Tập San Tân Ðại Việt – Số 3 – 2016
Mục Lục
Chánh trị, Kinh tế
Bs Mã Xái: Tương lai Biển Đông trước hành động quân sự hóa của Trung Cộng
Lê Minh Nguyên: Tập Cận Bình trên sân khấu thế giới: Chính sách đối ngoại của một lãnh tụ quyền lực nhưng hở sườn
Phạm Ðức Duy: “Chuyện nhỏ xé ra to”: Ngũ Giác Ðài nói dối về Biển Đông
Nhữ Đình Hùng: Những “mùa xuân ả-rập” năm năm sau
Nguyễn văn Trần: Đảng cộng sản hà nội tham hay ngu?
Mai Thanh Truyết: Từ thiện đại chúng
Trọng Đạt: Những sai lầm của Lyndon Johnson trong cuộc chiến Việt Nam
Vann Phan: 40 năm sau khi Hoa Kỳ để mất Việt Nam Cộng Hòa…
Tin tức, thời sự
Phạm Ðức Duy: Kế hoạch dự bị của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh với TC
VietTimes: Mỹ bố trí trên 50% tàu ngầm hạt nhân bao vây Trung Quốc…
Thanh Phương: Vụ kiện chất da cam tại Pháp: Con đường còn dài
Nhữ Đình Hùng: Triển-vọng Hoà-bình ở Syrie
Tài liệu tham khảo
GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn
Phạm Cao Dương: Nền Giáo Dục của miền Nam Việt Nam thời trước 1975
Hoàng Đình Khuê: IS, ISIS, ISIL? – (DAESH)
Phan Văn Song: Sợ
Nguyễn thị Cỏ May: Một nếp Văn minh mới
Phan Văn Song: Tiểu tiết
Tương lai Biển Đông trước hành động quân sự hóa của Trung Cộng – Bác sĩ Mã Xái
Tiến hành quân sự hóa, Trung Cộng trên đường khống chế Biển Đông.
Tình hình Biển Đông đang đi vào một khúc quanh mới, báo động nỗi an nguy cho dân tộc Việt, cho toàn khối ASEAN, cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hơn ai hết, cho một cường quốc có quyền lợi quốc gia ở nơi này, một cường quốc có vai trò canh giữ tự do lưu thông con đường huyết mạch vận hành trên 5 ngàn tỷ USD thương vụ hàng năm và là lộ trình chiến lược tái cân bằng /đổi trục về châu Á. Tại thượng đỉnh Sunnylands US-ASEAN (15-16/ 2/2016) trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Obama đang tìm sự đồng thuận với các vị lãnh đạo cùng lên tiếng phản đối động thái bành trướng bá quyền Trung Cộng tại Biển Đông, thì bên kia bờ đại dương, Bắc Kinh cho bố trí tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9 có tầm bắn xa 200km ngay trên hòn đảo Phú Lâm, một hòn đảo lớn nhứt trong quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm từ thập niên 50, tiếp theo sau đó, TC đưa thêm hai chiến đấu cơ J-11 và J-9. TC cũng xây căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hoà (Duncan). Gần đây TC lại đưa hệ thống rada có tần số cao trên Đá Châu Viên (Cuarteron) thuộc Trường Sa, và cho máy bay dân sự đáp thử trên những đường băng trên đảo nhơn tạo; ảnh vệ tinh mới nhứt cho thấy các phi đạo đã được cũng cố trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) Vành Khăn (Mischief). Trong hai năm qua TC đã bồi đấp “đảo chìm đá nỗi“ hơn 1.170 hectares ở Biển Đông. Trên các thực thể đó, trên các đảo nhơn tạo còn trong vòng tranh chấp chủ quyền đó, TC đã bố trí võ khí, các loại thiết bị quân sự, xây cất công sự đủ giúp Bắc Kinh chẳng những đủ khả năng chống can dự, chống tiếp cận mà còn tăng cường tiềm năng tấn công (anti-access/area denial A 2/AD): Hiển nhiên TC đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông.
Phản ứng trước biến chuyển quân sự hóa
Trước tình hình căng thẳng trong khu vực hôm 23/02/2016 một buổi điều trần trước Uỷ ban Quân sự Thượng Viện Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương báo động ý đồ TC quân sự hóa Biển Đông, cho thấy Bắc Kinh đang làm thay đổi cục diện khu vực…và trên thực tế sẽ kiểm soát Biển Đông; ông cũng quan ngại TC sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như họ đã làm ở Biển Hoa Đông; và sẽ đe doạ đến tự do lưu thông tàu và máy bay vận chuyển vào khu vực; theo ông nhiều kịch bản có thể xảy ra nếu như Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ kịp thời. Tiếp theo báo động của Đô đốc Harris, Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter tại Câu lạc bộ Commonwealth San Francisco (3-01-2016) mạnh mẽ tuyên bố “ Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông” và đe doạ sẽ có những hậu quả cụ thể tiếp theo nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong khu vực. Ông Carter còn cho biết đã có kế hoạch ứng phó nếu TC coi thường lời cảnh báo của Hoa Kỳ. Ông nhắc lại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu bè qua lại hay hoạt đông trên Biển Đông hay bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép; đã có chiến dịch tuần tra vào Trường Sa (chiến hạm USS Lassen), chiến dịch tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, ngoài những chuyến bay trinh sát trên vùng trời phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáp lễ Bộ trưởng Ashton Carter, Ngoai trưởng TC Vương Nghị cho rằng Hoa Kỳ nên ngừng thỗi phồng tranh chấp, chớ hành xử như một quan toà quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến công du Hoa Kỳ, 24/2 ngay cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm John Kerry, Vương Nghị tuyên bố ngoài kia Biển Đông vẫn yên tĩnh, tình hình nhìn chung ổn định, không có vấn đề nào về tự do hàng hải, và phi quân sự hóa trong khu vực như TT Obama đề nghị cần có nỗ lực các bên. Ông ta ngang nhiên lập lại các đảo ở Biển Đông là lãnh thỗ của TC từ thời cổ đại và Bắc Kinh có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thỗ của mình, rằng TC hy vọng không nhìn thấy bất kỳ do tàu thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực Biển Đông. Nhưng ông Kerry lập tức tái khẳng định, Mỹ có quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Hôm sau, 25/2/2016 Vương Nghị đến thuyết trình tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế) về chánh sách đối ngoại của TC. Vương Nghị không nhắc tới biến cố Hoàng Sa và không thấy ông ta nhắc lại lời Tập Cân Bình “không quân sự hóa Biển Đông” mà chỉ nói “tình hình chung ở Biển Đông vẫn ổn định“, “không một tàu buôn nào phàn nàn về tự do lưu thông bị đe doạ hay huỷ hoại”. Ông nói tiếp về vụ chánh quyền Philippines kiện TC về vụ Biển Đông. Trong vụ phán quyết La Haye, Vương Nghị khẳng định trước Diễn Đàn CSIS rằng TC đã bác bỏ thẩm quyền của Toà Án Trọng tài Thường trực tại La Haye (PCA) trong việc xét đơn Phi luật tân Kiện TC về Biển Đông, và TC cũng sẽ không tuân thủ phán quyết của toà án dự trù sẽ thông tri vào giữa năm nay (2016). Đây sẽ là phán quyết chung cuộc có tính ràng buộc cho cả đôi bên, nhưng mọi người thấy rõ TC sẽ không tôn trong luật pháp quốc tế. Họ Vương đã viện dẫn quyền của mỗi quốc gia khi tham gia công ước UNCLOS là tự nguyện và có quyền tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào theo qui định của Công ước đối với tất cả tranh chấp được ghi ở điều 298 của Công ước (declaration excluding mandatory arbitration), và khi tham gia công ước UNCLOS cách đây 10 năm (vào năm 2006) TC đã bảo lưu bản tuyến bố đó ở LHQ, tức là TC không nhìn nhận thẩm quyền của Toà liên quan các vụ tranh chấp chủ quyền, và ông nói TC đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi TC bác bỏ yêu sách của Phi luật Tân đòi TC ra hầu toà trọng tài; ông đã từng khuyên Phi luật Tân rút đơn kiện và trở lại đàm phán song phương với họ. Theo dự đoán là PCA sẽ phán quyết vô giá trị việc TC tuyên bố “chủ quyền không tranh cải về Đường Chín đoạn”. Nhưng câu chuyện hậu-La Haye sẽ còn phức tạp và kéo dài trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo trên Biển Đông, nhưng trước mắt cái giá phải trả của một cường quốc kinh tế quân sự không tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ khá đắt đỏ cho ông Tập trước một cộng đồng thế giới văn minh, hội nhập, ổn định, trật tự, biết tôn trọng quy phạm, luật lệ.
Bên lề họp Quốc Hội TC, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8/3/2016, được Tân Hoa Xã trích dẫn TC khẳng định không ”quân sự hóa” Biển Đông bằng những nước khác” và đồng thời cảnh cáo Mỹ sẽ trả giá đắt như đã từng bị trong chiến tranh Việt Nam và Bắc Triều Tiên. (RFI 8/3/2016).
Kết thúc Thượng đỉnh Sunnylands US-ASEAN (15-16/02/2016 nguyên thủ 10 quốc gia ASEAN và TT Obama đã đưa ra một tuyên bố chung 17 điểm nguyên tắc hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp biển đảo, về việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công Ước năm 1982 của LHQ về Luật biển (UNCLOS), viêc bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với công ước năm 1982 LHQ về Luật biển (UNCLOS) cũng như phi quân sự hóa. Các hoạt đông quân sự hóa đảo Hoàng Sa là một thông điệp đầy thách thức của Bắc Kinh đáp trả tuyên bố chung Sunnylands cho TT Obama và cho lãnh đạo ASEAN trong đó những quốc gia có tranh chấp với TC (Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Brunie, Indonesia). Trong bản tuyên bố chung 17 điểm, không thấy hội nghị thảo luận của thành viên ASEAN về phán quyết của Toà án Trọng tài trong vụ đơn kiện của Philippines dự trù vào cuối tháng Năm. Cũng nên nhớ là bóng dáng của Bắc Kinh vẫn hiện diện trong Hội nghị; Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn trên Campuchia và Lào; nhưng bên lề Hội Nghị, Bộ Ngoại giao CSVN thuật lại lời đề nghị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với TT Obama cần ”…có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông…….đề nghị Washington có lời nói và hành động giúp chấm dứt ngay việc quân sự hóa Biển Đông…” Mặt tích cực của Hội Nghị sự cam kết cùng nhau tiến về phía trước thực hiện nguyên tắc chỉ đạo 17 điểm là phù hợp với tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ ký ngày 21-11-2015 tại Kuala Lumpur.
Còn chọn lựa nào mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn.
Chưa ngăn được đà tiến quân sự hóa của Trung Cộng ở Biển Đông là chiến lược Tái Cân Bằng / Đổi trục sẽ còn đối diện nhiều thách thức. Sau năm năm cam kết với chiến lược tái cân bằng về châu Á với ba mũi tiến công: quân sự, kinh tế, chánh trị ngoại giao, Tổng thống Obama đã gây niềm phấn khởi không riêng về cho khu vực ASEAN mà cho cả châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực cũng tạo nên ảnh hưởng răn đe đối với động thái bành trướng bá quyền từ phương Bắc.
Nhưng liệu có quá trễ không cho Hoa Kỳ để phản ứng kịp thời khi TC tiến hành gần như hoàn tất công việc quân sự hóa Biển Đông; hoàn tất quân sự hóa có nghĩa là cả vùng biển đến vùng trời sẽ thuộc về họ. Phán quyết toà án Trọng tài vào giữa tháng Năm chỉ còn đôi ba tháng nữa có thể đem lại thắng lợi cho Phi Luât Tân là sẽ vô hiệu hóa cái gọi là Đường Chín Đoạn. Nhưng như vậy chưa xong, sau đó còn vấn đề đàm phán song phương, đa phương về tranh chấp chủ quyền, việc thực hiện các điều khoản trong DOC, rồi việc hoàn tất COC mà TC luôn tìm cách cản trở; chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực là tìm giải pháp thông qua đàm phán. Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu ngoại giao thất bại như Đô đốc Harris và Bộ trưởng Carter đã tuyên bố là họ đã có những chuẩn bị, những kế hoạch sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Chánh quyền Obama tới nay có hai hành động nỗi bậc đối với các hoạt động lấn chiếm cuả TC là lên tiếng phản đối và tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải với các tuần tra bằng tàu chiến hay bay ngang ở các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng xem chừng biện pháp này chưa chận đứng được tiến trình quân sự hóa và các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng; thêm vào buổi điều trần mới đây của Đô đốc Harris là bản đánh giá Chánh sách quốc phòng trong chiến lược Tái cân bằng/ Đổi trục, do một tổ chức độc lập thực hiện theo khuyến cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ (2015 National Defense Authorization Act, section 1059) và được trình bày trước Uỷ Ban Quân Sự Thượng viện (ngày 2/3/16) về tình trạng an ninh trong vùng Á châu Thái Bình Dương, nhận định độ gia tăng sức mạnh quân sự không ngừng của Bắc Kinh, và sau cùng đưa ra những khuyến cáo là cần thăng tiến hơn nữa về phần an ninh quân sự hầu hoàn thành tốt hơn cho chiến lược tái cấn bằng/đổi trục về châu Á.
Chiến lược tái cân bằng tuy tiến triển khá tốt đẹp, nhưng cũng bị hạn chế bởi nhiều cuộc chiến, xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi mà chánh quyền Obama chưa thể rút ra (Iraq, Afghanistan, Yemen, Syria và ISIL), chưa kể sựtrỗi dậy của Nga.
Chủ trương TT Obama không tiến hành chiến tranh vì Biển Đông; hai cường quốc còn quấn quyện với nhau chằng chịt vì quyền lợi kinh tế trong thế cộng tác để sinh tồn cả hai cùng có lợi. Vương Nghị (Wang Yi) đã phát biểu như vậy cho cử toạ tại Diễn Đàn CSIS hôm 25-02-2016. Trung Cộng biết rõ cung cách lãnh đạo của Obama trong cách giải quyết các xung đột bằng đường lối ngoại giao, và “lãnh đạo từ đàng sau“ cho nên TC có vẻ xem thường các vụ tuần tra và còn có những đồng thái gây hấn mạo hiểm có thể gây xung đột.
Cụ thể những hoạt động răn đe, những hoạt động quân sự có mặt thường xuyên trong khu vực đã được bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho thực hiện. Hôm 1/3/2016, soái hạm USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 dẫn hàng không mẫu hạm Stennis, hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm tiến vào Biển Đông thực hiện tuần tra thường kỳ. Tình hình khẩn trương ở Biển Đông hiện nay, theo ông Carter nhấn mạnh, có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột giữa các nước có tranh chấp (Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunie, Indonesia với Trung Cộng), chỉ có Phillippines là đồng minh của Hoa Kỳ có thể được bảo vệ khi bị xâm lăng trực tiếp. Nhựt bổn một đồng minh cật ruột phía Đông Bắc Á trong vai trò phòng vệ tập thể tạo thêm ảnh hưởng răn đe, tàu ngầm Nhựt Bổn lần đầu tiên từ 15 năm qua sẽ ghé thăm Philippines vào tháng tới, và hai chiến hạm sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh; việc Hoa Kỳ dự trù bố trí THAAD ở Nam Hàn cũng đủ cho họ Tập lo ngại; Ấn độ cũng quyết tâm thực hiện chiến lược“ Hướng Đông” vì sự an toàn của Ấn Độ Dương liên hệ với vận mạng Biển Đông; cường quốc; Washington cũng thông báo là Ấn độ sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhựt ở gần Biển Đông trong năm nay; Mã Lai, Singapore cũng đã cho phép Hoa Kỳ xử dụng như “căn cứ” hậu cần cho tàu chiến, phi cơ chiến đấu xuất nhập để canh gát vùng biển rong khu vực “có quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ”. Số thuỷ quân lục chiến luân phiên tại căn cứ Darwin (Úc) sẽ tang lên 2.500 vào năm 2017. Ông Carter cho biết sẽ có nhiều cuộc diễn tập quân sự chung với các nước trong khu vực bị Bắc Kinh đe doạ; ông tuyên bố tiếp. Đô đốc Harris đề nghị đẩy mạnh chương trình đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới có khả năng đối phó với các đối thủ tiềm năng như TC, vì nước này đang gầy dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, tăng cường hiện đại hóa thiết bị đáng kể; họ công khai tuyên bố có tên lửa đạn đạo mới (DF-26) có tầm bắn xa 3.000 dặm có thể rót vào các căn cứ không quân lớn nhứt Hoa kỳ ở đảo Guam.
Còn CSVN, Hoàng Sa Trường Sa sẽ mất vĩnh viễn vào tay Trung Cộng.
Từ trước tới nay CSVN vẫn im thin-thít trước những hành động lấn chiếm Biển Đông, chẳng những vậy mà còn thẳng tay đàn áp những ai dám chống đối dù chỉ bằng ngôn từ, nhưng từ sau sự kiện giàn khoan HD-981, thì bắt đầu có lời phản đối và có những vận động gần gũi với Hoa Thạnh Đốn nhưng đồng thời Hà nội vẫn phải thậm thụt cầu hoà với đồng chí ý thức hệ Mác Lê phương Bắc; trước kia Nguyễn Phú Trọng (NPT) gởi đặc sứ Lê Hồng Anh sau vụ HD-981 và sau vụ “quân sự hóa Biển Đông” lại gởi đặc sứ Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN sang báo cáo “kết quả tốt đẹp của Đại hội XII ĐCSVN” lên Tập Cận Bình, đồng thời ông Quân khẳng định Đảng CSVN kiên định chủ nghĩa Mac Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định chủ nghĩa xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của đảng. Tập nói với Quân “Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẽ định mệnh chung, cũng như hai ĐCSTQ và ĐCSVN”, ông nhắc về phía Việt Nam phương châm ”16 chữ và tinh thần 4 tốt” cũng như lòng tin cậy chính trị, hơp tác chiến lược toàn diện…
Gió đã đổi chiều chăng? Tình nghĩa gắn bó “Thành đô” như vậy mà bên ngoài, mặt trận công kích, phản đối Trung Cộng leo thang lên tận đỉnh. Chẳng những công kích đích danh TC, mà còn gởi công hàm phản đối TC về các hành vi sai trái và việc quân sự hóa Biển Đông lên LHQ, yêu cầu định chế này chuyển công hàm đến các thành viên. Hà Nội công khai ủng hộ vai trò Mỹ ở Biển Đông cũng như tán đồng chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải. Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố mạnh bạo hơn nhơn cuộc tiếp xúc TT Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh US-ASEAN tại Sunnylands, đại ý yêu cầu có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn… chấm dứt ngay việc quân sự hóa Biển Đông… Lời ông thủ tướng “vịt què” có phản đối Bắc Kinh có thể hiễu được như ông ta thường làm mát lòng dân với những mỹ từ như không hy sinh quyền lợi tổ quốc để đổi lại tình hữu nghị viễn vong, nhưng nói NPT một nhơn vật bảo thủ, giáo điều có thành tích thân Trung mà chống Bắc Kinh thì nghe có vẻ chỏi tai, cái bi hài kịch tranh giành quyền lực trong ban lãnh đạo trung ương trong những những năm trước Đại Hội 12 và cách ông NPT và phe nhóm thao túng cuộc bầu cử loại được Dũng và việc sắp xếp cái bộ sậu “tam trụ” và Bộ Chánh trị cho thấy Trọng vẫn chưa đổi màu, vẫn cùng TC chia sẽ một định mệnh chung v.v…; còn có tin là Trọng sẽ khóa chốt đối thủ của mình vào tháng Ba trước khi thủ tướng mãn nhiệm kỳ, nhưng rồi ông cũng gặp được Obama tại Sunnylands, và còn được tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời chính thức thăm Việt Nam dự định vào cuối tháng Năm. Tình hình chánh trị Việt Nam có thể rõ ràng hơn sau khi bầu Quốc Hội cũng vào tháng Năm. Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam tại Viện Đại học Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng “Giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam giờ đây đã được ổn định sau những thay đổi ở Đại hội Đảng lần thứ 12. Sau một giai đoạn phân định trách nhiệm và các ưu tiên, bây giờ ban lãnh đạo Việt Nam đang bắt tay vào việc giải quyết vấn đề đối ngoại”. Ông Thayer cũng cho biết tâm lý chống TC trong công luận Việt Nam hiện đang lan rộng, điều mà lãnh đạo Việt Nam phải lưu ý, ông ghi nhận sự đồng thuận hiện nay trong giới lãnh đạo đã nhất trí là cần phải kiên quyết hơn đối với các hành động đe doạ an ninh và chủ quyền đến từ phía Viêt Nam đến từ phía TC, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Cũng cần ghi lại nhận định của ông Thayer trên The Diplomat trước đây là sau Đại Hội 12 sẽ không có sự thay đổi lớn trong chánh sách đối ngoại của CSVN, VC sẽ đeo đuổi đường lối quan hệ đa phương (với Nhựt, Ấn Độ, EU, Nga… chớ chẳng chỉ giới hạn với hai cường quốc Mỹ, Trung).
Tương lai Biển Đông còn mờ mịt.
Trong biến cố quân sự hóa Biển Đông, trong những tháng gần đây CSVN đã đưa ra những phản ứng cứng rắn, quyết liệt chống TC nhưng chỉ dừng lại trong những mỹ từ, mà không có một hành động cụ thể như Phi Luật tân đã làm là kiện TC ra Toà án LHQ để công khai phỗ biến vấn đề TC vi phạm luật pháp quốc tế. Những thiết bị tăng cường quân sự của Hà nội chắc cũng không đương đầu nỗi với cường quốc quân sự Bắc Kinh như họ đã đẩy lùi được quân đội của Đặng Tiểu Bình năm 1979. Phe nhóm cầm quyền Nguyễn Phú Trọng thì được TC nhận cùng chia sẽ một định mệnh chung, hết lòng 16 chữ và tinh thần 4 tốt để Hà Nội làm công tác thừa sai thêm một nhiệm kỳ mà không sợ Washington “lật đổ”, vẫn được Obama nuông chìu như một đối tác tiềm năng. Mục tiêu đối ngoại của CSVN dù là phe giáo điều hay cấp tiến cũng chỉ lo cho sự sống còn của đảng để bám giữ quyền thống trị dù là tư cách là một tập đoàn thái thú của Bắc Kinh mà toàn dân coi như kẻ làm nội thù cho giặc, tiếp tay cho Hán Cộng cướp giựt, lấn chiếm Biển Đông. Chừng nào mà CSVN còn đó thì Biển Đông sẽ vĩnh viễn lọt vào tay Trung Cộng.
Giải thể chế độ CSVN, thiết lập một chánh quyền dân chủ thì mới mong giải quyết được mọi vấn đề bế tắc của đất nước, trong đó có vấn đề toàn vẹn lãnh thỗ, biển đảo và chủ quyền dân tộc; muốn thóat Trung thì phải thóat cộng, dù phải làm cách mạng hay diễn tiến hoà bình. Công việc dân chủ hóa hay công việc thóat Trung là tuỳ thuộc vào ý chí và nội lực của toàn dân quốc nội và hải ngoại với sự vận động sự hỗ trợ của quốc tế; dân chúng không còn tin vào cái đảng hèn với giặc ác với dân để hợp tác với họ. Sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải hàng không trong khu vực Biển Đông là vì quyền lợi quốc gia của họ, nhưng Biển Đông cũng là con đường chiến lược của cường quốc đồng minh, đối tác Nhựt Bổn, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc Châu; con đường vận hành từ Thái bình dương (qua Biển Đông) sang Ấn Độ Dương xuyên eo Malacca cần được ổn định cho chiến lược tái cân bằng/ đổi trục về Châu Á dù chánh quyền kế nhiệm Obama thuộc Dân Chủ hay Cộng Hoà.
Biển Đông trở thành vùng cạnh tranh địa chiến lược giữa hai cường quốc mà tương quan sức mạnh kinh tế quân sự vẫn còn nghiên về Hoa Thạnh Đốn. Sự tăng tốc quân sự hóa Biển Đông với các hành động bá quyền bành trướng gần đây phải chăng là một động thái biểu hiện trong chách sách bên ngoài nhằm đánh lạc hướng quần chúng bất mãn trong nước về một nền kinh tế trên đà xuông dốc thê thảm, đời sống khó khăn, nạn rửa tiền không kềm chế nỗi, thi trường chứng khóan chao đảo, tăng trưởng chậm lại, đồng nhân dân tệ mất giá, chưa kể tình trạng chánh trị nội bộ chồng chất. (tham nhũng, vụ Hồng Kong, sự thắng lợi của đảng Dân Tiến ở Đài Loan…) Tình trạng kinh tế suy sụp chánh trị bất ổn của Trung Cộng hiện nay càng không cho phép Bắc Kinh động binh đối đầu với siêu cường Hoa Kỳ, nhưng tham vọng khẳng định chủ quyền Biển Đông và tham vọng của Trung Nam Hải khống chế Đông Nam Á của giấc mộng Trung hoa không thay đổi. Tương lai Biển Đông sao mà mờ mịt!
Vui cười
Một cậu bé chơi bóng, lỡ chân đá vỡ kính cửa sổ nhà nọ. Bà chủ nhà chạy ra giữ chặt quả bóng quát thằng bé:
– Chúng bay mà không sửa lại cửa kính cho bà thì đừng hòng lấy bóng về!
Một lát sau, cậu bé gõ cửa bảo:
– Bố cháu sẽ đến sửa ngay!
Quả nhiên, một người đàn ông đem theo hộp đồ nghề đang rảo tới. Bà ta bèn cho thằng bé cầm bóng đi.
Người đàn ông sửa xong, nói với bà:
– Xin cho 10 đô !
Bà chủ ngạc nhiên kêu lên:
– Ô hay, ông không phải bố thằng bé sao?
Người đàn ông cũng trợn tròn mắt:
– Thế bà không phải mẹ thằng bé à?
Vợ hỏi:
– Đố anh biết, đàn ông hay phụ nữ, ai thông minh hơn?
– Chắc là phụ nữ thông minh hơn.
Vợ có vẻ hài lòng. Tôi được đà nói tiếp:
– Phụ nữ thông minh nên em mới lấy được người như anh, còn đàn ông ngốc nghếch nên…
Tôi chưa kịp nói hết câu thì vợ đã hầm hầm đứng dậy và bỏ đi.
Vợ:
– Này, anh đừng có mà để mắt nhìn theo những cô gái đấy. Anh phải hiểu rằng, mình là người có vợ rồi!
Chồng:
– Anh chẳng nhìn làm gì cả !
Vợ:
– Anh nói thật không đấy?
Chồng:
– Thật, bởi càng nhìn thì càng thêm tiếc chứ ích gì?
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Đau buồn nhận được tin
Giáo sư NGUYỄN NGỌC BÍCH
Pháp danh TÂM THIỆN
Đồng sáng lập viên Họp Mặt Dân Chủ
Cựu Chủ Tịch Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ
Cựu Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA)
Giáo sư các đại học George Mason, Trinity College
và Georgetown University, Hoa Kỳ,
Đã từ trần ngày 03 tháng 03 năm 2016
(tức ngày 25 tháng giêng âm lịch, năm Bính Thân)
Trên đường đi Manila dự Hội Nghị Về Biển Đông,
Đảng Tân Đại Việt thành kính phân ưu cùng tang quyến và nguyện cầu hương linh Tâm Thiện sớm tiêu diêu nơi cỏi Niết Bàn.
TM BCHTƯ
Bác Sĩ Mã Xái
Tập Cận Bình trên sân khấu thế giới: Chính sách đối ngoại của một lãnh tụ quyền lực nhưng hở sườn – Robert D. Blackwill và Kurt M. Campbell – Lê Minh Nguyên dịch
Trong chiều hướng Trung Quốc đang càng ngày càng suy yếu về kinh tế “chính sách đối ngoại của Trung Quốc càng có khuynh hướng được hướng dẫn bởi các nguy cơ bất ổn chính trị trong nước,” theo ông Robert D. Blackwill và Kurt M. Campbell, trong Báo Cáo Đặc Biệt của CFR tháng Hai 2016. Theo đó “Tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc là hai dòng suối của tính chính đáng của Đảng CSTQ trong nhiều thập kỷ qua, và khi mà dòng suối đầu bị suy yếu, [lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình] có khuynh hướng dựa nhiều hơn vào dòng suối thứ hai.”
Việc ông Tập “khống chế tiến trình lấy quyết định đã tạo cho ông trở thành một lãnh tụ quyền uy nhưng dễ bị hở suờn”.
Để bảo vệ địa vị của mình, ông Tập “phần chắc sẽ kích động và cuờng điệu chủ nghĩa dân tộc – mà từ lâu nó đã là trụ cột của tính chính đáng nhà nước – để bù đắp cho những thiệt hại chính trị khi kinh tế bị chậm lại, để đánh lạc hướng công chúng, để ngăn chặn các đối thủ có thể dùng chủ nghĩa này để chỉ trích chống lại ông, và để đánh bóng hình ảnh của chính ông.”
Báo cáo – Tập Cận Bình trên sân khấu thế giới: Chính sách đối ngoại của một lãnh tụ quyền lực nhưng hở sườn – cho rằng nền kinh tế Trung Quốc, đã có mức tăng trưởng hàng năm là 10% trong ba thập kỷ qua, đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Để củng cố vị trí của mình ở trong nuớc, ông Tập “có thể sẽ tăng cường tinh thần sùng bái cá nhân ông, trấn áp nặng nề hơn những nhà bất đồng chính kiến, và đàn áp mạnh bạo hơn trong việc sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để đối phó với những nhóm đặc quyền chống đối ông.” Trên bình diện quốc tế, ông Tập “có thể gây tranh chấp với các nước láng giềng, sử dụng giọng điệu gay gắt trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, và có chủ truơng cứng rắn hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của HK, để lái sự quan tâm của quần chúng ra khỏi những khó khăn kinh tế.”
Để đối phó với chính sách đối ngoại và quốc phòng quyết đoán hơn của ông Tập, hai tác giả kêu gọi HK nên có một chiến lược lớn cho châu Á, mà qua đó “tìm cách tránh một cuộc đối đầu Mỹ-Trung và duy trì tính chủ tể của Mỹ ở Á Châu”.
Cả hai tác giả là cựu quan chức cao cấp của chính quyền HK, có nhiều kinh nghiệm trong khu vực Châu Á, họ khuyên HK nên thông qua TPP, huỷ bỏ những hạn chế trong việc xuất khẩu dầu lửa của HK đến những đồng minh ở Châu Á, và duy trì cam kết triển khai ít nhất 60% Hải quân và Không quân HK ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Họ nhìn nhận việc xoay trục hay tái cân bằng ở châu Á là “một thành phần không thể thiếu cho một chính sách thành công của Hoa Kỳ để tham gia và phóng lực thường hơn vào trong vùng và và để đối phó với sức mạnh cùng ảnh hưởng của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.”
Lê Minh Nguyên dịch – 3/3/2016
Vui cười
Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông chủ nhà cẩn thận không mở cửa mà chỉ hỏi:
– Ai đó?
– Cướp đây
– Muốn gì?
– 15 cây vàng
– Một tạ rưỡi được không?
– Không đùa, nếu “câu giờ” thì cả ngôi nhà này sẽ bị thiêu trụi đấy.
– Tôi không đùa. Một tạ rưỡi vàng có được không?
– Vậy thì mang ra đây.
– Em yêu, cục vàng của anh, ra gặp họ đi!
Trong một liên hoan kiếm thuật thế giới, hiệp sĩ Pháp ra sân khấu.
Nhân viên của ban tổ chức thả ra một con ruồi, anh ta lập tức vung kiếm, bổ con ruồi ra làm đôi. Cả hội trường vỗ tay như sấm. Tiếp đó, võ sĩ Nhật bổ một con ruồi khác ra làm tư.
Cả hội trường nín thở, chờ sự xuất hiện của đương kim vô địch VN. Ruồi thứ ba được thả ra
Kiếm sĩ VN vung kiếm như gió, mũi kiếm thẳng hướng con ruồi… nhưng chúng không hề hấn gì. Cả hội trường ngạc nhiên, thất vọng, riêng anh ta vẫn mỉm cười mãn nguyện. Có người hét:
– Còn đắc ý à, thất bại rồi!
– Xin quý vị nhìn kỹ cho! Con ruồi đó tuy vẫn sống, nhưng…. nó sẽ không bao giờ có thể bay và làm cha được nữa !
Ông chồng trò chuyện với vợ:
– Này em, từ ngày chúng ta dùng tiền để thưởng, con trai mình học khá hẳn lên, nhiều điểm 10 lắm, em thấy vui chứ?
– Theo em thì hẳn là nó đã đem tiền chia cho thày giáo một nửa thì có.
“Chuyện nhỏ xé ra to”: Ngũ Giác Ðài nói dối về Biển Đông – Greg Austin – Phạm Ðức Duy dịch
(Bài viết được đăng với mục đích thông tin đa chiều, không phản ảnh quan điểm của Ðảng TÐV và người dịch)
Làm mờ các đường ranh đỏ trong vùng Biển Ðông.
Trong tháng hai 2016 này, Mỹ “phát hiện” khả năng của tên lửa đối không (surface to air missile- SAM) tại quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và đã dùng sự việc này như một công cụ chính trị mới để lên án chống Trung Cộng (TC) vi phạm cam kết “không quân sự hóa” trong việc tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa (Spratly).
Viết với tư cách cá nhân trên báo Real Clear Defense ngày 19/2/2016, sĩ quan hải quân Mỹ Chris Poulin mô tả việc khai triển các tên lửa của TC là “khiêu khích” và ngụ ý, bằng cách trích dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry, rằng đây là TC đã vi phạm các cam kết, như sau: “Khi Chủ Tịch Tập đã ở đây tại Washington, đứng trong Vườn Hồng với Tổng thống Obama và tuyên bố Trung Quốc sẽ không quân sự hóa biển Đông. Nhưng bằng chứng mỗi ngày cho thấy đã có sự gia tăng quân sự.”
Theo Tòa Bạch Ốc, dưới đây là những gì Tập Cận Bình nói vào ngày 22/9 ở Vườn Hồng: “Chúng tôi cam kết tôn trọng và phát huy quyền tự do hàng hải mà các nước được hưởng theo quy định của pháp luật quốc tế. Những hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành trên các hòn đảo phía Nam – Quần đảo Nam Sa (Nansha) không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng đến bất cứ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự.” [sic]
Điều này đã được trình bày lại theo Tân Hoa Xã ngày 25 tháng 9 với lời diễn giải như sau: “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Nam Sa ở Nam Hải và cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.” Tập đã nói về quần đảo Trường Sa (Spratly- “Nam Sa”), nhưng bài báo mới nói về việc khai triển quân sự ở quần đảo Hoàng Sa (Paracel), là nơi cũng có tranh chấp nhưng hơn 1,000 km về phía bắc của quần đảo Trường Sa.
Những tuyên bố tiếp theo từ phía TC, như đã phân tích bởi Shannon Tiezzi của báo The Diplomat, làm cho rõ ràng rằng TC đã không đánh đồng sự cam kết của Tập để ngưng việc sắp đặt các phòng thủ quân sự trên các đảo, hoặc trên bất kỳ lãnh hải nào TC tuyên bố chủ quyền và kiểm soát.
Năm 2012, tạp chí Time đã đưa tin rằng các vũ khí quân sự mới được khai triển đến quần đảo Hoàng Sa (Paracel) lúc đó là “phần lớn là một màn kịch chính trị và sẽ không làm tăng nguy cơ vũ trang đối đầu đáng kể trong khu vực.” Tôi đồng ý vào lúc đó và tôi cũng vẫn đồng ý bây giờ, ngay cả sau khi TC đã đi xa hơn và khai triển một số lượng nhỏ tên lửa SAM, có thể chỉ là tạm thời, cũng tại quần đảo này.
Báo Defense News trong tháng 2 năm 2016 dẫn lời Ben FitzGerald của Center for a New American Security đồng ý rằng các tên lửa (HQ-9) “một mình chúng ‘sẽ không cản trở’ khả năng của Mỹ trong khu vực.” Bài báo liên kết các câu chuyện việc Ngũ Gia’c Ðài tường thuật về ngân sách năm 2017 để nâng cao khả năng quân sự cần thiết hầu đối đầu với những vũ trang ngày càng nhiều trong khu vực.
Bài báo của tạp chí Time năm 2012 khi nói về quần đảo Hoàng Sa đã dẫn lời của Đô đốc về hưu Hoa Kỳ Mike McDevitt nói rằng trong thời gian chiến sự, bất kỳ hoạt động quân sự đáng kể trong khu vực này sẽ được điều động từ đảo Hải Nam, nơi Quân đội TC (PLA) có những căn cứ lớn về không, hải và lục quân, “chứ không phải là từ những đảo ốc nhỏ, đầy muối như Yongxing” hoặc đảo Woody (sử dụng từ ngữ của tạp chí). Một bài bình luận trên tờ The Diplomat trong tháng 10 năm 2015 cũng có nhận xét tương tự về hòn đảo quan trọng nhất từ khía cạnh quân sự ở Biển Đông là đảo Hải Nam.
Việc TC xây các sân bay ở quần đảo Trường Sa (Spratly) đúng là một cú sốc, nhưng chúng ta không nên thêu dệt quá sự thật ý nghĩa quân sự của các cơ sở này.
Nói một cách công tâm, những tin tức về việc TC khai triển SAM trong vùng quần đảo Hoàng Sa (Paracel) có thể dính dáng trực tiếp hơn đến tính cách hơi khiêu khích của chiến dịch tự do hàng hải (freedom of navigation operation- FONOP) của Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 1 năm 2016. Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố đã thực hiện quyền tự do đi lại
trong lãnh hải, một nguyên tắc thể hiện trong Công ước Luật biển. Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng tàu chiến hải quân Hoa Kỳ có quyền làm như vậy miễn là các hoạt động đó thể hiện đúng khía cạnh “vô hại” nêu trong Công ước.
Tuyên bố của Hải quân Mỹ về FONOP trên quần đảo Hoàng Sa đã được đăng trong một số nguồn tin là các tàu chiến đã được sử dụng để thách thức “các nỗ lực của ba nước đang tranh chấp chủ quyền, TC, Đài Loan và Việt Nam, để hạn chế các quyền tự do hàng hải mà theo nguyên tắc cần được thông báo hoặc cho phép trước khi qua lại”. (hình như không có bản sao tuyên bố này của Hải quân trên trang web của Ngũ Giác Ðài.)
Ðằng sau cuộc tranh luận hiện nay là một sự lừa dối lớn, hoàn toàn giả mạo của Ngũ Giác Ðài. Đó là hành động của TC ở Biển Đông đe dọa việc thương mại hàng hải. Lời nói dối này được khuếch đại với mỗi mét khối bê tông mới được bồi dắp trên quần đảo Trường Sa (Spartly) (“đường băng của tôi là lớn hơn của anh”). Hoa Kỳ luôn theo dõi với từng khai triển nhỏ về quân sự của riêng TC, nhưng đối với những nước khác trong vùng thì không. Tóm lại, đây có thể là một phân tích vô lý nhất của Hoa Kỳ về Đông Nam Á kể từ vụ CIA nhầm lẫn trong việc lên án loại vũ khí sinh học do Liên Xô cung cấp vào năm 1981 và những năm sau đó.
Việc phân tích càng thiếu rõ ràng hơn với sự mập mờ giữa các quần đảo khác nhau, như thể bất kỳ lời tuyên bố nào về quần đảo Trường Sa (Spartly) cũng được áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa (Paracel), hoặc là nếu TC tuyên bố chủ quyền về đất đai là giống như một tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với “hầu hết vùng Biển Ðông.” Lời tuyên bố sau, bác bỏ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, thường được tìm thấy trong các bài viết của một số học giả có uy tín nhất. Theo ghi chú Bộ Ngoại giao Mỹ, TC chưa bao giờ chính thức đưa ra sự hiểu biết của mình về ý nghĩa pháp lý của đường lưỡi bò chín đoạn.
Việc thiếu giải thích từ phía TC là một trong những lý do gây nên sự nhầm lẫn này. Nhưng TC chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò chín đoạn. Tuyên bố như vậy rõ ràng sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. TC cần làm sáng tỏ điều này.
Điển hình của việc phân tích sai lệch qua những bình luận mạnh mẽ chính thức của Mỹ về vấn đề Biển Đông là một bài trên tờ nhật báo The Australian vào ngày 31 tháng 1 là “Mỹ đã theo dõi với gia tăng lo lắng khi TC khẳng định chủ quyền của mình trên nhiều hòn đảo nữa và các vùng đất khác ở Biển Đông, bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuy nhiên, TC đã không tuyên bố chủ quyền mới với các đảo ở Biển Đông ít nhất là kể từ năm 1946, trước khi Cộng sản lên nắm quyền. Làm gì có chuyện đó: TC đã tuyên bố có chủ quyền rất nhiều vào lúc đó, và bây giờ vẫn tuyên bố như thế, mặc dù những tuyên bố đối với một số hòn đảo bị các quốc gia khác trong vùng phản đối một cách hợp lý.
Cũng xin lưu ý, một khi đã kiểm tra, tôi có thể thấy rằng ngay cả nỗ lực về sự minh bạch trong Hàng hải Á Châu (Asian Maritime Transparency Initiative -AMTI) của viện CSIS tại Washington, với vị thế khách quan thông thường, và đáng lẽ là một nguồn tài liệu rất tốt vì tính khách quan tương đối, đã thiên vị rõ ràng khi phân tích chi tiết về các hành động của TC. AMTI không đặc biệt chú ý đến việc phân tích một cách chi tiết những diễn tiến hàng ngày và dự trù về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, như đã làm đối với TC. Mặc dù trên thực tế chính phủ Hoa Kỳ minh bạch nhất thế giới, những thông tin về việc theo dõi định vị của các tàu hải quân và những gì họ làm trên toàn cầu sau khi rời khỏi cảng đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Thật không cân bằng khi AMTI chú ý đến các chi tiết rất nhỏ về phía TC mà không đề cập đến những khai triển không quân và hải quân của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Luật Pháp riêng của TC đòi hỏi phải thông báo trước khi tàu chiến quá cảnh gần như chắc chắn không phù hợp với luật biển và Hải quân Hoa Kỳ đã tuyên bố một cách đúng đắn quyền của mình khi qua lại trong vùng lãnh hải. Tuy nhiên, có nhiều lý do để thừa nhận rằng TC coi hành động của Hải quân Hoa Kỳ là khiêu khích và đe dọa đến an ninh của TC. Điều này không chỉ khiến TC đi đến những hành động thử nghiệm sự “vô hại” của khía cạnh vô hại trong Công ước Luật Biển, mà còn làm tăng sự rủi ro, như Rory Medcalf bên Úc đã lên tiếng, rằng chính quyền Obama và TC có thể đang có những sai lầm. Medcalf đã đúng khi lưu ý rằng “Các nguy cơ của một trò chơi trả đũa qua lại (tit-for-tat) về tín hiệu chiến lược ngày càng gia tăng và cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là sự tính toán sai lầm có thể xảy ra.”
Greg Austin – 24/2/2016 – Phạm Ðức Duy dịch
Vui cười
Nửa đêm, một người đàn ông loạng choạng bước vào một quầy bar và gọi 3 ly rượu lớn. Người phục vụ hỏi ông ta có chuyện gì buồn vậy và được trả lời: “Tôi vừa phát hiện, con trai cả của tôi mắc bệnh đồng tính luyến ái”.
Người phục vụ gật đầu tỏ vẻ thông cảm rồi mang rượu ra cho ông khách.
Vài tháng sau, người phục vụ lại thấy ông khách cũ vào bar của mình. Lần này, ông ta gọi 5 ly rượu lớn. Người phục vụ hỏi xem ông ta gặp chuyện buồn gì và người khách đáp: – Thằng con thứ của tôi cũng mắc chứng đồng tính luyến ái.
Uống hết 5 ly rượu. Ông khách lảo đảo rời quán.
Vài tháng sau, vẫn ông khách nọ vào quán cũ và gọi 10 ly rượu. Đoán biết lần này khách hàng của mình có chuyện gì đó còn ghê gớm hơn, người phục vụ lại ân cần thăm hỏi và người đàn ông kia âu sầu tâm sự:
– Thằng út nhà tôi vừa thú nhận, nó là một thằng đồng tính luyến ái.
Người phục vụ kêu lên:
– Thượng đế ơi! Chẳng lẽ trong nhà ông không có ai thích đàn bà sao? – Có chứ! Đó là vợ tôi! Ông khách đáp.
– Quan tòa: Jerry Bowden, anh bị buộc tội là đã lái xe trong tình trạng say rượu. Anh có gì để bào chữa không?
– Bị cáo: Tôi vô tội! Tôi có năng khiếu phân biệt tinh tế. Chính nó cho tôi biết không hề say mà chỉ hơi thấm men.
– Quan tòa: Tòa án tôn trọng năng khiếu phân biệt tinh tế của anh. Tòa không phạt anh một tháng tù giam mà chỉ 30 ngày tù thôi.
Những “mùa xuân ả-rập” năm năm sau – Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/19.02.2016
*Theo một bài viết của Bernard Lugan đăng trên bernardlugan.blogspot.fr, Tunisie hiện đang gặp phải những xáo trộn xã-hội, điều làm cho nhiều người dân xứ Tunisie luyến tiếc thời kỳ ‘hạnh-phúc’ dưới thời tổng-thống Ben Ali. Vào lúc đó, không có những người râu xồm (barbus) ở ngoài đường, không có những người đi vào bưng (marquis), đất nước được quản-trị, hàng năm có nhiều triệu người du-khách đem lợi nhuận đến cho nước này, đường xá sạch sẽ, vệ-sinh, không có cúp điện… Ngày nay, người dân xứ Tunisie có cái túi rỗng với cái bụng trống không, cái gọi là cách-mạng hoa lài ngày nào giờ đây giống như là ‘hoa cúc’ (ở tây phương, hoa cúc là thứ hoa chưng ngoài mồ mả trong dịp lễ người chết, ngay sau ngày lễ chư thánh/ghi chú thêm). Điều này không phải là điều dành riêng cho Tunisie, những nước ả-rập trải qua cuộc cách-mạng hoa lài (còn gọi là muà xuân ả-rập) đều gặp một tình-trạng tương tự, Ai-cập có khá hơn đôi chút còn Libye, Yémen thì tệ hại hơn nhiều, Syrie nếu không bằng thì cũng tệ hơn Libye!
Tunisie là quốc-gia đầu tiên có ‘muà xuân ả rập’, lúc đó còn gọi là ‘cách mạng hoa lài’.. Trong cuộc ‘cách-mạng’ này, quân-đội giữ vai-trò trung-lập, không tham-gia việc đàn áp những người biểu-tình, chỉ có lực lượng cảnh-sát làm công-việc này. Những người nổi dậy dưới sự điều động của nhóm huynh đệ hồi-giáo mà căn cứ chính của nhóm nằm tại…Londres. Những tin tức loan-báo về cuộc nổi dậy ở Tunisie, phần chính là do hãng thông tấn Al Jazeera loan đi và được các hãng thông-tấn tây phương lấy lại, đã mang tính-cách tuyên-truyền có lợi cho phe nổi dậy. Cùng lúc, như thể đã có sự đồng-thuận từ trước, các nước tây phương làm áp lực buộc ông Ben Ali phải từ chức. Sau những kháng cự ban đầu, chế-độ độc tài của Ben Ali đã sụp đổ ngày 14.01.2011, ông Ben Ali đã rời bỏ quyền hành đi tị nạn ở nước ngoài, lúc đầu định đến ‘nước bạn’ Pháp nhưng nước này từ chối không nhận, Ben Ali phải sang tá túc ở nước Arabie Saoudite; ông Ben Ali đã ra đi với một khối lượng vàng và tiền quan trọng! Chánh quyền cách mạng Tunisie được thành lập, nhóm huynh đệ hồi giáo nắm đa số. Chánh-quyền này bị nhiều sự chống đối của dân chúng, đến năm 2014 dân Tunisie đã bầu ra một vị tổng thống thuộc đảng chống-hồi-giáo. Đảng chống hồi-giáo Nidaa Tounès đã dẫn đầu trước đảng hồi-giáo Ennanda, nhưng nếu như phe hồi-giáo bị dân chúng loại qua cuộc bầu cử, tổng-thống ‘chống hồi-giáo’ được bầu ra Beji Caïd Essebsi đã lập một chánh-quyền liên-kết với phe hồi-giáo, những người mà trước đây họ tuyên-bố chống lại! Cuộc hôn-nhân giữa sói và cừu này đã đưa đến tình-trạng bất-lực trong việc giải-quyết các khủng hoảng kinh-tế, xã-hội và dân Tunisie lại bắt đầu chống đối. Nhưng hình như các nước tây phương không nhận ra điều này nên một giải ‘Nobel về hoà-bình’ đã được trao cho bộ tứ gồm nghiệp-đoàn UGTT, nghiệp-đoàn chủ-nhân, liên-đoàn nhân-quyền và luật-sư-đoàn ở Tunisie; Đâu là ý nghĩa đích thực cho việc trao giải này? Tình-hình ở Tunisie vẫn có nhiều bất trắc, mang hình thức nổi loạn. Ngày 22.01, đã có ban-hành lệnh giới nghiêm tại nhiều vùng. Nếu so sánh với Libye, Syrie hay Yémen, Tunisie quả có khá hơn nhưng Tunisie vẫn chưa phải là kiểu mẫu thành công như giới truyền-thông dòng chính trình-bày. Giải Nobel về Hoà-bình dành cho bộ tứ ở Tunisie mang lại gì cho nước này? Tunisie, theo như nhiều bloggeurs ‘là một nước dân chủ ở magreb với giải Nobel, phần còn lại thì tệ hơn thời kỳ ZABA (Zine el-Abidine Ben Ali).Theo triết-gia Mezri Haddad ‘muà xuân ả-rập đã phá hoại nhiều hơn là xây dựng’. Và chưa kể Tunisie là nước đã ‘xuất cảng’ nhân-lực cho quân-khủng bố và dẫn đầu so với những nước khác! Mà khủng-bố cũng không chừa Tunisie: khủng-bố tấn-công viện bảo-tàng Bardo (Tunis) ngày 18.03, tấn-công khách-sạn Sousse ngày 26.06, tấn-công vào xe buýt của tổng-thống ngày 24.11 năm 2015…Điều này làm du-khách ngại không dám đến nước này, gây một thiệt-hại đáng kể về kinh-tế!
Giới truyền thông dòng chính đã trình-bày cuộc cách-mạng hoa lài ở Tunisie là cuộc cách-mạng của giới trẻ, của những xã hội dân-sự kết nối bằng twitter, facebook. Nhưng hãy nhìn lại những nhà lãnh đạo! Sau khi Ben Ali bị đẩy ra khỏi quyền lực, những người trẻ nào đã được đưa lên thay thế. Moncef Marzouki (71 tuổi), Rached Ghannouchi (75 tuổi) và nhất là tổng-thống hiện nay, Béji Caïd Essebsi (90 tuổi).
Hiến-pháp được phê chuẩn năm 2014 đã dành nhiều quyền tự-do cho công-dân và các quyền tự-do cá nhân, nhất là quyền tự do ngôn-luận. Tuy nhiên,tư-pháp của Tunisie vẫn còn tính-cách ‘đàn áp’ về mặt đạo đức và nhất là trong tình-trạng hiện nay, có những tấn công của Daesh. Và dưới cớ chông lại Daesh, đã có những vi-phạm đến quyền tự-do.
*Về phiá Ai Cập, cuộc cách mạng muà xuân ả rập ở nước này đã không mang đến một thay đổi nào đáng kể, ngoại trừ việc dưới áp lực của đường phố, tổng thống Ai-Cập Hosni Moubarak phải từ chức ngày 11.02.2011 sau 30 năm tại vị Tuy nhiên, ông này đã chuyển quyền cho hội-đồng tối-cao quân-lực.
Ngày 30.06.2012, ứng cử viên của Huynh-đệ Hồi-giáo, Mohamed Morsi đã đắc cử trong cuộc tuyển-cử tự-do, ông này sau đó đã để lộ ý định áp dụng luật hồi-giáo ở Ai-cập. Cựu tổng thống Hosni Moubarak đã bị kết án tù chung-thân vì đã để xảy ra những vụ đàn áp đẫm máu trong cuộc nổi dậy ở công trường Tahrir nhưng đã được để tự do có điều kiện sau khi thống-chế Al-Sissi lên nắm quyền. Nhiều cuộc biểu-tình chống đối tổng-thống Morsiđã xảy ra và quân-đội đã đứng ra làm đảo chánh ngày 03.07.2013. Ngày 08.06.2014, thống-chế Al-Sissi, nguyên tổng trưởng quốc-phòng và là cựu giám-đốc tình-báo, được đắc cử vào chức vụ tổng-thống với 96% phiếu bầu. Tình hình của Ai-cập trở lại giống như thời Hosni Moubarak! Những cuộc thanh-trừng nội-bộ diễn ra nhằm loại khỏi hàng ngũ những thành phần theo nhóm huynh-đệ hồi-giáo (cựu tổng thống Morsi đã bị kết án tử-hình và đang chờ xét lại) và những người chống đối chế độ, mở rộng sang cả những phong trào tả phái và cả những người thế-tục. Nhưng ông Al-Sissi đã không bị tây-phương lên án vì đã khéo léo đưa ra những miếng mồi để nhử qua việc mua khí giới để tăng cường khả năng phòng thủ như trường hợp mua phi-cơ Rafal và mua chiến hạm Mistral của Pháp (điều này cất gánh nặng cho Pháp về việc bán lại hai chiến hạm Mistral sau khi từ chối không chịu bàn giao cho Nga dù Nga đã thanh-toán hết tiền mua hai chiến-hạm này. Việc Ai cập mua hai chiến hạm này hẳn có sự ‘bật đèn xanh’ của Nga vì Pháp chỉ có thể bán nếu Nga đồng-ý. Mặt khác, bang-giao giữa Ai-cập và Nga đang được cải-thiện). Mặc dù vẫn còn những đàn áp nhân-quyền ở Ai-cập, tổng-thống Pháp Hollande đã sang thăm Ai-cập và tham dự lễ khánh-thành việc mở rộng một đoạn của kênh đào Suez.
Nếu hiểu nghĩa cách-mạng là một vòng xoay tròn thì quả đã có một cuộc cách mạng ở Ai-cập, từ chế độ Moubarak, nước này đã đi qua chế độ Morsi để tiến tới ‘chế-độ Moubarak không có Moubarak’.
Tình-hình an-ninh của Ai-cập cũng đáng quan-tâm: nước này cũng là nơi có những vụ tấn-công khủng-bố xảy ra như ngày 09.01 vừa qua, hai cảnh sát viên bị gieêt chết trong một vụ tấn-công khủng-bố ở tây Ai-cập, ngày trước đó đã có một vụ tấn-công khủng-bố ở một khách-sạn trên bờ biển Hồng hải. Daesh đã có hiện-diện trong vùng Sinai, gây sợ hãi cho du khách và từ đó làm giảm thiểu số du khách vào Ai-cập, tác-động đến tình-hình kinh-tế của nước này!
*Sau Ai-cập, nước kế tiếp bị cách mạng muà xuân ả rập lan đến là Libye. Tuy rằng nước này sống dưới chế độ độc tài của đại tá Khadhafi (từ 1969), nước này là một quốc gia ổn-định, dân chúng có một mức sống khá cao. Libye cũng là nước cung cấp viện trợ cho hầu hết các nước ở Phi Châu. Khi cách mạng ‘muà xuân ả rập’ lan đến Libye, Kadhafi đã hứa sẽ dùng bạo lực đàn áp. Nhưng, qua các thông-tín của giới truyền-thông dòng chính, Kadhafi đã trở thành một tên bạo ngược và quốc tế đã quyết định trừng phạt về kinh-tế và can-thiệp để bảo-vệ thường dân, nhưng điều sau này đã bị kéo lệch hướng để trở thành can-thiệp quân-sự chống Kadhafi, điều đem đến việc ông này bị giết chết! Sau đó, Libye không còn là một quốc-gia toàn vẹn, Sau cuộc tuyển cử quốc hội năm 2012 sau khi quân nổi dậy chiếm được chánh-quyền, nước Libye đã vỡ ra thành nhiều phần giữa phe hồi giáo và những thành-phần nổi dậy khác. Hiện tại, Libye có hai chánh-phủ, một do phe hồi-giáo ở Tripoli, một thuộc phe ‘cách-mạng’ ở Tobrouk và được tây-phương công-nhận.
Trong tình- hình hỗn loạn đó, quân Daesh đã chiếm một số vị-trí để lập các trung-tâm huấn-luyện quân djihadistes, nhất là ở Syrte, cốt để chiếm các giếng dầu. Nhiều cuộc khủng bố cũng do Daesh thực hiện (trong số 37 vụ tấn công tự sát ở Libye, 27 vụ được coi là do Daesh thực-hiện).
Liên Âu, qua lời của trưởng ngành ngoại-giao Federica Mogherini, hứa sẽ giúp cho Libye ở mức 100 triệu euros để chống khủng bố ‘ngay khi một chánh-quyền thống nhứt quốc-gia’ được thành-lập. Đây đúng là lời hứa để mà hứa vì việc ngồi lại giữa các nhóm ở Libye là điều khó thực-hiện được!
Cũng có những tin tức nói đến việc các quốc gia tây phương sẽ can-thiêp quân-sự vào Libye để chấm dứt tình trạng hỗn-loạn ở nơi này. Kể từ sau khi chế-độ của Mouammar Kadhafi bị sụp đổ, nước Libye vốn là một tập-hợp các thi-tộc, đã chìm đắm vào một cuộc khủng hoảng chánh-trị và an-ninh chưa từng thấy; Chánh quyến ‘trung ương’, trên thực-tế có hai chánh-quyền chống lẫn nhau, không hoàn-toàn kiểm-soát được các địa phương, nơi mà các thị tộc và các dân binh chiến-đấu chống lẫn nhau và chống cả chánh quyền trung ương.
Các cuộc oanh-tạc của tây phương và của Nga nhắm vào Daesh ở Syrak và Syrie đã khiến nhóm này phải rút khỏi một số vùng ở Irak và Syrie, ngược lại, nhóm này đã đi vào Libye để tái tổ chức, tái huấn-luyện, và chiếm giữ những vùng dầu hoả xung quanh Syrte. Từ đó, đã có một luồng sóng tị nạn phát-xuất từ Libye tràn vào Âu Châu.
* Mùa xuân ả-rập tiếp tục lây lan sang những nước lân cận.Sau Libye, đến lượt Yémen. Mặc dù vị lãnh-đạo của nước này, tổng-thống Ali Abdallah Saleh đã cam kết không tái cử, ông vẫn bị các cuộc phản đối ở đường phố đẩy đến chỗ phải từ chức và bàn giao quyền hành lại chi vị phó tổng thống. Từ khi có những cuộc biểu tình chống lại sự nghèo đói và tham nhũng vào ngày 02.02.2011 cho đến lúc tổng thống Sali Abdallah Salrh từ chức, thời gian kéo dài trên một năm. Trong thời gian này, không những chỉ có sự chống đối giữa nhân-dân với chánh-quyền mà còn có cả sự chống đối võ trang giữa các thành-phần sắc-tộc giữa những người Yémen chiite và những người Yémen sunnite (theo chánh-quyền). Tuy rằng ông abd Rabbo Mansour được bầu làm tổng thống với 99,8% phiếu bầu vào tháng 02 năm 2012, tình hình vẫn tiếp tục bất ổn. Quân nổi dậy Houthis, một nhánh của hồi-giáo chiite đã tấn công vào thủ đô Saana và chiếm được trụ sở của chánh-quyền. Đầu năm 2015, tổng-thống Abd Rabbo Mansour phải rời khỏi Yémen. Một liên-minh quân-sự ả-rập gồm 9 nước được thành lập dưới sự lãnh-đạo của Arabie Saoudite vào tháng ba năm 2015, lực-lượng này mở cuộc tấn-công dữ dội quân nổi dậy, thành-phố cổ Sanaa, thủ đô của Yémen đã trở thành một nơi hoang tàng, đổ nát! Mặc dù cường độ chiến cuộc dữ dội ở Yémen đã khiến trên 1,6 triệu người phải đi tị nạn, giới truyền thông không nói đến nhiều mà chỉ chú tâm đến cuộc chiến ở Syrie.
Do việc liên-quân ả-rập dưới sự lãnh đạo của Arabie Saoudite đã trực tiếp can thiệp vào Yémen, cuộc nội-chiến ở Yémen trước đó đã đang trở thành cuộc chiến giữa hai chi-hệ hồi-giáo chiite và sunnite. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, Al-Qaïda cũng như EI (Daesh) đã chiếm giữ một phần lãnh-thổ Yémen.
* Cùng lúc với Yémen, tình hình Bahrein cũng bị ảnh hưởng của mùa xuân ả-rập, cũng đã có những phản kháng kể từ 2011. Đa số dân Barein theo chiite nhưng chánh-quyền là sunnite. Nhiều người chiite bị bắt giữ, bị kết án tù chung thân, một số bị kết án tử hình, dưới tội danh ‘khủng bố’. Ở Bahrein có căn cứ của đệ ngũ hạm đội của Mỹ.
*Trước khi có mùa xuân ả rập, Syrie là một quốc-gia, tuy dưới chế- độ độc-tài của Bachar al Assad, tình-hình khá ổn-định. Vào năm 2011, một phần dân chúng đã xuống đường, ba tháng sau cách mạng hoa lài’, đòi hỏi có những cải tổ. Cũng như ở những nước có nổi dậy, chánh-quyền Syrie đã thẳng tay đàn áp.
Không như ở những nước Tunisie, Libye, Egypte,… cuộc chiến ở Syrie đã kéo dài. Quân nổi dậy bao gồm nhiều thành phần, đa số là quân khủng bố như Front al-Nosra, những djihadistes thuộc EI và quân đội Syrie tự do (ASL) mà nay hầu như không còn nữa. Các nước tây phương yểm trợ lực lượng Syrie tư-do nhưng các vùng lãnh-thổ dưới quyền kiểm soát của ASL đã bị quân Daesh chiếm đóng. Liên quân tây phương tấn-công EI nhưng lãnh thổ của EI tiếp tục mở rộng… phải đợi đến khi Nga can-thiệp vào Syrie để cứu vãn chánh-quyền của al-Assad, lực lượng EI bắt đầu co cụm. Nhiều tin tức cáo buộc chế độ Damas trước đây đã xử dụng vũ khí hoá học, giờ đây bắt đầu tố cáo Daesh xử dụng vũ khí hoá học ở Irak, Syrie và có thể cả những nơi khác!
Tình hình Syrie liệu sẽ có một giải-pháp? Mỹ và Nga đã có những thoả-thuận, Syrie cũng đang mở rộng vùng kiểm soát, ASL (quân đội Syrie tự do) hầu như không còn thực lực, Daesh đang co cụm…Chỉ có Thổ, Arabie Saoudite và đằng sau là Do Thái, mong muốn vẽ lại bản đồ Trung Đông nhằm phục vụ lợi tức riêng tư.
*Kể từ năm năm qua, một luồng gió thay đổi đã tràn vào nhiều quốc-gia ả-rập, một vùng địa-lý, nơi có các sắc tộc, tôn giáo,kinh-tế, xã-hội khác nhau.Đã có năm nước chịu tác động mạnh mẽ của muà xuân ả rập, mười bảy nước còn lại đang thích ứng bằng những cải tổ đã và đang thực hiện; Nhưng vấn đề quan ngại là đang có tranh-chấp giữa chi-hệ hồi giáo chiite chịu ảnh hưởng của Iran và chi hệ sunnite do Arabie Saoudite lãnh đạo, sự tranh chấp này có cơ nguy trở thành chiến-tranh tôn-giáo ở bán-đảo ả-rập. Mặt khác, phạm vi hoạt động của Daesh không chỉ giới hạn ở Trung Đông, ngược lại, với hệ thống truyền-thông tân-tiến, đang lây lan trên toàn thế giới!
Nguồn:
http://www.lemonde.fr/proche-orient/article/2015/10/09/la-revolution-tunisienne-une-exception-dans-le-chaos-des-printemps-arabes_4786553_3218.html
http://www.lemonde.fr/international/article/2015/10/10/le-nobel-de-la-paix-honore-la-transition-democratique-tunisienne_4786890_3210.html
http://tempsreel.nouvelobs.com/monde/20160112.OBS2663/carte-les-printemps-arabes-5-ans-apres-pour-le-pire-et-le-meilleur.html
http://www.rfi.fr/moyen-orient/20160114-cinq-ans-apres-printemps-arabe-egypte-tunisie-bahrein-yemen-syrie-democratie
http://bernardlugan.blogspot.fr/2016/02/lafrique-reelle-n74-fevrier-2016.html
http://www.michelcollon.info/boutique/fr/livres/29-arabesque-.html
http://www.lefigaro.fr/vox/societe/2016/01/14/31003-20160114ARTFIG00347-syrie-egypte-libye-tunisie-cinq-ans-apres-le-printemps-ou-le-chaos.php
http://www.michelcollon.info/boutique/fr/livres/29-arabesque-.html
http://cpa.hypotheses.org/category/image
Vui cười
Vợ bảo tôi đi mua cái chiếu trúc. Tôi vào siêu thị, nhặt một cái đóng hộp vuông vức rồi ra tính tiền. Về nhà mở ra, có vài mẩu trúc bị gãy. Vợ làu bàu:
– Chán anh thật đấy, đi mua hàng chẳng chọn kỹ gì cả. Lần trước mua cái ấm siêu tốc, dùng một tháng cũng hỏng.
– Ừ, anh thừa nhận mình chọn gì cũng đại khái. Đến chọn vợ cũng đại khái nữa mà.
Tôi gật đầu lia lịa biết lỗi, thế mà vợ vẫn giận.
Bóng đèn trong phòng ngủ không sáng. Tôi loay hoay tháo bóng ở phòng khách, lắp thử vào xem hỏng do bóng hay do đường dây điện. Cuối cùng, tôi vẫn phải đi mua thêm một bóng đèn nữa và sửa điện ở cả phòng ngủ lẫn phòng khách.
Vợ bị sai giữ cầu thang cho tôi sửa điện nên tỏ ra bực bội:
– Sao anh còn tháo bóng ở phòng khách làm gì? Hóa ra anh ngốc thật.
– Thế giờ em mới biết là anh ngốc à? Anh biết mình ngốc từ cái hôm lồng tay vào nhẫn cưới ấy.
Tôi đã cười rất tươi, thế mà vợ vẫn giận.
Vợ đọc một bài báo nói về ảnh hưởng của bố mẹ tới con cái, tóm tắt lại cho tôi:
– Khoa học chứng minh con thừa hưởng trí thông minh của mẹ và nét đẹp của bố…
– Thảo nào thằng Bo nhà mình đi học toàn bị cô chê dốt.
Tôi đã đồng tình với vợ, thế mà vợ lại giận.
Đảng cộng sản hà nội tham hay ngu? – Nguyễn văn Trần
I – Về chủ quyền Quốc Gia
Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiểu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa, và triều đình nhà Nguyễn cũng đã vẽ bản đồ vùng đảo này để xác định vùng lãnh thổ của Việt Nam.
Sau khi thực dân Pháp đặt xong nền cai trị ở Việt Nam, năm 1885, nhà cầm quyền Pháp ký kết với nhà Mãn Thanh Hiệp Ước Thiên Tân, phân định biên giới bằng cột mốc. Hai năm sau, Pháp ký tiếp Hiệp Ước Brévié, phân ranh lãnh hải vùng vịnh Bắc Việt.
Từ đó, mọi tranh chấp vùng biển được LHQ giải quyết theo công ước về luật biển.
Đến thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc lãnh thổ của Việt Nam.
Như vậy, từ thế kỷ 17, Hoàng Sa và Trường Sa liên tục thuộc chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.
Về mặt pháp lý, chánh quyền Việt Nam, và sau đó, chánh quyền thuộc địa ở Việt Nam, luân phiên nhau hiện diện thường trực, với những tấm bia minh xác chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này. Ngược lại, Bắc kinh chỉ lên tiếng đòi chủ quyền chớ không có bằng cớ về sự có mặt liên tục quản lý hành chánh hai đảo này.
Hôm 06 – 12 – 2007, chánh quyền Bắc kinh thêm lần nữa, ngang nhiên phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm Hoàng Sa với Trường Sa, là đơn vị hành chánh cấp Huyện trực thuộc Tỉnh Hải nam. Trước đây, năm 1988, Bắc kinh đã từng ban hành nghị quyết cho đảo Hải nam trở thành Tỉnh bao gồm luôn hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Hải nam.
Trước hành động ngang ngược của Trung quốc vi phạm luật pháp về chủ quyền quốc gia Việt Nam, đảng cộng sản cũng như Nhà nước ở Hà nội có thể có thái độ thích nghi không? Nếu có, thì phản ứng như thế nào?
II – Khi Bắc kinh trịch thượng xác định chủ quyền
Hôm 09 – 12 – 2007, trước phản ứng tự phát, đồng loạt và quyết liệt của nhân dân Việt Nam, khởi đầu với giới thanh niên, sinh viên, chống lại hành động bá quyền của Bắc kinh xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, thì nhà cầm quyền Trung hoa thêm lần nữa, lên tiếng xác định “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung quốc đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung hoa”. Bắc kinh còn ra lệnh cho Hà nội phải có “biện pháp hiệu quả, ngăn chận những sự việc (tức các cuộc biểu tình của nhân dân Việt Nam) làm tổn hại đến quan hệ song phương ”. Sở dĩ Bắc kinh ngang nhiên và trịch thượng xác định chủ quyền trên Hoàng Sa – Trường Sa, và cả vùng lãnh hải, bởi Hà nội đã chánh thức thừa nhận chủ quyền của họ. Năm 1958, Bắc kinh vẽ bản đồ mới, tự qui định lãnh hải là 12 hải lý, thay vì 3 hải lý như trước đây, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận. Tiếp theo, Thủ tướng Phạm văn Đồng gởi công hàm xác nhận chủ quyền của Bắc kinh về lãnh hải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, trước đó, ông Ung văn Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao của Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa cũng thừa nhận chủ quyền của Tàu, và ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tư tưởng TW, tuyên bố: “Thà giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sài Gòn quản lý”!
Năm 1988, Trường Sa bất ngờ bị Tàu tấn công, chiếm giữ một vài đảo. Báo Sài Gòn Giải Phóng viết: “Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc chủ quyền Trung quốc không có nghĩa là chủ quyền về lãnh thổ của ta bị mất, mà chỉ tạm thời do Trung quốc cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em quản lý. Một ngày nào đó, chúng ta cần lấy lại, Trung quốc sẽ hoàn trả cho ta”!
Từ thời Hồ Chí Minh, khi tự nguyện thừa nhận chủ quyền của Tàu trên lãnh thổ và lãnh hải, đến cuối thế kỷ qua, Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thơ đảng cộng sản Hà nội, lén lút và độc đoán nhượng đất và biển cho Tàu, đảng cộng sản và Nhà nước Hà nội không hề ý thức về sự mất còn gia sản của tổ tiên, gầy dựng bằng máu, bằng xương, để lại cho các thế hệ sau !
Trong nếp suy nghĩ của người cộng sản khi Tổ Quốc Việt Nam là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thì Việt Nam có bị một nước xã hội chủ nghĩa khác đô hộ, đó không gì khác hơn là sự thay đổi người cầm quyền mà thôi ”.
Theo bản đồ mới của Bắc kinh về lãnh hải, thì Đà Nẵng không còn biển. Nên năm 2000, Giang Trạch Dân đến Hội An tắm biển, nằm phơi bụng phệ, không cần cận vệ, để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng chủ quyền của Bắc kinh được bảo đảm an ninh tuyệt đối.
Xưa nay, trong lịch sử, mất nước do quân giặc hùng mạnh dánh chiếm được, xảy ra rất ít, mà mất nước vì lòng người không biết giữ nước lại rất thường.
Nhưng mất nước vì lòng người không muốn hoặc không biết giữ nước, còn có cơ hội lấy lại nước, khi mọi người phản tỉnh về ý thức trách nhiệm, thấy dân tộc bị ô nhục, sự nghiệp xương máu của tổ tiên bị tiêu tang, …chớ mất nước “vì phe xã hội chủ nghĩa anh em” thì không phải mất ở lãnh thổ bị chiếm đoạt, mà mất ở tâm hồn không còn Việt Nam, con tim không còn luân lưu dòng máu kiêu hùng của tiên tổ nữa .
Đất nước Việt nam đối với người cộng sản Hà nội chỉ là nơi họ sanh sống tạm, như người ở trọ, trong thời gian họ cầm quyền, để mai này, khi rời khỏi chánh quyền, họ sẽ về theo “cụ Mác cụ Lê”, như Hồ Chí Minh, nơi đó mới là tổ quốc thật sự của họ.
III – Đảng cộng sản tham hay ngu?
Vấn đề chết sống là Hà nội có dám phản ứng để bảo vệ đất nưóc đã mất vào tay ngoại bang không?
Không dám phản ứng vì Bắc kinh mạnh?
Không đúng. Năm 1979, Hà nội đã dám phản ứng bằng võ lực khi Đặng Tiểu Bình dạy cho Hà nội một bài học. Và tôn sư đã bị môn sinh đánh nặng đòn.
Trước đó, Hà nội đã từng mở chiến dịch rầm rộ chống bá quyền phương Bắc, không cần giữ quan hệ truyền thống “môi liền môi, răng liền răng”.
Sở dĩ Hà nội dám phản ứng vì ỷ có chỗ dựa là người anh em xã hội chủ nghĩa vĩ đại Liên-xô. Nhưng phản ứng này chỉ có tính cách nhằm xác định lập trường phe cánh.
Ngày nay, nếu phản ứng với Bắc kinh là để bảo vệ đất nước vẹn toàn bờ cỏi, Hà nội sẽ có được sự yểm trợ quan trọng và hùng hậu hơn trước rất nhiều, đó là quan hệ quốc tế, hậu thuẫn của toàn dân trong nước và người Việt hải ngọai.
Từ năm 1995, Hà nội đã lần lượt tranh thủ cho mình một vị trí mạnh trong cộng đồng thế giới. Trong vừa qua, Hà nội là Hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Với vị thế ngày nay, nhà cầm quyền Hà nội có thể công khai lớn tiếng phản kháng Bắc kinh để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Việt nam. Đó là chánh nghĩa quốc gia và lẽ phải pháp lý quốc tế. Hà nội không có lý do gì khiếp sợ sức mạnh của Tàu.
Thế mà Hà nội không làm, lại còn tìm cách can thiệp để ngăn chận phong trào dân chúng biểu tình chống Bắc kinh. Phải chăng vì bị áp lực của 16 chữ vàng đè nặng đến ngóc đầu lên không nổi? Hay là chống Bắc kinh đồng nghĩa với sự đánh mất thế lực yểm trợ, và do đó, vị thế cũng như quyền lực sẽ mất về phe cánh khác, tuy cũng cùng đồng chí trong đảng cộng sản với nhau?
Sự kiện Bắc kinh thể hiện chính sách xâm lược ngày nay tuy là một bất hạnh cho đất nước, một sỉ nhục cho hồn thiêng sông núi, sự tức tưởi của bao nhiêu chiến sĩ vị quốc vong thân, nhưng đây lại là một cơ hội tốt cho Hà nội, nếu những người cầm quyền ở Hà nội biết nắm bắt, thực hiện thật sự toàn dân đoàn kết, trên cơ sở cùng chung lòng bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam lâm nguy, thì không cần nghị quyết 36 hay bất kỳ một thứ chánh sách Đại đoàn kết nào khác.
Công an chỉ lo nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội, không đàn áp biểu tình ôn hòa và chánh đáng. Báo chí có đầy đủ quyền tự do thông tin trung thực về chủ quyền quốc gia bị Tàu vi phạm, để vận động lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân làm hậu thuẫn cho chánh quyền. Nhà cầm quyền Hà nội cần thay đổi thứ bậc ưu tiên trong chánh sách đối ngoại để cân bằng quan hệ giữa Việt Nam và thế giới. Quân đội hãy trở về đúng vị trí bảo vệ tổ quốc, anh dũng chống ngoại xâm.
Lòng yêu nước sẵn có của người dân Việt Nam chỉ sôi động, khi nào người dân thấy rõ họ thực sự là thành viên chủ động của cộng đồng dân tộc, với đầy đủ trách nhiêm và quyền lợi.
Để bắt đầu, những người lãnh đạo ở Hà nội ngay bây giờ, hãy suy nghĩ với cái đầu Việt Nam, hãy nhìn đất nước bằng con tim Việt Nam, tức tách rời hẳn cái chủ nghĩa xã hội thảm hại kia, và hãy mạnh dạn thật lòng cùng với toàn dân trong và ngoài nước, chung nhau thảo luận tìm một phương sách bảo vệ bờ cõi, phục hồi lãnh thổ và lãnh hải.
Chúng ta đừng quên rằng Bắc kinh không bao giờ từ bỏ mộng bá quyền tiến xuống phía nam, khi nội tình của họ ổn định. Trên vị thế ngày nay, Hà nội, sau khi giải quyết nạn xâm lăng của Bắc kinh, nên quan hệ thêm chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương, trong ASEAN, và đặc biệt với Úc và Tân Tây Lan, để kêu gọi cùng nhau thành lập một tổ chức mở rộng, có khả năng quân sự cao, đủ sức mạnh tự bảo vệ an ninh vùng Đông Nam Á, theo mô hình Hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á trước kia (SEATO).
Sự kiện Bắc kinh ngày nay xâm lấn xuống phía Nam, chắc chắn sẽ là động cơ thúc đẩy các quốc gia trong vùng, luôn cả Huê kỳ và Âu châu, sẳn sàng hợp tác, yểm trợ vai trò phòng thủ an ninh chung cho địa phương trọng yếu này.
Trước sức mạnh và ý chí liên đới vì an ninh chung của toàn vùng, Bắc kinh sẽ phải chấp nhận sống hài hòa, tôn trọng chủ quyền quốc gia lẫn nhau, để cùng phát triển giao thương.
Nhớ lại lúc Hà nội đưa chiến tranh vào Miền Nam, Hồ Chí Minh hạ quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn” để tiến chiếm Miền Nam, hay “nếu phải đốt hết cả dãy Trường Sơn để giải phóng Miền Nam, ta sẵn sàng làm” chỉ vì Hồ Chí Minh muốn chiếm lấy Miền Nam về tay phe xã hội chủ nghĩa. Chủ trương làm chiến tranh giải phóng của Hồ Chí Minh không bộc lộ lòng yêu nước nên sự hi sinh của nhân dân hoàn toàn vô nghĩa. Họ chết oan uổng cho tham vọng của Hồ Chí Minh phục vụ phe xã hội chủ nghĩa.
Sự cuồng tín của Hồ chí Minh thể hiện vừa cái tham, tham danh, vừa cái ngu vì quên đất nước, đồng bào và dòng họ.
Ngày nay, nếu đảng cộng sản và Nhà nước hà nội không chống lại Bắc kinh để đòi lại lãnh thổ và lãnh hải, thì cộng sản trước sau không phải là người yêu nước. Nói cách khác, rỏ hơn, đảng cộng sản chỉ là đảng bán nước lấy tiền bỏ túi riêng.
Người xưa nói “Tham quân bất như hôn quân”! Đảng cộng sản là một hệ thống tham nhũng siêu việt, vượt qua các tệ nạn tham nhũng ở Việt nam từ trước đến giờ.
Nhưng nếu tham nhũng mà biết giữ gìn đất nước để ăn lâu dài, thì vẫn còn khá hơn thứ tham nhũng mà không biết giữ nước, đem bán nước để ăn được nhiều và nhanh một lần.
Đó là thứ Vua vừa tham vừa ngu. Đó cũng là thực tế Việt Nam ngày nay.
Từ Thiện “Đại Chúng” – Mai Thanh Truyết
Từ tháng 12 năm 2015, tại Việt Nam xuất hiện hai hiện tượng nổi bật trong xã hội, nhưng bà con trong nước ít người lưu tâm đến vì cuộc sống tất bật lo việc mưu sinh hàng ngày.
Đó là những gói cơm miễn phí và bất ngờ cho người nhận, cũng như những thùng bánh mì đặt cắt đặt nhiều nơi bắt đầu từ Sài Gòn và lan tràn ra Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, rồi xuống dần tới Quy Nhơn, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết v.v…
Việc làm từ thiện làm ấm lòng người nghèo nầy được người viết gán cho tên là:”Từ Thiện Đại Chúng” là một hành động tự phát do một số anh chị em sinh viên, những hướng đạo sinh, những lớp người trẻ …trước nỗi thương đau, thiếu thốn của quá nhiều thành phần nghèo trong xã hội từ Bắc chí Nam.
Vì đâu nên nỗi nầy?
Phải chăng chính vì cơ chế chuyến chính vô sản đang dày xéo dân tộc, bần cùng hóa người dân sau 70 năm ở miền Bắc, và hơn 40 năm ở miến Nam!
Tại Huế: Hội Hướng đạo Việt Nam và các thành viên tại Huế phụ trách coi sóc các thùng bánh mì từ thiện tại Huế, cùng sự tiếp tay của nhiều anh chị em sinh viên. Đây là những hình ảnh đẹp của Tuổi Trẻ Việt Nam,
Thùng bánh mì miễn phí đã xuất hiện lần lượt tại hai đường Nguyễn Trường Tộ (21/2/2016) và Phan Chu Trinh (22/2) vào mỗi lúc 7 giờ sáng và cung cấp 70 ổ bánh mì mỗi buổi cho người qua đường.
“Huế cần thêm nhiều chương trình và những tấm lòng ý nghĩa như thế này đễ hỗ trợ các người dân khó khăn”, anh Nguyễn Phước Đạt (24 tuổi) chia sẻ khi chứng kiến hoạt động này trên đường Nguyễn Trường Tộ vào hôm 21/2.
Ngoài ra có không ít các cá nhân đã bắt đầu tham gia tiếp sức cho chương trình này bằng những khoản tiền mặt khi những hình ảnh đầu tiên về thùng bánh mì từ thiện được chia sẻ trên facebook.
Trao đổi với anh Hồ Bảo Long, người chịu trách nhiệm chính cho “Thùng bánh mì miễn phí” tại Huế, anh cho biết: “Hiện tại thùng bánh mì được các huynh trưởng của nhóm Hướng đạo sinh tại Sài Gòn tài trợ chính với mong muốn giúp đỡ được phần nào vất vả nhiều hoàn cảnh khó khăn tại Huế”.
Hiện tại, có hai thùng bánh mì được đặt tại: đường Phan Chu Trinh, bên cạnh cầu Phủ Cam (đối diện nhà thờ Phủ Cam); và góc đường Nguyễn Trường Tộ, nằm giữa trường THPT Quốc học và THPT Hai Bà Trưng….”
Đà Nẵng: Tủ bánh mì được đặt ở địa chỉ 322 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng, đây được xem là tủ bánh mì đầu tiên và duy nhất ở Đà Nẵng vào thời điểm này. Được biết, mỗi sáng có khoảng 50 chiếc bánh được cho vào tủ, phục vụ miễn phí cho người dân lao động nghèo….”
Phan Thiết: Một xe bánh mì từ thiện ở số 73, đường Nguyễn Hội TP Phan Thiết, với đối tượng thường xuyên là anh chị em làm nghề: bán vé số, thu mua ve chai, lao động nghèo đã đến xe bánh mì từ thiện và tự tay lấy.
Nha Trang: Một địa điểm trên đường Lê Thành Phương, Tp Nha Trang
Quy Nhơn: Một thùng bánh mì từ thiện đặt trước cổng chùa Tường Quang 43-45 đường Hai Bà Trưng bắt đầu từ 16/1.
Sài Gòn: Có thể nói, đây mới chính là “cái nôi” của cuộc cách mạng “bánh mì từ thiện đại chúng” vì có quá nhiều việc làm từ thiện đại chúng do Thanh niên, Sinh viên, Hướng đạo, và Tuổi trẻ….cùng chia xẻ nỗi khó khăn của người nghèo khổ.
Đó là việc thiết lập những quán cơm nghèo khổ cố định rải rác khắp Sài Gòn với giá 2.000Đ/phần cơm, cùng những toán hai người chạy xe gắn máy (quán cơm di động), mang những phần cơm làm sẳn đựng trong bọc plastic, dong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẽm, gầm cầu, xó chợ…để mang phần lương thực đơn sơ đến cho những người vô gia cư, em bé đánh giày, bà bán hàng rong với vài bó rau, tép hành, túi ớt trên giỏ….
Vài địa chỉ của một số Quán cơm cố định:
* 14/1 đường Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10, Sài Gòn.
* Đường số 3, cư xá Lữ Gia, Quận 11
* Nụ Cười 1: số 6 Hồ Xuân Hương, quận 3,
* Nụ Cười 2: số 46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú, do chị Thanh Tâm và Bà Phạm Thị Châu,
* Nụ Cười 3: số 298A Huỳnh Tấn Phát, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, do chị Nguyễn Thị Huyền,
* Nụ Cười 4: số 132 Bến Vân Đồn, Quận Tư, do Cô Băng Ngân,
* Nụ Cười 5: 6 Cống Quỳnh, Quận I, anh Nam Đồng
* Nụ Cười 6: số 43 đường Trưng Trắc, P. Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức,
Và nhiều thùng bánh mì cho không cũng được đặt ở một số nơi ở Sài Gòn. Mặc dù trên thùng từ thiện có ghi “Từ thiện 01 ổ”, nhưng nhiều khi có ngưới lấy hơn một ổ bánh! Nhưng xin “Đừng nên quá khắt khe với người nghèo!”
Vì sao?
Vì…”Có lẽ họ quá khó khăn nên mới lấy nhiều ổ bánh mì thôi, mình cũng đừng nên quá khắt khe với người nghèo làm gì. Xã hội thì có người này người kia, miễn sao họ có ý thức được hành động của mình”, Cô Lan, một trong những người tổ chức bánh mì từ thiện chia xẻ.
Ngày 18/1/2016, thùng bánh mì “miễn phí, 1 người 1 ổ” của Hoàng Mỹ Uyên và nhóm bạn (Quán Cà phê Người Sài Gòn 71/4 đường Mạc Thị Bưởi, P Bến Nghé, Quận I) chính thức khai trương với 200 ổ bánh. Chỉ trong khoảnh khắc, “nhiều cô chú lao công, ve chai, đánh giày… ghé lấy ăn, và nếu thấy ai đó còn ngần ngại thì tụi mình khuyến khích và mời họ. Họ nhận bánh xong cứ gật đầu cám ơn tử tế, thấy thương lắm”, Mỹ Uyên nói.
NHẬN ĐỊNH THỰC TRẠNG CỘNG ĐỒNG người Việt hải ngoại trước những việc làm từ thiện
Bây giờ, xin nêu lên thực trạng của các cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta trên toàn thế giới, qua các hoạt động bất vụ lợi, có tác động làm hư đại cuộc, cũng như vô hình chung làm ngăn trở tiến trình mang lại dân chủ pháp trị cho đất nước.
Đó là:
Phong trào làm công tác từ thiện;
Việc gởi tiền về giúp thân nhân.
Chúng ta là những người Việt nam tị nạn CS Bắc Việt, sau hơn 40 năm sống tha hương, nhìn lại về Việt nam, chúng ta đều thấy có rất nhiều vần đề của đất nước cần phải điều chỉnh lại.
Vì sao?
Xin mỗi người trong chúng ta hãy tự suy gẫm.
Chúng ta đã làm gì nơi hải ngoại đối với con người, đất nước và xã hội đã cưu mang mình, hay đối với mọi người nơi quê nhà đang đau khổ vì bị áp đặt dưới ách thống trị của CS Bắc Việt?
Tuy nhiên trước mắt, với tư cách tị nạn, sống trên mảnh đất tạm dung, dù ở Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, dường như “chúng ta là người khách trọ hữu tình nhưng bạc nghĩa”?
1 Chúng ta thật sự là người “tử tế” chưa?
Xin thưa, chưa hẳn.
Chúng ta vận động gửi Thỉnh nguyện thư yêu cầu Hoa Kỳ ngưng viện trợ nhân đạo vài trăm triệu cho Việt Nam, trong khi đó, hàng năm chúng ta gửi về Việt nam một lượng ngoại tệ rất lớn, lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, như thế có phải là chúng ta đã vô tình “cứu nguy” cho chế độ CSBV đang bên bờ vực thẳm không?
Cựu Tổng thống George W. Bush đã từng làm cho chúng ta công phẩn (hay bị chạm nọc!) khi ông nhận định về cung cách hành xử của chúng ta trong vấn đề Việt Nam là “they deserve it!” (xin tạm dịch: Cho đáng kiếp!). Câu nhận định ngắn ngủi làm chúng ta đau, nhưng thưa Quý vị, xin lắng lòng nghĩ lại, quả thật đôi khi những hành xử của chúng ta cũng “xứng đáng” với lời trách móc trên.
2. Chúng ta đã làm cái gọi là “từ thiện”?
Chúng ta đã làm gì khi Hoa Kỳ gặp những tai nạn thảm khốc rúng động toàn thế giới? Sau đây là vài con số thống kê về sự đóng góp “từ thiện” của cộng đồng tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Biến cố 911
Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngoài CS Việt Nam đóng góp $250.000, nhưng triệu phú (hotel) Trần Đình Trường góp 2 triệu Mỹ kim, chúng tôi không ghi nhận được các danh sách đóng góp khác của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, nếu có chăng chỉ là các hội đoàn đơn lẻ với số tiền không đáng kể.
Bão Katrina
Đối với trận bão Katrina 29/8/2005, chúng tôi không thấy CS Việt Nam đóng góp, cũng không có danh sách cộng đồng Việt Nam qua các Hội đoàn, mà chỉ biết cộng đồng Houston giúp đỡ hiện kim và hiện vật, cũng như các Hội đoàn Nam và Bắc California và nhiều nơi khác tổ chức văn nghệ, tiệc gây quỹ…nhưng số tiền thu được chẳng là bao so với sự cưu mang của đất nước và người dân Hoa Kỳ đối với bà con tị nạn kể từ sau 30/4/1975.
Sóng Thần Tsunami, Nhật Bản. Còn nói về Nhật Bản gặp tai nạn Tsunami thảm khốc rúng động toàn thế giới vào ngày 12/3/2011, trên trang mạng, chúng tôi nhận thấy có ghi CS Việt Nam và “nhân dân” giúp đở nạn nhân là 7.783.393 Mỹ kim, trong khi đó cả thế giới giúp Nhật Bản trong vụ nầy lên đến 520 Tỷ Yen (tương đương gần 7 tỷ Mỹ kim. Chưa thấy đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại trong danh sách hàng ngàn NGO và các hội từ thiện trên thế giới.
Vậy mà chúng ta thường nói với nhau rằng: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Vậy Quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
NHƯNG CHÚNG TA ĐÃ LÀM, bằng nhiều cách tùy theo từng nhóm, chẳng hạn giúp xây các cơ sở tôn giáo, xây viện mồ côi, công tác khám bịnh, đào giếng v.v…không kể việc đổ tiền vào sự cứu trợ mỗi khi có thiên tai như nhà cháy, lũ lụt, bão tố…
Nhưng tiếc thay, những việc trên đây là bổn phận và trách nhiệm của những người đang quản lý đất nước. Đó là công việc mà họ phải làm, vì chính họ, những người cộng sản đang “phát triển đất nước theo kinh tế thị trường nhưng PHẢI theo định hướng xã hội chủ nghĩa!”
Vì vậy, vô hình chung Quý vị đã làm thay cho họ!!!
Trong lúc đó, CS Bắc Việt đã làm gì?
Mỗi khi có thiên tai, CS Bắc Việt chỉ cần “xách bị ăn mày, xin ông đi qua, xin bà đi lại”, và chúng ta lại mở lòng cứu giúp, vì họ “dạy bảo” rằng chúng ta hôm nay là “khúc ruột ngàn dậm” của họ, mà trước kia họ lại nói rằng chúng ta chỉ là đám “ma cô, đĩ điếm, là ngụy liếm gót giày đế quốc”.
Vậy, Quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Năm 2002, cá nhân chúng tôi đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở ĐBSCL, đặc biệt là ô nhiễm Arsenic (thạch tín), nhưng chỉ một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CS thời bấy giờ là Phan Thúy Thanh đã kết án chúng tôi là vô cảm với 300.000 nông, ngư dân. Họ phủ nhận sự thật đó vì họ sợ ảnh hưởng đến việc mới giao thương với Hoa Kỳ, và vì Việt Nam mới vừa được phép xuất cảng tôm cá vào Hoa Kỳ! Vậy CS Bắc ViệtV có vô cảm với việc ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tai hại đến sự sống còn của 300.000 nông ngư dân không?
3. Về việc gửi tiền và đi về Việt Nam.
Xin thử suy xét về hai sự kiện nầy.
a. Người Việt sống ở Hoa Kỳ vào khoảng 1.8 triệu người. Theo thống kê của World Bank, năm 2015, lượng tiền đổ về Việt Nam đạt trên 13 tỷ Mỹ kim, trong đó 7 tỷ về Sài Gòn. Cũng theo một thống kê khác, lượng tiền nầy đa số xuất phát từ Mỹ.
b. Về vấn đề đi về Việt Nam, ngoài một số nhỏ ngoại lệ bắt buộc phải về vì quan hôn tang tế, vì người thân bịnh tật hay mất đi. Chúng ta có thể nói rằng, trong số 400-500 ngàn người về hàng năm, tuy với nhiều mục đích khác nhau, nhưng tựu trung đa số người về là làm ăn với CS Bắc Việt, hay chỉ du lịch, mua vui, thậm chí tìm những thú vui vô đạo đức, dùng tiền để thỏa mản “thú tính” của con người.
Tất cả những điều đó chỉ làm:
Mất uy tín của người Việt hải ngoại, và
Vô hình chung kéo dài sự sống “thừa thãi” của chế độ đang đi vào buổi xế chiều. (Ước tính 500 ngàn người về và tiêu xài trung bình US $5000/người, VC sẽ có 2.5 tỷ Mỹ kim tiếp máu!).
Như vậy, chúng ta thấy việc đi về Việt Nam và gửi tiền về quê hương chỉ góp một phần ít vào ngân sách VC, nhưng còn phần lớn thì chạy vào túi đảng viên các cấp của chế độ tham nhũng, bóc lột tàn bạo!
Đối với những người đi về Việt Nam nhiều lần dưới danh nghĩa “làm ăn” hay “du hí”…, chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng và dứt khoát với họ.
Xin đan cử quyết định của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA- Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Kể từ năm 1988 đến 2000, cơ quan nầy đã phế bỏ quyền tị nạn và quyền lợi được hưởng tiền trợ cấp xã hội, y tế và các phúc lợi khác do chính phủ cấp cho 22.417 người, vì họ đã về Việt Nam nhiều lần. Xin cảm ơn quyết định này của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA- Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Xin mỗi người trong chúng ta hãy lắng tâm cùng suy nghĩ, để tìm ra phương thức thích hợp đối phó với nhóm người vô ý thức này.
Thay lời kết
Qua những ghi nhận ở phần trên, Quý bạn vừa cảm nhận được gì?
Phải chăng trong đầu mỗi Quý vị tự đặt câu hỏi:”Vì sao xảy ra nông nỗi nầy?”
Quý vị tiếp tục thắc mắc:“Tại sao chỉ có người dân mới nghĩ tới nhau, mới làm từ thiện cho nhau?”
Và câu trả lời là:”Phải chăng, nếu các cơ quan cầm quyền cộng sản (?) làm bánh mì từ thiện đại chúng như thế, sẽ bị cán bộ “rút ruột công trình” ngay?”
Vậy Quý vị đang làm từ thiện ở hải ngoại nghĩ sao?
Sự thực là chúng ta đang giúp Việt Nam quá nhiều, nhưng giúp nước Mỹ, nơi cưu mang chúng ta, quá ít, nhưng lại tiếp tục muốn nước Mỹ và thế giới ủng hộ công cuộc chúng ta đấu tranh giải thể CSBV!
Chúng ta nghĩ rằng đã làm đủ bổn phận “công dân Hoa Kỳ” là tuân hành luật pháp, đóng thuế, có nhiều thanh niên Việt đi lính, làm nghĩa vụ công dân…nhưng dường như chúng ta sống trên đất Mỹ như một người tình của nữ thi sĩ TTKh là “tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời”. Hầu như chúng ta hoàn toàn không lưu tâm đến những gì xảy ra cho đất nước tạm dung nầy (người viết muốn nói “chúng ta” là một số đông gồm cả chính bản thân người viết). Vì thế:
Xin đừng làm những người khách trọ vô tình. Xin chia sẻ những gì xảy ra cho nước Mỹ, cho môi trường sống chung quanh mình.
Xin được sống làm người tử tế, lương thiện, văn minh và có tấm lòng với người bản xứ cũng như với bà con cật ruột của mình.
Xin đừng để những lời trách móc xảy ra nữa, như lời của TT Bush hay bất cứ lời của người bạn bản xứ nước mình đang cư ngụ.
Và, lời nói rạch ròi sau cùng của người viết là, Đại hội XII của Đảng CS Bắc Việt, thêm một lần nữa xác định vai trò lãnh đạo của đảng viên “Bắc Kỳ”. Ngày hôm nay, chính họ đã chính phức “phân liệt” hai cộng đồng dân tộc Việt Nam, người Bắc và người Nam. Cũng chính họ cố tình “chia cắt” đất nước thành hai…phần lãnh thổ.
Nạn Hán hóa hay Bắc (Trung Cộng) thuộc lần thứ 5 đã và đang lừng lững hiện diện trên hơn 49 tự điểm có hơn 1.000 người Trung hoa lục địa, và đang tiếp tực tăng trưởng.
Nạn “Bắc Kỳ trị” đang thực sự ló dạng tại khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long!
Phải chăng “Bắc kỳ thuộc” là bước đầu trong tiến trình Hán hóa Việt Nam qua Hội nghị Thành Đô năm 1990, một sách lược muốn biến Việt Nam thành hai vùng “kinh tế tự trị” khác nhau vào năm 2020 chăng?
Với các “phải chăng” trên đây, 60% tuổi trẻ trong nước với sự yểm trợ của những người con Việt hải ngoại cần có thái độ và hành động tích cực hơn nữa để xóa tan mắc xích nô lệ nầy do các Thái thú nói tiếng Việt của nhóm Bắc kỳ đỏ.
Nên nhớ, người miền Bắc và miền Nam là hai thành phần không thể tách đôi của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mọi hình thức chia rẽ người địa phương để trị của CS Bắc Việt là một hành động tội ác đối với quốc gia Việt Nam.
Tuổi trẻ Việt Nam hãy thực hiện lời nói của Cố Tổng thống Thomas Jefferson là ”Every Generation needs a new REVOLUTION”.
Và, những nhóm nhỏ “Từ thiện đại chúng” tự phát trong bài viết hôm nay sẽ là những đóm lửa lần lần tỏa sáng và dứt khoát xóa tan bức màn vô minh trong tâm khảm của người cộng sản Bắc kỳ trong âm mưu Bắc kỳ trị, tiếp tay cho tiến trình Hán hóa Việt Nam của Trung Cộng!
Người con Việt, 2/2016
Những sai lầm của Lyndon Johnson trong cuộc chiến Việt Nam – Trong Đạt
Lyndon Baines Johnson là một trong bốn chính khách Mỹ đã giữ hai chức vụ ngành Hành pháp và hai chức vụ Lập pháp. Từ 1937-1949 ông là Dân biểu Liên bang đơn vị Texas, từ 1949-1961 ông thành Thượng nghị sĩ, từ 1961-1963 ông trở thành Phó tổng thống và từ 1963-1969 ông thành Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ.
Lyndon Johnson là nhân vật quan trọng đã hai lần nắm giữ vận mạng Đông Dương và ảnh hưởng tới sự sống còn của mảnh đất này.
Điện Biên Phủ tháng 4-1954
Từ 1946-1949 Việt Minh (VM) rút vào hậu phương đánh du kích, Pháp không đủ quân nên chỉ giữ được các tỉnh thành. Từ 1950 trở đi, được Trung Cộng giúp đỡ, huấn luyện và viện trợ quân sự, Việt Minh ngày càng mạnh, càng đông. Năm 1950 Trung Cộng giúp VM thành lập năm sư đoàn chính qui: tháng 10-1950 VM đánh thắng trận Cao Bắc Lạng, nó đã làm rung động cả nước Pháp, quân viễn chinh bị thiệt hại 7,000 người và nhiều vũ khí
Đầu thập niên 50 Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp nhưng thực sự giúp từ 1952. Tháng 5-1953 Ba Lê cử Tướng Henri Navarre sang làm Tư lệnh quân viễn chinh Đông Dương ở thời điểm mà ông bi quan cho là Đông Dương đang hấp hối, từ từ mất vào tay Cộng sản
Cuối tháng 7-1953 Triều Tiên đình chiến, Trung Cộng cung cấp nhiều viện trợ cho VM hơn trước, Mỹ cũng tăng viện trợ cho Pháp, năm 1954 Mỹ đã gánh 75% chiến phí. Cuối năm 1953 Navarre được lệnh bảo vệ Thượng Lào(1) và ông đã chọn thung lũng Điện Biên Phủ cho đóng đồn lũy để chận đường chuyển quân của địch sang Lào và mở mặt trận lớn tại đây để VM khỏi đánh Hà nội. Nay tại Đông Dương quân lưu động VM rất mạnh tương đương với 9 sư đoàn, gấp ba quân lưu động Pháp gồm 7 Liên đoàn lưu động và 8 tiểu đoàn nhẩy dù(2)
Việt Minh đưa gần hết các sư đoàn chính qui của họ vào trận đánh tại ĐBP tổng cộng 63,000 người(3) Pháp có 12 tiểu đoàn tại đây, sau cho nhẩy dù thêm 5 tiểu đoàn tổng cộng khoảng 16,000 người. Pháp phải đối với một lực lượng đông gấp 4 lần cộng với hỏa lực rất mạnh.
Ngày giao chiến đầu tiên 13-3-1954 căn cứ Béatrice sụp đổ trước trận pháo kích dữ dội của 40 khẩu pháo VM, hôm sau căn cứ Gabrielle cũng bị đánh sập. Tình hình quân sự ĐBP ngày một xấu, phi trường bị pháo kích hư hại, sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược.
Người Pháp khinh địch, đã chọn địa điểm xa xôi, hiểm trở để lập căn cứ chỉ liên lạc với hậu cần bằng máy bay trong khi không quân Pháp quá yếu, toàn chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay(4). Tiếp tế bằng thả dù rất khó khăn vì bị phòng không địch cản trở, nhiều kiện hàng thực phẩm, đạn dược đã lọt sang khu vực VM. Kể từ sau ngày 26-3 số phận của Điện Biên Phủ coi như đã được quyết định rồi.
Trước đây Pháp và Mỹ đều tin tưởng vào đồn lũy kiên cố này, nay đã thấy nguy cơ ĐBP sẽ thất thủ. Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên do Đô đốc Arthur Radford, Tham mưu trưởng liên quân đề nghị được Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles ủng hộ, chấp thuận.
TT Eisenhower muốn hỏi ý kiến Quốc hội vì rút kinh nghiệm chính phủ Truman tham chiến tại Triều Tiên không đưa ra Quốc hội đã bị chỉ trích. Kế hoạch này được các sử gia Bernard Fall và Philippe Devillers tường thuật lại thập niên 60(5). Mấy năm gần đây, Giáo sư Fredrik Logevall và ký giả Ted Morgan đã đề cập lại đề tài này trong hai tác phẩm lớn của họ(6).
Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị đại diện Quốc hội được mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với các vị đại diện Hành pháp. Phía Quốc hội gồm Johnson, trưởng khối thiểu số Thượng viện (Texas, DC), Thượng nghị sĩ Richard Russell (Georgia, DC), TNS Earle Clements (Kentucky, DC), TNS Eugene Millikin (Colorado, CH), Trưởng khối đa số Thượng viện William Knowland (California, CH), Chủ tịch hạ viện Joseph Martin (Massachusetts, CH), Trưởng khối thiểu số Hạ viện John W. McCormack (Massachussets, DC) và Percy Priest dân biểu (Tenessee, DC).
Tổng thống đi nghỉ tại Camp Davis, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles chủ tọa phiên họp với các thành viên Tham mưu trưởng liên quân (TMTLQ) Đô đốc Arthur Radford, Phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Roger Keys, Thứ trưởng ngoại giao Walter Smith(7)
Không khí căng thẳng ngay từ đầu, Dulles mở đầu nói Tổng thống yêu cầu ông triệu tập buổi họp, sau đó ông nói chính phủ cần Quốc hội ra quyết định cho phép Tổng thống dùng hải, không quân tại Đông Dương, TT tin tưởng Quốc hội và tòa Bạch ốc cùng một trang sử đối với cuộc chiến. TMTLQ Đô đốc Radford phác họa tình hình nguy kịch Điện Biên Phủ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Dulles đồng ý hoàn toàn với Radford và nói thất bại tại ĐBP sẽ đưa tới tai họa, Pháp sẽ rút hết và CS sẽ chiếm toàn cõi Đông Dương. Vòng đai phòng thủ Á châu của Mỹ bị đe dọa, nếu Đông Dương mất Đông nam Á, Nam Dương cũng sẽ mất theo. Để tránh thảm họa Dulles kêu gọi Quốc hội hãy yểm trợ Tổng thống để ông có thể xử dụng không lực, hải quân trong vùng nếu cần thiết cho quyền lợi an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Knowland (CH) ủng hộ ngay. TNS Clements (DC) hỏi Đô đốc Radford có phải việc xử dụng không quân để cứu Pháp tại ĐBP đã được cả Bộ tham mưu liên quân đồng ý?
Radford trả lời: không có ai
Clements hỏi tiếp: Thế thì ông hy vọng gì?
Radford nói tôi ở Viễn đông nhiều hơn họ và hiểu tình hình hơn họ.
Sau đó TNS Lyndon Johnson (DC) nói: Chúng tôi không muốn một cuộc chiến Triều Tiên nào khác với 90% nhân lực của Mỹ.
Dulles và Radford trả lời: Cuộc chiến mà chúng tôi can thiệp có tầm vóc nhỏ hơn tại Triều Tiên vì quân Pháp và Việt Nam (QG) đảm nhiệm bộ chiến. Các vị đại diện Quốc hội nghi ngờ khả năng quân Pháp và cho rằng có thể sau khi hải và không quân tham gia, sẽ có bộ binh (Mỹ tham gia).
Tám ông dân cử (theo ý kiến của TNS Johnson) cùng thỏa thuận câu trả lời là phải có nhiều nước tham dự. Dulles đáp không thể bảo đảm các nước khác tham dự vì chưa có chứng cớ ta đã can thiệp. Các đại diện Lập pháp nói điều kiện tiên quyết phải có đồng minh tham gia. Đại diện Quốc hội đưa ra những điều kiện chính như(8)
1-Mỹ can thiệp phải được sự liên minh các nước Đông Nam Á, Phi Luật Tân, Liên Hiệp Anh.
2-Pháp phải trả độc lập cho Đông Dương
3-Pháp phải ở lại chiến đấu
Ngày 3-4 đã được báo The Washington Post số ngày 7-6, ký giả Chalmers Roberts gọi là “Ngày Mà Chúng Ta Đã không Tham Chiến”, The Day We Didn’t Go to War”(9), nó đánh dấu sự kiện Quốc hội đã ngăn cản cản Hành pháp can thiệp tại ĐBP.
Dulles hứa hẹn sẽ thảo luận và kêu gọi các nước Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan tham dự. Buổi họp kết thúc sau hơn hai tiếng đồng hồ
Tác giả Ted Morgan(10) cũng nói về ngày 3-4-1954, Phiên họp lúc 9 giờ 30 sáng tại lầu 5 Bộ ngoại giao phía Hành pháp gồm Dulles, Radford, Smith, Rogers Keys, Bộ trưởng hải quân Robert Anderson, phía Lập pháp gồm tám vị dân cử, (ba Cộng hòa, năm Dân chủ).
Đô đốc Radford thuyết trình về chiến tranh Đông dương, Điện Biên Phủ đang nguy kịch, Dulles nói Đông dương là thìa khóa của Đông Nam Á, mất Đông Dương chúng ta sẽ phải phòng thủ ở Hawaii. Ông đề nghị Quốc hội yểm trợ Tổng thống xử dụng hải, không quân tại khu vực để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Thượng nghị sĩ Knowland đồng ý nhưng bị bẩy ông kia chống, họ đòi phải có đồng minh, không muốn Mỹ phải chịu 90% nhân lực như Triều Tiên (họ theo ý kiến của TNS Johnson nêu ra trước)
Ngày 4-4 Tổng thống Eisenhower mở phiên họp lúc 8 giờ 20 tối cùng các cố vấn của ông như Radford, Dulles, Smith, Kyes. Sau khi nói điều kiện của Quốc hội, TT cho biết Anh, Úc, Tân Tây Lan… phải đóng góp quân, Pháp sớm trả độc lập cho Đông Dương và đồng ý ở lại chiến đấu cho tới khi chiến tranh chấm dứt. Tổng thống nói rõ là Mỹ sẽ không đơn phương can thiệp.
Ngày 5-4 chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp cứu ĐBP bằng không lực. Những ngày tiếp theo, chính phủ Mỹ đã kiên nhẫn vận động với người Anh để lập liên minh ngõ hầu thỏa mãn yêu cầu của Quốc hội để được họ ủng hộ cho oanh tạc cứu nguy.
Cùng ngày Tổng thống Eisenhower viết một thư dài cho Thủ tướng Anh Churchill nói ý niệm về thực hiện một liên minh quân sự. Người Anh chống lại bất cứ hành động nào có thể phương hại Hội nghị Genève sắp nhóm họp (26-4). Ba ngày sau Churchill trả lời thư, ông nói sẽ bàn với Dulles tại London ngày 12-4.
Dư luận chính trị Quốc hội Anh chống chính phủ liên minh với Mỹ can thiệp vào Đông dương sợ leo thang đưa tới Thế chiến thứ ba. Tại cuộc họp nội các ngày 7-4 Churchill đọc thư Eisenhower nói đánh mạnh sẽ khiến Trung cộng sợ không dám giúp VM, Tây phương chỉ có hai lựa chọn: rút lui nhục nhã hay thách đố Trung cộng.
Ngày 10-4 ngoại trưởng Dulles đi Âu châu bàn việc lập Liên minh các nước theo yêu cầu Quốc hội, Bộ ngoại giao Mỹ vô cùng vất vả để thuyết phục chính phủ Anh tham gia cuộc chiến. Tháng 4-1954 Dulles đã đi hàng trăm ngàn dặm để tới các nước không CS tại Á châu, Âu châu, Phi châu, Nam Mỹ… trung bình 200 dặm một ngày rồi về họp với Tổng thống để sớm cứu nguy ĐBP.
Ngày 11-4 Dulles họp với Eden tại tòa Đại sứ Mỹ Luân Đôn nói về liên minh, chính phủ Anh không thể đồng thuận trước khi có Hội nghị Genève. Sáng hôm sau, Eden từ chối mọi tham gia kể cả gửi phi công sang Đông Dương. Thông cáo sau cùng ngày 13-4 trống không, ý nghĩa không rõ rệt “Chúng tôi sẵn sàng tham gia với những nước chính yếu khác đã quan tâm”. Ngày 16-4 Dulles trở lại Hoa Thịnh Đốn, ông triệu tập phiên họp các nước để lập Liên minh quân sự Úc, Anh, Pháp, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân và Việt, Mên, Lào. Ngày 20-4 Đại sứ Anh Makins nhận nhận được thư của Eden không cho dự phiên họp. Dulles ở Paris ngày 23-4, Hội nghị Genève bắt đầu ngày 26-4, Pháp chỉ hy vọng vào ngưng bắn, họ năn nỉ Dulles thực hiện chiến dịch “Kên Kên” oanh tạc cứu ĐBP. Tổng thống Eisenhower cho Dulles biết sẽ không có oanh tạc quanh ĐBP nếu không thỏa mãn yêu cầu của Quốc hội, không quân Mỹ chỉ hành động trong khuôn khổ lực lượng đồng minh sau khi họ bàn luận và biểu quyết.
Sáng 23-4 Ngoại trưởng Pháp Bidault đưa cho Dulles thư của Navarre mới gửi, ĐBP sắp sụp đổ, hàng thả dù tiếp tế tiếp tục rơi sang địa phận VM. Sau khi ĐBP mất Tướng Giáp có thể sẽ đưa quân về châu thổ sông Hồng tấn công Hà Nội trước mùa mưa. Bidault nói Ba Lê không còn con đường nào khác là tìm đình chiến càng sớm càng tốt, muốn ngăn chận tai họa đó chỉ còn cách cho oanh tạc ồ ạt, nước Mỹ có thể xét lại kế hoạch Kên Kên được không?
Suốt đêm 24 Dulles gửi điện cho Eisenhower về yêu cầu của của Bidault trước tình hình bi đát của ĐBP, Thứ trưởng ngoại giao Smith báo cáo Tổng thống tình hình Ba Lê, VN thay đổi nhanh từng ngày, bi đát. Eisenhower chỉ thị Radford từ Ba Lê qua Luân Đôn để yêu cầu Anh tham gia đồng thời ông nói Dulles cho Thủ tướng Pháp Laniel biết thông điệp của TT Mỹ thúc dục Pháp ở lại chiến đấu đừng tìm hòa bình, tuần cuối của tháng 4 có thể có oanh tạc can thiệp. Dulles qua thảo luận với Eden tại tòa Đại sứ Mỹ ở Ba Lê thúc dục Anh tham gia Liên Hiệp. Eden không tin oanh tạc có hiệu quả và lo ngại chiến tranh lớn, ông không tin Domino và nói sẽ bị chống đối mạnh trong nước.
Sáng hôm sau tại Luân Đôn nội các chính phủ và Tổng tham mưu trưởng cũng được mời cho biết dù ĐBP sụp đổ cũng không ảnh hưởng vị trí Anh ở Mã lai, thuyết Domino không đúng.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Smith đề nghị qua Đại sứ Pháp nếu Ba Lê thuyết phục được Anh chịu vào Liên minh chống CS tại ĐNÁ và Thủ tướng Pháp đồng ý trao quyền chiến lược cho Mỹ tại Đông dương thì Chính phủ Mỹ sẽ tìm sự ủng hộ của Quốc hội để oanh tạc trong vài ngày hoặc ngày 27-4. Ngày 24-4 Eden tới Paris họp về NATO, đô đốc Radford thuyết phục ông chỉ cần ủng hộ tượng trưng. Eden vẫn cứng rắn. Ngày chủ nhật 25-4, Eden về Luân Đôn dự phiên họp nội các giải quyết một lần cho xong. Tất cả nỗ lực để cứu ĐBP sụp đổ cuối tuần này, ngày 24-4 Dulles ở tòa Đại sứ Mỹ tại Paris gửi công hàm cho Bidault nói Mỹ chỉ oanh tạc nếu được sự thỏa thuận của Quốc hội. Còn một nỗ lực cuối cùng, Pháp cử người gặp Thủ tướng Churchill để thuyết phục ông tại Luân Đôn ngày 27-4, Churchill tiếp Đại sứ Pháp René Massigli, ông vẫn cứng rắn từ chối và nói:
“Tôi đã chịu mất Singapore, Hong Kong, Tobruk (Thế chiến thứ hai), người Pháp sẽ phải chịu thua tại ĐBP”
Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc Radford, một số viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa. Giới quân sự chỉ có Đô đốc Radford vẫn ủng hộ hoàn toàn dù là can thiệp đơn phương (không cần Quốc hội) của Mỹ để cứu ĐBP. Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Carney và Tướng Twining, TMT không quân không nhiệt tâm với kế hoạch này. Tướng Ridway, TMT quân đội Mỹ chống đối hoàn toàn kế hoạch, cuối cùng TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp. ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954.
Chính phủ Mỹ có thể đơn phương can thiệp vào Đông dương, oanh tạc ĐBP mà không cần đưa ra Quốc hội nhưng tình hình năm1954 người dân không muốn Mỹ vừa ra khỏi cuộc chiến Triều Tiên nay lại tham dự một mặt trận khác. Eisenhower không dám tự quyết định mà muốn Quốc hội chia xẻ một phần trách nhiệm với Hành pháp.
Quốc hội đòi hỏi lập liên minh quân sự, trong đó phải có Anh đã khiến Hành pháp bị bó tay không thể cứu ĐBP được, yêu cầu Tổng Thống phải lập liên minh là ý kiến của Thượng nghị sĩ Lyndon Johnson (Texas) nên người ta coi như ông đóng vai chính trong việc ngăn cản chiến dịch cứu nguy bằng oanh tạc.
Hậu quả của Việc Hoa Kỳ không thực hiện được kế hoạch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959(11). Người Mỹ hối tiếc đã không thực hiện chiến dịch Kên Kên để cho Việt Minh, phía CS thắng lớn thay đổi cả một khúc quành lịch sử.
Trong phần kết luận cuốn ĐBP Bernard Fall cho rằng người Mỹ tránh can thiệp vào Đông Dương năm 1954 mà sau này họ phải can thiệp (1964, 1965..). Nếu ĐBP không bị thất thủ năm 1954 có lẽ lịch sử VN sẽ ít phức tạp hơn(12) và gần đây hai nhà sử gia Logevall, Ted Morgan cũng đồng quan điểm trong hai cuốn sách lớn viết về ĐBP và cuộc chiến Đông dương lần thứ I.
Hai tháng sau buổi họp ngày 3-4 tại Bộ ngoại giao Mỹ giữa đại diện Hành pháp và Quốc hội, vào ngày 7-6 (1954) ký giả Chalmers Roberts (được dân biểu John Mc Cormack tiết lộ) đã viết trên tờ Washington Post bài “The Day We Didin’t Go To War” Ngày Mà Chúng Ta Không Tham Chiến. Ngày 3-4 đã phá hỏng mọi nỗ lực can thiệp của người Mỹ.
Nhà sử gia Bernard Fall nói:
“Có lẽ ngày 3-4-1954, Johnson đã làm một quyết định then chốt đầu tiên của ông về VN mà chính ông không biết”(13)
Ý kiến của Thượng nghị sĩ Johnson (đòi phải lập liên minh) được bẩy vị dân cử khác nghe theo, người ta coi như ông là người đã ngăn cản Hành pháp thực hiện chiến dịch Kên kên cứu nguy ĐBP.
Chiến tranh Việt Nam thập niên 60
Năm năm sau, Johnson thất bại trong cuộc tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử Tổng thống 1960, ông được John F. Kennedy mời đứng phó Tổng thống, Dân chủ thắng cử, Johnson tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống ngày 20 tháng giêng 1960. Gần ba năm sau, ông lên thay Kennedy bị ám sát ngày 22-11-1963 và sau đó thắng cử nhiệm kỳ 1964-1968 vẻ vang với 486 phiếu cử tri đoàn so với 52 phiếu của Goldwater, 61% số phiếu phổ thông và thành Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ.
Năm 1964 lợi dụng tình hình chính trị miền nam bất ổn, CS Hà Nội gia tăng xâm nhập cán binh để chiếm miền nam Việt Nam. Từ 1966 Bernard Fall và gần đây Logevall, Ted Morgan đã nhận định Hoa Kỳ tránh can thiệp vào miền bắc VN 1954 để tiêu diệt Việt Minh tại ĐBP, nay phải đương đầu với cuộc chiến lớn hơn bắt đầu từ giữa thập niên 60. Như đã nói trên, ý kiến của Johnson trong phiên họp đã ngăn cản TT Eisenhower can thiệp vào VN năm 1954 và bây giờ 10 năm sau một sự tình cờ lịch sử ông trở thành Tổng Thống lại gánh chịu hậu quả sự sai lầm của chính ông từ hồi 1954.
Hà nội ngày càng gia tăng áp lực, chiến tranh ngày càng mở rộng
Ngày 1-1-1964 VC pháo kích phi trường Biên hòa, phá hủy 6 máy bay B-57, làm hư hại 20 cái khác, giết 5 người Mỹ, 2 VN, 76 bị thương (14). Từ 1959 cho tới 1962 có 100 cố vấn Mỹ bị giết, tới cuối 1964, tổng cộng có 416 người Mỹ bị giết chưa kể số người bị thương và bị bắt làm tù binh (15)
Nhân vụ tầu Maddox bị hải quân BV tấn công đầu tháng 8-1964 tại vịnh Bắc Bộ, Johnson đưa ra Thượng viện xin ủng hộ can thiệp vào miền nam VN, ngày 6-8, hôm sau, lưỡng viện bỏ phiếu bầu ngày 7-8. Thượng Viện thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Việt Tonkin Gulf Resolution với tỷ lệ 88-2, Hạ viện bỏ phiếu thuận hoàn toàn 416-0, tỷ lệ chung là 99.60%.
Tổng thống có thể đơn phương can thiệp mà không cần đưa Quốc hội nhưng Johnson muốn danh chính ngôn thuận.
Mặc dù an ninh miền nam VN ngày càng xấu nhưng Johnson còn do dự, e ngại can cuộc chiến sẽ làm hỏng nhiệm kỳ và chương trình phúc lợi xã hội của ông như, medicaire, medicaid, nhân quyền, giúp người nghèo…(16)
Tháng 2-1965 qua thăm dò của Harris poll, 78% người dân ủng hộ cuộc chiến chống CS tại Đông Nam Á, lưỡng viện Quốc hội ủng hộ Chính phủ, thuyết Domino được tin tưởng mạnh
Đầu tháng 3-1965, sau khi đắc cử Tổng thống, Johnson mở chiến dịch Rolling Thunder cho oanh tạc giới hạn Bắc Việt ngăn chận xâm nhập và vận chuyển tiếp liệu vào miền nam để khiến Hà Nội phải từ bỏ cuộc chiến, ngồi vào bản hội nghị. Cuộc oanh tạc không có kết quả nên Johnson và các cố vấn phải thay đổi kế hoạch bằng đưa thêm quân vào miền nam để có thể thắng bằng cuộc chiến dưới đất (17). Trong khi ấy tình hình quân sự miền nam rất bi đát, trung bình mỗi tuần mất một quận và một tiểu đoàn, VNCH có thể mất trong vòng 6 tháng. Giữa tháng 4-1965 Johnson đề nghị gửi một trung đoàn tới bảo vệ phi trường Biên Hòa
Bộ trưởng quốc phòng McNamara nói (18) sáu tháng (28-1 tới 28- 7-1965) là giai đoạn quyết liệt trong 30 năm can thiệp, Tổng thống Johnson đã có một lựa chọn định mệnh đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp vào VN ồ ạt về quân sự. Cuối cùng nó đã hủy hoại nhiệm kỳ của ông và phân hóa nước Mỹ chưa từng có từ thời Nội chiến. Trong giai đoạn định mệnh này Johnson đã oanh tạc Bắc Việt và đưa quân vào VNCH từ 23,000 ngươi (1964) lên 185,000 (1965), 385,000 (1966) 485,000 (1967) 530,000 (1968). Việc tiến hành không đưa ra bàn thảo trước công luận, gieo niềm bất tín mãi mãi.
Chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến là McNamara, một người dân sự, ông còn được gọi là Kiến trúc sư của chiến tranh VN. Xung đột tại VN được gọi là McNamara’s war, Cuộc chiến của McNamara. TT Johnson tin tưởng kính nể McNamara và hy vọng thành công(19), đây là một lỗi lầm tai hại của Johnson khi giao sinh mạng Đông Dương vào tay một chiến lược gia bất tài.
Johnson-McNamara áp dụng chiến tranh giới hạn (limited war) một chủ thuyết hình thành khi thời đại nguyên tử bắt đầu, chủ trương tránh một cuộc chiến nguyên tử với Nga(20). Mỹ phải ngăn chận CS bành trướng đang lan ra trong thế giới thứ ba bằng: trợ giúp kinh tế, quân sự, ngoại giao khéo léo và hạn chế tránh dụng chạm Nga, Trung Cộng. Lần đầu tiên áp dụng chiến tranh giới hạn tại Triều Tiên và đã đưa tới đụng chạm giữa Tổng thống Truman và Tướng MacArthur
Cuộc chiến của Johnson-McNamara có hai mặt trận, trước hết là tại miền nam và cuộc oanh tạc miền Bắc. Tháng 8-1965, Bộ TMLQ đề ra bốn mục tiêu 1- Giúp VNCH kiểm soát dưới vĩ tuyến 17. 2- Đánh bại VC và CSBV. 3-Buộc Hà nội phải rút. 4- Ngăn chận Trung Cộng bành trướng.
Chiến tranh VN của Johnson cũng áp dụng chiến lược hao mòn như truyền thống Mỹ do Bộ TMLQ, TMT lục quân tướng Harold Johnson, McNamara soạn, TT chấp thuận.
Chiến lược của Westmoreland gồm ba giai đoạn, có kết quả tốt cuối 1967: Giai đoạn 1- Quân Mỹ bảo vệ căn cứ, phi trường, giữa 1965, tình hình nguy khốn, VC tấn công chiếm một nửa đất đai và dân số, mỗi tuần VNCH mất một tiểu đoàn(21). Giai đoạn hai bắt đầu 1966 cho tới cuối năm, Mỹ phản công chiếm các căn cứ địch, mật khu, lùng diệt địch. Giai đoạn ba bắt đầu 1967, càn quét địch, đẩy chúng ra xa, tiến hành bình định. Chiến lược đánh hao mòn của Mỹ 1967 đã đạt mục tiêu, đẩy VC qua bên kia biên giới. Những vùng đông dân do địch kiểm soát giảm dần, Mỹ ước lượng cuối 1967 có 180,000 quân BV và VC bị giết, chúng bớt xâm nhập nhưng gia tăng tuyển quân. Mặc dù Westmoreland mở chiến dịch lớn cuối 1967 cuộc chiến vẫn là những đụng độ nhỏ, địch chỉ đánh khi lợi thế, Mỹ mạnh nhưng không tiêu diệt được chúng.
Song song với cuộc chiến tại miền nam VN, không quân, hải quân Mỹ và VNCH bắt đầu oanh tạc BV, chiến dịch Rolling Thunder, Sấm Rền từ tháng 3-1965, mới đầu rất hạn chế, phần nhiều dưới vĩ tuyến 20 để ngăn chận xâm nhập. Chính sách leo thang oanh tạc không ngăn chận được xâm nhập cũng như không đưa Hà Nội vào bàn đàm phán. TMT liên quânTướng Wheeler đề nghị TT Johnson tăng cường oanh tạc, Johnson cho tăng phi vụ nhưng không cho phá hủy hết bộ máy chiến tranh của BV. Cuối 1965 chiến dịch thất bại dù đã tăng nhiều phi vụ(22), mục tiêu gồm căn cứ quân sự, giao thông, hậu cần… nhưng địch vẫn xâm nhập nhiều.
Cuối tháng 6-1966 phi cơ Mỹ từ vịnh BV, Thái Lan oanh tạc các kho dầu Hà Nội, Hải Phòng, khoảng 60% nhiên liệu BV bị phá hủy, Mỹ mất một máy bay, dân Mỹ ủng hộ TT Johnson tỷ lệ tăng từ 42 tới 54%.
Những tháng cuối 1966 Mỹ tăng quân hơn 2 lần, McNamara thăm VN sau 12 tháng, mặc dù VNCH không bị đánh bại nhưng không có tiến bộ càn quét địch ra khỏi miền nam. Tuy oanh tạc gây thiệt hại nhưng địch không làm giảm tiếp tế của BV cho miền nam, theo ông CS dùng chiến lược làm hao mòn tinh thần của Hoa Kỳ(23). Cuối 1966 Tướng Westmoreland cho biết lực lượng địch nay là 300,575 tên, năm 1966 đã tăng 42,000 dù bị thiệt hại, xâm nhập 8,400 người một tháng và tuyển quân ở miền nam 3,500(24)
Tháng 7, 8 Mỹ oanh tạc các kho dầu ngay trung tâm BV, chiến dịch chấm dứt 4-9-1966, 75% dầu ở Hà Nội bị phá, trận này Mỹ mất hơn 70 máy bay, sau đó Nga Trung Cộng lại cung cấp đủ cho BV. McNamara thất vọng, oanh tạc tốn kém mà không có kết quả, các cố vấn dân sự đề nghị lập một hàng rào điện tử dưới vĩ tuyên 17. Mùa xuân 1967, Johnson cho ngưng oanh tạc nhưng BV vẫn không chịu đàm phán, Johnson cho leo thang và đi vào giai đoạn ba của Rolling Thunder quan trọng và gay cấn nhất: Oanh tạc nhà máy điện, nhà máy thép, thả mìn các hải cảng, cửa sông, các mục tiêu gần biên giới Tầu, người dân ủng hộ oanh tạc kinh tế, kỹ nghệ cho tới cuối 1967, Chính phủ cho oanh tạc kỹ nghệ chiến tranh, kho săng, giao thông…
Johnson cho rằng oanh tạc mạnh và chiến dịch tại miền nam sẽ khiến BV phải vào bàn hội nghị, giai đoạn ba sẽ kéo dài tới tháng 4-1968 nhưng sẩy ra trận Mậu Thân từ đầu tháng 2 nên ông thôi oanh tạc. Trận Mậu thân cho thấy oanh tạc thất bại không ngăn chận được địch xâm nhập dù đã leo thang. Chiến dịch Rolling Thunder từ 1965 tới 1968 đã ném 643,000 tấn bom và gây thiệt hại trị giá 600 triệu cho BV, gây tàn phá cho kỹ nghệ và nông nghiệp BV. Việc cung cấp lương thực bị phá hủy, họ phải dựa vào viện trợ của Nga và Trung cộng, có khoảng 50,000 người dân bị thiệt mạng(25). Chiến dịch oanh tạc coi như thất bại, địch vẫn gia tăng xâm nhập người và tiếp liệu. Giới quân sự cho rằng nguyên do thất bại vì các cố vấn dân sự hạn chế và vì VC, BV có nhu cầu ít, chúng thừa khả năng tự cung cấp, Nga, Trung Cộng tiếp tục đổ hàng vào BV.
Chiến dịch rất tốn kém, trước khi ngưng ném bom 31-3-1968 Mỹ thiệt hại 950 máy bay trị giá 6 tỷ, năm 1966 Mỹ mất 9 đồng rưỡi để gây thiệt hại cho BV một đồng, phi công bị bắt làm con tin, người dân dần dần chống oanh tạc vì tốn kém, vô ích, sai lầm. Oanh tạc ở miền nam lớn, dài hơn, nhiều mục tiêu hơn để phá hậu cần, kho đạn, kho hàng địch. B-52 cũng tham dự từ Guam cách 2,800 dặm, độ cao từ 30,000 tới 36,000 bộ (khoảng 10 cây số), mỗi cái mang từ 18-27 tấn bom, có thể trải thảm, một vũ khí ghê sợ nhất. Từ 1965 tới 1967, oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào tổng cộng 3,000 phi vụ một tháng coi như thất bại. Đường mòn HCM là một mạng lưới rộng, trên cao không nhìn thấy, phi công Mỹ chỉ ngăn chận một phần xâm nhập người và vũ khí vào Nam(26)
Sau trận Mậu thân 1968, người dân Mỹ quá thất vọng, năm ngoái 1967 báo cáo của Tướng Westmoreland, Đại sứ Bunker lạc quan về tình hình miền nam dần dần ổn định, địch đã bị càn quét thế mà Cộng quân đã mở được cuộc tổng tấn công qui mô lớn hàng trăm ngàn người. Phong trào phản chiến lên cao, tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến giảm xuống còn dưới 40%(27).
Cuối tháng 3, TT Johnson tuyên bố không ra tranh cử, các kiến trúc sư của cuộc chiến như McNamara, Tướng Westmoreland, Tướng Harold Johnson.. .đều đã ra đi, chiến thắng quân sự chỉ là ảo tưởng, Cộng quân vẫn tăng quân số dù bị thiết hại nặng nề.
Nói về những lý do đưa tới thất bại, các nhà học giả, sử gia về chiến tranh VN đã đưa ra nhiều nhận xét chỉ trích những sai lầm của Johnson
TT Nixon nói:
“Khi một ông TT đưa quân Mỹ đi tham chiến, một cái đồng hồ vô hình bắt đầu chạy. Ông có một khoảng thời gian nhất định để thắng cuộc chiến trước khi người dân chán nản. Tháng 2 năm 1968, TT Johnson đã hết thời hạn của mình (28).
Tác giả George Moss nói(29) khi Johnson quyết định leo thang chiến tranh ông không ngờ đã đưa Mỹ vào một cuộc chiến dài, đắt giá, thất bại. Một trong những lý do thất bại là quan niệm chiến tranh giới hạn và cách áp dụng vào Đông Dương. Cuộc chiến gây tranh chấp giữa các cố vấn dân sự và quân sự của Johnson đưa tới sự lãnh đạo cuộc chiên mơ hồ. Các nhà chính khách không có chiên lược, một trong các lý do lớn thất bại là không muốn động viên nhân lực, kinh tế cho mục tiêu, đây là một cuộc chiến giới hạn chỉ dùng giới hạn tài nguyên. Một nguyên nhân thất bại khác là chiến lược quân sự ở VN mâu thuẫn: một đằng Johnson giới hạn hoạt động quân đội Mỹ tại VN để tránh đụng chạm với Nga, Trung Cộng sợ họ can thiệp, một đằng lại muốn đánh thắng CS nhanh gọn, dùng giới hạn hỏa lực Mỹ để tránh chiến tranh với Nga, Trung Cộng.
Vả lại Johnson khinh địch, ông không thực hiện sớm mục tiêu, bị trói buộc vì chiến tranh giới hạn để rồi bị trong nước chống đối. Johnson không khai triển các phương tiện đánh địch cứu miền nam VN trước khi có phản chiến. Khi Mỹ phải bỏ oanh tạc, rút quân vì bị chống đối như tốn kém, chết người, Mỹ cắt giảm viện trợ miền nam sụp đổ (1975). Vì theo thể thức chiến tranh giới hạn, giao cho giới chức dân sự, các Tướng lãnh tức giận cho rằng việc hạn chế mục tiêu của các viên chức dân sự khiến oanh tạc không có kết quả để ngăn chận xâm nhập. Các Tướng áp lực Johnson cho oanh tạc mạnh nhưng ông sợ Trung Cộng can thiệp như tại Triều Tiên và từ chối. Năm 1967 Johnson cho oanh tạc mạnh hơn, mặt trận tại miền nam giao cho Bộ TM liên quân hoạch định. Westmoreland không đủ quân và tiếp liệu và không được đánh qua biên giới, các nhà lãnh đạo quân sự cũng gặp hạn chế về cuộc chiến dưới đất
Theo George Moss chiến lược đánh hao mòn lực lượng địch là truyền thống Mỹ nhưng lý thuyết này áp dụng cho chiền tranh qui ước châu Âu, Cao Ly, còn ở VN chúng đánh không qui ước. Lý do thất bại của Mỹ là dựa trên chiến tranh qui ước với kẻ địch đánh du kích, chúng tránh được thất bại
Tổng thống không gọi quân trừ bị và vệ binh quốc gia (vì lý do chính trị)
Mà chỉ dựa vào quân dịch tạo cho việc leo thang của Westmoreland gặp khó khăn. Quân đội thiếu công binh, tiếp liệu để hành quân, nhiều đơn vị thiếu đạn không đủ mạnh, từ giữa tới cuối 1965 Westmoreland phải ngưng chiến dịch vì thiêu tiếp liệu.
Ngoài ra chiến tranh hạn chế của Johnson-Mcnamara không cho đánh qua biên giới đã bó tay Westmoreland. VC rút khỏi mật khu vì bị Mỹ, VNCH chiếm, chúng lập căn cứ bên kia biên giới nghỉ dưỡng quân, tái trang bị cho mạnh rồi sẽ đánh Mỹ, VNCH, các Tướng Mỹ vận động để đánh qua biên giới mà không được.
Địch khai thác căn cứ bất khả xâm phạm bên kia Lào, Mên, mặc dù thiệt hại nặng hơn các nước bại trận Thế kỷ 20 nhưng BV, VC vẫn tiếp tục cuộc chiến. Mỹ phải tăng quân, thiệt hại tăng đưa tới phản chiến, dù gây thiệt hại nặng cho địch nhưng chúng vẫn tồn tại, gia tăng thêm. Vì Mỹ và VNCH không đủ quân để bình định, đánh xong phải rút, địch lại trở về. McNamara thất vọng ở Rolling Thunder, tốn kém mà không có hiệu quả. Các cố vấn dân sự (McNamara và các phụ tá của ông) đề nghị lập hàng rào điện tử dưới vĩ tuyến 17, gồm kẽm gai, mìn. Thực hiện từ đầu 1967 gọi là hàng rào điện tử McNamara từ bờ biển đông cho tới biên giới Lào, cho cuối tháng 9-1968 mới ngưng, tốn một tỷ rưởi đô la và 740 triệu tiền điều hành một năm. Đó là một sai lầm lớn của Johnson vì quá tốn kém mà không ngăn được địch, chúng đi vòng qua phía Lào.
Tướng Wheeler nói lãnh đạo CSVN hy vọng thắng cuộc chiến tại tại Washington cũng như họ đã thắng Pháp tại Paris(30)
Đô đốc Sharp cho biết cần oanh tạc mạnh, oanh tạc hải cảng cuối 1966 sẽ thắng địch, nhưng tác giả Larry Berman nói mục đích Johnson-McNamara không phải chiến thắng quân sự như quan niệm cổ điển mà theo một chiều hướng khác. Họ không chấp nhận quan điểm thắng cuộc chiến mà là xây dựng dân chủ miền nam, không phá hủy miền bắc vì Trung Cộng có thể can thiệp vào. Mục đích của oanh tạc BV là để 1-yểm trợ quân Mỹ đánh phá các căn cứ hậu cần, 2-trừng phạt BV, 3-giảm xâm nhập hoặc gây thiệt hại địch. Cuối năm 1966 Johnson không tin vào oanh tạc BV cũng như cuộc chiến bình dịnh miền nam đã không đưa đưa BV tới hòa đàm, theo Westmoreland lực lượng địch đầu năm 1966 khoảng 300,000 người.
Cuộc chiến của Johnson đi vào bế tắc, không đạt mong muốn, GS Larry Berman chỉ trích Johnson, mặc dù bế tắc nhưng Johnson cũng không chịu bỏ chính sách “không chiến thắng”, no-win policy của ông. Johnson-McNamara không chủ trương đánh thắng như truyền thống mà chỉ dọa cho địch thấy sự tai hại để ngồi vào bàn hội nghị, chính sách thất bại có nghĩa là thắng lợi của địch, chúng đẩy mạnh phong trào phản chiến. Các Tướng lãnh biết rằng cuộc chiến hạn chế tại VN sẽ thành cuộc chiến lâu dài đưa tới bế tắc càng có lợi cho BV. Địch chấp nhận kéo dài chiến tranh để gây chống đối tại Mỹ, bế tắc của Johnson tức là chiến thắng đối với Hà Nội.
Đầu tháng 4-1967 Westmoreland xin tăng quân, nay Cộng quân có 285,000 người, Mỹ 470,000, dù không tăng quân Mỹ vẫn không thua nhưng cuộc chiến sẽ kéo dài năm năm, lâu thắng. Nếu tăng lên 565,000 cuộc chiến sẽ kéo dài thêm ba năm nếu tăng thêm lên 665,000 thì chỉ hai năm thôi. Năm 1967, mặc dù thực hiện Rolling Thunder, tăng quân lên 425,000 người nhưng không đưa BV tới bàn đàm phán, có tiến bộ nhưng chiến tranh không chấm dứt. Phe quân sự đề nghị phong tỏa Hải Phòng nhưng không được chấp nhận, Johnson sợ sẽ lôi kéo Trung Cộng sẽ can thiệp.
Bộ TM liên quân trình Johnson đề nghị oanh tạc phi trường, hải cảng đường giao thông, kêu lính trừ bị. Họ chỉ trích giới lãnh đạo dân sự Bộ quốc phòng (McNamara và phụ tá Mc Naughton…) dùng chiến tranh giới hạn đã ngăn cản sức mạnh của quân lực Mỹ, đưa tới kéo dài chiến tranh. Họ chống chiến tranh giới hạn vì đây là khuyết điểm chính của chiến dịch, trong khi hải cảng BV vẫn hoạt động tiếp nhận hàng quân sự, đất Miên thành hậu cứ cho quân địch.
McNamara chống leo thang của Bộ TM liên quân, ông cho là sẽ đưa Nga, Trung Cộng vào cuộc chiến lớn, tỷ lệ thương vong sẽ khiến dân chống đối. Ông ta cho rằng giới hạn được đặt ra vì người dân Mỹ và Thế giới không cho phép ta vượt qua, ông cảnh báo Johnson oanh tạc bị thê giới lên án.
Johnson tin các cố vấn dân sự không tin các Tướng lãnh, đó là điều mâu thuẫn trong khi giải quyết cuộc chiến, ông không chấp nhận đề nghị các Tướng muốn gia tăng oanh tạc BV. Tháng 8-1967 McNamara điều trần trước Tiểu ban quân sự Thượng viện của TNS John Stennis về oanh tạc BV, ông không tin tưởng Rolling Thunder. Tiểu ban gồm nhiều diều hâu cho rằng giới quân sự bị giới dân sự dìm, McNamara hòa dịu với CS. Họ kết án các cố vấn dân sự điều khiển cuộc chiến bác bỏ ý kiên các Tướng lãnh, nay cần phải dùng sức mạnh giải quyết cuộc chiến. Tiểu ban kết án dân sự điều khiển cuộc oanh tạc nên chiến dịch không đạt mục tiêu, lý thuyết tiệm tiến, (gia tăng oanh tạc từ từ) đã ngăn cản Rolling Thunder đạt kết quả tốt. McNamara là kẻ thừa hành của Johnson, trách nhiệm thuộc về Johnson.
Ngày 1-11-1967 McNamara trình Tổng thống văn thư xác nhận sự thất bại của Mỹ tại VN, dù tiếp tục tới cuối 1968 cũng sẽ không thành công, người dân tiếp tục chống đối, tiến bộ cuộc chiến chậm, oanh tạc không ngăn được xâm nhập. Oanh tạc chỉ là lá bài cho đàm phán mà ta phải bỏ, nó không làm BV nản chí. Ông ta đề nghị ngưng ném bom BV và cảnh báo cuộc chiến bế tắc dù tăng quân cũng không đánh tan địch, không hy vọng gì ở 15 tháng sau (cuối nhiệm kỳ 1968).
Ngay tối hôm McNamara trình văn thư Johnson họp các vị cựu, tân viên chức gọi là wise men để hỏi ý kiến, trong đó nhiều vị từ Thế chiến thứ hai, sự kiện cho thấy Johnson không có lập trường riêng, lẩm cẩm. Cố vấn an ninh George Bundy nói viễn tượng cuộc chiến kéo dài. Thứ trưởng ngoại giao Katzenbach phát biểu ta không thể thắng cuộc chiến bằng Rolling Thunder, Hà Nội hy vọng ở sự chán nản, chia rẽ từ Mỹ. Ông đề nghị Johnson bỏ chiến tranh hạn chế để đánh gục kẻ địch vì tiến bộ cuộc chiến thì chậm mà chia rẽ tại Mỹ lại quá nhanh.
Larry Berman nói ngày 29-11-1967, sau bẩy năm làm Bộ trưởng quốc phòng, McNamara cho biết ông nhận làm giám đốc Ngân hàng Thế giới (sẽ ra đi). Thăm dò ý kiến người dân cho thấy 45% chê và 42% khen khả năng lãnh đạo Bộ quốc phòng của ông trong khi Westmoreland được 68% khen, 12% chê. Bài của Louis trên tờ Harris Washington Post cho biết người dân không đồng ý về việc để viên chức dân sự nắm Quốc phòng. Thăm dò Harris 53% chống, 36% ủng hộ, họ nói thời chiến phải để Quân đội lãnh đạo. Có 73% (so với 10%) dân Mỹ cho rằng khi mà dân sự bảo quân đội làm thường chỉ là chính trị chứ không phải quân sự, tỷ lệ 65% cho rằng giới quân sự tại VN đã bị dân sự ngăn trở (so với 10% chống)
Đây là một lỗi lầm tai hại nhất của Johnson
Ngày 29-2-1968 McNamara rời Bộ quốc phòng, Clark Clifford lên thay, ông được lệnh tăng quân cho Westmoreland, tân Bộ trưởng nói chúng ta không được đánh dể thắng : 1-Tổng thống không cho tấn công BV vì có thể lôi kéo Trung Cộng vào; 2- không gài mìn Hải Phòng sợ đụng làm chìm tầu Nga, 3- không được đánh đuổi VC qua Mên, Lào vì sẽ mở rộng cuộc chiến. Clifford nói ông không biết bao giờ cuộc chiến mới chấm dứt, không biết bao nhiêu súng đạn cho đủ. Sau khi bị thiệt hại nặng trong 4 năm địch vẫn không nản chí(32).
Clifford trình Johnson xin cấp ngay 22,000 người, 3 phi đội cho Westmoreland và đề nghị gọi 262,000 quân trừ bị. Trong phiên họp ông đã trình Tổng Thống cho dù tăng 206,000 người chưa chắc đã hoàn thành mục tiêu, cho dù tăng 206,000 sau đó Westmoreland cũng sẽ xin tăng thêm. Ta muốn đưa thêm bao nhiêu vào thì CSBV cũng sẽ đưa vào, Mỹ sẽ gặp cái thùng không đáy.
Tác giả Larry Berman nói Westmoreland xin tăng quân cho thấy chiến lược đánh hao mòn của Mỹ thất bại, dù đưa vào 3/4 triệu người cũng không có dấu hiệu gì thắng hơn 1965, có tiến bộ nhưng hòa bình trong danh dự ở VN không thấy.
Tướng Bruce Palmer phụ tá của Westmoreland coi trận Mậu Thân là một thất bại tình báo ngang hàng Trân Châu Cảng, chiến tranh lùng diệt địch chỉ áp dụng cho Thế chiến thứ hai không thể áp dụng tại VN. Ngày 23-3 TT Johnson tuyên bố Tướng Westmoreland làm TMT lục quân thay thế Tướng Harold Johnson, sự kiện cho thấy Johnson chấp nhận chiến tranh hao mòn, lùng diệt địch thất bại.
Cuối tháng 3-1968 Johnson tuyên bố không ra tranh cử, McNamara, Tướng Westmoreland, Tướng Johnson … các kiến trúc sư của cuộc chiến đã ra đi, chiến thắng quân sự chỉ là ảo tưởng.
Giáo sư Clodfelter nói(33) giới quân sự cho biết Rolling Thunder thất bại vì bị giới hạn, năm 1966 Tướng Mc Connell nói với Johnson nếu ta bỏ giới hạn thì sẽ có kết quả. Trung tướng Ginsburgh lý luận thời biểu 94 mục tiêu của Bộ TM liên quân có thể thành công bất cứ lúc nào trong năm 1965, 1966. Đô đốc Sharp (Tư lệnh Thái Bình Dương) nói nếu sau Tết Mậu thân mà tấn công mạnh có thể đã thắng. Các Tướng không quân tin rằng oanh tạc sẽ làm sụp đổ kinh tế BV khiến họ phải chấm dứt chiến tranh. TT Johnson không muốn oanh tạc khiến BV phải bị khuất phục mà chỉ muốn VNCH độc lập không CS. Trong khi ngăn CS ông tìm mục đích khác nên đã giới hạn việc dùng vũ lực, mục đích tiêu cực đã khiến Rolling Thunder bị kiểm soát về chính trị.
Đô đốc Sharp nhận xét sử dụng sức mạnh quân sự phải cứng rắn, phũ phàng đạt yêu cầu và không thể làm rón rén nhẹ nhàng đi lanh quanh. Chính sách giới hạn của Johnson đã khiến giới Quân sự thất vọng cuối năm 1967, trong buổi thuyết trình về Rolling Thunder Tướng Mc Connell (TMT Không quân) than phiền: Tôi cảm thấy phát bệnh vì tức. Hai năm sau ông xin về hưu nhận thư của Tướng Momyer (Tư lệnh không đoàn 7) nói: tôi tiếc là chúng ta không thắng cuộc chiến, ta có sức mạnh, khôn ngoan, trí tuệ, nhưng các cố vấn dân sự kìm hãm ta. Sau cuộc chiến này ta rút ra một một bài học, đừng tham chiến trừ khi ta chuẩn bị tất cả để chiến thắng.
Lời của Momyer giảng rộng sự đánh giá cuộc chiến Cao Ly của Tướng Mac Arthur, ông này chỉ trích chiến tranh giới hạn của Tổng Thống Truman. Và nay Rolling Thunder lại đi vào vết xe đổ của quá khứ. Giới chức quân sự Sharp, Wheeler, Moore đánh giá về oanh tạc cho rằng nếu TT Johnson giao cho họ quyền hành động thì đã thắng rồi. Tác giả Clodfelter cho là họ thiếu cơ sở vì bản chất của cuộc chiến cho thấy oanh tạc chỉ là để phục vụ mục đích chính trị của Johnson.
Như thế chứng tỏ chủ trương hạn chế quân sự cho mục đích chính trị thất bại, chỉ có quân sự tự do hành động có thể giaỉ quyết được bế tắc. Tướng Taylor nói ta cần san bằng mọi thứ trong và xung quanh Hà Nội, oanh tạc mạnh có thể khiến chính quyền trung ương tan vỡ.
Tác giả Clodfelter nói không quân thời Johnson cũng bị giới hạn, sự kiểm soát giới hạn làm giảm hiệu lực quân sự, nó phục vụ chính trị, thiếu kinh nghiệm chiến tranh giới hạn trong chiến tranh không qui ước cộng với tự mãn đưa tới tin tưởng sai lầm trong Rolling Thunder. Tin tưởng vào oanh tạc của các cố vấn đã che mờ hình ảnh sự thuật về cuộc chiến.
Johnson kiểm soát oanh tạc để tránh đụng trận với Nga và Trung Cộng, ông kiểm soát hỏa lực, mục tiêu, phi vụ trong buổi ăn trưa ngày thứ ba. Johnson mời các cố vấn thuộc Hội đồng an ninh quốc gia để bàn các chính sách quân sự. Ông tin tưởng các cố vấn dân sự và không tin các Tướng lãnh. Có sự chia rẽ giữa cố vấn dân sự và quân sự nên thiếu chỉ huy thống nhất. Không quân Mỹ đã ném 2 triệu 200 ngàn tấn bom ở miền Nam so với 643,000 tấn ở miền Bắc. Kiểm soát về quân sự giới hạn hiệu năng của oanh tạc, đa số các giới chức không quân chủ trương phá hủy khả năng sản xuất của địch sẽ khiến chúng mất khả năng chiến đấu. Cuối năm 1965 Bộ TM liên quân đề nghị kế hoạch phá hủy kinh tế BV nhưng không được chấp thuận.
Trung úy Eliot Tozer than phiền trong hồi ký:
“Bực mình vì nhiều thứ, máy bay (A-4) giới hạn kỹ thuật, thả giới hạn bom, trên một số ít mục tiêu, trong thời gian giới hạn, chiến đấu trong một cuộc chiến giới hạn”
643,000 tấn bom đã được thả thời Rolling Thunder tại BV, phá hủy 65% nhiên liệu, 59% nhà máy điện, 55% cầu đường lớn, 9,821 xe cộ, 1,966 toa xe lửa … con số không trung thực lắm. Ngoài thiệt hại người, máy bay, năm 1965 Mỹ mất 6 đồng 6 để gây thiệt hại 1 đồng cho BV, 9 đồng 6 cho năm sau.
Mặc dù oanh tạc ngăn cản vận chuyển tiếp liệu nhưng không ngăn được xâm nhập, lý do chính là nhu cầu tiếp liệu của CS ít, chúng đủ sức cung cấp. Ngoài ra Nga và Trung Cộng tiếp tục viện trợ thêm cho BV để bù lại chỗ bị mất. Sau trận Mậu Thân 1968, VC bị mất hết lực lượng nên họ phải chịu thương thuyết, họ vẫn cố kéo dài đàm phán và đánh quấy phá để người Mỹ chán nản bỏ VN.
Phillip Davidson trong VN at war(34) nói: Các phụ tá dân sự của McNamara cho biết Rolling Thunder tốn kém, năm 1965 gây thiệt hại cho BV 70 triệu nhưng Mỹ phải tốn 460 triệu, năm 1966 gây thiệt hại 94 triệu cho BV Mỹ tốn 1 tỷ 247 triệu. Tác giả nói: Dĩ nhiên một nguyên do lớn của sự không hiệu quả là hệ thống lựa chọn mục tiêu do McNamara và Johnson chủ tọa.
Sự chia rẽ giữa các cố vấn dân sự và giới chức quân sự ngày càng sâu xa tại Ngũ Giác Đài: hai phe không ưa và chẳng phục nhau. Một nhà quan sát tự hỏi không biết những năm 1965, 1966 cuộc chiến thực sự diễn ra trên trời, trong rừng tại VN hay tại Ngũ Giác Đài?
Davidson nói có lẽ khuyết điểm chính của McNamara là ông nhận định ra rằng cuộc chiến không thể thắng được dưới chính sách hạn chế như hiện nay mà một phần lớn do ông chủ trương hay ủng hộ. McNamara tiếp tục cuộc chiến vì nhiệm vụ nhưng ông ta cho là một mục đích không thực tế chút nào.
Mặc dù tăng phi vụ tăng từ 55,000 năm 1965 lên 148,000 năm 1966 và năm 1965 ném 33,000 tấn, năm 1966 tăng lên 148,000 tấn nhưng vẫn không ngăn được xâm nhập. Johnson chấp thuận cho làm hàng rào ngăn cản. Hàng rào điện tử McNamara được thực hiện từ đầu năm 1967 cho tới cuối tháng 9-1968 chấm dứt xây dựng, tốn 1 tỷ rưỡi và 740 triệu tiền điều hành một năm, nói chung thất bại.
Phe dân sự cho oanh tạc quá tốn kém thất bại, phe quân sự cho vì dân sự giới hạn mục tiêu nên thất bại.
Kết luận
Tháng tư 1954, Johnson đã đóng vai chính trong việc ngăn cản Hành Pháp can thiệp vào Điện Biên Phủ để rồi hơn mười năm sau nước Mỹ phải đương đầu với cuộc chiến đẫm máu, tốn kém hơn. Nay Johnson thừa hưởng hậu quả do chính ông và lại sai lầm trầm trọng thêm một lần nữa.
Như trên Johnson mâu thuẫn ở chỗ ông muốn thắng nhanh buộc BV phải đàm phán nhưng ông lại áp dụng chiến tranh giới hạn. Chính sách giới hạn của Johnson-McNamara kéo dài cuộc đưa tới chống đối tại mặt trận đất nhà. Một sai lầm lớn nhất của Johnson giao cho McNamara nhiều quyền lực kiểm soát và hạn chế các Tướng lãnh gây tranh chấp giữa dân sự và quân sự. Các sử gia, chính khách đều đã đánh giá thấp khả năng McNamara. Người dân qua thăm dò cũng đã không tin tưởng ông ta nhưng Johnson vẫn cố chấp giao trọng trách cho McNamara đưa tới thất bại trong chiến dịch oanh tạc cũng như bình định miền nam.
Vừa mở mặt trận oanh tạc BV, mặt trận đánh hao mòn địch tại miền nam Johnson cũng tạo ra cuộc chiến tại Ngũ Giác Đài những năm 1965, 1966, 1967 giữa hai phe dân sự, quân đội. Cuộc chiến này còn kéo dài cho tới đầu tháng 4-1969 khi nhiệm kỳ Johnson đã hết, cựu Tư lệnh Thái bình dương Đô đốc Sharp và cựu Tư lệnh Westmoreland công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến VN. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh mỹ trước chính sách hạn chế của Johnson-McNamara và lệnh cấm đánh qua Miên, Lào. Cuối tháng 4-1969 Đô đốc Sharp đăng báo công kích cựu Bộ trưởng McNamara không cho oanh tạc tiềm lực kinh tế BV mà chỉ cho ngăn chận xâm nhập khiến cho các cuộc oanh tạc hóa ra vô hiệu.
Chiến lược giới hạn không cho đánh qua miên, Lào là một khuyết điểm lớn, ông CaoVăn Viên nói(35)
“Gần một phần tư thế kỷ … CSVN có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần – trong nội địa hay bên quốc gia lân cận – những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị quấy phá.”
Tháng 3, 4, 5 năm 1969 Nixon cho B-52 oanh tạc các căn cứ CSBV tại biên giới Việt Miên phá hủy nhiều kho nhiên liệu, đạn dược, địch có 4 sư đoàn đóng tại khoảng 10 căn cứ địa này, cuộc oanh tạc có kết quả tốt (36). Nixon cho biết Johnson-McNamara nhiều lần gia tăng oanh tạc và kêu gọi BV đàm phán nhưng thất bại vì ta không thể mơn trớn ông Hồ và phía CS từ bỏ cuộc chiến mà phải bắt buộc họ từ bỏ (37). Nixon đánh giá chính phủ tiền nhiệm đã tỏ ra yếu đuối.
Johnson chủ trương đánh hạn chế để tránh lôi kéo Nga Trung Cộng vào cuộc chiến, nhưng ông đã lôi kéo cuộc chiến tại đất nhà nhập cuộc, một trận chiến quyết định và khốc liệt hơn hết, chính nó đã làm sụp đổ mọi nỗ lực của Tòa Bạch Ốc. Johnson đã không tiên liệu trước bi kịch này mà đáng lý phải Việt Nam hóa chiến tranh từ 1965. Ngoài ra chính phủ đã quá dễ dãi với truyền thông, cho tự do không kiểm duyệt tin tức chiến tranh trên TV, báo chí. Các ký giả sang VN quay phim, chụp hình về nước phổ biến thoải mái thúc đẩy phản chiến lên cao, sau này rút kinh nghiệm người Mỹ đã kiểm duyệt tin tức từ các chiến trường Iraq, Afghanistan.
Tháng 4 năm 1954, ý kiến sai lầm của Johnson đã ngăn cản Tổng Thống Eisenhower cứu Đông Dương vào giờ chót và những năm giữa và cuối thập niên 60, Johnson trở thành Tổng Thống lại bỏ lỡ cơ hội thêm một lần nữa. Đông Dương đã bắt đầu sụp đổ từ trận Mậu Thân đầu năm 1968 khi phản chiến lên cao mà không có gì ngăn cản nổi.
Sự sai lầm của một nhà lãnh đạo đã hai lần nắm giữ vận mạng Đông Dương để rồi con đường đưa tới thảm kịch những năm sau đó không thể nào tránh khỏi.
(1) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 188-200
(2) Sách nêu trên, trang 47
(3) Quân sử 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đọan hình thành 1946-1955, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH 1972, trang 160
(4) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 230
(5) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu;
Philippe Devillers: End of a War, Indochina, 1954
(6) Fredrik Logevall: Embers Of War, The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam, 2012; Ted Morgam: The Valley Of Death, The Tragedy at Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam, 2010.
(7) Fredrik Logevall: Embers of war.. trang 467, 468, 469
(8) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place.. trang 301
(9) Ted Morgam: The Valley Of Death… trang 406
(10) Sách nêu trên các trang 402, 403, 405, 406, 408
(11) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 313
(12) Sách nêu trên trang 462
(13) Sách nêu trên trang 308 “Perhaps without realizing it, Lyndon B. Johnson, on April 3, 1954, had made his first crucial decision on Viet-nam”
(14) The World Almanac of The Vietnam War trang 95
(15) National Archives, Statistical Information about Fatal Casualties of the Vietnam War
(16) Richard Nixon: No More Vietnams, trang 76
(17) Stanley Karnow. Vietnam A History, trang 435
(18) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 169
(19) Larry Berman: Lyndon Johnson’War, The Road to Stalemate in Vietnam trang 11
(20) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 192
(21) Sách nêu trên trang 197
(22) Sách nêu trên trang 215
(23) Larry Berman: Lyndon Johnson’War, The Road to Stalemate in Vietnam trang 13
(24) Sách nêu trên trang 22
(25) George Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 221
(26) Sách nêu trên trang 225
(27) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(28) Richard Nixon: No More Vietnam trang 88
(29) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 194, 198
(30) Lyndon Johnson’War các trang 15, 24, 25, 33, 53, 73, 94, 118
(31) Sách kể trên trang 121
(32) sách kể trên trang 178
(33) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power, The American Bombing of North Vietnam các trang 117, 134,144, 145
(34) Phillip B. Davidson: Vietnam At War The History 1946-1975 trang 389, 394
(35) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối của VNCH trang 282
(36) Henry Kissinger: White House Years trang 247, 248
(37) Richard Nixon: No More Vietnams trang 82
40 năm sau khi Hoa Kỳ để mất Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Ðồng Minh mất luôn Biển Nam Hoa – Vann Phan
Hoa Kỳ, quốc gia nằm ở phía Đông Thái Bình Dương – chứ không phải Cộng Sản Trung Hoa – với tiềm lực quân sự chế ngự toàn thể đại dương này, vẫn thường được coi là cường quốc Thái Bình Dương bởi lẽ Hạm Ðội Thứ 7 trực thuộc Hạm Ðội Thái Bình Dương có tổng hành dinh đóng tại Yokosuka trên đảo Honsu của Nhật Bản và có cả thảy 3 hàng không mẫu hạm, hằng nghìn máy bay cùng hằng trăm chiến hạm cũng như tiềm thủy đĩnh đủ cỡ, đủ loại, đang là lực lượng hùng mạnh vô địch trải rộng khắp miền, từ Guam tới Okinawa và từ Singapore cho tới Sydney.
Nhưng vị thế đó rồi đây sẽ không còn nữa khi Cộng Sản Trung Hoa, gọi cho gọn là Trung Cộng, đang ngày càng bành trướng thế lực trên biển (và có thể là cả trên bộ nếu một mai Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Cộng chiếu theo bản “Thỏa Thuận Thành Ðô” đầy bí ẩn được ký kết giữa hai Ðảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam hồi năm 1990), đặc biệt là tại hai Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Nam Hoa (South China Sea), nơi lực lượng hải quân Trung Cộng đang đối đầu quyết liệt với lực lượng hải quân của hai quốc gia Ðông Nam Á nhỏ bé hơn họ nhiều, là Cộng Sản Việt Nam, nước gọi Biển Nam Hoa theo cách riêng của họ là Biển Ðông, và Phi Luật Tân, nước gọi vùng biển này là Biển Tây (West Philippine Sea), căn cứ vào vị trí địa lý của vùng biển đó đối với đảo quốc này.
*Thế yếu hiện nay của các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mỹ, Ấn Ðộ và Nhật Bản
Trong mấy năm trở lại đây, cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản và Ấn Ðộ đều ráo riết ve vãn Cộng Sản Việt Nam, lộ liễu nhất là trong và sau cuộc khủng hoảng bang giao giữa hai nước cộng sản “anh em” kia, do việc Trung Cộng bất thình lình đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu bên trong hải phận (lãnh hải) Việt Nam trên Biển Nam Hoa để dò tìm dầu khí, với ý đồ không giấu diếm là muốn đặt Cộng Sản Việt Nam vào tình thế đã rồi là toàn bộ, hay ít ra cũng là hầu hết, Biển Nam Hoa đã thuộc chủ quyền của Trung Cộng, nếu như Cộng Sản Việt Nam và thế giới không có phản ứng gì.
Thật ra, những quốc gia tự do, dân chủ đó nỗ lực ve vãn – và có khi còn tỏ ra chiều chuộng thái quá – quốc gia Cộng Sản tại Ðông Nam Á này chẳng phải vì họ yêu thương gì lắm dân tộc Việt Nam hoặc cái Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang cai trị đất nước đáng thương đó mà chẳng qua là vì Cộng Sản Việt Nam, nước có cảng nước sâu Cam Ranh tốt hơn cả Rio de Janeiro của Brazil, đang giữ một vị thế chiến lược cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, tại phía Tây Thái Bình Dương, bởi vì Biển Nam Hoa ngoài khơi Việt Nam là thủy lộ huyết mạch từ Thái Bình Dương thông qua Ấn Ðộ Dương của các nước có kỹ nghệ phát triển và có nền kinh tế lớn trong vùng, như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ. Nếu Biển Nam Hoa lọt vào tay một cường quốc hùng mạnh và tham tàn như Trung Cộng thì coi như không riêng gì Việt Nam và Phi Luật Tân mà tất cả các nước nêu trên, luôn cả Thái Lan, Mã Lai Á, Singapore, Indonesia, Brunei và Úc Ðại Lợi, cũng khốn đốn lây.
Bề ngoài, có vẻ như cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Nam Hoa vẫn đang diễn tiến chứ chưa ngã ngũ, nghĩa là cả Trung Cộng lẫn Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân, cùng với các quốc gia ở phía Nam vùng biển này, là Mã Lai Á, Indonesia và Brunei, không ai thật sự nắm quyền kiểm soát hết Biển Nam Hoa. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Cộng đang làm chủ vùng biển đó, cho dù Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có Ấn Ðộ và Nhật Bản, có muốn hay không, chỉ vì một lẽ đơn giản là, trong thế giới ngày nay, khi Liên Hiệp Quốc chỉ là một tổ chức bù nhìn của các cường quốc, nguyên tắc mạnh được, yếu thua theo tiến trình đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên trong Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (Evolutionism/Darwinism) mới là yếu tố quyết định sự sống còn của một giống người hay của cả nhân loại – chứ không riêng gì loài động vật – đặc biệt là các nước nhược tiểu như Cộng Sản Việt Nam trước nanh vuốt của các quốc gia hùng mạnh và tham tàn như Trung Cộng. Vả lại, Cộng Sản Việt Nam, vì bị Trung Cộng kèm kẹp trong vòng ảnh hưởng của họ, chưa hề có được một cường quốc quân sự nào cam kết bảo vệ bằng một hiệp ước phòng thủ chung, như trường hợp Nhật Bản và Phi Luật Tân là hai quốc gia cũng đang đối đầu với Trung Cộng trong vấn đề chủ quyền biển đảo nhưng lại đang được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ.
Qua bao cuộc thử thách trên thế giới từ cuối thế kỷ trước cho tới nay, đặc biệt là trong các biến cố tại Georgia, Iran, Syria và Ukraine (Crimea), Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất của thế giới, viện cớ tiền bạc và tài nguyên đang cạn kiệt dần, đã chẳng dại gì mà hy sinh quyền lợi của mình để giúp đỡ kẻ cô thế chống lại cường quyền, mong tiếp tục giữ vững biệt danh “tay sen- đầm quốc tế” do phe Cộng Sản gán ghép cho Washington từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay.
Vả lại, Trung Cộng từng tuyên bố công khai và thẳng thừng rằng họ sẽ hành động một mình (vì họ quá mạnh khiến cả siêu cường Hoa Kỳ cũng chùn bước) chứ không chấp hành bất cứ phán quyết nào, dù có lợi hay có hại cho họ, của các tòa án quốc tế trong vấn đề tranh chấp tại Biển Nam Hoa, trong đó có Tòa Án Luật Biển Quốc Tế (International Tribunal for the Law of the Sea) và Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration), đừng nói chi tới Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Ðông (Declaration on the Conduct of Parties, DOC/South China Sea Code of Conduct) từng được các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Cộng Sản Trung Hoa thỏa thuận.
Vì Hải Quân Trung Cộng hiện đang là lực lực mạnh nhất trên Biển Nam Hoa ngày nay, cho nên họ cứ tự tiện ra vào nơi đây như chỗ không người, muốn đưa giàn khoan dầu tới đâu thì cứ tới, muốn nới rộng đảo nào hay bãi đá nào tại Hoàng Sa và Trường Sa thì cứ làm, và muốn vẽ bản đồ lãnh thổ của họ bao trùm tới đâu trên Biển Nam Hoa thì cũng cứ tùy ý muốn của họ, như trường hợp cái bản đồ gồm 9 đoạn đứt khúc (nine – dotted line) của vùng biển này do họ công bố, mà Cộng Sản Việt Nam ưa gọi một cách nôm na là “Ðường Lưỡi Bò” sau khi Hà Nội đã thất bại trong việc ngăn chặn sức liếm láp cực kỳ khó chịu của cái lưỡi bò đó. (1)
Hoa Kỳ, và cả Ấn Ðộ cũng như Nhật Bản, các cường quốc khác của thế giới có quyền lợi hàng hải trên Biển Nam Hoa, rất bực tức và lo ngại, nhưng chẳng làm gì được Trung Cộng trong lúc này, và có thể là cả trong tương lai dài lâu nữa.
*Nguyên do khiến các cường quốc Hoa Kỳ, Ấn Ðộ và Nhật Bản đành bất lực nhìn Trung Cộng chiếm hết Biển Nam Hoa
Các lý do quân sự, chính trị và kinh tế đã đưa đẩy 2 cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Thái Bình Dương và cường quốc Ấn Ðộ ở Ấn Ðộ Dương bó tay nhìn Cộng Sản Trung Hoa nuốt trọn Biển Nam Hoa, chận đường các thương thuyền và tàu chiến Hoa Kỳ và Nhật Bản đi từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương và ngược lại, buộc Ấn Ðộ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ chính sách “Hướng Ðông” (“Look East”) có từ hồi 1991 qua bốn đời Thủ Tướng: P.V. Narasimha Rao, Atal Bihari Vajpayee, Manmohan Singh, và Narendra Modi.
Không hiểu Cộng Sản Việt Nam nghĩ sao chứ Hoa Kỳ khá lo buồn khi nhìn đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa từng bị quân Trung Cộng đánh chiếm của Việt Nam Cộng Hòa hồi Tháng Giêng năm 1974, trở thành một căn cứ quân sự quy mô, với một phi trường có khả năng tiếp nhận các chiến đấu cơ phản lực và một quân cảng hoàn chỉnh, nơi trú đóng của 4,000 hải quân và thủy quân lục chiến Trung Cộng. Người Mỹ biết rằng đây chính là một “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” của hải quân Trung Cộng một khi chiến tranh xảy ra tại Ðông Nam Á giữa Trung Cộng và các lực lượng muốn duy trì tự do hàng hải trên Biển Nam Hoa.
Ðến Tháng Giêng năm 2015, Hoa Kỳ lại lo lắng nhìn Bãi Ðá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Cộng từng chiếm cứ khỏi tay Cộng Sản Việt Nam hồi năm 1988, nay đã được Trung Cộng biến thành một căn cứ quân sự. Trước đó, hình ảnh từ vệ tinh do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Cộng đã ra sức hút cát đại dương và tô bồi thêm cho đảo Gạc Ma (Johnson South Reef), cũng từng bị Trung Cộng cướp khỏi tay Cộng Sản Việt Nam trước đây để biến thành đảo riêng của họ, rồi nối dài thêm phi đạo của một phi trường mà họ mới dựng lên nơi đây thành một sân bay quân sự có thể dùng cho các chiến đấu cơ phản lực. Nếu Hoa Kỳ không để cho Trung Cộng cưỡng chiếm Quần Ðảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974 trong thế kỷ trước thì Trung Cộng đã không có một đầu cầu thiết yếu để xua quân đánh chiếm luôn nhiều đảo và bãi đá khác trên quần đảo Trường Sa ở phía Nam của Hoàng Sa. Về lỗi lầm tày trời này thì cặp bài trùng Richard Nixon và Henry Kissinger, tổng thống và ngoại trưởng Mỹ hồi thập niên 1970, trước hơn ai hết, phải hứng chịu mọi trách nhiệm trước lịch sử. (2)
Nhật Bản cũng lo buồn không kém Hoa Kỳ khi thấy Trung Cộng bành trướng tiềm năng quân sự tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Hải Quân Nhật Bản từng chiếm đóng và trấn giữ suốt thời gian Nhật Bản hất cẳng Pháp để nắm quyền cai trị ba nước Việt-Miên-Lào trên bán đảo Ðông Dương thuộc Pháp. Với kinh nghiệm tại Biển Hoa Ðông (East China Sea) ở phía Ðông Trung Cộng và phía Tây Nhật Bản, nơi Trung Cộng từng thiết lập một Vùng Cấm Bay (No-Fly Zone/Air Defense Identification Zone), không cho phép phi cơ dân sự và quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và các nước khác bay qua, Nhật Bản biết rằng, rồi đây, tàu thuyền và phi cơ của họ cũng sẽ không được phép đi ngang qua Biển Nam Hoa một khi Trung Cộng quyết tâm áp đặt một Vùng Cấm Bay tương tự giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi họ đang có các căn cứ quân sự, mà bản doanh có thể được đặt trên chiếc “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm,” tức là trên đảo Phú Lâm trong Quần Ðảo Hoàng Sa hoặc có thể là trên một số hòn đảo và bãi đá khác tại Quần Ðảo Trưởng Sa nữa. (3)
Phần mình, Ấn Ðộ đang ưu tư, lo lắng đứng nhìn thời thế thay đổi tại Biển Nam Hoa khi Trung Cộng dần dà chiếm đóng hết đảo này tới đảo khác trên hai Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có một sức mạnh nào cản nổi, bởi vì cả Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân đều không đủ sức mạnh – hoặc thiếu quyết tâm, như trong trường hợp rất đáng nghi ngờ của Cộng Sản Việt Nam – để kiềm chế hoặc ngăn chặn sức bành trướng quân sự của Trung Cộng trong vùng, trong khi Hoa Kỳ, cho tới nay, chỉ nói mà không làm, nên Trung Cộng chẳng hề nao núng.
Là một cường quốc lớn tại Á Châu, Ấn Ðộ cảm thấy cần thiết phải có tự do lưu thông hàng hải tại Biển Nam Hoa để tàu thuyền và phi cơ của họ có thể an toàn đi lại từ Ấn Ðộ Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại thông qua eo biển Malacca, nằm giữa bán đảo Mã Lai Á và đảo Sumatra của Indonesia. Ngay cả việc dò tìm dầu khí của các công ty dầu Ấn Ðộ tại thềm lục địa của Việt Nam cũng sẽ không thể thực hiện được một khi Trung Cộng đã chiếm trọn Biển Nam Hoa và lên tiếng đòi chủ quyền trên tất cả các giếng dầu phong phú trong vùng biển này.
Nguồn tin thông tấn xã AFP hôm 27 Tháng Giêng năm 2015 cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới bảo đảm “an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt tại Biển Ðông (tức Biển Nam Hoa)” qua một thông cáo chung nhân dịp nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc chuyến viếng thăm Ấn Ðộ. Trước đó, vào ngày 25 Tháng Giêng, cùng lên tiếng trong một bản tuyên bố nhan đề “Tầm Nhìn Chiến Lược Chung cho Vùng Á-Châu-Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương” (“Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean”), Tổng Thống Obama đã cùng với Thủ Tướng Modi xác định rằng hai quốc gia Mỹ và Ấn rất quan ngại về “những căng thẳng chung quanh các cuộc tranh chấp lãnh hải” tại Biển Nam Hoa. Ngày 28 Tháng Giêng năm 2015, các ngoại trưởng thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Mã Lai Á đã cùng nhau bày tỏ sự lo ngại về chuyện Trung Cộng liên tục đòi chủ quyền tại nhiều khu vực trong Biển Nam Hoa, đặt các quốc Ðông Nam Á vào thế phải đối mặt với tham vọng bá quyền nước lớn của Trung Cộng trong khi không có nước nào trong vùng đủ sức đối đầu về quân sự với nước láng giềng phương Bắc khổng lồ đó. (4)
*Vì đâu nên nỗi?
Sự thể này có nhiều nguyên do, trong đó có các nguyên do sau:
1. Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Cộng
Việc Hoa Kỳ bỏ cuộc nửa chừng, để cho Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt (1975) và kèm theo đó là việc Hoa Kỳ, chỉ một năm trước đó, đã làm ngơ không can thiệp để cho Trung Cộng chiến mất quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (trong trận Hải Chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19 Tháng Giêng năm 1974), là sai lầm chiến lược lớn lao nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ trước, (5) mặc dù Hoa Kỳ vẫn được tiếng là kẻ đã chiến thắng cuộc Chiến Tranh Lạnh (1945-1991) trong tư cách là cường quốc lãnh đạo Thế Giới Tự Do và nghiễm nhiên trở thành siêu cường Số 1 của thế giới sau sự sụp đổ của Cộng Sản Ðông Âu và sự tan rã của Liên Xô, tức Liên Bang Xô Viết. Có điều, Trung Cộng cùng 2 chư hầu của họ tại Á Châu, là Việt Nam và Bắc Hàn, cũng như Cộng Sản Cuba thân Liên Xô ở Tây Bán Cầu, đã không sụp đổ theo đúng các đánh giá khôn ngoan nhất mà loài người có thể đưa ra trong thế kỷ trước.
Có thể lúc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1973-1975, các chính trị gia Mỹ, nhất là Quốc Hội Mỹ (là kẻ nắm hầu bao trong mọi cuộc chiến), chỉ có mục đích thiển cận là nhằm tiết kiệm mỗi năm chừng nửa triệu Mỹ kim tiền viện trợ – Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ cần có thế đặng giữ vững Miền Nam Việt Nam – để dành số tiền đó lo cho phúc lợi của dân chúng Mỹ trong nước. Ðâu có ai biết rằng, vì để mất Việt Nam Cộng Hòa trong thế kỷ trước, qua thế kỷ này Hoa Kỳ đã phải chi ra mỗi năm hàng chục tỉ Mỹ kim để chống đỡ những ngón đòn của Trung Cộng trên khắp các mặt trận toàn cầu, đặc biệt là tại Biển Nam Hoa, thủy lộ sinh tử của Mỹ và các nước đồng minh từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương.
Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, chiếc tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do, đã trở thành sự sụp đổ của chiếc tiền đồn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh Á Châu của Mỹ, như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Nam Hàn và Phi Luật Tân, trước tham vọng bá quyền của Trung Cộng tại Á Châu. Một Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, với hải, lục không quân tinh nhuệ và với một đội quân được các chuyên gia quân sự đánh giá là hùng mạnh vào hàng thứ 7 trên thế giới trước năm 1975 mà còn được bảo vệ bằng một hiệp ước an ninh chung với Hoa Kỳ, sẽ làm Trung Cộng nản lòng trong bất cứ tham vọng bá quyền nào của họ, ít nhất là tại Ðông Nam Á và Biển Nam Hoa, đừng nói gì tới chuyện thách thức vị thế bá chủ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Cần phải nói thêm rằng, ngoại trừ Israel – với cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái giàu mạnh và rất có thế lực tại Hoa Kỳ – Việt Nam Cộng Hòa là đồng minh tốt nhất và đáng tin cậy nhất của Hoa Kỳ trong suốt dòng lịch sử nếu đem so với các đồng minh khác trên toàn thế giới, như Afghanistan và Iraq chẳng hạn, là những kẻ sẵn sàng xả súng bắn vào người bạn đồng minh Hoa Kỳ cho dù họ chưa hề bị bỏ bỏ rơi ngang xương như trường hợp của Miền Nam Việt Nam cách nay 4 thập niên.
Với những bộ óc khá ưu việt – cỡ bộ óc của các Giáo Sư Bửu Hội và Nguyễn Xuân Vinh thuộc thế hệ trước cũng như của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ loại bom ép nhiệt thermobaric, và Tiến Sĩ Nguyễn Ðịnh, cha đẻ loại vũ khí bắn tia Free Electron Laser, của Hoa Kỳ thuộc thế hệ hiện nay – và với tiềm năng dầu khí dồi dào tại thềm lục địa Miền Nam Việt Nam, thế giới không thể loại bỏ khả năng Việt Nam Cộng Hòa trở thành một cường quốc nguyên tử (vì lẽ sinh tồn tự nhiên của một nước nhỏ bên cạnh một nước láng giềng to lớn và hung ác), cho dù cường quốc này có thể cũng sẽ phải ẩn thân trong vòng bí mật như Israel. Ðó thật sự là cơn ác mộng của Trung Cộng, kẻ chưa hề biết sợ mà từ bỏ chủ trương bá quyền Ðại Hán. Và dĩ nhiên, hồi thế kỷ trước, một khi Trung Cộng thấy Hoa Kỳ quyết tấm giữ vững Miền Nam Tự Do để bảo vệ sườn phía Tây của Thái Bình Dương thì họ không bao giờ dám đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa như họ đã làm hồi năm 1974, chỉ 1 năm trước ngày Sái Gòn sụp đổ vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Còn chuyện đảo Gạc Ma và Bãi Ðá Chữ Thập – do Cộng Sản Việt Nam quản lý sau khi Việt Nam Cộng Hòa cáo chung – bị Trung Cộng đánh chiếm hồi năm 1988 thì chuyện đó sẽ không làm sao xảy ra được nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
2. Hoa Kỳ giúp Trung Cộng phát triển kinh tế mong trục lợi từ một thị trường béo bở
Một lỗi lầm chiến lược trầm trọng vào bậc nhất khác của Hoa Kỳ trong thế kỷ trước di hại tới thế kỷ sau là Hoa Kỳ đã giúp Trung Cộng phát triển kinh tế những mong trục lợi từ một thị trường béo bở như thị trường đông cả tỉ người trên lục địa Trung Hoa, thay vì giúp Nga chấn hưng kinh tế sau khi Liên Xô tan rã.
Sự tồn tại dai dẳng và không thể nào đảo ngược lại được của chế độ độc tài Cộng Sản tại Trung Hoa – qua sự thất bại thảm thương và cay đắng của các phong trào đòi tự do, dân chủ tại Thiên An Môn (1989) và Hồng Kông (2014) – cho thấy Hoa Kỳ, với chính sách “Trợ Tàu, diệt Nga” thời Chiến Tranh Lạnh, đã tự ý tạo ra cho chính mình một kẻ thù mới hùng mạnh và nham hiểm bội phần so với kẻ thù cũ Liên Xô. Giờ đây, Trung Cộng đã trở thành đối thủ sinh tử của Hoa Kỳ, kẻ đang “tranh bá, đồ vương” với Hoa Kỳ trên khắp các mặt trận có quy mô thế giới.
Rõ ràng là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Hoa Kỳ, thông qua việc chuyển nhượng khoa học, kỹ thuật không chút e dè của các công ty Mỹ lúc nào cũng tối mặt trước lợi nhuận thu vào bất kể quốc gia hưng vong, nền kinh tế Trung Cộng, chẳng bao lâu nữa sẽ (thật sự) vượt qua Hoa Kỳ để tiến lên vị thế hàng đầu thế giới vẫn do Hoa Kỳ nắm giữ từ sau Thế Chiến 2 đến nay. Có thể nói rằng, khi giúp Trung Cộng mở mang kinh tế (kéo theo kỹ thuật tân tiến), Hoa Kỳ đã vô tình giúp Trung Cộng khả năng mua sắm được hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng các tiềm thủy đĩnh nguyên tử và chế tạo được các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 cỡ Chengdu J-20 and Shenyang J-31, chẳng thua thua kém gì các siêu máy bay chiến đấu F-22 Raptors và F-35 Joint Strike Fighters Lightning II của Hoa Kỳ. (6)
Hồi Tháng Giêng năm 2015, trong một bài viết trên tạp chí The National Interest nhan đề “The Foreign Policy Essay: Why China Will Become a Global Military Power,” tức “Luận Về Chính Sách Ngoại Giao: Vì Sao Trung Cộng Sẽ Trở Thành Cường Quốc Quân Sự Của Thế Giới,” Oriana Skylar Mastro, giáo sư môn nghiên cứu an ninh tại trường Edmund A. Walsh School of Foreign Service thuộc Ðại Học Georgetown University, cho rằng sớm muộn gì rồi quốc tế cũng phải chấp nhận sự thể Trung Cộng là một cường quốc quân sự của thế giới.
Nguồn tin Tân Hoa Xã hồi cuối Tháng Mười Một năm 2014 từng cho hay “Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thời đại Mỹ là siêu cường duy nhất thế giới sắp kết thúc, Bắc Kinh quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.” Ðiều này cho thấy việc Trung Cộng lăm le thôn tính nhược tiểu Việt Nam chỉ nằm trong mục tiêu ban đầu của họ mà thôi, trong khi mục tiêu tối hậu của quân Ðại Hán là làm sao có thể thôn tính luôn cả siêu cường Hoa Kỳ.
Theo lời tiên đoán của đại văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), tác giả The Gulag Archipelago, tức quần đảo Gulag, từng sống lưu vong tại Mỹ năm 1974 nhưng sau đó chán ngán xã hội Mỹ chỉ biết chăm chú hưởng thụ vật chất mà xao lãng mặt tinh thần nên đã quay trở lại Nga năm 1994, Hoa Kỳ sẽ sụp đổ từ bên trong chứ không cần phải bị ai đánh từ bên ngoài, bởi vỉ đây là một siêu cường đầy những lỗ hổng, với cả hai đảng chính trị lớn chỉ biết lo cho quyền lợi của đảng mình (chẳng khác gì Cộng Sản, nhưng vẫn còn khá hơn), với “lục phủ, ngũ tạng” đều rệu rã, và với lòng hận thù chủng tộc sâu sắc tới độ nền pháp trị dữ dằn kiểu Mỹ vẫn không kiềm chế nổi.
Trung Cộng có thể sẽ không đối đầu với Hoa Kỳ qua một cuộc chiến tranh nguyên tử theo kiểu Bắc Hàn từng hăm dọa Mỹ, nhưng rõ ràng là họ đang dùng ngón đòn vật chất, mà tiền bạc là chính, để “mua đứt” các cơ sở kinh tế của Mỹ và gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo siêu cường này bằng cách tài trợ các chuyến đi du lịch đầy thú vui và lắm khoái lạc để sau này bắt bí, buộc “người tiêu thụ” các thú vui đó phải điều chỉnh chính sách quốc gia sao cho có lợi cho Trung Cộng. Từ cả chục năm nay, Trung Cộng đã thực hiện không biết bao nhiêu là cuộc tấn công trên mạng (cyber attacks) trong khuôn khổ cuộc chiến tranh điện toán (cyberwarfare) vào các cơ sở kinh tế, kỹ nghệ và quân sự của Mỹ nhằm đánh cắp khoa học, kỹ thuật cùng các thông tin thương mại, đồng thời sử dụng các chiêu thức tuy cổ điển nhưng hữu hiệu, trong đó có cả khổ nhục kế và mỹ nhân kế, với mục đích làm suy yếu giới lãnh đạo Mỹ lúc nào cũng ham vui và cần tiền để vận động bầu cử, song song với việc ráo riết cạnh tranh nhằm triệt hạ ảnh hường của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, rõ rệt nhất là tại các nước Phi Châu và Nam Mỹ.
Cần biết rằng bản chất của người Mỹ là thực tiễn và ham thich tiền bạc nên họ rất dễ sa vào các bẫy sập của Trung Cộng. Cũng nên biết rằng, từ năm 1949, lúc cộng sản chiếm quyền tại Hoa Lục, cho đến nay, chính sách ngoại giao Ðại Hán của Cộng Sản Trung Hoa rất nhất quán và hầu như không hề thay đổi, dù là dưới thời Mao Trạch Ðông hay Ðặng Tiểu Bình hay Hồ Cẩm Ðào trước kia hoặc Tập Cận Bình ngày nay. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian kể trên, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã thiếu tình liên tục và có khi còn mâu thuẫn nhau trầm trọng, dưới đời 12 vị tổng thống, là Harry Truman, Dwight Eisenhower, John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George W.H. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, và Barck Obama.
3. Hoa Kỳ quá tự tin vào sức thu hút của chủ nghĩa tư bản và nền tự do, dân chủ
Một lỗi lầm lớn lao nữa của Hoa Kỳ là sự thể Chú Sam quá tự tin vào sức thu hút của chủ nghĩa tư bản và nền tự do, dân chủ của thế giới bên ngoài các xã hội độc tài, đảng trị tại Cộng Sản Trung Hoa, Cộng Sản Việt Nam, Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Cuba. Khi giới thiệu chủ nghĩa tư bản vào Trung Cộng và Việt Nam, Hoa Kỳ cứ làm như là chủ nghĩa tư bản hay ho tới độ sẽ cảm hóa được dân chúng tại đây và làm say mê Bộ Chính Trị của các đảng Cộng Sản đang cai trị tại Bắc Kinh và Hà Nội tới mức họ sẽ bỏ phăng đi đường lối cộng sản mà chạy theo chế độ tự do, dân chủ do Hoa Kỳ bày vẽ. Sự thật thì cả hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đều tương kế, tựu kế, cứ việc ngửa tay lấy tiền của từ “bọn tư bản” để rồi nỗ lực nuôi nấng và củng cố đảng cộng sản của mình cho ngày càng thêm bền vững.
Một ví dụ sống động là tấm gương do cựu đại sứ Mỹ tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Michael W. Michalak (2007-2011) để lại. Ông Michalak rất hãnh diện về nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam, bởi lẽ chính trong thời gian này mà số du học sinh Việt Nam sang Mỹ du học đạt tới một đỉnh cao mới, với số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của ông tăng gấp đôi so với lúc ông vừa mới nhậm chức cách đó 4 năm. Cũng như bao chiến lược gia tài ba trên đất Mỹ, vị đại sứ cứ tin rằng hễ giáo dục được càng nhiều con em các lãnh tụ cộng sản Việt Nam bao nhiêu theo lối Mỹ thì triển vọng các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam từ bỏ chế độ độc tài, đảng trị hiện nay để chuyển sang chế độ tự do, dân chủ kiểu Mỹ càng tươi sáng hơn bấy nhiêu. Sự thật thì kết quả đã trái ngược hoàn toàn, bởi vì con cháu các lãnh tụ cộng sản được gởi đi du học tại Mỹ, khi nối ngôi cha ông của họ, đã không đưa đất nước đi theo chế độ tự do, dân chủ kiểu Mỹ – để chỉ có thể cai trị tối đa là 8 hay 10 năm giữa những lời phê phán và chỉ trích gay gắt trong một xã hội có tự do ngôn luận – mà họ đã ra sức trói buộc Việt Nam trong chế độ cộng sản độc tài để họ được quyền cai trị suốt đời mà không ai dám hé môi phản đối, cho dù đất nước đang có nguy cơ mất vào tay Trung Cộng nếu Việt Nam không chịu thay đổi thể chế chính trị. (7)
Tương tự như thế, đã có hằng nghìn trí thức và chuyên gia Trung Cộng, một số không nhỏ là con cháu các đảng viên gạo cội trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, từng du học Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1970 tới nay, nhưng chưa hề có ai, khi leo lên tới vị trí lãnh đạo trong guồng máy cai trị của Bắc Kinh, nghĩ tới chuyện từ bỏ chế độ độc tài, độc đảng do phe cộng sản nắm giữ mà đi theo con đường đa nguyên, đa đảng để tạo cơ hội cho các đảng phái khác thay họ mà lên cầm quyền. (8)
*Thay lời kết
Trong những ngày tháng này, những người Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa cũ còn ở trong nước hoặc đang ở hải ngoại sắp sửa tưởng niệm 40 năm ngày mất nước, tức tưởng niệm 40 năm biến cố Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, một biến cố mà mới đầu ai cũng tưởng như chỉ là nỗi bất hạnh riêng của 20 triệu đồng bào Miền Nam Việt Nam nhưng không ngờ lại là nỗi đau chung của cả một dân tộc gồm 90 triệu người đang phải sống dưới một chế độ chính trị bất công, bạo tàn và tồi tệ chưa từng thấy mà đành bất lực, không có cách nào dứt bỏ đi được, cứ y như là một thứ nghiệp báo phải mang vào thân mãi tới khi nào ông Trời ngó lại và cho thoát đi thì mới dứt được kiếp lầm than, hay nói như Nguyễn Du: “Ðã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa…”
Sau bao nhiêu tháng, năm sống cuộc đời lưu vong trên “đất khách” mà nay đã là quê hương mới của mình, người Việt tha hương có thể đã thấm thía với sự thật là hầu như cái ác đang thắng cái thiện trên khắp thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Ðối với những ai còn vọng tưởng tới một tương lai xán lạn cho tổ quốc Việt Nam về sau, những người đó cần lưu ý ít nhất là 2 điều này:
1. Khác với trường hợp nước Nga của ông Vladimir Putin qua vụ Ukraine, đối tượng mà Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu tha hồ cấm vận kinh tế và chính trị, thế giới không thể nào cấm vận hoặc trừng phạt kinh tế và chính trị để ngăn chặn tham vọng bành trướng Ðại Hán của Cộng Sản Trung Hoa, cho dù nước này có hung ác đối với các nước nhược tiểu (cỡ Tây Tạng, Tân Cương hoặc Việt Nam) đến cách mấy đi nữa và lại còn đang rình rập để chờ cơ hội thâu tóm cả Hoa Kỳ, bởi vì quyền lợi kinh tế, tức là quyền lợi vật chất, của các nước tự do, dân chủ trên thế giới – nhất là Mỹ – tại Cộng Sản Trung Hoa đã quá chằng chịt và quá lớn lao tới độ không thể dứt ra được nếu họ không muốn chính mình cũng bị “hụt ăn.” Hơn nữa, thật khó cho các nền kinh tế hạng nhì, hạng ba của thế giới lại đi cấm vận nền kinh tế hàng đầu thế giới, một vị thế mà, chẳng sớm thì muộn, Trung Cộng sẽ giành được, bởi vì các công ty tại Mỹ và Âu Châu, vì thiếu tiền, vẫn cứ tiếp tục “bán mình” cho các nhà đầu tư Trung Cộng mà không hề biết lo cho tương lai của “tổ quốc” mình khi các kỹ thuật tân tiến do họ nắm giữ lọt vào tay một đối thủ nham hiểm. (9) Mà chừng nào Ðảng Cộng Sản Trung Hoa còn thì các Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Bắc Hàn vẫn tồn tại, và đó là chân lý bất di, bất dịch, cho dù sông có thể cạn, núi có thể mòn. Phải biết rằng, trong cuộc giằng co, nếu có, giữa Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam, thời gian luôn đứng về phía Trung Cộng chứ không phải về phía Cộng Sản Việt Nam, hay nói nôm na là “hễ ai dài hơi hơn thì người đó sống.” Mà rõ ràng là Trung Cộng lúc nào cũng dài hơi hơn. (10)
2. Căn cứ vào quyết tâm không chịu rời bỏ chủ nghĩa Cộng Sản của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội để Việt Nam có thể tách rời khỏi ảnh hưởng của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc cùng những lời tuyên bố và hành động của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam trong và sau biến cố giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam hồi Tháng Năm năm 2014 khi họ chỉ coi đây là “chuyện nhỏ,” nên hiểu rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ không bao giờ ngã về phía Mỹ, Nhật Bản và Ấn Ðộ để hy vọng có thể giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như mọi người ngày đêm vẫn cứ tơ tưởng. (11) Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng không cần phải cho tiền, tặng vũ khí cho Cộng Sản Việt Nam chống đánh Cộng Sản Trung Hoa làm chi cho uổng công và hao của.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng ỡm ờ và lập lờ trong vấn đề chống hay theo Trung Cộng – phần thì nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế để được o bế và cho không món này, món nọ, phần thì để xoa dịu đồng bào trong nước cho bớt đi sức đòi hỏi và chống đối – dù trong bối cảnh cảnh tổ quốc lâm nguy, làm cho các nhà lãnh đạo thế giới từ Barack Obama (cùng John Kerry) cho đến Shinzo Abe và Narendra Modi phải lăng xăng, lính quýnh, và làm cho toàn thể dân tộc Việt Nam bị trị cứ phải mừng hụt hoài. Thật là: “Người khôn ăn nói nửa chừng…” đúng y như câu ca dao thâm thúy của Việt Nam tự nghìn xưa từng nói vậy.
Ghi chú:
(1) Hoa Kỳ, và cả Nhật Bản cũng như Ấn Ðộ, đang ở trong một vị thế rất lúng túng khi muốn ngăn chặn Trung Cộng xâm chiếm toàn bộ Biển Nam Hoa, bởi vì nếu muốn làm như thế thì hai nước ở phía Tây và phía Ðông quay mặt vào vùng biển này, tức Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân, phải ở cùng chiến tuyến với họ. Trong khi đó, trên thục tế, Mỹ, Nhật và Ấn chỉ có được Phi Luật Tân, nước có một quân đội chẳng mạnh mẽ gì, là đồng minh quân sự trong khi Cộng Sản Việt Nam, từ trước tới nay, chưa hề là đồng minh của Mỹ, Nhật hay Ấn, ngoài điều may mắn duy nhất là Cộng Sản Việt Nam ngày nay đã thôi không còn coi Hoa Kỳ là “kẻ thù của nhân dân ta” nữa, mặc dù Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn vậy, chứ có khác gì đâu. Tình trạng này càng làm tăng thêm giá trị vô song của Việt Nam Cộng Hòa xưa cũ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu-Thái Bình Dương của họ. Nhưng chính Hoa Kỳ, chứ chẳng ai khác, đã tự mình để mất đi “quân cờ” Việt Nam Cộng Hòa từ hồi 1975 đến nay rồi, giờ đây Hoa Kỳ lấy cái gì mà đánh đấm nữa trên ván bài “chuyển trục về Á Châu” (“Pivot/Rebalancing to Asia”) của mình?
(2) Không gì trớ trêu hơn là sự thể, chỉ sau hơn 2 thập niên khi Liên Bang Xô Viết và Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ – kéo theo sự sụp đổ của “liên minh ma quỷ Nga-Hoa” và nước Nga dân chủ dưới quyền Tổng Thống Boris Yeltsin đang trên đường trở thành một “đồng minh” của Mỹ và các nước dân chủ, tự do khác, nước Nga ngày nay của Tổng Thống Vladimir Putin, với lề lối cai trị chẳng khác gì của một tổng bí thư đảng cộng sản, đang biến Hoa Kỳ trở lại thành kẻ thù của mình, đồng thời còn quyết tâm phục hồi cái “liên minh ma quỷ Nga-Hoa” trước đây – qua việc Nga chấp nhận bán khí đốt và vũ khí tối tấn – cỡ máy bay chiến đấu SU-35 và hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Cộng mà không còn sợ sệt gì cho an ninh biên giới của mình nữa- để chống lại Hoa Kỳ và Âu Châu. Chiến lược “Trợ Tàu, diệt Nga” của Tổng Thống Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Kissinger nhằm đánh sụp cái “liên minh ma quỷ Nga- Hoa” nay đã trở thành công dã tràng xe cát.
(3) Hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản, chứ không phải Cộng Sản Việt Nam, rất có nguy cơ bị Trung Cộng đánh trước nay mai vì mối thù truyền kiếp giữa 2 cường quốc Á Châu này, nhất là vì cái nhục mà nước Trung Hoa vào thời trước khi cộng sản nắm quyền tại lục địa (1949) phải hứng chịu dưới bàn tay quân phiệt Nhật, từ vụ Quân Ðội Thiên Hoàng Nhật tấn công vào Lư Cầu Kiều cho tới vụ tàn sát hằng chục nghìn dân Trung Hoa ở Nam Kinh (The Nanking Massacre) – mà thế giới vẫn ưa gọi là Vụ Cưỡng Hiếp Nam Kinh (The Rape of Nanking)- trong 2 năm 1937 và 1938. Giới lãnh đạo Trung Cộng đã không giấu giếm ý đồ muốn rửa hận bằng một trận huyết chiến máu chảy thành sông, xương chất thành núi với Nhật Bản, chỉ ngặt một điều là Chú Sam hiện vẫn còn hùng mạnh và đang có hiệp ước an ninh chung với xứ Phù Tang nên Trung Cộng đành nghiến răng kèn kẹt mà nuốt giận. Nếu một mai Hoa Kỳ suy yếu và co cụm lại thì Nhật Bản sẽ biết tay Trung Cộng ngay. Ngày 22 Tháng Chạp năm 2014, thông tấn xã Kyodo của Nhật loan tin Trung Cộng đang ráo riết xây dựng một căn cứ quân sự lớn ngoài khơi tỉnh Chiết Giang gần quần đảo Diaoyu Dao (Ðiếu Ngư) – mà Nhật gọi là quần đảo Senkaku- nơi Trung Cộng và Nhật Bản vẫn tranh chấp chủ quyền dằng dai. Nguồn tin thông tấn xã AFP hôm 29 Tháng Giêng năm 2015 cho hay Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã khởi đầu một loạt các cuộc tập tận trên bộ, trên không và trên biển nhằm “cải thiện khả năng chiến đấu” của các lực lượng võ trang của họ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ (local wars).” Rõ ràng là Trung Cộng đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự quyết liệt với Nhật Bản trong vùng Biển Hoa Ðông, chưa cần tính tới các nước nhỏ trong vùng Biển Nam Hoa.
(4) Một bài báo của Michelle FlorCruz trên tờ International Business Times, ngày 29 Tháng Giêng năm 2015, cho biết Hoa Kỳ tuyên bố cần đến sự trợ giúp của các máy bay tuần thám Nhật trên Biển Nam Hoa nhằm theo dõi cuộc tranh chấp lãnh hải đang gây căng thẳng giữa Trung Cộng và các quốc gia Ðông Nam Á. Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Nhật Bản và các quốc gia Ðông Nam Á ngày nay càng lo lắng về chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng tại Biển Nam Hoa chừng nào thì việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay cộng sản hồi thập niên 1970 trong thế kỷ trước càng trở nên một lỗi lầm chiến lược tày trời của Quốc Hội Hoa Kỳ thời đó.
(5) Theo tài liệu “Hải Chiến Hoàng Sa” của Wikipedia tiếng Việt, hồi năm 1970, Ðô Ðốc Elmo Zumwalt, tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, đã họp báo tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ. Theo nhận định của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì đây là sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là nguy cơ cho Việt Nam Cộng Hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Nếu vậy, việc Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa là chủ trương đã có từ lâu (1970) của (Hải Quân) Hoa Kỳ – nhằm tránh những cuộc đụng độ không cần thiết giữa lực lượng Mỹ và lực lượng các quốc gia đang lăm le tranh đoạt những hòn đảo và bãi đá thuộc Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, ngoài Việt Nam Cộng Hòa, còn có Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) và Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) trong số các nước khác – chứ không phải là cuộc trao đổi quyền lợi giữa Nixon và Chu Ân Lai sau này, bởi vì chính sách “ngoại giao bóng bàn” giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chỉ khởi sự từ hồi Tháng Tư năm 1971, và 1 năm sau đó, tức Tháng Hai năm 1972, mới diễn ra cuộc viếng thăm lịch sử (nhưng tai hại) của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Bắc Kinh.
(6) Theo Thông Tấn Xã Australian Associated Press, Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ Quan NSA của Mỹ, đã tiết lộ với tạp chí Ðức Der Spiegel rằng Trung Cộng đã đánh cắp được bản vẽ máy bay F-35 Lightning II từ công ty Lockheed Martin, nhà thầu chế tạo phi cơ này, hồi năm 2007, rồi dùng các chi tiết lấy được đó để chế tạo ra các chiếc Chengdu J-20 và Shenyang J-31.
(7) Tại cuộc hội thảo về “Quan Hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” (“Vietnam-United States: 20 more successful years”) do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Tế của Hoa Kỳ và Ðại Học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ở Hà Nội vào ngày 26 Tháng Giêng năm 2015, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Cộng Sản Việt Nam, ông Ted Osius, có tuyên bố rằng “Hoa Kỳ mong muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập.” Hai nhân vật khác cũng lạc quan không kém về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là Murray Hiabert và Phương Nguyễn thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Tế, đồng tác giả bài báo nhan đề “An Assertive China Opens the Door to Closer US-Vietnam Naval Ties,” tức “Một Nước Trung Hoa Hùng Hổ Ðưa Ðến Mối Quan Hệ Hải Quân Mỹ-Việt,” cho rằng nhờ Trung Cộng quá hung dữ nên Cộng Sản Việt Nam phải hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Cũng nhờ lạc quan, hồi năm ngoái, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho các nhà buôn vũ khí Mỹ bán ra các máy bay, chiến hạm và súng ống tân tiến cho kẻ thù cũ của mình tại Ðông Nam Á mà không chút e dè rằng đây có thể là một con dao 2 lưỡi nếu nghĩ tới các bí mật về vũ khí của Hoa Kỳ từng được sang tay cho Trung Cộng qua ngã 2 đồng minh thân thiết của Mỹ (thời Chiến Tranh Lạnh) nhưng cũng có quan hệ này nọ với Trung Cộng, là Pakistan và Ðài Loan (Trung Hoa Dân Quốc xưa).
(8) Trái với tính toán của các chiến lược gia lỗi lạc của Hoa Kỳ trong mưu đồ cung cấp một nền giáo dục siêu đẳng để thâu tóm tinh hoa quốc tế, một số không nhỏ các khoa học gia ưu hạng gốc Trung Hoa, từng được đào tạo chuyên môn hoàn hảo tại các học viện kỹ thuật lừng lẫy của Hoa Kỳ, đã chọn con đường về nước cũ để phục vụ nhằm sớm đưa đất nước họ tiến lên địa vị siêu cường trên thế giới, bởi vì, bên trong mỗi một người Trung Hoa, luôn tiềm ẩn giấc mộng Ðại Hán, coi Trung Hoa là trung tâm hội tụ những gì là tinh hoa của thế giới. Việc các khoa học gia Mỹ gốc Trung Quốc ưa đánh cắp các bí mật của Mỹ trong lãnh vực kinh tế (trường hợp ông Kexue Huang hồi năm 2011) và quân sự (trường hợp của kỹ sư Chi Mak hồi năm 2005) để trao cho Trung Cộng và sự thể một số tướng lãnh đồng minh Ðài Loan của Mỹ đánh cắp bí mật quân sự và vũ khí rồi giao cho Trung Cộng (trường hợp các Tướng La Hiền Triết hồi năm 2011 và Hứa Nãi Quyền hồi năm 2015) đã chứng minh rằng người Trung Hoa có tinh thần dân tộc (Ðại Hán) cao hơn bất cứ giống người nào khác trên thế giới.
(9) Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Hoa Kỳ luôn tránh né chuyện đụng độ với Trung Cộng vì quyền lợi kinh tế chằng chịt của các tập đoàn tư bản Mỹ (chuyên giật dây các nhà lãnh đạo ở Washington) cũng có mà vì tâm lý “dại gì lại đem chén kiểu đổi chén sành” cũng có. Hồi Tháng Tư năm 2001, lúc Tổng Thống George W. Bush mới lên cầm quyền, vị tổng thống thuộc loại “cao-bồi Texas” này cũng không dám dùng hải và không quân phong tỏa đảo Hải Nam (như người ta cứ tưởng thế) để lấy lại chiếc máy bay thám thính đã bị Trung Cộng cưỡng ép hạ cánh xuống đảo này vì bị coi là đã xâm phạm không phận Trung Cộng trong một chuyến bay do thám. Trung Cộng bắt được chiếc phi cơ đó, một chiếc EP-3E ARIES II, và đã lấy đi nhiều bí mật quân sự cũng như tháo gỡ một số máy móc kỹ thuật trên chiếc phi cơ trước khi đem trả “cái xác không hồn” này về cho Mỹ. Cũng thế, trong vụ Iran tịch thu chiếc máy bay drone của Hoa Kỳ, một chiếc RQ-170 Sentinel, lạc đường bay qua biên giới nước này, hồi Tháng Chạp năm 2011, thời Tổng Thống Barack Obama, Mỹ đâu có dám hành quân lấy lại chiếc máy bay này. Iran đã kéo chiếc máy bay đó về một nơi thanh vắng và mời các chuyên gia quân sự háo hức của Nga và Trung Cộng đến phanh thây, xẻ thịt chiếc máy bay để ăn cắp kỹ thuật, rồi mỗi nước từ đó chế tạo ra những chiếc drone giống hệt như chiếc máy bay đáng thương đó của Mỹ. Giới lãnh đạo đa mưu, túc trí Bắc Kinh, chứ không phải Mạc Tư Khoa, đã ngồi quan sát rất kỹ phản ứng của Hoa Kỳ qua 2 vụ này để có thể đi các nước cờ kế tiếp. Các quốc gia Trung Cộng, Nga và Iran – không chừng còn có cả Bắc Hàn nữa – những kẻ ưa thách thức Hoa Kỳ, đều bắt mạch thấy Hoa Kỳ bây giờ cũng vẫn chỉ là một “con cọp giấy,” coi bộ còn tệ hơn thời Chiến Tranh Lạnh ngày nào nữa, bởi vì ngày nay quyền lợi to lớn của các đại công ty Mỹ luôn trói tay các chính quyền liên tiếp ở Washington không cho đụng tới Trung Cộng, trong khi các khoản chiến phí khổng lồ lại làm cho Mỹ phải nghĩ đi, nghĩ lại, nếu không nói là ngán ngẩm, trước viễn tượng phải lâm chiến với các nước khác như Nga hoặc Iran hoặc Bắc Hàn.
(10) Ðiều mỉa mai là sự tồn tại của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam chỉ dựa vào cái “không biết” và cái “biết” của chính người dân Việt Nam. Trước năm 1975, vì “không biết” chủ nghĩa Cộng Sản là tồi tệ, đa số dân chúng ở Việt Nam – kéo theo giới phản chiến tại Mỹ và các nước Âu Châu – đã đi theo hoặc hùa theo Cộng Sản để dẫn đến chiến thắng cuối cùng của họ tại Miền Nam Tự Do vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Sau năm 1975, chính vì “biết” rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ tồn tại lâu dài nếu họ cứ bám riết theo đàn anh Trung Cộng, một số người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, bằng cách này hay cách khác, vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn đứng vững được nữa một khi nền kinh tế Trung Cộng sụp đổ – kéo theo xuống vực sâu giấc mộng tranh bá, đồ vương của Trung Cộng – theo như sự tính toán của một số kinh tế gia quốc tế hiện nay.
(11) Nếu Cộng Sản Việt Nam chịu từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản để đi theo con đường dân chủ đa nguyên, đa đảng thì Việt Nam sẽ không cần gì đến Trung Cộng. Nhưng nếu Cộng Sản Việt Nam vẫn cứ khư khư giữ lấy chế độ độc tài, đảng trị Cộng Sản (như họ đang làm hiện nay) thì đương nhiên là họ phải bám riết theo Trung Cộng để được che chở mà sống còn, thay vì chạy theo Mỹ để rồi cứ bị siêu cường này áp lực phải chuyển sang con đường tự do, dân chủ phóng khoáng mà họ cho là hay nhất (như họ đã từng làm đối với Miền Nam Việt Nam thời Ðệ Nhất Cộng Hòa dưới quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, để rồi Việt Nam Cộng Hòa suy yếu rồi mất luôn vào tay Cộng Sản).
Nguồn: https://haiz00.wordpress.com/2016/01/16/sau-40-nam-hoa-ky-va-dong-minh-mat-luon-bien-nam-hoa/
Vui cười
Bệnh nhân phàn nàn với bác sĩ là ông ta thường xuyên bị đau đầu. Bác sĩ hỏi:
– Ông có uống rượu không?
– Thưa bác sĩ, chưa bao giờ tôi uống lấy một giọt!
– Ông hút thuốc lá chứ?
– Thưa ngài, tuyệt đối không.
– Còn chuyện phụ nữ?
– Ồ! Tôi không hề nghĩ tới chuyện đó.
– Thế thì ông đúng là Thánh rồi! Có thể vầng hào quang trên đầu ông hơi bị chặt…
Hai nhân viên nói chuyện với nhau: “Sếp của tớ có trí nhớ siêu ghê…”
– Năm vừa rồi tớ lỡ đi muộn có 2 lần mà kỳ họp cơ quan nào ông ấy cũng cứ nhắc!
– Chưa bằng sếp cũ của tớ. Tớ chuyển cơ quan đó 5 năm rồi, lại thay đổi chỗ ở đến hai, ba lần, vậy mà hồi cưới vợ cho con, ông ấy vẫn tìm đến nơi được để đưa thiệp mời.
Có một cô gái nuôi được một con vẹt rất khôn, biết nói đủ chuyện. Một hôm cô gái thấy con vẹt bẩn quá bèn mang nó vào nhà tắm và tắm cho nó. Nhân tiện đã ướt đồ, cô gái cho con vẹt đứng rũ khô lông rồi tắm cho mình luôn. Con vẹt nghiêng ngó một hồi rồi cứ lải nhải “Thấy hết rồi nha ! Thấy hết rồi nha !”. Cô gái bực quá bèn xách con vẹt ra vặt hết lông trên đầu nó cho chừa cái tội nói bậy. Vài hôm sau, xếp của cô gái nọ lại nhà chơi. Con vẹt nghiêng ngó nhìn cái đầu hói của vị khách một lúc rồi rụt rè hỏi: “Bộ cũng thấy rồi hả ?”
Kế hoạch dự bị của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh với TC – Robert Beckhusen – Phạm Ðức Duy dịch
Hoa Kỳ không còn có thể dựa vào các căn cứ không quân của mình tại Thái Bình Dương để tránh khỏi các cuộc tấn công tên lửa trong một cuộc chiến tranh với TC. Trái lại, một bài báo đăng vào năm ngoái 2015 của cơ quan RAND đã lưu ý rằng trong trường hợp xấu nhất, “nếu phòng thủ thiếu kín đáo, các cuộc tấn công lớn hơn, chính xác và kéo dài có thể sẽ đưa đến những tàn phá, thiệt hại lớn về máy bay và đóng cửa các phi trường trong một thời gian dài”.
Căn cứ không quân Hoa Kỳ Kadena ở Okinawa tại Nhật, tương đối gần đại lục, sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Vào tháng 9 năm 2015, TC cũng đã công khai tiết lộ loại tên lửa đạn đạo mới DF-26, từ đại lục có thể tấn công căn cứ không quân Hoa Kỳ Andersen ở Guam, cách xa 3.000 dặm. Andersen và Kadena là hai căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất của quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Tinian, hòn đảo nhỏ gần đảo Guam đang từ từ trở thành một trong những căn cứ dự bị của Không quân Mỹ. Ngày 10 tháng 2 vừa qua, Tinian đã được chọn như một sân bay chuyển hướng “trong trường hợp căn cứ không quân Andersen ở Guam, hoặc các căn cứ khác ở vùng tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc phong tỏa.”
Trong ngân sách dành cho năm 2017, Ngũ Giác Ðài đã yêu cầu 9 triệu đô la để mua 17,5 mẫu đất “trong việc hỗ trợ các hoạt động chuyển hướng và các đề nghị tập luyện quân sự”, báo Saipan Tribune đưa tin. Trong thời bình, Không quân Mỹ ước lượng sân bay Tinian sau khi được mở rộng sẽ chứa “lên đến 12 máy bay tiếp nhiên liệu và một đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho các hoạt động chuyển hướng”.
Tinian hiện giờ là một nơi buồn tẻ.
Trong Thế chiến II, Sư đoàn 2 và 4 Marine của Mỹ đã chiếm hòn đảo, và sau này các phi cơ B-29 Superfortress Enola Gay và Bockscar đã cất cánh từ sân bay North Field tại Tinian và thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasakị Từng là một kho vũ khí trong thời chiến, hiện nay hầu hết các đường băng tại North Field bị bỏ hoang, không được sử dụng. West Field, một căn cứ không quân khác trên đảo lúc trước, hiện chỉ là một sân bay quốc tế nhỏ, ít được biết đến. Lúc đầu Hoa Kỳ muốn dùng Saipan làm phi trường quân đội. Cách Tinian không xa, Saipan có dân số 15 lần hơn Tinian, một phi trường lớn hơn và một bến cảng. Nhưng đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của các nhà hoạt động địa phương do các hiệu ứng về “san hô, nước sạch, giao thông vận tải địa phương và các yếu tố kinh tế xã hội đối với cộng đồng xung quanh,” báo Stars and Stripes đã đề cập. Phe chống đối lập thậm chí bao gồm cả giới ủng hộ việc kinh doanh trong đó có cả Phòng Thương mại của Saipan. Họ lo ngại rằng phi trường rỉ sét Tinian sẽ bị bỏ rơi trong lần chi tiêu lớn của Ngũ Giác Ðài kỳ này. Phi trường Saipan hiện cũng đang quá tải, và dân địa phương không hài lòng về triển vọng của hàng trăm phi công bay đến cho các khóa diễn tập quân sự kéo dài tới tám tuần mỗi năm. Có thể nói đây là một sự lập lại quá khứ. Lúc trước Hoa Kỳ đã phân tán các căn cứ không quân ở những mức độ khác nhau và ở nhiều nơi trên thế giới trong thời chiến tranh lạnh. Nhưng từ khi mối đe dọa của một cuộc tấn công tên lửa từ phía Liên Xô không còn nữa và lúc ngân sách quốc phòng sau Persian Gulf War bị cắt giảm nhiều trong thập niên ‘90, Hoa Kỳ đã chuyển sang xu hướng dùng những căn cứ rất lớn (mega-base) hoạt động theo quy mô kinh tế.
Tuy nhiên trong thời chiến mô thức phân tán các căn cứ quân sự có xác suất tồn tại nhiều hơn, Alan Vick của RAND đã nghiên cứu và kết luận trong năm 2015:“Phân chia những phi cơ trên nhiều căn cứ khác nhau tạo ra khả năng phòng hờ, dư bị trong lãnh vực điều hành trên mặt đất và các cơ sở. Điều này giúp tăng cường sự an toàn cơ bản của các chuyến bay bằng cách cung cấp nhiều chỗ đáp hơn cho những trường hợp cần chuyển hướng khẩn cấp hoặc lúc thời tiết xấu. Nó còn làm tăng số lượng các sân bay mà địch phải theo dõi và có thể gây khó khăn hơn cho kẻ thù lúc nhắm mục tiêu (một phần vì số lượng di chuyển giữa các căn cứ của các lực lượng bạn gia tăng).” “Ít nhất, so với mô thức tập trung, phân tán (vì làm tăng tỷ lệ đường băng và máy bay) buộc phía địch phải sử dụng nhiều năng lực đáng kể hơn để tấn công những đường băng. Mô thức phân tán cũng làm tăng chi phí xây dựng và điều hành các phi cơ trên nhiều căn cứ chính. Để giảm thiểu những chi phí này, mô thức phân tán có xu hướng dùng những căn cứ nhỏ, khiêm tốn hơn, đôi khi, có thể chỉ là những đường băng.”
Robert Beckhusen – Phạm Ðức Duy dịch 27/2/2016
Nguồn english: http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/revealed-americas-backup-plan-case-war-china-15316
Mỹ bố trí trên 50% tàu ngầm hạt nhân bao vây Trung Quốc, sẵn sàng khai chiến
VietTimes — Gần 6 tháng nay, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ liên tiếp xuất hiện ở chuỗi đảo thứ nhất, công tác bố trí binh lực tại Thái Bình Dương tăng lên rõ rệt. Hơn 50% tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ đang ráo riết hoạt động tại vùng biển gần Trung Quốc, sẵn sàng khai chiến khi cần.
Một số chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết, tần suất hoạt động của tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc, là sự đe dọa lớn đối với Trung Quốc. Do đó, lực lượng tàu ngầm thông thường của hải quân Trung Quốc cũng cần áp dụng các biện pháp theo dõi, giám sát và chống tiếp cận.
Theo nguồn tin, ngày 5/1/2016, tàu ngầm hạt nhân tấn công Texas thuộc lớp Virginia hiện đại nhất của Mỹ có mặt tại vịnh Subic của Philippines. 6 tháng trước đó, liên tiếp xuất hiện thông tin tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ra vào ở chuỗi đảo thứ nhất, như ngày 23/6/2015, tàu ngầm hạt nhân SSGN-727 của Mỹ có mặt ở Busan (Hàn Quốc), ngày 15/7/2015, tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles mang ký hiệu Houston của Mỹ có mặt tại Singapore; ngày 27/7/2015, tàu ngầm Jacksonville thuộc lớp Los Angeles cũng xuất hiện ở Singgapore; ngày 4/11/2015 tàu ngầm hạt nhân tấn công Key West SSN-722 có mặt tại vịnh Subic.
Ngày 5/11/2015, tàu ngầm hạt nhân tấn công North Carolina thuộc lớp Virginia của Mỹ có mặt tại thành phố Yokosuka của Nhật Bản; ngày 23/12/2015, tàu ngầm hạt nhân tấn công mang ký hiệu Charlotte của Mỹ xuất hiện tại thành phố Yokosuka. Hiện tại, số lượng tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ bố trí tại Thái Bình Dương đã chiếm một nửa trong tổng số tàu ngầm của quân đội nước này.
Theo nguồn tin, quân đội Mỹ đã bổ sung tên lửa hành trình tấn công mặt đất – hạt nhân Tomahawk. Tomahawk nổi tiếng với khả năng tiêu diệt quân địch ở cự ly hàng nghìn dặm. Đây là một loại vũ khí tấn công thọc sâu từ vòng ngoài hỏa lực phòng thủ của địch do Mỹ phát triển, với tầm bắn hiệu quả lên đến 2.500 km, có thể phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm mặt nước hoặc tàu ngầm hạt nhân.
Ngoài khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất ra, tên lửa hành trình Tomahawk có thể tấn công cả tàu chiến, là tên lửa “phóng ngoài vùng phòng không”có uy lực nhất của quân đội Mỹ. Trong các hoạt động quân sự của Mỹ, tấn công chính xác mục tiêu quan trọng ở cự ly hàng nghìn dặm chính là “vai diễn” sở trường của Tomahawk.
Tomahawk cũng nổi tiếng là một sát thủ vô hình. Toàn thân tên lửa được bao phủ bởi một lớp hấp thụ sóng radar, có tính năng như một chiếc áo tàng hình. Tiết diện phản xạ sóng radar của nó tương đối nhỏ, chỉ bằng 0,1% diện tích phản xạ hữu hiệu radar của máy bay ném bom B-52H, nên trở thành “vô hình” trước các radar tìm kiếm của đối phương.
Hơn nữa, động cơ của Tomahawk cho phép tên lửa này có khả năng kiểm soát luồng khí phụt để có thể tự điều chỉnh độ cao và tốc độ khi bay, thậm chí nó có thể bay rất thấp và linh hoạt như một máy bay, cùng với kích thước nhỏ gọn nên nó rất khó bị phát hiện bởi các radar mặt đất.
Tomahawk vẫn còn giữ được “phong độ” vì liên tục được cải tiến về mọi mặt từ phương thức dẫn đường đến hệ thống đạn dược, hệ thống kiểm soát, hệ thống động cơ
Từ khi ra mắt đến nay, các thành viên của “gia đình Tomahawk” không ngừng lớn mạnh, và đã phát triển thành 7 loại biến thể như tên lửa tấn công mặt đất mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa tấn công mặt đất đầu đạn thông thường, tên lửa chống hạm…
Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến như chống ngầm như phong tỏa rải mìn.
Chuyên gia quân sự Doãn Trác của Trung Quốc cho biết, tần suất hoạt động của tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ ở Thái Bình Dương – đặc biệt là những vùng biển gần Trung Quốc tăng lên rõ rệt. Hiện tại, tàu ngầm tên lửa hạt nhân tên lửa của Trung Quốc đã đưa vào hoạt động trong quân đội nước này để đối phó với năng lực đe dọa hạt nhân của nước Mỹ.
Mỹ rất quan tâm đến điều này, do đó bình thường đã nghiên cứu quy luật hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Nhờ có thế mạnh tĩnh tâm và hành trình dài, tàu ngầm hạt nhân tấn công của quân đội Mỹ có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ trinh sát khi hoạt động ở các vùng biển gần Trung Quốc, đồng thời cũng đang chuẩn bị cho chiến lược tác chiến chống ngầm có thể xảy ra trong tương lai.
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch cho rằng, Mỹ nâng cao tần suất hoạt động của tàu ngầm hạt nhân tấn công tại khu vực Tây Thái Bình Dương là xu thế tất yếu. Hiện tại ba tàu ngầm hạt nhân loại lớn của Mỹ đều đang có mặt tại khu vực này.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ xuất hiện tại vùng biển gần Trung Quốc là để “dằn mặt” tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong thời gian qua. Mỹ sẽ cải tiến tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thành tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình, mỗi tàu ngầm có thể mang theo hơn 150 tên lửa hành trình đối đất, khi xảy ra chiến tranh có thể phát động tấn công bất cứ lúc nào.
H.L
Vụ kiện chất da cam tại Pháp: Con đường còn dài – Thanh Phương
Vào ngày 07/01/2016, thẩm phán chủ trì phiên tòa tại Tòa đại hình thành phố Evry, ngoại ô Paris, Pháp đã ra quyết định là ngày 3/3 sẽ diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư các bên trong vụ kiện 26 công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam, tức là chất khai quang mà quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam, từ 1961 đến 1971.
Đây chỉ là một bước mới trong một vụ kiện chắc là sẽ còn kéo dài rất lâu, bởi lẻ chất da cam là một hồ sơ rất phức tạp và các công ty Mỹ sẻ tìm đủ mọi cách để không bị gán trách nhiệm của họ trong việc sản xuất các chất da cam có chứa độc chất dioxine, bị xem là đã và đang tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường tại Việt Nam.
Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam. Chất độc da cam còn làm tổn thương sức khỏe của những người lính Mỹ cũng như lính thuộc quân đồng minh của Mỹ Úc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ. Nhiều nạn nhân trong số đó đã kiện và được bồi thường, nhưng cho tới nay các nạn nhân Việt Nam chưa bao giờ thắng kiện và được bồi thường.
Người đại diện cho các nạn nhân chất da cam dioxin Việt Nam đứng ra khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ, bà Trần Tố Nga, là một công dân Pháp gốc Việt. Vào giữa thập niên 60, bà làm phóng viên chiến trường ở miền Nam cho Thông tấn xã Giải phóng trong thời gian chiến tranh Việt Nam và bà khẳng định đã bị nhiễm chất độc da cam dioxine vào thời gian đó.
Năm 1968, bà sinh đứa con gái đầu tiên, nhưng đứa bé cũng này chỉ sống mới hơn một tuổi thì chết yểu. Năm 1971, bà Trần Tố Nga hạ sinh bé gái thứ hai cũng tại khu rừng bị chất da cam tàn phá, nhưng đứa bé cũng bị nhiễm bệnh do chất dioxine từ mẹ. Đứa bé gái thứ ba ra đời vào năm 1971 cũng bị bệnh về da do chất dioxine. Nay bản thân bà Trần Tố Nga mang những chứng bệnh được giới y khoa Mỹ công nhận là có liên quan đến chất da cam.
Vụ kiện tại Pháp đã bắt đầu từ năm 2014 sau những thất bại của những vụ kiện trước tại Mỹ. Đứng đằng sau để yểm trợ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện này là Uỷ ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam. Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ nhân dịp ông ghé đài RFI tháng 12 vừa qua, ông André Bouny, chủ tịch ủy ban này cho biết:
“ Tôi đã lập Uỷ ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam từ khi bắt đầu vụ kiện ở Hoa Kỳ vào năm 2004. Lúc đó tôi không hề nghĩ là sẽ vụ kiện này đạt kết quả tích cực và thực tế đúng là như thế.
Tôi đã tìm cách quy tụ những chuyên gia về những lĩnh vực liên quan đến chất da cam ở khắp thế giới, cũng như các nghệ sĩ. Nay ủy ban đã được thành lập, tôi đã khởi kiện ở Pháp, với một nạn nhân của chất da cam được xác định là bà Trần Tố Nga. Đúng hơn, chiếu theo luật pháp của Pháp, phải gọi đây là “người được coi là nạn nhân” ( victime supposée ). Trên thực tế, bà Nga có những triệu chứng được công nhận là có liên quan đến chất dioxine TCDD trong chất da cam, theo kết quả giám định của Viện Y khoa của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Washington.
Chúng tôi đã khởi kiện kể từ mùa Xuân năm 2014. Chính luật sư William Bourdon và các cộng sự viện của ông tiến hành vụ kiện. Đơn kiện được nộp lên tòa án Evry ( ngoại ô Paris ). Tổng cộng có 26 công ty bị kiện. Các công ty này đã chọn các luật sư giỏi nhất ở Paris để bảo vệ cho họ. Các luật sư này đã ngay lập tức gây rắc rối thủ tục, khiến vụ kiện bị trễ nãi nhiều tháng và gây thêm tốn kém chi phí. Nói chung, đây là một mưu toan nhằm “giết” vụ kiện ngay từ trong trứng nước.”
Sở dĩ đến nay Uỷ ban ủng hộ các nạn nhân Việt Nam do chất da cam mới có thể tiến hành vụ kiện này, đó là vì những trở ngại liên quan đến thẩm quyền các thẩm phán của Pháp về luật pháp quốc tế.
Ở các nước châu Âu khác như Bỉ và Tây Ban Nha, các thẩm phán có thẩm quyền rất lớn về mặt công pháp quốc tế. Nước Bỉ trước đây thậm chí còn trao cho các thẩm phán của họ thẩm quyền toàn cầu, có nghĩa là bất cứ công dân nào trên thế giới cũng có quyền yêu cầu ngành tư pháp của Bỉ đưa bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới ra xét xử. Nhưng cuối cùng, trước nguy cơ gây rắc rối ngoại giao và trả đủa kinh tế, Bỉ đã từ bỏ việc trao thẩm quyền toàn cầu cho các thẩm phán. Tây Ban Nha cũng đã gặp tình trạng tương tự và cũng đã đi bước lùi như Bỉ.
Còn tại Pháp, vào năm 2010, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, Quốc hội Pháp đã đề ra bốn chốt chặn khiến cho thẩm quyền của các thẩm pháp Pháp về luật quốc tế bị hạn chế rất nhiều.
Nhưng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012, ứng cử viên François Hollande đã đưa vào chương trình của ông các đề nghị nhằm tháo dỡ những rào cản do Quốc hội đặt ra vào năm 2010. Thứ nhất, bỏ điều kiện là nghi phạm phải cư trú thường xuyên ở Pháp. Thứ hai, không đòi hỏi là những vụ việc đó nhất thiết bị trừng trị bởi luật pháp của quốc gia nơi xảy ra vi phạm. Thứ ba, Viện công tố không còn đòi là Tòa án hình sự quốc tế phải ra phán quyết trước. Nhưng còn chốt chặn thứ tư là độc quyền của Viện Công tố thì vẫn được giữ nguyên, cũng chính là để ngăn chận tình trạng đơn kiện toàn thế giới ồ ạt đổ đến Pháp.
Tuy vậy, kể từ nay không ai có thể cản trở một nạn nhân có quốc tịch Pháp đệ đơn kiện về một vụ xảy ra bên ngoài lãnh thổ Pháp, do một bên thứ ba nước ngoài gây ra. Có điều, theo lời ông André Bouny, nếu kiện ra tòa hình sự, thì vụ kiện chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại không thể vượt qua được, cho nên họ đã chuyển qua kiện về dân sự. Nhưng dù là kiện dân sự, bên bị đơn cũng có thể bị kết án trả tiền bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, thể xác cho bên nguyên đơn.
Theo ông André Bouny, có đầy đủ chứng cứ là bà Trần Tố Nga đã bị nhiễm chất da cam trong thời gian ở chiến trường và bà mang những chứng bệnh đã được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thừa nhận là do chất da cam gây ra:
“Chúng tôi có đến 13 nhân chứng xác nhận rằng bà Trần Tố Nga đã làm việc tại những khu rừng bị rải chất da cam trong nhiều năm. Bà đã sinh một bé gái trong khu rừng bị nhiễm chất da cam. Bé gái này đã chết vào lúc 18 tháng tuổi do bị một dạng dị tật bẩm sinh về tim đã được Viện khoa học quốc gia Washington thừa nhận là do chất da cam gây ra. Sau đó, bà Nga có thêm hai con gái bị những chứng bệnh cũng bị nghi là do chất da cam. Bản thân bà cũng bị nhiều chứng bệnh, nhất là tiểu đường type 2, cũng được Viện hàn lâm khoa học Washington thừa nhận có liên quan đến chất da cam. Bà Nga cũng bị một chứng bệnh dưới da, hiếm thấy ở Pháp, nhưng rất phổ biến ở Việt Nam và những quốc gia có nạn nhân chất da cam. Bà còn bị một chứng bệnh làm thay đổi thành phần của máu và bà đã truyền bệnh này cho hai người con gái, một người đang sống ở Mỹ, người kia sống ở Úc, nay đã trở về Việt Nam.
Một điểm cần phải nhấn mạnh, đó là 99% binh lính Mỹ ( tham chiến ở Việt Nam ) là nam giới, mà nam giới thì không sinh nở, trong khi trong quân đội Việt Nam có khá nhiều phụ nữ và trong số các nạn nhân thường dân của chất da cũng có nhiều phụ nữ. Những người đó đã sinh con, mà theo các chuyên gia độc chất học, khi sinh đứa con đầu tiên, người phụ nữ thải ra 60% chất dioxine trong cơ thể. Nếu sinh đứa thứ hai, như trường hợp của bà Trần Tố Nga, thì người mẹ thải ra 80% lượng dioxine còn lại và sinh đứa thứ ba thì tiếp tục thải ra 25% lượng dioxine còn lại sau hai lần sinh nở. Nói chung, bà Nga đúng là một nạn nhân có những chứng bệnh mà Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington thừa nhận là do chất da cam gây ra.”
Theo lời ông André Bouny, Uỷ ban Ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam đã nhờ các chuyên gia về độc chất học giám định tình hình sức khỏe của bà Nga. Phía đối phương cũng sẽ yêu cầu giám định lại bởi những chuyên gia mà chắc chắn là có cái nhìn khác.
Nhưng các công ty Mỹ bị kiện không dễ mà để bị áp đảo. Theo báo chí Việt Nam, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Tố Nga cho biết là tại buổi làm việc ngày 15/10 năm ngoái ở Tòa đại hình Evry, các luật sư đại diện cho 26 công ty Mỹ từng tham gia sản xuất chất độc da cam, một lần nữa lại yêu cầu bà Trần Tố Nga phải đưa ra những giấy tờ xác nhận bà từng làm việc tại những khu vực bị rải chất độc da cam trong những năm chiến tranh chẳng hạn như Hợp đồng lao động, Giấy biên nhận trả lương hoặc những bằng chứng xác nhận mối liên hệ giữa chất khia quang và các căn bệnh mà bà đang mang trong mình. Đối với ông André Bouny, đó là cách để các công ty Mỹ cản trở hoặc làm chậm trễ vụ kiện:
« Họ đòi đủ thứ giấy tờ, kể cả những giấy tờ không hề có, để cố cản trở hoặc làm chậm trễ vụ kiện. Họ nắm rất rõ về những chứng bệnh liên quan đến chất da cam, thế mà vẫn yêu cầu chúng tôi dịch cho các luật sư Pháp của họ những báo cáo hai năm một lần của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington từ năm 1991 đến năm 2014, có nghĩa là dịch tổng cộng 4 ngàn trang, rất tốn kém. Họ làm đủ mọi cách để kéo dài thời gian, vì biết rằng tuổi của bà Nga ngày càng lớn, nếu bà qua đời thì phiên tòa chấm dứt.”
Nhưng khác với những phiên tòa ở Hoa Kỳ, phiên tòa lần này diễn ra tại Pháp, một nước thứ ba, không có liên hệ trực tiếp với hồ sơ chất da cam, nên ông hy vọng tòa sẽ không tỏ ra thiên vị:
« Ủy ban mà tôi thành lập có nhiều chuyên gia ở khắp năm châu, gồm các luật gia, các bác sĩ và chúng tôi nắm trong tay nhiều bằng chứng. Chúng tôi cũng thấy rằng trong các vụ kiện của các cựu chiến binh ở Mỹ, chính quyền và ngành tư pháp Hoa Kỳ đều cố dàn xếp một giải pháp ổn thỏa, nhằm không tạo ra một tiền lệ trở thành án lệ.
Trong chiều hướng đó, họ đã đạt được thỏa thuận đóng góp 180 triệu đôla cho một quỹ bồi thường cho các nạn nhân chất da cam. Nhưng tiền bồi thường này đã nhanh chóng cạn kiệt, vì nó cũng giống như tiền pourboire, chứ không đáp ứng nhu cầu thật sự. Cũng đã có những vụ kiện khác. Cho nên, các công ty hóa chất Mỹ nắm rất rành những lập luận để tranh cãi và họ sẽ dùng những lập luận đó trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Cho dù các chứng bệnh đã được thừa nhận là do chất da cam gây ra, nhưng họ vẫn đòi chúng tôi đưa ra bằng chứng, vì họ cho rằng, những bằng chứng đối với các cựu chiến binh Mỹ không thể được sử dụng đối với người Việt Nam, làm như thể là người Việt Nam không phải là con người! Họ sẽ sử dụng cùng những lập luận đó, nhưng chỉ có cái khác là lần này phiên tòa diễn ra ở một nước thứ ba, một quốc gia không có liên can trực tiếp đến hồ sơ chất da cam, trong khi các vụ kiện khác diễn ra hoặc là ở Hoa Kỳ hoặc là tại những nước từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, như Hàn Quốc.
Vì Pháp là nước độc lập với hồ sơ chất da cam, cho nên trên nguyên tắc họ sẽ xét xử không thiên vị và chúng tôi hy vọng sẽ mang lại công lý. “ Phiên tòa sẽ tiếp diễn, chưa biết là sẽ kéo dài bao bâu. Nhưng dù kết quả như thế nào, thì sẽ có kháng cáo. Nếu thua kiện, chắc chắc là các công ty hóa chất sẽ kháng cáo. Còn nếu bà Nga thua kiện bà cũng sẽ kháng cáo, nếu bà còn sống đến lúc đó. Vấn đề là bà Nga nay đã 75 tuổi và đang bệnh nặng. Bà Nga vẫn nói đó là trận chiến cuối cùng của bà và bà quyết tâm giành chiến thắng trong trận chiến này. Ở tuổi này, bà tiến hành vụ kiện không phải để kiếm tiền, để trở thành giàu có, mà là kiện cho toàn bộ các nạn nhân của chất da cam, với hy vọng các nạn nhân khác cũng tự họ mở ra những cánh cửa khác.
Chúng tôi tiến hành vụ kiện không phải là để lên án công ty này hay công ty kia, mà chỉ muốn là công lý được thi hành đối với những nạn nhân chất da cam. Nếu một quốc gia ra phán quyết rằng các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm, sẽ không ai có thể chống lại, cản trở hoặc ngăn cấm việc thực hiện phán quyết này.”
Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160222-vu-kien-chat-da-cam-tai-phap-con-duong-con-dai
Thơ vui
Ra đi vừa gặp bạn quen
Tưởng như được tắm nước sen trên chùa
Nhìn chàng thiếp quá chát chua
Răng còn mấy cái, sau cuộc đua (xe) hôm rồi
o0o
Đói lòng ăn hột chà là
Mất một trái chuối sao bà đánh tui?
Tại nó vừa ngọt vừa bùi
Nên tôi nếm thử xem mùi nó sao.
o0o
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
Xa nàng nhớ cái bạt tai
Chọc nàng chút xíu, lãnh hai cái liền.
Triển-vọng Hoà-bình ở Syrie – Nhữ Đình Hùng/29.02.2016
Ngày 22.02 một thông-cáo chung giữa Hoa-kỳ và Nga đã được phổ-biến theo đó một cuộc ngừng bắn sẽ có hiệu-lực vào ngày 27.02 lúc nửa đêm, giờ của Damas. Điều kiện của hưu chiến áp-dụng cho tất cả mọi thành phần tranh-chấp, ngoại trừ các nhóm khủng-bố Daesh, Front al-Nosra và những tổ-chức cực-đoan khác đã được HĐBA LHQ coi là nhóm khủng-bố.
Đặc-sứ của LHQ, Staffan de Mistura, sẽ tường-trình cho HĐBA những nỗ-lực nhằm thực-hiện ngừng bắn ở Syrie và làm lại những thương thuyết về hoà-bình.Tuy nhiên, việc ngưng bắn này sẽ không áp-dụng đối với các lực -ượng khủng-bố djihadistes như Nhà Nước Hồi-Giáo (EI hay Daesh) và Front al-Nosra (nhánh của al-Qaïda ở Syrie); những lực-lượng này kiểm-soát một phần lãnh-thổ đáng kể của Syrie và hiện là đích nhắm của lực-lượng chánh-quyền Damas với các cuộc không-kích của Nga và đồng thời cũng là đích nhắm của các cuộc oanh-tạc của liên-quân quốc-tế đặt dưới sự lãnh-đạo của Hoa-Kỳ.
Cuộc chiến ở Syrie đã kéo dài từ năm năm qua, khởi đi với sự nổi dậy của một phần dân chúng Syrie trong khuôn khổ của cái gọi là ‘mùa xuân ả-rập’, và tình-hình trở nên tồi tệ với sự bành-trướng của các lực-lượng khủng-bố mà chánh-yếu là EI và Front al-Nosra.Nhiều làng mạc, đô-thị đã bị tàn phá trở thành những đống gạch vụn, nhiều địa điểm lịch-sử, di-tích của nền văn-minh xưa ở Syrie đã bị quân khủng-bố Ei (hay Daesh) phá-hoại, số thương vong dân-sự ước-tính lên đến trên 260.000 người và một số người tị-nạn chiến-cuộc lên đến nhiều triệu người, ước đoán khoảng gần nửa dân-số của Syrie! Các lực-lượng nổi dậy có sự hỗ-trợ của Hoa-Kỳ, Arabie Saoudite và Thổ-nhĩ-kỳ trong khi lực lượng chánh-quyền Damas có sự hỗ-trợ của Iran và gần đây là sự tham-dự của Nga với sự hỗ-trợ không-quân, sự hiện-diện của Nga đã giúp cho lực lượng Damas mở rộng vùng kiểm soát, chận đứng và đẩy lùi các cuộc lấn-công của EI và Front al-Nosra. Trước đây, các lực-lượng nổi dậy không thuộc lực-lượng khủng-bố, ASL hay quân-đội Syrie tự-do, luôn luôn bác bỏ việc ngưng chiến hoặc lập chánh-quyền hoà hợp dân-tộc, nhưng nay, trước việc chánh-quyền Damas đã trở nên mạnh hơn, họ đã chấp-nhận thoả-hiệp giữa Nga và Mỹ dù nói rằng họ cam kết hưu-chiến tạm thời trong hai tuần lễ để xem xét thiện-chí của chánh-quyền Damas. Trong một thông-cáo của lực-lượng nổi dậy được đài truyền-hình Al-Arabiya loan đi, lực-lượng này tuyên bố ‘một cuộc ngưng bắn tạm thời hai tuần lễ cho cơ hội kiểm chứng tính nghiêm-chỉnh của việc cam kết của phe bên kia’
Trên thực tế, lực lượng ASL không đáng kể và phải chống cự cả chánh quyền Damas lẫn quân khủng-bố EI.!
Việc thực-hiện ngưng bắn không phải dễ dàng dù Mỹ và Nga đã thoả-thuận với nhau. Ngoại trưởng Mỹ Kerry vào ngày thứ tư 24.02 cho biết Nga và Mỹ sẽ gặp nhau để bàn việc lập một nhóm nhằm trong coi việc tôn-trọng ngưng bắn. Cùng lúc, giữa tổng-thống Poutine và tổng-thống Obama đã có trao đổi bằng điện-thoại, và ông Poutine cũng có trao đổi bằng điện-thoại với vua Salmane của Arabie Saoudite và với tổng-thống Iran Hassan Rohani. Theo điện Kremlin, vua Salmane đã ca ngợi thoả-hiệp còn tổng thống Iran cho biết ủng-hộ thoả-hiệp. Trên diện địa, quân-đội Nga tại Syrie đã có những thảo-luận ngưng bắn với quân nổi dậy tại Hama, Homs, Lattaquié, Damas và Deraa nhưng không nói rõ là với những lực-lượng nào!
Chánh-quyền Damas cũng chấp-nhận thoả-hiệp ngưng bắn nhưng cho biết ‘tiếp tục các chiến-dịch quân-sự nhắm vào các lực lượng khủng bố trong số có Daesh và Front al-Nosra và những nhóm có liên-hệ đến những lực-lượng này. Chính vì thế mà các nhóm nổi dậy e ngại Damas sẽ tấn-công họ trong những vùng họ có phối-hợp với Front al-Nosra như ở Idleb hay Alep. Phụ-tá tổng-trưởng ngoại-giao Syrie, Fayçal al-Mikdad cho biết ‘sau những thảo-luận nghiêm chỉnh với nước bạn Nga, Damas đã chấp-nhận việc ngưng bắn tiếp theo thoả-hiệp giữa Nga và Mỹ.
Thổ-nhĩ-kỳ cũng đưa ra những dè dặt về tính cách khả thi của thoả-hiệp.
Trong ngày thứ tư 24.02, lần đầu tiên LHQ đã có thể thả các viện-trợ nhân-đạo tại Deir Ezzor thuộc đông Syrie, nơi có 200.000 dân bị quân EI vây hãm. Theo một viên chức trách-nhiệm của chương trình cứu trợ này, việc gởi 21.000 tấn phẩm vật này hoàn toàn thành công.
Ngoài việc lo thực hiện việc ngưng bắn ở Syrie, ngoại-trưởng Mỹ John Kerry trong ngày thứ ba 23.02 cũng nói đến một ‘kế-hoạch B’ trong trường-hợp việc hưu chiến thất bại. Trong ngày thứ tư 24.02, tổng thống Obama cho biết ‘chúng tôi rất thận-trọng để không tạo ra các mong đợi quá mạnh…Tình-hình trên diện địa khó khăn nhưng chúng tôi đã ghi nhận một sự tiến-bộ khiêm tốn trong tuần lễ vừa qua liên-hệ tới việc viện-trợ nhân đạo gởi đến dân-chúng bị đe dọa.’
Theo một thông-cáo của bộ quốc-phòng Nga, Mỹ đã chuyển cho Nga danh-sách 69 nhóm nằm trong khối đối-lập Syrie sẵn sàng chấp-thuận cácđiều-kiện ngưng bắn có hiệu-lực kể từ ngày 27.02 vào lúc 00giờ00. Các nhóm này, qua trung-gian của Hội-đồng tối-cao liên minh quốc-gia Syrie các lực lượng cách-mạng của đối-lập (Comité suprême de la coalition syrienne nationale des forces révolutionnaires de l’oppostion), đã xác-nhận với Hoa-kỳ việc thoả thuận về các điều kiện ngưng bắn ở Syrie. (Các phe tham chiến phải xác-nhận với Nga hoặc Hoa-kỳ chậm nhất vào ngày 26.02 vào 12 giờ việc họ tôn-trọng thoả-hiệp giữa Nga và Mỹ về việc ngưng bắn để không bị coi là mục tiêu tấn-công của Nga và Syrie hay của các lực lượng liên-minh quốc-tế. Trong khi đó, các lực lượng Daesh, Front al-Nosra và các nhóm bị HĐBALHQ coi là khủng bố vẫn tiếp tục là mục-tiêu để tấn-công!)
Vẫn theo nguồn tin Nga, việc ngưng bắn nói chung được tôn-trọng, chỉ có 9 vụ vi-phạm. Không-quân Nga đã ngưng không mở cuộc tấn-công trong ngày thứ bảy27.02.2015. Theo lời tướng Sergueï Kouralenko của Nga ‘một cách tổng-quát, việc ngưng bắn ở Syrie đang được thực-hiện’.
Trong khi đó, thượng hội đồng thương-thuyết, qui tụ các nhóm nổi dậy chánh ở Syrie, qua một văn-thư do tổng-điều-hợp-viên Riad Hijab gởi đến tổng-thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết đã có 24 vụ vi-phạm làm thiệt-mạng 29 người. Các phe bị cáo buộc vi-phạm hưu-chiến là Nga, Iran và các lực-lượng nước ngoài. Phát-ngôn-viên của tổ-chức này đã tuyên bố tại Ryad, thủ đô của Arabie Saoudite, “nói chung, khá hơn trước nhiều.
Trong khi đó, theo Viện quan-sát nhân-quyền Syrie (OSDH, đặt căn cứ ở Londres), các phi-cơ không rõ căn-cước đã oanh-tạc ở tỉnh Alep và ở tỉnh Hama.
Về phiá Mỹ, một viên chức hữu-trách cao-cấp ẩn danh cho biết ‘đây là một thoả-hiệp thực-hiện một cách khó khăn và chúng tôi biết có nhiều trở ngại,… nhưng đó thực sự là lợi-ích của chúng tôi và là lợi-ích của nhân dân Syrie.’
Các nỗ lực viện-trợ nhân-đạo dành cho Syrie đang được thực-hiện. LHQ dự-trù trong 5 ngày sắp tới sẽ cung cấp viện-trợ nhân-đạo cho khoảng 154.000 người sống trong những nơi bị vây hãm ở Syrie.
Ngoài ra, LHQ còn chờ đợi các phe lâm chiến ở Syrie ‘bật đèn xanh’ để có thể trợ giúp cho khoảng một triệu bảy trăm ngàn người ở trong những vùng khó đến; Yacoub el-Hillo, phối trí viên về các vấn-đề nhân-đạo của LHQ đòi hỏi việc không có điều kiện cho các di tản y tế, việc đi lại tự do, thường xuyên và không điều kiện ở những vùng khó đến hay bị vây hãm ở Syrie để giúp đỡ khoảng bốn triệu sáu trăm ngàn người ở những nơi này!
Điều đáng ghi nhận là Do-thái cũng ca ngợi việc ngưng bắn ở Syrie nhưng bày tỏ sự lo lắng là Iran có thể dùng Syrie làm bàn đạp để tấn-công Do-thái. Thủ tướng Binyamin Netanyahou nói Do Thái chào đón nỗ lực để đạt tới ngưng bắn vững vàng ở Syrie nhưng mọi thoả-hiệp với Syrie phải gồm một điều khoản chấm dứt việc gây hấn của Iran chống lại Do-thái từ Syrie. Do-thái không chấp-nhận việc tạo ra một chiến-tuyến mới về khủng bố khởi đi từ cao-nguyên Golan, đây là những đưòng đỏ của chúng tôi và nó sẽ tiếp tục như thế. Có những tin tức nói là Nga và Mỹ đã bảo đảm điều này với Do-thái.
Trong ngày thứ bảy, chủ nhật, dân chúng ở Damas cũng như ở nhiều nơi khác ở Syrie đã đi dạo phố,mua sắm, sống trong một không-gian tương đối yên tĩnh, thanh bình.Mong rằng việc ngưng bắn này sẽ được các phe tôn-trọng và có thể đem đến triễn-vọng hoà bình cho vùng đất đã bị chiến-tranh từ suốt năm năm qua!
*****
Trong khi tình-hình Syrie có một vài dấu hiệu khích-lệ, giới truyền-thông tây-phương cũng cho thấy một vài thay đổi nhận-định về chế-độ Damas. Trước đây, chế-độ Damas bị cáo buộc việc dùng võ-khí hoá-học và việc tàn-sát dân-chúng, nhưng nay cũng đã có những tin tức cáo-buộc cả Daesh việc dùng võ-khí hoá-học ở Syrie, Irak và cả ở những nơi khác và cả việc tàn sát dân-chúng. Và trong một bài đăng trên Boston Globe, Stephen Kinzer, cựu ký-giả của New York Times đã cáo buộc giới truyền thông Mỹ loan những tin tức phù hợp với mong muốn của chánh-quyền Mỹ, các nguồn tin của họ xuất phát từ Washington và các trung tâm nghiên-cứu chiến lược. “Hoa-Kỳ có thể ban bố cái chết của một nước. Và nó có hể làm điều này với sự hỗ-trợ đồng-thuận của quần-chúng, bởi vì phần lớn người Mỹ- và trong số họ, những ký giả- hài lòng với câu chuyện đựợc giới chánh-quyền đặt lên mâm đưa đến họ. Ở Syrie, ‘luận-điệu chánh-thức’ nói :’ phải chống lại Bachar al-Assad, Nga và Iran. Chúng ta phải đoàn-kết với ngững người bạn người Thổ, Saoudites, Kurdes để tiến đến hoà-bình” Tất cả những điều này đã xa rời thực tế một cách không thể tưởng nổi. Và rất có thể điều này ngược lại đã có hậu quả kéo dài chiến tranh và kết án rất nhiều người Syrie phải chiụ sự thống khổ và cái chết’.
Ở tại Pháp, dư luận cũng đã thay đổi từ khoảng một năm nay. Có những nhóm dân biểu, nghị-sĩ sang Syrie và các báo đã có những cuộc phỏng vấn Bachar al-Assad. Gần đây nhất, trong một chương-trình truyền-hình trên đài A2, chương-trình ‘un oeil sur la planète’ vào ngày 18.02.2015 đã được ra một cái nhìn khác và coi các quân nổi dậy ‘ôn-hoà’ cũng không khác gì quân khủng-bố!
****
Syrie: le grand aveuglement” de France 2
‘Syrie, le grand aveuglement’ là phóng-sự thứ 52 của chương-trình ‘un oeil sur la planète’ của đài truyền-hình France 2, với sự tham dự của nữ phóng viên Samah Soula, đã đưa ra một cái nhìn khác về những biến cố ở Syrie, so với ‘truyền-thông dòng chính’ cho tới nay vẫn kết án tổng-thống Bachar al-Assad là độc tài, là người có bàn tay vấy máu nhân dân Syrie… Sự thay đổi cách nhìn này đồng lúc với việc ông Laurent Fabius rời chức ngoại-trưởng Pháp – ông này chủ-trương ông Bachar al-Assad phải ra đi – có lẽ cho thấy có thay đổi trong chánh-sách Pháp về vấn-đề Syrie; Điều này cũng có thể diễn-dịch như sự bị động của chánh-sách ngoại-giao Pháp trước các thoả-thuận tay đôi giữa Nga và Mỹ.
Thực sự thì Nga không còn vị thế mạnh như Liên-sô trước đây và Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất trên thế-giới, một thế giới đơn-cực! Vậy mà, thoả thuận Mỹ và Nga về hưu chiến ở Syrie đem lại cảm giác như Nga đang trở lại vị-thế của Liên-sô trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, vào thời kỳ mà thế giới bị coi là lưỡng cực!
Syrie đã chịu một thảm cảnh trong 5 năm chiến-tranh kể từ khi ‘muà xuân ả-rập’ lan vào nước này! Khoảng hai trăm sáu chục ngàn người bị chết, 8 triệu người dời chỗ trong nước, bốn triệu người tị-nạn ở nước ngoài. Những tường thuật của truyền-thông dòng chính nói đến các lực lượng nổi dậy chống al-Assad đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Điều này không sai. Nhưng hãy nhìn kỹ hơn. Chánh quyền Damas kiểm soát khoảng trên 25% lãnh thổ, người Kurdes kiểm soát trên dưới 15%. Người Kurdes được coi là thân với chánh-quyền Damas vì chánh-quyền này từ trước vẫn dành cho họ sự tự trị, tổng quát phe thân chánh quyền Syrie và chánh-quyền Damas kiểm soát khoảng trên 40% diện tích. Phe nổi dậy chống al-Assad chiếm khoảng 20% nhưng phe này gồm 89 nhóm nhỏ, có những lợi ích và ý-thức-hệ khác nhau. Phần còn lại đặt dưới sự kiểm soát của Daesh và Front al-Nosra, khoảng 40% diện-tích lãnh thổ. Nhưng điều quan-trọng hơn cả là 80% dân-chúng sống trong vùng đặt dưới sự kiểm soát của chánh-quyền Damas theo như nhận xét của Samah Soula. Do các tiếp xúc tại chỗ với các nhóm quân nổi dậy, người ta có thể nhận ra những quân này có ý thức hệ rất gần với Nhà Nước Hồi Giáo hay Daesh!
Vẫn trong chương-trình ‘Un oeil sur la planète, một ký giả đã có thể đến gần cái gọi là ‘đối lập ôn-hoà’ ở Alep nhắm tìm hiểu những người nổi dậy. Lý do của họ để loại trừ Bachar al-Assad khá rõ ràng: ông này ngăn cản họ lập một ‘califat’, tuy rằng họ chối việc thuộc về nhà nước hồi giáo, nhưng cờ của Daesh được treo ở mọi nơi! Phóng sự này cũng cho thấy những hình ảnh ‘lạnh tóc gáý: các ký giả đã có thể gặp một chiến-đấu-quân ‘ôn-hoà’ thực hiện một đai chất nổ trong xưởng của anh ta, người này cho biết sẵn sàng giết các kẻ ngoại đạo và tự cho nổ trong một toà nhà có quân bắn sẻ ngăn cản bước tiến của các djihadistes!
Phóng sự của France 2 đã bị một số cơ quan truyền-thông ở Pháp chỉ-trích, coi là đã lập lại đúng từng chữ những gì được truyền thông chánh-thức của Syrie kể lại, bị coi là thân với chế-độ Syrie. Sau năm năm chiến tranh, kể từ cuộc nổi dậy của một số dân Syrie vào tháng ba năm 2011, tình hình Syrie đã được tường thuật qua hai cách. Cách thứ nhứt là nói đến người dân nước Syrie với khát vọng hoà-bình, tự-do và công-lý, với nhân-quyền và việc ra khỏi ách độc-tài của al Assad.
Cách tường-thuật thứ hai đề cập đến các tranh chấp đang diễn ra nhưng coi đó là do những lợi ích và những trận thế địa chánh-trị giữa những cường-quốc trong vùng và trên thế-giới.
Các trình bày nào đi sát với sự thực?
http://www.lexpress.fr/actualite/syrie-quand-france-2-se-fait-le-porte-voix-de-damas_1766051.html
Thơ vui
Vợ và bồ
Bồ là phở nóng tuyệt vời
Vợ là cơm nguội đáy nồi hẩm hiu.
Bồ là nơi tỏ lời yêu
Vợ là nơi trút bao nhiêu bực mình.
Bồ là rượu ngọt trong bình
Vợ là nước ở ao đình nhạt pheo.
Nhìn bồ đôi mắt trong veo
Trông vợ đôi mắt trong veo gườm gườm.
Bồ tiêu thì chẳng tiếc tiền
Vợ tiêu một cắc thì liền kêu hoang
Bồ giỗi thì phải xuống thang
Vợ giận bị mắng, bị phang thêm liền
Một khi túi hãy còn tiền
Thì bồ thắm thiết kề liền bên anh
Một mai hết sạch sành sanh
Bồ đi vợ lại đón anh về nhà
Bồ là lều, vợ là nhà
Gió lớn, lều sụp, mái nhà còn kia
Vợ là cơm nguội của ta
Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng…
Dân Tộc Sinh Tồn – GS Nguyễn Ngọc Huy
Chương IV: Những chủ nghĩa phản đối lại lý thuyết dân chủ và lý thuyết xã hội: Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã
Trong khi người Á-Châu vẫn trung-thành với tư-tưởng thần-quyền và nền lý-luận siêu-hình, từ thế-kỷ thứ 17 trở đi, người Âu-châu đã hướng đến lý-tưởng nhơn-quyền và những khoa-học thực-nghiệm. Do xu-hướng mới này, trong mấy thế-kỷ gần đây, những dân-tộc Âu-châu đã bị lôi kéo vào một phong-trào biến-động không ngừng làm xáo trộn cả đời sống xã-hội của họ.
Dẫn đầu trong cuộc thay cũ đổi mới này, là người Anh. Chính họ đã nêu ra trước tiên tư-tưởng dân-chủ tôn-trọng sự tự-do cá-nhơn của người. Chính họ đã đi tiên-phong trong công việc đả phá quyền chuyên-chế của nhà vua và thi-hành chế-độ đại-nghị. Nhưng nhờ những điều-kiện đặc-biệt thuận-tiện, cũng như nhờ những đức-tánh hiếm có của họ, người Anh đã đạt được một thế quân-bình cần-thiết cho sự tiến-hóa thuận-lợi của quốc-gia.
Tuy cũng phải chịu những họa-hại của chế-độ tự-do,trải qua những cuộc khủng-hoảng kinh-tế, chứng-kiến việc tư-bản bóc lột vô-sản, nước Anh đã giải-quyết được những vấn-đề xã-hội của mình một cách êm thắm và dung-hòa được xu-hướng canh-tân với xu-hướng bảo-thủ. Tinh-thần ái-quốc của họ vẫn còn nguyên vẹn và sự hùng-cường của quốc-gia họ đã giúp cho họ nhiều phương-tiện để nâng cao đời sống chung lên, làm dịu bớt tánh-cách cay nghiệt của chế-độ tư-bản.
Người Pháp đã nối chân người Anh trên con đường cách-mạng dân-chủ. Sự nóng nảy quá-khích của họ làm cho cuộc tranh-đấu họ đeo đuổi có một tánh-cách mãnh-liệt. Hai phái bảo-thủ và canh-tân đã cương-quyết đương đầu nhau đến kỳ cùng. Do đó, người Pháp đã phải phí rất nhiều thì giờ và xương máu mới đặt được một nền tảng vững chắc cho chế-độ đại-nghị ở nước họ. Nhưng chế-độ này không phải nhờ đó mà hoàn-mỹ hơn chế-độ Anh. Những lưu-tệ của chánh-sách dân-chủ tự-do đã hiện ra ở Pháp rõ ràng hơn ở Anh. Cuộc xung-đột tư-tưởng và quyền-lợi cũng mãnh-liệt hơn. Do đó, nước Pháp bị suy yếu nhiều hơn nước Anh.
Tuy-nhiên, nhờ chánh-sách thuộc-địa, nước Pháp cũng có nhièu phương-tiện để giải-quyết những vấn-đề xã-hội. Bởi đó, cuộc xung-đột giữa lý-thuyết dân-chủ và lý-thuyết xã-hội trên đất Pháp có mãnh-liệt, nhưng vẫn chưa đến nỗi đưa đến sự hỗn-loạn. Sự phản-ứng của những tổ-chức hữu-phái thiên về kỷ-luật quốc-gia cũng có gây những phong-trào chống chọi lại chế-độ cộng-hòa, nhưng nói một cách khái-quát, những phong-trào này không đủ sức đánh đổ xu-hướng yêu chuộng tự-do của dân-tộc Pháp. Nhờ đó, chế-độ cộng-hòa vẫn còn đứng vững, tuy nước Pháp có kém lần thế-lực trên trường quốc-tế.
Tình-thế các nước ở miền trung và nam Âu-châu thì khác hẳn. Tư-tưởng dân-chủ chỉ tràn đến nước họ sau cuộc Đại Cách-mạng Pháp năm 1789, và từ đó, những biến-động ở nước họ thường chỉ là phản-hưởng của những phong-trào phát-khởi từ nước Pháp. Sự xung-đột giữa hai xu-hướng chuyên-chế và tự-do ở những nước này cũng mãnh-liệt không kém gì ở Pháp.
Về phía nước Ý, cuộc tranh-đấu cho lý-tưởng dân-chủ đi chung với cuộc tranh-đấu giải phóng dân-tộc và thống-nhứt quốc-gia nên đã huy-động được toàn-dân và cáo-chung bằng sự thắng-lợi của phái tự-do. Chế-độ đại-nghị bắt đầu được thi-hành ở nước này từ khoảng giữa thế-kỷ 19.
Ở nước Đức, trái lại, công cuộc vận-động thống-nhứt quốc-gia dựa vào nguyên-tắc quyền-lực nhiều hơn là vào lý-tưởng tự-do. Do đó, cho đến đầu thế-kỷ thứ 20, những nhóm người Đức thờ phụng lý-thuyết dân-chủ và xã-hội chưa hề nắm được phần thắng-lợi, tuy họ đã tranh-đấu một cách mãnh-liệt. Chế-độ cộng-hòa chỉ được thiết-lập ở nước Đức năm 1919, sau một cuộc cách-mạng chống lại nhà vua để chấm dứt trận thế-giới đại-chiến thứ nhứt.
Sau trận đại-chiến này, cả hai nước Ý và Đức đều ở vào một tình-trạng khó khăn. Vì không đủ phương-tiện vật-chất, vì thiếu một truyền-thống dân-chủ lâu dài, những nước này không giải-quyết được vấn-đề xã-hội một cách ổn-thỏa. Sự xung-đột giữa hai phái chủ-trương dân-chủ và xã-hội trong nước làm cho tình-thế đã rối loạn càng rối loạn thêm. Do đó, phong-trào phản-ứng lại xu-hướng tự-do phóng-túng cùng tư-tưởng dân-chủ xã-hội phát-khởi lên, và đưa hai nước Ý, Đức trở về chế-độ quyền-lực, dưới sự lãnh-đạo của hai đảng Phát-xít và Quốc-xã.
I. Chủ nghĩa phát xít
A. Tình trạng nước Ý sau trân đại chiến 1914-1918
Sau khi trận Âu-chiến 1914-1918 chấm dứt, nước Ý ở vào một tình-trạng hết sức khó khăn. Cũng như mọi nước tham-chiến khác, nước ấy bị tàn-phá rất nhiều, và lâm vào một cuộc khủng-hoảng kinh-tế trầm-trọng. Đồng Ý-kim bị mất giá, sự sanh hoạt trở thành mắc mỏ và khó khăn.
Một mặt khác, kết-quả của cuộc chiến-tranh đã làm cho dân Ý vô cùng thất-vọng. Người Ý trước kia vốn là bạn đồng-minh của Đức. Họ không bị nước Đức trực-tiếp uy-hiếp và không có lý-do gì chánh đáng để chọi lại nước Đức. Bởi thế, sau khi chiến-tranh khởi-diễn, chánh-phủ Ý đã tiếp-xúc và thương-thảo với cả hai bên đối-địch nhau, để mặc cả những điều-kiện tham-dự của mình. Chỉ đến lúc hai nước Anh và Pháp bí mật chấp-nhận nguyên-tắc thỏa-mãn những yêu-sách của mình về vấn-đề lãnh-thổ, chánh-phủ Ý mới khai-chiến với Đức. Vậy nước Ý tham-chiến vì muốn mở rộng cương-vực mình chớ không phải vì lý-tưởng tự-do.
Nhưng các yêu-sách của Ý không phù-hợp với nguyên-tắc dân-tộc tự-quyết của Tổng-thống Mỹ Wilson nên Hội Quốc-Liên do ông này chủ-trương không chịu chấp-nhận nó. Hai nước Anh, Pháp nhơn cơ-hội này mà nuốt lời hứa hẹn của mình. Hơn nữa, trong việc qui-định những điều-kiện hòa-bình, các cường-quốc Mỹ, Anh, Pháp chỉ để cho nước Ý đóng một vai tuồng hoàn-toàn phụ-thuộc. Chung-qui, sự tham-chiến chỉ đem những họa-hại đến cho nước Ý mà chẳng đưa đến một mối lợi nhỏ nhen nào, cho dẫu là về phương-diện tinh-thần.
Những kỳ-vọng về lãnh-thổ của người Ý không thỏa-mãn được, mà giấc mộng được đãi-ngộ như một cường-quốc cũng vỡ tan. Do đó, người Ý vô cùng tức bực, càng tức bực hơn nữa là họ có cảm-tưởng rằng chính nhờ sự tham-chiến của họ mà sự thắng-lợi ngã về phía các nước đồng-minh. Lẽ tự-nhiên là chánh-phủ Ý đã chủ-trương tham-chiến không sao thoát khỏi sự công-kích của quần-chúng về vấn-đề này.
Đảng xã-hội Ý trước kia hô-hào bất-tham-chiến, đã nhơn cơ-hội thuận-tiện, đứng ra bài-xích chánh-phủ để bành-trướng thế-lực của mình. Họ gieo rắc tư-tưởng giai-cấp tranh-đấu, kích-thích thợ thuyền, tổ-chức những cuộc bạo-hành, chiếm-cứ các thị-xã, các hãng xưởng. Hàng-ngũ các chiến-sĩ xã-hội ở Ý vốn chưa được chặt chẽ lắm, các lãnh-tụ của họ lại thiếu tài chỉ-huy nên phong-trào họ gây ra có tánh-cách một cuộc manh-động hơn là một cuộc cách-mạng có phương-lược hẳn hòi. Sự thành-công của đảng cách-mạng vô-sản ở Nga còn nung nấu thêm những phần-tử quá-khích, và điểm cho sự hoạt-động của họ một tánh-cách tàn-bạo phũ phàng.
Muốn giải-quyết tình-thế khó khăn đó, nước Ý cần một chánh-phủ cương-quyết và mạnh mẽ. Những chế-độ đại-nghị lúc ấy đã tỏ ra bất-lực hoàn-toàn. Trong Nghị-hội, các đảng phái cạnh-tranh nhau kịch-liệt vì quyền-lợi riêng. Không một đảng nào có một chương-trình rõ rệt và xung-đột chỉ quy về cá-nhơn các lãnh-tụ. Do đó, các chánh-khách thay đổi thái-độ rất thường tùy theo đảng họ có nắm được chánh-quyền hay không. Những công việc do một đảng đối-lập chủ-trương, dầu cho có ích quốc lợi dân cũng đều bị nhiệt-liệt công-kích.
Trong trường-hợp đó, các chánh-phủ không thể đứng vững được lâu dài và không sao giải-quyết được những vấn-đề nghiêm-trọng đặt ra cho quốc-gia Ý. Chưa lúc nào, sự tệ-hại của chế-độ đại-nghị lại hiện ra rõ ràng đến như thế. Dân-chúng Ý vốn chưa thâm-nhiễm tinh-thần tự-do nên đâm ra thù ghét chánh-thể đại-nghị. Sự hỗn-loạn do những đảng-viên xã-hội gây ra càng làm cho họ mất tín-nhiệm nơi chế-độ đương-hữu. Chủ-trương của đảng Xã-hội đòi hủy-diệt tất cả các nền tảng của xã-hội Ý, cũng như các hành-động quá-khích của họ làm kinh-hoảng một số đông người trưởng-giả, nhưng cũng gây một sức phản-ứng mạnh trong những giới có tinh-thần chiến-đấu hơn. Ban đầu, những lực-lượng phản-động còn tranh-đấu một cách rời rạc mơ hồ. Nhưng sau đó, nó qui-tập lại làm một mối dưới sự điều-khiển của Benito Mussolini làm cho phong-trào Phát-xít do ông này khởi-xướng được thành-công.
B. Benito Mussolini và phong trào phát xít
Benito Mussolini, lãnh-tụ phong-trào Phát-xít sanh ngày 29 tháng 07 năm 1883 tại Predappio, tỉnh Romagne. Thân-phụ ông là một đảng-viên xã-hội, nhưng thân-mẫu ông lại là một người đàn bà rất sùng-tín Thiên-chúa-giáo.
Lúc thiếu thời, ông làm nghề giáo-viên, nhưng đến năm 1902, không chịu nổi cuộc đời tầm-thường của một viên-chức hạ-cấp, lại không muốn nhập-ngũ, ông bỏ nhà trốn sang Thụy-sĩ. Trong thời-kỳ lưu-lạc tại nước này, ông tìm cách học thêm và làm nghề viết báo, rồi gia-nhập đảng Xã-hội. Bị chánh-phủ Thụy-sĩ trục-xuất, ông phải bỏ sang Pháp. Kế đó, ông trốn trở qua Thụy-sĩ, nhưng ông lại bị đuổi và phải về nước Ý năm 1904. Ông bị gọi nhập-ngũ, nhưng chỉ ít lâu sau đó, ông xin giải-ngũ để phụng-dưỡng cha già. Ông lại làm giáo-viên, nhưng đồng-thời hoạt-động cho đảng Xã-hội. Khoảng năm 1913, ông được xem là một đảng-viên xã-hội quá-khích ở cánh tả.
Khi trận Âu-chiến 1914-1918 khởi-diễn, ông nhiệt-liệt bài xích sự tham-chiến của nước Ý. Nhưng sau đó, ông lại đổi ý-kiến và bị trục-xuất ra khỏi đảng Xã-hội. Ông bèn nhận tiền của chánh-phủ Pháp, xuất-bản một tờ báo chủ-trương đưa nước Ý tham-chiến và mạt-sát lại các đồng-chí cũ của mình.
Năm 1915, ông lập ra một đảng quốc-gia cách-mạng. Mussolini vốn chủ-trương hợp-tập tất cả những người có xu-hướng quốc-gia lại làm một khối để thực-hiện sự hùng-cường cho Tổ-quốc nên lấy bó búa lịnh của những vệ-binh La-mã xưa kia làm biểu-hiệu cho đảng mình. Bó búa lịnh này tiếng Ý là fascio. Do đó, Mussolini mạng-danh đảng mình là ” Fascio d’azione revoluzionare ” (nhóm hoạt-động cách-mạng). Vì tiếng fascio, về sau, người ta gọi đảng của ông là đảng phát-xít.
Khi nước Ý tuyên-chiến với Đức, Mussolini lại nhập-ngũ và ra chiến-đấu ở tiền-tuyến. Năm 1917, ông bị thương và được đưa về làm việc ở hậu-phương. Từ đó, ông chỉ viết báo và khuyến-khích quân-sĩ tranh-đấu. Năm 1919, ông ra ứng-cử nghị-viên tại Milan, nhưng bị thất-bại.
Sau đó, nhơn sự bất-lực của chánh-phủ Ý trước cảnh hỗn-loạn do đảng Xã-hội gây ra, ông phát-động phong-trào chống lại sự bạo-động của những môn-đồ Karl Marx, dùng võ-lực đối-phó với võ-lực. Tất cả những đối-thủ của phái xã-hội, từ những tín-đồ Thiên-chúa-giáo, qua những người tiểu-địa-chủ, tiểu-tư-sản đến những thương-gia, kỹ-nghệ gia và trí-thức, vốn đã kinh sợ sự hỗn-loạn và chế-độ cộng-sản, lại mất tin tưởng nơi lý-tưởng dân-chủ nên sẵn sàng hưởng-ứng theo Mussolini. Năm 1922, sau nhiều lần tổ-chức những cuộc phô-trương lực-lượng để thị-oai, Mussolini được Ý-hoàng mời đứng ra lập nội-các.
Ban đầu, Mussolini cũng muốn giữ một hình-thức dân-chủ cho nước Ý và kêu gọi đến sự hợp-tác của những phần-tử còn trung-thành với lý-tưởng tự-do. Nhưng lần lần, sự bất-đồng ý-kiến lại phát-hiện. Để có thể kiến-thiết nước Ý theo nguyện-vọng của mình, ông phải thi-hành chế-độ độc-tài.
Năm 1940, Mussolini đứng bên cạnh Hitler tuyên-chiến với đồng-minh. Đến năm 1943, khi trục Bá- linh La-mã bắt đầu núng thế, và quân Đồng-minh đổ bộ lên đảo Sicile, ông bị Ý-hoàng ra lịnh bắt giam. Được người Đức giải-thoát, ông thành-lập một chánh-phủ tân Phát-xít ở Bắc Ý để tổ-chức sự kháng-chiến, nhưng đến năm 1945, ông bị bắt và bị xử tử tại Côme.
C. Những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa phát xít
Xét tiểu-sử Mussolini, ta nhận thấy rằng ông là một người hiếu-động. Đối với ông, chỉ có công việc làm là đáng kể, vấn-đề lý-thuyết chỉ là phụ-thuộc mà thôi. Do đó, ông đã nhiều lần thay đổi ý-kiến. Trước, ông theo đảng Xã-hội, sau lại phản đảng ấy; trước ông chủ-trương chống chiến-tranh, sau lại hô-hào cho nước Ý tham-dự chiến-tranh; trước ông muốn liên-minh với những người cấp-tiến, sau lại đàn-áp giết hại họ. Tuy vậy, khi đã gây được một phong-trào mạnh mẽ rồi, ông nhận thấy cần phải có một hệ-thống tư-tưởng làm gốc để cố-kết các nhơn-viên ủng-hộ mình. Do dó, ông nêu ra chủ-nghĩa Phát-xít.
Tư-tưởng của Mussolini phần lớn dựa vào nền triết-lý của nhà học-giả Ý: Gentile. Ông này sanh năm 1875, chết năm 1944, và là tác-giả thuyết hiện-tại. Theo thuyết ấy, các ngành hoạt-động của tinh-thần người đều qui về một mối, mà tư-tưởng với hành-động người cũng luôn luôn phù-hợp nhau.
Tư-tưởng và hành-động người phải dựa vào hiện-tại vì chỉ có cái hiện-tại là thật-sự, chánh-đáng và thiêng liêng. Mà hiện-tại, người sống trong quốc-gia, nên phải lấy quốc-gia làm trọng.
Quốc-gia sở-dĩ xây dựng được phần lớn là nhờ nơi ý-chí tinh-thần của người; do đó, ngưòi cần phải có lòng tin tưởng nơi quốc-gia. Lòng tin tưởng này cần có một tánh-cách tôn-giáo, và ý-niệm tổ-quốc của người phải là một ý-niệm thiên liêng tối thượng.
Ngoài ảnh-hưởng của Gentile, Mussolini còn chịu ảnh-hưởng của Malaparte chủ-trương rằng trong một quốc-gia, dân-chúng là một khối thụ-động, kém hèn, và chỉ có những bực anh-hùng hào-kiệt là đáng kể mà thôi. Sau hết, Mussolini cũng muốn dựa vào quá-khứ huy-hoàng của Đế-quốc La-mã để kêu gọi người Ý xây dựng một nước Ý hùng-cường, xứng đáng với tiền-nhơn họ.
Nói theo những nguyên-tắc trên này, Mussolini tạo ra chủ-nghĩa Phát-xít. Theo chủ-nghĩa ấy, xã-hội trong đó người sống không phải là nhơn-loại, mà là dân-tộc tổ-chức thành quốc-gia. Quốc-gia không phải chỉ là một hợp-tập những cá-nhơn, nó là một thực-tại có một giá-trị cao hơn những yếu-tố cấu-tạo nên nó. Do đó quốc-gia phải được xem là một thực-thể tối-cao. Chính nó mới là cứu-cánh của mọi hoạt-động xã-hội, chứ không phải cá-nhơn. Nó là nguồn gốc mọi quyền-lực; quyền của cá-nhơn, quyền của những đoàn-thể đều do nơi quốc-gia mà phát-xuất. Vậy, cá-nhơn phải phục tùng quốc-gia, phải khép mình vào khuôn khổ quốc-gia và tan biến trong quan-niệm quốc-gia, trong ý-tưởng Tổ-quốc.
Nền tảng của một quốc-gia là đời sống quá-khứ của nó, là lịch-sử những tục-truyền cổ-kính dạy con người lấy nghị-lực mà chiến-đấu để xứng đáng với chức-trách của mình.
Vì dựa vào những quan-niệm trên đây, chủ-nghĩa phát-xít chống với lý-tưởng tự-do cá-nhơn trọng cá-nhơn hơn quốc-gia; nó cũng nghịch với thuyết duy-vật chú-trọng đến lực-lượng vật-chất nhiều hơn đến giá-trị của tinh-thần. Đối với chủ-nghĩa phát-xít, chỉ có quyền-lợi quốc-gia là trên tất cả, còn hình-thức quốc-gia là một vấn-đề phụ-thuộc, vì chánh-thể chỉ là một trạng-thái tiêu-biểu cho trình-độ chánh-trị, lịch-sử và tâm-lý của một dân-tộc vào một thời-kỳ nhứt-định mà thôi. Nhưng dầu sao, muốn đứng vững được, quốc-gia cũng phải có oai-lực va cơ-quan hành-chánh cũng phải nắm nhiều quyền-thế trong tay.
D. Chế độ phát xít
Chủ-trương phát-xít trên này tự-nhiên đưa Mussolini đến chỗ thi-hành chế-độ độc-tài. Ý-hoàng vẫn còn được công-nhận là Quốc-trưởng, song không nắm được một tí quyền gì. Thượng và Hạ Nghị-viện cũng không bị hủy bỏ, Mussolini chỉ sửa đổi cách thức bầu cử lại mà thôi. Trong Thượng Nghị-viện, kế bên những nhơn-viên giữ trách-vụ đến mãn đời, đảng Phát-xít chỉ-định một số nhơn-viên có một nhiệm kỳ hữu-hạn và dễ sai khiến hơn. Nghị-sĩ Hạ Nghị-viện thì được dân-chúng bầu kín trong số những người được các nghiệp-đoàn phát-xít giới-thiệu va được Đại Hội-đồng phát-xít chọn lựa sẵn. Chung-qui, quyền-hành tối-cao trong nước Ý thuộc về Đại Hội-đồng phát-xít này. Trong Đại Hội-đồng ấy, Mussolini đóng vai tuồng thủ-lãnh và trở thành vị chủ-nhơn độc-tài của nước Ý.
Để cho chế-độ mình xây dựng được vững chắc, Mussolini hướng tất cả mọi ngành hoạt-động giáo-dục và văn-hóa trong nước vào lý-tưởng phát-xít. Sự huấn-luyện tinh-thần của người dân Ý đã bắ đầu từ tuổi thiếu-niên, với những tổ-chức thiếu-sanh và thanh-niên phát-xít, và tiếp-tục cho kẻ thành-niên với những đoàn-thể được chánh-phủ phát-xít chánh-thức công-nhận.
Đặc-điểm của chế-độ phát-xít là sự tôn-trọng cần-lao. Tất cả mọi người đều bắt buộc phải làm việc. Những quyền tự-do và tư-hữu bị khiên-chế chặt chẽ, sự ăn không ngồi rồi bị xỉ mạ và những người địa-chủ không khai-thác sản-nghiệp mình bị bắt buộc phải nộp đất đai cho chánh-phủ. Chế-độ nghiệp-đoàn được khuếch-trương rộng rãi. Các nghiệp-đoàn phát-xít được quyền qui-định lương bổng thợ thuyền và được chọn lựa những nhơn-viên ứng-cử vào Hạ Nghị-viện. Tuy-nhiên, sự đình-công bị cấm tuyệt và chủ-trương giai-cấp tranh-đấu bị đàn-áp thẳng tay.
Đ. Những nhược điểm của chủ nghĩa phát xít
Tinh-thần của chủ-nghĩa Phát-xít có thể tóm lại trong câu “duy quốc độc tôn“. Những nhà lãnh-tụ phát-xít lấy quốc-gia làm cứu-cánh cho mọi hành-động của con người, và bắt cá-nhơn hoàn-toàn lệ-thuộc quốc-gia. Quan-niệm này là một quan-niệm hết sức sai lầm.
Thật ra, quốc-gia tự nó không có nghĩa gì cả. Nó chỉ nhờ cá-nhơn mà thành-lập được. Nó chỉ duy-trì được khi dân-chúng vui lòng chấp-nhận nó và chỉ có lý-do tồn-tại khi nó bảo-đảm được quyền-lợi của phần đông dân-chúng. Vậy, nó chỉ là một phương-tiện để mưu-đồ sinh-tồn cho cá-nhơn. Vì đó, mặc dầu cao quý hơn cá-nhơn, nó vẫn phải được phê-phán theo sự ích-lợi nó mang đến cho cá-nhơn. Ý-tưởng lấy quốc-gia làm cứu-cánh cho mọi hành-động không có một nền tảng hợp-lý, và chỉ có thể đưa đến sự chuyên-chế của nhà cầm-quyền, biện-chánh cho sự hà-lạm của họ.
Chủ-nghĩa Phát-xít xem thế, chỉ là một chủ-nghĩa quốc-gia cổ-điển không có lý-luận gì đặc-biệt. Nó sở-dĩ được dân Ý chấp-nhận lúc ban đầu không phải vì nó hợp-lý, mà vì nó hiện ra như một cây sào có thể cứu vớt dân-chúng trong khi mọi người bị lôi cuốn trong dòng nước hỗn-loạn.
Khi nắm được chánh-quyền rồi, những người theo chủ-trương phát-xít đã kiến-thiét nước Ý thành một nước hùng-cường. Chế-độ họ xây dựng cũng có nhiều điểm tốt đẹp: sự tôn-trọng cần-lao và quan-trọng-hóa các nghiệp-đoàn kể ra cũng là những sáng-kiến hay. Nhưng thật-sự, những đảng-viên phát-xít không có lý lẽ gì vững chắc để đánh đổ lý-thuyết dân-chủ và xã-hội, họ chỉ dùng võ-lực để đàn-áp những người theo hai thuyết ấy mà thôi.
Thêm vào đó, cái quá-khứ không được trong sạch của Mussolini cũng làm cho người ta thiếu tin cậy nơi đảng Phát-xít. Những chiến-sĩ của ông ta lại là những kẻ thuộc đủ hạng người hốt-nhiên hợp lại, không có sự chọn lọc về mặt đạo-đức và tinh hần. Đến lúc thành-công, nhiều phần-tử bất lương đã thừa thế làm những điều càn dỡ. Chủ-trương độc-tài của Mussolini khiến cho dân-chúng không có một cách nào để tự-vệ đối với hạng người bất-lương ấy.
Do đó, chế-độ phát-xít đã bị nhiệt-liệt chỉ-trích về những hành-vi quá bạo-tàn của nó. Nhiều nhà học-giả nổi danh của Ý phải lén xuất-ngoại để thoát khỏi bầu không-khí khắc-nghiệt của nước mình, và dư-luận thế-giới lần lần mất hết thiện-cảm đối với Mussolini cùng chế-độ của ông.
II. Chủ nghĩa quốc xã
A. Tình trạng nước Đức sau trận đại chiến 1914-1918
Sau trận chiến-tranh 1914-1918, nước Đức cũng gặp những nỗi khó khăn như nước Ý. Sự thất trận làm cho đồng “mác” (Đức-kim) hạ giá một cách hãi-hùng. Thêm vào đó, sự sản-xuất kinh-tế bị ngưng-trệ và nước Đức bị lâm vào một cuộc khủng-hoảng lớn lao. Một số đông người trung-lưu bị sạt nghiệp, trong khi một thiểu-số kỹ-nghệ gia thạnh-vượng lên, và tổ-chức những xí-nghiệp tập-trung có thế-lực rất mạnh về mặt kinh-tế.
Trong khi đó, những đảng-viên xã-hội lợi dụng tình-thế để bành-trướng thế-lực và mưu toan cướp chánh-quyền. Họ tổ-chức những cuộc hội-họp, những cuộc biểu-tình, những cuộc bạo-động để phô-trương lực-lượng và lôi cuốn những kẻ lưng chừng.
Chánh-phủ Cộng-hòa Weimar lúc ấy phải dựa vào quân-đội Đức để giữ gìn trật-tự. Nhưng giữa chánh-phủ và quân-đội không có một sự hợp-tác chặt chẽ, vì chánh-phủ Đức nghiêng về phía lý-tưởng tự-do, còn quân-đội Đức đào-luyện theo tinh-thần cũ lại có xu-hướng độc-tài.
Về phần dân-chúng, họ không thích các chánh-khách và những tổ-chức tả-phái. Người Đức vốn có một tinh-thần kỷ-luật mạnh, lại luôn luôn nuôi ước-vọng thấy tổ-quốc họ trở thành bá-chủ hoàn-cầu. Sự thất trận làm cho mộng đế-quốc của họ tan vỡ.
Thái-độ của các nước đồng-minh đối với họ lại càng làm cho họ thất-vọng hơn. Khi ký-kết văn-kiện đình-chiến năm 1918, người Đức chưa phải thật-sự đã bại-trận. Họ đã hết hy-vọng thắng Pháp, nhưng hãy còn giữ vững được biên-giới nước mình. Chánh-phủ Weimar đã lật đổ Đúc-hoàng mong rằng, với một chế-độ Cộng-hòa, các nước đồng-minh – vốn tuyên bố tranh-đấu cho lý-tưởng tự-do – tỏ ra khoan-hồng hơn. Nhưng các nước đồng-minh đã đối đãi với Đức một cách khắc-nghiệt, gây ra một sự công-phẫn lớn lao trong quần-chúng Đức.
Sự rối loạn tiếp theo đó lại càng làm cho dân Đức oán ghét chánh-phủ Weimar. Một mặt khác, vai tuồng của quân-đội Đức trong sự gìn giữ trật-tự đã tăng thêm uy-tín nó rất nhiều. Do đó, phát sanh ra ý-tưởng cho rằng quân-đội Đức không hề thất-trận, chỉ vì bọn chánh-khách Đức phản-bội, phá rối hậu-phương, mà các tướng lãnh Đức phải buộc lòng xin đình-chiến với các nước đồng-minh.
Cuộc đầu-phiếu của dân-chúng Đức đã loại ra khỏi chánh-phủ những phần-tử thiên tả, và đưa lên ghế Tổng-thống Đức: Thống-chế Hindenburg, một quân-nhơn có nhiều uy-tín. Lẽ cố-nhiên là những nhóm xã-hội và cộng-sản phải cố phản-ứng lại, mặc dầu họ đã yếu sức nhiều vì những cuộc đàn-áp đẫm máu. Chính trong bầu không-khí hậu-chiến căng thẳng vì sự cạnh-tranh giữa xu-hướng xã-hội và ý-thức quốc-gia mà đảng Quốc-xã Đức ra đời và phát-triển.
B. Hitler và đảng quốc xã
Nhà lãnh-tụ Quốc-xã Đức tên Adolf Hiler. Ông sanh năm 1889 tại Braunau, một châu-thành ở biên-thùy Aó-Đức. Ông là con một công-chức, nhưng không thích làm công-chức như cha, lại muốn trở thành một nhà họa-sĩ. Thuở ông còn bé, một vị giáo-sư lịch-sử đã gây cho ông lòng yêu dân-tộc Đức và sự oán-hận dòng vua Áo Habsbourg.
Mồ côi cha và mẹ vào tuổi thiếu-niên, Hitler rời quê-hương đến Áo-đô là Vienne. Ông thi vào trường mỹ-nghệ không đỗ phải làm thợ để mưu-sanh, sống một cuộc đời rất vất vả. Trong thời-kỳ này, ông tiếp xúc với những thợ thuyền và hết sức ngạc-nhiên khi thấy họ bị ảnh-hưởng của lý-thuyết xã-hội Karl Marx chống tổ-quốc, chống tôn-giáo, chống luân-lý cổ-truyền, những ý-niệm rất được ông tôn-trọng. Đồng-thời, ông dự-kiến những cuộc hội-họp của Nghị-viện Áo và rất nhờm gớm chế-độ đại-nghị. Ông cho rằng mọi họa-hại, từ thái-độ vô tổ-quốc của thợ thuyền đến chế-độ đại-nghị, đều do người Do-thái mà ra. Dân Đức đã bị người Do-thái gạt gẫm và tự gây ra rối loạn trong quốc-gia để cho người Do-thái hưởng.
Năm 1912, Hitler bỏ Vienne đến Munich. Ông hãy còn nghèo, nhưng đã có một mực sống khá hơn. Lúc chiến-tranh bùng nổ, ông xin gia-nhập quân-đội Đức, và sau một thời-kỳ tranh-đấu, ông được lên cấp Hạ-sĩ, lại được thưởng “Thiết bội-tinh “.
Khi nước Đức thất trận, Hitler được bổ làm sĩ-quan tác-động tinh-thần, và nhơn đó, có dịp nhận-thức tài hùng-biện của mình. Ông tiếp-xúc với đảng thợ-thuyền Đức lúc nó vừa thành-lập, xin gia-nhập nó rồi tổ-chức nó lại, đặt tên nó là đảng “Quốc-gia Xã-hội “, lấy cờ chữ vạn làm biểu-hiệu. Nhờ những đề-tài tuyên-truyền của ông phù-hợp với tâm-trạng và nguyện-vọng của dân Đức lúc bấy giờ, đảng ông bành-trướng rất mau. Ông bèn tổ-chức những đội xung-phong, dùng võ-lực chống lại những nhóm cộng-sản.
Ngày 09 tháng 11 năm 1923, Hitler mưu cuộc đảo-chánh ở Munich, nhưng thất-bại, đảng Quốc-Xã bị giải tán và ông bị bắt và bị phạt 5 năm tù. Trong khám, ông viết quyển “Cuộc chiến-đấu của tôi “, thuật lại tiểu-sử mình và trình bày chủ-nghĩa mình. Về sau, án ông được rút xuống còn 13 tháng.
Khi ra tù, Hitler hoạt-động chánh-trị trở lại trong vòng hợp-pháp. Đảng ông đưa ra một số khá lớn nghị-sĩ vào Quốc-hội. Trong một cuộc tranh-cử chức Tổng-thống với Hindenburg, ông đã được số phiếu rất cao, tuy không bằng Hindenburg. Bởi đó, năm 1933, khi nước Đức lọt vào những cuộc khủng-hoảng nội-các liên-miên vì không ai giải-quyết được nạn khủng-hoảng kinh-tế và vấn-đề thất nghiệp của thợ thuyền, Tổng-thống Hindenburg phải mời ông ra làm Thủ-tướng.
Năm 1934, khi Tổng-thống Hindenburg chết, Hitler kiêm luôn cả chức Quốc-trưởng và trở thành nhà độc-tài của nước Đức. Ông dựa vào đảng Quốc-Xã mà kiến-thiết nước Đức thành một nước hùng-cường, nhưng ý muốn mở rộng cương-giới đưa ông đến chỗ phải khai-chiến với các nước khối dân-chủ. Năm 1945, khi nước Đức thất-trận và thủ-đô Berlin sắp bị chiếm, ông tự-tử với những người thân-tín để khỏi chứng-kiến cái nhục mất nước.
C. Những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa quốc xã: Thuyết siêu nhơn và siêu tộc
1- Những tác giả đã ảnh hưởng đến Hitler
Trong sự xây dựng chủ-nghĩa mình, Hitler đã chịu ảnh-hưởng nhiều triết-gia và học-giả như Nietszche, Gobineau, Vacher de Lapouge và Houston Stewart Chamberlain.
a) Nietszche và thuyết siêu nhơn
Nietszche (1844-1900) là một triết-gia Đức có nghiên-cứu về nền tư-tưởng Ấn-độ chú-trọng đến sức mạnh của tinh-thần người, và đặt bực đạt-đạo lên trên ý-niệm Thiện-Ác. Ông đã dựa vào đó mà nêu ra một nền luận-lý đặt nền tảng trên sự rèn luyện nghị-lực và phát-triển ý-chí cường-lực, đưa người lên địa-vị siêu-nhơn. Quyển ” Những lời day của Zarathoustra ” ông viết ra có ảnh-hưởng rất nhiều đến những lý-thuyết-gia chủng-tộc của Đức về sau.
b) Bá tước Gobineau và quyển «tiẻu luận về sự bất bình đẳng giữa cá chủng tộc»
Trong một quyển sách tựa là “Tiểu-luận về sự bất-bình-đẳng giữa các chủng-tộc“, Gobineau (1816-1882), một nhà ngoại-giao Pháp, cho rằng vấn-đề chủng-tộc là chìa khóa của cả lịch-sử loài người.
Theo ông, sự bất-bình-đẳng về chủng-tộc có tánh-cách thiên-nhiên và thường-trực. Trong tất cả các chủng-tộc, chủng-tộc da trắng là trên hết; trong các chủng-tộc da trắng, dân Aryen là hơn cả, và trong dân Aryen, ngành Nhựt-nhĩ-man (Germain) giữ địa-vị cao nhứt, vì những ngành Xen (Celte) và Tư-lạp- phu (Slave) đã lai các giống da vàng nhiều rồi.
Người Nhựt-nhĩ-man, chủng-tộc cao quí nhứt của nhơn-loại đã chinh-phục được đế-quốc La-mã. Nhưng họ cũng bị sự trộn giống mà lần lần suy-đồi. Dân Đức hiện-tại đã mất tánh-cách Nhựt-nhĩ-man nhiều. Do đó, phần máu Arian thuần-túy bớt đi, và nhơn-loại nhứt-định phải đi đến sự thoái-hóa.
c) Vacher de la pouge và quyển «Ngưới Aryen và vai tuồng xã hội của họ»
Sau đó, một học-giả Pháp khác, Vacher de Lapouge xuất-bản năm 1899 quyển “Người Aryen và vai tuồng xã-hội của họ” trong đó ông tiếp-tục thuyết của Gobineau, nhưng đánh đổ sự bi-quan của ông này.
Vacher de Lapouge cho rằng với những phương-pháp tuyển-trạch khoa-học tương-tự những phương-pháp áp-dụng cho loài thực-vật và thú-vật, người ta có thể cải-tạo lại loài người với những người Aryen thuần-túy còn sót lại.
d) “Houston Stewart Chamberlain và quyển «Cơ Sở Của Thế Kyy Thứ 19»
Cũng trong năm 1899, một học-giả Anh, Houston Stewart Chamberlain cho ra quyển “Cơ-sở của thế-kỷ thứ 19 “. Trong sách này, Chamberlain chủ-trương rằng những tánh-cách thể-chất của người Aryen : tóc vàng, mắt xanh, sọ dài…, chưa phải là tất cả. Điều cốt-yếu cho người Aryen là một ý-thức về chủng-tộc mình.
Với tư-cách là một kiến-trúc chánh-trị, quốc-gia có một vai tuồng quyết-định, vì nó tạo ra những điều-kiện cần-thiết cho sự sinh-tồn của các chủng-tộc. Do đó, Chamberlain phản-đối hẳn Gobineau, và công-nhận rằng dân Đức hiện-thời đáng làm những kẻ kế-thừa của người Aryen Nhựt-nhĩ-man.
2- Thuyết chủng tộc của Hitler
a) Thuyết siêu nhơn
Theo thuyết siêu-nhơn của Hitler, những công việc vĩ đại, những hành-vi anh-dõng đã xảy ra từ trước đến giờ đều là công-trạng của những cá-nhơn chứ không phải của quần-chúng. Từ sự tìm ra tia lửa đầu tiên giúp cho người luyện những khí-giới kim-loại trong thời-kỳ tiền-sử cho đến những phát-minh khoa-học sau này biến-cải hẳn mặt địa-cầu, từ sự tổ-chức xã-hội cho đến sự tạo-lập những nền luân-lý, đạo-đức đã làm cho người càng ngày càng tiến-hóa về mặt tinh-thần, cái nào cũng do sáng-kiến của một khối óc mà ra.
Tất cả những công-nghiệp vĩ-đại, những biến cố quan-trọng trong lịch-sử đều dính dáng vào tên một vĩ-nhơn. Quần-chúng chỉ là một khối thụ-động, nhắm mắt tuân theo lịnh vĩ-nhơn hay chỉ ngồi không thụ-hưởng kết-quả công việc làm của vĩ-nhơn.
Những bậc vĩ-nhơn cố-nhiên phải có một tài-năng xuất-chúng, một trí thông-minh phi-phàm, một nghị-lực khác thường : tóm lại, họ là những siêu-nhơn. Họ có nhiệm-vụ hướng dẫn nhơn-loại đi trên đường tiến-bộ. Nhưng muốn cho họ thành-công được, những người tầm-thường phải phụng-sự họ và tuân theo lịnh họ.
b) Sự phân biệt những chủng tộc ra làm ba loại : tạo lập, duy trì và phá hoại văn minh
Sự bất-bình-đẳng không những chỉ phát-hiện giữa những cá-nhơn mà thôi ; nó còn hiện ra giữa chủng-tộc nữa.
Trong nhơn-loại, có chủng-tộc rất thông-minh tài-trí, có óc sáng-kiến, lại nhiều nghị-lực, mỗi khi gặp cơ-hội thuận-tiện thì phát-triển được hết năng-lực của mình, tạo ra những yếu-tố mà toàn-thể hợp lại làm nền văn-minh. Đó là những chủng-tộc tạo-lập văn-minh.
Nhiều chủng-tộc khác không có trí thông-minh xuất-chúng, không đủ sức phát-huy hay sáng-tạo điều gì, chỉ có thể học hỏi, bắt chước những việc làm của chủng-tộc trên. Nhưng họ thường bắt chước những siêu-tộc một cách ngu-muội, chỉ noi theo người ta một cách mù quáng, nô-lệ, không biết tùy theo hoàn-cảnh mà sửa đổi thêm bớt vào nền văn-minh, không biết đem sự kinh-tân hoán-cải theo thời-gian mà gây cho nền văn-minh một sanh-khí dồi-dào là động-lực của tiến-hóa. Những chủng-tộc này chỉ có thể gọi là những chủng-tộc duy-trì văn-minh.
Sau cùng có một loại chủng-tộc, đã không tạo-lập nền văn-minh mà cũng không thể và không muốn duy-trì nó, họ luôn tìm cách tàn-phá, hủy-hoại những biểu-hiệu của văn-minh. Đó là những chủng-tộc phá-hoại văn-minh.
c) Dân aryen là chủng tộc độc nhứt tạo lập văn minh
Sau khi phân chia các chủng-tộc làm 3 loại : tạo-lập văn-minh, duy-trì văn-minh và phá-hoại văn-minh, Hitler bảo rằng sự nghiên-cứu lịch-sử văn-minh thế-giới đã chứng-nhận rằng tất cả những công-trình biểu-hiệu cho những nền văn-minh đã xuất-hiện đều do nơi chủng-tộc Aryen mà ra. Những chủng-tộc khác chỉ bắt chước chủng-tộc Aryen, và chỉ là hạng duy-trì văn-minh mà thôi.
Chủng-tộc Aryen quả xứng đáng là một chủng-tộc siêu-đẳng, một siêu-tộc làm thầy cả thế-giới. Nó có cái sứ-mạng thống-nhứt hoàn-cầu, dìu dắt những chủng-tộc khác trên đường văn-minh, tạo-lập nền hòa-bình và hạnh-phúc cho nhơn-loại.
Hòa-bình và hạnh-phúc này không thể thâu-hoạch được bằng những nhánh ô-liu mà người ta vừa phe phẩy, vừa khóc sụt sùi ở các hội-nghị quốc-tế. Nó chỉ có thể thâu-hoạch được bằng một lưỡi kiếm đặt tất cả mọi người dưới một trật-tự nghiêm-khắc, trong ấy một chủng-tộc đặc-biệt tài giỏi chỉ dẫn cho những chủng-tộc khác phụng-sự một nền văn-minh cao cả. Cái sứ-mạng thống-nhứt thế-giới này, chủng-tộc Aryen có thể thi-hành được và phải đứng ra thi-hành.
d) Điều kiện quyết thắng cho siêu tộc: một dòng máu thuần túy
Nhưng muốn thi-hành được cái sứ-mạng thiêng liêng của mình, chủng-tộc Aryen phải giữ cho dòng máu của mình hoàn-toàn trong sạch, không được pha trộn với chủng-tộc nào khác. Hitler cho rằng Tạo-hóa sanh ra những chủng-tộc khác nhau không phải để cho nó trộn lộn vào nhau.
Những giống vật bao giờ cũng giao-hợp giữa đồng-loại với nhau : không bao giờ một con thú giao-hợp với một con thú khác loài với nó. Con gà bao giờ cũng đạp mái một con gà, không đạp mái một con vịt. Nếu vì sự tù hãm hay vì một lẽ gì khác mà một sanh-vật không tìm được con đực hay cái cùng loài với nó và phải giao-hợp với một sanh-vật dị-loại thì Tạo-hóa trừng-phạt nó ngay. Hai sanh-vật khác loài nhau mà giao-hợp nhau thì không sanh con được, mà có sanh con được đi nữa thì sanh-vật con ấy cũng thường tuyệt sự sanh-dục, hay ít nữa cũng sanh-dục rất ít và luôn luôn kém sức tranh-đấu để sinh-tồn. Con lừa và con ngựa giao-hợp nhau thì sanh ra con la, một con vật ngu-si mà không có con được.
Xem thế, ý muốn Tạo-hóa là giữ cho các chủng-loại phân-biệt nhau để nó cạnh-tranh lẫn nhau mà tiến-hóa, vì sự tiến-hóa không thể đạt được bằng cách trộn lộn các chủng-loại, nó chỉ thâu-hoạch được bằng sự hoàn-toàn thắng-lợi của chủng-loại có giá-trị nhứt. Nhiệm-vụ kẻ mạnh là thống-trị chớ không phải là hy-sinh sự cao quí của mình để trôn lộn với đám đông bạc-nhược.
Kết-quả của cái xu-hướng thiên-nhiên muốn duy-trì sự thuần-túy của chủng-loại là sự sai-dị rõ rệt giữa hình-thể các chủng-loại khác nhau và sự tương-tự lớn lao giữa những tánh-cách đặc-biệt của mỗi chủng-loại. Con chồn vẫn luôn luôn là con chồn, con ngỗng vẫn luôn luôn là con ngỗng, và những sự sai-biệt giữa những sanh-vật cùng loài chỉ do nơi số nghị-lực, thông-minh, khôn khéo nhiều ít khác nhau mà thôi. Ta không thể nào tìm được một con chồn có bẩm-tánh làm cho nó lấy lòng bác-ái mà ở với con ngỗng, cũng không thể kiếm được con mèo nào tự-nhiên mến loài chuột.
Một chủng-tộc cao-cấp mà trộn lộn với một chủng-tộc hạ-cấp thì sanh ra một giống lai-căn không giỏi bằng chủng-tộc cao-cấp và sẽ bị đào-thải trong cuộc cạnh-tranh để sinh-tồn. Đã vậy, sự trộn giống ấy lại làm cho nhơn-loại thoái-hóa nữa.
Lịch-sử đã chứng tỏ rằng chủng-tộc Ayren là chủng-tộc cao-cấp duy-nhứt đã xây đắp tất cả những nền văn-minh trên thế-giới. Nhưng vì ít dân số quá, nên muốn làm xong công-nghiệp tạo-lập văn-minh ấy, người Ayren phải dùng nhơn-công thuộc chủng-tộc khác. Ban đầu, giữa họ và những chủng-tộc hạ-cấp kia có một sự cách-biệt rõ ràng nên nền văn-minh xây đắp được có một sanh-khí mạnh mẽ. Nhưng lần lần, người Ayren trộn lộn với những chủng-tộc hạ-cấp, thành ra dòng máu của họ phai đi không còn tinh-túy nữa. Vì đó, nền văn-minh của người Ayren chánh-tông dựng lên mất cả vượng-khí, trở nên khô khan, và sau cùng phải đổ nát.
Vậy, muốn giữ cho nèn văn-minh mình xây đắp khỏi tan rã, chủng-tộc Ayren phải giữ cho máu mình thuần-túy, không pha trộn với chủng-tộc nào khác. Một điều đáng tiếc là sự lầm lạc từ trước đến nay đã làm cho chủng-tộc Ayren tạo-lập văn-minh lai mất nhiều rồi.
Hiện giờ, trong chủng-tộc Ayren xây đắp văn-minh, chỉ còn có nhóm dân Đức là chưa trộn lẫn với chủng-tộc nào khác. Giọt máu họ còn thuần-túy, và chỉ có họ là đủ sức hướng dẫn nhơn-loại trên đường tiến-bộ. Sứ-mạng người Đức là thống-nhứt hoàn-cầu, đem hạnh-phúc lại cho thế-giới. Nhưng vết xe đổ của người xưa, họ phải biết xem vào mà tránh : muốn cho sứ-mạng họ hoàn-thành, họ không được chung chạ trộn lẫn với chủng-tộc nào khác.
đ) Phong trào bài Do Thái và qui tập ngưới thuộc máu Đức về một khối
Một điều nguy-hiểm cho sự tinh-túy của dòng máu Đức là những người Do-thái tràn lan trên đất Đức. Đó là một chủng-tộc từ xưa đến nay luôn luôn phá-hoại văn-minh. Họ không kiến-thiết được cái gì vĩ-đại để lại cho loài người. Họ chỉ chú-trọng vào sự an-hưởng vật-chất, và không có một lý-tưởng gì khác hơn là sự kiếm tiền. Họ lại chuyên-môn gây sự thù hiềm chia rẽ bên trong các dân-tộc, cố gieo rắc mầm nộI-loạn ở khắp nơi để mưu-đồ tư-lợi. Phần lớn những nhà tư-bản bóc lột nhơn-công là người Do-thái, mà những lãnh-tụ chủ-trương giai-cấp tranh-đấu, từ Karl Marx đến Lénine, cũng là người Do-thái.
Để cho dân Do-thái tự-do sống trong nước Đức thì thế nào họ cũng làm cho nước Đức suy-vi tan nát. Họ lại trộn lẫn với dân Đức, làm cho người Đức kém hèn đi, không xứng đáng làm bá-chủ thế-giới nữa. Lấy cớ này, Hitler ra lịnh bài-trừ Do-thái.
Những người Đức đã lầm lỡ lai giống với người Do-thái tất-nhiên phải bị gạt qua một bên. Những phần-tử không lai giống, nhưng đã bạc-nhược, cũng bị chánh-phủ dùng những phương-pháp khoa-học mà làm cho tuyệt sự sanh-dục đi, để cho quốc-gia Đức sau này tránh cái nạn phải nuôi những công-dân ươn hèn yếu đuối. Một mặt khác, tất cả những người mang dòng máu Đức phải được đặt dưới sự quản-trị của chánh-phủ Đức. Như thế, những đất đai có người Đức ở, phải sáp-nhập vào lãnh-thổ Đức.
Vui cười
Ông già ở San Jose gọi điện cho con trai ở New York:
– Con trai à ba đây. Ba muốn báo cho con một tin không vui là ba và mẹ con sẽ ly dị.
– Trời! Sao như vậy được. Ba Me đã già rồi mà còn ly dị. Không được đâu.
– Sống chung với bả 50 chục năm trời tao chịu hết nổi rồi. Tao quá chán rồi không muốn nói tới chuyện này nữa, mày phone cho em gái mày nói cho nó biết đi nhé.
Cậu con trai gọi cho em gái ở Boston:
– Em à ba mẹ sắp ly dị rồi.
– Trời! Sao lại có chuyện này được. Thôi được để em lo vụ này.
Cô gái gọi cho ông già.
– Ba à, chừng này tuổi rồi mà còn đòi ly dị. Ba mẹ hãy chờ con và anh con về rồi tính. Đừng làm gì hết đó nhe. Chờ tụi con về rồi tính. Ngày mai anh em con sẽ bay về ngay.
Ông già cúp phone xong quay bà già.
– Vậy là năm nay tụi nó chịu về rồi. Tới Noel mình sẽ chơi chiêu gì hả bà?
Nền Giáo Dục của miền Nam Việt Nam thời trước 1975 – Phạm Cao Dương
* Có bổ tuc
* Mười năm (2006-2016) suy nghĩ và viết lại: Liên Tục Lịch Sử, Một Đặc Tính Cơ Bản của Nền Giáo Dục của Miền Nam Việt Nam
Thời Trước Năm 1975
Trước khi vào đề.-
Bài này khởi sự được viết và được phổ biến năm 2006. Tôi viết vì sự thôi thúc của bạn bè trước tình trạng phải nói là vô cùng tệ hại của nền giáo dục ở trong nước, phản ảnh qua các cơ quan truyền thông ở cả trong nước lẫn Hải Ngoại, nhất là các đài BBC của Anh hay RFI của Pháp. Hai đài sau này mỗi độ tháng 5 hay tháng 6 dương lịch là tường thuật kể như hàng ngày với cảnh thể thảm khó tưởng tượng của các trường thi sau mỗi buổi thi và tình trạng đắt đỏ cùng nhu cầu đóng góp đến độ vô lý, vượt khỏi sức chịu dựng nổi cho giới phụ huynh khi gửi các con em của mình đến trường. Mọi người muốn tôi nhắc lại nền giáo dục của nước nhà thời xưa, đặc biệt là thời Việt Nam Cộng Hòa. Năm nay là năm 2016. Thấm thoát đã mười năm. Thời gian trôi qua thật nhanh đến độ khủng khiếp. Những người đã thúc đẩy tôi phần lớn đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng tình trạng thì vẫn thế cũng giống như trường hợp tôi viết về ước vọng của tôi qua bài “Viễn Ảnh của Nước Việt Nam năm 2010”, với cái mốc là năm 1010, năm Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu cho không phải chỉ thời Lý-Trần mà còn cả thiên niên kỷ thứ hai trong lịch sử Dân Tộc Việt Nam như tôi viết trước đó. Bây giờ thì những người đã thúc đẩy tôi phần lớn đã ra đi. Tôi quyết định viết lại bài nàyđể chia sẻ với bạn đọc vì mười năm trước tôi còn bỏ sót không nhắc tới một số nhân vật đã góp phần làm đẹp cho nền giáo dục của miền Nam mà không ai biết đến, vì hồi đó các vị này còn sống không muốn được người khác đề cao, cũng như một số chi tiết mà nhất thời tôi không để ý hay không nhớ ra hoặc trình bày chưa đủ rõ.
Một trong những đặc tính căn bản của sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975 nói chung và văn hóa miền Nam nói riêng là sự liên tục lịch sử. Nói như vậy không có nghĩa là trong thời gian này miền đất mà những người Quốc Gia còn giữ được không phải là không trải qua nhiều xáo trộn. Chiến tranh dưới hình thức này hay hình thức khác luôn luôn tồn tại và có những thời điểm người ta nói tới các chế độ độc tài hay quân phiệt và luôn cả cách mạng. Nhưng ngoại trừ những gì liên hệ tới chế độ, quân sự hay an ninh quốc gia, sinh hoạt của người dân vẫn luôn luôn được tôn trọng. Sự liên tục lịch sử do đó đã có những nguyên do để tồn tại, tồn tại trong sinh hoạt hành chánh, tồn tại trong sinh hoạt tư pháp, trong văn chương và nghệ thuật và tồn tại đương nhiên trong sinh hoạt giáo dục. Trong bài này tôi chỉ nói tới giáo dục và giáo dục công lập. Đây không phải là một bài khảo cứu mà chỉ là một bài nhận định và những nhận định được nêu lên chỉ là căn bản, sơ khởi, đồng thời không đầy đủ. Một sự nghiên cứu kỹ càng, có phương pháp hơn và đầy đủ hơn là một điều cần thiết. Ở đây tôi xin được nêu lên năm đặc tính mà tôi gọi là cơ bản. Năm đặc tính này là:
Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục.
Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống cũ.
Thứ ba: Sự liên tục trong phạm vi nhân sự.
Thứ tư: Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời năm 1945 và Phan Huy Quát sau đó,
Thứ năm: Một Xã hội tôn trọng sự học và những người có học.
Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục
Giáo dục công lập ở Việt Nam đã có từ lâu đời và tùy theo nhận định của các sử gia, tới một mức độ nào đó định chế này đã tồn tại ít ra là trên dưới mười thế kỷ. Mục đích của nó là để đào tạo nhân tài cho các chế độ, nói riêng, và cho đất nước, nói chung. Các vua chúa Việt Nam thời nào cũng vậy, cũng coi trọng việc học. Có điều coi trọng thì coi trọng, các vua Việt Nam, nói riêng và các triều đình Việt Nam, nói chung, chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào sinh hoạt giảng dạy của các trường, hầu hết là các trường tư ở rải rác khắp các làng xã ở trong nước do các thày đồ đảm nhiệm. Sinh hoạt này hoàn toàn do các thày ở các trường tự do đảm trách với sự bảo trợ của các nhà khá giả ở trong làng hay trong vùng. Cao hơn là các trường của các huấn đạo, giáo thụ, đốc học…Tất cả đều là những học quan. Giáo dục do đó là của người dân, do người dân đóng góp và trực tiếp là của những người làm giáo dục. Nói cách khác, cho đến khi người Pháp sang, nó là của giới trí thức đương thời, đúng hơn là của các nhà Nho với tất cả những học thuyết, nhửng nguyên tắc căn bản của giới này.
Sang thời Pháp, do nhu cầu bảo vệ, truyền bá và qua sứ mạng truyền bá văn minh và văn hóa (mission civilisatrice) của họ, một sứ mạng người Pháp tự gán cho mình, họ đã lập ra một nền giáo dục mới, nền giáo dục Pháp-Việt, nhưng việc điều hành, việc soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn hay ít ra là đã lựa chọn nghề dạy học làm sinh hoạt chính của mình, với tinh thần quí trọng kiến thức và yêu mến nghề dạy học dù chỉ là tạm thời về phía người Pháp cũng như về phía người Việt. Chỉ cần mở các sách giáo khoa được soạn thảo, ấn hành và phổ biến trong thời gian này, người ta có thể thấy ngay vai trò của các nhà giáo Việt Nam là như thế nào.
Cuối cùng khi người Mỹ đến Việt Nam, giáo dục đã trở thành một ngành học chuyên môn thay vì chỉ là giảng dạy. Qua các chương trình viện trợ và du học, một từng lớp các nhà giáo dục mới đã được đào tạo từ các đại học Mỹ với các bằng cấp chuyên môn về giáo dục, từ cao học tới tiến sĩ, từ giáo dục nói chung đến, tâm lý, hành chánh, cố vấn và khải đạo… đã bắt đầu về nắm giữ những chức vụ quan trọng trong nghề mà người từ bên ngoài không khỏi không ngần ngại khi đụng tới. Đã có thời người người ta đề cập tới nhu cầu huấn luyện phương pháp giảng dạy cho tất cả các giáo chức kể cả giáo chức ở các ngành khác qua một quan niệm rộng rãi hơn là chỉ giảng dạy chuyên môn của mỗi người nhắm tới sự hữu hiệu hơn trong sứ mạng và trách nhiệm của người đứng trên bục giảng, một việc làm khác với việc hành nghề ở bên ngoài học đường.
Đặc tính kể trên đã liên tục được tôn trọng trong suốt thời gian miền Nam tồn tại và luôn cả trước đó, từ thời Chính Phủ Quốc Gia của Cựu Hoàng Bảo Đại. Chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng trong việc lựa chọn nhân sự điều hành trong bộ, ngoại trừ các chức vụ có tính cách chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư tức thư ký riêng của bộ trưởng… tất cả các chức vụ chỉ huy khác trong bộ, từ thứ trưởng, tổng thư ký, tổng giám đốc, giám đốc, chánh sở, chủ sự.. cho tới các hiệu trưởng các trường và đương nhiên là các giáo sư, giáo viên đều là những nhà giáo chuyên nghiệp. Lý do rất đơn giản: họ là những người biết việc, rành công việc và có kinh nghiệm, biết rõ nhu cầu của học trò và phụ huynh cũng như xã hội, chưa kể tới sự yêu nghề, yêu trẻ, đã lựa chọn nghề ngay từ đầu và sẽ ở lại với nghề cho đến hết đời. Chính trị đối với họ chỉ là nhất thời, tương lai của cả một dân tộc hay ít ra là của những thế hệ tới mới là quan trọng.
Trong phạm vi lập pháp, rõ hơn là ở quốc hội, các chức vụ đứng đầu các ban hay các tiểu ban liên quan tới giáo dục, dù là thượng viện hay hạ viện đều do các nghị sĩ hay dân biểu gốc nhà giáo phụ trách.
Trong lớp học, các thày nói chung được tự do giảng dạy. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đã ngưng lại trước ngưỡng cửa của học đường, hẹp hơn nữa là ngưỡng cửa của lớp học, đặc biệt là ở cấp đại học và tới một giới hạn nào đó ở cả bậc trung học, không ai bắt buộc các thày phải thế này, thế khác, ngoại trừ lương tâm và sự hiểu biết của chính mình. Cũng vậy, không ai rình rập hay báo cáo để bắt bỏ tù. Không có gì gọi là của Đảng hiện diện. Sự tôn trọng quyền tự do của người thày này giúp bảo đảm phẩm chất, tư cách, khả năng cá nhân và giá trị của mỗi người thày, không riêng ở bậc đại học mà luôn cả ở bậc trung học. Chính vì thế mà ở miền Nam danh xưng giáo sư dịch từ tiếng Pháp professeur vẫn tiếp tục được dùng để gọi các nhà giáo bậc trung học thay vì giáo viên là danh xưng chỉ dùng để gọi các thày cô ở bậc tiểu học như sau này.
Tưởng cũng nên để ý là ở bậc trung học người thày không phải chỉ dựa trên sách giáo khoa có sẵn để dạy mà còn phải tìm hiểu, tra cứu, suy tư thêm bằng những nỗ lực riêng của mình, đặc biệt là ở các môn văn chương và khoa học nhân văn để có thể đem lại cho học trò của mình những gì mới mẻ mà trong sách không có hay đã quá cũ. Chính vì thế mà ngay từ thời Pháp thuộc rồi sau này ở cả hai miền Nam, Bắc. Rất đông những giáo sư các trường trung học đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một nền văn chương và học thuật riêng cho một nước Việt Nam độc lập. Các vị như Nghiêm Toản, Nguyễn Khắc Kham… ở miền Nam, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy… ở miền Bắc, trước đó là Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, sau này làNguyễn Sỹ Tế, Phạm Thế Ngũ, Vũ Khắc Khoan…là những trường hợp điển hình. Các vị này bắt đầu là những giáo sư trung học nhưng những công trình nghiên cứu của các vị đều là những tác phẩm của các bậc thày. Trong khi đó thì nhiều giáo sư khoa bảng khác tuy bắt đầu bằng những bằng cấp cao và tiếng là dạy đại học nhưng tất cả mọi chuyện đã dừng lại ở những bằng cấp và chức vị mà họ đạt được.
Các sách giáo khoa cũng do các nhà chuyên môn soạn thảo. Ai cũng có quyền soạn thảo, xuất bản và phổ biến, miễn là phải theo đúng chương trình hiện hành và tuân theo những nguyên tắc kiểm duyệt. Rất ít khi có các sách do bộ quốc gia giáo dục ấn hành. Tất cả là tùy thuộc vào phẩm chất của tác phẩm.
Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống cũ của người Việt
Nói tới ba nguyên tắc căn bản, đồng thời cũng là tôn chỉ và mục đích tối hậu của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, có người tỏ ý không thích. Lý do có lẽ, tôi chỉ đoán như vậy, là vì ba nguyên tắc này phần nào đã được người Cộng Sản nêu lên trong Đề Cương Văn Hóa 1943 của họ. Ba nguyên tắc đó làNhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, sau này là Nhân Bản, Dân Tộc và Khoa Học trong khi trong Đề Cương Văn Hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì là Dân Tộc, Đại Chúng và Khoa Học. Ở đây người viết không đi sâu vào khía cạnh này vì dù không thích hay không đồng ý, ba nguyên tắc Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng vẫn đã trở thành căn bản của nền giáo dục của miền Nam. Chúng đã giúp cho nền giáo dục này giữ được những truyền thống cơ bản của dân tộc và phát triển một cách vững vàng từng bước một để theo kịp với đà tiến triển của cả nhân loại mà không chạy theo những gì của thời thượng để trở thành lai căng, mất gốc, đồng thời cũng không bị gán cho là bảo thủ, lỗi thời. Tính cách liên tục lịch sử của nền giáo dục của miền Nam sở dĩ có được, phần nào là dựa trên những nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc Dân Tộc. Nó cho phép người ta đề cao và bảo tồn những truyền thống dân tộc trong học đường, dù đó là những truyền thống thuần túy Việt Nam hay những truyền thống của Khổng giáo. Đôi câu đối được khắc trên cổng chính của một trong những trường trung học lớn nhất của miền Nam là trường Petrus Trương Vĩnh Ký sau đây là một trường hợp điển hình:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm
Trong khi đó thì nguyên tắc khai phóng đã giúp người ta thường xuyên cởi mở, khoáng đạt để sẵn sàng đón nhận những gì mới mẻ từ bên trong cũng như từ bên ngoài từ đó theo kịp đà tiến bộ chung của cả nhân loại. Sinh hoạt giáo dục ở trong vùng Quốc Gia Việt Nam và ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tồn tại mỗi ngày mỗi sinh động hơn là nhờ nguyên tắc này thay vì trở thành sơ cứng, ít ra không hấp dẫn với những thế hệ mới.
Cuối cùng tưởng cũng nên nói sơ qua về nguyên tắc đại chúng. Nguyên tắc này tuy không được kể trong ba ngyên tắc căn bản của nền giáo dục của miền Nam nhưng vẫn được mọi người tôn trọng trái hẳn với thực tế đã xảy ra trước năm 1975 ở miền Bắc và trên toàn quốc sau năm này. Lý do là vì khi nói tới nguyên tắc này, người ta nghĩ ngay tới hai chữ dân chủ, từ đó những nhận định quen thuộc là do dân, vì dân và cho dân. Ở đây là của đai chúng, do đại chúng, cho đại chúng và phục vụ đại chúng thay vì là chỉ do một thiểu số cầm quyền, hay giàu có. Một trong những gì mà nền giáo dục của miền Nam đã đem lại cho đại chúng là tính miễn phí, miễn phí từ tiểu học cho đến đại học, ít ra là ở các trường công lập bất kể đất nước còn đang ở trong tình trạng chiến tranh và nghèo nàn. Người ta chỉ cần đậu xong bằng tú tài là có thể ghi danh hay thi vào đại học. Học phí rất thấp, hầu như chỉ vừa đủ cho thủ tục hành chánh giấy tờ. Sinh viên ra trường hầu như không nợ nần gì cả chưa kể tới các trường đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp, sinh viên được cấp học bổng đủ sống để có thể dốc toàn thời gian vào việc học. Các trường tư cũng được tự do coi như để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công do số học sinh mỗi ngày một đông, trường công không đáp ứng được đầy đủ. Trong phạm vi này các tôn giáo đã đóng một trò vô cùng quan trọng. Ngoài các trường trung và tiểu học, tôn giáo nào cũng có trường đại học: Công Giáo có trường Đà Lạt, Phật Giáo có trường Vạn Hạnh, Phật giáo Hoà Hảo có trường Long Xuyên, Cao Đài có trường Tây Ninh…
Thứ ba: Sự liên tục trong phạm vi nhân sự
Nhân sự ở đây không ai khác hơn là các nhà giáo, căn bản là các nhà giáo chuyên nghiệp. Tôi muốn nói tới các nhà giáo tốt nghiệp từ các trường sư phạm, những người ngay từ thuở thiếu thời đã chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học hãnh diện với vai trò làm thày, làm cô của mình, và ở với nghề cho đến hết đời, dù đó là sư phạm tiểu học hay sư phạm trung học. Khởi đầu là các vị tốt nghiệp các trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội hay các trường sư phạm dành cho các giáo viên tiểu học. Tất cả các vị này đã phục vụ trong ngành giáo dục ngay từ thời Pháp Thuộc và vẫn còn tiếp tục giảng dạy khi đất nước bị qua phân hoặc vì đã ở sẵn tại các trường trong Nam khi các trường này được mở cửa trở lại sau một thời gian chiến tranh bị tạm đóng cửa.
Sau khi đất nước bị chia cắt và qua cuộc di cư của non một triệu người từ miền Bắc vô Nam,hàng ngũ của các vị lại được tăng cường thêm bởi một số đông các đồng nghiệp của họ từ miền Bắc vô cùng với các trường được gọi là Bắc Viêt di chuyển. Tất cả đã cùng nhau hướng dẫn và điều hành các học đường miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp thuộc sang độc lập, đồng thời cũng là những giảng viên cơ bản trong các trường huấn luyện giáo chức thuộc thế hệ mới. Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp tới cách viết bảng và xóa bảng, các vị này đã để toát ra một sự chừng mực của những nhà mô phạm nhà nghề. Học đường do đó đã tránh được nạn chánh trị hóa, tránh được nạn cán bộ chánh trị xâm nhập. Nhiều vị vào những lúc tình thế vô cùng tế nhị đã giữ được thế vô tư và độc lập của học đường. Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này nhiều vị xuất thân là cử, tú, kép, mền, luôn cả tiến sĩ của thời Nho Học còn thịnh hành, những người tinh thâm Nho học, vẫn còn có mặt ở các học đường, đặc biệt là các đại học văn khoa ở Saigon và Huế. Những trường này được coi như là những trung tâm văn hóa ở mức độ cao của miền Nam và được coi là biểu trưng cho văn hóa của dân tộc.
Thứ tư: Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời năm 1945 dù có được sửa đổi
Đây là một trong những đặc tính căn bản của nền giáo dục của miền Nam trong suốt thời kỳ nền giáo dục này tồn tại. Những gì người Pháp thiết lập không những không bị hủy bỏ, coi như tàn tích của chế độ thực dân, đế quốc mà còn được thận trọng giữ gìn, song song với việc bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền và đạo đức của dân tộc.
Người Việt ở miền Nam trong tinh thần cởi mở và tự do đã biết phân định những gì là kìm kẹp và những gì là hay đẹp mà một chế độ chính trị đem lại thay vì cứ nhắm mắt đập bỏ để sau này hối tiếc. Các nhà làm giáo dục ở miền Nam đã tỏ ra vô cùng thận trọng trong mọi quyết định. Những gì gọi là cách mạng vội vã, nhất thời dường như không được chấp nhận. Họ chủ trương cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh mới và cải tổ từ từ, kể cả khi thế lực và ảnh hưởng của người Mỹ, từ đó áp lực của Mỹ đã trở nên rất mạnh.
Hệ thống giáo dục do người Pháp từ tiểu học cho đến đại học đã tồn tại dưới hình thức Việt hóa bắt đầu từ thời chính phủ Trần Trọng Kim với chương trình Hoàng Xuân Hãn, vị bộ trưởng giáo dục đương thời. Nó cho phép người ta, từ thày đến trò dễ dàng chuyển sang một nền giáo dục mới của một quốc gia độc lập không hề có chuyện trục trặc. Ngay từ cuối niên học 1944-1945 người ta đã tổ chức đươc những kỳ thi ở bậc tiểu học bằng tiếng Việt mà không hề có chuyện than phiền, khiếu nại.
Điều nên nhớ là chính phủ Trần Trong Kim chỉ tồn tại có vẻn vẹn chưa được bốn tháng trời, đúng hơn chỉ có hơn một trăm ngày với những phương tiện giao thông và liên lạc hết sức nghèo nàn. Sau này khi gửi sinh viên ra ngoại quốc du học, miền Nam đã không gặp phải những khó khăn trong việc đối chiếu bằng cấp và khả năng của các đương sự, không phải chỉ riêng cho những ai muốn sang du học bên Pháp mà luôn cả cho những ai muốn sang các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Nhật… vì đó là một hệ thống giống như các hệ thống khác thuộc thế giới tây phương, một hệ thống gần với hệ thống chung của quốc tế.
Nội các Trần Trọng Kim trình diện Quốc trưởng Bảo Đại
Duy trì mối liên tục lich sử cũng cho phép người ta sử dụng được các sách giáo khoa của người Pháp và những sách giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam do chính người Việt soạn thảo từ thời trước năm 1945 và sau đó là từ năm 1947 đến năm 1954 ở những vùng đất của người quốc gia. Điển hình là các sách toán học, vật lý và hóa học bằng tiếng Pháp, do các tác giả Pháp soạn và xuất bản ở bên Pháp nhưng đã được không những các thày mà luôn cả các học trò sử dụng làm tài liệu học thêm hay để tự học trong thời gian đã được độc lập này.
Trong phạm vi văn chương, những sách của Dương Quảng Hàm, đặc biệt là hai cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển đã được dùng rất lâu dù cho nhiều sách giáo khoa khác đầy đủ hơn đã được soạn thảo. Cũng vậy, trong phạm vi sử học với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Về nội dung, đặc biệt là trong văn học, người ta cũng thấy nền giáo dục của miền Nam vẫn giữ được tinh thần tự do, cởi mở. Các tác giả được đem dạy hay trích dẫn đã được lựa chọn căn cứ vào giá trị của các công trình những tác giả này, thay vì gốc gác và sự lựa chọn chế độ của họ, bất kể họ ở miền Bắc hay ở miền Nam trong thời gian này. Tô Hoài, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân… là những trường hợp điển hình.
Trong phạm vi thi cử, các kỳ thi được thiết lập từ thời Pháp hay có ở bên Pháp vẫn được duy trì, đặc biệt là hai kỳ thi tú tài. Ở bậc đại học hệ thống tổ chức cũng tương tự. Ảnh hưởng của người Mỹ chỉ được chấp nhận một cách từ từ với nhiều thận trọng, mặc dầu người Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và nhân sự qua các chương trình viện trợ. Hình thức thi trắc nghiệm áp dụng cho các kỳ thi tú tài chỉ được thực hiện rất trễ về sau này và dư luận đã đón nhận nó với những nhận định khác nhau. Tiếc rằng chỉ vài năm sau miền Nam đã không còn nữa.
Trong phạm vi tổ chức thi cử, người ta có thể thấy không riêng gì quan niệm, cách tổ chức, cách coi thi và chấm thi cũng như cách cho điểm, định kết quả và công bố kết quả hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp mà còn luôn cả những thời quân chủ trước đó nữa. Quyền uy của các giám khảo, các chánh phó chủ khảo, các giám thị đã luôn luôn được tôn trọng và nhiều vị chủ khảo đã tỏ ra vô cùng can đảm giữ thế độc lập cho mình hay biết khôn ngoan né tránh cho mình và cho các đồng nghiệp của mình khi phải lãnh nhiện vụ ở những vùng xa thủ đô Saigon.
Về phía chính quyền thì từ trung ương đến địa phương hầu như không hề có sự trực tiếp can thiệp. Báo chí, các cơ quan truyền thông vẫn luôn luôn hiện diện và sẵn sàng phanh phui mọi chuyện. Ngay cả trường hợp các thí sinh là những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay trong các lực lượng an ninh. Điển hình nhất là trường hợp của Đại Tướng Cao Văn Viên. Tướng Viên lúc đó là Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Lực việt Nam Cộng Hòa. Ông là một người ham học nên mặc dù vô cùng bận rộn với quân vụ, ông vẫn ghi danh theo học trường Đại Học Văn khoa Saigon, ban Pháp Văn. Trong kỳ thi cuối năm Chứng Chỉ Văn Chương và Văn Minh Pháp, ông đã đậu thi viết nhưng bị đánh rớt phần vấn đáp. Đây là một trong những chứng chỉ tương đối khó, nhiều khi kết quả được công bố: không ai đậu, ngay từ phần thi viết. Tướng Viên đã đậu phần thi viết. Điều này chứng tỏ khả năng viết và sự hiểu biết của ông, ít ra là về môn học được hỏi trong phần này, vì bài làm của thí sinh luôn luôn bị rọc phách trước khi giao cho giám khảo chấm. Trong phần vấn đáp, thày trò trực tiếp đối diện với nhau và vị giám khảo là người Việt, không phải ngưòi Pháp, còn trẻ, ở tuổi quân dịch. Ông đã bị chính vị giám khảo người Việt này đánh hỏng nhưng trong suốt thời gian sau đó mọi việc đều an lành, không có gì đáng tiếc xảy ra cả. Đây là một trong những điểm son cho cả hai phía, Quân Lực việt Nam Cộng Hoà và Trường Đại Học văn Khoa Saigon nói riêng và nền giáo dục của miền Nam nói chung thời trước năm 1975.
Tưởng cũng nên nói thêm là cũng trong thời gian này, Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng cũng theo học Ban Sử ở trường này. Sang Mỹ, ông ghi tên học ở đại học Mỹ và đậu thêm bằng Cao Học. Cũng vậy, chuyện chuẩn tướng chào chuần úy trước. Lý do là vị chuẩn tướng này đã theo học lớp văn hóa buổi tối để dự thi tú tài do sự khuyến khích của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người chuẩn úy trước khi nhập ngũ là một giáo sư trung học dạy lớp buổi tối. Hai người gặp nhau một buổi sáng khi cùng đưa con đi học. Nhưng cũng chưa hết, trong thời gian này Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị cũng là được người ta biết tới như một ông “Tướng Văn Hoá”. Cuối cùng và
vẫn chưa hết, một vị trung tá cũng thuộc Bộ Tổng Tham Mưu trình một tiểu luận cao học ở cùng ban Sử, cùng trường. Bình thường, khi đã được phép trình, thí sinh được kể như là đã đậu và đậu tối thiểu với hạng bình thứ. Vị trung tá này đã bị đánh rớt. Lý do là ông đã không sửa lại tiểu luận của mình mặc dầu đã được khuyến cáo trước đó và để nguyên những lỗi lầm bị cho là căn bản. Cũng nên biết là trước khi trình vị trung tá này đã đặt tiệc trà ở phòng giáo sư ở ngay lầu dưới để sẽ ăn mừng cùng với bạn bè và gia đình sau khi được chấm đậu. Người ta có thể trách cứ ban giám khảo là quá nghiêm khắc nếu không nói là nghiệt ngã, nhưng vì tiểu luận cao học cũng như luận án tiến sĩ thời này được trình trước công chúng, ai vào nghe cũng được, sau đó ai cũng có thể mở xem được. Người ta có thể đánh giá nhà trường căn cứ vào phần trình bày và phẩm chất của tiểu luận. Có điều vì thí sinh này là một trung tá của Quân Đội VNCH nên nhiều người tỏ ý lo ngại cho các giám khảo. Cũng giống như Đại Tướng Cao Văn Viên, ông có thể không làm gì, nhưng đàn em của ông thì sao? Tướng Viên có thể không làm nhưng thuộc hạ của ông làm sao ông kiểm soát được? Nên nhớ Tướng Viên trước đó là Tư Lệnh Lực Lượng Nhảy Dù. Lính của ông sống nay, chết mai, chuyện gì họ cũng có thể làm được. Nhưng cuối cùng thi mọi chuyện đều đâu vào đó, an lành, không có gì xảy ra cả. Đó là những điểm son của cả nền giáo dục của miền Nam lẫn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trước khi miền đất được coi là tự do không còn nữa, tôi xin đuợc nhắc lại.
Thứ năm: Một Xã hội tôn trọng sự học và những người có học
Đây là một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam mà xã hội miền Nam nói chung và nền giáo dục miền Nam nói riêng thời trước năm 1975 được thừa hưởng và được duy trì. Đặc tính này đã được biểu lộ không riêng qua tinh thần tôn sư trọng đạo mà còn được coi như một giá trị và là một giá trị đứng đầu trong mọi giá trị. Sự học là một giá trị và giáo dục là một giá trị. Sự học hay giáo dục làm nên con người chứ không phải là những yếu tố khác, dù đó là quyền uy và tiền bạc.
Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Người làm công tác giáo dục luôn luôn được tôn trọng và từ đó có được những điều kiện ít ra là về phương diện tinh thần để thực thi sứ mạng của mình mà những người làm chánh trị, những nhà chủ trương cách mạng, kể cả những người cấp tiến nhất cũng phải kiêng nể. Giữa những người cùng làm công tác dạy học cũng vậy, tất cả đã tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các bậc tôn trưởng, kể cả những người đã khuất. Sự thiết lập những bàn thờ tiên sư ở các trường trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ phải được kể là tiêu biểu cho tinh thần giáo dục của miền Nam.
Được xã hội tôn trọng nhưng ngược lại xã hội cũng trông đợi rất nhiều ở các thày. Điển hình là chuyện “giáo sư mà cũng đi ăn phở”. Câu chuyện này do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư kể lại. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư là một trong những vị cựu sinh viên trường Cao Đảng Sư Phạm Hà Nội thời Pháp Thuộc, một trong những vị giáo sư nổi tiếng là nghiêm túc còn lại của trường này. Ông dạy ở trường Thành Chung Nam Định sau là Đại Học Sư Phạm Saigon. Một trong những học trò cũ của ông sau này là Ngoại Trưởng của Cộng Hoà Xã hội Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch.
Câu chuyện xảy ra khi Giáo Sư Cư xuống chấm thi ở Mỹ Tho khi mới từ Hà Nội di cư vào Nam hồi sau năm 1954 vào một buổi sáng khi các vị giám khảo rủ nhau đi ăn phở trước khi nhập trường và khi người dân quanh vùng nhìn thấy các thày trong tiệm phở. Cũng nên nhớ là hồi đó các giáo sư trung học, nhất là các vị dạy ở cấp tú tài là rất hiếm và kỳ thi tú tài là một biến cố lớn ở trong vùng. Cũng nên để ý là, khác với ở miền Bắc, nơi thày cô thời trước gọi học trò bằng anh hay chị, trong Nam học trò được thày gọi bằng trò và thường tự xưng là trò. Quan niệm chính danh ở đây được thấy rõ, từ đó sự trông đợi tư cách phải có của người thày. Cho tới nay, người ta không rõ danh xưng em trong học đường Việt Nam về sau này đã được sử dụng từ bao giờ. Có thể từ thời có Phong Trào Thanh Niên Thế Dục Thể Thao của Hải Quân Đại Tá Ducoroy thời Thống Chế Pétain ở bên Pháp và Đô Đốc Decoux ở Đông Duơng, nhưng cũng có thể do Chủ Tịch Hồ chí Minh thời năm 1945. Nói như vậy vì trong thư gửi các học sinh hồi đầu niên khóa 1945-1946, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu “Các em học sinh, Các em hãy nghe lời tôi…” và tiếp theo bằng ba tiếng “lời của một người anh lớn..” mặc dù lúc đó ông đã 55 tuổi và thư là gửi cho những thiếu niên, những học sinh trung và tiểu học chỉ đáng tuổi cháu nội của ông. Lối xưng hô này đã không được một số thày cô trong Nam chấp nhận. Nhiều người vẫn ưa thích lối xưng hô cổ truyền hơn và ngay ở bậc đại học, nhiều sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh viên, đã xưng con với các thày của mình mặc dù thày trò hơn nhau chỉ có vài tuổi. Điều này giải thích tại sao sau năm 1975, các giáo viên từ miền Bắc vô Nam ưa dạy các học sinh gốc miền Nam hơn các học sinh mới từ miền Bắc theo chế độ mới vào.
Tạm thời kết luận
Bài này được viết vào lúc những tin tức về những tệ hại trong nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam chiếm một phần không nhỏ trong sinh hoạt truyền thông quốc tế cũng như quốc nội. Ngoài những tin tức, những bài nhận định còn có những hình ảnh của các kỳ thi đi kèm. Tất cả đã xảy ra hàng ngày và đã chiếm những phần quan trọng trong thời lượng phát thanh hay phát hình hay trên các trang báo, đặc biệt là vào những thời kỳ bãi trường hay khởi đầu của một niên học. Mọi chuyện đã liên tiếp xảy ra từ nhiều năm trước và người xem, người nghe có thể đoán trước và chờ đợi mỗi khi mùa hè và sau đó là mùa thu đến. Nhiều người còn dùng hai chữ “phá sản” để hình dung tương lai của nền giáo dục này và nhiều người tỏ ý nuối tiếc quá khứ mà họ cho là rất đẹp của nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975.
Trong khi đó ở Hải Ngoại, giới trẻ Việt Nam, những người xuất thân từ các học đường ở miền Nam đã thành công rực rỡ và được các thày cô và các cơ quan truyền thông khen ngợi, nếu không nói là ca tụng. Nhiều người không những vẫn tiếp tục làm nghề cũ, kể cả những ngành mà tiêu chuẩn quốc tế rất chính xác, rõ ràng mà họ học được ở các trường đại học hay cao đẳng ở Việt Nam. Rất nhiều người đã trở thành những chuyên viên cao cấp, những cố vấn, hay những giáo sư đại học bản xứ với những công trình nghiên cứu có giá trị cao và ở mức độ quốc tế.
Ở đây, như đã nói trong phần mở đầu, người viết chỉ vắn tắt ghi nhận một số những dữ kiện căn bản. Nhiều công trình nghiên cứu qui mô hơn và kỹ càng hơn còn cần phải được thực hiện bởi nhiều người, trước khi người ta có thể khẳng định những nhận xét này. Tuy nhiên có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi làm cách mạng vì cách mạng và hệ quả của nó đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của dân tộc, nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ tư duy của chính dân tộc mình. Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ nhưng người ta không thể theo đà đó mà làm cách mạng trong những phạm vi sinh hoạt khác, xóa bỏ và làm lại tất cả, trong đó có giáo dục. Cách Mạng Mỹ không làm như vậy, Cách Mạng Pháp cũng không làm như vậy…vẫn duy trì những truyền thống cũ. Nhận định này có thể bị coi là bảo thủ, nhưng đó là một sự thật và một sự thật bắt đầu bằng kinh nghiệm. Có điều vì bằng kinh nghiệm nên khi biết được sự thật thì đã quá muộn.
Nhiều khi người ta phải từ bỏ cách mạng để trở về với truyền thống của cha ông vì cha ông của chúng ta cũng là người, cũng thông minh, cũng khôn ngoan, sáng suốt, cũng nhạy cảm như chính chúng ta, ngoại trừ các Cụ sống ở thời của các Cụ, mỗi Cụ chỉ sống một thời gian ngắn, còn truyền thống thì có từ lâu đời. Phải có lý do truyền thống mới được theo, được duy trì và từ đó tồn tại. Lịch sử do đó đã luôn luôn liên tục vì không liên tục là đổ vỡ, là mất quân bình và xáo trộn, là thụt lùi hay ít ra là bất khả tiến bộ./
Phạm Cao Dương – Khởi viết, tháng 9, 2006 – Sửa lại, đầu Xuân 2016
Vui cười
Ba bà cụ đang đi dạo bằng xe hơi với tốc độ 20 km/giờ trên xa lộ. Một viên cảnh sát ra lệnh cho xe dừng lại và hỏi bà tóc vàng:
– Tại sao bà lại lái xe quá chậm?
– Đây chính là tốc độ quy định cơ mà? Tôi nhìn thấy số đó trên tấm biển kia kìa!
– Đấy không phải là biển quy định về tốc độ, mà là số của con đường. Hiện giờ bà đang ở trên đường số 20.
Viên cảnh sát ghé mắt nhìn phía băng ghế đằng sau và thấy hai bà cụ khác mặt mày tái mét, còn đang run rẩy. Anh ta hỏi tại sao, cụ bà tóc vàng trả lời tỉnh bơ:
– Bởi vì chúng tôi vừa ra khỏi “đường số 340″.
IS, ISIS, ISIL? – (DAESH) – Hoàng Đình Khuê
Từ trước đến nay do thiếu thông tin trung thực cũng như những tư tưởng phê phán phiến diện thiếu khách quan, Islam đã bị một số nhà nghiên cứu Tây phương trình bày dưới góc độ đầy thành kiến và không trung thực.
Ví dụ tên gọi Hồi giáo hay đạo Hồi đã trở thành quen thuộc trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam, nhưng thực sự không đúng với ý nghĩa nội dung của từ Islam.
Ngoài ra Islam còn bị hiểu lầm là tôn giáo của nước Pakistan (Hồi quốc) hay người Trung Hoa còn hiểu lầm đó là tôn giáo có liên quan đến nước Hồi Hột?
Từ điển Trung hoa Cổ dịch là Hồi giáo, nhưng sau này Từ điển mới và trên mạng Google, Youtube đều dịch nghĩa theo cách phát âm tiếng Quan thoại của từ Islam.
Tôi xin mạn phép định nghĩa vài thuật ngữ về Islam:
ISLAM: là tên gọi tôn giáo của người Muslim với tên gốc Ả Rập Islam, do Thiên sứ Muhammad sáng lập vào thế kỷ 7 và đến nay dân số lên đến 1.6 tỷ (25% dân số thế giới). Islam trong tiếng Ả Rập còn có nghĩa là sự an bình, sự thần phục theo ý nguyện. Do đó Islam là một tôn giáo nhưng cũng là một nếp sống hoàn chỉnh dựa trên cơ sở quan hệ giữa cá nhân và Đấng Tạo hóa. Đó là một nếp sống do Thiên chúa Allah Phán định đã được Thiên sứ Muhammad truyền dạy.
MUSLIM: là một người hành đạo Islam, có nghĩa là người đó tự nguyện thần phục theo các chỉ hướng đã được Thiên chúa Allah mặc khải. Nói đơn giản Muslim là tín đồ của Islam.
IS: viết tắt theo tiếng Anh là “Islamic State” dịch ra là “Nhà nước Hồi giáo”.
ISIS: viết tắt theo tiếng Anh là “Islamic State of Iraq and Syria” dịch ra là “Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Syria”. Danh hiệu này được báo chí Tây phương dùng nhiều nhất.
ISIL: viết tắt theo tiếng Anh là “Islamic State of Iraq and The Levant”. Levant là khu vực Cận đông của vùng Trung đông. Các nước ở vùng cao nguyên (Levantine countries) gồm: Syria, Palestine, Israel, Jordan và Iraq. Cho nên ISIL tạm dịch là “Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Vùng Cận đông” Danh hiệu này được Tổng thống Barrack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron thường dùng trong các buổi họp báo
DAESH: viết tắt giống như N.A.T.O; R.A.D.A.R có âm giống như từ Ả Rập “DAES” có nghĩa là đập phá, tiêu diệt (a loose acronym that sounds closer to the Arabic name ”DAES”which refers to something that stamples or crushes…). Danh hiệu này được một số chính trị gia Ả Rập và các nhân vật đối lập thường dùng để chỉ nhóm người khủng bố. Daesh cũng tương đương như ISIS, ISIL.
Theo The Associated Press tường thuật thì nhóm ISIL rất ghét thuật ngữ này và đe dọa sẽ cắt lưỡi những người Iraq nào dùng từ này. Đa số những người chống khủng bố thường dùng từ Daesh chẳng hạn như báo chí Tây ban Nha, Tổng thống Pháp, Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry…
NGUỒN GỐC:
Hồi tưởng lại năm 1979 khi Liên Xô đem quân xâm chiếm Afghanistan để hổ trợ cho chính quyền thân Liên Xô, nhóm quân nổi dậy tự xưng là “Mujahideen” tức là “Chiến sĩ của Thượng đế” kêu gọi toàn dân chống lại Liên Xô. Sự hiện diện của quân đội Nga gây căm phẩn trong lòng người Hồi giáo và họ kêu gọi người Hồi giáo ở nước ngoài trở về gia nhập Mujahideen để chống lại bọn da trắng ngoại đạo. Chẳng bao lâu thế lực của Mujahideen phát triển rất mạnh và lan rộng khắp nước. Ngoài ra Mujahideen còn được Ả Rập Saudi và Mỹ yểm trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự để chống lại Liên Xô. Kết quả người Nga phải rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989.
Phần đông nhóm Hồi giáo ở nước ngoài là dân Ả Rập thuộc nhóm Sunni. Họ là tín đồ trung thành thuộc nhóm Hồi giáo Wahhabism xuất phát từ Ả Rập Saudi. Lúc này nhóm Hồi giáo cực đoan tự cho mình là những chiến binh đầy kinh nghiệm chiến trường với một niềm tin mãnh liệt là Thượng đế đã đứng về phe họ để tiêu diệt quốc gia vĩ đại Xô Viết.
Họ thù ghét chế độ độc tài đang cai trị đất nước. Họ cũng thù ghét các thế lực ngoại bang đã yểm trợ cho chế độ độc tài gây xáo trộn và thu đoạt tài nguyên ở vùng Trung đông, điển hình là Mỹ. Cho nên họ sẵn sàng gây chiến với tất cả kẻ thù nhất là Mỹ.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhóm Al-Qaeda dưới quyền chỉ huy của Osama bin Laden tấn công nước Mỹ giết chết gần 3,000 thường dân vô tội. Sau đó Mỹ mở chiến dịch truy nã Bin Laden (Bin Laden bị giết vào tháng 5 năm 2011).
Năm 2003 Mỹ tấn công Iraq lật đổ Sadam Hussein, giải thể đảng Baath và quân đội Iraq thuộc nhóm Sunni. Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Iraq làm cho tình hình chính trị và xã hội Iraq trở nên rối loạn. Giống như khi Nga xâm chiếm Afghanistan, rất nhiều người Hồi giáo cực đoan đã đổ xô về Iraq để đánh đuổi quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hồi giáo. Lợi dụng tình thế hỗn loạn, hai nhóm Hồi giáo Sunni và Shi’ite đã tấn công trả thù nhau để thanh toán hận thù bấy lâu nay.
Phần lớn quân đội Iraq bị Mỹ tấn công thuộc nhóm Hồi giáo Sunni. Họ từng là những sĩ quan được ưu đãi dưới triều đại Sadam Hussein. Sau khi Mỹ đem quân vào Iraq thì họ trở thành thất nghiệp nghèo đói nên họ mang nhiều thù hận và tích cực gia nhập vào nhóm phiến quân của Abu Musab al-Zarqawi.
Al-Zarqawi là gốc Jordan, ông ta đến Afghanistan vào những năm cuối cuộc chiến giữa nhóm Mujahideen và Liên Xô. Al-Zarqawi đã gặp Osama bin Laden và sáng lập ra tổ chức “Unity and Jihad” sau này đổi tên là al-Qaeda vào năm 2004.
Năm 2006 al-Zarqawi chết, tổ chức này bất đồng về đường lối, chiến thuật, chiến lược nên tách rời khỏi al-Qaeda và đổi tên mới là “Islamic State of Iraq and al-Slam” (al-Slam là thuật ngữ Ả Rập có nghĩa là “The Levant”). Trong những năm sau này ISIL và al-Qaeda thường tranh chấp nội bộ để tranh giành quyền lực với nhau, từ đó al-Qaeda cắt đứt mọi quan hệ với nhóm ISIL.
Lúc này là cơ hội để Iraq phục hồi, nhưng chánh quyền al-Maliki không có khả năng lãnh đạo đất nước mà lại độc tài, tham nhũng và kỳ thị. Hồi giáo Shi’ite được trọng vọng trong khi nhóm Sunni bị ngược đãi. Nhóm Sunni lên tiếng phản đối thì bị chính quyền đàn áp triệt để.
Sau khi Al-Zarqawi chết thì Abu Bakr Al Baghdadi lên thay. Al-Baghdadi kết hợp các nhóm phiến quân cũ thành lập một nhóm gọi là ISI (Nhà nước Hội giáo của Iraq). Đến năm 2011 Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia lan sang Ai Cập, Libya, Jordan rồi đưa dến nội chiến ở Syria.
Lúc bấy giờ Al-Baghdadi mới mở rộng thêm căn cứ ở Syria và đổi tên là ISIS (Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Syria) vào năm 2013. Al-Baghdadi còn tuyên bố nhóm Jihadist ở Syria cũng thuộc ISIS, nhưng thủ lãnh của nhóm al-Nusra là Abu Muhammad al-Julani không đồng ý và khiếu nại lên lãnh tụ của al-Qaeda là Aymkan al-Zawahiri.
Al-Zawahiri cũng không đồng ý và ra lệnh cho al-Baghdadi chỉ hoạt động trong lãnh vực Iraq mà thôi, nhưng al-Baghdadi bất tuân lệnh và đánh bật nhóm al-Nusra ra khỏi thành phố al-Raqqah ở Syria. Từ đó hai nhóm ISIS và al-Nusra trở thành thù địch và al-Qaeda cũng chấm dứt hợp tác với ISIS.
Trong năm 2014 các nhóm khủng bố khác ở Iraq, đặc biệt có phong trào Boko Haram ở Nigeria cũng gia nhập ISIS. Đông nhứt là nhóm Hồi giáo Sunni ở Iraq xin gia nhập với nhiều hy vọng sẽ phục hồi lại uy thế của nhóm Sunni dưới triều đại Sadam Hussein.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ nhiều người Hồi giáo Sunni muốn gia nhập ISIS vì những lý do sau đây:
1/ Họ muốn đánh đuổi quân ngoại đạo ra khỏi Iraq.
2/ Họ muốn một ngày nào đó sẽ khôi phục lại quyền lực như hồi còn Sadam Hussein
3/ Họ không đội trời chung với nhóm Shi’ite.
Một nhóm người đến từ các quốc gia Tây phương như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xin gia nhập bởi những lời tuyên truyền đầy hứa hẹn và hấp dẫn đối với các thành phần cực đoan cuồng tín. Họ tin vào những lời hứa sẽ được dự phần “Ngày Phán Xét” sắp đến. Và họ hy vọng sẽ xây dựng một nước Iraq và môt Vương quốc Hồi giáo hùng mạnh và tốt đẹp.
Hơn nữa những hình ảnh tra tấn giết người dã man như chặt đầu, đóng đinh, thiêu sống càng kích thích với những người ưa bạo lực, có máu lạnh thích giết người để thỏa mãn thú tính.
TÀI CHÁNH:
Nhóm ISIS là một tổ chức kỷ luật chặt chẽ, biết nghiên cứu và hoạch định tài chánh để có thể phát
triển cơ sở và nhân sự. Họ rất cần tiền để nuôi quân dân, để thành lập các cơ sở, các địa điểm huấn luyện, và mua vũ khí cùng trang thiết bị hiện đại.
Họ có nhiều cách kiếm tiền, sau đây là ba cách thông dụng:
1- Bán dầu thô từ những mỏ dầu chiếm được ở Iraq và Syria:
Theo AFP, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Cohen cho biết mỗi ngày ISIS kiếm được một triệu USD bằng cách bán dầu cho các nước trong vùng. Trung bình một ngày ISIS khai thác được 44,000 thùng dầu thô ở Syria trị giá 2 triệu USD và 4,000 thùng ở Iraq trị giá 1.2 triệu USD.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo ISIL đã bán dầu cho một số thành viên trong nhóm G20.
2- Bắt cóc con tin tra tấn đòi tiền chuộc:
John Cassara cựu nhân viên Bộ Ngân khố Mỹ nói với các nhà làm luật ở Bộ Ngoại giao Mỹ là ISIL đã kiếm được 360 triệu USD về tra tấn và lãnh tiền chuộc trong năm 2014.
3- Tiền quyên góp vì nhân đạo (Private donation):
Số tiền này phát xuất từ các nước Ả Rập như Ả Rập Saudi, Qata, Kuwait, Tiểu Vương quốc Thống nhất.
Theo Bộ Ngân Khố Mỹ cho biết một công dân Qata tên là Abdan Raman al-Nuaymi xác nhận mỗi tháng chuyển cho Al-Qaeda hai triệu USD. Ngoài ra ISIL còn khai thác:
– Buôn lậu và đánh thuế vào các vùng mà ISIL chiếm được.
– Ăn cướp các ngân hàng trong vùng chiếm đóng. Theo tình báo Iraq, nhóm ISIL đã tịch thu hai tỷ USD, trong đó gồm ¾ tài sản của Mosul và bao gồm 429 triệu USD ăn cướp ở các ngân hàng Mosul.
– Bán cổ vật và các bức tạc tượng.
– Gây quỹ trên Internet …
Tóm lại nguồn gốc của ISIL bắt đầu vào hai sự kiện lịch sử quan trọng:
– Thứ nhất khi quân đội Mỹ tấn công vào Iraq vào năm 2003 gây hỗn loạn cho Iraq về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội. Đặc biệt nhóm Hồi giáo Shi’ite lợi dụng lúc này đánh phá Sunni để giành uy thế ở Iraq.
– Thứ hai là cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập xuất phát từ Tunisia vào năm 2011 đưa đến nội chiến ở Syria giữa chính quyền độc tài Assad và phe đối lập trong nước cùng nhóm Hồi giáo Sunni được Ả Rập Saudi và HK yểm trợ. Cuộc chiến kéo dài năm năm làm thiệt mạng 260,000 người và hàng triệu người phải di tản sang Âu Châu.
Do bối cảnh xáo trộn về chính trị và quân sự, al-Baghdadi đã kêu gọi các nhóm kết hợp lại và thành lập nhóm ISIL. Al-Baghdadi đã học hỏi nhiều kinh nghiệm trong năm năm tù, có óc tổ chức và tầm nhìn xa. Ông ta hô hào đề cao lý tưởng tôn giáo theo tinh thần Thánh chiến, áp dụng nghiêm khắc luật Sharia để duy trì kỷ luật trong hàng ngũ phiến quân và uy thế phát triển rất nhanh. Trong khi đó chính quyền Iraq của al-Maliki độc tài tham nhũng, chia rẻ bè phái trong quân đội. Do đó quân đội trở nên bạc nhược, tinh thần chiến đấu thấp, binh sĩ lại bất mãn với các cấp lãnh đạo về vấn nạn tham nhũng (hàng chục ngàn lính ma). Một số lính đào ngũ (25%), thậm chí có một số người chạy theo ISIL.
Đó là lý do khi ISIL tấn công thì quân đội chính quyền al-Maliki bỏ chạy và chỉ trong vài tháng ISIL đã chiếm được 1/3 lãnh thổ Iraq.
Các nhà phân tích thời cuộc cho biết sau khi chiếm được Mosul, ISIL hưởng được một gia tài khổng lồ; quân trang, quân dụng, vũ khí bỏ lại hơn 40,000 đơn vị và rất nhiều trang thiết bị quân sự cở lớn như pháo binh, xe tank…
Ngoài ra với nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy, al-Baghdadi biết khuyến khích và lấy lòng dân chúng. Người dân được cấp phát các dụng cụ cần thiết kể cả điện thoại với những lời hứa hẹn tốt đẹp. Chẳng hạn tại al-Raqqa, ISIL cho xây chợ, bưu điện, trạm y tế, các đường dây điện và tổ chức cứu trợ từ thiện cho dân địa phương.
Từ sau khi chế độ Sadam Hussein sụp đổ, người dân Hồi giáo ở nông thôn nghèo đói so với những người thuộc nhóm Shi’ite giàu sang ở Baghdad. Từ đó người Iraq Sunni đã chào đón ISIL như những người giải phóng và rủ nhau gia nhập hàng ngũ ISIS để chống lại chế độ áp bức của người Shi’ite. Với đà thuận lợi ngày càng nhiều người từ Iraq, Syria kể cả nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ đều xin gia nhập, cho nên quân số gia tăng rất nhanh.
Chỉ tính từ tháng 6/2014 ISIL mới có khoảng 4,000 quân ở Iraq và 3,000 quân ở Syria cho đến tháng 9/2014 quân số đã tăng trên 100,000 người.
ISLAM, TÔN GIÁO BỊ HIỂU SAI:
Do sự phát triển nhanh chóng, nhà nước Hồi giáo càng có tham vọng phục hồi uy thế giáo quyền lẫn chính trị như lúc còn Thiên sứ Muhammad. Al-Baghdadi ra lệnh khủng bố và trả thù những ai chống lại nhà nước Hồi giáo hay xúc phạm đến Giáo chủ Muhammad, điển hình là vụ khủng bố ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và ở Paris vào chiều ngày thứ sáu 13 tháng 11 năm 2015.
Việc làm này khiến cả thế giới ngày càng bất mãn với nhóm cực đoan phá hoại và lên án Hồi giáo khủng bố. Chính vì sự lên án vơ đủa cả nắm của một số người thiếu đứng đắn đã gây thêm thù hận trong nhóm ISIL và vô hình chung tự mình tuyên truyền cho nhóm Nhà nước Hồi giáo và từ đó khuyến khích một số thanh thiếu niên nam nữ từ phương Tây xin gia nhập ISIL, và chính nhóm người này cực đoan nhất, hung hãn nhất trong hàng ngũ phiến quân, điển hình như John Jihad.
Do đó một số quốc gia Hồi giáo rất lo sợ nếu cứ tiếp tục tình trạng khủng bố dễ đưa đến tình trạng chiến tranh tôn giáo không khác gì các cuộc thánh chiến có khi kéo dài cả hàng thế kỷ.
Không phải cứ mỗi lần có khủng bố do một nhóm ISIS, ISIL nào thực hiện là qui tội cho Hồi giáo khủng bố. Chúng ta có nhiều quốc gia Hồi giáo như Hồi giáo Mỹ, Hồi giáo Anh, Hồi giáo Indonesia, Hồi giáo Malaysia…thế mà ISIL vẫn tấn công các quốc gia đồng đạo chẳng hạn:
– ISIL tấn công vào khách sạn ở Sousse (Tunisia) ngày 26/06/2015 làm 40 người thiệt mạng.
– ISIL tấn công ở quảng trường Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12/01/2016 làm 10 chết và 15 bị thương.
– ISIL tấn công ở trung tâm mua sắm Jakarta (Indonesia) ngày 14/01/2016 làm 7 người chết và 20 bị thương.
Cách đây 20 năm, một số nhà lãnh đạo ở các quốc gia Hồi giáo đã lo sợ tình trạng khủng bố sẽ khích động những nhóm cực đoan và càng làm cho thế giới có cái nhìn sai lạc thiên kiến về đạo Hồi. Trên chiều hướng đó Thủ tướng Malaysia, Bác sĩ Mahathir Mohamad đã giải bày trong bài phát biểu tại trung tâm Oxford, Anh quốc vào ngày 16 tháng 04 năm 1966 với đề tài “Islam, tôn giáo bị hiểu sai”.
Ông ta không ngại ngùng cáo buộc phương Tây đã nhìn Islam dưới con mắt không trung thực. Ông được các quốc gia Hồi giáo khen ngợi là vị lãnh đạo can trường của thế giới. Ông nhìn nhận Islam là tôn giáo bị hiểu sai nhiều nhất không phải do những người không phải Hồi giáo mà chính những người Muslim cũng hiểu sai. Ông đã nhắc lại chỉ có Thiên kinh Qur’an duy nhất là ghi chép thông điệp của Thiên Chúa Allah bằng tiếng Ả Rập. Các bản dịch sau này đều có sự khác biệt với bản gốc và có nhiều tiểu tiết không được chấp nhận, chỉ có Thiên kinh Qur’an nguyên bản tiếng Ả Rập mới được chấp nhận.
Dù cho bất cứ vị Ulama (giáo sĩ uyên bác chuyên về Kinh Qur’an) uyên thâm nhất vẫn không thể biết tất cả mọi việc và tất cả mọi thứ vì các Ulama không phải là Thiên sứ nên họ có thể diễn dịch sai.
Sự thù nghịch giữa các hệ phái Islam và giữa các quốc gia Hồi giáo đã đi trái ngược với những lời chỉ dạy của Islam.
Chính sự cuồng tín và bạo hành là nguyên nhân khiến họ chống đối nhau giống như những ngày thù nghich thời “jahiliah” tiền Islam.
Chẳng hạn trong Kinh Qur’an ghi rõ ràng người Thiên chúa giáo là những người bạn của người Muslim. Thật vậy khi những người mới nhập đạo đầu tiên vào Islam bị những người Quraish ngược đãi thì Thiên sứ Muhammad khuyên họ tìm sang nước Abyssinia Thiên chúa giáo ẩn trú. Vị vua Abyssinia Thiên chúa giáo đã che chở người Muslim nên người Quraish không làm gì được. Nếu người Sunni tin vào các truyền thống như thời kỳ Thiên sứ thì việc thân thiện với người Thiên chúa giáo là niềm ao ước lớn cho họ, nhưng rất tiếc người Muslim đã không làm như vậy.
Các Ulama giải thích người Thiên chúa giáo ngày nay không phải người Thiên chúa giáo đã nói đến trong Kinh Qur’an và họ cho người Thiên chúa giáo là kẻ thù của người Muslim. Tất cả người Do thái cũng bị người Muslim cho là kẻ thù bởi vì người Do thái chiếm thánh địa Medina và phản bội lại Thiên sứ Muhammad. Người Muslim coi tất cả người Do thái là kẻ thù vô định. Điều này nói lên sự hận thù cuồng tín trái ngược với những lời chỉ dạy trong Thiên Kinh.
Chủ thuyết bảo căn hay còn gọi là Cực đoan là những từ bị lạm dụng nhiều nhất.
Nếu nghiên cứu những lời chỉ dạy của Islam thì những người Muslim ưu tú nhất là những người bảo căn? Giáo điều căn bản của Islam được dựa trên sự an bình vì Islam có nghĩa là an bình. Cho nên những người được mô tả là bảo căn còn lâu mới noi theo các căn bản của Islam. Trái lại họ là những người bài bác những lời chỉ dạy của Islam hoặc đi sai hướng với những lời chỉ dạy này. Trong khi gọi những người đi sai hướng là những người Muslim bảo căn, phương Tây đã lộ ra khuyết điểm trong sự hiểu biết về Islam.
Islam là tôn giáo của những người đã có một thời chế ngự hoàn cầu, không phải chế ngự trên lãnh vực chính trị mà về khoa học, kỹ thuật, kỹ năng trong sự thám hiểm hàng hải… Chẳng hạn về văn minh, văn hóa, người Islam vùng Trung đông đã phát triển vượt bực về Toán học, Thiên văn và Khoa học thực nghiệm từ thế kỷ 8 đến 13 mà lịch sử thế giới gọi là thời đại Hoàng kim (The Golden Age) của Islam ở Trung đông. Năm 800 các tác phẩm của Aristote, Plato được dịnh sang tiếng Ả Rập và phổ biến trên toàn vùng Trung đông.
Đến thế kỷ 9 các sách Y khoa, Thiên văn và Địa lý cũng được dịch sang tiếng Ả Rập.
Năm 1166 nhà địa dư Ả Rập al-Idrisi là người đầu tiên vẽ bản đồ thế giới rất chính xác. Trường đại học al-Azhar cổ kính nhất được thành lập năm 970 ở Cairo, Ai Cập. Trong những thế kỷ 8, 9, 10 người Islam Ả Rập đã phát minh và đóng góp trên lãnh vực y khoa khi sử dụng Anesthesia trong giải phẩu, sát trùng vết thương và còn lập ra ngành Nhãn khoa…
Năm 925 nhà khoa học Abu Razi cho in bộ sách “Bách khoa Từ điển Y khoa” đầu tiên trên thế giới mãi đến năm thế kỷ sau tức là năm 1486 bộ sách này mới được dịch sang tiếng La tinh phổ biến ở Âu châu; đó là chưa kể bộ truyện vĩ đại “Ngàn Lẻ Một Đêm” được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới.
Trong khoảng 800 năm người Ả Rập Muslim cai trị đế quốc trên một vùng rộng nhất cho đến thế kỷ thứ 5 và sau đó người Thổ Nhĩ Kỳ và người Mông cổ Muslim tiếp tục ngự trị một đế quốc rộng lớn hơn.
Thông thường đế quốc nào vươn lên rồi cũng bị suy thoái và đế quốc Muslim cũng không ngoại lệ.
Người Âu châu luôn có thành kiến về Islam và không bao giờ chịu tìm hiểu về Islam cũng như ảnh hưởng của Islam đối với cuộc sống tư duy của người Muslim như thế nào. Trong khi nhiều chủng tộc khác đến tiếp cận với Islam, chấp nhận Islam trong một chừng hạn nào đó thì người Âu châu vẫn cứ chống đối Islam.
Chúng ta không nên nhìn vào cách hành xử của một số quốc gia Hồi giáo mà cho đó là giáo điều của đạo Hồi vì thực ra các quốc gia này chỉ mang tên Islam chứ không được tiếp thu những chỉ dạy trong Thiên kinh Qur’an. Chúng ta cũng không nên nhìn vào hành vi của một cá nhân vì Nhân vô thập toàn và chỉ có Thượng đế mới tuyệt đối.
VAI TRÒ CỦA MỸ TRONG CUỘC CHIẾN KHỦNG BỐ VÀ NỘI CHIẾN SYRIA:
Kể từ sau vụ 9/11 khủng bố al-Qaeda tấn công vào New York cho đến hai cuộc khủng bố ở Paris, một vào thượng tuần tháng giêng 2015 bắn chết 12 nhà báo và họa sĩ của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, và một vào trung tuần tháng 11/2015 làm 130 người chết và nhiều cuộc khủng bố khác nữa…
Tất cả hành động tấn công khủng bố đều do Nhà nước Hồi giáo ISIL thủ phạm. Cả thế giới nguyền rủa đây là tội ác nhân loại và phải tìm cách chận đứng tiêu diệt chúng. Dù có bất mãn nhưng chúng ta phải nhìn nhận sự thật chính phủ Mỹ và đồng minh phương Tây phải chịu một phần trách nhiệm vì đã tạo ra môi trường cho ISIL sinh sôi nẩy nở.
Theo một số nguồn tin, Mỹ và các quốc gia Trung đông như Ả Rập Saudi, Qatar, Jordan đã từng nuôi dưỡng ISIL làm công cụ để tiêu diệt chính quyền Syria thuộc dòng Shi’ite. Theo trang web Global Rearch, cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia HK là Edward Snowden đã tiết lộ chính tình báo Mỹ, Anh và Israel (Mossad) đã âm mưu thành lập ISIL. Cũng theo tài liệu bí mật tiết lộ chính lãnh tụ ISIL là Abu Bakr al-Baghdadi đã được tình báo Mỹ và Mossad huấn luyện trong thời gian al- Baghdadi còn ở trại tù Baccu. Lãnh tụ Hồi giáo Ali Khamenei của Iran đã họp báo nhiều lần và tố cáo Mỹ, Anh, Israel đứng đàng sau ISIL nhằm tạo sự chia rẽ và chống chính quyền Syria.
G.S Jeffrey D. Sachs, cố vấn đặc biệt cho TTK Liên Hiệp Quốc Ban-Ki Moon là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như:
– The Age of Sustainable Development (2015)
– The End of Poverty: Economic Possibilities of Our time.
– The price of Civilization: Reawakening American Virtue and Prosperity (2012).
đã phân tích nguồn gốc của tổ chức Hồi giáo cực đoan và đề ra phương thức tiêu diệt khủng bố. G.S Jeffrey Sachs đã tuyên bố thẳng thừng: ”Phải nhìn nhận sự thật về những vụ tấn công gần đây là do hậu quả những chiến dịch bí mật lẫn công khai của Mỹ và phương Tây trên khắp Trung đông, Bắc phi và Trung Á.
Mục đích của hành động này là lật đổ các chế độ độc tài và dựng lên những chế độ phục tùng có lợi cho Mỹ và phương Tây…”
Tất cả việc làm trên chỉ tạo sự bất ổn cho thế giới nhưng lại có lợi cho một tập đoàn thế lực nào đó. Nhìn lại quá khứ, qua bao biến cố xảy ra trên thế giới từ chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam đến những bất ổn ở Trung đông đều do một tập đoàn siêu quyền lực tư bản Mỹ gốc Do thái chi phối. Tập đoàn này thường được biết dưới tên gọi Ashkenazi rất có ảnh hưởng đối với các cơ cấu quan trọng trong chính quyền Mỹ, nhất là đều có tay chân trong hành pháp và lập pháp Mỹ. Tuy dân số chỉ có từ 5 đến 8 triệu người nhưng họ quản lý một khối tài sản khổng lồ tương đương khoảng 20% tài sản của nhân loại.
Mục đích của tập đoàn này là TIỀN, cho nên lúc nào họ cũng khai thác thị trường đầu tư và địa điểm đầu tư chính là những điểm nóng hổi đang xảy ra trên thế giới do chính họ tạo ra để các quốc gia trong vùng sợ có chiến tranh mà thi đua võ trang, đặt mua vũ khí do tập đoàn này xuất khẩu.
NỘI CHIẾN SYRIA:
Cuộc chiến ở Syria bắt nguồn từ Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia và lan sang Ai Cập, Algeria, Yemen, Jordan rồi tới Syria.
– 26/01/2011: Biểu tình bắt đầu bằng những cuộc biểu tình nhỏ.
– 09/03/2011: Biểu tình bùng nổ khắp nước.
– 25/03/2011: Chánh quyền Syria của Tổng thống Bashar al- Assad nổ súng vào biểu tình giết chết 20 người.
– 30/03/2011: Thủ tướng Syria là Muhammad Haji al-Otari và nội các từ chức.
– 25/04/2011: Xe tank của chính quyền Syria tiến vào Daraa và giết hại 25 người.
– 16/11/2011: Liên đòan Ả Rập đình chỉ tư cách thành viên của Syria.
– 04/02/2012: Nga và Trung quốc phủ quyết dự thảo của LHQ về Syria.
Cuộc đối đầu giữa quân chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy ngày càng mang tính chất của một cuộc chiến tôn giáo giữa dòng Sunni và dòng Shi’ite của Islam.
– Phía lực lượng nổi dậy đa số là Hồi giáo Sunni được sự hổ trợ của Mỹ, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Hồi giáo.
– Phía Tổng thống Bashar al-Assad theo giáo phái Alawite/Shi’ite cho nên được một số quốc gia Hồi giáo Shi’ite như Iran và thêm Nga, Trung quốc hổ trợ.
Đặc biệt người Shi’ite ở Liban rất mạnh ủng hộ Chính quyền Syria, họ thành lập một tổ chức quân sự chính trị với tên gọi phong trào Hezbollah mà một số nước coi đây là một tổ chức khủng bố. Chính Hezbollah đã góp phần quyết định cùng quân chính phủ Syria chiếm lại thành phố El-Kuseir, thành phố có tầm chiến lược đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngày 23/06/2013 nhóm Sunni thuộc giáo phái Salafit tấn công môt trại lính ở nam Liban nhưng thất bại và bị tiêu diệt hoàn toàn, từ đó cuộc chiến giữa Sunni và Shi’ite bắt đầu lan rộng toàn lãnh thổ Liban.
Cùng lúc tại Ai Cập xung đột giữa các giáo phái Islam cũng đang xảy ra:
– Ngày 13/06/2013 nhân hội nghị Hội đồng Toàn cầu tại Cairo, các nhà khoa học Islam tham dự đều tuyên bố chống lại người Shi’ite và ủng hộ nhóm Sunni.
– Ngày 22/06/2013 khoảng 3,000 người Sunni/Salafit có vũ trang đã tấn công người Shi’ite tại một làng thuộc tỉnh El-Giza đã làm thiệt mạng thủ lãnh của làng này là giáo sĩ Hasan Shahata khiến dân chúng nổi dậy và cáo buộc Tổng thống Ai Cập là Mohammad Morsi thuộc nhóm Huynh đệ Hồi giáo đã không ngăn chặn cuộc tấn công này.
– Ngày 23/06/2013 dân chúng biểu tình qui mô tại Cairo và kêu gọi Ai Cập tham gia chiến tranh tại Syria.
– Ngày 30/06/2013 nhân kỷ niệm một năm của nhóm Huynh đệ Hồi giào giành chính quyền ở Ai Cập, hàng triệu người xuống đường đòi lật đổ Tổng thống Mohammad Morsi.
– Cuối cùng ngày 04/07/2013 tướng Abel Fattah al-Sisi tuyên bố đã lật đổ Tổng thống Mohammad Morsi và đưa Ông Adly Mansour, chủ tịch tòa án Tối cao lên làm Tổng thống lâm thời của Ai Cập. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo tiếp tục xuống đường đòi khôi phục lại quyền lực cho Ông Mohammad Morsi, nhưng quân đội và cảnh sát đã giải tán.
Cuộc nội chiến Syria là một cuộc chiến đầy phức tạp, có thể nói một cuộc chiến đa quốc gia, đa sắc tộc và mang màu sắc tôn giáo giữa hai nhóm Hồi giáo Sunni và Shi’ite; đồng thời cũng là cuộc xung đột cố hữu do sự bất đồng trầm trọng giữa một bên là Mỹ, các nước phương Tây cùng khối Ả Rập và bên kia là Nga, Trung quốc và Iran.
Chưa kể đàng sau cuộc chiến còn có người Kurd tham dự, họ hy vọng khi cuộc chiến Syria chấm dứt với việc Tổng thống Bashar al-Assad ra đi thì họ có thể định cư ở phía bắc Iraq hay bắc Syria.
Cũng xin nhắc lại sau Đệ I thế chiến chấm dứt, đế quốc Ottoman sụp đổ, người Kurd không có quốc gia và lãnh thổ. Họ bị phân tán khắp các nước trong vùng Trung đông như Iraq, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ…
Họ liên tục tranh đấu để đòi quyền tự trị nhưng hoàn toàn thất bại.
Ở Iraq, Saddam Hussein đã từng sử dụng vũ khí hóa học để tiêu diệt người Kurd.
Còn tại Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd cũng bị đàn áp khốc liệt.
Trong cuộc chiến Syria, người Kurd luôn đứng ngoài các tranh chấp giữa Sunni và Shi’ite mặc dù họ cũng là Hồi giáo với đa số là Sunni. Họ đặt nặng vấn đề dân tộc trên vấn đề giáo phái, nhưng lại bị vấn đề đảng phái chi phối.
– Tại Iraq sau khi có sự bất đồng nội bộ, chính quyền Kurd nghiêng về thiên hữu và thân Tây phương (đảng KDP-PUK), cho nên được phương Tây giúp đỡ.
– Tại Syria phong trào tự trị người Kurd lại thiên tả (PYD-Đảng LMDC), gắn bó với đảng PKK (Đảng Công nhân) tại Thổ Nhĩ Kỳ, là một phong trào giải phóng vũ trang mà phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào hàng khủng bố.
Cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurd ở Syria ngày càng leo thang.
Các vụ tấn công bằng bom của người Kurd ở Istanbul ngày 12/01/2016 làm 10 người chết, 25 bị thương và vụ đánh bom ở Ankara ngày 17/02/2016 làm 28 người thiệt mạng và 61 bị thương bắt buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải trả đủa bằng các cuộc pháo kích và không tập liên tục vào lãnh thổ người Kurd ở Syria.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đều muốn thực hiện một chiến dịch trên bộ tại Syria nhưng chưa có điều kiện thuận lợi. Trước kia cả Ankara và Riyadh đều muốn tiêu diệt nhà nước Hồi giáo ISIL, nhưng gần đây Ả Rập Saudi không còn quan tâm loại bỏ ISIL mà mục đích là loại bỏ chính quyền của Tổng thống al-Assad, nhưng Ả Rập không đủ khả năng thực hiện một hoạt động qui mô như vậy vì gần đây Riyadh bị lôi cuốn vào cuộc chiến Yemen và đang gặp nhiều khó khăn về hậu cần và tài chính vì giá dầu xuống thấp.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm chống lại YPG (lực lượng quân dân người Kurd) và PKK (đảng công nhân người Kurd), tích cực bắn phá các vị trí của YPG và PKK ở bắc Syria từ bên kia biên giới.
Trong khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đều muốn hành quân trên bộ dễ mang lại kết quả tốt thì Mỹ vẫn do dự tham gia trực tiếp cuộc chiến tại Trung đông.
Phải công nhận chiến dịch không kích của Nga ở Syria đã thay đổi cục diện cả trên trận địa lẫn mặt trận ngoại giao. Quân đội của Tổng thống al-Assad đã giành lại thế thượng phong chiếm lại phần lớn các vị trí trọng yếu đã mất và việc lật đổ Tổng thống al-Assad không phải là mục tiêu khả thi.
Ngoại trưởng John Kerry đã phát biểu trước hội nghị “Những người bạn của Syria” tại Pháp: “Không có giải pháp quân sự, chỉ duy nhất là giải pháp chính trị”
Hai Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ráo riết vận động để có cuộc ngưng bắn. Cả hai đã gặp gỡ các thành viên trong nhóm ”Hổ trợ quốc tế đối với Syria” được tổ chức tại Hội nghị an ninh Munich (Đức).
John Kerry đã gặp lãnh tụ phe đối lập Syria là cựu Thủ tướng Riad Hijab đồng ý tham dự.
Chính quyền Syria cũng được thuyết phục chấp thuận kế hoạch ngưng bắn.
Cuộc ngưng bắn bắt đầu từ thứ bảy 27 tháng 2 năm 2016 không áp dụng cho các nhóm khủng bố ISIL và những nhóm có liên hệ đến al-Qaeda.
Tổng thống Mỹ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga đảm bảo phía Mỹ sẽ nổ lực để thỏa thuận được thực thi, trong khi ông Putin đánh giá cao cam kết này.
Tổng thống Nga nói:”Tôi chắc chắn các hành động chung với sự hợp tác của phía Mỹ có thể thay đổi hoàn toàn cục diện khủng hoảng ở Syria.”
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thì nghi ngờ ngưng bắn có lợi cho al-Assad.
Một số nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận vì thực tế tình hình ở Syria rất phức
tạp và hy vọng rất mong manh.
Một số chuyên viên thì cho rằng thỏa thuận ngưng bắn không thể coi là nỗ lực chấm dứt nội chiến ở Syria mà chỉ là biện pháp để giảm bớt đổ máu và để cho các hoạt động viện trợ nhân đạo giúp đỡ các khu vực bị tàn phá như Aleppo.
Cầu xin có một giải pháp khả thi nào để mau chấm dứt cuộc chiến ở Syria cho người dân bớt chết chóc, đau khổ và bị ly tán khắp nơi trên thế giới.
Ngày 26/02/2016
Sợ – Phan Văn Song
Tuần qua, hẹn với quý vị tuần nầy trình bày tiếp về nước Nhựt, một quốc gia đầy nghịch lý. Một quốc gia, nghèo tài nguyên, với một địa lý đầy khó khăn cản trở, núi nhiều hơn đồng bằng, người dân phải sống trên những hòn đảo đầy núi lửa, luôn luôn bị đe dọa bởi hết nạn động đất, đến thiên tai, bão lụt, sóng thần. Sống với thiên nhiên không thuận lợi, thế nhưng, Nhựt ngày nay, là một cường quốc kinh tế số 3 của thế giới, trên cả Pháp, trên cả Đức, cả Anh, cả Hòa Lan,… vốn là những quốc gia tiên tiến Âu Tây có truyền thống giao thương cao, có truyền thống hàng hải, với những đội thương thuyền ngang dọc khắp bốn biển năm châu, từ thế kỷ thứ 17, 18 tìm tòi, khám phá, khai phá biết bao, giang sơn mới, bao sơn hào, hải sản. Do đó, chúng tôi ngưởng mộ văn minh Nhựt, con người Nhựt, đất nước Nhựt và mơ rằng dân tộc Việt Nam, cũng chia sẻ lắm nỗi gian truân, khó khăn như dân tộc Nhựt, cùng với một quan điểm dân tộc sinh tồn mạnh mẽ như dân tộc Nhựt, tuy vốn liếng tài nguyên nghèo nàn, tuy thiên nhiên bạc đải, người Việt chúng ta hãy theo gương nước Nhựt, người Nhựt, để xây dựng một quốc gia Việt Nam phú cường do người dân Việt Nam được ấm no, tự chủ, tự do.
Thế nhưng, thời sự Việt Nam nóng bỏng, kết quả của Đại hội Đảng Cộng Sản thứ 12 đã đi ngược lại ý dân, nên xin phép quý vị, cho chúng tôi hoản bài viết về nước Nhựt qua tuần sau.
Đảng Cộng Sản Việt Nam, ta hãy xem như là một «Cục Đá», một «Cục Gạch», một khối xơ cứng, do Cộng Sản Quốc tế thời xưa dùng để «tấn cửa» tiến công. Hay cứ xem đó như «viên đá đầu tiên» của một «luồn sóng Cộng Sản» nhuộm đỏ Đông Dương, giả đò núp dưới chiêu bài «giải phóng thực dân» nhưng thực sự chỉ «nhuộm đỏ các quốc gia thuộc địa» và Đông Nam Á. Đảng Công Sản Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản Quốc tế – Komintern để đánh thực dân. Mà «đá » thì cứng ngắc không cách chi thay đổi đặng! Đành chịu vậy!
Chờ chừng nào Tàu hết Cộng Sản thì Việt Nam cũng hết Cộng Sản. Cuối năm 1989, sau khi Liên Sô và Bức Tường Bá Linh sụp đổ thì toàn khối Cộng Sản Đông Âu cũng đổ!
Gương Liên Sô dạy ta đã rõ ràng. Từ một quốc gia kém mở mang, nhờ Đồng Minh Mỹ yểm trợ trong chiến tranh chống NaZi Đức, nên sau thế chiến 2, đã lên chưn, ngang ngữa, tranh đua với khối Tư Bản Tự Do Âu Mỹ. Ngang ngữa thật ! Âu Mỹ Tự Do có NATO, một dụng cụ vũ lực phòng thủ, thì Liên Sô và Cộng Sản Đông Âu cũng có khối vũ trang Warsava. Tây Âu có khối thương mại Liên Âu và trục thương mại Bắc Đại Tây Dương, thì Đông Âu và Liên Sô có Comecom. Tàu ngày nay cũng vậy, cũng từ một nước lạc hậu trước chiến tranh Việt Nam, từ ngày ký kết với Nixon làm hòa, năm 1972, nhờ Âu Mỹ giúp đở, ủng hộ, mở cửa giao thương, giao hàng hóa cho nhơn công lao động rẻ gia công sản xuất và sau đó xuất cảng, đã chẳng chốc tăng trưởng kinh tế, ngang ngữa về mặt kinh tế với Âu Mỹ. Nhờ làm gia công, nhờ biết lợi dụng, biết bóc lột công nhơn lao động mình với giá công nhơn rẻ, nên lượm được bặc cắc, nên chẳng chốc khá giả. Thước đo ngày nay chỉ chú trọng vào chỉ số phát triển tài chánh kinh tế, là tiền tươi trong hồ bao, nên quên hẳn những cái – tuy gọi là lĩnh kĩnh, chỉ có giá trị ở Ạu Mỹ và thế giới người Văn minh, nhưng thật sự là những cái cốt lõi của con người : những quyền tự do con người, Dân chủ, …Tàu để tránh dân bớt đòi hỏi những nhơn quyền ấy, nên dùng vũ khí tự hào dân tộc, bành trướng, xâm lược. Cũng giống như Liên Sô lúc xưa, bắt đầu chạy đua vũ khí, khoe trương, phùng xòe với Âu Mỹ. Và cũng như Liên Sô, chắc chắn không bao lâu nữa sức chịu đựng giới hạn của người dân sẽ làm sập một bức tường Cộng Sản Á châu. Chạy đua vũ trang với Mỹ, với Âu là một cuộc chạy chạy marathon bền bỉ, nhưng cuối cùng Huê kỳ sẽ thắng. Cái hố ngăn cách hai hệ thống văn minh phát triển Âu Mỹ và Tàu vẫn còn xa vời lắm! Cũng như hồi xưa cái hố văn minh phát triển giữa Liên Sô và Mỹ vậy. Và cũng vì chạy đua để lấp cái hố cách biệt ấy, mà năm 1989, Liên Sô phải sụp đổ và kéo theo tất các các chư hầu Đông Âu.
Bà con Việt Nam ta chớ vội nhìn bề ngoài hùng hổ của Tàu mà đi sợ Tàu. Tàu ngày nay, bề ngoài xem rất mạnh. Tàu chiến, quân đội, xe tăng, hỏa tiển phô trương hùng hổ thật đấy! Đại công nghiệp sản xuất công nghệ tinh vi máy tính, điện thoại, Ti Vi được xem như số một thứ giới, giầy dép quần áo đồ chơi đồ dùm từ kỷ nghệ đến gia đình đều made in China, Tàu giỏi qua, Tàu hay quá! Thế nhưng, thử so sánh đời sống người dân Tàu và người dân một quốc gia nhỏ bé như Hòa Lan cũng thấy rõ cách cách biệt.
Thước đo, đơn vị đo lường thất sự là hãy nhìn vào đời sống của giới trung lưu Âu Mỹ. Quan niệm đời sống văn minh phát triển của Âu Mỹ là «giai cấp trung lưu». Không cần biết người công dân sống bằng nghề nghiệp gì: công nhơn, nông dân, công chức, tư chức, làm ở hảng to ngàn người, hay tiểu thương 5 người; cái quan trọng là cái mãi lực của người dân ấy. Thước đo bề ngoài về kinh tế là những chỉ số các bàn chứng khoán quốc tế: New York Wall Street, London City, Cac 40 Paris, Nikkei Tokyo vân vân… có nói lên một cái hình ảnh gì đi nữa cũng chỉ là những cái bề ngoài. Cái thực sự là hãy nhìn xem mạng lưới các tiểu thương, các tiểu công nghệ…vì đó là thực sự đời sống gần gủi của người dân. Những Đại Tổ Hợp, Đại Công Công Ty xôm tụ, dĩ nhiên làm hãnh diện tự ái quốc gia nhưng chưa hẳn là chén cơm hằng ngày là đời sống người dân, vì những Đại Công Ty, Tổ Hợp có nhửng giây mơ rễ má quốc tế, tròng tréo giữ nhà giữ cửa. Và thứ nhứt hãy thận trọng đánh giá những đại công ty quốc doanh nhà nước mà Tàu và Việt Nam đầy rẩy, vì nơi ấy là nơi các quan chức cầm quyền và các thân bằng quyến thuộc con ông cháu cha dùng nơi rút rỉa ăn bám, ăn chận, ăn có,…
Những quốc gia nhỏ xíu như Ái Nhĩ Lan, Thụy Sĩ, Singapore ngày nay là những tấm gương phát triển. Hãy quên đi những nỗi sợ hãi những cường quốc sức mạnh láng giềng bành trướng. Hãy theo gương Miến Điện, Lào đã dám trả lời Không-NO với Tàu.
Việt Nam đang trong tình trạng Hán thuộc, có bắt buộc phải tiếp tục sợ Tàu để chấp nhận Hán hóa mãi không ? Hay vì SỢ TÀU riết rồi, cũng quen. Lòng người dân mình có muốn, có mong thay đổi không ? Thực sự dám bỏ Tàu đi với Mỹ (chỉ nói vắn tắt vậy thôi!) không? Hay ý dân thì muốn đấy, nhưng lòng đảng viên vẫn không muốn, vì SỢ Tàu, vì Sợ mất quyền lợi, mất của,… thì thôi, bỏ phiếu theo Tàu cho ỔN THÂN!
Bằng chứng là kết quả Đại hội 12 của Đảng đi ngược lại lòng mong đợi của đa số người dân, ngược lại những gì thiên hạ, dân chúng Việt Nam thậm chí cả một đại đa số người tham dự. Ông Tổng Bí Thư mới vẫn là ông Tổng Bí Thư cũ, dù đã « quá tuổi ». Và tất cả từ toàn Đảng đến toàn dân quay nhanh 180°, dõng dạc tuyên bố là ngon lành, là yên ổn, là « bất động » để giữ « yên lành ». Và ngày nay, có cả một « chương trình giải độc » để cắt nghĩa với dân, với bạn bè quốc tế, rằng kết quả nầy là đúng là hạp với lòng dân, và đây không phải « ngựa về ngược » mà là đúng như dự định, và còn có vài tác giả cường độ ca tụng rằng đây là «vận hội mới của đất nước ta» (sic)! Bằng chứng là những loạt bài gần đây nghiên cứu, phân tách cái sai trái của tay «đối thủ rớt đài» cũng do chính những tác giả trước kia «ca tụng, và xem tên đấu thủ rớt đài như là một vị cứu tinh dân tộc?». Chúng tôi cũng đã một lần lên tiếng trong một bài viết cảnh giác cái ảo ảnh của vị cứu tinh ấy!
Và tuy không nói ra, nhưng đâu đó, một nỗi sợ đang tràn ngập làm tê cứng mọi hoạt động chánh trị, mọi suy nghĩ chánh trị Việt Nam. Vì đâu nên nỗi?
Sợ Gốc, Sợ Nguồn – Của Cha Mẹ: Nỗi Sợ Tổ Tông:
Sợ gì? Cái SỢ đầu tiên rất lạ lùng, là nỗi Sợ gốc gác mình cản trở cuộc đời đảng viên mình. Khi gia nhập Đảng, lúc xưa không biết do động lực gì, nhưng lúc nầy, cảm tưởng khi có dịp tiếp xúc với họ, thì vào Đảng «để thăng tiến trên đường hoạn lộ», nói tóm lại là «kiếm sống» nên họ rất sợ «mất Đảng tánh». Mà Đảng tánh là gì ngày nay? Là những gì xếp lớn làm, xếp lớn nói, gọi là «lập trường» (dù chỉ bá phải, giáo điều, chẳng phải lập trường hay lý luận gì kiểu «muốn làm Thủ lãnh Đảng phải Bắc kỳ chánh cống, vì chỉ Bắc kỳ mới biết lý luận». Nói tóm lại hể Bắc kỳ là biết lý luận Cộng Sản còn Nam Kỳ và Trung Kỳ thì trớt quớt !)
Thế mà chờ cái gì mà không cắt nước ra làm hai? Bằng chứng là trong 19 tay lãnh đạo đầu xỏ mới (Ủy Viên Trung Ương của Bộ Chánh Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam), theo phân tách của báo điện tử VnExpress bằng tiếng pháp thì:
«Theo thông tin báo chí, điện báo VNExpress nhận xét với sự có mặt của 3 ủy viên trung ương nữ, lần thứ nhứt (một phá lệ ngoạn mục) và 12 ủy viên « trẻ tuổi», lần đầu tiên vào Bộ Chánh Trị Đảng, và đa số được đào tạo về Luật học (6) và Kinh tế học (5). Cơ quan cao nhứt của quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam «đã được thay đổi nhiểu». Sau đây là sự phân chia theo gốc địa dư của các ủy viên – A l’instar de la presse, le journal électronique VnExpress estime qu’avec la présence de 3 femmes, une première et 12 élus, « jeunes » qui siègent pour la première fois au Bureau politique, et la plupart sont formés en droit (6) ou en économie (5). La plus haute instance de direction du Parti communiste du Vietnam a été « fortement renouvelée». Voici la répartition géographique des candidats:
59,7% Bắc – Nord
21,1% Nam – Sud
21,1% Trung – Centre».
Phòng khi bầu bán, rõ ràng miến Bắc với đa số quá bán thắng rõ rệt tất cả những quyết định!
Nếu những năm qua, người Việt Nam khắp nước vẫn nghĩ rằng nước Việt Nam được thống nhứt? Thì kể từ nay, người tuyên bố mà cả nước đặt tên là LÚ chứng minh rằng tuy Lú, nhưng vì Lú miền Bắc nghĩa là biết lý luận và nay đang cầm quyền với 59,7% người biết lý luận! Tiểu Bắc thuộc tại Miền Nam và Đại Bắc thuộc cả xứ, vì từ nay, hoàn toàn Hán Thuộc rõ ràng. Chúng tôi xin đề nghị bổ túc Điều 4 Hiến Pháp Vìệt Nam rằng Đảng Công Sản Miền Bắc Việt Nam là Đảng cầm quyền.
Sợ Tàu:
Nỗi sợ thứ hai hiện nay, nỗi sợ thời sự, nỗi sợ lý luận là SỢ TÀU. Dính líu với 16 chữ vàng, 4 chữ tốt, núi liền núi, sông liền sông.
Tàu, của là cái tội tổ tông dân tộc Việt, gắn liền với bản chất căn bản Việt cũng chúng ta. Ngay từ lúc mới sanh ra, ngay từ bài giáo dục Việt Nam, chúng ta đã được dạy rằng chúng ta KHÔNG phải người Tàu. Vì người Tàu ở dơ, chúng ta phải ở sạch, người lau mình không tắm, người «mình» phải tắm, phải xối! Người Tàu khặc nhổ! Ra ngoài quốc, nghe người ta hỏi mình cho phải người Tàu không, mình cảm như bị mạ lỵ, khinh bỉ, giật nảy mình, máu nóng bừng, mặt giận dữ, thé to «Tôi là người VIỆT, Tôi KHÔNG phải người Tàu!».
Những bài giáo dục luôn luôn dạy mình từ thuở nhỏ. Mình KHÔNG phải Tàu. Định Nghĩa của Việt, là không phải Tàu! Hãnh diện của chất, của tánh Việt là giòng máu của Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc Tàu, giòng máu của Bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đánh Tàu, đuổi Tàu, thắng Tàu! Những địa danh Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng,… đều là những chiến công thắng Tàu … Tàu! Tàu! Tàu! Tàu là ác mộng của người Việt Nam. Và như thế có thể, suốt cả hai ngàn năm.
Mặc dầu, như với cá nhơn chúng tôi đây, sanh và lớn ở miền Nam, người Tàu là hình ảnh hằng ngày của chúng tôi. Ở Sài gòn, thời đất nước còn của mình, gia đình cha mẹ chúng tôi sống vùng chợ An Đông, giáp ranh Chợ Lớn, một khu vực chung đụng, trà trộn Việt Hoa. (Người tử tế là người Hoa, người xà bát là người Tàu? Kỳ thiệt!). Nhưng tại sao tôi vẫn mặc cảm với Tàu? Dị ứng với Tàu? Coi phim chưởng, đọc chuyện Tàu cho vui thì được! Chung đụng với người Tàu, hằng ngày, chả sao, Nhưng đi du lịch Tàu, thì ngại lắm, vì dơ! Lâu lắm hồi những năm 73, tôi có đi Hong Kong, nhưng Hong Kong lúc ấy rất Anh Quốc, Hong Kong cũng như Chợ Lớn hồi đó của mình vậy, có những khu phố rất văn minh sạch sẻ tây phương. Nhưng ngày nay? Tôi vẫn tiếp tục (ngày hôm nay, tuy già, tuy Tàu ngày nay ngon lành) phản kháng mạnh mẽ khi người ta nhìn lầm mình là người Tàu, vẫn «nóng mặt» như khi bị mạ lỵ vậy! Và từ ngày sống ở ngoại quốc, tôi chưa đi chơi Tàu hay Việt Nam lần nào, mặc dầu đi ngao du thế giới cũng khá bộn. Và mặc dù thằng con trai cả của tôi (Cyril Kongo Phan) có phòng triển lảm ở Hong Kong, ở Shang Hai hay Bắc Kinh và nhiều lần nó rủ tôi đi du lịch với nó. Nhưng tôi từ chối! Tôi ngày nay, ngại (nếu không nói là ghét!) Tàu như ngại Việt Cộng vậy! Có lẽ vì cái thiếu đạo đức, cái thiếu thành thật, cái bề ngoài giả dối sa đọa của vài cá nhơn ? Hay cả xã hội của họ nên, tôi có thành kiến (sai?) với họ! Mong bà con nào có ý kiến thuyết phục sửa cái sai tôi!
Đây là một mặc cảm tội lỗi của Dân tộc Việt Nam? Người Việt Nam chúng ta, với nền giáo dục gốc gác Tàu chúng ta mang nỗi mặc cảm tội lỗi «Gốc Tàu» rất nặng. Vừa thích nhắc tích Tàu, vừa ráng không nói chữ Nho. Sách vỡ, báo chí truyền thông vẫn nhắc nhỡ từ «chữ NHO», thay vì chữ Hán vì chữ Nho là chữ Việt Nam, viết theo Hán tự, nhưng đọc âm Việt ta. Đó là Nho, có thể đó là Hán Việt, nhưng nhứt định Không phải chữ Hán, chữTàu. Một cuộc đấu tranh không ngừng nghĩ, qua bao thế hệ, lúc nào cũng vừa xài hán việt vừa chối bỏ gốc Hán. Người Việt không dứt khoát như người Nhựt hay người Hàn chế một loại chữ riêng biệt với gốc Hán. Mình có chữ Nôm, nhưng tiếc quá, chữ Nôm vẫn còn gắn bó với chữ Tàu không dãn dị hóa để đi vào quần chúng, và không được một vị Vua nào đủ can đảm biến thành chánh sách ngoài hai Nhà Hồ và Tây Sơn với Vua Quang Trung (quá ngắn ngủi).
Sợ Đảng, Sợ mất Job, Sợ mất Tất Cả:
Cái Sợ thứ ba, là cái Sợ của tất cả các đảng viên, là sợ bị khai trừ khôi Đảng, mất chổ tựa, mất tất cả. Điều 4 Hiến Pháp Việt Cộng đã đặt Đảng trên tất cả. Đảng là Tôn Giáo. Tổng Bí Thư là Ông Giáo Chủ. Trên Ông Giáo Chủ có Ông Giáo hoàng. Ông Giáo Hoàng là Ông Tàu Tập Cận Bình ! Tàu ra lệnh giữ ông Giáo Chủ cũ làm Ông Giáo Chủ mới! làm ngay! That’s it. Tất cả Đảng phài nghe lệnh. Thế là Ông Giáo Chủ mới là ông Giáo Chủ cũ. Và ở đưới bầu những người mà Ông Giáo Chủ đã muốn tức 59, 7 % người miền Bắc.
Và Việt Nam Ta, và Đảng Cộng Sản Việt Nam chứng minh rõ ràng hơn nữa sự «gắn bó, 16 chữ vàng với Tàu Cộng», vĩnh viễn chư hầu, ngàn năm chư hầu, nô lệ mãi mãi. Chỉ còn thiếu một Trụ Đồng đánh dâu tình hữu nghị sơn keo Tàu Cộng – Việt Cộng: «Trụ Đồng chiết, Việt Nam diệt» đó thôi!
Kết Luận: Toàn Dân Nghe Chăng: «Sơn Hà Nguy Biến!»:
Chỉ có người Dân Việt Nam là không Sợ thôi! Thật vậy, ngày nay và chưa bao giờ trong 40 năm cầm quyền đất nước Việt Nam Thống Nhứt, người dân xem thường Nhà cầm quyền như lúc nầy. Mặc dù đàn áp lên cao. Mặc dù bbị bịt miệng, người dân ngày nay, dám ăn dám nói mạnh bạo xuống đường, tẩy chay hàng hóa Tàu, giăng biểu ngữ chống Tàu, ca hát, tuyên bố chống Tàu. Lần đầu tiên có những dấu hiệu phản kháng lớn từ người dân lên đến cán bộ. Mặc dù không thành công nhưng con đường đã vạch.
Năm Thân nầy sẽ là năm bắt đầu một hướng tranh đấu rõ ràng.
Tổng Bí Thư mới của Đảng Cộng Sản đã khai thông con đường chia rẽ: chia rẽ Bắc Nam. Chính ông đã mở miệng tuyên bố chia rẽ Bắc Nam. Kết quả cho thấy nhơn số các nhơn vật trong Bộ Chánh Trị nặng cân về những người quê gốc Bắc 59,7 % Chỉ vì tính toán già quá hóa non. Chỉ vì muốn luôn luôn cầm quyền, kiểm soát mọi quyết định, mong quá bán trong một quyết định, nên ngu xuẩn chia rẽ Bắc Nam, gây bất mãn cho nửa nước. Tưởng chia rẻ chỉ con người :
Nhưng thật sự, chia rẽ hai miền. Từ nay trở về thời kỳ chế độ phân tranh Đàng Ngoài, Đàng Trong. Trở về với Biên Giới Bắc Nam hai miền : Sông Bến Hải, Đèo Ngang, Hoành Sơn Nhứt Đáy, Lủy Thầy.
Chia rẽ giai cấp. Vi quá sợ sệt mất Đảng nên tạo nghi kỵ bằng Công An Hóa chế độ : Chia rẽ một bên Công An cầm quyền và một bên tất cả từ đảng viên đến cả người dân đều bị trị. Phân biệt ấy đã có từ lâu rồi, nay được cũng cố với 4 tướng Công An vào Bộ Chánh Trị.
Thế nào cũng tạo bất mãn; thế nào cũng tạo nghi kỵ với những người miền Nam bị loại. Vì ngày nay nhóm Miền Nam gồm nhóm cựu phe thua trận nhưng đầy kỷ thuật hiện đang phục vụ làm giàu cho chế độ, nhóm miền Nam cựu kháng chiến bị gạt cho về vườn, nhóm miền Nam cựu cán bộ có việc làm nhưng chỉ chầu rìa, ngày nay được cũng cố thêm bởi nhóm miến Nam vừa bị hất cẳng ( không phải thất sủng!) còn đầy đủ vây cánh, anhem, đệ tử, tiền tài, quân đội công an, vũ trang súng ống…Gom lại với chất keo bất mãn, bất phục tòng sẽ là ngòi nổ và với chất súc tán là lòng dân ngày nay HẾT SỢ và YÊU NƯỚC CHỐNG TÀU sẽ …môt cuộc cách mang? Một Chỉnh Lý? Một Đảo Chánh? … Chờ & Xem
Bộ Chánh Trị mới thủ cựu, thân Tàu, trọng Bắc Việt khinh Nam Việt, trước sau gì cũng rả đám.
Và người dân KHÔNG SỢ sẽ làm cuộc Cách Mạng đuổi các Đảng Viên đang Run SỢ.
Sẽ lấy lại chủ quyền. Rồi ở Việt Nam sẽ như Liên Sô, bức màn tre Cộng Sản sẽ sụp đổ để Dân Chủ Độc Lập Tự Do trở về.
Năm Mới Chúc tất cả quý bà con, đồng bào:
Sức Khỏe, An Lành, Thạnh Vượng.
Cung Chúc Tân Xuân
Và «Thân Dậu Niên lai kiến Thái Bình»
Ngày mai, hẹn gặp nhau ở Chợ Sài Gòn
Hồi Nhơn Sơn, Tất Niên.
Vui cười
Người đến xin việc hỏi anh bồi: – Cửa hàng này có cần người cực khỏe để đuổi những thực khách quá chén không? – Cần chứ! Nhưng trình độ của anh tới đâu?
Chàng xin việc liền tiến lại bàn đầu, tóm ngay một người đàn ông béo phệ và ném vèo qua cửa sổ. – Thấy chưa? Ý kiến của anh thế nào?
– Xuất sắc! Đợi ông chủ quán vào sẽ nói chuyện với anh.
– Ông ta đi đâu vậy?
– Vừa bị anh ném ra ngoài.
Cu Tý nói với ông bạn của bố :
– Cháu cám ơn bác đã cho cháu chiếc kèn dịp lễ Giáng sinh vừa qua. Đúng là món quà lớn nhất của cháu, nhờ nó mà cháu có tiền đấy …
Ông bạn hớn hở : – Thế cháu thổi kèn giỏi đến như vậy à
– Không phải thế, nhưng bố cháu cho cháu mỗi tuần 10 đồng để cháu đừng thổi nữa!
Thầy giáo hỏi học sinh: Nếu có 1 túi đạo đức và 1 túi tiền ở đường thì em nhặt túi nào?
-Trò không suy nghĩ, trả lời luôn : Thưa thầy, em nhặt túi tiền
-Thầy liền hắng giọng : Nếu như là thầy thì thầy sẽ nhặt túi đạo đức chứ không nhặt túi tiền, mà vì sao em lai nhặt túi tiền?
-Trò đáp tỉnh bơ : Thì em nghĩ ai thiếu gì thì nhặt thứ ấy!
Một nếp Văn minh mới – Nguyễn thị Cỏ May
Trong những ngày cận Tết, báo chí ở Việt nam đã phải lên tiếng “Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề những thảm án liên tục xảy ra, con người cư xử với nhau ngày càng tàn bạo có một phần nguyên nhơn từ việc uống nhiều bia rượu và thiếu đọc sách”.
Nhưng không biết «thiếu đọc sách» là nguyên nhơn của mải mê bia rượu hay vì «bia rượu» mà thiếu đọc sách? Hay còn nguyên nhơn nào nữa khác hơn? Nhưng tình trạng «mải mê bia rượu» ngày nay ở Việt nam trở thành nghiêm trọng đến mức nào?
Sự chọn lựa đã rỏ
Theo báo chí ở Hà nội, năm vừa qua, ngành văn hóa của Nhà Nước thu được 2000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24 000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Trong lúc đó, Nhà Nước thu vào được 66 000 tỷ động từ sự tiêu thụ 3 tỷ lít bia rượu của dân chúng. Sự thu nhập nhờ những hoạt động đối nghịch với chữ nghĩa, sách vở lại cao hơn 33 lần thu nhập nhờ chữ nghĩa ! Ngoài ra, theo điều tra của Google thì người Việt nam, nhứt là lớp thanh niên, vào internet xem những loại phim đồi trụy tinh thần nhiều nhứt so với nhiều nước khác. Phải chăng ý muốn nói đại bộ phận dân Việt nam ngày nay, tinh thần đồi trụy, hiểu biết thoái hóa, cơ thể suy nhược ?
Mỗi năm, người dân ở Việt nam chi ra 3 tỷ đô-la để uống bia rượu. Nếu đem khối lượng bia rượu tiêu thụ đó chia cho dân số Việt nam, từ tuổi biết uống nưóc cho tới tuổi sắp bỏ uống nước, thì mỗi người sẽ nhận đươc hơn 33 lít bia rượu / năm.
Thật ra số tiêu thụ ấy chưa thắm vào đâu nếu so với dân Tiệp và Đức. Dân Tiệp uống 135 lít bia/năm/ người, Đức kém hơn, 107 lít/năm/người. Tây bết nhứt : 30 lít/năm/người. Nhưng Tây lại uống rượu chát (vin) nhiều hơn (44 lít/người/năm). Có lẽ nhờ đó mà Tây ăn nhiều bơ, fromage, thịt nguội, …mà lại ít bị bịnh tim mạch hơn người Huê kỳ. Một mẫu người Pháp tay chơi là « tay cầm ly vin, tay kia đở mâm thịt nguôi và fromage ».
Nhưng, ở Việt nam, bất kỳ ở đâu, trước nhà, ngoài ngỏ, trong quán nhậu, vào bất kỳ giờ nào, sáng, trưa, chiếu, tối, đầu tuần, cuối tháng, cứ đưa mắt nhìn là thấy ngay có đầy người ngồi nhậu, với thái độ ung dung tự tại vô cùng thoải mái. Đa số là tuổi trẻ.
Phong cách nhậu của người việt nam không giống như người Âu châu. Theo kết quả điều tra, năm 2015, riêng dân Pháp, lớp tuổi trẻ từ 15 – 24 tuổi, có 12% uống bia rượu. Lớp lớn hơn có 32% uồng bia rượu. Còn lại 55% là những người không uống. Và họ chỉ uống vào ngày nghỉ hay dịp lễ lộc. Những người đi làm việc, chiều về, tạt vào Bar, đứng bên Comptoir (Quầy), uông 1, 2 ballon rượu chác (1 chai vin 75 cl rót được 6 ballons 12, 5 cl – Champagne, được 6, 7 coupes) hoặc 1, 2 đờ-mi như khai vị để về nhà ăn cơm ngon. Ở Pháp tuy là xứ sản xuất hàng đầu bia rượu, nhưng không thấy dân chúng đông nghẹt suốt ngày trong tiệm lớn nhỏ như ở Việt nam. Ngoài ra, còn có luật cấm vị thành niên mua rượu ở chợ hay tìệm và uống rượu ở quán.
Ở Việt nam, người dân uống rượu như vì «không biết làm gì, nghĩ gì» khác hơn. Uống để mà uống. Như một sanh hoạt hằng ngày phải có để nhắc nhở «ta còn đây ». Khi ta uống là ta thật sự «hiện hữu »!
Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu: gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc, đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; đi công tác phải biết “giao lưu”, “kết nghĩa”: nhậu; có khách đến nhà: nhậu… bình thường không làm gì, cũng… nhậu. Có tiền, nhậu theo có tiền. Hết tiền, nhậu nhiều hơn …
Người Việt nam ít đọc sách
Quả thật đây là điều đáng buồn khi thấy người dân không bỏ tiền ra mua sách đọc mà trái lại, có bao nhiêu tiền cũng sẳn sàng chi ra cho ăn nhậu. Họ không cần đoc nhiều phải chăng vì chỉ cần đọc một cuốn hay xem một tờ báo cũng có thể biết 24 000 cuốn kia hay 375 ấn phẩm kia nói gì, viết gì rồi ? Tất cả báo chí, sách vở, Phát thanh, TV đều nằm gọn trong tay nhà thầu khổng lồ là đảng cộng sản. Mà chính đảng viên cấp lãnh đạo, lại chẳng có mấy người đọc sách. Bỡi nhờ không đọc sách, họ mới lên được TW đảng!
Nói tới chuyện sách vở ở Việt nam, Cỏ May nhớ lại năm 1977, vào khu phố lặc-xon của Ba tàu bán ve chai ở chợ lớn tìm mua phụ tùng máy tàu, tu bổ cho chiếc tàu chuẩn bị vượt biên, thấy con xẩm trẻ, con gái chủ tiệm, đang cầm quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao đoc, bèn hỏi nó đang học lớp mấy và tại sao không đoc sách của chương trình Quốc văn mà đoc Quỳnh Dao?
Nó cho biết học lớp 11. Đọc Quỳnh Dao vì đọc sách kia thì – nó vừa trả lời vừa lật quyển sách như để thuyết minh thêm cho rỏ ý – ở đầu sách: «ổng» (Hồ Chí Minh), giữa sách: «ổng», ở cuối sách cũng «ổng». Đọc cái gì? Chỉ có liệng đi, vừa làm cử chỉ bằng cách như vứt quyển Quỳnh Dao nó đang cầm trên tay.
Việt nam ngày nay có gần 30 triệu người dân chưa bao giờ biết sách là gì, 44% dân số thỉnh thoảng đọc, thì coi đó như không đọc sách vì đọc sách không thể nào «đọc cơ hội» được.
Theo kết quả điều tra phổ biến gần đây thì người Việt nam một năm chưa đọc hết 1 cuốn sách (chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ở nhà quê, gần như không có người đọc sách báo. Nhưng nều tính theo cách tính số người tìêu thụ bia rượu thì ở Việt nam, ngày nay, có 90 triệu người, đem số sách bán được năm 2014 là 24 000 cuốn chia cho 90 000 000 thì kết quả sẽ là một người, trong một năm, đọc được 0, 00027 cuốn sách!
Thế mà Việt nam lại có 480 trường đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, hơn 20 000 tiến sĩ đủ loại, cả thứ « tiến sĩ xây dựng đảng cộng sản », tỷ lệ sinh viên trên dân số cao ngất ngưỡng?
Thực tế này đã giải thích rỏ vì sao sinh viên Việt Nam sau khi học xong vẫn thiếu kiến thức, vì sao những bằng cấp Cao Đẳng, Đại Học của chế độ cộng sản chưa bao giờ có giá trị và vì sao bạo lực ngày càng gia tăng, đạo đức luân thường xuống cấp nghiêm trọng…Người dân thường ỷ lại ỏ sức mạnh của đồng tiền trong việc đối xử với nhau.
Đất nước đã tụt hậu nhiều mặt so với Lào, Campuchia, Myanmar, đó là sự thật chứ không còn là nguy cơ như báo động trong những năm trước đây. Giảm rượu bia khó. Phát động phong trào đọc sách ngay hôm nay lại càng khó hơn vì làm điều này, trước hết phải đem lại cho sách báo có nội dung bằng những điều thiết thực, khai hóa dân trí theo tinh thần khoa học toàn câu, … Mà khi phục hồi những giá trị đạo đức nhơn bản thì chủ nghĩa cộng sản đem bỏ đi đâu ? Người cộng sản phải không nói dối, không lật lộng, không ngang ngược thì làm sao họ còn cộng sản nữa ? Đây quả là thứ nghịch lý sanh tử với người cộng sản. Vả lại sách vở, báo chí là sản phẩn của chế độ mà bản chất của chế độ là cộng sản. Người dân đang công khai chối bỏ cộng sản thì không thèm đọc sách báo là tự nhiên.
Rượu bia là những thứ cay nồng, độc hại mà còn dễ chịu hơn nếu phải tiếp xúc với thứ chữ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thứ này, nó còn ghê tởm hơn, còn độc hại hơn bia rượu!
Kể ra nếu lấy bia rượu thay thế sách vở, biết đó là một thứ chọn lựa liều mạng, tự sát, nhưng về chìu sâu, nó có lý ở một cách ứng xử nào đó để hiểu thực tế của đất nước Việt nam ngày nay.
Hay làm «ruồi đực tìm rượu gìải sầu»
Câu chuyện «Ruồi đực tìm rượu giải sầu» là câu chuyện khoa học do University of California ở San Francisco, thực hiện với hằng trăm con ruồi và công bố kết quả nghiên cứu trên tờ báo chuyên đề The American Journal of Science (trên internet).
«Họ bắt một con ruồi cái vừa mới làm tình xong, nhốt vào một cái lọ. Sau đó họ bắt một con ruồi đực bỏ chung vào với con ruồi cái, rồi theo dõi hành động của hai con ruồi. Con ruồi đực muốn ân ái nhưng con ruồi cái, vì vừa mới làm tình xong, mệt mỏi nên không hứng thú tí nào nữa, nó bay chỗ khác. Nếu nó bị con ruồi đực bay đuổi theo và bắt được, thì nó quyêt liệt chống cự, hoặc chìa bộ phận đẻ trứng của nó cho con ruồi đực kinh hoàng, không đến gần nữa.
Họ làm thí nghiệm này với những con ruồi đực trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, và con ruồi đực luôn bị con ruồi cái không cho sơ múi gì cả.
Sau ngày thứ tư, họ cho con ruồi đực vào một cái lọ riêng, cho nó được lựa chọn hai thứ thức ăn, một là thức ăn thường và thức ăn có tẩm rượu, thì con ruồi đực, bị con ruồi cái không cho âu yếm, lúc nào cũng chọn thức ăn có rượu. Nhiều con “nhậu” cho đến xỉn luôn.
Họ tiếp tục cuộc thử nghiệm, lần này cho những con ruồi không được làm tình trong bốn ngày trước vào chai có ruồi cái ưng làm tình. Sau khi được ân ái, những con ruồi đực này chọn thức ăn không có rượu.
Nghiên cứu thêm nữa, các nhà nghiên cứu khám phá trong óc của con ruồi có một chất gọi là NPF. Họ suy luận là, khi được làm tình, óc con ruồi đực bị kích động và tăng trưởng chất NPF, nên làm nó cảm thấy sung sướng, thoải mái. Ngược lại, nếu nó không được làm tình, bị thiếu chất NPF, nên nó phải tìm những thức ăn có rượu, để kích động chất NPF trong não bộ.
Ông Ulrike Heberlein, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu, tuyên bố là, phản ứng của đàn ông cũng không khác gì những con ruồi đực: Nếu bị vợ hay bồ không cho làm tình thì đàn ông sẽ tìm giải sầu trong ly rượu”.
Vậy phải chăng dân Việt nam chọn ăn nhậu sáng, trưa, chiều, tối vì sách báo không thể đọc nổi, mà hú hí với vợ hay bồ cũng không được đải ngộ, thì còn cách nào thú vị hơn là “làm ruồi đực” mà tìm rượu giải sầu trong ly bia rượu?
Vui cười
Vợ đọc một bài báo nói về ảnh hưởng của bố mẹ tới con cái, tóm tắt lại cho tôi:
– Khoa học chứng minh con thừa hưởng trí thông minh của mẹ và nét đẹp của bố…
– Thảo nào thằng Bo nhà mình đi học toàn bị cô chê dốt.
Tôi đã đồng tình với vợ, thế mà vợ lại giận.
Cuối tuần, vợ chồng tôi trốn con đi ăn chân gà nướng. Vợ gặm mãi cái chân gà không xong, e thẹn bảo:
– Con gà này già quá, em ăn không nổi.
– Còn anh thì gà già cũng không vấn đề gì. Cả đời anh đã quen ăn thịt già rồi.
Tôi buột miệng nói, không hề có ý ám chỉ vợ lớn tuổi hơn mình, thế mà vợ vẫn giận.
Tiểu Tiết – Phan Văn Song
«Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi».
Đầu năm 2016, tình hình kinh tế Âu châu và thế giới vẫn còn trì trệ, các thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục èo uột. Các quốc gia tiền tiến, ngoài Mỹ ra, các quốc gia âu châu vẫn tiếp tục gặp khó khăn ! Khó khăn vì kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục hẳn, nhưng khó khăn vì nạn nhơn chiến tranh Trung Đông đang tràn ngập vào Âu châu. Bỏ thì thì tội nghiệp người tỵ nạn, ngược với đạo lý, vương vào thì tội nghiệp cho người dân của mình. Bắt đầu từ các nước Đông Âu, cựu Cộng sản, với một nền kinh tế chưa ổn định mà phải nuôi dân tỵ nạn. Sau, cơn chống tỵ nạn truyền nhiểm đến các quốc gia có truyền thống Tin Lành, nhơn đạo hơn, như Đan Mạch, như Thụy Điển, tóm lại các quốc gia Bắc Âu, nay cũng bắt đầu chống làn sóng tỵ nạn. Chỉ tội nghiệp Hy lạp, đã nghèo còn mắc quay thêm, vì biên giới sát nách Trung Đông! Từ đầu năm nay, tình hình kinh tế chánh trị chả đâu vào đâu cả. Tất cả tình hình chánh trị đều hướng vào những chuyện đại sự, dao to búa lớn, nào chiến tranh chống khủng bố, dẹp Daesh, nào phải cứu Syrie, nhưng cứu Syrie nào? Syrie của chánh quyền độc tài? Hay Syrie của những phe phản loạn tự cho mình là dân chủ chống độc tài? Giúp ai đây? Nga giúp Syrie độc tài, chống phản loạn. Tây Mỹ bảo phản loạn là đúng, nhưng hãy đánh mạnh vào Daesh. Kéo thêm Thổ nhỉ Kỳ vì Thổ là đồng minh NATO. Liên Âu cho tiền Thổ để Thổ tiếp tỵ nạn thế Âu Châu. Thổ nhập cuộc chống phản loạn nhưng chống luôn kháng chiến Kurdes là nhóm chống Daesh giỏi nhứt ngày nay.
Nói tóm lại ngày nay, đại sự là một nồi cháo heo, chả đâu vào đâu cả. Đó là tình hình Âu Châu và Trung Đông. Chưa kể Phi Châu. Riêng về Á Đông ta. Ta có biển Đông do Tàu đang bành trướng xâm chiếm, xây cất cũng cố các đảo cưởng chiếm của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục, miệng thì nói, nhưng nhục nhã trơ mắt nhìn thằng Bắc Quốc xây nhà trên đất mình. Mỹ thì vẫn tiếp tục biểu dương lực lượng (cũng như Tàu) nhưng vẫn né Tàu (hai bên né nhau để nhân nhượng sống còn-một modus vivaldi ngầm với nhau). Kết cuộc chuyện mồm miệng nói đại sự, ngoài thì rầm rộ, hô hào, diển thuyết, hội bàn, hội thảo… nhưng đi sâu vào tiểu tiết thì không một lời, dân vẫn đói, thất ngiệp vẫn thất nghiệp dài dài. Tây thất nghiệp theo Tây, ta thất nghiệp theo ta. Tây còn có tổ chức tương trợ xã hội! Được bao lâu? Tùy hệ thống. Còn Ta? Dân Việt Nam thất nghiệp quen, ăn độn quen cũng không sao. Riêng các nước hạng hai, BRICS, hy vọng ngày qua của thế giới sẽ là những đầu tàu tương lai kéo các ngành kỹ nghệ các nước già nua thoát khỏi trì trệ. Nhưng ngày nay vẫn không vươn lên được vì cơ chế đạo đức quá kém, các nhà lãnh đạo vẫn không vứt bỏ được những hủ tục quan liêu cửa quyền của những tập tục lạc hậu do lịch sử để lại. Tàu, Ấn, Nga, Ba Tây, Nam Phi nếu ngày hôm qua là những hy vọng, với các anh hùng dân tộc như Nelson Mandela, Lula hay Đặng Tiểu Bình, Gorbatchev, Gandhi với cơ may có thể thay đổi hướng đi của lịch sử. Thế nhưng, ngày nay, vướng phải bầy hậu duệ vô tài tham nhũng, lại vướng víu thêm với thị trường chánh trị (Đảng), với thị trường kinh tế (lợi tức gia đình đảng phái), đặt quyền lợi đảng phái trên hết, quản trị bằng chia chác, cai trị với hứa hẹn, mặc cả với lòng tham con người, nên dù đất nước có đầy tài nguyên,có đầy tài năng, có đầy hy vọng kia đi nữa, ngày nay cũng vướng víu với cái vòng lẫn quẫn không lối thoát, của lý thuyết, của quan niệm, chỉ đi vào những từ ngữ to lớn đầy đại sự nhưng rỗng tuyết như là Tự Do, là Dân Chủ, quên hẳn cái tiểu tiết phải giải quyết là Xã hội Sống Còn của Công dân của đất nước họ! Phải! Người Công dân, trước hết Con Người! Với cái Tự Do mơ ước là cái Tự Do của Con người. Với cái Dân Chủ mơ ước là cái Chủ quyền của Con Người được tự túc Ăn Sống, Hưởng Thụ, An Tâm Suy Nghĩ và Tham Gia vào Xã Hội.
Đó là Tiểu Tiết. Lo cái Tiểu Tiết của Người Dân là lo được Đại Sự của đất Nước.
«Tiên Thiên hại Chi Ưu Nhi Ưu, Hậu Thiên Hạ Chi Lạc Nhi Lạc «Phạm Trọng Yêm (989-1052 Tàu)
Chuyện Người:
Năm qua, Pháp chia đất nước thành từng vùng hành chánh lớn (13 vùng), thay thế những đơn vị tỉnh, huyện xưa, vậy thì quyền lực hành chánh sẽ thế nào?
Liên Âu và Bruxelles có thể tránh Anh Quốc Brexit, ra khỏi Liên Âư không?
Xứ Catalogne của Tây Ba Nha có thể biến thành một quốc gia hoàn toàn độc lập không?
Tô Cách Lan-Scotland có thể thành một Công Hòa độc lập nằm ngoài Vương quốc Anh không?
Tại sao ngày nay người dân thờ ơ với bầu cử vậy? Chưa bao giờ dân chúng Âu châu thờ ơ với tình hình bầu cử của đất nước mình, tại sao?
Tất cả những câu hỏi ấy, tất cả những vấn đề ấy hiện nay là thời sự ở Âu Châu. Chúng tôi, thiết nghĩ đấy chỉ vì ngày nay những cái tiểu tiết quan trọng hơn những chuyện đại sự mà các nhà chánh trị trách nhiệm chẳng dám đưa ra bàn thảo.
Tiểu tiết rất cần thiết cho sự hài hòa của xã hội. Thế nhưng, vì sự thay đổi của những thể chế, của những chánh sách, và của cả nền chánh trị, nên nghĩ rằng cần lo cho đại sự, nên bỏ rơi những tiểu tiết. Có cần chúng ta phải để ý đến tiểu tiết không?
Một thí dụ nhỏ rất thời sự. Việt Nam vừa qua, một lời tuyên bố rất tiểu tiết: «Người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là người miền Bắc (Việt Nam), vì chỉ người miền Bắc biết lý luận!» Câu nói ngu xuẩn xanh dờn ấy, tiểu tiết ấy, từ nay sẽ là cái mốc làm nguồn gốc của sự chia rẽ kỳ thị Nam Bắc Việt Nam. Hiểm họa chia đôi đất nước : đàng trong, đàng ngoài từ đây bắt đầu. Đúng là như người xưa đã nói «Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi».
Bottom up hay Top down:
Câu nói anh ngữ nầy để diễn tả sự đối chọi giữa hai quan niệm tổ chức hành chánh, hai phương pháp truyền thông, hai quan điểm tổ chức điều hành. Bottom up, đi từ dưới, hạ tầng lên lãnh đạo. Top down, từ lãnh đạo chỉ thị xuống đến hạ tầng cơ sở. Tiểu tiết là bottom up.
Thoạt tiên, tiểu tiết, nếu được hiểu đúng, là một quan niệm về điều hành và về trách nhiệm : tất cả bắt đầu ngay từ vai trò cá nhơn của nhơn sự. Chính tại ngay phần hành của cá nhơn nhơn sự điều hành ấy! Cá nhơn ấy quyết định hành động, đây là một lựa chọn, một quyết định do chính ngay cá nhơn của nhơn sự trách nhiệm ngay ở phần hành. Trách nhiệm phần hành là của nhơn sự đảm nhiệm phần hành : trách nhiệm và quyền lợi cá nhơn của đương sự, đương sự phải là người toàn quyền quản trị tốt nhứt.
Nói như vậy, chúng ta phải hiểu rằng chỉ khi nào nhơn sự trách nhiệm phần hành không đủ năng lực để làm tròn nhiệm vụ mới cần đến những nhơn sự hay những tổ chức khác tiếp viện. Sự tiếp viện, sự tham dự ấy là một tiểu tiết, đến để tiếp vận, đến để cứu trợ.
Thí dụ nêu trên cho một cá nhơn cũng dễ dàng áp dụng cho một đoàn thể hay một hôi đoàn. Tất cả mọi người trong đoàn thể tự giải quyết mọi vấn đề không cần sự can dự của một yếu tố ngoại nhơn nào cả.
Chúng ta chớ quên rằng sự kêu gọi tiếp viện, sự kêu cứu phát xuất do chính từ cá nhơn, hay chính từ đoàn thể ấy : không một động lực ngoại vi nào thay thế trách nhiệm ấy được. Do đó, quan niệm tiểu tiết là một quan niệm quản trị tốt-principe de bon gouvernement. Quyền lực của một cá nhơn được định nghĩa rõ ràng và ngưng lại nơi quyền lực của người khác bắt đầu.
Những Quyền Lực và Những Quyền Tự Do Địa Phương :
Những Tiểu Tiết mà chúng ta thường nghĩ ngay đến là những quan hệ quyền lực giữa các cơ chế chánh trị.
Thí dụ ở Pháp hiện nay, giữa các Vùng mới thành lập (13 Vùng): các quan hệ một mặt đối với các tỉnh (départements) – với các thị xã? Và mặt khác, quan hệ tương quan thế nào với Nhà Nước, với Trung Ương? Nếu như quan niệm Tiểu Tiết thật sự được áp dụng, các xã, thị xã tự điều hành, giải quyết mọi vấn đề nội bộ, có thể cùng bàn bạc hợp sức với xã, hay thị xã láng giềng trên một công tác nào đó (Tổ hợp các xã Liên hợp các xã-syndicats des communs), thí dụ tổ chức một tổ hợp chuyên chở công cộng liên xã, trong tỉnh, trong vùng ; hay tổ chức một cơ chế Du lịch, hay cơ chế Văn hóa tỉnh, vùng (Nha Văn Hóa, Nha Du lịch, Phòng Triển lảm…) vân vân…
Thế nào đi nữa, quan niệm Tiểu Tiết không thế nào áp dụng ở một quốc gia Trung ương Tập quyền, (như nước Pháp ngày nay – hay cả Việt Nam) nơi mà mọi quyết định, mọi suy nghĩ, mọi hành động hành chánh đều được nhà cầm quyền trung ương chỉ đạo bằng luật lệ, văn kiện, nghị quyết !
Từ bao năm nay, nước Pháp chờ đợi một luật lệ thực sự về Tản Quyền-Décentralisation, như người ta vẫn quen sử dụng những Luật về Phân Quyền-Déconcentration, chỉ là những áp dụng những chỉ thị của trung ương mà thôi!
Thêm vào đó, nếu muốn tự lực, tự túc phải có «tự túc tiền bạc, tự túc ngân sách». Hiện nay, có những điều luật nói về Tản quyền, nhưng không có điều luật nào cho Tự do Ngân Sách cho ngân quỹ địa phương. Do đó không thể có sáng kiến, hay cạnh tranh chi cả! Ngày hôm nay, ở Pháp, các thị xã, các Hội đồng xã chỉ «ráng sống qua ngày», «gói ghém chi tiêu» giữa những đòi hỏi đóng góp với Trung ương, và những cắt giảm phụ cấp. Những quyền lực, những quyền Tự do, cả tánh tự chủ của địa phương ngày nay ở Pháp chỉ là những câu nói, câu viết đầy lý thuyết thôi!
Chưa Kể Trung Ương Tập Quyền ở Bruxelles!:
Nhiều người vẫn tưởng lầm Dân Chủ là đương nhiên đi vào tiểu tiết. Lầm to, một trong những cha đẻ của quan niệm Liên Âu là Jacques Delors (ba của Martine Aubry, tác giả của luật lao động 35 giờ một tuần, làm kẹt giỏ mọi cải cách luật Lao động ngày nay, một trong những rào cản của thị trường lao động Pháp) ra một thí dụ về những quyết định gọi là dân chủ nhưng thật sự là để «chống Tiểu Tiết». Ngay hôm trình diện Hiệp Ước Maastricht, hiệp ước đặt nền tảng sanh hoạt cho Liên Hiệp Âu Châu, vị chủ tịch Ủy ban Âu Châu, mở đầu, bảo rằng Hiệp Ước đặt nền tảng trên những tiểu tiết. Như đến lúc trình bày, ông nói rằng Hiệp Ước, nghĩa là cái phần hành Trung Ương, sẽ định nghĩa những chức năng và thẩm quyền của các cơ chế âu châu và của các quốc gia thành viên của Liên Âu. Ông nhận thấy có nhiều chức năng và thẩm quyển được giao phó hoặc cho Liên Âu, hoặc cho thành viên một cách tùy tiện hoặc có khi chia hai các thẩm quyền phân nửa phân nửa không có lý do gì cả. Cách tổ chức ấy không có gì gọi là đặt nền tảng trên quan niệm «tiểu tiết» cả !
Vì nếu thật là một quan niệm Tiểu Tiết đúng đắn nhứt phải là phải giao tất cả chức năng và quyền lực cho các quốc gia thành viên. Sau đó, tùy chức năng, thành viên «chia sớ» lại cho trung ương Liên Âu. Ngày nay, người ta đang nhìn thấy một sự lạm dụng của «trung ương tập quyền». Đáng lý phải là một Tổ hợp tạo ra những luật lệ thực hành biến thành quy luật (như đã được quy định ở Bản Hợp Tác Duy Nhứt-L’Acte Unique năm 1956), đằng nầy người ta đang nhìn thấy một bộ luật âu châu đang thành hình và đang từ từ được áp dụng trên toàn bộ công dân âu châu, đi ngược lại với quan niệm rằng luật lệ không được tùy tiện đặt ra, mà phải được điều nghiên cẩn thận để hòa hợp với công lý xã hội (xin lỗi các lý thuyết gia về luật cụ thể-droit positif).
Vương Quốc Anh (và vài quốc gia khác), chối bỏ đồng euro, và đang đòi hỏi là sẽ không áp dụng một phần hay toàn thể những luật lệ âu châu. Nếu các thành viên khác và các cơ chế âu châu không chấp nhận đòi hỏi của Anh Quốc (và nhiều quốc gia khác nữa) thì chẳng chốc một Liên Âu mới sẽ thành hình, dước hình ảnh một Siêu Quốc Gia, xóa bỏ mọi quyền lực của các quốc gia thành viên độc lập tự chủ.
Vì những lẽ ấy, sự Sống còn của Liên Âu rất mong manh! Vì ngày nay, nếu đặt câu hỏi thực sự có bao nhiêu quốc gia dám giao phó một quyết định cho một quyền lực trung ương âu châu, nằm ở Bruxelles?
Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh đã một lần lên tiếng nói rõ vào những năm đầu của Liên Âu: «Chúng ta không thể vứt bỏ Nhà Nước của chúng ta ở London để thấy nó xuất hiện ở Bruxelles!»
Vì vậy phải trân quý quan niệm Tiểu Tiết:
Vẫn biết rằng tất cả người cẩm quyền nào, lúc nào, cũng muốn quyền lực mình được lan rộng. Và không một lý thuyết Dân chủ nào có thể dẹp được cái cám dỗ ấy ! Và đau đớn hơn nữa là quyền lực giúp người cầm quyên nới rộng quyền lực lan rộng đến các phạm vi công cộng, các phạm vi của cải chung, và dĩ nhiên đưa đến sự sử dụng công quỹ. Phương cách bầu cử (mà thường được xem một cách vội vả, là một phương pháp dận chủ) chỉ một phương pháp đặt nặng trên nền tảng trên phe đảng, trên các thân chủ bạn bè gia đình, chia chác lợi nhuận, quyền lợi, bổng lộc. Gia tài, bổng lộc đều đến từ Nhà Nước-Bảo Trợ, Nhà Nước Cha mẹ – L’État-Providence. Và một cách tự nhiên, tinh thần trách nhiệm cá nhơn bị mai một, và cũng một các tự nhiên tinh thần đạo đức công dân cũng tiêu tùng luôn! Và quan niệm «lo cho cái Tiểu Tiết», cho cá nhơn, cho người dân cũng mất tuốt!
Việc Ta (Chuyện Việt Nam):
Việt Nam ta ngày nay, khỏi bàn chuyện Tiểu Tiết. Chỉ toàn là Đại sự! Nào là cũng cố Đảng. Đại sự là ở sao cho vừa lòng anh láng giềng phương Bắc! 16 chữ Vàng, 4 chữ Tốt là quan trọng. Giữ yên việc nhà Việt Nam là nắm giữ Đảng. Ngậm miệng ăn tiền. Xưa kia thất sủng có thể nguy hiểm, mất mạng. Ngày nay, chuyện lên xuống là chuyện bình thường. Get Line – Faire la Queue – Sắp Hàng chờ phiên. Lớn ăn theo lớn. Nhỏ ăn theo nhỏ. Vô Đảng Cộng Sản để được lợi.
Người dân là chuyện nhỏ, quốc gia là chuyện nhỏ, Dân tộc cũng là chuyện nhỏ, là Tiểu Tiết. Cầm quyền là Ăn To Nói Lớn. Tuyên Bố, Khẩu hiệu. Đảng Cộng Sản là trên hết! Là Đại Sự!
Ngày mai, Sống Còn Đất Nước Việt Nam! Đảng Cộng Sản Việt Nam Lo.
Ngày mai Sống Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam! Đảng Cộng Sản Tàu Lo
Ngày mai Sống Còn Dân Tộc Việt Nam! Đảng Cộng Sản Quốc Tế – Tàu Ta như Một – Lo
Dân Tộc Việt Nam – Đân Tộc Tàu là một! (Núi liền Núi Sông liền Sông)
Sao Vàng Cộng Sản Việt Nam sẽ là Sao Vàng Cộng Sản Tàu thứ Sáu trên Cờ Máu Tàu!
1968, Mậu Thân, Thảm Sát Công dân Huế, Diệt Công dân cựu Kinh Đô Đế Quốc Việt Nam
2016, Bính Thân, Thảm Sát Dân tộc Đại Việt, Diệt Công dân cựu Quốc Gia Việt Nam.
Buồn! Chán! Nãn!
Hồi Nhơn Sơn, Khai Bút Năm Bính Thân 2016 (Năm Con Khỉ Lửa)
Ngày Liên Âu thương thuyết cứu Anh Quốc khỏi Brexit
Vui cười
Một người đàn ông với vẻ mặt buồn bã đang ngồi trong quán bar. Ông ta nhìn vào ly rượu trước mặt suốt nửa tiếng đồng hồ như muốn tự đắm mình trong cái ly. Một thanh niên bước vào quán, đến ngồi bên cạnh người đàn ông, vỗ mạnh vào lưng ông, cầm ly rượu đặt trên bàn và uống cạn. Người đàn ông thấy vậy khóc òa lên… Anh thanh niên vội nói:
– Thôi mà, ông đừng khóc nữa. Tôi chỉ muốn đùa thôi! Tôi sẽ gọi một ly khác cho ông…
– Không phải tôi khóc vì chuyện này
– Người đàn ông giải thích: Hôm nay là ngày tồi tệ nhất trong đời tôi. Buổi sáng, tôi đã thức dậy muộn và đi làm trễ. Sếp nổi giận và cho tôi nghỉ việc. Khi ra khỏi văn phòng, tôi phát hiện chiếc xe của mình đã bị đánh cắp. Cảnh sát cho biết không thể làm gì và tôi sẽ khôngbao giờ tìm lại được chiếc xe… Sau đó tôi đã đón taxi để về nhà, nhưng khi ra khỏi xe, tôi lại bỏ quên chiếc ví trên ghế nệm và xe đã chạy mất. Lúc bước vào nhà, tôi nhìn thấy vợ mình đang ở trên giường cùng với ông hàng xóm. Tôi ra khỏi nhà và quyết định kết liễu cuộc đời mình. Tôi vào quán bar này và khi định chết, thì anh đến và đã uống cạn ly rượu có chứa thuốc độc của tôi…