Tập San Tân Ðại Việt Số 3 – 2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Ðại Việt Số 3 – 2015

Địa chỉ liên lạc: tapsantandaiviet@gmail.com

Trang web: http://www.tandaiviet.org

Mục Lục:

Chánh trị, Kinh tế

BS Mã Xái: 2015: khung thời gian cho TT Obama đối đầu với khủng hoảng toàn cầu và hoàn tất chánh sách đổi trục về Châu Á

Nhữ Đình Hùng: Việt-Nam trên thềm năm 2015, Căng thẳng giữa Bắc Hàn và

Phạm Đức Duy: Ám sát Boris Nemtsov

Nguyễn Văn Trần: Từ đặc tính văn hóa đến thể chế chánh trị

Âu Dương Thệ: 85 năm ra đời và 70 năm cầm quyền của ĐCS      

Phan Văn Song: Phát Triển Tàu Các Vùng Biên Giới: Phát Triển…       

Vi Anh: Trọng thua Dũng một keo nữa

Tin Tức Âu Châu

Nhữ Đình Hùng: Có phải Arabie Saoudite đã…; Thủ-tướng Pháp Manuel Valls…; Nhà Nước Hồi-Giáo (EI hay Daech) đe

 dọa Pháp; Khủng bố ở Đan-mạch ngày…; Lần đầu tiên Pháp thành-công…; Bốn dân biểu và nghị sĩ Pháp

Tài liệu tham khảo

GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn quyển 1 chương 2                         

Phan Văn Song: Thương Charlie Nhưng  Không Được Làm …                      

Sưu tầm trên net,Văn, Thơ

Nguyên Thạch: Anh nhớ mang về cho em

Nguyễn Thị Cỏ May: Một tập đẹp của ngày Tết: Ăn chay       

Đọc báo lề phải:

Vietnam.net: Vì sao báo người cao tuổi bi thanh tra đột xuất; 7 ứng viên chức TGĐ Tổng công ty Quản lý bay; Chánh Văn phòng Cục Hàng không làm TGĐ Tổng Công ty Quản lý bay.

Tienphong.vn: Lính Nga nhận vũ khí mới, phương Tây nên dè chừng            

2015: Khung Thời Gian Cho TT Obama Đối Đầu với Khủng Hoảng Toàn Cầu và Hoàn Tất Chánh Sách Đổi Trục về Châu Á –  Bs Mã Xái

Trước mắt, khoảng thời gian còn lại cho nhiệm kỳ TT Obama thu hẹp dần trong khi các khủng hoảng lẽ ra khép lại, nhưng dưới triều đại tám năm của ông lại quá nhiều chiến tranh, đại họa mở ra đặt lên vai của nhà lãnh đạo thế giới. Ít nhứt có đến hơn nửa tá khủng hoảng quân sự mới mà Hoa Kỳ tham dự, không kể thiên tai, dịch Ebola, biến đổi khí hậu, môi trường. Rõ ràng Tổng Thống Obama không khoá sổ kịp trách nhiệm của mình trước khi bàn giao cho vị tân Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.

Những biến cố dồn dập đòi hỏi sự can dự của HK khiến không ít người bi quan về chánh sách tái cân bằng nhứt là Trung quốc càng ngày lộ diện động thái gây hấn, chèn ép dọa nạt, xâm lăng một số quốc gia yếu thế như Viêt Nam, Phi luật tân và những biến cố ở Biển Đông và Hoa Đông; nó cũng ảnh hưởng không ít đến sự hỗ trợ của HK đối với phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. TT Obama đã can dự vào những cuộc khủng hoảng quan trọng được ghi nhận:

Trong cuộc chiến đấu chống lực lượng hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay ISIL) Hoa Kỳ đang lãnh đạo một liên minh nhiều quốc gia nhưng thực tế không dễ tiêu diệt hoặc làm suy giảm sớm, mà Hoa Kỳ còn phải ngăn ngừa làn sóng tình nguyện ngoại quốc; lực lượng bạo lực quá khích gia tăng đáng kể trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, và đến nay thì liên minh chưa đẩy nổi họ ra khỏi Iraq hoặc Syria. TT Obam vừa xin Quốc Hội xử dụng quân lực nhưng không xử dụng bộ binh tham chiến dài hạn như trước kìa trong chiến tranh Iraq và Afganistan mà chỉ xử dụng không lực, cho phép quân đội trong vai trò cố vấn huấn luyện. Nhiều nhà phân tích cho rằng hạn chế TT quyền xử dụng quân đội vào chiến tranh thì cơ may chiến thắng ISI chưa đoán được. ISIS là một thảm họa cho nhơn loại ở thế kỷ 21 này.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã được TT Obama phân tích trong phiên họp Thượng đỉnh NATO-2014 tại Wale tháng Năm 2014. Nó không chỉ đơn thuần cuộc chiến tranh giành Donetsk, Luhansk, Debaltsteve mà là cuộc xâm chiếm lãnh thổ nằm trong tham vọng tái lập “đế chế “Liên Xô cũ của nhà độc tài Putin. Đã có dấu hiệu Nga đang thăm dò ba quốc gia vùng Baltic. Thỏa thuận ngưng bắn Minks-2 có thể bị Nga phá vỡ như đã xẩy ra sau Minhks-1. Thủ tướng Merkel và TT Hollande cố gắng cứu vãn lệnh ngưng bắn và thuyết phục TT Obama tạm thời hoãn dùng giải pháp quân sự. Biện pháp trừng phạt và sự sụt giảm giá dầu cũng làm cho nền kinh tế Nga điêu đứng. Thượng đỉnh NATO-2014 cũng đã dự trù “những đơn vị” quân sự phản ứng nhanh” để đối phó với động thái xâm lược của Nga ở những quốc gia trong liên bang Nga cũ. Nhưng trước hết Tây Phương đặc biệt  là Hoa Kỳ phải giúp đỡ Ukraine tài chánh, quân sự, chánh trị để đối phó với phiến quân dù rằng Ukraine chưa là thành viên của EU hay NATO. Hoa Kỳ và Âu Châu phải nhứt trí trong chấm dứt bạo lực ở Ukraine và cho Putin thấy ông ta không thể thực hiện ý độ “tái lập đế chế” mà không phải trả cái giá đắt đỏ.

Cuộc chiến Afghanistan chưa chấm dứt: Ngày 29/12/2014 TT Obama và Bộ trưởng quốc phòng HK tuyên bố chấm dứt sứ mạng chiến đấu ở Afghanistan khởi sự từ sau biến cố 9/11/2001 và bắt đầu sứ mạng chuyển tiếp gìn giữ hoà bình bắt đầu vào năm 2015 với vai trò yểm trợ, huấn luyên, cố vấn cho quân đội và cảnh sát, đồng thời tiếp tục sứ mạng chống khủng bố Al-Qadea. Một chương trình rút quân vội vã giữ lại khoảng 10,800 nhơn viên và lực lượng chống khủng bố vào năm 2015,  giảm dần một nửa vào năm 2016 và chỉ còn khoảng vài trăm người vào năm 2017. Chương trình rút quân vội vã mà TT Obama phải thực hiện theo lời hứa của ông khi tranh cử, trong khi hiện nay tình hình an ninh Afghanistan càng ngày càng tồi tệ với sự lớn mạnh của Taliban và sự khủng bố tăng trưởng với nhịp độ rút quân; tình hình kinh tế trên đà xuống dốc thê thảm, ngoại viện Hoa Kỳ cũng bị cắt giảm theo đà hồi hương của quân đội HK. Trung quốc đã hứa viện trợ để tái thiết và giúp chánh phủ Afghanistan và Pakistan cũng đề nghị giúp Afghanistan hòa giải với Taliban! Nhiều người so sánh cung cách giải quyết cuộc chiến của TT Obama với kế hoạch rút quân của TT Johnson trong cuộc chiến Viêt Nam.

Từ sau cuộc rút quân ra khỏi vũng lầy Iraq năm  2011, Hoa kỳ đã phải can dự vào cuộc nội chiến nước này; ông Obama đã áp lực Iraq cải tổ nội các để tạo sự hòa giải đem lại sự đoàn kết giữa các  người Ả rập Shiites, Ả rập Sunnis và người Kurks, chống lại phiến quân. Sự nổi dậy của ISIL (Islamic State of Iraq and the Levant) khiến chánh quyền Obama dùng không kích và tăng cường lực lượng huấn luyện, cố vấn chỉ đạo cuộc chiến từ hậu phương và cũng đã chiếm lại một phần đất bị đánh chiếm.

Cuộc chiến hiện nay tại Syria càng phức tạp, Hoa Kỳ yểm trợ lực lượng người Syria chống TT Assad, vừa chống IS; lực lượng này được HK huấn luyện và trang bị; Hoa kỳ cũng dùng không lực đánh IS, nhưng vô tình không kích IS cũng giúp chế độ Assad. Tổn thất sanh mạng trong cuộc chiến Syria tính đến cuối năm 2014 trên 191,000, thương tích hơn 300,000 và tị nạn trên 3 triệu. Nga ủng hộ chánh quyền Assad.

Tại Yemen và vùng Bán đảo Ả rập, tình hình bi đát không kém. Phiến quân Houthi từ bắc Yemen đã đánh tan chánh quyền do Hoa Kỳ hậu thuẫn, và đã kiểm soát thủ đô; tình thế này khiến việc tấn công các lực lượng Al-Qadea trong vùng Bán Đảo Ả-rập càng khó khăn và đe doạ an ninh cho Ả rập Saudi cũng như khả năng phát triển IS tại vùng này. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Yemen đã phải đóng cửa.

Nguy cơ chiến tranh với Iran cũng là điều có thể xảy ra; cuộc thương thảo hạt nhân nhằm ngăn ngừa nước này sản xuất võ khí nguyên tử tới nay chưa có kết quả, Hoa Kỳ sẽ gia tăng sự trừng phạt nếu phương pháp ngoại giao không kết quả, hạn kỳ vào tháng Sáu 2015. Iran chưa bao giờ là bạn của HK, nếu không nói là thù địch.

Thay lời kết

Nhiệm kỳ của TT Obama quá nhiều thách thức nhứt là trong năm 2014; ông mô tả đường lối lãnh đạo của Hoa Kỳ “từ vị trí của sức mạnh” nhưng phải luôn luôn chống lại sự thôi thúc vươn tới quá xa “khi tìm cách giải quyết những vụ khủng hoảng toàn cầu”; ông tuyên bố như vậy khi công bố về chánh sách an ninh quốc gia (source: VOAnews 8/2/15); ông nói nước Mỹ không nên chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để ứng phó với thách thức trên thế giới; ông muốn tránh đưa bộ binh tham chiến, trong khi các chuyên gia cố vấn quân sự cho rằng TT đã sai lầm trong xác tín chánh trị của ông; và nhiều nhà phân tích thời cuộc cho rằng ông không giải quyết thỏa đáng mọi tình huống đối với những đe dọa toàn cầu.

Chánh sách đối ngoại cốt lõi của ông Obama là tái cân bằng lực lượng / đổi trục về châu Á Thái Bình Dương nơi mà Hoa Kỳ theo dõi khít khao sự trỗi dậy không hài hoà của Trung Quốc với những động thái tạo nên tình trạng căng thẳng, đe doạ an ninh và ổn định cho khu vực; điển hình là những biến cố ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong ba mũi giáp công bao gồm  an ninh, chánh trị, ngoại giao và kinh tế, sách lược Đổi Trục coi như thất bại nếu TPP không thành công, do đó mà ông Obama đã thúc bách Quốc hội thông qua luật TPA (trade pre-authorization act), nếu không thị trường mậu dịch sẽ bị Trung Quốc lấn lướt trong vùng Châu Á TBD: Trung quốc đã đi khá xa trong vòng đàm phán trong nhiều thỏa hiệp tự do mậu dịch hoặc những định chế tài chánh như RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), Trilateral Free Trade Agreement, Asia Infrastructure Investment Bank, BRICKS New Development Bank, sáng kiến về “Đường tơ lụa trên bộ trên biển” được Tập Cận Bình đề cập tại Hội nghi thượng đỉnh APEC-22 tháng 11/2014. Ông Obama hy vọng kết thúc vòng đàm phán TPP trước chuyến công du tham dự Thượng đỉnh APEC ở Phi luật Tân và Thượng đỉnh Đông Á ở Malaysia vào cuối năm 2015. Đối với VNCS, thực thi nhơn quyền, thay đổi chánh trị là điều kiện tối thiểu phải có đáp ứng với tiêu chuẩn gia nhập TPP; không có chuyển biến cụ thể như vậy thì việc ông Obama thăm viếng Việt Nam chỉ nhằm giúp Hà Nội cũng cố chế độ toàn trị, độc tài đã được HK thiết lập quan hệ ngoại giao 20 năm qua.

Thời gian còn lại cho Tổng thống Obama quá ít để giải quyết quá nhiều khủng hoảng trên thế giới, nhưng nó không quá ít để tích cực hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhơn quyền, tự do là những giá trị mà ông thường nói trong chánh sách xoay trục về ĐNA trong đó có Việt Nam mà cách đây 40 năm đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ cuộc nửa đường, cúp viện trợ, thỏa hiệp với Bắc Kinh Hà nội khiến VNCH sụp đổ.

 

Việt-Nam trên thềm năm 2015 – Nhữ Đình Hùng

Một thoáng nhìn lại.

Phần lớn các nghiên-cứu về kinh-tế, tài-chánh của Việt-Nam trong những thập-niên vừa qua đều lấy các năm 1989 hay 1990 làm điểm mốc. Điều này tưởng có thể hiểu được vì 1989 là thời điểm mà Nguyễn Văn Linh, tổng-bí-thư đảng cộng-sản Việt-Nam đã đưa ra chiêu bài ‘đổi mới’ và năm 1990 là năm mà một số biện-pháp nổi mới được đưa ra thi hành. Sau khi VNCH bị sụp đổ vào ngày 30.04.1975 do việc cắt viện-trợ về kinh-tế và quân-sự của Hoa-Kỳ, trong khi csvn đang mở cuộc tấn công lớn với viện-trợ dồi dào từ khối cộng-sản quốc-tế, miền Bắc và Nam Việt Nam sau đó đã đi đến thống-nhứt.

Tưởng cũng cần nhắc lại là vào năm 1954, sau khi Pháp thua trận ở Điện-Biên Phủ, Pháp đã phải chấp-nhận ngồi vào bàn hội-nghị với cộng-sản Việt-Nam để ký kết một thỏa-hiệp đình-chiến ở Genève, theo đó, nước Việt-Nam bị chia làm hai miền theo vĩ-tuyến 17. Phần phía bắc vĩ-tuyến 17 đặt dưới sự kiểm-soát của cộng-sản Việt-Nam dưới sự lãnh-đạo của Hồ-Chí-Minh, phía nam vĩ tuyến 17 thuộc về Quốc-Gia Việt-Nam dưới quyền lãnh-đạo của Quốc-Trưởng Bảo-Đại. Quân-sĩ và cán-bộ cuả cộng-sản Việt-Nam trên khắp nước được tập-kết về miền Bắc, còn quân-đội, cán-bộ và công-chức của Pháp cũng như của quốc-gia Việt-Nam ở bắc vĩ-tuyến 17 được di chuyển vào miền Nam Việt Nam. Dân-chúng giữa hai miền có một thời hạn qui-định để lựa chọn chế-độ họ muốn sống. Lúc đó, một làn sóng người ào ạt đi vào miền Nam, lên đến hàng triệu người, đó là phong-trào di-cư. Có thể nói không sợ lầm lẫn ngày 20.07.1954 đã đánh dấu sự chia đôi đất nước nhưng đồng thời cũng là ngày mở ra một cuộc lựa chọn chế độ để sống; không thấy có phong trào dân miền Nam đổ ra Bắc, chỉ có phong trào người miền Bắc đổ vào miền Nam, đây quả thực là một hành-trình tìm tự do của người Việt Nam vào thời đó.

*Miền Bắc Việt Nam dưới sự lãnh-đạo của Hồ Chí Minh, với một đảng lãnh-đạo duy nhất là đảng cộng-sản Việt-Nam trá-hình dưới danh-xưng đảng Lao-Động, đã thiết-lập một chế-độ chuyên-chính vô-sản với một nền kinh-tế chỉ-đạo và tập-trung. Chỉ có một hệ-thống ngân-hàng duy nhất là ngân-hàng Nhà Nước, có quyền phát-hành giấy bạc có tính cách lưu hành cưỡng bách vì không cần bảo-chứng bằng vàng hay ngoại-tệ! Đi đúng theo đường lối tổ-chức của đảng cộng-sản Trung-Hoa, miền Bắc Việt Nam cũng đã tiến-hành cải-cách ruộng-đất, đã tập-trung các phương-tiện sản-xuất vào trong tay Nhà Nước, thực hiện một hệ-thống kinh-tiêu qua các trung-tâm mậu-dịch, các cửa hàng phân-phối, giá cả các hàng-hoá được Nhà Nước ấn-định không theo giá vốn của thành-phẩm, không nói lên được sự chi phối giữa cung và cầu, sự phân-phối theo qui-định của Nhà Nước, căn cứ trên hộ khẩu (chế-độ tem phiếu).Các cơ-quan ngôn-luận đều nằm trong tay nhà nước…

Mặc dù được thừa hưởng các cơ-sở kỹ-nghệ tương-đối tốt vào thời đó (kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ khai mỏ than đá, kim-loại, nhà máy sản-xuất gang thép…), tình hình kinh-tế miền Bắc coi như dậm chân tại chỗ ở thời điểm 1960 (sau cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp)!

* Miền Nam, dưới sự lãnh-đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, chịu sự khổng-chế của Pháp, theo chế-độ kinh-tế tự-do. Về mặt chánh-trị, có sự hiện-diện của nhiều chánh-đảng như Quốc Dân Đảng, Đại-Việt, Duy Dân… Miền Nam có tình trạng sứ quân với  Bình Xuyên của Bảy Viễn, Hòa Hảo của Năm Lửa và các lực lượng võ-trang của Ba Cụt, Trình Minh Thế… Tình hình chánh trị sau đó được gom về một mối với việc truất-phế Bảo Đại và thành lập đệ nhất Cộng Hoà với tổng thống Ngô Đình Diệm. Tình hình kinh-tế có phát-triển do việc được tự do kinh-doanh, đời sống nông-dân được khá hơn nhờ cải cách ruộng đất (dưới thời tổng-thống Ngô Đình Diệm và chương-trình ‘người cày có ruộng’ dưới thời tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu). Nhưng, tổng-thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết vào năm 1963, tạo ra một tình trạng khủng hoảng cho tới 1967 với việc thành-lập Đệ Nhị Cộng Hoà. Tình hình kinh-tế được cải thiện nhanh chóng không chỉ do viện-trợ Mỹ mà còn do sự tiêu dùng của quân-đội Mỹ tại chỗ, do việc phát triển các kỹ-nghệ như việc lập khu kỹ nghệ Biên Hòa, cải thiện đời sống nông dân bằng các chương trình hữu sản hoá ‘người cày có ruộng’… Miền Nam Việt Nam, ngoài Ngân Hàng Quốc Gia là ngân hàng phát hành tiền, căn cứ trên dự trữ vàng và dự trữ ngoại-tệ, còn có những ngân hàng tư Việt Nam như Tín Nghĩa Ngân Hàng, Kỹ Thương Ngân Hàng,.. và các ngân hàng vốn của Nhà Nước như Ngân Hàng Nông Thôn, Quốc Gia Nông Tín Cuộc… và các ngân-hàng của nước ngoài như Pháp-Hoa ngân hàng, Hồng-Kông Thượng Hải ngân hàng, Anh Quốc ân Chiếu ngân hàng, ngân hàng Manhattan… Nhiều kỹ nghệ sản-xuất các mặt hàng thường dùng được lập ra như kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ xi măng, thủy-tinh, giấy, thực phẩm (bột ngọt, sữa đặc…), y dược và bắt đầu lắp ráp xe hơi (xe Citroën kiểu ‘Dalat’. Vào thời điểm 1975, khi VNCH bị sụp đổ trước cuộc tấn-công của miền Bắc Việt Nam, tình-hình kinh-tế miền Nam ở vào mức độ tương đương hay hơn Đại Hàn, Singapour.

* Sau khi chiếm được miền Nam và thực-hiện việc thống-nhất hai miền Nam, Bắc, cộng-sản Việt Nam đã áp-đặt nền kinh-tế xã-hội chủ- nghĩa, bước quá độ tiến lên cộng-sản chủ-nghĩa cho cả hai miền. Với hai cuộc đổi tiền mà thực chất là để tước đoạt tài sản những người ‘giàu’, các cuộc đánh tư-sản mại-bản và các thành-phần tư-sản dân-tộc, việc tập-thể-hoá nông-nghiệp, quốc-doanh-hoá kỹ-nghệ và hợp-tác-hóa sản-xuất, kinh-tế miền Nam đã tụt xuống ngang bằng miền Bắc. Tình-trạng chậm tiến, tụt hậu rõ nét như xe hàng, vận-tải phải chạy bằng than thay vì bằng xăng, các xí nghiệp sản-xuất các thành-phẩm chỉ cốt đạt chỉ-tiêu về số lượng mà không để ý đến phảm-chất. Cho đến thập niên 80, tình hình kinh-tế Việt Nam lùi xa sau các nước Singapour, Nam Hàn và Thái-Lan… Cùng lúc đó, Liên Sô đưa ra chánh-sách  ‘Glasnot’ và ‘Perestroïka’, thừa nhận sự thất-bại của chủ-nghĩa cộng sản trong việc xây dựng kinh-tế… Ở Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra nhận xét ‘không cần biết mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột’. Phải đợi đến 1989, rút kinh-nghiệm các nước đàn anh, cộng-sản Việt Nam mới dè dặt đưa ra chánh-sách đổi mới, lúc đầu chỉ là ‘đổi mới tư duy’ rồi sau đó chuyển sang ‘đổi mới kinh tế’ với khẩu hiệu ‘kinh-tế thị trường theo định hướng xã hội’. Có lẽ vì thế mà các phân-tích gia ngoại quốc đã lấy mốc 1989 hay 1990 làm điểm mốc để so sánh sự phát-triển kinh-tế ở Việt-Nam.

Đúng là việc thi-hành chánh-sách kinh-tế đổi mới đã giúp nền kinh-tế Việt-Nam hồi phục. Nhưng đảng cộng-sản việt-nam vẫn ‘lấn cấn’ trong việc lựa chọn một chánh-sách kinh-tế hoàn-toàn tự-do hay chánh-sách kinh-tế hoạch-định, cuối cùng đưa đến việc chấp-nhận có tư-doanh nhưng kinh-tế quốc-doanh vẫn là khu-vực chủ đạo. Ngay trong lãnh-vực tư-doanh, chánh-quyền Việt-Nam – đúng hơn là đảng cộng-sản việt-nam – đã để phát-triển mạnh hơn khu-vực công-tư hợp-doanh nhằm để nắm vững điều ‘đảng chỉ đạo, nhà nước quản-lý, nhân-dân làm chủ’.

Cho đến cuối thế-kỷ XX, Việt-Nam đã phát-triển hơn nhưng vẫn còn chậm hơn các nước trong khu-vực. Có những vấn-đề nghiêm-trọng cần phải giải-quyết như việc cần-thiết phát-triển nông-nghiệp để cung-cấp thực-phẩm cho khối dân-số gia-tăng nhanh chóng (thêm một triệu miệng ăn một năm), việc cải-tổ khu-vực xí-nghiệp quốc-doanh để không trở thành gánh nặng cho ngân-sách quốc-gia do việc quản-lý tùy-tiện và thua lỗ, và hơn hết là cải-tổ các cơ cấu tài-chánh ngân-hàng kém hiệu-năng và có nhiều nợ khó đòi!

 

Vui cười

Bình luận câu: Bàn tay ta làm nên tất cả

«Theo em nghĩ thì nếu hiểu suông thì câu này rất tối ư là vô nghĩa vì sỏi đá thì khó có thể biến thành cơm được trừ phi các nhà khoa học VN đã chế tạo ra một chất hóa học nào mà có thể biến được sỏi và đá thành thực phẩm. Còn nếu đi sâu vào ý nghĩa của câu thơ này, chúng ta phải thấy ngay là đây không phải là những sỏi đá bình thường mà theo em nghĩ thì tác giả muốn đề cập tới các mỏ đá quí của đất nước ta. Vì chỉ có đào mỏ lấy đá quí thì mới có giá trị và có thể bán để mua cơm ăn mà thôi. Và chẳng những đào được đá quý có cơm ăn mà còn dư tiền mua mấy trăm gram thịt xào lên làm món mặn và có một tô canh nóng hổi nữa»

 

Ám sát Boris Nemtsov – Phạm Đức Duy

Việc ám sát chính khách đối lập Boris Nemtsov vừa rồi có thể là một bước ngoặt lịch sử tại Nga trong lúc này. Một bước ngoặt sẽ dẫn đến một khung cảnh chính trị tồi tệ hơn, chứ không phải đưa đến những sự kiện tích cực chẳng hạn như phản ứng của quần chúng chống lại chủ nghĩa dân tộc quá khích hoặc một cuộc cách mạng tự do “mùa xuân Nga” như có nhiều người mong muốn.

Xu hướng tự do ở Nga đã sớm bị Putin bóp nghẹt từ khoảng thời gian cuối 2011 đầu 2012. Gần đây, các hành động của Putin và phản ứng của Tây phương qua cuộc xung đột địa chính trị về Ukraine cho ta thấy những cố gắng hầu đưa đến dân chủ, tự do, và lực lượng ủng hộ phương Tây vẫn không đáng kể và phù hợp trên chính trường Nga. Việc giết Nemtsov chỉ làm xu hướng này tăng thêm.

Chúng ta hiện không biết ai đã giết Nemtsov. Putin chắc không dại gì giết Nemtsov mặc dù Nemtsov là khuôn mặt lãnh tụ đối lập và được xem là người công khai chỉ trích Putin mạnh mẽ nhất. Logic nhất có lẽ là lực lượng chủ nghĩa dân tộc cuội, anti-Maidan. Nếu thế, có nghĩa là Putin đang gặp trở ngại nghiêm trọng với lực lượng an ninh nội bộ của chính mình. Kẻ nào đó đã cố tình qua mặt Putin trong việc ám sát hoặc lực lượng này đã bất lực để việc giết Nemtsov xảy ra ngay tại khu vực chính quyền kiểm soát an ninh chặt chẽ nhất.

Trong lúc mọi người đều muốn biết “Ai đã giết hại Nemtsov?”, có lẽ câu hỏi ưu tiên của Putin là “Ai đã cho phép điều này xảy ra?” Mối quan tâm chính không nói ra của Putin là giải quyết các vấn đề về năng lực và kiểm soát đối với lực lượng an ninh bảo vệ của chính mình.

Vụ giết Nemtsov ngay giữa Moscow, không xa điện Kremlin khiến Putin nhận ra sự thiếu kiểm soát của mình đối với các yếu tố rất nguy hiểm trong xã hội Nga, Putin sẽ phản ứng bằng cách thắt chặt thêm sự kiểm soát toàn diện của Kremlin về chính trị và xã hội Nga. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Một: Putin sẽ thành công trong việc ổn định tình hình. Điều này sẽ dẫn đến một nước Nga độc tài, độc đoán hơn nữa, nhưng tương đối tạm ổn định. Hoặc: Putin thất bại, mọi việc ra khỏi tầm kiểm soát, và dẫn đến một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn nữa so với hiện nay tại Nga.

Mục tiêu chính của Putin bây giờ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan bên trong nước Nga. Họ là những mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ của Putin, lớn hơn nhiều so với những cuộc biểu tình trên quảng trường Bolotnaya trong thời điểm 2011-2012. Mặc dù thực tế chính bản thân điện Kremlin đã từng xuyển dương chủ nghĩa dân tộc, Putin nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một mối nguy hiểm. Sergey Ivanov, nhân vật số 2 của Putin, từng tuyên bố có mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đại diện cho một nguy cơ rõ ràng tại Nga và nhà cầm quyền cần phải giải quyết. Chính quyền Putin cũng đã thẳng thừng tuyên bố rằng khi ngăn chặn những nguy cơ này, họ sẽ không để bị ràng buộc bởi những lo ngại về nhân quyền.

Cái chết của Nemtsov đã cho thế giới thấy phần nào con đường nước Nga đang hướng tới. Liệu phương Tây và chính những người dân Nga sẽ làm gì để cứu vãn.

5 March 2015

Căng thẳng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn – Nhữ Đình Hùng/ tổng-hợp/05.03.2015

Sáng thứ hai, 02 tháng ba 2015, vài giờ trước khi cuộc diễn-tập quân-sự chung Nam Hàn – Mỹ bắt đầu, Bắc Hàn đã cho bắn hai hoả-tiễn tầm ngắn từ hải-cảng Nampo, các hoả-tiễn này đã rơi xuống biển Nhật Bản sau khi vượt một khoảng cách, xuyên lãnh thổ Bắc Hàn từ tây sang đông, khoảng 500 cây số. Việc bắn hoả-tiễn này được coi như để trả lời cho cuỗc diễn-tập quân-sự chung giữa Mỹ và Nam-Hàn kéo dài từ ngày 02.03 cho đến 24.04. Cuộc tập trận chung của Mỹ – Nam Hàn gồm  hai phần mang tên ‘Resolve’ và ‘Foal Eagle đã dùng đến 8600 binh sĩ Mỹ và 200.000 quân Nam Hàn với mục tiêu chuẩn bị cho nhiều tình huống khủng-hoảng trong vùng. Một phát-ngôn-viên quân-sự của quân-đội nhân-dân Hàn-quốc (APL) nói rằng thêm một lần nữa, bán-đảo Hàn-quốc kề cận việc bắt đầu một cuộc chiến và hứa hẹn việc giáng trả không thương xót! Theo thông-tấn-xã chánh-thức của nước này, KCNA, phát-ngôn-viên quân-sự của Bắc Hàn cho biết ‘những phương cách duy nhất để đối phó với gây hấn do bọn đế-quốc Mỹ và các đồng-minh của nó không phải là đối-thoại, không phải là hoà-bình. Người ta chỉ có thể đáp ứng điều này bằng những giáng trả không thương xót’.

Phản-ứng lần này của Bắc-Hàn cũng không khác những phản-ứng đã từng xảy ra trong quá khứ, mỗi khi có những cuộc diễn-tập quân-sự chung giữa Nam Hàn và Mỹ, và lúc nào thì Mỹ và Nam Hàn cũng nói những cuộc diễn tập này chỉ có tính-cách phòng-vệ! Lần này, phát-ngôn-viên Bắc Hàn coi cuộc diễn tập này là ‘những thao luyện nguy-hiểm của cuộc chiến nguyên-tử để xâm-lăng Công-Hoà Dân-chủ Nhân-Dân Hàn-quốc (DPRK= république démocratique populaire de Corée),.. lực lượng quân-đội cách-mạng của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ làm những kẻ đứng xem thụ động trước tình-hình nghiệm-trọng này’, và nói thêm là chéđộ sẽ đáp ứng với mọi hình thức chiến-tranh qui-ước, nguyên-tử hay tin-học ‘Nếu chỉ một quả đạn rơi vào bất cứ chỗ nào mà DPRK hành-xử chủ-quyền, nước này sẽ phản công tức khắc’.

Cho đến nay, người ta không biết rõ về khả năng nguyên tử của Bắc Hàn, chỉ biết chắc chắn nước này đã làm ba cuộc thử nghiệm nguyên-tử vào những năm 2006, 2009 và 2013. Vào tháng giêng 2015, Bắc Hàn đã đề nghị việc triễn-hạn thí-nghiệm nguyên-tử nếu Washington từ bỏ việc diễn-tập với Nam Hàn. Nhưng Mỹ và Nam Hàn đã từ chối điều này, coi đó là một sự  ‘đe dọa ngầm’. Theo các chuyên-gia của Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng có thể có từ 10 đến 16 vũ khí nguyên-tử nhưng trong vòng năm năm tới có thể có đến một trăm võ khí nguyên tử!

Nói một cách tổng-quát thì Mỹ và Nam Hàn đã nghe quen các luận-điệu hung hăng của Bắc Hàn; hằng năm, vào độ tháng ba, khi Mỹ và Nam Hàn mở cuộc diễn-tập chung thì Bắc Hàn lại lên tiếng phản-đối, đe dọa.Đáp lại sự đe dọa vừa qua của Bắc-Hàn, phát-ngôn-viên quân-sữ của Nam Hàn nói ‘nếu Bắc Hàn làm các cuộc khiêu khích, các quân-sĩ của chúng tôi sẽ phản-ứng một cách cương-quyết và mạnh mẽ và nó sẽ thấm tới tận xương’. Nhưng cuộc đe dọa năm nay xem chừng có hơi khác. Đó là việc hai hoả-tiễn đã được Bắc Hàn bắn đi mà không thông báo trước (préavis) và cũng không đặt ra một vùng ‘cấm phi-cơ và tàu bè’ (no fly, no sail zone). Nếu có một phi cơ hay một tàu biển bị trúng hoả-tiễn, việc gì sẽ xảy ra? Ngoài ra, người ta không biết đó là loại hoả tiễn nào, Scud hay Rodong 2. Cho đến nay, các chuyên-gia quân-sự coi là Rodong 2 chỉ là mẫu dùng trong các cuộc diễn binh!

Bắc Hàn hiện đang ở trong thế lúng túng về ngoại-giao. Vào tháng 12 năm 2014, Bắc Hàn đã bị cáo buộc tại Liên hiệp quốc về nhiều trường-hợp vi-phạm nhân-quyền và lần đầu tiên váđề được đưa ra Hội-Đồng Bảo-An. Dù có sự bao che của Trung-Hoa và Nga, uy-thế về ngoại-giao của Bắc Hàn đã bị đụng chạm đến. Kế đó là việc ngay chính chủ-tịch của Bắc Hàn Kim Jong-un cũng bị đem ra làm đế-tài chế diễu trong phim The interview, điều làm cho liên-lạc ngoại-giao giữa Bắc Hàn và Mỹ càng trở nên căng thẳng… Trong tình-thế này, khó có thể buộc Bắc Hàn phải ngưng thí nghiệm nguyên tử. Về điều này, nhật báo Rodong Shinmun, nhật-báo chính-thức của chế-độ đã coi ‘cuộc đàm thoại sáu nước chỉ là một công-cụ của Mỹ nhằm xiết cổ nước Cộng-Hoà của chúng ta cho đến chết’. Trong lúc này, Trung -Hoa với Xi Jinping vẫn còn ủng-hộ Bắc Hàn nhưng không mạnh mẽ như dưới thời của hồ Cẩm Đào. Có lẽ vì thế mà Kim Jong-un đã đáp lời mời của tổng-thống Nga Poutine để sang thăm Nga vào đầu tháng năm nhân dịp kỷ niệm ngày chấm dứt đệ nhị thế-chiến. Cũng có thể Kim Jong-un sẽ tham dự hội-nghị Bandung ở Nam-Dương để tạo một vị-thế ngoại-giao. Để thay đổi hình ảnh của Bắc Hàn, nước này sắp sửa mở cửa đón du-khách, theo lời của lữ-hành-cuộc Koryo Tours đặt văn phòng tại Bắc Kinh.

Trong lúc này, Bắc Hàn vẫn bị đánh giá là một nước bị đánh giá là gây hấn. Năm 2019, một tàu tuần của Nam Hàn bị chìm vì trúng thủy lôi, Nam Hàn đã cáo buộc việc này do Bắc Hàn gây ra, cũng trong năm đó, đảo Yeonpyeong bị pháo-binh Bắc-Hàn oanh-kích

*Trong ngày thứ năm 05.03.2015, đại-sứ Mỹ ở Nam Hàn, Mark Lippert, đã bị một người Nam Hàn tấn-công bằng dao khiến ông này bị thương ở gò má và ở tay.Cuộc tấn công này được coi như là để chống lại cuộc diễn-tập quân-sự chung giữa Mỹ và Nam Hàn; trong blog của hung- phạm, người này đã cho biết trong tuần việc chống lại các diễn tập quân-sự vừa diễn ra, coi đó là điều làm cuộc đối thoại giữa các bên Hàn-Quốc không thực hiện được! Ông này cũng điều khiển một phong trào ‘quốc-gia’ thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình chống lại việc Nhật Bản đòi chủ-quyền trên một số đảo dưới sự  quản-trị của Nam Hàn Nhà ngoại-giao Mỹ, 42 tuổi, đã được giải-phẩu để khâu lại hai vết thương sâu trên gò má và ở bàn tay phải, các bác sĩ giải phẫu cho biết tình trạng sức khoẻ ông đã ổn-cố, nhưng ông sẽ phải ở lại bệnh viện trong hai hay ba ngày để được theo dõi! Ngay sau khi được giải-phẫu, ông Mark Lippert đã thông báo qua trương-mục twitter là ông khoẻ mạnh và vững tinh thần!

Người Nam Hàn tấn-công đại-sứ Mỹ là người được các cơ quan cảnh-sát và an-ninh biết tới. Đó là Kim Ki-Jong, 55 tuổi, đã từng bị kết án vì đã ném đá vào toà đại sứ Nhật Bản. Kim Ki-jong đã bị cảnh sát câu lưu để điều tra và tìm hiểu về lý do khiến ông này có hành-động tấn công! Trong lúc cảnh-sát đưa hung-phạm đi chữa việc đau vì trật mắt cá chân, người này tuyên-bố với báo chí là đã chuẩn bị việc tấn công từ mười ngày qua. Theo các nguồn tin tình-báo Nam Hàn, người này đã từng đi sang Bắc Hàn sáu lần trong khoảng 2006 đến 2007 và từng có ý định dựng một tượng đài tưởng niệm nhà lãnh-đạo Bắc Hàn Kim Jong-il sau khi ông này chết vào năm 2011.

Về phiá Nam Hàn, nữ tổng thống Park Guen-Hye đã tố cáo việc tấn-công là nhắm vào liên-minh quân-sự giữa Nam Hàn và Mỹ. ‘Những sự việc này không thể chấp nhận được bởi vì đây không phải là một việc tấn công thể lực chống lại đại-sứ Lippert nhưng là một cuộc tấn công nhắm vào liên minh quân-sự Nam-Hàn và Mỹ’.

Về phiá Bắc Hàn; kẻ tấn-công được ca ngợi.’ Đây là một trừng trị đối với những tên hiếu chiến Mỹ’, theo tin thông tấn xã Bắc Hàn KCNA, coi đó là ‘sự kháng-cự đối với việc hiện-diện Mỹ trên bán đảo Hàn-quốc.

Tham khảo:

http://s1.lemde.fr/medias/web/img/bg/vide.png

http://www.lanouvelletribune.info/international/22954-coree-du-nord-vers-des-frappes-impitoyables-contre-les-usa-et-la-coree-du-sud

http://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2015/03/02/pyongyang-promet-a-seoul-et-washington-des-frappes-impitoyables_4585477_3216.html#6Q5jPLHPzXP69BIe.99

C’est bientôt le printemps : les forces sud-coréennes et américaines s’entraînent tandis que la Corée du Nord s’énerve

http://fr.euronews.com/2015/03/05/l-ambassadeur-americain-en-coree-du-sud-agresse-a-l-arme-blanche-par-un-/

Vui cười

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”

Ông chồng thừa biết bà vợ mình giả dối. Một hôm về nhà mẹ vợ ăn giỗ, ông chồng đèo bà vợ về. Đến một chỗ lội ông chồng khiêng xe đạp qua, bà vợ định lội qua, nhưng ông chồng ngăn lại. Khi xe đạp được ông khiêng qua, ông ta sang bế vợ qua con suối. Bà vợ rất ngạc nhiên, thắc mắc trong lòng, gần đến nhà bà ta không chịu được nữa mới hỏi:

– Gần 20 năm sống bên nhau, tôi chưa lần nào thấy ông thương tôi như vậy!

Ông chồng hỏi:

– Như vậy là như thế nào?

– Như lúc đi qua chỗ lội nước ấy.

– À anh sợ cái vé xổ số của em bị ướt nên anh bế em qua.

 

Một nền Dân Chủ nào cho Việt nam ngày mai? Dân Chủ: từ đặc tính văn hóa đến thể chế chính trị – Nguyễn Văn Trần

KHÁI NIỆM VỀ VĂN HÓA

Thường văn hóa được định nghĩa là căn bản về mọi kiến trúc của con người. Nên có thể nói không một nền chính trị nào được xây dựng mà không dựa trên nền tảng văn hóa, bởi xã hội loài người đều trưởng thành trong môi trường văn hóa. Tất cả đều xuất xứ từ văn hóa. Đời sống là văn hóa và văn hóa là sự sống. Chánh trị cũng như văn minh là cái thị hiện của văn hóa. Văn hóa tạo nên nếp sống và nếp tư duy. Văn hóa làm cho ta có một trạng thái tinh thần, một thái độ đối với sự việc. Do đó ta có quan niệm chánh trị. Như vậy, người ta có thể hỏi nếu cùng một văn hóa thì đều có một quan niệm và một đường lối chánh trị giống nhau hay sao? – Không. Văn hóa giúp ta nảy nở và phát huy và trong sự phát huy có nhiều sắc thái. Chính đây là giá trị đích thực của văn hóa, bởi nó vô cùng đẹp, vô cùng linh biến. Trong sự phát huy đó, ta có ý nghĩ chánh trị, tức là ta có tư tưởng về tổ chức xã hội, tức chánh quyền và quyền hành. Và tư tưởng của con người thì không bao giờ đồng nhứt. Điều tốt là tư tưởng không đồng nhứt, bởi đồng nhứt thì đưa đến quán tính. Mà quán tính thì ngưng trệ, là khô héo, là chết1.

Trong vũ trụ, trong sự thị hiện của vũ trụ, xưa nay, không có gì là đồng nhứt, bởi vì chính hiện tượng là vô thưòng.

TỪ THẦN THOẠI ĐẾN NỀN VĂN HÓA VIỆT

–          ĐẶC TÍNH CỦA HAI NỀN VĂN HÓA ĐÔNG VÀ TÂY

Hoạt động của con người về mặt tinh thần và vật chất đều do tư duy của con người mà kết thành. Tư tưởng nhơn loại về vũ trụ và con người trước đây được xếp, theo đặc tính, thành hai thể loại khác nhau: tĩnh và động. Tĩnh liên quan đến những vấn đề thuộc bản thể sự vật, thường có tính cách trừu tượng. Còn động là khi bàn đến sự biến dịch, hoặc sự tác động đến sự vật2.

Dựa theo nhận xét trên đây, người ta có xu hướng xếp nền tư tưởng Tây phương thuộc loại tĩnh, còn nền tư tưởng Đông phương, trong đó có Việt Nam, thuộc loại động. Về điểm này, giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận xét văn hóa Đông phương «xưa nay vẫn đóng khuôn trong vòng vũ trụ quan Âm–Dương. Âm Dương khác với Vật–Tâm ở điểm chánh yếu này: một đàng là hai trạng thái kinh nghiệm của sự sống, hai thái độ xử thế, tiếp vật, một khuynh hướng vận động của một bản thể đồng nhứt miên tục; còn một đàng là hai hình ảnh của tinh thần, hai khái niệm trừu tượng hợp lý, biệt lập và đối lập, cái nọ phủ nhận cái kia, không có thể tịnh hành như hai khuynh hướng Âm–Dương3».

Đặc tánh này dẫn đến sự khác biệt nền tảng trong nếp tư duy và trong đời sống xã hội giữa Đông và Tây. Đông ứng sử rất rộng rãi về mặt tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng lại rất khắt khe ở thể chế, thói tục, luật tắc của xã hội. Trái lại, ở bên Tây phương cổ thời lại rất dễ dãi ở thể chế xã hội, trong đời sống, nhưng lại vô cùng nghiệt ngã trong tư tưởng, tôn giáo, suy tư. Ở Đông phương, xã hội nghiêm khắc trong quan hệ nam nữ, vua tôi, cha con, thì ở Tây phương, nhà bác học Galilée bị kết án chỉ vì cho rằng trái đất tròn, cùng với những tinh thể khác vận hành chung quanh mặt trời , điều này trái ngược với điều mà Giáo hội Thiên Chúa giáo dạy. Mãi đến năm 1992, ông mới được Giáo hội “phục hồi”!

Nguyên nhân sự khác biệt trên là do trong nền văn hóa Tây phương trước kia thiếu vắng yếu tố vũ trụ quan âm-dương của Đông phương. Đó là âm-dương tương thôi trong đó chữ tương đề cao hai đức tánh: “hòa giải / hợp tác”, ngược lại với “độc quyền / độc đoán” và đức tánh “bổ túc”, ngược lại với xung khắc, triệt tiêu, từ đây về sau này bắt nguồn “đấu tranh giai cấp” và “chuyên chính”.

Nền văn hóa tĩnh của Tây phương cổ thời đã sản sanh ra ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội « xã hội chủ nghĩa », đạo lý xã hội và gia đình bị buông lỏng, gần như bị phá vở. Điều cấm kỵ tuyệt đối là không được xúc phạm tới chủ nghĩa Mác Lê. Theo ảnh hưởng của nền văn hóa động, xã hội Đông

phương vì không bị nghiêm ngặt ở từng tư tưởng nên có diển tiến mà không bị sụp đổ do một cuộc cách mạng như ở phương Tây, Đông Âu và Liên-xô4.

–          TỪ  NGUỒN GỐC THẦN THOẠI

Từ cổ sơ, sự hiểu biết của con người được ghi lại bằng thần thoại. Nhờ thần thoại mà những học thuyết về con người và vũ trụ xuất hiện.

Xã hội Tây phương bắt nguồn từ hai nền văn minh La Mã – Hy Lạp và Do Thái – Ki Tô xây dựng trên nếp sống thần bản. Trong nhân sinh quan này có thần và có người. Nhưng văn minh La-Hi mang đậm màu sắc thần thoại, còn văn minh Do thái – Kitô lại theo lối sống dựa trên thần quyền.

Trong nguồn gốc văn hóa La-Hi, thần và người sống ngang hàng nhau, tuy thần không phải sống đan xen với người, nhưng không theo một trật tự trên dưới nghiêm ngặt. Thần chỉ khác người là mạnh hơn người và bất tử. Do đó, thần không có quyền năng phán xét người về thiện ác, mà cho rằng điều đó là sự chọn lựa riêng của người. Chính thần cũng vướng mắc vào chuyện thiện ác như người. Trong thần thoại này, con người là con người tự do, không lệ thuộc thần để bị thần quyết định vận mạng của mình. Tinh thần dân chủ tự do của Tây phương bắt nguồn từ thần thoại La-Hi, mà thành Nhã-điển là điển hình.

Trong thần thoại Do thái-Kitô, thần là Đấng Sáng Thế duy nhứt và toàn năng, có quyền tuyệt đối phán xét hành động của người và vạn vật, vì tất cả do thần sáng tạo ra5. Vì là sản phẩm do thần tạo ra nên người có bổn phận phải thờ thần, nghĩa là lệ thuộc vào thần nên người không được tự do như trong thần thoại La-Hi. Từ đó, có quan niệm con người vốn có tội ngay từ thuở ban sơ (tội tổ tông). Muốn hết tội và lúc chết được hưởng an lạc thì con người phải được cứu rỗi, được rửa tội và suốt trong cuộc sống, phải biết ăn năn, sám hối, xin tội mỗi khi phạm phải sai trái. Huyền thoại Do thái-Kitô đã đưa Tây phương miên man trong bóng đêm suốt thời kỳ Trung cổ. Mãi đến thời Phục Hưng, nền văn minh La-Hi cũ mới được khám phá, nhờ đó, mở đường cho các giá trị dân chủ tự do như ngày nay ta biết.

 Còn thần thoại Việt Nam cho thấy dân tộc Việt Nam có ý chí tự ví mình với chim Đại bàng, Việt Điểu. Nhờ cái ý chí lớn ấy mà dân tộc Việt Nam cho mình là con Rồng, cháu Tiên. Rồng khi tịnh thì ẩn mình trong biển cả, khi động thì vùng lên trong vũ trụ, làm mưa để đem lại sự ấm no, thịnh vượng. Tiên tiêu biểu cho vẻ kiều diễm, tinh anh. Biểu tượng kép Rồng-Tiên của huyền thoại nói lên cái dũng và cái đẹp của dân tộc6. Đó là chơn lý mà huyèn thoại biểu thị đã dẫn dân tộc việt nam hướng lên xây dựng cuộc sống nhằm đạt đến dũng mãnh và thiện mỹ. Con cháu của Rồng-Tiên được sanh ra trong điều kiện bình đẳng và đồng đẳng, tủa ra bốn phương sanh sống, nhưng lúc nào cũng nhớ nguồn gốc, nhờ huyền thoại nhắc nhở. Huyền thoại Rồng-Tiên là biểu tượng của hai nguyên lý Âm-Dương, tức Trời và Đất, và dân tộc Việt Nam lại do Rồng-Tiên phối hợp sanh ra, nên chiếm lấy một ngôi vị trong tam tài : Thiên, Địa, Nhơn. Đồng thời, vì đứng trong tam tài, nên con người hiểu biết có Trời Đất hiện hữu chung quanh. Do đó, văn hóa Việt Nam có nguồn gốc từ con người, nên lấy con người làm cứu cánh. Và trong con người có hai nguyên lý Âm-Dương, nên con người là một vũ trụ nhỏ.

 Ngày nay, khi đọc lại thần thoại, người Việt Nam không khỏi ngạc nhiên và thán phục tổ tiên mình ngày xưa đã trực giác cái không mà có. Thật thế, vũ trụ chỉ là một khồi tinh lực gồm hai loại âm và dương, nhưng không phải âm hoặc dương tinh ròng, bởi trong âm có dương và trong dương có âm. Âm-Dương tương khắc nhưng cũng tương dung. Do đó mà con người và vạn vật sanh sôi, nảy nở đến vô cùng tận. Tương quan sanh động này được thấy trong đời sống con người, ra xã hội đến nhơn loại. Nền tảng Tư tưởng Việt Nam, xây dựng trên mối tương quan âm-dương, là một nền tảng của quân bình và điều hòa, và từ đó đem lại hòa bình và trường tồn.

Tổ tiên người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết đem cái luật tương dung của hai nguyên lý âm-dương mà áp dụng vào việc tổ chức xã hội và trị nước.

Trong thần thoại, vốn là tiếng nói của tâm thức dân tộc, người Việt nam không đặt thành vấn đề có đấng Sáng Thế hay một thần duy nhứt độc tôn, nên họ không chấp nhận một sự lệ thuộc vào một quyền lực tối thượng duy nhứt nào. Người Việt Nam không thờ một vị thần duy nhứt, mà nếu phải thờ thì họ thờ nhiều thần. Người Việt Nam không hề mang tâm thức tội lỗi nên không cần xin thần ban ơn sủng để được cứu rỗi. Con người là chung thủy. Gốc văn minh Việt Nam từ đấy mang đặc tánh nhơn bản. Cách ứng xử trong đời sống của người Việt Nam cũng rất đặc biệt. Đó là sống theo quan niệm tương dung, mang tấm lòng vị tha, độ lượng mà chế ngự sự ích kỷ, độc đoán, khai triển điều hay của mình, trọng điều hay của người, biết mình nhưng không quên có người, ăn ở hài hòa theo lương tâm, thuận theo đạo lý, tạo nên một cảnh nhơn quần có người, có ta, có gia đình, có dân tộc, có nhơn loại, trong cảnh hòa hợp đại đồng. Trong nếp sống tương dung hòa hợp ấy, không thể có sự phân cách xã hội thành giai cấp đối nghịch. Mọi người đều vui sống với đạo làm người, nhằm tiến lên lấy chơn thiện mỹ làm lý tưởng sống.

Chẳng may, người Pháp đến, rồi người cộng sản “giải phóng”, đã lần lượt ra sức phá vỡ cái trật tự nhơn bản ấy của người Việt Nam.

KHI NGƯỜI CỘNG SẢN “GIẢI PHÓNG”

–          NGƯỜI CỘNG SẢN “CẢI TẠO” CON NGƯỜI

Người Pháp đến để “giáo hóa” dân Việt Nam. Thi hành sứ mạng “giáo hóa”, họ đã bứng người dân ra khỏi môi trường văn hóa truyền thống và biến những người này thành một lớp người mới xa lạ với bộ phận còn lại của dân tộc. Nhưng đến khi người cộng sản “giải phóng” thì mọi người đều bị “đào tận gốc, bốc tận rễ”.

Trật tự xã hội Việt Nam bị người cộng sản phá vỡ triệt để hơn, vì cộng sản thiết lập một chế độ cai trị độc tài toàn trị, với đảng cộng sản nắm trọn vẹn quyền lãnh đạo đất nước bằng chủ thuyết Mác-Lê. Mác xây dựng học thuyết chánh trị dựa trên quan hệ sản suất kinh tế làm nền tảng nhằm kêu gọi phát động cách mạng vô sản để cải tạo xã hội. Lê-nin thuộc giai cấp quí tộc nên tâm đắc giá trị quyền lực. Là người theo Cơ đốc Chánh thống Nga, Lê-nin rất am hiểu sức mạnh tinh thần của tôn giáo là thế nào. Lê-nin san định lại chủ thuyết Mác qua nỗi ám ảnh thần thoại Do thái – Kitô, xây dựng thành học thuyết chánh trị kinh tế Mác-Lê, biến học thuyết Mác-Lê trở thành một hệ thống lý thuyết chiếm quyền và cầm quyền7.

Có thể nói thuyết Mác-Lê thành hình từ sự “ tục hóa thần quyền ” theo thần thoại Do thái-Kitô, nên đảng cộng  sản khi nắm quyền phải là đảng duy nhứt lãnh đạo toàn xã hội, bởi thần trong thần thoại đó vẫn là thần duy nhứt có toàn năng, vì là đấng Sáng Thế. Vào thập niên 20, Hồ chí Minh trên đường tìm kế sanh nhai ở Âu Châu, bất ngờ bắt gặp tài liệu sơ đẳng về chiến tranh giải phóng do phong trào cộng sản đệ III ấn hành. Vốn ít học, không đủ khả năng nhận thức và đánh giá, nên Hồ chí Minh vội chụp lấy và trân trọng như bức cẩm nang thần kỳ, đem về xứ áp dụng làm chiến tranh giải phóng, đưa Việt nam vào con đường xã hội chủ nghĩa. Khi lấy đảng cộng sản làm đảng cầm quyền, Hồ chí Minh đã học được đường lối chánh trị Mác-Lê theo thuyết “chuyển hóa thần quyền từ tôn giáo vào chánh trị”, nghĩa là đã “cơ đốc hóa quyền chánh” để cai trị toàn xã hội. Trong cách cầm quyền này, đảng cộng sản là hiện thân của đấng Sáng Thế ở Việt Nam, ban ơn sủng cho dân Việt Nam, một mình đứng trên tất cả và không chấp nhận có hai. Đảng cộng sản xem tất cả dân chúng, người ngoài đảng, chưa “giác ngộ cách mạng” đều có tội. Điều này thấy rõ ở miền Nam sau 1975. Trong các buổi học tập chánh trị tổ chức cho dân chúng ở các địa phương, người cộng sản thường tuyên bố «tất cả dân miền Nam đều có tội, kể cả người quét đường, hốt rác»! Phải chăng đây đúng là một thứ tội tổ tông theo quan niệm thần thoại Do thái-Kitô mà người cộng sản học được và đem áp dụng vào chánh trị?

Trong thực tế cai trị, thần quyền được đảng cộng sản áp dụng qua hình thức “tự phê, tự kiểm”, “cải tạo”, “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, “tuyệt đối trung thành với đảng”, “giữ lập trường giai cấp8”. Đó là những biện pháp nhằm cải tạo con người, để biến con người trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Giống như trong tôn giáo, con người phải chịu “phép rửa tội” để từ “người lương” trở thành người “có đạo”, tức đã được rửa hết tội và mai kia chết sẽ được lên thiên đường.

Người lãnh đạo cộng sản lúc sống là “thần linh” bất khả xâm phạm, được mọi người tôn sùng triệt để. Lúc chết, họ được rước vào miếu mạo để tiếp tục được thờ phượng. Về mặt xã hội, chỉ những người giác ngộ giai cấp mới được xem là nhơn dân.Về mặt chánh trị, chỉ những người được “cải tạo trở thành người xã hội chủ nghĩa”, tức đã được “rửa tội” (trở thành đảng viên) mới được hưởng những quyền công dân cao như quyền tham chánh.

–          NGƯỜI VIỆT NAM VỚI NÉT VIỆT TÍNH

Trở lại vũ trụ quan của người Việt Nam, theo đó con người được quan niệm như giao điểm của Đất-Trời. Trời nói lên phần thiêng liêng, những giá trị tinh thần. Đất bảo đảm cho con người cuộc sống vật chất ấm no. Do đó, hai tiếng Trời-Đất đối với người Việt Nam hàm chứa một nội dung thiết thực, được thể hiện bằng thể chế công điền và đạo thờ cúng Ông Bà. Hai thể chế đi đôi như Đất với Trời9.

Ngày xưa ở Tây phương và Tàu, chỉ có giới quí tộc, trưởng giả, quan quyền mới có quyền thờ cúng Ông Bà, vì chỉ có Ông Bà của họ mới đáng thờ cúng.Thờ cúng Ông Bà cho họ những quyền lợi về công dân mà những người không thờ cúng Ông Bà không có quyền được hưởng. Khi có quyền công dân, họ có quyền sở hữu tài sản, nghĩa là có quyền sở hữu đất đai.

Trong lúc đó, ở Việt Nam, từ cổ sơ, người Việt Nam nào cũng có quyền thờ cúng Ông Bà của mình, và việc thờ cúng Ông Bà đối với người Việt Nam đã trở thành “Việt đạo”. Thờ cúng Ông Bà ở Việt Nam còn được bảo đảm do chánh quyền cấp phát cho người dân nghèo không có ruộng đất một thửa ruộng để sanh sống mà lo duy trì sự thờ cúng Ông Bà. Do đó, đối với người Việt Nam, đất và thờ cúng Ông Bà, cả hai đều mang một ý nghĩa thiêng liêng. Ông Paul Mus nhận xét rằng “Đất Trời hay thờ cúng Ông Bà và thửa ruộng đối với người Việt Nam là một thực thể, một quan niệm về đất đầy ấp tình người, hồn người10”. Đất, nơi ấp ủ hồn thiêng của tổ tiên, nên linh thiêng hơn vật chất bình thường. Người nông dân Việt Nam không bao giờ chịu bán đất, nhứt là đất hương hỏa dành riêng cho việc thờ cúng Ông Bà lại bị cấm bán nhượng, cầm thế. Đối với người nông dân Việt Nam, Đất có một nội dung hoàn toàn khác với nông dân Tây phương. Bởi, với Tây phương, đất chỉ là đất mà thôi.

 Về mặt kinh tế xã hội, đất với chế độ quân phân tài sản – công điền công thổ – đã đem lại cho người Việt Nam một đời sống điều hòa, tự chủ, nên xã hội Việt Nam không có giai cấp vô sản, khác hẳn với xã hội Tây phương và Tàu ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, quyền được làm một con người ở xã hội Việt Nam cổ thời đã được tôn trọng và thực thi. Khi người dân phải đứng lên cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm tàn phá “xã tắc”, thì họ hiểu thắm thía từ thửa ruộng, mảnh vườn của họ trào dâng lên lòng thương nước, thương nhà mà phải bảo vệ, giữ gìn, chớ hoàn toàn không phải vì một chủ thuyết trừu tượng xa vời nào làm động cơ thúc đẩy họ hết cả. Khi người thực dân Pháp bước chơn đến, đặt xong nền cai trị, thì họ cũng bắt đầu phá vỡ cái “vũ trụ” nhơn sinh đó để tiêu diệt tận gốc các mầm mống đề kháng11. Đến năm 1940, người Pháp đã đem lại sự bất bình sản nghiêm trọng. Ngoài Trung, vì còn Nguyễn triều, nên còn giữ được 26% công điền. Miền Bắc, theo chế độ bảo hộ, nên chỉ còn giữ được 20% công điền. Trong lúc đó, miền Nam là xứ thuộc địa, nên công điền chỉ giữ được có 2,5 %. Nhìn chung ở Nam kỳ, cứ 15 người có một điền chủ tư điền. Còn ở Bắc, từ 6 người là có một điền chủ tư điền. Về công điền, ở Bắc, ai ai cũng được cấp phát để sanh sống12.

Về mặt xã hội, người Việt Nam có nghèo cực nhưng không có ai như thợ thuyền ở Tây phương, đến nỗi phải bán mình vì không còn gì khác ngoài mình để mà bán! Đã có đất riêng để tự sanh sống, thì phần tinh thần để hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, cũng được giải quyết thỏa đáng cho mọi người, không hề có sự phân biệt đối xử. Hầu hết, không làng nào không có vài ba ông đồ nho dạy học. Việc học không phải tốn kém lắm. Đã có quyền sống, quyền mở mang trí não, người dân nhờ ở tài đức được thêm quyền tham dự vào chánh sự.

Ở Việt Nam ngày nay, người dân lương thiện bình thường, nếu không phải là đảng viên đảng cộng sản, vẫn chưa đạt được địa vị của người dân dưới thời quân chủ cực thịnh về mặt nhơn quyền và dân quyền. Khi người cộng sản nổi lên ở Việt Nam, họ hô hào đánh Tây, đuổi Mỹ là để chiếm lấy quyền lực và nắm giữ quyền lực trong tay đảng cộng sản, chớ không phải vì Tây, Mỹ đã phá vỡ cái công thể Việt Nam ấy. Về phía người Việt Nam, không ai chấp nhận lệ thuộc ngoại bang, nên khi cộng sản hô hào giải phóng dành độc lập như một cám dỗ, toàn dân đã dấn thân tham gia kháng chiến, lòng họ bổng dưng tràn ngập hứa hẹn về một tương lai huy hoàng. Nhưng trong thực tế, toàn dân đã bị cộng sản Hồ chí Minh phản bội trắng trợn ngay khi chiến tranh giải phóng kết thúc.

Người Pháp đã phá vỡ chế độ công điền làm nảy sanh một lớp địa chủ mới giàu có, đồng thời làm xuất hiện một tình trạng xã hội mới, đó là sự bất bình đẳng. Để kiếm cách sanh sống ngoài thôn xóm, một số nông dân nghèo, không có đất đai canh tác phải chấp nhận rời xã thôn và gia đình. Hiện tượng này đã phá vỡ sự quân bình tâm lý ở người Việt Nam. Việc bốc người nông dân ra khỏi công thể, sau thực dân Pháp, được người cộng sản đẩy mạnh hơn bằng những đợt “giải phóng”. Khi ruộng đất của họ bị tập thể hóa thì người nông dân bị biến thành những cá nhơn đơn lẻ. Họ hoàn toàn bị đoạn tuyệt với nếp sống công thể cũ. Chẳng những họ sống trong sự mất quân bình tâm lý như dưới thời Pháp thuộc, mà họ còn bị vong thân vì phải sống theo đoàn lũ kết hợp bằng những cá nhơn rời rạc, thiếu mối dây liên kết đầy ấp tình người như trước kia. Người nông dân trong chế độ cộng sản không gì khác hơn là những «cu-li» nông nghiệp đi làm theo tiếng kiểng và lảnh lương theo chế độ chấm công.Sự sống thành đoàn lũ hay xã hội thợ thuyền có thể hiểu được ở Tây phương, vì ở đấy, ngày xưa, có nô lệ, tiếp tới nông nô thời Trung cổ, khi bước vào thời đại kỹ nghệ, có thợ thuyền làm việc ăn lương. Họ trải qua các giai đoạn lịch sử kéo lê cuộc sống vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa nào đó để giải phóng họ và đoàn ngũ hóa họ. Còn ở Việt Nam, có người Việt nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có giai cấp vô sản, không có chế độ phong kiến. Chỉ khi người cộng sản giải phóng nông thôn, chẳng những đấu tố địa chủ dã man, mà còn bần cùng hóa nông dân đến cùng cực. Ông Milovan Djilas viết: «Giai cấp mới, tức người cộng sản cầm quyền, đã thành công trong việc biến hóa các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhứt trong lợi tức của họ13». Ở Việt Nam, phong kiến và giai cấp vô sản, nếu có, thì phải bắt đầu từ khi cộng sản cầm quyền.

Khi người cộng sản “giải phóng” con người khỏi cảnh vong thân, kỳ thật họ làm điều trái ngược. Trước kia, dưới thời Pháp thuộc, họ chỉ bị vong thân có một, thì nay, họ bị người cộng sản nhận xuống thêm mấy độ sâu trong hố vong thân. Và tệ hại hơn nữa, người cộng sản không cho phép họ ra khỏi hố vong thân khi có cá nhơn nào đó chợt nhận ra được mình bị vong thân. Xét dưới ánh sáng văn hóa Việt Nam, thì khi nói giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, người cộng sản đã bỏ nội ngã của mình, rồi bỏ gia đình, sau đến bỏ quốc gia mà muốn đi thẳng đến quốc tế, nên họ xéo qua người thân yêu, bước lên đồng bào để đi phục vụ quốc tế vô sản14. Chúng ta nhận thấy ngay cái quốc tế đó, tự nó, đã thiếu nội dung chơn thật vì hoàn toàn rỗng nghĩa. Nó chỉ còn là danh từ che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia đình tan hoang, của cảnh đồng bào bị tàn sát tập thể oan uổng, của đất nước bị tụt hậu, nghèo đói, phá sản.

Như vậy, không thể nói chủ thuyết Mác-Lê là khoa học được, vì nó thiếu thực tiễn và không có khả năng đi vào tương lai. Riêng đối với Mác, cái thực tiễn mà Mác đã thu thập được chỉ có 75 ngày qua công xã Paris. Trước sau, chủ thuyết Mác-Lê mà cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo đuổi chỉ là những ước mơ trừu tượng hóa thực tiễn, nên khi va chạm thực tiễn liền bị đời sống phức tạp, đa dạng, với sức vận hành luôn luôn đổi mới mảnh liệt của xã hội đánh bại, vỡ tan ra từng mảnh như bọt bèo.

Nhận định về Mác và chế độ cộng sản chuyên chính, triết gia Mác-Xít trẻ tuổi người Ba Lan, ông Leszeck Kolakowski, cho rằng Mác là người mang nặng “nỗi ám ảnh quá khứ” theo nghĩa thần học. Cuộc cách mạng dân quyền và khoa học ở Âu Châu đã tách xã hội ra khỏi giáo quyền, khiến con người cứ hoài vọng trở về đời sống nhất quán nguyên sơ cũ, điều mà ông Leszeck Kolakowski gọi là “Huyền thoại về tự ngã nhơn loại”. Theo ông, chủ nghĩa Mác-Xít là một cố gắng thống nhứt trở lại các trật tự cũ đã mất về chánh trị, kinh tế, xã hội và tâm linh. Trong suy tư, Mác đã mơ về một nhơn loại hồn nhứt chỉ có ở thiên đường mà loài người đã đánh mất từ khi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Đây là một trạng thái tâm thần của một con người bị ám ảnh thần học về cội nguồn! Trong thực tế, chủ thuyết Mác được người cộng sản áp dụng để xây dựng một xã hội thuần nhứt, không có giai cấp, không người bốc lột người, vì mọi người làm việc tùy theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Xã hội của Mác như vậy chỉ là một thứ huyển tưởng. Mà dùng bạo lực triệt để của số đông nhằm biến huyển tưởng thành hiện thực là một tội ác tày trời.

Hồ chí Minh do thiếu học và thiếu suy nghĩ, đã chọn chủ nghĩa Mác-Lê áp dụng ở Việt Nam là một tội ác. Đảng cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo con đường Mác-Lê là tiếp tục dấn thân vào tội ác. Dù có nhơn danh thứ gì đi nữa, thì sự sụp đổ của cộng sản ở Liên sô và Đông Âu cũng đã quá đủ để tố cáo chủ thuyết Mác-Lê là hoàn toàn không có tính hiện thực khoa học, bởi nó không có giá trị áp dụng để xây dựng xã hội và phát triển đất nước. Hà nội nên khôn ngoan mà sớm từ bỏ cộng sản để tránh gây thêm tội ác với nhơn dân.

TINH THẦN DÂN CHỦ ĐẾN THỂ CHẾ DÂN CHỦ

–          TINH THẦN DÂN CHỦ DƯỚI CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ VIỆT NAM

Nói đến dân chủ không thể không đề cấp đến Hiến pháp, bởi chánh quyền dân chủ là một thể chế do dân lập ra để cai trị chính mình. Từ năm 1946, Việt Nam có tất cả 6 bản Hiến pháp, trong đó miền Nam có 2 bản: 1956 và 1967. Bản Hiến pháp 1946 chỉ có giá trị tài liệu văn khố, vì không được ban hành áp dụng. Các bản Hiến pháp sau đó của miền Bắc chỉ là công cụ cho phép nhà cầm quyền Hà nội đàn áp xã hội về mặt luật pháp để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị. Hai bản Hiến pháp của miền Nam dưới chế độ đệ I và đệ II Cộng hòa , tuy chưa xây dựng được cho miền Nam lúc bấy giờ một chế độ dân chủ đúng mức, nhưng cũng đã đặt được cho miền Nam một nền tảng tối thiểu của một chế độ dân chủ tự do. Như vậy, trước khi mất độc lập, Việt Nam chưa có một chế độ dân chủ nhưng không có nghĩa là quốc dân Việt Nam đã không hưởng được điều mà ngày nay người ta gọi là quyền công dân.

Dưới thời quân chủ, luật pháp của nhà vua chỉ nhằm ngăn cấm người dân làm những việc phương hại đến kỷ cương xã hội, mà không qui định và bảo vệ những điều mà người dân phải được hưởng theo như ngày nay chúng ta gọi là quyền. Mãi đến thế kỷ thứ 19, tiếng Quyền (Droit/Right) mới được du nhập vào Việt Nam qua ngã Nhựt Bổn. Và nhờ đó, chúng ta ngày nay có được từ ngữ quyền quen thuộc như nhơn quyền, dân quyền, quyền dân sự và chánh trị…

Dưới thời quân chủ Việt Nam, mặc dù chưa có tiếng quyền theo sự hiểu biết của ngày nay, người dân không vì thế mà hoàn toàn bị đặt dưới sự khống chế của những nhà lãnh đạo. Nền chánh trị Việt Nam lúc bấy giờ được xây dựng trên chủ trương là mọi người, từ vị thiên tử đến thứ dân, đều có nhiệm vụ phải chu toàn. Nếu chánh quyền làm tròn nhiệm vụ của mình thì người dân được hưởng điều mà ngày nay chúng ta gọi là quyền (nhơn quyền, dân quyền). Tuy đó chỉ là thứ quyền tiêu cực theo quan niệm luật học Tây phương sau này. Nhiệm vụ của nhà cầm quyền, tức nhà vua, gọi là thiên mệnh. Còn nhiệm vụ của thứ dân gọi là dân bản.

Theo tư tưởng chánh trị cổ thời đông phương, nhà lãnh đạo quốc gia là người được Trời chọn và ban cho cái mệnh, nhờ đó, người ấy có cái quyền sai khiến hết mọi người và trừng phạt những ai không tuân lệnh hoặc làm trái lệnh của mình. Quan niệm dân bản được hiểu dân là gốc của nước. Gốc có vững thì nước mới yên!

Tư tưởng thiên mệnh và dân bản dẫn đến chủ trương là nhà lãnh đạo quốc gia phải hết lòng phục vụ mọi người. Có được một nhà lãnh đạo làm tròn sứ mạng do Trời giao phó, thì dĩ nhiên muôn dân sẽ được sống yên vui thuận theo đạo lý. Trời theo dõi người thi hành thiên mệnh qua dân, nên “Trời thấy như dân thấy, Trời nghe như dân nghe”, bởi vì “Trời thương dân, nên ý dân là ý Trời15”. Nếu nhà lãnh đạo không làm tròn nhiệm vụ, mà còn cư xử hung bạo với dân, làm cho dân oán than thì Trời sẽ thể theo ý dân mà thu hồi cái mệnh đã ban cho.

 Về mặt cơ cấu, chế độ quân chủ thời xưa được chia ra làm nhiều thứ bực phân minh khác nhau theo thứ tự từ chí cao đến chí thấp. Ngôi vua được trao truyền theo lối thế tập. Những chức vụ và phẩm tước khác, người dân bình thường do tài đức qua thi tuyển mà có được. Từ đời nhà Lý (thế kỷ thứ 11- 13), những quan chức đều được chọn lựa trong từng lớp dân chúng qua các kỳ thi công cộng. Việc tổ chức thi cử và mở trường dạy học đã được các đời vua sau tiếp nối. Nên nhớ, việc mở trường dạy học thời ấy đã hoàn toàn tự do và miễn phí, miễn thầy dạy học không dạy điều gì phạm đến đạo lý. Người học giỏi chẳng những được tuyển dụng làm quan mà còn được xã hội trọng vọng.

Nhờ thế, ở thời quân chủ cực thịnh, mọi người dân Việt Nam bình thường đều có thể tham gia chánh sự nếu có tài đức. Sự bình đẳng và phổ quát về việc này được đề cao trong sách vỡ lòng dạy chữ nho cho trẻ con ngày xưa (Ấu học ngũ ngôn thi):

                            “Tướng tướng bản vô chủng

                              Nam nhi đương tự cường”.

(Các quan và tướng đều không phải thuộc một dòng giống nào. Vậy kẻ làm trai phải tự sức của chính mình mà đạt được16).

Chế độ quân chủ Việt Nam thời trước chẳng những quan tâm lắng nghe ý kiến của người khác, của cả dân chúng, mà còn khuyến khích việc phát biểu ý kiến. Từ đời nhà Lý trở đi, mỗi triều đại đều có lập những cơ quan có nhiệm vụ phê phán những sai trái của triều đình, gọi là Ngự sử Đài hay Đô sát viện. Ngoài ra, các quan chức khác hoặc thường dân cũng có quyền dâng sớ lên vua để bày tỏ ý kiến của mình. Ông Chu văn An dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần vốn là bầy tôi yêu quý của vua Dụ Tông (thế kỷ 14) nhưng không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn từ quan. Sau đó nhà vua mời ông ra giúp nước, ông vẫn từ chối. Thế mà nhà vua không xữ phạt ông như tội khi quân. Trái lại, nhà vua còn tỏ ý kính trọng lòng cương trực của bậc sĩ phu. Cho đến đời Minh mạng (thế kỷ 19) nhà vua nhiều lần ngỏ ý muốn nghe lời phê phán triều chính ngay thẳng của cấp dưới. Và quả thật, vua Minh Mạng đã nghe và đã tôn trọng những ý kiến chánh đáng của cấp dưói17.

Nhà vua Việt Nam phần lớn biết tôn trọng ý dân, lấy dân làm gốc, tức tôn trọng tinh thần dân chủ hay dân bản, quan tâm đến việc tổ chức sự cai trị dân dựa trên luật pháp. Nhờ đó mà những quyền lợi chánh đáng của dân được luật pháp bảo vệ. Mọi người không ai có thể vô cớ bị những kẻ có nhiều quyền thế áp bức. Về mặt này, Việt Nam có hai bộ luật được xữ dụng cho đến năm 1975 (với nhiều cải tiến), vẫn còn tồn tại đến ngày nay để có thể nghiên cứu học hỏi. Đó là bộ Quốc Triều Hình Luật, hay luật nhà Lê (thế kỷ 15-18) và bộ Hoàng Việt Luật Lệ hay Luật nhà Nguyễn (thế kỷ 19-20).

Hai bộ luật cổ này là sản phẩm của chế độ quân chủ nhưng lại chứa đựng một nội dung có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật pháp của Tây phương ngày nay. Theo đấy, án tử hình phải được nhà vua duyệt xét rồi mới thi hành. Vua Minh Mạng thường bảo các quan chức rằng mạng người rất quý nên các quan chức xử án phải xem xét mỗi án tử hình nhiều lần, dẫu cho nhà vua đã xem qua. Và phải tâu lại nếu thấy cò chỗ đáng nghi ngờ. Đặc biệt, phụ nữ không bị án tử hình18.

Các nhà vua thời trước còn cho phép và khuyến khích dân chúng đệ đơn kêu oan cho bản thân hay cho người trong họ. Người dân còn được phép đón đường vua đang đi để trình bày các nỗi oan ức của mình hoặc đạo đạt nguyện vọng chánh đáng của địa phương. Vua Minh Mạng đã cho đặt trống Đăng Văn để người dân có điều gì muốn trình tấu thì chỉ cứ việc đánh trống. Các quan chức Lục Bộ và Đô Sát Viện đi theo nhà vua để thu nhận mọi thỉnh nguyện hoặc ý kiến phê phán chánh sách cai trị của triều đình19.

Dưới thời quân chủ cực thịnh ở Việt Nam, người dân có quyền tự do đi học, đi thi và tham chánh. Về những quyền tự nhiên của con người, người dân được luật pháp quân chủ bảo vệ tương đối tốt khi nhà vua chu toàn thiên mệnh. Quan niệm về “thiên mệnh” và sự chu toàn thiên mệnh ở Đông phương thời xưa  nhắc nhớ lại lý thuyết chánh trị của Tây phương thời Trung cổ về “Minh Vương” (roi juste). Quan niệm “Minh Vương” được ghi vào luật Trung cổ như sau: “Nhà vua được chọn và tấn phong để đem lại công lý cho mọi người”. Đem lại công lý cho mọi người, tức cho toàn dân, là ý muốn nói nhà vua được chọn và tấn phong để phục vụ cho quyền dân sự. Theo quan niệm “Minh Vương” cũng như “Thiên mệnh” ở Việt Nam thì Nhà nước quân chủ, ngay từ khi ra đời, hành sử chức năng của vị “thẩm phán tối cao” và chính vì thế mà Nhà nước quân chủ được hiểu như được thiết lập trên cơ sở luật pháp. Như vậy, thuyết “Minh Vương” của thời Trung cổ Tây phương cho thấy luật pháp là đại diện cho chủ quyền quốc gia. Luật pháp thể hiện chủ quyền qua hành động của nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền – như nhà vua – tự tách rời khỏi luật pháp thì sẽ không còn là vị “Minh Vương” nữa, mà sẽ trở thành bạo chúa. Cũng như khi nhà vua không biết cai trị nghiêm chánh thì vương hiệu “vua” sẽ bị mất20. Ở Việt Nam thì “thiên mệnh” sẽ bị Trời thu hồi!

Lúc bấy giờ ở Tây phương và Việt nam vì quyền dân chủ chưa được biết đến nên chưa được thể chế hóa. Do đó, người dân chưa biết hành sử “quyền người dân” của mình như ngày nay mà thôi. Đời sống của họ, tốt hay xấu, hoàn toàn phụ thuộc vào tư cách cai trị của nhà vua.

DÂN CHỦ VÀ DÂN CHỦ NÀO?

–          Ý NIỆM CƠ BẢN VỀ DÂN CHỦ

Như đã trình bày trên đây, Việt Nam cho đến ngày mất nước, vẫn chưa có được một chế độ dân chủ hoàn chỉnh, tuy tinh thần dân chủ vẫn thể hiện rõ nét qua nếp sống văn hóa dân tộc, ngay cả dưới thời quân chủ.

Ngày mai này, khi chế độ cộng sản độc tài không còn nữa, người Việt Nam sẽ phải thiết lập cho mình một chế độ chánh trị dân chủ để cai trị đất nước, hầu giữ cho Việt Nam vĩnh viễn không còn bị một chế độ độc tài nào trở lại nữa. Khi muốn làm dân chủ, chúng ta nên học hỏi những kinh nghiệm lịch sử quí báu của các nền dân chủ Tây phương và Huê kỳ, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy sẽ giúp chúng ta thấu hiểu ba ý niệm cơ bản để xây dựng đất nước ngày mai. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ. Vậy:

        – những quyền bất khả nhượng là những “quyền tự nhiên của con người” mà mọi Nhà nước không thể tước đoạt và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta21. Đó là quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà nước. Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp đã nhơn danh những quyền này làm những cuộc cách mạng của họ, ngày nay đem lại cho họ một đất nước dân chủ tự do và phú cường.

–  Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.

–  Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân.

Chúng ta nên nhớ dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do người dân bị cai trị có kiểm soát được thường xuyên và hữu hiệu người cầm quyền cai trị mình hay không. Dân chủ như vậy thực sự chỉ là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bản của họ. Trong một chế độ dân chủ tự do, Nhà nước không gì khác hơn là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Quyền lực cho phép Nhà nước hành sử chức năng của mình mà không cho phép Nhà nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong chế độ dân chủ, luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia. Nói cách khác, dân chủ thật sự thì phải là dân chủ pháp trị.

–          NGỘ NHẬN VỀ DÂN CHỦ

Khi nói dân chủ, trong số những nguời Việt Nam ngày nay ở hải ngoại tranh đấu cho dân chủ, có người cổ súy dân chủ đa nguyên để nhằm phản bác lại thứ dân chủ mà cộng sản Hà nội đang hô hào xây dựng cho Việt Nam, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cụm từ “dân chủ đa nguyên” rất gợi hình, nên làm cho nhiều người tưởng tượng rằng trong nền dân chủ ấy, nhiều sự khác biệt được tôn trọng. Phải chăng phải “đa nguyên” mới nói lên đầy đủ những đặc thù về chánh trị, văn hóa, xã hội,… của một quốc gia? Còn đa nguyên dân chủ nữa? Nhưng, nếu suy nghĩ về mặt thể chế thì sẽ thấy “đa nguyên” lại không giúp hội ý được về cơ sở của một nền dân chủ. Như vậy, phải chăng khi nói “dân chủ đa nguyên” là muốn đem cái “dân chủ đa nguyên” ấy đối lập với “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà thường bị hiểu sai lạc là “dân chủ tập trung”? Thật ra không có dân chủ tập trung.

Theo người cộng sản, thì về thể chế chánh trị, đại loại chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau: kinh tế tư sản và kinh tế tập trung, tức kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, rõ ràng với người cộng sản không có “dân chủ tập trung” như bị hiểu sai lạc, mà chỉ có “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và tập trung dân chủ.

Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung để “chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung”. Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là “nguyên tắc cốt tủy” của đảng cộng sản trong lãnh đạo chánh trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà nước22. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhứt về tư tưởng, chánh trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.

Như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ chỉ là phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội dưới sụ lãnh đạo của đảng cộng sản, chớ hoàn toàn không có gì liên hệ đến quyền của người dân làm chủ đất nước và vận mạng của mình hết cả. Bởi dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ không tôn trọng nguyên tắc căn bản là chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nên người dân không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền và quyết định nhiệm kỳ cầm quyền. Thực tế ở Việt Nam ngày nay cho thấy người dân bình thường, không phải đảng viên đảng cộng sản chẳng những không có quyền tham gia chánh sự như dưới thời quân chủ, mà còn không có quyền phát biểu ý kiến khác hơn ý kiến của nhà cầm quyền. Những bản án những nhà dân chủ ở việt nam ngày nay như Ls Lê thị Công Nhân, Ls Nguyễn văn Đài, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn,… là bằng chứng điển hình. Những người này ở tù chỉ vì đã không biết “nghĩ trong những điều đảng nghĩ”!

Tóm lại, «dân chủ xã hội chủ nghĩa», «Dân chủ nhơn dân»,… đều không phải là dân chủ, mà đó chỉ là những mỹ từ trang điểm cho chế độ độc tài toàn trị theo ý hệ cộng sản. Dân chủ đa nguyên, tuy phản bác lại dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng chỉ mới đọng lại ở từng gợi hình mà thôi. Ta có thể nói dùng cụm từ “dân chủ pháp trị” để chỉ nền dân chủ thật sự, hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chánh trị của một chế độ dân chủ của dân và vì dân. Dân chủ pháp trị sẽ áp dụng ở Việt Nam để vĩnh viễn thay thế chế độ cộng sản ngày nay. Xây dựng cho Việt Nam một chế độ dân chủ chẳng những không xa lạ, mâu thuẫn với tinh thần truyền thống dân tộc, mà còn là mong đợi thiết tha của toàn dân ngày nay.

–          MỘT LIÊN BANG CHO VIỆT NAM

Về mặt tổ chức lãnh thổ, thiết tưởng nên tổ chức Việt Nam thành một Cộng hòa liên bang (Cộng hòa liên bang Việt Nam). Liên bang để thống nhứt đất nước trong sự tôn trọng những đặc thù địa phương do lịch sử để lại trên một lãnh thổ có chiều dài hơn 2000 km (dân số với mật độ khác nhau, tài nguyên, nhơn lực, không được phân phối đồng đều, nhiều vùng địa lý khác nhau…)

Cũng giống như tổ chức thể chế chánh trị, liên bang ở Việt Nam chắc chắn sẽ không tạo ra những xung đột xã hội, bởi nếu trở về đầu thế kỷ XIX, chúng ta sẽ thấy vua Gia Long đã tổ chức nước Việt Nam thành nhiều vùng nhằm đáp ứng những đặc tính tâm lý và địa phương khác nhau (miền Trung gồm 4 doanh, 7 trấn; miền Bắc gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn; miền Nam gồm 5 trấn). Lui về thời gian, xã thôn Việt Nam vẫn giữ được nhiều quyền tự trị đối với triều đình. Chánh quyền xã thôn hoàn toàn do dân chọn lựa theo tiêu chuẩn tài đức. Nhìn Việt Nam qua hệ thống xã thôn tự trị, người ta có cảm tưởng như đó là một liên bang xã thôn. Địa phương tản quyền, trung ương tập quyền. Tản mà hợp. Đây là sức mạnh dân tộc, bởi hạ từng cơ sở Việt Nam là một hệ thống hài hòa, sinh động, toát lên một tinh thần đoàn kết toàn dân đích thực!

KẾT LUẬN

Việt Nam hiện tại bị cai trị bởi một chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Thật bất hạnh! Nhưng trước đây, ai có thể nói Liên Xô và Đông Âu sẽ sụp đổ? Điều quan trọng là Việt Nam có một nền văn hóa chánh trị dân chủ đích thực. Người cộng sản, cả Hồ chí Minh, hoàn toàn không hiểu biết về văn hóa dân chủ, nên chế độ cộng sản đang cai trị Việt Nam không do người Việt Nam chọn lựa và chấp nhận, mà do cộng sản lợi dụng được hoàn cảnh lịch sử cướp chánh quyền, áp đặt lên đất  nước. Đó thật sự chỉ là tai nạn lịch sử nhứt thời. Mà quá trình cộng sản cũng đã kết thúc! Tai nạn lịch sử này sẽ phải được dẹp bỏ. Người Việt Nam sẽ cùng nhau tái lập dân chủ cho đất nước. Dân chủ được tái lập, tức dòng văn hóa Việt được khai thông. Sự tái lập sẽ được thể chế hóa theo hiến định.

Biến cố Đông Âu và Liên xô sụp đổ trọn vẹn sẽ giúp cho người Việt Nam, và nhứt là người cộng sản, rủ bỏ ảo tưởng rằng một khi đất nước bị cộng sản cai trị thì đời đời sẽ “cộng sản”, không ai có thể thay đổi được bởi mọi hiện tượng chống đối, phản kháng đều bị nhà cầm quyền độc tài dập tắt, đàn áp dã man. Người cộng sản Hà nội phải thấy những biến cố ở Đông Âu và Liên xô là những bài học quí báu về chuyển hóa đất nước từ cộng sản qua dân chủ mà không đổ máu. Những quốc gia cựu cộng sản này, ngày nay đã thực sự ổn định để bắt đầu hội nhập vào cộng đồng Âu châu và thế giới.

Đó là những tiền lệ lịch sử chánh trị, những tấm gương sáng về chuyển hóa dân chủ mà Hà nội cần sớm học hỏi để áp dụng. Ngày xưa nỗi nhục mất nước đã thôi thúc nhìều người dấn thân tranh đấu giành độc lập. Ngày nay, đất nước không có dân chủ, tức người dân không có chủ quyền trên đất nước của mình, cũng là một nỗi nhục lớn không khác gì nỗi nhục mất nước! Ý thức được nỗi nhục này sẽ thôi thúc mọi người, như trước kia, phải dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Bởi Việt Nam cần phải có dân chủ và phải có sớm, chẳng những có dân chủ để giúp động viên nội lực toàn dân phát triển đất nước, kịp sớm đưa đất nước thoát tình trạng khủng hoảng hiện nay, mà dân chủ còn giúp Việt Nam chủ động được trong mọi tình huống, nhứt là để đối phó với hiểm họa mất đất, mất chủ quyền quốc gia trước chủ trương bá quyền của phương Bắc. Dân chủ để mọi người Việt Nam tìm lại cho mình quyền làm một con người.

Hơn nữa, về mặt địa lý chánh trị, Việt Nam cần một chế độ dân chủ để hội nhập hài hòa với các nước dân chủ tự do trong vùng, tạo được niềm tin chánh trị bởi cùng một thể chế.

Ngày nay, Đông Nam Á vẫn còn là vùng tranh chấp, xung đột, làm trở ngại cho nhiều dự án phát triển của các quốc gia địa phương, do thiếu ổn định. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một nỗ lực lớn từ hơn bốn mươi năm nay, giúp các quốc gia hội viên trao đổi, hợp tác và phát triển. Nhưng ASEAN không đủ khả năng giữ vững quốc phòng chung, để có thể bảo đảm an ninh quân sự địa phương. Vì tầm quan trọng chiến lược vùng Nam Thái Bình Dương, mà một tổ chức có khả năng quốc phòng cao như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á ngày xưa (SEATO) cần sớm được các nước trong vùng bắt tay nhau vận động thành lập. Úc và Tân Tây Lan sẽ là hai nước có vai trò đem lại những nỗ lực đóng góp lớn và cụ thể, do đã có những liên hệ chặt chẽ và lâu đời với các quốc gia trong ASEAN.

Trước những nỗ lực an ninh và phát triển địa phương ấy, Âu châu và Huê kỳ chắc chắn sẽ không có lý do gì khác hơn để giữ thái độ thờ ơ mà không tích cực hợp tác. Vùng Đông Nam Á sẽ trở thành một khối có quốc phòng vững mạnh, giúp cho các quốc gia thành viên an ninh được bảo đảm, chỉ còn dồn nổ lực cho phát triển. Mọi âm mưu bá quyền sẽ không còn lý do để tồn tại.

 ___________________

Ghi chú

1        Trần văn Ân, Hình thành nền triết lý Nhà nước, Saigon, 1971.

2        Kim Định, Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, Saigon, 1969

3        Nguyễn đăng Thục, Vũ trụ Âm Dương, Sử địa số 5, Saigon, 1967.

4        Kim Định, sđđ.

4        Hồ sĩ Khuê, Hồ chí Minh, Ngô đình Diệm, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Văn nghệ, Huê kỳ, 1992.

6    Trần văn Ân, sđđ

7    Hồ sĩ Khuê, sđđ

8    Hồ sĩ Khuê, sđđ

9    Paul Mus, La sociologie d’une guerre, Paris,1952.

10   Paul Mus, sđđ

11   Mgr. Pugignier, Archives, MEP. Paris.

12   Bernard Fall, Les deux Vietnam, Paris, 1967.

13   Milovan Djilas, La nouvelle classe, Plon, Paris, 1962

14   Kim Định, Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, Saigon, 1967.

15  Thư kinh Châu thư, được Nguyễn ngọc Huy trích dẫn trong “ Địa vị Hồ chí Minh trong diễn tiến Nhơn-quyền ở Việtnam ” (Sự thật về thân thế và sự nghiệp), Nam Á, Paris, 1990.

16  Thư kinh Châu thư, Nguyễn ngọc Huy trích dẫn, sđđ

17  Nguyễn ngọc Huy, sđđ

18  Nguyễn ngọc Huy, Quốc triều Hình luật, Canada, 1988.

19  Minh Mạng chánh yếu, Nguyễn ngọc Huy trích dẫn, nt

20  Michel, Senillart, La théorie médiévale et la raison d’Etat, Paris, 1989.

21  Fitche, Considérations sur la Révolution française 1793, Paris.

22  Nguyễn tiến Phồn, Dân chủ và tập trung dân chủ, Hànội, nhà xb Chánh trị Quốc gia, 2001.

ANH… NHỚ MANG VỀ CHO EM.

Mai anh về
Nhớ lần theo con đường cũ
Ánh trăng thề, vẫn ấp ủ bờ đê
Hơn ba mươi năm rồi
Quê vẫn là quê
Đời lam lũ… khối “nhiêu khê” anh ạ.
Anh thoát đi
Được nhìn muôn thứ lạ
Em nơi nầy
Muôn kiếp lá thu rơi!

Mai anh về
Chớ cười nhé, anh ơi
Mong thông cảm cho những mảnh đời khó nhọc.

Đằng đẵng bao nhiêu năm
Ngút ngàn lừa lọc…
Em chứng nhân
Học gần đủ đau thương…

Ngày ấy anh đi
Lưu lại nỗi vấn vương
Em nghèo quá, chỉ còn đường lao động.

Mai anh về
Nhớ mang theo vùng trời cao đất rộng
Bù cho em một ước vọng.
Tự Do.

Hơn ba mươi năm
Em xin mãi
Chẳng ai cho!
Lòng cố đợi
Như thuở yêu
Mình hẹn hò anh ạ.

Mai anh về
Nhớ mang theo những thứ mà dân mình thấy lạ
Thứ ấy là Dân Chủ Tự Do
Những thứ mà gần cả đời, em xin mãi
Đảng chẳng cho!.
Nguyên Thạch

nguồn: http://nsvietnam.blogspot.fr/2014/06/anh-nho-mang-ve-cho-em.html

85 năm ra đời và 70 năm cầm quyền của ĐCS – Ts. Âu Dương Thệ

Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng cũng như 14 ủy viên còn lại trong Bộ Chính trị hãy thử bình tâm, gạt ra ngoài mọi ý thức hệ và quyền lợi, tự đặt mình như tất cả những Việt bình thường và nghiêm túc đặt một câu hỏi duy nhất thôi: Hàng triệu chiến sĩ và thường dân đã hi sinh trong các cuộc chiến từ 1945 và nay 90 triệu nhân dân VN có ai tưởng tượng được và mong muốn đất nước chúng ta một trăm năm sau lại giống hệt như thời thực dân Pháp trước đây?

Những gì người sáng lập chế độ toàn trị từng nghiêm khắc kết án sự tàn bạo, bóc lột, tham nhũng và bất công của chế độ thực dân Pháp gần 100 năm trước thì nay dưới chế độ toàn trị không chỉ vẫn như vậy mà nhiều mặt còn tồi tệ và dã man hơn!

Chống thực dân nhưng tại sao lại sao chép các chính sách của nó?

“Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có!”

Câu trên của ai? Chính là của Hồ Chí Minh, người sáng lập chế độ toàn trị ở VN. Ông đã kết án nghiêm khắc chế độ thực dân tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Xã hội Pháp năm 1920,  Nghĩa là đã gần một thế kỉ trước đây ông Hồ đã kết án  chính sách của thực dân Pháp thủ tiêu các quyền tự do căn bản ở VN và hứa, nếu cầm quyền thì để nhân dân được quyền tự do báo chí, cũng như các quyền tự do căn bản khác!

Nhưng 95 năm sau tại Hội nghị trung ương 10 (1.2015) Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước… dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” và “không để tư nhân sở hữu báo chí”. Trong thực tế, hiện nay trên 800 tờ báo, đài và trên 18.000 người viết báo đều dưới quyền chỉ huy của Ban Tuyên giáo trung ương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các người cầm bút lề đảng bị bẻ cong ngòi bút. Chính vì thế, gần đúng một thế kỉ sau nhân dân VN vẫn bị đàn áp tư tưởng, không có tự do báo chí, tự do ngôn luận; các quyền lập hội, hội họp, biểu tình cũng vẫn không có! Nghĩa là chế độ toàn trị hiện nay không khác nào chế độ thực dân Pháp một thế kỉ trước!

Cũng gần một trăm năm trước người sáng lập chế độ toàn trị cũng kết án gay gắt chính sách thuộc địa ở VN của thực dân Pháp bóc lột nhân dân và tài nguyên VN chỉ “để làm giàu cho một số cá mập!” Nhưng gần 100 năm sau số cá mập đỏ mọc ra như rươi trong chế độ toàn trị do ông Hồ xây dựng lên. Chính Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, đã phải nhìn nhận sự tung hoành của bọn cán bộ tham quan như “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”. Từ những vụ tham nhũng khủng PMU18 chui cả vào gia đình Tổng bí thư thời Nông Đức Mạnh-Phan Văn Khải, cả các cơ quan trong đảng, bộ Công an, bộ Giao thông vận tải…; đến các vụ khủng khiếp hơn là Vinashin, Vinalines dưới quyền của  Nguyễn Tấn Dũng, làm ngân sách quốc gia mất nhiều tỉ Mĩ kim. Chưa kể đến nhiều Ủy viên trong  Bộ Chính trị,  Ban bí thư, Trung ương đảng và các quan đỏ ở các địa phương chiếm đất xây biệt thự nguy nga, biến nhà công thành nhà ông, cho con cái vào các chức vụ quan trọng hay những nơi hái ra tiền. Mới chỉ một số vụ được khui ra. Như hai con trai và con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tương đối còn trẻ nhưng đã được cử vào các chức vụ cao ở hai tỉnh, hay đang là triệu phú Dollar cầm đầu ngân hàng. Các con trai của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Ủy viên   Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi cũng vậy. Gần đây trong chiến dịch trả thù và tranh phần giữ ghế trong Đại hội  12 giữa phe bảo thủ giáo điều và các nhóm lợi ích ở cấp chóp bu, họ còn tung tin Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh…. cho vợ con, vây cánh thao túng nhiều doanh nghiệp nhà nước… Mặc dù  Nguyễn Tấn Dũng vừa hô hoán đòi phải thông tin kịp thời và chính xác, nhiều đảng viên kêu gọi phải công khai làm rõ các vụ này để biết đúng sai, nhưng từ các đương sự tới các cơ quan có trách nhiệm cả trong đảng lẫn chính phủ đều im thin thít.

Các vụ tham nhũng gần đây được khui ra của cựu Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền hay cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội  Hoàng Văn Nghiên dưới thời  Nguyễn Phú Trọng- Nguyễn Tấn Dũng… chỉ như phần nổi của tảng băng mà thôi! Tình trạng cán bộ từ cấp cao trở xuống tham nhũng tài sản công, xà xẻo tiền bạc hàng tỉ Dollar từ các công trình xây dựng đường xá, cầu cống có nguồn vốn từ ODA nổi tiếng trên thế giới. Mới đây tại hội nghị quốc tế “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” ngày 20.1.15 đã cho biết, VN đứng thứ 2 trong số 20 nước diễn ra tham nhũng nhiều nhất trong việc sử dụng vốn ODA.

Chính ông Trọng đã phải nhìn nhận công khai trước Hội nghị Cán bộ toàn quốc vào cuối tháng 2.2012 về sự mất đạo đức, bán rẻ lương tâm của cán bộ càng tăng cả số lượng lẫn chất lượng:

“Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ;… đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”

Năm 1922 Hồ Chí Minh còn vạch tội thực dân Pháp: “Nếu bọn thực dân Pháp rất vụng về trong việc phát triển nền kinh tế ở thuộc địa, thì họ lại là những tay lão luyện trong nghề đàn áp dã man và trong việc chế tạo ra cái lòng trung thành bắt buộc.” Nhìn vào xã hội VN gần một thế kỉ sau thì sao lại giống nhau một cách lạ lùng đến như thế. Trên 60 năm theo mô hình kinh tế XHCN, hiện VN là một nước nghèo đói, tụt hậu, hàng bao nhiêu triệu công nhân chỉ vẫn làm gia gia công, cái đinh ốc cũng không tự làm được, năng suất lao động chỉ bằng 1/16 của Singapore!

Nhưng cũng như thực dân Pháp trước đây, hiện nay bộ máy công an của chế độ toàn trị đàn áp còn tàn bạo, tinh vi, quỉ quyệt hơn. Từ 1954 chế độ toàn trị đã bỏ tù hàng triệu người trong các trại giam qua các cuộc khủng bố trong phong trào Cải cách Ruộng đất theo gương Mao, vụ Nhân văn Giai phẩm, trong các trại cải tạo; đẩy mấy triệu đồng bào thành những thuyền nhân, hàng trăm ngàn đã bị vùi thây trên biển. Hiện nay họ không chỉ tiếp tục ruồng bố, bắt giam những người khác chính kiến, các thanh niên và phụ nữ dân chủ, còn để công an đóng vai du côn đánh nông dân, công nhân, thanh niên và trí thức biểu tình, làm những hành động vô giáo dục và mất lương tri, như giựt các vòng hoa thăm viếng những người dân chủ bị giết hại! Nếu tính theo đầu người thì có lẽ VN đang đi đầu thế giới về lực lượng công an, số thứ trưởng và các tổng cục trong bộ Công an đang lạm phát và số tướng Công an thì đang mọc như nấm!

Cũng như thực dân Pháp một thế kỉ trước đây bắt người Việt “trung thành bắt buộc”, như HCM đã nhận xét, nay từ  Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh đến Trần Đại Quang… đòi quân đội, công an phải trung thành tuyệt đối với đảng. Trong dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân  Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh cực kì sai lầm là “bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.”  Trên thế giới ngày nay ngoài Trung quốc, Cu ba, Bắc Hàn và VN có còn nước nào đòi đặt quân đội và công an của một quốc gia phải trung thành muôn đời với một đảng? Vài hôm trước họ còn cho các cán bộ đầu đàn Tuyên giáo mở trực tuyến trên tờ CS điện tử với chủ đề “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” để ru ngủ và dọa nạt thanh niên phải trung thành với đảng nhân dịp 85 năm ra đời của ĐCS!

Nói tóm lại, những gì gần 100 năm trước người sáng lập chế độ từng cương quyết tố cáo, kết án chống chế độ thực dân Pháp và long trọng hứa trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 là sẽ làm hoàn toàn khác, rồi tuyên truyền xô đẩy mấy triệu nhân dân ta vào các cuộc chiến, nhưng 100 năm sau hiện thực của xã hội VN ngày nay dưới chế độ toàn trị lại là bức tranh của VN thời thực dân Pháp 100 năm trước! Nhiều mặt còn tồi tệ và tàn bạo hơn! Tại sao? Vì đâu nên nỗi?

Lý thuyết gia Nguyễn Phú Trọng gần 20 năm ngồi trong Bộ Chính trị và  4 năm làm Tổng bí thư giải thích ra làm sao? Nguyễn Tấn Dũng cũng gần 20 năm ngồi trong Bộ Chính trị và gần 10 năm làm Thủ tướng trả lời thế nào? Có thấy bức tranh vân cẩu tang thương của xã hội thời XHCN lại cũng chính là bức tranh vân cẩu tang thương thời  thực dân Pháp một thế kỉ trước, thậm chí nhiều lãnh vực còn tồi hệ và dã man hơn! Có biết tại sao   Bộ Chính trị đã đưa không biết bao nhiêu nghị quyết chống tham nhũng, nhưng tham nhũng lại ngày càng mọc ra như nấm, như rươi?  Nguyễn Phú Trọng chưa đánh đã run sợ “gây thù oán”; thậm chí cuối cùng đã phải đầu hàng và than thở là đánh chuột sợ vỡ bình! Có biết tại sao, miệng vẫn tuyên bố đất nước độc lập nhưng cứ phải cúi đầu và khấn thần chú “16 chữ vàng” và “bốn tốt”, tuy thế người “Bạn” Bắc kinh vẫn ngang ngược tung hoành trên biển Đông chiếm đảo, tài nguyên và giết hại ngư dân VN? Trong khi ấy vì những động cơ nào Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu chế độ toàn trị, lại vẫn hồ hởi gọi những người cầm đầu Bắc kinh là “Bạn”, nhưng lại kết án trí thức, chuyên viên, phụ nữ và thanh niên chống sự xâm lấn của Bắc kinh là “lực lượng thù địch” ? Vì động cơ nào  Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu chính phủ đã hùng hổ tuyên bố “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh”, nhưng lại rót số tiền khủng vào bộ máy công an đàn áp dân lành?

Hai ông Trọng và Dũng cũng như 14 ủy viên còn lại trong Bộ Chính trị hãy thử bình tâm, gạt ra ngoài mọi ý thức hệ và quyền lợi, tự đặt mình như tất cả những Việt bình thường và nghiêm túc đặt một câu hỏi duy nhất thôi: Hàng triệu chiến sĩ và thường dân đã hi sinh trong các cuộc chiến từ 1945 và nay 90 triệu nhân dân VN có ai tưởng tượng được và mong muốn đất nước chúng ta một trăm năm sau lại giống hệt như thời thực dân Pháp trước đây?

Những gì người sáng lập chế độ toàn trị từng nghiêm khắc kết án sự tàn bạo, bóc lột, tham nhũng và bất công của chế độ thực dân Pháp gần 100 năm trước thì nay dưới chế độ toàn trị không chỉ vẫn như vậy mà nhiều mặt còn tồi tệ và dã man hơn!

Vì đâu nên nỗi?: Kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới chế độ toàn trị

Từ gần 30 năm nay chế độ toàn trị vẫn ngang ngạnh chỉ đổi mới một chân trên kinh tế, còn chân chính trị vẫn giữ độc đảng. Vì thế chính sách kinh tế đổi mới được gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mục tiêu của chính sách này là, sử dụng các tập đoàn và tổng công ti như  người nuôi bò lấy sữa làm kế sinh nhai. Tức là các Doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ không chỉ cung cấp cho đảng nguồn tài chánh để đảng dùng làm phương tiện hoạt động; không những thế nó còn là công cụ ngăn cản không cho kinh tế tư nhân vươn lên trở thành đối trọng đe dọa kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện hai mục tiêu này để đảng vẫn nắm độc quyền trong chính trị và thống soái trong kinh tế. Họ tin rằng đây là thần dược, một sách lược khôn ngoan để trụ vững chế độ trong giai đoạn hiểm nghèo sau khi Liên xô sụp đổ.

Thực hiện chủ trương mà họ tự vỗ ngực là sáng suốt này trong mấy thập niên qua, nên kinh tế nhà nước, tức các tập đoàn và tổng công ti nhà nước giữ quyền chủ đạo, nghĩa là nắm giữ toàn bộ các lãnh vực kinh tế then chốt, các huyết mạch chính. Các Doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều đặc ân trong vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, thả cửa sử dụng mặt bằng và các hạ tầng cơ sở; các hội đồng quản trị do các cán bộ cầm đầu không dựa trên khả năng chuyên môn, nhưng trên vây cánh và chạy chọt theo tiêu chuẩn  „Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ !”. Các cơ quan kiểm tra của đảng, chính phủ và quốc hội chỉ tới quan sát như người cưỡi ngựa xem hoa! Đặc biệt, gần 10 năm qua dưới thời  Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cũng là giai đoạn bùng phát mạnh nhất, lạm dụng khủng khiếp ngân sách công và cực kì phí phạm tài nguyên quốc gia của các tập đoàn và tổng công ti nhà nước.

***

Nền kinh tế thị trường chỉ thành công trong các xã hội dân chủ đa nguyên, khi qui luật cạnh tranh được đặt dưới sự kiểm soát và chế tài chặt chẽ của các cơ quan công quyền độc lập, phải công khai các ngân sách đầu tư, chi thu.. và báo chí độc lập theo dõi. Nghĩa là nếu không có sự cạnh tranh giữa các chính đảng đối lập, không có các cơ quyền công quyền độc lập, không có báo chí tự do và các tổ chức dân sự độc lập thì áp dụng Kinh tế thị trường là một đại họa cho đất nước!

Tình hình hiện nay gần 30 năm áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường trong chế độ độc đảng, vắng bóng mọi cơ chế kiểm soát độc lập và công khai đã dẫn tới hậu quả cực kì độc hại là: Để cho các cán bộ có quyền lực từ trung ương tới địa phương tự do thao túng, đúng là cách gởi trứng cho ác! Một qui luật chung ai cũng biết, khi tiền bạc, đất đai và tài sản công không được qui định chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt thì là cách tốt nhất cho lòng tham không đáy bộc phát và lợi dụng. Vì vắng bóng các định chế căn bản này, nên khi áp dụng Kinh tế thị trường định hướng XHCN  thì chính chế độ độc đảng tạo ra những điều kiện tốt nhất để hình thành các nhóm lợi ích ích kỉ cấu kết với nhau, bảo vệ nhau trong việc bòn rút tài sản công, tự do tham nhũng. Sau một thời gian nhất định khi thu vén được tài sản kếch xù thì các nhóm lợi ích này sẽ lũng đoạn không chỉ trong kinh tế mà còn lũng đoạn cả trong chính trị, giáo dục, văn hóa. Chính lúc này ĐCSVN đang rơi vào hoàn cảnh đen tối này! Nó đang trở thành nạn nhân của chính nó!

Sau gần 30 năm thực hiện Kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới chế độ độc đảng, cuối cùng đã dẫn tới tình trạng, thay vì các tập đoàn kinh tế và tổng công ti nhà nước là những con bò sữa nuôi đảng, giúp đảng độc quyền, thì nay đang biến thái trở thành những con bò sữa nuôi bọn quan tham nhũng. Bọn này dựa vào đảng, nhân danh đảng và nhân dân, ỷ vào quyền lực cao để làm giầu riêng rất nhanh cho bản thân, gia đình và vây cánh. Nay chính bọn này đang phá tan hoang đảng và chế độ. Mới ba năm trước  Nguyễn Phú Trọng đã lo sợ „Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?” Nhưng không còn phải là chuyện mai kia nữa mà nó đang đứng sờ sờ trước mắt! Nay các nhóm lợi ích đã thấy đủ mạnh, nên quyết ra tay phá tan các kế hoạch Tự phê bình và phê bình, chỉnh đảng, tới chống tham nhũng của  Nguyễn Phú Trọng từ suốt 4 năm qua. Phe bảo thủ cực đoan của  Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thua chạy dài đến nỗi tại  Hội nghị trung ương 10 vào đần tháng1.2015 không cả dám công khai công bố kết quả việc bỏ phiếu tín nhiệm các ủy viên   Bộ Chính trị và  Ban bí thư, vì họ lẹt đẹt đứng sau những người của các nhóm lợi ích.

***

Tâm lý tham tiền, tham quyền là mặt trái của con người, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, qui luật này vượt không gian và thời gian.  Một trong những nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường là qui luật cạnh tranh. Nhưng nếu để nó tự do cạnh tranh sẽ dẫn tới tình trạng cá lớn nuốt cá bé theo luật rừng xanh. Tình trạng này đã diễn ra dưới thời độc tài vua chúa cấu kết với bọn tư bản tài phiệt trên hai thế kỉ trước. Nó dã dẫn tới bóc lột, tham nhũng, bất công, bạo loạn và cuối cùng ở nhiều nơi sức mạnh của đồng tiền đã đánh tan chế độ phong kiến để sinh ra chế độ tư bản rừng rú của bọn tài phiệt. Tại VN hiện nay nó cũng sắp sửa đánh sập chế độ toàn trị.

Chính vì thế nhiều trí thức, các nhà khoa học xã hội và chính trị gia trên thế giới có trách nhiệm đã nhận ra  mặt trái của Kinh tế thị trường. Họ thấy rằng, Kinh tế thị trường chỉ có thể là đòn bẩy để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đại đa số nhân dân, nếu qui luật cạnh tranh được thực hiện trong công bằng và dưới sự kiểm soát chặt chẽ, công khai của các cơ quan công quyền độc lập và của  toàn xã hội. Chính những cuộc vận động và đấu tranh của nhân dân ở nhiều nước Âu châu và Mĩ đã nổ ra các cuộc Cách mạng Dân quyền và Nhân quyền ở Pháp (1789) và Mỹ (1776) và mở ra thời đại của các chế độ dân chủ đa nguyên, chấm dứt màn đêm của thời kì trung cổ phong kiến man rợ.

Trong các thế kỉ tiếp theo nhiều xã hội Tây phương đã bền bỉ cải thiện Dân chủ đa nguyên với những đặc tính tam quyền phân lập, báo chí độc lập, kinh tế thị trường, pháp trị thay cho nhân trị. Chính được xây dựng trên những cơ sở lành mạnh này nên đại đa số nhân dân những nước theo Dân chủ đa nguyên từ lâu đã được hưởng đời sống sung túc, các quyền tự do dân chủ căn bản được triệt để tôn trọng. Nhiều nước Dân chủ đa nguyên dẫn đầu trong các bảng tổng kết hàng năm về lợi tức đầu người, tôn trọng nhân quyền, tự do báo chí và bộ máy công quyền trong sạch vắng bóng tham nhũng. Trong khi ấy chế độ toàn trị theo Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN từ năm này sang năm khác vẫn rơi vào loại những nước đội sổ trên tất cả các lãnh vực trên!

Nói tóm lại, Xã hội không có cạnh tranh (cả trong kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, khoa học) là xã hội xuống dốc, tụt hậu. Nhưng xã hội cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới thối nát, tham nhũng, bất công. VN đang rơi cả vào hai đại họa này, vì phải sống dưới chế độ độc tài toàn trị mà lại áp dụng Kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó các doanh nghiệp nhà nước giành đặc lợi, đặc quyền!

Chuyện Đảng của những anh khùng-khờ và những con lật đật

Cặp đôi kinh tế thị trường và độc đảng có thể ví như cho rồng sống chung với rắn độc, đẻ ra những quái thai, những con yêu tinh, rất ranh ma quỉ quyệt. Đó là bọn tham quyền nuôi ảo tưởng chỉ muốn khư khư giữ độc quyền để thực hiện thế giới đại đồng không tưởng. Còn bọn kia chỉ ham tiền, chỉ muốn bấu xấu, muốn lợi dụng quyền lực để làm giầu bất chính cho bản thân, gia đình và bè cánh. Sự thỏa hiệp giữa họ với nhau chỉ có tính cách giai đoạn. Cả hai bọn này giống nhau ở điểm quan trọng là đều muốn độc quyền, nên sẵn sàng sử dụng bạo lực và các thủ đoạn tàn bạo để đàn áp những ai chống lại.

Sau trên 60 năm chuyên quyền độc đoán và gần 30 năm theo Kinh tế thị trường định hướngXHCN đã hình thành hai loại cán bộ chính đang thao túng bộ máy đảng và nhà nước. Nếu căn cứ vào đặc tính và thái độ thì có thể tạm đặt tên cho hai loại cán bộ này là «những anh bảo thủ giáo điều  đến mức khùng-khờ» và «những con lật đật» chọn thái độ ở bầu thì tròn ở ống thí dài!

Vì thờ chủ nghĩa Marx-Lenin như Kinh Thánh, như «đũa thần», lẫn lộn chính trị với tôn giáo, nên những người bảo thủ đã cung kính và trung thành chủ nghĩa này đến mức như những người khùng hay khờ khạo, tùy theo cách nhìn. Tuy thế giới đã thay đổi triệt để từ khoa học, kinh tế, chính trị tới an ninh, cả Liên xô và các nước CS Đông Âu cũng đã tan rã, nhưng họ vẫn tung hô Tuyên ngôn CS ra đời  từ 1848 và tin vào thế giới đại đồng!

Những cán bộ bảo thủ giáo điều lo sợ mất đảng còn hơn mất nước, đến nỗi sẵn sàng mời cả Đỗ Mười một người từng bị bệnh tâm trí điên khùng và nhiều lần đã có những chính sách cực kì sai lầm hết làm Thủ tướng rồi lại lên cả Tổng bí thư và sau này trong nhiều năm vẫn còn đứng sau giựt dây! Đại diện tiêu biểu nữa của họ là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi thăm Cuba đã từng cất tiếng khuyên Cuba và VN tiếp tục làm những người lính hai bên bờ Thái bình dương thay nhau canh giữ cách mạng thế giới!

***

Nhưng giáo điều bảo thủ tệ hại nhất phải nói tới đương kim Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ông rất lú lẫn, nói trước quên sau, nhưng ông vẫn ngồi trong Bộ Chính trị từ  gần 20 năm nay và trên 4 năm còn nắm chức Tổng bí thư.  Nguyễn Phú Trọng bảo thủ đến mức chống lại cả các quyết định của   Đại hội đảng và Trung ương đảng. Tại Đại hội 11 (1.2011) có hai phương án đã được đưa ra thảo luận và biểu quyết về sở hữu đất đai. Phương án 1 của phe Nguyễn Phú Trọng đưa ra ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu’ và Phương án 2 của các đảng viên tiến bộ “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Khi đó Phương án 1 chỉ được 472 phiếu đồng ý (34,3%), nhưng Phương án 2 lại được đa số áp đảo với 895 phiếu đồng ý (65,04%). Như vậy chủ trương ‘chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất’ đã bị Đại hội 11 bác bỏ!”

Nhưng ngày 19.11.11 tại cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Tổng bí thư, khi được hỏi về việc này Nguyễn Phú Trọng tuy nói là ‘chấp hành’ quyết định của Đại hội, nhưng liền đó lại phủ nhận ngay và ngụy biện với việc dùng cụm từ ‘duy trì kinh tế thị trường theo định hướng XHCN’:

‘Đại hội biểu quyết như thế nào thì chúng ta phải chấp hành, theo ý chí của toàn đảng nhưng không làm ảnh hưởng đến chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, duy trì kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.’

Nghĩa là ‘chế độ công hữu’ trong đất đai vẫn được duy trì, mặc dù trái với quyết định của Đại hội  11. Vì thế đến nay nhân dân vẫn bị tước đoạt quyền tư hữu về đất đai!

Do cực đoan bảo thủ nên tại  Hội nghị trung ương 10 đầu tháng 1.2015  Nguyễn Phú Trọng lại công khai chống lại quyết định rất quan trọng của Trung ương đảng lần thứ 2. Thật vậy, Thông báo  Hội nghị trung ương 10 đã minh thị quyết định:

‘Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới’.

Trước đó, khi ‘xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới’  Hội nghị trung ương 10 cũng đã đi tới quyết định chung được ghi trong nhiệm vụ thứ 12: ‘(12) Quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị’.

Như vậy Hội nghị trung ương 10 đã đi đến một đồng thuận chung rất rõ ràng là, lần đầu tiên công khai ghi rõ một chủ trương cực kì quan trọng, đó là từ Đại hội  12 trở đi phải thực hiện nghiêm túc và triệt để cả ‘đổi mới chính trị’. Điều này phải hiểu là từ Đại hội  12 trở đi chế độ độc đảng phải nhường bước cho chế độ đa đảng. Không ai có thể hiểu cách khác được!

Nhưng Thông báo  Hội nghị trung ương 10 chưa ráo mực thì trong diễn văn bế mạc  Nguyễn Phú Trọng đã vội vàng ngang ngược phủ nhận và giải thích hoàn toàn ngược chiều quyết định tối quan trọng và sáng suốt của Trung ương đảng: ‘Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta’.

Đây là lần thứ hai ông Trọng đã đạp lên quyết định của Đại hội và Trung ương đảng. Khi người cầm đầu đảng coi thường các quyết định của Đại hội và Trung ương đảng thì không có gì đáng ngạc nhiên Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng bị thất thế và thua dài trong các Hội nghị trung ương các năm vừa qua. Trung ương đảng đã khước từ không đồng ý yêu cầu của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đòi kỷ luật Nguyễn Tấn Dũngg trong  Hội nghị trung ương 6 (10.2012); khước từ không bỏ phiếu cho hai ứng cử viên do Nguyễn Phú Trọng đề nghị vào Bộ Chính trị  tại  Hội nghị trung ương 7 (5.2013). Tệ hại nữa là trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại  Hội nghị trung ương 10 ông Trọng và một số người thân tín trong Bộ Chính trị đã thua xa cánh của các nhóm lợi ích. Chính vì thế Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh không cho công bố công khai kết quả cuộc bỏ phiếu này, mặc dầu trước đó ông đã hứa. Nguyễn Phú Trọng đã sợ trước sự thật và không tin cả vào những gì mình nói, rõ ràng đã tự đánh mất tư cách. Hơn bốn năm làm Tổng bí thư nhưng tất cả các dự án quan trọng đều thất bại, vì uy tín quá thấp và không tự lường được năng lực quá yếu của mình… Đó là những nguyên nhân chính dẫn ông đến thất bại liên tục, khiến cho phe bảo thủ giáo điều đang bị thất thế nghiêm trọng, nhiều cán bộ từng kỳ vọng nay cũng đang thất vọng.

***

Nhờ thế phe các nhóm lợi ích mới đang bung ra mạnh. Như ở phần trên đã phân tích, phe nhóm lợi ích đang phát lên dưới thời áp dụng Kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt bùng phát dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng. Đặc điểm của phe nhóm này là tìm mọi cách kết hợp với nhau để chia phần giữ ghế, từ những cơ quan cao nhất trong đảng như   Bộ Chính trị, Trung ương đảng, các bộ và ban trung ương tới các cơ quan đảng ủy ở các thành phố và tỉnh. Khi cần thiết họ có thể nín hơi, ngậm miệng, nhiều khi tạm nhịn cả ăn nữa. Như  Nguyễn Tấn Dũng vừa ra lệnh giảm các đoàn của chính phủ mượn tiếng đi thăm viếng nước ngoài để chuyển tiền và mua hàng ngoại; thậm chí còn giảm nhập cảng xe hơi, hứa giảm biên chế các bộ… Nhưng đây chỉ là dàn cảnh tạm thời, khi Đại hội  12 xong vào đầu năm tới thì đâu lại vào đấy! Các bộ lại lạm phát thứ trưởng; các cục, các vụ… mọc thêm như nấm; các tập đòan và tổng công ty nhà nước càng trở thành sân sau béo bở cho gia đình và vây cánh hơn nữa. Tuy nhiên khi cơ hội thích hợp họ lại rất thích nổ để mua dư luận. Nguyễn Tấn Dũng đã từng tuyên bố nẩy lửa trong vụ công an Hải phòng cưỡng chế đất đai của nông dân Đoàn Văn Vươn đầu 2012, trong Thông điệp năm mới 2014 ông hô hoán “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh”, trong vụ giàn khoan HD 981 giữa năm 2014 ông dõng dạc nói không nghe lời viển vông của  Bắc kinh… Nhưng cũng chỉ như người hát dạo vung kiếm chém nước cho vui!

Thái độ của những cán bộ cấp cao trong các nhóm lợi ích giống như hình ảnh của con lật đật, vừa ngã xuống lại đứng lên nhanh, lần sau mạnh hơn lần trước, sẵn sàng làm trò cười không biết mệt, không biệt ngượng. Người đại diện tiêu biểu nhất của loại cán bộ thuộc các nhóm lợi ích đang bung lên ở trong đảng chính là Nguyễn Tấn Dũng. Trong các năm qua với tư cách là Thủ tướng, mỗi khi bị Bộ Chính trị, Trung ương đảng hay nhân dân tấn công thì ông Dũng lại đóng bộ mặt nghiêm nghị, ăn năn xin lỗi bề ngoài, nhưng thực tình thì ông lại bố ráp để quật lại các đồng chí ngay trong Bộ Chính trị. Còn bên ngoài xã hội thì ông Dũng cô lập và miệt thị trí thức và đàn áp những người dân chủ!

Sách lược xảo quyệt này  Nguyễn Tấn Dũngg đã thành công nhiều lần. Nổi tiếng đầu tiên là trong vụ Vinashin làm tổn hại ngân sách trên 4,5 tỉ Dollar vào giữa năm 2010 không lâu trước Đại hội 11. Khi ấy vị thế chính trị của ông đang bị lung lay ngay cả trong Bộ Chính trị. Cho nên  ngày 24.11.2010 trong tư cách là Thủ tướng, ông Dũng đã công khai xin lỗi:

‘Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ.’

Và ông Dũng còn long trọng hứa trước Quốc hội:

‘Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức vụ, trách nhiệm được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị’.

Nhưng sau khi các phe thỏa hiệp chia ghế với nhau xong, Nguyễn Tấn Dũng được ngồi lại trong Bộ Chính trị và Thủ tướng, nên đã không ngại ngùng phủ nhận lời xin lỗi và nhận trách nhiệm của mình:

“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.

Lần thứ hai là khi phong trào chỉnh đảng với Tự phê bình và phê bình của  Nguyễn Phú Trọng lên tới cao điểm, Nguyễn Tấn Dũng đang bị hầu hết các ủy viên   Bộ Chính trị bao vây, nên ngày 22.10.12 ông Dũng cũng rất trịnh trọng  xin lỗi trước Quốc hội:

‘Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.’

Nhưng sau khi ông đã phá tan kế hoạch của cánh bảo thủ tìm cách hạ ông tại  Hội nghị trung ương 6, ngày 14.11.12 Nguyễn Tấn Dũng đã phủi sạch trách nhiệm cá nhân và đổ lỗi cho tập thể Bộ chính trị và cho Đảng trong vụ Vinashin cũng như những thất bại trong việc chỉ đạo các tập đoàn và tổng công ti nhà nước:

‘Đảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội’.

Hai lần ra trước Quốc hội xin lỗi, rồi hai lần phủ nhận lời xin lỗi của mình,  Nguyễn Tấn Dũng đúng là con lật đật đầu đàn! Nhưng rõ ràng qua đó ông Dũng đã tự bộc lộ bản chất tráo trở, bịp bợm không còn biết tự trọng của một người cầm đầu chính phủ!

Đáng để ý ở đây là lối lí luận cực kì ngụy biện tìm cách bào chữa để trốn tránh trách nhiệm cá nhân và đổ lỗi tất cả cho người khác của  Nguyễn Tấn Dũng: ‘Đảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội’.

Cách nói này làm người ta nhớ lại chuyện ngụ ngôn phương Tây: Một anh chàng rất ranh ma quỉ quyệt, ăn mặc rất bảnh bao lại thích ăn ngon và say sưa, nhưng trong túi chỉ còn vài đồng xu mà bụng đang đói cào. Anh đã nghĩ ra một diệu kế và ghé vào một quán bên đường. Anh vui vẻ chào chủ quán. Thấy anh chàng ăn mặc bảnh bao lại biết ăn nói lịch sự nên chủ quán lễ phép hỏi anh muốn ăn uống gì. Anh ta trả lời: „Ông cứ làm cho tôi món ăn nào thích hợp với túi tiền của tôi!“ Chủ quán ước chừng anh này quần áo bảnh bao hẳn có nhiều tiền, nên tiếp anh ta với những món ăn uống ngon. Mỗi lần hỏi anh ta muốn ăn gì nữa liền được đáp lại, „Ông cứ làm cho tôi món ăn nào thích hợp với túi tiền của tôi“. Cuối cùng anh chàng lưu manh này đã được chủ quán cho ăn uống thịnh soạn, no nê. Khi chủ quán đòi tiền, anh móc trong túi ra với vài đồng xu và bảo: „Đây là túi tiền tất cả của tôi, như đã nói với ông ban đầu“. Khi ấy chủ quán cứng lưỡi chịu mất không trước anh chàng chuyên đánh lừa bịp thiên hạ!

Những cơ hội rất tốt đã bị bỏ qua

Trong mấy thập kỉ qua vì sai lầm và mù quáng nên những người cầm đầu chế độ toàn trị qua mấy thế hệ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước.

Khi cuộc nội chiến tàn bạo và tang thương chấm dứt năm 1975, “một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”, như sau khi về hưu cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mới tỉnh ngộ và nhận xét đúng. Đây đúng là cơ hội trăm năm một thuở để hàn gắn lại những vết thương và hận thù dân tộc, để quyết chí kề vai cùng nhau xây dựng một nước VN mới. Khi đó bên thắng trận là những người có đủ các điều kiện tối hảo để thực hiện giấc mơ lớn của toàn dân tộc.

Nhưng thay vì suy nghĩ chín chắn, thành tâm và tổ chức tốt để tiến hành mục tiêu hòa giải dân tộc, kiến tạo đất nước đi lên thịnh vượng, dân chủ và văn minh; trái lại những kẻ chiến thắng đã trở thành kiêu binh mù quáng, dốc hết tâm trí suy nghĩ ra những thủ đoạn tàn bạo nhất để tiến hành một cuộc trả thù ít nhất một nửa dân tộc với những tiêu chí cực kì kì thị “ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân” cùng với các chính sách “cải tạo”, “đánh tư sản mại bản”, “các vùng kinh tế mới”, dẫn tới làn sóng phải trốn chạy của hàng triệu “thuyền nhân” chưa từng có trong lịch sử VN và nhân loại! Thay thế vào đó là thực hiện một cách máy móc mô hình XHCN, với kinh tế tập thể bắt nông dân phải vào các hợp tác xã, hệ thống xí nghiệp quốc doanh với trọng tâm là công nghiệp nặng để tiến nhanh tiến mạnh lên thế giới CS. Nhưng cuối cùng là nạn đói khủng khiếp và lạm phát phi mã trên 800% vào giữa thập niên 80.  Không những thế, do đầu óc thiển cận họ lại đẩy đất nước vào những phiêu lưu mới, sa lầy vào hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và ở Kampuchia, bị phương Tây phong tỏa.

***

Cơ hội vô cùng tốt thứ hai đã bị bỏ lỡ là khi Liên xô và các nước CS Đông Âu tan vỡ vào cuối thập niên 80. Khi ấy một số trí thức trong đảng và cả cán bộ cấp cao đã khuyến cáo không nên nhắm mắt tiếp tục tổ chức xã hội, nhà nước và kinh tế theo mô hình XHCN được nữa, vì nó đã tự chứng tỏ sai lầm từ VN, Liên xô tới Đông Âu. Họ đã khuyên phải lợi dụng cơ hội tốt này để đổi mới toàn diện và triệt để cả trong chính trị lẫn kinh tế, và ĐCSVN nên chuyển đổi thành những đảng XHDC như ở nhiều nước Bắc Âu…Những người tiêu biểu như các cựu Ủy viên   Bộ Chính trị Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, cựu Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương tướng Trần Độ….

Những người cầm đầu bảo thủ giáo điều đã không thèm nghe lời khuyên sáng suốt và chân thành của các vị này, mà còn cách chức hay chấm dứt nhiệm vụ của họ để bước thêm vào sai lầm cực lớn và cực kì nguy hiểm là cúi đầu cầu hòa với Bắc kinh tại Thành Đô, Trung quốc, 1990 nhắm mục tiêu miễn là giữ độc quyền tiếp tục cho đảng!

***

Nay những người cầm đầu bảo thủ giáo điều đang đứng trước thử thách nghiêm trọng mới, chế độ toàn trị hiện đã rơi vào chia rẽ, khủng hoảng trầm trọng ngay ở bộ phận cao nhất, ung thối đã chạy lên đầu! Cảnh báo 3 năm trước của Nguyễn Phú Trọng “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?” Nay đang đứng sờ sờ trước mắt như những sự kiện rất động trời vừa xẩy ra ở trong và ngoài Hội nghị trung ương 10 đã chứng minh.

Vì thế, đây chính là thời điểm cuối cùng để cho những người nào còn tỉnh táo trong   Bộ Chính trị và Trung ương đảng phải biết sáng suốt, thành tâm tổ chức chuyển dứt khoát từ chế độ toàn trị sang Dân chủ đa nguyên một cách hòa bình để mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng lợi ích, trong đó có cả ĐCSVN. Còn nếu tiếp tục ngang bướng bày đặt các quỉ kế, thủ đoạn tàn bạo để đàn áp nhân dân, thanh niên và trí thức thì họ sẽ không có lối thoát, phải nhận những hình phạt nặng nề. Làm như thế chỉ như người lội ngược dòng! Họ cần nhận thức nghiêm túc, biết chọn ngõ ra trong danh dự hay tan biến trong tủi nhục, bị nhân dân nguyền rủa!

Phương châm xử thế khôn ngoan đã được gói trong tục ngữ, đánh kẻ đi chứ không đánh kẻ biết điều trở lại…..Là một dân tộc rất rộng lượng, nên nhiều người Việt sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm quá khứ để cùng nhau chung vai xây dựng tương lai cho quê hương và cho chính mình.

Những người CS tiến bộ cần tỉnh táo, quyết không để những người giáo điều cản bước hoặc coi thường các quyết định của Trung ương đảng; nhưng cũng cương quyết không để các nhóm lợi ích phản bội những cuộc vận động đang đi đúng hướng đổi mới cả bằng hai chân chính trị và kinh tế!

Độc quyền giống như một cái ao tù không tiếp nhận được các nguồn nước mới, nên lâu ngày nước cạn, những chất bẩn tích lũy biến nước trong ao tù trở nên bẩn, độc, vô dụng và nguy hiểm. Đây chính là hoàn cảnh hiện nay của VN dưới chế độ toàn trị. ĐCS đã giành  độc quyền cả trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và tôn giáo trên 60 năm, nay lực đã cạn kiệt, chỉ còn lại cặn bã, như một cái ao tù hôi thối. Nó dẫn tới hậu quả cực kì nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc, không những thế nó đang làm tan hoang ĐCS.

Muốn cứu đảng một cách thông minh thì phải chấm dứt ngay chủ trương tiếp tục giành độc quyền cho đảng; phải để đảng đứng trong tư thế sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các chính đảng khác. Chỉ có như vậy mới làm cho đảng thoát xác, dứt khoát với những sai lầm cũ, không để cho các nhóm lợi ích lợi dụng và thao túng, tìm lại tự tin và có thể đóng góp phần tương xứng vào hàn gắn vết thương dân tộc và cùng với các lực lượng khác xây dựng lại quê hương! Đây mới chính là ý nghĩa đích thực nhất….trong dịp kỉ niệm 85 năm ĐCSVN ra đời!

1.2.2015

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh tuyển tập (1919 – 1945) – Tập 1 (Nxb Chính trị quốc gia – 2002), trong CS điện tử

(2) Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc 12.1.15

(3) Hồ Chí Minh tuyển tập, 1921, như (1)

(4) VietnamNet (VNN) ngày 7-5-2011

(5) Cùng tác giả, Đại hội 10 của ĐCSVN, Tạp chí DC&PT số 32, 7.2006, 5-25

(6) Cùng tác giả, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/vinashin.htm

(7) http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2014/adt2012.htm

(8) VNExpress 20.1.15

(9) Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc Hội nghị Cán bộ toàn quốc 27.2.12

(10) Hồ Chí Minh, như (1), 1922

(11) Ngô Nhân Dụng, Bao giờ dân ta làm được cái đinh ốc? Người Việt 6.1.15

(12) Cộng sản (CS) 18.12.15

(13) CS 22.1.15

(14) Cùng tác giả; Đặt lại những vấn đề căn bản của quyền lực ở VN hiện nay: Quyền lực phát ra từ nòng súng!http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2014/adt209.htm và Làm thế nào để đất nước thoát khỏi màn đêm toàn trị, tiến vào rạng đông dân chủ?

(15). Nguyễn Tấn Dũng, Thông điệp năm mới 2014, 1.1.14, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2015/adt211.htm

(16) RFA 23.1.15

(17) Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc và Thông báo Hội nghị trung ương 10, 12.1.15

(18) Nhận định của HCM về Marx-Lenin,

(19) ^ a ă “Tình hữu nghị và nghĩa đồng bào”. Radio Free Asia. Truy cập 21/10/2010. https://www.youtube.com/watch?v=w1viRqhbd0w

(20) Biên bản kiểm phiếu biểu quyết một số vấn đề trong văn kiện Đại hội 11, CS 19.1.11

(21) Sài gòn tiếp thị 19.1.11

(22) Thông báo Hội nghị trung ương 10, CS 12.1.15

(23) Như trên

(24) Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 10, CS 12.1.15

(25) http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt2.htm

(26) CS 11.5.13

(27) Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 10

(28) Tuổi trẻ 23.5.14

(29) Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kì họp thứ 8, QH 12, CP 24.11.2010

(30) http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt2.htm#_edn31

(31) VNN 8.12.11

(32) Nguyễn Tấn Dũng, Báo cáo QH 22.10.12

(33) Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại QH ngày 14.11.12, VNN 14.11.12

(34) BBC 1.3.09 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/03/090301_inv_vo_van_kiet_tc2.shtml. Tạp chí Dân chủ&Phát triển số 31, 12.2005 nguồn: http://danlambaovn.blogspot.fr/2015/02/85-nam-ra-oi-va-70-nam-cam-quyen-cua-cs.html

 

Thấy chuyện Tàu, Ngẩm việc Ta:  Phát Triển Tàu Các Vùng Biên Giới: Phát Triển Tiến Bộ hay Phát Triển Tiếng Tàu – Phan Văn Song

Bên sườn rặng núi Tây Tạng, tỉnh Vân Nam không làm sao tránh khỏi nạn các công sự xây cất đào xới khi Nhà Nước Trung Ương Cộng Sản Beijing quyết định phải phát triển Vân Nam, mở cửa cho Vân Nam, tạo những cửa ngỏ cho Vân Nam ra mặt với đời, với thế giới. Đối với người dân bản xứ thuộc dân tộc thiểu số số đông gốc Tây Tạng, đang sanh sống tại Vân Nam, việc ấy đáng vui mừng hay lo lắng?

Thoạt mới nhìn, hình như các nhà ấy vẫn còn đang cháy, thât sự là cuộc hỏa hoạn to lớn đã thiêu rụi ba phần tư thành phố Shangri-La thuộc tỉnh Vân Nam đã tắt từ đã gần một năm nay rồi. Nhưng những hình ảnh, những biểu tượng còn đó. Vì lạ lùng thay, ngay trung tâm một thành phố lớn nằm trên cao độ 3000 thước, nỗi tiếng du lịch nầy, ngày hôm nay, tất cả những cửa hàng, những cái gì có hình ảnh, gốc gác Tây tạng hay văn hóa Tây tạng đều bị cháy tụi thành than. Riêng chỉ những nhà cửa, cửa hàng của người Hán là còn tồn tại, đứng sửng! Thật là một chuyện lạ lùng!

1/ Một nền kinh tế càng ngày càng «hám xực», tham lam:

«Sự tăng vọt phát triển của các hạ từng cơ sở càng ngày càng thấy rõ, đặc biệt chung quanh những vùng miền Bắc sông Mê Kông và miền Nam từ thành phố Yangzi đến thành phố Deqin. Và dĩ nhiên, trái lại, phía khu vực Tây Tạng càng ngày càng suy sụp thấy rõ», Jean-Yves, một thường trú người Pháp nói. Jean-Yves sống ở đây từ 10 năm nay, anh là chủ nhơn lên một hảng du lịch thám hiểm bằng đi bộ (trekking) vượt núi bương rừng, anh đang tả một địa hình anh biết rõ, xưa kia là nơi có những đường đi lại khá hiểm trở, đấy nơi hoạt động của người  như anh, những ai thèm vượt đèo vượt núi lội suối băng rừng du lịch thám hiểm. Ngày nay, với các công sự xây cất càng ngày càng mở mang, các ngõ vào Tây Tạng huyền bí, xưa đang bỏ ngỏ, và nay đang được nối liền với trung tâm xứ Tàu. «Trong vòng năm năm nay, những xa lộ, những đường hầm, những nhà máy thủy điện mọc lên như nấm, và có cả các trường học, và cả những trường đại học». Con đường tráng nhựa trãi dài từ Shangri-La đến thành phố Deqin còn mới toanh chưa ráo nhựa. Chỉ thỉnh thoảng vài tảng đá núi rơi, vài mảnh đất chùi trượt do nước mưa bảo từ những ven núi cạnh đường, phá rối, ngăn trở đôi chút hoạt động lưu thông các đoàn xe thôi. Chỉ trước đây vài tháng thôi, phải mất cả từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ để đi lại giữa hai thành phố nói trên, ngày nay chỉ cần 4 tiếng. «Tiềm năng khai thác các đất hiếm, các đá quý, khai thác chuyên chở các gỗ quý đã được nâng cao từ ngày các xa lộ nầy hình thành» Estelle, người trách nhiệm khách sạn Ecolodge ở thành phố Benzilane, kế cạnh Shangri-La nói, và nàng kể tiếp: «Khi tôi mới đến Shangri-La, 8 năm trước, thung lủng giòng sông Mê Kông nầy là một ngỏ cụt. Hôm nay họ đang sắp sửa khánh thành một xa lộ trên cao độ  4000 thước. Từ nay sẽ có cả trăm xe hàng và xe đò hoạt động đi lại hằng ngày».

Từ các năm ngày, các nổ lực để thực hiện phát triển vùng Đông Nam Trung Hoa đều nhắm vào ASEAN. Trung Hoa không phải là một quốc gia có truyền thống  phát triển để tiến bộ, tất cả động lực phát triển kiến trú  là chỉ nhắm vào một nguồn kinh tế  thực tiển nào đó thôi!

Vân Nam là một vùng chiến lược, tuy dù là dân Tây Tạng ở đây không cứng đầu như dân Tây Tạng ở xứ Tây Tạng – hành chánh hay công an hay quân sự mà nói. Mở cửa ngỏ cho Vân Nam dễ dàng đi lại là vừa để dễ dàng cho một kiểm soát quân sự hay công an, cũng lại vừa dễ dàng cho cả lưu thông hàng hóa, và giao thông vận chuyển con người. «Mục đích là đan một mạng lưới kinh tế chánh trị công an cả quân sự trên toàn khối vùng» Jean-Yves bàn thêm «Địa bàn nầy nầy rất quan trọng, đặc biệt chung quanh các nhà máy thủy điện. Nên nhớ, gần tất cả các sông lớn ở Á châu đều phát từ Tây Tạng và chảy qua Vân Nam»

Vùng ba con sông, Tam Giang, có một tầm vóc quan trọng. Ấy là nơi hội tụ của những hoạt động doanh thương buôn bán, từ là nơi tụ họp một số đông nhơn số, cũng từng là nơi tụ họp chợ buôn bán súng đạn, qua đến buôn bán thuốc men, gỗ quý, cả con người, nô lệ lao động, mãi dâm, vượt biên… Vì vậy cần phải xây dựng, cần phải tổ chức, cần phải kiểm soát. Và Mặc Kệ Môi Trường.

2/ Môi Trường bị bỏ quên:

Fang Yin (Phạm Âm?) là một kiến trúc sư người Tàu trẻ đang than phiền trước cảnh tượng tàn phá môi sanh: «Nhiều con đường, nhiều xa lộ được vẽ ra không có ý kiến Sở Tài sản và Công Viên Lâm Súc Bảo vệ Môi trường Quốc Gia (Tàu). Ngày nay, có những con khỉ không còn rừng để trú, có những con nai rừng không thể vượt đi qua xa lộ được, có những con heo rừng cũng không đủ đất để sống. Những thửa rừng bị tàn phá, những cây rừng bị đốn, bị hạ nhiều hơn dự kiến chương trình xây dựng đường xá. Các công nhơn xây dựng cầu đường, với đồng lương chết đói, phá rừng, đốn rừng, bán buôn củi gỗ lậu, giết săn bán thịt rừng lậu để kiếm sống thêm. Ở rừng đem khuya lạnh, chặt củi để sưởi là chuyện phải chịu thôi!».

Rất nhiều cơ quan cũng thuận tình đồng ý với nhận định bi quan của Fang Yin. Lâm sản, thú vật rừng là những món hàng béo bở cho các công nhơn các xí nghiệp xây dựng cầu cống đường lộ. «Gỗ là một món hàng quý. Một bi gỗ – bille de bois, đường kính hay bề ngang  0,80 mét, chiều dài 2 mét giá từ trên 1 ngàn đến 2 ngàn €uros. Cần 6 đến 8 bi để xây một căn lầu nhà kiểu Tây Tạng (thường thường 2 từng), vị chi là trên 20 ngàn €uros một căn nhà ; các anh thử tưởng tượng sức thu hút của ngành buôn gỗ. Nên biết rằng mỗi cây có thể cho từ 10 đến 15 bi».

Nhà cầm quyền tuyên bố là có kiểm soát gắt gao trên các công trường, nhưng thực sự chẳng có gì cả, thêm nạn tham nhũng, chia chác lời to, lợi nhỏ. Những hủ tục vẫn còn hủ tục, dân chúng Tàu xưa nay có thói quen, chẳng biết chẳng hiểu môi trường môi sanh là gì. Phá rừng, ở dơ, phung phí từ ngàn năm quen rồi! Không được huấn luyện, dân chúng thôn quê tiếp tục ăn xài phung phí, thiếu nước thì than, có nước thì phí, chỉ biết than khi thiếu chứ không biết tiết kiệm khi thừa. Cộng thêm ngày nay, những tục mới, như bắn thú lậu, nuôi bò để ăn, nên nạn phá rừng để trồng cỏ nuôi bò bành trướng, tình hình môi trường nay trở thành một vấn nạn mới.

3/ Con đường phát triển nào?

Con đường phát triển tiến bộ hay con đường phát triển tiếng Tàu:

Xin lỗi quý độc giả cách chữ chơi quá dễ dàng của người viết.

Nhưng tình hình thực tế buộc chúng ta phải nhìn nhận sự thực phủ phàng nầy. Tàu (Quốc gia Trung Quốc hay người dân Tàu rất giống nhau) là một con Hạm Thực Dân mới. Tàu đang nuốt trọn các hàng xóm lân bang. Tất cả dân tộc lạn bang láng giềng Tàu đối với dân Tàu Hán tộc đều là dân thiểu số! Là dân tộc thiểu số,  hay nói theo từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta là người sắc tộc. Thời Việt Nam Cộng Hòa chúng ta tôn trọng người sắc tộc, chúng ta có một đường lối quản trị riêng cho các anh em  người Việt Nam gốc sắc tộc, ngày nay ra hải ngoại chúng ta nhìn thấy những  quốc gia Úc, quốc gia Canada có một chánh sách, một đường lối quản trị cộng đồng đặc biệt cho các cộng đồng sắc tộc như chúng ta thời Việt Nam Cộng Hòa vậy!

Tàu đang Tàu hóa Tây Tạng. Tàu đang Tàu hóa Tân Cương Hồi Giáo, Tàu đã nuốt hẳn Mản Châu, Tàu đã nuốt hẳn Nội Mông. Hãy nhìn lá cờ Ngũ Tinh Hồng Kỳ của Tàu ! Chung quanh ngôi sao lớn màu vàng biểu tượng Hán tộc, 4 ngôi sao vàng nhỏ bu chung quanh hầu hạ : biểu tượng bốn dân tộc chánh Mản, Mông, Hồi, Tạng.  Ngày mai, một ngày mai, sẽ không xa lắm,  sao vàng nhỏ Việt sẽ nhập bọn bốn sao vàng nhỏ trên lá Hồng kỳ Tàu, để cùng «cúi đầu dưới trướng» hầu Đại Minh Tinh Hán tộc. Ngũ Tinh Hồng kỳ sẽ, biến thành Lục tinh Hồng kỳ. Sao vàng trên lá cờ đỏ Việt Nam Cộng sản, ngày nay đang bị Tàu xem là một con «sao lạc»,  và chắng chốc sẽ bị kéo về với mẫu quốc thôi!

Ngày nay, điểm son của phát triển tại Tàu chỉ là «Điểm tốt là có các đường xá an toàn hơn. Nhưng những đường đi đến những bệnh xá không gì đặc sắc tốt lắm, chỉ tương đối an toàn hơn thôi». Cả Estelle và cả Jean-Yves có vẽ hạ cơn giận phê bình, nhưng bổng trở lại gay gắt: «Ngành Giáo dục Tàu có rất nhiều vấn đề, tế nhị khó nói ra. Thí dụ rất nhiều giáo sư giỏi không chịu đi vào các thung lũng giảng dạy và sống với người Tây Tạng. Bởi vậy bắt đầu từ 7 tuổi các em Tây Tạng phải bỏ nhà đi học nội trú, khi cả tuần cũng có, khi hai năm về nhà cũng có, lúc hai tuần một lần cũng có, tùy theo xa gần giàu nghèo. Các em khi đến trường lần đầu không nói được tiếng Hán, nhứt là Quan thoại, hay Phổ thông. Thật là một khó khăn cho các em!».

Vì ngành Giáo dục dạy toàn bằng tiếng Hán Phổ thông, nhiều gia đình Tây Tạng, hay cả những thiểu số khác có người  bỏ tiếng mẹ đẻ bản xứ để dùng tiếng Quan thoại ở nhà hầu giúp con cái mình dễ dàng hội nhập. Estelle, Jean-Yves và Fang Yin mặc dù mỗi người đi quan sát một vùng khác nhau nhưng đều cùng đồng ý phát biểu chung: «Thoát nghèo là một chương trình tốt, nhưng tất cả ba chúng tôi đều nhìn thấy Trung Ương Tàu nhơn danh thoát nghèo, chống đói tạo những chương trình hủy hoại môi trường và tàn phá nông nghiệp bản xứ. Thí dụ điển hình như Vân Nam đây là nơi hôi tụ một tinh hoa văn hóa dân tộc đầy mầu sắc, hiện nay với chương trình nấy đang từ từ bị mai một nhanh chóng, với một tốc độ vượt bực. Cái kinh khủng là cái tốc độ của sự tàn phá ấy! Chóng mặt!».

Trung Ương Beijing muốn có một chánh sách kiểm soát? Trái lại, tình hình tham nhũng  địa phương trầm trọng đến nỗi  vô hiệu hóa tất cả những nỗ lực kiểm soát.

«Những thủ lãnh địa phương của Đảng là những cán bộ thuộc thế hệ nông dân không biết môi trường làm cái gì, họ đã trãi qua thời kỳ Cách Mạnh Văn Hóa và chẳng có viễn kiến, viễn vong gì cả, ăn ngày hai bửa lo đớp chát, kiếm sống làm giàu giữ ghế trong Đảng thôi! Trước hiện tượng môi trường đang thành một vấn nạn, lớp cán bộ trẻ bắt đầu hoảng sợ. Họ bắt đầu thấy rõ rằng vấn đề môi trường sẽ là cái khó của chánh trị tương lai Tàu. Trong 20 năm nữa, toàn thể đảng viên có thể nắm rõ thế nào là môi trường và sẽ đặt trọng tâm vào môi trường nhưng e rằng sẽ quá trễ».

Cái xe hủ lô Tàu quá tàn bạo, quá nhanh, quá nặng nề, thật khó thắng lại khi nó đã chạy. Cộng với cá tánh cao ngạo, kiêu hảnh, khinh người của người Tàu, nhứt là của dân tộc Hán đối với tất cả dân tộc khác.

«Thiên nhiên của Tàu là một thiên nhiên nhơn tạo. Người Tàu thích thay đổi tất cả. Thiên nhiên chỉ là một thứ nguyên liệu để con ngưởi sử dụng, thay đổi, bóp méo, tạo dựng không từ bỏ món nào, không giới hạn, Jean Yves giải thích và phân tích. «Tự ngàn xưa, chính người nông dân Hán đã dựng lên những triều đại các Vua Hán, và cũng do người nông dân Hán lật đổ các Vua Hán. Ngày nay, một cách tự nhiên có một thỏa thuận ngầm giữa người dân Tàu và người cầm quyền Tàu rằng chỉ số phát triển hằng năm phải ở hai con số, từ 10 đến 12 % một năm. Nếu không đạt được, phát triển của người nông dân sẽ gặp khó khăn, và hãy coi chừng, sẽ có loạn!».

Với Vân Nam ngày nay, Phát triển là một sự bắt buộc. Trung Ương Beijing đã tuyên bố: «Tương lai Đảng Cộng sản Trung quốc ở nơi tầm phát triển các vùng xa».

Hãy đặt lên bàn cân: Phát triển, tương lai Đảng một bên. Còn bên kia, vài con gấu panda mầu nâu, vài bản sắc của vài dân tộc thiểu số, vài cánh rừng, tài sản quốc gia gỗ quý thú hiếm. Đảng nặng cân hơn. Việt Nam Cộng sản cũng ở trong lý luận ấy! Đó là một đại nạn cho dân tộc và đất nước Việt ta!

Phải tráng nhựa, phải đổ bê tông, phải nhổ bỏ, phải đốn chặt, đào xới, trộn người, di dân, dạy chữ Tàu, phải Hán hóa! Tất cả nhơn danh Phát triển. Phát triển là Phải Như Vậy! Phải Trả Đúng Giá! Phải trả giá cho Phát triển! Phải trả giá cho Tương lai! Cho tương cho vận May! Và cho cả vận Xui! – Pour le meilleur et pour le pire! Hélas!

Còn Việt Nam ta, con đường Phát triển ở đâu?

Cho ai? Dân Việt? Hay dâng Tàu?

Cho Tiến Bộ hay cho Tiếng Tàu?

Hỏi là Trả lời!

Hồi Nhơn Sơn, những ngày cuối năm Ngọ.

Phỏng theo Matthieu Delaunay, Báo Enfants du Mékong số 186, tháng 1/2015

Ngôn ngữ cách mạng

…Ngày đầu tiên về cơ quan, sếp tôi tuyên bố hùng hồn với nhân viên: “Đây là giai đoạn đổi mới, chúng ta cần có ý thức tiết kiệm thời gian, vận dụng từ chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu. Đặc biệt, các bản báo cáo trình lên cho tôi phải cụ tỉ và cô súc!” Thấy mọi người ngơ ngác, hoang mang, sếp đập bàn cái rầm: “Thời buổi này mà kém suy luận quá, này nhé cụ tỉ là nói tắt của hai cụm từ cụ thể và tỉ mỉ, cô súc có nghĩa là cô đọng và súc tích, thế thôi.”…

Một hôm được phân công đi giao lưu với đơn vị bạn thì chúng tôi thật sự kinh hoàng khi nghe sếp ra lệnh:

– Các cô cậu đi “giao hợp” với người ta thật chặt chẽ vào, bên cạnh đó cũng phải điều kinh cho tốt.

 Một số chị em đỏ mặt lí nhí hỏi lại liền bị sếp quát:

 – Cấm nghĩ bậy! Tôi muốn nói ngắn gọn“giao hợp” là giao lưu và hợp tác, nó cũng tương tự như “giao phối” thôi, còn “điều kinh” là điều tra kinh nghiệm làm ăn của họ. Không lo làm ăn, toàn lo nghĩ bậy!

 Phải thú nhận là một thời gian khá dài chúng tôi mới quen cách dùng từ của sếp, cũng nhờ chịu khó cùng nhau suy luận mà chúng tôi đỡ phải khốn khổ. Ví dụ, một lần đi cơ sở, sếp bảo chúng tôi cố gắng “phát tài để đầu lâu”, cả công ty xúm vào suy luận mới hiểu ý sếp muốn rằng chúng tôi cố gắng phát hiện tài năng để có hướng đầu tư lâu dài.

Trọng Thua Dũng 1 Keo Nữa – Vi Anh

Báo Người Cao Tuổi và Tổng Biên Tập tức Chủ Bút Kim Quốc Hoa bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông của Nhà Nước trừng phạt quá nặng, coi như đóng cửa tờ báo và cấm chủ bút hành nghề. Phạt tiền 699 triệu 700 ngàn đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc mở trang báo điện tử nhưng không có giấy phép bị phạt 140 triệu. Rút tên miền coi như đóng cửa báo này trên mạng. Truy tố hình sự chiếu điều 258 của Bộ Luật Hình của VNCS. Rút thẻ báo chí của Tổng Biên Tập Kim Quốc Hoa vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chưa đủ, Thông tấn xã Việt Nam còn nói Hội Người Cao Tuổi chủ nhơn, chủ quản, chủ nhiệm tờ báo, Bà Chủ tịch Cù Thị Hậu dã ký quyết định ngưng nhiệm vụ điều hành tờ báo đối với ông Kim Quốc Hoa từ ngày 12/2. Thật là một kiểu chơi “cạn tàu ráo mán” đối với một tờ báo của Đảng Nhà Nước VNCS. Ngần ấy thái độ và hành động giết một tờ báo cho thấy phe nắm Nhà Nước mà người cầm đầu là Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đã “chơi cạn lán, chơi sát ván” phe nắm Đảng CS cầm đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng lại thua Ba Dũng nữa. Thua trong thời gian tang gia của phe nắm Đảng bối rối, Trưởng Ban Nội Chính Nguyễn bá Thanh, con gà ruột của Tổng Trọng do Tổng Trọng từ Đà Nẵng kéo ra Hà nội để xếp lá cà chống Ba Dũng, bị thuốc bằng phóng xạ nguyên tử chết.

Phe Tổng Trọng thua phe Ba Dũng keo này là thua thêm một keo nữa, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Hồi cuối tuần lễ thứ nhứt sang tuần lễ thứ hai của tháng 1/2015, trong hội nghị Ban Chấp Hành trung ương đảng, phe nắm Nhà Nước thắng, TT Dũng hạng nhứt, cao phiếu tín nhiệm nhứt. Lần đó phe Nhà Nước nhờ sáng kiến dùng con gà blog Chân Dung Quyền Lực đánh xả lán phe Tổng Trọng, trước hội nghị BCH trung ương cho điểm Bộ Chánh trị và Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Phe bên Đảng thua thê thảm. Tổng BT Nguyễn Phú Trọng hạng 8/20 và Phạm Quang Nghị Bí Thư Thành Uỷ Hà nội con gà của phe CS Bắc Việt được Tổ Trong vô nước ứng củ chức TBT Đảng CSVN Khóa XII đứng áp chót, thứ 19/20.

Cũng như kỳ trước năm ngoái Tổng Trọng “hồi mã thương”, tính dùng cú “đà đao” sau khi không hạ được TT Dũng trong đại hội Đảng, phải tuyên bố Đại hội Đảng không kỹ luật Bộ chánh Trị, trong đó có “đồng chí X” ám chỉ TT Dũng. Sau dó Tổng Trong nhờ Quốc Hội Đảng cử dân bầu giành quyền bài trừ tham nhũng từ tay Nhà Nước về cho Đảng. Bây giờ sau khi thua trong hội nghị BCH trung ương, Tổng Trọng tin rằng phe Nhà Nước đã bị Đảng tước quyền bài trừ tham nhũng đem về cho Đảng, nên không còn vũ khí tấn công. Tổng Trọng bèn tung con gà ruột của mình chuyên chống tham nhũng một chiều, tấn công các viên chức Nhà Nước thôi. Y bèn dùng tờ báo Người Cao Tuổi ra tố tham nhũng phe Nhà Nước tơi bời.

Nhưng TT Dũng, con cọp rừng U minh ngập mặn, căn cứ địa của CS Tây Nam bộ hậu thân của Nam kỳ Cộng sản đảng, không phải tay vừa. Ba Dũng sử dụng chiến thuật du kích cũ như khi phản công Nguyễn bá Thanh dùng Uỷ Ban Bài Trừ Tham Nhũng được Tổng Trọng giao cho để tấn công TT Dũng và phe Nhà Nước. Thủ Tướng Dũng dùng Uỷ Ban Thanh Tra của Chánh phủ lúc bấy giờ phản công lại Nguyễn bá Thanh, chứng minh tham ô như con hạm, và từ đó Nguyễn bá Thanh tit ngòi luôn. Bây giờ Ba Dũng cũng dùng Uỷ Ban Thanh Tra Chánh phủ phản công, đánh úp báo Người Cao Tuổi và Tổng Biên Tập Kim quốc Hoa với sự phối hợp ba mặt giáp công của Bộ Thông Tin, Công An và Viện Kiểm soát.

Đánh thần tốc, đánh toàn diện, trong một ngày, ngày thứ Hai: khởi tố hình sự theo điều 258 Luật Hình, đối với ông Kim Quốc Hoa – TBT Báo Người Cao tuổi, công bố kết luận thanh tra, thu hồi tên miền, rút giấy phép, rút thẻ báo chí, phạt hành chánh sạt nghiệp luôn.

Từ lâu báo Người Cao tuổi và Tổng Biên Tập tức Chủ Bút Kim Quốc Hoa là con gà ruột của phe nắm Đảng quyền, do phe CS Bắc Việt “đào bồi” tại Hà nội, từ thời Tổng Bí Thư Lê đức Anh. Vào năm 1990, thời Phạm Thế Duyệt làm Bí thư Thành ủy, ông Kim Quốc Hoa đã từng làm TBT tờ báo Tuổi trẻ Thủ Đô của Thành Đoàn Thanh Niên CS HCM Hà Nội. Theo báo Tiền phong cho biết: “Năm 2008, khi nhận chức Tổng biên tập báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời đến nhà riêng tâm sự. Từ đó, ông Kim Quốc Hoa chỉ đạo phóng viên đi sâu di sát, khai thác tối đa đề tài về sai phạm đất đai, mà mục tiêu chánh là đấu đá, đánh phá là cán bộ đảng viên phía bên nhà nước.

Về phe đảng, Ông Kim Quốc Hoa thân thiết như anh em một nhà, phe ta với các Ban bên Đảng và đặc biệt là Thành ủy Hà nội vốn là đất kinh châu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nên báo Người Cao tuổi và Ô. Tổng bí Thư Kim Quốc Hoa theo phe nắm Đảng là do luật tương cận, là điều dễ hiểu. Và phe nắm Đảng này lại là phe giáo điều, bảo thủ như Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị hiện thời vốn là đồng hương Thanh hóa, cốt lõi của CS Bắc Việt thân TC lâu đời.

Và phe này cũng là phe chống phe CS “Nam kỳ cục”, từ trong Nam bắc tiến ra Hà nội đổi mới kinh tế, làm tiền giỏi, dám chi như Thủ Tướng Võ văn Kiệt và đàn em như Trương tấn Sang, Nguyễn tấn Dũng và lập trường gần gũi với Mỹ.

Lâu nay báo Người Cao Tuổi và TBT Kim Quốc Hoa chống tham nhũng dữ lắm, nhưng chỉ chống tham nhũng của phe Nhà Nước mà thôi. Cũng giống như Tập cận Bình của TC, chống từ con ruồi đến con hổ tham nhưng, nhưng chỉ chống nhưng người tham nhũng của phe phái mà Ông cho là nguy hại cho quyền lực của Ông.

Báo Người Cao Tuổi và TBT Kim Quốc Hoá là tờ báo và người của phe thân TC nên cũng làm theo kiểu của TC. Đã không ít các vị tai to mặt lớn của phe Nhà Nước của TT Dũng chết vì dao to búa lên chống tham nhũng của báo này.

Tiêu biểu và nổi bật như phanh phui, tố cáo vụ biệt thự và nhà đất của cựu Ủy viên trung ương Trần Văn Truyền, khối tài sản của phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh hay về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ, trường hợp đại biểu Quốc Hội Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi miễn, v.v…

Từ đó người ta nghĩ nhiệm vụ do “trên” giao cho báo Người Cao Tuổi và TBT Kim Quốc Hoa này là phanh phui, tố giác những tham ô nhũng lạm của phe Nhà Nước để Uỷ Ban Bài trư Tham Nhũng, Ban Nội Chính có bổi tấn công, đốt cháy phe nắm Nhà Nước mà TT Dũng là người được phiếu tín nhiêm cao nhứt, có nhiều triễn vọng được đại hội Đảng đưa lên làm Tổng Bí Thư.

Phe nắm Đảng thiếu sáng tạo, bắt chước, đi sau phe Nhà Nước, nên bị phản công dỡ không kịp. Nếu blog Chân Dung Quyền Lục nhờ tố giác phe dối đich với TT Dũng mà Ba Dũng được tín nhiệm cao nhứt, thì phe năm Đảng dùng vũ khí cổ điển hơn là báo Ngừơi Cao tuổi lâu nay nổi danh chống tham nhũng tố phe nắm Nhà Nước tham nhũng, thì miếng võ này phe Tổng Trọng nghĩ báo này vừa là báo giấy vừa online nên cao hơn, mạnh hơn nhiều.. Nhưng Ba Dũng nắm quyền hành chánh, nắm ngân sách, nắm chánh phủ, có quyền điều hành chuyện nước việc dân trực tiếp hơn, dùng Uỷ Ban Thanh Tra Chánh phủ, công an truy tố tờ báo và tổng biên tập – “chết không kịp ngáp”.

Đảng CS không thể làm những việc hành chánh, hành pháp này được. Đảng chỉ có thể chỉ đạo chánh trị Nhà Nước. Nhưng nếu Nhà Nước không nghe, không làm, như trong cuộc đấu đá với Đảng, Nhà Nước bộ ngu sao mà làm, thì Đảng bó tay.

Việc truy tố tờ báo Người Cao Tuổi và Tổng Biên Tập này cho thấy, báo chí của Đảng Nhà nước đã bị nứt bể nặng. Đằng sau mỗi tờ báo lớn có một đại cán hay đại gia giựt dây. Họ dùng báo như mã tấu để tấn công nhau. Nhà báo viết theo đơn đặt hàng, mạnh yếu, nhiều ít là do phong bì lớn nhỏ. Xì can đan báo chí phanh phui là do phe phái đánh nhau, chớ không phải thông tin, nghi luận báo chí đưa ra cho độc giả nhân đinh như tiêu chuẩn làm báo ở các nước tự do dân chủ.

 

Vui cười

Mary hay đi ngang qua một tiệm bán thú nuôi. Có một con vẹt trong tiệm thấy Mary, nó ré lên:

– Ê, cô kia!

– Cô xấu hoắc!

– Mary rất tức giận. Hôm sau, cô đi ngang, con vẹt lại ré lên: Ê, cô kia. Cô xấu hoắc!

Mary tức giận lắm. Chuyện này lặp lại đến lần thứ ba thì Mary không chịu nổi. Cô vào tiệm và nói với chủ tiệm: Con vẹt này xúc phạm tôi. Nếu ông không dạy dỗ nó đàng hoàng, tôi sẽ kiện!

Hôm sau, Mary đi ngang qua, con vẹt vẫn ré lên: Ê, cô kia!

Mary quay lại, thách thức: Gì?

Con vẹt cười nham nhở: Cô biết rồi còn hỏi!

 

Một anh chàng đăng quảng cáo có mỗi 2 từ cụt lủn: “Tuyển vợ.”

Ngay hôm sau, anh ta nhận được hàng ngàn lá thư gửi đến. Lá thư nào cũng thúc giục tha thiết:

“Lấy của tôi này! Lấy của tôi mà dùng.

 

Có phải Arabie Saoudite đã tài-trợ cho cuộc khủng-bố Tháp Đôi ở Mỹ năm 2001? – Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp & bình-luận/ 09.02.2015

Một tên khủng-bố sống sót trong cuộc khủng-bố đã cung cấp cho các thẩm-phán Mỹ các chi-tiết chính-xác về những hiệp-trợ dành cho al-Qaïda vào năm 2001. Đó là Zacarias Moussaoui, quốc-tịch Pháp, đã bị Mỹ bắt giam về tội đã ham-dự việc chuẩn-bị cho cuộc khủng bố 11 tháng chín 2001. Những lời khai cho thấy Riyad đã tham-dự vào cuộc tấn-công vào World Trade Center dài 28 trang, nằm trong một tài liệu được chánh-quyền Bush bảo mật từ 13 năm qua!

Tài-liệu mật dài 28 trang này đang làm rung chuyển Washington, vì đã chỉ ra trách-nhiệm, trực-tiếp hay gián-tiếp của Arabie Saoudite trong cuộc tấn-công khủng-bố của al Qaïda vào World Trade Center ngày 11.09.2001. Tài-liệu cũng cáôbuộc toà lãnh-sự của Arabie Saoudite ở Los Angelès, toà đại-sứ nước này ở Washington và các nhà hào-phú nước này ở Sarasota thuộc Floride. Tài liệu này nằm trong một phúc-trình về ngày 11.09 của Ủy Ban Tình Báo cho thượng-viện trước khi bị chánh-quyền Bush liệt vào hồ-sơ mật. Theo các nguồn-tin báo-chí, tài-liệu này được lưu-giữ tại khu an-toàn của Hạ Viện.  Điều đáng lư-ý là tài-liệu này được biết từ năm 2002 nhưng vấn đề dính-líu của Arabie Saoudite đã không được chánh-quyeên Bush phổ-biến và tới nay, ngay sau khi vua Abdallah của nước này mất đi, vấn-đề dính-líu của Arabie Saoudite được nêu ra. Phải chăng đây là một sự trùng-phùng hữu ý? Cho tới nay, không có một bằng-chứng vật-chất nào ‘củng cố’ các lời khai của Moussaoui, người ta có thể nghĩ rằng ông này đưa ra các lời khai này cốt để được nhẹ tội. Toà đại-sứ Arabie Saoudite đã ra thông-cáo bác bỏ các sự việc do Moussaoui khai, coi ông này là một tên hình-phạm điên khùng, không đưa ra một bằng chứng nào! Nhưng việc làm sống lại hồ sơ 11.09.2001 đã tạo ra một cuộc khủng-hoảng ở một mức độ chưa từng thấy trong giao-thiệp giữa Mỹ và Arabie Saoudite, một đồng-minh chính ở Trung-Đông!

Theo các tin-tức, trong một cuộc điều-tra về vai trò của Arabie Saoudite trong cuộc tấn-công vào World Trade Center do gia đình các nạn-nhân khởi tố, một phái-đoàn gồm các thẩm-phán liên-bang ở New York đã thẩm vấn Zacarias Moussaoui. Trong các cung-từ lên đến cả trăm trang, theo các thẩm-phán thì Moussaoui đã khai với sự bình-tĩnh và rất mạch-lạc, Moussaoui cho biết là các viên chức của al-Qaïda vào năm 1998 đã đề-nghị ông ta làm một hệ-thống các dữ-kiện kế-toán để biết chính-xác việc tài-trợ vủa các nhân-vật người Arabie Saoudite đối với tổ-chức. Massaoui nói ông nhớ rất rõ việc đã ghi việc đóng góp của hoàng-thân Turki Al-Fayçal (trưởng ngành tình-báo của vương quốc) và hoàng-thân Bandar Ben Sultan, đại-sứ Arabie Saoudite tại Washington, và hoàng-thân Al-Walid Ben Talal, một người thân-cận trong hoàng-tộc Theo Moussaoui, thủ lãnh al Qaïda Oussama ben Laden muốn dữ các vết-tích của những người đã hiến tặng tiền, coi đó là một sự đóng góp cho djihad!

Moussaoui còn tiết-lộ các sự việc động trời như việc một viên chức trách-nhiệm về hồi-giáo của toà đại-sứ đã đến gặp ông ta, Moussaoui đã nói đến việc có thể dùng hoả-tiễn địa-không Stinger để bắn phi-cơ Air Force One, viên chức này hưa giúp tìm một địa điểm de-đ có thể đặt hoả-tiển để bắn vào phi-cơ và sẽ rút lui được ngay sau đó Moussaoui đã bị bắt ở Mineapolis ngày 16.08.2001 do việc ông này đã theo học một khoá phi-hành của Panam Flight Accademy khiến FBI nghi ngờ. Do việc bị bắt trước khi xảy ra vụ World Trade Center, ông này đuèoè coi như không dính líu vào việc tấn-công World Trade Center và Ngũ-giác-đài.

Bob Graham, cựu phó chủ-tịch ủy-ban điều-tra quốc-hội về khủng-bố, đã lên tiếng đòi hỏi phải ấn-hành tài-liệu này, cho rằng chính chánh-quyền Arabie Saoudite đã tham-dự trực-tiếp vào việc tài-trợ vụ khủng bố 11.09.2001 và một số quân cảm-tử đã nhận tiền từ chánh-quyền này!

Và ông này còn nói ‘ người Saoudiens biết rõ những gì họ làm, họ biết rằng chúng ta biết… Đối với tôi, chúng ta đã cho thấy rằng dù họ làm gì đi nữa, họ họ không bị trừng phạt. Vì thế họ tiếp tục hỗ-trợ al Qaïda, gần đây hơn nữa là hỗ trợ kinh-tế và ý-thức-hệ cho nhà Nước Hồi Giáo. Chính việc chúng ta từ chối đối diện với sự thật đã tạo ra một đợt sóng cực đoan mới đã tấn công Paris’. Ngoài ông Graham, người đã đòi giải mật hồ sơ trên từ năm 2002, hiện nay còn có các ông Walter Jones (cộng-hoà) và Stephan Lynch (dân-chủ) đã đưa ra dự luật HR428 đòi giải mật hồ sơ trên!

Cho tới nay, Arabie Saoudite tiếp tục chối bỏ điều ‘có dính liú vào việc tài trợ khủng-bố 11.09’ và đã kêu gọi giải-mật hồ-sơ. Nhưng theo thượng-nghị-dĩ Charles Summer, việc Obama tiếp tục bảo mật hồ sơ này ‘chỉ làm củng cố cho lý-thuyết theo đó chánh-quyền Hoa-Kỳ bảo-bệ Arabie Saoudite’.

Về phiá chánh-quyền Hoa-Kỳ, phát ngôn viên toà Bạch Ốc, josh Ernest nói rằng ‘Hoa Kỳ và Arabie Saoudite duy trì một liên lạc chặt chẽ trong lãnh vực chống khủng-bố, tạo thành một yếu tố chính choviệc đối-tác chiến-lược’. Josh Ernest cũng cho biết các sở tình-báo đang nghiên cứu việc có thể đưa ra trước công chúng phần mật của phúc trình nhưng không cho biết khi nào việc xem xét sẽ kết thúc.

Với việc đưa ra công chúng các tài liệu này, bang giao Hoa Kỳ và Arabie Saoudite sẽ trải qua một khúc quanh mới. Ở vùng đất ‘văn hoá ả rập’ bao gồm từ Bắc Phi đến Trung và Cận Đông, Hoa Kỳ đã từng để rớt đài các đồng-minh chiến lược như việc bỏ rơi vua Pahlavi của Ba-Tư, để rơi đài Moubarak (Ai Cập)…Theo toán học, điều đã có một, có hai, sẽ có ba và có đến lần thứ n…

Tham khảo:

http://www.lefigaro.fr/international/2015/02/05/01003-20150205ARTFIG00108-financement-d-al-qaida-un-temoignage-accable-l-arabie-saoudite.php

http://www.courrierinternational.com/article/2015/02/05/zacarias-moussaoui-accuse-des-princes-saoudiens-d-avoir-finance-al-qaida

http://www.20minutes.fr/monde/1534231-20150205-11-septembre-terroriste-francais-accable-arabie-saoudite

.fr/editos-du-point/michel-colomes/l-arabie-saoudite-a-t-elle-finance-le-11-septembre-04-02-2015-1902393_55.php

 

Thủ-tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi Trung-Hoa đầu tư nhiều hơn nữa ở Pháp – Nhữ Đình Hùng /01.02.2015

Thủ-tướng Pháp Manuel Valls đã làm một chuyến công-du sang Trung-Hoa từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 01 năm 2015, đây là chuyến công-du đầu tiên của ông sang Trung-Hoa kể từ ngày nhận chức Thủ-Tướng. Chuyến đi này nhằm thắt chặt bang-giao  thân-hữu và hợp-tác giữa hai nước nhân kỷ-niệm 50 năm thiết-lập liên-lạc ngoại-giao giữa hai nước.

Thủ-tướng Manuel Valls và phái-đoàn gồm ngoại-trưởng Laurent Fabius và các nhà lãnh-đạo các đại doanh-nghiệp Pháp đã được tiếp đón nồng-nhiệt, tương-ứng với việc cải-thiện bang-giao giữa Trung-Hoa và Pháp.Trong khuôn khổ cuộc viếng thăm này, thủ-tướng Valls đã hội-kiến hai lần với người đồng-sự Li Keqiang và cả với chủ-tịch nước Trung-Hoa Xi Jinping.

Thủ-tướng Valls và phái-đoàn tháp-tùng đã đến Tianjin, một khu-vực kinh-tế hoạt động mạnh ở phiá đông Pékin, bằng chiếc phi-cơ A330 dành cho tổng-thống Pháp François Hollande. Phái đoàn đã đến thăm ngay sau đó cơ-xưởng Airbus được mở ra cách đây mười năm. Ông Valls đã phát-biểu cơ xưởng lắp ráp A320 đã ‘cho thấy rõ tính năng-động mối liên-lạc của chúng ta’. Được biết một phần tư số phi-cơ lắp ráp ở đây dành cho thị-trường Trung-Hoa. Ông Valls cho biết là Airbus sẽ sẵn sàng cho dự án ‘trung-tâm hoàn-tất ‘ dành cho A330, đặc-biệt thích-ứng cho thị-trường Trung-Hoa ‘ với điều kiện có được một số đặt hàng  đủ’ của các hãng hàng-không Trung-Hoa.Ông Valls cũng kêu gọi việc tái lập quân-bình trong trao đổi thương-mại giữa Trung-Hoa và Pháp, trị giá hàng bán từ Trung-Hoa cho Pháp lớn gấp hai lần rưỡi trị giá hàng bán từ Pháp sang Trung Hoa! Trong môt phỏng vấn dành cho báo-chí Trung-Hoa, ông Valls đã đưa ra thông-điệp ‘nước Pháp hơn bao giờ hết mở ngõ cho Trung Hoa, cho các nhà đầu-tư, cho sinh-viên và cho du-khách’, câ ngợi việc dự-phần mới đây của Trung-Hoa vào không-cảng Toulouse, trong xí-nghiệp du-lịch Club Med.

Trong ngày thứ sáu, thù-tướng Trung-Hoa Li Kequang và thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cùng đi  viếng cuộc triển lãm của nhà điêu-khắc nổi tiếng của Pháp Auguste Rodin. Trong dịp này, Li Keqiang tuyên-bố việc lập liên-lạc ngoại-giao vào năm 1964 đã mở ra một  chương mới về liên lạc giữa hai nước lớn, ca ngợi các tiến-bộ trong mối liên-lạc song-phương trong những năm vừa qua, nói đến việc hợp-tác đáng kể của hai nước trong các lãnh-vực chánh-trị, kinh-tế, văn-hoá, các vấn-đề quốc-tế;

Cuộc viếng thăm triễn lãm điêu khắc này đã đánh dấu việc chấm dứt các buổi lễ nhằm kỷ niệm 50 thiết-lập bang-giao giữa Pháp và Trung-Hoa. (Vào thời điểm 1964, tổng-thống Pháp De Gaulle đã là vị nguyên-thủ đầu tiên của các quốc-gia tây-phương thừa nhận Cộng Hoà Nhân Dân Trung-Quốc.) Trong dịp kỷ niệm này, Trung-Hoa đã cho tổ chức hơn 800 hoạt động để nhằm làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân-tộc. Ông Valls đã đáp lại bằng việc ca ngợi việc phát-triển giao thiệp tốt giữa hai nước và coi các hoạt động này đã phản-ảnh tình hữu-nghị sâu xa giữa hai dân-tộc.

Ông Valls cũng đã gặp chủ-tịch Xi Jinping trong ngày thứ sáu , hai bên đã đề cập đến việc tăng cường ‘hợp-tác chiến-lươc’ giữa hai nước. Xi Jinping nói đến việc hai nước cần phải cùng làm chung để đưa đến một quan-hệ song-phương bình-ổn với sự quả-cảm và khôn-ngoan về chánh-trị, đồng thời phải tôn-trọng lợi-ích căn-bản và mối quan-tâm chính-yếu của nước kia. Ông ta cũng đòi phải có một ‘tư-tưởng chiến-lược’ để đào sâu việc hợp-tác thực-hành trong nhiều lãnh-vực như nguyên-tử, hàng-không, tài-chánh…, cần phải có một tinh-thần cởi mở để thiết-lập một cộng-đồng lợi-ích chặt chẽ giữa hai nước…trong tinh-thần đôi bên cùng có lợi.

Về phiá ông Valls, ông này cho biết Pháp coi trọng mối quan-hệ với Trung-Hoa và đôi bên mong muốn tăng-cường hợp-tác chiến-lược trong những lãnh vực khác nhau như hàng-không,nguyên-tử, xe hơi, tài-chánh, cải-thiện điều-kiện gia-nhập thị-trường và bảo-vệ đầu-tư, tái quân-bình các trao đổi thương-mãi và kêu gọi các nhà đầu-tư, sinh-viên và du-khách đến Pháp…

Cũng trong buổi sáng thứ sáu, ông Manuel Valls đã đến viếng thăm phức hợp kinh-tế Wangjing Soho ở Pékin, ở đây ông đã đọc một bài diễn văn nhằm kêu gọi các nhà đầu tư Trung-Hoa đến Pháp với khẩu-hiệu bằng tiếng Trung Hoa ‘Huanying lai Faguo’ (hoan nghênh lai Pháp-Quốc) bày tỏ việc hoan nghênh người Hoa đến Pháp.

Ông cho biết đầu tư hiện nay của Trung Hoa ở Pháp chỉ mới ở mức độ 3,5 tỉ euros và tạo ra 13.000 công việc trong khi Pháp đã có 1500 xí nghiệp hiện diện tại Trung-Hoa xử-dụng 550.000 công-nhân, và Pháp đã là nước Âu Châu đứng hàng đầu trong việc xử dụng nhân-công tại Trung Hoa!

Sau bài diễn văn của ông Valls, Xinhua đã thăm dò các tham dự viên buổi họp về việc liệu có sẵn sàng đầu-tư tại Pháp hay không, một tham dự viên  dấu tên đã nói ‘ở Pháp có quá nhiều thuế’. Trong khi đó, chủ-tịch nhóm Soho China, Pan Shiyi, đã nói trong lúc này, ông ta không có dự-án đầu-tư ở Pháp, nhưng ông này không nói rõ là vì lý do gì.

*****

Một số các bình-luận gia coi chuyến đi này của thủ-tướng Valls là một sự thất bại, điều này e rằng quá khắt khe. Nếu biết rằng tổng-thống Pháp Hollande sẽ sang Trung-Hoa vào ‘đệ nhị lục cá nguyệt’ năm nay, việc ông Valls đi lần này mang tính các dò đường và dọn đường. Thông-điệp của Xi Jinping đòi hỏi sự hợp tác chiến-lược giữa hai nước cho thấy việc ký kết không nằm ở mức độ được thảo luận giữa chánh-quyền hai nước. Các điều kiện được thảo luận tổng-quát giữa hai thủ-tướng Pháp và Trung-Hoa sẽ được coi là căn-bản để nghiên-cứu và khi hai vị chủ tịch nước Trung Hoa và tổng-thống Pháp gặp nhau, các dị-biệt đã được san bằng và sự gặp gỡ cốt để ký kết!

0Điều được coi như là một thất bại là việc ông Valls đã không gặp được các đại diện của ‘xã hội dân-sự’ Trung-Hoa, trên nguyên-tắc, các việc gặp gỡ đã được chuẩn bị, nhưng vào phút cuối, những khách được mời đã lần lượt cáo thoái. Điều cho thấy áp lực của chánh-quyền Trung-Hoa trên các xã hội dân-sự này vẫn hữu-hiệu hay nói một cách khác, các xã hội dân-sự này nằm trong vòng kiểm-soát của chánh-quyền Trung-Hoa.

Tham khảo

http://www.lexpress.fr/actualite/politique/manuel-valls-est-en-chine-pour-une-visite-de-trois-jours_1645833.html#SmcoV9wkmc7AVOxZ.99

http://www.lemonde.fr/economie/video/2015/01/31/manuel-valls-aux-chinois-bienvenue-en-france_4567400_3234.html

http://www.lesechos.fr/monde/chine/0204123794787-le-jaime-lentreprise-en-mandarin-de-manuel-valls-1088776.php

https://fr.finance.yahoo.com/actualites/manuel-valls-termine-visite-chine-092024578.html

 

Nhà Nước Hồi-Giáo (EI hay Daech) đe dọa Pháp – Nhữ Đình Hùng

Trong một vidéo mới được Daech phổ-biến trên mạng vào ngày thứ ba 03.02.2015, một nhóm gồm bảy người, trong số có một phụ nữ, đã đe dọa sẽ có những tấn-công khủng-bố mới nhắm vào nước Pháp!

Trong vidéo này, một người đàn ông nói tiếng Pháp lưu-loát, đã kêu gọi những người hồi-giáo tại Pháp hãy làm những vụ khủng bố trong nước này, lấy những người đã tham-dự biểu-tình ủng-hộ Charlie Hebdo làm đích. Người này kêu gọi những người hồi-giáo Pháp ‘ được tự do, ở trong tù hay bị theo dõĩ hảt làm các vụ khủng-bố chống lại cảnh-sát và quân-nhân để lấy võ-khí, kêu gọi họ hãy đi theo Daech, và xác-nhận các người tấn-công toà-soạn Charlie Hebdo và siêu-thị cascher đều đã qui-thuận Nhà Nước Hồi Giáo, ca ngợi hành-động của anh em nhà Kouachi, Coulibali và Bertrand Nzohabonayo.

Đây không phải là lần đầu tiên Daech đe dọa Pháp. Vào trung-tuần tháng chín 2014, Daech cũng đã đe dọa rấn công Pháp và nhiều nước ở Âu Châu.

Sau vụ tấn-công toà soạn báo Charli Hebdo, báo chí Ý-đại-lợi đã đưa ra các tin tức, căn cứ trên phúc-trình của CIA (Mỹ) và Mossad (Do-thái) cho thấy Giáo-Hoàng François cũng nằm trong các mục-tiêu ưu-tiên của quân djihadistes.

Cũng trong ngày thứ ba, tại Nice thuộc miền Nam Pháp, một người da đen, Moussa Coulibaly, đã tấn công ba quân-nhân đang canh gác trước một trung-tâm của cộng-đồng Do Thái. Anh này không có liên-hệ gì với người đã tấn-công siêu thị casher trước đây ở Paris.

Trong cuộc thẩm vấn của cảnh-sát, Moussa Coulibaly nói rằng dưới mắt anh ta, người hồi giáo bị ngược đãi trên toàn thégiới. Anh này cũng bày tỏ sự hận thù đối với nước Pháp, với cảnh sát, với quân đội và với người Do-Thái. Moussa Coulibaly vừa bị Thỏnhĩ-kỳ trục xuất về Pháp cách đây một tuần khi anh này đến Thổ và có thể để tìm đường sang Syrie. Coulibaly hiện được chuyển về Paris để tiếp tục điều tra và có lẽ sẽ bị truy tố về hành vi khủng bố.

Tham khảo:

http://geopolis.francetvinfo.fr/bureau-rome/2015/01/12/daesh-menace-le-vatican.html

http://french.irib.ir/info/international/item/358066-daesh-menace-la-france

http://www.cybercomnet.net/news/2015/02/04/daesh-menace-de-nouveau-la-france/

 

Khủng bố ở Đan-mạch ngày thứ bảy 14.02 và chúa nhật 15.02.2015 – Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/ 15.02.2015

Trong hai ngày thứ bảy 14 tháng hai 2015 và chủ nhật 15.02 đã có hai vụ nổ súng xảy ra, cách nhau chưa tới 10 tiếng đồng-hồ, ở Copenhague, thủ đô của Đan-mạch, làm thiệt mạng hai thường dân và làm bị thương năm cảnh sát viên. Vụ nổ súng thứ nhất xảy ra vào trưa thứ bảy 14.02 tại trung-tâm văn-hoá Krudttønden và vụ thứ hai xảy ra vào lúc 01 giờ sáng ngày chủ-nhật tại đền thờ do-thái (synagogue) ở thu-đô Copenhague.

Vào ngày thứ bảy, lúc 15 giờ trưa, tại trung-tâm văn-hoá Krudttønden, trong một khu-vực thuộc phiá bắc thụđô Đan-mạch, nơi diễn ra một cuộc tranh-luận về vấn-đề ‘Nghệ-thuật, việc xúc-phạm và tự-do’. Cuộc tranh-luận được đặt dưới sự bảo-vệ bảo-vệ của cảnh-sát, trong một phòng họp không có cửa sổ vì có sự tham-dự của Lars Vilks, một nhà biếm-họa của Thụy-điển, người bị đa dọa từ năm 2007 vì đã vẽ tranh nhạo-báng Mahomet có thân hình chó, đại diện nhóm FEMEN và đại-sứ Pháp tại Đan-mạch. Khoảng lúc 15 giờ 30, trong khi bà Inna Schechenko, thủ lãnh của phong-trào FEMEN, đang trình bày,, một người đàn ông đã nã súng bắn vào phiá ngoài toà nhà.

Lập tức, đại sứ Pháp và nhà biếm-họa Lars Vilks và các tham-dự viên được chuyển sang phòng kế cận và ở đó trong một lúc lâu. Finn Nørgaard, một nhà thực-hiện phim ảnh, 55 tuổi, ở ngoài phòng họp, đã bị bắn chết, ngoài ra, còn có ba cảnh-sát bị thương. Hung phạm đã nhanh chóng rời khỏi phạm-trường bằng xe Wolkswagen Polo. Cảnh-sát không thể xác định việc nổ súng là nhắm vào mục-tiêu gì, đã mở cuộc truy tầm hung thủ mà theo họ, có thể có hai hung thủ.

Theo Inna Shevchenko kể lại trên trang twitter của bà này, khi bà bắt đầu nói về quyền tự-do phát-biểu thì nghe có khoảng 20 tiếng súng nổ và mọi người bắt đầu tháo chạy.

Trong phòng họp có sự hiện diện của đại sứ Pháp François Zimeray được coi như diễn-giả chính.
Theo băng ghi âl của BBC, người ta có thể nghe được nhiều tiếng súng bắn vào lúc 15giờ 30. Hung-thủ, bịt mặt, đã không thể vào phòng họp vì lối vào có máy dò kim loại. Vì thế, anh này đã nổ súng ngoài phòng họp và cảnh sát đã bắn trả. Hung thủ đã bỏ chạy. Theo đại sứ Pháp, hung phạm ‘đã có cùng ý định như trong vụ Charlie Hebdo, ngoài việc anh ta đã không thành-công trong việc vào phòng họp’. Đại sứ Pháp đã lập tức thông báo cho thượng cấp biết là ông ta còn sống!

Về phiá chánh-quyền Đan-mạch, nữ thủ-tướng Helle Thorning Schmidt coi đây là  một hành-vi khủng-bố chính-trị!

Chiếc xe Wolkswagen Polo đã được bỏ lại ở một nơi cách chỗ bị khủng bố khoảng hai cây số về phiá bắc, gần một nhà ga. Người bị ngờ là hung thủ đã thuê một xe tắc-xi để đi về một toà nhà thuộc khu-vực Nørrebro. Người này đã được các máy quay phim an-ninh chụp hình. Khoảng năm giờ rưỡi chiều, cảnh-sát loan-báo việc tìm thấy chiếc xe, cho biết bảng số xe và kế đó, khoảng bảy giờ chiều, cho biết các chi tiết về người bị tình nghi như vóc dáng ước lượng 1 thước 85, khoảng 25 đến 30 tuổi, có lẽ là người Ả-rập và cho phổ biến ảnh lấy từ máy quay phim anh ninh. Một tài xế tắc-xi đã thông báo cho cảnh-sát về địa điểm ông ta đã đưa một người đàn ông, giống như tài liệu phổ biến, đến đó. Khu vực và ngôi nhà lập tức bị phong-toả.

Vào một giờ sáng ngày chủ-nhật, một vụ nổ súng khác lại xảy ra ở một đền thờ do-thái-giáo. Người giữ đền, Dan Uzän, 37 tuổi, bị chết vì bị bắn trúng đầu. Hai cảnh sát bị thương.

Đến lúc gần năm giờ sáng, một người đàn ông đã nổ súng vào lực lượng cảnh sát đang phong-toả khu-vực Nørrebro, nơi tình nghi là chỗ ở của hung-phạm. Cảnh-sát đã phản-pháo và người đàn ông này bị bắn hạ. Cảnh sát coi đây là hung phạm duy nhất cho cả hai vụ nổ súng ngày thứ bảy và ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, nguồn tin cảnh-sát không cho biết gì nhiều về người bị bắn hạ, chỉ nghĩ rằng hung phạm, căn cứ vào các yếu-tố có được trước khi có xảy ra vụ nổ súng, đã lấy ‘cảm hứng’ từ ý-thức-hệ của Nhà Nước Hối-Giáo và từ các tổ chức khủng-bố khác, theo nhận định của Jens Madsen thuộc sở tình báo PET. Ông này cũng nói người bị bắn chết đã được các sở an-ninh biết đến nhưng không chắc là người này đã đi Syrie hay Irak. Cảnh-sát không cho biết quốc-tịch người này, chỉ nói ông này gốc gác ở Copenhague.

Về diễn-tiến hai vụ nổ súng ở Copenhague, người ta thấy có những điểm giống với vụ tấn công toà soạn Charli Hebdo và siêu thị kascher ở Pháp. Trước hết là tấn công vào một phiên họp có sự tham dự đông đảo của những thành phần bị coi là báng-bổ, chế diễu hồi giáo như nhóm FEMEN, nhà hí họa Lars Vilks và kế đó là tấn-công vào một cơ-sở do-thái-giáo. Cho đến nay, không biết ngoài hung phạm bị bắn hạ, còn có tòng phạm nào khác không. Khó có thể kết luận đây là một hành-vi bất chợt, người ta nghĩ đến việc đây là một hành vi có tính toán trước. Cũng có thể Lars Vilks là mục-tiêu phải thanh-toán như các nhà biếm họa của Charlie Hebdo. Đan-mạch là nước có nhiều người sang tham dự djihad ở Irak và Syrie.

Nguồn:
http://www.lexpress.fr/actualite/monde/europe/ce-que-l-on-sait-des-fusillades-de-copenhague_1651728.html
http://www.lemonde.fr/europe/article/2015/02/15/fusillades-de-copenhague-un-tireur-connu-du-renseignement_4576897_3214.html
http://www.bfmtv.com/mediaplayer/video/fusillades-de-copenhague-le-caricaturiste-lars-vilks-etait-il-la-cible-445879.html

Lần đầu tiên Pháp thành-công trong việc bán phi-cơ Rafale cho nước ngoài – Nhữ Đình Hùng/21.02.2015/tổng hợp

Nước Pháp đã ký kết với Ai-Cập vào ngày  thứ hai 16.02.2015 tại Caire một khế-ước về việc bán 24 phi-cơ Rafale cho Ai Cập và nhiều quân-dụng , vũ-khí khác. Đây là lần đầu tiên Pháp thành công trong việc xuất-cảng phi cơ này. Chủ-tịch tổng-giám-đốc xí-nghiệp Dassault Aviation, Eric Trappier, đã phó-thự khế-ước này tại phủ tổng-thống Ai-Cập với sự hiện-diện của tổng-thống Ai-cập Abdel Fattah Al-Sissi và tồng-trưởng quốc-phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Khế-ước bán vũ khí của Pháp cho Ai-cập có trị giá 5,2 tỉ euros gồm có:

– khế-ước bán 24 phi-cơ Rafale của hãng Dassault Aviation

– khế-ước bán chiến-hạm đa-nhiệm Fremm do DCNS đóng

– khế-ước bán hoả-tiễn không-đối-không Mica và hoả-tiễn di-hành Scalp của MBDA

– khế ước bán hoả-tiễn không-đối-địa 2ASM của Sagem

– khế-ước về việc bán các ‘mục-tiêu đánh lừa’ (leurre) dùng cho Rafale của hãng Lacroix.

Các tin tức về việc bán các phi-cơ Rafale, chiến hạm loại Fremm và các trang-bị vũ-khí khác đã được loan-báo ở Pháp vào ngày 12.02 và sau đó tổng-trưởng quốc-phòng Jean-Yves Le Drian đã lên đường sang Caire ngày 16.02 để ký kết thoả-hiệp về việc bán các vũ-khí này. Sự việc như thế đã diễn tiến nhanh chóng, nếu không muốn nói là quá nhanh chóng nếu so với các lần điều đình về việc bán Rafale trước đây đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Về phiá Ai Cập, họ đã cho biết các yêu-cầu trang-bị vũ-khí của họ cho Pháp biết vào mùa thu năm 2014 và chỉ năm tháng sau,  thoả-hiệp được ký kết. Sự thoả-thuận nhanh chóng này được phiá Pháp giải-thích là nhờ ‘những người đối thoại biết rõ những gì họ cần. Và chính tổng-thống Ai-cập đã cùng với tướng Mohammed Al Assar, dẫn dắt cuộc thương thảo!’.

Việc giao hàng cũng rất nhanh chóng : 3 phi-cơ Rafale phải được giao ngay trong năm nay (dự trù cuối muà hè), ba chiếc giao trong năm 2016 và 18 chiếc còn lại trong vòng 5 năm tới. Ba chiếc Rafale giao trong năm nay sẽ được lấy từ số phi-cơ thực hiện cho không lực Pháp. Chiến-hạm loại Premm cũng được giao vào cuối mùa hè, trích trong số thực hiện dành cho hải quân Pháp!

Tổng-trưởng quốc-phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã coi việc bán lần đầu tiên các phi-cơ Rafale cho Ai-cập là một thành-quả quan-trọng ‘ đây là một khế-ước ngoại-hạng cho kỹ-nghệ quốc-phòng của chúng ta đã làm rõ giá-trị của Rafale…một phi-cơ thực hoàn hảo’. Ông Le Drian cũng nói đến các lý-do khiến Ai-cập quyết-định mua các phi-cơ này:’ Tổng-thống al-Sissi trước hết có một cần-thiết chiến-lược: việc bảo-vệ kinh đào Suez mà một phần lớn vận chuyển quốc-tế đi qua đó. Đó là lý do đầu tiên việc cấp-thiết phải có vừa khả năng hàng hải và không trung để bảo đảm việc an-ninh này’. Kinh đào Suez dài 195 cây số, nối liền Địa Trung Hải và Hồng Hải, việc vận chuyển qua kinh đào này chiếm 6% khối lượng vận chuyển hàng-hải của thế-giới! Theo Global Fire Power, không-lực Ai-cập đứng hàng thứ tám trên thế giới, có khoảng 1100 phi cơ trong số có 343 phi-cơ truy-kích ( nhiều hơn Pháp), nếu kể số lượng phi-cơ tấn công các mục tiêu trên đất liền, Ai-cập đứng hàng thứ năm trên thế-giới. Sự lựa chọn mua Rafale còn dựa trên vấn-đề kỹ thuật, trong khi F-16 là một phi cơ truy-kích, Rafale là một phi-cơ đa-năng, vừa là săn đuổi, chận đánh, trinh-sát và tấn-công các mục tiêu trên mặt đất! Các chuyến tân-công của Pháp vào lực-lượng Daech đã chứng tỏ khả-năng đa-hiệu của phi-cơ Rafale.

Ngoài nhu-cầu an-ninh, Ai-cập xem chừng còn có một nhu cầu kinh-tế chánh-trị: đó là việc giảm-thiểu sự lệ-thuộc vào khu-vực đô-la. Trước đây, hằng năm Mỹ cung cấp một ngân-khoản lên tới 1 tỉ rưỡi đô la trong đó 1 tỉ ba là hỗ-trợ quân-sự. Nhưng sau việc quân-đội lật đổ tổng-thống Morsi, một phần viện-trợ này đã bị ngưng lại kể từ tháng 10/2013. Trước đây, Ai-cập mua phi-cơ truy kích F-16 của Mỹ ( không lực Ai-cập có 240 chiếc F-16) nhưng nay quyết định mua Rafale của Pháp, điều cho thấy nước này không muốn lệ-thuộc hoàn toàn vào Mỹ về quân-sự và tài-chánh (Hiện Bỉ cũng đang suy nghĩ về việc thay thế F-16 ). Việc Ai-cập muốn giảm ảnh-hưởng của Mỹ cũng còn thấy qua việc Ai-cập ký kết việc mua một trung-tâm nguyên-tử của Nga, ngoài ra việc thương mãi giữa Nga và Ai-cập có thể thanh-toán bằng tiền quốc-gia thay vì đồng đô-la.

Ai-cập là một trong những nước mua vũ-khí nhiều nhất trong khu-vực trung-đông. Trong lần mua vũ-khí này từ Pháp, Ai-cập đã phải dựng ra một cơ cấu tài chánh trong đó Ai-cập đóng góp một nửa vốn, phần còn lại do một tập-hợp các ngân-hàng Pháp cho vay. Nước Pháp, qua tổ-chức Coface, bảo-đảm 100% vốn vay các ngân-hàng với một lãi suất chấp nhận được, tương tự như các điều áp-dụng cho các quốc-gia Âu-châu. Ai-cập sẽ đóng một khoản đặt cọc (acompte) trong vòng hai hay ba tuần lễ kể từ khi ký thoả ước! Ai-cập sẽ làm việc này nhanh chóng để có thể cho bay biểu diễn các Rafale của mình và cho chiến hạm Fremm lướt sóng vào ngày 05.08.2015 nhân dịp khánh-thành việc mở rộng kinh đào Suez.

Về phần vốn ‘riêng’ của Ai-cập, nước này trông cậy vào viện-trợ tài-chánh của Arabie Saoudite và Emirats arabes unis. Vào năm 1970, khi mua các phi-cơ Mirage của Pháp, Ai-cập cũng đã từng được Arabie Saoudite tài-trợ!

Ngoài việc bán các phi-cơ Rafale, chiến-hạm Fremm và các võ-khí, không có vấn-đề chuyển các tin-tức kỹ-thuật cho Ai-cập. Việc huấn-luyện các phi-công Ai-cập sẽ được làm ngay để các phi-công này có thể thực-hiện các phi vụ vào đầu tháng tám. Đây là một thách đố lớn vì phi-cơ Rafale khá phức tạp. Việc huấn luyện thủy-thủ-đoàn Ai-cập cũng thế. Bộ quốc-phòng Pháp nghĩ rằng các khó khăn này sẽ được vượt qua. Được biết các phi-cơ sẽ được giao cho Ai-cập đang được lắp ráp tại Mérignac thuộc Gironde, trước đây dự định chuyển giao cho không-quân Pháp. 24 phi cơ được bán cho Ai-cập bao gồm 8 phi-cơ một người lái và 16 phi-cơ hai người lái.

Chiến hạm Fremm được thực hiện ở Lorient thuộc Morbihan, trước đây dự định giao cho hải-quân Pháp dưới tên Normandie. Tàu sẽ được giao cho Ai-cập không có trang-bị hoả-tiễn di-hành.

Việc bán lần đầu tiên Rafale ra nước ngoài đem lại cho hãng Dassault Avion trước hết việc ‘thanh thản’ trong lĩnh vực tài-chính để tiếp tục dây chuyền sản xuất. Mặt khác, có thể tạo một ‘kích-thích’ đối với những nước đang muốn mua Rafale. Từ ba năm qua, Ấn-độ thương-thuyết mua 126 phi-cơ Rafale,  các giai-đoạn thương-thuyết đã gần như xong, ngoại trừ việc Án-độ đòi hỏi Pháp bảo-đảm kỹ-thuật các phi-cơ các phi-cơ do Ấn-độ chế-tạo tại chỗ, điều bị Dassault từ chối (Ấn-độ đề nghị mua ngay 18 phi-cơ chế-tạo tại Pháp, phần còn lại được thực-hiện tại Ấn do xí-nghiệp Ấn-độ HAL, điều này hàm ý có chuyển-giao kỹ-thuật chế-tạo cho Ấn-độ).

Vào cuối tháng12/2014, tổng-trưởng quốc-phòng Ấn, Manohar Parrikar đã gợi ra việc có thể thất-bại trong việc điều đình nhưng vào ngày 18.02 cho biết chánh-phủ Ấn chờ đợi từ nay đến đầu tháng ba phúc-trình về giá thành của Rafale liên can đến việc mua 126 phi-cơ này của hãng Dassault. Manohar Parrikar tuyên bố  ‘tôi không đưa ra bình luận gì cho đến khi Ủy-ban thương thuyết khế ước (CNC= Contract Negotiations Comittee) lập phúc-trình chung cuộc vào cuối tháng hai đầu tháng ba’ trong cuộc họp báo ở cuộc triễn lãm hàng-không Ấn và quốc phòng tại Bangalor thuộc Nam Ấn. Trong khi đó, thứ-trưởng quốc-phòng Rao Inderjit Singh cho biết chánh-quyền Ấn muốn Dassault có một cam-kết về việc chuyển-giao kỹ-thuật cho Ấn và không có một thoả-hiệp gì về phẩm chất cũng như đặc-tính của phi-cơ.

Được biết tổng-trưởng quốc-phòng Le Drian sẽ lên đường sang Ấn-độ và ở đây hai ngày thứ hai 23.02 và thứ ba 24.02.

Ngoài Ấn-độ, một khách hàng khác cũng có thể mua Rafale là Qatars. Các thương thuyết có nhiều triển-vọng tốt, Qatars có thể mua 36 Rafale trong số Có 12 chiếc là nhiệm ý!

Từ nhiều năm qua, Emirats muốn mua 60 phi-cơ nhưng các cuộc thương thuyết bị ‘ngâm tôm’ trong lúc này. Pháp cũng đang dò tìm thị trường ở Mã-Lai và ở Bỉ (nước này có dự định thay thế các F.16).

Với khế ước bán Rafale cho Ai-cập (trị giá 5,2 tỉ), xuất cảng vũ-khí của Pháp cho năm 2015 đã vượt qua 10 tỉ euros, vượt hẳn năm 2014 chỉ xuất cảng được 8 tỉ euros!

Nguồn:

http://www.lemonde.fr/economie/article/2015/02/16/le-contrat-de-vente-du-rafale-a-l-egypte-en-cinq-questions_4577395_3234.html#7T9Arxjwjoztjscm.99

http://www.lemonde.fr/economie-francaise/article/2015/02/13/la-vente-du-rafale-au-caire-bouclee-en-un-temps-record_4575865_1656968.html#Lfik2fM9SyIFCha0.99

http://www.latribune.fr/entreprises-finance/industrie/aeronautique-defense/20150212tribb22e2e443/rafale-la-vente-de-24-avions-a-l-egypte-sera-signee-lundi.html

http://www.huffingtonpost.fr/2015/02/16/vente-rafale-egypte-avions-de-chasse-francais-daech-libyue-sinai_n_6690710.html

http://www.usinenouvelle.com/article/les-discussions-sur-la-vente-de-36-rafale-au-qatar-au-stade-final.N314453

 

Bốn dân-biểu và nghị-sĩ Pháp sang thăm Syrie – Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/ 25.02.2015

Một nhóm gồm hai dân-biểu và hai nghị-sĩ Pháp đã sang Syrie từ ngày thứ ba và trong ngày thứ tư 25.02 đã được tổng-thống Syrie Bachar al-Assad tiếp. Nhóm dân-biểu và nghị-sĩ này, thuộc nhóm thân-hữu Pháp-Syrie ở quốc-hội và thượng-viện, gồm có các dân-biểu Gérard Bapt (đảng xã-hội), Jacques Myard (đảng UMP), các thượng-nghị-sĩ Jean-Pierre Vial (UMP) vàFrançois Zocchetto (UDI). Nhóm này nói rằng họ làm một ‘sứ-vụ riêng’

Lập-trường chánh-thức của Pháp là ủng-hộ những người nổi dậy chống Bachar al-Assad, coi ông này là người không thể giao thiệp được. Bang-giao giữa Pháp và Syrie đã gián-đoạn từ năm 2012.Vào tháng chín 2013, tổng-thống Pháp François Hollande đã không thành-công trong việc tập-hợp Âu-châu trong hồ-sơ Syrie nhằm chuẩn-bị một can-thiệp quân-sự vào nước này.

Chánh-phủ Pháp không tán-đồng việc thăm Syrie của nhóm bốn dân-biểu và nghị-sĩ trên. Phát-ngôn-viên của chánh-phủ, Stéphane Le Foll, trong buổi trưa thứ tư 25.02 đã nói việc gặp gỡ của nhóm này với tổng-thống Bachar al-Assad là ‘sáng-kiến riêng’ và ‘trong bất kỳ trường-hợp nào, không phải là sáng-kiến của chánh-thức’ của nước Pháp.

Về phiá bộ ngoại-giao, phát-ngôn-viên Alexandre Giorgini nói đây là sáng-kiến của các nghị-viên, đúng theo nguyên-tắc phân-quyền, đã quyết định không tham khảo với bộ ngoại-giao và phát-triển quốc-tế… Các nghị-viên liên-hệ không mang một thông-điệp chánh-thức nào.

Nhóm dân-biểu, nghị-sĩ sang thăm Syrie nói rằng chuyến đi của họ được chính họ tài-trợ. Jacques Mayard nói rằng ông ta trả tiền vé máy bay, trả tiền khách-sạn ở Beyrouth.’ Jacques Myard cho biết ‘nhóm đã gặp tổng-thống al Assad trong khoảng một tiếng đồng-hồ nhưng không cho biết nội-dung. Được biết trong ngày thứ ba, ông Myard cũng đã cho biết chuyến đi Syrie của nhóm là ‘một sứ-vụ riêng để thấy những gì đã xảy ra, để nghe ngóng, để lắng nghe, sau đó, chúng tôi sẽ rút tỉa các tin tức’. Theo nguồn tin chánh-quyền Damas, nhóm đã được thứ-trưởng ngoại-giao Syrie, Fayçal Moqdad, tiếp đón. Trong ngày thứ tư, nhóm được ngoại-trưởng Walid Mouallem tiếp và sau đó, tiếp xúc với tổng-thống Syrie al-Assad. Nhóm cũng đã gặp và dùng bữa với giáo lãnh của Syrie, cheikh Ahmad Hassoun.Như vậy, nhóm đã gặp những viên chức cao cấp nhất của chế-độ Damas.Sau cuộc hội-kiến với tổng-thống al_Assad, chánh-quyền đã cho phổ biến hình ảnh cuộc gặp gỡ.

Kể từ cuộc khủng-bố vào tháng giêng vừa qua, các người chủ-trương việc nối lại tiếp xúc với Damas đã yêu-cầu có một dịu nhẹ trong đường lối của Pháp. Đây là một tập-hợp lộn-xộn gồm các cảnh-sát, nhân-viên tình-báo, các nhà ngoại-giao theo chủ-quyền (souverainistes) ở hữu cũng như tả phái..; Một viên-chức ngoại-giao Pháp cho rằng ‘Đóng cửa toà đại-sứ là một sai lầm’ và biện minh cho việc phải đối thoại hiều hơn với Syrie và Iran. ‘Những nước không đóng cửa toà đại sứ của họ có thể thấy những gì xảy ra trên diện địa và giữ một liên-hệ với Assad..Về phiá chúng ta, chúng ta không có một ý kiến rõ ràng về những gì xảy ra. Trong lòng những cơ quan tình-báo, ý muốn nối lại các đối-thoại đã thấy’.

Tham-khảo:

http://www.lemonde.fr/proche-orient/article/2015/02/24/des-parlementaires-francais-en-syrie-pour-une-mission-personnelle_4582430_3218.html#brrsr0aA1BVviwDg.99

http://www.lexpress.fr/actualite/monde/proche-moyen-orient/quatre-parlementaires-francais-en-goguette-en-syrie_1655121.html#866tiPHZZihqjqu9.99

http://www.egaliteetreconciliation.fr/Quatre-deputes-francais-en-visite-en-Syrie-31328.html

 

Ngôn ngữ cách mạng (tt)

…Cũng phải có một chút “sáng tạo ngôn ngữ” khi giới thiệu với sếp rằng các con tôi đứa nào cũng “ngoan cố”. Thế nào chúng nó cũng được sếp lì xì vì ngoan ngoãn và cố gắng. Trong một xã hội đầy đẫy những “băng huyết” (băng hoại huyết thống) trên mọi phương diện, và “lẹo dối” (lươn lẹo và dối trá) ở mọi lãnh vực, thì làm sao tìm được “lương thật” (lương tâm thật thà) nhưng chỉ thấy rặt một lũ “dương vật” (xiển dương vật chất) (promotion of materials). Chúng nó chỉ nằm hưởng thụ những “đại tiện” (vĩ đại của tiện nghi) mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc “bảo lãnh” (bảo vệ lãnh thổ) cho thế hệ mai sau.

Chưa bao giờ chúng biết “ân ái” (ân cần và bác ái) với những người nghèo khổ mà chỉ biết “lột quần” (bóc lột quần chúng) mà thôi. Đó là một xã hội “rắm thối” (rối rắm và thối nát) từ trên xuống dưới. Cả một lũ “lưu linh” (lưu manh và vô linh hồn) đang nắm vận mệnh nước nhà. Chúng nó đều là những tên “thất tiết” (thất học và không tiết tháo) thì làm sao đất nước “cường dương” (hùng cường và xiển dương) được. Ngày nào chúng nó còn “lãnh đồ” (lãnh đạo tiền đồ) ngày đó đồng bào chúng ta còn “khốn nạn” (khốn khổ là nạn nhân). Thôi, chúng ta đành phải: “xây nhà cầu” (xây dựng nước nhà và cầu nguyện) vậy.

 

Dân Tộc Sinh Tồn

Quyển 1 Chương 2 (tt)

C.- Sự Phát-Sanh Những Lý-thuyết Dân-chủ.

1)      Sự Phát-Sanh Lý-thuyzet Dân-chủ Ở Anh

a) LOCKE VÀ THỜI-ĐẠI ÔNG.

Những ý-tưởng dân-chủ thật ra đã manh-nha ở nước Anh từ khi các nhà quí-tộc họp nhau lại bắt nhà vua phải ban cho mình một Đại Hiến-chương. Nó lần lần phát-triển trong những cuộc tranh-đấu giữa nhà vua một bên với những nhà quí-tộc và dân-chúng một bên để thành-lập và củng cố Nghị-hội. Tuy thế, nó chỉ được nêu ra thành học-thuyết của hệ-thống rõ rệt với John Locke.

Locke sanh năm 1632, lúc vua Charles đệ nhứt họ Stuart cầm-quyền. Vua này cưới một bà công chúa Pháp là Henriette làm vợ nên bị dân-chúng Anh không ưa. Sự thất-bại của ông trong công cuộc giúp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo CảI-lương thành La Rochelle chống lại Pháp-hoàng Louis thứ 14 lại càng làm ông mất uy-tín.

Một mặt khác, ông nghe lời những người cộng-sự nên muốn thi-hành chế-độ chuyên-chánh trong nước. Ông cho phép thủ-tướng Strafford đánh nhiều món thuế không được Nghị-hội chuẩn y, và cùng giám-mục Laud mưu-đồ thống-nhứt dân Anh về phương-diện tôn-giáo. Để tránh sự phản-kháng của Nghị-hội, ông giảI-tán nó nhiều lần.

Chánh-sách đó tự-nhiên gây ra những cuộc biến động trong nước. Dân Tô-cách lan theo phái Trưởng lão[1], dân Ái-nhĩ-lan theo Thiên-chúa-giáo La-mã và người Anh theo phái Thanh-giáo[2] đều bị đàn-áp nên đứng lên chống lại nhà vua. Do đó, phát khởi cuộc nội-chiến năm 1642 do Nghị-hội cầm đầu. Vua Charles đệ nhứt thất-bại và bị xử-tử năm 1649. Cromwell, một lãnh-tụ phái Thanh-giáo lên nắm quyền ở nước Anh.

Thân-phụ Locke là người tham-dự cuộc tranh-chiến bên phái Nghị-hội chống nhà vua. Locke chịu ảnh-hưởng của than-phụ và rất phục Cromwell. Tuy thế, những cuộc xung-khắc nhau giữa các chi-phái Thiên-chúa-giáo Cải-lương trong nước ông về sau làm cho ông đâm chán.

Năm 1660, con vua Charles đệ nhứt là Charles đệ nhị được rước về làm vua nước Anh. Ông ta cũng muốn thi-hành chánh-sách chuyên-chế y như cha và chống chọi Nghị-hội. Vốn là một y-sĩ, Locke kết thân với Bá-tước Shaftesbury là một chánh-khách làm cố-vấn cho vua Charles đệ nhị.

Ban đầu ông này được Charles đệ nhị tin dùng, nhưng về sau ông chọi lại nhà vua và cầm đầu phái Whig trong Nghị-hội, chủ-trương hạn-chế bớt quyền vua. Thời-kỳ kế tiếp theo đó là một thời-kỳ rối loạn, đầy những cuộc âm-mưu, những cuộc phản-biến. Trong cuộc cạnh-tranh với nhà vua, bá-tước Shaftesbury nếm mùi thất-bại. Ông bị bắt, rồi được nhà vua tha, song phải sang nước Hoà-lan. Locke sợ bị liên-lụy, phải trốn theo.

Lúc bấy giờ, ở Âu-châu, Thiên-chúa-giáo Cải-lương đang bị nguy-ngập. Năm 1685, tại Pháp, vua Louis thứ 14 hủy bỏ pháp-lịnh Nantes và đàn-áp những tín-đồ Thiên-chúa-giáo Cải-lương một cách tàn-bạo. Cùng lúc ấy, vua Charles đệ nhị chết, em là Jacques đệ nhị nối ngôi. Ông này tuyên-bố theo Thiên-chúa-giáo La-mã nên bị ác-cảm của dân-chúng nước Anh.

Những điều này làm cho Locke rất mực thù-hận các nhà vua chuyên-chế mà Louis thứ 14 là kiểu mẫu hoàn-bị nhứt. Ông đồng-thời dứt tình với dòng họ Stuart mà ông xem là đồng lõa với vua Pháp. Ông ngờ rằng vua Jacques đệ nhị muốn lập lại Thiên-chúa-giáo La-mã trên nước Anh để làm hài lòng vua Pháp. Chính lúc ấy, ông gặp rể vua Jacques đệ nhị là Guillaume d’Orange. Đó là một ông hoàng người Hòa-lan rất trung-thành với Thiên-chúa-giáo Cải-lương. John Locke mến phục Guillaume d’Orange và theo cộng-tác với ông này.

Năm 1688, Guillaume d’Orange được dân Anh rước về làm vua nước mình. Vua Jacques đệ nhị chống không lại, phải bỏ ngôi. Nghị-hội Anh được thắng-lợi hoàn-toàn và sẵn dịp đó, họ yêu-cầu tân quân chấp-thuận những điều-kiện của mình: công-nhận chế-độ tự-do và Thiên-chúa-giáo Cải-lương. Tháng 2 năm 1689, Locke theo hoàng-hậu Mary về Anh, mang theo quyển “Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự“, một tác-phẩm chánh-trị sẽ có một ảnh-hưởng lớn lao trên thế-giới về sau.

b) LÝ-THUYẾT DÂN-CHỦ CỦA LOCKE

Dụng-ý của Locke khi viết quyển “Tiểu luận về chánh-phủ dân-sự”, là tạo ra một hệ-thống lý-luận chánh-trị chống chọi lại sự chuyên-chế của nhà vua. Hệ-thống này chẳng những dùng để hướng-dẫn đồng bào ông trong sự hoạt-động chánh-trị tương-lai mà lại còn dùng để biện-chánh cho cuộc cách-mạng năm 1688 và đánh tan những nỗi thắc mắc trong lòng một số người Anh còn băn khoăn về chỗ đã đánh đuổi Jacques đệ nhị là nhà vua chánh-thống của nước mình.

1°. CON NGƯỜI TRONG TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN

Theo khuynh-hướng chung của những triết-gia đương-thời, Locke cũng bắt đầu sự suy-luận của mình với trạng-thái thiên-nhiên là trạng-thái của người khi chưa sống thành xã-hội. Kể ra thì trước Locke, đã có nhiều người nói đến trạng-thái thiên-nhiên ấy, và một văn sĩ Anh khác, Hobbes đã dựa vào nó mà viết một quyển sách để biện-chánh cho quyền chuyên-chế của nhà vua.

Theo Hobbes, trong trạng-thái thiên-nhiên, người chiến-đấu nhau rất dữ dội và sống trong cảnh khủng-khiếp, trong sự lo sợ một cái chết ghê gớm bất ngờ. Lý-trí người xui giục người hợp-quần nhau lại thành một xã-hội để sống được an-ổn hơn. Muốn giữ được trật-tự trong xã-hội, người phải tuân theo luật-pháp và tôn-trọng chánh-quyền.

Trái với Hobbes, Locke cho rằng trạng-thái thiên-nhiên là một trạng-thái tự-do và bình-đẳng. Lý-trí dạy cho mỗi người biết rằng mình bằng kẻ khác và độc-lập đối với kẻ khác, và không người nào nên phạm vào đời sống, sức khoẻ hay tài-sản kẻ khác.

Để cho những kẻ bạo-ngược không thể làm bậy được, thiên-nhiên cho phép mỗi người được quyền bảo-vệ người vô tội, đàn-áp kẻ bất-lương. Đó là quyền trừng-phạt thiên-nhiên. Nó không phải là tuyệt-đối và độc-đoán. Nó cấm người hành-động khi giận dữ hay thù hằn, và chỉ cho phép người thi-hành các trừng-phạt do một lý-trí bình-tĩnh quyết-định theo đúng lương-tâm người. Những trừng-phạt này phải cân-phân với những tộI-lỗi, cốt để sửa chữa những sai lầm đã qua và đề-phòng sự tái-phạm trong tương-lai.

Trong những quyền thiên-nhiên của người, còn có quyền tư-hữu. Tạo hóa ban địa-cầu cho tất cả mọi người, song lý-trí Tạo hóa phú cho người cũng dạy rằng người phải sử-dụng đất đai cách nào cho tiện-lợi nhứt. Muốn được như thế, ta phải để cho cá-nhơn có quyền sử-dụng những hoa quả do đất đai sản-xuất, và sau đó, sử-dụng đến chính mặt đất. Quyền tư-hữu phải dựa vào sự làm việc và hạn-chế bằng khả-năng tiêu thụ. Do đó, sự xung-đột không thể xảy ra được, vì ai cũng tự nhận thấy rằng mình cần bao nhiêu đất đai và chỉ bao nhiêu đất đai là đủ cho mình.

2°. NHỮNG KHUYẾT-ĐIỂM CỦA TRẠNG-THÁI THIÊN-NHIÊN VÀ SỰ CẦN DÙNG LẬP THÀNH XÃ -HỘI.

Nói một cách khái-quát, trong trạng-thái thiên-nhiên, người được sung sướng. Tuy vậy, sự tự-do của người cũng đưa đến những mối hại. Mỗi người đều tự xét về những trường-hợp có dính dáng đến mình. Do đó, người có thể thiếu sự công-bằng vì sự thiên-vị cho mình, cho bà con bạn bè, vì quyền-lợi hay có khi vì dục-vọng, vì ý muốn trả thù. Đó là nguy-cơ hăm dọa sự tự-do và bình-đẳng tự-nhiên, cùng sự tự-do hưởng quyền tư-hữu.

Vậy, trạng-thái thiên-nhiên hãy chưa được hoàn-toàn, nó thiếu những luật-lệ rõ ràng, được mọi người công-nhận và vui lòng chấp-thuận, thiếu những tòa án để phân-xử mọi việc kiện-tụng theo luật-pháp, và thiếu một oai-quyền để thi-hành các bản án. Người sở-dĩ chịu sống chung nhau thành xã-hội là để có những món thiếu kể trên đây, để được sung sướng hơn trong trạng-thái thiên-nhiên.

3°. SỰ TỔ-CHỨC HỢP-LÝ CỦA XÃ-HỘI.

Cứ theo chủ-trương trên này của Locke, thì xã-hội được thành-lập do sự chấp-thuận của mọi người. Như vậy, chỉ đáng xem là hợp-pháp những chánh-phủ nào thiết-lập với sự công-thuận của dân-chúng. Trong trường-hợp đó, những chánh-phủ chuyên-chế nhứt-định không thể hợp-pháp được.

Nhưng chánh-phủ hợp-pháp phải tổ-chức theo nguyên-tắc nào? Theo Locke, trong trạng-thái thiên-nhiên, người có hai loại quyền mà người nhường cho xã-hội khi họp lại sống chung nhau.

Trước hết, người có quyền làm những điều gì người xét là phải làm để bảo-vệ sự sinh-tồn của mình và của người khác. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để xã-hội đặt nó dưới sự điều-khiển của luật-pháp.

Kế đó, người có quyền trừng-phạt những kẻ phạm tội đối với những điều luật thiên-nhiên, tức là quyền dùng sức mạnh tự-nhiên của mình để thi-hành những luật ấy. Người nhường quyền này lại cho xã-hội để phụ lực và tăng-cường quyền hành-pháp.

Xã-hội thừa-hưởng những quyền do cá-nhơn nhường lại cho mình, và có hai quyền: lập-pháp và hành-pháp. Quyền lập-pháp qui-định cách dùng những lực-lượng của quốc-gia để bảo tồn xã-hội và dân-chúng. Quyền-hành-pháp thi-hành các luật-pháp bên trong quốc-gia. Ngoài ra, Locke còn nhìn nhận cho chánh-phủ một quốc-gia một quyền thứ ba là quyền bang-giao, tức là quyền thương-thảo với các quốc-gia khác. Nhưng thật ra, quyền bang-giao này không thể tách riêng ra được và phải nhập vào các quyền kia.

Vậy, chung qui, chỉ có hai quyền chánh-yếu là lập-pháp và hành-pháp. Hai quyền này phải phân-biệt nhau, vì quyền hành-pháp phải luôn luôn có, còn quyền lập-pháp thì không phải lúc nào cũng cần. Thêm nữa, nếu hai quyền qui-tập về một mối, thì thế nào cũng có sự lạm-dụng. Một chánh-phủ kiêm lãnh cả hai quyền lập-pháp và hành-pháp nhứt-định trở thành chuyên-chế: nó sẽ tạo ra những luật-pháp lợi cho nó và chỉ thi-hành những luật-pháp lợi cho nó.

Hai quyền lập-pháp và hành-pháp không phải bình-đẳng nhau. Quyền lập-pháp là quyền căn-bản của mọi quốc-gia. Nó là linh-hồn của xã-hội và có tánh-cách rất thiêng liêng. Do đó, quyền hành-pháp phải đặt dưới quyền lập-pháp. Tuy vậy, cơ-quan hành-pháp không phải giữ một vai tuồng hạ-cấp, tùy thuộc. Nhà lập-pháp không thể dự định hết mọi trường-hợp có thể xảy ra, và phải để cho cơ-quan hành-pháp một phần oai lực rất lớn để giải-quyết những vấn-đề đặc-biệt nó có thể gặp.

4°. ĐẶC-QUYỀN CÁ-NHƠN TRONG XÃ-HỘI

Khi nhận sống chung nhau thành xã-hội, người nhường quyền lập-pháp cho xã-hội ấy. Tuy vậy, sự để-nhượng này không phải đặt người công-dân dưới sự chuyên-chế của chánh-phủ. Trong xã-hội, quyền thiên-nhiên của người vẩn còn, còn để hạn-chế oai-quyền xã-hội và làm cơ-sở cho sự tự-do.

Trong trạng-thái thiên-nhiên, người vốn đã sung sướng rồi. Người chỉ nhận vào xã-hội để được sung sướng hơn, để bảo-vệ cá-nhơn, sự tự-do và tài-sản mình một cách chắc chắn. Vậy, quyền lập-pháp của xã-hội không thể đi xa hơn mực cần dùng của sự công-ích. Nó không thể tuyệt-đối chuyên-chế đối với sanh-mạng và tài-sản công-dân.

Trong trạng-thái thiên-nhiên, người không có cái quyền tuyệt-đối này đối với mình và đối với người khác. Bởi lẽ không ai có thể ủy cho kẻ khác một oai-quyền lớn hơn oai-quyền mình có, xã-hội thừa-hưởng những quyền cá-nhơn nhường lại cho mình không thể có cái quyền tuyệt-đối nói trên đây.

Nói tóm lại, cứu-cánh xã-hội là bảo tồn sanh-mạng, tự-do và tài-sản của người; vì đó, nó không có quyền giết hại, nô-lệ hóa hay làm nghèo một công-dân nào.

Quyền hành-pháp thấp hơn quyền lập-pháp và tự-nhiên không thể hơn được quyền lập-pháp; đặc-quyền nó không thể đi quá giới-hạn do dân-chúng vạch ra.

Như vậy, tuy Locke không nói rõ ra, dân-chúng vẫn nắm quyền tối-cao trong quốc-gia. Họ chỉ giữ quyền ấy cho xã-hội giữ hộ chớ không phải chấp-nhận việc thần-phục xã-hội. Trong tình-trạng bình-thường, dân-chúng để cho quyền hành-pháp làm việc. Nhưng khi có sự xung-đột giữa các quyền-hành khác nhau trong nước, dân-chúng sẽ phán đoán và quyết-định.

Trong trường-hợp bị đặt dưới một ách chuyên-chế khắc-nghiệt, dân có quyền khởi loạn mà Locke gọi là quyền kêu gọi đến Trời.

Để trả lời cho những kẻ ngại rằng công-nhận quyền này cho dân-chúng là đưa xã-hội đến sự hỗn-loạn không ngừng, Locke bảo rằng nọa-lực của dân-chúng làm cho họ thường thụ-động, cho nên họ chỉ nổi dậy khi bị ức-hiếp thái-quá. Vả lại, trong trường-hợp bị ức-hiếp như thế thì không có lý-thuyết gì giữ cho họ không nổi dậy được. Sau hết, trật-tự đã đành là quí, nhưng cũng không đến nỗi bắt người phải trả nó với bất cứ giá nào, cũng như lòng yêu chuộng hòa-bình không đến nỗi khiến cho chúng ta nhận được sự hòa-bình của nghĩa địa.

2.- Sự Phát-sanh Lý-thuyết Dân-chủ Ở Pháp

a) XÃ-HỘI PHÁP VÀO THẾ -KỶ THỨ 17 VÀ 18

Trong khi xã-hội Anh nhờ những cuộc xung-đột giữa quí-tộc và Nghị-hội với nhà vua mà tiến lần đến một chế-độ dân-chủ, xã-hội Pháp vẫn duy-trì mãi tánh-cách chuyên-chế của mình. Quân-quyền Pháp càng ngày càng trở thành độc-đoán, vì các hạng người trong nước chia rẽ nhau và không đủ sức chế-ngự nó. Hạng tăng-lữ bỏ hẳn lý-thuyết cổ-điển đặt Giáo-hoàng trên nhà vua, để được hưởng những quyền-lợi nhà vua ban cho. Hạng quí-tộc trở thành nghèo túng cũng phải tùy thuộc nhà vua để xin địa-vị và tiền trợ-cấp. Hạng trưởng-giả muốn thoát địa-vị ti-tiện của mình chỉ có cách là hết lòng phụng-sự nhà vua để được nhà vua cất nhắc cho. Nhà vua và những hội-đồng đặc-biệt của ông ta trở thành cơ-quan duy-nhứt phát xuất ra luật-pháp. Pháp-viện tuy có quyền gián-nghị, song quyền này không có hiệu-quả gì đối với nhà vua.

Lẽ cố-nhiên là sự chuyên-quyền của nhà vua gây một sự phản-động mạnh mẽ của nhiều giới trong nước. Trong thế-kỷ thứ 16, đã có những nhà tư-tưởng viết sách chống lại chế-độ độc-đoán, nhưng họ không chọi lại nổi những luật gia chủ-trương ủng-hộ quân-quyền, cũng như những cuộc phản-biến không thắng nổi quân-đội nhà vua. Chỉ đến cuối thế-kỷ thứ 17 khi vua Louis thứ 14 mất uy-tín vì sự xa xí quá-độ và vì những sự thất-bại trong chánh-sách ông, sự phản-đối lại quân-quyền mới nhen nhúm trở lại. Những nhà văn của thế-kỷ thứ 17 đã lên tiếng chỉ-trích chánh-sách vua Louis thứ 14 một cách kín đáo, nhưng ta phải chờ đến thế-kỷ thứ 18 mới thấy xuất hiện những học-thuyết hướng về lý-tưởng dân-chủ một cách rõ rệt.

Yếu-tố quan-trọng hơn hết làm động-lực cho phong-trào tư-tưởng của thế-kỷ 18 tại Pháp là sự phát-triển của giai-cấp trưởng-giả. Nhờ những phát-minh cơ-giới, nhờ sự an-ninh tương-đối mà chế-độ quân-chủ tập-trung mang đến cho xã-hội Pháp, nền kinh-tế Pháp thạnh lên; do đó, những người trưởng-giả đóng vai tuồng chủ-động trong đời sống kinh-tế cũng có ảnh-hưởng nhiều hơn trước đối với xã-hội. Những đặc-quyền, những sự bó buộc của chế-độ cũ là những trở-lực cho sự khuếch-trương kinh-tế. Vì thế, hạng trưởng-giả Pháp nhiệt-liệt hướng đến sự tự-do, nhứt là sự tự-do tư-hữu.

Trong sự yêu-sách của họ, hang trưởng-giả Pháp đã dựa rất nhiều vào triết-lý “quyền thiên-nhiên” từ Anh du-nhập vào nước Pháp. Quyển “Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự” của Locke đã có ảnh-hưởng rất lớn đến họ. Trong những nhà văn có một quyền-lực tinh-thần mạnh mẽ đối với dân-chúng Pháp sau này, có Montesquieu và Rousseau là quan-trọng hơn cả.

b) MONTESQUIEU VÀ TƯ -TƯỞNG CỦA ÔNG

1°. TIỂU-SỬ MONTESQUIEU

Montesquieu là một nhà quí-tộc Pháp, sanh ở đền Brède gần Bordeaux năm 1689. Ông là thẩm-phán rồi chánh-án tòa án Bordeaux. Nhưng ông không thích nghề làm tòa, và để thì giờ rảnh viết quyển “những lá thư Ba-tư” trong đó ông chế-nhạo những phong-tục và chế-độ Pháp thời ông. Quyển sách này rất được hoan-nghinh. Vì đó, ông nhứt-định theo đuổi nghề văn.

Ông bán chức-vụ mình và đi châu-du khắp Âu-châu để nghiên-cứu phong-tục và luật-pháp các nước. Khi trở về Pháp, ông khi thì ở Paris, khi thì về ở quê nhà, sống một cuộc đời nghiệp-chủ thanh-nhàn. Ngoài việc cai-quản sự-nghiệp mình, ông đọc và viết sách. Công trình quan-trọng nhứt của ông là quyển “Vạn pháp tinh-lý”. Ông được bầu vào Hàn-lâm-viện Pháp từ năm 1728 và mất năm 1755.

2°. TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ CỦA MONTESQUIEU TRONG QUYỂN “VẠN-PHÁP TINH-LÝ”.

Trong quyển “Vạn Pháp Tinh-lý”, Montesquieu chủ-trương rằng các luật-lệ chế-độ không có tánh-cách tuyệt-đối, mà tùy thuộc những điều-kiện vật-lý và khí hậu của mỗi nước, và nhứt là phong-tục của dân-chúng. Giá-trị nó ở chỗ thích-hợp hay không thích-hợp với xã-hội nó chi-phối.

Nghiên-cứu các chế-độ chánh-trị khác nhau trên thế-giới từ xưa đến nay, Montesqiueu phân-biệt ba loại chánh-thể: Cộng-hoà, quân-chủ và độc-tài và cố tìm những động-lực thúc đẩy người hoạt-động trong mỗi chánh-thể. Theo ông, chánh-thể cộng-hòa có thể có tánh-cách dân-chủ hay quí-tộc. Nếu nó dân-chủ, nó dựa vào “đức-hạnh” hay “lòng ưa chuộng bình-đẳng”, nếu nó có tánh-cách quí-tộc, nó dựa vào tánh-cách “ôn-hòa của giai-cấp cầm-quyền”. Chánh-thể quân-chủ là chánh-thể trong đó nhà vua cai-trị dân-chúng theo những luật-pháp ổn-định, nó dựa vào “danh-dự”. Chánh-thể độc-tài là kết-quả sự hủ-hóa của những chánh-thể kia.

Dựa vào hiến-pháp Anh, Montesquieu chứng tỏ rằng muốn tránh sự chuyên-chế, người ta phải thi-hành chế-độ phân-quyền. Nhưng ngoài hai quyền lập-pháp và hành-pháp mà Locke nói đến trong quyển “Tiểu-luận về chánh-phủ dân-sự”, Montequieu còn thêm vào một quyền thứ ba là quyền tư-pháp. Đó là quyền trừng-phạt những kẻ phạm tội.

Tuy hết sức thán-phục hiến-pháp Anh, Montesquieu không tin rằng nó có thể áp-dụng được một cách có hiệu-quả ở Pháp. Ông chỉ tỏ ý mong muốn rằng tinh-thần tự-do của người Pháp sẽ giữ cho nền quân-chủ Pháp không tiến đến chế-độ chuyên-chế độc-tài.

Trong tất cả những ý-tưởng chánh-trị của Montesquieu, chỉ có chủ-trương phân-quyền là được người ta nhớ đến nhiều nhứt, còn những ý-tưởng khác, ngay đến những ý-tưởng rất đúng, sau khi gây cho tác-giả một danh-vọng khá lớn trong giới trí-thức đồng-thời, thì lần lần chìm trong quên lãng. Do đó, khi nói đến phong-trào tư-tưởng dân-chủ ở Pháp, người ta nói đến Rousseau nhiều hơn.

c) ROUSSEAU VÀ TƯ-TƯỞNG CỦA ÔNG

1° TIỂU-SỬ ROUSSEAU.

Jean Jacques Rousseau sanh ngày 28-6-1712 tại Genève. Ông là con một người thợ sửa đồng-hồ và mồ côi mẹ rất sớm. Thân-phụ ông rất ưa đọc tiểu-thuyết, và từ lúc bảy tuổi, ông đã lây tánh của cha. Có khi hai cha con cùng thức đọc sách suốt đêm đến gần sáng mới đi nghỉ.

Sau đó, thân-phụ ông, vì sự tranh-chấp với người, phải bỏ đất Genève ra đi, và gửi ông cho một nhà mục-sư. Được ít lâu, chú ông đưa ông đến ở nhà một viên lục-sự tòa án, rồi lại cho ông đi tập-sự với một người thợ khác. Ông này thô-bạo quá và đối-đãi với Rousseau một cách phũ phàng, làm Rousseau uất ức. Vì thế, năm 16 tuổi, ông bỏ nhà trốn đi.

Từ đó, ông sống một cuộc đời phiêu-lưu và làm đủ mọi thứ nghề. Sau cùng ông đến Paris. Nhờ một bài trần-thuyết trả lời cho một đề-mục do Hàn-lâm-viện Dijon nêu ra về ảnh-hưởng của khoa-học và nghệ-thuật đối với phong-tục, ông đột-nhiên nổi danh trong giới trí-thức. Lúc ấy, ông 37 tuổi. Từ đó trở đi, ông chuyên về nghề văn và sản-xuất nhiều sách được công chúng hoan-nghinh. Ông mất năm 1788.

2° TƯ-TƯỞNG CHÁNH-TRỊ CỦA ROUSSEAU

Những tư-tưởng chánh-trị của Rousseau được phát-biểu rõ ràng và đầy đù trong hai quyển « Luận về nguyên-nhơn bất-bình-đẳng » và « Dân-ước ».

a) Con Người Và Trạng-thái Thiên-nhiên

Cũng như Locke và một số đông các triết-gia đồng-thời, Rousseau noi theo chủ-trương cho rằng trước khi sống thành xã-hội, con người sống trong trạng-thái thiên-nhiên. Trong trạng-thái này, người ở riêng rẽ nhau và ít liên-lạc nhau. Vì bản-tánh người vốn tốt và vì sự ích-kỷ không có cơ phát-hiện, người không thù ghét, không xung-đột lẫn nhau. Người cũng không bị sự chi-phối của đồng-loại và được tự-do hưởng trọn quyền thiên-nhiên của mình.

Nhờ một đời sống giản-dị đơn-sơ, tất cả mọi người đều giữ được sức khoẻ của mình và có một sức lực thể-chất tương-đương. Trình độ trí-thức của người thuở ấy có kém hơn người sống trong trạng-thái xã-hội, song mọi người đều như nhau, thành ra sự sai-biệt về trí thông-minh không có. Bởi đó, loài người bình-đẳng nhau, không ai được ưu-đãi hơn ai.

b) Con Người Trong Xã-hội Cũ

Nhưng vì trạng-thái thiên-nhiên không thể kéo dài ra mãi được, vì sự tranh-đấu để mưu sự sinh-tồn riêng từng người càng ngày càng khó nên người hợp nhau lại thành gia-đình rồi thành xã-hội để tranh-đấu chung nhau. Do đó, người lần lần liên-lạc mật-thiết với nhau.

Lúc đầu, tất cả mọi người trong đoàn-thể đều có những công việc như nhau. Nhưng sau đó, người ta tùy theo khả-năng và sở-thích mỗi người mà chia công việc để làm. Điều này làm cho năng-lực người phát-triển khác nhau và đưa đến sự chênh lệch về tài trí và sức lực giữa người này với người nọ. Sự gần gũi nhau làm cho người có dịp so sánh thân-phận của nhau, và sanh ra đố-kỵ nhau. Muốn hơn kẻ khác, người cố tạo ra tư-sản.

Tất cả những đau khổ của người do nơi sự thiết-lập tư-sản mà ra. Theo Rousseau, người đầu tiên đã rào một khoảnh đất rồi bảo rằng « đất này của tôi », và tìm được nhiều kẻ ngốc nghếch để tin anh ta chính là sáng-lập-viên thật sự của xã-hội dân-sự. Từ đó, sự bất-bình-đẳng phát-sanh.

Những kẻ có tư-sản đã không ngần ngại lợi-dụng điạ-vị ưu-thắng của mình để bóc lột người nghèo khó hơn. Lẽ cố-nhiên là những người bị bóc lột phải phản-ứng lại và điều này gây ra một trạng-thái chiến-tranh chỉ chấm dứt bằng một chế-độ độc-tài khắc-nghiệt. Thế là sự bất-bình-đẳng đưa đến sự mất tự-do. Xã-hội dân-sự hoàn-toàn thành-lập với một bộ máy đàn-áp những kẻ cùng-đinh thất thế.

Trong hoàn-cảnh u trệ này, tánh tốt bẩm-sinh của ngưới tự-nhiên biến mất, nhường chổ cho lòng độc ác. Vì thế, người xâu xé nhau một cách hết sức mãnh-liệt. Xã-hội càng phức-tạp, những mánh khoé người đặt ra để bóc lột nhau càng tinh-xảo và người cùng-đinh càng nghèo khó khổ cực.

c) Giải Pháp Của Rousseau

Muốn chấm dứt sự xâu xé giữa loài người, muốn chặt đứt những xiềng xích làm cho loài người đau khổ, phải làm sao cho con người phục-hồi cái bản-tánh hiền lành của họ, và cho họ bình-đẳng nhau để chung hưởng quyền tự-do thiên-nhiên của họ.

Nhưng Rousseau nhận thấy rằng, người ta không thể hủy-diệt đến tận gốc xã-hội hiện-thời để trở về trạng-thái thiên-nhiên, trong đó người trong trắng, ngây thơ và bình-đẳng nhau. Vì thế, ông chủ-trương cải-tổ nó lại như thế nào cho sự tự-do và bình-đẳng của người được công-nhận và kính nể.

Vậy, theo ông, vấn-đề chánh-trị cần phải giải-quyết cách nào cho thỏa-hợp với quyền thiên-nhiên của con người.

d) NHỮNG YẾU-ĐIỂM CỦA THUYẾT ROUSSEAU

Lý-tưởng của Rousseau là tìm một hình-thức hợp-quần dùng lực-lượng công-cộng để binh-vực và bảo-vệ cá-nhơn cùng tài-sản mỗi công-dân như thế nào cho mỗi người trong xã-hội hòa-hợp với tất cả những nguời khác, nhưng cũng vẫn chỉ tuân lịnh của chính mình và vẫn được tự-do như trước.

Trong trường-hợp đó, mọi xã-hội đặt nền tảng trên cường-quyền đều phải bị hủy bỏ. Xã-hội dân-chính phải là kết-quả một bản « dân-ước » theo đó, mỗi người dâng cá-nhơn và quyền thiên-nhiên của mình cho đoàn-thể và chấp-nhận khép mình vào luật-lệ chung.

Người chỉ từ bỏ ý muốn riêng của mình để tự đặt mình dưới sự điều-khiển tối-cao của ý muốn chung, tức là dưới một qui-pháp đại-đồng. Làm như thế, người đã hành-động như một kẻ có lý-trí và tự-do, có lý-trí, vì người đặt ý muốn riêng của mình dưới một qui-pháp đại-đồng, tự-do, vì người chỉ tuân theo những luật-lệ mà chính người công-nhận.

Một khi bản dân-ước đã được công-nhận rồi, người phải tự xem rằng mình hoàn-toàn bị nó trói buộc. Theo Rousseau, không ai có quyền phản-bội lời cam-kết của mình. Người nào không chịu tuân lịnh ý muốn chung sẽ bị cả đoàn-thể bắt buộc phải tuân lịnh. Điều này không có nghĩa là đoàn-thể phạm vào sự tự-do của cá-nhơn bướng bỉnh này, nó chỉ có nghĩa là đoàn-thể bắt buộc anh ta phải tự-do.

Tất cả những công-dân trong xã-hội-họp lại làm vị chủ-nhơn của xã-hội, và ý muốn chung mà họ phải tuân theo là ý muốn của đa-số. Ý muốn này thật ra không phải là toàn-thiện, vì nó có thể lầm lạc, song nó luôn luôn chánh-trực trong nguyện-vọng nó. Chủ-quyền của dân-chúng không thể trao cả cho một người duy-nhứt, cũng không thể phân ra nhiều cơ-quan khác nhau như Locke và Montesquieu chủ-trương.

Như vậy, trong quốc-gia tổ-chức theo ý Rousseau, thật sự chỉ có một quyền, quyền lập-pháp nắm cả oai-lực. Nhưng nó phải thuộc về toàn-thể dân-chúng chớ không phải trao về cho một số đại-biểu như ở nước Anh. Vốn là công-dân đô-thị Genève, Rousseau hướng về thể-chế đô-thị ấy và muốn thành-lập một chánh-quyền do toàn dân trực-tiếp nắm giữ. Những nhơn-viên hành-pháp không có nhiệm-vụ gì khác hơn là tuân-hành những quyết-định của dân-chúng chủ-nhơn, họ chỉ nhận một ủy-nhiệm tạm-thời, và chỉ là những công-bộc mà dân-chúng có thể dùng hay đuổi đi bất-cứ lúc nào.

Rousseau không cho rằng ý muốn chung có thể áp-bức được công-dân. Do bản dân-ước, cá-nhơn quả có hoàn-toàn nhường cho xã-hội những quyền mà người sẵn có trong trạng-thái thiên-nhiên, nhưng cá-nhơn chỉ nhường những quyền thiên-nhiên này để có những quyền vững chắc hơn. Vậy, chẳng những không giảm-thiểu giá-trị của con người, quốc-gia còn giúp đỡ con người trong sự cố gắng để phát-triển đến tuyệt độ những khả-năng của mình nữa.

Theo Rousseau, chỉ có sự cường-thạnh của quốc-gia mới làm cho công-dân được tự-do. Như thế, ông không đem cá-nhơn đối chọi lại quốc-gia, mà lại lấy quốc-gia làm bảo-đảm cho sự tự-do và sự bình-đẳng của các công-dân. Do đó, ông giao cho quốc-gia rất nhiều trách-vụ trong sự giáo-dục, lại chủ-trương tạo ra một tôn-giáo đặc-biệt do quốc-gia truyền dạy cho dân-chúng. Tôn-giáo này gồm những giáo-điều căn-bản chung cho mọi mối đạo. Sau hết, Rousseau cho phép quốc-gia qui định quyền tư-hữu theo sự công-ích như thế nào cho trong xã-hội không có những người giàu quá.

Rousseau không cho rằng cái quốc-gia đa-quyền trên này có tánh-cách chuyên-chế, vì nó không phải là sản-phẩm của ý muốn độc-đoán một người, mà là sản-phẩm của ý muốn chung. Do đó, nó chỉ dùng để phụng-sự luật-pháp và không thể làm bậy được.


[1] Một phái Thiên-chúa-giáo CảI-lương ở Tô-cách-lan không nhìn nhận quyền-oai của giám-mục, chỉ nhận quyền-oai của các mục-sư.

[2]  Một chi-phái đặc-biệt của phái Trưởng-lão, có một chủ-trương khổ-khắc và theo sát những huấn-thị của Thánh-kinh.

 

Thương Charlie Nhưng Không Được Làm Charlie! Cũng Vì Charlie, Việt Nam Sẽ Bị Trung Cộng Hóa – Ts. Phan Văn Song

«Mọi sự tôi được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; …- Tous m’est permis, mais tout n’est pas utile;…- Everything is permissible for me, but not everything is beneficial» 1 Corinthiens 6:12

«Mọi sự, (tôi) đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều hữu ích; mọi sự, (tôi) đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều là gương tốt. – Tout [m’] est permis, mais tout n’est pas utile; tout [m’] est permis, mais tout n’édifie pas.- Everything is permissible (for me), but not everything is beneficial; everything is permissible (for me), but not everything  is constructive» 1 Corinthiens 10:23.

Trong lá thơ thứ nhứt viết cho đạo hữu thành phố Corinthes, tông đồ truyền giáo Phao-lồ đã phải hai lần lập lại «giới hạn của tự do cá nhơn». Lần thứ hai trong chương 10, Ngài nhắn nhủ nói đến xây dựng cộng đồng xã hội (gương tốt cho xã hội, cho cộng đồng, động từ Pháp ngữ édifier, xây dựng;  hay tỉnh từ anh ngữ constructive).

1/ Charlie:

Sau một thời để khóc, để tưởng niệm, sau một thời để an ủi nhau, để gom các cộng đồng lại nhau, để tập họp, để đoàn kết nước Pháp, để hòa giải mọi thành phần, mọi cộng đồng, mọi tôn giáo có mặt trên đất Pháp, tất cả nắm tay nhau tuần hành trong suốt trọn một ngày Chúa Nhựt 11 của một tháng giêng giá lạnh, ở đầu năm 2015 một thế giới mới từ nay, sẽ không còn bình an, ung dung, thoải mái nữa mà sẽ đầy rẩy một không khí chiến tranh và sợ hãi.

Và đây cũng là lúc, là thời điểm của những quyết định cụ thể, của một thái độ rõ ràng, trước những tấn công khai chiến của nhóm Khủng bố Hồi Giáo Quá Khích chống nước Pháp.Tổng thống Hollande và Nhà Nước Pháp đã cương quyết tuyên bố nhìn nhận kể từ nay bước vào Cuộc Chiến Tranh Chống Khủng bố Hồi Giáo Quá Khích! Đúng! Đây rõ ràng là một cuộc Chiến. Và liên tục trong nhiều ngày qua, trong suốt tuần lễ qua, cả nước Pháp sống trong tình trạng kiểm soát an ninh, bố ráp của cảnh sát để tìm những đồng lõa, thủ phạm, đường giây các tổ chức khủng bố. Ngoài nước Pháp, hội họp các quốc gia đồng minh thành lập một chiến tuyến, một Mật trận quốc tế chống Khủng Bố. Thế nhưng, cũng từ những ngày qua, dân chúng các quốc gia Hồi giáo cũng đang đồng loạt xuống đường, do tự động, hay bị xúi dục, dẫn đắt … tất cả đồng phản đối chống Charlie, đốt cờ Pháp, phá hoại các cơ sở Pháp. Mỹ và thế giới Âu Mỹ cũng đang và sẽ bị họa lây. Một cuộc chiến Tôn Giáo có thể xảy ra chăng? Khó nghĩ đến lắm! Nhưng có người cho cũng có thể, sát xuất 50/50. Nhưng cái chắc chắn là những bất ổn từ nay sẽ đầy rẩy… Một trật tự thế giới từ nay đã rõ ràng chia đôi: một bên một thế giới của thế giới âu mỹ tiên tiến với một xã hội đa nguyên, đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa và một bên một thế giới của các quốc gia đa số quần chúng hồi giáo, độc nguyên một tôn giáo, độc nguyên văn hóa, văn hóa Hồi giáo, luật Hồi giáo. Và đời sống hằng ngày của người công dân các quốc gia âu mỹ tiên tiến sẽ bị thiệt thòi nhứt, vì phải sống trong một không khí bất ổn. Và cái nhu cầu ổn định đời sống dân sự ấy là yếu điểm của xã hội Âu Mỹ. Đời sống xã hội, du hí, du lịch, hội họp, chợ búa… từ nay  sẽ kém đi. Dân âu mỹ mà không du hí, không đi ăn uống nhà hàng, tiêu pha, du lịch thì sẽ bị những khủng hoảng chẳng những về mặt kinh tế, vì đấy là những kỹ nghệ, mà còn có những khủng hoảng xã hôi với  những bất mãn tâm lý thuộc cuộc sống hằng ngày ngay! Ngành du hí, nghĩ ngơi là một kỹ nghệ lớn. Từ ngay tuần lễ nầy, sau ngày 7 tháng giêng, sanh hoạt của ngành kỷ nghệ du hí đã xuống từ 20 đến 50 % tuỳ ngành nghề. Kể cả chợ búa. Riêng về mặt này, bọn khủng bố đã thắng trận. Thương mãi Pháp đang bị ngưng trệ hẳn. Và dân Thiên Chúa Giáo Âu Mỹ không thể nào sống như vậy mãi được. Phía Hồi Giáo lại khác.

Một tỷ rưởi người dân Hồi Giáo đa số nghèo khổ sẳn sàng chết tử đạo. Bên Thiên Chúa Giáo làm sao tránh nổi. Và Hồi Giáo lại còn có sẳn một Đạo quân thứ Năm rãi đầy trong những quốc gia Âu Mỹ. Đạo quân thứ năm nầy tự động hữu hiệu vì Hồi Giáo sẳn sàng dùng vũ khí gia đình, vũ khí khủng bố; vũ khí hù dọa, giết hại bà con, dòng họ liên hệ của giáo hữu mình trong trường hợp không ủng hộ. Gia đình, bạn bè, quần chúng Hồi Giáo tại Pháp, dù không hẳn ủng hộ khủng bố quân, nhưng vẫn che chở, không tố cáo giáo hữu mình, mặc dù vẫn tuyên bố chống khủng bố, nhưng vẫn không dám tối cáo hay diệt con em quá khích mình ( Bà con Việt Nam mìền Nam mình hồi xưa thời Việt Nam Cộng Hòa cũng kẹt trong thế ấy, bà con Việt Nam tỵ nạn Công sản mình ngày nay ở Hải ngoại cũng bị kẹt trong thế ấy. Vì vậy quân khủng bố Hồi Giáo hay quân khủng bố Việt Cộng vẫn tiếp tục tung hoành vì tất cả từ người Hồi Giáo lương thiện trong nước họ hay ở hải ngoại, đến người Việt quốc gia lương thiện ở quốc nội hay ở hải ngoại đều quá thật thà, đều quá thương người, đều quá dễ thương, dễ nhịn nhục, hiền lành, nhơn hậu!).  Còn Âu Mỹ? Âu Mỹ làm sao dám đuổi tất cả Hồi Giáo về, hay dám tập trung vào các trại tập trung tất cả người Hồi giáo được, và đừng quên nhọ là những công dân các quốc gia âu mỹ.

Pháp rồi đây, Âu Châu rồi đây sẽ thua Hồi Giáo Quá Khích như Việt Nam Cộng Hòa đâ thua Việt Cộng hồi trước 1975! Việt Nam Công Hòa ta thắng Việt Cộng trên chiến trường, nhưng thua trong chiến tranh chống khủng bố. Chúng ta bị những cuộc khủng bố tại các thành phố phá hoại đời sống chúng ta nhưng chúng ta vẫn dung túng Việt Cộng. Tóm lại, VNCH chúng ta một phần thua vì bị xâm nhập bởi sự thờ ơ đồng lỏa của dân miền Nam, và đồng lỏa của thế giới âu mỹ nhơn danh tự do chánh kiến, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng.

Và ở đây cũng vậy,  tuy là một cuộc Chiến, nhưng cũng không phải một cuộc Chiến tranh, vì  không có những định luật của một cuộc chiến tranh, với những biện pháp của chiến tranh. Vì tuy gọi là một Cuộc Chiến, nhưng là một Cuộc Chiến không giống ai,  vì là một Cuộc Chiến đặc biệt, lạ lùng, không giới tuyến, không tiền tuyến, không lằn ranh, kẻ thù có đó, nhưng không sắc diện, không biết là ai? Anh láng giềng? Chú hàng xóm, quân phục ra sao?  Và phải làm gì? Phải làm sao? Một cuộc chiến quân sự? Hay là những bố ráp cảnh sát? Làm nhiệm vụ an ninh hay hành quân dẹp loạn? Cuộc chiến gì mà chỉ được bắn để tự vệ, cuộc chiến gì khi đối phương chỉ thực sự là đối phương khi đối phương thực sự lộ diện, nghĩa là «đã ra mặt tấn cống bắn mình». Cuộc chiến gì khi đối phương dùng người dân để làm bia đở đạn, và mình có tội khi mình bắn vào dân. Mình phải vừa tấn công vừa bảo vệ thường dân nghĩa là không được bắn vào bia vì bia là thường dân. Vì vậy, những biện pháp ngày nay của Pháp chỉ lay hoay trong những chiến thuật ấy. Là người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản, đã cho kinh nghiệm sống với khủng bố, khỏi nói ra chúng ta cũng biết được kết quả tương lai của một cuộc chiến như vậy. Nhơn danh Charlie, Chánh phủ Pháp vẫn phải để những sanh hoạt, lễ lạc, diễn hành, tiếp tục hoạt động. Nhơn danh Charlie, chúng ta phải tiếp tục sống bình thường. Vì chúng ta là Charlie. Và tiếp tục ủng hộ Charlie, mua hết 7 triệu số báo Charlie. Chấp nhận để Charlie tiếp tục chế ngạo Tiên Tri Mahomet. Chấp nhận rủi ro, chấp nhận đau thương, đổ máu, chết chóc! Nhưng chúng ta có chấp nhận kinh tế trì trệ tiếp tịc trì trệ, chúng ta có chấp nhập thắt lưng buộc bụng khi nền kinh tế bắt đầu vương lên với giá dầu hỏa xuống, với đồng dollar tăng.

Chiến tranh giữa thế giới của những người «Charlie» chống Hồi giáo Quá khích để bảo vệ Tự do Ngôn luận? Thật vậy không? Charlie đại diện cái gì? Biểu tượng của Tự do Ngôn luận? Tự do Ngôn luận là Tự do châm biếm, tự do chế diểu, tự do móc lò? Tự do Ngôn luận của Pháp truyền thống ngạo diểu không ranh giới, không hạn chế, không nể nang ai cả, không chừa một ai, no limit, aucun respect, từ các vị nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo đất nước,  từ ông Tướng anh hùng  De Gaulle đến Tổng Thống bình dân chịu chơi Sarkozy, từ ông Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo La mã đến các Ayatollah hay các Iman Hồi Giáo, từ Đức Mẹ Maria Đồng trinh đến ông Tiên Tri Mahomet râu xồm qua đến Jêsu hoạn nạn trên Thánh Giá. Chỉ có đối với dân Do Thái và nạn Shoah là giới dân diểu dở Pháp nể nang tý thôi! Ấy cũng do luật lệ Pháp rất khắc khe đối với những ai nói xấu đến Do Thái. Phe dân tộc cực hữu của nhóm gia đình Le Pen đã nhiều lần bị ra tòa và bị phạt vạ bởi những tuyên bố có tánh cách «kỳ thị chống do thái-antisémites». Khổ một nỗi nhóm sắc dân sémite không «ăn nhậu» gì với tôn giáo do thái cả; dân sémite cũng có thể là dân hồi giáo. Có phải là dân Âu Mỹ, vì nặng mặc cảm tội tổ tông thù ghét và thờ ơ đồng lỏa cho phép Hitler giết 6 triệu dân Do Thái nên ngày nay vấn đề Do Thái vẫn là vấn đề nhạy cảm. Và cũng vì vấn đề nhạy cảm là cắt một phần đất Palestine để bồi thường, thành lập quốc gia Israël, nên ngày nay dung túng thái độ du côn của các kháng chiến người Palestine chống Do Thái.

Vì vậy dùng biểu tượng Charlie để chống khủng bố xem ra có cái gì không ổn. Quá khiêu khích! Vì vô hình chung chúng ta đứng về phía Bọn Anars-Bọn Vô Trật Tự. Từ ngữ Anars đến từ Anarchistes, một chủ thuyết ra đời từ đầu thế kỷ 20, thuyết Vô Trật Tự, Vô Kỷ Luật, Vô Thần. Ni Dieu Ni Maître, Không Chúa Không Chủ. Không Phục ai cả. Anarchistes phá hoại, anarchistes đả phá. Anarchiste là làm Cách Mạng liên tục, thường trực – Révolution permanente.

Một xã hội dân chủ, một nền tự do ngôn luận, cần chỉ trích, một xã hội cởi mở đa nguyên cần sự diểu cợt, đùa vui. Nhưng diểu hoài đâm ra diểu dở. Đùa hoài đâm ra đùa dai. Và Tôn Giáo không thể là chuyện Đùa. Đức Tin cần Nghiêm Chỉnh. Nghiêm trang khi Cúng lạy, lễ bái.

2/ Không là Charlie:

Chúng ta thông cảm Charlie, nhưng chúng ta không thể Charlie. Nhưng khi nói không là Charlie, vô hình chung chúng ta chấp nhận  Khủng bố Hồi Giáo Quá Khích. Và chúng ta thông cảm sự giết chóc dả man của họ. Và Hồi Giáo Quá Khích đã xúi quần chúng Hồi Giáo đứng lên biểu tình. Phi Châu, Trung Đông, Pakistan…Cả ông Tổng Thống Tchéchènie cũng xuống đường đốt Cờ Pháp. Chánh phủ Iran đang nói chuyện hòa hoản với Mỹ cũng xuống đường chống Pháp chống Charlie và đốt cờ… Mỹ.

Dỉ nhiên thế giới đều họp sức chống khủng bố Hồi Giáo. Ai mà không chống Khủng Bố Hồi Giáo?  Kể cả các quốc gia Hồi Giáo, và các lãnh đạo tôn giáo Hồi Giáo. Nhưng không có ai chấp nhận một chế độ vô trật tự, đầy chỉ trích, mất kỷ cương, kiểu Charlie Hebdo cả!  Mặc dù kỷ cương ấy có hủ lậu, cổ xưa. Mặc dù đàn bà bị xem là hàng hóa. Mặc dù đàn ông có đủ quyền hạn xem gia đình, vợ con, tôi tớ như những món hàng. Mặc dù luật lệ là luật lệ xưa cổ, chặt đầu, chặt tay, ném đá. Nhưng các quốc gia Hồi Giáo nhờ vậy giữ dân chúng Hổi Giáo trong khuôn khổ, cai quản dân chúng Hồi Giáo trong an ninh, trật tự.

Nhưng thế giới âu mỹ tiên tiến, văn minh thích giải phóng nhơn dân khỏi những kiềm kẹp độc tài, thích đem dân chủ ra dạy dân Hồi Giáo: thích giải phóng phụ nữ Hồi Giáo, dạy phụ nữ Hồi Giáo đấu tranh đòi bình quyền với nam phái. Thế giới âu mỹ gởi bài ca dân chủ vào các quốc gia gọi là chậm tiến. Chậm tiến! Một từ ngữ miệt thị.  Anh tự cho anh triên tiến và anh miệt thị gọi người là chậm tiến. Anh gởi người truyền giáo vào rửa tội. Tại sao gọi là rửa tội? Vì tất cả Tôn giáo khác có tội? Có tội với ai? Rửa tội để làm gì? Để lên Thiên đàng! Chắc không? Hay chỉ là lời hứa thôi! Anh gởi người tình nguyện đến chửa bệnh xứ chậm tiến. Khi anh tiến tiến vào xứ chậm tiến, anh đã làm xáo trộn cả một trât tự xã hội truyền thống có từ thời ông bà cha mẹ của tôi. Anh vào Phi Châu, anh vào Ả Rập, anh vào Việt Nam đem xáo trộn phá hoại xã hội Phi Châu, xã hội Ả Rập, xã hội Việt Nam … Ngày nay, tại xứ anh, đất nhà anh,  anh dỉ nhiên không bằng lòng, anh khó chịu khi người Da đen, người Ả Rập, người Việt Nam làm xáo trộn xã hôi âu mỹ xứ anh, múa lân khi diễn hành đốt pháo, ồn ào xóa trộn trật tự, người đen tôi ca hát ngoài đường, a rập tôi chổng khu lạy ngoài đường, khi phụ nữ tôi bịt khăn đi ngoài đường, khi Thầy Chùa Phật Giáo tôi tụng kinh nhang khói mù mịt một khu phố, hay xây cất chùa chiền trang trí không giống ai, hay xây Chùa Hồi  mốt-xì-kê, tháp cao cạnh nhà mình!

Phải chấp nhận, một phần lớn cuộc khủng hoảng tôn giáo, và cuộc khủng hoảng chánh trị thế giới đối với các nước chậm tiến ngày nay là do có những sai lầm lịch sử không sửa lại được. Những quốc gia mới thường do Thực dân Anh, Thuộc địa Pháp tạo thành: từ tranh chấp Israël và Palestine, đường biên giới Mac Mahon giữa Pakistan và Ấn độ, hay đường biên giới giữa Ấn độ và Trung Hoa,  đến Bán đảo Crimée, chia cắt Nam Hàn Bắc Hàn, hay các đường biên giới các quốc gia Phi Châu…Ngay cả Syrie, Irak, hay Jordanie… Tất cả những quốc gia ấy không được tạo thành bởi người dân bản xứ tự quyết định đoạt, mà do các cường quốc thuộc địa vẽ lên tặng cho một đảng phái, một gia đình, một nhóm người. Xen vào đấy những vấn đề Tôn giáo cũng do ngoại nhơn da trắng tạo thành. Cuộc thảm sát giữa người Hutus và Toutsis ở Rwanda là một thí dụ. Hai sắc dân ấy không phải hai bộ lạc, hai dân tộc. Họ bị chia rẻ do sự sắp xếp tổ chức của nhà cầm quyền thuộc địa Bỉ đặt trên nền tảng phân chia giai cấp. Những cuộc giết nhau ngày nay ở Mali giữa người Thiên Chúa Giáo và người Hồi Giáo cũng từ đấy mà ra.

Vì vậy phải chấp nhận có một Thế Giới Không là Charlie để nói chuyện với người Hồi Giáo.

Còn Hồi Giáo Quá Khích? Hồi Giáo Quá Khích là Khủng Bố phải được đánh dẹp. Nhưng

Hồi Giáo Quá Khích Phải do thế giới Người Hồi Giáo Trừng trị. Thế Giới Âu Mỹ Thiên Chúa Giáo chỉ đứng ở thế Giúp đở và Tự vệ. Các Quốc Gia Hồi Giáo Phải Trực Tiếp Tấn Công Trừng trị Hồi Giáo Quá Khích.

3/ Và Việt Nam?

Tương lai Việt Nam  chúng ta: Rất Bi Quan. Do cuộc chiến Chống Khủng bố Hồi Giáo, Việt Nam sẽ bị bỏ quên. Nhơn danh an ninh thế giới…Việt Nam

Ngày mai sẽ nhập vào Trung Quốc. Vĩnh viễn ! Vì

Thế giới ngày nay đang bận tâm với nạn Khủng bố Hồi Giáo.

Thế giới Hồi Giáo ôn hòa chưa đủ hòa thuận để chống khủng bố.

Thế giới Âu Mỹ vì kinh tế, vì thương mãi sẽ dùng vai trò chống khủng bố để làm thương mãi và  phát triển kinh tế.

Vì vai trò của Trung Quốc ở Á Đông ngày nay đã ở hàng đầu, sẽ nhờ ở Mặt trân Chống Khủng Bố Hồi Giáo Quá Khích, sẽ bước vào một tầm vóc khác thường hơn.  Nhơn danh chống khủng bố, Âu Mỹ sẽ giao toàn bộ Lục địa Bắc Á và Đông Nam Á cho Trung Cộng trách nhiệm. Nga quá yếu, cần tiền, nên sẽ bán tất cả nguyên liệu, khí đốt dầu hỏa cho Tàu và đóng vai trò tiêu thụ hàng hóa Tàu thay thế thị trường Âu Mỹ, Âu Mỹ không còn cầm cán nữa. Âu Mỹ không còn dùng vũ khí thị trường, tiêu thụ, hay đối tác thương mại đối với Trung Cộng nữa. Nhờ cấm vận, Âu Mỹ đã giúp đở Tàu trong cái lo tiếp liệu mua nhiên liệu.

Vai trò Nhựt Bổn, Đại Hàn và Đài Loan? Ba quốc gia ấy chỉ là những đại diện tại chổ của Mỹ để làm  những trạm tiền tuyến, hạn chế Trung Cộng ra Biển Lớn thôi. Chẳng qua ba quốc gia ấy là những «hàm thiết» để kềm con ngựa Trung Cộng đi quá đà thế thôi.

Và nhờ vậy, Trung Cộng sẽ dùng những lá chắn quân sự ở phía Nam Tàu như Đông dương Việt Miên Lào và Thái Lan. Sẽ đóng quân ở Việt Nam hay dùng Việt Nam làm tiền đồn, vì phía Nam Việt Nam có hai quốc gia Hồi Giáo là Malaysia và đặc biệt Inđônêsia, chưa kể Hồi Giáo Thái Lan và Bruneï.

Trung Quốc sẽ thời cơ, đặt nặng vấn đề Chống Khủng bố để giài quyết Tân Cương Hồi Giáo và thừa cơ hội ổn định sơn hà giải quyết luôn vấn đề Tây Tạng. Tất cả nhơn danh ổn định, trật tự thế giới mới.

Chớ đặt hy vọng vào các quốc gia Hồi Giáo cựu Sô Viết, Thổ Nhỉ Kỳ ngữ, quê hương Tamerlan, nằm trên con đường lụa để cứu Tân Cương và người Ouighours (cũng cùng một tôn giáo Hồi Giáo, cũng cùng một ngôn ngữ, Thổ nhỉ kỳ, cũng cùng một dân tộc). Vai trò trung gian kinh tế thương mại, vai trò cái trục nối, cái cầu giữa hai lục địa Âu Á, Thổ Nhỉ Kỳ và năm quốc gia đồng ngôn ngữ ngồi không hưởng lợi rất to lớn và quan trọng.  Trong vai trò làm chiếc cầu chiến lược và kinh tế gạch nối giữa đế quốc Nga với đế quốc Hán Hoa? Thổ nhỉ Kỳ và năm anh em nhà Họ Stan sẽ tạo một thế giới hoàn toàn mới nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả mọi ảnh hưởng Đông và Tây.

Kết Luận:

Từ nay, trên thế giới, tất cả những đấu tranh Nhơn quyền sẽ chìm xuồng.

Sẽ không còn đấu tranh cho Nhơn Quyền, đấu tranh cho Dân Chủ nữa.

Vì phải kiểm soát những mạng lưới internet, với lý do rằng mạng lưới internet chuyển tải những ý nghĩa, lý thuyết Hồi Giáo Quá Khích ! Kiểm soát Quá Khích, kiểm soát tiếng nói Dân Chủ. Khác nhau sao ?

Phong trào Hong Kong sẽ bị dẹp, nhơn danh Chống Khủng Bố.

Tại Việt Nam, tranh chấp Biển Đông cũng sẽ chìm xuồng. Nhơn Quyền, Dân Chủ, Tự Do cũng chìm xuồng vì Chống Khủng Bố.

Khủng Bố Hồi Giáo nguy hiểm hơn tranh chấp Biển Đông. Nguy hiểm hơn độc tài.

Tồng thống Obama đang lấy lại phong độ nhờ Khủng bố.

Tổng thống Hollande lấy lại phong độ nhờ Khủng bố.

Đảng Cộng sản Tàu, đảng Cộng sản Việt Nam, ngành Công An ngành Cảnh Sát, cơ quan An ninh, sẽ lấy lại phong độ, nhờ Chống Khủng Bố.

Yên ổn, an ninh, cảnh sát, kiểm soát, độc tài, kỷ luật sắt sẽ được ủng hộ.

Ngành du lịch sẽ được phát triển ở những quốc gia đầy công an, cảnh sát giữ trật tự nhưng ít Thiên Chúa Giáo, như Tàu, Việt Nam, Singapore… Trái lại,  Phi Châu, Bắc Phi… sẽ mất tất cả, nghèo càng nghèo thêm, không ai đến, không du lịch, không… tất cả. Cả bệnh dịch Ebola ghê gớm thế ngày nay không ai để ý, chỉ vì Phi Châu đầy khủng bố.

Và Phi Luật Tân? Phi Luật Tân, được cái dù Mỹ che chở, nhờ vậy tranh chập Biển Đông giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân sẽ được giải quyết ổn thỏa, trái với Việt Nam. Thả cá bé bắt cá lớn. Bỏ một đảo sanh hô cho Phi, Tàu lấy cả Hoàng sa và Trường sa. Chỉ có Việt Nam là mát cả cài lẫn chì.

Và nếu Phi Luật Tân được Trung Cộng đối đải đành hoàng, việc gì Phi Luật Tân ôm Việt Nam vào.

Việt Nam ngày mai  chỉ là một Tỉnh có quyền Tự Quyết như Quảng Tây, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông vậy thôi!

Ngôi sao vàng Việt Nam sẽ nhập thành ngôi sao vàng thứ sáu trên lá cờ Trung Quốc. Nhưng không sao! Tiếng Việt sẽ không mất đâu.

Một ngàn năm không mất thì bao giờ mất được. Và dù sao cũng còn 3, 4 triệu dân Việt hải ngoại, giữ cờ vàng ba sọc thân yêu, giữ quốc ca, giữ Kim Văn Kiều, giữ Lục Vân Tiên, giữ Phở, giữ Bánh Canh, giữ Nước Mắm, …giữ Little Sài gòn, giữ cãi nhau, giữ chưởi nhau, giữ kiện nhau để… toà án Mỹ ăn tiền, giữ tiếng mẹ, giữ hồn cha, giữ cái dễ thương, giữ cái dễ ghét… giữ cái người Việt, mãi mãi. Quê hương Việt có mất người Việt mãi mãi người Việt. Muôn thuở…

Nhờ vậy ngày mai dân ta mãi mãi còn nói tiếng Việt, còn viết quốc ngữ Việt, như Hong Kong, như Quảng đông «cỏn Tung Hỏa» nói tiếng Quảng Đông vậy.

Nhưng chắc chắn sẽ học, sẽ nói Quan Thoại  và viết chữ Tàu trong nước.Thế nhưng cộng động Hải Ngoại Việt Nam sẽ phải mãi mãi là Người Việt Nam hay sẽ chuyển qua làm thứ dân Tàu Kiều Hải ngoại? Hỏi và chờ trả lời!

Hồi Nhơn Sơn,

Tuần lễ hậu khủng bố đầy lo lắng và bi quan.

Một tập tục đẹp của ngày Tết: Ăn Chay – Nguyễn Thị Cỏ May

Ngôi sao ăn chay hấp dẫn nhất châu Á 2014

Dân tộc nào cũng đều có những tập tục đẹp. Dân pháp, ngày Tết chỉ nghỉ 1 ngày là ngày đầu năm. Đêm giao thừa, họ chúc nhau trong nhà, họ hàng, bạn bè và cả ngưòi tình cờ gặp nhau lúc đó.  Lòng mọi người mở rộng đón nhau. Với người thân, ăn bửa ăn giao thừa. Ở nhà hoặc ở một nhà hàng chọn và đặt trươc.

Riêng ở những nước nông nghiệp như Việt nam, ngày Tết không chỉ là ngày nghỉ, mà còn là ngày lễ hội đầy ấp tính văn hóa. Trong những tập tục cổ truyền như thờ cúng ông bà, còn có ăn chay và đi chùa lạy Phật ngày Mùng Một Tết.

Ở Bắc và Trung, việc thờ cúng ông bà được tổ chức và giử gìn kỷ lưởng. Trái lại, ở trong Nam, việc thờ cúng ông bà chỉ đươc chú trọng về nội dung hơn. Cách thờ cúng đơn giản hơn. Về nhu cầu tâm linh, dân chúng lại thiên về Đạo Phật vì tin tưởng sẽ được phù hộ trong đời sống mới nơi xa lạ:

Tới đây, xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẩy vùng cũng lo”.

Những nề nếp củ, họ đã cởi bỏ lại khi cất bước Nam tiến.

Ăn chay ngày Tết có từ bao giờ

Ăn chay thuần theo tôn giáo vẫn là nét đẹp trong văn hóa Việt

Rất khó trả lời vì người ta không biết ăn chay có từ bao giờ ỏ Việt nam. Nhứt là tục lệ ăn chay vào ngày Mùng Một Tết. Có thể từ lâu lắm, ít nhứt từ thời nhà Lý, triều đại cực thịnh của dân tộc và của đạo Phật Việt Nam.

Hàng năm, nhơn ngày đầu năm mới, người ta chọn ăn chay và đi chùa lạy Phật. Như vậy, ăn chay ngày Tết mang ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa Tết đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Cả năm làm ăn vất vả lo kiếm cái ăn, cái mặc, nên nhơn ngày đầu năm thiêng liêng, nghỉ ở nhà, người ta ăn chay với tâm nguyện chuộc tội lỗi cho nguyên một năm củ, và đồng thời, tâm thần thanh thảng, cầu phước đức, an lành, may mắn cho năm mới.

Ở miền Bắc, có nơi cả làng ăn chay trong ngày Tết. Như ở tỉnh Hưng Yên. Phong tục ăn chay trong ngày Mùng Một Tết ở đây thật là đặc biệt. Nhà nào cũng làm món chay cúng tổ tiên như xôi, bánh chưng, bánh cốm, chè,… Tuyệt nhiên không có việc giết bò, giết heo, gà làm các món mặn. Nên ở đây, không tìm thấy giò, nem, chả, mộc, thịt đông, thịt luộc như ở những làng khác. Tục lệ ăn chay ngày Mùng Một Tết này đã có từ lâu đời do cha ông truyền lại. Nguyên nhân có thể phát xuất từ tín ngưỡng Phât giáo vì cả làng đều theo đạo Phật nên giữ giới không sát sanh, ít nhứt vào ngày đầu năm.

Ngoài ra, cũng có thể do điều kiện làm ăn khó khăn, một năm chỉ nghỉ được mấy ngày Tết nên dân làng dành nhiều thời giờ để đi chùa lạy Phật cầu xin trời Phật phù hộ năm mới khá hơn năm củ. Vì đi chùa lạy Phật nên ăn chay theo giáo lý nhà Phật.

Ngoài làng Đào Đặng ở Hưng Yên có tục lệ ăn chay ngày Mùng Một Tết, còn có làng Đào Xá vùng Kinh Bắc cũng giử tục lệ cúng chay và ăn chay ngày Tết.

Hầu hết các gia đình trong làng vào ngày Mùng Một và ngày Mùng Bảy Tết đều làm bửa ăn chay đem ra chùa cúng Phật và sau là đãi khách . Các món chay như bánh, xôi, bửa cơm đều làm từ sản phẩm nhà nông như  gạo, nếp, rau, đậu, củ, quả, … Riêng món bún riêu chay ở đây rất đặc biệt ngon mang tên Bún riêu Đào Xá…

Vào miền Trung, người dân Huế phần lớn từ lâu đời theo đạo Phật nên ngày Mùng Một Tết họ ăn chay và đi chùa. Huế vốn nổi tiếng với các món chay vì còn ít nguời học được từ gia chánh hoàng cung trước đây. Ngày nay, phần nhiều các gia đình Huế đều tự tay nấu các món chay. Món mặn có gì thì món chay có nấy. Đặc biệt ở Huế có trái vả thường dùng để chế biến thành nhiều món chay khác nhau. Huế còn có món mít trộn làm bằng mít non, tré chay làm bằng cùi mít, nem chay làm bằng cùi bưởi, chả chay làm bằng phù chúc, sản phẩm từ đậu nành, mì căn từ tinh chất bột mì làm giả thịt gà (theo Tâm Diệu).

Trong năm, vào các ngày Mùng Một, ngày Rằm, bửa cơm chay của người Huế ở chùa hay trong gia đình, tuy không phải sang trọng cho lắm, nhưng hơi cầu kỳ ở cách trình bày biểu hiện nét văn hóa ẩm thực của ngày Tết ở xứ Huế ảnh hưởng từ thời còn vua chúa.

Ở xứ Nam kỳ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh đời sống dân chúng. Vì đây là vùng đất mới khẩn hoang, nên dân chúng rất sùng Đạo Phật như một sức mạnh thiêng liêng che chở cho họ trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, có thể đó là nguyên nhân của ăn chay và ăn chay ngày Tết khá phổ biến ở người dân miền Nam từ buổi đầu khẩn hoang cho đến ngày nay. Đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ăn chay có rất nhiều món, tuy không cầu kỳ, không trình bày khéo léo. Có nhiều món chay và món nào cũng nhiều, cũng đầy ấp do hoa quả, rau cải rất phong phú. Và trong mâm chay nam kỳ cũng không thể thiếu nhiều món với nước cốt dừa hay nước dừa tươi trong đó phải kể món «kiểm» là một món «xà bần» tuy là món mới nấu . Tất cả rau, quả, củ, cả bột năng, mì căng,… nấu chung với cả ruột dừa (cùi dừa), nước dưa tươi và nước cốt dừa . Món này chỉ có ở xứ Nam Kỳ vì chỉ ở đây mới có thừa vật liệu để thực hiện.

Dân Nam kỳ có thời nổi tiếng tài gia chánh vì các cô, các bà có dư thời giờ để học gia chánh và học chỉ để trổ tài lấy tiếng trong giới chị em mà thôi.

Bình thường, những món chay nhái món mặn cũng không thiếu. Tất cả đều rất ngon do vật liệu tươi, ngon.

Số người ăn chay chỉ ngày Mùng Một hay cả Ngày Rằm hoặc 4 ngày, 10 ngày / tháng cũng khá đông. Nhứt là ở Miền Tây theo Phật Giáo Hòa Hảo hay Miền Đông theo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ăn chay vì sức khỏe, vì môi trường …

Ngày nay, ở Âu Mỹ, nhiều người, nhứt là giới trẻ và một số lớn danh nhơn, ăn chay trường, tức ăn chay dài hạn. Họ phần lớn ăn chay vì sức khỏe và bảo vệ môi sinh. Cũng có người ăn chay theo tín ngưởng tôn giáo.

Tạp chí nghiên cứu người tiêu dùng (Journal of Consumer Research) công bố kết quả một khảo sát năm 2012 cho  thấy nam giới ít có người ăn chay. Phải chăng vì “Thịt đồng nghĩa với quyền lực và sức mạnh đàn ông?”.

Một nghiên cứu khác của tạp chí “Tâm lý học đàn ông và nam tính” cũng khẳng định «ăn thịt» đã mang tính “số phận đã như thế”. Nó thể hiện sức mạnh, sự trưởng thành và bản lĩnh đàn ông. Chính vì vậy mà đại đa số đàn ông thích chuyện ăn thịt hơn phụ nữ.

Nhưng quan điểm trên đang trở nên lỗi thời. Ngày càng nhiều các giám đốc điều hành và các chính trị gia lãnh đạo như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang thay đổi tập quán sanh hoạt cố hữu, tức từ bỏ thịt, đổi qua ăn chay hằng ngày và dài hạn từ năm 2004.

Theo ông, chế độ ăn chay đã giúp ông cảm thấy khỏe khoắn hơn trước rất nhiều.Biz Stone, đồng sáng lập Twitter ăn chay trường nay được 10 năm. Và ông đầu tư vào xí nghiệp sản xuất thực phẩm chay.

Russell Simmons, “vua” hip hop Mỹ từ bỏ ăn thịt vì môi trường.

Người sáng lập Def Jam Records từ bé tới lớn ăn thịt, nhưng hơn 10 năm trước, ông chuyển qua ăn chay và cho rằng ăn thịt có tác động vô cùng tiêu cực tới môi trường sống.

Năm 2010, Simmons nói “Mỗi ngày qua đi lại có thêm nhiều người chuyển qua ăn chay. Lũ trẻ nhìn một miếng sườn và liên tưởng tới những con vật bị chết đau đớn để bị biến thành đồ ăn. Nhiều người đang thấy yêu bản thân và yêu trái đất bằng cách nói không với thịt và bơ sữa.

Hình ảnh Russell Simmons từng xuất hiện trên bộ tem những ngôi sao ăn chay nổi tiếng do Hội Bảo vệ động vật (PETA) ấn hành năm 2011.

Ông Cory Booke, Thị trưởng thành phố Newark, bang New Jersey (Mỹ), đã ăn chay trường từ hơn 20 năm qua. Năm ngoái, chính trị gia này nức tiếng thơm sau khi giải thoát một phụ nữ trẻ khỏi một vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Sau đó, ông phải nhập viện vì ngộ độc và bị phỏng.

Ông Wynn hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, 71 tuổi, của tập đoàn Wynn Resorts ở Las Vegas, đã trở thành một người ăn chay thuần vào năm 2010.

Theo Wynn, chế độ ăn thiên về thịt của người Mỹ chẳng khác gì tự sát vì dễ gây ra ung thư và nhiều loại bệnh về xương sống. Trong nỗ lực gia tăng các chế độ ăn có nhiều yếu tố thực vật, Wynn đã đưa thực đơn ăn chay vào chuỗi khách sạn của ông trong năm 2012.

Joi Ito, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm truyền thông MIT, từng chia sẻ trên blog về quyết định trở thành người ăn chay thuần của mình hồi tháng 12/2006. Sau 6 tháng, ông đã giảm được hơn 18 kg và nhận được vô số lời tán thưởng về kế hoạch ăn uống toàn rau quả.

Ông Ito viết “Tôi chưa bao giờ thấy bản thân mình khỏe mạnh và sảng khoái hơn lúc này. Vì thế tôi sẽ tiếp tục ăn chay”.

Ông Tom Freston, cựu CEO của Viacom, ăn chay vì vợ là người ăn chay. Bà Kathy Frestton là tác giả quyển sách “Ăn chay: Giảm cân, khỏe mạnh hơn và thay đổi thế giới”.

Ông Tom từng tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng, lợi ích từ việc ăn chay là “rất nhiều và không thể phủ nhận”.

Ông John Mackey là một trong số những nhà lãnh đạo kinh doanh thành công nhất nước Mỹ thế kỷ XX được bầu chọn theo tiêu chuẩn Leadership Initiative (Sáng kiến Lãnh đạo) của HBS.

Đồng giám đốc điều hành của Tập đoàn bán lẻ thực phẩm hàng đầu của Mỹ Whole Foods, ông ăn chay thuần trong 3 thập niên qua. Tập đoàn Whole Foods cam kết hướng tới những sản phẩm đồ ăn khỏe mạnh hơn và tự nhiên hơn.

Cách gói bánh chưng chay đơn giản mà cực ngon vào ngày tết

Riêng người Phật tử ăn chay là giử giới không sát sanh. Nếu không biết ăn chay mà thích ăn mặn là người không có lòng thương xót trước cảnh sinh vật bị giết chóc, hạt giống từ bi mỗi ngày cạn dần. Ngày xưa, đức Phật đã nói: “Nếu còn ăn chúng sanh thì còn phạm giới sát sinh, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng làm ung thối hạt giống từ bi bình đẳng, không thể tu hành thành Phật được”.

Người Phật tử không vì lý do gì mà không thực hành hạnh từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ đến ăn uống. Nếu vì không thay đổi thói quen ăn uống được mà nhẫn tâm trước cảnh chặt đầu, moi ruột, đập chết, lột da những con vật hiền lành vô tội để có bửa ăn hằng ngày thì nguời Phật tử làm sao tu hành Phật đạo được?

Thế mà ngày nay lại có không ít Thầy chùa vẫn phạm giới sát sanh vì không giử được giới trường chay.

Ngày tết, Bà Con người Việt nam chúng ta cúng chay, ăn chay là sống với nếp sống văn hóa dân tộc. Với Phật giáo ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát khởi tâm từ bi, bén nhạy trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Với khoa học, ăn chay tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể tránh được một số bịnh như tim mạch, ung thư, béo phì, đái đường, sỏi mật… Ngoài ra, ăn chay còn giúp bảo vệ môi trường, gìn giữ trái đất, không khí và nguồn nước được trong lành.

 

Vui cười

1/ Có 3 nguoi cùng chết xuống địa ngục. Diêm Vương hỏi người thứ 1:-  Tại sao con chết ??

– Con phát hiện vợ con đang ngoại tình với thằng khác ở lầu 10 khách sạn New Wolrd, tức quá nhưng không dám đánh vợ nên con đã ném cái tủ lạnh xuống đất, nhưng nặng quá nên con rớt theo —> chết

Diêm Vương hỏi người thứ 2: – Tại sao con chết ??

– Con thấy nó lên nên con bỏ chạy chạy bộ ngang khách sạn New Wolrd, tự nhiên có cái tủ lạnh rớt ngay đầu con.

Diêm Vương hỏi người thứ 3 – Dzậy còn con ???

– Dzạ thấy thằng chồng chạy lên, nên con núp trong cái tủ lạnh đó……

2/ Nhân viên môi giới nhà đất nói với khách hàng về ngôi nhà mà họ quan tâm.

– Thành thật với khách hàng là tôn chỉ nhất quán của chúng tôi. Chúng tôi xin giới thiệu với ông tất cả các ưu, nhược điểm của ngôi nhà. Và bây giờ, tôi xin nói trước về nhược điểm. Phía bắc của ngôi nhà, cách chừng 1 km là trại chăn nuôi lợn, phía tây là khu xử lý nước thải, phía đông là xưởng sản xuất amoniac, còn phía nam là công ty chế biến cá…

– Thế còn ưu điểm của ngôi nhà?

– Vâng, ưu điểm của nó là lúc nào cũng đoán được hướng gió.

 

Đọc báo lề phải:

Vì sao báo Người cao tuổi bị thanh tra đột xuất?

09/02/2015 14:47 GMT+7

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, báo Người Cao Tuổi bị thanh tra đột xuất do chính yêu cầu từ Hội Người cao tuổi.

Tại buổi họp báo công bố kết luận thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi sáng nay, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, vào tháng 11/2014, Hội Người cao tuổi đã đề nghị khen thưởng ông Kim Quốc Hoa (Tổng biên tập báo Người cao tuổi – PV) là chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Ban Thi đua khen thưởng TƯ đã có công văn gửi Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị hiệp y khen thưởng. Tuy nhiên, trước nhiều sai phạm của báo Người cao tuổi mà Tổng biên tập phải trực tiếp chịu trách nhiệm, Bộ TT&TT đã có văn bản không chấp nhận hiệp y việc khen thưởng này.

Sau đó, phía Hội Người cao tuổi đã đề nghị Bộ TT&TT chỉ rõ những sai phạm của báo Người cao tuổi cũng như của ông Kim Quốc Hoa.

“Để làm rõ việc đúng sai, Bộ trưởng TT&TT đã quyết định thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Những sai phạm nào cần phải xử lý hành chính thì sẽ xử lý hành chính. Những sai phạm nào có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang cơ quan an ninh điều tra của Công an để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thông báo, do những vi phạm trong hoạt động báo chí, trong việc thực hiện quy định của pháp luật về báo chí của ông Kim Quốc Hoa mà Thanh tra Bộ TT&TT vừa công bố, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thực hiện các quy định của điều lệ Hội, rút thẻ hội viên của ông Kim Quốc Hoa. “Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nghiêm túc xử lý trưởng hợp vi phạm này”, ông Huệ khẳng định.

Trước đó, từ 7/11/2014 đến 7/1/2015, đoàn thanh tra của Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra đột xuất hoạt động của báo Người cao tuổi và phát hiện hàng loạt sai phạm. Theo thông báo kết luận thanh tra, Bộ TT&TT đã đề nghị Hội Người cao tuổi cách chức Tổng biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa, đồng thời thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử và tên miền nguoicaotuoi.org.vn.

T.Cầm

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/221065/vi-sao-bao-nguoi-cao-tuoi-bi-thanh-tra-dot-xuat-.html

Lời bàn: Bộ TT bác đề nghị khen thưởng tổng biên tập của hội cao tuổi thì hội này nên đừng có thắc mắc. Đã thắc mắc thì ta (bộ TT) cho thấy tbt có nhiều sai phạm…cho hội nhà báo rút thẻ ký giả.., bộ TT rút giấy phép…dù “…Những sai phạm nào cần phải xử lý hành chính thì sẽ xử lý hành chính. Những sai phạm nào có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang cơ quan an ninh điều tra của Công an để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật” … đảng nhà nước chơi nhau … nhà báo chết.

 

7 ứng viên chức TGĐ Tổng công ty Quản lý bay

09/02/2015 11:57 GMT+7

Lần đầu tiên, Bộ GTVT tổ chức thi chức danh quản lý doanh nghiệp sau thành công của các kỳ thi tuyển 5 chức danh quản lý nhà nước năm ngoái. 

Cuộc thi chức danh thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã khai mạc sáng nay.

7 thí sinh đều đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT: 2 Phó TGĐ của chính tổng công ty Nguyễn Đình Công và Đoàn Hữu Gia, Chánh văn phòng Cục Hàng không VN Phạm Việt Dũng, GĐ công ty Quản lý bay miền Bắc Lâm Phúc Anh Hà, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý hoạt động bay Nguyễn Thế Hưng, GĐ Trung tâm Thông báo tin tức hàng không Lê Quốc Khánh và GĐ Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay Nguyễn Mạnh Quang.

Tại buổi lễ khai mạc cuộc thi, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, năm 2014, Bộ đã tổ chức thi thành công 5 chức danh, nhưng đều là chức danh quản lý nhà nước. Đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức thi chức danh quản lý doanh nghiệp.

“Sau cuộc thi này các công ty nhà nước và công ty có vốn góp của Nhà nước sẽ thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo, cũng như giới thiệu người đại diện phần vốn góp nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.

Thành phần Ban giám khảo gồm 14 thành viên, do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đứng đầu.

Bộ trưởng Thăng nói rõ: Thành phần Ban giám khảo có những người hàm cấp tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động… Đây là Ban giám khảo cực kỳ chất lượng. Thí sinh hãy tự tin và yên tâm dự thi, không phải lo ngại tiêu cực, thiên vị.

“Chắc chắn không có chuyện tiêu cực, vì kỳ thi là để công khai minh bạch quá trình bổ nhiệm cán bộ”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Vũ Điệp

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/221008/7-ung-vien-chuc-tgd-tong-cong-ty-quan-ly-bay.html

Lời bàn : năm ngoái đã có 5 người thi đậu … năm nay lại tổ chức thi tuyển cho chức tổng giám đốc, theo cái đà này thì  toàn người đại tài điều khiển…nhà nước,!!!!!!

 

Chánh Văn phòng Cục Hàng không làm TGĐ Tổng Công ty Quản lý bay

Thứ Tư, ngày 11/2/2015 – 07:40

(PL)- Bộ GTVT ngày 10-2 cho biết ông Phạm Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam, đã trúng tuyển vị trí thành viên Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (Bộ GTVT).

Theo đó, ông Dũng đạt số điểm cao nhất là 87,81/100 điểm, đứng thứ hai là ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT (87/100 điểm).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết ứng viên trúng tuyển được ban giám khảo đánh giá cao bởi sự rõ ràng, rành mạch, tính chuyên môn cao. Bên cạnh đó, thí sinh còn có giải pháp tích cực nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay của ngành quản lý bay cũng như chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới.

Ông Phạm Việt Dũng sinh năm 1964, tốt nghiệp Học viện Hàng không dân dụng Leningrad (Liên Xô cũ) chuyên ngành không lưu. Ông thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Anh. Được biết trong ngày thi tuyển, ông Dũng phải bó bột do bị tai nạn gãy tay trước đó gần một tháng.

VIẾT LONG

http://phapluattp.vn/thoi-su/chanh-van-phong-cuc-hang-khong-lam-tgd-tong-cong-ty-quan-ly-bay-531018.html

Lời bàn : No comment

 

Lính Nga nhận vũ khí mới, phương Tây nên dè chừng

08:41 ngày 23 tháng 02 năm 2015

Giới chuyên gia cho rằng việc Nga trang bị 2 mẫu súng trường AK mới đã đánh dấu nỗ lực không ngừng của nước này trong tiến trình hiện đại hóa quân sự nhưng cũng làm lộ ra những điểm yếu lâu nay.

Những quan ngại về khả năng Nga dấn sâu can thiệp vào cuộc chiến tại miền đông Ukraine và hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại Đông Âu, đã khiến phương Tây theo dõi sát sao mọi động thái tăng cường sức mạnh quân đội của Moscow.

Trang bị 2 mẫu AK mới

Hồi tháng Một năm nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuriy Borisov cho biết quân đội nước này đã quyết định chọn 2 súng trường tiến công là AK-12 và AK-103-4 do Tập đoàn Kalashnikov Concern (tiền thân là Nhà máy Izhmash) sản xuất, làm súng bộ binh cơ bản mới nằm trong bộ trang bị cá nhân Ratnik.

Theo tờ Washington Post, quyết định chọn súng trường AK-12 bắn đạn cỡ 5,45×39 mm và AK-103-4 bắn đạn cỡ 7,62×39 mm, sẽ là cơ hội giúp binh sĩ Nga tăng khả năng chiến đấu hiệu quả.

Thậm chí, Bộ Quốc phòng Nga cũng quyết định tăng số lượng bộ đồ Ratnik từ 50.000 đơn vị lên thành 70.000 đơn vị. Bộ trang bị Ratnik của Nga dùng để bảo đảm hiệu quả chiến đấu của binh sĩ trên chiến trường bao gồm gần 50 thành phần khác nhau như súng bộ binh, các máy ngắm, phương tiện bảo vệ, thiết bị liên lạc và định vị. Trong đó, một số loại vũ khí mới ra mắt nằm trong bộ Ratnik đã được quân đội Nga sử dụng khi tiến vào bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014.

AK-12 trông khá giống với người tiền nhiệm AK-74M và cả hai có một số thành phần chung. Giá thành dự kiến của AK-12 ước tính chỉ nhỉnh hơn AK-74M khoảng 25%.

Súng trường AK-12 thuộc lớp súng AK thế hệ thứ 5, có nhiều cải tiến về khả năng hoạt động như độ xung giật nhỏ hơn AK-74M. Công việc thiết kế AK-12 được bắt đầu vào tháng 8/2011 và phiên bản đầu tiên ra mắt vào ngày 24/1/2012. Súng dùng hộp đạn 30 viên như AK-74 nhưng cũng có thể dùng các hộp đạn 60 – 95 viên. Trong khi đó, AK-103-4 là biến thể mới nhất của AK-47 sử dụng cỡ đạn 7,62 mm.

Để trang bị cho bộ Ratnik, Nga đã cho thử nghiệm 4 loại súng trường tiến công: 2 loại bắn đạn 5,45х39 mm và 2 loại bắn đạn 7,62х39 mm là АK-12 và АK-103-4 của Tập đoàn Kalashnikov, cùng А-545 và А-762 của Nhà máy Degryarev ở Kovrov. Theo đó, А-545 và А-762 là các biến thể cải tiến của súng AEK-971/973 được phát triển vào đầu thập niên 1980 cho chương trình thay thế AK-74М.

Phương Tây nên dè chừng Nga?

Theo biên tập viên của tạp chí quân sự uy tín IHS Jane’s Defence Weekly tại Anh, ông Nick de Larrinaga, “Nga nên cải thiện kỹ năng sử dụng những vũ khí nằm trong bộ Ratnik cho các binh sĩ nước này”.

Còn Washington Post thì cho rằng Nga đang cố gắng vực dậy khả năng sẵn sàng chiến đấu và kỷ luật của quân đội nước này, vốn bị xuống dốc trong giai đoạn đầu thập niên 1990 và 2000. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về năng lực của quân đội Nga.

Chuyên gia quân sự Nga kiêm Phó Tổng biên tập tờ YezhednevnyZhurnal, ông Alexander Goltz nhận định Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng tiếp cận “mọi công tác” nhằm giúp mở rộng năng lực sản xuất vũ khí của quốc gia này.

“Mục tiêu của quân đội Nga không chỉ là cho ra đời các mẫu súng trường Kalashnikov mới mà còn cả những loại vũ khí phục vụ tham vọng hạt nhân của Tổng thống Putin”, chuyên gia Golts nói.

Tuy nhiên, theo ông Golts, “Nga muốn sản xuất dàn trải tất cả hệ thống quân sự từ những loại súng cỡ nhỏ cho tới tên lửa Topol. Điều đó đồng nghĩa với việc không một chương trình quân sự nào của Nga được hỗ trợ đầy đủ về nguồn tài chính”.

Nhận định của ông Golts được đưa ra trong bối cảnh, quân đội Nga đang phải tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan tới những cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Nhưng thực tế, rất ít bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến Nga giảm bớt quyết tâm trên con đường hiện đại hóa quân sự.

“Bất chấp giá dầu giảm, đồng rúp rớt giá và cả lệnh trừng phạt, hiện đại hóa quân sự vẫn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Nga”, Tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ, ông Vincent Stewart nhận định.

“Tôi cho rằng trong thời gian ngắn tới, không một tác động nào từ lệnh trừng phạt hay nền kinh tế có thể làm thay đổi tham vọng xây dựng các lực lượng chiến lược hùng mạnh của Nga, nhằm đối phó với những nỗ lực trên toàn cầu của chúng ta”, Tướng Stewart nói thêm.

Còn theo giới chuyên gia, cam kết hiện đại hóa quân sự của chính phủ Nga là bằng chứng rõ nhất về việc Moscow sẵn sàng chi một khoản tiền lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là các lệnh trừng phạt và sự cô lập của thế giới không tác động tới tham vọng quân sự của Nga, theo chuyên gia quốc phòng Colby Howard.

Điển hình, hồi năm ngoái, Pháp đã từ chối chuyển cho Hải quân Nga hai chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. Ngay cả, những hợp đồng quân sự quy mô nhỏ hơn với phương Tây của Nga cũng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Những dự án này bao gồm việc cung cấp các động cơ diesel cho ngành đóng tàu Nga do công ty MTU Friedrichshafen GmbH của Đức đảm nhận hay tổ hợp huấn luyện bộ binh trị giá 100 triệu USD được một công ty khác của Đức là Rheinmetall chịu trách nhiệm thi công.

Theo infonet.vn

http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/linh-nga-nhan-vu-khi-moi-phuong-tay-nen-de-chung-825273.tpo

Lời bàn: vc cảnh báo tây phương  hay rao AK mới  mời ISIS… ??

Vui cười

Sợ vợ sống lâu

Nể vợ ít ưu sầu

Để vợ lên đầu là trường sinh bất tử

Đánh vợ nhừ tử là đại nghịch bất đạo

Vợ hỏi mà nói sạo Trời đất bất dung

Chê vợ lung tung là ngậm máu phun người

Gặp vợ mà không cười là có mắt không tròng

Để vợ phiền lòng là lảnh án tru di tam tộc

Vợ sai mà hằn học là Trời đánh Thánh đâm

Vợ gọi mà ngậm câm là lòng lang dạ sói

Để vợ nhịn đói là tội nhân thiên cổ

Để vợ cực khổ là bất tài vô dụng

Trốn vợ đi “ăn vụng” là ngủ mã phanh thây…

 

Cha xứ bán con ngựa của mình cho một người khách. Nhận tiền xong, ông dặn dò:

– Tôi cần lưu ý ông, muốn thúc nó chạy thì nói “Tạ ơn Chúa”, còn muốn nó đứng lại thì nói “Alléluia”

– Được thôi, tôi đã quen với ngựa cả đời rồi.

– Nhảy lên lưng con ngựa mới mua, ông khách thử nói khẽ: “Tạ ơn Chúa!”

– Chưa dứt lời, con ngựa đã vọt đi. Đến tiếng “Tạ ơn Chúa” thứ hai thì nó phóng nước đại. Chợt nhìn thấy một vực sâu thăm thẳm ngay phía trước, ông ta hoảng hốt hét lên : “Alléluia!”

– Con ngựa kịp dừng lại sát mép vực. Lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, kỵ sĩ làm dấu thánh và thốt lên: “Tạ ơn C…h…ú…a!”