hoà hợp hoà giải trá hình để dụ những nhân vật cũ của VNCH có dụng ý dùng số người này làm nấc thang cho đảng bước để tranh thủ tiếng thơm tự do dân chủ với thế giới, trong đó có một số ít người thuộc lãnh vực chính trị, văn hóa, tôn giáo, tuổi đã cao nhưng còn háo danh muốn trước khi lìa trần vẫn lóe sáng như ánh sao băng! Đảng chú ý nhất là thành phần cơ hội vì dễ tung hỏa mù thích hợp với nhu cầu dân chủ hiện nay. Đảng cần người dối kháng cuội để đánh bóng tính dân chủ nhằm che đậy việc không chấp nhận sự đa nguyên. Những người hợp tác phải đứng dưới cờ đảng, nghĩa là do đảng quản lý đặt để như một thứ công cụ. Những bọn con buôn quốc tế và bọn hoạt đầu chính trị vốn chỉ biết quyền lợi cá nhân và phe nhóm; thì ý nghĩaTự Do Dân Chủ chỉ là sự lừa dối để trao đổi mua bán tìm lợi nhuận! Những nhà trí thức, văn nghệ sĩ và tôn giáo trong nước mới chỉ lên tiếng, muốn nói tiếng nói của lương tâm đã bị bịt mồm và bắt đầu cầm tù ngay thì làm gì có sự hoà hợp với người khác chính kiến?! Hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN quy định duy nhất chỉ có đảng CSVN là được quyền lãnh đạo nhân dân, những đảng phái khác đều không được phép hoạt động. Đối vơi những đảng phái quốc gia chân chính sẽ không bao giờ chịu sự hoà hợp với CS. Nói chuyện hoà hợp với CS là tự bắt cái bóng mình trả lời! Điều hợp lý nhất là đảng phải tự giải thể, lột xác CS, vứt bỏ để trở về với cội nguồn và cộng đồng dân tộc. Vấn đề được đặt ra là đảng có chịu giải thể không? Điều đó rất khó một khi mà đám lãnh đạo bảo thủ CS gìa nua thân Trung Cộng vẫn còn vây quanh nhà cầm uyền Hà Nội!
Sau 40 năm “giải phóng (!)” đất nước VN vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới, xã hội tha hóa, đạo đức suy đồi! Tuy Việt Nam hôm nay có nhiều thay đổi, dân trí khá hơn nhưng người dân chỉ lo cho cái bao tử, thờ ơ đến chính trị, vận nước, mặc dù họ vẫn biết đảng CSVN đã làm mất đất, mất lãnh hải về tay Trung Cộng nhưng vẫn làm ngơ trước bao nghịch cảnh thương tâm đang xảy ra hàng ngày trong xã hội: Con gái bị bán đi làm nô lệ thình dục, con trai bị ép đi làm lao nô. Ở thành phố, người nào khá giả một chút chỉ lo ăn chơi, thành phần trí thức đa số thụ động, cầu an. Số người dấn thân thì quá ít, có người nào đứng ra đòi hỏi đấu tranh thì bị trù dập, hoặc bị CS tung hỏa mù để người uốc gia ở hải ngoại nghi ngại là «phản tĩnh trá hình» đâm ra tranh cãi rồi tự phân hóa nhau!
Những năm gần đây phong trào đòi Tự do Dân chủ thế giới chuyển mình, VN được gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhà cầm quyền VN buộc phải tuân theo những quy luật uốc tế, bộ mặt VN được tô vẽ lại, gọng kìm của đẳng được nới lỏng để “làm trò” dân chủ. Sau nhiều năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, sự thịnh vượng của thế giới hiện nay đang bị đe dọa, kinh tế rơi vào cơn bão tài chánh! Sự khủng hoảng tiền tệ của những nước giàu như cơn lốc đã thổi sang VN, với nền kinh tế thị trường nửa vời VN sẽ bị xoáy theo cơn lốc, giá sinh hoạt của thị trường sẽ đắt đỏ; mất sức uyến rũ! Nơi phồn hoa vật chất của giới tư bản đỏ bớt nhộn nhịp, nhố nhắng!
Sau bao biến cố, người dân Việt hôm nay bừng tỉnh cơn đắm say vật chất khi nhận thức cái họa gần kề, những tài nguyên, đất đai, bờ biển đang bị xâm thực mất dần do mộng bá uyền của Trung Quốc. Người dân phẫn uất đảng, sinh viên xuống đường phản đối chính quyền. Thế hệ trẻ nhờ đã tiếp cận với thế giới bên ngoài bằng phương tiện internet nên đã mở mang trí tuệ, biết được cái hay cái đẹp của xứ người nên không còn sợ hãi trước bạo lực, họ can đảm dấn thân không sợ tù đày. Rất nhiều người đứng lên đấu tranh hôm nay đủ mọi thành phần từ trí thức, văn nghệ sĩ đến người công nhân, nông dân, họ đình công bãi thị, đòi nhà, đòi đất, đòi nhân quyền, tự do tôn giáo. Nhiều người trong số đó là phụ nữ, thanh niên, người gìa, vv… chỉ vì họ dám nói Hoàng Sa Trường Sa là của VN nên đã bị hệ lụy! Ngày nay cách nhìn về đất nước đã thay đổi, có những người đảng viên xé thẻ đảng, trả thẻ đảng đứng về phía dân tộc chống lại bạo quyền CS qua các phong trào dân chủ, dân oan không sợ đảng, sợ công an bắt cầm tù. Điều nghịch lý là con cháu của đám lãnh tụ năm xưa chống Mỹ nay lại được đào tạo, nuôi dưỡng bỡi những bàn tay tư bản ở các nước Âu Mỹ. Mai đây lớp trẻ du học đó sẽ trở về nước mang theo những kiến thức văn minh khoa học, nhân bản tiến bộ của xứ người để canh tân đất nước nên sẽ cùng với toàn dân vùng lên thay đổi chế độ, vứt chủ thuyết CS tvào xó tôi, ngày ấy quê hương mới thật sự Tự Do Dân chủ.
Chiến Tranh Lạnh Lan Qua Á Châu – Đào Văn Bình
Nhật Ký Biển Đông trong hai tuần Tháng Ba ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
-NewsMax ngày 1/3/2015: “Theo bản tường trình thuộc báo chí Kuwait, vào năm 2014,Tổng Thống Obama dự trù bắn rơi máy bay Do Thái nếu những máy bay này tiến hành oanh tạc các cơ sở hạt nhân của Ba Tư. Theo bản tường trình của Al-Jarida, chính lời đe dọa – được cho là như vậy- đã khiến Thủ Tướng Benjamin Netanyahu hủy bỏ kế hoạch oanh tạc đã được soạn thảo.”
-Voice of Russia ngày 1/3/2015: Trong bài viêt “Khủng hoảng Ukraine và những cơ hội cho Trung Quốc” Vasily Kashin nhận định, “Huy động mọi nỗ lực hòng răn đe quân sự và cô lập Nga về ngoại giao, Hoa Kỳ khó có thể cùng lúc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Nam Á. Như vậy, Trung Quốc sẽ có cơ hội tích lũy thêm tiềm lực và củng cố vị thế trong nền chính trị quốc tế.”
-Reuters (Paris) ngày 2/3/2015: “Sau cuộc họp với Tổng Thư Ký NATO vào ngày Thứ Hai, Tổng Thống Pháp Francois Hollande nhắc lại nhu cầu ngưng bắn ngay lập tức tại Ukraine và rút vũ khí nặng ra khỏi đường biên giới giao tranh. Thỏa hiệp Minsk là giải pháp duy nhất để tái lập hòa bình.”
-YahooNews ngày 2/3/2015: Trong bài viết nhan đề “Xem lại hiến pháp: Liệu Hạ Viện hành động bất hợp pháp khi mời Netanyahu? (Constitution Check: Did the House act illegally in inviting Netanyahu?), Lyle Denniston (1) viết, “Đáng lý ra các lãnh đạo lập pháp Hoa Kỳ phải suy nghĩ kỹ hơn khi đưa ra lời mời. Mặc dù nó không vi phạm văn tự của Hiến Pháp. Nhưng chắc chắn nó vi phạm nguyên tắc chỉ có một tiếng nói cho một quốc gia trong vấn đề đối ngoại và các lãnh đạo ngoại quốc không thể lựa chọn hoặc muốn thương thảo với quốc hội hay thương thảo với tổng thống.” (U.S. congressional leaders probably should have given this invitation more thought. Although not a violation of the letter of the Constitution, it certainly seems to violate the idea that the nation speaks with one voice on foreign policy and that foreign leaders cannot choose whether they prefer to deal with Congress or the president.) Thực ra Lyle Denisson muốn giảm nhẹ tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Nếu nói “vi hiến” thì ghê gớm quá! Nhưng rõ ràng Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định “quyền ngoại giao thuộc về hành pháp, tức tổng thống”. Nay Quốc Hội giành lấy quyền đó thì vi hiến đã rành rành ra đó rồi! Chẳng hạn ngày mai tổng thống làm luật mà không thông qua Quốc Hội thì có vi hiến không? Dầu sao thì Lyle Denission chỉ phân tích được sự kiện chứ không nêu được bản chất của vấn đề. Do cấu trúc “lưỡng đảng” và “check and banlance” đã khiến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trở thành “lưỡng đầu” tức lập pháp lúc nào cũng có thể can dự vào chính sách đối ngoại của tổng thống khiến tình hình rối beng. Sự kiện “Boehner và Netanyahu” đánh dấu bước khởi đầu suy thoái nghiêm trọng về quyền lực đối ngoại của tổng thống Mỹ trên chính trường quốc tế. Chẳng hạn khi tổng thống Hoa Kỳ ký kết hiệp ước hợp tác chiến lược hay hợp tác an ninh với một quốc gia nào đó, trong cuộc họp báo, một ký giả có thể cắc cớ hỏi, “Thưa tổng thống, tổng thống đã xin phép quốc hội để ký kết hiệp ước này chưa? Liệu trong tương lai, quốc hội Hoa Kỳ có mời thủ lãnh đối lập của quốc gia này đọc diễn văn tại quốc hội để chống lại hiệp ước không?” Thêm vào đó, VOA tiếng Việt ngày 10/3/2015 loan tin, “Ngoại trưởng Iran nói rằng lá thư của các thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa cảnh báo là thỏa thuận hạt nhân có thể có với Iran có thể bị hủy bỏ một khi Tổng thống Barack Obama rời khỏi chức vụ cho thấy Hoa Kỳ không đáng tin cậy.Tại Tehran, Ngoại trưởng Javad Zarif nói với đại hội chuyên gia, cơ quan hàng đầu của các giáo sĩ Iran, rằng lá thư của 47 thượng nghị sĩ Mỹ là không có tiền lệ và không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao. Ông Zarif nói thêm rằng thật ra, nó cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể tin nước Mỹ. Quan hệ đối ngoại của Mỹ với các chính phủ khác hầu như lúc nào cũng được thực hiện bởi các vị tổng thống và các nhà ngoại giao; và sự can thiệp trực tiếp của các nhà lập pháp qua lá thư đó đã gặp phải sự đả kích gay gắt của Tổng thống Obama.Tổng Thống Obama cho rằng thật là mỉa mai khi thấy một số thành viên Quốc Hội muốn có cùng mục tiêu với những thành phần cứng rắn ở Iran.” Báo USNews ngày 10/3/2015 cho rằng bức thư của 47 thượng nghị sĩ gửi cho Iran đã vi phạm luật lệ (GOP Senators Probably Broke Law With Iran Letter). Còn ABC News nói rằng, theo một sồ giáo sư dạy luật và nhà bình luận, hành động của 47 thượng nghị sĩ có thể là một tội phạm (might be a crime). Căng thẳng hơn nữa, AFP ngày 11/3/2015 loan tin, “155,000 người đã ký thỉnh nguyện thư gửi Tòa Bạch Ốc yêu cầu truy tố 47 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tội phản nghịch khi gửi thư cho các nhà lãnh đạo Ba Tư về những thương thảo về nguyên tử đang diễn ra.” Như vậy nội tình nước Mỹ ngày càng rối beng và không còn ra thể thống gì nữa? Người ta có thể truy tố một công dân nào đó về tội phản nghịch chứ làm sao có thể truy tố 47 thượng nghị sĩ đương quyền về tội phản nghịch được? Quyền tự do phát biểu bất khả xâm phạm của các dân biểu và thượng nghị sĩ ở đâu? Có thể quy kết các ông này hành động điên khùng và vi hiến cho nên văn thư nói trên hoàn toàn vô giá trị xong rồi từ từ để nội vụ “chìm xuồng” Cộng Hòa và Dân Chủ, Tổng Thống và Quốc Hội cùng nhau rút ra bài học cho quyền lợi của nước Mỹ. Càng làm lớn chuyện ra, nước Mỹ càng xấu hổ vì nước Mỹ vẫn thường tự hào và “lên lớp” cho toàn thế giới về tinh thần thượng tôn luật pháp “Due Process of Law” và có một nền chính trị tân tiến và hữu hiệu nhất. Ngày 12/3/2015, theo AFP, Ngoại Trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã trách cứ các thượng nghị sĩ Cộng Hòa là bức thư làm suy giảm niềm tin của Iran trong cuộc thương thảo trong đó có Đức tham dự. Như vậy câu chuyện đổ bể tùm lum. Tôi sợ rồi đây sẽ còn nhiều quốc gia khác lên tiếng chê bai, bình phẩm về nền chính trị Hoa Kỳ.
-AFP (Washington) ngày 3/3/2015: “Theo bản báo cáo mới nhất vào Thứ Ba, lực lượng an ninh A Phú Hãn chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường và một số lớn binh sĩ đã từ nhiệm hoặc rời bỏ đơn vị. Giữa Tháng 10, 2013 và Tháng 9, 2014 khoảng 1300 binh sĩ A Phú Hãn bị giết và 6200 bị thương.” Đây là tin đáng buồn cho Mỹ và NATO. Cuộc chiến A Phú Hãn khởi đầu từ năm 2001 do liên quân Mỹ cầm đầu gồm 42 quốc gia quân sự hùng mạnh nhất hành tinh này, với kết quả 2000 lính Mỹ chết, chi phí gần 1200 tỉ đô-la vừa cho chiến trường vừa viện trợ vừa để huấn luyện quân đội A Phú Hãn. Năm 2014, Mỹ tuyên bố cuộc chiến chấm dứt, rút quân và để lại một quân đội với thành tích chiến đấu như trên. Nếu lực lượng Taliban tiếp tục lớn mạnh, để cứu nguy Kabul, có lẽ Mỹ phải nhảy vào một lần nữa như cuộc chiến ở Iraq. Thế mới hay, Mỹ có thể đánh bại và tiêu diệt một chính quyền như Iraq, Afghanistan, Libya trong chớp nhoáng nhưng chính quyền do Mỹ lập lên không có khả năng đề kháng lại sức chiến đấu dai dẳng của lực lượng kháng chiến và thường xụp đổ hoặc đất nước bị chia cắt hoặc triền miên bất ổn.
-Business Insider ngày 3/3/2015: Trong bài viết “Nga và Ai Cập càng xích gần lại nhau hơn nữa” (Russia and Egypt just got even closer) tờ báo cho biết hai quốc gia sẽ tiến hành tập trận hải quân chung trên Địa Trung Hải và Ai Cập sẽ tuyển chọn sĩ quan để được huấn luyện tại học viện quân sự Nga. Quan hệ Mỹ-Ai Cập đã xấu đi kể tử khi Tướng al-Sisi đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của Ô. Morsi năm 2013. Hiện nay Mỹ cũng đang lên án nhà cầm quyền quân sự Thái Lan đã lật đổ chính quyền hợp pháp của Bà Yingluck khiến chính quyền này ngả dần sang Trung Quốc. Thực ra việc đảo chính lật đổ các chính quyền ở Ai Cập và Thái Lan chỉ là chuyện chính trị nội bộ của người ta và thế giới chẳng ai quan tâm vì nó không ảnh hưởng tới an ninh khu vực, nhưng Mỹ cứ can thiệp vào vì Mỹ tự cho mình “thiên chức” bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Chính vì thế mà Mỹ cứ mất dần đồng minh.
-AP (Seoul): Truyền thông Nam Hàn cho hay Đại Sứ Hoa Kỳ Mark Lippert bị tấn công khi đang diễn thuyết và được đưa vào bệnh viện. Đài tuyền hình YTN trình chiếu hình ảnh Lippert bi rạch ở má và cổ tay nhưng vết thương không nguy tới tính mạng. Truyền hình YTN cho biết hung thủ có tên Kim Ki-jong đã bị bắt sau sau đó. Theo cảnh sát, người đàn ông vung con dao cạo và miệng hô khẩu hiệu hống nhất Nam- Bắc Hàn. Những người biểu tình chống Mỹ tại Hán Thành (Seoul) mới đây đã lên tiếng chống đối những cuộc tập trận hằng năm của Mỹ và Nam Hàn mà Bắc Hàn nói rằng được chuẩn bị cho cuộc xâm lăng. Còn Hán Thành và Hoa Thịnh Đốn nói rằng những cuộc tập trận kéo dài tới cuối Tháng Tư chỉ có tinh tự vệ và thường xuyên.” Hãng AP nói thêm, vụ tấn công vị đại sứ Hoa Kỳ cho thấy tính bạo lực trong xã hội Nam Hàn, một số người sẵn sàng hy sinh tính mạng để bày tỏ quan điểm của mình. Trong khi đó thành phần khuynh tả (2) cũng tức giận vì sự hiện diện quân sự Mỹ ở Bán Đảo Triều Tiên.
-Yahoo News ngày 5/3/2015: “Một thống kê lạnh người. Theo Bộ Cựu Chiến Binh, hai mươi hai (22) cựu chiến binh Hoa Kỳ tự tử một ngày. Nạn nhân mới nhất, Đại Úy Trừ Bị Không Quân Jamie Bruette trẻ tuổi nhất có năm con, sau hai lần tăng phái tham dự chiến trường Afghanistan và sau 11 năm phục vụ trong không quân. Nguyên do khiến các cựu chiến binh tự tử là vì chứng “post-traumatic stress disorder” PTSD (3) là chứng rối loạn thần kinh kéo dài do gặp phải những biến cố gây chấn động cân não. “Nhưng theo một thống kê khác của năm 2007 khoảng 18 cựu chiến binh Hoa Kỳ tự tử mỗi ngày.
-AP ngày 5/3/2015: “Thủ Tướng Ý Đại Lợi viếng thăm Moscow vào Thứ Năm trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Nga- Tây Phương bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Hầu hết các lãnh đạo Phương Tây đều lánh xa Moscow khi bang giao đã xuống tới mức thấp nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh. Chuyến thăm viếng của Thủ Tướng Matteo Renzi phản ảnh mong muốn cải thiện quan hệ song phương về kinh tế đã bị tổn hại vì Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm vận và những biện pháp trả đũa của Nga.”
-BBC tiếng Việt ngày 6/3/2015: Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong dịp viếng thăm Đại Học Quốc Gia Hà Nội tuyên bố, “Không có điều gì là không thể” trong quan hệ giữa hai nước, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa.”
-AP (Tel-Aviv, Israel) ngày 7/3/2015: “Vài chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Quảng Trường Tel Aviv giương cao biểu ngữ ‘Do Thái Muốn Thay Đổi’ và kêu gọi thay thế Thủ Tướng Netanyahu trong cuộc bầu cử vào 17 Tháng 3 tới đây. Cuộc biểu tình do nhóm bất vụ lợi tổ chức kêu gọi thay đổi những chính sách ưu tiên của quốc gia và yêu cầu chính phủ tái tập trung vào các vấn đề như y tế, giáo dục, gia cư/nhà ở và giá sinh hoạt của người dân.”
-AFP ngày 8/3/2015: “Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc cam kết tiến hành hợp tác kinh tế và ngoại giao với Nga cho dù Phương Tây áp đặt lệnh cấm vận Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine và nhấn mạnh rằng mối liên hệ dựa trên nhu cầu hỗ tương/hai bên đều có lợi.
-AFP ngày 8/3/2015: “Trên sàn/boong tàu Hàng Không Mẫu Hạm Charles de Gaulle, Tướng Demsey- Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ bênh vực nhịp độ không kích chống lại Nhà Nước Hồi Giáo IS và cảnh cáo rằng leo thang oanh tạc và gửi thêm binh sĩ Hoa Kỳ tới Iraq và Syria là một sai lầm và thay vào đó ông đề nghị một chiến lược kiên trì để chống nhóm IS. Theo Tướng Dempsey, mở rộng oanh kích có thể khiến thường dân thương vong và IS lấy cớ đó để tuyên truyền.” Lời thú nhận của Tướng Dempsey cho thấy số thường dân chết trong các vụ oanh kích ở Iraq và Syria rất cao khiến Nhóm IS lấy cớ đó kêu gọi chí nguyện quân trên toàn thế giới. Hiện nay Nhóm Boko Haram ở Nigeria đã gia nhập và nguyện trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo IS. Tại Libya, hai chính quyền cùng tranh nhau cai trị đất nước, và các nhóm chủ chiến có liên hệ mật thiết với al Qaida và Nhà Nước Hồi Giáo IS tung hoành không một thế lực nào ngăn cản được. Các nước như Hoa Kỳ, Anh và Ý Đại Lợi đã đóng cửa tòa đại sứ tại Tripoli.
-Business Insider ngày 10/3/2015: “Theo một số nguồn tin từ Trung Quốc và Đài Loan, các giới chức Hoa Lục đã xác nhận là đất nước này đang tự đóng một hàng không mẫu hạm (HKMH) thứ hai. HKMH Liêu Ninh theo các chuyên viên quân sự có tính huấn luyện hơn là khả năng tác chiến.”
-Reuters ngày 12/3/2015: “ Tờ Finacial Times cho biết, Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ quyết định của Euratom (Cộng Đồng Năng Lượng Nguyên Tử Âu Châu) ngăn chặn thỏa hiệp nhà máy nguyên tử trị giá 12 tỉ euro giữa Hung Gia Lợi và Nga. Hành động này có thể làm cho tình hình giữa Nga và Brussels trở nên tệ hại hơn.”
-Business Insider ngày 13/3/2015: “Trang nhất của tờ Financial Times (Anh Quốc) vào sáng Thứ Sáu đã đi một bản tin làm mọi người ngạc nhiên phản ảnh căng thẳng ngoại giao hiếm thấy giữa các giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ và Anh Quốc – chính phủ Anh bị Hoa Kỳ cáo buộc là thường xuyên “chiều theo ý” của Hoa Lục – một cường quốc đang lên.” Chiều theo Trung Quốc ở đây có nghĩa là: Anh Quốc chúc mừng Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (Asia Infratructure Investment Bank) do Trung Quốc thiết lập và ngỏ ý gia nhập ngân hàng này vốn là đối thủ của World Bank do Hoa Kỳ khống chế. Thứ hai, Anh Quốc tự chế không công kích Hoa Lục khi phong trào biểu tình ở Hongkong nổ ra. Thứ ba, tuyên bố sẽ không có cuộc gặp gỡ nào nữa với Đức Dalai Lama sau cuộc tiếp xúc vào năm 2013 gây phẫn nộ từ phía Hoa Lục.” Thế mới hay dù là đồng minh chí cốt nhưng vẫn có mâu thuẫn về quyền lợi như thường. Và hành động của Anh Quốc khiến Hoa Kỳ chạm tự ái vì đã nâng cao vị thế của Hoa Lục và làm suy giảm ngôi vị “võ lâm chí tôn” của mình.
-Bloomberg News ngày 13/3/2015: “Việt Nam bắt đầu xây dựng hệ thống điện gió (Wind Farm) tại Tỉnh Darlac thuộc Vùng Cao Nguyên trị giá 281 triệu đô-la, có công xuất 120-megawatt. Công ty General Electric của Hoa Kỳ sẽ cung cấp 60 turbines. Đợt đầu được phát điện vào năm 2016. Còn Vestas Wind Systems – một công ty điện gió lớn nhất thế giới đã ký khế ước trị giá 436 triệu đô-la để xây dựng hệ thống điện gió tại Sóc Trăng vào năm 2016.”
-AP (Tokyo) ngày 13/3/2015: “Nhật Bản và Pháp vừa ký thỏa hiệp hợp tác và chuyển giao kỹ thuật – mở đường cho việc chế tạo máy bay không người lái và những thiết bị không người lái khác trong khi Nhật đang tìm cách mở rộng vai trò quân sự trên quy mô quốc tế.”
Nhận Định:
Trong hai tuần qua, những diễn biến mới nhất cho thấy cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới giữa Nga và Mỹ ngày càng quyết liệt và lan rộng từ Âu Châu sang Á Châu.
1) The World Post ngày 2/3/2015 trong bài báo nhan đề “Tại Ukraine, Hoa Kỳ đang trả giá cho một Chiến Tranh Lạnh Mới” (In Ukraine, U.S. Is Forfeiting New Cold War) tác giả Shai Franklin viết, “Không, Liên Bang Sô-viết không tái xuất hiện. Nhưng Liên Bang Nga đang tự khẳng định mình là ai và một Chiến Tranh Lạnh Mới đã mở màn. Mặt trận đầu tiên của cuộc chiến tranh này là Ukraine. Những gì mà Hoa Kỳ phản ứng đang ảnh hưởng tới hành động của Nga và cả Âu Châu suốt phần còn lại của thế kỷ. Trừng phạt kinh tế Nga là một niềm an ủi tệ hại nếu chúng ta vẫn còn để Ukraine sụp đổ về tài chính lẫn quân sự.” (No, the Soviet Union isn’t coming back. However, the Russian Federation is reasserting itself and a new Cold War has already opened. The first front in this war is Ukraine. How the United States responds now will influence how Russia acts and how Europe evolves for the rest of this century. Punishing Russia economically is poor consolation if we still allow Ukraine to collapse financially and militarily.)
2) Voice of Russia ngày 7/3/2015: “Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Ô. Vitaly Churkin tuyên bố sự xuất hiện của quân đội Mỹ ở Ukraina có thể trở thành thảm họa.”
3) BBC Âu Châu ngày 8/3/2015: “Henry Kissinger- Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói với BBC tuần rồi là Nga và NATO cần nghiêm túc tìm kiến giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nếu không thì nguy cơ Chiến Tranh Lạnh có thể là không tránh khỏi.” Vào ngày 9/3/2015, Hoa Kỳ đã gửi hằng trăm xe bọc thép và chiến xa tới các quốc gia vùng Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania để ngăn chặn sự đe dọa từ Nga. Các quốc gia này đều đã gia nhập Liên Minh Âu Châu và NATO. Theo Business Insider, một cuộc thăm do mới nhất của Levada Center cho thấy hơn 81% dân Nga nhìn Hoa Kỳ với con mắt không thiện cảm (negative). Con số này gia tăng gấp đôi so với năm ngoái.”
4) The Fiscal Times ngày 10/3/2015: “Moscow thông báo sẽ ngưng mọi sự liên hệ tới thỏa hiệp về vũ khí ký kết khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Thỏa Ước Về Quân Đội Quy Ước Âu Châu (The Treaty on Conventionnal Armed Forces in Europe) được ký năm 1990 bởi 16 quốc gia NATO và 6 quốc gia thuộc khối Warsaw nhằm hạn chế quân số, chiến xa, pháo binh và những thiết bị quân sự phi -nguyên-tử đóng ở Âu Châu.” Đây là điềm không tốt báo hiệu sự bất ổn triền miên cho Âu Châu và cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới giữa Nga và Phương Tây (Mỹ &NATO) thật sự bắt đầu.
5) Value Walk ngày 11/3/2015 trong bài viết có tựa đề “Nga và Hoa Kỳ Đang Lao Tới – Có Thể Là Cuộc Chiến Tranh Nguyên Tử” (Russia, U.S. Heading Towards A Possible Nuclear War) đã trích dẫn lời của Ô. Jack Matlock- Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga dưới thời Tổng Thống Reagan như sau: “Hoa Kỳ không có lợi ích nào khi can thiệp vào Ukraine để chấp nhận một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Nếu như có một đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia thì là như thế. Tổng Thống Obama phải công khai ngưng cuộc đọ kiếm tay đôi với Vladimir Putin. Matlock mô tả mối liên hệ hiện tại Nga-Mỹ là độc hại. Ưu tiên lớn nhất của Phương Tây là tái lập mối quan hệ dân sự với Moscow.” Còn Ramsey Clark – cựu Bộ Trưởng Tư Pháp của Ô. Obama, năm ngoái đã gửi một bức thư ngỏ cho tổng thống của mình trong đó nói, “Không có gì nguy hiểm hơn là hành động hung hăng của Mỹ/NATO đưa quân tới sát biên giới Nga.”
6) Reuters (Washington) ngày 11/3/2015: “Hoa Kỳ vừa yêu cầu Việt Nam ngưng không cho Nga sử dụng căn cứ không quân cũ của Hoa Kỳ ở Cam Ranh để tiếp dầu cho những máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom nguyên tử nhằm phô diễn sức mạnh quân sự ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, điều này phơi bày sự căng thẳng ở Washington trong khi mối liên hệ nồng ấm với Hà Nội đang diễn ra vững chắc.”
Với sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Nga bay trên không phận Guam và được tiếp dầu tại Căn Cứ Cam Ranh cho thấy lần đầu tiên trong 25 năm (1990-2015) Nga xác định sự hiện diện quân sự của mình tại Đông Nam Á để đáp trả lại kế hoạch lấn dần tới biên giới Nga của Mỹ và NATO. Như thế cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới đã không còn giới hạn ở Âu Châu và bắt đầu lan qua Á Châu. Một khi đã lan qua Châu Á, những tình huống sau đây có thể xảy ra:
-Trung Quốc “mừng hết lớn”. Mừng thứ nhất là Mỹ sẽ phải tập trung nỗ lực để đối đầu với Nga do đó không còn khả năng kiềm chế Hoa Lục. Mừng thứ hai là khi tình hình Á Châu nát bét- người theo phe này, kẻ theo phe kia là điều kiện thuận lợi để Hoa Lục tung hoành. Khi Đông Nam Á yên bình và đoàn kết sẽ vô cùng bất lợi cho Trung Quốc.
-Nam Hàn cũng vô cùng khó xử. Nếu không đi với Mỹ thì áp lực về các mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự sẽ hết sức nặng nề. Nếu liên minh với Mỹ chống Nga thì Bắc Hàn sẽ là mũi nhọn tấn công. Khi đó mộng chống Nga chưa thành mà đất nước đã tan nát rồi. Vì quyền lợi tối thượng của đất nước có thể Nam Hàn sẽ giữ vị trí trung lập. Hiện Nga đang tổ chức “Năm Hữu Nghị” với Bắc Hàn và Ô. Kim Chính Ân sẽ thăm Nga vào Tháng 5 này.
-Vị thế của Nhật Bản lại càng khó xử hơn nữa. Nếu theo Mỹ chống Nga, Nhật Bản sẽ phải liên tục đối đầu với hai ông bạn làng giềng khổng lồ, đất nước căng thẳng, kinh tế suy thoái vì chạy đua vũ trang. Nếu không nghe lời “ông anh Mỹ” thì lấy ai răn đe Trung Quốc cho Nhật Bản đây? Ngoài ra, nếu Nhật Bản chỉ chống Trung Quốc không thôi thì đối với Việt Nam không có vấn đề. Nhưng nếu Nhật Bản chống Nga thì sẽ gây khó cho Việt Nam. Hiện nay Đức đang vận động để Nhật cùng tham gia với Âu Châu để cấm vận Nga. Nhức đầu quá!
-Một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện chắc chắn sẽ đứng trung lập vì không dại gì “giơ đầu chịu báng”. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy theo phe nào cũng chết.
-Hai quốc gia có thể sẽ liên minh với Mỹ để chống Nga, đó là Phi Luận Tân và Tân Gia Ba.
-Còn Việt Nam thì đương nhiên ở vào tình thế khó xử nhất rồi. Đi với Mỹ thì bị Mỹ ép và từ từ mất chủ quyền. Không đi với Mỹ thì không đủ khả năng kiềm chế Hoa Lục ở Biển Đông và phát triển kinh tế. Trong khi mối liên hệ có tình cách lịch sử, lâu bền về mọi mặt với Nga vô cùng quan trọng – về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự. Nga đã và đang cung cấp những vũ khí tối cần thiết cho Việt Nam để xây dựng quốc phòng, giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ và căn cứ sửa chữa tầu ngầm tại Cam Ranh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết lập trung tâm không gian, chia xẻ những tức quân sự qua trung tâm thông tin hỗn hợp, giúp Việt Nam đóng tàu chiến, thành lập đại học kỹ nghệ quốc phòng… Nếu nghe theo lời Mỹ thì phá vỡ liên minh chiến lược với Nga, điều mà Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận. Qua thực tiễn lịch sử và địa lý chiến lược của Á Châu ngày hôm nay mà nói – nếu Việt Nam nổ ra một cuộc xung đột quân sự thì người giúp Việt Nam nhiều nhất là Nga chứ không phải Mỹ vì Mỹ đã “thề” là sẽ không bao giờ dính líu vào một cuộc chiến ở Châu Á nữa. Vậy thi vần đề là: Trong tình thế hiện tại, nếu Việt Nam cần Mỹ hơn Nga, Việt Nam sẽ nhượng bộ. Ngược lại, nếu Việt Nam cần Nga hơn Mỹ thì Việt Nam sẽ không nhượng bộ. Đây là vấn đề vô cùng tế nhị mà Hoa Thịnh Đốn phải thấy Việt Nam không phải là Nam Hàn hay Nhật Bản hễ Mỹ nói thì phải nghe theo. Trong mấy năm qua, các tàu chiến Mỹ đã ra vào Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì và tiếp vận. Do đó hai bên phải tương thảo trong âm thầm chứ không thể ồn ào qua các cuộc họp báo hoặc gây áp lực theo kiểu “loudspeaker diplomacy”. Theo tôi, Việt Nam có thể sẽ yêu cầu Nga giảm bớt các chuyến bay để “chiều lòng” Mỹ chứ không ra lệnh chấm dứt các chuyến bay ghé Cam Ranh để tiếp dầu. Tuy nhiên nếu cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới Nga – Mỹ ngày càng trở nên quyết liệt, thế giới sẽ chia đôi theo lằn ranh Đông-Tây, lúc đó Việt Nam, do nhu cầu sinh tử, sẽ ngả theo Nga nhưng vẫn không chống Mỹ. Vào ngày 12/3/2015, theo BBC tiếng Việt, Ô. Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mua bán Vũ khí, một viện nghiên cứu phi chính phủ nằm tại Moscow nói rằng “Việc ám chỉ phi cơ Nga có thể được tiếp nhiên liệu từ căn cứ ở Vịnh Cam Ranh và rằng các phi cơ này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là tuyên bố khiêu khích và vô căn cứ, và đề nghị của Mỹ về Cam Ranh là thô lỗ.” Ngày 13/3/2015, BBC tiếng Việt loan tin, “Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: Chúng tôi lấy làm khó hiểu vì các bình phẩm của quan chức Mỹ rằng hành động của Không Quân Nga, gồm việc dùng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh, Việt Nam để tiếp nhiên liệu, có thể dẫn tới ‘căng thẳng khu vực gia tăng’.”
-Thế nhưng Mỹ cũng ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Nếu ép Việt Nam mà Việt Nam không nghe, thì Mỹ sẽ không giúp Việt Nam nữa hoặc trả đũa hoặc bao vây, cấm vận, lật đổ. Nhưng khi Việt Nam suy yếu đi, tức không còn khả năng ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông thì Phi Luật Tân lâm nguy. Lúc đó Mỹ phải lui về cố thủ ở Guam – tức biên giới phòng thủ từ xa của Mỹ co lại, chiến tranh nếu xảy ra là xảy ra trên đất Mỹ chứ không còn ở nơi xa lắc xa lơ nữa. Đó là cơn ác mộng của Mỹ. Do đó nếu Mỹ có giúp Việt Nam là tự giúp mình, tự biến Việt Nam thành một “tiền đồn tự nhiên” ngăn chặn Trung Quốc…chứ không phải Mỹ hoàn toàn thương xót Việt Nam. Xin nhớ cho không một đại cường nào đem tiền của giúp một quốc gia nhỏ bé mà hoàn toàn vô tình hay bất vụ lợi. Ngay cả vấn đề giúp đỡ thiện nguyện, người cho cũng có chủ ý chứ không phải hoàn toàn vì lòng từ bi hay bác ái. Trên thế gian này, thánh nhân rất hiếm, còn phàm phu tục tử thì nhiều lắm.
Dù muốn dù không, cuộc đối đầu Nga-Mỹ sẽ ảnh hưởng toàn cầu và sẽ gây thảm họa cho nhân loại. Thế mới hay thân phận các nước nhỏ muôn đời là khốn khổ, “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” lơ mơ là tan nát do tham vọng – có khi cuồng điên của các đại cường. Trong bài viết “Chiến Tranh Lạnh Nga-Mỹ Lù Lù Trước Mắt” phổ biến ngày 4/7/2014 tôi đã viết, “Năm xưa Ban AVT có bài hát khôi hài dí dỏm, “như hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ” sau đổi thành “như Nga với Mỹ có thương nhau bao giờ” sao mà đúng thế. Thực ra không phải chỉ có Nga-Mỹ mới ghét nhau mà bất cứ một đại cường nào cũng chẳng bao giờ “thương” một đại cường khác. Nguyên do, đại cường nào cũng muốn mình bá chủ. Mỹ đang là bá chủ thế giới và lúc nào cũng muốn duy trì ngôi vị ấy muôn đời. Nga thì muốn phục hồi uy thế và sức mạnh của thời Liên Bang Xô-viết và có tiếng nói trong những vấn đề quốc tế. Còn Hoa Lục thì đang muốn vươn lên để giành ngôi bá chủ với Mỹ. Trong cuộc tranh giành ngôi vị “võ lâm chí tôn” đó, ông nào cũng muốn liên kết đồng minh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các nước nhỏ vào phe mình. Do đó trong cuộc “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” sắp tới đây, nước nhỏ nào không có bản lãnh hoặc thiếu suy tính sẽ tự chuốc lấy tai họa.”
(California ngày 15/3/2015)
Chú thích:
(1) Lyle Denniston là cố vấn nghiên cứu của Trung Tâm Hiến Pháp Quốc Gia Hoa Kỳ
(2) Khuyn tả, khuynh hữu có rất nhiều nghĩa: Chống Mỹ là khuynh tả, theo Mỹ là khuynh hữu. Có thiện cảm với các phong trào cộng sản là khuynh tả, thiện cảm với chủ nghĩa tư bản là khuynh hữu.Ngả theo quyền lợi của giai cấp nghèo khổ (khuynh hướng xã hội) là khuynh tả, ngả theo quyền lợi của các đại công ty tư bản là khuynh hữu.Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, theo Mỹ và NATO là khuynh hữu, theo Nga là khuynh tả.
(3) Posttraumatic stress disorder (PTSD) is a serious mental condition which is a lasting consequence of traumatic events.
Vui cười
Nhà triệu phú nọ mất một con chó quý, đăng báo tìm và hứa sẽ thưởng 10.000 USD. Chờ mãi không thấy báo phát hành, ông bèn tới toà soạn thì chỉ gặp một em bé. Ông níu lại hỏi:
– Ở đây không còn có ai cả sao?
– Dạ không, nghe nói tất cả nhân viên toà soạn đang bận đi tìm con chó của ai đó bị lạc.
– Bí mật khủng khiếp đây! Đã có năm mươi nạn nhân! Mua báo không ông?
Khách qua đường mua một tờ, xem lướt qua:
-Này, thằng nhóc kia, làm gì có bí mật với nạn nhân nào?
– Đó chính là bí mật khủng khiếp mà ông là nạn nhân.
– !?
– Báo đây! Bí mật khủng khiếp, đã có năm mươi mốt nạn nhân… Báo đây…
Xin gọi Ngày Quốc Hận là Ngày Quốc Hận – BS.Trần Văn Tích
Bên Hoa Kỳ, SJ 455 dùng chữ Recognition Day còn SJ 139 thì dùng chữ Remembrance Day. Đếnlượt Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải thảo dự luật S 219 thì lại dùng chữ Journey to Freedom Day. Đối với ba văn kiện lập pháp này, nhóm chữ Ngày Quốc Hận bỗng dưng trở thành kỵ húy. Chuyện lâu rồi nên không biết bên Mỹ tại sao lại tránh nhóm chữ Ngày Quốc Hận. Bên Canada thì đang là vấn đề thời sự nên dư luận được biết ông Thủ tướng ngại dùng nhóm chữ Ngày Quốc Hận vì lý do bang giao quốc tế. Người Việt tỵ nạn cộng sản kính trọng quyền lợi Canada, nhưng người Việt tỵ nạn cộng sản cũng thấy rằng vì quyền lợi Canada mà tránh dùng nhóm chữ Ngày Quốc Hận thì tội nghiệp cho người Việt tỵ nạn cộng sản quá. Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Thà không có dự luật còn hơn!
Có người bảo Quốc hội Canada làm luật cho dân chúng Canada, mắc mớ chi đến người Việt tỵ nạn cộng sản? Nói thế thì đừng nói hay hơn. Dự luật lấy một biến cố tang tóc tày trời giáng xuống đầu dân tộc Việt Nam mà bảo là không liên quan gì đến người Việt Nam! Lại có người bảo dự luật có cấm tập thể người tỵ nạn cộng sản Việt Nam sử dụng nhóm chữ Ngày Quốc Hận đâu. Nói thế thì cũng đừng nói hay hơn. Bởi giả dụ có cơ quan lập pháp nước ngoài ban bố luật gọi Ngày 30.04 là “Ngày Giải Phóng“ (!?!?) thì nhân đó mà lập luận rằng có ai ngăn cấm người Việt tỵ nạn cộng sản tiếp tục dùng nhóm chữ Ngày Quốc Hận đâu, lập luận kiểu đó nghe có lọt lỗ tai không?
Luật pháp Đức xem Ngày 03.10 là Ngày Quốc Khánh Tag der Deutschen Einheit (Ngày nước Đức Thống nhất). Như thế là danh đã chính mà ngôn lại thuận. Giả dụ nay có người Mỹ gốc Việt trình Quốc hội Hoa Kỳ một dự luật lấy đối tượng là ngày 30.04 qua tên gọiVietnamese Unification Day thì người Việt tỵ nạn cộng sản có vui mừng vui quá vui không? Danh ở đây đã tà mà ngôn ở đây lại nghịch, đối với người Việt tỵ nạn cộng sản.
Cùng một ngày 30.04 mà kẻ thì gọi thế này, người thì gọi thế khác một cách gần như tùy tiện tùy hứng trong khi tên gọi chính thức, có “đăng bạ“ (trong tâm tư người Việt tỵ nạn cộng sản) là Ngày Quốc Hận thì tình trạng hỗn loạn danh từ, rối beng ngữ nghĩa tất sẽ xảy ra. Công luận nghi ngờ có âm mưu xoá bỏ Ngày Quốc Hận là vì thế.
Quốc Hận là một khái niệm văn hoá-chính trị trong từ vựng quốc ngữ. Các từ điển, tự điển đơn ngữ Việt-Việt không hề có mục từ nào ghi khái niệm này. Không hề có mặt trong từ điển nhưng đã hai lần khái niệm Ngày Quốc Hận lưu truyền rộng rãi trong ngôn ngữ dân gian nhằm chỉ ngày 20.07 và ngày 30.04. Trong khi đó cộng đồng lưu vong Nga trước đây, cộng đồng người Tàu Đài loan cũng như cộng đồng người Cuba đang sinh sống tại nước ngoài hiện nay không có Ngày Quốc Hận.
Chuyển dịch sang ngoại ngữ, Ngày Quốc Hận là Mourning Day, Jour de Deuil, Trauertag. Tấm hình các anh chị nam nữ sinh viên quốc gia Việt Nam đầu quấn khăn tang lặng lẽ âm thầm cất bước trên các đại lộ Paris là biểu tượng lịch sử vĩnh viễn ghi dấu Ngày Quốc Hận.
Không ai trong chúng ta nghi ngờ, thậm chí phủ nhận mục đích, nội dung các văn kiện lập pháp SJ 455, SJ 139 và S 219. Trái lại chúng ta hoan nghênh và hoan hỉ ghi nhận mục đích tốt đẹp, nội dung tích cực của chúng.
Cho nên tất cả chỉ qui vào một vấn đề: gọi tên. Để nhắc nhở đến Ngày Quốc Hận thì gọi là dự thảo, dự luật về Ngày Quốc Hận. Có thế thôi. Nếu không dám dùng ba chữ Ngày Quốc Hận thì thà đừng có dự luật về Ngày Quốc Hận mà lại tránh né gọi Ngày Quốc Hận bằng những tên khác.
Đặc biệt về Lý Quang Diệu: Vĩnh biệt “người vĩ đại trên sân khấu nhỏ” – Huyền Lan
Cả nước Singapore treo cờ rủ để tang cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu
Đây là một mất mát vô cùng lớn đối với đất nước và người dân Singapore, bởi chính ông – Lý Quang Diệu – là người đã tạo nên “kỳ tích Singapore, biến hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên này thành một quốc gia phát triển thuộc thế giới thứ nhất như ngày nay.
Ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) sinh ngày 16-9-1923 trong một gia đình gốc Hoa định cư ở Singapore từ cuối thế kỉ XIX. Tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Anh, luật sư trẻ Lý Quang Diệu đã tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP) ở Singapore vào năm 1954. Chỉ 5 năm sau đó, PAP dưới sự dẫn dắt của Lý Quang Diệu đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và với vai trò Tổng Thư ký PAP, ông trở thành người Singapore đầu tiên giữ ghế Thủ tướng của nước Singapore độc lập nằm trong Khối liên hiệp Anh.
Năm 1963, Singapore tham gia Liên bang Malaysia, nhưng chỉ 2 năm sau, một lần nữa tuyên bố độc lập. Kể từ đó, ông Lý Quang Diệu đã đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Singapore trong suốt 31 năm cho đến khi quyết định nghỉ hưu vào năm 1990. Trong hơn ba thập kỉ cầm quyền, Lý Quang Diệu đã đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế giàu mạnh nhất châu Á, một trung tâm tài chính và công nghệ cao lớn nhất khu vực, một điểm đến an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư và là một trong những nơi “đáng sống” nhất trên thế giới.
Là một trong những nhà lập quốc, ông Lý Quang Diệu đã lãnh đạo thế hệ tiên phong của Singapore biến Singapore từ “một vùng đầm lầy trở thành siêu đô thị”. Tổng thống Singapore Tony Tan gọi ông Lý Quang Diệu là kiến trúc sư của nền cộng hòa hiện đại. Với tầm nhìn về một nền kinh tế hiện đại, hội nhập hoàn toàn vào hệ thống sản xuất toàn cầu, khai thác vị trí chiến lược và lao động tay nghề cao, đến nay, Singapore về căn bản đã hiện thực hóa thành công tham vọng này. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) bình quân đầu người trong năm 2014 của Singapore là 60.410 USD, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 56,7 tỷ USD.
Ngay khi công cuộc phát triển đô thị của Singapore vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, ông Lý Quang Diệu đã có tầm nhìn xây dựng Singapore theo mô hình “Vườn-Thành phố”. Ông đã đề xuất dự án cải tạo sông Singapore và sông Kallang vốn ô nhiễm nghiêm trọng để hình thành nên một phần Vịnh Marina ngày nay, nơi giờ đây không chỉ là một nguồn nước ngọt quý giá cho người dân mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Với tầm nhìn xa đó, Singapore ngày nay được xem là hình mẫu phát triển bền vững và toàn diện nhất để quy hoạch đô thị trên thế giới.
Một dấu ấn thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại của Lý Quang Diệu chính là việc ông chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ thông ở Singapore. Các cộng đồng sắc tộc cũng được khuyến khích coi ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ hai để duy trì bản sắc văn hóa cộng đồng. Có rất nhiều bài báo viết về ông Lý Quang Diệu, nhưng hầu hết tập trung vào chính sách đối nội, vấn đề quản trị trong sự phát triển của Singapore, mà rất ít đề cập đến tư tưởng của ông về chính sách đối ngoại. Vì thế, sẽ không ít người ngạc nhiên khi biết rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới đều mô tả nhà lãnh đạo xuất chúng của Singapore, một chính khách có tầm ảnh hưởng có một không hai ở châu Á, và là một nhà chiến lược kết hợp những giá trị phương Đông với tầm nhìn quốc tế luôn luôn đi trước thời đại. Ông còn là một trong những nhà bình luận thẳng thắn nhất của châu Á về các vấn đề an ninh khu vực. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon thậm chí so sánh ông Lý Quang Diệu với cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, ông Lý Quang Diệu từ chức Thủ tướng vào năm 1990 sau khi đã xây dựng thế hệ kế cận đủ năng lực. Nhờ tầm nhìn xa của ông, Singapore đã có được sự công nhận quốc tế và thiết lập quan hệ hợp tác với tất cả các cường quốc trên thế giới. Với trí tuệ sâu sắc và quan điểm thẳng thắn, ông Lý Quang Diệu cũng được nhiều nhà lãnh đạo và ngoại giao quốc tế, trong đó có Việt Nam, tham khảo ý kiến về những diễn biến trong khu vực và trên thế giới.
Báo The Economist (Anh) tổng kết: “Nếu muốn tìm kiếm tượng đài về ông, hãy nhìn quanh Singapore. Thịnh vượng, trật tự, sạch sẽ, hiệu quả và được điều hành một cách trung thực”
Singapore và quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu – Quang Thành An
Tác giả: Quang Thành An, hiện đang là Trưởng khoa nghiên cứu cử nhân tại trường S.Rajaratnam về nghiên cứu quốc tế, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Ông là tác giả của nhiều đầu sách, trong đó có cuốn “Tư tưởng chiến lược của Lý Quang Diệu (London: Routledge, 2013). Ông hiện đang thực hiện hai dự án sách: “Đông Nam Á và cuộc Chiến tranh lạnh, 1945 – 1991: Lịch sử quốc tế” và phần kế tiếp của: “Đông Nam Á và hậu Chiến tranh lạnh: Ba mươi năm đầu tiên.”
Tác phẩm “Thuyết Con người vĩ đại của lịch sử”, được mô tả hùng hồn nhất bởi nhà sử học người Scotland Thomas Carlyle (1797 – 1881), hiện có lẽ đã không còn thực sự mới lạ đối với giới sử gia ngày nay. Chính Carlyle, là người đã đặt bút cho lời trích dẫn đáng ghi nhớ : “Lịch sử của thế giới thực ra lại chính là kho tiểu sử của những con người vĩ đại.” Carlyle có thể đã thổi phồng vai trò của những con người vĩ đại, và đánh giá thấp những tác động từ xã hội, nền kinh tế và những nguồn lực khác đã góp phần định hình những “anh hùng” – ý chỉ yếu tố những con người vĩ đại của ông, tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của một số những cá nhân nhất định. Đồng tình với quan điểm trên, còn có một hướng tiếp cận nữa được đưa ra. Hiển nhiên, như nhà tâm lý học và triết học người Mỹ William James đã đưa ra thảo luận trong bài diễn giảng của ông cho khoa Xã hội Lịch sử tự nhiên trường đại học Harvard vào tháng 10 năm 1880, rằng những con người vĩ đại có vai trò ảnh hưởng và định hình tới suy nghĩ và nhận thức của xã hội.
Do đó, tôi cho rằng sẽ không phải là không hợp lý khi tiếp cận những nghiên cứu về chính sách ngoại giao của Singapore thông qua quan điểm của Lý Quang Diệu. Theo S.Rajaratnam, bộ trưởng Đối ngoại, người đầu tiên và cũng là người tại vị lâu nhất ở vị trí này của Singapore, chính sách ngoại giao của Singapore được định hình chủ yếu trên những quan điểm từ ông và Lý Quang Diệu, cùng với sự đóng góp thêm từ giáo sư Ngô Khánh Thụy (bộ trưởng quốc phòng và tài chính đầu tiên của Singapore) khi đối mặt với những hệ quả từ nền kinh tế. Hiển nhiên, những nhà sử học đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu thu được, cả từ trong và ngoài Singapore, đã minh chứng rằng, không thể nào viết lại hoàn toàn lịch sử những chính sách ngoại giao của Singapore mà không xem xét đến ảnh hưởng của Lý Quang Diệu, khi ông này đã đóng một vai trò to lớn và được nhắc đến trong hầu hết những tài liệu đó. Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu chắc chắn là kết quả từ tính cách mạnh mẽ và kinh nghiệm từng trải của ông. Rajaratnam mất năm 2006 ở tuổi 91, và Ngô Tác Đống mất năm 2010 ở tuổi 92. Cả hai người đều đã từ bỏ chính trường nhiều năm trước khi qua đời. Tuy nhiên, với Lý Quang Diệu, khi ông từ chức trên cương vị thủ tướng vào năm 1990, ông tiếp tục đảm nhận vị trí bộ trưởng cao cấp, và sau đó là cố vấn bộ trưởng cho tới năm 2011. Nhà lãnh đạo thứ hai của Singapore, Ngô Tác Đống, sau đó là thử tướng thứ hai của nước này, đã nhận được nhiều những “bài học kinh nghiệm” từ Lý Quang Diệu – thường diễn ra trong bữa trưa. Ngô Tác Đống kể rằng những bữa ăn trưa của các ông khi đó đều là những cuộc thảo luận về các “chủ đề nghiêm túc”, ở đó chưa từng có sự tồn tại của những chủ đề hời hợt. Mọi thứ luôn đậm màu sắc chính trị… những vấn đề xảy ra trong khu vực và ảnh hưởng của chúng đến chúng tôi như thế nào.” Theo lời kể của một nhân vật từng được tham vấn khác, Ôn Chi Lâm (Bộ trưởng và tổng thư ký Liên đoàn thương mại quốc gia Singapore), Lý Quang Diệu là người “đã truyền lại vô số kinh nghiệm của mình, từ cách suy nghĩ đến cách ông đánh giá phân tích vấn đề và hiển nhiên, bao gồm cả những cách lý giải và đưa ra quan điểm cho những tình thế nhất định. Không chỉ là với những vấn đề liên quan, mà là cả cách anh nhìn vào sự vật nữa.” Cùng với đó, năm 2009, trong cuốn sách của mình, Asad Latif đã mô tả về Lý Quang Diệu như một kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao của Singapore.
Để lý giải về trạng thái của chính sách ngoại giao, những học giả nghiên cứu những vấn đề quan hệ quốc tế đã sử dụng đến những phương pháp gọi là “các tầng phân tích”: (a) nhân cách hay quan điểm của những cá nhân lãnh đạo (“sức ảnh hưởng”), (b) trạng thái của hệ thống chính trị nội địa (“cấu trúc”), (c) môi trường bên ngoài (“tình hình quốc tế”), hay có thể là sự kết hợp nào đó của bộ ba trên. Ở đây, tôi xin chọn tập trung vào “sức ảnh hưởng”, cụ thể trong trường hợp này là về Lý Quang Diệu, và giả thuyết đưa ra đứng sau sự gia nhập của Singapore vào môi trường chính trị quốc tế, dưới sự chỉ hướng và lãnh đạo của ông, thay vì hoạt động ghi chép lại những công việc thực hiện chính sách ngoại giao hay trao đổi song phương – một lời giải thích cho sự phát triển của chính sách ngoại giao của Singapore thay vì việc áp dụng nó. Gợi nhắc đến khẳng định của Raymond Aron rằng cách suy nghĩ mang tính chiến lược này “lấy nguồn cảm hứng từ mỗi thế kỷ, hay đúng hơn, có thể nói là từ mỗi khoảnh khắc của lịch sử, từ những vấn đề sinh ra từ các sự kiện lịch sử,” nhiệm kỳ của Lý Quang Diệu trên cương vị thủ tướng lại trùng với thời gian diễn ra Chiến tranh lạnh. Quãng thời gian ông trên cương vị bộ trưởng cao cấp (một tước hiệu ông đã đảm nhiệm sau khi bước chân xuống khỏi cương vị thủ tướng vào tháng 11 năm 1990) và cương vị cố vấn bộ trưởng (vào tháng 8 năm 2004 cho đến tháng 5 năm 2011) lại rơi vào ngay vào thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Tất cả những ai đã dõi theo những đường lối suy nghĩ chiến lược của Lý Quang Diệu, cùng với những biến chuyển của nó kể từ những năm 1950, khi ông lần đầu tiên bước chân lên sự nghiệp chính trị của mình, cho đến hiện tại đây, sẽ nhận ra rằng ông có một cảm nhận về lịch sử và những khoảng biến động về những thực tế địa lý chiến lược rất tốt.
Như Alexander George đã lưu ý rằng, “… cái cách thức mà những nhà lãnh đạo của những chính phủ quốc gia đánh giá lẫn nhau, và đánh giá về lẽ tự nhiên của những khủng hoảng chính trị trên thế giới chính lại mang tầm quan trọng cốt yếu trong việc xác định điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ giữa các quốc gia… Chính sách ngoại giao của một quốc gia không nằm ở thế giới bên ngoài như thường hay được nhắc đến, mà từ “hình ảnh của thế giới bên ngoài” bên trong suy nghĩ của những con người xây dựng chính sách ngoại giao.” Khi ảnh hưởng của Lý Quang Diệu là rất to lớn đến việc xây dựng chính sách ngoại giao của Singapore – hiển nhiên chúng ta không thể không nhắc đến sự phản ánh suy nghĩ của Lý Quang Diệu trong từng phát biểu, và từng bài phỏng vấn về chính sách ngoại giao của thế hệ thứ hai và thứ ba những nhà lãnh đạo Singapore, khả năng thấu hiểu niềm tin và những nền tảng của ông đưa ra là điều thiết yếu cần có cho những ai có mong muốn tìm hiểu và phân tích chính sách ngoại giao của Singapore, bởi lẽ chúng có ý nghĩa như “một lăng kính” giúp định hình “quan điểm và chẩn đoán về những hoạt động chính trị quốc tế” và đồng thời “cung cấp những nền tảng, những tiêu chuẩn và định hướng” đã ảnh hưởng đến những lựa chọn của Singapore đối với những “chiến lược và cách thức, xây dựng và cân nhắc những giải pháp thay thế.”
Trong khi đã có nhiều bài viết về Lý Quang Diệu, cùng với vai trò lãnh đạo của ông trong sự phát triển của Singapore, tuy nhiên hầu hết vẫn tập trung vào những chính sách nội địa của ông, và trên những chủ đề về quản lý nhà nước, nhưng lại ít nói đến tư duy chính sách ngoại giao của ông. Đây là một điều khá bất ngờ khi cân nhắc tới việc ông thường được biết đến như một nhà tư duy chiến lược hàng đầu châu Á, không thích nói lời tán dương, “thi thoảng lại nói chuyện rất thẳng thừng,” và là một người “giúp chúng ta tìm ra hướng đi trong một thế giới phức tạp.” Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nhắc đến Lý Quang Diệu như một trong những nhà lãnh đạo tài năng nhất mà ông từng gặp, và so sánh ông Lý với Winston Churchill. Mối liên hệ giữa hai con người này có thể thực ra có lẽ là khá mờ nhạt và không thực sự chính xác. Thứ nhất có thể thấy là trong sự nghiệp chính trị của mình, hiển nhiên Lý Quang Diệu đã trở thành một Churchill, một “con người to lớn trên một sân khấu nhỏ”, một nhà lãnh đạo, người mà “nếu ở nơi khác, thời điểm khác, đã có thể trở thành ngang tầm với một Churchill, một Disraeli, hay một Gladstone.” Ngay cả cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người đã không cùng chia sẻ quan điểm với Lý Quang Diệu, đặc biệt là khi bàn về Trung Quốc, cũng đã miêu tả về ông như sau: “không còn nghi ngờ gì được, ông ấy là một trong những chuyên gia hàng đầu trong việc quản lý đất nước.” Và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã miêu tả Lý Quang Diệu: “một trong những con người sáng suốt nhất, hiểu biết nhất, và một nhà lãnh đạo đất nước tốt nhất trên toàn thế giới trong 50 năm trở lại đây.”
Lý Quang Diệu đã được nhắc đến “thông qua những quan điểm thẳng thắn của ông” và “là một trong những nhà bình luận thẳng thắn nhất về những vấn đề về khu vực và an ninh.” Trên thực tế, ông đã gián tiếp đưa ra những lời khuyên, về cách lý giải những bài phát biểu chính trị cùng với những bàn luận liên quan của ông. Trong những bài phát biểu của mình, Lý Quang Diệu đã nói rằng ông cần đạt được sự cân bằng giữa (a) “duy trì sự tự tin và ổn định” với “sự cần thiết gây chú ý cho mọi người” và (b) ứng xử lịch sự nhưng cũng phải đáng tin cậy (“Tôi phải lịch sự, nhưng cũng không muốn trở thành người khó được tin tưởng’). Trong một bài phỏng vấn không lâu sau ngày Sài Gòn thất thủ, Lý Quang Diệu đã nói rằng bất cứ ai làm việc trong những văn phòng ở Đông Nam Á, bất cứ bộ ngành nào, nắm giữ trách nhiệm gì, đều sẽ phải nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình, và những điều ông nói với những thính giả trong và ngoài nước của ông, không những không làm lung lay sự tin tưởng của họ, mà thậm chí, khi ông nói rằng mọi thứ sẽ ổn dù hiện tại chúng không thực sự ổn, thì ảnh hưởng của những rủi ro và nguy hiểm trong họ sẽ không còn tồn tại trong chỉ vài tuần hay vài tháng. Những nhà sử học tìm hiểu cách sử dụng những phát ngôn công khai của Lý Quang Diệu, thông qua đó để hiểu suy nghĩ của ông nên thực sự ghi nhớ điều này.
Con người cảm tính, không theo nguyên tắc
Lý Quang Diệu có một khả năng lạ thường có thể nhìn thấy trước những xu hướng chính trị có thể giúp Singapore trở nên vô cùng linh hoạt trong việc lèo lái những chính sách ngoại giao của mình. Đã hơn một lần, Lý Quang Diệu cho rằng ông không phải là một con người hoạt động theo nguyên tắc, mà là người làm việc theo cảm tính, và những quan điểm và suy nghĩ của ông thì không định hình bởi bất cứ lý thuyết cụ thể nào ngoại từ “kết quả của sự phát triển dần dần, từ khi còn là một đứa trẻ, tới thiếu niên, một sinh viên trẻ, cho đến khi trưởng thành.” Theo cách này, Lý Quang Diệu có phần giống như John Locke, trong việc công nhận rằng hiểu biết là đến từ trải nghiệm. Trong cuộc nói chuyện của mình với Tom Plate, ông nói, “Tôi không giỏi giang trong lĩnh vực triết học và các học thuyết. Tôi thấy chúng rất hay, nhưng cuộc đời tôi không phải được chỉ dẫn từ triết học hay lý thuyết gì cả, tôi hoàn thành mọi việc và dành cho những người khác rút ra những nguyên tắc từ những giải pháp thành công tôi đưa ra. Tôi không làm việc dựa trên lý thuyết. Thay vào đó, tôi sẽ hỏi: Xử lý việc này như thế nào?… Thế nên, với Plato, Aristole, Socrates, họ không dẫn dắt tôi. Tôi chỉ đọc qua về họ, vì tôi không quá hứng thú với triết học vậy. Anh có thể cho tôi là một người theo chủ nghĩa vị lợi, hay cái gì cũng được. Tôi thích những cái gì phải hiệu quả. Khi trả lời cho câu hỏi về quan điểm của mình, có phần giống với Darwin, Lý Quang Diệu trả lời rằng “không hoàn toàn giống với Darwin. Có lẽ đấy là một điều gì đó mà tôi đã nhận ra thông qua thực nghiệm nhiều hơn. Tôi không khởi đầu với bất cứ một lý thuyết nào. Tôi không bắt đầu với Edward Wilson. Wilson chỉ cho tôi một nền tảng tư duy, và một ví dụ. Nhưng tôi, tôi là người đã tiếp nhận ra nó.” Hãy lưu ý rằng Lý Quang Diệu đã không phủ nhận rằng ông, phần nào nắm giữ một quan điểm như Darwin. Đáng chú ý, cũng tương tự vậy, vào bài phát biểu ngày 24 tháng 3 năm 1965 của mình, và phản hồi của ông cho một câu hỏi vào tháng 9 năm 2008, về nền tảng quan trọng nào đã định hình những suy nghĩ của ông về những mối quan hệ quốc tế: “Vấn đề vẫn không khác gì khi trải qua cả hàng trăm năm, tôi cho là vậy. Một bộ lạc muốn có thêm đất đai, bộ lạc đó sẽ đi chiếm đất đai từ bộ lạc khác, họ gây chiến, và họ mở rộng. Ngay cả nếu họ có cùng chung bộ lạc, họ vẫn có thể tách ra thành những nhóm khác nhau, và họ vẫn sẽ gây chiến với nhau, vì quyền lực….” Trên những thỏa luận logic, Lý Quang Diệu đã dự đoán rằng tương lai trong thế kỷ 22, Trung Quốc và Mũ sẽ phải học cách cùng tồn tại với nhau, hoặc là họ sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Mặc dù Lý Quang Diệu khẳng định rằng ông không hề dựa trên một lý thuyết hay triết học nào áp dụng vào các chính sách ngoại giao, và ông cũng không khởi đầu với bất cứ học thuyết nào trong đầu, thì suy nghĩ bao quát của ông đã có vẻ tỏ ra thực tế.
Cuộc đời của Lý Quang Diệu hoàn toàn tập trung cho sự tồn tại của đất nước Singapore. Đó cũng luôn luôn là thách thức trong chính sách ngoại giao của ông – Làm thế nào “tận dụng những cơ hội có được từ những sự thay đổi của các điều kiện xung quanh, hay là để tránh xa những nguy hại có thể xảy đến.” Theo ông, để đạt được điều này sẽ cần đến “một thủ tướng và một bộ trưởng ngoại giao, những người có thể nhìn thấu những xu hướng trong tương lai của nền chính trị toàn cầu, an ninh, môi trường kinh tế và bản thân vị thế của chúng ta (Singapore), theo cả góc diện đa phương hay song phương để nắm lấy những cơ hội phía trước, nhanh hơn những người khác có thể.” Trong khi những nhân viên và quan chức ngoại giao đều có thể đưa ra những đề nghị sâu sắc, “Điều cần thiết nhất là, thủ tướng cùng với các bộ trưởng then chốt khác, sẽ phải là người phải lựa chọn ra những thay đổi trong chính sách ngoại giao.”
Trong những năm tuổi 80, Lý Quang Diệu vẫn còn giữ sự quan tâm đến “rằng một thế hệ trẻ người Singapore sẽ không còn giữ cùng quan điểm với ông, về tầm quan trọng và những vấn đề liên quan như việc những công dân đã cao tuổi giờ đang xích lại gần nhau, và đang trở nên chỉ ngồi im một chỗ trước hành trình đầy những biến động tiến đến tinh thần dân tộc.” Ông cảm nhận được một sự cấp thiết cần phải tìm ra một giải pháp cho việc “gắn kết” thế hệ trẻ. Và kết quả mà ông có được là sự ra đời cuốn sách thứ ba, “Những thực tế khó khăn trên con đường duy trì Singapore phát triển”, cuốn sách được chọn lọc từ mười sáu bài phỏng vấn dài của ông giữa khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2008 cho tới tháng 10 năm 2009. Cuốn sách lần đầu tiên được viết theo một cấu trúc câu hỏi và trả lời, thực sự đã thu hút những độc giả trẻ. Hai năm sau, vào năm 2013, khi ông 90 tuổi, Lý Quang Diệu đã cho xuất bản cuốn “Góc nhìn về một người của thế giới”, cuốn sách cuối cùng của ông. Sử dụng một sự kết hợp từ phương pháp kể chuyện và phỏng vấn, cuốn “Góc nhìn của một người về thế giới” đã bày tỏ những quan điểm của ông về những khía cạnh các sự kiện ngoại giao, cùng những vấn đề toàn cầu cấp thiết như về nền kinh tế thế giới, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Đáng lưu ý rằng, ngay từ trước khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, Lý Quang Diệu đã hình thành một tư duy chiến lược hướng ngoại về những vấn đề quốc tế, định hình từ những kinh nghiệm của ông từ giai đoạn chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II, và quan sát của ông về những phát triển hậu sau chiến tranh, và phản ứng của nước Anh tới tình trạng chia cắt châu Âu do cuộc Chiến tranh lạnh, cùng với sự hình thành của khối quân sự các nước khối Mỹ đứng đầu, đối đầu và cố gắng kìm hãm khối các nước do nhà nước Soviet đứng đầu các nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi Lý Quang Diệu đề cập đến động lực tích cực mà sự thách thức của khối Xô Viết gây ra cho chủ nghĩa đế quốc của châu Âu, dẫn đến những cuộc giải phóng tại những thuộc địa của Anh và Pháp, đặc biệt tại phía Nam và phía Đông Nam Á, ông cũng đã nhìn ra những nỗ lực giải phóng đất nước đòi độc lập tại những thuộc địa đang được dẫn dắt từ yêu cầu cần phải chạy đua kiểm soát của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Ông cũng đã nhìn thấu làm thế nào những mâu thuẫn sắc tộc lại được hỗ trợ bởi những mâu thuẫn về lãnh thổ tại những khu vực hay xảy ra mâu thuẫn như tại vùng Ấn Độ – Pakistan.
Góc nhìn tâm lý học
Lý Quang Diệu đã bắt đầu làm quen với góc nhìn nghiên cứu theo tâm lý học đối với những sự kiện quốc tế, và cả những vấn đề chính trị lớn hơn, chẳng hạn như sự can thiệp của Mỹ tới khu vực Trung – Ấn, và việc Mỹ rút quân khỏi phía Đông Suez. Ông dường như cũng đã dự đoán trước về quá trình dịch chuyển cán cân sức mạnh từ vị thế nghiêng về các nước châu Âu – các nước phương Tây, trong thời kỳ những năm 1500 đến những năm 1900, sẽ chuyển sang, hoặc Trung Quốc, hoặc Ấn Độ, hay châu Á nói chung, sẽ lại xảy ra lần nữa vào thế kỷ 21. Năm 1985, ông cũng đã dự đoán trước về sự vùng dậy của châu Á trong thế kỷ 21, lường trước sự phát triển khó kìm bước của Trung Quốc, và sự phát triển của Ấn Độ, có phần không mạnh mẽ bằng, cùng với sự suy giảm tương đối trong ảnh hưởng của giới các nước phương Tây.
Lý Quang Diệu đã bị ấn tượng bởi thực tế của sức mạnh nằm phía sau chủ nghĩa hình thức ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, cùng với tầm quan trọng của việc sở hữu năng lực có thể đảm bảo thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông cũng nhận thấy yêu cầu cho các quốc gia nhỏ, cần sắp xếp những mối liên hệ với các quốc gia lớn hơn để có thể đảm bảo quyền tự chủ của mình, và tận dụng những ảnh hưởng gián tiếp. Cùng lúc đó, ông cũng đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về khả năng và giới hạn của các tổ chức đa phương như Tổ chức hỗ trợ Á Phi và Hoạt động các quốc gia độc lập, cùng với Tổ chức các quốc gia thịnh vượng chung. Khi tìm hiểu nhu cầu của Singapore với việc gia nhập những tổ chức thế này để nhận được sự chấp thuận, Lý Quang Diệu đã nhận thức vấn đề về khả năng của họ trong việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền lợi của các thành viên, chống lại những nỗ lực của những thế lực có thể chia cắt và điều khiển họ. Ông cũng luôn nhấn mạnh yêu cầu của Singapore là cần phải luôn linh hoạt và cảnh giác trong bất cứ thỏa thuận nào, hay những chuyển giao cán cân sức mạnh mà Singapore có vai trò quan trọng trong đó.
Lý Quang Diệu cũng đã dành một sự quan tâm không nhỏ đối với mối liên hệ phức tạp giữa chính trị và kinh tế. Ông đã đưa ra vấn để này thảo luận vào từ những năm 1966, và tiếp tục thảo luận về nó trong rất nhiều thời điểm trong thời kỳ sự nghiệp chính trị của ông. Rất nhiều vài nói chuyện, và bài phỏng vấn của ông, đặc biệt sau kết thúc của Chiến tranh lạnh là hướng về nền kinh tế chính trị quốc tế. Ông cũng thể hiện một mối quan tâm tới những đổi mới công nghệ, và những ảnh hương của nó lên vấn đề chính trị toàn cầu. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, ông cũng đã đề cập, dù rằng là không nhiều, về những vấn đề an ninh không phân biệt văn hóa như biến đổi khí hậu.
Gần năm mươi năm sau, trong bài nói chuyện đầu tiên của mình (vào tháng 3 năm 1965) về tương lai của Malaysia, Lý Quang Diệu đã tiếp tục củng cố niềm tin bằng một viễn cảnh rõ rệt về xu hướng của toàn cầu, và những sự phát triển địa chiến lược vào một sự thay đổi chưa từng có trên thế giới. Xuất phát từ những nền tảng đầu tiên, ông đã nhìn thấy sự tồn tại của những quốc gia nhỏ như Singapore sẽ gắn bó chặt chẽ với sự ổn định và tồn tại lâu dài của những quốc gia láng giềng cùng khu vực, cùng với cán cân đầy biến động, và những tương tác kinh tế của sức mạnh toàn cầu.
Hơn hết, Lý Quang Diệu đã luôn cam kết với những nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng của ông về chính sách ngoại giao. Ông cũng luôn kiên định một cách đáng nể với quan điểm của mình về khía cạnh cán cân sức mạnh, mối liên hệ tương quan giữa chính trị và kinh tế, và vai trò của những nguồn lực to lớn trong các hệ thống đa quốc gia. Năng lực của ông trong việc cảm nhận những sự thay đổi, chẳng hạn như, nhu cầu tìm kiếm đồng minh của Mỹ khi không còn có thể trông cậy vào nước Anh, hay sự khởi sắc của Trung Quốc. Nhưng với tất cả sự ngưỡng mộ dồn hết cho ông, thì Lý Quang Diệu vẫn khẳng định rằng ông không biết được, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình vào những năm 1950, liệu ông không đứng bên phía chiến thắng của Chiến tranh lạnh, liệu Singapore có được ngày hôm nay – một sự gợi nhắc ngầm về vai trò của những khả năng, trong công việc phân tích lịch sử, ngay cả dù vấn đề này tập trung vào cách nhận thức và vai trò của một con người.
Như Louis Halle đã nói, “nguồn gốc chính sách ngoại giao của bất cứ quốc gia nào, sẽ phản ánh trong chính nó hình ảnh về thế giới bên ngoài trong đầu óc của những người hoạch định chính sách ngoại giao của chính quốc gia đó.” Trong trường hợp của Singapore, đó hẳn là quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu là điều có ảnh hưởng to lớn nhất.
Nguyễn Hoàng Nam, chuyển ngữ
Dân Tộc Sinh Tồn Quyển 1 Chương 2 (tt) – Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
III- NHỮNG NGUYÊN-TẮC CĂN-BẢN CỦA LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ
Trong ba nhà văn-sĩ được kể là những kẻ đã xây dựng nên lý-thuyết dân-chủ hiện lưu-hành, Montesquieu là người tham-dự ít hơn hết. Thật ra, ông chỉ khơi sâu thêm ý-tưởng về nhơn quyền mà Locke đã nêu ra. Do đó, những vai tuồng trọng-yếu trong công việc xây dựng lý-thuyết dân-chủ qui về Locke và Jean Jacques Rousseau. Tư-tưởng hai ông này có những điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều chỗ khác nhau.
Trước hết, đối với ý-niệm thần-quyền, cả hai đều tỏ vẻ tôn-trọng chớ không hề đánh đổ. Locke vốn là tín-đồ nhiệt thành của Thiên-chúa-giáo Cải-lương nên đã nói đến Thượng-Đế một cách kính-cẩn. Rousseau thì sanh-trưởng ở Genève là một thành-lũy kiên-cố của đạo này. Do đó, ông cũng chịu ảnh-hưởng nó, và chủ-trương thành-lập một nền tôn-giáo riêng biệt cho quốc-gia. Tuy vậy, Locke và Rousseau đã dựa vào một nguyên-tắc hoàn-toàn mới đối với người đồng-thời, là lấy con người làm trung-tâm của nền tư-tưởng chánh-trị mình chớ không dựa vào ý muốn phụng-sự Thượng-Đế mà suy-luận như những nhà văn sĩ chánh-trị trước họ.
Locke và Rousseau lại còn một chỗ này giống nhau, là họ đều chấp-nhận rằng trước khi thành-lập xã-hội, người sống trong trạng-thái thiên-nhiên. Trong trạng-thái ấy, người được tự-do, bình-đẳng và sung sướng. Chủ-trương trên này đưa Locke và Rousseau đến quan-niệm cho rằng người có những quyền thiên-nhiên cao-quí cần phải được kính nể.
Theo Locke, người sở-dĩ vào xã-hội là để tránh một số họa-hại và để được sung sướng hơn. Rousseau thì cho rằng người vì tình-thế bắt buộc phải sống thành xã-hội rồi bị trói buộc luôn trong một guồng máy khổng-lồ mà người không thể thoát ra được. Trong xã-hội tổ-chức theo lối quyền-thế, những quyền thiên-nhiên của người không được kính nể nên người rất khổ sở. Theo Rousseau, họ mất cả bản-tánh tốt của mình và trở thành hung-ác, tàn-bạo.
Trong sự giải-quyết vấn-đề xã-hội, Locke và Rousseau cũng có một nguyên-tắc chung: họ nhấn mạnh trên sự cần-thiết phải lập một chánh-phủ chơn-chánh không phải dựa vào cường-quyền mà dựa vào sự chấp-thuận của toàn-dân. Để biện-minh cho chủ-trương này, Locke và Rousseau cùng nêu ra quan-niệm dân-ước theo đó, xã-hội được thành-lập do sự đồng-thuận của người. Cứu-cánh nó là bảo-vệ quyền-lợi người, và giúp người phát-triển những khả-năng của mình.
Về sự áp-dụng nguyên-tắc trên này trong việc tổ-chức chánh-quyền, Locke và Rousseau có những ý-kiến hoàn-toàn trái ngược nhau.
Trung-thành với chánh-thể quân-chủ và chú-trọng trước nhứt đến sự bảo-vệ quyền-lợi cá-nhơn của người, Locke chủ-trương phân-quyền. Sự hiệu-lực của Nghị-hội Anh trong công cuộc hạn-chế quyền nhà vua làm cho ông tín-nhiệm nơi chế-độ đại-nghị. Những gương các nhà vua Charles đệ nhứt và Jacques đệ nhị vận-động để tái-lập chế-độ chuyên-chánh làm cho Locke lo ngại về tương-lai nên ông nêu ra quyền khởi-loạn của dân-chúng để đề-phòng.
Rousseau vốn là người sanh-trưởng ở Genève, một thị-trấn tổ-chức theo chế-độ dân-quốc. Ông bị ảnh-hưởng của chế-độ này nên không nhìn nhận quân-quyền và cho rằng vị chủ-tể một nước phải là toàn-thể dân-chúng nước ấy.
Chủ-quyền một quốc-gia do nơi ý muốn của người chủ-tể quốc-gia, tức là ý muốn chung của toàn-thể dân-chúng. Nó có tánh-cách của mọi ý muốn nghĩa là không thể trao nhượng cho ai, cũng không thể phân chia được. Vì lý lẽ này, Rousseau không công-nhận chế-độ đại-nghị và phản-đối luôn chủ-trương phân-quyền. Như thế, theo Rousseau, quốc-gia lý-tưởng là một quốc-gia nhỏ trong đó dân-chúng có thể trực-tiếp quyết-định về mọi việc có dính dáng đến quyền-lợi chung.
Mặc dầu vẫn chủ-trương tôn-trọng sự tự-do của cá-nhơn, Rousseau giao cho quốc-gia một oai-quyền tuyệt-đối. Ông cho rằng sự bắt buộc cá-nhơn tùy thuộc ý muốn chung không trái với nguyên-tắc tự-do, và để trả lời lại những kẻ lo sợ rằng sự chuyên-chế của quốc-gia sẽ phạm vào quyền-lợi cá-nhơn, Rousseau quả-quyết rằng ý muốn chung của toàn dân nhứt-định là tốt và không thể làm cho người khổ-sở được.
IV- SỰ THỰC-HÀNH LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ: CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN
Những tác-phẩm của Locke, Montesquieu và Rousseau có một ảnh-hưởng rất lớn. Bên cái xã-hội bất-công và đầy khốn khổ của chế-độ chuyên-chánh, những tư-tưởng chứa đựng trong các tác-phẩm ấy bày ra một chơn trời mới, phản-chiếu nhơn-đạo và công-bình, hứa hẹn một ngày mai rực rỡ. Vì thế, nó được nhiệt-liệt hoan-nghinh. Phong-trào dân-chủ càng ngày càng bành-trướng và sau cùng làm biến đổi hẳn cuộc-diện chánh-trị Âu-châu.
Những nước đi đầu trong công cuộc thay đổi này tự-nhiên là những nước đã sản-xuất ra lý-thuyết dân-chủ, tức là Anh và Pháp. Thêm vào đó, còn một nước thứ ba là Hiệp-chúng-quốc Mỹ, một nước chịu ảnh-hưởng văn-hóa của Anh rất sâu xa.
Tuy vậy, những nước trên này đã thực-hiện nền dân-chủ theo những đường lối khác nhau vì tình-thế khác nhau, mà cũng vì những xu-hướng dân-chủ của những dân-tộc ấy khác nhau.
- A. Sự thành lập chế độ dân chủ ở Anh
Ở nước Anh, khi chế-độ quân-chủ được thành-lập, oai-quyền của nhà vua rất to. Những nhà quí-tộc có những thái-ấp gồm những đất đai nhỏ phân-tán ở nhiều nơi. Do đó, nếu đứng riêng ra, họ rất yếu thế, không sao có thể chống chọi lại nhà vua. Bởi thế, không những hợp-tác nhau một cách chặt chẽ, họ còn liên-minh với dân-chúng để đối phó với nhà vua. Điều này làm cho dân-chúng được tham-gia chánh-sự rất sớm.
Một mặt khác, khi Phong-trào CảI-lương Thiên-chúa-giáo phát-khởi, một số lớn người Anh đã hưởng-ứng theo nó, và vấn-đề tự-do tín-ngưỡng được nêu ra một cách khẩn-thiết. Những điều-kiện trên này thúc giục dân Anh đi trên đường dân-chủ trước các dân-tộc khác.
Nền tảng của chế-độ dân-chủ Anh bắt đầu được xây dựng với sự thành-lập Nghị-hội từ thế-kỷ thứ 13, rồi được củng cố thêm mãi. Đến thế-kỷ thứ 17, những nhà vua muốn phản-động lại đều bị dân-chúng phản-kháng, vua Charles đệ nhứt bị xử-tử, vua Jacques đệ nhị bị đuổi ra khỏi nước.
Với quyển “Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự”, Locke đã tạo cho tư-tưởng dân-chủ Anh một cơ-sở triết-lý và trình bày nó thành một lý-thuyết. Lý-thuyết này không những trả lời đúng nguyện-vọng dân Anh, nó còn phù-hợp với những cơ-sở sẵn có của nước họ. Trong trường-hợp đó, nó tự-nhiên đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự tổ-chức chánh-trị của người Anh.Từ khi nó ra đời cho đến sau, xã-hội Anh lần lần tiến theo hướng dân-chủ, không gặp sự phản-ứng đáng kể của nhà vua nữa.
Trong sự tiến hóa này, người Anh lại gặp một trường-hợp hy-hữu. Năm 1714, hoàng-hậu Ann từ trần, không con kế-vị. Người Anh rước một ông hoàng người Đức về làm vua nước mình. Ông này lên ngôi, lấy hiệu là George đệ nhứt. Vì không nói được tiếng Anh và không thảo-luận về quốc-sự được với các vị tổng-trưởng, ông giao cho một vị thủ-tướng chủ-tọa các hội-đồng nội-các rồi báo-cáo lại ông kết-quả những sự bàn cãi. Điều này làm khởi điểm cho chế-độ đại-nghị. Quyền nhà vua từ đó cứ hao mòn lần, và cuối cùng nhà vua chỉ còn là một vị quốc-trưởng tượng-trưng cho toàn-quốc, trị-vì trên dân-chúng, nhưng không nắm giữ quyền cai-trị nữa.
- B. Sự thành lập chế độ dân chủ ở Hiệp ChủngQuốc Mỹ
Cuối thế-kỷ 18, sau nước Anh, lại đến phiên Hiệp-chúng-quốc Mỹ theo chế-độ dân-chủ. Châu Mỹ ngày xưa vốn là đất của dân da đỏ. Người Âu chỉ khám-phá ra nó vào cuối thế-kỷ 15, và đến đầu thế-kỷ thứ 17, họ mới đến lập gia-cư tại đó.
Trong khoảng từ năm 1607 đến năm 1733, người Anh tổ-chức được 13 thực-dân-địa ở Bắc Mỹ-châu, trên bờ Đại-tây-dương. Ban đầu, dân-chúng các đất này vẫn trung-thành với nước Anh. Nhưng sau đó, vì bất-bình chánh-phủ Anh trong sự đánh thuế, họ nổi lên chống lại. Năm 1776, mười ba thực-dân-địa trên này tuyên-bố độc-lập và tự xưng là Hiệp-chúng-quốc Mỹ. Sau một cuộc chiến-đấu anh-dũng kéo dài trong 8 năm, nước này được chánh-phủ Anh công-nhận độc-lập và năm 1787, một hiến-pháp liên-bang được ban-bố. Sau đó, Hiệp-chúng-quốc Mỹ mở rộng thêm cương-giới ra và trở thành một nước lớn trong hoàn-cầu, gồm 50 tiểu-bang hợp lại lập nên.
Vốn là miêu-duệ những người dân Anh có một tinh-thần tự-do mạnh mẽ, lại đứng lên chọi lại sự áp-bức của mẫu-quốc, dân Hiệp-chúng-quốc Mỹ có những truyền-thống dân-chủ rất mạnh, và cố-nhiên là tổ-chức nước họ theo chế-độ dân-chủ. Họ còn đi xa hơn dân-chúng Anh thời bấy giờ ở chỗ họ đã lập nước họ thành một dân-quốc theo chánh-thể Tổng-thống chớ không chấp-nhận nền quân-chủ như dân-chúng Anh.
- C. Sự thành lập chế độ dân chủ ở Pháp và các nước trên lục địa Âu Châu
Lịch-sử thiết-lập chế-độ dân-chủ ở Pháp so với lịch-sử thiết lập chế-độ dân-chủ Anh có nhiều điểm khác nhau. Trái với tình-thế nước Anh, ở Pháp, khi quốc-gia thành-lập, chánh-quyền của nhà vua không mấy gì vững chãi. Những nhà quí-tộc trong nước có những thái-ấp rộng rãi và liền nhau làm một khối. Do đó, oai-quyền họ không kém nhà vua bao nhiêu. Những khi nghịch nhau với nhà vua, họ có thể tự mình chống lại nhà vua một cách dễ dàng. Muốn thực-hiện sự tập-trung quyền-chánh và thống-nhứt quốc-gia, các nhà vua Pháp phải cố tìm cách làm hao mòn thế-lực những nhà quí-tộc. Trong công việc làm này, họ đã được dân-chúng Pháp hết sức giúp đỡ vì đám dân-chúng ấy thường bị các lãnh-chúa bóc lột thái-quá.
Khi quốc-gia được thống-nhứt hoàn-toàn, những nhà vua Pháp có một thế-lực rất lớn. Họ không chịu nhượng bộ dân-chúng khi dân-chúng quay lại yêu cầu bảo-đảm những quyền-lợi cho mình. Bởi đó, khi ở Anh, chế-độ tự-do đã có những nền móng vững chắc rồi, ở Pháp, nhà vua vẫn nắm trọn quyền trong sự điều-khiển việc nước.
Phát-sanh trong bầu không khí khắc-nghiệt ấy, tư-tưởng dân-chủ Pháp ban đầu hãy còn tỏ vẻ kính-nể hoàng-gia, nhưng càng ngày càng có tánh-cách quá-khích hơn. Với quyển “Dân-ước”, Rousseau đã nêu hẳn ý-tưởng chủ-quyền thuộc toàn-thể dân-chúng và một cách gián-tiếp, chủ-trương lập nền dân-quốc.
Chủ-trương này thật ra chưa đủ sức đánh bạt hết lòng tôn-quân của dân Pháp. Nếu những nhà vua Pháp kế-nghiệp cho vua Louis thứ 14 sáng suốt khôn ngoan hơn, có lẽ dân Pháp không đến nỗi phải đi đến những giảI-pháp cực-đoan, mà chế-độ quân-chủ chắc cũng không bị đánh đổ hẳn. Nhưng vì vua Louis thứ 16 của Pháp nghe lời những kẻ tả hữu quá phản-động, vì những nhà quí-tộc Pháp quá ích-kỷ, cứ khư khư đòi giữ hết những đặc-quyền mình, người Pháp mới khởi-xướng ra cuộc cách-mạng năm 1789.
Từ đó, dân-tộc Pháp dấn mình vào những cuộc phiêu-lưu chánh-trị và trải qua những chánh-thể khác nhau, từ chánh-thể dân-quốc độc-tài qua chánh-thể đế-quốc sang chánh-thể quân-chủ lập-hiến, rồi từ chánh-thể dân-chủ cộng-hòa sang chánh-thể đế-quốc trở lại để cuối cùng thành-lập một cộng-hòa quốc theo chánh-thể dân-chủ đại-nghị từ năm 1875.
Những cuộc cách-mạng ở Pháp có ảnh-hưởng rất lớn đến các nước khác ở Âu-châu. Và sau hoàng-gia Pháp, các hoàng-gia Âu-châu hoặc phải chấp-nhận chánh-thể lập-hiến, hoặc bị dân-chúng đánh đổ để theo những chánh-thể khác hơn chánh-thể quân-chủ chuyên-chế lối cổ-điển.
- D. Sự áp dụng lý thuyết dân chủ trong công việc tổ chức quốc gia
Trong sự tổ-chức quốc-gia mình theo lý-thuyết dân-chủ, các dân-tộc Âu Mỹ có những nguyên-tắc giống nhau, nhưng cũng có nhiều chi-tiết khác nhau.
Nước Anh và một số nước Bắc-Âu chịu ảnh-hưởng của Locke đã tổ-chức theo chế-độ quân-chủ lập-hiến đại-nghị. Trong những nước ấy, nhà vua là một vị quốc-trưởng được trọng-vọng, nhưng vô-trách-nhiệm và vì đó mà thật sự vô-quyền, mặc dầu theo nguyên-tắc, mọi pháp-lịnh đều do nhà vua mà ra. Quyền lập-pháp nằm trong tay một Nghị-viện Thứ-dân gồm những đại-biểu do dân công-cử và một Nghị-viện Quí-tộc ít quyền-hành hơn. Quyền hành-pháp thuộc về một chánh-phủ được nghị-viện uỷ nhiệm.
Những nhà cách-mạng nước Pháp chịu ảnh-hưởng của Rousseau rất nhiều. Nhưng trong sự xây dựng chế-độ dân-chủ cộng-hòa trên nước họ, họ không thể áp-dụng được hoàn-toàn lý-thuyết Rousseau.
Trong sách “Dân-ước”, Rousseau đã bảo rằng chủ-quyền một quốc-gia thuộc về toàn-thể dân-chúng và không thể phân chia, cũng không thể nhượng cho ai. Chiếu theo nguyên-tắc đó, Rousseau chủ-trương để cho dân-chúng trực-tiếp nắm hết quyền-hành trong tay. Những nhơn-viên chánh-phủ chỉ là những kẻ thừa-hành mạng-lịnh dân-chúng mà thôi. Nhưng chánh-thể này chỉ có thể thi-hành được ở những nước nhỏ hẹp, trong ấy mọi người đều biết rõ nhau và có thể tụ-tập nhau lại đông đủ để bày tỏ ý-kiến mình về những việc có ích-lợi chung. Ở Âu-châu, chỉ có Thụy sĩ – một liên-bang gồm những tiểu-bang nhỏ hẹp kết-hợp nhau lại một cách lỏng lẻo, lại được các cường-quốc khác công-nhận là nước trung-lập nên không sợ nạn ngoại –xâm – là có thể áp-dụng được ý-tưởng này.
Một quốc-gia đông hàng triệu người, lại sống bên cạnh nhiều cường-quốc sẵn sàng xâm lấn mình như quốc-gia Pháp, tự-nhiên không thể theo chơn Rousseau trên con đường ấy. Vì đó, người Pháp phải nghiêng về phía Locke và Montesquieu. Sau khi thí nghiệm nhiều hình-thức chánh-thể khác nhau, họ tổ-chức quốc-gia theo nguyên-tắc đại-nghị và phân-quyền. Quốc-trưởng Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng-hòa Pháp là một vị Tổng-thống cũng vô trách-nhiệm và vô quyền như nhà vua Anh. Quyền lập-pháp thuộc về một Nghị-viện gồm những đại-biểu được dân-chúng bầu ra, còn quyền-hành-pháp thì giao cho chánh-phủ do Nghị-viện công-cử.
Qua Đệ Ngũ Cộng-hòa, Tổng-thống Pháp do dân-chúng bầu cử và có một quyền-hành rộng rãi. Tuy nhiên, người Pháp vẫn chưa bỏ hẳn chế-độ đại-nghị nên kế bên Tổng-thống, họ lại đặt một Thủ-tướng do Tổng-thống chỉ-định và Quốc hội tấn phong.
Hiệp-chúng-quốc Mỹ chịu ảnh-hưởng của Anh lẫn Pháp, nhưng có một chánh-thể đặc-biệt khác hai nước này.
Quốc-trưởng Hiệp-chúng-quốc Mỹ là một vị Tổng-thống do dân-chúng cử ra và nắm quyền-hành-pháp. Nhờ sự ủy nhiệm trực-tiếp của dân-chúng chớ không phải qua Nghị-hội, Tổng-thống Hiệp-chúng-quốc Mỹ có quyền rộng hơn nhà vua và Thủ-tướng Anh, hay Tổng-thống và Thủ-tướng Pháp họp lại. Thật ra, ông có quyền như một nhà vua Anh lúc Hiệp-chúng-quốc vừa độc-lập, khi chế-độ đại-nghị ở Anh chưa tiến đến hình-thức hiện-thời và còn để cho hoàng-gia một phần quyền khá lớn.
Quyền lập-pháp thì thuộc về Nghị-hội, phân ra làm hai viện, một Hạ-nghị-viện gồm đại-biểu cho dân-chúng cử ra theo nguyên-tắc dân số, và một Thượng-nghị-viện gồm đại-biểu các tiểu-bang họp lại làm Hiệp-chúng-quốc, cứ mỗi tiểu-bang hai người.
Không như hai nước Anh và Pháp, nhìn nhận sự tự trị của cơ-quan tư-pháp, song vẫn đặt nó vào hệ-thống chánh-phủ lo việc hành-pháp, người Mỹ nói đúng theo ý Montesquieu tách hẳn ngành tư-pháp ra khỏi quyền-hành-pháp và giao cho một Thượng-thẩm-viện gồm chín vị thẩm-phán do Tổng-thống cử và Nghị-hội chấp-thuận cái quyền làm trọng tài khi có sự xung-đột giữa hai quyền lập-pháp và hành-pháp, cũng như giữa chánh-phủ liên-bang và các chánh-phủ tiểu-bang. Vai tuồng “bảo-vệ hiến-pháp” của quyền tư-pháp Mỹ làm cho nó trở thành quan-trọng và hoàn-toàn bình-đẳng với hai quyền lập-pháp và hành-pháp, nếu không vượt lên trên hai quyền ấy.
Xét ba hình-thức tổ-chức khác nhau ở Anh, Pháp và Hiệp-chúng-quốc Mỹ, ta thấy nó có chổ giống nhau là đều dùng cách đầu-phiếu để cử ra một Nghị-hội đại-diện cho dân-chúng mà quyết-định những điều công-ích. Lúc ban đầu, nhiều nhà chánh-khách lấy cớ rằng những người dân dốt nát không am-hiểu chánh-trị và dễ bị mua chuộc có thể đưa người không xứng đáng ra thay mặt mình và làm hư việc nước để hạn-chế quyền đầu-phiếu, hoặc chỉ cho một số ít người có đủ những điều-kiện nhứt-định về trí-thức hay tài-sản đi bầu-cử, hoặc thi-hành phương-pháp đầu-phiếu nhiều từng trong đó dân-chúng chỉ trực-tiếp cử ra những người thay mặt cho mình để bầu Nghị-viện. Nhưng sau đó, dân-chúng nhơn danh nguyên-tắc bình-đẳng mà đòi quyền đầu-phiếu cho tất cả mọi người, và chế-độ phổ-thông đầu-phiếu lần lần được thi-hành ở những nước dân-chủ.
Nghị-hội do dân-chúng cử ra được xem là đại-diện cho ý muốn của dân và giữ hết chủ-quyền quốc-gia. Như ta thấy ở Anh và ở Pháp, thời Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng-hòa, nó nắm quyền tối-cao và kiểm-soát hết công việc làm của các cơ-quan hành-pháp và tư-pháp. Hiệp-chúng-quốc Mỹ thì theo sát nguyên-tắc phân-quyền của Montesquieu, để cho cơ-quan hành-pháp một sự tự-do rộng rãi hơn và giao cho quyền tư-pháp cái trách vụ làm vị trọng tài tối-cao cho cả nước.
Chiếu theo nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng, các chánh-thể dân-chủ bảo-đảm những quyền tự-do thân thể, tự-do hội-họp, tự-do tín-ngưỡng, tự-do lưu-thông, tự-do ngôn-luận, tự-do báo chí v.v… và xem mọi người bình-đẳng nhau trước pháp-luật.
Về mặt kinh-tế, quyền tư-hữu được nhìn nhận và bảo-đảm, những xiềng xích phong-tỏa nền thương mãi và kỹ-nghệ trong chế-độ cũ bị hủy-diệt. Chánh-sách kinh-tế tự-do cạnh tranh này cho phép mọi người đem hết năng-lực của mình ra kinh-dinh trong phạm-vi pháp-luật.
Những nhà lãnh-đạo phong-trào dân-chủ ở các nước trên này là những nhà trí-thức thuộc hạng trưởng-giả, và sau khi thành công, họ nhiệt-liệt binh-vực quyền tư-hữu. Chế-độ họ xây dựng nên, theo nguyên-tắc thì xem mọi người như nhau; nhưng trong thực-tế, nó ưu-đãi giai-cấp trưởng-giả nhiều hơn. Bởi đó, người ta gọi họ là những chánh-khách dân-chủ tư-sản và chủ-nghĩa dân-chủ của họ được mạng danh là chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản.
V- NHỮNG NHƯỢC-ĐIỂM CỦA CHỦ-NGHĨA DÂN-CHỦ TƯ-SẢN.
Chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản-xuất hiện và phát-triển trong một tình-trạng xã-hội đặc-biệt. Phôi-thai trong một xã-hội chuyên-chế gây sự khổ sở cho người, nó tự đặt ra nhiệm-vụ cải-tổ xã-hội ấy và cố-nhiên phải tạo ra những lý-luận làm khí-cụ để thi-hành công việc đánh đổ chế-độ cũ.
Chế-độ cũ đặt nền tảng trên ý-niệm chủ-quyền thuộc về một nhà vua thay mạng Trời mà cai-trị thiên-hạ nên nó nêu ra thuyết chủ-quyền do nơi sự họp-tập những quyền thiên-nhiên của mọi người mà có, và do đó mà phải thuộc về dân-chúng.
Chế-độ cũ chia xã-hội ra làm nhiều giai-cấp khu-biệt nhau, và đặt ra nhiều luật-lệ bó buộc dân-chúng một cách vô lối nên nó tuyên bố rằng người sanh ra tự-do bình-đẳng và phải được tự-do bình-đẳng trong xã-hội.
So với những tư-tưởng thần-quyền hướng dẫn sự hoạt-động chánh-trị trong xã-hội cũ, lý-thuyết dân-chủ có tánh-cách tiến-bộ hơn nhiều. Tuy vậy, nó không phải là không có nhược-điểm. Trong thời-kỳ người ta phải dựa vào nó để chống chọi lại ý-thức-hệ của xã-hội cũ, người ta chỉ thấy cái hay của nó. Nhưng đến khi kiến-thiết, đụng đầu với thực-tế, những sự sai lầm và mâu-thuẫn của nó lần lần hiện ra rõ rệt.
- A. Những nhược điểm của chủ thuyết dân chủ tư sản về phương diện lý thuyết
1. Thuyết trạng thái thiên nhiên
Đứng về phương-diện thuần lý-thuyết mà nói, ta nhận thấy rằng cả chủ-nghĩa dân-chủ của Locke và Rousseau dựa vào một ý-niệm căn-bản, ý-niệm về một trạng-thái thiên-nhiên có trước khi xã-hội thành-lập. Ý-niệm này là một định lý làm cơ-sở cho tất cả lý-luận của các lý-thuyết gia dân-chủ về sau, và sự sai lầm của nó tự-nhiên làm cho cả hệ-thống suy-luận của họ phải sụp đổ.
Trong trạng-thái thiên-nhiên của Locke và Rousseau, người sung sướng vì họ không làm hại nhau, không phạm vào quyền-lợi của nhau như trong xã-hội. Kết-quả tốt đẹp này sở-dĩ có được, theo Locke, là nhờ lý-trí, còn theo Rousseau thì nhờ nơi tánh tốt bẩm-sinh của người. Nhưng sự thật có phải tươi đẹp như Locke và Rousseau tưởng chăng? Sự nghiên-cứu kỹ càng về người dã-man và người bán khai đã cho ta một hình ảnh đúng đắn hơn, nhưng cũng đen tối hơn hình ảnh của Locke và Rousseau về trạng-thái thiên-nhiên ấy.
Ta có thể chấp-nhận cùng với Locke rằng, người trong trạng-thái thiên-nhiên đã có lý-trí. Lý-trí ấy chưa đủ sắc bén để làm cho người có những mưu-mô giảo-quyệt và còn để cho ta có cảm tưởng rằng người ngây thơ, thành-thật. Tuy thế, chắc chắn nó cũng chưa đưa người đến một tinh-thần đạo-đức cao-thâm, cũng chưa giúp người đủ sự khôn ngoan để có một quan-niệm đúng đắn về quyền-lợi hiểu một cách sáng suốt. Nó chỉ cho người có một ít trí-thức thiển-cận để giải-quyết những vấn-đề do sự sống còn hằng ngày đặt ra. Người dùng phần lớn nếu không phải tất cả tâm-tư để mưu-đồ sự sống còn ấy. Sự chân-thật chất-phác của người – vốn không phải là dấu hiệu của đạo-đức mà chỉ là dấu hiệu của sự kém thông-minh – chưa chắc đã giữ cho người khỏi dã-man tàn-bạo.
Trong hoàn-cảnh cổ-sơ, sự sống còn của người rất bấp bênh, không có chi là vững chắc, và sự kiếm ăn rất đổi bất-thường. Sự tranh giành xâu xé giữa loài người hẳn phải hung tợn gớm ghê lắm, và sự giết hại nhau là việc rất thường. Chỉ đến khi người biết tụ-họp nhau lại và dùng những phương-pháp chăn nuôi trồng tỉa để tăng-gia những nguồn tài lợi thiên-nhiên, đời sống mới dễ dàng đôi chút và người mới lần lần dịu sự giết hại lẫn nhau.
Vậy, trái với ý-kiến Rousseau, bản-tánh người không phải là tốt. Nếu tánh người vốn tốt như Rousseau tưởng thì xã-hội người lập ra không thể mục nát xấu xa đến nỗi làm cho người sanh ra xấu được. Thật ra, người chỉ có thể tốt khi nào họ đã thỏa-mãn được những nhu-cầu thiết-yếu của mình.
Nói một cách công-bằng thì xã-hội, dầu là xã-hội cổ-thời, với tất cả những chế-độ khắc-nghiệt, những cư-xử dã-man của nó, cũng giúp cho người tiến-bộ nhiều về cả hai mặt sanh hoạt vật-chất và tinh-thần đạo-đức. Cho rằng trạng-thái thiên-nhiên hơn hẳn xã-hội, cho rằng người trong trạng-thái thiên-nhiên tốt hơn và sung sướng hơn người trong xã-hội là một điều lầm lạc rất to của chủ-nghĩa dân-chủ tư-sản.
2. Thuyết quyền thiên nhiên của con người
Thuyết cho rằng người sanh ra đã có những quyền thiêng liêng bất-khả xâm-phạm cũng không đứng vững được. Vì ý-niệm quyền-hành bao hàm một người sử-dụng, một phạm-vi sử-dụng, một hoặc nhiều người khác nhận chịu sự sử-dụng ấy và một lực-lượng công-cộng, bảo-đảm cho sự sử-dụng ấy. Như vậy, nó có tánh-cách luật-pháp và chỉ có thể xuất-hiện trong xã-hội mà thôi.
Hơn nữa, quyền của người trong xã-hội luôn luôn là một cái để đền bù lại một nhiệm-vụ mà người phải gánh vác. Xã-hội chuyên-chế cũ bắt đám bần-dân làm nhiệm-vụ mà không nói đến quyền của họ đã đành là quấy, nhưng chủ-nghĩa dân-chủ nêu ra ý-niệm quyền thiên-nhiên bất khả xâm-phạm mà không nhắc liền đến nhiệm-vụ của người lại rơi vào cái quấy nghịch lại. Muốn cho hợp-lý, ta phải đặt ý-niệm quyền-lợi chung với ý-niệm nhiệm-vụ.
Nói tóm lại, không có xã-hội thì không có quyền, mà không có nhiệm-vụ cũng không có quyền nốt. Vậy, quyền thiên-nhiên của người chỉ là một luận-chứng vô-căn-cứ.
Người ta có thể cãi lại rằng người có quyền thiên-nhiên vì trong trạng-thái thiên-nhiên, người muốn làm gì thì làm, không bị ai cản trở, bó buộc. Quả thật, trong trạng-thái thiên-nhiên, người có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng ta có thể gọi đó là một cái quyền được chăng, khi mà bất cứ ai cũng có thể phạm vào nó? Nếu ta gọi như thế là có quyền thì đó chỉ là quyền của kẻ mạnh mà thôi, vì chỉ có kẻ mạnh mới đủ sức tự mình bảo-vệ sanh-mạng mình và hoạt-động hoàn-toàn theo ý muốn mình. Còn những kẻ yếu, họ khó lòng sống được chớ đừng nói gì đến việc làm theo ý muốn của mình.
3. Thuyết người sanh tự do và bình đẳng
Những ý-niệm tự-do và bình-đẳng là những ý-niệm đặc-biệt của lý-thuyết dân-chủ. Bởi thế, khi nói đến lý-thuyết dân-chủ, người ta nghĩ ngay đến khẩu-hiệu tự-do và bình-đẳng, và ngược lại khi nói đến khẩu-hiệu tự-do và bỉnh đẳng, người ta cũng nghĩ ngay đến lý-thuyết dân-chủ.
Như ta đã thấy, sở-dĩ những lý-thuyết gia dân-chủ nêu ra chủ-trương tự-do và bình-đẳng là vì xã-hội trong đó họ sống hết sức bó buộc người và đầy dẫy những sự bất-công. Vậy, tự-do và bình-đẳng thật ra là kết-quả sự phản-động lại chế-độ quân-chủ chuyên-chế ngày xưa. Đó là những thần-thoại đặt ra để đối chiếu lại những điều-kiện khắc-nghiệt uy-hiếp con người của xã-hội cũ. Vì thế, nó có một hấp-lực rất mạnh, nhứt là đối với những người sống trong xã-hội bó buộc và bất-công. Tuy vậy, nếu ta bình-tỉnh mà xét nó, ta sẽ thấy rằng ý-niệm tự-do và bình-đẳng thật ra không có tánh-cách rõ ràng minh-xác.
Khi nói đến hai tiếng tự-do, người ta nghĩ ngay đến một con người muốn làm gì thì làm, không bị ai kềm chế bó buộc gì cả. Cứ theo định-nghĩa này thì thật sự chỉ có những người rừng – những người mà Locke và Rousseau bảo là ở trong trạng-thái thiên-nhiên – mới được tự-do. Những người này sống cô- độc ở những chốn hoang-vu, và nếu ta gạt bỏ những bó buộc của khung cảnh thiên-nhiên qua một bên, những hoạt-động của họ chỉ bị hạn-chế khi gặp một hay nhiều người rừng khác mạnh hơn. Trong trường-hợp này, chẳng những là sự tự-do của họ bị uy-hiếp, mà ngay đến tánh-mạng họ cũng không có gì bảo-đảm.
Nếu ta cho như thế là tự-do thì đó là một sự tự-do rừng rú, đầy nguy-hiểm, đầy đe dọa, đầy sợ sệt, đầy lo âu. Nó là kết-quả một cuộc chiến-đấu gian-nan không phút giây nào ngừng được.
Trong xã-hội, người ta không thể quan-niệm được một sự tự-do như thế. Người sống trong một xã-hội nhứt-định phải lệ thuộc xã-hội ấy không ít thì nhiều. Chẳng những phải tuân theo pháp-luật, người trong xã-hội còn phải tùy theo phong-tục tập-quán, tùy theo những công-ước mà quần-chúng đã mặc nhiên chấp-nhận. Chẳng những phải cố giữ cho khỏi bị nhà cầm-quyền trừng-phạt, họ còn phải ráng tránh sự chê bai của dư-luận nữa.
Như vậy, người trong xã-hội phải khép mình vào một khuôn khổ. Khuôn khổ này có thể hẹp hay rộng, khắc-nghiệt hay khoan-dung, nhưng dầu sao, nó vẫn hạn-chế bớt sự hoạt-động của người. Trong trường-hợp đó, sự tự-do hoàn-toàn không thể có trong xã-hội được. Đời sống xã-hội ám tàng việc hạn-chế sự tự-do của người. Vì thế, sự tự-do trong xã-hội chỉ có thể là một sự tự-do tương-đối, dựa vào một số quyền cụ-thể và nằm trong một phạm-vi nào đó mà thôi.
Trong trí óc mọi người, sự tự-do và sự hạn-chế vốn trái ngược nhau. Do đó, ý-niệm tự-do dựa vào một số quyền nhứt-định và nằm trong một phạm-vi nhứt-định, tức là ý-niệm tự-do hạn-chế tự hàm lấy một sự mâu-thuẫn nộI-bộ rõ rệt. Sở-dĩ người ta không nhận thấy sự mâu-thuẫn nộI-bộ của chủ-trương tự-do là vì khi nói đến tự-do, người ta không lưu-ý đến những hạn-chế bắt buộc phải có của đời sống xã-hội.
Nói tóm lại, sự tự-do hoàn-toàn chỉ có thể là một sự tự-do rừng rú. Trong xã-hội, sự tự-do của người nhứt-định phải bị hạn-chế, mà ý-niệm tự-do hạn-chế này là một ý-niệm chứa đựng một sự mâu-thuẫn hiển-hiện.
Bởi lý do trên này, sự tự-do theo ý nghĩa trừu-tượng của nó chỉ tốt đẹp với tư-cách là một lý-tưởng. Nó có thể có một hấp-lực rất mạnh mẽ đối với con người. Nhưng với tư-cách là một mục-tiêu chánh-trị, nó rất mù mờ, và vì sự mù mờ đó, nó có thể xua đẩy người vào những cuộc phiêu-lưu nguy-hiểm. Với danh-nghĩa phụng-sự tự-do, người ta đã đưa ra nhiều chủ-trương khác nhau, từ chủ-trương phóng-túng hoàn-toàn đến những chủ-trương kỷ-luật chặt chẽ. Và người ta đã không ngần ngại chém giết nhau để binh-vực những chủ-trương này.
“Ôi! Tự-do! Tự-do! Nhơn danh-nghĩa ngươi, người ta đã phạm biết bao nhiêu là tội ác”. Câu than thở này của Roland phu-nhơn quả có giá-trị của một lời cảnh-cáo nhơn-loại nên đề phòng lý-tưởng tự-do.
Về chủ-trương bình-đẳng, nó không hơn gì chủ-trương tự-do. Lời những nhà lý-thuyết dân-chủ quả-quyết rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, người ta hoàn-toàn bình-đẳng nhau, thật ra không chứng minh bằng kinh-nghiệm hay khoa-học được. Người ta vốn sanh ra thể-chất, năng-lực, tài trí, đức-hạnh, tánh khí khác nhau nên nhứt-định hơn kém khác nhau.
Rất có thể rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, sự sanh-hoạt của người đại-để giống nhau và sự hơn kém này không xa nhau quá như trong xã-hội. Tuy vậy, sự tranh-đấu lẫn nhau có tánh-cách ác-nghiệt hơn, và một sự hơn kém nhỏ nhặt có thể đưa đến những kết-quả khốc-liệt cho người.
Không có điều gì chứng-nhận rằng trong trạng-thái thiên-nhiên, người không lợI-dụng những ưu-điểm của mình để tranh-đấu với đồng-loại. Trái lại, sự quan-sát những dân-tộc bán-khai cho ta biết rằng, trong trạng-thái thiên-nhiên mà Locke và Rousseau ca tụng như một cảnh thiên-đường, chỉ có lẽ phải của kẻ mạnh nhứt là đáng kể. Lẽ tự-nhiên là sự bình-đẳng không thể phát-hiện trong hoàn-cảnh ấy được.
Vậy, nói cho thật đúng thì ngay trong trạng-thái thiên-nhiên, sự bình-đẳng hoàn-toàn cũng không thể có. Trong xã-hội, sự bình-đẳng hoàn-toàn này lại càng không thể có hơn nữa. Vì hoàn-cảnh và cơ-vận khác nhau, người ta hơn kém nhau rất nhiều. Sự bất-bình-đẳng thiên-nhiên này làm cho chủ-trương bình-đẳng trong xã-hội hóa ra phức-tạp vô cùng.
Người ta có thể quan-niệm sự bình-đẳng theo nhiều lối khác nhau. Đối với những người mộc mạc, bình-đẳng thường có nghĩa là tất cả mọi người đều ngang nhau về mọi phương-diện. Mọi người đều có một địa-vị như nhau, và đều hưởng những quyền-lợi của xã-hội một cách đồng đều nhau. Trong sự tuyên-truyền lôi kéo quần-chúng, chắc hẳn người ta đã nêu chủ-trương bình-đẳng này ra.
Nhưng không cần phải nói nhiều, chắc những người có chút ít lương-tri cũng đã nhận thấy rằng chủ-trương bình-đẳng máy móc trên đây không thể nào thực-hiện trong xã-hội. Ta rất khó tưởng-tượng ra một đoàn-thể họp-quần trong đó mọi người đều có những nhiệm-vụ, những hoạt-động y hệt như nhau và đều lãnh một phần tài-vật hoàn-toàn đồng đều nhau.
Vả lại, một xã-hội như thế dầu cho có thực-hiện được cũng không thể làm thỏa-mãn được mọi người. Vì sở-thích, nguyện-vọng, năng-lực, nhu-cầu của người khác nhau vô cùng; một công việc làm cho người này ưa thích có thể làm cho người khác không ưa; và một phần tài-vật đủ dùng cho người này có thể thiếu hụt đối với người khác.
Bởi đó, sau này, những người chủ-trương bình-đẳng nêu ra quan-niệm xem chế-độ bình-đẳng là chế-độ thỏa-mãn nhu-cầu của người một cách đồng đều nhau. Theo những người này, mọi người đều bình-đẳng nhau khi người nào cũng được thỏa-mãn như nhau cả. Tuy thế, vấn-đề thỏa-mãn nhu-cầu của người thật ra không phải là một vấn-đề giản-dị.
Trước hết, nhu-cầu của mỗi người có thể mở mang đến vô cùng, và lý-tưởng bình-đẳng thật sự không cho phép ta hạn-chế sự nhu-cầu của một hạng người nào. Trong một xã-hội chủ-trương thỏa-mãn hết nhu-cầu của tất cả mọi người, mà người ta để cho mỗi người tự định lấy nhu-cầu mình thì người ta không thể nào sản-xuất đủ những món tiện-nghi, những xa-xí-phẩm mà mọi người đòi hỏi. Trái lại, nếu người ta giao cho cơ-quan nắm chánh-quyền nhiệm-vụ qui-định nhu-cầu của mỗi người, chắc chắn những người có địa-vị sẽ được ưu-đãi hơn đám dân-chúng đứng xa chánh-quyền.
Như thế, vì bản-chất của người, vì sự bất-bình-đẳng tự-nhiên Tạo hóa phú cho người, sự bình-đẳng tuyệt-đối không thể thực-hiện được trong xã-hội. Cũng như đối với vấn-đề tự-do, trong xã-hội, người ta chỉ có thể quan-niệm một sự bình-đẳng tương-đối, một sự bình-đẳng nằm trong một phạm-vi nhứt-định, thí dụ như bình-đẳng trước pháp-luật, bình-đẳng về quyền-hạn công-dân. Trong trường-hợp này, sự bất-bình-đẳng thiên-nhiên sẽ đưa người đến những địa-vị khác nhau, khiến cho họ hưởng những quyền-lợi xã-hội mang đến cho người một cách không đồng đều nhau. Và chung-qui, sự bình-đẳng vẫn không có được.
Xét cho cạn lẽ, ta có thể nhận thấy rằng, vấn-đề bình-đẳng quả là một vấn-đề nan-giải và hai tiếng bình-đẳng chỉ có thể dùng làm một khẩu-hiệu để lôi cuốn người chớ không thể là một mục-tiêu chánh-trị. Về phương-diện này, có lẽ ý-tưởng công-bình xã-hội đáng được dùng hơn là ý-tưởng bình-đẳng, vì nó minh-xác hơn và dễ thực-hiện hơn.
Những chủ-trương tự-do và bình-đẳng hoàn-toàn, xem thế, không thể chấp-nhận được, nếu ta suy xét về nó một cách kỹ càng. Đã vậy, nó còn chống chọi lại nhau nữa. Những người chủ-trương dân-chủ vì tinh-thần phản-ứng lại chế-độ khắc-nghiệt của xã-hội cũ nên không nhận thấy sự mâu-thuẫn nhau giữa hai lý-tưởng tự-do và bình-đẳng. Nhưng đối với người thời nay, sự mâu-thuẫn này hết sức là rõ rệt.
Như ta đã thấy, người sanh ra thể-chất tài-trí không bằng nhau. Dầu cho ta có đặt mọi người chung trong một cảnh-huống và giáo-dục họ y nhau, ta cũng không làm cho năng-lực họ bằng nhau được.
Nếu để cho mọi người được tự-do sử-dụng hết năng-lực của mình thì thế nào họ cũng đi đến những kết-quả hơn kém khác nhau, dầu cho lúc khởi-hành, họ ở vào một tình-cảnh hoàn-toàn giống nhau cũng thế. Muốn cho mọi người bình-đẳng nhau, không có ai vượt hẳn được người khác hay có thể uy-hiếp người khác, ta phải hạn-chế bớt năng-lực của những người ưu-tú. Như thế, ta phải phạm vào sự tự-do của họ.
Tóm lại, tự-do đưa đến sự bất-bình-đẳng, còn bình-đẳng ám-tàng ý-tưởng hạn-chế năng-lực của người, nghĩa là phạm vào sự tự-do của người. Nếu sự bất-bình-đẳng và sự thiếu tự-do có thể cùng gặp nhau trong xã-hội cũ để giăng một tấm màn hắc-ám lên đời sống người bần-dân, sự bình-đẳng và sự tự-do hoàn-toàn lại không thể đứng chung với nhau để làm cho xã-hội được tươi đẹp. Do đó, khi ghép hai nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng lại dưới một hiệu cờ tranh-đấu, người ta đã gieo một mầm chia rẽ làm cho những người chủ-trương dân-chủ về sau sanh ra xung-đột lẫn nhau.
Vui cười
Một anh chàng bị ngã gãy chân. Sau khi băng bột, bác sĩ dặn anh ta không được đi cầu thang.
Bốn tháng sau, anh đến văn phòng bác sĩ tháo bột, và hỏi: – Tôi đi cầu thang được chưa bác sĩ?
– Được. Nhưng phải thật cẩn thận đó.
Anh chàng thở phào:
– Đỡ quá! Mấy tháng nay phải leo cửa sổ rồi đi bằng đường ống nước, cực quá!
Hai vợ chồng đi du lịch trên tàu Titanic. Tàu đắm.
Bà vợ được xuồng cứu hộ đưa vào một đảo hoang.
Ông chồng vớ một mảnh ván, vật lộn với sóng gió và may mắn dạt vào hôm sau.
Vừa thấy mặt chồng, bà vợ liền rít lên:
– Suốt ngày anh ở đâu? Tàu đắm từ hôm qua cơ mà!
Thư Cho Con: Mặt Thật Nguyễn Tấn Dũng – Giáo Già (Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 25 tháng 3 năm 2015
H,
Được tin Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn CSVN sẽ đến Úc Châu ngày 17-3-2015, Cộng đồng người việt úc châu gồm: LS Võ Trí Dũng Chủ Tịch BCH/CĐNVTD/LBUC; TS Hà Cao Thắng, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/NSW; Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/VIC; BS Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/QLD; Ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/SA; BS Nguyễn Anh Dũng, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/WA; Ông Lê Công, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/ACT; Ông Lê Tấn Thiện, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/NT; và Bà Trần Hương Thủy, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/Wollongong; cấp thời ra thông báo ngày 14-3-2015 kêu gọi đồng bào tham dự các cuộc biểu tình phản đối trước Quốc hội NSW ngày 17-3-2015 và trước tiền đình Quốc hội Liên bang Úc tại Canberra ngày 18-3-2015.
Sau đó, tin ghi nhận từ Úc châu cho biết Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng đến Úc trong sự tiếp đón thờ ơ, lạnh nhạt của chính giới và truyền thông Úc. Đón Dũng tại phi trường Sydney vào tối Thứ Hai, 16.3.2015, chỉ có Đại sứ Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman, Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn, cùng một nhóm nhân viên ngoại giao, và du sinh. Về phía chính giới Úc, không có bộ trưởng, thứ trưởng, hay bất cứ đại diện cao cấp nào của chính phủ liên bang cũng như tiểu bang NSW. Văn phòng Thủ Tướng Úc Tony Abbott cũng chỉ phổ biến một bản tin ngắn không đầy chục dòng về chuyến viếng thăm của NTD.
Tuy thông báo được phổ biến chỉ trong vài ba ngày ngắn ngủi, và thời gian lại đúng vào ngày đi làm, nhưng sáng ngày Thứ Ba 17-3-2015, vào lúc 9 giờ sáng, trước Quốc Hội tiểu bang NSW, Macquarie Street, Sydney, CĐNVTD Liên Bang Úc Châu kết hợp cùng CĐNVTD tiểu bang NSW, đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối NTD, quy tụ đông đảo đồng hương, trong đó có cả người bản xứ. Bên ngoài Quốc hội, Cộng đồng Người Việt hô to phản đối Nguyễn Tấn Dũng, phản đối chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, phản đối nhà cầm quyền CSVN bán nước, phản đối tình trạng nhà cầm quyền buôn bán phụ nữ và trẻ em. Họ cũng giơ cao các khẩu hiệu bằng tiếng Anh kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho các tù nhân lương tâm… Ông Nguyễn Quang Duy, một Người Việt sống ở Úc cho hay: “Đồng bào Sydney Úc xuống đường biểu tình trước tiền đình quốc hội tiểu bang New South Wales buộc phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng phải đi cửa hậu…”
Sau đó một ngày, 18/03/2015, đoàn biểu tình lái xe vượt khoảng 300 km, đến Quốc Hội Liên Bang Úc tại Canberra để tiếp tục biểu tình phản đối Thủ tướng CSVN. Tại đây [Canberra] có 3 sự kiện đặc biệt đáng ghi nhận:
Cuộc biểu tình phản đối VC Nguyễn Tấn Dũng;
Vì sao VC Nguyễn Tấn Dũng không trả lời câu hỏi của báo chí;
Nghĩ gì về câu nói của Thủ Tướng Úc Tony Abbott: We Australians know well the power of the Vietnamese [communist] army?
Trong bài, ký giả Peta Donald cho biết sau khi Thủ tướng Úc giải thích lý do Úc phải cắt giảm $11 tỷ đô la tiền viện trợ cho ngoại quốc ($11 billion cut to Australia’s overseas aid program), một ký giả có hỏi Nguyễn Tấn Dũng nghĩ gì về việc cắt giảm này, nhưng NTD im lặng không trả lời (Mr Dung, who was also asked to comment on the Australian aid cut, remained silent.) Câu hỏi được đặt ra, TẠI SAO Dũng lại im lặng?
1. Có thể trình độ Anh ngữ của NTD hạn chế, không hiểu câu hỏi, hoặc hiểu nhưng không đủ khả năng trả lời, nên chọn thái độ im lặng.
2. Thông ngôn của NTD có thể hiểu câu hỏi và đủ khả năng trả lời, nhưng không thể trong giây lát, cố vấn để NTD có thể hiểu, nhớ, và trả lời một cách ngắn gọn. Vì vậy, thông ngôn cũng im luôn.
Việc NTD lúng túng, không trả lời, khiến nhiều người bối rối, ngượng ngập và Thủ tướng Tony Abbott cũng ái ngại nhìn NTD chờ đợi câu trả lời. Ký giả hỏi NTD cũng bối rối không ít, vì không ngờ câu hỏi bình thường của mình lại tạo nên sự bẽ bàng không cần thiết cho một vị quốc khách. Người thông ngôn cho NTD cũng lo lắng không biết cách “giải quyết” trong tình huống đặc biệt ấy.
Đã vậy, trong bài báo, ký giả Peta Donald còn viết: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người lãnh đạo một quốc gia có 10% dân số có mức sống mỗi ngày là $US1.25 hoặc ít hơn” (Vietnamese prime minister Nguyen Tan Dung, who leads a country where one in 10 people live on $US1.25 or less each day) khiến độc giả không thể không so sánh con số này với số tài sản khổng lồ của Dũng, trong đó ít nhứt cũng có $US150 triệu đô la do Trung Cộng hối lộ vào tháng 10 năm 2008, để được quyền khai thác bauxite tại Đắc Nông và Tân Rai, Việt Nam (Radio New Horizon).
Mặt khác, trong cuộc tiếp kiến, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã nói thẳng vào mặt Dũng rằng: “Viện trợ là để giúp cho nước ông (và các nước còn nghèo khác) có thêm điều kiện để cải tổ và xây dựng kinh tế vững mạnh, để nước đó có thể phát triển đến mức tự lo cho dân của mình, chứ không phải để nước đó tạo thành thói quen ăn bám“. Về ý nghĩa lời nói của TT Tony Abbott trong một bài báo có nguyên văn: “We Australians know well the power of the Vietnamese Army,” he said, recalling a time when the two nations were at war… Giáo Già nhận được một email gởi đi từ Úc nói rằng: “Thủ tướng Úc nói như vậy là có ý nhắc đến trận đánh nổi tiếng nhất của quân đội Úc xảy ra vào ngày 18/08/1966 tại Núi Đất, xã Long Tân, Vũng Tàu. Trận đánh này được gọi là trận đánh Long Tân (Battle of Long Tan), phía Úc chỉ có 108 chiến sĩ mà đã phải đối đầu với một lực lượng VC quá chênh lệch trên dưới 20 lần (1500 – 2500 bộ đội). Kết quả là VC đã bị đánh tan tác với 245 tên chết tại chỗ.”
(http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan)
Có điểm rất đặc biệt đáng ghi nhận là Sau khi nghe ông Abbott nói thẳng như vậy, và được hỏi có cảm tưởng gì, thì Dũng không dám trả lời mà chỉ gượng gạo cười, rồi lảng qua chuyện khác. Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao Dũng không dám trả lời?” Có thể là tuy có thông dịch nhưng Dũng không hiểu ông Abbott nói gì; hoặc hiểu nhưng không biết trả lời sao cho ổn, đành ngậm miệng cho chắc… ăn. Tin này được báo The Guardian của Úc đăng tải cùng lúc với việc nhắc đến bản tường trình về Nhân Quyền của ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc, sau khi đi thị sát ở Việt Nam đã nhận định rằng tình trạng nhân quyền tại đây (VN) hiện nay còn rất tồi tệ!
Được biết thêm là sáng ngày 18/3, trước Quốc Hội Liên Bang Úc, tuy trời mưa, lại đúng vào Thứ Tư, ngày làm việc, cuộc biểu tình cũng quy tụ đông đảo đồng hương, với sự tham dự của Dân Biểu Liên Bang Chris Hayes. Dịp này BTC cũng vạch trần bản chất lật lọng, dối trá, bất nhân của VC trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, khiến hàng triệu người Việt đã chết trên chiến trường, trong lao tù cải tạo, trong rừng sâu, trên đại dương…. Đặc biệt, BTC cũng tố cáo Nguyễn Tấn Dũng kéo bè tham nhũng, tẩu tán tiền của viện trợ từ ngoại quốc, làm thất thoát ngân sách quốc gia nhiều tỷ Mỹ kim… và đồng thanh hô vang các khẩu hiệu như: “VC cút đi! VC dối trá! Đả đảo VC! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ dối trá! Nguyễn Tấn Dũng, trùm tham nhũng! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ thù của Internet! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ phản quốc dâng đất dâng biển cho Trung Cộng! Nguyễn Tấn Dũng cút đi! Tự Do cho VN! Dân Chủ cho VN!…”
Cũng được biết thêm là Dũng đã có buổi gặp gỡ, được truyền thông VC mệnh danh là “đồng bào ta tại Sydney”, nhưng số người tham dự chỉ có một vài doanh gia gọi là “Việt kiều yêu nước”, với một số du sinh đang theo học tại Sydney (do một du sinh cho biết với điều kiện được giấu tên). Buổi gặp gỡ “đồng bào ta tại Sydney”… đã không được VC cho truyền thông tham dự, kể cả SBS Radio.
Như vậy, chuyến công du của Dũng ở Úc châu coi như thất bại, cho dầu nó có khiến dư luận nghĩ rằng đây là nỗ lực giúp Dũng hướng về phía Tây phương trên đường “thoát Trung”. Nhưng Dũng có “thoát Trung” được không khi bản chất con người Dũng là bản chất của “con ma nhà họ Hứa”, cứ “nói”, cứ “hứa”, nhưng chẳng bao giờ “làm”, như khi nhậm chức nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên đã long trọng hứa rằng “sẽ từ chức nếu không diệt được tham nhũng”; nhưng từ đó cho đến gần hết nhiệm kỳ thứ 2 rồi mà tham nhũng chẳng những không bị diệt mà càng lúc càng trầm trọng hơn; do Dũng dùng tham nhũng làm “lợi ích” ban phát cho đàn em, mua phiếu trong hàng ngũ các ủy viên Trung ương Đảng, cho Dũng chẳng những không bị “trừng phạt” mà còn củng cố vị thế Dũng…; có thể giúp Dũng ngồi lên ghế Tổng Bí thư, tiến lên vị thế Tổng thống của nước “VN dộc tài mới” như Tổng thống Putin của Nga sô hiện hành.
Mặt thật của Dũng là “lá mặt” “lá trái”; chẳng những Dũng không “thoát Trung” mà lúc nào cũng “gắn bó với Trung”, ngay từ sau ngày cấp lãnh đạo Trung cộng đích than sang Hà Nội chỉ thị cho Dũng làm Thủ tướng, để từ đó lúc nào Dũng cũng hành động cho những “lợi ích” của Trung cộng. Điển hình như mới đây Dự án Formosa trị giá 15 tỷ USD bao gồm Khu liên hợp gang thép công suất 22 triệu tấn/năm và Cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh, được cấp phép từ năm 2008, bị Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm, trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đúng ra Hà Tĩnh chỉ được cấp phép tối đa 50 năm, nhưng ngày 21/5/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với thời hạn 70 năm; nhưng ngày 3/3/2015 sau phiên họp Chính phủ tại Hà Nội, Thanh tra Nguyễn Văn Nên cho báo chí biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý không thay đổi thời hạn giấy phép kéo dài 70 năm của Fomosa; sử dụng diện tích 3.300 ha, bao gồm 2.000 ha trên đất liền và 1.200 ha mặt nước, ở phía Nam Vịnh Vũng Áng, Hà Tĩnh; nó còn được miễn thuế đất 15 năm, và cho thuê 33 triệu m2 vuông đất với giá rẻ chỉ có 80 đồng/m2/năm, tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2; nó còn nợ gần 200 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường…
Nhận định về sự kiện vừa nêu, TS Nguyễn Quang A một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Hà Nội phát biểu: “Đây là một vấn đề hết sức là nghiêm trọng, bởi vì chính các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước này là những nơi vi phạm pháp luật rất là nghiêm trọng. Việc hợp thức hoá một quyết định trái với qui định của nhà nước thì tôi nghĩ cũng lại là trái pháp luật nữa. Về vấn đề Vũng Áng thì đúng là một chuyện hết sức kỳ quặc. Quyết định này cho thấy có những thế lực thực sự đã bán rẻ theo ý người ta.”
Được biết, vấn đề an ninh quốc phòng đối với dự án Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh rất quan trọng, vì nó khá gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, nếu có chiến tranh Trung Quốc dễ khống chế vịnh Bắc Bộ cắt đứt hải lộ Bắc Nam; đó là chưa nói tới sự kiện đường bộ từ Lào qua Hà Tĩnh chỉ tốn vài giờ vận chuyển. Chính Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ CS Việt Nam tại Trung Quốc đã từng nói: “Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Cho nên tôi cho là những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước.”
Còn nhớ, theo Dân Trí Online, tỉnh Hà Tĩnh cho biết chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký cho phép địa phương thực hiện việc cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 70 năm; mà Hoàng Trung Hải là một tên VC gốc Tàu 100%. Trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII (tháng 7.2007), Nguyễn Tấn Dũng đã nhất quyết đề cử Hoàng Trung Hải vào vị trí quan trọng thứ hai trong chính phủ: Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Mặc dù lúc đó một số cán bộ ở Ban Tổ chức Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã gửi Tâm Huyết Thư cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tố cáo lý lịch người Hán của ông Hoàng Trung Hải, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Đã vậy, Nguyễn Tấn Dũng còn tin tưởng giao phó cho ông ta vô số trọng trách quán xuyến nền kinh tế khác, để rồi, nhờ “công lao” của cặp bài trùng Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải mà Trung Quốc đã đặt chân vào; và từng bước khống chế nhiều vị trí xung yếu về an ninh, quốc phòng ở Việt Nam, với một loạt dự án thuê đất rừng đầu nguồn ở một số tỉnh, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hai dự án du lịch của người Hoa trên đèo Hải Vân, dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận…
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo về những nguy cơ nảy sinh từ việc Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh và vùng cửa khẩu Vũng Áng.
Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đến 90% các dự án hạ tầng trọng điểm ở Việt Nam, với vô số hệ luỵ về an ninh, quốc phòng… và những thiệt hại không thể kể hết, như:
Hàng hoá Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam;
Hoạt động buôn lậu hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam ngày một phổ biến;
Làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước diễn ra;
Các nhà đầu tư Trung Quốc ráo riết săn lùng bất động sản Việt Nam;
Người lao động Trung Quốc nhan nhản trên khắp lãnh thổ Việt Nam…
Về cung cách quan liêu của người lãnh đạo VC gốc Tàu 100% Hoàng Trung Hải [xem hình] này, xin được ghi lại nơi đây một phần bài viết của blogger Nguyễn Văn Tuấn như sau:
“…Tôi vừa dự một hội nghị chuyên ngành từ Phú Quốc về, và trong thời gian ngắn ngủi đó cũng được nhìn thấy sự quan liêu và lãng phí ghê gớm trong các quan chức cao cấp ở nước ta.
Hội nghị thu hút khoảng 270 người đến tham dự, với sự tài trợ nhiệt tình của các công ti dược. Khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort được chọn làm nơi tổ chức, và khách tham dự đã đặt phòng từ một tháng trước. Tưởng rằng đã đặt phòng thì chắc ăn sẽ có phòng để ở, nhưng ở Việt Nam “sự đời” không đơn giản như thế.
Một số khách đến ngày hội nghị, đến nơi check-in thì được biết là đã… mất phòng! Tại sao? Tại vì phái đoàn tùy tùng của ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra thị sát hay đi holiday gì đó ở đảo Phú Quốc, và vì khách sạn là của Nhà nước, nên họ phải dành phòng cho tùy tùng của ông phó thủ tướng, và tống cổ khách đi khách sạn khác. Một kiểu làm business rất đặc thù của các công ti thuộc Nhà nước Việt Nam.
Chưa hết. Khoảng 10 khách mời và diễn giả (speakers) của hội nghị từ Hà Nội cũng không tham dự được, cũng chỉ vì người ta dành ưu tiên cho chuyến bay của ông Hoàng Trung Hải. Cần nói thêm rằng những người này đã mua vé máy bay (Vietnam Airlines) từ cả tháng trước. Nhưng bất chấp mọi qui luật business, Vietnam Airlines vẫn lấy chỗ của các hành khách này để cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải! Một số còn “đau” hơn, vì họ đã bay vào Sài Gòn, nhưng đành phải bay về Hà Nội chứ không có chỗ để đi Phú Quốc.
Tôi có cơ duyên được tạm trú tại khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort cùng với ông Hoàng Trung Hải, nhưng không có cơ duyên diện kiến ngài. Tôi thường ăn sáng tại một nhà ăn có 2 tầng, và tôi thường chọn tầng trên để nhìn ra biển. Nhưng vì sự có mặt của Hoàng Trung Hải nên tôi và một số bạn bị đuổi xuống tầng dưới. Làm quan lớn cỡ như ông Hoàng Trung Hải đúng là sướng thiệt vì được “ăn trên ngồi trước”, cũng là một hình thức đóng vai các quan thuộc địa của Pháp ngày xưa mà Ba tôi thường kể lại.
Đến ngày ngài phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên đường về Hà Nội thì lại là một sự kiện trên đảo Phú Quốc. Xe quân đội biển số đỏ chận các nút đường, và xe công an biển xanh hú còi, dọn đường cho xe của ngài đi.
Nghe nói ông Hoàng Trung Hải và tùy tùng đi thị sát tiến độ thi công công trình sân bay Phú Quốc. Nhưng cũng có tin là ông ta đi thị sát công trình gì đó ở Hà Tiên rồi nổi hứng ra Phú Quốc chơi. Nhưng dù là Hà Tiên hay Phú Quốc thì ông ta cũng chỉ tiêu ra vài phút ngắm nhìn công trình, chỉ tay phía bên này, chỉ tay phía bên kia để phóng viên chụp hình.
Tính ra thời gian ông Hoàng Trung Hải lưu lại trên Phú Quốc chỉ có một ngày, nhưng ông ta và tùy tùng ông ta đã gây ra biết bao phiền toái cho người dân. Đó là chưa nói đến khoản chi phí rất lớn để lo cho ông ấy và tùy tùng của ông ấy.
Sống ớ nước ngoài lâu, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh bộ trưởng hay phó thủ tướng đi mà có xe cảnh sát dọn đường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh bộ trưởng, thậm chí thủ tướng, ăn trên ngồi trước. Tôi cũng từng có cơ duyên gặp một hay hai bộ trưởng Úc nên thấy được phong cách bình dân của họ như thế nào. Thủ tướng Úc đi công tác các tiểu bang chỉ có 2 người (ông ấy và bảo vệ) và đi trên chuyến bay dân sự như mọi người dân khác. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quan chức cứ như là những ông trời hay thần thánh sao ấy…”
Hẹn con thư sau.
40 NĂM THỐNG NHẤT !!! – Trương Ngọc Thạch
Sao nước Nam ta lại thế này?
Bao năm thống nhất đã là đây
Đại gia sắm tước, cơ ngơi lớn
Viên chức mua bằng, tiến sĩ đầy
Thiếu nữ trần truồng, Hàn, Hán mắng
Thanh niên trùng trục, Mã Lai rầy
Đường lên xã nghĩa thênh thang quá!
Dân đói, quan no, bạn có hay?
***
Dân đói, quan no, bạn có hay?
Nhi đồng khổ ải, xót xa thay
Còng lưng, gục mặt gieo cây mạ
Rụt cổ, co vai kéo cái cầy
Cởi áo tìm cơm, khuân gạch nặng
Xăn quần kiếm ốc, lội bùn lầy
Xứ người, tuổi trẻ hồn nhiên sống
Chẳng thấy nơi đâu giống chốn này.
***
Chẳng thấy nơi đâu giống chốn này
“Hở môi, răng lạnh” thảm thương thay!
Đất liền, giặc đến xây khu phố
Hải đảo, thù vào dựng lối bay
Mất cá, dân đòi đi giữ biển
Được tiền, đảng bảo đứng khoanh tay
Anh em xã nghĩa ôm nhau cắn
“Mười sáu chữ vàng, bốn tốt” đây !
***
“Mười sáu chữ vàng, bốn tốt” đây !
Thực thi khẩu hiệu, dã man đầy
Còng tay thiếu nữ, hành tan xác
Đạp mặt thanh niên, đánh nát thây
Thấy giặc, ươn hèn lưng xuống gấp
Gặp dân, hung hãn gối lên ngay
Bạn ơi, đứng dạy mà đi nhé
Tuổi trẻ hùng anh, chính lúc này.
***
Tuổi trẻ hùng anh, chính lúc này
Tương lai dân tộc ở nơi đây
Giữ gìn vùng biển ông cha mở
Bảo vệ ngôi nhà tiên tổ xây
Đòi hỏi nhân quyền dù có khó
Đấu tranh dân chủ dẫu là gay
Thời cơ chuyển đổi đang đà đến
Các bạn tôi ơi, nắm lấy ngay.
Những Ngày Cuối Cùng Của Sài Gòn – Winfried Scharlau
Phần 1
Trước đây mười năm, người Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn. Những cố gắng cuối cùng để giải quyết sự lộn xộn về chính trị, trình ra cho Hà Nội một chính phủ mới, “thật sự yêu chuộng hòa bình”, như là một đối tác đàm phán, đã trở thành ảo tưởng. Trong cơn mưa bom đạn đổ xuống thủ đô của nó, Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt tồn tại. Với những phần còn lại của xã hội thì không còn có thể kiến lập một nhà nước được nữa. Thông tín viên Đông Á của [Đài truyền hình Quốc gia Đức] ARD nhớ lại.
Phan Ba dịch từ tuần báo DIE ZEIT, 26/04/1985, Số 18
Lời người dịch: Tiến sĩ Winfried Scharlau (1934 – 2004) là một nhà báo, tác giả và sử gia người Đức. Ông là phóng viên chiến trường trong thời gian của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng bị thương ở gần vĩ tuyến 17. Năm 1974, chiếc máy bay trực thăng chở ông đã đáp trúng mìn. Winfried Scharlau là một trong các nhà báo Phương Tây cuối cùng rời Việt Nam trong tháng Tư năm 1975.
* * *
Sài Gòn sợ chiến tranh hơn là sợ những người cộng sản. Mặt trận đã tiến đến gần; vào ngày 21 tháng Tư, Xuân Lộc thất thủ, pháo đài cuối cùng chận đường tiến quân vào thủ đô của các sư đoàn Bắc Việt từ phía Đông.
Xuân Lộc, ngày 13 tháng 4 năm 1975
Tiếng “womp-womp-womp” của pháo binh, như Michael Herr sau này sẽ chuyển tải lại tiếng động đặc biệt đó một cách thơ mộng-to tiếng trong quyển Dispatches, đã có thể nghe được suốt ngày đêm. Nhưng tiếng “dit-dit-dit” của súng cá nhân, ngoại trừ vài ngày trong lần tấn công vào dịp Tết [Mậu Thân] 1968, đã dung tha cho người dân của Sài Gòn. Cho tới bây giờ, người Sài Gòn đã sống qua được chiến tranh; còn hưởng lợi từ nó nữa, và hưởng thụ những gia vị của một “xã hội Honda”, cái mà bây giờ có nguy cơ bị cuộc chiến phá hủy.
Về quân sự thì cuộc chiến đã ngã ngũ. Sau khi chiến dịch tấn công mùa xuân bắt đầu trên vùng núi, sau khi mất Ban Mê Thuột và Kontum, Tổng thống Thiệu và bộ tham mưu của ông đã hạ lệnh rút lui, điều đã dẫn tới bỏ chạy và hỗn loạn.
Chỉ còn những phần nhỏ của một quân đội được trang bị hiện đại gồm hơn nửa triệu người là còn muốn đứng ra chiến đấu. Lần di tản hỗn loạn ra khỏi vùng đồi núi chỉ thể hiện rõ cuộc khủng hoảng trong nội bộ của quân đội Sài Gòn. Tinh thần chiến đấu của quân lính đã gãy gục trong những tháng trước đó. Từ khi Mỹ cắt giảm viện trợ tài chính, từ khi ai trong miền Nam cũng đã hiểu, rằng Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí và tiền tỉ dollar vô giới hạn nữa, và cũng không sẵn sàng hỗ trợ thêm một lần nữa với không quân và quân đội trong trường hợp khẩn cấp, chậm nhất là từ mùa thu 1974 thì con người, quân nhân và người dân thường, ai cũng chỉ muốn cứu lấy chính mình, và trước hết là việc đó. Người Việt nhìn thấy điều không thể tránh khỏi đang tiến đến gần. Khác với người Khmer trong Phnom Penh cách đó còn chưa tới 300 kilômét, những người ngay cả sau khi đại sứ quán Mỹ đã di tản cũng còn chiến đấu trên đường phố cho tới kết cuộc cay đắng cuối cùng, đa số người Việt nhìn thấy sự an toàn trong bỏ chạy. Ai còn muốn liều mạng sống của mình cho một việc đã thất bại rồi? Sự hỗn loạn đi cùng với lần sụp đổ của Nam Việt Nam có nguyên nhân sâu xa của nó trong nhận thức và lý trí của tập thể.
Vào ngày Xuân Lộc thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, bảo đảm và đại diện cho trật tự cho tới giờ phút đó, tuyên bố từ chức. Vào buổi tối, ông đã thổ lộ niềm cay đắng của mình về nước Mỹ trong một bài diễn văn trên truyền hình. Thiệu lên án bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ Henry Kissinger đã không nhận ra, rằng hiệp định Việt Nam do ông ta thương lượng trong tháng Giêng 1973 đã dẫn miền Nam đi tới chỗ chết. “Ai cũng nhận ra điều đó, nhưng Kissinger thì không. Các cường quốc có lợi ích chung. Chúng tôi không có gì để hy sinh ngoài đất nước nhỏ bé này.” “Họ bán đứng Việt Nam cho người cộng sản”, Thiệu nói người Mỹ. “Thái độ vô nhân đạo của Hoa Kỳ là thái độ của một cường quốc trốn tránh trách nhiệm của mình.” Tổng thống Richard Nixon, Thiệu nói tiếp theo sau đó, đã “hứa trên giấy là sẽ giành cho đất nước mọi sự giúp đỡ cần thiết về quân sự và kinh tế trong trường hợp miền Bắc tấn công.” Giới hạn sự giúp đỡ của Mỹ là một hành động vô nhân đạo và đã dẫn tới cuộc rút lui khủng khiếp đó và tới nhiều tổn thất. “Tôi không bao giờ tin rằng”, Thiệu nói và khóc, “một người như Kissinger mà lại đưa dân tộc chúng tôi tới một số phận đáng sợ như vậy.”
Sài Gòn cảm động lắng nghe người tổng thống đã từ chức đó. Những xúc cảm mà ông biểu lộ trong lần xuất hiện cuối cùng này, điều mà nhiều người không hề nghĩ rằng ông có, đã để cho một sự thiện cảm nhất định nhú mầm. Nhưng đặc biệt là quyết định đi lưu vong của ông đã tạo hy vọng cho một lần ngưng bắn mới. Hà Nội và Mặt trận Giải phóng đã yêu cầu lật đổ Thiệu và “bè lũ” của ông như là điều kiện tiên quyết cho các đàm phán. Ngay tới Quốc Hội Mỹ cũng tuyên bố rằng chừng nào mà Thiệu còn nắm quyền thì chiến tranh sẽ kéo dài cho tới chừng đó. Bây giờ thì dường như đã có một lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Phó tổng thống Trần Văn Hương 71 tuổi tạm thời nhận lấy quyền lãnh đạo ở Sài Gòn. Người kế nhiệm, Thiệu cũng đã thông báo trước để lý giải cho lần từ chức của mình, sẽ đề nghị ngưng bắn và đàm phán.
Dường như Sài Gòn lại có hy vọng mới. Những người làm việc cho người Mỹ hay cho một sứ quán của Phương Tây bao vây từ sáng cho tới tối những phòng lãnh sự để nhận thị thực cho họ và gia đình. Chạy trốn là giải pháp của một thiểu số, ngay cả khi những cảnh từ biệt đầy xúc động trước cổng vào phi trường có quyết định hình ảnh chung cho tới đâu đi chăng nữa. Người Mỹ vẫn còn chưa tỏ dấu hiệu, rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc di tản đông người. Phần lớn người dân trong phần còn lại của nhà nước Nam Việt Nam, cái bây giờ chỉ còn bao gồm những vùng đất hẹp quanh Sài Gòn và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng vào một điều kỳ diệu: hy vọng vào một tín hiệu đầy bí mật, cái có thể sẽ làm câm lặng pháo binh cộng sản đã vào vị trí có thể bắn tới Sài Gòn từ lâu, và dừng xe tăng lại, để trao tiếng nói cuối cùng cho các chính trị gia và nhà ngoại giao.
Rằng Phnom Penh đã bị Khmer Đỏ chiếm trước đây vài ngày, rằng chiến tranh đã tới gần cho tới mức có thể cảm nhận được, những việc đó đã không thể bóp nghẹt niềm hy vọng đang nhú mầm. Nỗi lo sợ trước trận đánh cuối cùng đã để cho ảo tưởng nở hoa. Kết cuộc của Sài Gòn là một chiến thắng của ảo tưởng.
Đội ngũ các nhà báo, những người bây giờ có thể thực hiện các chuyến đi ra chiến trường thật thuận tiện vào ban ngày, vì chiến tranh đã tiến gần tới mức có thể nghe được, được người Mỹ mời tới dự một cuộc họp trên quán rượu ở sân thượng của khách sạn cao tầng “Caravelle”. Thay cho các thông tin về chính trị và diễn tiến cuộc chiến là những chỉ thị “mật” cho trường hợp khẩn cấp, cho lần di tản bằng trực thăng. Có một chỗ tập trung được quy định trước cho các nhà báo, ở gần văn phòng UPI, gần cảng sông, có thể nhanh chóng tới đó được từ các khách sạn lớn “Caravelle”, “Continental” và “Majestic”. Tín hiệu, các nhà báo được tin tưởng thông báo, sẽ được phát qua radio vào ngày X. Trong trường hợp khẩn cấp, đài phát thanh của quân đội Mỹ, phát tin tức “every hour on the hour”, sẽ thêm vào câu: “The temperature is 105 degrees and rising”, tiếp theo sau đó là bài “I am dreaming of a white Christmas” của Bing Crosby. Người ta sẽ chờ quý bà, quý ông nhà báo tại địa điểm tập trung với nhiều nhất là một món hành lý.
Phần 2
Trong khi giới nhà báo tranh luận về các lựa chọn, ở lại Sài Gòn và trải qua lần quân đội Việt Cộng tiến quân vào, hay để cho chở đi bằng máy bay và chấm dứt nhiệm vụ của họ ở Việt Nam với câu chuyện di tản, thì các nhà ngoại giao của đại sứ quán Mỹ hy vọng có thể tránh được cuộc di tản như là một kết cuộc nhục nhã, giống như bỏ chạy. Thông tin từ hai nguồn đến với Graham Martin sếp của đại sứ quán Mỹ, gợi lên ý nghĩ phía cộng sản sẵn sàng đàm phán: từ nhóm Hungary của ICCS, Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, và từ đại sứ quán Pháp.
Chính sếp CIA ở Sài Gòn đã tự mình bắt liên lạc với các sĩ quan Hungary. Thomas Polgar xuất thân từ một gia đình Hungary đã di cư sang Mỹ. Từ người đồng hương sang người đồng hương, người ta tin cậy thông báo rằng Hà Nội quan tâm tới một “giải pháp Lào”, để tránh một trận chiến trên đường phố ở Sài Gòn. “Giải pháp Lào”, đó là một chính phủ trung lập, bao gồm các nhân vật của “lực lượng thứ ba”, phe đối lập yếu ớt và bị coi thường cả một thời gian dài ở Sài Gòn, và tất nhiên là với sự hỗ trợ về ngoại giao của Liên bang Xô viết, Pháp và Liên hiệp Anh.
Nguồn thứ hai, dường như xác nhận các thông tin của người sếp CIA, bắt nguồn từ đại sứ quán Pháp – mà trong đó Jean-Marie Merillon, trong tinh thần của de Gaulle, đã tự mình tin rằng “Grande Nation” thêm lần nữa sẽ nhận được một vai trò lịch sử trong khoảnh khắc chiến bại của Mỹ. Merillon thông báo cho đại sứ quán Mỹ và một nhóm nhỏ các nhà báo, mà tiêu chuẩn của họ là có khả năng sử dụng tiếng Pháp một cách thanh lịch, rằng người cộng sản thông qua tiếp xúc với người Pháp đã đưa ra “giải pháp Lào”: tước quyền “bè lũ Thiệu”, thành lập một chính quyền trung lập, muốn hòa bình, dưới quyền “Big Minh” và ngưng chiến trước cửa ngõ Sài Gòn, để tạo cơ hội cho một hội nghị bốn bên bàn thảo một trật tự chính trị mới ở Nam Việt Nam.
Vòng vây bao quanh Sài Gòn càng siết chặt lại bao nhiêu thì các cố gắng đàm phán ngừng bắn của các chính trị gia và nhà ngoại giao càng tuyệt vọng bấy nhiêu. Vào ngày 26 tháng Tư, buổi chiều lúc ba giờ, Thiệu rời Sài Gòn tới Đài Loan. Kể từ lúc từ chức, ông cần năm ngày để xếp đồ đạc vào va li. Người dân Sài Gòn có một tưởng tượng thật chính xác về những gì đã được đóng vào trong đó.
Đài phát thanh của Mặt trận Giải Phóng từ chối lời đề nghị ngừng bắn của phó tổng thống Trần Văn Hương. Hương đại diện cho một “chế độ Thiệu không có Thiệu”. Một chính phủ trung lập phải được thành lập và dẫn đầu bởi “một nhân vật thật sự yêu chuộng hòa bình”. Và quân nhân Mỹ, hơn 5000 người, phần lớn là sĩ quan trong bộ tham mưu của DAO, Defense Attache’s Office hay cũng được gọi là “Lầu Năm Góc phương Đông”, phải rời đất nước này, như là điều kiện tiên quyết.
Vào ngày 26 tháng Tư, một ngày thứ bảy, vào cái ngày mà Thiệu rời bỏ đất nước, Quốc Hội đã họp trong một ngôi nhà tối tăm hôi mốc ở khu cảng, để nhất trí ủy quyền cho phó tổng thống Hương tự chọn một người kế nhiệm theo ý muốn của ông, không cần quan tâm tới các quy định của hiến pháp Nam Việt Nam. Trần Văn Lắm, chủ tịch thượng viện, theo hiến pháp lẽ ra là người kế đến. Nhưng là “người của Thiệu” thì ông không có cơ hội được phía cộng sản chấp nhận là “một người thật sự yêu chuộng hòa bình”.
Dương Văn Minh, được gọi là “Big Minh” vì có thân hình to lớn, cần phải là người tổng thống mới. “Big Minh” đã đóng một vai trò chủ chốt trong lần lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963 và qua nhiều năm trời đã đứng vào phía đối lập với Thiệu. Không ai biết rõ là phe đối lập này thật ra là bao gồm những ai. Nhưng hầu như tất cả mọi người đều tin chắc rằng “Big Minh” có thể cứu thoát Sài Gòn trong thời điểm nguy cấp.
Đại sứ Pháp và Mỹ tin là đã giật dây để cho “Big Minh” bước ra hoạt động. Vào tối ngày chủ nhật, Graham Martin thuyết phục thành công người tổng thống được bổ nhiệm, không cương quyết yêu cầu giới quân đội Mỹ rút quân ngay lập tức. Khoảng cùng thời gian đó, Jean-Marie Merillon vào gặp đại diện phe cộng sản, sau hiệp định ngừng bắn 1973 đang ở trong khu vực an ninh của phi trường Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn, để tự mình thăm dò cơ hội của một “chính phủ hòa bình Big Minh” qua sếp của phái đoàn, đại tá Võ Đông Giang, một con người khó tính, giống như một cái máy nói không có xúc cảm.
Merillon được thông báo cần phải gấp rút; người Mỹ phải rút lui ngay lập tức; phải tước quyền “bè lũ Thiệu” và thay thế ở hàng đầu bởi những người ái quốc yêu hòa bình. Tuy vậy, viên đại tá bất thân thiện đó không trả lời cho câu hỏi mang tính quyết định: liệu một chính phủ do Big Minh đứng đầu có được chấp nhận như là đối tác để đàm phán một giải pháp chính trị hay không.
Mặc dù không có được sự chắc chắn cuối cùng này, Martin, Merillon và những người đi theo “Big Minh” vẫn bắt đầu làm việc để cứu thoát Sài Gòn ra khỏi một cuộc chiến và cứu thoát Phương Tây khỏi nỗi nhục nhã của một lần đầu hàng vô điều kiện. Sự lạc quan của họ được nhiều người chia sẻ, chính là những nhà quan sát chính trị đó, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhân vật chính, tự biến mình trở thành những người đồng lõa, và tin tưởng vào những cảm nhận cá nhân ít hơn là vào các phân tích của những người giật dây.
Lần trao quyền lực từ Hương sang “Big Minh” được dự định vào chiều ngày thứ hai, 28 tháng tư. Hàng ngày, “Airlifter”, máy bay vận tải phản lực của Không quân Mỹ, đến Sài Gòn để chở “những người bị nguy hiểm đặc biệt”. Khoảng 5000 người Việt rời đất nước mỗi ngày. Cảnh chen lấn và xô đẩy của những người tìm chốn tỵ nạn trước tòa đại sứ quán Mỹ hầu như không còn thể điều chỉnh được nữa. Những người muốn chạy trốn cảm thấy một sự khẩn cấp gây tuyệt vọng. Xe tăng cộng sản đã đứng trước cửa ngõ Sài Gòn, và mặc dù vậy, các cơ quan lãnh sự Mỹ vẫn khăng khăng yêu cầu giữ đúng quy trình nhập cảnh phức tạp. Tuy vào lúc này phần lớn các quốc gia Phương Tây đã di tản các đại sứ quán của họ và quẳng các dự trữ rượu mạnh ra thị trường với giá vứt đi, người Mỹ, được dẫn đầu bởi Graham Martin và Thomas Polgar, vẫn còn tin có thể trì hoãn được chiến dịch di tản đường không quy mô lớn đã được lập kế hoạch, vì một giải pháp chính trị bắt đầu hiện hình, cứu Sài Gòn thoát khỏi sự hoảng loạn và khốn cùng của một cuộc chạy trốn.
Vào sáng chủ nhật, hai giờ trước khi mặt trời mọc, quân đội cộng sản bắn vài hỏa tiển vào nội thành, rơi xuống gần đại sứ quán Đức ở vùng ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, khu phố người Hoa, và gây ra một vụ cháy lớn kinh hoàng. Từ hơn ba năm nay, Sài Gòn không còn bị bắn phá trực tiếp nữa. Các hỏa tiển này, đi kèm theo đó là một tiếng nổ thật lớn, đã để cho người dân nhận thức được rằng màn cuối cùng của cuộc bao vây, đánh chiếm thủ đô, đã bắt đầu.
Chỉ các nhà ngoại giao có nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong đại sứ quán Mỹ và Pháp là vẫn không muốn đọc những dấu hiệu ở trên tường đó. Các tín hiệu của phía bên kia cũng có thể được hiểu, rằng Hà Nội chỉ muốn thúc giục tăng tốc quá trình chính trị. Người cộng sản, Graham và Merillon cam đoan lẫn nhau như vậy, sẽ “mất thể diện”, nếu như họ cố tiến quân đánh chiếm thành phố Sài Gòn ba triệu dân trước con mắt của thế giới. Qua nhượng bộ chính trị, cả hai người đều có ý như vậy, có thể giành được một thỏa hiệp hợp lý từ những người cộng sản.
Trong những năm dài của chiến tranh, những lý luận tương tự như vậy đã được các chính trị gia phe Tự do đưa ra ở nhiều nơi. Cho tới thời điểm đó, Hà Nội vẫn không đưa ra một bằng chứng nào cho việc này. Mang đặc tính của một “sự ngờ vực gần như là bệnh hoạn” đối với phần còn lại của thế giới và đồng thời là của một “sự tự mãn hoang dại cuồng nhiệt” (như Henry Kissinger sau này ghi lại trong hồi ký của ông), chiến lược đàm phán cố chấp của người Bắc Việt, không đưa ra điều gì và yêu cầu mọi thứ, cho tới nay không đưa ra bằng chứng nào cho việc rằng thỏa hiệp và nhượng bộ có thể ngăn cản Hà Nội “giải phóng” miền Nam và thống nhất đất nước thành một Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặc dù vậy, Hiệp định Paris của tháng Giêng 1973 vẫn được kiến lập trên những tiền đề này, trên giả định rằng Hà Nội sẽ chấp nhận sự tiếp tục tồn tại của một nhà nước ở miền Nam. Việc Hà Nội từ bỏ xâm chiếm miền Nam được mua bằng triển vọng hai tỉ dollar viện trợ kinh tế. Cho tới thời điểm này, trong những ngày cuối cùng của tháng Tư, Hà Nội chỉ chứng tỏ rằng những tiền đề của hiệp định chính trị là một ảo tưởng thuần túy. Không một lời hứa nào và không một lời đe dọa nào có thể ngăn cản Bộ Chính trị ở miền Bắc hoàn thành nhiệm vụ của Hồ Chí Minh và “giải phóng” miền Nam.
Bây giờ, xe tăng của Cách Mạng đã đứng ở rìa thành phố. Mùa khô đã qua, mùa mưa có thể bắt đầu vào bất cứ ngày nào và sẽ gây khó khăn lớn cho các chiến dịch quân sự. Nằm trong đường lối chiến lược cho tới nay của Hà Nội là thủ tiêu phần còn lại của quốc gia Sài Gòn với một cú đánh trúng đích, tận hưởng chiến thắng quân sự, thay vì cho phép có “tương quan Lào” và qua đó còn mang cả người Pháp và người Nga lên sân khấu như là những người mang lại hòa bình nữa.
Việc đó minh chứng cho sức mạnh của ảo tưởng, rằng ngay cả trong Sài Gòn bị bao vây, hiện giờ bị cô lập khỏi phần còn lại của đất nước, trong tầm nhìn thấy xe tăng của đối phương, mà một kế hoạch hòa bình trên phương diện chính trị vẫn có thể thành hình được, cái tất nhiên là đòi hỏi chế độ ở miền Nam phải hy sinh nhiều nhất, tức là phải tự phá hủy trật tự cho tới nay. “Bè lũ Thiệu”, “chế độ bù nhìn”, phải bị hủy bỏ. Graham Martin, đại sứ Mỹ, đồng ý. Vào chiều ngày thứ hai, 27 tháng Tư, phó tổng thống Hương sẽ từ chức và trao quyền lại cho “Big Minh”.
Các chính trị gia tiến hành sự việc với vận tốc của con ốc sên, trong khi tướng lãnh Bắc Việt, ở Sài Gòn ai cũng nhận thấy, rõ ràng là thúc giục một quyết định. Cả ngày lẫn đêm đều nghe được tiếng “womp-womp-womp” của đạn pháo. Bây giờ tiếng súng nổ lớn nhất là từ hướng phi trường, nơi những chiếc máy bay di tản của cái cầu hàng không nhỏ bé vẫn còn có thể hạ cánh mà không bị bắn phá. Người dân Sài Gòn dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng. Cuối cùng thì người Mỹ có chở hết tất cả những người Việt nào muốn đi hay không? Có lẽ cuộc chiến sẽ chấm dứt với một thỏa hiệp chính trị.
Khi một phóng viên nổi tiếng từ giã bạn bè vào buổi tối, vì “giải pháp Lào” cho phép ông bay về quê hương để hoàn thành một phim tài liệu rồi sau đó quay trở lại Việt Nam, thì một người bạn nói với ông ấy rằng hãy quên cái tên Sài Gòn trong lúc đó đi, vì cho tới chừng đó thì người cộng sản đã chiếm được thành phố, và đổi tên nó thành Thành phố Hồ Chí Minh rồi. Đó là “tuyên truyền của CIA”, người này rít lên vì giận dữ. Ý thức lịch sử của người Việt sẽ để cho một lần đổi tên như vậy trở nên vô lý. Cuộc thảo luận dường như tình cờ đã trở nên dữ dội cho tới mức buổi tiệc từ giã kết thúc sớm hơn dự định.
Ai cho rằng người cộng sản quyết định chấm dứt cuộc chiến đẫm máu với hơn một triệu nạn nhân bằng một chiến thắng quân sự, và sau đó tạo dựng ở miền Nam những điều kiện giống như ở Bắc Việt Nam, kể cả những giới hạn cho giới báo chí nước ngoài, thì ngay trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn, người đó vẫn phải chịu đựng sự nghi ngờ, là đã trở thành một nạn nhân của tuyên truyền Mỹ. Nhưng cuộc tranh cãi của các ý kiến đã được nhanh chóng quyết định ngay sau đó.
Phan Ba dịch từ báo Die Zeit, số 18, ra ngày 26/04/1985http://www.zeit.de/1985/18/die-letzten-tage-von-saigon/komplettansicht.Nguồn: http://giaodiemonline.com/2014/04/saigon01.htm
Người Miêu: Lịch Sử Của Một Dân Tộc Lưu Vong – Trần Trúc Lâm 21-Mar-2015
Qua cuộc chiến Đông Dương và Việt Nam, sự liên hệ của các sắc tộc miền núi đã đóng một vai trò không kém phần quan trọng, thường được báo chí Tây phương nhắc đến, nhất là ở Lào. Khi cuộc chiến kết liễu với sự thắng thế của phe cộng sản vào giữa thập niên 70, đã có một làn sóng di dân tị nạn ồ ạt kéo dài nhiều năm sau đó.
Phần lớn dân thiểu số ở Lào sau khi vượt sông Mêkông lánh nạn sang Thái Lan đều an cư ở vùng đồi núi Bắc Thái; một số khác được định cư ở Hoa Kỳ cùng với khối lượng lớn lao người đồng bằng của 3 nước Việt, Miên Lào.
Với hơn hai thập niên đầu định cư, vì những nhu cầu và dịch vụ xã hội, đã có sự giao tiếp hòa đồng của các sắc dân Đông Dương trên vùng đất mới. Chúng ta đã làm quen với những người miền núi của thượng Lào với y phục cổ truyền có màu sắc sặc sỡ khác lạ mắt mà những người lớn tuổi vẫn còn mặc khi đi khám bệnh, đi chợ, đi xe buýt hoặc đến sở welfare v.v…
Riêng nói đến người Lào thì trong khối sắc dân hỗn tạp này, nhiều người Việt chúng ta đã không phân biệt được người Lào đồng bằng, người Lào miền núi (còn gọi là Lào thừng), người Miên (đừng nhầm với người Cao Miên, hay Khmer), người Hmong (mà ở Việt-Nam hay gọi là Mông, Miêu, Mèo), người Kh’mú (còn gọi là người Kha phía nam Lào). Họ có tiếng nói và phong tục văn hóa khác biệt hẳn nhau.
So với người Việt, thì người Miên và người Hmong chỉ có một số ít họ tộc rất dễ nhận: Đối với người Miên thì thường là Saeteurn, Saechao, Saephanh, Saefong, Saelee vv…; còn người Hmong thì có: Ly hay Lee, Moua, Hang, Xiong, Vue, Lo, Thao v.v… Với chúng ta thì tên Vang Pao lại cũng rất là quen thuộc.
Nhóm sắc tộc Lào, vốn thích nghi với miền núi và canh tác, khi đến Mỹ đã tụ tập với nhau ở một số địa phương như Minesota, Fresno, Sacramento, Modesto, Spokane và Seattle…Và theo đà tiến triển, các thế hệ trẻ đã chóng thích nghi với đời sống mới và đạt lắm thành công rực rỡ trong nhiều mặt như học vấn và kinh doanh.
Riêng với sắc tộc Hmong, mà ta hay gọi là Miêu tộc hay người Mèo, ước tính hiện có khoảng hơn 6 triệu dân trên thế giới, mà đại đa số lại sống ở Trung quốc. Số còn lại sống rãi rác ở miền bắc các nước Việt, Lào, Thái và Miến Điện. Có khoảng 80 ngàn người đã được định cư tại Hoa Kỳ. Đã có khá nhiều sách báo Tây phương, nhất là Mỹ nghiên cứu về sắc dân này. Càng tìm hiểu thì chúng ta sẽ càng ngạc nhiên về lịch sử hùng tráng và lâu đời của một dân tộc kém may mắn, đã bị suy vong mai một mà trở thành một sắc tộc miền núi. Ôi thật là tang thương ngẫu lục với trò dâu biển ngậm ngùi.
Người Trung Hoa xưa phân biệt sắc tộc H’mông ra làm hai loại: loại đã thuần (shu) và loại hoang (sheng). Loại H’mông thuần là nhóm đã được đồng hóa với người Hoa, còn loại hoang là nhóm sống biệt lập trong rừng, thoát ngoài vòng kiềm tỏa của chính quyền. Những nhà truyền giáo Tây phương lần đầu tiếp xúc với nhóm Hmong sống hoang dã ở vùng Tứ Xuyên, Vân Nam vào thế kỷ 17 rất lấy làm ngạc nhiên là họ không có nét thuần Á châu mà lại phảng phất giống caucasian, nhiều người lại có màu tóc hung hoặc bạch kim, và vài người lại có mắt xanh. Có thể là vì thế mà người Hoa gọi họ là Miêu, hay Mèo chăng? Số người giống caucasian này còn lại tương đối ít vì các chính quyền liên tiếp của Trung Quốc luôn luôn tìm cách sát hại họ, dù họ đã trốn sang Lào, không nương tay, ngay cả đến thời Dân quốc và Trung cộng ngày nay.
Sự kiện này đã làm các nhà truyền giáo bấy giờ bỏ công tìm hiểu thêm về nguồn gốc của người H’mông. Nhưng sử sách của người Hoa lại hầu như muốn bỏ quên giống dân này, chẳng có mấy sách cổ nhắc đến một cách rõ ràng, không khác gì khi nói về nguồn gốc của Việt tộc. Ngay cả các nhà sử học người Hoa vẫn cho rằng người Hmong là kẻ thù đầu tiên của Hoa tộc, và xuyên suốt sử Tàu kể từ triều đại đầu tiên cho đến nhà Mãn Thanh, người H’mông đã không ngừng nổi dậy và bị truy diệt bởi quan quân Trung Quốc.
Cuốn sách đầu tiên đề cập tương đối đầy đủ về giống H’mông là cuốn “Histoire des Miao” (Lịch sử về Miêu tộc) do nhà truyền giáo F. M. Savina, thuộc Hội truyền giáo hải ngoại, trụ sở đặt tại Paris, cho phát hành năm 1924 sau một thời gian dài chung sống với nhiều bộ tộc H’mông ở Bắc kỳ và Lào.
Nguồn gốc Miêu tộc
Về sau, nhiều nhà sử học đồng ý rằng trong thời cổ đại giống H’mông xuất phát từ châu Âu, di dân dần đến vùng đồng khô Siberia (Tây Bá Lợi Á), rồi mới đến định cư ở lưu vực sông Hoàng-hà vài ngàn năm trước. Huyền thoại của dân tộc Hmong còn lưu truyền vẫn nhắc đến tổ tiên của họ vốn đã sống ở một vùng quanh năm tuyết phủ, băng giá, ngày và đêm kéo dài đến cả 6 tháng. Với người Hmong sống ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, chẳng hề thấy tuyết cho nên ngôn từ họ dùng để kể chuyện là “nước cứng” và “cát trắng mịn”.
Số phận dân H’mông bắt đầu gắn liền với sử Trung Quốc có thể vào khoảng từ 3000 trước TL đến 1200 trước TL.
Khoảng 2700 trước TL, những di dân từ Siberia đã đi dần xuống vùng trung thổ qua khu vực mà ngày nay gọi là Manchuria, Hà Bắc khi khí hậu ấm áp hơn cho phép, và người H’mông đã định cư tại lưu vực sông Hoàng Hà ở vùng thượng Hà Nam. Lúc bấy giờ đã có bộ tộc Hoa Yangshao chiếm cứ vùng Thiểm tây, Sơn tây và Hà Nam cả ngàn năm trước. Bộ tộc này chỉ là bộ lạc miền núi chuyên về phá rừng du canh. Về sau bộ tộc Hoa Yangshao này hòa nhập với bộ tộc Hoa Lungshan chuyên về ruộng nước ở Sơn đông.
Nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của Miêu tộc ở vào thời tiền sử của Trung Hoa, đưa đến chỗ xung đột không thể tránh khỏi giữa các thế lực lúc bấy giờ. Theo người Hoa thì Hiên-Viên (Huan-yuan) sau khi thống lĩnh các thị tộc người Hoa (khoảng 2697 trước TL), liền tìm cách tiêu diệt luôn Xi-Vưu là tù trưởng của Miêu-tộc dể chiếm miền lưu vực Hoàng Hà mà vào bản bộ của Trung quốc. Sau khi toàn thắng, Hiên Viên lên ngôi xưng là Hoàng đế (Hoang-ti) mở đầu thời Ngũ đế, đồng thời với Họ Hồng Bàng của Việt sử. Người ta lại gán cho thời Hoàng đế kéo dài đúng 100 năm, và dưới thời này người Hoa đã phát minh ra được thuyền bè, xe kéo, cung tên, áo giáp, nông cụ bằng đá, đồ dùng bằng gỗ và đất nung, biết xây nhà cửa to lớn, biết làm lịch chia ra 12 giáp, chu kỳ 60 năm để đoán ngày tháng gieo trồng v.v…
Hẳn nhiên Hoàng đế chỉ là một nhân vật huyền thoại của người Tầu, bởi cho đến nay các cuộc khảo sát vẫn không tìm ra được bằng chứng gì về triều đại này. Tuy nhiên huyền thoại này đã nói lên được sự xung đột giữa 2 dân tộc Hoa – Miêu đã xảy ra rất sớm, và từ đó cứ kéo dài mãi suốt lịch sử Trung Quốc.
Cuộc sống mái với Hoa tộc qua các triều đại
Năm 1576 trước TL, vua Thang, thực ra chỉ là một tù trưởng thuộc bộ lạc tộc Thương, lôi kéo được các bộ lạc khác diệt được vua Kiệt của nhà Hạ (Xia hay Hsia), lập ra Nhà Thương (Shang hay Yin) (1576 – 1059 trước TL), thống lĩnh một giải đất thuộc tỉnh Hà Nam và Sơn Tây bây giờ. Đến đời vua thứ 8 là Bàn Canh dời đô về đất Ân, nên còn gọi là đời Ân. Dưới đời này thị tộc phụ hệ, định canh, mục súc, tằm tang và chế độ tư hữu bắt đầu phát triển. Bộ tộc Ân rất hiếu chiến, giao tranh luôn với các bộ tộc khác để chiếm thêm đất đai. Quân địch bại trận bị bắt làm nô lệ, và còn dùng làm vật hy sinh để tế thần nữa. Vào năm 1930, trong một cuộc đào xới khảo sát tại nhiều cổ mộ ở đất Ân (Anyang), kinh đô đời nhà Thương, người ta tìm thấy có nhiều hài cốt của tộc Phi Mông Cổ (có nghĩa là gốc caucasian) lẫn lộn.
Đến đời Chu (Chou hay Zhou: 1059 – 221 trước TL) thì ngay sau khi diệt được vua Trụ của nhà Thương, Vũ vương liền đày một số tộc Miêu lên vùng biên cương Cam-túc (Kansu), tịch thu hết ruộng đất của họ. Nhà Chu còn bắt họ canh tác dưới sự kiểm soát của các đội biên phòng, nhưng người Hmong, quen sống tự do bõ trốn vào rừng và bắt đầu cuộc sống kham khổ của miền núi. Đến thế kỷ thứ 7 trước TL, Miêu tộc kết hợp với các rợ khác như Tây Nhung, Khuyển Nhung, Rong và Di ở lưu vực sông Vị nổi lên đánh phá các trú phòng của quân nhà Chu. Nhánh tộc Miêu này về sau không còn nghe nói đến trong sử Trung Quốc. Có truyền thuyết cho rằng một phần đã bị đồng hóa trước TL, và một phần theo giòng sông Vệ vào vùng Tứ Xuyên, rồi trốn vào Tây Tạng yên sống trong chốn thâm sơn cùng cốc.
Số tộc Miêu ở nội địa cũng bị đàn áp không kém bởi quan lại nhà Chu, do đó mà họ luôn nổi dậy. Năm 826 trước TL, Miêu tộc bị thảm bại phải tẩu táng khắp phương; một số chạy đến bờ biển theo thuyền xuôi vào biển Nam, một số đến Quảng Tây, Hồ Nam; số lớn di tản vào vùng thượng du Tứ Xuyên và Quế Châu, xa khỏi vòng kiềm chế của nhà Chu.
Ấy vậy mà năm 770 trước TL, U-vương (vợ là Bao Tự) đã bị rợ Khuyển-nhung tấn công vào kinh đô giết chết. Con là Bình-vương phải dời đô từ Cảo Kinh (Tây đô) về Lạc Dương (tức Đông đô), nên sử gọi là Đông Chu.
Tiếp sau đó, nước Tầu bị loạn lạc Xuân Thu (Chun-Qiu: 722 – 481 trước TL), rồi Chiến quốc (453 – 221 trước TL.), số phận Miêu tộc không nghe nhắc đến trong giai đoạn này của sử Tầu. Cùng thời xin nhớ rằng, ở nước Văn Lang khoảng 275 trước TL, Thục Phán dành được ngôi từ Hùng Vương thứ 18 và xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc, xây thành Cổ loa.
Mãi đến đời Tần (Ch’in hay Qin: 221 – 206 trước TL), sau khi nhất thống Trung quốc Tần Thỉ Hoàng (Shih Huang-ti) dời đô về Hàm dương, quyết tâm đè bẹp các cuộc nổi loạn, rồi xây Vạn lý trường thành để ngăn cản sự xâm lăng của rợ phương Bắc. Tần Thỉ Hoàng đã ra lệnh cho tướng Đồ-Thư đánh chiếm các xứ Bách Việt ở phương nam (khoảng các tỉnh Hồ-nam. Quảng đông và Quảng tây bây giờ), rồi cho di dân hơn 50 vạn người đến khai khẩn, đặt quan úy quận Nam-hải là Triệu Đà cai quản. An Dương Vương xin thần phục nhà Tần.
Khi nước Tầu lâm cảnh loạn lạc với Lưu Bang (Hán) và Hạng Võ (Sở) tranh hùng thì năm 208 trước TL, Triệu Đà đánh chiếm nước Âu lạc, lập ra nước Nam Việt (gồm Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận).
Khi nhà Hán tiếp ngôi (206 trước CN – 220 TL), nhờ yên ổn với các rợ, họ đã chú tâm mở rộng bờ cõi thêm. Đời Vũ Đế (134 – 88 trước TL), quân Hán đã đánh chiếm Triều tiên và chia ra làm 4 quận. Năm 111 trước TL lại sai Lộ Bác Đức chiếm nước Nam Việt, đổi thành Giao-chỉ bộ (Chiao-chih chun) chia ra làm 9 quận. Quân Hán còn chiếm các đất của rợ Di, phía Tây nam như Vân-nam, Quế-châu và Tứ-xuyên bây giờ, trong đó có Miêu tộc ở Quảng-tây. Năm 41 vua Quang Vũ nhà Đông Hán lại sai tướng Mã Viện (Ma-yuan) sang đánh dẹp cuộc nổi loạn của Hai bà Trưng ở quận Giao-chỉ, rồi dựng cột đồng ở biên giới. Hai mươi hai năm sau, quân Hán mở thêm một trận càn quét cuộc nổi loạn của Miêu tộc ở phía nam Hồ Nam, và tướng già Mã Viện đã chết cùng với trên 2 vạn quân vì bệnh ôn dịch trong khi hành quân.
Nhà Đông Hán đã trả thù rất khốc liệt bằng cách tàn sát mọi dân lành, cướp bóc và đốt phá các làng mạc người H’mông trong vùng liên tục tròn 3 năm cho đến đời Chiêu-đế mới nới lỏng, nhưng đã không tiêu diệt được tinh thần tự cường của Miêu tộc.
Đến thời Tam Quốc (Ngụy-Thục-Ngô: Wei, Shu Han, Wu) thì người Miêu lại lớn mạnh và làm chủ phần lớn đất Hồ-nam và Quế-châu, lại còn có ảnh hưởng đến tận mạn nam của Hồ Bắc, rồi theo sông Hán đến tận mạn bắc. Họ còn cố quay về chốn cũ ở Hà Nam, Sơn Tây và lan đến phía đông An-huy.
Sau đời Tấn (Chin hay Jin: 265 – 316) thì nước Tầu suy yếu, rơi vào hỗn loạn của thời Nam Bắc triều (Nan Bei) (hay còn gọi là Lục triều: 317 – 589) thì khoảng từ 403 đến 561 đã có đến hơn 40 lần người H’mông nổi dậy để đòi độc lập, cùng với những sắc tộc khác ở khắp nơi mà sử Tầu gọi là Loạn Ngũ hồ (Hung-nô, Yết, Tiên-ti, Chi, Khương).
Đến giữa thế kỷ thứ 6, người Hmong đã thiết lập được một vương quốc tạm bợ khá rộng ở phía tây Trung quốc kéo dài từ Hà Nam, qua Hồ Bắc, Hồ Nam xuống đến Quảng Tây, có thể lẫn lộn biên cương giữa các nước Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu hoặc Bắc Tề luôn thay đổi. Họ được các thế lực tranh giành giữa Nam và Bắc triều mua chuộc, lôi kéo, nên một số danh sĩ được tiến cử vào các triều. Nhưng thời gian vui hưởng này không kéo dài được lâu vì đến khi Lý Uyên thiết lập nhà Đường (T’ang: 618 – 907) sau khi dẹp nhà Tùy (Sui: 589 – 618), thì bắt đầu đánh dẹp và thu hồi đất đai đã mất vào tay các rợ, trong đó có H’mông. Đổi lại, nhà Đường cho các vùng ấy được tự trị và phải đóng thuế cho triều đình.
Chấm dứt một thời oanh liệt
Đến năm 907, nước Tầu lại bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) và Thập quốc (907 – 960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc Hmong. Đến khi nhà Tống tái thống nhất Trung quốc (Sung: 960-1279), lại cử binh giành lại các đất vùng Hồ-bắc và Hồ-nam. Trong các cuộc giao tranh toàn bộ vương triều của Hmong bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặc lịch sử chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu.
Truyền kỳ còn được kể lại giữa người Miêu về những ngày bi thảm đó như sau: Hang Tchu là vua của Miêu tộc lúc bấy giờ, đã già và mệt mỏi vì chiến trận, giàn quân kháng cự quân Tống. Con gái duy nhất của Hang Tchu là Ngao Shing cũng cùng xông pha trận tuyến với cha. Nàng không những xinh đẹp mà còn học được phép lạ với lá cờ thần bí, khi phất lên là bảo tố kéo đến phá tan quân Tống.
Tướng nhà Tống là Tỷ Thanh (Ty Ching) cầu hòa với điều kiện là Miêu tộc phải trao lá cờ phép cho họ. Triều thần người Miêu họp bàn và sợ rằng người Hoa bày quỉ kế, nên trao một lá cờ giả. Tỷ Thanh vội dâng lá cờ cho vua Tống, nhưng khi thử với lửa thì biết là không phải lá cờ thật. Tỷ Thanh liền bị bỏ ngục và kết án tử hình nhưng nhờ triều thần can gián cho đoái công chuộc tội. Y liền quay lại đất Hồ giả làm môi giới để cầu hôn Ngao Shing cho thái tử nhà Tống. Vua Miêu chấp thuận nhưng Ngao Shing thì nhất định cự tuyệt, liền bị vua cha bạc đãi đến chết. Nàng qua đời thì cờ phép cũng trở nên vô hiệu cho nên Tỷ Thanh mới có thể tiêu diệt được triều thần Hang Tchu.
Người H’mông lại phải chạy trốn vào vùng Quế Châu và Tứ Xuyên; số khác lại tẩu táng xuống Quảng Đông và Quảng Tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị người Hoa lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc y phục có màu khác nhau, và từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu đen, trắng, hoa, đỏ và xanh. Mỗi nhóm lại cử lên một tộc trưởng, một chức vụ như là tiểu vương (kiatong). Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung là Hoa tộc.
Có một bài phóng sự trong nước mới đây mô tả về trang phục của phụ nữ Mông một cách khá thơ mộng, xin được trích dẫn nguyên văn như sau:
“Họ cư trú trên các thung lũng của miền núi phía Bắc (Việt Nam). Leo ngược lên các triền núi dốc, ở độ cao một ngàn ta bắt gặp những bản làng của người Mông, bốn mùa mây mù, sương phủ. Bao quanh những bản làng là những vạt rừng thưa, những trảng cỏ, những dãy đồi trọc trơ sỏi đá, với những con đường mòn vừa đủ cho người địu gùi, cho ngựa thồ nằm vắt mình qua các triền núi cheo leo. Giữa khung cảnh tịch mịch hoang vu ấy, du khách bắt gặp những cô gái, chàng trai người Mông đi chợ, bộ trang phục nữ với váy, áo, khăn, vòng, ô sặc sở, lóng lánh vòng khuyên, nổi bật lên giữa cái thâm u của rừng núi, làm cho cảnh sắc thiên nhiên bỗng sinh động và ấm áp. Hay giữa các phiên chợ vùng cao, bên cạnh các cô gái Thái, Tày, Nùng, Dao …vẫn nổi bật sắc mầu của các cô gái Mông: Đây là cô gái Mông Trắng mặc váy trắng tuyền, tay áo ghép nhiều mầu, yếm hoa phô sau gáy, kia là các cô gái Mông Hoa, váy xếp nếp xòa đủ 12 màu, áo cài khuy nách, có nẹp hoa ở vai, ở ngực, còn mang trên mình khăn và túi. Rồi phải kể đến cô gái Mông Đen quấn vành khăn nhiều nếp nhô cao, váy hoa xúng xính, khuyên tai, vành bạc đủ bộ, làm mỗi bước đi rung lên thành nhạc, còn cô gái Mông Lai trong tiết rời se lạnh sặc sỡ một mầu đỏ thắm của y phục truyền thống.” …
Trở lại câu chuyện gốc gác người H’mông ở Tầu thì sau khi bị phân tán vào các vùng cao nguyên và rừng rậm, người Miêu tạm sống yên ổn bởi nhà Tống bận rộn trong việc chấn hưng nền kinh tế và giao thương của Trung quốc mà xao lãng quân sự đưa đến việc rợ Khế-đơn (Kitans) lập nên nước Liêu (Liao) ở mạn Tây bắc và rợ Tiên-ti (Tartars) lập nên nước Tây Hạ (Western Xia) ở vùng Giang Bắc, Ninh Hạ và Cam Túc. Từ đó nước Tầu lại can qua giữa 3 nước.
Những năm về sau ở nước Liêu, Mãn-tộc bắt đầu hưng thịnh tách ra lập ra nước Đại Kim (Juchen Chin hay Kin: 1115 – 1234). Tống Hy Tông liên kết với Đại Kim để diệt Liêu, rồi nhà Tống quá suy yếu lại phải triều cống vua Kim. Trong khi ấy, giống Mông Cổ phát triển hùng mạnh với Thành Cát Tư Hản (Genghis Khan) khởi binh chiếm nữa phía bắc nước Kim vào năm 1215 rồi quay sang chiếm trọn Trung Á và tàn phá vùng Nga-la-tư. Khi quay về đông phương lại diệt luôn nước Tây Hạ vào năm 1224, chọn Yên-kinh (Yenkin: về sau trở thành Bắc Kinh ngày nay) làm kinh đô, xưng là Nguyên-thái-tổ.
Sau khi Thành Cát Tư Hản mất năm 1227, thì con là Oa-khoát-đài hay A-loa-đài (Ogadai) thôn tính trọn nước Kim năm 1234 và khủng bố đến tận vùng Trung Âu. Sau khi Oa-khoát-đài mất, Mông-kha (Mongke) lên ngôi một mặt tiếp tục tàn phá châu Âu và mặt khác sai cháu cuả Oa-khát-đài là Hốt-tất-liệt (Kublai Khan) cử binh đánh và diệt nước Đại Lý, hậu thân của nưuớc Nam chiếu (ở vùng Vân-nam bây giờ) vào năm 1253, rồi tiến đánh nhà Nam Tống và nước An Nam. Khi Hốt Tất Liệt đánh vào Quế Châu, Tứ Xuyên, quân Mông Cổ đã không tiến sâu vào vùng cao nguyên cho nên Miêu tộc không bị sát hại nhiều.
Khoảng từ năm 1267 đến 1279 Hốt Tất Liệt, diệt được nhà Tống vừa khi Mông Kha mất, liền lên ngôi xưng hiệu là Nguyên Thế Tổ, lập nên nhà Nguyên (Yuan: 1279 – 1368) ở Trung Quốc. Vua Tống Cung đế và các đại thần phải nhảy xuống biển tự vận.
Đến năm 1368 Châu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang), vốn là một nhà sư nổi lên đánh đuổi được quân Mông Cổ lập nên nhà Minh (Ming: 1368 – 1644). Nhà Minh lại nhắm vào Miến Điện như là cửa ngõ buôn bán với vùng Đông Nam Á, nên quyết bình định vùng Vân Nam. Trước tiên họ đặt ra hệ thống thổ-ty (Tu Si system) và ưu đãi nhóm người Lô-lô mà đàn áp người Miêu đẫn đến việc người Miêu thường xuyên nổi dậy. Năm 1459 quan quân nhà Minh đã thiết lập hơn 2 ngàn đồn biên phòng tại Quế Châu, Tứ-xuyên, để từ đó liên tục mở các cuộc hành quân đánh phá làng mạc và căn cứ địa của người Miêu, và tàn sát đến hơn 40 ngàn người.
Từ đó cho đến cuối thế kỷ thứ 16, không năm nào mà người Miêu không vùng lên đòi độc lập, và tung hoành một cõi từ Quế Châu đến tận Hồ Nam. Để ngăn chận họ, nhà Minh cho xây một trường thành nhỏ giống Vạn Lý Trường Thành gọi là Miêu Thành cao 8 bộ và kéo dài hằng trăm dặm ở biên giới Hồ Nam và Quế Châu.
Số phận vẫn còn bi đát
Năm 1616, người Mãn-châu là hậu duệ của nước Kim lại bắt đầu cường thịnh, Nỗ-nhỉ-cáp-xích quật khởi ở miền Liêu-ninh xưng là Thái-tổ và đặt tên nước là Hậu Kim, đặt đô ở Thẩm-dương chống lại nhà Minh. Năm 1636, Hoàng-thái-cực kế vị vua cha, đổi tên nước là Đại Thanh đi chinh phục Triều-tiên, Nội Mông-cổ và miền Đông-bắc của Minh triều và đến năm 1644 thì Thuận-trị dứt được nhà Minh, thiết lập Thanh triều ở Trung-quốc (Ch’ing hay Qing: 1644 – 1911).
Tàn quân nhà Minh kéo nhau tị nạn sang Nhật Bản và Việt Nam. Một số khác do Hoàng Minh và Mã Báo bỏ Quảng Tây trốn vào Quế Châu cốt tìm đường sang Vân Nam. Để đền ơn cưu mang của Miêu tộc, Hoàng Minh giao lại cho họ toàn bộ vũ khí và còn bày cho cách chế tạo súng hỏa mai mà ngày nay người Miêu vẫn còn sử dụng.
Sự kiện này đã làm cho nhà Thanh thêm lo ngại, nên năm 1727, Thân vương Oa-đài (Ortai), thống đốc Quế Châu mở chiến dịch càn quét, sai tướng Dương Quang Sĩ (Zhang Kwang Si) tấn công vào Quí Dương (Guiyang) là thủ phủ rồi vào Liễu Bình (Lip’ing). Quân Hmong đông đến hơn 10 ngàn người trang bị đầy đủ vũ khí với súng hỏa mai và đại bác nghênh chiến. Tổn thất hai bên rất cao, nhưng cuối cùng quân Thanh thắng thế, tịch thu tất cả vũ khí của người Miêu đúc thành một trụ tượng kỷ niệm chiến thắng bằng sắt cao 11 bộ dựng ở một hòn đảo trên sông Liên, cửa vào Quí Dương.
Để trả thù, quân Miêu kéo từ núi xuống tàn sát dân ở 4 thị trấn ven sông. Nhà Thanh phải đem viện binh từ các tỉnh lân cận đến tấn công vào cứ điểm của người H’mông từ ba mặt. Quân Miêu vỡ, số thua trận đầu hàng đều bị giết sạch. Điều này làm cho các bộ lạc Miêu rút vào rừng sâu và liên kết dựng những hỏa đài báo hiệu sự tiến công của quân Thanh trên các sườn núi. Di tích của những hỏa đài này hiện vẩn còn. Quân Miêu nổi loạn cắt máu ăn thề kháng cự đến chết. Họ còn giết hết vợ con để khỏi phải bận tâm luyến ái. Họ phản công điên cuồng chẹn các đèo vào núi, làm cho cả Bắc Kinh lo lắng.
Dương Quang Sĩ được cử thay Oa-đài ra sức giải tỏa hết các chốt và cắt đường tiếp tế của quân nổi dậy làm cho họ đói khát phải mở đường máu. Hai mươi ngàn quân Miêu bị giết trên chiến trường. Khoảng hai mươi bảy ngàn khác bị bắt và một nửa số bị sát hại sau đó. Tổng số súng dài tịch thu lên đến gần 50 ngàn khẩu. Dương Quang Sĩ còn khủng bố dân lành, cướp phá hơn 20 ngàn làng mạc của người H’mông, tước đoạt đất đai của họ. Dân Miêu lại phải trốn chạy vào các vùng lân cận để thoát thân, một số vượt biên giới vào miền bắc Việt Nam, định cư ở Đông Quan và núi Hoàng Su-Phi. Tuy vậy số người H’mông còn ở lại vẫn chưa chịu hoàn toàn khuất phục, thỉnh thoảng vẫn tìm cách nổi dậy.
Đến năm 1740, đời Ung Chính, nhà Thanh ra lệnh dẹp bỏ hệ thống thổ-ty mà đặt quan trực tiếp cai trị vùng Tứ Xuyên, Quế Châu, Vân Nam, Quảng Tây cốt để đồng hóa họ và khai thác các quặng than, bạc và đồng cũng như lâm sản trong vùng. Nhà Thanh cũng gia tăng thuế má làm cho nhiều nông dân người Miêu điêu đứng, khiến họ nổi dậy không ngừng. Năm 1796 người Miêu lại tập hợp đủ mạnh dưới sự lãnh đạo của 2 tù trưởng là Thỉ Sanh Báo và Thỉ Liêu Đăng (Shih San-Pao và Shih Liu-teng) ở biên giới Quế Châu, Hồ Nam để khủng bố nông dân người Hoa vốn do Thanh triều di dân đến dưới mỹ danh là “khách trú” và được quân đội bảo vệ. Bắc Kinh phải vội tăng viện để dập tắt cuộc bạo loạn, và chiến dịch kéo dài đến 13 năm mới xong. Quân Thanh tái thiết bức Miêu Thành từ lâu đã bị bỏ hoang và tăng cường thêm quân bố phòng để kiểm soát chặt chẽ những hoạt động của người Hmong và quyết tâm đồng hóa họ. Người Thanh còn bắt trẻ con Miêu phải theo học chữ Hán và Hoa tộc được quyền cưới phụ nữ Miêu.
Nhiều nhóm Miêu không chịu đựng được sự áp bức đành phải trốn sâu hơn vào rừng ở những tỉnh lân cận. Vài nhóm Miêu đen kéo xuống vùng nam của Hồ Nam và bắc của Quảng Tây, Miêu trắng dời về phía bắc vào vùng Tứ Xuyên, và Miêu hoa trốn về phía tây vào vùng Vân Nam. Lúc bấy giờ ở vùng Vân Nam, vốn xưa là nước Đại Lý đã có giống người Hản (Haw) cư ngụ. Họ là người theo đạo Hồi có liên hệ với người Panthay ở Miến Điện, chuyên về buôn bán thương mãi. Họ thường bị quan lại nhà Thanh khinh miệt và kỳ thị cho nên cũng đã nổi dậy nhiều lần đòi độc lập, như vào các năm 1818, 1826 và 1834 nhưng lần nào cũng bị đàn áp tàn bạo. Nhưng từ năm 1855 cho đến 1873 người Hản vùng dậy và làm chủ được toàn vùng dưới sự lãnh đạo của Trịnh Chiếu (Tu Wen-hsiu) vì nhà Thanh còn bận đương đầu với loạn Thái Bình (Taiping) ở trung thổ. Trịnh Chiếu tuyên bố Vân Nam là một nước Hồi giáo độc lập cho đến khi nhà Thanh rảnh tay quay lại tái chiếm. Người H’mông cùng tham gia với người Hản nổi dậy nên cũng chịu chung số phận bị tàn sát dã man. Người ta ước tính có đến cả triệu người Vân Nam thiệt mạng sau khi quân Thanh trở lại. Thế là người Hản và người Miêu lại kéo nhau tràn vào Miến Điện và Đông Dương lánh nạn. Nhóm đến Việt Nam lần này đông khoảng 6 ngàn người kéo vào Đồng Văn ở gần biên giới.
Miêu tộc vào Việt Nam
Trước đấy từ năm 1815 đến 1818 đã có người Miêu chạy thoát đến cư ngụ ở Đồng Văn. Sau đó một nhóm tách ra di dân đến vùng bắc của ngọn núi Fan Si Pan, rồi bỗng dưng vài năm sau không ai tìm thấy dấu vết của họ đâu nữa, làng mạc bị bỏ hoang.
Câu chuyện thật ra rất ly kỳ có liên quan đến một tay buôn nha phiến người Tầu tên là Tôn Mã. Nhân một chuyến ghé qua Fan Si Pan để thu mua thuốc phiện, y kể cho dân làng nghe về một vùng đất hoang mầu mỡ ở dãy núi Xieng Khoảng phía đông nước Lào. Thực ra thì y chỉ muốn thủ lợi riêng bởi vì người Miêu lúc bấy giờ chuyên trồng cây nha phiến để bán lại. Trong chuyến buôn kế tiếp y hướng dẫn một nhóm người Miêu tiên phong được “tiểu vương” (kiatong) Lo See Pa giao cho Kue-Vue cầm đầu, tìm đến vùng gần Nong Het. Khu đất rừng thật là phì nhiêu, thế là trong vòng vài năm, họ di dân đến đấy và thiết lập làng mạc xung quanh Nong Het và để tri ân kẻ chỉ đường, họ đặt tên con sông chảy qua là Tôn Mã.
Họ sống yên ổn ở vùng đất mới được vài năm thì Lo See Pa bị bọn cướp người Hoa giết chết trong một trận tấn công vào làng không thành cốt để đoạt nha phiến. Kẻ kế vị là Lo Sue Xia vẫn thuộc giòng họ Lo. Truyền thống này vẫn được duy trì vài thập niên mãi đến khoảng 1850 có vài sự kiện gây xáo trộn: Nhóm họ Lý và nhóm họ Moua xuất hiện.
Nhóm người Miêu họ Lý, lãnh đạo bởi Lý Nghia Vue vốn ở nước Đại Lý xưa kia bị quân Thanh truy kích trong vụ nổi dậy cùng với người Hán, kéo nhau đến Nong Het lánh nạn cùng với nhóm họ Moua cầm đầu bởi Moua Kai Chong. Dĩ nhiên là họ không chịu thần phục giòng họ Lo, và vẫn giữ nguyên tiểu vương của họ. Tuy vậy Lo Sue Xia vẫn được tôn kính hơn cả.
Cùng đợt tị nạn từ khi vùng Vân-nam bị thất thủ vào năm 1860 và loạn Thái Bình bị đập tan vào năm 1863, một khối lượng đông đảo người từ Trung Quốc tràn xuống Việt Nam, trong đó có cả Miêu tộc. Bọn họ là đám tàn quân nên còn mang theo vũ khí, đi cướp phá mạn thượng du Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bá, miền bắc nước ta dưới triều Tự Đức, nên sử ghi là giặc khách. Mạn Tuyên Quang có Nông hùng Thạc, mạn Cao bằng có Ngô Côn và Lý hợp Thắng chiếm tỉnh lỵ năm 1865. Về sau có dư đảng là bọn Hoàng sùng Anh, hiệu cờ vàng và Lưu vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Bàn văn Nhị, hiệu cờ trắng cùng với giặc biển tên Phụng liên tục quấy phá khắp nơi ở miền Bắc.
Lúc bấy giờ tình hình nước ta thật điêu đứng với giặc ngoại xâm, trong nam thì đã bị quân Pháp chiếm, mà chúng còn đang hăm he đặt nền bảo hộ và đánh Bắc kỳ. Ngoài bắc thì đám giặc khách uy hiếp làm quan quân ta chống đỡ không nổi. Riêng giặc ở thượng du đã có lúc tràn xuống tận Yên Bái vùng đồng bằng sông Hồng. Vua Tự Đức phong cho Nguyễn Tri Phương làm Tây Bắc tổng-thống quân-vụ đại-thần đốc thúc việc tảo trừ, năm 1863 quân ta tái chiếm thành Tuyên Quang. Miêu tộc rút lui về Quảng Bá.
Tại núi Phước ở Quảng Bá lại xuất hiện một thủ lãnh người Miêu tên là Xiong, với tài nhào lộn và phi thân rất giỏi, tự xưng là tân vương của Miêu tộc. Các sắc dân thiểu số khác trong vùng như Mán và Nùng cũng thần phục y, gây một thế lực rất lớn. Chỉ trừ giống Thổ là chống đối. Y xây lâu đài, dựng triều đình, lập quân đội, làm vũ khí với súng hỏa mai. Xiong liền đem quân tấn công tàn phá Làng Dận và vùng cư dân lớn hơn khác của người Thổ gần Quảng Bá. Chiến thắng này làm tăng thêm uy danh của Xiong. Trong vòng 12 năm sau, y giao việc hành quân cướp phá các vùng lân cận cho thuộc hạ, còn y thì chỉ vui hưởng tại cung điện mà thôi.
Sau khi Xiong chết vì ám sát thì vương quốc của y cũng tan rã, kẻ kế vị là Cha Shue, một tù trưởng ở dãy núi Hoàng Su Phi. Vùng y tự trị nằm vắt qua hai biên giới Việt-Hoa, và vào năm 1894 y còn được Thanh triều phong cho chức thổ-ty. Người Pháp lúc bấy giờ đã chiếm Việt-nam làm thuộc địa cũng để yên cho Cha Shue, vì họ cần người Miêu cung cấp gỗ độc quyền cho họ. Về sau Cha Shue còn gây thế lực bằng cánh đánh thuế trên số gỗ bán cho người Pháp. Uy tín của Cha Shue còn được truyền tụng ở Nong Het.
Người H’mông ở Lào và thuốc phiện
Sau khi định cư ở Lào, người H’mông lại phải ác chiến với người Khạ ở vùng Xiêng Khoảng vào nửa cuối thế kỷ thứ 19. Người Khạ hay còn gọi là người Kh’mu vốn là cư dân lâu đời tại Lào, có thể từ thế kỷ thứ 5; ban đầu họ là phiên bang của nước Phù Nam (Funan), sau lại lệ thuộc vương quốc Chân Lạp (Chenla), và rồi Khmer. Vào thế kỷ 13 và 14, khi nước Nam Chiếu bị người Mông Cổ diệt, bộ tộc Lào và Tày di dân qua đất hạ Lào trở nên đa số và thiết lập vương quốc độc lập Luang Prabang. Từ đó người Khạ bị người Lào khinh miệt và bị bạc đãi tàn tệ, phải sống ở vùng thượng du. Khi người H’mông định cư ở Xieng Khoảng, người Khạ bắt họ phải cống nạp nông sản và súc vật. Nhưng đến khi biết người H’mông còn sống sung túc bằng nghề trồng trọt nha phiến người Khạ lại đòi hỏi thêm thuốc phiện. Điều này đã đưa đến chiến tranh và người Khạ bị thua trận phải kéo chạy về vùng núi gần Luang Prabang.
Thị trường nha phiến trên thế giới khởi phát từ Á-châu bởi đế quốc Anh và Pháp vào đầu thế kỷ 19 đã giúp cho người Hmong đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất thô. Bọn đế quốc lại dùng số lợi nhuận khổng lồ để tái tài trợ cho những âm mưu bành trướng thế lực và cai trị thuộc địa. Cuối thế kỷ 19 khi quốc hội Anh thông qua đạo luật ngăn cấm chính phủ tham gia thì Pháp độc quyền thị trường ma túy. Chính vì nguồn lợi này mà Pháp đã thôn tính luôn cả Cam Bốt và Lào để có đường thông thương với thượng du Vân Nam. Ngay cả sau khi Pháp bị đánh bật ra khỏi Đông Dương vào 1954, ảnh hưởng của họ trên thị trường ma túy vẫn không giảm, và chính tập đoàn buôn lậu đã mua chuộc và làm thối nát chính quyền miền Nam để bọn họ dễ dàng làm ăn, và chắc chắn là bọn họ cũng lũng đoạn chế độ hiện nay tại Việt Nam. Cuối năm 1960, người ta ước tính là nông dân người H’mông ở Lào đã cung cấp khoảng 70% nhu liệu cho thị trường ma túy của thế giới. Khi người Pháp đô hộ Lào từ năm 1893, họ dùng người Lào và Tày cai trị dân miền núi cho nên đã xảy ra khá nhiều chuyện bóc lột hà hiếp dân Miêu với thuế khóa nặng nề trên nông sản nha phiến. Năm 1896 người Pháp lại tăng thuế và đòi trả một phần bằng thuốc phiện, làm cho Miêu tộc nổi loạn, họ gọi người Pháp là Fa-ki theo âm của người Tầu là Pháp quỉ (Fa kouie). Lần đầu họ thành công khi tấn công đồn lính tây ở Ban Khang Phanieng, nhưng lại đại bại ở lần thứ hai khi đánh vào tiểu khu Xieng Khoảng. Vì vậy tiểu vương họ Lo bị truất phế và được thay vào bởi họ Moua, tên Tong Ger. Tân tiểu vương liền xin hòa đàm với nhà cầm quyền thuộc địa tại Bản Ban để được giảm bớt thuế, và sự giao thiệp giữa Pháp và người Hmong bớt căng thẳng.
Quân Cờ Đen và Miêu tộc
Năm 1870, dư đảng của giặc Thái-bình ở Trung-quốc sau khi tràn vào Việt-nam, chia làm hai phe Cờ vàng ở Tuyên-quang và Cờ đen ở Lào-kay chống chọi nhau ở mạn thượng du. Đến năm 1875 giặc cờ vàng bị dẹp tan. Còn Lưu hữu Phúc đầu đảng Cờ đen xin thần phục triều đình nhà Nguyễn rất sớm. Vua Tự-Đức phong cho Phúc làm đề đốc, và khi quân Pháp dưới quyền của Đại úy Hải quân Francis Garnier đánh thành Hà-nội, Garnier đã bị quân của Lưu hữu Phúc phục binh giết chết tại Cầu Giấy năm 1873.
Âm mưu của Pháp muốn chiếm Bắc Kỳ vẫn không phai, nên đầu năm 1882 Đại tá Hải quân Henri Riviere được lệnh đem tàu chiến ra đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, thừa thắng hạ luôn thành Nam Định vào tháng ba, năm 1883. Nhưng đến khoảng cuối tháng 5 thì Riviere lại bị quân cờ đen phục ở Cầu Giấy giết chết. Quân cờ đen còn bêu đầu của Riviere từ làng này qua làng khác.
Nhiều cánh quân cờ đen khác thường đem quân sang Lào, đánh cướp nha phiến của người Hmong để mua lương thực và vũ khí, và bắt đi đàn bà con gái cho nên Miêu tộc phải nhờ người Pháp bảo vệ. Tháng 11, 1914 quân cờ đen tấn công đồn lính tây ở Sầm Nứa. Sau đấy tiến đánh Phong Saly và đã đụng độ đến mấy tháng với lực lượng H’mông và Pháp, trước khi bị bại phải tháo chạy trở về Trung Quốc.
Một thủ lãnh Miêu ở Hà Giang, Việt Nam tên Yang Yilong được tin bèn xin nhà cầm quyền địa phương Pháp trang bị vũ khí để mở những trận du kích đuổi quân cờ đen. Từ đó mở đầu cuộc hợp tác quân sự giữa người Miêu và Pháp, và kéo dài cho mãi về sau. Để trả thù quân cờ đen đốt phá các buôn làng của người Miêu mà họ đi qua.
Cuộc hợp tác giữa người Miêu và Pháp cũng chẳng mấy êm trôi khi chính quyền thuộc địa lại tăng thuế vào năm 1914, gánh nặng bất công đè trĩu trên vai người H’mông. Đã vậy thực dân Pháp lại quyết định mở những trục lộ giao thông giữa Việt Nam và Lào chạy qua Xiêng Khoảng và Phong Saly, và bắt dân H’mông đi làm phu, làm cho việc mùa màng bị đình trệ càng thiếu tiền đóng thuế. Nhiều làng kéo nhau trốn vào rừng sâu.
Năm 1917, phụ tá của kiatong Moua Tong già nua là Lo Bliayao lại tham nhũng bóc lột phu phen người Miêu đã đưa đến sự nổi dậy. Bliayao lại cậy vào quân địa phương của Pháp để đàn áp.
Lãnh tụ Chay Pa
Trong khi đó ở buôn làng người Miêu trong vùng Điện Biên Phủ xuất hiện một thủ lãnh tên là Chay Pa, gốc gác từ Vân Nam, biết nói và viết ba thứ tiếng Hoa, Lào và Việt, rành ma thuật, cầm đầu người Miêu chống lại ngươi Tày vốn đàn áp họ, và xúi dục người Miêu không đóng thuế. Quân Pháp được gởi từ Sơn La đến để truy lùng Chay Pa, nhưng thường bị tập kích. Nhưng đến năm 1919, Chay Pa yếu thế phải rút quân sang Xieng Khoảng và hô hào người H’mông đứng lên chống Pháp để lập một vương quốc độc lập với kinh đô là Điện Biên Phủ. Chay Pa được sự hưởng ứng của người Miêu ở Xieng Khoảng nổi lên đánh phá các căn cứ của lính thuộc địa. Họ còn ám sát hụt tên Lo Bliayao làm tên này càng hợp tác với Pháp chặt chẻ hơn. Nhà cầm quyền thực dân Pháp tăng phái quân chính qui từ Việt-nam sang, và áp dụng kế sách ấp chiến lược cô lập quân nổi dậy. Chiến lược này lần hồi thành công và khiến loạn quân tan rã, nhưng quân Pháp vẫn treo giải cho đầu của Chay Pa. Y rút vào rừng sâu sống với vài bộ hạ thân tín nhưng lại bị theo dõi và bị ám sát vào tháng 11, năm 1922.
Lãnh tụ Lý Foung Touby
Sau vụ nổi dậy bất thành của Trịnh Chiếu ở Vân Nam, Tứ Xuyên, người Hản và Miêu trốn chạy sang Lào. Trong số đó có một người họ Lý đến được Nong Het năm 1865. Y lập gia đình và có 3 con; trong số có cậu Foung rất thông minh. Foung lấy con gái của Lo Bliayao tên May. Hai người có 2 đứa con, trai tên là Touby và gái tên Mousong. Foung lấy thêm vợ bé, và May buồn rầu tự vận. Điều này làm cho quan hệ giữa hai họ Lo và Lý trở nên căng thẳng. Các thổ hào liền phải nhờ quan Pháp can thiệp, và để tránh rắc rối nhà cầm quyền liền chia cho họ Lý cai quản Miêu tộc vùng Keng Khoai và họ Lo xem vùng Phac Boun. Năm 1935 Lo Bliayao qua đời, con là Tou Song thay thế chức kiatong.
Cùng năm này người H’mông lần đầu theo học trường tiểu học của Pháp mở tại Xieng Khoảng. Các danh gia họ Lo, Lý và Moua đều cho con đi học để hy vọng tranh dành ngôi thứ chính trị về sau. Theo thời gian, Touby Lý đỗ xong trung học và theo học trường Hành chánh mở tại Vientiane.
Lo Tou Song ít học lại ham mê cờ bạc nên thâm lạm công quĩ rất phật lòng quan cai trị người Pháp. Nhưng Lý Foung lại khôn khéo đem tiền của mình đền bù giùm nên được lòng tin của quan bảo hộ. Từ đấy mà chẳng mấy chốc vai trò chính trị xán lạn của đứa con trai Lý Touby đã được dọn sẳn. Đến khi người Pháp sa thải Tou Song khỏi chức kiatong ở Phac Boun, Touby liền được thay thế. Nhưng người em của Tou Song là Faydang rất lấy làm bất bình sinh oán hận Touby, khiếu nại đến hoàng thân Phetsarath ở Vientiane nhưng vẫn bị người Pháp lấn át.
Sau khi ra trường Hành chánh, với chỗ đứng vững chãi trong guồng máy chính trị, uy thế của Touby càng gia tăng. Y đã dùng sản lượng nha phiến do người H’mông trồng trọt để làm áp lực với người Pháp, vì Pháp đang muốn chiếm độc quyền thị trường thế giới lúc bấy giờ. Y còn thuyết phục người Pháp nâng cao vai trò của người H’mông trong xã hội Lào.
Đến năm 1949 Trung Quốc hoàn toàn do đảng Cộng sản thống trị, làm cho nguồn cung cấp nha phiến ở Vân Nam và biên giới Miến Điện vốn nằm dưới sự cai quản của tàn dư quân đội Quốc dân đảng bị cắt đứt. Nguồn cung cấp từ Iran và A-phú-hản lại quá đắt, cho nên Pháp tận dụng nguồn nha phiến của người Hmong để chiếm lĩnh thị trường. Năm 1953 Liên hiệp quốc ký công hàm chấm dứt việc các chính phủ tham gia buôn bán nha phiến, dẫn đến thị trường chợ đen. Sản lượng càng gia tăng và lợi nhuận càng cần thiết cho việc tài trợ việc tái chiếm Đông dương vì chiến tranh leo thang.
Hợp tác với Pháp chống Nhật
Khi nước Pháp bị Đức Quốc Xã cai trị vào năm 1940, quân Nhật liền chiếm đóng Đông Dương. Toàn quyền Decoux được Nhật để yên tiếp tục phụ trách hành chánh, đã ra lệnh quân Pháp không kháng cự. Nhưng đến tháng 8 năm 1944, khi Paris được giải phóng thì cuộc diện liền thay đổi. De Gaule vội tiến hành kế hoạch phản công ở Đông Dương. Tháng 11, quân biệt động Pháp được thả dù xuống Cánh đồng Chum để lập khu kháng chiến. Không quân Mỹ lại dội bom các hải cảng ở Việt-nam.
Tháng 3, 1945 Nhật liền đảo chánh và ra lệnh tước khí giới của quân Pháp ở Đông Dương. Tuy vậy Pháp vẫn âm thầm tăng phái quân nhảy dù từ Ấn Độ vào thượng Lào với sự bao che của người H’mông. Khi Nhật biết có sự dính líu của người H’mông vào kế hoạch bí mật cuả Pháp, họ liền bắt Lý Touby và định đem xử bắn, nhưng nhờ giám mục Mazoyer ở Vientiane can thiệp nên được tha. Chẳng sờn lòng, Touby liền liên lạc với Đại úy Bichelot, chỉ huy quân biệt động Pháp để hợp tác chống Nhật.
Việc này làm cho quân Nhật điên cuồng, họ liên tục tàn phá các bản làng người Miêu nghi ngờ hợp tác với Pháp, và vô tình làm cho Miêu tộc càng ủng hộ Touby thêm nữa. Nhưng không phải người Miêu nào cũng ủng hộ người Pháp, trái lại nhóm Miêu theo Faydang lại hợp tác với người Nhật truy diệt lính Pháp.
Tháng 3, 1945 người Nhật bắt giam tất cả viên chức chính quyền thực dân Pháp ở Lào, khuyến cáo vua Vong Sisavang tuyên bố Lào độc lập. Hoàng thân Phetsarath xây dựng đảng Lao Isalla (hay Lào tự do), và đứng ra thành lập tân chánh phủ vào tháng 10. Nhưng đội biệt động Pháp ra tay tấn công Luang Prabang, chiếm hoàng cung và ép vua Lào tuyên bố hủy bỏ độc lập và tước hết quyền của Phetsarath. Đảng Lao Isalla cầu cứu với Việt minh, cùng với nhóm H’mông của Faydang để chống Pháp, thế là bộ đội Việt minh được chính thức mời vào lãnh thổ Lào cùng với một khối cư dân Việt. Việt minh lại còn tuyên bố Xieng Khoảng là một căn cứ của Việt Nam. Tháng 11, lực lượng biệt động Pháp phối hợp với dân quân Hmong của Touby đánh bật Việt minh ra khỏi Xieng Khoảng. Pháp kết án Faydang là cộng sản, và đến mùa hè năm 1950 Faydang gia nhập đảng Pathet Lào (Cộng đảng Lào).
Lúc bấy giờ Hoa Kỳ, là đồng minh với Liên Xô chống phe trục, lại âm thàm liên lạc và trang bị vũ khí cho du kích quân Việt minh để quấy phá quân Nhật ở Đông dương làm cho thế lực của Việt minh gia tăng thêm. Đến khi Nhật đầu hàng đồng minh vào tháng 8, 1945, Hồ Chí Minh cướp thời cơ dành lấy chính quyền ở Hà Nnội, thành lập chánh phủ liên hiệp và tuyên bố Việt Nam độc lập. Khi bị tước khí giới, quân Nhật lại không chịu giao lại cho Pháp mà lại giao cho Việt minh.
Pháp không chịu công nhận Việt-nam độc lập, nhưng lại mời Hồ Chí Minh sang Pháp để thương thảo điều kiện để Pháp ở lại Đông dương, và dời chuyện trao trả độc lập đến 1947 sau khi trưng cầu ý dân. Đồng thời Pháp lại hổ trợ cho một nội các chống Việt minh được dựng lên ở Sài Gòn, và còn có ý định lập một nước Nam Kỳ độc lập. Nhưng cuộc sống hòa bình gượng gạo với Việt minh không kéo dài được lâu. Tháng 11, 1946 một cuộc đụng độ võ trang Việt Pháp ở Hải Phòng dẫn đến cuộc chiến tranh toàn Đông dương.
Năm 1946, Pháp thuận cho Lào được độc lập trong Liên Hiệp Pháp và mở cuộc bầu cử dân biểu quốc hội. Một người trong gia đình Touby đắc cử vùng Xiang Khoảng, đó là Lý Foung Toulia. Họ tranh đấu để được đối xử bình đẳng như công dân Lào, và có đại diện trong hội đồng tỉnh. Và để tranh thủ mối lợi nha phiến Pháp đề cử Touby làm phó tỉnh trưởng Xieng Khoảng, từ đó y gia tăng ảnh hưởng của người Hmong trong chính quyền Lào.
Việt minh cũng chú ý đến nguồn lợi nha phiến để mua vũ khí ở biên giới Tầu. Sản lượng thuốc phiện của một tỉnh có thể trang bị vũ khí cho một sư đoàn. Người ta ước tính là chỉ riêng năm 1947, trị giá của mùa thu hoạch nha phiến lên đến 400 triệu đồng bạc Đông dương, gần bằng với trị giá tổng số gạo xuất cảng của toàn Đông dương cùng năm. Vì thế Pháp đã bằng mọi giá phải kiểm soát được nguồn tài nguyên này, năm 1948, một nghị định của Cao ủy Đông dương cho phép người H’mông hầu như độc quyền trồng nha phiến ở Lào.
Cùng năm, Touby được đưa về Sàigòn để Phủ cao ủy giao công tác thành lập một lực lượng biệt động địa phương chống Việt minh. Từ năm 1951 cho đến 1954, tư lệnh tối cao quân viễn chinh Pháp cho thi hành “chiến dịch X” để tài trợ trang bị các lực lượng người thiểu số. Phi cơ quân sự được lệnh chở thuốc phiện cuả người Hmong từ vùng đông bắc Lào về Sài Gòn, giao cho Lê văn Viễn, tức Bảy Viễn, bấy giờ là Giám đốc Cảnh sát phân phối. Qua một thời gian ngắn đó, Touby đã nhận được khoảng 4 triệu đô-la cho lực lượng người H’mông.
Đội Biệt Động Dù G.C.M.A.
Cuối năm 1950, quân Pháp không còn kiểm soát nổi vùng biên giới Việt-Hoa sau những trận đánh đẫm máu với Việt minh. Việt minh quyết làm chủ mạn bắc là cốt mở rộng đường bộ để dễ dàng tiếp nhận viện trợ vũ khí từ cộng sản Hoa lục, mà trước đây chỉ nhờ dân công chuyển qua đường rừng núi. Việt Minh mở những trận phản công lại trùng với chiến cuộc Cao Ly, nên trước những đe dọa phối hợp của Cộng sản quốc tế, tổng thống Hoa Kỳ Truman ra lệnh viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương trong vòng 4 năm lên đến 3 tỷ đô-la để tiếp tục ngăn chận Việt cộng.
Đầu năm 1950, đại tá Grall được Pháp bổ nhiệm chỉ huy một bộ phận hoạt động bí mật mang tên là GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aeroportes: Đội Biệt Động Dù) có 20 sĩ quan chuyên tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho nhiều toán du kích người sắc tộc thiểu số Đông dương, đặc biệt ở 4 khu: Bắc, Nam, Cao nguyên trung phần Việt nam và Lào. Đại tá Roger Trinquier phụ trách khu Lào. GCMA lại được điều khiển bởi Cơ quan Tình báo và Phản gián của Pháp ở Hải ngoại; tiền tài trợ dĩ nhiên là qua kinh tài ma túy. (CIA về sau cũng áp dụng y như vậy!). Toán du kích tân tuyển được đưa về Cap St. Jacques (Vũng Tàu) để huấn luyện. Touby cũng đã được huấn luyện tại đây để về lãnh đạo hệ thống du kích Hmong ở Phong Saly, Xieng Khoảng và Sầm Nứa.
Trinquiner quyết gấp rút thành lập một lực lượng du kích ở tây bắc Lào để gây rối an toàn khu của Việt minh tại Sip Song Chau Thai, phía tây Hắc giang và gần biên giới Việt-Lào. Y chọn Lo Quang Chao, tù trưởng H’mông ở Lào Kay sức vóc hơn người, mang bí danh là Sô-cô-la. Đến tháng 4 năm 1952, GCMA ở Hà nội đã thả dù cho Lo 2,500 cây súng trường để đám này kiểm soát vùng Lào Kay và núi Hoàng Su Phi. Trinquiner hài lòng với những chiến công của Lo, đến nỗi y đồng hóa cấp Trung úy quân viễn chinh Pháp cho Lo, và truy tặng Anh dũng bội tinh bằng cách thả dù huy chương xuống căn cứ cho Lo Quang Chao. Lo tung hoành ở vùng biên giới Việt Hoa một thời gian nhưng rốt cuộc bị giết chết vào tháng 8 năm 1953, và nhóm du lích của y tan rã
Tháng 4 năm 1953, Việt minh và Pathet Lào phối hợp chia thành hai gọng kìm tấn công Sầm Nứa và Luang Prabang, Faydang có mặt ở tuyến đầu. Pháp vội xây dựng phi trường dã chiến tại Cánh đồng Chum để tăng phái quân cơ động. Nhờ sự đưa tin hiệu quả của nhóm Hmong thuộc cánh Touby, và nay có thêm một phụ tá trẻ Vang Pao. Pháp đã đẩy lui được các cuộc tấn công của địch tại Lào, và Việt minh rút quân về lại Việt Nam để tập trung vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vang Pao và Ảnh hưởng của Chú Sam
Pháp bị đại bại tại Điện biên phủ vào tháng 5 năm 1954, đưa đến hiệp định Geneva. Pháp rút lui dần khỏi địa bàn Đông dương. Việt nam bị chia cắt thành 2 miền theo vĩ tuyến 17. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower cương quyết chận đứng sự lan tràn cộng sản ở Đông Nam Á nên gia tăng viện trợ mọi mặt và gởi cố vấn sang các nước Thái lan, Nam Việt và Lào. Hoạt động của CIA cũng gia tăng không ngừng trong vùng để khuynh đảo các chính quyền địa phương, và đã đi vào con đường mà GCMA đã vẽ ra.
Quân Bắc Việt chỉ rút về một số, nhưng phần lớn ở lại Lào để gây dựng quân đội Lào cộng (Neo Lao Hak Sat), đưa đến việc tranh dành quyền lực với Hoàng gia Lào. Năm 1957, Lào cộng được tham gia vào chính phủ liên hiệp Lào. Chính phủ này chỉ kéo dài được 8 tháng khi phe hữu làm đảo chánh và bắt giam đại biểu của Pathet Lào. Quân độ Bắc Việt liền chiếm hết những tỉnh của Lào chạy dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, và yểm trợ cho quân Lào cộng trong cuộc nội chiến. Hoa Kỳ hậu thuẩn phe Hoàng gia.
Cuối năm 1960, đại úy Kong Le của Quân đội hoàng gia, tự cho mình là trung lập, làm đảo chánh với kỳ vọng chấm dứt được cuộc nội chiến, đã ra lệnh cho các lực lượng ngoại quốc phải rút ra khỏi lãnh thổ Lào. Chỉ vài tháng sau, cánh hữu được CIA ủng hộ lật đổ Kong Le, làm cho phe trung lập phải liên kết với Pathet Lào, lại đưa Lào vào chiến tranh.
Dù phe hữu nắm quyền ở Vientiane, nhưng luôn thất bại ở chiến trường, nên đến tháng 7 năm 1962, một chính phủ liên hiệp khác được thành lập gồm 3 thành phần do hoàng thân Souvana Phouma lãnh đạo. Phe cộng không chịu đựng được sự khuynh đảo trắng trợn của Hoa Kỳ vào chính trường Lào, bất lợi cho họ nên đã rút vào rừng tiến hành vũ trang với sự tiếp tay của quân Bắc Việt. Cuộc chiến giằng co mãi làm Hoa kỳ sốt ruột, quyết định dội bom ồ ạt phe cộng trên Cánh đồng Chum từ 1968 cho đến 1972, nhưng chẳng làm nghiêng được cán cân.
Đến cuối năm 1972, Mỹ quyết định rút khỏi Lào và cả Đông dương. Thủ tướng Souvana Phouma vội thương thảo với Pathet Lào để thành lập chính phủ liên hiệp trong thế yếu vào ngày 21 tháng 2 năm 1973. Phe Pathet Lào tìm mọi cách chiếm ưu thế nên chiến tranh lại bộc phát từ 1974 cho đến 1975. Tháng 3 năm 1975 Pathet Lào và quân Bắc Việt mở các cuộc tấn công cuối vào các cứ điểm của quân Hoàng gia, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của phe cộng vào tháng 8. Tháng 12, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập do Souvanouvong làm chủ tịch, và bải bõ chế độ quân chủ ở Lào.
Trong cuộc chiến ở Lào, phe có tử vong cao nhất lại là người Hmong, có lẽ đến 1/3 dân số Miêu tộc, và 1/2 số trai tráng trên 15 tuổi đã bị hy sinh. Số phận của họ đều nằm trong tay một người phụ tá của Ly Foung Touby vốn là một cậu bé chạy giấy cho lính biệt động Tây, rồi lên chức đội cò và theo thời gian với chiến cuộc gia tăng đã leo lên đến cấp tướng trong quân đội hoàng gia Lào, đó là Vang Pao.
Suy Ngẫm
Đọc lịch sử nổi trôi của một bộ tộc suốt mấy ngàn năm, đã từng một thời chen vai thích cánh với các sắc dân khác ở Trung Quốc. Nhưng đã không may thất thổ rồi mai một trước tham vọng bành trướng của Hoa tộc mà trở nên một sắc tộc miền núi, sống đậu vào các nước khác ở Đông Nam Á. Luật đào thải tự nhiên luôn luôn là nguyên lý. Mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, nước lớn luôn tìm cách thôn tính nước bé. Một khi sức tự cường của một dân tộc không còn thì sự tồn vong chắc là chóng mai một. Tìm hiểu lịch sử để chúng ta phải thấm sâu ơn nghĩa đối với tổ tiên Hồng Lạc, qua bao đời đã không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù của dân tộc gần và xa. Bọn xâm lăng này, ngày nay tinh vi hơn ngụy trang dưới nhiều lớp áo vẫn không ngừng chực chờ cơ hội để xâu xé và ngay cả âm mưu xóa tên Việt Nam khỏi bản đồ thế giới. Cha ông ta, qua bao đời đã kiên cường liên tục đánh đuổi lũ xâm lược to lớn gấp trăm lần để cho con cháu vui hưởng độc lập. Hậu duệ có quên được điều đó chăng?
Tháng Giêng, 1999 Mùa Giổ Tổ Hùng Vương.
http://sachhiem.net/VANHOC/TranTrucLam.php
Tài liệu tham khảo
1. Cultural Atlas of China, Caroline Blunden, Mark Elvin – Facts on File, Inc. N.Y. 1983.
2. A Short History of the Chinese, Mary A. Nourse – 3rd Edition, The New York Library, N.Y. 1943.
3. Trung Hoa Sử Cương, Đào Duy Anh – Xuất Bản Bốn Phương, 1942.
4. Hmong – History of a People, Keith Quincy, EWU Press, 2nd Edition, 1995.
5. Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim – CSXB Đại Nam tái bản 1971.
6. Microsoft Encarta 97 Encyclopedia CD, Microsoft Corporation.
Chuyện Tình Thời Chinh Chiến – Nguyễn thị Cỏ May
Nước Việt nam nghèo, dân tộc Việt không đông, bị đảng cộng sản hồ chí minh đưa vào cuộc chiến ác nghiệt kéo dài suốt 30 năm làm thiệt hại hơn 10 triêu nhơn mạng chỉ để phục vụ cho Đệ tam Quốc tế. Sau 30/04/75, Lê Duẩn khẳng định “Ta làm chiến tranh giải phóng là làm cho Trung quốc và Liên-xô”. Lùi lại thời gian, ngay từ năm 1945, Việt nam đã có không thiếu cơ hội để khôi phục nền độc lập dân tộc, thoát hoàn toàn ra khỏi Liên hiệp pháp và thống nhứt thật sự đất nước (*). Dân tộc Việt nam đã không phải bị phân ly kẻ Bắc người Nam như năm 1954. Đó là về mặt lịch sử.
Về mặt nhân văn, tuy sống trong cuộc chiến tàn khốc, sống với cái chết tại chổ, người dân Việt nam vẫn giữ được những tình cảm đẹp đẻ, tình yêu thương và tình đồng bào vượt khỏi ý hệ chánh trị.
Dưới đây là hai câu “chuyện tình thời chinh chiến” rất đáng biết qua.
Mối tình “không gian”
Nhiều người còn nhớ câu chuyện tình tưởng như bị quên lảng giữa người phụ nữ tên Nga với người yêu trước 75 tên Duy.
Đó là mối tình đầu của cô Nga với một thanh niên mà sau này là Đại tá Không quân Đặng Duy Lạc. Mối tình thời trai trẻ này được người trong cuộc, dưới bút danh Duy Lạc, kể lại trên Đặc san “Ngàn Sao” của Ái hữu Không quân.
Truyện “Dòng đời” của tác giả Duy Lạc được bán nguyệt san Ngày Nay số đầu tháng 9/1996 ở Houston đăng với lời giới thiệu «… Tác giả Duy Lạc kể lại mối tình đầu của mình vào thời niên thiếu, lúc cắp sách đến trường huyện với một người con gái tên Nga học cùng lớp. Lúc đó, vào dịp toàn dân kháng Pháp, 1945. Thời thế sau đó đổi thay, ông Duy Lạc vào Nam, rồi trở thành một Sĩ quan Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Còn cô Nga trở thành một người lính của phía bên kia, vượt Trường Sơn vào Nam”.
Chỉ nghĩ là truyện tình viết ra để nhớ lại một thời yêu đương mà không thành vì hoàn cảnh bi đát của đất nước. Chàng thanh niên vào Nam và trở thành Đại tá Không quân. Người con gái ở lại đất Bắc, phải gia nhập Bộ đội, vượt Trường Sơn vào Nam, âm thầm nuôi hi vọng có cơ hội tìm lại đươc người xưa.
Sau 30/04/75, chàng di tản qua Mỹ. Nàng ở Sài gòn.
Nhưng câu chuyện “Dòng Đời” đã không dừng lại ở kỷ niệm một chuyện tình thời chinh chiến vì tờ báo “Ngàn Sao” đã lọt về tới Sài gòn và người yêu củ, Nga, nhơn vật trong truyện, đọc được. Lập tức Duy Lạc ở hải ngoại đọc “Hồi âm Dòng đời”. Một bức thư tâm tình riêng tư giữa hai người yêu nhau, nhưng ghi lại một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã của đất nước do cộng sản hồ chí minh cố tình gây ra.
Bài “Hồi Âm Dòng Đời” đăng trên Ngày Nay đã gây xôn xao dư luận, mạnh nhứt là trong dư luận Không Quân. Tiếp theo có nhiều báo khác cũng đăng lại. Đây là chuyện tình cảm động của thế hệ thời chiến, đầy tính bi thương và lãng mạn, nhưng không thiếu sự thủy chung mặc dầu hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước chiến tranh.
Nhưng bất ngờ và đau xót là Đại Tá Đặng Duy Lạc đã chết chỉ ít ngày sau khi “Hồi Âm Dòng Đời” được phổ biến.
Ai người trong cuộc có thể chịu nổi lời than thở chân tình của người yêu, sau gần nửa thế kỷ bắt được tin nhau, thốt ra không phải để oán trách mà chỉ để bộc bạch mối tình của mình đã dành trọn cho người yêu như những rung động thuở ban đầu. Với lời thưa “Anh yêu dấu”, rồi viết tiếp “Anh đã từ phương xa lại, mình gặp gỡ nhau, anh gieo vào lòng em một vết thương, rồi anh lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt…”
“Hồi Âm Dòng Đời” không chỉ thể hiện giá trị văn chương vì làm sống lại như mới mối tình của hơn bốn mươi năm về trước, mà còn thể hiện giá trị nhân văn vì tình yêu chẳng những đẹp tuyệt vời mà còn là một giá trị bất biến xuyên thời gian và không gian. Nó tinh anh, rắn chắc không tì vết như một viên kim cương to lớn. Nó lại xảy ra trong thời đại đầy nhiễu nhương, không có thứ gì dể giữ được bền bĩ. Phải chăng mối tình đầu dang dở đó nay bổng sôi nổi trở lại tạo thành trận cuồn phong đánh gảy cánh khu trục làm gục ngã Đại tá? Bởi không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của tình yêu chơn thật.
Những ngày xưa thân ái
Nhắc lại một chút chuyện củ trong thời chiến tranh, Lê Duẩn nhận lịnh Bắc kinh xâm nhập Miền Nam làm chiến tranh giải phóng. Chánh phủ Sài gòn, vào đầu năm 1963, ban hành chánh sách chiêu hồi nhằm kêu gọi cán binh Việt cộng trở về với chánh nghĩa quốc gia, sống lại đầm ấm với gia đình. Cán binh xâm nhập từ Miền Bắc được hội nhập vào đời sống xã hội Miền Nam. Những người hồi chánh được cấp giấy thông hành để đi lại và ổn định đời sống. Về việc làm, được phục hồi theo khả năng. Chương trình này đem áp dụng ở Miền Nam dựa theo chương trình EDCOR ở Phi-luật-tân và chương trình của Sir Robert Thompson ở Mã-lai.
Cán binh Việt cộng, sau khi rời khỏi hàng ngũ, được chuyển vào một trong hơn 200 trại để học tập chính trị trong thời gian từ bốn đến sáu tuần (rất tiếc không giống học tập do Hà nội tổ chức sau 30/04/75 dành cho ngụy quân, ngụy quyền). Khi nhập trại, họ được phát tạm quần áo và thức ăn, lãnh 1.500 đồng tiền mua xắm thêm quần áo, 300 đồng cho mỗi tháng tại trại, và khi xuất trại thì được 1.200 đồng để đi định cư. Trên toàn quốc có 38 làng chiêu hồi để hồi chánh định cư. Một số được kết nạp vào Cục Tâm lý chiến.
Qua năm 1965, chiêu hồi được nâng lên thành Bộ Chiêu hồi. Tới năm 1973, số cán binh hồi chánh lên tới 194 000 người. Trong số này không thiếu những cán binh hồi chánh ngụy tích để hoạt động trong vùng quốc gia.
Ngày nay, nhiều người hảy còn nhớ bài hát đã từng làm rúng động tâm can cán binh Việt cộng trong các mật khu:
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh. …”
Bài hát của Hoàng Giác được dùng làm vũ khí xung kích cho Quốc sách Chiêu hồi. Trong lúc đó, một bài hát khác, bài “ Những ngày xưa thân ái ” của Phạm Thế Mỹ, lại được nhiều cán binh đi B lén nghe và thuộc lòng. Những lúc một mình, họ khe khẻ hát đi hát lại cho chính mình nghe.
Anh Phạm văn Mài hiện sanh sống tại Hannover, Đức, là người từng mê bài hát này và thuộc nằm lòng qua vài lần nghe lén khi xâm nhập vào Nam.
Anh thuộc Sư Đoàn thiện chiến 304. Năm 1972, anh tham gia trận Quảng trị. Có mặt tại chổ để giử Cổ Thành là Thủy Quân Lục chiến. Anh Lê Nam Sơn Trung úy Thủ Quân Lục chiến.
Lẽ dĩ nhiên hai người đã đánh nhau chí tử trong trận Quảng trị cho tới giờ anh Sơn tan hàng và anh Mài chiến thắng.
Trong một buổi tối văn nghệ bên bờ hồ của thành phố Dortmund, Đức, do Ts Âu dương Thệ tổ chức, hai anh Sơn và Mài vừa đàn và cùng hát bài “Những ngày xưa thân ái ”. Anh Sơn chậm rải kể lại câu chuyện tại sao hát bài hát này và hai người đã nhận ra nhau cả hai cùng có mặt tại Cổ Thành vào đúng thời điểm đó nay trở thành bạn thân như để giới thiệu anh Mài với anh chị em tham dự vì có khá đông đến từ các quốc gia khác của Âu châu.
Chờ dứt bài hát, Cỏ May hỏi lại anh Sơn vì đã quen biết anh Sơn từ lâu, câu chuyện anh vừa kể là để giới thiệu bài hát hay là câu chuyện thiệt. Anh Sơn cho biết đó là câu chuyện thiệt. Anh Mài cũng xác nhận.
Sau khi giải ngũ, anh Phạm văn Mài đi lao động ở Đông Đức. Còn anh Sơn vượt biển tới. Khi bức tường Bá-linh sụp đổ, anh Mài vọt qua Tây Đức và sanh sống ở Tây Đức luôn. Vài năm sau, anh được gìấy tờ định cư hợp pháp cùng với gia đình ở Hannover.
Ngày anh được giấy tờ thường trú, gia đình anh làm tiệc ăn mừng, mời bạn bè khá đông. Cỏ May không quên bửa tiệc với những món Việt nam Hà nội, bày trên những chiếc bàn thắp mùa hè, giửa một khoảng trống bao quanh như là phía sau của nhiều nhà cùng người Việt nam. Cứ một chút là có người từ nhà này bưng ra một món, nhà kia một món khác, làm như tiệc là chung của nhiều nhà vậy.
Thức ăn miền bắc, người miền bắc, không khỏi làm cho Cỏ May có cảm tưởng mình đang thật sự sống nếp sống cộng động xã thôn của quê hương xa xưa …
Hai người lính năm xưa sống xót trở về, kẻ chiến thắng, người chiến bại, cuối cùng tình cờ gặp nhau trên nước Đức qua bài hát “Những ngày xưa thân ái ”. Họ và cả hai gia đình trở thành bạn thân từ đó.
“Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai
Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi hiên lá đổ
Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền…”
Một sự tình cờ đã làm cho hai chiến tuyến tự nó không còn nữa. Ở họ, chính tình cảm ngự trị và xoá sạch hận thù của chiến tranh phi lý.
Chế độ hà nội ban hành nghị quyết 36, kêu gọi đoàn kết, hòa hợp nhưng đoàn kết, hòa hợp về dưới trướng của đảng cộng sản. Là điều mà kẻ có suy nghĩ tối thiểu, chắc chắn không ai nghe được.Thật sự ở mọi người Việt nam không có chia rẻ, mâu thuẩn. Chỉ có toàn dân mâu thuẩn, xung đột với đảng cộng sản mà thôi. Nếu đảng cộng sản không biết sớm về với nhân dân ắt sẽ khó tránh bị nhân dân đào thải.
Tất yếu lịch sử!
Sau cùng còn một điều tình cờ vô cùng lý thú như duyên tiền định. Người tên Sơn kết hợp thân tình như anh em ruột với người tên Mài. “Sơn Mài” nhưng hai người không ai làm nghề “ sơn mài ” hết cả.
(*) Xem Phạm Cao Dương trên daihocsuphamsaigon.org
Mảnh Vụn Linh Hồn – Mây Cao Nguyên
Cho Mẹ:
Lấy chồng từ thuở hai mươi,
Mẹ ôm cay đắng, ngọt bùi vào thân.
Mẹ đi buôn bán, tảo tần,
Nuôi con khôn lớn làm dân xứ người.
Cho em:
Ta còn gì nữa đâu em!
Mênh mông nỗi nhớ từng đêm gọi hồn.
Bao năm cố nén tủi hờn,
Bên bờ lưu lạc may còn có em.
Anh run, anh sợ từng đêm,
Nghe mưa gõ nhịp, buồng tim máu trào.
Quê hương chừ ở phương nao?
Làm thân chim Quốc, nghêu ngao phận mình.
Cho người con gái Việt Nam:
Em về gõ cửa chiêm bao,
Tóc mây buông xỏa xây xao muộn phiền.
Tay gầy ôm mộng tình riêng,
Ưu tư thoáng hiện trên viền mi cong.
Thương em số kiếp long đong,
Tuổi vừa đôi chín, lưng còng, da nhăn.
Phấn son che dấu nhọc nhằn,
Đảng dạy em phải làm găng nói cười.
Dối lòng chẳng biết hổ ngươi,
Lụa là, son phấn…gạt người được sao?
Cho những người nằm xuống:
Hỡi người vị quốc vong thân,
Mồ hoang theo gót thời gian phai rồi.
Đến nay thân xác rã rời,
Hồn thiêng xin hãy một đời ngủ yên.
Tự do: ngọn đuốc thiêng liêng,
Chúng tôi tự hứa sẽ chuyền tay nhau.
Cho một ngày mai:
Rồi đây sẽ có một ngày,
Lửa căm hờn đốt tan thây quân thù.
Khải hoàn: khúc hát thiên thu,
Xua cơn ác mộng ngục tù đớn đau.
Mảnh linh hồn vỡ năm nào,
Ta tìm ghép lại chuốt trau nụ cười.
Mây-cao-Nguyên (White Rock, B.C. Canada)
(Kính tặng các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ và bằng hữu của Diễn Đàn VT/NTH NhaTrang trong mùa Quốc Hận 30 tháng 4 năm 2015.)
BÊN BỜ SÔNG LƯ CẤM
Đêm lành lạnh bên bờ sông Lư Cấm,
Phút chia tay ta vội nắm tay nhau.
Mùi hoa chanh theo gió thoảng ngạt ngào,
Gặp gỡ đó, để rồi chào vĩnh biệt.
Loài dạ điểu nỉ non buồn da diết,
Trăng muộn phiền thim thíp ngủ trong mây.
Những vì sao mờ nhạt, dáng hao gầy,
Đang chia sẻ phút giây đầy cảm động.
Anh kích ngất trong cơn đau vũ lộng,
Choàng tay ôm: trái mộng vỡ tan tành.
Vai kề vai chỉ một thoáng mong manh,
Lời hẹn ước như dỗ dành, an ủi.
Môi em héo, nhạt phấn son hờn tủi,
Ánh mắt buồn như liễu rũ chiều đông.
Chân bước đi mà lệ nhỏ trong lòng,
Sầu tiễn biệt bên bờ sông Lư Cấm.
Anh đang ngước nhìn trời xanh thăm thẳm,
Lệ nhạt nhòa, vai ướt đẩm sương đêm.
Nhớ quê hương, nhớ đường phố thân quen,
Nhớ những lúc em hờn ghen, giận dỗi…
Nhớ Lư Cấm, con sông già cằn cỗi,
Chảy quanh co ôm những cội tre già.
Dư hương xưa theo ngày tháng thăng hoa,
Còn phảng phất, là đà trên dòng nước.
(White Rock,B.C. Canada)
Y Sĩ TQLC: Những Người Không Thích Sống Lâu – MX Phạm Vũ Bằng
Viết cho Diễn Đàn Cọp Biển.
THỦY QUÂN LỤC CHIẾN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA “sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu”, sống hùng sống mạnh thì ai cũng thích nhưng không sống lâu thì lại ít người muốn, TQLC chỉ nhận những người tình nguyện cho nên binh chủng này gồm toàn những người không thích sống lâu, điều này cũng đúng đối với Quân Y TQLC.
Trước khi viết bài này tôi xin cám ơn Y Sĩ Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Thế, đã kể cho tôi biết về những niên trưởng Y Sĩ TQLC anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Tôi cũng chân thành cám ơn niên trưởng Y Sĩ Thiếu Tá TQLC Trần Xuân Dũng gần đây đã gửi cho tôi tập tài liệu về những niên trưởng Y Sĩ TQLC bị tữ thương và trọng thương ngoài mặt trận, tôi muốn nhấn mạnh là trọng thương còn bị thương lẻ tẻ thì không tính.(Tài liệu của BS Dũng sẽ được đăng trong ĐSST 2015)
Binh chủng TQLC được Tổng Thống Ngô Đình Diệm lý sắc lệnh thành lập năm 1954. Dưới thời cụ Diệm TQLC là đứa con cưng, mỗi khi có lệnh hành quân thì Bộ Tổng Tham Mưu phải nghiên cứu mặt trận kỹ và có kế hoạch rõ ràng cho nên TQLC đã gặt hái được nhiều chiến công lẫy lừng. Ngày 1/11/1963 các tướng phản loạn lật đổ và sát hại anh em Cụ Diệm, sau đó họ phá bỏ Ấp Chiến Lược, thả bọn Tù Binh Phiến Cộng, không lo việc nước mà chỉ tranh dành quyền lực với nhau làm cho Miền Nam mất an ninh, Việt Cộng nổi lên như kiến rừng, TQLC bắt đầu cuộc sống giang hồ “12 tháng anh đi” bốn vùng chiến thuật- hết Bến Hải lại đến Cà Mâu để đánh dẹp bọn chúng…
Mỗi tiểu đoàn TQLC có một Trung Đội Quân Y gồm khoảng 20 Quân Y Tá được phân chia đến cấp đại đội, tại bộ chỉ huy tiểu đoàn có một trạm cấp cứu gồm khoảng 5 Quân Y Tá, Trung Đội Quân Y do một Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn chỉ huy trực tiếp. Người Y Sĩ này là một Bác Sĩ Y Khoa tốt nghiệp tại Đại Học Y Khoa Saigon hay Huế, ngoài trách nhiệm chỉ huy cấp cứu thương binh lúc tiểu đoàn đụng trận, người Y Sĩ Trưởng còn có trách nhiệm về Y Khoa Phòng Ngừa, Y Tế Công Cộng cho cả tiểu đoàn…
Trong cuộc chiến 1954-1975 Quân Y TQLC có số thương vong ngoài mặt trận cao nhất so với Quân Y các quân binh chủng bạn của QLVNCH. Điều này chứng tỏ rằng Binh Chủng TQLC đã tham dự những trận chiến ác liệt nhất tại chiến trường Miền Nam cũng như ngoại biên, vì lý do hạn chế của bài viết, tôi chỉ kể ra những trường hợp thương vong của các Y Sĩ TQLC.
Tử Trận
(tiết mục “tử trận” và “bị thương” được viết theo tài liệu của hai niên trưởng BS Nguyễn Văn Thế và BS Trần Xuân Dũng, bài của BS Trần Xuân Dũng sẽ đăng trong ĐSST 2015, chi tiết các trận đánh do phỏng vấn trực tiếp những TQLC tham dự trận và đọc Chiến Sử TQLC).
1-Bác Sĩ Trương Bá Hân- Trận Bình Giả.
Ngày 31/12/ 1964 Làng Bình Giả tại Bà Rịa bị quân Cộng Sản tấn công. TĐ 4 TQLC được lệnh đến giải vây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì có một trực thăng Mỹ với phi hành đoàn 4 người bị bắn rơi trong khu vực cách làng Bình Giả hơn 2 km. Khi TĐ 4 được lệnh đi tìm chiếc trực thăng này thì bị 1 Trung Đoàn VC phục kích, bao vây chia cắt, kết quả là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Nho,
Tiểu Đoàn Phó Đại Úy Trần Văn Hoán bị tử thương, cố vấn Mỹ bị bắt.
Bác Sĩ Trương Bá Hân bị thương nặng, người mang máy của tiểu đoàn trưởng là Hạ Sĩ Vân cũng bị thương, anh cầu cứu Bác Sĩ Hân “Bác Sĩ ơi! Em bị thương”. Bác Sĩ Hân đáp lại với giọng yếu ớt “Chờ chút xíu, tôi sang ngay”. Thấy giọng nói yếu ớt, Hạ Sĩ Vân bò lại tìm Bác sĩ Hân thì thấy ông bị trọng thương và qua đời ngay sau đó. Sau này khi Bác Sĩ Trần X Dũng về làm Y Sĩ Trưởng TĐ 4 chính anh Hạ Sĩ này đã kể câu chuyện cho BS Dũng.
Theo Thiếu Tá Tùy Viên của Đại Tướng Viên thì Tướng Tư Lệnh QĐ III lúc bấy giờ là Thiếu Tướng Cao Văn Viên, chỉ huy Chiến Dịch Bình Giả là Đại Tá Lâm Quang Thơ. Tướng Viên cho đến năm 1963 vẫn là Đại Tá Chánh Võ Phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nghĩa ông là một tướng văn phòng, sau đảo chánh vì lý do chính trị ông được đề cử làm Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù rồi năm 1964 ông được vinh thăng thiếu tướng và làm Tư Lệnh QĐ III.
Trận Bình Giả đã xẩy ra mấy tuần trước khi TĐ 4 TQLC lâm chiến, Cha Xứ Làng Bình Giả đã báo về Tiểu Khu Phước Tuy rằng quân số VC hơn 1 trung đoàn với vũ khí tối tân. Theo Trung Úy Trần Ngọc Toàn ĐĐT ĐĐ 1/TĐ 4 thì trước đó ngày 9/12/64 VC đã phục kích trong khu vực gần đó bắn cháy 14 Thiết Vận Xa , ngày 28/12/64 VC dùng 2 đại đội tấn công Làng Bình Giả để nhử quân ta, TĐ 38 BĐQ được trực thăng vận đến giải vây bị định phục kích tổn thất nặng, TĐ 33 BĐQ đến tiếp cứu bị VC phục kích ngay bãi đổ quân bị tan hàng tiểu đoàn trưởng tử thương, ngày hôm sauTĐ 30 BĐQ đến tiếp viện giao tranh ác liệt với VC và bị tổn thất nặng, không bắt tay được với TĐ 38 BĐQ, phải rút lui vào Làng Bình Giả. TĐ 4 TQLC là lực lượng trừ bị cuối cùng của QKIII nên phải tham chiến ngày 31/12/64.
Theo một anh bạn của tôi lúc đó là phi công lái Khu Trục Cơ AD6 đóng tại phi trường Biên Hòa thì lúc chiến trận Bình Giả xẩy ra tại Biên Hòa ta có 50 chiếc AD6 đủ sức để san bằng khu rừng Bình Giả nơi VC ẩn núp, nhưng QĐ III đã không sử dụng hỏa lực quyết định này mà lại dùng “chiến thuật” tiếp cứu nhỏ giọt từng TĐ một, TĐ này bị đánh tan thì cho TĐ khác vào nên ta thảm bại!.
2-Bác Sĩ Trần Ngọc Minh- Trận Việt An.
Tháng 4/ 1965 TĐ 3 TQLC được tăng phái cho SĐ 2 BB. Theo Tr. Tá TQLC Lê Bá Binh, người đã tham dự trận này thì chỉ huy chiến dịch là Trung Tá Nguyễn Văn Toàn sau lên Trung Tướng TL QĐIII. Cuộc hành quân tại thung lũng Việt An tỉnh Quảng Nam là để truy lùng một trung đoàn của SĐ 3 Sao Vàng VC. Quân địch mang một cánh quân nhử quân ta tại Núi Chàm, Tr.Tá Toàn “ham mồi” ra lệnh cho TĐ 3 truy đuổi. Trong lúc TĐ 3 tung các đại đội tiến xa tìm địch thì một cánh quân VC khác tấn công vào bộ chỉ huy của TĐ 3, trong số 26 TQLC bị tử thương có Bác Sĩ Trần Ngọc Minh, còn Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 3 Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương thoát chết.
3-Bác Sĩ Lê Hữu Sanh-Trận Mộ Đức-Quảng Ngãi
Tháng 6/1965 TĐ 5 TQLC hành quân tìm địch ròng rã cả tháng mà không thấy, đến ngày về thì Tiểu Khu Quảng Ngãi xin gia hạn giữ TĐ 5 thêm 1 ngày và thiết kế lệnh hành quân “sáng đi chiều về” cho TĐ 5 vào Quận Mộ Đức. Tại đây có 1 trung đoàn VC chờ đón, phục kích và tấn công TĐ 5, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Dương Hạnh Phước và Cố Vấn Mỹ tử trận.
Bác Sĩ Lê Hữu Sanh bị thương ở đùi. Theo 1 TQLC sống sót kể lại thì khi Bác Sĩ Sanh bị thương, anh kéo ông vào trong bụi cây để trốn. Khi bộ chỉ huy tiểu đoàn bị tràn ngập thì VC đi tìm thương binh để giết, anh TQLC này trốn cách đó 10 thước nghe rõ VC nói với BS Sanh: ”Mày là bác sĩ à? Tao cho mày phát súng ân huệ”. Hôm sau xác BS Sanh được chở về Bệnh Viện Tiểu Khu Quảng Ngãi và được người bạn cùng lớp là BS Võ Thương khâu vá vết thương trên trán và sau ót. Anh TQLC sống sót này đã kể cho BS Võ Thương câu chuyện thương tâm trên.
Sự việc TĐ 5 TQLC bị Tiểu Khu Quảng Ngãi giữ lại 1 ngày để hành quân vào Quận Mộ Đức “sáng đi chiều về” có nhiều uẩn khúc, phải chăng trong Tiểu Khu này có nội gián?
4-Bác Sĩ Đinh Quốc Bảo-Căn Cứ Sarge- Bá Hô- Tỉnh Quảng Trị.
TĐ 6 TQLC, năm 1971 cánh A đóng tại Sarge, cánh B đóng tại Bá Hô. Giữa Sarge và Bá Hô có 1 ĐĐ trấn giữ đường giao thông. VC tấn công ĐĐ này và pháo kích cả Sarge và Bá Hô, một trái hỏa tiễn 122 ly lọt vào hầm trú ẩn của BS Bảo và lấy đi mạng sống của ông làm cho cả TĐ 6 thương tiếc vì BS Bảo là người vui tính dễ mến. Đặc biệt trong trận pháo kích vào căn cứ Sarge này không ai bị thương tích gì ngoại trừ BS Bảo tử trận. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 6 lúc đó là Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, sau này lên Trung Tá LĐP LĐ 147 ông đã kể cho tôi chuyện này và cho biết thêm BS Bảo rất đẹp trai và đào hoa. Thiếu Tá Cảnh TĐP TĐ 6 cũng cho tôi biết chi tiết giống như vậy.
Bị Thương:
1-Bác Sĩ Đinh Quốc An:
TĐ 6 TQLC hành quân tại Tân Uyên tháng 2/1967 BS An bị thương nặng vào chân, bệnh viện Cộng Hòa chê không chữa được nên phải chuyển về bệnh viện Bình Dân. Nhờ được Giáo Sư Trần Ngọc Ninh tận tình cứu chữa nên anh không bị cưa chân nhưng bị tàn tật vĩnh viễn.
2-Bác Sị Phạm Hữu Hảo:
TĐ 2 Trâu Điên TQLC. Năm 1966 miền Trung đại loạn. Nhóm phật giáo do tên Việt Cộng đội lốt nhà sư Thích Trí Quang cầm đầu làm loạn tại Huế- Đà Nẵng, chúng xui phật tử xuống đường đình công bãi thị, mang bàn thờ xuống đường để cản trở lưu thông, áp lực công chức, quân đội theo chúng đòi tự trị Miền Trung, không theo chỉ thị của chính quyền trung ương tại Saigon, bên ngoài Huế nhiều trung đoàn VC tụ tập để sẵn sàng tiếp thu thành phố.
Trước tình thế này, chính quyền trung ương ở Saigon cử 1 LĐ ND và Chiến Đoàn B TQLC gồm TĐ 1 và 2 của Thiếu Tá Tôn Thất Soạn ra Đà Nẵng- Huế dẹp loạn. Ngày 14/4/1966, sau khi dẹp yên nội thù trong thành phố, Chiến Đoàn B tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 283 để tiêu diệt quân Việt Cộng đang tụ tập tại phía Đông Bắc thành phố Huế. Từ ngày 21/6/1966 đến ngày 23/6/1966 TĐ 1 chiếm Bích La Thôn phía Bắc, TĐ 2 chiếm “Hương Lộ Buồn Hiu” tại Gia Đẳng, Phù Lưu dồn Trung Đoàn 808 VC (hậu thân của Tr Đoàn 95 VC) dọc theo Hương Lộ 555 đến bờ sông Vĩnh Định, Bích La Thôn. Tại đây chúng hết đường chạy vì có TĐ 1 chặn, TĐ 2 tàn sát Trung Đoàn 808 xác chúng ngập sông Vĩnh Định. Sau chiến thắng này Tiểu Đoàn Trưởng/ TĐ 2 Thiếu Tá Lê Hằng Minh được vinh thăng Trung Tá.
Chưa kịp mừng xong chiến thắng, TĐ 2 TQLC được lệnh di chuyển lên Quảng Trị, vì có nội tuyến tại QĐI nên VC biết trước cuộc hành quân (tài liệu VC đã xác nhận điều này). Chúng tổ chức tuyến phục kích tại phía bắc cầu Phò Trạch, cây số 29 bắc Huế. Sau khi bị hoãn lại 1 ngày (có lẽ để VC củng cố tuyến phục kích) ngày 29/6/66 TĐ 2 được lệnh di chuyển lên Quảng Trị và bị phục kích tại phía bắc cầu Phò Trạch. Sa cơ vì nội thù Trâu Điên Chúa Lê Hằng Minh gục chết bên cạnh trên 40 xác Trâu Điên khác, Y Sĩ Trưởng TĐ2 BS Hảo bị thương tại đùi, may nhờ đệ tử cõng chạy thoát khỏi vùng phục kích nên thoát chết.
Cuộc phản công của TĐ 2 Trâu Điên và các đơn vị bạn được tổ chức ngay sau đó, địch bỏ chạy để lại trên 233 xác chết cùng rất nhiều vũ khí lớn nhỏ…
3-Bác Sĩ Ngô Quang Trung:
TĐ 3 TQLC hành quân tại Tân An năm 1967, tiểu đoàn đụng trận rất nặng, anh bị một viên đạn bắn sẻ trúng đầu, may nhờ nón sắt viên đạn lệch hướng nên anh không chết mà chỉ bị thương. Từ đó BS Trung mang một vết thẹo trên thái dương bên phải, tóc không mọc được.
5-Bác Sĩ Lê Tấn Huỳnh Long và Bác Sĩ Nguyễn Trùng Khánh TĐ 1 TQLC:
Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ1 Trung Tá Nguyễn Thành Trí sau này là Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, ông cho tôi biết:TĐ 1 hành quân tại quận Kiến Hưng, tỉnh Chương Thiện đêm ngày 30/4/1970, Bác Sĩ Long bị miểng đạn pháo kích gẫy cột xương sống, trực thăng đến ngay chở anh vào BV Cần Thơ. Ngày 2/5/1970, Bác Sĩ Khánh đến thay, trong lúc anh đang nói chuyện với Trung Tá Trí khoảng 15 giờ thì một TQLC trong toán Biệt Kích TĐ đạp phải mìn, BS Khánh bị trúng miểng mìn bị thương tại bụng và cột xương sống. Sự kiện 2 người BS bị thương cột xương sống trong 2 ngày liên tiếp tại cùng 1 tiểu đoàn là hy hữu và làm xôn xao dư luận y giới Saigon làm cho các BS “thích sống lâu” chê binh chủng TQLC.
6-Bác Sĩ Đỗ Mỹ Ánh:
TĐ 7 TQLC. Năm 1971 trong trận Hạ Lào, BS Ánh bị miểng đạn pháo kích 130 ly mất một con mắt, Y Tá Trưởng Trung Sĩ Phước tử trận, các y tá khác trong ban cấp cứu đều bị thương.
7- Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoàn,
TĐ 1 TQLC, trận đổ bộ Triệu Phong, Quảng Trị, ngày 11/7/1972.
Khi nhận lệnh thay thế Sư Đoàn Nhẩy Dù để chiếm lại thành phố Quảng Trị , việc đầu tiên Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC Bùi Thế Lân nghĩ đến là phải cắt đứt đường tiếp tế huyết mạch cho đạo quân tử thủ Quảng Trị của Cộng Sản Bắc Việt tại Quận Triệu Phong 1 cây số Đông Bắc Quảng Trị. Nơi đây có Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 66 CSBV cùng với ít nhất Trung Đoàn địch có cả thiết giáp và phòng không yểm trợ. Trọng trách đổ bộ trực thăng vận được giao cho TĐ 1 TQLC. Cùng lúc TĐ 2 và một thiết đoàn chiến xa áp dụng ”Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp” tiến hỏa tốc trên Hương Lộ 555 tới Triệu Phong đánh ngang hông địch, TĐ 4 và TĐ 7 làm trừ bị. Hỏa lực yểm trợ gồm 1 TĐ pháo binh 105 ly, 1 pháo đội 155 ly, không yểm chiến thuật và chiến lược B52, hải pháo từ Hạm Đội 7, tóm lại Tướng Bùi Thế Lân đã dùng tất cả những gì ông có trong tay để cắt cổ giặc tại Triệu Phong.
Ngày 11/7/72 TĐ 1 TQLC được bốc từ nhà thờ Điền Môn quận Hương Điền bằng 32 chiếc trực thăng. Khi đến Triệu Phong thì gặp hỏa lực phòng không dữ dội của địch, 29 chiếc trực thăng bị trúng đạn phòng không nhưng không rơi, 2 chiếc bị rơi. Riêng trực thăng chở Trung Đội Quân Y lại chở thêm mấy chục quả mìn chống chiến xa, chiếc trực thăng này bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt của địch bốc cháy dữ dội, BS Hoàn may mắn nhảy ra khỏi trực thăng trước khi chiếc này phát nổ. BS Hoàn thoát chết nhưng bị phỏng nặng tại mặt và thân thể, anh theo tiếng nổ của đạn M16 để bò về đơn vị ngày hôm sau. Vết thương phỏng cấp độ 3 đã làm anh bị tàn phế vĩnh viễn. Để đổi lấy chiến thắng Triệu Phong, 1/3 quân số TĐ 1 tử trận hoặc bị thương, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa cũng bị thương.
Hai ngày sau cuộc đổ bộ này, một chiếc trực thăng từ Hương Điền chở Bác Sĩ Huỳnh Trung Chỉnh vào Triệu Phong để thay thế BS Hoàn. Trực thăng vượt qua hỏa lực của 1 trung đoàn cùng với phòng không CSBV chật vật 3, 4 lần mà không đáp được vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh. Bị trúng đạn như tổ ong, phi công đành phải để BS Chỉnh nhảy khỏi trực thăng đứng chơ vơ trên đồng trống trong làn mưa đạn của giặc. Đại Úy Trần Quang Duật trưởng ban 3 kiêm ĐĐT Đại Đội Chỉ Huy TĐ 1 từ sau đống rơm nhẩy ra kéo BS Chỉnh vào tránh đạn, thấy BS Chỉnh chỉ mang theo ống nghe, Duật hỏi:
-Bs có mang thuốc men gì không?
Chỉnh buồn rầu đáp:
-Thùng thuốc trên trực thăng bị trúng phòng không vỡ tan tành rồi!
Duật an ủi:
-Thôi, có BS là quý rồi, thương binh và binh sĩ sẽ lên tinh thần khi biết có BS, biết đâu họ sẽ qua khỏi.
Nói xong Đại Úy Duật dẫn BS Chỉnh tới bãi đất chỗ thương binh nằm. Duật sung sướng nhìn các thương binh vui mừng khi thấy có BS đến thăm, nhất là ông BS này lại kiêm luôn ca sĩ nổi danh mà họ từng ái mộ.
Tôi không biết tâm trạng của Kinh Kha lúc qua Tần diệt bạo chúa ra sao, tôi cũng không biết tâm trạng của BS Chỉnh lúc đơn thương độc mã bay vào Triệu Phong để yểm trợ TĐ 1 TQLC giết giặc như thế nào, nhưng tôi có thể đoán cả hai đều có cùng một tâm trạng.
Câu chuyện về hai bác sĩ quân y TQLC tìm cái chết:
1-Bác Sĩ Vũ Đức Giang, TĐ 7 TQLC.
Một buổi trưa ngày 16/ 3/1975, nắng vàng rực rỡ, tôi lái xe từ Mỹ Thủy nơi có Bộ Chỉ Huy LĐ 258 TQLC đến Phong Điền nơi BCH TĐ 7 đóng để tìm “bạn vàng” BS Nguyễn Quang Khoa rủ đi uống rượu. Đến nơi thì mới biết BS Khoa đã được thuyên chuyển về LĐ 147 TQLC, người thay thế anh là BS Giang mới ra trường và làm Y Sĩ Trưởng TĐ 7 được hơn 1 tuần. BS Giang người tầm thước, nước da trắng với cặp kính cận thư sinh, tóc bồng bềnh trông rất nghệ sĩ. Gặp tôi Giang ngạc nhiên nhìn thẳng vào mắt tôi hỏi:
-Anh Bằng, tôi thấy danh sách anh về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn, sao bây giờ anh còn ở đây?
Tôi cười:
-Sắp đánh lớn rồi, về SĐ làm” thợ vịn” cho các quan lớn Quân Y chán chết, tôi xin tình nguyện về LĐ để giúp anh em được nhiều hơn, vậy mà TĐT và ĐĐT Quân Y vẫn không vui, giờ thì làm “phó thường dân” tại ĐĐ Quân Y LĐ 258 gần đây.
Giang trầm ngâm một lúc rồi nhìn tôi:
-Anh làm vậy cũng đúng, chưa bao giờ quân đội cần BS như lúc này.
Câu trả lời của ông niên đệ này làm tôi chới với, tôi đang chờ đợi từ ông vài lời khuyên nhủ thường tình về BV để xin 2 chữ “bình an” thì lại được ông “giáo lý” một câu thật chí tình chí lý làm tôi tôi nể phục, bắt tay Giang tôi nói:
-Thôi mình vào trong nói chuyện.
Đến căn lều cứu thương, tôi thấy bên ngoài có những hố phòng thủ vững chắc, bước vào trong mấy anh quân y tá ban chỉ huy với quân phục chỉnh tề đứng ngiêm chào kính, trên bàn thuốc men, dụng cụ cấp cứu bầy biện ngăn nắp và có hệ thống, góc phòng có 1 giá súng với 5,6 khẩu M16 lớp thép sáng bóng dưới một lớp dầu mỏng, mấy cái balo, mũ sắt đặt thứ tự. Nhìn mọi thứ đâu ra đó tôi thầm nghĩ “một cấp chỉ huy tư cách không có thuộc cấp tồi”. Nơi Giang ngủ có một cái bàn nhỏ và vài cái ghế đóng bằng gỗ thùng đạn pháo binh, trên bàn có mấy cuốn sách y khoa và vài tập nhạc, góc phòng là 1 chiếc guitar bên cạnh một băng ca mở rộng làm chỗ ngủ. Nhìn cái băng ca rồi nhìn cặp mắt thâm quầng của Giang tôi buột miệng:
-Giang có ngủ được không?
-Không anh, cả tuần rồi, ban ngày thì vậy đến đêm gió núi thổi lạnh đến xương, tôi đang định ra Huế mua cái túi ngủ.
Tôi vội can:
-Đừng, nằm trong túi ngủ nếu đêm giặc tấn công thì không nhẩy xuống hố kịp, ban đêm gió núi thổi luồn qua vải bố băng ca nên lạnh, Giang sai đệ tử kiếm mấy tấm bìa carton trải trên mặt bố thì sẽ bớt lạnh.
Giang cám ơn tôi rồi sai đệ tử pha trà đãi nhưng tôi từ chối và rủ anh ra Phá Tam Giang uống café. Thấy anh có vẻ thích nhưng ngần ngại vì đi xa tiểu đoàn lỡ có việc gì thì về không kịp, tôi trấn an và cho biết trên xe có máy PRC 25, mình sẽ lên Ban 3 tiểu đoàn cho họ biết tần số, có gì họ sẽ gọi.Tôi lái xe, Giang ngồi cạnh phóng thẳng ra Phá Tam Giang tìm được một quán café sạch sẽ bên bờ phá. Để anh tài xế ngôi lại xe ôm máy PRC 25 và súng M16 canh chừng, chúng tôi vào quán, cô chủ quán mặc 1 chiếc áo dài cũ đơn sơ nhưng không dấu được vẻ đẹp thanh tú, kiều diễm của một kiều nữ Bích La Thôn lễ phép mời chúng tôi ngồi bên một cái bàn cũ kỹ rồi bằng một giọng Quảng Trị cô nhỏ nhẹ hỏi:
-Dạ, hai en uổng nược chi?
Giang rất thích thú nhìn và thưởng thức một nền văn hóa khác hẳn với văn hóa Saigon, anh mơ màng bên khói café ngắm nhìn cảnh thanh bình tĩnh lặng của trời mây sóng nước. Trên mặt phá vài chiếc ghe và gọ chậm chạp qua lại văng vẳng đâu đó vài câu hò não ruột của mấy o vùng sông Hương núi Ngự. Tôi nhờ cô chủ quán mang mấy chai bia cùng đồ nhắm cho anh tài xế rồi ngồi cạnh Giang tâm tình. Tôi được biết Giang đã có vị hôn thê, 2 người sẽ làm lễ cưới năm tới, và kỳ này khóa của anh có 5 BS về TQLC. Nghe anh kể lúc lễ mãn khóa quả cầu trên đỉnh cột cờ tại Vũ Đình Trường tự dưng bị gẫy làm tôi lo sợ nghĩ đến binh thư Tàu: “lúc ra quân mà cờ bị gẫy là điềm gở”. Không nói ra nhưng trong lòng tôi thật là bi phẫn vì trận chiến quyết liệt giữa ta và giặc sẽ xẩy ra bất cứ lúc nào mà tại sao mấy anh lớn trong Quân Y TQLC lại đẩy mấy ông niên đệ này ra tiểu đoàn ngay thay vì để họ có chút thời gian học hỏi kinh nghiệm chiến trường tại Lữ Đoàn hay Sư Đoàn?
Giang là người có máu nghệ sĩ, anh rất thích âm nhạc thơ phú. Anh vui vẻ rút trong túi tờ giấy chép một bài ca dao xứ Huế, khoe rằng tối qua đi ăn với mấy anh sĩ quan TĐ 7 TQLC có người đọc cho anh bài ca dao này, anh thấy hay và lạ nhưng có mấy chỗ không hiểu nên muốn hỏi tôi:
Đường lên xứ Huế quanh quanh.
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em anh cũng muốn vô.
Sợ Truông Nhà Hồ sợ Phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn.
Truông Nhà Hồ nội tán phá tan.
Đường vô muôn dặm quan san.
Anh vô anh được bình an em mừng.
Tôi biết những điều Giang thắc mắc nên giải thích bài ca dao này có lẽ có từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu đầu thế kỷ 18 để ca tụng quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng có công dẹp giặc tại Truông Nhà Hồ và trị thủy tại Phá Tam Giang. Người Trung gọi khu rừng rậm hoang vắng là truông, ngày xưa Truông Nhà Hồ ở cạnh làng Hồ Xá ranh giới hai tỉnh Quảng Bình- Quảng Trị giặc cướp rất nhiều, quan nội tán đã dùng mưu dẹp chúng. Còn Phá Tam Giang lúc trước sâu và sóng gió rất nhiêu, quan nội tán phá đá ngầm và mở cửa sông cho nên phá mới hiền hòa như ngày nay. Giải thích xong tôi cười và đùa: đọc bài ca dao này tôi thấy một điều, 2 câu cuối nói lên sự chung thủy, thương và lo lắng cho chồng của các o xứ Huế, còn mấy đấng mày râu xứ này thì cũng hơi bạc tình vì đã yêu nhau thì sợ gì đám giặc cỏ Truông Nhà Hồ và sóng gió Phá Tam Giang. Đám con trai Saigon tụi mình thì khác xa vì “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…Yêu nhau chẳng ngại đường xa, đá vằng cũng quyết, phong ba cũng liều…”
Chúng tôi nói về đủ mọi thứ chuyện, từ văn chương, âm nhạc đến thời sự, tôi nhận thấy Giang là một con người tư cách,ngay thẳng, nghệ sĩ nhưng cứng rắn, cương trực …
Chẳng mấy chốc mặt trời đã ngả hướng Tây, ráng chiều đổ xuống phản chiếu mây nước Phá Tam Giang thành mầu đỏ rực rỡ. Giang chăm chú ngây dại nhìn mây nước chuyển mầu, nét mặt sững sờ bật nói:
Sao lại đỏ như máu thế này?
Tôi giải thích: Có gì đâu, ánh hoàng hôn màu đỏ phản chiếu trên mây nước, ngày nào cũng như vậy.
Con người là một linh vật, phải chăng linh tính của Giang đã báo trước cho anh biết điều chẳng lành sẽ xẩy đến với anh tại đây 10 ngày sau đó?
Tôi đưa Giang về TĐ lúc trời tối, bịn rịn chia tay, tặng anh tấm bản đồ Huế- Đà Nẵng và một cái địa bàn sau khi đã chỉ cặn kẽ cách sử dụng. Hai thứ này từng là “bửu bối mưu sinh thoát hiểm” của tôi, và cũng không ngờ đây là lần đầu mà lại là lần cuối tôi gặp anh, những mảnh đời trong thời chiến chẳng khác gì “kiếp bèo dạt hoa trôi” hợp tan vô định!
Ngày 18/3/1975 LĐ 258 TQLC, có tôi là Y Sĩ ĐĐQY LĐ 258, di chuyển về đèo Phước Tượng với nhiệm vụ bảo vệ QL I Huế- Đà Nẵng để LĐ 147, SĐ I BB, và các đơn vị khác thuộc Lực Lượng Tiền Phương QĐ I tại Huế- Thừa Thiên rút về Đà Nẵng theo QLI.
Bộ Chỉ Huy LĐ 258 và TĐ 1 TQLC đóng tại Bắc Sông Truồi, TĐ 8 TQLC đóng tại Phú Lộc, Sư Đoàn 325 CSBV điên cuồng tung các trung đoàn đánh phá để cố cắt đứt QL I nhưng chúng đều bị chúng tôi đánh tan “ôm đầu máu” chạy trốn vào núi Trường Sơn.
Ngày 25/3/1975 là ngày các lực lượng Tiền Phương QĐ I rút bỏ Huế về Đà Nẵng. Muốn cho chắc ăn, ngoài lực lượng sẵn có là LĐ 258, Tướng Bùi Thế Lân đã ra lệnh thọc ĐĐ 2 TĐ 8 của Thiếu Úy Trần Như Hùng tiến tới thôn Trung Kiên, chân núi Vĩnh Phong phía Đông QL I và cánh B TĐ 16 TQLC xuống Phú Lộc chế ngự phía Tây QL I để chờ đón đạo quân Tiền Phương rút về Đà Nẵng trên QLI…
Trong lúc BCH TĐ 8 và cánh B TĐ 16 đang đóng tại Phú Lộc và sáng ngày 25/3/1975 tôi và LĐ 258 được lệnh rút về Đà Nẵng, cây Cầu Sông Truồi đã bị Công Binh QĐI phá hủy trong đêm gây trở ngại không ít cho việc tản thương, tôi lội qua Sông Truồi nước trong veo, đi qua Phú Lộc, chúng tôi không thấy một tên VC nào, vậy mà không hiểu lấy tin ở đâu(?) và của ai (?) mà các vị tướng chỉ huy QĐI lại nghĩ là Phú Lộc đã rơi vào tay giặc. Ngày 25/3/1975 các ông ra lệnh cho LĐ 258 rút lui về Đà Nẵng, còn LĐ 147 TQLC và các đơn vị khác thuộc lực lượng Tiền Phương QĐI phải rút bằng Hải Quân tại Thuận An phía Đông Phá Tam Giang. Thế là thảm kịch đã xẩy ra, xác quân ta nằm đầy bãi Thuận An, rất nhiều TQLC không chấp nhận bị VC bắt đã dùng lựu đạn tự sát tập thể, máu quân ta nhuộm đỏ sóng Thuận An, gần như toàn bộ lực lượng Tiền Phương QĐI bị tan rã.
Theo hồi ký của những sĩ quan TQLC sống sót từ “Pháp Trường Cát Thuận An” thì LĐ 147 TQLC được lệnh bỏ khí giới nặng, lương thực, mỗi TQLC 1 M16 và 1 băng đạn hỏa tốc rút về Thuận An. Ngày 25/3/1975, khi đến Thuận An tàu Hải Quân thì có ngoài khơi nhưng không vào đón, Tướng TL Tiền Phương đã bỏ về Đà Nẵng (!) và Tướng TL QĐI thì “im lặng vô tuyến”. Họ là 2 người duy nhất tại QĐI có thẩm quyền điều động Không Hải Lục Quân của QĐI để cứu LĐ 147 nhưng họ đã không làm gì, cho nên thảm kịch xẩy ra…
Theo các nhân chứng còn sống sót từ cái “Pháp Trường Cát Thuận An” như BS Rậu, BS Khoa, và các sĩ quan TQLC khác thì sáng ngày 25/3/1975 các TQLC của LĐ 147 xếp hàng ngay ngắn trên bãi biển Thuận An chờ tàu vào đón. Ngoài khơi có 1 Hạm Đội Hải Quân, nhưng không chiếc tàu nào vào. Chờ đến chiều thì quân truy kích CSBV đuổi kịp, chúng chiếm các đồi cát cao chung quanh và dùng đủ loại súng lớn, nhỏ tác xạ vào TQLC đang phơi mình trên bãi cát trống trải. Quân ta hết nước, hết đạn nên bị thất thế đành nằm trên cát chờ chết…
Sáng ngày 26/3/1975 có một chiếc LCU duy nhất vào đón được BCH LĐ 147 gồm LĐT Đại Tá Nguyễn Thế Lương, LĐP Trung Tá Nguyễn Đăng Tống và thương binh. Theo các Quân Y tá LĐ 147 cho biết thì Bác Sĩ Vũ Đức Giang và vài quân y tá TĐ 7 khiêng thương binh lên tàu sau đó anh điểm danh y tá TĐ 7 rồi tất cả cùng trở xuống để tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu.
Khi tôi thay BS Rậu làm Đại Đội Trưởng Quân Y LĐ 147 thì một hôm Hạ Sĩ Nhất Quân Y Nguyễn Văn Được-người sống sót từ “Pháp Trường Cát Thuận An”- hỏi tôi:
-Ông thầy có biết BS Vũ Đức Giang TĐ 7 không?
-Biết. Mà có chuyện gì?
-Ổng ngon quá! Ngày 26/3/1975 ổng và mấy đệ tử khiêng thương binh lên tàu. Xong việc ổng điểm danh từng y tá TĐ 7 một rồi tất cả xuống tàu lên bờ về lại TĐ. Em giữ ổng lại nói “BS trở lại thì 100/100 là chết” nhưng ổng trừng mắt la em “chú mày đừng xúi bậy, TĐ đang chiến đấu sẽ có thêm thương bình, anh bỏ đi sao đành”. Xong rồi ổng xuống tàu đi dưới làn mưa đạn thượng liên của VC, em nhìn mà thấy ớn. Em nói thiệt tình đó ông thầy.
-Thì tao có nói mày không thiệt tình hồi nào đâu! Có điều chú mày bậy thật, Bác Sĩ TQLC không bao giờ đào ngũ trước hàng quân!
Về số phận của BS Giang, hãy đọc hồi ký của MX Cao Xuan Huy trong Tháng Ba Gẫy Súng:
“Rạng sáng ngày 27/3/1975 tôi còn gặp cả một thằng bạn cũ cùng học với nhau hết bậc trung học ở trường Nguyễn Trãi, Vũ Đức Giang, khi chúng tôi đang bị trói chung bằng một sợi dây điện dài. Tôi ngạc nhiên kêu lên.
-“Giang, mày làm gì mà cũng bị bắt ở đây?”
-“Ơ Huy, cả chục năm mới gặp lại mày.”
-“Tao hỏi mày làm cái giống gì mà cũng bị bắt ở đây?”
-“Tao Thủy Quân Lục Chiến.”
-“Mẹ kiếp, cậu đếch tin, mày mà cũng dám giết người à? Mà sao ở Thủy Quân Lục Chiến tao không gặp mày?”
-“Tao mới ra trường về Thủy Quân Lục Chiến khoảng nửa tháng nay.”
-“Mày bác sĩ à?”
-“Ừ, tao về Tiểu Đoàn 7.”
-“Tội nghiệp thằng bé, mày sợ đời không có gió sương à?”
-“Gió sương gì? Cởi trần ngồi suốt đêm ngoài trời thế này mày bảo không bị gió sương à?”
Trời sáng rõ, mấy tên Việt Cộng gác chúng tôi cầm súng đi qua đi lại trước cổng.”
Giang bị tù tại trại tù Ái Tử-Quảng Trị. Theo hồi ký “Khóc Bạn” của BS Hoàng Thế Định, một người bạn đồng tù với Giang thì trong tù anh vẫn hiên ngang giữ tư cách của một Bác Sĩ Quân Y TQLC sa cơ, không cúi đầu luồn cúi quân thù nên anh bị chúng đầy ải bắt đi lao động khổ sai trong khi các đồng nghiệp của anh được làm trong bệnh xá trại tù. Mùa xuân năm 1977, đa số đồng ngiệp đã có danh sách được thả ngoại trừ Giang. Một kẻ sĩ có tư cách như BS Vũ Đức Giang khi sa cơ bị quân thù làm nhục thì chỉ lấy cái chết để rửa, đêm 30 tết năm 1977 noi gương các anh hùng tiền nhân, Giang đã mượn một liều thuốc độc mạnh tuẫn tiết…
Không bỏ thương binh và đồng đội để tìm đường thoát thân trong hoàn cảnh tuyệt vọng mà cấp chỉ huy Lữ Đoàn và Quân Đoàn đã bỏ đi; tự vẫn để bảo tồn danh dự. Đó là Bác Sĩ Vũ Đức Giang. Trong quân sử thế giới đã có bao nhiêu người làm được như vậy?
2-Bác Sĩ Đặng Tuấn Long, Tiểu Đoàn Quân Y TQLC.
Biết viết gì về Long đây? Anh đẹp trai, học giỏi con nhà giàu, anh ngang tàng, vui nhộn, giỏi thể thao và hát hay, nếu muốn, anh có thể là 1 BS dân sự mở phòng mạch hốt bạc nhưng anh tình nguyện vào quân đội và để cho “đời trai có chút sương gió” anh lại tình nguyện vào TQLC. Long đi lội TĐ tác chiến gần 2 năm đến đầu năm 1974 thì về TĐ Quân Y…
Một buổi sáng cuối năm 1973, Bác Sĩ Vương Gia Nhơn, Y Sĩ Trưởng TĐ 2 Trâu Điên, không biết ngoại giao ra sao mà “chôm” được chiếc xe Jeep của Tiểu Đoàn Trưởng láng coóng với hai cần câu đến Làng Cọp Biển trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” rủ tôi đi chơi. Tôi đề nghị Nhơn đến TĐ của Long- lúc ấy Long đang lội TĐ tác chiến- đang đóng tại bờ sông Thạch Hãn rủ anh cùng đi. Nhơn ngồi ghế trưởng xa cứ vài phút anh lại phải giơ tay chào lại các TQLC thấy xe VIP đứng nghiêm chào kính, tôi bực mình nói:
-Lần sau cậu lấy cái xe không cần câu đi cho nó thoải mái, chứ cứ chào như vậy cậu sái tay.
BS Nhơn, một tay chơi khét tiếng của các vũ trường Saigon, nổi danh với bước Tango 17, 3/4 mà không em cave nào không ái mộ, từ khi đeo phù hiệu TĐ 2 Trâu Điên thì anh lại càng đào hoa hơn. Mỗi kỳ tiếp tế sĩ quan hậu cứ phải điên đầu sắp xếp cho năm bẩy “em gái hậu phương” mang đồ tiếp tế cho anh mà không đụng độ nhau. Anh là một người hùng, sau 30/4/1975 đi tù nhưng vẫn hiên ngang giữ tư cách của một BS TQLC vì vậy anh đi mút chỉ, sau khi xong tù anh vượt biển và mất tích…
Xe đậu trước hầm trú ẩn của Long, bên cạnh bờ sông , anh đang ngồi ngoài hầm uống rượu một mình, chai đế đã vơi quá nửa, bao Bastos xanh chỉ còn vài điếu, thấy chúng tôi Long chạy đến:
-Các cậu coi chừng, TĐ báo động có thằng VC bắn sẻ bên kia sông…
Tôi nhìn qua sông, cả trăm bụi rậm um tùm, nhưng chúng tôi không phải chờ lâu, một tiếng rít qua tai, viên đạn trúng bao cát trên nóc hầm làm tung tóe cát. Thấy viên đạn trượt đích xa, chúng tôi không thèm ẩn núp, Long lẩm bẩm chứi thề:
-Tổ cha thằng nhà quê, đã bắn dở rồi mà cứ hay bắn, anh chỉ ngón tay tiếp, nó ở bên kia kìa…
Nhìn qua sông tôi không thấy gì nhưng TĐ của Long phản ứng thật nhanh. Một tiếng “đề pa” của khẩu 75 ly không giật, viên đạn nổ bên kia sông hất tung bụi cây, tên bắn sẻ và khẩu súng lên trời, vài tràng thượng liên địch nổ vu vơ, một phát 75 ly thứ hai nổ, khẩu thượng liên câm họng, xác hai tên xạ thủ bay bay… rồi tất cả rơi vào im lặng. Nhìn BS Nhơn tôi lắc đầu:
-Chúng nó chào cái xe có cần câu của cậu đó. Vậy là hết đi chơi! TĐ chắc đang báo động!
Sau khi bảo tài xế đậu xe vào chỗ khuất, chúng tôi vào hầm trú ẩn. Long sai đệ tử mang thêm hai cái ly và chai rượu mới, uống xong vài ly, tôi hỏi Long:
-TĐ tớ sắp về Saigon dưỡng quân, cậu có muốn gửi gì cho em bé hậu phương không?
Long cười cay đắng:
-Tớ bây giờ độc thân tại chỗ, em bé của tớ đi lấy chồng rồi.
Uống thêm ly rượu anh tiếp:
-Mới có mấy tháng trước, em tìm tớ còn nói yêu tớ trọn đời vậy mà tháng trước về phép thì em đã có chồng, em “thanh minh thanh nga” là vẫn yêu tớ, nhưng vì tớ là lính rằn ri không biết sống chết lúc nào mà em không muốn làm góa phụ.
Tôi biết mối tình lãng mạn của Long với một cô bé xinh đẹp sinh viên Luật Khoa tên là H… có cô chị cũng là sinh viên luật “kỳ đà cản mũi”, vì bà mẹ có tính cổ lỗ sĩ không muốn cô em “lên xe hoa” trước cô chị nên Long phải mang bạn vàng là BS Nghiêm Hữu Hùng “hối lộ” cho cô chị. Từ đó Long và cô H. mới được tự do tình tự. Mối tình của họ thật là đẹp thế mà tự nhiên gãy đổ giữa đường chỉ vì Long theo tiếng gọi của non sông mặc áo rằn để bảo vệ cho cô và những người hậu phương…
Buổi nhậu chỉ chấm dứt khi “người hùng” Vương Gia Nhơn say gục trên bàn…
Đầu năm 1974, TĐ 9 TQLC làm Địa Phương Quân giữ tuyến Triệu Phong-Bích La Thôn-Đê Long Quang, tôi đang buồn vì lâu ngày ở chỗ khỉ ho cò gáy này, xa hẳn ánh sáng văn minh thành thị thì bất ngờ toán tiền đồn Đại Đội Chỉ Huy-TĐ 9 báo tin có 2 Bác Sĩ TQLC đến thăm. Đó là 2 “bạn vàng”, BS Đoàn Trọng Thiên và BS Đặng Tuấn Long. Tôi thật mừng và cảm động biết 2 bạn mình đi bộ hơn 10 km để đến thăm, nhất là khi biết Đặng Tuấn Long khi đến bờ sông Vĩnh Định đã không dùng cầu mà bơi qua sông. Mời bạn vào hầm, tôi nhìn Long lắc đầu:
-Bạn liều quá! Sông Vĩnh Định đầy ma VC, dưới đáy sông là xương cốt của 1 Trung Đoàn 808 VC (hậu thân của Tr. Đoàn 95) bị TĐ 2 giết mấy năm trước đó.
Long cười sảng khoái:
-VC sống tớ còn không sợ nữa là ma VC, chán quá, đi TQLC để đánh nhau mà bây giờ phải làm Địa Phương Quân giữ đất…
-Cậu chiụ khó chờ đi. Tụi VC đang xây con đường Trường Sơn Đông chạy qua gần Thượng Đức- Quảng Nam, thế nào nó cũng nhổ cái gai Thượng Đức, Tướng Trưởng sẽ mang Nhảy Dù về giữ, và để “dương đông kích tây” chúng nó sẽ thọc vài SĐ đánh tụi mình, lúc đó thì tha hồ cho cậu đánh… Mà thôi, nói chuyện đánh nhau nhức đầu, các cậu may, em bé hậu phương mới gửi cho tớ mấy chai rượu và đồ nhậu, hôm nay mình uống cho đã…
Tôi mở thùng quà, bên trong có 2 chai Martell và mấy gói đồ khô, gọi anh đệ tử đưa cho anh một chai và thùng đồ nhậu, bảo anh làm đồ nhậu rồi chia 2, nửa cho ban cứu thương, nửa cho tụi tôi, Long mở chai rươu rót vào 3 cái ca nhà binh rồi không đợi ai mời anh uống một ngụm lớn, khà một tiếng anh nói:
-Thơm, ngấm tới đâu sướng tới đó.
Hít một hơi Bastos xanh anh tiếp: kìa 2 cậu uống đi chứ.
Chúng tôi cụng ly, uống lai rai, tâm sự đủ mọi chuyện, chẳng mấy chốc mấy đĩa mồi thơm được dọn ra, Long và Thiên đều khen “em gái hậu phương” của tôi đảm đang, đi chợ giỏi, chừng nào thì “cưới”, tôi vội cải chính:
-Cưới gì, mình đi lính sống chết giờ nào không biết, lấy vợ chỉ làm khổ người ta. Mấy tháng trước TĐ về Saigon dưỡng quân, có một em học Văn Khoa thấy tớ là dân rằn ri tưởng không biết gì nên em mang bài thơ “Khóc Bằng Phi” của Vua Tự Đức ra khoe là bài thơ tình đầu tiên của văn học sử Việt Nam. Tớ nói em sai rồi, bài thơ tình đầu tiên hiện hữu trên văn học Việt Nam là bài thơ tình của Cụ Nguyễn Trãi gửi bà Thị Lộ gần 400 năm trước bài Khóc Bằng Phi. Cô bé không tin bắt phải chép ra. Tớ ra điều kiện là sẽ chép để em vào thư viện kiểm chứng, nếu đúng thì em phải trả tớ rượu và đồ nhậu vì lính xa nhà chỉ cần 2 thứ đó, em bằng lòng cho nên hôm nay các cậu mới có rượu uống.
Thiên trầm ngâm xoay xoay ca rượu:
-Các bậc đế vương và vĩ nhân khi đau khổ tột cùng mới làm thơ, và thơ của họ thường khác người. Như trong bài Khóc Bằng Phi vua Tự Đức đã có hai câu thơ để lại cho hậu thế: ”Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi.”Tớ chưa biết bài thơ tình của Cụ Nguyễn Trãi, cậu đọc đi.
-Bà Thị Lộ là vợ bé của Cụ Nguyễn Trãi, bà tằng tiụ với Vua Lê Thái Tông thua bà nhiều tuổi, nhà vua mê bà quá nên kéo bà về kinh đô Thăng Long, phong bà một hư chức Lễ Nghi Học Sĩ để dậy cung nữ trong cung nhưng sự thực để 2 người được tự do tình tự. Cụ Nguyễn Trãi lúc đó về hưu tại Côn Sơn- Hải Dương, nhớ vợ quá làm một bài thơ, vì bài thơ làm đã quá 500 năm, các tác giả viết lại có những câu hơi khác nhưng đại ý thì cũng như nhau:
– Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng (Tạm dịch: mạo muội thử hỏi khách lầu son),
– Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng,
– Ngoài ấy ví dầu còn áo lẻ (Ngoài ấy: ngoài kinh đô, ví dầu: nếu như có, áo lẻ:áo mặc trong?)
-Cả lòng mượn lấy đắp cho cùng.(Cả lòng: rộng lượng, rộng lòng)
Long cười:
-Bà Thị Lộ là gốc bán chiếu gon, tức là mari-sến thì biết quái gì về lễ nghi mà dậy cung nữ, chắc là bà dậy chuyện phòng the, cái truyền thuyết đối đáp trong bài thơ” Cô Bán Chiếu Gon” có lẽ do Cụ Nguyễn Trãi làm cho bà, còn bài thơ này thì đã trên 500 năm trước tuy hay nhưng khó hiểu quá.
Chẳng bao lâu, rượu và thịt cũng cạn, Long nốc ngụm cuối cùng rồi nói:
-Lâu lắm mới có ngày vui như vậy. Nói xong anh nổi hứng với cây đàn Guitar, so lại giây, giữa cảnh đồng quê hoang vắng tiếng đàn thánh thót nổi lên, giọng ca cao và buồn:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài. Mắt em, ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh…Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều luân lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây. Buồn viễn xứ khôn khuây…
Hát xong, Long rủ Thiên về:
-Bọn tớ phải đến Hương Lộ Buồn Hiu nhìn cảnh hoàng hôn tại đó, xem nó buồn như thế nào.
Tôi không cản, tiễn hai bạn tới cổng trại chỉ hướng:
-Năm 1953 quân Pháp từ các làng ven biển phía Bắc Phá Tam Giang như Vân Trình-Mỹ Thủy-Gia Đẳng tiến quân theo Hương Lộ 555 được nửa chừng thì bị Trung Đoàn 95 VC chận đánh không tiến được, cho nên tớ nghĩ “Street Without Joy” của Bernard Fall là giải đất một cạnh là nửa Hương Lộ 555 phía biển, cạnh kia là vùng bờ biển Bắc Phá Tam Giang gồm các làng Vân Trình-Mỹ Thủy-Gia
Đẳng. Các cậu đi qua bãi cát này sẽ gặp Hương Lộ 555, rẽ trái hướng ra biển đến làng Mỹ Thủy thì các cậu đã đến nơi. Đến Mỹ Thủy trời đã tối các cậu nên ngủ tại ĐĐ Quân Y LĐ 258, có BS Nguyễn Lê Minh ở đó. Thôi hẹn gặp lại.
Tôi chẳng bao giờ gặp lại Long. Sau 30/4/1975 tôi đi tù tại Trảng Lớn- Tây Ninh, BS Đặng Tuấn Long đi tù tại trại tù Kà Tum vốn là mật khu VC gần biên giới Tây Ninh- Miên. Theo anh Phạm Trung Kiên một người bạn cùng tù kể lại thì trong tù Long vẫn hiên ngang giữ khí phách của một Bác Sĩ Quân Y TQLC, không sợ bọn quản giáo, sẵn sàng “kê tủ đứng vào họng chúng” vì vậy Long bị chúng trù dập, hết đánh đập lại đến chuồng cọp. Long biết rằng cái đau nhất đối với bọn quản giáo VC là để tù trốn thoát nên anh đã âm thầm sửa soạn vượt ngục, ôn lại những bài học “mưu sinh thoát hiểm” của TQLC, anh cũng biết rằng vượt ngục tại Kà Tum thì 9 phần chết 1 phần sống nhưng anh không sờn lòng. Tháng 5/1978 Bác Sĩ Đặng Tuấn Long đã vượt ngục một mình và từ đó đến nay không còn ai biết tin tức của anh.
Câu chuyện tan hàng của QĐI và sự mất tích của một bác sĩ TQLC
Sau khi bị mất gần sạch Quân Đoàn I Tiền Phương, chúng tôi rất hoang mang vì sự im lặng khó hiểu của cấp chỉ huy QĐI. Tối ngày 28/3/1975 Tướng Trưởng mở 1 cuộc họp các Tư Lệnh Sư Đoàn và Quân Binh Chủng của QĐI, vì lý do tình cờ tôi đã có mặt trong buổi họp này. Tại đây trước sự kinh ngạc của mọi người tham dự, Tướng Trưởng tuyên bố “mình rút đêm nay” mà chẳng cho lệnh lạc hay kế hoạch gì hết.
Chỉ huy QĐI có 3 vì Tướng: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là Tư Lệnh, Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc-Tư Lệnh Phó, Trung Tướng Lâm Quang Thi- Tư Lệnh Phó kiêm Tư Lệnh Tiền Phương. Thiếu Tướng Lạc đả bỏ về Saigon hôm 26/3/1975 rồi vì lý do “kẹt máy bay” không trở lại (trích CTTB, Hồ Văn Kỳ Thoại trang 273), Trung Tướng Thi, sau buổi họp đêm 28/3/1975 dùng trực Thăng bay ra chiến hạm HQ5 lúc 10.40 pm, còn Trung Tướng Trưởng bay về Non Nước nơi có Bộ Chỉ Huy SĐ TQLC để rồi sáng hôm sau, ngày 29/3/1975, ông là người đầu tiên lội ra chiến hạm HQ404. Trước khi đi ông đã nói với Đại Tá Nguyễn ThànhTrí Tư Lệnh Phó SĐ TQLC: “coi như đây là một cuộc tự thoát”.
Tính cho đến sáng ngày 29/3/1975 toàn thể 3 vị tướng chỉ huy QĐI đã bỏ tất cả những gì còn lại của QKI để ra đi. QĐI như rắn mất đầu và hỗn loạn đã xẩy ra…
Tướng Lân Tư Lệnh SĐ TQLC và Tướng Thoại Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải bị lạc trong dẫy núi Sơn Trà, nơi có một trung đội Đặc Công VC đang đi tìm hai ông, may mắn được “tự thoát” vì tình cờ có 1 thuyền nhỏ của HQ đi qua, nghe thấy tiếng gọi của Tướng Thoại nên vào cứu.
Tướng Khánh Tư Lệnh SĐI Không Quân bị lạc tại một bãi biển hoang vắng “tự thoát” bằng cách chiếu đèn pha trực thăng làm hiệu nên được HQ802 vào cứu.
Tướng Hinh Tư Lệnh SĐ 3 BB cùng gần 1000 binh sĩ được “tự thoát” vì có 1 chiến hạm tình cờ nhìn thấy vào đón…
Đó là những người may mắn. Trên 90/100 quân số QĐI không “tự thoát” được, họ bị giết bởi đạn thù hay đạn bạn, bị chết đuối trên biển, họ tự tử tập thể bằng lựu đạn hay mìn Claymore, số còn lại bị VC bắt làm tù binh. Tướng Điềm Tư Lệnh SĐI BB trên đường “tự thoát” bị tử trận tại Chu Lai, 8000 trong số 12.000 TQLC đã không “tự thoát” được. Ngày 29/3/1975 trên bãi biển Non Nước là một địa ngục trần gian không khác gì cái “Pháp Trường Cát Thuận An” 3 ngày trước… Trong số 4000 TQLC đã “tự thoát” được thì ngoại trừ gần 2000 TQLC của Lữ Đoàn 468 may mắn được tầu HQ đón, còn đa số chỉ còn quần xà lỏn bơi ra tầu HQ cách bờ trên dưới 1 km, đây là con số cao nhất so với các đơn vị bạn tại QKI.
Ngày 29/3/1975 Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc Lữ Đoàn Trưởng LĐ 369 TQLC, Trung Tá Đỗ Hữu Tùng Lữ Đoàn Phó LĐ 369 TQLC và Bác Sĩ Cao Mạnh Thăng Đại Đội Trưởng Quân Y LĐ 369 là 3 người trong số 8000 TQLC được ghi nhận mất tích tại Đà Nẵng. Khi về đến Cam Ranh rồi Vũng Tầu và cho đến tận bây giờ vẫn không ai tìm thấy hay nghe tin tức gì về 3 người này…
Trên đây là những hy sinh của Quân Y TQLC, còn nhiều hy sinh khác mà tôi không biết đến nên không kể ra. Chúng tôi đã cùng anh em TQLC “12 tháng anh đi” tăng phái cho cả 4 vùng chiến thuật, đánh những trận ác liệt nhất với các đơn vị hàng đầu của địch, và rồi…cũng chết như những người khác!
Dù rằng đã bị bỏ rơi và tan hàng tại QKI ngày 29/3/1975, nhưng khi về đến Vũng Tầu chúng tôi đã tái tổ chức và tiếp tục chiến đấu bảo vệ đất nước cho đến ngày 30/4/1975.
Tuy rằng phải chịu trăm cay ngàn đắng và tổn thương nhiều nhất so với Quân Y các đơn vị bạn nhưng trong suốt chiều dài của cuộc chiến, các Bác Sĩ Quân Y TQLC không có ai đào ngũ trước hàng quân.
Viết cho ngày Đại Tang thứ 40 của Binh Chủng TQLC
MX Phạm Vũ Bằng.
Nguồn :http://tqlcvn.org/chiensu/cs-ysi-tqlc-nhungnguoi-khongthich-songlau.htm
Vui cười
Một phụ nữ bước lên xe buýt với dáng vẻ mệt mỏi. Ngay lúc đó, người đàn ông có tuổi đang ngồi ở ghế gần đấy đứng dậy. Cô này ấn vai ông ta xuống và nói:
– Ông cứ ngồi đi, tôi đứng được mà!
– Ở bến tiếp theo, ông kia lại bị ấn vai xuống cùng câu nói ấy. Đến bến thứ ba, mọi chuyện vẫn lặp lại. Lúc này, người đàn ông không chịu nổi đành khẩn khoản: Xin cô để cho tôi xuống. Cô đã làm tôi bị qua mất hai bến rồi!
Nam, 25 tuổi, cao 1.8m, nặng 72 kg còn độc thân. Thành đạt, đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh, sở hữu hai xe BMW, biệt thự ở Phan Thiết, hai nhà mặt tiền khu trung tâm SG. Không mua. Không bán. Cũng không cần tìm bạn gái. Chỉ muốn khoe vậy thôi.
– Sao bàn giám đốc dài thế nhỉ
– Vì cô thư ký cao 1m7 cơ mà
Một nhà báo phỏng vấn:
Xin ông cho biết bí quyết đơn giản để có một tuổi thọ cao.
Nhà nghiên cứu về tuổi già:
Có gì đâu! Anh chỉ cần nhớ lộn ngày tháng năm sinh là được
Mấy hôm trước tôi nghe thấy vợ khen tôi có tài trước mặt mấy người hàng xóm, bình thường chỉ có 2 vợ chồng thì toàn bị vợ chê, nhưng trước mặt người ngoài kiểu gì cũng không dám chê chồng, tôi thực sự vô cùng cảm động. Đợi vợ vào trong nhà, tôi nắm lấy đôi bàn tay cô ấy và nói: “Cảm ơn em đã khen anh có tài trước mặt hàng xóm. Anh thực sự rất cảm động”.
Vợ hắng giọng nói: “Tiền không, ngoại hình không, địa vị cũng không, nếu em không nói anh có tài, người ta sẽ chửi em ngu mới đi lấy anh”.
Tèo mua một con vẹt về cho học nói. Tèo dạy nó: “Tôi biết đi”
Con vẹt nhắc lại:
– Tôi biết đi.
Tèo nói:
– Tôi biết nói.
Con vẹt nhắc lại:
– Tôi biết nói.
Tèo nói:
– Tôi biết bay.
Con vẹt nói lại:
– Xạo mày.
Sau khi bệnh bò điên lan tràn khắp nơi, một nữ phóng viên được cử đi tìm hiểu lý do. Hỏi thăm một hồi, cô tìm đến được một trang trại nuôi bò sữa, nơi phát hiện ra ca bệnh bò điên đầu tiên.
Cô hỏi người quản lý trang trại: “Ông chăm sóc lũ bò sữa này như thế nào?”
“Hàng ngày chúng tôi cho ăn đúng giờ quy định, ngày vắt sữa 2 lần, mỗi năm cho chúng đi lấy giống 2 lần…”
“Ôi, lạ nhỉ. Vậy thì tại sao chúng nó lại điên được?”
“Thế tôi hỏi cô nhé: ngày nào tôi cũng vắt sữa cô 2 lần mà 1 năm mới cho đi chơi với bạn trai 2 lần thì cô có điên người lên không?
Bợm nhậu lý sự: Đã rất nhiều lần tôi muốn bỏ rượu và bia, nhưng tôi lại cảm thấy xấu hổ. Mỗi lần nhìn ly bia, tôi lại nghĩ về những người công nhân cực khổ đã làm ra nó. Họ đều có vợ con phải chăm sóc, con cái họ đều có những giấc mơ phải thực hiện. Nếu tôi không uống, có thể họ sẽ mất việc và những giấc mơ của con họ sẽ mãi tan biến. Tôi không thể ích kỷ chỉ lo cho sức khỏe của mình.Tôi uống để biến giấc mơ của rất nhiều người thành sự thật. Đừng vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến những người khác các bạn nhé.