Tập San Tân Đại Việt – Số 12 Tất Niên – 2017
Mục Lục
Lê Minh Nguyên: Chúc Giáng Sinh và Năm Mới Trong Niềm Tin Tất Thắng
Phạm Đức Duy: AMTI: Một năm xây dựng cơ sở của Trung Cộng tại Biển Ðông
Nhữ Đình Hùng:
– Hà-nội và Bắc-kinh đã đạt tới một ‘đồng thuận’ để giảm sự tranh-chấp trong vùng biển nam Trung–hoa
– Cuộc cờ lớn mới ở Trung Đông
Đào Văn Bình: Nhật ký biển đông
– Ô. Hun Sen trước cơn sóng gió
– Ô. Trump Giải Quyết Vấn Đề Palestines Ra Sao?
Mai Thanh Truyết:
– Khí độc mùa đông
– Tản Mạn về Thuyết Tiến Hóa
Phan Văn Song:
– Muhammad Yunus (Nobel Hòa Bình 2006)
– Một Ngôi Sao Đang Rụng? Aung San Sưu Kyi còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình không?
Trần Văn Lương: Thơ « Lá thư từ ngục tối »
Trong Đạt: Trận mưa bom Giáng sinh
GS Nguyễn Ngọc Huy: Dân tộc Sinh Tồn
Tiểu Tử:
– Ai mới là Ngụy
– Cái mặt
Nguyễn Thị Cỏ May:
– Một Khi Các Bà Muốn, Ngọc Hoàng Thượng Đế Cũng OK
– Noel Này, Bà Con Mình Đi Ăn Nhà Hàng Ở Úc Hay Ở Paris?
Từ Thức:
– Khuôn mặt phụ nữ đẹp nhất trong năm
– Cẩm nang du lịch Việt Nam
Hoàng Hải Thủy: Ôi Saigon cũ, ai cười đó
Trần Viết Yên: Những Giáng Sinh trong trại tù Cộng sản
Chúc Giáng Sinh và Năm Mới Trong Niềm Tin Tất Thắng – Lê Minh Nguyên
Trong mùa Giáng Sinh và Tân Niên 2018, tôi xin thay mặt cho Đảng Tân Đại Việt xin kính chúc quý đồng chí, quý chiến hữu, quý thân hữu và quý độc giả được an lành, vui tuơi và ấm cúng bên cạnh người thân, cùng một Năm Mới sống động, thịnh vượng, hạnh phúc và thành đạt trong mọi công việc.
Đầu năm 1985 tổng thống Reagan khi đương đầu với Liên Bang Sô Viết, ông không bi quan mà lạc quan cho rằng chính nghĩa rồi sẽ chiến thắng và chính nghĩa đang nằm ở bên phía chúng ta (http://trib.in/2kXBkJc). Năm năm sau, Liên Bang Sô Viết sụp đổ.
Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam, tuy rằng hiện nay Cộng Sản đang thẳng tay bắt bớ, đàn áp, trù dập những nhà tranh đấu bằng đủ mọi hình thức, nóng cũng như nguội, bạo tàn cũng như mua chuộc, nhưng rõ ràng chính nghĩa đang ở về phía của người dân và những nhà tranh đấu ở tuyến đầu để bảo vệ họ.
Trong khi đó, đầu não của CSVN đã và đang rệu rã một cách chưa từng thấy trong lịch sử 72 năm cầm quyền của họ, đến độ không thể nào hàn gắn được. Bây giờ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ có hai con đường: hoặc là đàn áp giam cầm tất cả các đối thủ trong Đảng mà số đảng viên theo họ có khoảng hàng triệu người, hoặc vỡ đảng để thành đa đảng, một bước đầu cần thiết trên con đường dân chủ hoá đất nước.
Nhìn qua huê dạng bên ngoài thì ông Trọng đang tóm thu quyền lực, đang là bố già trong Đảng với uy quyền tuyệt đối mà bất cứ ai trong Đảng cũng đều run sợ. Ông là Tổng Bí Thư nắm Đảng, là Chủ Tịch Quân Uỷ TƯ nắm Quân Đội, ngồi trong Đảng Uỷ Công An để nắm Công An và tham dự họp để chỉ đạo Chính Phủ tháng 12, 2017 dằn mặt ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng không phải ông Phúc nắm Chính Phủ là Đảng không chỉ đạo được và vừa để chứng tỏ với bàn dân thiên hạ là cũng như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông có thừa sức mạnh để đả hổ diệt ruồi (http://bbc.in/2CW6zMC).
Nhưng nếu nhìn sâu xuống phía dưới cái bề mặt của sự tập quyền thì cái phần chìm của tảng băng lo sợ lại vô cùng to tát. Mới hôm 14/12/17 phát biểu trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh VN ông Trọng nói “Nếu để suy thoái mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả”
(http://bit.ly/2oG7ii0). Rồi hôm 15/11/2017 ông ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về Xử Lý Kỷ Luật Đảng Viên Vi Phạm (http://bit.ly/2oDlLuZ) đe doạ đảng viên sẽ bị khai trừ Đảng nếu bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà GS Nguyễn Đình Cống trong nước nhận xét là do Đảng CSVN đã quá suy yếu, nó ẩngiấu sự thiếu lòng tin vào cấp dưới và đảng viên, thể hiện sự kém trí tuệ, làm một việc quá lãng phí, ẩn giấu sự run sợ nên ra oai và lên gân, một sự quẩy đạp trong hấp hối (http://bit.ly/2kWz199).
Ông muốn bắt thêm hai ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu – Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngày 9/12/17, hàng loạt báo lề phải và đài truyền hình đã đồng loạt đưa tin, nhưng ngay sau đó ông cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã xen vào can thiệp nên Bộ Công An và báo của chế độ thi nhau đính chánh (http://bit.ly/2oE7PBf). Ông muốn tấn công nhóm lợi ích do cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh cầm đầu và có thể cũng như ông Phiêu, ông Anh sẽ không ngồi yên. Nhà báo Huy Đức, được biết là rất gần gũi với ông Trọng và ông Trương Tấn Sang đăng lên Facebook và sau đó gỡ xuống với lý do tôn trọng quy trình (http://bit.ly/2kGZx71).
Ông Trọng đang đánh các nhóm lợi ích khác để phân chia lại cái bánh tham nhũng. Hiện giờ ông đang ra sức tấn công các công ty mặt tiền của Tổng Cục 5 Bộ Công An (phe Trần Đại Quang) để chia cho Tổng Cục 2 Bộ Quốc Phòng đang phò ông. Tối 21/12/17 Công an khám nhà ông Vũ “nhôm” Phan Văn Anh Vũ một đại gia ở Đà Nẵng và cũng là một thượng tá của TC5, theo ông bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết (http://bit.ly/2kGHpKu). Ông Vũ sở hữu nhiều công ty mặt tiền như: Công ty IVC, Công ty cổ phần 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79… Trong khi đó, Vincom là công ty mặt tiền của TC2 Bộ Quốc Phòng được hưởng lợi trong vụ giựt bánh này. Vincom của ông Phạm Nhật Vượng, cháu cựu bộ trưởng QP Phạm Văn Trà, mà theo một cán bộ lão thành cách mạng ở Phú Yên thì Vượng mang hàm Đại tá của TC2. Vincom làm ăn trong nhiều ngành nghề nhưng buôn bán vũ khí là chính và là cơ quan kinh tài của TC2. Vượng khi xưa còn ở Đông Âu đã bắt tay với con trai (tên Dũng) đại tá Vũ Chính chỉ huy TC2 cha vợ của Nguyễn Chí Vịnh để buôn vũ khí.
Dựa vào lời khai của Đinh La Thăng, ông Trọng tiếp tục đánh nặng thêm ông Vũ Huy Hoàng dù đã lột chức “nguyên bộ trưởng” của ông này, vì có chứng cớ mới do ông Thăng khai ra, đánh Nguyễn Văn Bình (Bình Ruồi) để phăng đến Nguyễn Tấn Dũng vì nếu không bắt ông Bình sẽ không đánh được ông Dũng, vì Thăng chưa phải là đầu mối dây.
Ông Trọng cũng đang chuẩn bị ra tay với Trần Đại Quang qua việc ông Quang nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công ty mặt tiền của tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Nhóm lợi ích này còn có Trầm Bê đã bị bắt, cựu bí thư Saigon Lê Thanh Hải và ông ta đang lo sợ. Ông Quang đang cố thủ vì ngoài việc này ông Trọng còn có tang chứng các trang webs đánh phá ông như Chân Dung Quyền Lực là do ông Quang đạo diễn.
Ông Trọng muốn bẻ hết càng các nhóm lợi ích của các đối thủ, nhất là ông Dũng và ông Quang để đại hội 13 vào năm 2021 con đường được rộng thênh thang cho phe nhóm của ông, mà kẻ muốn thay ông đang đứng phía sau để lèo lái là ông Phạm Minh Chính, trưởng ban tổ chức, trong khi ông Trần Quốc Vượng, trưởng ban kiểm tra, chỉ là nghi binh.
Các cán bộ lão thành cách mạng của CSVN cho rằng nếu ông Trọng tiếp tục đánh thì ai cũng sợ tới phiên mình, vì ai cũng đều tham nhũng cả, cho nên đảng bị phân hoá nặng và dễ vỡ ra thành hai hay nhiều đảng trước khi có đại hội 13. Hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá, từ bên trong và từ bên trên” mà ông Trọng hằng lo âu cả chục năm qua đang càng ngày càng tăng tốc và ông ta càng ngày càng cô đơn trên đỉnh cao của quyền lực. Việc CSVN áp dụng chính sách kỳ thị vùng miền với cán bộ đảng tự nó đã tạo ra sự phân hoá trầm trọng trong nội bộ đảng. Saigon có làm ra được 100 đồng thì phải nộp 82 đồng ra Hanoi, chỉ còn 18 đồng thì làm sao xây dựng được cầu đường và các chương trình an sinh cho dân chúng!? – đó là một sự hút máu miền Nam cho cạn kiệt.
Ông muốn theo bước chân của Tập Cận Bình ở TQ, nhưng Việt Nam không phải là Trung Quốc, VN không phải là nước lớn như TQ để không bị ai ảnh hưởng, VN đã từng có nửa nước sống trong dân chủ tự do, VN có khối người Việt to lớn ở hải ngoại chống nhà cầm quyền CS và có ảnh hưởng lớn với khối đại chúng bên trong.
Trong khi đó thì phong trào bất tuân dân sự đã thành hình và đang phát triển, điển hình qua vụ BOT Cai Lậy đã có bước đầu thành công, trong khi cả nước có ít nhất là 8 trạm cướp đường như vậy (http://bit.ly/2kIV6sD).
Hai yếu tố quyết định cho một cuộc cách mạng dân chủ được thành công là (1)người dân muốn thoát ra khỏi một hệ thống kềm kẹp và (2)đầu não của tập đoàn lãnh đạo đang rệu rã, thì ngày nay đã có. Vấn đề còn lại là ngày D-Day sẽ xảy ra lúc nào của cái khoảng thời gian không còn xa đó.
Một lần nữa, tôi kính chúc quý đồng chí, quý chiến hữu, quý thân hữu và quý độc giả một Giáng Sinh và một Năm Mới Trong Niềm Tin Tất Thắng.
Lê Minh Nguyên
Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt
AMTI: Một năm xây dựng cơ sở của Trung Cộng tại Biển Ðông – Phạm Ðức Duy dịch
Sự chú ý của quốc tế đã biến mất khỏi cuộc khủng hoảng từng diễn ra ở Biển Đông trong năm 2017, nhưng hiện tình hình tại đây vẫn không thay đổi. Trong khi theo đuổi sự tiếp cận ngoại giao với các nước láng giềng Đông Nam Á, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng đáng kể tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. TC đã hoàn thành các hoạt động nạo vét và bồi đắp để tạo ra bảy hòn đảo mới ở Trường Sa vào đầu năm 2016 và dường như đã ngừng các hoạt động này để mở rộng các hòn đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn theo đuổi thúc đẩy giai đoạn tiếp theo, đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết trên các tiền đồn lớn hơn để biến những nơi này thành các căn cứ hải quân và không quân toàn bị.
Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) đã xác định được tất cả các cơ sở dài hạn mà TC hoàn thành hoặc bắt đầu kể từ đầu năm. Các cơ sở này bao gồm các tòa nhà khác nhau, từ các khu vực lưu trữ dưới lòng đất và các tòa nhà hành chính để radar lớn và mảng cảm biến (sensor). Các cơ sở này chiếm khoảng 72 mẫu Anh (290.000 mét vuông) trên các đảo Đá Chữ Thập Fiery Cross, Subi và Vành Khăn Mischief Reefs ở Trường Sa, North, Tree, và quần đảo Triton ở Hoàng Sa . Ðó là chưa kể các cấu trúc tạm thời như các thùng chứa hoặc nhà máy xi măng, hoặc các công trình chẳng hạn như bồi đắp đất và trồng cỏ tại các tiền đồn mới.
Fiery Cross Reef / Đá Chữ Thập
Theo AMTI, đảo Fiery Cross (Đá Chữ Thập) được TC xây dựng nhiều nhất trong năm 2017, với trên 27 mẫu Anh (khoảng 110.000 mét vuông), bao gồm việc hoàn thành các nhà chứa máy bay lớn hơn cùng với những phi đạo, các cấu trúc ngầm dưới đất rất lớn ở phía nam của hòn đảo có khả năng chứa bom, đạn dược hoặc thiết bị truyền tin và cảm quan lớn ở cuối phía đông bắc của hòn đảo, các thiết bị radar, thông tin liên lạc khác nhau lan rộng khắp đảo và các hầm trú ẩn cho^’ng các hỏa tiễn ở phía nam.
Các đường hầm ngầm lớn mà AMTI đã xác định lúc trước trong năm nay rất có thể là các kho chứa đạn dược và các thứ khác đã được hoàn tất và chôn dấu. Các kho này nối liền với các công trình ngầm khác được xây dựng trước đây trên đảo bao gồm những hầm dự trữ nước và nhiên liệu.
Ngoài các cơ sở đã được xác định khi trước tại Đá Chữ Thập Fiery Cross, trong vài tháng gần đây TC đã xây dựng một dãy radar tần số cao ở phía bắc đảo, bao gồm một cột thẳng đứng, tương tự như các cột được dựng lên tại bãi san hô Cuarteron Đá Châu Viên vào năm 2015. Ðài radar tần số cao này nằm bên cạnh hệ thống truyền tin và sensor cảm biến lớn được hoàn thành trước đó trong năm (bãi radomes trong hình dưới đây).
Subi Reef / Đá Xu Bi
Bãi Đá Xu Bi Subi Reef cũng có những hoạt động xây dựng đáng kể vào năm 2017 với các tòa nhà building bao phủ khoảng 24 mẫu Anh (hoặc 95.000 mét vuông) bao gồm các cơ sở lưu trữ ngầm giống hệt như ở Fiery Cross Đá Chữ Thập, cũng như các nhà chứa máy bay, các hầm chống tên lửa, các thiết bị radar / truyền tin và một hệ thống ăng ten tần số cao đã được xác định trước đó để dùng vào các mục tiêu tình báo ở cuối phía tây nam của hòn đảo.
Giống như ở Fiery Cross Đá Chữ Thập, các đường hầm lưu trữ mới tại Bãi Đá Xu Bi Subi đã được hoàn thành và che dấu trong vài tháng gần đây. Những đường hầm này nối với các cấu trúc ngầm khác trên đảo, trong đó gồm các kho lưu trữ lớn ở phía bắc.
TC đã sẵn sàng tăng cường hệ thống radar và khả năng tình báo của mình tại Bãi Đá Xu Bi Subi Reef. Kể từ giữa năm nay, Beijing đã xây một cái trông giống như một cái “chuồng voi” (elephant cage) thứ hai nằm cách cái đầu tiên chưa đầy 500 mét về phía tây, cũng như một dãy radomes ở cuối phía nam của căn cứ, trông có vẻ tương tự, nhưng nhỏ hơn so với hệ thống ở Đá Chữ Thập Fiery Cross Reef.
Mischief Reef / Ðá Vành Khăn
Năm nay nhiều tòa nhà được xây cất trên 17 mẫu Anh (68.500 mét vuông) ở Bãi Ðá Vành Khăn Mischief Reef. Cũng giống như ở Bãi Đá Chữ Thập Fiery Cross và Subi, có cả những kho chứa đạn dược và các vật liệu khác dưới lòng đất, nhà chứa máy bay, hầm tránh tên lửa, các hệ thống radar và truyền thông mới.
Các đường hầm lưu trữ mới tại Mischief đã được hoàn thành trong vài tháng qua và đã được dấu kín, kết nối với các cấu trúc ngầm được xây dựng trước đây ở phía bắc.
Ngoài các cấu trúc đã được xác định trước đây, TC đã bắt đầu xây dựng the^m các hệ thống radar và truyền thông mới ở phía bắc căn cứ.
TC vẫn tiếp tục xây dựng, mặc dù với quy mô nhỏ hơn, ở các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa trong năm 2017, nhiều nhất là ở các đảo Bắc, đảo Cây và Tri Tôn.
Tree Island
Giống như ở đảo Bắc, công việc nạo vét và khai hoang ở đảo Cây Tree Island vẫn tiếp tục vào giữa năm 2017. Tổng cộng, TC đã xây dựng các cơ sở bao gồm khoảng 1,7 mẫu Anh (6.800 mét vuông) bao gồm một sân bay trực thăng mới bên cạnh bến cảng cũng như hệ thống năng lượng mặt trời và một cặp turbines chạy bằng gió ở bờ phía bắc của đảo.
North Island
Trước đó, TC đã cố gắng kết nối Đảo Bắc với đảo Middle Island lân cận, nhưng đã từ bỏ dự án này sau khi chiếc cầu đất đã bị bão tàn phá vào tháng 10 năm 2016 sau ngày hoàn tất. Đầu năm nay, TC đã xây một bức tường bảo vệ xung quanh mảnh đất khai hoang còn lại tại phía nam của đảo Bắc và một tòa nhà hành chính rộng lớn.
Đảo Tri Tôn Triton Island
Một vài tòa nhà đã được hoàn thành trong năm nay trên Đảo Tri Tôn, bao gồm hai tháp radar lớn. Ðiểm đáng ghi nhận là Đảo Tri Tôn là đảo phía cực tây nam của quần đảo Hoàng Sa Paracels và vùng biển chung quanh đó là nơi đã xảy ra một số đụng chạm gần đây giữa TC và Việt Nam, cũng như nhiều hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ.
Đảo Phú Lâm Woody Island
Đảo Phú Lâm Woody là đảo tự nhiên lớn nhất trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nay đã thành trụ sở quân sự và hành chính của TC ở Biển Ðông. Những diễn tiến tại đảo Phú Lâm Woody thường xảy ra trước so với các đảo Ðá Chữ Thập Fiery Cross, Subi và Khăn Vàng Mischief ở Trường Sạ Không có một công trình xây dựng mới đáng kể nào tại đây trong năm nay, nhưng TC đã có hai hoạt động khai triển không quân đầu tiên và có thể sẽ có nhiều hoạt động nữa tại ba căn cứ không quân khác trên quần đảo Trường Sa xa hơn một chút về phía nam.
Đầu tiên, vào cuối tháng 10, quân đội TC đã phát hành những hình ảnh cho thấy các chiến đấu cơ J-11B đã được đem đến đảo Phú Lâm Woody để tập trận. Đây là lần đầu tiên việc các J-11 đến đảo Phú Lâm được xác nhận. Ðiều này chứng tỏ là lúc trước Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI dựa vào tin tức của sự có mặt các chiến đấu cơ cũ hơn J-10 trước đây trên các quần đảo trong vùng đã đánh giá hơi thấp khả năng chiến đấu của TC từ các căn cứ ở Biển Đông.
Sau đó, vào ngày 15 tháng 11, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI đã phát hiện ra một số máy bay lớn có vẻ như là máy bay vận tải Y-8, có khả năng thu thập tin tức tình báo điện tử. AMTI trước đó lưu ý rằng các nhà chứa máy bay lớn hơn được xây dựng tại mỗi căn cứ không quân trên quần đảo Trường Sa có thể đáp ứng cho các máy bay Y-8. Ðiều này có thể là một dấu hiệu cho những sự việc sắp tới.
https://amti.csis.org/constructive-year-chinese-building/
A Constructive Year for Chinese Base Building
Published: December 14, 2017
Phạm Ðức Duy dịch – 17-12-2017
Hà-nội và Bắc-kinh đã đạt tới một ‘đồng thuận’ để giảm sự tranh-chấp trong vùng biển nam Trung-hoa – Nhữ Đình Hùng
*Về phiá Việt-nam, vùng biển có sự tranh chấp giữa Trung-hoa và Việt-nam được gọi là biển Đông trong khi giới truyền-thông quốc-tế gọi đó là biển nam Trung-hoa; cách gọi sau này chỉ có tính cách chỉ-định khu-vực địa-lý và không mang tính-cách thừa-nhận chủ-quyền. Hiện nay đang có sự phản-kháng mạnh mẽ của nhiều quốc gia trong vùng đông-nam-á về chủ quyền biển đảo do Trung-hoa đưa ra trong bản đồ đường chín đoạn hay đường lưỡi bò. Trung-hoa đã bỏ ngoài tai những phản-đối này, tiếp tục xây dựng các căn cứ quân-sự trong những khu-vực tranh-chấp. Trong khi tham dự hội-nghị APEC 2017, tổng-thống Hoa-kỳ D. Trump đã có đưa ra một danh-xưng mới cho thấy có một thay đổi trong cách nhìn địa chánh-trị thay vì dùng chữ Asia-Pacific ông Trump đã dùng chữ Indo-Pacific cho thấy đây là vùng đất nằm trong khu vực giao tiếp giữa Ấn-độ-dương và Thái-bình-dương. Liệu rằng cách nhìn khác về địa chánh-trị có mang lại sự thay đổi trong cách nhìn chiến-lược?
Nhắc lại vào năm 1974, Trung-hoa đã tấn-công và chiếm đóng các căn cứ quân-sự của Việt Nam Cộng-Hoà trên quần đảo Hoàng-Sa. VNCH đã đưa nội vụ ra toà án quốc-tế nhưng nội vụ chưa đâu vào đâu thì xảy ra việc csvn tấn công và việc VNCH bị sụp đổ vào ngày 30.04.1975. Nhưng vào năm 1974, csvn đã không đưa ra một lời phản đối nào về việc Trung-hoa tấn-công và chiếm đóng một số hải-đảo của VNCH, hơn thế, trong một công hàm do thủ tướng Phạm văn Đồng gởi thủ tướng Trung-hoa Chu Ân Lai, ông Đồng đã xác nhận giá trị lời tuyên bố thẩm quyền hải phận do Trung-hoa đưa ra. Sau năm 1975, bang giao giữa csvn và Trung-hoa có những thăng trầm, không hoàn toàn tốt đẹp, cho đến khi liên-bang sô-viết bị tan rã, csvn mới ngả sang thần phục Tàu hoàn-toàn và sự lệ thuộc này ngày càng gia tăng.Tuy nhiên, năm 2014, khi các dàn khoan dầu của Trung-hoa lấn vào hải-phận VN, các tàu tuần-dương của VN đã được gởi tới vùng tranh-chấp nhưng đã bị các ‘đánh cá’ của tàu, trên thực tế là các tàu chiến ngụy trang, tấn công. Hà-nội không dám nói rõ sự việc, chỉ nói là bị các ‘tàu lạ’ tấn công. Và vì vùng biển VN bị xâm phạm là vùng có nhiều tiềm-năng về khí thắp và dầu hoả, các vụ đụng chạm đã thường xuyên xảy ra nhưng hải-quân của chánh-quyền Hà-nội đã không có phản-ứng chống trả Một vài cuộc biểu tình chống đối Tàu đã xảy ra trong một số nơi trên lãnh-thổ Việt-Nam để rồi sau đó đâu vào đấy.
Tình hình những nơi bị Tàu chiếm đóng đã có những thay đổi đáng kể, các hải đảo này đã bị được sửa chữa nhằm xử-dụng vào các mục-tiêu quân-sự. Hà-nội hiện chỉ phản-đối miệng qua cách tuyên-bố xác-nhận chủ-quyền!
Bên lề hội-nghị APEC 2017, tổng-bí-thư Xi Jinping và người đồng-nhiệm Việt-Nam, Nguyễn Phú Trọng đã đế cập đến vấn-đề tranh chấp biển Đông, theo tân hoa xã, đôi bên đã đồng thuận để giải-quyết các dị biệt thông qua các cuộc thảo luận, đôi bên sẽ điều hành vấn đề hàng hải một cách ‘thích đáng’ và cùng nỗ lực để duy-trì hoà-bình và ổn-định trong vùng biển Nam Hải. Trong lúc đó, báo chí Việt-nam cho biết Nguyễn Phú Trọng, tổng-bí-thư đảng csvn đã nói là việc duy trì hoà- bình, ổn-định lâu dài, giảm thiểu nguy cơ bất ổn, xây dựng niềm tin trong vấn đề biển Đông giữa các nước liên-hệ là một điều cần-thiết lớn và hữu ích cho tất cả, cho vùng và cho thế-giới và các phe liên-hệ phải biết tự-chế, tránh các hành-vi có thể làm tình-trạng phức-tạp hơn lên, hay làm mở rộng sự dị-biệt, các phe phải biết tôn-trọng quyền và lợi ích chánh-đáng của nhau, phải làm việc duy trì hoà bình và ổn định trên biển nhằm dành ưu tiên cho phát triển xã hội kinh tế.
Xem chừng việc dành ưu tiên này đã được tổng bí thư Tàu Xi Jinping lưu ý đến bởi vì ông này đã hứa sẽ tiếp tục cung cấp một viện trợ không bồi hoàn lên đến 600 triệu yuans trải ra trong ba năm để phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền bắc Việt-nam (Không thấy báo chí Việt Nam đưa ra thắc mắc tại sao chỉ dùng để phát triển kinh-tế xã hội ở miền bắc Việt Nam?)
Nếu như ông Xi Jinping có hai cái mũ tổng bí thư đảng csth và chủ tịch nước Trung Hoa, ngược lại, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có cái mũ của tổng bí thư đảng csvn. Vậy đây chỉ là điều cam kết giữa hai đảng ‘anh em’!Nhắc lại trong hội nghị APEC 2017 có sự tham dự của Mỹ với sự hiện diện của tổng-thống Mỹ Donald Trump, ông này đã đề nghị giúp giải quyết các dị biệt giữa Việt-nam và Trung-hoa. ‘nếu tôi có thể phục vụ như trung-gian hay trọng-tài, hãy cho tôi biết…Tôi là một nhà trung-gian rất giỏi’. Điều này rõ ràng cho thấy Mỹ không tìm cách giúp VN chống lại Trung-hoa. Trong một bài diễn-văn của ông Trump, ông đã nhắc đến sự nổi dậy của ‘hai bà Trưng’. Nghĩ cho kỹ, cuộc nổi dậy này đã bị quân Tàu đàn áp và dập tắt! Giả sử ông Trump nói đến sự nổi dậy của Ngô Quyền, điều này sẽ có một giá trị chánh-trị mạnh mẽ vì Ngô Quyền đã là người đặt nền móng cho sự tự chủ ở Việt Nam!
20.11.2017
nguồn:
https://chine.in/actualite/photos-entretien-entre-jinping-nguyen-phu_103930.html
https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/11/12/remarks-president-trump-bilateral-meeting-president-quang-vietnam-hanoi
http://www.opex360.com/2017/11/13/hanoi-et-pekin-ont-trouve-un-consensus-pour-apaiser-leur-rivalite-en-mer-de-chine-meridionale/
Cuộc cờ lớn mới ở Trung-Đông – Nhữ Đình Hùng
Sau những hỗn-loạn do cuộc cách-mạng ‘Mùa Xuân Ả Rập’ gây ra ở Trung-Đông, tình-hình trong vùng giờ đây có vẻ sáng tỏ.
Trong vùng Trung-Đông hiện nay, người ta thấy được có hai khối kình chống nhau. Một khối do Nga lãnh-đạo, một khối do Mỹ; những nước đứng trong khối không phải là những đồng-minh đúng theo nghĩa mà chỉ là những nước liên-kết lại do hoàn-cảnh và lợi-ich. Khối theo Nga có Iran, Thổ-nhĩ-kỳ, khối của Mỹ có Arabie Saoudite và Do -thái. Vai trò của Thổ không mấy rõ rệt, nước này là một thành-viên của OTAN mà hiện nay OTAN đang có những nỗ-lực nhằm ngăn chặn ảnh việc mở rộng ảnh-hưởng Nga ở Âu-châu trong khi đó Thổ-nhĩ-kỳ lại hợp-tác với Nga, ngoài ra, Thổ-nhĩ-kỳ cũng có những đụng chạm với Mỹ. Về phiá khối của Mỹ cũng thế, Arabie Saoudite và Mỹ cũng có những đụng chạm như việc Arabie Saoudite chống lại quyết-định của Mỹ về việc thừa nhận Jérusalem là thủ-đô của Do-thái. Mục tiêu theo đuổi của hai khối cũng không giống nhau, khối của Nga, Iran và Thổ-nhĩ-kỳ nhắm vào việc giải-quyết chiến-cuộc ở Syrie trong khi khối Mỹ, Do-thái và Arabie Saoudite đặt nặng vấn đề ngăn chặn sự mở rộng ảnh-hưởng của Iran trong vùng.
Chiến-cuộc ở Syrie đang đi vào chỗ kết thúc. Chánh quyền Damas, với sự giúp đỡ của Iran và Nga đã kiểm soát được hầu như toàn bộ lãnh-thổ. Nước hưởng lợi lớn nhất lại là Iran vì với việc đẩy lùi phe ISIS, Iran có được một ngõ ra biển Địa Trung Hải, điều cần thiết cho việc phát-triển kinh-tế Iran và từ nay, Iran có thể ảnh hưởng mạnh lên các nước Syrie, Irak, Liban và Yémen! Điều này giải-thích việc vì sao có những căng thẳng mới trong vùng!
Để đối phó với Iran, nước Arabie Saoudite đã can-thiệp vào Yémen nhằm giúp nước này chống lại sự nổi dậy của người houthis. Mặt khác, Arabie Saoudite đang tiến gần lại Do-thái, điều này có thể nghĩ tới qua các chuyến đi lại như thoi đưa giữa Washington và Riyad của Jared Kuchner, con rể của ông Trump. Jared là người Mỹ gốc Do-thái Cũng có thể nghĩ là có sự đồng thuận ngầm giữa ông Trump và Arabie Saoudite về việc thừa nhận Jérusalem là đất của Do-thái. Nếu ông Trump vừa qua coi Jérusalem là thủ-đô của Do-thái, chánh-thức Arabie Saoudite lên tiếng phản đối, nhưng trong tháng qua, hoàng-tử thừa kế của Arabie Saoudite, Mohammed ben Salmane (MBS) đã đề-nghị với Mahmoud Abbas, thủ lãnh thẩm-quyền Palestine việc Palestine từ bỏ việc coi đông-Jérusalem là thủ-đô của nước Palestine và thay vào đó là Abu Dis nằm ở tây nam thành phố Jérusalem.
Arabie Saoudite cũng có những áp lực với ông Saad Hariri, ông này vừa có quốc-tịch Liban vừa có quốc-tịch Arabie Saoudite Ông này trong chuyến đi Arabie Saoudite đã lên tiếng từ chức, ông này đã được Pháp mời sang thăm Pháp với lời khuyên không nên từ chức, sau khi trở về Liban ông này đã rút lại quyết định từ chức. Điều cho thấy Pháp cũng muốn có vai trò ở Trung Đông. Biên giới của Syrie trước đây đã do Anh và Pháp qui định!
Cho đến nay, khủng-hoảng ở Trung-Đông được coi như là đối đầu giữa Mỹ, Do-thái và khối Ả-rập đứng đầu là Arabie Saoudite chống lại Nga, Thổ-nhĩ-kỳ và Iran, giờ lại có thêm Pháp nhưng chưa thấy một liên -kết rõ rệt với nước nào, phải chăng Pháp muốn giữ vai trò trung-gian xuyên qua Liban. Gần đây, tổng thống Macron đã có chuyến công du qua các nước Trung Đông như Émirats arabes Unis, Arabie Saoudite… Ông Macron muốn làm giảm căng thẳng giữa Arabie Saoudite với Iran cũng như giải-quyết hai hồ-sơ nóng bỏng Liban và Yémen!
Như vậy, vào lúc tình hình Syrie đang đi vào một ngã rẽ theo chiều hướng thuận lợi cho việc tái lập hoà-bình, một cuộc cờ mới khác đang được mở ra ở Trung và Cận Đông và có thể Do-thái sẽ trở thành một tâm điểm!
Nhữ Đình Hùng: tổng-hợp/11.12.2017
Nhật Ký Biển Đông: Ô. Hun Sen Trước Cơn Sóng Gió – Đào Văn Bình
Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Một ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Fox News ngày 21/11/2017: “Ba quân nhân làm việc tại Tòa Bạch Ốc vừa được chỉ định làm việc khác sau khi có báo cáo họ đã có cuộc tiếp xúc không thích hợp với phụ nữ nhân chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Donald Trump. Các quân nhân này làm việc tại Nha Thông Tin Phủ Tổng Thống đang bị điều tra vì đã vi phạm lệnh cấm lúc Tổng Thống Donald Trump còn ở Việt Nam. Vào Tháng 8, bốn quân nhân làm việc cho Nha Thông Tin Phủ Tổng Thống cũng đã bị thuyên chuyển sau khi họ đem gái vào khách sạn trong chuyến công du Panama của Phó Tổng Thống Mike Pence. ”
-Newsweek ngày 25/11/2107: “Một mục sư ở Virginia đã bắn chết vợ, con gái của vợ cùng bạn trai của cô này ngay trong bữa tiệc Thanksgiving tại nhà, có thể do cãi cọ chuyện gì đó trong gia đình.”
Thật kinh hoàng! Những bữa cơm tụ họp gia đình trong ngày Lễ Thanksgiving của người Mỹ linh thiêng như ngày Tết của người Việt Nam. Tại sao thảm họa lại xảy ra, nhất là trong gia đình của một vị mục sư? Có những chuyện trên đời này chúng ta không sao hiểu được. Sân hận, nóng nảy và bạo lực đang lan tràn khắp thế giới. Cách đây hơn hai tuần lễ, vào ngày 5/11/2017, tại Sutherland Spring -một thị trấn nhỏ của Tiểu Bang Texas, Devin Kelley một thanh niên Da Trắng 26 tuổi bị tòa án quân sự sa thải khỏi không quân, đã bước vào nhà thờ nơi đang có 50 tín đồ hành lễ, nổ súng giết chết ít nhất 26, làm bị thương 20 người. Hung thủ đã bị bắn chết sau đó. Đây là một vụ thảm sát rất đáng sợ vì trong số nạn nhân có những em bé và phụ nữ có thai.
-Good Morning America ngày 29/11/2017:”Dân chúng Thái Lan phẫn nộ sau khi hai thanh niên Da Đen Hoa Kỳ bị bắt vì đã đưa lên/ trưng bày tấm hình họ lộ mông đít trước Chùa Rạng Đông hay Đền Wat Arun/Temple of Dawn. Travis và Joseph, cả hai đều 38 tuổi, đã bị cảnh sát Sở Di Trú bắt giữ tại Phi Trường Quốc Tế Mueang khi họ định rời Thái Lan. Viên chức Thái Lan nói rằng hành vi này có thể bị tù dài hạn vì đó là hành động khiếm nhã ở nơi thờ phượng và là một nhắc nhở cho mọi người cần phải tôn trọng văn hóa và tín ngưỡng Thái Lan. Theo giới chức Hoa Kỳ tại San Diego, California thì hai “ông” này đã từng đưa lên Facebook những tấm hình lộ mông đít chụp ở nhiều thánh tích trên thế giới.”
Tôi không hiểu hai thanh niên Da Đen này hành động như thế để làm gì? Kỳ thị tôn giáo? Thiếu giáo dục bản thân? Hay đây chỉ là phản ứng ngông cuồng của một thanh niên trưởng thành trong một xã hội quá phóng túng và tưởng đó hay-đẹp mà cần cho cả thế giới biết? Theo tôi nghĩ, nếu hai “ông” này làm thế tại một đền thờ Hồi Giáo thì đã nổ ra cuộc biểu tình cả triệu người, hò hét đòi treo cổ chứ không chỉ bắt giữ, đưa ra tòa như Thái Lan.
Tình hình thế giới:
-Fox News ngày 16/1/2017: “Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc với đa số áp đảo (135 phiếu thuận, 10 phiếu chống, 26 không bỏ phiếu) đã chấp thuận một nghị quyết kêu gọi Miến Điện chấm dứt những cuộc hành quân chống lại người Hồi Giáo Rohingya, bảo đảm việc tình nguyện hồi hương và ban cấp cho họ đầy đủ quyền của một công dân. Trong số những quốc gia láng giềng của Miến Điện bỏ phiếu chống gồm có Trung Quốc, Nga, Phi Luật Tân, Việt Nam và Lào. Nghị quyết này sẽ phải đưa ra Đại Hội Đồng vào Tháng 12 và chắc chắn sẽ được thông qua. Nghị quyết được bảo trợ bởi 57 quốc gia thuộc Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (Organization of Islamic Cooperation). Cùng ngày, Reuters cho biết Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc sẽ viếng thăm Miến Điện và Bangladesh vì cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya. Cho tới nay đã có khoảng 600,000 người Rohingya chạy qua Bangladesh và chưa chắc họ đã muốn trở lại Miến Điện. Vào ngày 15/11/2017 Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Tillerson đã có chuyến thăm vội vàng tới Miến Điện và kêu gọi mở cuộc điều tra về hành vi ngược đãi người Rohingya của quân đội. Theo AP ngày 22/11/2017, Hoa Kỳ tuyên bố những bạo động đang tiếp diễn chống lại người Hồi Giáo Rohingya tại Miến Điện là cuộc thanh lọc chủng tộc, như thế tạo áp lực lên quân đội xứ này phải ngưng cuộc đàn áp thô bạo. Theo CNN ngày 27/11/2017, Miến Điện và Bangladesh đã đạt thỏa thuận tự nguyện hồi hương cho người tỵ nạn Rohingya. Vào ngày 28/11/2017 Giáo Hoàng Francis đã viếng thăm Miến Điện, hội kiến với Bà Suu Kyi nhưng nghe theo lời khuyến cáo của các giới chức Thiên Chúa Giáo địa phương, đã không đề cập tới vấn đề người Rohingya.
-AP ngày 21/11/2017: “Tổng Thống Mugabe của Zimbabwe từ chức và công bố có hiệu lực từ ngày hôm nay sau 37 năm “hy sanh” làm tổng thống, ngay sau khi quốc hội tiến hành việc truất phế ông. Trong bức thư gửi cho quốc hội ông nói rằng việc tình nguyện từ chức là do quan tâm tới phúc lợi của đất nước và cũng là mong muốn chuyển giao quyền hành một cách êm thắm và không đổ máu.”
Như vậy thế giới thở phào nhẹ nhõm và chờ đợi xem ông phó tổng thống lưu vong Mnangagwa điều hành đất nước Zimbabwe như thế nào hay lại giống như “ông già cũ” thấy chức vụ tổng thống “thơm” quá bèn bắt vít vào ghế, sửa hiến pháp ngồi lì thêm vài chục năm rồi lại bị đảo chính lật đổ như ông cũ. Ôi quyền lực! Miếng mồi ngon câu nhử cả nhân loại, không một ai mà không ham muốn và nắm chặt lấy cho đến ngày bị đảo chính hay nhắm mắt lìa đời!
-Newsweek ngày 22/11/2017: “Các chiến hạm của Ba Tư đang chuẩn bị rời Vịnh Ba Tư để để thực hiện một vòng quanh thế giới và một vùng biển khác đó là Vịnh Mễ Tây Cơ nằm giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Giữa lúc Ba Tư đang nhắm mở rộng và hiện đại hóa quân đội trước sự gia tăng đe dọa từ phía Hoa Kỳ. Vị tư lệnh hải quân vừa được bổ nhiệm Hossein Khanzadi đã tổ chức cuộc họp báo vào ngày hôm nay, loan tin rằng hạm đội của Ba Tư sẽ sớm khởi hành đi Đại Tây Dương và Vịnh Mễ Tây Cơ trên đường thăm viếng một số quốc gia Nam Mỹ. Hành động này được coi như một phần của nỗ lực đưa quân đội Ba Tư lên tầm mức toàn cầu và thiết lập liên hệ quốc tế trong lúc Tổng Thống Donald Trump và đồng minh, kể cả Do Thái, Ả Rập Sê-út tìm cách cô lập cường quốc thuộc hệ phái Hồi Giáo Shiite này.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, Ba Tư đang trỗi dậy để trở thành một cường quốc tại Trung Đông giữa lúc Ô. Trump đe dọa hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân ký kết giữa Ba Tư và sáu cường quốc Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga…để gia tăng cấm vận, cô lập Ba Tư. Chuyển động cũng cho thấy Nam Mỹ cũng đang chuyển mình để theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương chứ không thuần túy chỉ là “Sân sau của Mỹ” nữa. Hiện nay Ba Tư đang có mối liên hệ chặt chẽ về quốc phòng với Nga và Hoa Lục. Theo Telegraph ngày 26/11/2017, Ba Tư tuyên bố sẽ nâng tầm bắn của hỏa tiễn lên hơn 2000km nếu Âu Châu đe dọa họ.
-Reuters ngày 24/11/2107: “Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Nhật tại Moscow, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov của Nga bày tỏ lo ngại chuyện Nhật Bản cho phép sử dụng lãnh thổ của mình như là một căn cứ quân sự của Mỹ tại Bắc Á dưới chiêu bài chống lại Bắc Triều Tiền.”
-Newsweek ngày 26/11/2017, trong bài viết, “Trung Quốc phô diễn sự bành trướng toàn cầu với thao diễn quân sự tại Phi Châu” (China Displays Global Expansion With Military Showcase in Africa) đã đưa lên hình ảnh lính Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật tại sa mạc Djboutit, căn cứ quân sự hải ngoại duy nhất của Hoa Lục tại đông Phi Châu.”
-Yahoo News ngày 29/11/2017: “Nga sẽ chi tiêu 500 tỉ rúp (8.6 tỉ Mỹ Kim) để khuyến khích người dân đẻ thêm con, bao gồm hỗ trợ tiền mua nhà và các gia đình đông con. Hiện nay Nga đất thì rộng mà dân số chỉ vào khoảng 144 triệu và đang có khuynh hướng kế hoạch hóa gia đình, đẻ it hoặc không đẻ.”
Nhân loại sao nhiều nỗi khó khăn? Đông dân và đẻ sòn sòn thì không tạo kịp nhà cửa, công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe. Còn không đẻ thì dân số giảm đi, khó lòng phát triển. Hiện nay Nhật Bản đang báo động về nạn sụt giảm dân số. Người già thì tăng nhanh còn trẻ con thì ít đi.
Tình hình Trung Đông:
-CNN ngày 16/11/2017:”Một bản báo cáo chung của Liên Hiệp Quốc cùng các thanh tra quốc tế về hóa học vào tháng rồi đã xác định chế độ của Ô. Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng hóa chất giết chết hơn 80 người. Nghị quyết đã được 11 thành viên của Hội Đồng Bảo An thông qua nhưng Nga đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này.”
-Good Morning America ngày 21/11/2017: “Tổng Thống Assad của Syria đã gặp Tổng Thống Nga Putin tại khu nghỉ mát Sochi vào ngày 20/11/2017 trong đó ông đã cám ơn Ô. Putin đã nỗ lực cứu giúp đất nước ông khi nói rằng cách đây hai năm khi tôi gặp Tổng Thống Putin tại Moscow, cuộc chiến mới bắt đầu. Trong hai năm đó, thành công đã đạt được và cám ơn sự trợ giúp của Không Lực và Không Gian Nga. Cám ơn Nga và các đồng minh mà người dân Syria có thể quay trở lại nhà của họ. Trong cuộc tiếp xúc này, Ô. Putin nói rằng Nga sẽ chấm dứt chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Sau đó Ô. Putin cũng gọi điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ với Ô. Trump về tương lai của Syria, Bắc Triều Tiên và những khu vực sôi động khác.
-Newsweek trích dẫn Reuters ngày 21/11/2017: “Trong một chương trình trực tiếp truyền hình, Tổng Thống Ba Tư Rouhani nói rằng cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria đã kết thúc.”
– Aljazeera ngày 23/11/2017: “Tổng Thống Nga Putin nói rằng các tổng thống Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho đề nghị triệu tập một ‘Nghị Hội Syria’ để đưa chính phủ và phe đối lập ngồi chung lại với nhau. Tổng Thống Putin đã tiếp Tổng Thống Ba Tư Rouhani và Tổng Thống Thổ Erdogan tại Sochi giữa lúc một vài nhóm phiến quân Syria gặp nhau tại Thủ Đô Riyadh của Saudi Arabia trước khi cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ mở màn tại Geneve. Nghị Hội Syria sẽ xem xét những câu hỏi mấu chốt về từng bước cho Syria.”
Tình hình Biển Đông:
Trong hai tuần vừa qua Biển Đông tương đối yên tĩnh kể từ chuyến công du Á Châu 10 ngày của Ô. Trump. Có thể đây là một thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn nhưng cũng có thể là “bước lùi chiến thuật” của Hoa Lục sau khi đã xây dựng thành công 10 hòn đảo nhân tạo, đưa vũ khí phòng không vào đây và nhất là tạo được ảnh hưởng khá lớn lên Phi Luật Tân là quốc gia đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ.
Thế nhưng theo JapanTimes ngày 23/11/2017, “Úc Châu trong cuốn bạch thư về chính sách, đã cảnh báo Hoa Kỳ về ý định không can dự vào Á Châu giữa lúc Hoa Lục gia tăng sức mạnh. Quốc gia đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ này đã trở nên bực bội về chính sách co cụm của Ô. Trump. Cuốn bạch thư phác thảo một đường hướng về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” giữa lúc cán cân lực lượng thay đổi. Tài liệu 136 trang nói rằng Hoa Kỳ đã là sức mạnh khống chế khu vực suốt thời kỳ hậu Thế Chiến II. Nhưng ngày nay Hoa Lục đang thách thức vị tri đó của Hoa Kỳ. Việc lưu thông trên đường biển này sẽ khó khăn trong thập niên tới bởi vì sức mạnh quân sự của Hoa Lục gia tăng. Cả khu vực đang thay đổi theo chiều hướng chưa từng có trong lịch sử cận đại của Úc Châu.”
Không ít người vẫn còn giữ quan điểm cách đây hơn nửa thế kỷ, nhìn Hoa Lục qua hình ảnh của những ông Ba Tàu cửi trần, mặc quần xà lỏn bán hủ tíu, dầu chéo quẩy, bánh bao, lợn quay ở Chợ Lớn hay Cựu Kim Sơn. Nào là “Mỹ tính hết cả rồi”, cứ yên tâm ngồi uống cà-phê coi football, Mỹ muốn bóp mũi Tàu lúc nào cũng được. Nào là, Mỹ làm như vậy để các quốc gia Đông Nam Á sợ quá phải bám vào Mỹ và mua vũ khí Mỹ.
Từ một đất nước không có khả năng phòng thủ khi chiến hạm Mỹ áp sát bờ biển 3km vào năm 1958. Nay Hoa Lục đã có 2 HKMH, chuẩn bị đóng chiếc thứ ba, khoảng 68 tàu ngầm trang bị vũ khí nguyên tử, 35 khu trục hạm, 51 tuần dương hạm, 35 khu trục hạm nhỏ, 31 tàu vét mìn, 220 tàu tuần tra và hệ thống hỏa tiễn Đông Phong mang đầu đạn nguyên tử có thể bắn tới Hoa Kỳ trong vòng 58 phút với quân số hiện dịch khoảng 2.3 triệu…thì thử hỏi ai có thể là đối thủ của “Ông Trời Con” này đây? Nếu Hoa Kỳ do dự và dồn nỗ lực để chống Nga, lún sâu vào những cuộc chiến như Iraq, Syria, A Phú Hãn, Yemen, Libya, Nigeria, Sudan và cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Ba Tư…thì chắc chắn mười năm nữa thôi, Hoa Lục sẽ chia đôi vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, tức Hoa Kỳ không còn “độc quyền” là sức mạnh toàn cầu nữa. Và khi đó Đông Nam Á, để tránh thảm họa “ trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” sẽ trở thành khu vực “phi liên kết” tức vừa theo Mỹ, vừa theo Tàu chứ không thể theo Mỹ 100% và khuynh hướng đó đang từ từ hình thành.
Nhận Định:
Vào ngày 16/11/2017 The Telegraph loan tin, “Căm Bốt bị cáo buộc là giết chết nền dân chủ sau khi Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết giải tán đảng đối lập và đặt ra ngoài vòng pháp luật 100 chính trị gia trước cuộc bầu cử vào năm tới.”
Bên lề cuộc họp Thượng Đỉnh Đông Á tại Phi Luật Tân tuần vừa qua, Thủ Tướng Hun Sen đã gặp Thủ Tướng Nga Medvedev và hai bên đồng ý việc Nga gửi một toán giám sát tới Căm Bốt để theo dõi tính cách tự do và công bằng của cuộc bầu cử. Ô. Hun Sen còn cho biết Nhật Bản, Liên Hiệp Âu Châu và Trung Quốc đã yểm trợ 21 triệu Mỹ Kim cho cuộc bầu cử. Vào Tháng Chín năm nay, chính quyền đã đóng cửa tờ báo Anh Ngữ Cambodia Daily và các đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia), Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) với lý do các đài này thiên vị chỉ nói xấu chính quyền mà không nói tới các thành tích của chính quyền.
Reuters ngày 20/11/2017 cho biết Ô. Hun Sen đã thách thức Hoa Kỳ hãy cắt mọi khoản viện trợ sau khi Hoa Kỳ loan báo ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử vào năm tới. Còn Thụy Điển cũng loan báo sẽ ngưng những khoản viện trợ mới cho Căm Bốt ngoại trừ lãnh vực giáo dục và khảo cứu. Chưa biết viện trợ – tức tiền bạc- có làm Ô. Hun Sen nao núng hay không? Theo US News & World Report ngày 26/11/2017, Ô. Hun Sen lại kêu gọi đóng cửa luôn một tổ chức nhân quyền chính ở Căm Bốt với lý do tổ chức này do lãnh tụ đối lập Kem Sokha tài trợ.
Có điều trớ trêu là trong khi nền dân chủ Hoa Kỳ đã trưởng thành trên 200 năm và là gương mẫu cho bao quốc gia trên thế giới noi theo. Thế nhưng ngày nay nó lại nguyên do chia rẽ và hận thù dân tộc. The New York Post ngày 28/10/2017: “Kết quả của cuộc thăm dò mới nhất phổ biến ngày hôm nay cho thấy một con số khiến giật mình là 70% dân chúng Hoa Kỳ tin rằng đất nước đang chia rẽ dữ dội giống như thời Chiến Tranh Việt Nam.” Còn CBS Sacramento cho biết “71% dân chúng Hoa Kỳ nói rằng nền chính trị Hoa Kỳ xuống tới mức thấp nguy hiểm.” (71% Of Americans Say Politics Has Reached A Dangerous Low Point). Còn Ô. Bernie Sanders (cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ) nói rằng chưa bao giờ người ta lại thù ghét nhau như bây giờ. Thế nhưng Hoa Kỳ vẫn cứ ép các quốc gia khác phải có một nền dân chủ như mình. Một nền dân chủ mà: Cái gì cũng chống, làm đúng cũng chống, đem đầu lâu máu giả của tổng thống ra diễu cợt, đòi nổ tung Tòa Bạch Ốc, đòi ám sát tổng thống, xé cờ, không chào cờ, đái lên cờ… và ngày nay đòi hủy bỏ bài quốc ca Star Sprangle…có phải là biểu tượng mà thế giới cần noi theo và vươn tới không? Theo tôi nghĩ, người Hoa Kỳ nên “chữa bệnh ” của mình trước khi nói đến “bệnh” của người khác. Trong một bài trước tôi đã nói, “dân chủ quá trớn sẽ đưa đến độc tài” và “độc tài khắc nghiệt sẽ đưa đến dân chủ”. Đó là cái vòng luẩn quẩn như “bánh xe luân hồi”. Chỉ có con đường “trung đạo” là trường tồn.
Theo World Bank ngày 22/11/2017, đà tăng trưởng kinh tế của Căm Bốt năm 2017 là 6.8 và dự đoán năm tới sẽ là 6.9 cho dù đang có sự lộn xộn về chính trị. Nếu kinh tế Căm Bốt cứ trên đà phát triển như vậy thì đối với người dân, tự do, dân chủ, nhân quyền là phụ còn nồi cơm hũ gạo, vui chơi giải trí, yêu đương, ca hát, quần nọ áo kia, iphone, ipad, nhảy múa, đá banh, đá bóng, ăn nhậu sẽ thắng. Khi kinh tế suy sụp thì dân chủ, tự do, nhân quyền có thừa thãi ra đó…thì chính quyền nào cũng bị lật đổ chứ không riêng gì chế độ độc tài. Đời là vậy. Quy luật bao tử và bản năng thắng bất cứ quy luật nào. Vào tuần này Ô. Hun Sen sẽ đi Bắc Kinh, gặp Ô. Tập Cận Bình và các nhà đầu tư Trung Quốc để tạo thêm công ăn việc làm cho Căm Bốt.
Từ những thực tế nói trên, ai muốn “cưa ghế” của Ô. Hun Sen thì phải bước qua xác chết của ông. Vào sinh ra tử từ năm 26 tuổi, thảnh lập mặt trận chống lại Khmer Đỏ, trải qua bao nhiêu dông bão chính trị mới ngoi lên ngôi vị thủ tướng. Ông đã xây dựng đất nước Căm Bốt từ “Vùng Đất Chết” (The Killing Fields), dù còn tham nhũng …nhưng không dễ “nhường ngô” cho những chính trị gia chưa có công trạng gì với đất nước mà chỉ lấy “nước bọt” và dựa vào ngoại bang để xây dựng sự nghiệp của mình…thì chỉ có Thánh Nhân đời xưa mới chịu làm như vậy. Chúng ta chờ xem phản ứng của Hoa Kỳ và Tây Phương như thế nào. Chứ còn Á Châu thì theo chính sách “Đèn ai nhà nấy rạng”. Can dự vào chuyện nhà người ta, lợi đâu không thấy mà chỉ thấy hại. Giữa nhân quyền và quyền lợi quốc gia, chúng ta lựa cái nào? Nếu tôi là người dân thường, tôi lựa nhân quyền. Nếu tôi là lãnh đạo một cường quốc hay một siêu cường, tôi phải vô cùng đắn do, suy nghĩ. Liên minh vì lợi ích quốc gia là sách lược kinh bang tế thế của Phạm Lãi, Quản Trọng, Nhạc Nghị, Tô Tần, Trương Nghi. Liên minh vì đạo đức là sách lược thất bại của Khổng Tử và Lão Tử. Cho nên Khổng Tử chỉ là thày dạy học Vạn Thế Sư Biểu chứ không thể làm chính trị gia hay quân sư được. Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang là cái gai đâm vào mắt Âu Châu và Hoa Kỳ thế mà họ vẫn cứ phải nhẫn nhục chứ không dám tống xuất Thổ ra khỏi NATO cũng chỉ vì lợi ích chiến lược chống Nga.
Ô. Hun Sen đang được ông khổng lồ Trung Quốc đỡ đầu cho nên chẳng ngán sợ Hoa Kỳ. Tuy nhiên khác với Ô. Kim Jong Un, Ô. Hun Sen là người rất khôn ngoan. Sau khi thắng cử vào năm 2018, có lẽ ông lại đổi giọng và làm hòa với Mỹ vì chống Mỹ cũng “mệt cầm canh”.
Còn đối với Việt Nam, sự kiện Căm Bốt thu hồi giấy tờ của cả chục ngàn người Việt hiện đang sinh sống ở Xứ Chùa Tháp cho thấy Ô. Hun Sen đang phải chật vật đối phó với chiến dịch phun nọc độc “bài Việt” vào đầu óc người dân Căm Bốt của đảng đối lập để kiếm phiếu. Theo tôi nghĩ Ô. Hun Sen làm thế chỉ để thoa dịu dư luận chứ trong thâm tâm, ông không có tinh thần bài Việt. Xin đừng đánh giá thấp Ô. Hun Sen.
(California ngày 30/11/2017)
Ô. Trump Giải Quyết Vấn Đề Palestines Ra Sao? – Đào Văn Bình
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Yahoo News ngày 5/12/2017: “Một cuộc thăm dò hằng năm về chính trị và những giá trị (American Values Survey) cho thấy kết quả khiến không ai ngạc nhiên là sự chia rẽ trong đất nước Hoa Kỳ đang trở nên thậm nguy hiểm và rộng khắp. Hơn phân nửa người dân thuộc Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ nhìn đảng kia như là mối đe dọa hiểm nguy cho đất nước.”
Tây Phương coi độc đảng là độc tài cần phải loại bỏ, còn lưỡng đảng hay đa đảng là dân chủ cần được đề cao và vươn tới. Thế nhưng lưỡng đảng ở Hoa Kỳ đang là thảm họa chia rẽ dân tộc và làm tê liệt chính quyền. Bởi vì khi hai đảng đấu đá nhau một cách quyết liệt thì đất nước chẻ ra làm hai. Đừng trách người dân hay báo chí, mà trách các chính trị gia của cả hai đảng chỉ vì quyền lợi của đảng mình mà hy sinh quyền lợi của đất nước. Ở mức độ này thì lưỡng đảng còn tệ hại hơn độc đảng hoặc không có đảng nào.
Ngày xưa đất nước dưới thời quân chủ, nhà vua hiền đức đem lại ấm no hạnh phúc cho muôn dân mà chẳng cần đảng phái. Nhà vua có tể tướng (thủ tướng) lo việc cai trị, có quân sư, quan ngự sử để can ngăn và cố vấn. Quân chủ đâu phải hoàn toàn tệ hại? Khi đất nước có thiên tai như hạn hán, mất mùa, lụt lội, núi lở…nhà vua phải tắm gội, ăn chay, nằm đất, làm lễ tế cáo với Trời-Đất. Ngày nay, đất nước chia rẽ, hận thù đằng đằng mà chẳng thấy ông tổng thống, thượng nghị sĩ nào đứng ra tạ tội với muôn dân? Xin đừng chê bai người xưa một cách quá đáng. Chế độ dù tốt đẹp cách mấy mà cái Tâm mình xấu thì chế độ ấy trở nên xấu. Tham-Sân-Si là nguyên do của mọi chuyện xấu trên cõi đời này. Từ Tham mà vơ vét của cải, ham muốn và bám chặt lấy quyền chức. Từ Sân mà có hành vi bạo lực khi người ta chỉ trích mình, có khi giết hại người ta. Từ Si mà nảy ra việc tôn thờ những tư tưởng, ý nghĩ, tôn giáo cuồng điên, những thú ăn chơi quái đản.
-Tổng Hợp ngày 7/12/2017: Ít nhất ba dân biểu, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã phải từ chức, thân bại danh liệt giữa cơn bão tố cáo sàm sỡ với phụ nữ, nhiều chuyện đã xảy ra cách đây ba, bốn chục năm. Rồi một dân biểu Tiểu Bang Kentucky rút súng tự sát ở trên cầu khi có lời tố cáo ông xâm phạm tiết hạnh gái vị thành niên. Rồi lại có chuyện ba trong số những phụ nữ từng công khai tố giác Tổng Thống Donald Trump sách nhiễu tình dục, đòi Quốc Hội mở cuộc điều tra.
Sắc dục muôn đời là món độc hại tàn phá cuộc đời của đàn ông, kể cả tu sĩ nhưng thế hệ tiếp nối thế hệ cứ lao đầu vào cái rọ này mà Phật Giáo gọi đó là “nghiệp lực từ vô thủy”. Đức Phật dạy rằng, muốn thoát khỏi cạm bẫy thì, khi gặp một người đàn bà không phải vợ mình, nếu lớn tuổi phải coi như chị mình hay mẹ mình. Nếu nhỏ tuổi phải coi như em gái hay con mình thì…may ra mới thoát khỏi. Ngoài những tố cáo có thật là – ông đã lợi dụng chức vụ, quyền thế, niềm tin để bức hiếp và xâm phạm tiết hạnh người ta. Song cũng có rất nhiều sự tố cáo chỉ để “moi tiền”, nổi danh, hay triệt hạ đối thủ chính trị. Làm sao phân biệt được “yêu nhau” và “ sàm sỡ ” nếu cách đây ba, bốn chục năm, ông bà còn trẻ tuổi, hò hẹn (dating) với nhau, đụng chạm xác thân là biểu tỏ của “tình yêu” rất tự nhiên của nam nữ. Ba, bốn chục năm sau, nếu ông chỉ là anh thợ tầm thường, bán săng hoặc làm bồi bàn tại nhà hàng, có lẽ bà dấu nhẹm chuyện này vì tố ra chỉ làm giảm giá trị vì đã “yêu” một anh chàng chẳng ra gì. Nhưng nay ông là tổng thống, dân biểu, thượng nghị sĩ, thống đốc tiểu bang…đứng ra tố cáo, vừa nổi tiếng, danh giá vì được ông lớn theo đuổi và được mọi người thương hại. Trên đài truyền hình Fox News ngày 7/12/2017, cô Tomi Lahren nói rằng, “Sai lầm nếu tin vào mọi lời tố cáo xâm phạm tiết hạnh.” (Tomi Lahren Says It’s Wrong To Believe Every Sex Assault Claim)
Ôi, giữa con người và con người sao nhiều chuyện trớ trêu như thế? Dường như nhân loại càng văn minh, khoa học, kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng đối xử với nhau càng tệ.
-Fox News/CBS News/Huffington Post ngày 8/12/2017: “Một vụ sát nhân kinh hoàng cách đây 53 năm tại Thị Trấn McAllen, Texas xảy đến cho cô Irene Garza- một á hậu xinh đẹp, một tín đồ rất ngoan đạo của Ca Tô Giáo La Mã mới 24 tuổi và là một giáo viên. Vào Lễ Phục Sinh năm 1960 cô lái xe đi làm lễ xưng tội tại Nhà Thờ Sacred Heart của Linh Mục John Feit 27 tuổi và không thấy trở về. Hai ngày sau, người ta nhìn thấy đôi giày cao cổ của cô nằm ở ven đường, cạnh nhà thờ. Ba ngày sau người ta tìm thấy thi thể của cô ở một con lạch, thân hình bầm dập, bị hãm hiếp và bóp cổ chết. Linh Mục Feit khai với các thám tử rằng ông có nhận lễ xưng tội cho cô Garza và biết sau đó cô mất tích nhưng ông không có liên hệ gì tới việc này…và cuộc điều tra vụ án gác qua một bên. Nhưng việc bắt giữ hung thủ xảy ra vài năm sau 2002, khi các thám tử nhận được cú điện thoại của Dale Tacheny – một linh mục đã về hưu nói rằng John Feit đã nói với ông năm 1963 rằng chính ông ta đã hành hung, trói cô Garza lại, hãm hiếp rồi xiết cổ cô ta chết sau lễ xưng tội. Hiện nay cựu linh mục Feit đã 85 tuổi, ngồi yên trên xe lăn, không hề xúc động khi nghe bồi thẩm đoàn bản tuyên bố ông phạm tội sát nhân.” Theo AP ngày 9/12/2107, tòa đã tuyên án chung thân cựu linh mục Freit. (A jury on Friday sentenced an 85-year-old former priest to life in prison for the 1960 killing of a school teacher and former beauty queen who was a member of the parish he served.)
-Newsweek ngày 10/12/2017: “Một viên chức Liên Hiệp Quốc điều tra về tình trạng nghèo đói tại Hoa Kỳ bàng hoàng/sửng sốt (shock) về mức độ suy giảm môi trường tại một vài vùng quê ở Tiểu Bang Alabama và nói rằng ông chưa bao giờ thấy chuyện như vậy tại một quốc gia phát triển và nghĩ rằng nó khó thấy ở quốc gia thuộc hàng đầu thế giới. Đây không phải là hình ảnh bình thường. Tôi phải nói rằng tôi chưa từng thấy cảnh thế này bao giờ. Ô. Philip Alston- Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tình hình nghèo đói và nhân quyền đã nói trên Connor Sheets of AL.com đầu tuần rồi là khi họ thăm viếng Quận Hạt Butler, họ thấy nước cống chảy từ nhà qua các cống lộ thiên vào những hố hầm ngoài trời.” Theo đài phát thanh West Virginia, Ô. Joseph Cohen-Giám Đốc American Civil Liberties Union nói rằng “Nghèo không phải là cái tội” (It isn’t a crime to be poor) và ông sẽ thảo luận với phái viên Philip Alston về nguyên do nào tạo ra sự nghèo đói trong vùng khi phái đoàn LHQ tới quan sát Charleston, West Virginia.
Đây là chuyện khó tin nhưng có thật hay LHQ thù oán nên bôi bác nước Mỹ? Những ai có điều kiện, nhất là các tờ báo Việt ngữ lớn nên tới quận hạt Butler và Charleston, làm một thiên phóng sự cho bà con biết sự thật như thế nào.
Tình hình thế giới:
-UPI ngày 1/12/2017: “Ai Cập và Nga đã đạt được thỏa thuận sơ khởi cho phép Mạc Tư Khoa sử dụng những căn cứ không quân- một chuyển động được một số người coi như làm bẽ mặt (a snub) Hoa Kỳ vì những lợi ích quân sự trong vùng. Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergey Shoigu đã tới Thủ Đô Cairo để gặp Tổng Thống Quốc Ai Cập Al-Sisi và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robhi. Nga đã công bố bản dự thảo của thỏa thuận, trong đó kêu gọi trao đổi không phận và hạ tầng cơ sở không quân giữa hai quốc gia. Thỏa hiệp này cho phép Nga sử dụng những căn cứ không quân của Ai Cập và được coi như thái độ của Ai Cập cự tuyệt với Hoa Kỳ mà ảnh hưởng quốc tể trên các lãnh vực quân sự, ngoại giao đang suy yếu.”
-Huffington Post ngày 3/12/2017: “Tiếp tục theo đuổi chính sách “Hoa Kỳ Trước Đã” về lãnh vực ngoại giao, Tổng Thống Donald Trump đã rút lui khỏi một thỏa hiệp của Liên Hiệp Quốc tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi của người tỵ nạn và người di cư.”
-Fox News ngày 7/12/2017: “Viên chức quân sự Nga nói rằng những máy bay ném bom chiến lược của Nga đã thực hiện chuyến bay tuần tra trên Nam Thái Bình Dương sau khi cất cánh từ Nam Dương – một phần của nỗ lực khôi phục lại sự hiện diện quân sự khắp thế giới. Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng hai oanh tạc cơ Tu-95 đã bay từ Đảo Biak ở cực đông tỉnh Papua khi nó tới đây vào ngày 5/12/2017.”
-The Telegrph ngày 5/12/2017: “Hoa Lục vừa tiến hành những cuộc tập trận tại Hoàng Hải và Đông Hải gần Bắc Triều Tiên như một cảnh báo Hoa Thịnh Đốn và Nam Triều Tiên rằng họ muốn quân bình sức mạnh quân sự tại vùng này giữa lúc Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đang tập trận quy mô. Cuộc tập trận bao gồm phi cơ chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm và lực lượng hỏa tiễn đối không.”
-The Washington Post ngày 7/12/2017: “Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Tillerson nói rằng sẽ không có giảm nhẹ cấm vận hay bang giao nồng ấm với Nga cho đến khi Nga ngưng hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina và từ bỏ việc thôn tính Crimea năm 2014.” Thế nhưng vào ngày 14/12/2017, Tổng Thống Donald Trump đã bất ngờ gọi điện thoại nói chuyện với Tổng Thống Putin về vấn đề Bắc Triều Tiên đồng thời cám ơn Ô. Putin vì đã khen ngợi nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nếu đúng như lời cam kết của Ô. Tillerson thì có lẽ phải mất 1000 năm nữa Hoa Kỳ mới bãi bỏ cấm vận Nga. Hay đây chỉ là lời tuyên bố để chống đỡ lại việc Ô. Trump đang bị điều tra, nghi ngờ là đã thông đồng với Nga trong cuộc bẩu cử năm 2016? Làm sao Nga có thể trả lại Crimea khi người dân ở đây 85% là dân Nga, hòa nhập vào cuộc sống bình thường đã hơn 4 năm, lại có thể quay trở lại Ukraina – một đất nước đang rách nát vì tham nhũng và bạo loạn chính trị? Rồi đây với thời gian kéo dài, Kiev sẽ mất thêm hai vùng ly khai là Lugansk và Donetsk đã tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2014 để tuyên bố độc lập.
-AP ngày 8/12/2017: “Một cuộc tấn công dữ dội vào căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc nổ ra ban đêm và kéo dài cả tiếng đồng hồ tại đông Congo, giết chết ít ra 14 binh sĩ và làm bị thương 53.”
Congo mà tài nguyên chính là đồng, cobalt và kim cương hiện do ba nhóm chia nhau hùng cứ ba nơi. Theo báo cáo của New York Times năm 2009, mỗi tháng có khoảng 45,000 người chết và số lượng đã chết trong những cuộc nội chiến dai dẳng là 5,400,000 người. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có mặt tại đây từ 1960 và dĩ nhiên đứng giữa nhiều làn đạn do những cuộc tấn công của các nhóm đối nghịch nhau.
-The Christian and Science Monitor ngày 8/12/2017: “Vào ngày 6/12//2017 Quốc Hội Đài Loan đã bỏ phiếu hủy bỏ một biểu tượng của đất nước trong quá khứ. Họ chấp thuận một đạo luật tháo gỡ tượng Tưởng Giới Thạch – một nhà độc tài đã cai trị Đài Loan từ cuối thập niên 1940 cho đến khi chết vào năm 1975. Tên của Tưởng Giới Thạch cũng bị thay thế ở trường học và các con đường.”
Tưởng Giới Thạch là một tổng thống đại ma đầu. Lợi dụng tình đồng minh với Việt Nam Cộng Hòa, y đã ra lệnh cho quân đội Đài Loan tiến chiếm Đảo Ba Bình của Việt Nam là đảo lớn nhất trong Quần Đảo Trường Sa- có tài liệu nói là năm 1956 dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, có tài liệu nói năm 1971 dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Và Đường Lưỡi Bò hay Đường Chín Đoạn cũng được vẽ ra năm 1946 dưới thời Tưởng Giới Thạch. Điều này cho thấy dù là đồng minh hay đồng chí, vẫn có thể đâm sau lưng hay cướp đất của nhau như thường. Cho nên Ô. Trump có lý khi nói “America First”. Tổ Quốc và Dân Tộc mình phải trên hết. Thục An Dương Vương tưởng mối tình Trọng Thủy-Mỵ Châu là một hiệp ước hòa bình cho nên mất nước vào tay Triệu Đà. Tưởng Trung Hoa Dân Quốc là đồng minh, đâu ngờ nó chiếm đảo của mình.
-Reuters ngày 9/12/2017: “Người đứng đầu phân bộ chính trị của Liên Hiệp Quốc bày tỏ ý muốn làm giảm nhẹ căng thẳng ở Bán Đảo Triều Tiên trong cuộc thăm viếng Bắc Triều Tiên tuần này giữa lúc khẩu chiến gia tăng vì Bình Nhưỡng thử nghiệm hỏa tiễn và vũ khí nguyên tử. Thông tấn xã KCNA nói rằng đặc phái viên của LHQ thừa nhận rằng cấm vận đã đem tới hậu quả không tốt cho viện trợ nhân đạo tại Bắc Hàn. Ô. Jeffrey Feltman là viên chức LHQ cao cấp nhất viếng thăm Bắc Triều Tiên kể từ năm 2012, không tuyên bố gì với ký giả sau khi tới Phi Trường Bắc Kinh từ Bình Nhưỡng.”
-The Week ngày 12/12/2107: “Reuters tường trình rằng, theo phát ngôn viên của chính phủ Nga, Tổng Thống Putin coi những gì mà cá nhân Ô. Donald Trump đưa lên Tweeter là lời phát biểu chính thức của vị tổng thống Hoa Kỳ.”
Đúng vậy, đấng quân vương, ngày nay là tổng thống không thể nói đùa, nói chơi, “Thiên tử bất hý ngôn”. Mọi lời nói của vua, của tổng thống đều là chính sách, đều là mệnh lệnh, chỉ thị của quốc gia. Không biết Ô. Trump có hiểu điều đó không? Dưới triều đại của Ô. Trump, thế giới không cần biết, không cần nghe ông bộ trưởng ngoại giao, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói gì, mà chỉ cần theo dõi những gì Ô. Trump đưa lên Tweeter là biết chính sách của Hoa Kỳ như thế nào.
-NextBigFuture.com ngày 13/12/2017: “Chiếc HKMH tự đóng 001A của Hoa Lục khởi đầu thử nghiệm tại Cảng Đại Liên – đông bắc Trung Hoa vào Tháng 11. Thiết kế của nó giống như HKMH Liêu Ninh. Các kỹ sư và các nhà thiết kế đóng con tàu này đã học hỏi kỹ thuật tân tiến của Nga và Hoa Kỳ và cố gắng đưa vào chiến hạm mới để thỏa mãn nhu cầu thực tế của Giải Phóng Quân Trung Hoa (PLA).”
Tình hình Trung Đông:
-Reuters ngày 7/12/2017: “Hoa Kỳ và Pháp kêu gọi Nga đưa phái đoàn của Tổng Thống Assad trở lại bàn hội nghị tổ chức tại Genève sau khi không có dấu hiệu nào cho thấy phái đoàn của Syria sẽ tham dự để thảo luận về việc chấm dứt sáu năm chiến tranh. Vòng thảo luận thứ tám khởi đầu tuần rồi, sau vài ngày không mấy tiến triển, Ô. Staffan de Mistura- trung gian Liên Hiệp Quốc nói rằng phái đoàn của chính phủ Syria trở về Damascus để tham khảo và nghỉ ngơi cho khỏe (họ bỏ họp sau khi phe nổi dậy đòi hỏi Tổng Thống Assad phải rút lui).”
Dường như phe nổi dậy đang phải chịu áp lực là đừng đề cập tới chuyện Ô. Assad phải ra đi. Thật nực cười, muốn đàm phán với Ô. Assad lại đòi ông ấy phải từ chức. Như vậy mọi chuyện rồi sẽ phải giải quyết trên chiến trường có lẽ hợp lý hơn. Hiện nay Ô. Assad kiểm soát gần hết lãnh thổ và bắt đầu công cuộc tái thiết mà đòi ông ấy phải ra đi thì cũng giống như đòi Ô. Hun Sen, Tướng Prayut chan-Ocha phải từ chức.
-AP ngày 11/12/2017: “Thông tấn xã Tass nói rằng Tổng Thống Putin đã tới thăm căn cứ không quân Hemeimeem tại Syria nằm ở vùng duyên hải của Tỉnh Latakia là khu tập trung khối người thiểu số Alawite của Tổng Thống Assad. Ô. Putin được Ô. Assad chờ đón tại phi trường. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ô. Putin tới Syria giữa lúc quân chính phủ chiếm lại và kiểm soát hầu hết lãnh thổ bằng yểm trợ không lực của Nga. Ô. Putin đã ra lệnh rút dần binh sĩ Nga ra khỏi Syria.”
Tình hình Biển Đông:
-CNN Money ngày 6/12/2017: Trong một thông báo đề ngày 6/12/2017, Bộ Thương Mại cho biết Hoa Kỳ đã đánh thuế thật nặng lên thép nhập cảng từ Việt Nam và nói rằng Trung Quốc đã dùng Việt Nam như một cách để né tránh trừng phạt. Một vài sản phẩm thép sản xuất tại Việt Nam đã dùng nguyên liệu từ Hoa Lục.”
Như tôi đã nói trong bài viết đề ngày 15/11/2017 là trong Thượng Đỉnh APEC Đà Nẵng, Ô. Trump đã cảnh báo các quốc gia đang hưởng lợi khi làm ăn buôn bán với Hoa Kỳ nên thẳng thắng, chớ gian lận và tôi đã nói như sau: “Tôi có lời khuyên với các quốc gia đang làm ăn buôn bán với Mỹ là chớ nên đùa rỡn với Mỹ. Đừng để tức nước vỡ bờ. Tới một mức nào đó, nếu Ô. Trump phản ứng thì thiệt hại lớn lao không phải Mỹ mà là các quốc gia đang đối xử không đẹp với Mỹ trong vấn đề ngoại thương. Nếu mình biết lo cho nước mình trước thì Ô. Trump cũng phải lo cho nước Mỹ trước. Đó là “America First.”
-Tạp Chí Forbes ngày 9/12/2017: “Ô. Duterte của Phi Luật Tân có thể nhận điểm kém về nhân quyền nhưng về mặt phát triển kinh tế thì Phi Luật Tân lại qua mặt Trung Quốc. Chỉ số phát triển kinh tế của Phi Luật Tân trong đệ tam cá nguyệt 2017 là 6.9% trong khi của Trung Quốc là 6.8%.”
-Reuters ngày 13/12/2017: “Hai thông tín viên của Reuters có tên Wa Lone and Kyaw Soe Oo (người Mỹ gốc Miến Điện) cùng các nhân viên cảnh sát đã bị bắt giữ tại Thủ Đô Ngưỡng Quang (Rangoon) vào ngày hôm nay. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại và đang tìm hiểu xem sự việc như thế nào.”
-Reuters ngày 14/12/2017: “Hoa Lục cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ của nước họ và đã chính thức gửi công hàm phản đối sau khi Tổng Thống Donald Trump ký đạo luật đặt nền tảng cho việc tàu chiến Mỹ có thể thăm viếng hòn đảo tự trị Đài Loan. Căng thẳng gia tăng mấy ngày nay sau khi một giới chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công Đài Loan (mà người Bồ Đào Nha gọi là Formosa tức là Đẹp) nếu tàu chiến Hoa Kỳ viếng thăm Đài Loan mà Hoa Lục coi như lãnh thổ của họ.”
Theo tôi, đây chưa phải thời điểm thuận tiện để tàu chiến Mỹ ghé thăm Đài Loan. Nếu Mỹ làm thế, chắc chắn Hoa Lục sẽ tấn công Đài Loan mà thế giới khó lòng can thiệp. Nếu Mỹ can thiệp chắc chắn đại chiến sẽ nổ ra. Nếu Hoa Lục im lặng không làm gì cả thì Đài Loan sẽ từ từ biến thành một căn cứ quân sự của Mỹ giống như Nhật Bản chỉ cách đất liền (Tỉnh Phúc Kiến) có 140 dặm. Khi đó Hoa Lục lâm nguy. Cho nên bằng mọi giá Bắc Kinh sẽ tấn công để tàn phá Đài Loan – chỉ để răn đe chứ không tiến chiếm.
Nhận Định:
Vào ngày 6/12/2107, bất chấp cảnh báo của tổng thống Pháp, Jordanie, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ả Rập Sê-út, Tổng Thống Donald Trump chính thức công bố Jerusalem là thủ đô của Do Thái- lật ngược sách lược của Hoa Kỳ trong bảy thập niên là lo sợ sẽ tạo ra một đợt bạo động tại Trung Đông. Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng như một số quốc gia ở Trung Đông đã tuyên bố rằng việc Mỹ công nhận Jerusalem sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột Ả-rập-Israel và gây bất ổn cho tình hình trong khu vực. Ông Erdogan nói thêm rằng nếu việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel diễn ra, trong vòng 5 tới 10 ngày, các nhà lãnh đạo Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo sẽ gặp nhau tại Istanbul và phát động phong trào khắp thế giới Hồi giáo. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thống Donald Trump, Tổng Thống Pháp Macron cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Còn Ả Rập Sê-út thì nói rằng quyết định này khiêu khích thế giới Ả Rập.
Việc công bố khiến đồng minh của Hoa Kỳ và khắp vùng Trung Đông nỗ lực tìm một giải pháp đối phó và hy vọng khu vực dễ nổ ra bạo động này sẽ không phải chịu một cuộc đổ máu nữa. GH. Francis cũng tham gia vào danh sách các vị lãnh đạo và gọi đó là lỗi lầm lịch sử có thể tạo ra một đợt bạo động mới.
Dân chúng Palestines thuộc vùng Gaza và Rafah xuống đường biểu tình đốt cờ Mỹ, hình nộm Tổng Thống Trump và hô khẩu hiệu “Đả đảo Trump!”, “Giết chết Hoa Kỳ!”, “Giết chết Do Thái!” Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1500 người biểu tình trước Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ phản đối hành động của Ô. Trump, hô to khẩu hiệu “Sát nhân Hoa Kỳ hãy ra khỏi Trung Đông!” Theo Reuters ngày 7/12/2017, nhóm Hồi Giáo Hamas thúc giục người dân Palestines hủy bỏ việc mưu tìm hòa bình và nổi dậy chống Do Thái.
Trước quyết định lớn lao này, hai tình thế có thể xảy ra. Một là thế giới Ả Rập sẽ phải khuất trước sức mạnh của Hoa Kỳ? Hai là Ô. Trump đã quậy vào “ổ kiến lửa” Palestines và tạo thêm chính nghĩa cho các nhóm Hồi Giáo cực đoan khắp thế giới? Theo Washington Post, một số giới chức thân cận trong Tòa Bạch Ốc cho rằng quyết định của Ô. Trump chỉ nhằm làm hài lòng những người đã đóng góp tiền bạc cho ông trong cuộc tranh cử và lời hứa với cử tri và Ô. Trump không hiểu vị trí của Jerusalem trong bối cảnh chính trị toàn cầu. Theo Reuters cùng ngày, các quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo khắp vùng Trung Đông đã lên án việc này và coi đó như là một hành động gây bạo loạn ở một vùng vô cùng bất ổn và nói rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò của người trung gian của hòa bình. Theo AP, Tổng Thống Palestines nói với các vị lãnh đạo Ả Rập và Hồi Giáo rằng vai trò trung gian hòa giải Hoa Kỳ không còn thích hợp nữa và cần được Liên Hiệp Quốc thay thế.
Trên đường thực hiện chuyến công du Hy Lạp, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng Ô. Trump sai lẩm khi ông nghĩ rằng “Tôi mạnh nên tôi đúng”. Vào ngày 8/12/2107, trong một cuộc họp khẩn cấp, 14 thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ đã lên tiếng chống lại quyết định của Tổng Thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và nói rằng tuyên bố này đi ngược với những nghị quyết của LHQ là vấn đề Jerusalem phải được giải quyết bằng đường lối hòa bình trên căn bản hai quốc gia. Theo Reuters ngày 9/12/2017: “Trong cuộc họp khẩn cấp của Liên Đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập, ngoại trưởng của Li-băng Gebran Bassil nói rằng các quốc gia Ả Rập nên xem xét việc áp đặt cấm vận kinh tế lên Hoa Kỳ để ngăn ngừa việc di chuyển tòa đại sứ tại Do Thái về Jerusalem. Phản ứng ngăn chặn trước (pre-emptive) là bắt đầu bằng những giải pháp ngoại giao, rồi đến kinh tế và tài chính.” Còn ngoại trưởng Iraq nói rằng, “Nếu chúng ta không làm gì hết thì nhiều thảm kịch sẽ xảy ra.” Còn Tổng Thống Erdogan làm tình thế căng thẳng hơn khi gọi Do Thái là “quốc gia khủng bố” (terror state). Cuộc họp 22 quốc gia Ả Rập đã ra bản tuyên bố chung nói rằng quyết định của Hoa Kỳ là nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế, nó không có tác dụng và bị thủ tiêu. Liên Đoàn Ả Rập sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An LHQ hủy bỏ quyết định này. Hội nghị còn ra tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestines đang bị Do Thái chiếm đóng và kêu gọi quốc tế ủng hộ tuyên bố của họ.
Hoa Kỳ là “ông vua” cấm vận người ta, nay lại bị các ông Ả Rập răn đe cấm vận. Thật là chuyện trớ trêu. Không biết cuộc khủng hoảng Jerusalem sẽ kéo thế giới đi về đâu. Vấn đề Jerusalem, ngoài việc đây là thánh địa của ba tôn giáo, nó còn là danh dự của thế giới Ả Rập cho nên nhất định họ không chịu thua Do Thái trong trận này. Theo tôi, một cách khách quan nhất, Hoa Kỳ đã để mất vai trò “lãnh đạo thế giới” nhất là đối với thế giới Ả Rập và Hồi Giáo khi đứng hẳn về phía Do Thái, tạo cơ hội cho Hoa Lục hay Nga can dự sâu vào vùng này.
Hiện nay Nga, sau khi giải quyết tạm xong vấn đề Syria, đã ngỏ ý tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc nội chiến ở Lybia kéo dài từ lúc Ô. Obama và NATO lật đổ và giết chết Ô. Qaadafi vào năm 2011. Nga có liên hệ mật thiết với Thống Chế Hafta (tướng 5 sao) lãnh đạo Quân Đội Quốc Gia Libya (the Libyan National Army) chống lại Chính Phủ Hòa Hợp Quốc Gia (The Government of National Accord) do Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ hỗ trợ. Nga có thể đã có một căn cứ quân sự giữa Benghaze và Tobruk nằm ở ven bờ Địa Trung Hải sau khi Thống Chế Hafta viếng thăm một HKMH Nga đậu ở ngoài khơi Hải Cảng Tobruk vào Tháng Giêng 2017. Nga còn âm thầm đứng trung gian giữa hai lực lượng chính là Fatah và Hamass của Palestines. Nay Hoa Kỳ rút chân ra khỏi vai trò hòa giải, có thể Nga, Anh Quốc hay Hoa Lục sẽ thay thế vị trí này.
Đào Văn Bình
(California ngày 15/12/2017)
Vui cười
Vợ nhìn vào kiếng rồi buồn bã:
– 20 năm rồi, bây giờ mặt xệ, ngực chảy, da nhăn, cái gì nhìn cũng ớn thần hồn. Anh à, có thấy cái nào còn nguyên vẹn không nói cho em mừng.
– … Anh thấy mắt em vẫn TỐT như xưa!
Cô gái kia ưng 1 ông già ế vợ. Lấy nhau được 7 năm thì cụ già mất.
Vài hôm sau cô được mời đến cơ quan Thi hành án để lo việc thừa kế di sản.
Khách đông, chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới được vào.
Nhân viên ôn tồn an ủi:
– Xin lổi cô, cô chờ lâu lắm rồi hả?
– Vâng, tôi đã chờ đến 7 năm rồi ạ!
Ngày đầu tiên hò hẹn, chàng tặng cho nàng quyển sách.
Nàng: – Wow, lần đầu tiên trong đời em được tặng sách.
Chàng nghe quá thương tâm, & sướng quá, ôn tồn hỏi:
– Thế mấy người yêu cũ của em chưa bao giờ tặng em sao?
– Có chứ anh, họ toàn là tặng hột xoàn với xe hơi không hà!.
Nhà em có nuôi 1 con chuột bạch, nhưng mà nó đã bị bịnh và chết hôm tuần rồi.
Em có đi hỏi bác sĩ thú y tại sao, bác sĩ la em nói là “Sao biết nó bệnh mà không cho nó uống thuốc?” …
Em rưng rưng nước mắt nói “Dạ có em có cho uống thuốc mà”
Bác sĩ hỏi em, em cho nó uống thuốc gì? em nói thuốc chuột, uống xong nó chết queo.”
Khí Độc Mùa Đông – Mai Thanh Truyết
Ngộ độc Carbon monoxide
Vào mùa đông, ở các xứ lạnh như Hoa Kỳ thường có thêm nhiều tai nạn về các vụ ngộ độc trong không khí do các khì thải từ các lò sưởi trong nhà. Đây là một trong những nguyên nhân làm chết người vào mùa đông. Tai nạn nầy có thể nói hiện đang xảy ra nhiều nhất ở Hoa Kỳ và Pháp.
Hàng năm có độ khoảng trên 40.000 người nhập viện, trong đó khoảng 500 người bị tử vong vì hít phải khí carbon monoxide (CO), một loại khí thải qua việc đốt lò sưởi và nhiều nguyên nhân khác. Thêm nữa theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bịnh tật (CDCP), cũng tại Hoa Kỳ, hàng năm có trên 500 người bị chết vì vô tình hít phải khí CO, và hơn 2.000 người đã dùng phương nầy để tự tử.
Vào ngày 28 tháng 11 năm 2014, một gia đình 7 người đã được chuyển đến bịnh viện thành phố Lyme, Syracuse vì bị nhiễm độc khí carbon monoxide (CO). Lý do là lò sưởi trong nhà nạn nhân không thông ống khói, cho nên khói trong đó có khí CO lan tỏa khắp nhà làm cho tât cả 7 nạn nhân bị hôn mê.
Vào ngày Thứ sáu 10/12/2010 cảnh sát thông báo là các cuộc mổ thử nghiệm xác chết cho thấy có thể toàn bộ 4 người trong một gia đình ở vùng đông Missouri đã thiệt mạng do hít phải khí carbon monoxide. Đó là hai vợ chồng gần 30 tuổi và 2 đứa con của họ, một bé trai 4 tuổi và bé gái 3 tuổi, đã được khám phá qua đời tối thứ năm trong thành phố St.Clair.
Cảnh sát đã đến ngôi nhà khám xét sau khi các đồng nghiệp của người chồng thấy lạ lùng là anh đã không đi làm từ nhiều ngày qua, theo lời cảnh sát trưởng là Bill Hammack cho biết. Ông Hammack nói ‘bên trong căn nhà có 4 xác người nhưng không có dấu vết của tội ác. Các thân nhân của 4 nạn nhân cho biết chiều thứ ba thì họ còn gặp các nạn nhân và người chủ căn nhà than ‘là khó chịu do bị bệnh và buồn nôn.
Và gần đây nhứt, ngày 15/3/2017, theo Sở Cứu hỏa, mức độ carbon monoxide (CO) cao phát sinh bởi một ngọn lửa đốt dầu (burner) bị đốt cháy trong tầng hầm của chung cư Lower Manhattan ở New York đã làm 34 người bị thương. Tất cả 12 tầng của tòa nhà giữa đường Murray và Park Place, dọc theo đường West Broadway, đã được di tản. Hỏa hoạn xảy ra từ sang cho đến giữa trưa trong ngày…
Bác sĩ Paul Garbe của CDC nói: “Các nguy hiểm của hệ thống máy sưởi xộc xệch, không được bảo trì là nguyên nhân số một gây tử vong vì người ta hít phải khí carbon monoxide ở Hoa Kỳ vào mùa đông”.
CDC yêu cầu mỗi gia đình phải có thiết bị báo động về carbon monoxide trong nhà.
Tin tức trên cho thấy hầu như hàng năm, mỗi khi mùa đông đến đều xuất hiện những tai nạn tương tự như các tin tức vừa kể trên ở một vài vùng trên đất Hoa Kỳ nầy.
Mỗi năm vào khoảng tháng giêng tây, các công ty lò sưởi và máy lạnh gởi đến từng nhà một vài thông tin liên quan đến việc phòng ngừa các khí thải trong mùa đông như: “Do you have the flu or Carbon Monoxide poisoning? Hay “How a hidden leak in your furnace can make you sick”. Các tài liệu trên sẽ giúp các bạn có thể tránh được một số tai nạn cho chính bạn và gia đình. Tiểu bang Illinois từ ngày 17/6/2015 đã áp dụng luật bắt buộc phải lắp đặt dụng cụ khám phá khí CO (CO detector) trong nhà.
2- Khí carbon monoxide
Trước hết khí đốt (gas) chuyền trong đường ông dẫn vào nhà bạn là một khí không màu và không mùi. Chính vì thế các công ty khí đốt trộn thêm vào hóa chất để cho khí có mùi trứng thúi (rotten egg) để chúng ta khám phá dể dàng mỗi khi đường ống bị thất thoát ra ngoài không khí. Khí carbon monoxide (CO) là một khí độc tạo thành qua sự đốt cháy các khí đốt trong lò sưởi hay bếp núc. Và một khi nồng độ của khí nầy lên cao, nó có thể gây ra sự phát nổ làm nổ tung nhà của bạn.
Khí carbon monoxide (CO) là một khí không màu không mùi vị, không gây ra ngứa ngái…do đó con người khó có thể phát hiện được sự hiện diện của khí nầy trong nhà hay vùng không gian chung quanh chúng ta.
Trong không khí và ở chỗ thông thoáng, nồng độ trung bình của CO là 0,1 phần triệu (ppm) tức 0,1cm3/lít không khí. Trong nhà, nồng độ cao hơn chiếm khoảng 0,5 đến 5 phần triệu. Vùng không khí chung quanh lò sưởi khi hoạt động có từ 5 đến 15 phần triệu. Ống khói các lò sưởi dùng củi để đốt có nồng độ 5.000 phần triệu. Và nếu tính khói thuốc lá không bị loãng trong không khí, nghĩa là khí CO phát ra từ khói thuốc đậm đặc, nồng độ CO lên đến 30.000 phần triệu.
Khí CO nầy có được do sự đốt cháy các hợp chất hữu cơ như củi, than, xăng dầu, v. v…trong điều kiện không đủ oxy để hoàn tất sự đốt cháy. Nếu sự đốt cháy hoàn tất, các hợp chất trên sẽ phóng thích ra khí carbonic (CO2). Nếu không đủ oxy, khí CO sẽ bị phóng thích.
Tóm lại, các nguồn phóng thích CO thường thấy chung quanh đời sống của chúng ta là lò sưởi than củi, bếp than (stoves), khói thuốc lá, khói xe hơi, các bình gas để đi cắm trại, máy phát diện chạy than hay dầu, máy cưa, v.v… thậm chí nhà cháy cũng phát thải ra nhiều khí carbon monoxide. Vì vậy không khí là môi trường ô nhiễm CO thường xuyên, và khí nầy cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự hâm nóng toàn cầu. Một phân tử CO gây tác hại gấp ngàn lần sự hủy hoại tầng ozone so với một phân tử CO2.
Đối với lượng phát thải CO trong khói xe, Luật Không khí sạch (Clean Air Act) và EPA Hoa Kỳ từ năm 1990 đã giảm giới hạn sự phát thải của xe xuống còn 3,4 gram cho một dặm Anh, so với trước đó là 87 grams và xe hơi các đời sau 2006 phải lấp đặt hệ thống hấp thụ khí CO có khả năng hấp thụ đến 99% khí CO phát thải ra.
Đây là một loại khí được xếp vào hạng độc hại có khả năng làm chết người nếu bị ngộ độc cấp tính. Nếu bị ngộ độc dài hạn và từ nhẹ đến nặng, con người có thể bị nhức đầu, chóng mặt, hoặc có những hiện tượng như cảm cúm. Nếu bị nhiễm nhiều hơn nữa CO có thể đi vào hệ thần kinh và hệ tuần hoàn có thể gây ra chết người. Đối với các bà mẹ đang mang thai, CO có thể gây tử vong cho thai nhi.
Phương pháp chữa trị tốt nhất là đem bịnh nhân vào chỗ thoáng khí và tiếp trợ khí oxygen vào khí quản mà thôi.
Nhưng phương pháp hay nhất để tránh tai nạn có thể xảy ra là phương cách phòng ngừa.
Biện pháp đề phòng khi mùa đông đến
Mỗi năm khi mùa đông đến chúng ta cần chuẩn bị hệ thống sưởi trước khi xử dụng.
* Trước hết, chúng ta cần phải mở của lò sưởi bằng cách mở miếng chắn gió trong ống khói (đã đóng lại khi mùa đông chấm dứt) và kiểm soát xem ống khói có bị nghẹt hay không?
* Sau đó cần kiểm soát các đường ống dẫn gas;
* Cần kiểm soát chung quanh lò sưởi xem có đủ không khí cung cấp cho lò sưởi khi được đốt lên hay không? Một lò sưởi trung bình đốt 12 feet3/ngày. Do đó, nơi gần lò sưởi cần phải thoáng để cho không khí mới thế vào. Nếu không, khí độc như CO có thể kết tụ chung quanh lò sưởi;
* Cần phải kiểm soát cần phải xem lại đường ống gas và hệ thống trao đổi nhiệt (heat axchanger) trong lò sưởi có bị rò rỉ hay không?
* Sau cùng cũng cần xem lại hệ thống nước nóng (nếu chạy bằng gas) và lò sưởi trung ương (central heater) chung quanh các ống nối.
Tốt nhứt là bạn nên gọi một thơ chuyên môn để kiểm tra lại toàn thể hệ thống sưởi nhà bạn trước khi mùa đông đến.
Đó là:
– Lau sạch hệ thống đốt (burner);
– Hút bụi bậm chung quanh hệ thống trao đổi nhiệt và thử nghiệm rò rỉ hệ thống nầy;
– Kiểm tra hệ thống thông gió;
– Kiểm tra lại sự vận hành của lò sưởi trung ương và hệ thống nước nóng, v.v…
Các triệu chứng của sự ngộ độc CO
Triệu chứng cấp tính: Đối với việc tiếp nhiễm ở nồng độ thấp, các hiện tượng xảy ra làm cho chúng ta có thể nhầm lẫn với việc bị cảm cúm, mệt mõi, hay bần thần không vui. Do đó việc chẩn đoán rất khó khăn. Và việc chẩn đoán chỉ được xác định bị nhiễm hay không là nhờ phương pháp đo lượng CO trong hồng huyết cầu mà thôi.
Hai hệ thống tuần hoàn và thần kinh là hai vị trí bị ảnh hưởng nặng nhất. CO có thể làm tăng áp suất máu, làm nhức đầu nặng, xây xẩm mặt mày, lên cơn kích ngất và cò thể bị hôn mê nếu bị ngộ độc nặng.
Nếu bị nhiễm độc dài hạn, các chứng sau đây có thể xảy ra bị sưng phổi, tim mạch, ảnh hưởng lên thị giác và thính giác, thận có thể bị giảm hoạt động và bị liệt. Một điểm có thể khám phà bằng mắt khi bị nhiễm độc CO, là da nạn nhân biến thành màu hồng.
Sau đây là nồng độ của carbon monoxide tức CO có thể gây ngộ độc từ nhẹ tới nặng như sau:
* Nếu con người hít thở không khí chứa 400 phần triệu lượng khí CO có thể bị tử vong;
* Nếu bị tiếp nhiễm 35 phần triệu trong vòng 6 giờ có thể bị nhức đầu và chóng mặt;
* Nếu bị tiếp nhiễm 800 phần triệu, nạn nhân bị ói mữa, co giựt trong vòng 45 phút và bị hôn mê trong vòng 2 giờ;
* Nếu bị nhiễm 6.400 phần triệu, nạn nhân có thể chết trong vòng dưới 20 phút.
Carboxyhemoglobin
Carbon monoxide hay CO là một khí có ái lực (affinity) với sắt (Fe – Iron) nghĩa là kết nối dễ dàng với nguyên tố sắt trong hồng huyết cầu qua cầu nối hoá học để cho ra carboxyhemoglobine (COHb).Tính ái lực của CO đối với hồng huyết cầu mạnh hơn tình ái lực của oxygen đối với hồng huyết cấu gấp 240 lần. Do đó, khi bị nhiễm vào trong máu, CO sẽ tách oxygen ra khỏi hồng huyết cầu và làm giảm lượng oxy trong máu, và cơ thể sẽ thiếu oxy để nuôi dưỡng toàn thể con người. Và con người bắt đầu bị nhiễm độc từ hiện tượng nầy.
Thông thường lượng CO trung bình trong hồng huyết cầu là 5%. Một người hút hai gói thuốc một ngày có thể làm tăng lượng CO trong máu gấp hai lần nghĩa là 10%. Nạn nhân gọi là bị nhiễm độc khi lượng CO trong huyết cầu tăng lên 25%. Và có thể đưa đến tử vong nếu lượng CO tăng lên đến 70%.
Biện pháp phòng ngừa
Đây là một vấn đề y tế công cộng áp dụng cho cộng đồng. Việc giáo dục và gây ra ý thức an toàn trong việc sưởi ấm, khói xe, nhất là trong mùa đông, nhà cửa bị đóng kín, lượng không khí “sạch” bên ngoài không được thông thoáng với bên trong nhà.
Vì vậy, biện pháp hay nhất để phòng ngừa sự nhiễm độc CO là phương pháp lấp đặt hệ thống phát hiện CO trong không khí. Một hệ thống gây ra tiếng động (alarm), tạo ra sự chú ý của người trong vùng không khí đang bị ô nhiễm để thoát hiễm bằng cách rời khỏi nơi chúng ta đang hiện diện. Hệ thống nầy cần lấp đặt trên trần nhà, gần nơi đặt lò sưởi hay những lò nấu nướng vì khí CO nhẹ hơn không khí cho nên lơ lững phía trên trần nhà. Giá trung bình của hệ thống trên vào khoảng từ 20 đến 60 Mỹ kim chạy bằng pin.
Hệ thống khám phá khí CO tuy không bị bắt buộc lấp đặt trong nhà ở, nhưng hầu hết các cơ quan an toàn sức khoẻ đều đề nghị cần có ít nhất một hệ thống trong nhà. Gần đây nhất, thành phố New York ra luật phải có một hệ thống trên trong giấy phép xây cất nhà mới. Tiểu bang Illinois và Massachesetts ra luật áp đặt hệ thống trên kể tử ngày 1/1/2007.
Các khí độc khác
Ngoài khí CO phát thải trong nhà vào mùa đông, khí CO và một số khí thải khác như nitrogen oxides (NOx) và khói chì (lead) cũng là những nguyên nhân gây tác hại cho công nhân trong những khu sản xuất công nghiệp nhất là các công nghệ luyện kim và hầm mõ. Theo Cơ quan An toàn Sức khỏe trong Công nghiệp (OSHA) cũng như các định mức độc tố của Bộ Y tế HK, nếu nồng độ của CO trong không khí đạt đến 400 phần triệu, người công nhân hít phải không khí bị nhiễm độc nầy trong vòng một giờ đầu tiên thì chưa bị ảnh hưởng, nhưng trong giờ thứ hai trở đi, tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra.
Nghĩa là trong giờ đầu tiên, con người chưa bị ảnh hưởng nhiều vì CO đang còn trong giai đoạn kết hợp với hồng huyết cầu. Nhưng sau đó, vì thiếu oxy cho cơ thể cho nên người công nhân sẽ thở mạnh, ngắn, hơi thở đứt quảng khi lượng CO trong máu lên đến 20 đến 30%. Từ 30 đến 50%, thần kinh sẽ bị giao động, chóng mặt, thị giác không còn hoạt động được nữa và sẽ đưa đến hôn mê. Nếu bị tiếp nhiễm trên 50% CO, có thể bị tử vong sau đó.
Còn về nitrogen oxides (NOx):
Đây là một khí độc, gây khó chịu cho da và mắt trước tiên khi bị tiếp nhiễm. Thông thường, NOx xuất hiện dưới dạng khí khi acid nitric tác dụng lên chất hữu cơ như gỗ, mạc cưa, hay acid nitric đun nóng, hoặc các chất hữu cơ có chứa nitrogen bị đốt cháy. Trong các lò luyện kim, hay hàn xì, nitrogen và oxy trong không khí gây ra phản ứng để tạo ra NOx.
Đặc tính của NOx là hòa tan trong nước để tạo thành acid nitric hay acid nitrous. Đây là phản ứng trong cơ thể khi hấp thụ NOx qua đường khí quản. Các acid tạo thành làm cho cổ họng và cuống phổi bị khô vì mất nước. Các acid vừa mới tạo thành sẽ bị trung hòa bằng cách kết hợp với các mô trong cơ thể. Và chất sau nầy sẽ làm cho các động mạch nở lớn làm giảm áp suất của máu gây chứng nhức đầu chóng mặt.
Nếu nồng độ tiếp nhiễm từ 60 đến 150 phần triệu, người công nhân sẽ bị khô mũi và cổ họng, ho và đau ngực. Nếu sau đó được hít thở không khí sạch, thì sẽ được hồi phục trong vòng một giờ. Nếu bị tiếp nhiễm liên tục trong 24 giờ, hơi thở sẽ bị đứt quảng, mất ngũ, có thể bị chứng cyanosis (máu xanh ở móng tay như trong trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm nitrate) và sau cùng có thể đi đến tử vong.
Sau cùng đối với khói chì (lead), kim loại nầy đã được EPA HK xếp vào loại gây ra ung thư cho con người. Phổi và thận là hai cơ quan trực tiếp bị ảnh hưởng. Nhiễm độc hơi chì là một mối ưu tư hàng đầu trong tất cả loại nhiễm độc trong công nghiệp. Chì đi vào cơ thể qua đường khí quản, thực quản hay qua các mô da dưới dạng bụi, khói, hay khí ẩm.
Thông thường con người bị tiếp nhiễm nhiều nhất dưới dạng chì hữu cơ. Khi chì đi vào cơ thể, một phần sẽ không bị hấp thụ và được tống khứ ra ngoài bằng đường đại tiện. Phần còn lại sẽ đóng trong túi mật. Chì xâm nhập qua đường khí quản độc hại hơn chì qua đường thực quản. Khi bị tiếp nhiễm chì bám vào tế bào máu, làm cho tế bào bị vỡ ra gây chứng thiếu máu (anemia). Và điểm đến sau cùng của chì trong cơ thể là thận, gan, hệ thống thần kinh và tế bào máu.
Kết luận
CDC đã có nhiều hoạt động nghiên cứu liên quan đến phòng ngừa việc ngộ độc CO và ảnh hưởng lên của con người như:
Cần am hiểu rõ ràng về phòng chống ngộ độc CO liên quan đến việc bảo trì lò, sử dụng máy phát điện xách tay, và cần có máy dò CO (CO Detector) trong nhà;
CDC tham gia vào nhiều hoạt động giáo dục và truyền thông nhằm để nâng cao nhận thức về nguy cơ ngộ độc khí CO và phòng ngừa;
Qua những thông tin được nêu trên, khí CO và NOx là hai tác nhân nguy hiểm nhất trong mùa đông, vì khí NOx có tỷ trọng cao hơn không khí, và trong mùa đông, lượng hơi nước làm tăng độ ẩm của không khí. Do đó, một số khí độc khác như khói chì vẫn còn lơ lững nơi tầng ozone thấp, tức gần mặt đất. Vì vậy, nguy cơ bị tiếp nhiễm các khí trên rất cao.
Tóm lại, nếu chúng ta đã nhận thức được nguy cơ của việc nhiễm độc carbon monoxide và nitrongen oxides, chúng ta có thể tránh được các tai nạn trên. Dù ở đâu, trong nhà, hay trong xe, hoặc trong tàu…nguy cơ bị nhiễm độc CO rất cao.
Việc phòng bị vẫn là một biện pháp phòng ngừa tai nạn hữu hiệu nhứt trước khi mùa đông đến.
Kính chúc bà con cẩn thận và chuẩn bị cho mùa đông năm nay, một mùa đông có thể có nhiều “đột biến” do hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu.
Mùa Đông 2017
Tản Mạn Về Thuyết Tiến Hóa – Mai Thanh Truyết
Hiện nay, trên thế giới vẫn còn rất nhiều nhà khoa học đặt vấn đề nghiên cứu về thuyết tiến hóa. Họ cố truy tìm về nguồn gốc con người, về thuyết Big Bang, về thời tiền sử v.v…Dĩ nhiên, kết luận của những tim óc toàn cầu thường thường không giống nhau, đôi khi đối kháng nhau, tạo ra nhiều tranh cãi mà người viết thiết nghĩ chỉ làm phí thì giờ và tiền bạc về những cuộc tranh luận không có lối thoát trên.
Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn có tham vọng sẽ có một ngày có một nhà “vẽ kiểu” thật thông minh, superior designer để đưa ra một kiểu mẩu duy nhứt cho thuyết tiến hóa mà không cần kiểm chứng sau đó sẽ như thế nào! Tổng thống Obama cũng cổ súy việc truy tìm chứng tích của thuyết tiến hóa và có đề ra một số ngân khoản cho vấn đề nầy.
1-Thuyết Tiến hóa và Thuyết Sáng tạo (Evolution and Creationism)
Năm 1987, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết trong trường hợp Edwards v. Aguillard rằng yêu cầu giảng dạy “khoa học sáng tạo” (creation science) cùng với thuyết tiến hóa đã vi phạm Tu chính án I, vì việc giảng dạy như trên sẽ nhằm mục đích quảng bá tôn giáo.
Chủ thuyết sáng tạo là tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ và mọi thứ trong đó, như được mô tả trong Sáng thế ký (Genesis). Một biến thể của thuyết sáng tạo là thuyết thiết kế thông minh (intelligent design), trên nguyên tắc chấp nhận sự tiến hóa, nhưng lý luận rằng lý thuyết lựa chọn tự nhiên (theory of natural selection) của Charles Darwin không thể giải thích đầy đủ nguồn gốc của cuộc sống hoặc sự xuất hiện của các thực thể sống phức tạp (highly complex life forms). Có vẻ như là một “một thực thể quyền lực” thông minh không tên (unnamed intelligent force) là người sáng tạo và người hướng dẫn cuộc sống trên trái đất nầy.
Hầu như tất cả các nhà khoa học đều phản đối thuyết sáng tạo và thuyết thiết kế thông minh vì hai thuyết nầy không có luận cứ khoa học chứng minh.
Cả TNS McCain lẫn TT Obama đều tin vào thuyết tiến hóa, và cả hai đều không muốn nhìn thấy thuyết thiết kế thông minh như là một khoa học và cần được giảng dạy ở học đường.
McCain đã không tuyên bố rõ ràng vị trí của mình về việc giảng dạy thuyết thiết kế thông minh trong trường học. “Tôi tin tưởng vào thuyết tiến hóa,” ông nói. “Tôi tôn trọng những người nghĩ thế giới đã được tạo ra trong bảy ngày. Nhưng nếu nó được dạy trong một lớp khoa học, chắc là không nên”.
2- Suy nghĩ của người viết
Những suy nghĩ tản mạn dưới đây đưa ra một số nhận định chủ quan về vấn đề trên và xin được chia xẻ với người đọc.
Khoa học là một cuộc truy tìm sự thật hiện hữu trong thế giới thiên nhiên (trời đất) một cách có tổ chức. Chính tự khoa học không có điểm bắt đầu và điểm đến sau cùng.
· Khoa học cũng không phải là chân lý;
· Khoa học chỉ chứng thực số điều kiện, hiện tượng mà đa số chấp nhận trong thời điểm điều kiện hay hiện tượng được khám phá và chứng minh;
· Điều khoa học chấp nhận là đúng trong hiện tại chỉ là tương đối. Những khám phá mới sau đó (đã được chứng minh) trong tương lai có thể “chứng minh” …cái sai của cái đúng trong quá khứ!
Nếu một hiện tượng hay điều kiện trên có tính cách hằng hữu và bất biến trong một thời gian dài, chúng có thể trở thành định luật. Nhưng, trong một chừng mực nào đó, nhưng những điều trên có bất biến mãi mãi với thời gian hay không đó mà một chuyện khác.
Trong quá trình lịch sử của khoa học, có biết bao định đề, định lý (postulate, theorem), một số hiện tượng khoa học đã từng ngự trị hàng thế kỷ, nhưng rốt ráo rồi cũng bị “đả phá'” bằng những chứng minh ngược lại hay bổ túc.
Thiết nghĩ, đây không phải là vấn đề Đúng – Sai, mà chính là do sự tiến hóa, sự tiến hóa của con người và vạn vật.
Chúng ta hãy trở lại ngay từ quan điểm của Darwin, nhà tiến hóa đầu tiên khơi mở ra thuyết tiến hóa. Trong cuốn “On the Origin of Species” của ông, ngay từ những trang đầu tiên, chúng ta mê mang, cảm khoái trước sự khám phá kỳ thú về sự khác biệt gene của loài vịt nuôi trong nhà và vịt hoang dã.
Rồi từ đó,ông đưa đến kết luận về sự khác biệt về môi trường sống của vịt ở các trại chăn nuôi ở Anh và ở Đức. Tiếp theo, sự khám phá về trực giác của con chó đưa đến những điều kiện làm cho chúng sống chung với nhau v.v…
Như vậy kết luận cho hôm nay là:”Khoa học, tự chính nó, đã là một sự tiến hóa rồi và sẽ tiến hóa mãi cho đến khi con người chấm dứt sự hiện hữu trên hành tinh nầy”.
Và biết đâu một giống người nào khác con người hôm nay sẽ tiếp tục sự tiến hóa tiếp nối trong một tương lai chưa định được, trong hiện tại!
Từ những suy nghĩ trên, có thể nói rằng, sự tiến hóa là một khái niệm về sự thay đổi của vạn vật, trong đó khoa học, qua sự phát triển của con người, lần lần khám phá ra…một vài điều trong sự tiến hóa.
Do đó, sự tiến hóa là vô cùng, mà khoa học chỉ khám phá, hệ thống hóa, chứng minh một phần giới hạn của sự tiến hóa trong một giới hạn của “trí thông minh” hiện nay của con người.
Như vậy, làm thế nào khoa học qua con người (siêu nhân) có thể “chứng minh” được, tạo thành một hệ thống những luật lệ của sự tiến hóa?
3- Sự thay đổi khí hậu (Climate change)
Trở qua thí dụ về sự hâm nóng toàn cầu, hiện tượng nầy đã làm hao tổn bao nhiêu công sức của thế giới về trí tuệ, tiền bạc và thời gian. Kể từ khi có Thượng đỉnh Rio de Janerio, Ba Tây năm 1992, rồi Nghị định thư Kyoto (Kyoto Proticol) năm 1997, để rồi trở thành luật năm 2004, quy định các quốc gia trên thế giới phải hạn chế định mức phát thái khí carbonic (CO2) ở định mức năm 1990 áp dụng cho mỗi quốc gia vào năm 2012.
Nhưng tất cả đã thất bại, nghĩa là không có quốc gia nào tuân thủ quy định trên mặc dù đã ký. Trung Cộng mặc dù được miễn trừ luật định nầy, nhưng hiện nay là một nước phát thải khí carbonic đứng đầu trên thế giới với 10 tỷ tấn năm 2016, cao hơn Hoa Kỳ (8 tỷ).
Rồi thế giới lại vừa chấm dứt COP23 (17/11/2017) tại Bonn, Đức Quốc, cũng như thay đổi tên gọi từ “sự hâm nóng toàn cầu” ra “sự thay đổi khí hậu” kể từ COP1 ra đời năm 2004. Và một “khúc quanh” quan trong ở COP21 tại Paris năm 2015, nói lên “kết ước” của 195 quốc gia tham dự … là sẽ “cố gắng” giảm sự tăng nhiệt độ bầu khí quyển xuống dưới 20C vào năm 2100. Cũng như có những “hạ quyết tâm” của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Cộng là giảm thiểu việc xử dụng năng lượng hóa thạch (than đá) và tăng cường năng lượng thay thế (gió, mặt trời…) cho đến năm 2025. Nói thì nói, TC vẫn xài năng lượng bằng than nhiệt điện và mức tiêu dùng ngày càng tăng thêm!
Toàn là những lời hứa …cuội mà thôi!
4- Thay lời kết
Con người qua khoa học, cố truy tìm nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu trên qua nhiều suy nghĩ khác nhau từ sự phát triển qua sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, qua việc tạo dựng ra nhu cầu phục vụ cho phúc lợi của con người (cần thiết và không cần thiết nếu không nói là lạm dụng và do sự ích kỷ của một thiểu số) v.v…
Tất cả những nguyên nhân trên đều do “sự tiến hóa” của con người. Và trong một chừng mực nào đó, phải chăng vấn đề thay đổi khí hậu (hay sự hâm nóng toàn cầu) chỉ là một giai đoạn khác (mới) của sự tiến hóa?
“Trời chợt mưa chợt nắng có nghĩa gì đâu”, lời thơ lãng mạn của Nguyên Sa có thể diễn tả được tiến trình thay đổi của “Trời Đất”.
· Đây có phải là chu kỳ của kỷ nguyên Âm-Dương của vạn vật?
· Có phải đây là một quy luật tiến hóa của Trời Đất chăng?
Còn nhớ, từ thời Vikings ở miền Bắc Cực và Bắc Âu vẫn có sinh hoạt, vẫn có những cánh đồng cỏ để nuôi ngựa và làm canh nông, có phải giai đoạn nầy là một chu kỳ nóng của trái đất?
Sang thời người Vikings di cư về miền Ái Nhĩ Lan, miền Bắc Cực trở thành giá băng? Phải chăng giai đoạn nầy là chu kỳ lạnh của trái đất?
Và bây giờ, trái đất bắt đầu nóng lên, phải chăng chu kỳ nóng lại sắp sửa bắt đầu?
Tất cả “chặng đường của Trời Đất” trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, có phải chăng đó là những hiện tượng của sự tiến hóa? Vì vậy, từ những suy nghĩ tản mạn trên, chúng ta nghiệm ra rằng với nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể hiểu được, xác nhận một số hiện tượng của vạn vật một phần nào, có thể điều chỉnh và dự phóng một số diễn biến của vạn vật trong tương lai (trong một giới hạn thời gian nào đó).
Tất cả là do sự tiến hóa và sẽ không có một phi nhân (superman) nào có thể hình dung hay xác định được một quy luật cố định về thuyết tiến hóa cả.
Chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu những dự phóng cho sự tiến hóa, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận khái niệm với định kiến là phải theo một quy luật tiến hóa nào đó dựa theo mẩu mực của cuộc nghiên cứu của những khoa học gia có “uy tín”.
Vì sao?
Vì làm như thế, mặc nhiên chúng ta phủ nhận sự hiện diện tự nhiên của sự tiến hóa, vốn dĩ luôn luôn chuyển dịch (moving evolution). Đây là một suy nghĩ hết sức riêng tư của người viết!
· Làm một nhà hóa học, chúng ta cần nên khách quan hơn nữa, không thể căn cứ vào một hiện tượng nào đó, một chứng minh nào đó để lý giải cho sự tiến hóa rồi từ đó cố gắng tạo nên một lý thuyết cho sự tiến hóa và và áp đặt mọi người phải chấp nhận như là một chân lý;
· Làm một nhà chính trị, cũng vẫn không thể áp đặt một mô hình chính trị “mẩu mực” cho một quốc gia và…áp đặt cho những quốc gia khác phải…noi theo!
Làm như thế tức là phản khoa học, phản tiến hóa vậy!
Nhìn lại Việt Nam, phải chăng thuyết “Dân tộc sinh tồn” của Ông Trương Tử Anh, người sáng lập ra Đảng Đại Việt, cũng như thuyết “Biến cải” của TS Nguyễn Ngọc Huy, người sáng lập ra Đảng Tân Đại Việt, cũng chỉ là một hình thái của…Thuyết Tiến hóa áp dụng cho Việt Nam mà thôi!
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
Houston – 12-03-2017
Vui cười
Bốn bà ngồi uống cà phê, lần lượt tự hào khoe với nhau về cậu quý tử của mình: – Con trai tôi là một linh mục, mọi người đều gọi nó là Cha.
– Con tôi là Giám mục. Người ta gọi nó là Đức cha.
– Còn con tôi là Hồng y Giáo chủ, được kính cẩn gọi là Đức Ngài.
Bà thứ tư nhấm nháp cà phê và im lặng, nhưng ba bà kia không để yên:- Con trai bà thì sao?
– Con trai tôi cao 1,9 m, thân hình thể thao, đẹp trai, nhiều tiền, ăn mặc bảnh bao. Thấy nó, mọi phụ nữ đều phải thốt lên: “Ôi, lạy Chúa tôi!”.
Một linh hồn bay đến cổng thiên đàng. Thấy người ta cho qua cổng tất cả những người có vợ, anh ta vênh mặt đi thẳng vào. Thánh Phêđrô chặn lại hỏi:
– Anh có vợ chứ?
– Tất nhiên, tôi lấy vợ những hai lần! – anh ta tự hào đáp.
– Thế thì cút! Ta chỉ cho qua những kẻ bất hạnh chứ không phải những thằng ngu!
Muhammad Yunus (Nobel Hòa Bình 2006) Một Nobel Hòa Bình cho người nghèo – Phan Văn Song
1 / Giải Nobel Hòa Bình:
Giải Nobel Hòa Bình thưởng «nhơn vật hay cộng đồng nào vận động hữu hiệu nhứt cho sự liên kết hài hòa giữa các dân tộc với nhau, vận động hữu hiệu nhứt để hạn chế hay dẹp bỏ các lực lượng quân sự thường trực, vận động để kết hợp, cổ vũ và truyền bá tư tưởng tiến triển cho hòa bình» đúng theo ước nguyện được Alfred Nobel ghi vào di chúc. Tất cả bao gồm những đấu tranh cho hòa bình, cho nhơn quyền, cho những hổ trợ nhơn đạo và xã hội, và cho những quyền tự do con người.
Giải được cứu xét và trao hằng năm, cho thể được chia đồng dều cho nhiều người, nhiều hội đoàn có công đóng góp hữu ích với nhơn loại, qua hệ thống ngoại giao. Giải ra đời năm 1901.
Thoạt đầu, chỉ ở Tây phương, dần dần thoát ra cho cả thế giới. Giải Nobel Hòa Bình ngày nay, có một tầm vóc chánh trị rất quan trọng, một vài giải lại có cả một giá trị chánh trị chẳng những sáng giá mà còn là biểu tượng cho công trình đấu tranh của một nhơn vật, một hội đoàn, như là một lời chỉ trích, một đánh giá, chê bai, phủ nhận một chánh quyền độc tài, thí dụ như cái Giải đã trao cho bà Aung San Sưu Kyi năm 1991 chẳng hạn để chống nhóm quân sự độc tài đương quyền bấy giờ của xứ Miến Điện. Hay giải trao tặng nhà văn đấu tranh nhơn quyền Liu Xiaobo (Lưu HiếuBa) năm 2010, để chê bai chánh quyền Trung Cộng.
Một vài giải cũng lắm tranh cải. Như giải trao cho Tổng thống Theodore Roosevelt năm 1906, khi ông Tổng Thống nầy cho một chánh sách nặng về quân sự. Hay Giải trao cho Đức Đạt Lai LạtMa, đấu tranh chống Tàu năm 1989, đã lắm chướng ngại vật cho ngành ngoại giao Âu Mỹ với Tàu.
Nhưng tựu trung, Giải Nobel Hòa Bình đều thưởng các nhơn vật có tầm vóc lịch sử hoạt động cho hòa bình nhơn loại, chống những đàn áp chánh trị, cho sự bảo vệ quyền bình đẳng giữa con người như Bác sĩ Albert Schweitzer, Martin Luther King, Mẹ Têrêsa, bà Aung San SưuKyi… Liu XiaoBo…
2/ Hòa Bình cần Dân Chủ Tự Do hay cần Bình Đẳng Xã Hội?
Tại Pháp, hằng năm, tuần lễ cho người nghèo bắt đầu vào tuần thứ ba, tháng 11. Năm nay 2017, hôm thứ hai 21 tháng 11, phong trào các Quán Ăn Tình thương – Les Resto du Coeur – đã bắt đầu khai giảng hoạt động trở lại. Phong trào les Resto (tiếng tắt của restaurant=quán ăn) du Cœur do cố tài tử, diễn viên Coluche chủ xướng từ năm 1985, năm nay được 32 tuổi. Thoạt đầu ý của anh và bạn bè anh, chỉ làm muốn trong làm sao phân phát thực phẩm dư thừa trong các siêu thị chợ búa đến các người thiếu thốn – đêm cái phung phí dư thừa của cái Xã hội ăn xài phung phí giúp đở những người thiếu thốn. Thực phẩm dư thừa là những món hàng không bán được vì ngoại hình, vì mặt hàng, hộp gói bể vỡ, hoặc sắp hết hạng…Phong trào được giới tài tử diễn viên hưởng ứng quảng bá, do đó được quần chúng ủng hộ mạnh, và dĩ nhiên các cửa hàng cũng hưởng ứng ủng hộ. Thế nhưng, số người nhận hàng càng ngày càng đông. 32 năm rồi, mà số dân nghèo túng, bần hàn ở Pháp, vẫn còn càng ngày càng đông. Phong trào kêu gọi thiện tâm của công dân Pháp đã lay chuyển cả hê thống hnàh chánh Pháp, ba năm qua, chánh phủ Pháp đã khuyến khích chống phung phí, bằng ký luật cấm các cửa hàng siêu thị vứt bỏ những hàng hóa không có ngoại hình thương mãi. Một luật thuế cũng được ký cho phép các loại thực phẩm ấy miễn thuế.
Trong một văn hóa Thiên chúa giáo, bài giảng ngày Chúa nhựt 26 tháng 11, tại các nhà thờ Thiên Chúa Tin lành hay La mã đều cùng bài Giảng của Matthieu chương 25: câu 31 đến câu 46, nhắc lại lời Jésus khuyên dạy giáo dân hãy dành tình thương yêu cho người yếu đuối, bần hàn yếu kém.
Trở về chủ đề bài viết, chúng tôi muốn nhắc lại rằng các Giải thưởng Nobel cho Hòa Bình không nhứt thiết phải tặng cho những người đấu tranh chánh trị cho Dân chủ và Tự do, qua những quan niệm chánh trị, mà Giải thưởng cũng thưởng tặng khuyến khích cho những nhà đấu tranh cho lòng Nhơn Ái, cho Bình đẳng Xã hội!
3/ Muhammad Yunus và nước Pháp:
Tháng 11, năm 2017, Muhammad Yunus, vui vẻ trở về Paris. Thật vậy, chưa bao giờ, cá nhơn tên tuổi ông được Paris nâng niu chú trọng như vậy, và cũng chưa bao giờ Muhammad Yunus có cảm tưởng ông là một đứa con đi xa – enfant prodige nay trở về được gia đình mở hội đón mừng tưng bừng như vậy !
Thật vậy! Cùng một thời gian, ông phải, vừa tham dự buổi ra mắt sách tác phẩm vừa xong của mình là «Con đường đi đến Ba Không. Không nghèo đói, không thất nghiệp, không thải thán khí cạt bôn carbone – Vers une économie à 3 zéros. Zéro pauvreté, zéro chômage, zéro émission carbone». (Nxb Lattès-Paris) ; vừa phải cắt băng khánh thành một Trung tâm Yunus tại Nhà thông tin (Thị xã quân) – Yunus Center à la Maison des Canaux, quân 10 Paris ; và lại, vừa phải tham dự Hội thảo Thượng đỉnh làm Xã hội Toàn diện trong Kinh Thương – Global Social Business Summit từ ngày 4 đến 9 tháng 11 qua. Hội thảo là nơi ông sẽ trình bày và chia sẻ viễn tượng của ông về một Xã hội của thế giới tương lai cho thế hệ trẻ.
Đúng vậy, nuớc Pháp với Ông là một cuộc tình đặc biệt. Ông rất thoải mái đến với nước Pháp, ông thường bảo Pháp là quê hương thứ hai của ông. Nơi mà tư tưởng của ông được truyền bá và sùng mộ.
.Quê hương thứ nhứt : dĩ nhiên là Bangladesh, nơi sanh, trưởng thành, và nơi ông đã khai trương Ngân hàng Grameen Bank, một ngân hàng cho vay các Tiểu tín dụng – Microcrédit, để giúp các người nghèo, nhứt là những phụ nữ, để giúp họ tạo một thương nghiệp. Khái niệm nầy đã được gieo rắt khắp thế giới, và nhờ đó, ông đã nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2006.
.Và quê hương thứ hai là nước Pháp? Tại sao?
Ông trả lời với một nụ cười thoải mái rằng bắt đầu sự việc, tất cả là do cái anh chủ nhà xuất bản Laurent Laffont, đã chạy theo, đeo đuổi ông hết từ hội thảo nầy đến hội luận hay hôi nghị khác, lúc xưa, lúc ông được mời đi nói chuyện khắp thế giới để cổ vũ cái ý niệm microcrédit.
«Cứ mỗi nơi tôi được mời tham dự, đều có mặt ông ta. Sau khi nghe tôi nói chuyện, tan buổi là ông ta chận tôi lại và bảo tôi: ông phải viết tiểu sử của ông! Một hôm, ông ta chận tôi lại ngay chơn thang máy bay tôi vừa đáp xuống ở phi trường Heathrow, London, và nói rằng: Nầy Giáo sư Yunus, ông đã suy nghĩ kỹ những đề nghị của tôi chưa, và ông đã chấp thuận trả lời tôi không?».
Không cưởng lại nỗi, ông đành để anh nhà sách xuất bản những suy nghĩ của ông. Tác phẩm, tự truyện « Con đường đến một thế giới không nghèo đói – Vers un monde sans pauvreté » ra đời năm 1997, do Laffont xuất bản là một best-seller, được dịch và tung ra khắp thế giới. Cuốn sách cũng đóng góp một phần không nhỏ cho con đường ông nhận Giải Nobel Hòa Bình 2006.
«Và cũng là một phụ nữ người Pháp, bà Maria Nowak, một vị kinh tế gia, làm việc tại Ngân hàng Quốc tế – World Bank, đã là người đầu tiên cho áp dụng những phương pháp, và ý niệm của Grameenbank tại Pháp, một quốc gia tiên tiến» Bà ấy đã tạo một tổ chức tại Pháp, Adie, một hiệp hôi giúp đở các người không phải là những thương nhơn chuyên nghiệp – không thể làm sao tiếp cận được với các hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp – bằng cách cho vay qua các tiểu tín dụng để mở những tiểu thương, cơ sở làm ăn nhỏ.
4/ Từ Tiểu tín dụng đến Social Business – Làm Xã hội trong Kinh Thương:
Tiểu Tín Dụng là do tài nguyên sở hữu thân chủ gởi vào quỹ tiết kiệm hay ngân quỹ một ngân hàng, một cơ sở tín dụng, một cơ sở phát ngân phân phối ra cho người đi vay; nay làm sao để các Đại Công ty kinh thương dùng lợi nhuận của mình tạo được, cùng đóng góp vào công dụng tiểu tín dụng cho người nghèo mượn vốn đầu tư làm ăn? Lợi nhuận, chủ đích của kinh thương các đại công ty, đó là mục đích qua các ngành nghề công hay thương nghiệp hay dịch vụ của các nhà tư bản cùng nhau góp vốn, hùn vốn làm ăn vào hay tạo các đại công ty. Thế nhưng, Giáo sư Yunus mong lợi nhuận không chỉ đóng góp làm giàu, chỉ giới tư bản chủ vốn, mà phải làm sao giới tư bản đóng góp làm giàu và tư bản hóa giới nghèo khó thiếu thốn, bất hạnh ? Làm sao biến các đại tư bản, các đại kỹ nghệ gia, các nhà đại thương mãi, thành những nhà hoạt động xã hội có một trách nhiệm Liên đới – Xã hội. Mục đích không phải chỉ làm giàu cho cá nhơn, cho gia đình, cho giòng họ tên tuổi, giai cấp, hay đất nước; mà phân phối một cách bình đẳng cho tất cả các giai cấp của xứ sở mình, công bằng, bác ái, và cuối cùng một tạo cuôc sống Hòa bình, Bình Đẳng trong Thạnh vượng cho đất nước mình?
May quá, cũng tại Pháp, ông gặp ngay một hảng đại kỹ nghệ đã đáp ứng yêu cầu của ông: Hảng Sữa Danone đã tạo ra một loại Sữa Chua Yaourt, rất bổ dưỡng, không lấy tiền lời, bán với giá thành, để bán cho thị trường Bangladesh, cho dân nghèo với phần ăn uống thiếu dinh dưỡng.
Và cũng một hảng đại kỹ nghệ Pháp, chuyên ngành mắt kiếng Essilor, tạo ra những kiếng đeo mắt rẻ tiền, cho thị trường nghèo Bangladesh
Và cũng một chi nhánh Âu châu với một anh Giám đốc người Pháp của hảng làm khoai chiên Mac Cain của Mỹ cũng hưởng ứng bằng tạo công ăn việc làm cho người không chuyên môn, bằng tổ chức thu lượm, những khoai tây, những rau xanh không đủ ngoại hình để thương mại hay kỹ nghệ hóa được (phải gọt cắt bằng tay, vì không đủ tiêu chuẩn để qua máy).
Tại Pháp, ngày nay, các trường đại học thương mại lớn, HEC hay ESSEC, từ nay đều có mở chuyên ngành về ngành Thương mại Xã hội và Liên đới và rất được các sanh viên yêu chuộng.
Và sau đây là câu chuyện mới nhứt, của cuộc tình giữa nước Pháp và Giáo sư Yunus.
Giáo sư Yunus ủng hộ Paris tổ chức Thế Vận Hội Điền Kinh 2024. Bà Thị trưởng Anne Hidalgo phải hứa với Giáo sư rằng Thế Vận Hội Điền Kinh Paris 2024 sẽ 100 % Social Business.
Qua Lausanne để trình luận án tổ chức tranh quyền tỏ chức? Giáo sư Yunus cũng có mặt cũng với phái đoàn Pháp. Có thể do đó cũng là điểm Cộng để Paris đoạt quyền tổ chức?
Yêu cầu của Giáo sư Muhammad Yunus? «Tất cả những kiến trúc Làng Vận động tương lai để sẽ tiếp đãi 12 000 thế vận gia, phải được kiến thiết với chủ đích, sau tan lễ, được biến thành nhà ở của những người thiếu nơi cư ngụ hôm nay ».
Và ông cũng yêu cầu thêm : « Những dịch vụ ăn uống tiếp đãi phải được giao cho những thương nghiệp nào dùng người đang tập sự hay đang tìm việc làm, để đào tạo, huấn luyện tay nghề những tiểu thương gia tương lai trong ngành dịch vụ ăn uống tiếp đãi – catering – traiteur ».
Tất cả những yêu cầu ấy chứng tỏ cái ưu tư cùng giải pháp qua suy nghĩ thực tiễn của Giáo sư. Tổ chức Thế vận hội Paris tương lai không chỉ là một Business, vận may cho các chuyên gia, mà phải là một cái dịp may để dạy nghề và tạo nghề…
Ba mục tiêu cho Xã hội ngày mai:
Không Nghèo đói: Muốn hết nghèo đói phải làm sao đánh thức con người kỹ nghệ, con người thương gia nơi mỗi cá nhơn chúng ta. Dân Việt tỵ nạn Cộng Sản chúng ta quen nghề nầy rổi. Thế hệ chúng ta, tất cả đều có một thời « đi buôn đi bán, chợ trời, chợ chòm hỏm, tiểu thương, bánh xôi, bán cơm, bán bánh, bán thuốc lá,… Ấy là khi còn nghèo, có tý tiền là mở nhà hàng ngay…
Cá nhơn thằng tui, sau nghề làm giám đốc mướn, và trước thời dạy học thuê, tôi có 10 năm mở tiệm tạp hóa, và tiệm cơm. Tôi biết cuốn chả giò, nấu phở, nấu các món ăn đặc biệt Việt Nam. Kiểu ăn, cách nấu nhiều khi không giống ai, như tôi giới thiệu tất cả cách nấu là của mẹ tôi dạy, quán tôi là quán gia đình, thực đơn gia đình, khách ăn tiệm tôi sẽ không có được hương vị ở chổ khác. Do đó, nhà hàng chúng tôi rất đắt khách. Sau đóng cửa, vì vợ tôi và tôi bị kêu đi dạy học (nàng tiểu học, tui đại học) nên quán không có người coi đành đóng cửa vậy! Nhưng nếu ai cũng làm chủ cả, thì ai làm công đây? Nan giải.
«Chúng ta nhứt thiết không phải là người đi tìm việc làm, mà phải tự tạo việc làm! Đi làm công cho người khác làm trái với luật thiên nhiên. Phải tay làm, hàm nhai, không đi làm cho người khác hưởng!» Giáo sư Yunus nhận định. Giáo sư nói thì dễ. Nhưng tự túc, tự biên, tự diễn, cần một nghị lực đặc biệt, phải biết chấp nhận làm việc không nghỉ ngơi, bá việc, với một cá tánh và những đòi hỏi, những mục tiêu khác thường.
Giáo sư Yunus còn nói: «Hãy thử trao cho họ mượn một số vốn, và hãy thử hỏi họ, làm gì với số vốn nầy, quý vị sẽ thấy sức mạnh, và óc sáng tạo của họ ngay!».
Với lợi nhuận do hảng điện thoại lưu động Grameenphone, do ngân hàng ông chủ xướng ở Bangladesh, ông thành lập một công ty bảo hiểm những hậu quả làm ăn cho các tiểu thương.
«Tất cả giới trẻ đều muốn có tiền mau, làm giàu nhanh. Hãy tạo điều kiên. Khi giới trẻ giàu, họ sẽ làm Social Business để giúp người khác làm giàu. Và bộ máy ấy tự động nó chạy ngay!».
Nhà Nước Bao Dung – État Providence là một tai hại! Giáo sư Muhammad Yunus chê hẳn cái quan niệm Nhà Nước Bao Dung, bao bọc che chở tất cả. Ông chê cả cái quan niệm Thu nhập phổ thông – revenu universel – mỗi công dân đều có một số lương nhứt định bảo đảm sự sanh tồn. Nhà Nước Bao Dung, Thu Nhập Phổ Thông sẽ là những cái ngục nhốt con người, nhục khí con người, làm ỷ lại, ích kỹ, lười biếng! Hãy tạo những con người sáng tạo, đầy sáng kiến. Tư bản, là lợi nhuận, tư bản là sáng kiến là sáng tạo, là tự chủ. Nếu không con người chỉ là những công cụ cho những người độc tài, và chế độ độc tài.
Muốn Tư Bản tồn tại, phải là Tư bản Liên đới Trách Nhiệm, Xã hội: Theo Giáo sư Yunus, muốn một quan niệm tư bản thành công; Phải có một quan niệm Tư bản Liên đới Xã hội.
«Tiền bạc tạo Hạnh phúc, nhưng tạo nguồn Hạnh phúc cho tha nhơn sẽ tạo một nguồn Hạnh phúc siêu đẳng hơn!» Nhưng thiển nghĩ, đấy là lý do tại sao ông nhận được Giải thưởng Nobel! Ông thường nêu thí dụ của các Foundations của các nhà giàu Mỹ bắt đầu từ Bill Gates…
Có bạn nói với chúng tôi, đó là quan niềm của văn hóa Thiên Chúa Giáo Tin Lành. Phúc Âm dạy chúng ta Chúa ban chúng ta mọi sự an lành giàu có. Khi Có, khi Nhận được, phải biết Trả lại cho Chúa bằng cách chia sẻ với người bần hàn hơn mình. Bài giảng Chúa Nhựt qua với Phúc Âm của Mathiơ dạy ở Chương 25, từ câu 31 đến câu 46 dạy ta như vậy. Mỗi chúng ta đều liên đới trách nhiệm nhau. Ta ĐÃ nhận được nhiều, phải biết CHIA trả lại, chia sẻ ưu tư, và chia xẻ của cải với tha nhơn nghèo khó, bần hàn hơn chúng ta.
Tư bản ngày mai là tư bản liên đới xã hội!
Kết luận: Và Việt Nam?
Bangladesh đâu có giàu có bằng Việt Nam? Tại sao có được một nhơn vật như Giáo sư Yunus?
Có phải là NHỜ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền không?
Tàu Cộng, Việt Cộng, đều có lắm kẻ giàu có hơn Bangladesh nhiều, sao không có một Yunus?
Còn công đồng hải ngoại chống Cộng, Tàu hay Việt? Chúng ta để mất bao nhiêu sanh lực, bao nhiêu sanh khí chỉ để mong lật đổ thằng cầm quyền Cộng Sản, một chế độ chỉ biết lợi dụng sức lao động người nam, sắc đẹp của người nữ. Bán mồ hôi người nam, bán trôn người nữ.
Những ngày qua, cái chợ nô lệ ở Lybya vừa làm chấn động dư luận thế giới. Nhưng không thấy ai nói đến chợ nô lệ ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức suốt chục năm nay, qua chương trình Xuất khẩu Lao động, và chương trình Gã vợ cho dân Tàu cộng hay Tàu Đài loan, hay Đại Hàn…
Phụ nữ Việt Nam đâu phải sanh ra để làm vợ, làm người tình, làm cái thoải mái, cái liên hoan của ngoại nhơn mãi đâu? Thanh niên Việt Nam đâu phải chỉ có sức lao động, cần cù, chăm chỉ, người thợ ngoan hiền, dễ sai bảo mãi của bá tánh ngoại nhơn mãi đâu?
Chừng nào chúng ta đủ can đảm, đủ tự hào để vùng lên tìm sự sống, tìm quyền tự chủ, tìm lại con đường chánh thống Đại Việt, quốc dân, quốc túy, quốc hồn ? …
Chừng nào chúng ta bớt cúng thần, cúng thánh cho tương lai cá nhơn, để giành tiền chia sẻ cho đồng bào ruột thịt? Lúc ấy Việt Nam ta, và người dân Việt Nam mới có thế đứng lên cùng thế giới!
Một Ngôi Sao Đang Rụng? Aung San Sưu Kyi còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình không? – Phan Văn Song
«La gloire du passé est une illusion – Ánh hào quang của quá khứ chỉ là một ảo tưởng il en va de même pour la gloire du présent – ánh hào quang của hiện tại của thế thôi».
Edward Johnston 1990
Tuần cuối, tháng 11 qua, Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo La mã Phan Xi Cô-Francis–François ghé thăm Miến Điện và gặp khôi nguyên Nobel Hòa Bình Aung San Sưu Kyi. Một biểu tượng Hòa Bình và Nhơn Ái đi gặp một biểu tượng Hòa Bình đấu tranh chống độc tài quân phiệt đòi quyền Dân Chủ, Tự Do, đòi tự quyết cho người dân Miến của mình. Hai ngôi sao sáng nhơn loại gặp nhau. Giáo Hoàng Francis-Phan Xi Cô, ngày nay, đang là ngôi sao đang lên trên nền trời đòi Hòa Bình và Bình Đẳng cho nhơn loại và bà Aung San SưuKyi, trái lại, từ những thời gian gần đây – từ ngày ra tù, từ ngày đảng do bà lãnh đạo, cầm quyền đất nước Miến Điện, từ ngày mặc dù không được quyền ứng cử chức Tổng Thống, nhưng vẫn được có, những chức vụ đại diện quốc gia Miến Điện, như Ngoại Trưởng, như tiếng nói đại diện quốc gia, bà mặc nhiên (de facto) được thế giới xem như người lãnh đạo của quốc gia Miến Điện – đang là một ngôi sao trên đường đi xuống, tuy chưa hẳn là một vì sao đang rụng hay có thể sắp tắt – chỉ vì, phải đụng phải cái thực tế chánh trị phủ phàng, đầy du di, vòng vo, thương thuyết, phải đu giây, phải đứng giữa, phải đi hàng hai, kẹt với quyền lợi của đảng, kẹt với ánh hào quang chức vụ, kẹt với,.. tiếng tăm do quốc tế tặng, quyền thế do quốc gia trao, tên tuổi truyền thống gia đình, tập quán truyền thống địa phương hay tình hình chánh trị thế giới ? !!!
Nếu Bà không một lời tố cáo những sự đàn áp chống người Rohingyas của quân đội Miến Điện. Vì Bà bị kẹt trong thế chánh trị. Vì Bà bị kẹt làm kẻ đứng giữa. Giữa cái quá khứ sắc tộc, tôn giáo, đảng phái chánh trị và, … vai trò tên tuổi của Bà trên thế giới ; giữa cái hào quang đầy ảo tưởng, hy vọng, mơ mộng của cái khôi nguyên một Giải Nobel Hòa Bình và … cái thực tế chánh trị của một quốc gia và một dân tộc hay nhiều dân tộc đang trên đường đi tìm một sự chung sống trong hài hòa, cân bằng.
Phải giải quyết, phải đi tìm một chổ đứng cho một cộng đồng người Rohingyas, thiểu số Hồi giáo trong một thế giới Phật Giáo ít nhiều quá khích dân túy, quốc túy. Câu hỏi phải đặt là : – Có phải cộng đồng người Rohingyas, tuy là một thiểu sổ, tuy là Hồi giáo, nhưng cũng là một thành phần của đại gia đình đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ của quốc gia Miến Điện ? Hay, chỉ là một cộng đồng di cư kiếm sống, từ Bangladesh láng giềng qua, thoạt đầu tạm trú, dần dần sanh sôi nẫy nở, tạo thành một tiểu bang, chung sống với liên bang đa sắc tộc, đa tôn giáo Miến Điện?
Quyền lợi chánh trị nào buộc bà PHẢI ngậm miệng không nói gì, trong khi gần 500 000 người Rohingyas chen chúc trong những lều tỵ nạn ở xứ láng giềng Bangladesh đã từ trong nhiều tháng qua ? Quyền lợi chánh trị nào cũng buộc bà phải ngậm miệng không nói gì trong lúc quân đội Miến Điện càng ngày càng đàn áp dữ dội người Rohinyas, viện cớ những người Rohingyas tuy tự nhận là người Miến Điện, nhưng vì là Hồi giáo, nên không phải là người Miến Điện, nên phải tẩy sạch khỏi đất nước Miến ? Do đó, dư luận thế giới xem đây là một cuộc tẩy sạch chủng tộc – épuration ethnique – ethnical cleaning !
Và cũng do đó, dư luận thế giới đang ầm ỉ chống bà Aung San Sưu Kyi. Thế giới chống bà, vì thất vọng, vì bà là cái biểu tượng, đã một thời, là hình tượng đại diện (thế giới dân chủ) chống chủ nghĩa độc tài cùng chế độ quân phiệt. Ủng hộ bà cũng là bảo vệ những quyền căn bản của con người và quyền dân chủ. Ủng hộ bà để cùng đòi hỏi Miến Điện phải đi đến một chế độ và một xã hội dân chủ mẫu Âu Mỹ (như quốc tế – phần đông thuộc Âu Mỹ da trắng, thiên chúa giáo mong muốn) ? Nay chống bà, vì thế giới (ẤY) bất lực trước cái NẠN Hồi Giáo quá khích đang bành trướng chủ nghĩa Daech khắp trên thế giới ! Trách bà để khỏi tự trách mình đó chăng?
Đó là ý kiến thế giới. Nhưng còn ý kiến người dân Miến Điện?
1/ Daw Sưu – Dì Sưu:
Ý kiến người dân Miến Điện? Một sáng chúa nhựt của tháng 9 (2017), vừa qua, hàng ngàn người (dân Miến Điện) ào ào xuống đường, tuần hành, biểu tình tập họp tại Công viên Manha Bandula, Rangoon, với biểu ngữ, áo thun vẽ, với hình ảnh, bích chương, tất cả hình bà Aung San Sưu Kyi, người lãnh tụ « thực thụ » của Miến Điện ngày nay. Một khẩu hiệu, và chỉ một khẩu hiệu, nhơn lên nhiều lần, lặp lại nhiều lần « Chúng tôi ủng hộ Daw Sưu-Dì Sưu của chúng tôi ».
Thành phần tham dự ? Giới trẻ, giới trung, giới già, có cả những thầy chùa, ông sư, chú sãi nữa. « Chúng tôi ủng hộ Daw Sưu, chống dư luận thế giới đang phao tin đồn thất thiệt đối với Bà » một bô lão, tuổi độ 60, đang nỗi cơn phẫn nộ chống dư luận thế giới về cái vụ khủng hoảng người Rohingyas. Thật vậy, từ năm 2012, một phần không nhỏ của cái cộng đồng người Miến Hồi giáo nầy phải vượt biên tỵ nạn tại Bangladesh láng giềng để thoát khỏi sự đàn áp của quân đội Miến Điện. Riêng chỉ hai tháng qua của năm 2017 nầy thôi, gần 500 000 người đã vượt biên giới. «Nhà bị đốt, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con bị giết, đập đầu cắt cổ… » là những chuyện được người tỵ nạn kể lại cho cộng đồng báo chí thế giới. «Láo khoét! thêu dệt!» dư luận «người dân bình thường Miến» trả lời. Và cũng nhơn dịp, cũng tố cáo luôn vai trò của l’Arakan Rohingya Salvation Army (Arsa) – Mặt trận Cứu Nguy Dân tộc Rohingya của Tiểu bang Arakan, một tổ chức người Miến Hồi giáo, ngày 25 tháng 8 năm nay, đã trong một cuộc tấn công, đánh trên 30 đồn cảnh sát, làm ít nhứt là 89 người thiệt mạng.
Và vì lý do đó, tạo một ngọn sóng đàn áp khổng lồ của quân đội Miến chống thường dân Rohingyas. «Những người ngoại quốc nào đi chỉ trích Daw Sưu – Dì Sưu đều không hiểu một tý gì về hệ thống chánh trị nước Miến Điện cả!» vị bô lão 60 tuổi trên, tiếp tục giận dữ phát biểu.
Một phần nào, lão ta có lý! Vì, một là, uy quyền trách nhiệm của Bà, tuy là một lãnh đạo chánh quyền Miến đó, tuy là người đầy biểu tượng với thế giới đó, nhưng thực tình mà nói, uy thế Bà rất ít, và hầu như không có, đối với quân đội Miến Điện – cựu đối thủ chánh trị, và nay đồng lãnh đạo với bà, xưa đã cầm tù bà suốt bao chục năm nay… nay thả bà ra, chỉ để tạo uy thế cho bà để dễ dàng sử dụng hình ảnh dân chủ của bà để «tử tế hoá hình ảnh chế độ quân phiệt» đó thôi!
«Giữa Bà Aung San Sưu Kyi và Tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện), chính ông Tướng là người mới có thực quyền. Hiến pháp đã – chữ đen giấy trắng – nói rõ»
Bác sĩ Yan Myo Thein, nhà nghiên cứu chánh trị và cựu lãnh tụ của phong trào sanh viên năm 1988 phân tách.
Hai là, từ trong bầu không khí chống trung ương cố hữu, cư dân Tiểu bang Arakan, nơi đã xãy ra cuộc bạo động, nơi có cư dân đa số là Hồi giáo, từ nay đã chuyển biến sang thành một tinh thần độc lập tự trị địa phương. Và, dù sao, chánh quyền trung uơng ở thủ đô Nay Pyi Taw, cũng không kiểm soát nỗi cái Tiểu bang ấy, một vùng đất chỉ mới nhập vào đất Miến từ năm 1785, và biệt lập bởi một rặng núi khá cao nầy. Nói tóm lại, bà Aung San Sưu Kyi, và tất cả những người có thiện chí, dẫu có quyết tâm gì gì đi nữa, cũng không làm sao dẹp được sự chống đối của người Hồi Giáo chống trung ương và sự đàn áp hay tàn sát người Rohingyas bởi quân đội Miến !
Nhưng bà có thể tối thiểu dùng ánh hào quang của biểu tượng quốc tế do thế giới tạo cho bà để kết án những sự đàn áp của các quân nhơn Miến đối với thường dân Rohingyas, xứng đáng với cái vai trò khôi nguyên của một Giải Hòa bình, và cái tiếng tăm người hùng bảo vệ các quyền con người ?
Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình 1984, đã phải viết riêng cho bà bức thư tuy khuyên lơn, nhưng đầy trách móc sau đây : « Nầy bà chị ơi, nếu cái giá chánh trị phải trả để bà chị bước lên cái bực thang tuyệt đỉnh của quyền lực của quốc gia Miến Điện là sự im lặng của chị ; thật tình giá ấy quá đắt ! »
Giải Nobel một thời (1991), giải Nobel suốt đời. Nếu ngày xưa, trong gần 20 năm, bà được thế giới ngưỡng mộ bao nhiêu, thì ngày nay, bà lại bị chống đối bấy nhiêu.
Thật là «Chữ Tài liền với chữ Tai một vần!» (Kim Vân Kiều).
2/ Một biểu tượng, một thần tượng hay chỉ là một ngẩu tượng?
– une icône, une idole, ou tout simplement une statue ?
Hai mươi năm (1990 -2010) đấu tranh, bà bị nhóm quân phiệt Miến Điện giam lỏng, biệt lập thân thể bà, nhưng bà vẫn được tự do tư tưởng chánh trị. Nhưng ngày nay, bà tuy đã được tự do thân thể, nhưng tư tưởng và hành động chánh trị bà lại bị nhốt, bị đóng khung – bởi thực trạng đầy thực tế chánh trị quốc gia ? Và cũng bởi hình ảnh do cái nhìn đầy lý tưởng của quốc tế ?
Aung Sang Sưu Kyi có phải bị ám ảnh bởi cái nhìn quốc tế nhốt bà không ? Giải Nobel Hòa Bình khi xưa đã giúp bà giữ tự do tư tưởng chánh trị của bà, nay cũng chính giải Nobel Hòa bình đang chống hành động chánh trị của bà !
Bà đúng thật là một biểu tượng của tình yêu nước, yêu tự do dân chủ. Thân thể tuy ốm yếu, mãnh khảnh đấy, nhưng bà có một nghị lực bất thường với một thái độ « bất bạo động », nhưng cứng rắn trước cường lực bọn quân phiệt. Với một vẻ đẹp đầy duyên dáng, quyến rũ trong bộ quốc phục miến điện, luôn luôn một cành hoa tươi trên mái tóc, bà suốt trong thời gian 1990 đến nay là một thần tượng của dư luận thế giới. Với một giọng Anh quốc Oxford tuyệt vời, chính xác, trộn với cái hài hước – humour – đầy chất anh quốc, bà đã thâu phục bao sự ngưỡng mộ của thiên hạ. Bà đối thoại trực tiếp với phương Tây ; không cần thông qua trung gian một thông dịch viên nào.
Từ những ngày đầu đấu tranh khó khăn – 1995-2000, hay những năm hoàn toàn bị biệt lập, các nhà ngoại giao, các nguyên thử quốc gia, hay cả các nhà báo đều sắp hàng hãnh diện đến hầu chuyện với bà – «Người Mệnh Phụ thành phố Rangoon- la Dame de Rangoon» – Bà là một biểu tượng, Bà là một thần tượng! Hình bà được treo trước các sảnh đường, trước các cổng các Tòa Thị Xã, Tòa Thị Chính, sách viết về bà, tranh vẽ về bà, và cả một cuốn phim về bà (The Lady do Luc Besson đạo diễn ra lò năm 2011 và do vợ người bạn thân thằng cả tôi, Jean Todd, là nữ tài tử người Mã lai, Michelle Yeoh đóng vai bà).
Sự ngưởng mộ bà đã vượt khỏi tầm vóc cuộc đấu tranh dân chủ của Miến Điện. Từ một biểu tượng đấu tranh dân chủ cho Miến Điện, bà đã biến thành một thần tượng – của cả thế giới ! Do sự bất khuất của bà đối với bọn quân phiệt. Thế giới thần tượng hóa bà như là một Rock Star, như một Movie Star, như là một bà thánh tân thời ! Quá xa rời thực tế Miến Điện! Quên hẳn thực tế đấu tranh dân chủ thuở ban đầu!
Bà là «Lương tâm một quốc gia và nữ anh hùng của nhơn loại – the conscience of a country and a heroine for humanity» như vị Chủ tịch – Speaker – của Hạ viện Anh quốc John Bercow chúc mừng khi đón bà đến thăm London, năm 2012.
Bà càng tạo sự ngưỡng cho cả thế giới, khi dư luận thế giới biết rõ cái giá của sự hy sanh của bà đối với tổ quốc bà. Ngày bà rời gia đình để trở về nước đấu tranh, hai con trai bà đều vị thành niên, 15 và 11 tuổi. Ngày nay, với Kim người con út, đang bị bệnh nghiện rượu hoành hành, với Alexander, người trưởng đi tu, không màn danh vọng, và đánh tội nghiệp hơn cả, khi Michael Aris, chồng ba bị ung thư năm1997 và mất năm 1999, không gặp lại bà! Quả thật là tất cả một sự hy sanh! Càng cao quý vì đấy cũng là một lựa chọn! Chế độ quân phiệt đã luôn luôn đề nghị cho bà rời Miến Diến lúc nào bà muốn, nhưng đi là không được trở về. Và bà luôn luôn từ chối! «Tôi không bao giờ rời bỏ nhơn dân của tôi, tôi phải chia sẻ sự đâu khổ nầy. Tôi không bao giơ nghĩ đến rời xa Miến Điện».
Nhưng, trái với suy nghĩ quần chúng, cá nhơn Bà, Bà luôn luôn không chấp nhận là một thần tượng hay một biểu tượng. «Tôi không phải là Mẹ Têrêxa».
Bà cương quyết không chấp nhận là một biểu tương hay một thần tượng người đời gán cho bà trong một buổi phỏng vấn ở đài BBC, tháng tư năm nay qua, « tôi lúc nào cũng là một nhà hoạt động chánh trị, bắt đầu sự nghiệp, tôi đã là một nhà lãnh đạo một đảng chánh trị rồi, khó có ai nói ngược lại được rằng tôi không phải là người làm chánh trị».
Và năm 2012, cũng trong một cuộc phỏng vấn, tại vườn riêng nhà bà, để trả lời một nhà báo người Pháp, khi vị nầy tỏ lo ngại rằng khi bà trở lại «tham chánh» hoặc với «chánh trường» bà sẽ bị gặp những sự « dan díu», hay những «dàn xếp – compromis» sẽ làm lu mờ hình ảnh biểu tượng của bà đi ! «Tôi không tha thiết gì đến tôi là biểu tượng – icône, hay là một thần tượng – idole gì gì cả và bà tiếp theo «Tôi sẳn sàng làm bẩn tay tôi»
. Và nếu ngày nay trong vai trò lãnh đạo quốc gia, bà đang phải bẩn tay?
Bà chỉ còn là một pho tượng, một ngẩu tượng cho một Miến Điện Dân chủ tương lai?
Một công nương và một người của một nhóm phái – un clan:
Được ngưỡng mộ ở cả hai nơi, cả Âu lẫn Á, nhưng với hai lý do khác nhau! Ở Á, ở Miến Điến, bà là trưởng nữ của Tướng Aung San, người «cha già Dân tộc», người đã giải phóng Miến Điện khỏi ách đô hộ Anh. Khi ngài bị ám sát mất năm 1947, Sưu Kyi chỉ mới 2 tuổi. Và nàng lớn lên, được nuôi dưỡng trong ánh hào quang người cha anh hùng ấy, và nghĩ rằng nàng sẽ có một vận mạng chánh trị. Ngày nay, trong những trả lời với báo chí quốc tế bà không bao giờ dùng từ «Miến Điện» hay «dân Myanmar» mà luôn luôn bà dùng từ «dân tộc tôi- my people»! Nếu ÂuMỹ xem nàng như một nhà đấu tranh. Thì dân Miến xem nàng như một công nương! Một cô nương thuộc một nhóm phái – một clan, thường gặp ở Á đông, như bà Indira Gandhi hay bà Benazir Bhutto.
3/ Con đường Dân chủ của Miến vẫn còn lắm khó khăn:
Daw Sưu của quần chúng Miến Điện phải điều hành chung cùng Quân đội (Quân Phiệt?): Dù với tất cả lòng nhơn ái nào, dủ với lời người khuyên đầy sức thuyết phục nào, kể cả với Giáo Hoàng Phan Xi Cô, bằng chứng là cả Giáo Hoàng cũng tránh không nói tên Rohingyas! Bà cũng không thể theo lời khuyên thế giới, hay vì tên tuổi hào quang của Khôi nguyên Giài Nobel để cứu trợ người Rohingyas.
Daw Sưu là do dư luận quần chúng Miến tạo thành! Và quần chúng Miến vốn đa số rất Phật Giáo, và rất chống Hồi Giáo, và khi đã quyết tâm nghĩ rằng người Rohingyas là những người di dân tỵ nạn lậu, thì khó lay chuyển nỗi (Lại thêm những chuyện như Daech, như những đột kích khủng bố như Paris, London…và ngay ở Miến tháng chín qua!). Chớ quên gần đây, năm ngoái, cũng đã có một phong trào Phật Giáo quá khích do những ông sư quá khích hô hào, lãnh đạo, đe dọa người đạo Phật nếu không chống Hồi giáo, Phật Giáo sẽ bị diệt chủng.
«Và lý do gì Daw Sưu đứng về dư luận thế giới, bảo vệ người Hồi, và chống lại dư luận Miến ? » Maung Saung Hka, ủy viên chánh trị đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ, nói rõ lập trường đảng cầm quyến «làm như vậy, Daw Sưu sẽ gặp khó khăn ngay với Quân đội, đã là một cân bằng tương quan lực lượng rất mong manh ngay từ đầu rồi. Mất dân, mất người đở đầu, bà sẽ mất tất cả!».
Tương lai Miến Điện: Năm 2020, sẽ có Tổng tuyển cử ở Miến Điện, Aung San Sưu Kyi đặt sự cải tổ Hiến Pháp là trọng tâm của chánh quyền bà. Bà cần sự hổ trợ của quân đội. Quân đội Miến, nắm 25 % ghế ở Quốc Hội Miến, nắm toàn bộ các đường giây dính líu với Đảng đối lập, là Đảng Thống nhứt, Đoàn kết và Phát triển – đa số là các cựu quân nhơn. «Quân đội đang lợi dụng khủng hoảng Rohingyas để thành lập thiết quân luật và lấy quyền về lại mình» Tiến sĩ Wai Phyo Aung, một nghị viên thuộc Liên minh Quốc gia Dân chủ do bà lảnh đạo nhận định.
Có lẽ vì vậy, mà Khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đành phải, hy sanh đám người Rohingyas, hy sanh bỏ ngoài tai những can gián thế giới để giữ Tự do Dân chủ cho toàn dân Miến.
Vì Tương Lai Miến Điện Dân Chủ, Daw Sưu PHẢI là DAW SƯU của nhơn dân Miến, KHÔNG CÒN, và KHÔNG CẦN là Khôi Nguyên của một Giải Nobel Hòa Bình với cái chuẩn Âu Mỹ nữa! Đến cả Giáo Hoàng, khi đến Miến, cũng hiểu vậy, và vì vậy, cũng tránh nói đến cái tên Rohingya khi nói chuyện ở Miến. Tất cả chỉ làm sao PHẢI tránh chế độ Quân Phiệt trở về…
Để Kết luận: Và Việt Nam:
Giáo hoàng Phan Xi Cô tế nhị đã hiểu Daw Sưu và đã hiểu quyền lợi nhơn dân Miến! «Ai ai củng biết rằng Daw Sưu không thể có toàn quyền phát ngôn, cũng như không có toàn quyền hành động, trong một chánh phủ vẫn còn quân đội kiểm soát. Hãy giúp đở bà, và chúng tôi (nhơn dân Miến), chớ ép buộc chúng tôỉ» Tiến sĩ Wai Phyo Aung tiếp lời.
Nói chuyện người đâm nghĩ đến chuyện mình, chuyện đất nước Việt Nam ta.
Cũng đồng thời, cũng bị một nhà cầm quyền áp chế – ở ta, do ngoại bang quân phiệt Tàu cộng cưởng ép – đáng lý phải chống đở. Đằng này, nay lại sai một tên vô lại, đầy học hàm, chức vụ mua được hay tự phong ? Tự biên tự diễn đề nghị đổi cách viết chữ quốc ngữ ta, tạo phong trào chống đối ! Để làm gì trong lúc Đất nước đang bị xâm chiếm ? Nếu không là để che lấp tất cả những tội ác, … đàn áp bắt người, bán đất bán biển, bán đảo cho Tàu Cộng. Cái tội bán chữ quốc ngữ tạo phản ứng rầm rộ ĐỂ bịt mắt, che lấp tội bán nước.
Thay vì, như Miến Điện, đối với khủng hoảng người Rohingyas, Daw Sưu biết phân biệt, cân lượng giữa khủng hoảng Rohingya nhơn đạo và Tương lai đất Miến.
Còn ở Việt Nam ta! Hãy cảnh giác thiệt hư xem tại sao Việt Công cho RA cái trò cải tổ chữ cà chớn nầy? Ngay những lúc nầy? Chỉ để che lấp trò bán nước? Thế thôi! Hay… Gì Khác?…
Cẩn thận! Cảnh Giác!
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Vọng 2017
Phan Văn Song
Thơ Trần Văn Lương
Dạo:
Vì thương vận nước điêu linh,
Nên người phải đón Giáng Sinh trong tù.
Cóc cuối tuần:
Lá Thư Từ Ngục Tối
(Để tỏ lòng kính phục đối với những vị anh thư nước Việt đang phải đón Giáng Sinh trong ngục tù Cộng sản chỉ vì lòng yêu nước đã can đảm lên tiếng bảo vệ nhân quyền, tự do và độc lập cho quê hương)
Đêm đặc quánh, người tù ngồi chết lặng,
Tiếng đàn ca văng vẳng lắng qua song,
Gắng gượng xua nỗi tuyệt vọng trong lòng,
Tay nguệch ngoạc đôi dòng cho con gái.
x
Con yêu dấu, Giáng Sinh đà trở lại,
Mẹ lần đầu phải xa ngoại, xa con.
Chốn ngục tù dù khổ sở héo hon,
Lòng mẹ vẫn sắt son cùng đất nước.
Biết làm sao khác được,
Khi bạo quyền đang tàn ngược với dân.
Mẹ cúi đầu chịu lỗi với người thân,
Và xin ngoại tha cho phần bất hiếu.
Mẹ tin tưởng ngoại và con đều hiểu
Nỗi khốn cùng của bao triệu dân Nam.
Nếu mình không tiêu diệt lũ gian tham,
Thì sẽ mất giang san vào tay Chệt.
Quê hương là trên hết,
Mẹ có chết cũng đành,
Nhưng dặn lòng phải bền bỉ đấu tranh,
Không muốn thấy dân mình thành nô lệ.
Con và ngoại đêm nay cùng đi lễ,
Hãy cầu xin cho mẹ được kiên cường,
Cho dân lành thôi gánh chịu đau thương,
Cho đất nước thoát con đường bất hạnh.
Con có biết nhiều trẻ em đêm thánh,
Cũng như con dường chịu cảnh “mồ côi”,
Đón Giáng Sinh mà đòi đoạn khúc nôi,
Thương cha mẹ mỏi mòn nơi tù ngục.
Con có biết nhiều trẻ em đêm thánh,
Cũng như con dường chịu cảnh “mồ côi”,
Đón Giáng Sinh mà đòi đoạn khúc nôi,
Thương cha mẹ mỏi mòn nơi tù ngục.
Họ như mẹ đã chối từ hạnh phúc
Của riêng mình để liên tục dấn thân,
Cất lên giùm tiếng nói của người dân,
Đem xương máu thắp dần từng ngọn đuốc.
Mẹ thầm hiểu, đây chỉ là mơ ước,
Nhưng nếu toàn dân vì nước một lòng
Chịu hy sinh để cứu vớt non sông,
Thì Cộng sản quyết sẽ không tồn tại
Mẹ mong mỏi dân ta đừng ỷ lại,
Đất nước mình, mình phải tự thân lo.
Đừng cậy trông vào “thế giới tự do”,
Ai cũng chỉ bo bo quyền lợi họ.
Họ chỉ phán dăm ba câu này nọ
Để tuyên dương cùng cổ võ vu vơ.
Tội dân mình vẫn cứ mãi ngây thơ,
Ôm ảo vọng ngóng chờ hè đổ tuyết.
Thương con cháu ngày sau trên đất Việt,
Tìm cội nguồn nào biết hỏi nơi đâu.
Máu Rồng Tiên đã pha trộn khác màu,
Lịch sử cũng bị giặc Tàu viết lại.
Chung quy bởi lũ cầm quyền vô loại,
Mà chúng mình mãi mãi mất quê hương,
Người dân lành gánh chịu lắm đau thương,
Cả đất nước là một trường oan nghiệt.
Tổ quốc sẽ vẫn muôn đời bất diệt,
Dù giặc Tàu đem nước Việt xóa tên,
Nếu mọi người vẫn một dạ trung kiên,
Luôn nhớ đến công tổ tiên gầy dựng.
Nhưng đau đớn, dân đã quen hờ hững,
Biết bao giờ mới khứng chịu đứng lên,
Kẻ đêm ngày lo hưởng thụ triền miên,
Kẻ quên hết thời vượt biên khốn khó.
x
Người buông bút, đèn mờ cay mắt đỏ,
Lời thánh ca về theo gió nấu nung,
Miệng lâm râm câu “Đêm Thánh Vô Cùng”,
Nỗi chua xót chợt bùng như lửa hạ.
Trần Văn Lương – Cali, 12/2017
Trận mưa bom Giáng sinh – Trong Đạt
Hòa đàm bế tắc.
Sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân Tổng thống Johnson quá mệt mọi vì cuộc chiến tranh Việt Nam, ngày 31-3-68, ông tuyên bố không tái tranh cử và tạm thời cho ngưng oanh tạc một phần lớn lãnh thổ Bắc Việt từ vĩ tuyến thứ 20 trở lên, ông kêu gọi Hà Nội hãy tỏ thiện chí hòa đàm nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. Một tháng sau Cộng Sản Bắc Việt nhận lời đàm phán.
Hội nghị được tổ chức tại khách sạn Majestic, thủ đô Ba Lê nước Pháp khai mạc ngày 10-5-1968 ông W. Averell Harriman đại diện phía Mỹ, Xuân Thủy phía Hà Nội. Đây là một hội nghị được quốc tế chú ý nhất từ trước tới nay có hơn 3,000 phóng viên các nước tới theo dõi lấy tin.
Hà nội khăng khăng đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc. Ngày 31-10-1968 Johnson nhượng bộ cho ngưng dội bom trên toàn miền Bắc.
Hòa đàm thực sự bắt đầu dưới nhiệm kỳ chính phủ Cộng Hòa Nixon, nhậm chức đầu năm 1969. Hà Nội ngoan cố đòi hai điều kiện tiên quyết: Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam ViệtNam, lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu để thay thế bằng chính phủ lâm thời ba thành phần. Hoa Kỳ rút quân dần dần mỗi năm, từ 530 ngàn người Mỹ đóng ở miền Nam 1968 cho tới 1972 chỉ còn vài chục nghìn người, Bắc Việt vẫn ngoan cố đói phải lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Sở dĩ BV ngoan cố không chịu đàm phán nghiêm chỉnh vì họ đã được phong trào phản chiến và Quốc hội Mỹ gian tiếp hoặc trực tiếp yểm trợ. Theo Nixon (trong No More Vietnams trang 127) hành động của đám sinh viên bạo động đã khuyến khích CSBV gây chiến không chịu đàm phán nghiêm chỉnh. Bọn biểu tình vô tình kéo dài chiến tranh làm lợi cho CS. Tại cuộc hòa đàm đại diện BV đã nhiều lần hỗn hào chửi bới phái đoàn Mỹ, họ nắm được cái tẩy của hành pháp Mỹ đang gặp khó khăn vì bị Quốc hội và phản chiến chống đối.
Cuối tháng 3-1972, BV đem đại binh tấn công qui mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa tổng cộng 10 sư đoàn chính qui có xe tăng, đại bác phòng không yểm trợ đánh ba tỉnh lớn Bình Long, Kontum, Quảng Trị cho tới giữa tháng 9-1972 quân đội VNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị và cuộc chiến được gọi Mùa hè đỏ lửa chấm dứt. BV bị thiệt hại nặng khoảng từ 70 cho tới 100 ngàn cán binh, phía VNCH vào khoảng 30 ngàn người tử trận. Không quân và Hải quân Mỹ yểm trợ tối đa, Hoa Kỳ muốn VNCH phải thắng để lấy ưu thế tại bàn hội nghị. Người Mỹ đã mở lại các cuộc oanh kích miền Bắc để trả đũa BV, họ gọi là Operation Linebacker bombing, chiến dịch oanh tạc Linebacker I này bắt đầu từ 10-5 đến 23-10-1972.
Cuối năm 1972 Hoa Kỳ mở chiến dịch Linebacker II (Linebacker thứ hai) đây là chiến dịch oanh tạc của không quân nhằm vào BV trong giai đoạn chót của Mỹ trong chiến tranh VN từ 18-12 tới 29-12-1972, cũng được gọi vui là Christmas bombing, Cuộc oanh tạc vào dịp Giáng sinh. Đây là cuộc oanh tạc lớn nhất của không quân Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai, nó là sự tiếp tục của Chiến dịch Linebacker I kể trên, điều khác biệt là Linebacker II oanh tạc bằng B-52 chứ không bằng máy bay chiến thuật như Linebacker.
Trước Giáng Sinh 1972 gần 3 tháng, vào ngày 8-10-1972 Kissinger và Lê đức Thọ gặp nhau ở Ba Lê để thảo luận về những đề nghị mới của hai phía tìm kiếm hòa bình. Lê Đức Thọ đề nghị kế hoạch mới của BV: Ngưng bắn tại chỗ, Mỹ rút quân, trao đổi tù binh BV, VNCH, Chính phủ lâm thời của Mặt trận giải phóng, giữ nguyên, BV không đòi Thiệu từ chức, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho VNCH, cả Hà Nội và Mỹ đều được tiếp tục viện trợ cho đồng minh trên căn bản đồng đều nhau, BV sẽ không xâm nhập, Mỹ sẽ tái thiết BV, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải dân tộc, thực hiện bầu cử tại miền Nam VN, sẽ có ba quyền lực: Chính phủ Sài Gòn, Mặt Trận giải phóng, Thành phần thứ ba gồm đại diện cả hai bên. Cả ba phải có sự nhất trí, mọi hành động của hội đồng mới phải có sự đồng ý của TT Thiệu.
Ngày 11-10-1972 tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội bị thiệt hại trong cuộc ném bom của Mỹ, Đại sứ Pháp Pierre Susini bị thương nặng Lê Đức Thọ phản đối với Kissinger, Hoa kỳ ngưng oanh tạc 23-10-1972. Ngày 16-10-1972 Kissinger trở lạiParishọp với Xuân Thủy trong khi Lê Đức Thọ đang về Hà Nội. Hai bên lại họp ngày 17-10-1972, họ bất đồng ý kiến hai điểm: Việc thay thế định kỳ vũ khí của miền nam VN, thả tù binh CS do VNCH giam giữ. BV muốn ký hiệp định trước tháng 11-1972, họ tin rằng Nixon sẽ nhượng bộ trước kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới hơn là sau bầu cử. Kissinger đồng ý những điều khoản mới, ông cho Nixon biết và được Nixon chấp thuận.
Sơ thảo Hiệp định sẽ được ký tại Hà Nội ngày 31-10-1972. Kissinger bay đến Sài Gòn ngày 18-10 để gặp TT Thiệu, VNCH không đồng ý với bản hiệp định mới và không hài lòng với Kissinger cho là đã phản bội. TT Thiệu đòi sửa 129 điều khoản trong đó đòi khu phi quân sự phải coi như biên giới quốc gia, không còn là ranh giới quân sự tạm thời, VNCH phải được coi như một quốc gia biệt lập, nếu được như vậy thì BV sẽ không còn lý do gây chiến tranh để thống nhất đất nước như họ đang làm.
Về điểm này sử gia Stanley Karnow trongVietnama History trang 665 đã chua chát nói.
“Thật là mỉa mai hết chỗ nói, người Mỹ đã chiến đấu bao nhiêu năm để bảo vệ nền độc lập của miền nam VN bây giờ họ lại phủ nhận tính hợp pháp của nó”
(That, however, was the supreme irony of the moment. After fighting for years to defend South Vietnam’s independence, The United Stated was now denying its legitimacy)
Ngày 26-10 ông Thiệu tiến thêm một bước, công bố bản dự thảo đã được sửa khi ấy giới lãnh đạo miền Bắc cho rằng Kissinger đã đánh lừa họ, họ bèn công bố một số phần của thỏa ước cho người ta cảm tưởng rằng thỏa ước phù hợp mục đích của Hoa Kỳ và chính phủ Sài Gòn. Kissinger muốn tạo niềm tin cho cả hai miền, ông quả quyết với BV rằng mình thật tình và với Sài Gòn rằng Mỹ đã gây hiểu lầm. Kissinger họp báo tại tòa Bạch ốc lạc quan tuyên bố ta có thể tin hòa bình đang ở trong tầm tay (We believe that peace is at hand).
Ngày 20-11-1972 những điều khoản tu sửa của VNCH và 44 điều khoản thay đổi do Nixon yêu cầu đã được Kissinger trao cho phái đoàn CSVN. Những khoản yêu cầu gồm: Khu phi quân sự được coi như ranh giới quốc tế giữa hai nước, quân đội CSBV rút về Bắc, BV bảo đảm ngưng bắn lâu dài tại Đông Dương, một lực lượng quốc tế giữ gìn hòa bình sẽ được thành lập để quan sát ngưng bắn.
Khi đọc xong, phía BV rút những nhượng bộ và mặc cả thêm khiến Kissinger bèn nói dậm chân tại chỗ rồi. Cuộc nói chuyện dự trù 10 ngày chấm dứt ngày 13-12 với thỏa thuận của hai bên bắt đầu thương thảo, cuộc đối thoại tan vở hôm ấy, phái đoàn Hà Nội từ chối không chịu tiếp tục đàm phán.
Nixon đang định kỳ hạn cho ngày ký Hiệp Định tháng 1-1973, lời tuyên bố của Kissinger khiến dân Mỹ tin tưởng, kỳ vọng ở thỏa hiệp. TT Nixon lo phiên họp Quốc hội thứ 93 sẽ bắt đầu ngày 3-1-1973, ông sợ các nhà lập pháp Dân chủ sẽ ban hành luật chấm dứt chiến tranh trước khi ông thực hiện cam kết hòa bình trong danh dự của mình.Phía BVđánh hơi thấy phiên họp Quốc hội trong tháng 1-1973 có thể ban hành luật chấm dứt chiến tranh Đông Dương đến lúc ấy thì khỏe re, bất chiến tự nhiên thành, khỏi phải họp hành ký kết. Đó là một lỗi lầm tai hại của họ đưa tới trận đòn tàn khốc nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh VN.
Tổng thống Nixon quan tâm trước hết chi phí chiến dịch Linebacker, máy bay, nhân lực gửi tới Đông Nam Á đè nặng lên ngân sách Ngũ giác đài, tổng cộng 4 tỷ vào giữa mùa thu và Bộ trưởng quốc phòng Melvin Lair đã khẩn khoản đề nghị Nixon xin Quốc hội một ngân khoản để trang trải. Kissinger và Nixon được biết lập pháp sẽ có thể nắm cơ hội để đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến.
Quyết định và thảo kế hoạch.
Kissinger từ Paris về ngày 14-12-1972 ông bàn với Nixon sau đó gửi tối hậu thư cho Hà Nội đe dọa nếu BV không trở lại bàn hội nghị trong 72 giờ đồng hồ (3 ngày) sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng. Cũng trong ngày Nixon ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay thả mìn và cho Bộ tư lệnh không quân nghiên cứu kế hoạch oanh tạc trong giới hạn 72 giờ. Nixon bác bỏ lời Kissinger khuyên Tổng thống lên truyền hình thông báo chiến dịch, ông lệnh cho Kissinger mở cuộc họp báo ngày 16-12 để nói cho dư luận biết hòa đàm bế tắc vì BV ngoan cố. Kissinger ám chỉ cho biết chính phủ sẽ có biện pháp mạnh.
Một trong những phương châm của Nixon là nếu đã dùng vũ lực thì phải tận dụng sức mạnh vô giới hạn, một khi đã áp dụng sức mạnh quân sự thì tốt nhất là phải đánh xả láng, once a decision had been made to apply military muscle, it was best to go all out (Walter Isaacson – Kisinger A Biography trang 468). Trước ngày mở oanh tạc, Nixon chỉ thị cho Đô đốc Moorer: “Đây là cơ hội để ông xử dụng hỏa lực quân sự hữu hiệu để thắng địch, nếu không ông sẽ chịu trách nhiệm”.
Nixon lấy Linebacker II để gấy thiệt hại tối đa về vật chất cho BV, trong khi Linebacker I tháng 5-1972 để phá hoại bộ máy quân sự BV, Nixon xử dụng Linebacker II để tiêu diệt tinh thần chiến đấu của địch cũng như để chứng tỏ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy ông là con người thép (Larry Berman – No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 215).
Thời hạn tối hậu thư đã qua, hai hôm sau vào ngày 18-12, Mỹ mở cuộc oanh tạc Hà Nội. Về sau các sử gia nghiên cứu về cuộc chiến Đông Nam Á đồng ý với quan điểm của Nixon cho rằng BV ngoan cố không chịu trở lại phòng họp. Hai bên đã muốn thương thảo nhưng BV lại từ chối trở lại, họ chờ phiên họp sắp tới của Quốc Hội. Mục đích của TT Nixon không phải để thuyết phục BV mà để thuyết phục ông Thiệu, Nixon cho biết dù điều khoản của hiệp định ngưng bắn như thế nào, VNCH có thể tin vào lời hứa của ông sẵn sàng yểm trợ cho miền Nam khi BV vi phạm hiệp định.
Sau chiến dịch Linebacker I, Hoa Kỳ có 207 B-52 dành cho chiến trường Đông Nam Á, gồm 54 chiếc (mẫu B-52-D) đóng tại phi trường U-Tapao Thailan và 153 chiếc khác tại căn cứ Andersen, đảo Guam (gồm 55 chiếc B-52 D và 98 B-52G).
Chiến dịch coi như xử dụng một nửa tổng số máy bay B-52 của Không đoàn oanh tạc cơ Mỹ, các vị chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến thuật không quân miễn cưởng chấp nhận sự xử dụng những máy bay đắt giá và những phi hành đoàn huấn luyện tốn kém. Sự huy động một lực lượng máy bay B-52 lớn chưa từng thấy trong cuộc chiến và dự án tấn công đại qui mô quanh Hà Nội 20 km cho thấy thể hiện sự thay đổi lớn trong việc huy động lực lượng không quân.
Nhiều vị trong Bộ chỉ huy cũng đồng ý với chiến dịch bay vào màng lưới phòng không dầy đặc của BV hy vọng chứng tỏ các oanh tạc cơ có khả năng vượt qua hệ thống hỏa tiễn tinh khôn địa không SAM (surface-to-air missiles) do Nga chế tạo cũng như súng phòng không và máy bay nghênh chiến MIG. Lý do chính phải dùng B-52 cho chiến dịch thay vì phi cơ chiến thuật vì tháng 12 thuộc mùa mưa tại miền Bắc VN, thời tiết xấu gây khó khăn cho các phi cơ chiến thuật vì các máy bay này cần quan sát bằng mắt. B-52 có khả năng tham chiến dù thời tiết xấu cũng như tốt nên đã được chọn giữ vai trò then chốt cho chiến dịch này. B-52 đã được trang bị hệ thống bom vận hành theo radar và các máy bay yểm trợ. Các pháo đài bay này có thể tấn công mục tiêu hoặc với những bom có tia laser hướng dẫn khi thời tiết tốt hoặc dùng hệ thống oanh tạc do radar hướng dẫn.
Chiến dịch này lấy tên Linebacker II được phác họa tại Bộ chỉ huy không quân tại Omaha, Nebraska, vì giới hạn thời gian chỉ có ba ngày và qua kinh nghiệm của chiến dịch trước Linebacker I theo đó máy bay MIG nghênh chiến sẽ là mối đe dọa cho oanh tạc cơ Mỹ. Các vị chỉ huy ban kế hoạch cho máy bay tới Hà Nội làm ba đợt vào ban đêm, mỗi đợt cùng đi một đường, cùng cao độ, các oanh tạc cơ bay theo đội hình ba chiếc (cells) để tăng hiệu quả.
Mỗi khi ném bom xong các máy bay sẽ quay về phía tây mà Bộ tham mưu gọi là chuyển hướng sau mục tiêu (post-target turns, gọi tắt PTT), sự chuyển hướng này sẽ có hai hiệu quả không thuận lợi cho các oanh tạc cơ B-52 có thể hướng vào cơn gió mạnh ngược chiều, nó sẽ làm giảm tốc độ còn 185 km/giờ và sẽ kéo dài thêm thời gian ở tại mục tiêu có thể làm giảm hiệu quả đội hình cũng như trở thành bia cho radar của hỏa tiễn SAM dưới đất.
Trận mở đầu
Trong ba nhiệm vụ của chiến dịch như Bộ chỉ huy chiến dịch đã đề ra trong ba đêm liên tiếp bắt đầu từ 18-12-1972, đêm đầu tiên 129 máy bay được tung vào chiến dịch, trong đó 87 chiếc từ Guam, 39 chiếc yểm trợ thuộc Bộ tư lệnh không lực 7 (The seven air force), Lực lượng đặc nhiệm 77 Hải quân và Thủy quân lục chiến yểm trợ các oanh tạc cơ B-52 qua sự cung cấp các máy bay F-4 hộ tống, F-105 Wild Weasel để tiêu diệt hỏa tiễn SAM của BV, máy bay EB-66 thuộc không quân và EA-6 thuộc hải quân, máy bay chaff plane, loại máy bay thả những miếng kim loại dát mỏng (chaff) để gây rối loạn radar đối phương, (chaff = tiny strips of metal foil that are dropped to confused radar), KC-135 tiếp tế nhiên liệu trên không, và các máy bay giải cứu phi hành đoàn.
Mục tiêu của đợt thứ nhất là phi trường Kép, Phúc Yên và Hòa Lạc, một nhà kho tại Yên Viên trong khi đợt thứ hai và thứ ba tấn công các mục tiêu quanh Hà Nội. Ba máy bay bị rớt do khoảng 220 hỏa tiễn SAM của BV, trong số này hai chiếc B-52G từ Guam và một B-52D từ U-Tapao Thái lan, ngoài ra hai B-52 D từ Guam bị thương nặng cố lết về U-Tapao sửa chữa, chỉ có một phi hành đoàn của ba máy bay bị hạ được giải cứu, cũng tối hôm ấy một F-111 của không quân bị bắn hạ trong khi ném bom đài phát thanh Hà Nội.
Đêm thứ hai (19-12) có 97 phi vụ do oanh tạc cơ B-52 tham dự, mục tiêu gồm sở Hỏa xa Kinh Nỗ và kho hàng lân cận, nhà máy nhiệt điện Thái Nguyên cũng như nhà ga Yên Viên. Mặc dù có khoảng 185 hỏa tiễn SAM do BV phóng lên và một số oanh tạc cơ bị hư hại vì trúng đạn nhưng không cái nào bị rớt. Bộ chỉ huy hy vọng đêm thứ ba, tức đêm cuối của chiến dịch cũng sẽ tốt đẹp như lần trước.
Mục tiêu thứ ba ngày 20-12 do 99 oanh tạc cơ thực hiện gồm ga xe lửa Yên Viên, nhà kho Yên Mỗ, nhà máy điện Thái Nguyên, địa điểm bốc rở hàng tại Bắc Giang, nhà ga Kinh Nỗ, kho nhiên liệu săng dầu tại cũng như gần Hà Nội.
Vì thấy đợt hai bị thiệt hại nhẹ, đợt ba được tiến hành y như trước đó là một lỗi lầm tai hại, phía Mỹ ra chiều tự mãn với phương thức trước. Trong đêm thứ ba BV cũng học được kinh nghiệm qua phương thức ấy, pháo đài bay B-52 khi tiến vào Hà Nội thấy MIG ở xa xa nhưng chúng không nghênh chiến mà chỉ để báo cáo cho dưới đất biết cao độ và tốc độ của máy bay Mỹ. Thế là BV cho bắn xả láng hỏa tiễn địa không và đại bác phòng không lên các máy bay Mỹ. Lộ trình tái diễn, ngựa quen đường cũ đã đưa tới thảm bại cho Mỹ, 6 B-52 bị bắn rơi trong đêm thứ ba (gồm hai B-52D và bốn B-52G), sự thiệt hại nặng của những B-52 trị giá 8 triệu đô la khiến Quốc Hội và người dân phẫn nộ, họ yêu cầu chấm dứt oanh tạc.
Vì đợt ba tái diễn như hai lần trước khiến phòng không BV đã có kinh nghiệm và phóng 300 quả lên mục tiêu, sáu B-52G và ba B-52D bị thiệt hại trong đợt tấn công thứ nhất và thứ ba, một B-52D quay về Thái Lan bị rớt ở Lào. Chỉ có hai trong số tám người của phi hành đoàn được cứu thoát. Chiến dịch gây phản ứng dữ dội, Bộ chỉ huy không quân bị áp lực nhiều phía: “Chấm dứt cuộc tắm máu này!” nhiều sĩ quan cao cấp trong Bộ chỉ huy không quân cho rằng ta có thể mất nhiều oanh tạc cơ và thuyết ưu thế của không quân có thể vô nghĩa.
Vấn đề chính ở chỗ chiến thuật của Bộ chỉ huy không ghi nhận sự đe dọa của máy bay MIG trong ba đợt của chiến dịch. Chiến thuật không thay đổi vể đường bay, cao độ, đội hình, thời gian. Các vị chỉ huy giải thích sự không thay đổi ấy sẽ thuận lợi cho các phi hành đoàn B-52 không có kinh nghiệm bay vào một trận địa nguy hiểm. Nhà sử gia về không quân Earl Tilford lại có ý kiến khác:
“Sau nhiền năm oanh tạc những khu rừng không phòng ngự và thói quen phác họa kế hoạch chiến tranh nguyên tử đã nuôi dưởng một định kiến trong tư tưởng các vị chỉ huy suýt đưa tới tai họa… chiến thuật nghèo nàn kết hợp với tính tự tin quá cao đã khiến cho mấy đợt bay tấn công đầu tiên của chiến dịch thành cơn ác mộng cho các phi hành đoàn B-52”
(Wikipedia, Operation Linerbacker II)
Tổng thống Nixon cho lệnh tiếp tục sau ba ngày kể trên. Thay đổi thứ nhất ta thấy được do các vị chỉ huy tại Mỹ phân biệt sự khác biệt giữa các cơ phận radar của các mẫu B-52 (B-52G, B-52D), thiết bị trên mẫu G được xử dụng để ứng phó với các dàn phòng không tinh khôn, tối tân do Nga chế tạo, nó không phải để ứng phó với các hỏa tiễn SAM-2 xưa cũ và hệ thống radar của BV. Các vị chỉ huy không quân tại Omaha nhấn mạnh chỉ có máy bay tại U-Tapao được trang bị các bộ phận tinh khôn mới được đưa vào trận địa tại BV. Do đó các đợt tấn công sau sẽ bị cắt giảm về tầm vóc (số lượng máy bay) mặc dù chiến thuật không thay đổi.
Tối thứ tư 21-12-1972 của chiến dịch, 30 chiếc oanh tạc cơ từ U-Tapao đến thả bom kho hàng thuộc địa phận Hà Nội, Văn Điển, phi trường Quảng Tề. Hai oanh tạc cơ bị hỏa tiễn SAM bắn rớt. Đêm hôm sau 22-12 mục tiêu được chuyển từ Hà Nội xuống Hải Phòng nhắm vào kho săng dầu nhiên liệu. Lần này cũng 30 máy bay tham dự trận đánh, không bị thiệt hại về B-52 nhưng một F-111 bị bắn rớt xuống nhà ga Kinh Nỗ.
Ngày 22-12 một cánh của bệnh viện Bạch Mai ngoại ô Hà Nội bị một chuỗi bom lạc đánh trúng. Sự thiệt hại đã khiến BV và các nhà phản chiến Mỹ la ó lên, bệnh viện này cách đường bay của phi trường Bạch mai 100 mét và một kho quân sự chỉ cách đó chưa tới 200 mét, bệnh nhân đã được di tản nhưng không may 28 bác sĩ, y tá, dược sĩ bị thiệt mạng.
Hai ngày trước Giáng Sinh, các vị chỉ huy không quân đưa các căn cứ SAM và các phi trường vào danh sách mục tiêu, máy bay F-111 của Không quân được đưa tới trước khi oanh tạc cơ đến để giảm mối nguy của máy bay địch lên nghênh chiến. F-111 đã rất thành công trong chiến dịch tiêu diệt các dàn hỏa tiễn địa không của BV.
Đêm thứ sáu 23-12 các oanh tạc cơ cũng tránh Hà Nội và tấn công các vị trí hỏa tiễn địa không tại phía bắc thành phố và ga xe lửa Lạng Đăng. Không bị thiệt hại máy bay nào, đêm hôm sau cuộc hành trình may mắn (cũng tránh Hà Nội) tiếp tục. Ba mươi oanh tạc B-52 cơ được 69 phi cơ chiến thuật yểm trợ tấn công nhà ga Thái Nguyên và Kép, không có máy bay nào của Mỹ bị mất trong chiến dịch này.
Mặc dù B-52 đảm nhiệm vai trò chính nhưng các phi cơ chiến thuật cũng rất tích cực trong việc yểm trợ. Trong khi các pháo đài bay và phi cơ F-111 thực hiện các phi vụ trong ban đêm, trung bình 69 máy bay chiến thuật của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến tấn công ban ngày, trung bình gần 100 phi xuất một ngày. Sự thiệt hại của những phi cơ này rất nhẹ, chỉ hơn mười chiếc trong toàn bộ chiến dịch, lý do cũng không có gì khó hiểu vì phòng không BV chỉ đợi ban đêm mới chống trả dữ dội các mục tiệu xuất hiện.
USAF’s B-52 Stratofortress shot down in Operation Linebacker II, December 1972, Hanoi
Trận cuối
Sau trận oanh kích ngày 24 -12-1972, chiến dịch tạm ngưng 36 giờ nghỉ lễ Giáng Sinh 1972, trong khi đó các nhà kế hoạch gia không quân làm việc, họ duyệt lại chiến thuật cho giai đoạn kế tiếp tức giai đoạn chót. Vì bị thiệt hại ở giai đoạn đầu nên họ dự trù một cuộc tấn công dữ dội vào các phi trường BV khi bắt đầu tấn công trở lại. Giai đoạn này cũng cần thiết, từ ngày Giáng Sinh hầu hết các mục tiêu chiến thuật của BV đã bị ném bom tan nát. Sau đó các vị chỉ huy đã giao kế hoạch chiến thuật cho các giới chức Không quân thuộc cấp tại Không Lực Tám (Eighth Air Force) đóng tại Guam, ở đây cấp chỉ huy nhanh chóng duyệt lại chiến thuật đã có nhiều thiệt hại trước đây.
Nay thay vì tấn công nhiều đợt, các oanh tạc cơ có thể đánh và rút tại mục tiêu trong vòng 20 phút, các pháo đài bay này có thể đến từ nhiều hướng và nhiều cao độ khác nhau. Các oanh tạc cơ có thể tùy nghi muốn rút theo đường nào thì rút, kế hoạch rút về hướng tây (post-target turns) trước đây bị loại bỏ. Các pháo đài bay đến từ bảy địa điểm khác nhau sẽ tấn công mười mục tiêu trong phạm vi Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có bốn địa điểm từ vịnh BV.
Ngày 26 -12-1972, tổng cộng 120 oanh tạc cơ cất cánh ném bom ga xe lửa Thái Nguyên, Kinh Nỗ, đường xe lửa Đức Nội, Hà Nội, Hải Phòng và khu nhà ga Vân Điển, 78 oanh tạc cơ xuất phát từ Anderson (Guam), đó là trận oanh tạc “trong một lần” lớn nhất trong lịch sử của Bộ chỉ huy chiến dịch, 42 chiếc khác từ Thái Lan. Các oanh tạc cơ được 113 máy bay chiến thuật yểm trợ như thả những miếng lá kim loại dát mỏng phá rối radar BV, hộ tống, phá hủy các dàn hỏa tiễn địa không…
Hệ thống phòng không của BV mặc dù còn hữu hiệu nhưng bị tràn ngập bởi số lượng máy bay lớn cũng như rất khó tìm ra máy bay trong khoảng thời gian ngắn và bị màn dầy đặc của các miếng kim loại dát mỏng do máy bay chiến thuật thả xuống. BV đã bắn lên khoảng 950 hỏa tiễn trước đây, kho tên lửa nay đã gần cạn, họ chỉ bắn lên được 68 quả SAM trong chiến dịch này. Một B-52 bị hạ gần Hà Nội, một cái khác bị hư hại nặng quay đầu về U-Tapao bị hủy hoại, chỉ có hai người trong phi hành đoàn sống sót.
Tối sau 27-12-1972 có 60 oanh tạc cơ tiến hành chiến dịch, một số tấn công các vị trí hỏa tiễn địa không, số còn lại đánh phá đường xe lửa Lạng Đăng, Đức Nội, Trùng Quang và Văn Điển. Một B-52 bị thương nặng khiến phi hành đoàn nhẩy dù xuống Lào được cứu thoát, một chiếc khác không may khi oanh tạc ga xe lửa Trùng Quang bị trúng đạn. Trong chiến dịch ban đêm hai phi cơ F-4 và một máy bay trực thăng cấp cứu HH-53 bị bắn rơi.
Ngày thứ 10 tức 28-12-1972 tổng cộng có 60 B-52 trong đó 15 chiếc loại G và 15 loại D từ Anderson, Guam, và 30 chiếc loại D từ U-Tapao, các máy bay tấn công năm mục tiêu làm sáu đợt, trong đó bốn đợt đánh vào các mục tiêu thuộc địa phận Hà Nội (gồm cơ sở cung cấp hỏa tiễn địa không), trong khi đó đợt năm đánh ga xe lửa Lạng Đăng ở Tây Nam Lạng Sơn, một số lớn các tuyến đường vận tải từ Trung Cộng. Không có máy bay nào bị rớt trong chiến dịch này.
Ngày thứ 11 tức ngày 29-12 là trận oanh tạc chót cùng, chỉ còn một ít mục tiêu chiến lược còn lại tại BV đáng lưu ý, tuy nhiên còn hai kho hỏa tiễn SAM tại Phúc Yên và ga xe lửa Lạng Đăng có thể oanh tạc được. Tổng cộng 60 chiếc máy bay lại tiến về Bắc nhưng thay đổi việc chọn lựa loại mẫu. U-Tapao lại cung cấp 30 mẫu D, lực lượng từ Anderson thay đổi, đưa 12 mẫu G và 18 mẫu D trên không phận BV, cuối cùng 30 B-52D làm nhiệm vụ oanh tạc trên vùng cán chảo BV và phía Nam VN, lần này cũng không có máy bay nào bị phòng không, máy bay MIG của BV hay hỏa tiễn bắn hạ.
Thương lượng và ký kết.
Ngày 22-12-1972 Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội trở lại bàn hội nghị để bàn thảo những khoản đã đề ra từ tháng 10. Ngày 26-12, Hà Nội báo cho Hoa Thịnh Đốn họ muốn nhấn mạnh cho Nixon biết oanh tạc không phải là lý do để quyết định, Bộ chính trị BV cho biết ngưng oanh tạc không phải là điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán. Nixon trả lời ông muốn các cuộc đàm phán về kỹ thuật, thủ tục bắt đầu ngày 2-1-1973 và ông sẽ ngưng oanh tạc nếu BV đồng ý. Họ thỏa thuận và Nixon ngưng chiến dịch dội bom trên vĩ tuyến 20 từ ngày 29-12. Kế đó ông báo cho Kissinger chấp nhận những điều khoản đã có từ tháng 10 để ký Hiệp Định. Thượng nghị sĩ Henry Jackson thuộc Dân chủ, tiểu bang Washington khuyên Tổng thống Nixon nói chuyện trên truyền hình cho nhân dân biết chúng ta oanh tạc BV để buộc họ trở lại bàn hội nghị.
Nay vấn đề trở ngại là sự đồng ý của TT Thiệu, Nixon cố gắng trấn an ông bằng lá thư ngày 5-1-1973 rằng:
“Xin cam kết với ông chúng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ trong thời gian sau khi ký kết và sẽ trả đũa hết mình nếu BV vi phạm thỏa hiệp”
(Wikipedia, Operation Linebacker II)
Theo Walter Isaacson trong Kisinger, A Biography trang 486, những thư cam kết do Kissinger bí mật soạn cho TT Nixon không hỏi ý kiến Quốc hội, lý do không có gì khó hiểu: Kissinger biết rõ nếu đưa ra công luận bàn bạc sẽ bị Thượng viện đánh chìm ngay. Tuy nhiên ông Thiệu vẫn không chịu, ngày 14-1-1973, TT Nixon phải hăm dọa:
“Tôi đã nhất quyết tiến hành ký Hiệp Định vào ngày 23-1-1973. Nếu cần tôi sẽ đơn phương ký với họ.
(Wikipedia, Operation Linebacker II)
Trong No More Vietnams trang 167 Nixon cũng nói
“Chỉ khi chúng tôi tuyến bố nếu cần chúng tôi sẵn sang ký Hiệp định dù ông không ký thì lúc ấy ông ấy miễn cưỡng phải ký”
TT Nixon cũng đã nói cho ông Thiệu biết nếu miền Nam không chịu ký kết Hiệp định, gây trở ngại cho hoà đàm thì Quốc Hội Mỹ sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh tháng 1-1973, cắt đứt viện trợ bỏ rơi VNCH để đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ tại Hà Nội. Theo Nixon từ 1969 Quốc hội Mỹ đã nhiều lần định bỏ rơi VNCH để đổi lấy hoà bình.
Một ngày trước thời hạn, TT Thiệu đành phải chấp thuận thỏa ước sự thực cũng không làm gì hơn được.
Ngày 9-1-1973 Kissinger và Lê Đức Thọ trở lạiParis, thỏa thuận giữa Mỹ và BV về cơ bản chính là cái bản sơ thảo hai bên đã đạt được từ hơn ba tháng trước (tức từ tháng 10-1972). Những yêu cầu do Mỹ thêm vào từ tháng 12-1972 đã bị loại bỏ nói khác đi bất lợi cho Mỹ. John Negroponte, một trong những phụ tá của Kissinger đã gay gắt nói trong khi hai bên thương lượng như sau:
“Chúng ta oanh tạc BV để họ phải chấp nhận sự nhượng bộ của chúng ta”
(We bombed the North Vietnamese into accepting our concessions – Wikipedia, Operation Linebacker II)
Khu phi quân sự do Hiệp định Genève ấn định từ 1954 không được coi là biên giới giữa hai nước. Việc yêu cầu quân đội BV rút khỏi miền Nam VN về Bắc không thấy ghi một tí nào trong Hiệp định, tuy nhiên Lê Đức Thọ có hứa miệng với Kissinger sẽ rút 30,000 quân CSBV về Bắc.
Yêu cầu ngưng bắn cho toàn cõi Đông dương không được ghi trong Hiệp Định, một lần nữa Kissinger lại hài lòng với lời “thỏa thuận miệng” (verbal understanding) rằng ngưng bắn tại Lào sẽ được thực hiện cùng lúc hoặc sau VNCH một chút. Thỏa thuận vềCambốt không được đặt ra vì tại nơi đây nay BV không có tí ảnh hưởng nào đối với Khmer đỏ.
Hiệp Định Paris được ký tại khách sạn Majestic tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973.
Hậu quả.
Trong chiến dịch Linebacker II tổng cộng có 741 phi xuất B-52 để oanh tạc Hà Nội và 729 phi vụ đã thực hiện xong. Có 15,237 tấn bom đạn đã được ném xuống 18 mục tiêu về kỹ nghệ và 14 mục tiêu quân sự kể cả tám căn cứ hỏa tiễn địa không (SAM), trong khi đó các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5,000 tấn bom đạn. Cùng thời gian này có 212 phi vụ B-52 được thêm vào tại Nam VN để yểm trợ cho các chiến dịch dưới đất, 10 B-52 đã bị bắn rớt ngoài Bắc và năm chiếc khác bị thương rớt ở Lào hoặc Thái lan, 33 quân nhân thuộc các phi hành đoàn B-52 đã bị thiệt mạng hoặc mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ, 33 người khác bị bắt làm tù binh và 26 ngươi khác đã được cứu vớt. Bắc Việt cho biết họ đã bắn hạ 34 chiếc B-52, 4 chiếc F-111 trong suốt chiến dịch.
769 phi vụ phụ thêm do Không Lực và 505 phi vụ do Hải Quân và Thủy quân lục chiến để yểm trợ cho các pháo đài bay B-52, có 12 máy bay bị thiệt hại trong chiến dịch gồm: Hai F-111, ba F-4, hai A-7, hai A-6, một EB-66, một trực thăng cấp cứu HH-53, một thám thính RA-5C, trong chiến dịch này mười (10) phi công bị thiệt mạng, tám (8) bị bắt, mười một (11) được cứu thoát.
Toàn thể thiệt hại của chiến dịch là 27 chiếc gồm 15 B-52 và 12 máy bay chiến thuật: Không quân mất 15 B-52, hai F-4, hai F-111, một EB-66 và một trực thăng cứu nạn HH-53. Hải quân mất hai A-7, hai A-6, một RA-5, và một F-4. Trong số tất cả máy bay bị bắn rơi có mười bẩy (17) chiếc bị bắn rớt vì hỏa tiễn SA-2, ba (3) chiếc bị máy bay MIG của BV bắn rơi ban ngày, ba (3) chiếc do đại bác phòng không, bốn chiếc không rõ nguyên do. Tổng cộng có tám (8) máy bay MIG bị bắn rớt trong đó hai chiếc do đại liên phòng không ở đuôi B-52 hạ.
Thiệt hại về vật chất hạ tầng cơ sở của BV rất nặng nề: Không quân ước lượng 500 đường xe lửa bị đình chỉ hoạt động, 372 toa xe lửa và ba triệu gallons săng dầu bị phá hủy, 80% điện năng của BV bị hư hỏng. Nhập lượng tiếp liệu vào BV được tình báo Mỹ đánh giá là 160,000 tấn hàng tháng khi mới tiến hành chiến dịch. Đến tháng 1-1973, nhập lượng này đã tụt xuống còn 30,000 tấn, vào khoảng năm lần. Mặc dầu Hà Nội la làng “Mỹ đã trải thảm bom lên nhà thương, trường học, các khu dân cư, phạm vào những tội ác man rợ đối với nhân dân ta”, nhưng chính họ đã cho biết toàn bộ chỉ có 1,624 người thường dân bị thiệt mạng.
Với khoảng 20,000 tấn bom được thả xuống Hà Nội, Hải Phòng, sự thiệt hại dân sự tương đối nhẹ, chỉ có 1,318 người tại Hà Nội và 306 người tại Hải Phòng thiệt mạng, nếu so sánh với chín ngày oanh tạc thành phố Hamburg, nước Đức năm 1944, chỉ có vào khoảng chưa tới 10,000 tấn bom được ném xuống mà có tới 30,000 người bị giết.
Nhiều giới chức trong Không quân cho rằng nếu năm 1965 mà cũng đánh cho BV tan nát như Giáng Sinh năm 1972 thì đã thắng rồi, họ sai lầm ở chỗ năm 1972 chiến tranh đến thời kỳ kết thúc và trận oanh tạc này chỉ là cú đấm cuối cùng. Ngoài ra bang giao của Mỹ với Nga, Trung Cộng đã thay đổi nhiều trong những năm có hòa đàm với BV, oanh tạc mạnh năm 1965 có thể lôi kéo CS quốc tế vào cuộc chiến và có thể leo thang đi tới chiến tranh nguyên tử, nay kỳ hạn hòa bình đã thay đổi và Hoa Kỳ không còn muốn chiến thắng nữa, họ chuyễn sang rút bỏ.
Nhận xét
Như thế trận mưa bom Giáng sinh long trời lở đất năm 1972 có mục đích chính là để đưa BV trở lại bàn hội nghị. Sau ngày 30-4-1975 nhiều người ở miền Bắc vàoNamcho biết nếu Mỹ ném bom thêm một tuần nữa thì BV sẽ phải đầu hàng vì chịu không nổi. Gần đây có nguồn tin một cựu nhân viên FBI tên Ted Gunderson tiết lộ rằng một sĩ quan lãnh sự Mỹ lãnh sự tại VN đã nghe vào đầu xuân năm 1973 từ phòng truyền tin tại Sài Gòn lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Bắc Việt trong trận oanh tạc của Mỹ đầu xuân 1973 (tức trận oanh tạc Giáng sinh 1972), thế nhưng CIA đã thay thế toàn bộ nhân viên của phòng truyền tin và ém nhẹm đi tin này để cho sự điều đình giữa Tổng thống Nixon và Mao được xúc tiến và dâng miền Nam cho CS qua Hòa đàm Paris.
Tin đồn do những người ngoài Bắc đem vào Nam và tin của Ted Gunderson hoàn toàn sai lạc vô căn cứ, trước hết TT Nixon cho oanh tạc BV là để đưa họ trở lại bàn hội nghị như đã nói ở trên, họ chỉ muốn ký hiệp định Paris rồi rút quân về nước (The terms of peace had also changed as the United States went from wanting victory to settling for an easy exit – Wikipedia, Linebacker II bombing raid).
“Nhưng ý định của Hoa Kỳ trong cuộc dội bom phủ đầu năm 1972 không còn ý nghĩa quân sự nữa mà cuộc dội bom chỉ là một thái độ chính trị: Hoa Kỳ chỉ muốn CSVN trở lại hội nghị, kết thúc cuộc chiến trên giấy tờ, để Hoa Kỳ có thể rút khỏi Việt Nam – dù hiệp ước đó có bất lợi cho Hoa Kỳ và VNCH đến đâu. Và Hoa Kỳ đã đạt được ý định sau 11 ngày dội bom”
(Nguyễn kỳ Phong, Vũng Lầy Của Bạch Ốc, trang 300)
Ngoài ra đối với BV, Mỹ không có tư cách để buộc họ phải đầu hàng như đã buộc Nhật đầu hàng năm 1945. Đối với VN, Mỹ tham chiến chỉ là để trợ giúp VNCH tự vệ chống CS, giữ toàn vẹn lãnh thổ miền Nam chứ không phải để chiếm miền Bắc. Chúng ta cũng cần lưu ý mặc dù BV bị các pháo đài bay B-52 đánh nhừ tử thừa sống thiếu chết, các hạ tầng cơ sở BV bị bắn phá tan tành gần sập tiệm thế mà họ vẫn đòi được Mỹ phải nhượng bộ tại bàn hội nghị như đã nói ở trên.
Hiệp định ký kết vẫn chỉ là những thỏa thuận cũ từ tháng 10-1972. Bắc Việt lỳ lợm như thế thì thử hỏi đến bao giờ họ mới chịu hàng, cho dù cuộc oanh tạc có tiêu diệt hàng trăm nghìn người thường dân vô tội hoặc hơn thế họ cũng chẳng quan tâm. Trong thời gian chiến tranh Lê Duẫn đã từng nói sẵn sàng nướng thêm một hai triệu người nữa để tiếp tục chiến đấu.
Năm 1989 tác giả bài viết này có dịp nói chuyện với một Trung tá CSBV đã giải ngũ về cuộc oanh tạc Giáng sinh 1972, ông ta bảo:
“Bây giờ hết coi là bí mật thì tôi mới dám nói, ngay hôm máy bay Mỹ ném bom dữ dội, các đường dây diện thoại bị đứt hết, trung ương mất liên lạc với địa phương, sau mười ngày oanh tạc, hai bên cùng đuối và rồi Mỹ phải ngưng cuộc tấn công”.
Trong phim VietNam a Television History (Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình) do các ký giả, sử gia Mỹ, Anh, Pháp thực hiện đã được chiếu ở VN giữa thập niên 80, đoạn nói về Mỹ ngưng ném bom như sau:
“Cuối tháng 12-1972 Hoa Kỳ ngưng ném bom BV, không phải vì bị thế giới lên án, cũng không phải vì người dân Mỹ biểu tình chống đối mà vì sự thiệt hại nặng nề của không quân trong chiến dịch này”.
Ý kiến của cựu Trung tá CS và nhận định của cuốn phim như trên đều không đúng sự thật, như đã nói ở trên phòng không của BV cuối tháng 12 đã hoàn toàn kiệt lực, số tên lửa tồn kho đã cạn sạch khiến họ phải xin chịu ngồi vào bàn hội nghị, vả lại “Chiến thuật Lì” không còn ăn khách, hiệu lực. Mỹ ngưng oanh tạc cũng vì các mục tiêu để đánh phá cũng không còn, hạ tầng cơ sở BV đã bị oanh tạc tan nát hết, không còn gì để triệt hạ nữa.
(The final two days of Linebacker II encountered only one problem: a lack of suitable targets –Wikipedia, Linebacker II bombing raid).
“Người Mỹ ký hiệp định Ba Lê với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miềnNamkhông được chú trọng đến. Hiệp địnhParisđược ký kết để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát.
Trong trận oanh tạc long trời lở đất mùa Giáng Sinh năm 1972, Nixon đã một công đôi chuyện, vừa bắt BV trở lại bàn hội nghị và vừa đánh phá tan tành hạ tầng cơ sở miền Bắc như đã nói ở trên: phi trường, nhà ga, kho hàng, tiếp liệu bị hủy hoại. Nixon đã đánh BV tan nát để sau khi Mỹ rút đi họ sẽ không có khả năng xâm lược miềnNam, như thế ông ta cũng đã làm hết sức mình để cứu vãn sự sụp đổ củaVNCH.
Theo Nixon (trong No more Vietnams), sau khi ký Hiệp định Paris, VNCH mạnh hơn miền Bắc vì CSBV bị tổn thất quá nặng trong trận mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh bị thiệt mạng, 75% số xe tăng bị bắn cháy. Cộng thêm trận oanh tạc Giáng sinh 1972, BV bị kiệt quệ về vũ khí đạn dược. Nhưng sau Hiệp định, Hà Nội lại được CS quốc tế viện trợ đều đặn và dồi dào trong khi Quốc hội Mỹ đã cắt giảm viện trợ xương tủy VNCH đưa tới sụp dổ tháng 4-1975.
Trong trận oanh tạc Giáng Sinh 1972 kể trên BV đã đủ sức chống trả và gây thiệt hại đáng kể cho không lực của một siêu cường thì ta mới thấy CS quốc tế đã viện trợ cho BV dồi dào như thế nào, có người cho rằng Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã viện trợ quân sự cho BV để đánh nhau với Mỹ chứ không phải để đánh nhau với VNCH.
Theo bản tin BBCVietnamese.com ngày 10-5-2006: Trong buổi hội thảo của Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN tổ chức tại Sài Gòn ngày 14 và 15-4-2006, hai “đồng chí” Lê Quang Lạng và Trần Tiến Hoạt đã công bố nguồn viện trợ quân sự của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em cho CSVN trong cuộc chiến tranh 1954-1975. Họ cho biết về tên lửa Liên xô đã viện trợ 10,169 quả, về máy bay chiến đấu Liên Xô viện trợ 316 chiếc, Trung Quốc anh em 142 chiếc. Trong giai đoạn 1969-1972, BV đã nhận được 684,666 tấn hàng viện trợ vũ khí và trang bị kỹ thuật, giai đoạn 1973-1975 BV nhận được 649,246 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật như thế CS quốc tế vẫn viện trợ cho BV dồi dào từ đầu tới cuối cuộc chiến.
Hoa Kỳ không cung cấp cho miềnNamđủ hỏa lực để có thể tự vệ chông lại một đối phương quá hùng mạnh đã được trang bị những vũ khí hiện đại dồi dào cả về phẩm lẫn lượng. Đa số các sách báo Mỹ viết về chiến tranh ViệtNam (như Walter Isaacson trong Kisinger, A Biography trang 488) nhận định rằng VNCH không thể tự đứng vững mà họ phải dựa vào quân đội Mỹ và khi Mỹ rút đi miền Nam sụp đổ.
Độc giả Mỹ, người dân Mỹ hiểu rằng quân đội miềnNamkhông đủ sức tự vể. Sự thực có phải quân đội VNCH tác chiến thua kém quân đội BV không? Các Tướng lãnh miền nam thua tài thao lược so với các Tướng miền Bắc? hoàn toàn không.
Có một sự thực mà hấu như không thấy người Mỹ, tác giả Mỹ nào chịu công nhận: hỏa lực Hoa Kỳ cung cấp cho miền Nam hầu như luôn luôn thua kém hỏa lực hùng hậu mà CS quốc tế cung cấp cho BV, hay nói khác đi Hoa Kỳ đã không chạy đua kịp với CS quốc tế về quân viện cho chiến trường Việt Nam, đưa tới hậu quả sụp đổ ngày 30-4-1975.
Trọng Đạt
Tài Liệu Tham Khảo
History.com, History made every day: Nixon announces start of Christmas bombing ofNorth Vietnam.
History.com: Statistic about the Vietnam war.
Digital History: Nixon andViet Nam.
Wikipedia: Opposition to theUSinvolvement in the Vietnam war.
Walter Isaacson: Kisinger, A Biography, Simon & Schuter 1992
Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal inVietnam, The Free Press 2001.
Richard Nixon: No MoreVietnams, Arbor House, New York 1985.
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985.
James H.Willbanks: Vietnam war Almanac, Facts on file – 2009
StanleyKarnow: Vietnam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Vietnam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing
Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh: BBCvietnamese.com, 10-5-2006.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh ViệtNam1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.
Nguyễn Kỳ Phong: Tự Điển Chiến Tranh ViệtNam, TựÏ Lực 2009.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh ViệtNamToàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trí Thức, Hà Nội 2008
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.
Vui cười
Cha xứ bán con ngựa của mình cho một người khách. Nhận tiền xong, ông dặn dò:
– Tôi cần lưu ý ông, muốn thúc nó chạy thì nói “Tạ ơn Chúa”, còn muốn nó đứng lại thì nói “Alléluia” (hãy hoan hỉ lên).
– Được thôi, tôi đã quen với ngựa cả đời rồi.
Nhảy lên lưng con ngựa mới mua, ông khách thử nói khẽ:
– Tạ ơn Chúa!
Chưa dứt lời, con ngựa đã vọt đi. Đến tiếng “Tạ ơn Chúa” thứ hai thì nó phóng nước đại. Chợt nhìn thấy một vực sâu thăm thẳm ngay phía trước, ông ta hoảng hốt hét lên:
– Alléluia!
Con ngựa kịp dừng lại sát mép vực. Lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, kỵ sĩ làm dấu thánh và thốt lên:
– Tạ ơn C…h….ú…a!
Dân tộc sinh tồn – GS Nguyễn Ngọc Huy
III.- Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn và những lý thuyết chánh trị đã lưu hành từ trườc đến nay
Sự khảo-sát về con người đã cho ta thấy rằng người hoạt-động để sinh-tồn, sinh-tồn về vật-chất, sinh-tồn về tinh-thần. Ngay những người hy-sanh tánh-mạng mình vì lý-tưởng hay tự chấm dứt cuộc đời vì một lý-do gì, người cũng bị sức chi-phối của ý-chí sinh-tồn.
Trong trường-hợp đó, tất cả những học-thuyết chánh-trị – cốt để hướng-dẫn con người trong sự hoạt-động – đều phải có dính dáng đến vấn-đề sinh-tồn không ít thì nhiều. Xét cho thật kỹ những lý-thuyết chánh-trị đã lưu-hành từ trước đến nay, ta sẽ thấy nó đều nhắm vào mục-đích phụng-sự vấn-đề sinh-tồn của người.
Những tôn-giáo, tức là những lý-thuyết thần-quyền, phát-sanh trong lúc con người chưa có trí-thức rộng rãi, vững chắc để hiểu biết các lực-lượng thiên-nhiên, nhưng lại phải tranh-đấu với các lực-lượng ấy một cách mãnh-liệt để mưu sự sống cho mình.
Vì không hiểu các lực-lượng thiên-nhiên vì sao mà có, người tưởng-tượng ra những vị thần-linh có oai-quyền và năng-lực rất to, lại có những tình-cảm và dục-vọng như mình. Vì không thể dùng sức mà đối-phó lại các lực-lượng thiên-nhiên ấy, người phải phục-lụy nó và nghĩ đến cách cầu đảo để mua lòng nó.
Như vậy, các lý thuyết thần-quyền đã tiêu biểu cho xu-hướng muốn sinh-tồn của người trong lúc người còn thấy mình yếu đuối, hèn mọn, lúc con người còn sợ hãi những thế-lực ở ngoài mình và tưởng rằng mình phải dựa vào những thế-lực ấy mới có thể giải-quyết sự sống còn của mình. Những tư-tưởng chánh-trị, đạo-đức, những khuynh-hướng văn-nghệ của người đều biểu-lộ sự cần dùng phải dựa vào thiên-mạng để sinh-hoạt và tồn-tại.
Suốt mấy ngàn năm, con người đã sống trong tâm-trạng đó, và tôn-giáo ảnh-hưởng rất mạnh đến người. Nó làm cho người vui lòng chấp-nhận trật-tự xã-hội và phụng-sự những nhơn-viên chỉ-huy đoàn-thể tự xưng là thay mạng trời mà cai-trị muôn dân. Nó làm cho người hy-vọng nơi một đời sống đầy lạc thú ở thế-giới bên kia, và cam lòng nhận chịu những sự bất-công của xã-hội hiện-tại.
Sau đó, đời sống vật-chất của người được nâng cao, sự tranh-đấu với các lực-lượng thiên-nhiên nhờ sự hợp-quần củ người và nhờ sự tăng-tiến của kỹ-thuật mà trở thành dễ dàng hơn trước. Một mặt khác, nhờ trí óc mở mang hơn, người hiểu-biết các lực-lượng thiên-nhiên một cách rõ ràng hơn. Người bắt đầu bớt tin nơi oai-quyền tuyệt-đối của thần-minh, và đồng-thời cảm thấy rằng sự khổ-sở của mình không phải do nơi ý muốn thần-minh mà do nơi chế-độ xã-hội.
Sự thắng-lợi trong cuộc tranh-đấu với thiên-nhiên để sinh-tồn làm cho người tự-tin hơn và người có ý-định tự giải-quyết lấy vấn-đề sinh-tồn của mình. Người nhận thấy rằng mình khổ-sở vì chế-độ xã-hội bó buộc người thái-quá và hết sức bất-công. Do đó, người nêu ra chủ-trương dân-chủ với hai nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng.
Vậy, chủ-nghĩa dân-chủ cũng không có mục-đích gì khác hơn là mưu-đồ sự sinh-tồn của người. Nó phát-sanh ở Âu-châu là nơi dân-chúng tiến đến một trình-độ khá cao về tư-tưởng mà lại quá khổ-sở vì thiếu tự-do và bị khép trong một chế-độ bất công thái-quá. Khi đứng lên đòi cho dân-chúng được tự-do và bình-đẳng, những nhà thủy-tổ của chủ-nghĩa dân-chủ thật ra chỉ muốn đòi hỏi cho họ được những điều-kiện sinh-tồn một cách đầy đủ mà thôi.
Nhưng vì hai nguyên-tắc tự-do và bình-đẳng áp-dụng đến triệt để thì chống chọi nhau nên chủ-nghĩa dân-chủ lại đưa xã-hội đến những chứng bịnh khác. Những người giàu có và nhiều năng-lực đã lợi-dụng được chế-độ tự-do kinh-tế mà tạo nên những tài-sản khổng-lồ. Họ sống một cách sang cả, nhưng lại trả cho thợ thuyền một số lương chết đói. Nhờ tài-sản, họ có nhiều thế-lực trong trường chánh-trị, và đàn-áp tất cả những người lao-công nào muốn chống chọi lại họ.
Trong xã-hội tư-bản của thế-kỷ thứ 19, một số đông người vô-sản đã phải sống một cuộc đời cơ-cực. Có lẽ họ còn khổ-sở hơn người nông-nô của thời-đại phong-kiến nữa. Người nông-nô của thời-đại phong-kiến, tuy phải phục-dịch địa-chủ, nhưng vị địa-chủ không phải nhắm vào sự sản-xuất hàng-hóa cho thật nhiều để bán nên người nông-nô không phải làm việc quá nhiều. Một mặt khác, người nông-nô ít ra cũng được địa-chủ cho ăn uống đầy đủ vì nếu người nông-nô ốm hay chết, họ phải mất một tay sai và bị thiệt thòi. Trái lại, nhà tư-bản muốn sản-xuất rất nhiều hàng-hóa với một số vốn rất nhỏ nên bắt thợ thuyền làm hết sức mình. Đồng-thời, họ chỉ trả cho thợ thuyền một số lương rất ít, sống đủ hay không đủ cũng mặc, vì người thợ là một « công-dân » tự-do, không phải là nô-lệ của nhà tư-bản. Và cái chết của họ không làm thiệt thòi gì cho nhà tư-bản cả, bởi lẽ nhà tư-bản có thể sa-thải những người thợ ốm yếu để mướn người thợ khác làm thay.
Thấy những lời các nhà xã-hội duy-tâm kêu gọi lòng từ-thiện của những nhà tư-bản không có hiệu-quả gì, nhóm ông Karl Marx mới nêu ra chủ-trương hủy-diệt giai-cấp tư-bản để thành-lập một xã-hội đại-đồng cộng-sản, không giai-cấp. Vậy, xã-hội chủ-nghĩa duy-vật với thuyết giai-cấp tranh-đấu đã phát-sanh để giải-quyết vấn-đề sinh-tồn của hạng vô-sản trong xã-hội Âu Châu và thế-kỷ thứ 19, lúc chế-độ tư-bản hãy còn quá khắc-nghiệt.
Những chủ-nghĩa dân-chủ và xã-hội đã phát-sanh ở những xã-hội trù-phú và độc-lập. Nó chỉ lo giải-quyết vấn-đề sinh-tồn của cá-nhơn hay một hạng người xấu số trong nước. Chủ-nghĩa Tam Dân của Tôn Văn thì phát-sanh ở nước Trung-Hoa là một quốc-gia có một lịch-sử vẻ vang, một nền văn-học rực rỡ, nhưng từ thế-kỷ thứ 19 trở đi bị các cường-quốc Âu Mỹ uy-hiếp, lăng-nhục một cách quá đáng.
Nhận thấy dân-tộc mình trải một nguy-cơ rất to, Tôn Văn đứng ra kêu gọi đồng-bào tranh-đấu cho dân-tộc mình được tự-do và bình-đẳng với các dân-tộc khác. Trong chủ-nghĩa dân-tộc, Tôn Văn nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng nếu người Trung-Hoa không hợp-tập nhau lại, nhận chịu một kỷ-luật gắt gao để tranh-đấu với các dân-tộc khác đang uy-hiếp mình, họ sẽ bị diệt-vong.
Vậy, chủ-nghĩa Tam Dân xuất-hiện để giải-quyết vấn-đề sinh-tồn của dân-tộc Trung-Hoa. Mặc dầu có nhắc đến lý-tưởng dân-chủ, Tôn Văn đã cải-hoán nó đi. Ông bảo rằng người Trung-Hoa từ xưa đã sống trong một chế-độ tự-do và bình-đẳng quá-độ, thành ra yếu hèn đi, cho nên hiện nay phải hy-sanh sự tự-do và bình-đẳng cá-nhơn của mình để tranh-đấu cho dân-tộc mình được tự-do và bình-đẳng so với các dân-tộc khác. Điều này chứng tỏ thêm rằng Tôn Văn nhắm vào sự sinh-tồn của dân-tộc Trung-Hoa nhiều hơn sự sinh-tồn của người Trung-Hoa với tư-cách là một cá-nhơn.
Chủ-nghĩa chủng-tộc của Hitler cũng có một tánh-cách tương-tự. Dân-tộc Đức là một dân-tộc nhiều năng-lực, nhưng sau trận chiến-tranh 1914-1918, lại bị lâm vào một tình-thế khó khăn. Bên ngoài, dân-tộc ấy bị hòa-ước Versailles bó buộc, lại bị các đế-quốc nhiều thuộc-địa giành mất cả các thị-trường nên không có chỗ tiêu-thụ những sản-phẩm của nền kỹ-nghệ mình. Bên trong, người Đức lại bị dân-tộc Do-thái lũng-đoạn nền kinh-tế và lợi-dụng thế-lực tiền-tài mà chi-phối đời sống chánh-trị.
Chủ-nghĩa chủng-tộc đã được nêu ra để một mặt giải-quyết vấn-đề Do-thái, một mặt thúc giục người Đức tranh-đấu để phá vỡ vòng vây mà các đế-quốc buộc chung quanh mình. Trong các diễn-văn của mình, những lãnh-tụ Quốc-xã Đức không ngớt nhắc đến vấn-đề « sanh địa » cần-thiêt cho dân-tộc mình. Như thế chủ-nghĩa chủng-tộc thật-sự cũng nhắm vào mục-đích mưu-đồ sự sinh-tồn cho dân-tộc Đức.
Các chủ-nghĩa chánh-trị đã lưu-hành từ trước đến nay đều vô-tình hay hữu-ý, gián-tiếp hay trực-tiếp, hướng đến chỗ mưu-đồ sự sinh-tồn cho người. Nhưng vì không có một ý-thức rõ rệt về sự sinh-tồn của người, hoặc chỉ nhắm vào việc giải-quyết những vấn-đề cấp-thời của xã-hội, các chủ-nghĩa ấy không bao quát được cả vấn-đề sinh-tồn. Đó là lý-do khiến cho nó có tánh-cách địa phương và tạm-thời, nghĩa là chỉ thích-hợp cho một xã-hội nhứt-định trong một thời-kỳ nhứt-định. Trong những chủ-nghĩa nói trên đây, có cái lấy sự sinh-tồn cá-nhơn làm mục-đích. Những chủ-nghĩa này hướng đến chỗ giải phóng con người khỏi các sự thúc-phược của xã-hội. Do đó, nó có thể đi đến chủ-trương phóng-túng làm cho những mối dây xã-hội lỏng lẻo đi và xã-hội trở thành hỗn-loạn.
Một số chủ-nghĩa khác lại hướng đến sự sinh-tồn của đoàn-thể nhiều hơn. Nó lấy đoàn-thể làm cứu-cánh cho mọi hoạt-động, và mặc dầu về nguyên-tắc, nó có ca ngợi con người, về mặt thực-tế, nó phủ nhận giá-trị và phẩm-cách của người. Do đó, nó làm cho đoàn-thể mạnh lên, nhưng lại làm cho dân-chúng khổ-sở.
Ngoài sự phân-biệt về chủ-trương mưu-đồ, hoặc sự sinh-tồn của cá-nhơn, hoặc sự sinh-tồn của đoàn-thể, các chủ-nghĩa chánh-trị lại còn phân-biệt nhau về phạm-vi hợp-quần của người. Những chủ-nghĩa mạng-danh là quốc-gia hướng về chỗ tranh-đấu riêng cho một dân-tộc hay một quốc-gia. Những chủ-nghĩa mạng-danh là quốc-tế thì lấy thế-giới đại-đồng làm lý-tưởng cho mình.
Chủ-nghĩa quốc-tế có thể liên-hợp với chủ-nghĩa cá-nhơn: những người ước muốn cho cá-nhơn được giải-phóng hoàn-toàn cũng muốn cho toàn-thể thế-giới được hòa-bình vì sự hòa-bình thế-giới là điều-kiện cần-thiết để cá-nhơn được tự-do và sung sướng. Nhưng nó cũng có thể đi đôi với chủ-trương kỷ-luật: chủ-nghĩa cộng-sản hướng đến một thế-giới đại-đồng cộng-sản trong đó mọi người đều bị khép vào một khuôn khổ khắc-nghiệt.
Chủ-nghĩa quốc-gia nhiều khi cũng gián-tiếp hướng đến mục-đích quốc-tế. Thật-sự thì một số người theo chủ-trương quốc-gia có ý muốn chinh-phục hoàn-cầu và thực-hiện cảnh thế-giới đại-đồng theo một chiều có lợi cho dân-tộc mình. Hitler đã chủ-trương thống-nhứt nhơn-loại dưới quyền điều-khiển của dân-tộc Đức. Một số chủ-nghĩa quốc-gia khác lại cố-gắng đi đến một sự hợp-tác giữa các nước trong các hội-họp quốc-tế, và như thế, cũng hướng đến sự hòa-bình giữa các dân-tộc.
Xét tất cả những chủ-nghĩa chánh-trị đã lưu-hành ta nhận thấy rằng vì không bao-quát cả vấn-đề sinh-tồn của người, nó chỉ lo cố-gắng giải-quyết một phần của vấn-đề này và trả lời cho một số nhu-cầu của người mà thôi. Do đó, mặc dầu về lý-thuyết, nó không phải cố-ý làm khổ người hay làm yếu đoàn-thể, và thực-tế, nó đã thiên hẳn về sự sinh-tồn của cá-nhơn mà làm hại cho sự sinh-tồn của đoàn-thể, hoặc thiên về sự sinh-tồn của đoàn-thể mà làm hại cho sự sinh-tồn của cá-nhơn.
Sự thiên lệch này tự-nhiên là có hại cho sự sinh-tồn của người. Đoàn-thể mà yếu thì sự sinh-tồn của cá-nhơn phải bị uy-hiếp. Trái lại, nếu cá-nhơn khổ quá, đoàn-thể cũng phải bị yếu hèn. Chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn lấy việc mưu-đồ sinh-tồn của người làm cứu-cánh cho nên bao-quát cả được vấn-đề hoạt-động của người. Nó chủ-trương dung-hòa sự sinh-tồn của cá-nhơn với sự sinh-tồn của đoàn-thể.
Thật ra thì việc dung-hòa sự sinh-tồn của cá-nhơn với sự sinh-tồn của đoàn thể không phải đễ thực-hiện, cũng không phải chỉ có một phương-thức duy-nhứt. Trong nhiều trường-hợp, sự sinh-tồn của đoàn-thể bị uy-hiếp thái-quá, và người chỉ-huy cần phải khép cá-nhơn vào một kỷ-luật gắt gao để cứu đoàn-thể. Nhưng một khi sự sinh-tồn của đoàn-thể có điều-kiện để được bảo-đảm, ta mở rộng chế-độ ra để cho cá-nhơn được thơ-thới hơn.
Các chủ-nghĩa chánh-trị đã lưu-hành từ trước đến nay vì tánh-cách thiên lệch của nó nên không hợp với những thay đổi trên này. Chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn, trái lại, tự chứa đựng nguyên-tắc dung-hòa sự sinh-tồn cá-nhơn và đoàn-thể nên rất hợp với những sự biến-chuyển chánh-sách nêu ra trên này. Nếu nó hô-hào người hy-sanh quyền-lợi cá-nhơn, hy-sanh cả tánh-mạng cho dân-tộc, nó cũng chủ-trương rằng sự sinh-tồn của cá-nhơn, và quốc-gia phải lấy việc mưu-đồ sự sinh-tồn sung-mãn cho các công-dân làm mục-đích chánh-yếu của mình.
Đứng về mặt phạm-vi hợp-quần mà nói, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn là một chủ-nghĩa quốc-gia. Nhưng nó không phải là một chủ-nghĩa quốc-gia quá khích chủ-trương phủ nhận giá-trị và phẩm cách con người, hoặc chủ-trương triệt hạ các quốc-gia khác.
Thật-sự thì chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn vốn chủ-trương rằng các dân-tộc cần phải tranh-đấu lẫn nhau để mưu-đồ sự sinh-tồn của mình nên không có tánh-cách tươi đẹp hoàn-toàn như nhiều chủ-nghĩa mơn trớn giấc mộng thế-giới đại-đồng.
Sự tranh-đấu không ngừng và sát phạt nhau bắt buộc người phải gắng sức không ngừng, và gây nhiều cảnh thảm-mục thương-tâm làm cho loài người chán ghét và kinh tởm. Bẩm-tánh lười biếng tự-nhiên của người thúc-giục người đến việc mưu sinh-tồn mà không phải cực nhọc hay nguy-hiểm. Xét các thiên-đường mà các dân-tộc tưởng-tượng ra, ta thấy rằng cái nào cũng là nơi người hưởng mọi lạc- thú mà khỏi làm động gì đến móng tay. Và những thời-đại hoang-đường mà người gọi là « hoàng kim» cũng là thời-đại mưa thuận, gió hòa, người chỉ cần hoạt-động chút ít là đủ sống.
Những chủ-trương thế-giới đại-đồng và cá-nhơn phóng-túng vốn trả lời cho khuynh-hướng lười biếng cố-hữu trên đây nên được rất nhiều người mến thích. Như ta đã thấy, thế-giới đại-đồng luôn luôn chỉ là một ảo-mộng, còn chủ-trương cá-nhơn phóng-túng chỉ có thể đưa xã-hội đến sự hỗn-loạn.
Về phần sự sinh-tồn thiết-thực, nó bắt buộc người phải chiến-đấu một cách mãnh-liệt. Từ trước đến giờ, người đã phải chiến-đấu, và người của thời nay cũng như người của ngàn muôn năm về sau cũng sẽ phải chiến-đấu như thế. Những cá-nhơn hay đoàn-thể không chịu tranh-đấu, nhứt-định không thể sinh-tồn được: không bị tiêu-diệt, họ cũng phải làm nô-lệ cho người. Muốn sinh-tồn người phải chiến-đấu. Mà sự chiến-đấu lại bắt buộc người phải khép mình vào một hàng-ngũ, người dầu có chiến-đấu, cũng không thể đi đến chỗ thành-công, và tự-nhiên, không thể sinh-tồn được.
So với những chủ-nghĩa hướng đến cảnh thế-giới đại-đồng hay đến phóng-túng cá-nhơn, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn không có tánh-cách lý-tưởng bằng, nhưng lại thiết-thực hơn. Nó không phải là giấc mơ tươi đẹp đầy hứng thú, mà là kết-quả của một sự nhận xét về nguyện-vọng sinh-tồn của người và những điều-kiện gắt gao nhưng thực tại chi-phối sự hoạt-động sinh-tồn.
Nếu đứng về mặt lý-tưởng thuần-túy mà nói, người ta có thể đặt những chủ-nghĩa chánh-trị mơn trớn giấc mộng thế-giới đại-đồng hay giấc mộng phóng-túng cá-nhơn lên trên chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn thì về mặt thực-tế, người ta phải công-nhận là chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn có giá-trị hơn, vì nó có đủ điều-kiện hơn để hưóng-dẫn con người trong sự mưu-đồ sinh-tồn cho mình.
Trong sự hoạt-động chánh-trị, sự thực-tế phải xem là đức-tánh cần-thiết nhứt, vì hoạt-động chánh-trị có ảnh-hưởng đến cả xã-hội loài người, và một sự lầm lạc cỏn con có thể mang những tai-hại đến cho một số đông người, có khi trong nhiều thế-hệ. Trong trường-hợp đó, một chủ-nghĩa thiết-thực cần-ích cho người và đáng được cho người tin theo hơn là một chủ-nghĩa không-tưởng.
Vì không chịu quan-sát sự thật, không dám nhìn thẳng vào sự thật, những chủ-nghĩa chánh-trị đã lưu-hành đều thất-bại trong sự kiến-thiết một xã-hội tốt đẹp. Các lý-thuyết thần-quyền hướng con người đến chỗ phụng-sự những thần-minh mà lãng quên nhơn-loại. Chủ-nghĩa dân-chủ nêu ra một nguyên-tắc sai lầm là con người sanh ra tự-do và bình-đẳng nhau và phải được tự-do va bình-đẳng hoàn-toàn trong xã-hội. Chủ-nghĩa xã-hội duy-vật cũng dựa vào một chủ-trương không đúng đắn là chủ-trương phân loài người ra làm hai giai-cấp xung-đột nhau. Chủ-nghĩa Phát-xít và chủ-nghĩa chủng-tộc cũng không hơn gì những chủ-nghĩa trên đây vì nó quan-niệm quốc-gia và chủng-tộc một cách quá hẹp hòi và phủ-nhận giá-trị cá-nhơn. Những chủ-nghĩa Tam Dân và Tân Dân cố-gắng dung-hòa các chủ-trương trên, nhưng vì quá nghiêng về chế-độ độc-tài hoặc về chủ-trương quốc-tế, nó cũng không thành-công được.
Với một lập luận bắt nguồn từ ý-chí sinh-tồn của người với những kết-luận thực-tiễn rút ra từ những sự nghiên-cứu về sự tranh-đấu sinh-tồn của người, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn là một chủ-nghĩa quốc-gia khoa-học. Nó có nhiều điều-kiện thành-công trong sự xây dựng một xã-hội ổn-định điều-hòa trong đó người có thể sống còn một cách đầy đủ vui thú được.
Và mặc dầu lý-tưởng nó nêu ra không có tánh-cách tươi đẹp hoàn-toàn như lý-tưởng mà nhũng nhà không-tưởng nêu ra, nó vẫn hơn các chủ-nghĩa chánh-trị đã lưu-hành.
Với tánh-cách khoa-học của nó, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn không hẹp hòi như những chủ-nghĩa quốc-gia cổ-điển. Nó không chủ-trương xem quốc-gia là một thực-thể trừu-tượng thiêng-liêng mà người phải phụng-thờ một cách mù quáng, vì chủ-trương này thường đưa đến những lạm-dụng quá đáng, bắt đại chúng lảm nô-lệ cho một người hay một dòng họ.
Chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn chủ-trương xem quốc-gia là một tổ-chức đặt ra để giúp vào sự sinh-tồn của người. Nếu người phải phụng-sự quốc-gia, đặt quyền-lợi quốc-gia lên trên hết thì đó là vì quyền-lợi quốc-gia là quyền-lợi của tất cả mọi người, vì sự sinh-tồn của người với tư-cách là người bao giờ cũng phải được xem là cứu-cánh sau cùng của xã-hội.
Như thế, Dân-tộc Sinh-tồn, chủ-nghĩa quốc-gia khoa-học, tuy có khi cũng phải kêu gọi người hy-sanh cá-nhơn mình, vẫn tôn-trọng nhơn phẩm của người và vẫn nghĩ đến cá-nhơn. Xét các nguyên-lý căn-bản của nó, ta sẽ thấy rằng nó công-nhận những phần tốt đẹp của các chủ-nghĩa hướng về việc phụng-sự cá-nhơn.
Nó chấp-nhận những tự-do căn-bản của người: tự-do thân-thể, tự-do đi lại, tự-do hội-họp, tự-do tín ngưỡng, tự-do tư-tưởng v.v… vì nó cho rằng những tự-do này hết sức cần-thiết cho sự sinh-tồn của người.
Sở-dĩ nó không lấy sự tự-do làm một chủ-trương căn-bản vì sự tự-do hoàn-toàn không thể đạt được. Hơn nữa, sự tự-do hiểu một cách sai lầm hay áp-dụng đến triệt-để chỉ có thể đưa xã-hội đến sự hỗn-loạn. Ngay trong xã-hội tôn thờ lý-tưởng tự-do, nhiều người vẫn còn bị pháp-luật bó buộc rất nhiều. Trong trường-hợp đó, lấy sự tự-do làm mục-tiêu tranh-đấu, người ta có thể đưa xã-hội đến chỗ hỗn-loạn, nếu không tự mâu-thuẫn với mình.
Chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn, với chủ-trương chấm dứt sự bóc lột cần-lao và nâng cao đời sống vật-chất của hạng bần-cùng, cũng rất thích-hợp với tinh-thần xã-hội.
Nó sở-dĩ không hô-hào bình-đẳng triệt-để vì sự bình-đẳng triệt-để không thể thực-hiện được bởi lẽ người vốn không bình-đẳng nhau rồi. Để cho mọi người ở vào một khung cảnh như nhau, rồi cho họ tự-do hoạt-động, ta không thực-hiện được sự bình-đẳng, vì trong trường-hợp đó, người giỏi sẽ hơn kẻ dở, người khôn sẽ hơn kẻ ngu, người mạnh sẽ hơn kẻ yếu. Trái lại, bắt mọi người đứng ngang hàng nhau mãi cũng không thực-hiện được lý-tưởng bình-đẳng, vì trong trường-hợp này, người ta xem những kẻ bất-tài y như những kẻ có tài.
Sự bình-đẳng hoàn-toàn đã không thực-hiện được thì sự hô-hào bình-đẳng sẽ gây rối loạn cho xã-hội chớ không có ích-lợi gì. Điều cần-thiết là hủy bỏ những chế-độ bất-công, và bảo-vệ những hạng người hèn kém để chọ khỏi bị bắt nạt hay bị bóc lột. Tuy không lấy tự-do và bình-đẳng làm nguyên-tắc chủ yếu cho lý-luận mình, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn vẫn công-nhận những tự-do căn-bản của người, và cố-gắng san bằng những nỗi bất-công trong xã-hội. Như thế, nó thâu-thái được những cái hay của các chủ-nghĩa dân-chủ và xã-hội, mà lại tránh được những cái hại của các chủ-nghĩa ấy.
Một mặt khác, chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn, vốn chủ-trương các dân-tộc phải tranh-đấu nhau không ngừng nên rất thích-hợp với sự tiến-hóa. Nhờ chỗ dân-tộc nào cũng cố-gắng lên mãi để hơn dân-tộc khác mà cả nhơn-loại đều có thể tiến-bộ rất nhanh. Lịch-sử cận đại đã cho ta thấy rõ rằng chính trong những thời-kỳ chinh-chiến mà nền kỹ-thuật của người bước tới những bước khổng-lồ.
Điều duy-nhứt mà người ta có thể trách chủ-nghĩa Dân-tộc Sinh-tồn là nó tàn-nhẫn quá. Lời trách móc này có thể đúng. Nhưng thật ra sự tàn-nhẫn đó không phải tự nơi chủ-nghĩa ấy mà ra. Nó do cái định-luật thiên-nhiên chi-phối đời sống của muôn loài từ vạn cổ đến giờ.
Tạo-hóa đã khép đời sống các sanh-vật vào một khuôn khổ mà nó không thể vượt ra được. Sống là tranh-đấu, không tranh-đấu là chết. Người không muốn chấp-nhận luật này cũng không làm sao khác được. Và chung-qui chỉ còn có một vấn-đề được nêu ra cho người: muốn sống hay là không muốn sống.
Nếu người không muốn sống thì vấn-đề rất giản-dị. Nhưng sự thật, người luôn luôn muốn sống mà không phải chỉ muốn sống lấy còn, lấy có. Người muốn sống một cách đầy đủ về cả hai mặt vật-chất và tinh-thần.
Một khi ý muốn sống đầy đủ này còn thì sự cần dùng tranh-đấu vẫn còn. Không chấm dứt được ý muốn của người, ta chỉ có thể làm dịu sự tranh-đấu bằng cách giữ cho người ngu-độn để dễ tự-mãn tự-túc, hoặc khép họ vào một khuôn khổ khắc-nghiệt, dùng sự bạo-tàn để chế-ngự họ và nô-lệ-hóa họ khiến cho họ không còn một phản-ứng gì tự-nhiên nữa.
Thánh-kinh của người Âu Mỹ cho thủy-tổ của loài người là A-đam (Adam) và E-va (Eve) chỉ sung sướng khi họ ngây thơ không hiểu-biết gì cả. Khi trái ý Thượng-Đế mà ăn quả cây cấm giúp họ hiểu-biết, họ cảm thấy xấu hổ và bắt đầu từ đó phải chịu bao nỗi cực-khổ của kiếp sống trần-gian. Ý-kiến trên này rất đúng. Nhưng liệu ta có nên chủ-trương làm cho người ngu-độn để cho họ dễ thấy sung sướng và chấm dứt sự tranh-đấu nhau hay không? Nhóm cộng-sản đã mặc-nhiên chấp-thuận điều này khi chủ-trương nhồi sọ nhơn-dân và gò bó tư-tưởng mọi người trong một khuôn khổ chật hẹp.
Nhưng điều này thật ra cũng không đủ để làm cho cái thế-giới đại-đồng cộng-sản được an-ổn vững chắc. Ngoài việc giam hãm trí óc người vào trong một cái vòng bé nhỏ, cộng-sản còn phải duy-trì một chế-độ cảnh-sát gắt gao để biến-tánh người, diệt các tình-cảm, và làm cho người hóa ra cái máy không một phản ứng tự-nhiên nào.
Nền hòa-bình mà cái thế-giới đại-đồng trên này tạo ra, dầu có thực-hiện được, cũng không phải là tốt đẹp cho người, vì người không phải chỉ muốn sống như súc-vật, mà muốn sống một cách cao- nhã hơn. Phương chi, nó không thể nào thực-hiện được một cách đàng-hoàng. Dầu cho đại-đa-số nhơn-loại có trở thành hoàn-toàn tuân lịnh chính-phủ trung-ương, sự tranh-đấu vẫn còn, còn giữa thiểu số nhơn-viên lãnh-đạo thế-giới cộng-sản. Sự tranh-đấu này, tuy không mang hình-thức một cuộc chiến-tranh thật-sự, cũng làm đổ máu nhiều và gieo rắc sự khổ-sở cho người.
Nói tóm lại, chủ-trương làm cho người ngu-độn và nô-lệ hóa họ để xây nền hòa-bình cho nhơn-loại không thể thực-hiện được, mà dầu có thực-hiện cũng không phải lợi cho nhơn-loại. Loài người vốn muốn sống, sống một cách đầy đủ, sống một cách cao-nhã. Mà muốn được sống như thế, họ chỉ còn có một cách là chấp-nhận sự tranh-đấu một cách anh-dõng. Đúng như thi sĩ Pháp đã nói: « Rên siết, khẩn cầu hay khóc lóc cũng đều là hèn cả ». Người muốn sống một cách ngang-nhiên chỉ có thể lặng lẽ nhận lấy vai tuồng mình trong mặt trận dân-tộc mà thôi.
Điều người có thể làm được là cố-gắng nhơn-đạo-hóa sự tranh-đấu một phần nào để cho loài người bớt khổ. Còn giấc mộng hòa-bình trong một nhơn-loại đại-đồng, nó chỉ có thể thực-hiện được khi nào cả loài người đều đứng trước một hiểm-họa chung rất lớn lao, như sự xâm lấn của một loài sanh-vật khác từ một hành-tinh khác kéo đến mà thôi. Có đổ cái ghét, cái vị-kỷ nơi loài khác, người mới có thể chấm dứt sự chia rẽ bên trong nhơn-loại mà đoàn-kết nhau lại.
Khi nào hiểm-họa này chưa có, người vẫn còn xung-đột nhau. Vấn-đề chấm dứt xung-đột, nếu có được nêu ra thì cũng chỉ đưa đến những cuộc bàn cãi suông, những quyết-nghị không-tưởng, chớ không thể đi đến những kết-quả gì tốt đẹp hơn.
Lý-tưởng cao nhứt mà người có thể đạt được là cố tránh sự sát-phạt nhau thái-quá và hướng nhiều hơn đến sự tranh-đấu ôn-hòa. Sự thiết-lập những tổ-chức quốc-tế, những cơ-quan điều-giải những cuộc tranh-chấp giữa các quốc-gia sẽ có thể đưa đến nhiều kết-quả tốt.
Dầu sao, việc chấm dứt hẳn chiến-tranh cũng là một việc không có nhiều hy-vọng thành-công. Trong trường-hợp đó, người không thể mãi mê theo cái ảo-mộng đại-đồng, mà phải dám nhìn vào sự thật phủ-phàng. Có dám nhìn vào sự thật phủ-phàng, người mới tránh được những thất-vọng ê chề, tạo được cho mình một cuộc đời đáng sống, và luyện cho mình những đức-tánh tranh-đấu cần-thiết, những đức-tánh tranh-đấu nâng cao giá-trị và nhơn-phẩm của người.
00
Thuyết sinh hoạt và thuyết hiện sinh
Sau trận thế-chiến thứ nhì, một số ký-giả ở Sài Gòn đã đem lý-thuyết của một triết-gia Pháp tên là Jean Paul Sartre ra phổ-biến và phê-bình. Lý-thuyết ấy tiếng Pháp gọi là « Existentialisme », và một số ký-giả đã dịch lại là « Chủ-nghĩa Sinh-tồn ». Nhưng thật-sự, lý-thuyết của Jean Paul Sartre không dính dáng gì đến chủ-nghĩa Sinh-tồn trình bày trong sách này. Để đánh tan mọi sự hiểu lầm và giúp cho các bạn đọc-giả thấy rõ chỗ khác nhau ở hai bên, chúng tôi xin đăng sau đây một bài khảo cứu về thuyết Existentialisme mà chúng tôi dịch là « thuyết sinh-hoạt », và được một số người khác dịch là « thuyết hiện-sinh ». H.N
Những nhà triết học, tư-tưởng-gia từ ngàn xưa đến giờ đã luôn luôn băn khoăn suy nghĩ về những vấn-đề thế-giới là gì, có Thượng-Đế cai quản thế-giới hay không, người là gì, người từ đâu đến và đi về đâu.
Câu hỏi sau cùng: «người đi về đâu?» đã được người ta đặc-biệt chú ý và tìm cách trả lời. Thuyết sinh-hoạt chính là một trong những câu trả lời của các triết- gia Âu-Châu
I.- Thuyết nguyên thể và thuyết sinh hoạt
Nhưng không phải thuyết sinh-hoạt là thuyết đầu tiên mà người ta đã nghĩ ra để trả lời cho câu hỏi « người đi về đâu?».
Trong suốt bao nhiêu thế-kỷ, điều mà các triết-gia nhận thấy trước nhứt là sự quan-sát nhơn-vật bao quanh mình là sự trật-tự chi-phối thiên-nhiên và vạn-vật. Nhìn ra võ-trụ, người ta có cảm tưởng như là đi xem một buổi diễn kịch tổ-chức rất khéo-léo, trong đó mỗi kịch-sĩ đều thuộc vai tuồng mình và giữ đúng chỗ mình. Điều này làm cho người ta có ý so sánh cuộc đời như là chỗ kịch-trường.
Trên kịch-trường, một vở tuồng điều có nhiều vai tuồng và những kịch-sĩ. Các vai tuồng không bao giờ đổi, nhưng các kịch-sĩ thủ những vai tuồng ấy thì có thể thay đổi luôn luôn. Thí-dụ như ta đem diễn vở kịch «Người hà tiện» của Molière, thì vai tuồng anh Harpagon luôn luôn vẫn có một, nhưng anh kép thủ vai Harpagon ấy thì có thể thay đổi, kỳ thì anh Mít, kỳ thì anh Xoài.
Theo những triết-gia thời xưa thì sân khấu võ-trụ cũng y như sân khấu kịch-trường: mỗi người, mỗi vật đều đóng một vai tuồng nhứt-định. Các vai tuồng này, như vai tuồng Đàn Ông, Đàn Bà, Thi-sĩ, Cây, Đá, đều là những tiêu-chuẩn bất di bất dịch, vĩnh viễn, chủ yếu. Người ta gọi các vai tuồng ấy là Nguyên-thể (Essence). Những cá-nhơn hay đồ vật, như ông Mít, ông Xoài, cành cây, viên đá, cái bàn v.v… chỉ là những kép hát tạm-thời thủ những vai tuồng ấy. Những kép hát này sanh ra, sống rồi chết. Họ hiện sống, họ là những nhơn-vật sinh-hoạt (Existence).
Như thế, những triết-gia thời xưa cho rằng những nhơn-vật sinh-hoạt (Existence) chỉ là những vật phó-sản của các nguyên-thể (Essence). Nguyên-thể luôn luôn có trước nhơn-vật sinh-hoạt. Nhờ quan-niệm này người ta cắt nghĩa được bộ máy của võ-trụ và con người. Võ-trụ chỉ là toàn- thể những nhơn-vật do các nguyên-thể gây ra. Người chỉ là một nhơn-vật sinh-hoạt như bao nhiêu nhơn-vật sinh-hoạt khác, nhưng nhờ có mắt, mũi, tay chơn, trí óc, người cảm-giác được và chấp-nhận dễ dàng những nhơn-vật ở quanh mình và trật-tự của võ-trụ.
Ngoài ra, người lại hiểu rằng muốn thành kịch-sĩ xứng đáng, mình phải thuộc vở tuồng mình cho hay. Tất cả những qui- tắc luân-lý của những người theo thuyết nguyên-thể đều do nguyên-tắc trên này mà ra. Nếu ta là người thì nhiệm-vụ ta là phải sống cách nào cho thật giống với cái tiêu-chuẩn hoàn-toàn của người, cũng như cái xe hơi chỉ là cái xe hơi hoàn-toàn khi nào nó giống với cái xe kiểu mẫu do nhà phát minh chế tạo ra. Khi người không còn sinh-hoạt nữa thì kẻ khác sẽ tùy theo chỗ đời sống của người giống hay không giống cái nguyên-thể mà người đại-diện để định giá-trị của người. Người càng giống cái nguyên-thể Người thì càng xứng đáng làm người.
Thuyết nguyên-thể đại khái là thế. Nó đã được một số đông triết-gia thời trước chấp-nhận. Nhưng một số triết-gia khác không chấp-nhận thuyết này. Họ nhắc cho mọi người nhớ rằng không ai có thể gặp những nguyên-thể, những tiêu-chuẩn ở trên này ở đâu cả. Dầu cho ta có gọi những nguyên-thể ấy là Lý-tưởng, Thượng-Đế, Thiên-nhiên hay Tối-Sơ Nguyên-nhơn cũng vậy, tất cả những cái mà những triết-gia nguyên-thể gọi là tiêu-chuẩn vẫn là những ý-tưởng trừu-tượng, vô hình. Cho rằng thế-giới nguyên-thể không dựa vào sự thật, những triết-gia trên này đi tìm một mảnh đất chắc hơn để đặt nền tảng lý-luận của họ. Do đó, họ quay về yếu-lãnh thứ nhì của vấn-đề là nhơn-vật sinh-hoạt.
Những nhơn-vật sinh-hoạt này quả có thật. Và nếu không ai gặp được Thượng-Đế, Thiên-nhiên hay những luật võ-trụ bao giờ, người ta cũng luôn luôn gặp con người, cành cây, viên đá.
Lật ngược thuyết nguyên-thể lại, những người theo thuyết sinh-hoạt đặt ra nguyên-tắc : vật chắc chắn duy-nhứt, chính là nhơn-vật sinh-hoạt. Nhơn-vật sinh-hoạt trước có nguyên-thể mình, nghĩa là có những đức-tánh tạo nguyên-thể ấy.
Chỉ sau khi thấy nhơn-vật sinh-hoạt và quan sát tánh-chất của nó rồi người ta mới nghĩ đến cái nguyên-thể làm tiêu-chuẩn cho nó. Thuyết sinh-hoạt này lật đổ hết các quan-niệm nguyên-thể về võ-trụ và con người.
II.- Các thuyết sinh hoạt khác nhau
Ta đã thấy đại khái thuyết sinh-hoạt là gì. Nhưng muốn biết nó một cách rõ ràng hơn nữa, chúng ta cần phải biết qua quan-niệm của các nhà tư-tưởng theo thuyết sinh-hoạt về nhơn-vật sinh-hoạt.
Để trả lời câu hỏi « nhơn-vật sinh-hoạt là gì ? » những người theo thuyết sinh-hoạt chia nhau làm hai nhóm : nhóm sinh-hoạt công-giáo theo học phái của nhà học giả Đan Mạch, Kierkegaard, hay của nhà học giả Pháp, Gabriel Marcel, và nhóm sinh-hoạt vô-thần theo học phái Đức của Heidegger hay theo học phái Pháp của Jean Paul Sartre.
Đối với tất cả những người theo thuyết sinh-hoạt trên này, sinh-hoạt tức là thi-hành một cử chỉ, làm cho một việc có thể xảy ra thành một việc có thể xảy ra thật. Người là một vật sinh-hoạt, vì người luôn luôn biến đổi cái có thể xảy ra thành cái có thật. Thí-dụ như một người muốn hút thuốc, và đốt một điếu thuốc hút. Làm như thế, người biến mình từ trạng-thái người không hút thuốc qua trạng-thái người hút thuốc. Kế đó, người có thể biến thành từ trạng-thái người hút thuốc qua người uống cà phê v.v… Vậy, sinh-hoạt tức là chuyển biến, và sự chuyển biến này chỉ cảm thấy bên trong người, chớ không phải từ bên ngoài đưa đến. Do đó, danh-từ sinh-hoạt đối với những nhà tư-tưởng theo thuyết sinh-hoạt chỉ áp-dụng vào các sinh vật và nhứt là người. Đối với những người này, viên đá không phải là một vật sinh-hoạt, mà là một vật hiện-hữu. Người không phải do một tiêu-chuẩn nào mà gây được tánh-chất của mình, người tự tạo lấy mình từng giây, từng phút, cũng như con sò, con ốc không ngừng nhả chất vôi để làm cái vỏ bao mình.
Thêm nữa, sinh-hoạt, tức là được tự-do chọn lựa. Mỗi người khi đi từ trạng-thái này sang trạng-thái khác, đã chọn lựa một trong nhiều trạng-thái mà người thấy thích và muốn có. Thí-dụ : như người có thể ở nhà đánh bài chơi, hay thả rễu ngoài phố tùy theo ý-thích của mình.
Nhưng đối với người theo thuyết sinh-hoạt thì trên đời này không có những kiểu mẫu, tiêu-chuẩn gì làm gương cho người, không có những định-luật đại-đồng hướng-dẫn người trong sự chọn lựa: người hành-động theo một sức xung-động tự-nhiên trong lòng mình.
Hai nhóm người theo những thuyết sinh-hoạt khác nhau phân tách nhau về quan-niệm đối với sức xung-động này. Theo nhóm sinh-hoạt công giáo thì sức xung-động thúc giục người hành-động là một sự xung-tiến trong lòng Thượng-Đế (học phái Kierkegaard) hay một giai-đoạn trong bước tiến về Thượng-Đế (học phái Gabriel Marcel). Theo nhóm sinh-hoạt vô-thần thì sự xung-động này là một sự tự-do hoàn-toàn của người muốn làm gì thì làm, không làm thì thôi ; sự tự-do này không có cơ-sở nền tảng gì, và không dựa vào đâu cả (học phái Jean Paul Sartre).
Chung-qui, theo thuyết của Jean Paul Sartre thì với những hành-vi cử chỉ của chúng ta, chúng ta đào-tạo nên nhơn-cách của chúng ta, nhưng chúng ta nhắm mắt làm chứ không có tiêu-chuẩn, kiểu mẫu gì cả. Theo sự tình-cờ của hành-động mà ta trở thành một người hà-tiện, một anh phóng-đảng hay một vị anh-hùng. Nhưng sau khi có hình-dáng của một nhơn-vật rồi, chúng ta có thể, hoặc tiếp-tục hoàn-thành tánh-cách nhơn-vật ấy, nếu chúng ta có óc thủ-cựu, nhơn-tuần, hoặc tìm cách thoát ly nhơn-vật ấy bằng những cử-chỉ càng ngày càng tự-do hơn mà người ta thường gọi là phóng khoáng.
Nhưng nếu con người ở trong tình-trạng lù mù, lờ mờ và sống không mục-đích như thế thì con người không có trách-nhiệm gì cả hay sao ? Nhà sinh-hoạt vô-thần không chấp-nhận điều này. Họ cho rằng mỗi trạng-thái mà người chọn lựa, mỗi hành-động của người không những trói buộc con người mà còn trói buộc tất cả những người khác nữa. Sartre đã từng bảo: «Tôi phải chịu trách-nhiệm về chiến-tranh cũng như chính tôi đã từng đứng ra tuyên-chiến vậy».
Như thế, người phải chịu trách-nhiệm về tất cả những hành-động của mình và của người khác, mặc dầu giữa người này và người nọ không có sự thông-cảm nhau một cách hoàn-toàn, vì mỗi người đều sống cuộc đời riêng của mình, và tự tạo nên cuộc đời ấy.
Đối với vấn-đề nguồn gốc con người, và lý-do tồn-tại của nhơn-loại thì những người theo thuyết sinh-hoạt công giáo cho rằng đó là ý muốn của Thượng-Đế, và ý muốn này, người không sao hiểu được, còn người theo thuyết sinh-hoạt vô-thần thì cho rằng vấn-đề này không phải là một vấn-đề, và tự-nhiên không có sự giải-thích hay trả lời gì cả. Họ cho rằng sự sống của người và ngay đến con người đều là những sự kiện tuy có thật nhưng không giải-thích một cách hợp-lý được.
Nói tóm lại, theo thuyết sinh-hoạt của Jean Paul Sartre thì con người được tự-do hoàn-toàn, muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì thôi, nhưng sự chọn lựa thái-độ làm hay không làm, làm cái này hay cái khác chỉ là một sự chọn lựa mù quáng, bất định, ngẫu nhiên; tuy thế, người phải chịu trách-nhiệm về tất cả những hành-vi cử-chỉ của mình, đối với chính mình và đối với những người khác, mặc dầu về những người khác này, người chỉ có một ý-thức mơ-hồ, và sau cùng, người không biết mình đi về đâu, vì người chỉ là một vật mà sự tồn-tại rất phi-lý, không giải nghĩa được.
III.- Chỗ khác nhau giữa thuyét sinh hoạt và chủ nghĩa dân tộc sinh tồn
Vậy, thuyết sinh-hoạt không dính dáng gì đến chủ-nghĩa sinh-tồn.
Chủ-nghĩa sinh-tồn là một chủ-nghĩa chánh-trị còn thuyết sinh-hoạt chỉ là một quan-niệm triết-lý về con người. Tuy cả hai cùng nghiên-cứu về sự sống của con người, nhưng chủ-nghĩa sinh-tồn đặt nền tảng trên sự nhận xét về ý muốn sống còn của con người và khảo-sát sự hoạt-động của người với mục-đích hướng-dẫn con người trong sự tranh-đấu để phụng-sự ý muốn sống còn ấy, còn thuyết sinh-hoạt đặt nền tảng trên sự băn khoăn của con người về nguồn gốc và cứu-cánh của mình, và khảo-sát hoạt-động của người để giải thích cứu-cánh ấy. Sau khi lý-luận quanh quẩn một hồi, thuyết sinh-hoạt đi đến chỗ kết-luận rằng mình bất-lực, không đạt được mục-đích ấy, và để cho người lạc lỏng, ngẩn ngơ trước sự vô-lý của sự sống. Vì đó, chủ-nghĩa sinh-tồn có tánh-cách thiết-thực, nung lòng chiến-đấu và hướng-dẫn sự sinh-hoạt, nhứt là thuyết sinh-hoạt vô-thần, thì siêu hình, đem sự băn khoăn lo ngại đến thêm cho người và làm rủn chí người trước một sự hư-không khủng-khiếp, vô-ý-nghĩa.
Như thế, chủ-nghĩa dân-tộc sinh-tồn cần-thiết và ích-lợi cho người, còn thuyết sinh-hoạt không những vô ích mà lại còn có hại cho người. Những người công kích thuyết sinh-hoạt đã rất có lý mà cho nó là một học-thuyết lửng lơ không cơ-sở, không cứu-cánh, sản-phẩm của những bộ óc bịnh-hoạn, thiếu tinh-thần tranh-đấu và hay đeo vào sự băn-khoăn lo-ngại vẩn-vơ.
HẾT
Vui cười
Bà góa phụ trẻ bảo con gái:
– Nè con! Con lên nhà trên chào người ta đi. Người ta là Việt kiều Mỹ mới về thăm quê và muốn… biết mặt con…
– Mẹ ơi, “ổng” đẹp trai và sang trọng ghê! Con… con run quá hà!
– Có gì mà run. Trước sau gì người ta cũng là… cha con…
Hai người đàn ông nói chuyện với nhau:
– Anh có thích phụ nữ ngu ngốc không ? – Không.
– Những phụ nữ hút thuốc không ? – Không.
– Những phụ nữ không biết nấu ăn không ?- Không.
– Những phụ nữ dữ tợn không ? – Không.
– Thế thì tôi không hiểu tại vì sao anh lại ve vãn vợ của tôi.
Một ông đi nhầm giầy, chiếc cao chiếc thấp. Ra đường bước khó khăn, nhìn xuống chân mới biết. Ông sai đầy tớ vế nhà lấy chiếc giầy kia ra. Anh đầy tớ chạy vế nhà một lúc rồi trở lại thưa:
– Thưa ông chủ, hai chiếc giầy ở nhà cũng chiếc cao chiếc thấp thôi ạ.
Hai anh bạn tri kỷ tâm sự với nhau:
-Tí à, cậu thích mục nào trong ti vi nhất?
-Mục bóng đá !
-Cậu bắt đầu mê bóng đá từ bao giờ thế?
-Mê cái con ma gì, tại tới mục đó thì vợ tớ mới chịu tắt đèn đi ngủ!
Ai mới là NGỤY – Tiểu Tử
Lời tác giả: Trong ngôn ngữ thông thường miền Nam Việt Nam trước tháng tư 1975, tiếng “ngụy” nghĩa là “giả” ít thấy có ai dùng tới. Cái gì không phải thứ thật, không phải thứ “chánh cống”, không phải thứ “có cầu chứng tại tòa”… là người ta gọi hoạch tẹt là “đồ giả”, chớ không ai gọi là “đồ ngụy” hết. Ví dụ như rượu giả, thuốc giả, vú giả, bạc giả, v.v.
Bởi vì từ ngữ hồi đó rất… thật!
Sau tháng Tư 1975, tiếng “ngụy” đã theo gót dép râu (Xin lỗi! Chỗ này văn chương nghe chỏi lỗ tai một chút, nhưng rất tả chân. Không thể viết “theo gót giầy” như xưa nay thường viết, vì đối tượng ở đây toàn mang dép râu cả!) quân nón cối và quân mũ tai bèo vào Nam làm “cách mạng”.
Sau biến cố, toàn dân miền Nam đều phải đi “học tập” ba hôm. Chính trong ba hôm đó người ta mới nghe lần đầu tiên tiếng “ngụy”. Và nghe đầy lỗ tai!
Vậy là đầu hôm sớm mai, tiếng “ngụy” được nhét vào ngôn ngữ miền Nam một cách “ngang xương”, không cần phổ thông đầu phiếu! Mới đầu nghe lạ hoắc, không hiểu ý nghĩa sâu đậm của nó. Cũng chẳng có ai giải thích. Mà ví dụ có ai to gan lớn mật đặt câu hỏi thì cán bộ cũng chỉ giải thích ngang như cua thôi!
Thành ra nhân dân miền Nam hiểu tiếng “ngụy” một cách rất tự do, và sử dụng tiếng “ngụy” rất rộng rãi (được “giải phóng”, có khác!). Thôi thì cái gì của miền Nam cũng đều biến thành “ngụy” ráo. Để phân biệt với “cách mạng”! Thằng ngụy, vợ ngụy, con ngụy, lính ngụy, chánh quyền ngụy, cơ sở ngụy, xí nghiệp ngụy, công nhân ngụy, “hầm-bà-lằng” ngụy… Và người ta nghĩ một cách rất đơn giản, rất thật thà: “Hễ thấy không có đóng con dấu ngôi sao đỏ thì cứ xếp vào đồ ngụy, là ăn chắc.”
Thật ra, khi dán cái nhãn “ngụy” lên miền Nam, “Đảng và Nhà Nước” muốn nhân dân “chủ yếu là nhân dân miền Bắc” hiểu theo định nghĩa “ngụy” là giả, giả nhân giả nghĩa, giả đạo đức, giả yêu nước thương dân, “ngụy” là đoạt của người ta mà nói là của mình, là bịp, là láo, là phiến loạn…
Về sau, khi nhân dân cả hai miền đều mở mắt, tiếng “ngụy” ít thấy dùng tới. Nhưng bây giờ thì mọi người đều nhận ra ai mới đúng là ngụy. Lớp ngụy trang bị rơi xuống, những ngụy ngôn bị vạch trần, thì chân tướng ngụy lòi ra rõ rệt, đến người mù cũng phải thấy
Viết dài dòng để “đả thông tư tưởng” trước khi vào chuyện.
Ông Tư Hận là thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu.
Ông thuộc gia đình trung lưu. Hồi 1945, cha và anh của ông đi kháng chiến rồi đi luôn ra Bắc. Từ đó, không được tin tức gì hết. Mẹ của ông là giáo viên tiểu học, xem việc dạy dỗ trẻ con là một thiên chức.
Bà thường nhắc về người cha và người anh vắng mặt, nhứt là người anh với những kỷ niệm đẹp của thời mà hai anh em còn ở chung với nhau: “Anh Hai của con thương con lắm. Đi học về là cởi trần rồi cõng con chạy cà bồng cà bồng quanh sân vừa chạy vừa hí rân như ngựa làm cho con cười hắc hắc. Mà con thì hay nhõng nhẽo với anh Hai con, đi đâu cũng bắt nó cõng hết. Còn khi nào con đòi cái gì không được, con hay vừa khóc vừa la để ba tưởng là anh Hai chọc con, ba rầy ảnh! Tội nghiệp! Những lúc thấy con sắp sửa làm trận như vậy, anh Hai con thường đưa đầu biểu con đánh nó đi chớ đừng khóc la, sợ ba rầy!” Rồi bà kết luận: Tánh tình nó tốt lắm!
Ông lớn lên trong vòng tay người mẹ, được giáo dục bằng tình thương, xem gia đình là căn bản, lấy đạo đức làm phương châm. Và ông giữ mãi trong lòng sự mến mộ “người anh Hai lúc nào cũng làm vui lòng em, lo lắng cho em, bảo vệ em.” Mãi đến năm 1973, mới được tin qua một người bà con rằng cha mất đã lâu và người anh bây giờ là tướng của “ngoài đó”. Thật là bàng hoàng. Mẹ ông khóc hết nước mắt. Thời gian sau, bà nói: “Mẹ chỉ mong cho mau hết giặc, để anh em con về sống bên mẹ yên vui như ngày xưa. Chừng đó, mẹ mãn nguyện để theo ông theo bà.”
Mẹ ông qua đời vào giữa năm 1974, chưa kịp thấy cảnh “hết giặc” ra làm sao và chưa kịp gặp đứa con làm tướng…
Mấy hôm sau ngày 30 tháng tư 1975, ông tướng nhờ người bà con đưa lại nhà ông Tư Hận. Xa cách đã ba mươi năm, nhưng hai anh em vẫn nhìn ra được nhau. Bởi vì họ giống nhau như đúc. Sau mấy giây ngỡ ngàng, họ xà vào ôm lấy nhau siết chặt. Cả hai đều không cầm được nước mắt. Bà Tư Hận và bốn đứa con, ba trai một gái, đã lớn hết, hai đứa đại học và hai đứa trung học cấp hai đứng nhìn cảnh hai anh em ôm nhau, cũng bồi hồi xúc động.
Sau đó là bữa cơm gia đình để hai anh em kể cho nhau nghe những biến thiên của đời mình, của thời cuộc. Tiếp theo là ông tướng mang hành trang lại ở với gia đình ông Tư Hận, để có anh có em.
Ông bà Tư Hận có hai cái nhà. Cái mà ông bà đang ở với hai con học trung học, là loại vi-la lầu có sân lót gạch và vườn cây kiểng hồ cá trang trí theo kiểu Nhựt. Nhà này do ông bà tự cất lấy hồi thời các con còn nhỏ. Về sau, ông được thuyên chuyển ra miền Trung một thời gian. Ông đem hết gia đình ra ngoài đó, để nhà cho Mỹ mướn. Nhờ vậy, mấy năm sau, ông mua thêm một căn phố nhỏ cho hai đứa con trai lớn ở, khi chúng nó vừa vào đại học.
Sau khi đi xem nhà, ông anh bảo:
– To thế thì ở làm gì cho hết? (Bây giờ ông anh nói pha giọng Bắc rất nhiều). Nguyên cái buồng ngủ thôi cũng chứa cả môt hộ bốn năm người đấy!
Hôm sau, ông Tư Hận được người anh khuyên:
– Chú làm cái vườn như thế này là phí đất. Đào lên đi để trồng trọt khoai bắp cho các cháu có mà ăn. Phải biết tăng gia chứ!
Mới đầu, ông hơi phật ý. Nhưng, khi nhìn sang hàng xóm thấy nhà nào cũng đào cũng xới kể cả dải đất hẹp bé nằm dọc theo chân tường rào phía ngoài đường, ông nghĩ: “Mình cũng phải làm như thiên hạ, cho yên thân”.
Vậy là cha con ông hè hụi đập nạy, cạy khươi, gạch, bê-tông, hồ cá cho lòi đất rồi tỉa đậu trồng mì! Khu vườn Nhựt Bổn mà ông Bà Tư Hận đã tự tay xây đắp, bây giờ tan hoang lồi lõm giống như bãi đổ xà bần. Nhà ông Tư Hận bây giờ mới thật sự mang nét cách mạng!
Ông anh “tên R [Rận]” làm việc ở đâu, hỏi không bao giờ nói. Chỉ thấy mỗi sáng có xe của cơ quan đến rước, chiều đưa về. Ông Tư Hận, sau khi khai lý lịch ở tòa đô chánh, tối ngày ngồi nghe tin tức qua ra-đi-ô. Bà Tư Hận không dám nấu nướng trong bếp bằng lò ga. Bà sợ làm như vậy nó “ngụy” quá đi, nên bà dựng ở hàng ba mấy cục gạch rồi nấu bằng than củi, bằng lá khô… Bà kê cạnh đó một cái bàn thấp để chén đũa mắm muối, còn nồi niêu dao thớt thì cứ bỏ nằm lỏng chỏng dưới đất bên cái thau nhôm lớn đựng nước để dùng cho việc nấu nướng rửa ráy.
Nước lấy từ ống cao su trước đây dùng tưới vườn. Nước dơ thì cứ tạt cha nó ra sân. Bà Tư Hận ngồi chồm hổm làm bếp, chổng khu thổi lửa khói bay um tùm làm đôi khi bà nhớ thời thơ ấu, bốn mươi mấy năm về trước, hồi ở dưới quê với bà ngoại, bà hay nhìn bà ngoại nấu cơm như bà làm bây giờ. Chỉ khác là hồi đó chưa có cách mạng! Ông anh có vẻ hài lòng về tác phong của bà Tư Hận, nên khen: “Cô thật là sớm giác ngộ!”
Một hôm, đài phát thanh gọi các sĩ quan ngụy đi trình diện học tập. Và nói rõ: “Đem theo tiền ăn cho một tháng”. Ông Tư Hận lo lắng, hỏi ý kiến ông anh thì được trả lời:
– Chú cứ yên tâm đi học tập. Anh bảo đảm không sao hết.
Vậy là ông Tư Hận hun vợ con, xách ba-lô lên đường, còn dặn:
– Ở nhà có bác Hai “R[ận]”. Mẹ con bay cần gì thì nhờ bác nghen.
Một tháng sau, không thấy ông về, bà Tư Hận hỏi ông anh thì được trấn an một cách rất bình thản:
– Cô yên tâm. Vài hôm là về thôi!
Cứ thế, vài hôm rồi vài hôm… dài dài… Bà Tư Hận nóng lòng, chạy đi gặp mấy bà bạn cũng là vợ sĩ quan, mới hay rằng có thể chồng đã bị chở đi luôn ra ngoài Bắc. Bà lau nước mắt, về quây quần với mấy con, ngồi đợi ông anh. Gặp ông, bà mếu máo:
– Họ chở nhà tôi đi mất rồi.
– Đi đâu mà mất? Còn tập trung cải tạo ở trong Nam chứ phải biệt xứ đâu mà mất? Đi học tập chứ đi tù đâu mà cô sợ.
– Nghe đồn trong trại khổ lắm. Nhờ anh can thiệp cho nhà tôi về. Dù gì anh cũng là tướng và cha đã hy sinh vì cách mạng.
– Cách mạng không phải như ngụy đâu cô! Không có chuyện móc ngoặc bè phái. Không có chuyện tư vị nể nang. Luôn luôn xử sự có tình có lý. Chú ấy cứ học tập tốt là về ngay thôi! Nói thế chứ, để tôi xem có làm gì được không.
Một hôm, ông anh họp các con ông Tư Hận lại khuyên:
– Ba các cháu là ngụy. Cách mạng khoan hồng gởi đi học tập cải tạo. Ba các cháu có sớm được trả về hay không là còn tùy thuộc ở thái độ học tập của ba các cháu. Và cũng tùy thuộc ở trình độ giác ngộ cách mạng của má các cháu và các cháu nữa.
– Vậy, mình phải làm sao?
– Dễ thôi! Bác sẽ giới thiệu các cháu vào đội thanh niên xung phong, nếu các cháu muốn giúp ba các cháu.
– Vô đó để làm cái gì, thưa bác?
– Để phục vụ nhân dân theo khả năng của mình. Nếu các cháu có tinh thần phục vụ cao, Nhà Nước sẽ cho điểm tốt trong việc cứu xét trường hợp của ba các cháu.
Sau một lúc bàn tính, cả bọn bốn đứa đều đồng ý xung phong.
Bốn đứa được thâu nhận nhưng không cùng ở chung một đơn vị. Phân tán chúng nó ra, cô lập từng đứa một, để dễ theo dõi kiểm soát, tránh mầm móng phản loạn. Nhà Nước đi một nước cờ thật cao! Chúng nó được đưa đi đào đất đắp nền ở các vùng kinh tế mới hay đi đào kinh làm thủy lợi. Lâu lâu mới về thăm nhà một vài hôm. Nhưng không bao giờ cùng về một lúc. Và đứa nào về cũng xác xơ hốc hác, tay chân ghẻ lở giống như bị đi đày! Đứa con gái trước đây học năm thứ bảy dương cầm ở quốc gia âm nhạc, bây giờ tay cứng còng, không đánh nổi một bài tầm thường của hồi đó. Bà Tư Hận nhìn các con mà đứt ruột. Cho nên mỗi lần đứa nào về, bà cũng chạy lo thuốc men và nấu nướng cho ăn uống tẩm bổ. Chỉ có ông anh là hài lòng và cho rằng đó là thành quả tốt đẹp của lao động!
Một hôm, ông anh bảo người em dâu:
– Bây giờ các cháu đã có Nhà Nước lo. Cô giữ làm gì đến hai cái nhà? Đây là lúc mà cô phải chứng tỏ trình độ giác ngộ cách mạng của mình bằng cách hiến cái nhà này cho Nhà Nước để làm cơ quan phục vụ nhân dân. Như vậy, chú ấy có cơ được về sớm.
Sau vài phút suy nghĩ, bà Tư Hận chỉ bằng lòng cho Nhà Nước mượn thôi.
– Ừ! Thì cho mượn cũng được, tôi nghĩ thế. Để tôi liên hệ với các đồng chí ấy xem sao.
Vậy là tuần lễ sau, bà dọn về căn phố nhỏ ở cách đó độ mười lăm phút xe đạp, nhưng thuộc về một quận khác. Sự chuyển hộ (nghĩa là dời chỗ ở, địa chỉ) không gặp khó khăn, nhờ ông anh cách mạng (trong thời này, muốn chuyển hộ phải làm đơn xin phép nơi mình sắp dọn đến. Phải “có lý do chánh đáng” và điều này phải được chứng nhận bởi chính quyền nơi mình đang ở!)
Khi đã được chấp thuận (có ký tên đóng dấu) đương sự phải vác đơn đó về trình cho chính quyền nơi đang ở để xin phép được di chuyển. Khi được chấp thuận, ký tên đóng dấu, mình mới được quyền dọn đi!
Rắc rối như vậy nên lúc nào cũng có một sự giải thích rất “có trình độ”: “Đằng kia có cho anh vô thì ở đây tôi mới cho anh ra. Chớ tôi cho anh ra mà đằng kia không cho anh vô thì anh đi đâu?”
Rõ như vậy, nhưng nhiều khi vác đơn đến “đằng kia” trước, thì bị từ chối và dĩ nhiên được giải thích cũng rất “có trình độ” không kém: “Anh phải xin phép nơi anh đang ở trước rồi mới đến đây sau. Anh có được cho đi thì tôi mới nhận cho anh đến. Chớ bảo tôi nhận cho anh đến, trong lúc anh chưa được cho đi thì làm sao được? Phải có đi rồi mới có đến chớ! Dễ hiểu thôi!”.
Cứ lẩn quẩn loanh quanh như vậy nên việc chuyển hộ thật là khó khăn. Trong trường hợp chuyển từ tỉnh sang tỉnh hay từ vùng sang vùng thì khỏi nói, thật là “trần ai gian khổ”!
Ông tướng có “động viên” một số đồng chí trẻ trong cơ quan đến phụ dọn nhà cho bà Tư Hận. Và có cho mượn một chiếc xe cam-nhông-nét (cũng của cơ quan) nên việc dọn nhà cũng nhanh. Sau đó, ông anh cho bà ký tên tờ ủy quyền để ông anh thay mặt bà quản lý cái nhà lớn mà ông đang ở. Bởi vì bây giờ, bà đã chuyển hộ thì mặc nhiên ông anh trở thành chủ hộ ở ngôi nhà đó, mà muốn sử dụng cái nhà thì phải có sự ủy quyền của chủ nhà.
Mười lăm ngày sau, bà Tư Hận được biết là nguyên cả tầng trệt nhà của bà đã trở thành “tổ gạo”, còn ông anh thì vẫn ở một mình trên lầu. Nghe nói bà tướng có vào thăm chồng một lần, ở độ mười lăm hôm rồi trở về Hà Nội. Không hiểu sao ông tướng không có đưa bà vợ lại thăm cô em dâu. Cách mạng có khác!
Bẵng đi một thời gian dài gần cả năm, một hôm ông anh ghé nhà thăm bà Tư Hận để báo tin đã tìm ra trại cải tạo của người em ở ngoài Bắc và chỉ vẽ cho bà cách thức xin đi thăm nuôi, đường đi nước bước, xe cộ, v.v. và nhứt là những thứ cần thiết như lương khô, quần áo. Nghe như vậy, bà Tư Hận đã đoán ra phần nào đời sống của chồng ở ngoài đó, nên bà rớt nước mắt hỏi:
– Sao trước đây anh không nói rõ để tôi lo cho nhà tôi có đầy đủ phải hơn không?
– Chuyện Nhà Nước, đâu nói ra được. Cô phải hiểu như thế chứ!
– Cái gì cũng che đậy. Cái gì cũng giấu diếm. Nhưng lần hồi thiên hạ đều biết hết. Bộ anh tưởng thiên hạ đui sao?
Đến đây bỗng nghe tiếng bà hàng xóm la lớn: “Đi đâu đó nữa? Mấy bữa nay tao nói mày kê lại dùm mấy ông Táo kẻo mấy ổng sụm xuống thì không còn khỉ gì để nấu nướng, mà mày cứ ăn rồi là xách đít đi hà!”.
Giọng người con trai: “Bộ má tưởng con đi chơi hả?”
Giọng bà hàng xóm: “Chớ đi đâu mà ngày nào cũng đi, mày nói tao nghe coi!”.
Giọng người con, có vẻ hãnh diện, nói rời ra từng tiếng: “Con-đi-phục-vụ-nhân-dân!”
Giọng bà hàng xóm tức tối: “Phục vụ nhân dân! Phục vụ nhân dân! Con gái mẹ mày cũng là nhân dân đây nè! Mày phục vụ cho nó đi! Kẻo không chổi chà nó đơm lên đầu bây giờ!” Ngừng một lúc, lại nói: “Cha! Lúc này nói giọng cách mạng quá há! Phải mà! Con mẹ buôn gánh bán bưng này hăm mấy năm nay nó kềm kẹp mày quá mà! Nó nhét cho mày ăn để mày lớn! Nó ép mày học để mày khôn! Nó ác ôn quá phải hông? Nó ngụy quá phải hông? Nó giả nhơn giả nghĩa quá phải hông?”
Nghe đến đây, ông tướng nhăn mặt:
– Ăn với nói! Rõ là không có trình độ!
Rồi ông đứng lên:
– Tôi phải vào cơ quan. Bao giờ cô được phép đi thăm nuôi, gặp chú ấy nhớ bảo tôi nhắn chú ấy luôn vững tin vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà Nước. Ta khác ngụy ở chỗ xử sự có tình có lý và lúc nào cũng khoan hồng đối với những người biết quay về với nhân dân.
Bà Tư Hận làm thinh, nhưng nhìn người anh chồng chỉ có nửa con mắt! Lúc đó, nghe tiếng thằng con trai nhà hàng xóm: “Rồi đó! Con kê lại mấy ông Táo rồi đó.” Giọng bà mẹ, vẫn còn hậm hực: “Dữ hôn! Có bao nhiêu đó mà cũng phải đợi tao nhắc năm lần bảy lượt. Thôi! Mày đi phục vụ nhân dân của mày đi. Chiều, vác mỏ về, con mẹ ngụy này nó nấu cơm cho mà ăn.”
Từ ngày dọn về đây, bà Tư Hận đi làm ở tổ hợp may thêu gần đó. Cũng phải đi làm như thiên hạ để đừng bị để ý theo dõi, chớ thật ra bà chưa đến nỗi túng thiếu nhờ đã cất giữ nữ trang trong nhà thay vì gởi ở ngân hàng. Bây giờ, lâu lâu bà bán một vài chỉ.
Bà hàng xóm (tên là bà Năm) có cái sạp cháo lòng ở đầu ngõ. Sáng nào bà cũng đi bộ theo thằng con trai đạp xe ba bánh chở thùng tô đĩa muỗng đũa, thùng lòng dồi gia vị, nồi cháo lớn bằng nhôm, lò dầu hôi và mấy can nhựa đựng nước rửa chén… ra cây trứng cá nằm trên lề đường Phan Đăng Lưu (tức là đường Chi Lăng hồi trước).
Ở đây, có cái sạp gỗ dựng đứng và bốn năm cái ghế gỗ nhỏ được xiềng vào gốc cây trứng cá. Hai mẹ con mở ống khóa, hạ cái sạp rồi kê ngay ngắn dưới tàn cây. Xong, thằng con về nhà lấy xe đạp, đạp đi “phục vụ nhân dân” cho tới tối. Thành ra, đến trưa khi bán hết nồi cháo, bà chỉ bán có buổi sáng, bà thu xếp dọn dẹp một mình, rồi đẩy xe ba bánh chở đồ nghề về nhà (bà không đạp vì không biết đi xe đạp.)
Cứ vài bữa, bà lại mang biếu bà Tư Hận một tô cháo lòng. Bà biết bà Tư Hận là vợ thiếu tá quốc gia và chồng đi học tập nên bà hay tới lui thăm viếng để an ủi. Bà Tư Hận thật cảm động. Có hôm bà nhắc chừng:
– Bà Năm cẩn thận. Có thể tụi nó theo dõi.
– Ối! Cái lũ cô hồn đó tôi đâu có sợ, cô Hai. Hồi tụi nó mới vô, bắt mình làm tờ “báo công báo tội”. Tôi phát ghét nên khai là tôi tội lỗi đầy đầu bởi vì gần hai chục năm nay tôi bán cháo lòng cho ngụy ăn chớ không cho cách mạng ăn! Vậy mà có thấy thằng nào đụng tới tôi đâu, cô Hai!
– Coi vậy chớ cũng nên coi chừng, bà Năm à! Nhứt là khi bà rầy la thằng nhỏ, nói đụng chạm tới họ quá, không nên.
– Tụi nó đã coi mình là ngụy thì cứ thí mạng cùi chửi cho sướng miệng. Tội vạ gì mà nín thinh? Há?
Nói xong, bà Năm nhếch mép cười, làm như bà đang thách đố cách mạng vậy!
Khi bà Tư Hận được giấy phép đi thăm nuôi chồng, bà báo tin cho bà Năm và nhờ bà Năm coi chừng nhà giùm. Bà Năm mừng rỡ, làm như ông Tư Hận là người nhà:
– Dữ hôn! Tới bây giờ mới cho con người ta đi thăm nuôi. Quân ác ôn! Được rồi, cô Hai cứ yên tâm, tôi giữ nhà cho. Mà chừng nào cô Hai định đi?
– Chắc mười hôm nữa, bà Năm à. Để có thì giờ lo cho đầy đủ. Chớ gấp rút quá thì quên trước quên sau.
– Cô Hai nói phải đó. Đi ra tới ngoài Bắc chớ bộ gần gụi gì hay sao?
Ngừng một chút, bà Năm cầm tay bà Tư Hận lắc nhẹ:
– Cần gì thì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà.
Bà Tư Hận xúc động, lí nhí “cám ơn” mà nước mắt chảy quanh.
Lạ quá! Chỉ có mấy chữ “mình với nhau” mà sao nghe ấm cúng vô cùng. Nhứt là trong hoàn cảnh này, trong giai đoạn này. “Mình với nhau” là sự nhận diện của những người cùng đứng về một phía. “Mình với nhau” nói lên sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, cần nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau để sinh tồn. “Mình với nhau” là tình người không dị biệt giai cấp. Cho nên, khi mở rộng vòng tay, bà Năm cháo lòng chỉ cần nói có mấy tiếng đó thôi là quá đầy, quá đủ.
Hai hôm trước ngày bà Tư Hận khăn gói đi thăm chồng, bà Năm qua nhà đưa một lon ghi-gô được ràng [buộc] chằng chịt bằng dây thun:
– Cô Hai cho tôi gởi ổng lon thịt chà bông. Tôi làm có hơi mặn để ăn cho lâu. Tôi ém chặt và ràng kỹ, cô Hai đừng lo đường xa nó sút sổ. Cô cho tôi gởi lời thăm ổng, nghen.
Bà Tư Hận “cám ơn” mà có cảm tưởng như bà Năm là người trong quyến thuộc!
Trong khi đi ra cửa, bà Năm còn quay lại nói:
– Cô Hai đi yên tâm. Tụi nhỏ của cô có về chơi thì tôi lo cơm nước cho hết. Cô nhớ viết ít chữ để lại cho tụi nó biết nghen!
Bà Tư Hận gật gật đầu, nhìn theo mà thấy bà bán cháo lòng đó còn cao cả gấp mấy mươi lần người anh chồng làm tướng của cách mạng!
Đi thăm chồng về, bà Tư Hận như già đi năm bảy tuổi. Mắt bà sưng húp, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác. Bà Năm nhìn bà Tư Hận, động lòng chảy nước mắt. Ngồi xuống bên bà Tư Hận, bà Năm hỏi:
– Sao, cô Hai? Khổ lắm phải không?
Bà Tư Hận mếu máo khóc, chỉ gật gật đầu chớ không nói được một lời. Bà Năm nhích lại gần, choàng tay ôm vai bà Tư Hận, chửi đổng:
– Mẹ bà nó! Quân ác ôn!
Bà Tư Hận bỗng quay sang ôm chầm lấy bà Năm, khóc nức nở. Vừa khóc vừa cố gắng nói, câu nói đứt ra từng khúc:
– Ảnh… ốm… đến nỗi… tôi… nhìn… ảnh… không ra…
Đến đây, bà Năm cảm động nghẹn lời. Bà chỉ còn biết vuốt vuốt lưng bà Tư Hận, giống như bà đang vỗ về người em gái.
Hôm sau, bà Tư Hận đội nón lá cầm cái thơ ông Tư Hận viết cho người anh để gởi gắm vợ con, đi bộ về cái vi-la của bà ở quận kế bên. Bà cố tình đi bộ, vì bà nghĩ đến chồng. Đối với những gian khổ cùng cực mà chồng bà đã chịu đựng từ bao nhiêu năm nay, theo lời kể lại của ông Tư Hận, thì sự đi bộ của bà không thấm thía vào đâu hết. Nhưng, khi bà đi bộ, bà tưởng chừng như bà đang chia sẻ một phần nào những khổ dịch của chồng, người tù cải tạo.
Vi-la của bà, bây giờ thấy khác trước. Tường rào đã xây lên cao. Cổng song sắt được gắn thêm lưới sắt ô vuông. Nhìn vào trong không còn tổ gạo, mà sân thì đã được tráng xi-măng lót gạch khía sạch sẽ.
Thấy có bóng người, bà Tư Hận bấm chuông. Có giọng đàn bà hỏi vọng ra, giọng Bắc:
– Ai đấy?
– Dạ… tôi.
Một bà cỡ tuổi bà Tư Hận bước ra hất hàm:
– Chị muốn gì?
– Thưa tôi muốn tìm ông Hai “R”. Nhà tôi có viết cho ổng cái thơ.
– Đồng chí “R” à? Đồng chí ấy đã phục viên lâu rồi. Đồng chí bán nhà cho chúng tôi, xong, dọn hết về thủ đô. Thế chị là gì của đồng chí ấy?
Bà Tư Hận choáng váng mày mặt, chỉ còn kịp tỳ người vào trụ cổng để khỏi qụy xuống. Tuy nhiên, bà vẫn nghe tiếng mình nói:
– Dạ… Tôi… À… Không!
Rồi câm luôn. Thấy bên ngoài làm thinh, bà người Bắc bỏ đi vào trong, nhưng vẫn nói vói ra:
– Đồng chí “R” hiện ở đâu, tôi cũng không biết. Thôi, chị về đi!
Phải một lúc lâu sau, bà Tư Hận mới hoàn hồn. Bà đứng thẳng nhìn vào trong. Bà bỗng thấy bà đã biến thành một người khác. Một người cứng rắn hơn, lì lợm hơn. Một người sẽ dám nhìn thẳng vào mặt kẻ địch mà chửi như bà Năm Cháo lòng.
Ví dụ có người anh chồng đứng trước mặt bây giờ, bà sẽ xáng cho anh ta một bạt tai, điều mà trước đây bà chẳng bao giờ dám làm dám nghĩ!
Bà Tư Hận vẫn đứng thẳng, nhìn vào trong. Mắt mở to, ráo hoảnh. Môi mím chặt. Tay bà vò nát cái thơ của chồng viết. Bà vò nó mà bà không hay! Bà chỉ cảm thấy một sự căm thù đang dâng lên làm bà rạo rực. Bà nghe buồn nôn!
Phải rồi! Bà muốn nôn mửa lên những giả dối gian manh mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trong đầu. Bà muốn nôn mửa lên những lời lẽ giả nhân giả nghĩa mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trên đầu môi chót lưỡi. Bà muốn nôn mửa lên những thủ đoạn xảo quyệt được ngụy trang bởi những chiêu bài yêu nước thương dân, có nghĩa có tình… mà bọn chúng nó thằng nào cũng sẵn sàng hành động. Bà muốn… Bà muốn…
Bà Tư Hận liệng cái thơ nhàu nát xuống đất, phun nước miếng nghe cái phụt một cách khinh bỉ, rồi cúi lượm cái nón lá bỏ rơi khi nãy đội lên đầu, đi thẳng.
Mấy năm sau, ông Tư Hận vẫn “còn được cải tạo”, bà Tư Hận lâu lâu vẫn lặn lội đi thăm nuôi chồng, hai thằng con lớn vượt biên rồi định cư ở Úc, đứa con gái lấy chồng đánh cá ở Minh Hải, thằng con út cặp với con bạn cùng xóm mở quán cà phê vỉa hè cạnh hàng cháo của bà Năm. Còn bà Năm vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như bà chửi Nhà Nước!
Cái mặt – Tiểu Tử
Con người có cái mặt là quan trọng nhất. Thật vậy, nếu lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì còn lại trên thân thể sẽ không dùng vào đâu được hết và cũng không còn tồn tại được nữa. Không có mũi để thở, không có miệng để ăn… con người không có cái mặt là kể như “tiêu tùng”!
Trước khi “đào sâu” cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để “vinh danh” tiếng Việt: phần lớn những gì nằm trên cái mặt đều bắt đầu bằng chữ “m,” trên thế giới chưa có thứ tiếng nào như vậy hết! Ðây, nhìn coi: trên mặt có mắt, mũi, miệng (mồm), má.
Ở “mắt” có mày, có mi, có mí mắt, rồi mắt mụp, mắt mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng, mắt mờ, mắt mù…Qua tới “mũi,” ngoài “mùi” ra không thấy chữ “m” nào khác dính vào. Có lẽ tại vì cái mũi nó…cứng khư, không…linh hoạt.
Ấy vậy mà nó – cái mũi – và “chân mày” (cũng kém linh hoạt như cái mũi!) lại được đi kèm với cái mặt để…hỗ trợ cho tiếng “mặt,” trong từ ngữ thông thường: “mặt mũi,” “mặt mày,” làm như nếu nói “mặt” không, phát âm nghe…trơn lùi, nhẹ hểu không lọt lỗ tai! Cho nên người ta nói “mặt mũi bơ phờ,” “mặt mày hốc hác,” chớ ít nghe “mặt bơ phờ, mặt hốc hác.”
Bây giờ tới “miệng” thì có môi, có mép rồi mồm mép, môi miếng, miệng méo, miệng móm, mím môi, mếu máo, mấp máy, bú mớm, mút mấp…Ðến “má” thì ngoài “mụt mụn” chỉ có “mi một cái” là còn thấy chữ “m” nhè nhẹ phất phơ…Tiếng Việt hay quá!
Trở về với cái mặt. Ông Trời, khi tạo ra con người, ban cho cái mặt là một ân huệ lớn. Nhờ có cái mặt mà con người nhận ra nhau, chồng nhận ra vợ, con nhận ra cha, biết ai là bạn ai là thù v.v…Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên không ai còn cái mặt nữa. Nếu có sống được nhờ một sự nhiệm màu nào đó, thử hỏi con người lấy gì để nhận diện nhau?
Chồng vợ, cha con, bạn thù gì đều…xà ngầu. Vậy là loạn đứt! Cho nên xưa nay, người ta coi trọng cái mặt lắm.
Có người còn nói, “Thà chịu mất mạng chớ không bao giờ để cho mất mặt”! Vì vậy, rủi có ai lỡ lời chạm tự ái một người nào thì người đó thấy bị…mất mặt, liền đưa một nắm tay lên hăm he: “Thằng đó, bộ nó giỡn mặt tao hả? Tao phải dằn mặt nó một lần cho nó biết mặt tao”
Rồi, bởi vì cái mặt nó…nặng ký như vậy cho nên khi nói về một người nào, người ta chỉ nhắm ngay vào cái mặt của người đó để mà nói. Nếu ghét thì gọi “cái bảng mặt” (Cái mặt mà như tấm bảng thì thiệt tình thấy chán quá!
Thường nghe nói, “Cái bảng mặt thằng đó tao coi hổng vô!”) Nếu hơi khinh miệt thì gọi “cái bộ mặt” (“Thằng này có bộ mặt ăn cướp!”) Còn khi thương thì cái mặt trở thành “cái gương mặt” (“Em có gương mặt đẹp như trăng rằm!”)
Chưa hết! Khi nổi giận muốn… hộc máu, người ta cũng chỉ nhắm vào cái mặt của đối thủ chớ không chỗ nào khác để “dộng một đạp”hay “cho một dao” hay “phơ một phát” hay…“tạt một lon ác-xít”! Bởi vậy, xưa nay những người có “nợ máu” lúc nào cũng sợ bị “nhìn mặt trả thù,” và hồi thời chống Pháp, những điềm chỉ viên đi nhìn mặt “quân phản loạn” đều lấy bao bố trùm đầu để giấu mặt!
Con người, khi nhìn người khác, lúc nào cũng bắt đầu ở cái mặt (Chỉ có người không bình thường mới nhìn người khác bắt đầu ở cái chân hay cái bụng hay cái lưng!) Ở đó – ở cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra, còn hiện lên “cái mặt bên trong” của con người. Các nhà văn gọi là “nét mặt,” nghe…trừu tượng nhưng suy cho kỹ nó rất đúng.
Bởi vì chỉ có cái mặt là…vẽ được cái nội tâm của con người thật đầy đủ. Cho nên mới có câu “Xem mặt mà bắt hình dong” (hình dong ở đây là cái hình dong giấu kín bên trong con người) Cho nên, trên sòng bài, các con bạc thường “bắt gân mặt” nhau để đoán nước bài của đối thủ.
Cho nên mấy “giáo sư chiêm tinh gia” lúc nào cũng liếc sơ cái mặt của thân chủ trước khi nâng bàn tay lên xem chỉ tay, để định mức coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy phần trăm những gì mình nói”! Thì ra, đời người không nằm trong lòng bàn tay như mấy “thầy” đó nói, mà nó nằm ngay trên nét mặt!
Cũng bởi vì cái mặt nó…phản động như vậy cho nên các “đỉnh cao trí tuệ của ta” đã nâng cao cảnh giác, ẩn mặt một cách…an toàn suốt giai đoạn đấu tranh “chìm”và chỉ “xuất đầu lộ diện” khi toàn dân đã vùng lên nổi dậy. Và các “đồng chí vĩ đại của ta” thay tên đổi mặt lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch, nay để râu mai thay tóc mốt cạo đầu v…v…
Họ ôm khư khư cái mặt để…”quản lý” nó từng giây từng phút, chỉ sợ nó để lòi ra cái mặt thật nhét giấu ở bên trong, riết rồi nó xơ cứng như mặt bằng đất. Ðến nỗi vào bàn hội nghị quốc tế, các đối tượng không làm sao “bắt gân mặt” để “đi” một nước bài cho ngoạn mục! Ở đây, phải nói thêm cho rõ là cho dù trong nội bộ với nhau – nghĩa là giữa “ta” và “ta” – cái mặt vẫn bị quản lý y chang như vậy, bởi vì hành động đó đã biến thành “bản năng” từ khuya!
Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy sau hội nghị, mới ôm “hôn nhau thắm thiết tình đồng chí” mà trên đường về lại khu bộ có cán bộ đã bị “bùm”hay bị “cho xe rơi xuống hố” một cách rất….bài bản, để lại niềm “vô cùng thương tiếc” nằm trên vòng hoa phúng điếu của người đã ra lệnh hạ thủ!
Có khi chính “đồng chí” này là người thay mặt tập thể, đứng ra….rớt nước mắt đọc điếu văn! Ở đây, ông bà mình nói: “Phải muối mặt mới làm được như vậy.” Thật là chí lý! Cái mặt đã muối rồi thì đâu còn sợ….bị thúi hay bị sình! Ta cứ tỉnh bơ thôi!
Bởi cái mặt nó phản ảnh con người nên hát bội mới “dặm mặt“sao cho đúng với cái “vai“ Ðể khi bước ra sân khấu, khán giả nhận ra ngay “thằng trung, thằng nịnh, thằng hiền, thằng dữ” v.v…Ngoài đời, không có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người khác “nhận diện” là : thằng mặt gà mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt mẹt, mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài, mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ, mặt…mo…v.v…
Sau tháng tư 1975, người dân miền Nam đã được Nhà Nước “vẽ lọ bôi hề” thành những khuôn mặt… không giống ai, để đóng vai “nhân dân làm chủ” trên sân khấu cách mạng, trong vở trường kịch “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”!
Trên sân khấu chánh trị Việt Nam bây giờ, trong cũng như ngoài nước, “đào kép” tuy không dặm mặt như nghệ sĩ hát bội nhưng mỗi người đều có “lận lưng” vài cái mặt nạ để tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà đeo lên cho người ta “thấy mình là ai” (dĩ nhiên không phải là cái mặt thật của mình). Rồi cũng “phùng mang trợn mắt hát hò inh ỏi” một cách rất…tròn vai, làm “bà con đồng bào, đồng chí, đồng hương” cứ thấy như thiệt! Ðiểm đặc biệt là ông nào bà nào cũng muốn thiên hạ chỉ nhìn thấy có “cái mặt của mình” trong đám bộ mặt đang múa may quay cuồng trên sân khấu.
Vì vậy, họ phải rán bơm cho cái mặt của mình to bằng…cái mâm (mặt mâm), cái nia, để thấy họ mới đúng là …“đại diện”! Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để kiếm cho cái…đít của họ một cái…ghế! Ðến đây thì vở tuồng trên sân khấu đang chuyển sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau”…Cái mặt đã trở thành “một vấn đề”!
Ðể chấm dứt bài này, và cũng để được yên thân, xin phép độc giả cho tôi “vác cái mặt của tôi đi chỗ khác”!
Tiểu Tử
Một Khi Các Bà Muốn, Ngọc Hoàng Thượng Đế Cũng OK – Nguyễn Thị Cỏ May
Các vụ sách nhiễu tình dục của Harvey Weinstein, Tariq Ramadan và nhiều chánh khách tả khuynh của Pháp bổng làm dấy lên những phản ứng mạnh của các tổ chức tranh đấu nữ quyền. Các bà yêu cầu xét lại những quan hệ bình thường đã có giữa nam/nữ từ trước giờ. Báo chí thay đổi cách nói và cách viết để tránh xúc phạm đến phụ nữ, cũng đồng thời xác định tôn trọng địa vị người phụ nữ trong xã hội.
Các bà muốn cấm những hình ảnh sex lộ liễu trong nghệ thuật, như tranh ảnh phụ nữ khỏa thân, những pho tượng khỏa thân, thay đổi tên đường phố, yêu cầu người phụ nữ chỉ để lộ phần hạ bộ đúng vào lúc sắp sanh em bé mà thôi.
Nay gần tới lễ Nôel, các bà yêu cầu phải có thêm Bà Già Nôel bên cạnh Ông Già Nôel,…
Những đòi hỏi của các tổ chức phụ nữ đang được chánh quyền pháp xem xét tìm cách thỏa mãn.
Khi các Bà lên tiếng
Mới đây, ở Anh, vừa có báo động. Một bà luật sư và mẹ trong gia đình đã nghẹt thở vì dị ứng khi nhìn bức tranh vẽ cảnh một người đàn ông ôm hun một phụ nữ đang ngủ. Theo bà chắc chắn người phụ nữ không biết có một người đàn ông hun mình vì bà đang ngủ say. Bà luật sư cũng thừa biết người đàn ông đó là Hoàng tử và người phụ nữ đang ngủ kia là Công chúa, 2 nhơn vật trong truyện “La Belle au bois dormant” trong tập truyện của Charles Perrault mà Euro-Disneyland ở Pháp đang quảng cáo. Nhưng bà vẫn lên án vì bà cho rằng xuyên qua lớp Hoàng tử là hành động của kẻ hiếu dâm. Bà luật sư yêu cầu phải báo động các phụ huynh dẫn con em nhỏ đi chơi Disneyland hãy cẩn thận khi viếng lâu đài của Công chúa vì cảnh Hoàng tử hun Công chúa đang ngủ trưng bày trước lâu đài còn kinh khủng hơn cảnh chó sói trông thấy khi đi ngang qua “Cậu Bé quàng khăn đỏ” (Le Petit Caperon rouge).
Các bà «tân nữ quyền» (néo-féministes) quan tâm đặc biệt theo dõi những hình ảnh của người phụ nữ trước công chúng.
Hồi đầu năm, tháng 3/2017, Hội Phụ nữ “Osez le féminisme” (Các bạn hãy dám đòi nữ quyền) yêu cầu Cơ quan thẩm quyền về quảng cáo can thiệp dẹp bỏ bức quảng cáo của nhà thời trang Pháp Yves Saint-Laurant trình bày hình ảnh một phụ nữ nằm phơi bày chiếc quần lót. Đó là một hình ảnh khiêu dâm không phủ nhận được. Và nhà Yves Saint-Laurant đã cho đem cất bức tranh đó.
Trước hiện tượng các bà phản ứng để bảo vệ người phụ nữ không bị biến thành đối tượng khiêu dâm, người ta nhớ lại việc này ngày xưa do các hội Thiên chúa giáo làm chớ không phải các bà như ngày nay. Nhưng nay các hội tôn giáo đang bận lo nhiều việc khác quan trọng hơn? Như chùa chiền ngày nay, từ Việt nam ra hải ngoại, ở khắp nơi, thầy chùa dồn hết nổ lực làm chùa cho bự, kìếm tiền cho nhiều, thước đo lường sự thành đạt của thầy chùa! Mà đa số Phật tử cũng xích xoa trước chùa bự, chùa đẹp, chớ ít nghe thấy Phật tử xưng hô đạo hạnh của thầy chùa. Vậy là Pháp mạt hay con người mạt?
Các bà chiến sĩ nữ quyền không bỏ qua cả chánh quyền. Thị xã Dannemarie ở Alsace, Đông-Bắc nước Pháp, triển lãm tranh Betty Boop của Max Fleischer, bị các bà đưa ra Tòa về tội chánh quyền trưng bày những hình ảnh tiêu cực xúc phạm đến người phụ nữ. Vấn đề tranh tụng tới nay vẫn chưa ngã ngũ.
Nhưng biên giới giữa các bà phản ứng «chống lại việc người phụ nữ bị biến thành một vật thể» và sự «tranh đấu thật sự cho nữ quyền» ngày càng mờ nhạt vi quá lan rộng nên khó xác định.
Như cái tựa phim «Baisers volés» (Những cái hun bị đánh cắp) của François Truffaut ngày nay trở thành đề tài tranh cãi và phản đối vì theo các bà, đánh cắp cái hun là một trọng tội, một thứ tội hình sự, không thể tha thứ được. Truffaut biện minh cho mình lại làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, các bà kéo nhau xuống đường la ó, đòi xử tội Truffaut.
Từ nay, hình ảnh người phụ nữ trong film, trong tranh hoạt họa, tất tất đều phải tuân thủ những tiêu chuẩn mới theo quan niệm của các bà nếu người nghệ sĩ không muốn bị các bà phản đối và có thể đưa ra Tòa.
Những pho tượng khỏa thân, mặc quần áo vào
Sự nhằm lẫn giữa triển lãm nghệ thuật và thực tế dẫn tới những sư việc vô cùng phức tạp vừa xảy ra ở Londres, Hambourg, Cologne. Các bà phản đối những tấm bích chương dán nơi đây quảng bá cuộc triển lãm kỷ nìệm 100 năm ngày mất của họa sĩ Egon Schiele do bảo tàng viện Vienne (Áo) tổ chức. Nêu đáp ứng đòi hỏi của các bà thì các nơi từ nay phải mặc quần áo cho các pho tượng trong bảo tàng viện, trưng bày trong những lâu đài, công viên. Ở Pháp, như những pho tượng khỏa thân ở vườn Lục-xâm-bảo (Luxembourg, Paris VI), Điện Versailles, bảo tàng Louvres,… Chi phí sẽ kinh khủng, khó tránh đưa tới cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn hồi năm 1987.
Bức tranh “Nguồn gốc thế giới” của Gustave Courbet (L’Origine du monde, Gustave Courbet), tìm lại được sau thời gian dài thất lạc, hiện đang treo ở Bảo tàng viện Quai d’Orsay, Paris (vé vào cửa từ 17€ – vào google coi miễn phí) bị các bà yêu cầu lấy ra khỏi Facebook.
Cả tấm bích chương hình vẽ cổ động chiến dịch kêu gọi phụ nữ sớm đi khám ung thư vú, trình bày một người phụ nữ đưa vú trước máy chụp quang tuyến (mammographie) dán ở thành phố Marseille (Miền Nam nước Pháp) cũng bị các bà kiểm duyệt, phải gỡ bỏ. Nhưng làm sao có hình ảnh cụ thể về ung thư vú để kêu gọi phụ nữ đi khám phòng bịnh?
Nước Pháp vừa bị các bà cào cấu còn mang đầy vết móng vuốt của các bà muốn xóa sạch những hình ảnh, cả nghệ thuật, bị cho là xúc phạm tới danh dự người phụ nữ thì nay tới phiên «Hội đen» (CRAN – Conseil représentatif des Associations noires – Hội đồng Đại biểu các Hội đen) lên tiếng yêu cầu chánh phủ Pháp hãy dẹp bỏ pho tượng Colbert trước Điện Bourbon -Trụ sở Quốc Hội – vì ông này là người đã soạn thảo luật bắt dân đen làm nô lệ. Bỏ tên và tượng Louis-le-Grand (tên Trường Trung học nổi tiếng ở Paris V), dẹp luôn tượng «Vua Mặt Trời» (Louis XIV). Ngoài ra Hội Đồng Đại biểu các Hội đen còn yêu cầu bỏ 4 tượng, cũng trước Quốc Hội, tiêu biểu 4 chức năng Nhà nước: Michel de l’Hospital cho hòa bình xã hội, Sully cho thạnh vượng, d’Aguesseau cho luật pháp và Colbert cho kinh tế. Chánh phủ nghĩ phải làm điều gì để thỏa mãn Hội đồng đen. Bà Tổng trưởng Văn hóa và Xuất bản Françoise Nyssen bèn ký nghị định cấm từ nay nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản không được phép dùng từ ngữ “mọi – nègre” để chỉ người viết thuê cho những tác giả nổi tiếng trên thị trường chữ nghĩa mà chính họ không viết một hàng nào trong tác phẩm sẽ mang tên họ. Bà Tổng trưởng ký một nghị định khá khôi hài vì trên thực tế không hề có cái chức vụ «mọi» mà trên hợp đồng, chỉ có “người hợp tác” với nhà văn, nhà xuất bản mà thôi.
Nhưng “Hội Đồng đen” (Cran) vẫn chào mừng «thắng lợi» của mình!
Thừa thắng xông lên, Hội Đồng đen yêu cầu xóa bỏ tên Bonaparte, người đã tái lập chế độ nô lệ và đàn áp ghê rợn dân chúng ở Dominique. Cũng phải xóa luôn tên đường ở Paris gợi lại một thời thực dân mà dân bị trị đau khổ cùng cực, với những tên Tây thực dân nổi tiếng như Bobillot (Paris XIII), Lyautey (Paris XVI) và hạ luôn những bức tượng lính Tây, sĩ quan Tây thực dân còn sừng sững ở Paris và nhiều nơi khác.
Các bà muốn kiểm duyệt truyền thông và các sản phẩm nghệ thuật để bảo vệ địa vị người phụ nữ nhưng việc làm này chắc chắn sẽ không đem lại kết quả như các bà muốn. Đồng thời, trước phản ứng rầm rộ của các tổ chức nữ quyền, ông Tổng thống Macron cũng vừa tuyên bố sẽ cấm phim khiêu dâm (porno) và kêu gọi nam/nữ bình quyền. Nhưng luật lệ, tất cả đã có sẵn, chỉ cần áp dụng nghiêm chỉnh mà thôi!
Ông Già Nôel, phải có Bà Già Nôel!
Chiến dịch «kiểm duyệt» văn hóa phẩm của các tổ chức nữ quyền đang rầm rộ nhưng thật sự «kiểm duyệt» đó phải chăng là nhằm mục tiêu chánh trị? Các bà can thiệp ngay vào giống đực/giống cái trong tiếng Pháp. Tại sao có từ ngữ giống đực mà không có từ ngữ giống cái song hành? Chữ nghĩa là của chung. Thế là tổ chức khuynh tả EELV (Europe Écologie-Les Verts – Âu châu Sinh thái – Xanh) nêu lên đã có «Le patrimoine» (=di sản), tại sao không có «Matrimoine»? (Ý muốn nói cũng phải có di sản của mẹ, bà khi đã có di sản của cha, ông). Vậy chúng ta coi lại nghĩa của chữ «Patrimoine» để thấy có cần phải có thêm chữ giống cái «Matrimoine» hay không? Mà le «Matrimoine» theo văn phạm pháp có phải là chữ giống cái (féminin) hay không? Từ điển Dictionnaire de la langue française của Littré định nghĩa «Le patrimoine» là “món gì, thứ gì của cha, mẹ để lại, giao lại cho con cháu thừa hưởng,… Và Hội đồng Paris (Conseil de Paris có thẩm quyền như Hội đồng Thành phố và vừa Hội đồng cắp Tỉnh) đang nghiên cứu đề nghị của các bà Xanh này!
Ở Pháp, khi đặt vấn đề bình đẳng giới tính (Égalité de Sex) sẽ khó tránh vấp phải những khó khăn từ ngôn ngữ ví tiếng Pháp vốn là tiếng dành riêng cho các ông vì là tài sản của các ông tạo ra. Nên có thể nói tiếng Pháp là thứ tiếng kỳ thị giới tính! Mà trên thực tế chúng ta thấy cho tới ngày nay cũng chỉ có Giáo hoàng, Hồng y,.. là đàn ông, chưa có đàn bà. Bây giờ, để cho đề huề trong từ ngữ, liệu làm sao thêm vào từ ngữ giống cái bên cạnh tiếng giống đực sẵn có như Le Pape, thì La… Papesse?, Le Cardinal, thì La … Cardinale? …
Trước đà đòi hỏi sôi nổi của các phong trào nữ quyền, báo chí đã tự đặt ra giống cái cho một số từ ngữ chỉ việc làm, chức vụ mà các bà nắm giữ. Như Le Député, thì nay đã có La DéputéE, Le Docteur/La DocteurE (La Doctoresse), L’avocat/L’avocatE, …
Ngày trước, người ta nói Madame Le Docteur để chỉ bà vợ của ông Docteur. Trong tiếng Việt nam, người ta quen nói «Bà Bác sĩ” làm cho dễ hiểu lầm là chính bà đó là Bác sĩ. Và chuyện này trở thành sự thật, qua tới Paris. Hai bà “Bác sĩ” T và cũng T, ở đường Duy Tân và đường Pasteur, Sài gòn. Ai gọi bà thiếu danh xưng «Bác sĩ”, bà xì một tiếng và không thèm trả lời. Riêng bà T ở đường Pasteur có học nhiều hơn bà kia, thường khéo léo tự giới thiệu mình như là Bác sĩ thứ thiệt. Mà thật vậy, sau khi ông chồng Bác sĩ T của bà chết, phòng khám bịnh chưa kịp đóng cửa, bịnh nhơn tới, bà tiếp, khám luôn, cho thuốc theo toa cũ. Và lấy tiền khám bịnh. Cho tới khi có giấy đóng cửa phòng khám bịnh.
Việc các tổ chức nữ quyền đòi cho được “nữ hóa” tiếng Pháp đã đưa tới Hàn Lâm viện Văn học và Bà Thư ký «muôn năm» (La Secrétaire perpétuelle) Hélène Carrère d’Encausse phản ứng là chống lại sự nữ hóa tiếng Pháp một cách tùy tiện. Khi trả lời Ông Bertrand Louvel, Đệ I Chủ tịch Tòa Phá án hôm 20/04/2017, bà nêu lên trong thư gởi cho bà, ông Louvel vẫn viết “Madame le Juge” (Bà Thẩm phán) như thí dụ để yêu cầu Hàn Lâm viện phán quyết có nên “nữ hóa” hay không những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp mà hành chánh và tư pháp đang áp dụng? Bà Hélène Carrère d’Encausse nhìn nhận từ hai thập niên qua, tiếng Pháp có thay đổi nhiều theo sự diễn biến xã hội. Từ đây tới cuối năm, Hàn Lâm viện sẽ tập trung suy nghĩ vấn đề này. Nếu có “nữ hóa” một số từ ngữ thì tính trong sáng, tính thiêng liêng của quốc ngữ vẫn phải được bảo vệ. Mọi thay đổi tùy tiện sẽ chỉ giết hại ngôn ngữ mà thôi.
Noel Này, Bà Con Mình Đi Ăn. Nhà Hàng Ở Úc Hay Ở Paris? – Nguyễn Thị Cỏ May
Chuyện về “Đàn bà” vẫn là chuyện dài xưa nay. Không phải các bà nói chuyện dai hay dài chuyện mà chuyện về các bà dài, nói hoài không hết chuyện.
Ở Tây, chuyện giới tính, chuyện đồng tính, chuyện kỳ thị nam/nữ, chuyện lương bổng chênh lệch,… chuyện nữ quyền, phong trào nữ quyền rộ lên. Và có lẽ chuyện ông Đại sứ nước Úc ở Paris là nổi cộm hơn hết.
Vừa được tin chánh phủ Úc cho phép đám cưới đồng tính, hôm 7 tháng 12 vừa qua, Ngài Brendan Berne bèn tuyên bố ngay tại Tòa Đại sứ Úc là Ngài sẽ làm đám cưới với người yêu của Ngài từ bấy lâu nay. Trên Twitter, Ngài viết “Ngày 7 tháng 12 sẽ là một ngày trọng đại cho nước Úc: chính ngày này, hôn nhơn đồng tính đã được hợp thức hóa ở Úc. Đại sứ Úc ở Pháp thừa cơ hội chào mừng tin này và phổ biến một vidéo đặc biệt với lời tuyên bố “Với tư cách Đại sứ, đó là một ngày trọng đại cho xứ tôi, nước Úc, vừa mới chấp thuận hôn nhơn cho mọi người. Nhưng đối với tôi, điều đó còn là một quan điểm riêng.”
Nhưng chuyện này mới liên hệ trực tiếp đến các bà. Ở Úc, ngay giữa thành phố Melbourne, nhà hàng ăn chay «Handsome Her» quyết định tranh đấu bảo vệ nữ quyền triệt để theo cách riêng của mình. Thật vậy, từ hôm đó, thực khách đàn ông phải trả bữa ăn của mình mắc hơn các bà 18%.
Nay bước chơn vào bar restaurant Handsome Her không còn ý nghĩa chỉ ăn nhậu đơn thuần, mà còn là biểu hiện một thái độ công dân. Nhà hàng nói rõ sự phụ thu này là để tranh đấu xóa đi chênh lệch trong mức lương giữa nam/nữ từ xưa nay ở Úc. Nhanh chóng, việc làm của nhà hàng đã lan rộng khắp nơi, qua mạng xã hội, thu hút nhiều nhà hàng khác hưởng ứng và nhập cuộc.
Khách hàng từ nhiều nơi ở xa cũng tới, phần đông là đàn ông. Họ tới để có cơ hội trả thêm 18% ủng hộ chủ trương của nhà hàng Handsome Her. Một sáng kiến đẹp nhưng chưa hấp dẫn bằng một nhà hàng mới mở ở Paris, Quân XII. Nhà hàng O’Naturel.
Nhà hàng này trang trí rất trang nhã, cửa kiếng phủ màn trắng để bảo vệ khung cảnh ấm cúng bên trong. Người vào ăn phải cởi bỏ y phục. Để thật sự bình đẳng, khi ngồi vào bàn ăn, trên người không còn dính một món gì khác là sản phẩm xã hội.
Mời bạn đọc bước vào
Nhà hàng dành riêng cho thực khách vào phải thoát y 100%, trước tiên, mở cửa hồi đầu năm rồi ở Luân–đôn, Anh, rồi mới vượt qua Paris. Đó là nhà hàng Bunvadi ở khu phố L’ Éléphant and Castle, phía Nam thành phố. Anh xưa nay vẫn là xứ dẫn đầu những điều lạ về sanh hoạt văn hóa xã hội. Phong trào nhạc trẻ Beatles, thanh niên để tóc như bờm ngựa và nhuộm nhiều màu, các môn thể thao, … đều là sản phẩm của Anh. Pháp là nước láng giềng đón nhận.
Nhà hàng Bunvadi có qui chế riêng của nó, lúc đầu không tránh khỏi làm cho thực khách tỏ ra khá dị ứng. Vào nhà hàng, y phục và điện thoại bị cấm. Chủ trương của nhà hàng là muốn đem lại cho khách một trải nghiệm đặc biệt về sự tự do trọn vẹn. Người làm nhà hàng phải đợi một lúc cho những dị ứng lắng dịu xuống vì dầu sao nhiều người vẫn chưa kịp chia sẻ quan niệm của người chủ nhà hàng. Nhưng sự thành công không phải chờ đợi. Lập tức có ngay 46000 người điện thoại tới đặt chỗ.
Chỉ trong 3 tháng hoạt động, nhà hàng tiếp tới 4000 thực khách. Nhiều người điện thoại than phiền họ không biết đường đi tới được. Bị lạc. Nhu cầu của khách hàng thật đúng là một hiện tượng lạ lùng. Ở Anh, có hơn 4 triêu người sống theo phái khỏa thân.
Một thực khách trẻ người Anh, sau khi ăn ở đây xong, có nhận xét “Rất khác với mọi nơi. Thật là hấp dẫn và lại rất mực khiêm tốn, rất đơn giản”.
O’Naturel ở Paris
Pháp luôn luôn đi theo sát bước chơn của Anh. Một nhà hàng ăn kiểu Bunvadi ở Luân-đôn vừa mở cửa hồi đầu mùa Thu, ở số 9, đường Gravelle, Quận XII, Paris do hai anh em sanh đôi Mike và Stéphane Saada nghỉ làm cho hãng Bảo hiểm, cùng đứng ra thành lập và điều hành.
Cả hai đều ăn mặc tươm tất tiếp khách rất lịch sự nhưng khách hàng khi tới được yêu cầu để quần áo, giày vớ vào tủ có khóa riêng cẩn thận.
O’Naturel là nhà hàng ăn đầu tiên xuất hiện ở Paris dành riêng cho khách hàng là những người theo “đạo khỏa thân”. Nói «đạo khỏa thân» vì nếp sanh hoạt này được những người theo coi như một thứ tôn giáo, chỉ không có thần linh để khấn lễ mà thôi.
Hai anh em Saada quyết định mở loại nhà hàng khỏa thân vì bị ảnh hưởng ở sự thành công của Bunvadi ở Luân-đôn. Họ chọn Quận XII Paris vì muốn thu hút khách là những đệ tử của đạo khỏa thân mà hồi tháng 9 vừa rồi, lần đầu tiên, tổ chức trại rất thành công ở rừng Vincennes, ngoại ô phía Đông Nam, sát Paris.
Bên ngoài nhà hàng rất trang nhã và kín đáo, cửa kiếng được một bức màn dày màu trắng phủ kín. Tôn trọng đúng qui luật nhà hàng, trước cửa vào, có tấm bảng kê các món ăn và giá cả từ 39€ tới 49€. Có cả món chay rất được thực khách khỏa thân ưa chuộng.
Bên trong ánh sáng đầy đủ. Khách ngồi vào bàn, hai anh em Saada đem ngay nhiều loại vins chọn lọc mời khai vị.
Bàn ăn trải khăn bàn trắng toát, cả khăn ăn thứ khá sang nhưng chỉ dùng một lần. Riêng ghế ngồi, vì giữ vệ sanh, được phủ lên một lớp khăn trắng và khăn này cũng chỉ dùng một lần.
Ngoài 2 anh em Saada, 3 người nữa làm việc trong bếp và trong phòng ăn đều phải mặc quần áo nghìêm chỉnh.
Stéphane nói “Chúng tôi tổ chức nơi đây theo cách làm cho các đệ tử môn phái khỏa thân cảm thấy thật sự thoải mái và cả cho những ai muốn tới đây để thử nghiệm điều đó”. Riêng chúng tôi lại không theo đạo khỏa thân nhưng chúng tôi muốn đem nghệ thuật làm bếp ngon phục vụ tôn giáo này».
O’Naturel từ lúc khai trương cho tới nay, theo kết quả thăm dò lối xóm, chưa hề bị dư luận phản đối hay phê bình không tốt. Con em của Mike đi học vườn trẻ gần đó, ông ta cũng không nghe tiếng thị phi nào cả.
Thật ra luật pháp chỉ yêu cầu nhà hàng phải tôn trọng 2 điều: việc khỏa thân, ở bên ngoài không trông thấy và nhơn viên phòng ăn và nhà bếp phải ăn mặc nghiêm chỉnh.
Hai điều này, O’Naturel tôn trọng và nhà hàng chỉ mở cửa vào buổi tối, từ 19 giờ 30.
Ở Pháp có lối 2 triệu tín đồ khỏa thân, kém hơn Anh. Nhưng cộng đồng giáo dân này đang trẻ hóa từ ít năm nay. Đó là không tính số du khách khỏa thân tới Pháp hằng năm cũng không ít. Dĩ nhiên trong số thực khách thật sự sẽ có những người ngoại đạo muốn vào thử cho biết qua cảm giác như thế nào. Có cả nhiều gia đình tới với đông đủ trẻ con.
Hôm khai trương, O’Naturel đón tiếp những khách hàng đầu tiên là hội viên nam/nữ của Liên đoàn Khỏa thân Pháp. Sau đó, nhà hàng mở cửa cho thực khách chấp nhận nội qui là bước vào cửa, phải thoát y 100%.
(Địa chỉ: 9, rue Gravelle, 75012, Paris – France. Bản tin của LCL, Paris – Coi thêm www.restaurant-onaturel.fr)
Đạo khỏa thân và thoát y
Nói «Đạo» hay «Tôn giáo» là cách nói theo Tây phương. Tiếng pháp “Nudisme”, với tiếp vĩ ngữ “isme” chỉ một chủ thuyết, một hệ tư tưởng. Như Catholicisme là Công giáo, Islamisme là Hồi giáo, Boudhisme là Phật giáo. Theo đây, tiếp vĩ ngữ «isme» có nghĩa là “Giáo”.
Từ ngữ nu/nud là “không mặc quần áo”. Nhưng chủ trương «không mặc quần áo» vì một mục đích theo đuổi một ý nghĩa đẹp, một tôn chỉ trong nếp sống của mình và đồng thời là thành viên của một tổ chức, thì đó là nudisme (Đạo khỏa thân).
Ở Paris, từ vài năm nay, xuất hiện một tổ chức phụ nữ tranh đấu đòi hỏi nữ quyền cho phụ nữ Hồi giáo, tên là “Femen”. Họ thoát y hoàn toàn, đứng ở Bảo tàng viện Louvres, vào cả nhà thờ Notre Dame, cả Vatican, hô hào nữ quyền. Thoát y chỉ là cách họ tranh đấu để lôi cuốn sự chú ý của dư luận. Đây vẫn là những người khỏa thân (les femmes nues) mà không phải là tín đồ khỏa thân.
Nên “Đạo khỏa thân” được hiểu là một nếp sống thành cộng đồng trong một không gian riêng biệt nhằm theo đuổi sự lợi lạc cho thân thể khỏa thân tiếp xúc với môi trường thiên nhiên như không khí trong lành, mặt trời, nước, cây cỏ, đất cát. Đệ tử khỏa thân không để ý có bị dư luận phê bình là hàm ý khiêu dâm hay không, mà chỉ quan tâm sống như vậy là để đem cơ thể của minh trở về đúng địa vị thật của nó. Sự lõa thể theo chủ nghĩa khỏa thân phải được hiểu là sự lõa thể nguyên sơ như mỗi người trong chúng ta lúc mới sanh ra. Nó tự nhiện và trong lành.
Đạo khỏa thân chủ trương gìải phóng con người khỏi sức ép trong nhiều năm của giáo dục và những qui ước xã hội. Và nhờ đó con người mới khám phá ra được con người thật của chính mình.
Về mặt đạo lý xã hội, đạo khỏa thân tuyên giảng sự tha thứ, sự tự trọng và sự kính trọng kẻ khác. Cùng sống khỏa thân trong một không gian thiên nhiên, mọi người sẽ cảm thấy những rào cản cố hữu không còn nữa, những trao đổi với nhau đều rất bình đẳng. Rất nhơn bản.
Vế sức khỏe, đạo khỏa thân là động cơ để làm nảy nở và phát triển con người. Sanh hoạt trong đạo khỏa thân gồm chung cả gia đình, với con, cháu. Ở Pháp, và ngay sát Paris, có những Làng Khỏa thân, những người tới đây còn giữ được 3 thế hệ, có vài gia đình cả 4 thế hệ, cùng sống với nhau. Một môi trường như vậy dễ giúp trẻ con có điều kiện nảy nở trọn vẹn và sống hoàn toàn hòa hợp với cơ thể của chúng nó cho tới ngày trưởng thành.
Nên có người nói khỏa thân (nudisme) là một triết lý sống đẹp và trọn vẹn hiện nay!
Nguyễn Thị Cỏ May
Khuôn mặt phụ nữ đẹp nhất trong năm
Người đàn bà tươi nhất trong năm không phải là một minh tinh màn ảnh vừa lãnh Oscar. Người đàn bà đẹp nhất trong năm không phải là người mẫu với thời trang đắt tiền. Khuôn mặt đàn bà tươi đẹp nhất trong năm là một phụ nữ với trang phục bình dị, tươi cười, bình thản đi vào hang cọp, lãnh án 10 năm tù. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Nhìn hai tấm hình, một, với Như Quỳnh tươi như một bông hoa giữa một lực lượng an ninh hùng hậu, và hai, bà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhăn nhó tuyên bố phiên toà diễn ra đúng tiêu chuẩn dân chủ, khó tưởng tượng ai là người sắp đi tù 10 năm, ai đang loan một tin đáng hãnh diện.
Phải chăng bởi vì một người biết mình sắp nói láo, và biết thiên hạ biết mình nói láo ? ‘’ Người ta nói láo bằng miệng, nhưng cùng lúc, với bộ mặt, người ta cũng để lộ sự thực ‘’. Nietzsche (1)
Phải chăng NNNQ có cái an tâm tự tại của một người biết mình có chính nghĩa, biết mình có lý, biết mình đã làm chuyện phải làm, đã gỡ danh dự cho hàng triệu người cúi đầu cam chịu ?
Như Quỳnh bị y án 10 năm tù. Như người ta dự đoán. Ở VN ngày nay, có thể cướp của giết người, có thể hiếp dâm, miễn là đừng đụng tới Trung Quốc.
Trước Như Quỳnh vài ngày, Nguyễn Văn Hóa đã lãnh 7 năm tù vì đã khui vụ Formosa. Đã phạm tội ‘’ chống phá nhà nước ‘’. Hai mươi hai tuổi, vẫn chưa hiểu Formosa là nhà nước, nhà nước là Formosa.
Ở một xứ bình thường, đó là cái án dành cho những kẻ cướp của giết người.
Một lực lượng an ninh hùng hậu áp tải Mẹ Nấm, bao vây toà án, đàn áp những người tới chứng kiến phiên toà.
Bị can là một tên khủng bố nguy hiểm, đã ném bom, đặt mìn, đã cầm đầu một lực lựợng võ trang lật đổ chính quyền ? Không. Chỉ là một phụ nữ tay trắng, với hai đứa con dại. Mười năm tù, vì đã phạm cái tội nghiêm trọng nhất trong bối cảnh VN ngày nay. Đã gào thét Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, Formosa đang giết dân Việt hãy cút khỏ VN.
Tàu nó chiếm từng tỉnh, từng vùng, thải chất độc giết dân, nhà cầm quyền không dám mở miệng. Một phụ nữ chân yếu tay mềm lên tiếng thay, đáng lẽ phải đội ơn, người ta tống vào nhà tù. Tuyên án 10 năm tù cho một người mẹ với hai đứa con còn nhỏ dại, chỉ vì cái tội có lòng với đất nước. Thản nhiên như búng tay kêu một ly cà phê, một tô phở.
Xin các nhà ngôn ngữ học, nhan nhản ở VN, đang thi thố tài năng trên TV, tìm một chữ gì thay cho chữ ‘’ tòa án, công lý ‘’ của người Cộng Sản.
Ở một xứ văn minh, quan tòa là người bảo vệ công lý. Ở VN, đó là một nhóm vệ binh ngồi xổm trên pháp luật, phóng uế trên lương tâm. Có những buổi sáng, soi gương, thấy xấu hổ là người Việt Nam. Ra đường không dám ngửng nhìn thiên hạ.
Cái tươi cười, bình thản, cương quyết nhưng không một chút oán thù của một người đàn bà tay trắng, với lương tâm bình an, khiến lực lượng an ninh hùng hậu chung quanh trở thành lố bịch. Bạo quyền tự nhiên trở thành lố bịch. Trơ trẽn. Khả ố.
Một hình ảnh nói nhiều hơn một trăm trang giấy.
Paris 01.12.2017
( 1 ) ‘’On ment bien de la bouche, mais avec la gueule qu’on fait en même temps, on dit la vérité quand même ‘’. Nietzsche
Cẩm nang du lịch Việt Nam – Từ Thức
– Một người bạn nói: ông là người Việt, sống ở ngoại quốc, hiểu cả người Việt lẫn người nước ngoài, nên làm một cẩm nang cho những du khách muốn thăm viếng Việt Nam. Mới đầu, thấy đó là một ý hay. Làm thử vài trang dưới đây, không biết có nên làm tiếp không, không biết có giúp gì cho du khách để hiểu VN hơn hay không.
– Nếu ăn tiệm, thấy ngon, đừng khen. Người ta sẽ tăng giá gấp hai.
– Mua hàng, phải trả giá. Trả giá bao nhiêu cũng hớ. Nhưng nên an ủi: có người còn hớ hơn mình.
– Để quên iPhone hay ví tiền, đừng quay trở lại, hỏi có ai lượm được không. Bạn đang ở VN, không ở Nhật.
– Đi đường, chỉ nên đeo nhẫn hay đồ trang sức giả. Có thể bị mất ngón tay, nhưng không mất nhẫn… thật.
– Đừng lễ phép, chào hỏi, cám ơn, xin lỗi. Đó là dấu hiệu của người yếu. Không có chỗ sống cho người yếu trong một xã hội toàn những người hùng.
– Nếu mất giấy tờ, khi khai báo, phải biết điều. Người công chức ngồi trước mặt bạn đã tốn nhiều tiền mới được ngồi đó. Hãy giúp họ thu lại số tiền đã bỏ ra đầu tư. Đơn của bạn cũng chẳng có ai xét, nhưng nếu biết điều, đỡ mất công chờ đợi.
– Khi có người hỏi: có biết bác Hồ không, đừng kể lể những điều bạn biết về ông Hồ qua Wikipedia. Khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Người ta chỉ nhắc khéo bạn đã quên chi tiền.
– Gặp một người lần đầu, cứ nói: chào tiến sĩ. Rất hiếm người không phải là tiến sĩ. Hay ít nhất phó tiến sĩ, nhưng người Việt không thích làm phó cho ai cả.
– Nếu gặp một ông tiến sĩ có trình độ thấp hơn học sinh tiểu học, đừng ngạc nhiên. Có thể ông ta chưa học xong tiểu học.
– Nếu người ta đưa một tờ giấy khổ lớn, chằng chịt những chữ, đừng nghĩ đó là một thực đơn. Đó là một danh thiếp, liệt kê bằng cấp, chức vụ…
– Đừng hỏi chức vụ này nghĩa là gì, bằng cấp kia của trường nào. Chính đương sự cũng không biết.
– Nếu muốn tơ lụa hay đặc sản Việt Nam làm kỷ niệm, đừng mua tại chỗ, vác nặng mệt xác. Chờ khi về, mua trong một tiệm Tàu cạnh nhà.
– Đừng làm gì, nói gì, nếu không muốn bị phiền phức. Nên nhớ ở nước bạn, người dân có quyền làm bất cứ điều gì luật pháp không cấm; ở Việt Nam chỉ có quyền làm những gì luật pháp cho phép.
– Đừng làm gì, ngay cả khi luật pháp cho phép. Nhiều người ở tù mọt gông vì tưởng luật pháp làm ra để áp dụng.
– Muốn biết ai thuộc giai cấp nào trong xã hội, nên nhìn móng tay họ. Câu nói nổi tiếng: tôi làm thối móng tay mới xây được nhà cửa. Nếu thấy ai có móng tay thối, nên bày tỏ sự kính trọng. Đó ít ra là một chủ tịch xã, chủ một dinh cơ, lớn gần như dinh Tổng thống Mỹ.
– Nếu bạn thấy một người diện complet, cà vạt trong khi trời nóng như lửa, nói những câu ngớ ngẩn khiến thiên hạ ôm bụng cười, đừng nghĩ đó là những anh hề. Đó là những đỉnh cao trí tuệ loài người, đang mô tả một thiên đường XHCN trong tương lai.
– Đừng ngạc nhiên khi thấy một người làm 100 dollars mỗi tháng, xài iPhone trên một ngàn đô, xe hơi trên trăm ngàn. Tại sao không? Why not?
– Thấy hàng trăm người tụ tập ồn ào, đừng nghĩ họ biểu tình đòi nhân quyền hay tranh đấu cho môi sinh. Họ đang tranh nhau chỗ trong một tiệm McDonal’s, Starbucks.
– Thấy hàng ngàn người ngoan ngoãn xếp hàng cả buổi, đừng nghĩ họ chờ vào thư viện, coi triển lãm… Họ chờ giờ mở cửa H&M hay GAP.
– McDonald’s, H&M… đối với bạn là những tiệm bình dân, ăn cho mau, mặc cho tiện trong khi lao động tốt. Với người Việt, đó là những nơi sang trọng, dấu hiệu của thành đạt. Cái gì dính dáng tới ngoại quốc cũng sang trọng. Chụp được cái hình nằm chờ trước cửa H&M là bằng chứng bạn thuộc thành phần ưu tú trong xã hội.
– Nếu thấy một người quỳ gối, hôn chân một người khác, người quỳ gối là người Việt. Vì không thể có chuyện ngược lại. Đó là một hành động vinh quang, nếu người ngoại quốc là tỷ phú. Là một niềm hãnh diện, nếu người ngoại quốc là…. người ngoại quốc.
– Thử nêu tên Mandela, Gandhi: nhiều người trẻ nghĩ đó là một hiệu quần áo Tây, và hy vọng có ngày mở tiệm ở VN để được xếp hàng chầu chực. Nhưng họ sẵn sàng kể cho bạn tất cả những giai thoại về thần tượng Jack Ma, một thương gia Tàu trở thành tỷ phú nhờ cấu kết với nhà nước, bán hàng giả.
– Đi Air VN, nếu chờ quá một giờ trước W.C, đừng nghĩ có người táo bón bên trong. Nhân viên hàng không đã khóa cửa để lấy chỗ chở đồ lậu.
– Tại sao nhiều người Việt, kể cả người có chức sắc, bị bắt vì ăn trộm ở các cửa hàng nước ngoài? Bởi vì họ biết xài, biết hàng hóa ngoại quốc có phẩm chất.
– Tại sao ở Nhật có những bảng lớn, viết bằng tiếng Việt, nơi công cộng: “Ăn cắp là xấu”? Bởi vì ngày nay tiếng Việt được dùng tại khắp nơi trên thế giới.
– Bạn thắc mắc: tại sao phải để 10 dollars vào sổ thông hành khi qua hải quan. Sự thực, không bắt buộc phải để 10 dollars. Người ta bịa đặt ra để nói xấu chế độ. Hai mươi đô cũng được. Nhưng chuyện đó là chuyện giữa người Việt. Bạn không cần làm. Người Việt giỏi bắt nạt nhau, nhưng rất nể người ngoại quốc.
– Bạn nghe thường xuyên chữ “đéo”. Đừng tra từ điển. Chỉ nên biết đó là một chữ rất thơ mộng, rất lịch sự, trang nhã. Nếu không, tại sao họ xài trong bất cứ cơ hội nào?
– Muốn băng qua đường, đừng chờ xe cộ ngưng lại. Cứ nhắm mắt lao đầu đi. Nếu gặp tai nạn, biết ngay. Đây cũng nằm trong chiến dịch bôi xấu chế đô. Chuyện có người băng qua đường mà KHÔNG bị thương tích hay mất mạng xảy ra mỗi ngày, tại sao không báo nào loan tin? Vả lại, theo triết lý Đông phương, chết sống là số mệnh.
– Tại sao ở VN có nhiều nơi dành cho Tàu, cấm người Việt? Bởi vì nếu cho người Việt vào, đâu còn là khu Tàu?
– Tại sao thí mạng hàng triệu người, nói là để tranh đấu cho độc lập, ngày nay nước Việt thành nước Tàu? Bởi vì, khi tranh đấu, không ai nói rõ là dành độc lập cho ai, cho người Việt hay người Tàu.
– Người ta nói nước Việt đang trở thành Tàu? Đó là tuyên truyền để chống phá chế độ. Trên thực tế, người Việt vẫn đông hơn người Tàu. Trên TV, thỉnh thoảng vẫn có những chương trình văn hóa Việt Nam. Lố lăng thực, lai căng thực, nhưng Việt Nam.
– Tại sao người Việt chặt hết cây, phá hết rừng để gây lũ lụt, nhà trôi, người chết ngập đồng? Bởi vì gỗ bán được giá.
– Tại sao khi đốn rừng, người ta không trồng cây để thay, như ở các nước khác? Bởi vì người Việt không ngu như thiên hạ. Trồng cây, mấy chục năm mới lớn. Đổ mồ hôi trồng cho thằng cán bộ phe khác nó chặt à? Nếu lúc đó, hết CS, trồng cây cho phản động nó chặt à?
– Tại sao rừng núi VN có nhiều sinh vật quý, hiếm, ngày nay gần như tuyệt chủng? Bởi vì nhậu thịt bò, thịt chuột, thịt chó, thịt mèo mãi cũng chán.
– Tại sao người ta chặt cây, đốn rừng mà ít người phản đối? Bởi vì theo túi khôn của người Việt “ăn cây nào, rào cây đó”. Anh đã hái trái cây ở ngoài đường bao giờ chưa? Nếu có trái, thằng khác nó cũng hái trước rồi.
– Tại sao xúc cát… Thôi, đừng hỏi vớ vẩn nữa. Anh là bạn tôi hay bạn của cây, của rừng, của cát?
– Người bị tai nạn hay bị đả thương nằm chờ chết trên đường, tại sao không ai dừng lại? Bởi vì coi người bị xe cán chết hoài cũng chán. Nhân viên công lực? Bạn đã thấy có ai sắp chết rút tiền tặng công an, cảnh sát?
– Đừng thắc mắc tại sao người Việt hung bạo, tìm mọi cớ để đánh nhau vỡ đầu, bể trán. Suốt đời, họ bị những người có quyền đè nén, đánh giết nhau là một cách để xả hơi.
– “Những người con gái buồn không nói. Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?” (Xuân Diệu). Họ tự hỏi sẽ được xuất cảng đi đâu: Trung quốc, Đài Loan, Đại Hàn..
– Tại sao tàn nhẫn với trẻ con? Bởi vì khùng hay sao mà đi kiếm chuyện với thằng tàn nhẫn, khỏe, hung bạo, quyền thế hơn mình.
– Tại sao tàn nhẫn với đàn bà? Tại sao không? Bớp tai một cô bán hàng, không ai làm phiền, hôm sau nổi tiếng. Van Gogh bỏ cả đời vẽ tranh, chết mới nổi danh.
– Tại sao khi người Việt quét sân, hay xả rác ra đường hay đùn sang hàng xóm? Bởi vì nếu giữ rác trong nhà thì quét dọn làm gì?
– Tại sao có quán lấy nước rửa chân pha trà cho khách? Bởi vì mỗi người một sở thích. Có người thích trà hoa lài, trà sen, có người thích trà rửa chân.
– Tỷ số thất nghiệp chính thức ở VN là 2,3%, trong khi ở các nước tân tiến 5 hay 10%, có tin được không? Cố nhiên là phải tin, nếu không làm thống kê làm gì? Số thất nghiệp thấp, vì VN là một nước bình đẳng, nghề nào cũng được coi trọng, cũng được nhìn nhận. Đánh giầy là một nghề, ăn xin là một nghề, rước mối là một nghề. Đánh ghen mướn, đòi nợ thuê, đánh bả chó…
– VN đứng thứ 175 trên 180 nước về tự do báo chí? Luận điệu của phản động. Ở VN, trên lý thuyết cũng như trên thực tế, báo chí được hoàn toàn tự do ca tụng chế độ. Bạn đã thấy dư luận viên nào gặp khó dễ hay đi tù khi hành nghề chưa?
– VN bị xếp hạng trong những nước đội sổ về nhân quyền, tự do tôn giáo, về lương bổng… So what? Nếu ai cũng ngang nhau thì xếp hạng làm gì? VN cũng đứng đầu nhiều địa hạt. Thí dụ: tỷ số người bị ung thư, thành phố ô nhiễm. Sài Gòn là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới. VN là một trong ba nước có tiềm năng xuất cảng nô lệ, đàn bà mại dâm lớn nhất thế giới.
– Cùng với Trung Quốc, VN là một trong hai nước sản xuất và tiêu thụ nhiều phong bì nhất tính trên đầu người.
– Tại sao Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Anh Ba Sàm… nằm tù hàng chục năm? Bởi vì họ làm chính trị, chống nhà nước. Tại sao VN nói không có tù nhân chính trị? Bởi vì khi vào tù, họ trở thành thường phạm.
– Tự do tôn giáo? VN là nước tự do nhất thế giới. Cán bộ muốn thành sư, hôm sau cạo đầu thành sư. Ai không tin tôn giáo, cứ tự do vác súng đi hỏi tội linh mục.
– Tại sao ai cũng muốn dân chủ, nhưng VN vẫn là một nước độc tài? Bởi vì người nọ chờ người kia. Nếu anh làm, anh đi tù, người khác hưởng. Tiện nhất là chờ Tây, Mỹ nó làm giùm. Tây, Mỹ không hiểu sao nó thích buôn bán hơn là làm dân chủ. Khi nào Mỹ nó thay đổi, hết ham dollars, VN sẽ có dân chủ. Đó là vấn đề của Mỹ, không phải của người Việt.
Paris, tháng 11/2017
Từ Thức
Vui cười
– Mẹ ơi, cho con xuống bơi được không?
– Nhất định là không được, con à, biển sâu ghê lắm.
– Nhưng ba đang bơi kia kìa.
– Ba con thì bơi được, vì ổng đóng tiền bảo hiểm rồi.
Một nhà kinh doanh hỏi đứa con đang học lớp một:
– 8 cộng vơí 2 là mấy?
– Dạ 8 cộng với 2 là 30!
– Ai dạy mày vậy ?
– Thưa…Chính ba dạy con. Ba thường nối là, phải nói thách để người ta trả giá là vưà.
Một ông có bà vợ tính rất thích nói. Bà chết trước. Chôn cất xong ông chồng vào gặp cha xứ tạ ơn:
– Cảm ơn Cha đã nâng-đỡ tinh-thần con trong lúc tang-gia bối-rối. Con xin dâng tặng cho nhà thờ một vật gì hữu-dụng mà mỗi khi xài mọi người lại nhớ tới nhà con để giúp lời cầu-nguyện cho nàng.
Cha xứ vui-vẻ: – À! Vậy thì con mua cho Cha một cái loa phóng-thanh!
Một chú bé đùa nghịch lọt tõm xuống hồ. Người lớn trông thấy nhảy xuống vớt chú lên đưa vào bờ săn-sóc. Một người hỏi:
– Cháu không biết bơi sao?
Chú bé gật đầu quả-quyết:
– Biết chứ!
– Thế, sao cháu không bơi?
Chú bé trỏ tấm bảng:
– Bác xem, người ta bảo “no swimming” ở đây cấm bơi mà!
Một cô gái mặc váy ngắn bước lên tàu điện. Không còn chỗ ngồi, cô nhìn quanh.
Vừa lúc đó có một chàng trai trẻ mời:
– Cô có thể ngồi lên đùi tôi.
– Tôi sợ làm gãy cái tẩu thuốc lá trong túi quần của anh.
Chàng trai trẻ chưa kịp đáp lại thì ông già khoảng 70 tuổi ân cần nói:
– Cô có thể ngồi trên đùi tôi, vì tôi đã bỏ thuốc 10 năm nay rồi.
Ôi Saigon cũ, ai cười đó – Hoàng Hải Thủy
Phở Hoà, đường Pasteur. Khoảng năm 1965, ông bán Phở tên là Hoà đặt xe Phở trên vỉa hè đoạn đường này. Xe Phở không có tên, vì phở ngon nên đông khách, đuợc khách gọi theo tên ông chủ là Phở Hoà. Vì là Phở Vỉa Hè nên chỉ bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Hoà Chủ Tiệm thường bận áo thun ba lỗ, quần đùi xanh, đứng bán phở. Sau 1975 ông Phở Hoà biến mất. Những tiệm Phở Hoà sau 1975 đều do người ta lấy tên Phở Hòa mà mở. Tên Phở Hoà theo người Việt tị nạn sang Kỳ Hoa.
Tôi ra Trung Tâm Eden gửi Quà Noel cho Văn Quang, Thuyền Trưởng Hai Tầu, hiện ở Sài Gòn. Những ngày trước Christmas năm nay ở Virginia trời lạnh hơn những năm trước một chút, nhưng hôm nay tôi thấy lạnh quá chời là lạnh. Tôi lạnh từ trong hồn, trong tim lạnh ra, lạnh từ mỗi khớp xương, mỗi tế bào, mỗi giọt máu.
“… Chú Năm ơi..! Hôm nay trời lạnh quá!” Bỗng dưng tôi thấy tôi thầm nói với Văn Quang câu ấy. Lâu rồi, tôi gọi Văn Quang là Thuyền Trưởng Hai Tầu — có thời — xưa lắm, những năm 1960 — anh là Thuyền Trưởng chạy hai tầu cùng một lúc — nhưng anh không chịu danh hiệu Thuyền Trưởng Hai Tầu, anh nói anh là Thuyền Trưởng Năm Tầu, nên tôi gọi anh là Chú Năm.
Cái lạnh giá của nước người tháng cuối năm Tây làm tôi nhớ cái lạnh dìu dịu Mùa Giáng Sinh ở Sài Gòn, cái lạnh man mát, cái lạnh lành lạnh đủ để cho những người Sài Gòn đi sớm về chiều — chiều thôi, không cần khuya — mặc thêm cái áo blouson, cái áo gió, cái lạnh mơn mơn làm ửng hồng đôi má những người phụ nữ Sài Gòn đẹp, duyên, đa tình, chung thủy, những người phụ nữ Sài Gòn mà trong những năm 1980/1985 Sài Gòn có câu phong dao ca tụng:
Thương biết mấy nghe chồng tập nói,
Tiếng đầu ngày, chồng hỏi:… Cà phê?
Chồng tôi tù cải tạo về,
Thương chồng, thuốc lá, cà phê cho chồng.
Trống cơm ai vỗ nên bông,
Tay không tôi vỗ cơm, chồng, áo con.
Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm Phụ Nữ Sài Gòn vẫn thơm!
Bỗng dưng tôi thấy tôi thầm nói với Văn Quang:
– Chú Năm ơi..! Tôi nhớ đêm Giao Thưà, hay đêm mùng Một Tết năm 1977, Tết năm ấy chú ăn Tết ở Trại Tù Khổ Sai Hoàng Liên Sơn hay Nam Hà ngoài Bắc, tôi nằm rã rời như người chết rồi bên cái radio Sony cũng rệu rã như tôi trong căn gác lửng của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn. Gác nhỏ tối om, vo ve tiếng muỗi, tôi nằm trong mùng nghe Đài BBC. Năm ấy quí anh biên tập Ban Việt ngữ Đài BBC có sáng kiến cho một số thính giả Việt tị nạn, đi khỏi nước trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, sống tản mát trên thế giới, nói với người thân ở Sài Gòn qua làn sóng điện của Đài. Người muốn nói ghi tên trước, đến giờ Giao Thừa đuợc Đài gọi điện thoại đến nhà mời nói qua điện thoại, phát thanh về Sài Gòn. Mỗi người được nói một phút. Đêm xưa ấy tôi nghe một thiếu nữ, nhà ở Ngã Ba Ông Taï khu tôi đang sống, nói về với ba má cô đang ở khu Ngã Ba Ông Tạ. Cô nói nghẹn ngào như khóc:
– Ba má ơi..! Con ở nơi đây trời lạnh lắm. Con đang rất thèm được hưởng cái nắng, cái nóng ba ngày Tết ở quê hương ta…!
Từ Ngã Ba Ông Tạ, ngày 30 Tháng Tư ghê khiếp ngàn năm mới có một ngày, người thiếu nữ Ngã Ba Ông Tạ chạy được ra nước ngoài, cô đến sống ở Pháp. Đêm Giao Thừa xưa ấy nghe cô nói nơi cô ở trời lạnh quá, cô thèm được hưởng cái nắng, cái nóng ba ngày Tết ở quê hương, tôi thương cô quá là thương. Tôi có ngờ đâu cuộc đời dâu biển, cuộc tình tan tác như khói mây, bốn mươi năm sau hôm nay lưu lạc quê người, tôi cũng ngậm ngùi thầm nói qua biển rộng, nói qua trời xanh, nói về Sài Gòn với chú rằng…:
– Ôi… Chú Năm ơi.. Tôi ở nơi đây trời lạnh quá, tôi đang rất thèm được hưởng cái mát dìu dịu của những buổi sáng hồng, những đêm xanh muà Giáng Sinh ở Sài Gòn Xưa của chúng ta..!
Rồi tâm viên, ý mã, tôi nghĩ vẩn, tôi nhớ vương sang những chuyện khác. Tôi nhớ mấy câu Thơ của Thi sĩ Nguyễn Bính, Thi sĩ làm bài thơ này ở Sài Gòn những ngày Tết Nguyên Đán năm 1942 hay 1943:
Em ở mình đây, trời nắng lắm
Sài Thành không biết có xuân sang.
Một đêm trăng khuyết đầy thương nhớ,
Đất Bắc xa vời không tiếng vang.
… Ôi vườn dâu cũ, ai cười đó,
Xào xạc bên sông tiếng chợ tàn.
Mây bay đầy ngõ, hoa đào rụng
Này đã giao thừa pháo nổ ran…
Tôi sửa vài tiếng trong bài thơ để tả tâm sự tôi:
Anh ở nơi này trời lạnh lắm
Kỳ Hoa không biết có xuân sang.
Một đêm trăng khuyết đầy thương nhớ,
Đất Việt xa vời không tiếng vang.
… Ôi… Sài Gòn cũ ai cười đó..?
Man mác tim ta tiếng ngọc vàng.
Hương bay đầy ngõ, hoa mai nở
Này đã giao thừa pháo nổ ran…
Ôi… Sài Gòn cũ, ai cười đó?? Ôi.. Sài Gòn ngày xưa của tôi, Sài Gòn trong hai mươi năm tôi trẻ, tôi sống, tôi viết truyện, tôi làm báo, tôi yêu, tôi vui, Sài Gòn yêu dấu của tôi trong hai mươi năm vui ấy có biết bao nhiêu tiếng ai cười!
Ôi… Sài Gòn cũ, ai cười đó??? Hỏi vậy thôi, tôi làm sao quên được những người cười, những người khóc trong đời tôi ở Sài Gòn yêu dấu ngày xưa! Dư âm những tiếng cười, tiếng khóc xưa ấy chiều nay, ở xứ người, làm tim tôi vỡ!
Nhưng thôi, tôi viết sang chuyện khác. Đang sầu buồn mà thả lòng theo nỗi sầu buồn, mà viết vung tí mẹt về sầu buồn, lời văn sẽ thành cải lương, chua như bún thiu, sìu như cơm vữa. Tôi thả hồn tôi trở về những đường phố Sài Gòn mùa cưới ngày xưa. Những thiếu nữ Sài Gòn thơm như múi mít chín, đậm như thịt sầu riêng, ngọt như sa-bô-chê, chua ứa nước miếng như trái cóc chín, những người thường lên xe bông vào những tháng cuối năm, đông nhất, rộn rịp nhất, tưng bừng nhất là những ngày trước, sau Lễ Noel đến những ngày gần Tết Nguyên Đán. Ba tháng cuối năm là mùa cưới của thiếu nữ Sài Gòn.
Bọn ăn cướp Bắc Cộng vào Sài Gòn, chúng bóc hết, chúng lột hết, chúng ăn hết, chúng mút hết, chúng liếm hết, chúng móc hết, chúng nhổ hết, chúng chùi hết, chúng làm cho Sài Gòn trong một sớm, một chiều, trở thành nhẵn thín, rách rưới, trần truồng, một nửa sợi lông còi không còn. Những tưởng người Sài Gòn sẽ đói, sẽ đoi, sẽ rách mãi mãi, tôi cứ tưởng muôn năm, hay ít nhất trong đời tôi, tôi sẽ không bao giờ còn thấy những chiếc xe hoa đám cưới chạy trên những đường phố Sài Gòn.
Xe hoa đám cưới, xe ô-tô rước dâu, gọi tắt là xe bông, trước ngày 30 Tháng Tư 1975, quanh năm lúc nào cũng có năm, bẩy chiếc nằm đợi khách ở đầu đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, ở đường Tổng Đốc Phương gần Bưu Điện Chợ Lớn. Toàn là xe Huê Kỳ to nồng nỗng, dài đuồng đuỗng, lớn như cái suồng, ngốn xăng như trâu đực khát uống như nước suối mơ, những chiếc xe hiệu Chrysler, Chevrolet, Dodge, Rambler, Mercury… như được các hãng Mỹ chế tạo dành riêng để chở những Cô Dâu Sài Gòn đến nhà thờ, đến chùa, đến cao lâu. Bọn Bắc Cộng giép râu, nón cối lểnh mểnh kéo vào Sài Gòn, những chiếc xe cưới ấy biến mất trên những đường phố Sài Gòn…
Những tưởng Sài Gòn sẽ không bao giờ còn có xe bông, những tưởng những cô dâu Sài Gòn sẽ về nhà chồng trên xe ba bánh. Nhưng không lâu, chỉ bốn, năm năm thôi, chỉ năm năm ngắn ngủi, Sài Gòn ngã và Sài Gòn gượng dậy. Như bọn Mãn Thanh khi vào làm chủ trung thổ Trung Hoa bị văn hoá Trung Hoa chế ngự, phải bắt chước những phong tục của người Trung Hoa, bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn cũng rất sớm bị bắt buộc phải bắt chước lối sống đẹp của dân Sài Gòn. Mùa cưới những năm 1982, 1983… người ta lại thấy trong những chiều thứ bẩy nắng vàng, những sáng chủ nhật trời trong, những chiếc xe bông hai mầu trắng đỏ chạy lên, chạy xuống, chạy ngang, chạy dọc trong thành phố Sài Gòn.
Năm 1981, 1982 ở Sài Gòn, tôi làm vài bài thơ tức cảnh Sài Gòn Xe Bông Áo Hồng Khăn Cưới. Xin mời quí vị đọc:
Tại Ngục Vĩnh Kiều. Thơ làm trong Nhà Tù Chí Hoà năm 1988, Lời Bình Loạn viết ở Kỳ Hoa năm 1995. Trích:
Khi nào bạn thấy nếu bạn không làm thơ bạn chết bạn hãy làm thơ. Còn nếu bạn thấy không làm thơ bạn cũng chẳng sao cả, thì bạn đừng làm thơ…
Đấy là lời của thi sĩ Rilke viết cho một thi sĩ trẻ. Tôi đọc được lời trên của Rilke từ những năm 1960, thời gian tôi không làm thơ và không bao giờ tưởng tượng có ngày tôi sẽ làm thơ. Nhưng ngay lúc đó tôi đã thấy Rilke khuyên thật chí lý. Lời khuyên ấy cho tôi biết tại sao trên cõi đời này lại có nhiều bài thơ dzở đến như thế và cũng cho tôi biết tại sao trên cõi đời này lại có nhiều người làm thơ dzở ẹt đến như thế mà vẫn cứ làm thơ. Một trong những nguyên nhân chính làm cho Trường phái Thơ Con Cóc phồn thịnh khắp cõi đời này chính là vì nhiều nhà thơ không làm thơ mà vẫn sống nhăn nhưng đã làm thơ vung xích chó.
Tôi là một trong những nhà thơ Con Cóc ấy. Tuy đã biết lời khuyên của Rilke từ lâu và tuy tôi thấy lời khuyên ấy đúng, nhưng rất nhiều lần trong đời tôi, nếu tôi không làm thơ tôi không chết song tôi vẫn cứ làm thơ. Tôi làm thơ trong những ngày, những đêm u ám tôi sống mỏi mòn trong thành phố đầy cờ đỏ. Tôi xin tự biện hộ tôi không biết nếu những lần ấy không làm thơ tôi có chết hay không, song điều rõ ràng là trong những lần làm thơ đó trái tim tôi có niềm xúc động bắt tôi phải làm thơ.
Trước cảnh những cô gái Sài Gòn lên xe bông với áo dài cô dâu, khăn voan, xuyến vàng, pháo hồng… v.v… tuy không làm thơ tôi vẫn sống nhăn, các nàng vẫn cứ thơ thới hân hoan lên xe bông về nhà chồng, tôi đã mần thơ:
Sáu năm vất vả ở Thành Đồng
Cứ tưởng là em ế chổng mông
Ai ngờ đám cưới em ra rít
Em vẫn xe bông, vẫn pháo hồng.
Sáu năm cả nước xếp vào hàng
Cứ tưởng bà con đói cả làng
Ai ngờ đám cưới em ra rít
Em vẫn khăn voan, vẫn xuyến vàng.
https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/12/10/oi-sai-gon-cu-ai-cuoi-do/
Những Giáng Sinh
trong trại tù Cộng sản
1- Giáng Sinh năm 1976 ở trại Long Giao
Năm 1976 tôi bị giam trong trại 11 Liên trại 3 Long Giao, Long Khánh. Vì mấy tháng trước xảy ra chuyện trốn trại bất thành, bị bắn đổ ruột mà không chết của anh Hà Văn Hùng và một vài anh em khác, đang bị cùm trong conex, nên không khí trong trại ngột ngạt, nặng nề, khó thở. Anh em chúng tôi ngoài giờ đi lao động vác gỗ, vác tre về làm hội trường nhà ở cho đám cán bộ và cuỉ cho nhà bếp còn phải khiêng phân trồng rau trồng sắn. Ở đội 1 (Đội có anh Hùng) ai nấy đều dè dặt lời ăn tiếng nói, các tên cán bộ quản giáo hay cán bộ đội cũng thay đổi thái độ không còn hay lai vãng xuống các đội dò xét chúng tôi mà có gì chỉ liên lạc với cácđội trưởng, trong đó đội trưỏng đội 1 chúng tôi là anh Lâm Võ Hoàng {sau này là cố vấn kinh tế ngân hàng cho Võ Văn Kiệt) ra ngoài khu cơ quan làm việc
Riêng những anh hay ăn nói bốp chát với cán bộ như anh Phạm Lai, anh Dương Hùng Cường dường như cũng “sì tốp” bớt sau mấy lần anh Dương Hùng Cường bị điệu ra ngoài cơ quan làm việc trở về với dáng phờ phạc, đăm chiêu.
Tôi nhớ lại đêm Giáng Sinh năm đó, tôi buông mùng đi ngũ sớm hơn thương lệ, ngồi trong mùng tôi thầm đọc kinh cầu nguyện cho khỏi ai thấy, vừa đọc kinh tôi vừa nhớ lại những mùa Giáng sinh trước, những kỷ nệm êm đềm đầm ấm thủa nào, nước mắt tôi âm thầm rơi xuống gò má hốc hác trơ xương.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay chợt có bàn tay ai đó kéo chân tôi làm tôi choàng tỉnh, vén mùng nhìn ra tôi lờ mờ thấy khuôn mặt của tên quản giáo Cảnh, đứng đàng sau lố nhố là mấy tên vệ binh súng AK lưỡi lê tuốt trần. Tên cán bộ ra hiệu cho tôi đi ra ngoài, tôi lẳng lặng đi theo hắn ra đến ngoài sân tập họp, ở đó tôi đã thấy có tốp người lặng lẽ ngồi chờ. Trời Long Giao se lạnh, tôi chỉ mặc có một cái áo tù mỏng, tôi thầm trách sao không cầm theo cái áo Jacket để giờ đây ngồi chịu lạnh.
Cũng nói qua về cái trại giam Long Giao đó, nó mang số 11 nghĩa là trước nó đã có 10 cái trại và sau nó thì không rõ còn bao nhiêu cái nữa. Trại nguyên là trại gia binh của Trung Đoàn 52 sư đoàn 18 Bộ Binh, nó gồm nhiều dãy, mỗi dẫy 10 căn nhà, chúng tôi bị giam cứ 1 căn nhốt 7 hay 8 người, 2 căn thành một tổ 15 người , hai dãy nhà thành một đội. Trại 11 gồm 8 đội và nhốt khoảng 1200 người tù cải tạo.
Lần lượt tên quản giáo dẫn ra thêm mấy tốp khác, chúng tôi hoang mang ngồi trong bóng tối, nên không biết là ai, nhưng có tiếng húng hắng ho làm tôi biết có anh Pham Lai, rồi có tiếng khò khè của anh Hoàng Bửu. Tên quản giáo quơ đèn pin ra hiệu cho chúng tôi đứng lên đi theo hắn. Chúng tôi lần lượt xếp hàng đôi đi về phía cổng trại giam như những bóng ma. Ra đến cổng, tôi thấy thêm một tốp vệ binh nữa cũng trang bị súng AK với lưỡi lê tuốt trần nhọn hoắt. Tên quản giáo chiếu đèn pin ra hiệu cho từng cặp ra một, tôi và Vang bước ra nhập vào đám đông đang đứng chờ rồi tiếp tục đi về phía hội trường. Ở đó giữa ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu, tên thiếu tá trại trưởng nét mặt ra vẻ nghiêm trọng đang đợi chúng tôi trên bục giảng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống nền đất đỏ của hội trường. Tên trại trưởng đằng hắng rồi cất cao giọng, hắn giảng thuyết theo bài bản mà chúng tôi vẫn phải nghe mỗi khi lên lớp, đều là ca tụng đảng CS, ca tụng bác hồ của hắn, ca tụng phe xã hội chủ nghĩa của hắn. Nhìn nét mặt say sưa của hắn tôi tin rằng hắn đang thành thật sùng tín vào những điều hắn nói. Hôm nay đặc biệt hắn lại nói về tôn giáo, hắn kết án các tôn giáo ở miền Nam, cho rằng các tôn giáo làm cản trở bước tiến giải phóng miền Nam. Sau một hồi kết án chán chê, hắn ra lệnh cho chúng tôi về trại, lần này hắn không hỏi và bắt chúng tôi hô lớn: “Thưa cán bộ, hiểu!!” như thông lệ hắn vẫn làm từ trước đến nay.
Chúng tôi lại lục tục kéo nhau về trại giam.
Trước khi bước chân vào buồng, tôi, Vang và Hoàng Bửu bị hắn chặn lại thì thầm vào tai: “Tôi nói cho các anh biết các anh có bỏ đạo thì mới được về !”, rồi hắn dặn : “Không được nói cho ai biết chuyện đêm nay đấy nhé”.
Tôi leo lên sạp thì nghe tiếng gà eo óc gáy từ xóm nhà dân ở Cẩm Đường văng vẳng vọng laị. Tôi thiếp đi cho đến sáng.
Ngày 25 Giáng Sinh chúng tôi vẫn tiếp tục lao động như thường lệ, nhìn ánh mắt nhau, chúng tôi thầm hiểu đêm qua CS tập trung anh em sĩ quan Công Giáo, Tin Lành lại vì chúng không muốn cho chúng tôi có dịp tập họp ca hát và đón mừng Chúa như mùa Giáng Sinh 75 đầu tiên trong trại tù ở Phú Lợi, Bình Dương. Chúng tôi biết chúng muốn đe dọa và dụ dỗ để phá hoại niềm tin vào Thiên Chúa của anh em chúng tôi. Nhưng chúng đã lầm, càng gian nan chúng tôi càng cảm thấy cần có Chúa hơn.
2 – Giáng sinh 1977 ở trại Hồng Ca Yên Bái Hoàng Liên Sơn.
Tháng 7 năm 1977 chúng tôi bị chuyển ra tù ngoài Bắc bằng mấy chuyến tàu sông hương trong những chuyến đi kinh hoàng. Đầu tiên chúng đưa chúng tôi về trại Lao Cai ít hôm rồi chuyển tiếp về trại Khe Thắm, huyện Trấn Yên do bộ đội CS kiểm soát được mấy tháng, lại chuyển chúng tôi về trại Hồng Ca, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn do Công An CS quản lý.
Chúng tôi như cá chậu chim lồng vì lúc ở trại do bộ đội quản lý dù sao chúng tôi còn được hít thở không khí có đôi chút tự do, hàng ngày chúng tôi lên rừng chặt giang chặt nứa cả ngày miễn sao đủ chỉ tiêu một người bốn bó giang mỗi bó 5 cây giang dài 4 mét hay 2 bó giang nứa mội bó 30 cây cũng dài 4 mét là được, thời giờ còn lại chúng tôi đi câu cá, câu cua hay hái măng giang bắp chuối rừng về ăn cho đỡ đói.
Ở trại Hồng Ca, chúng tôi bị bó buộc lao động trong 4 bức rào nứa của vòng ngoài trại giam. Ỏ đó ngoài đội trồng sắn, chúng tôi là được lãnh đi làm tập thể rẫy cỏ sắn chờ thu hoạch ở mấy ngọn đồi quanh trại. Bắt đầu từ ngày 18 /12 chúng tôi thu hoạch sắn, mỗi người theo chỉ tiêu nhổ 60 gốc sắn, dùng cuốc hay dao cắt rồi gom củ sắn lại thành đống để nhóm Tự Giác đánh xe trâu ra chở về trại luộc lên phát cho trại viên mỗi người 2 hay3 củ một ngày để thay cơm hay bánh bột mì hấp vừa dai vừa đen sì và nồng nặc mùi *** dán.
Chiều ngày 23 đi lao động về, lãnh phần ăn thay vì mấy củ khoai mì gầy guộc, chúng tôi nhận cứ 8 ngườiđược một xoong cháo nấu bằng sắn bào, lõng bõng mấy tép hành khô và đám láng mỡ lều bều, nhà bếp giải thích là vì sắn phải đem ra ty lương thực huyện kiểm thu, xong rồi mới phát lại cho trại nên hiện trại không còn lương thực gì kể cả sắn thu hoạch, chúng tôi lặng lẽ húp chén cháo sắn lõng bõng rồi đi ngủ cho quên cái đói ồn ột sôi trong bụng.
Qua ngày hôm sau cũng thế, tình trạng kéo dài đến 25, nhiều anh em trong đội sắn chúng tôi đói quá hóa liều lén nhai cả sắn sống bị say, nôn ói ra mật xanh mật vàng.
Trưa ngày 27, nhiều anh em lả đi nằm thiếp trong sàn cáo bịnh nhưng lịnh của tên trại trưởng thông báo chúng tôi phải tập trung lên hội trường.
Chúng tôi dắt díu nhau lên hội trường trong khi đám cán bộ trại nhìn những bước chân xiêu vẹo của chúng tôi ra vẻ thích thú chúng, huých vai nhau và cười hô hố.
Tên đại úy trại trường tự giới thiệu là Trần Văn Sơn, hắn nhăn nhở đứng trên bục giảng đảo mắt qua chúng tôi một lượt rồi cho lệnh chúng tôi ngồi xuống. Hắn bắt đầu cất cao bài giảng thuyết mà chúng tôi rất quen thuộc vì ở trại nào từ quân đội cho đến công an đề lớp lang như nhau, không khác một giọng lên bổng hay xuống trầm.
Kết thúc bài giảng hắn hỏi chúng tôi giọng ân cần giả nhân giả nghĩa:
– “Các anh có đói không? Ừ tôi biết các anh đói mấy ngày nay, vì trại phải nộp thu hoạch cho huyện.
Đột nhiên hắn cất cao giọng như thét lên:
– “Các anh tin có Chúa của các anh, sao các anh không cầu Chúa của các anh cho các anh ăn no, các anh cứ cầu đi, biết đâu ông Giê Su của các anh chẳng ban ngay cho các anh mỗi người cái bánh tây to tổ bố như thế này này?“ Vừa nói hắn vừa phùng mang trợn mắt vung hai tay lên thành vòng tròn.
Rồi hắn chỉ tay vào ngực giọng chì chiết:
– “Đó các anh cứ cầu xin đi! Nhưng mà tôi nói cho các anh biết chỉ có thằng cộng sản này là cho các anh được no mà thôi. Các anh cử thử xin mà xem thằng cộng sản này có cho các anh no nê không nào?
Nói đến đây hắn có vẻ thỏa mãn, hả hê lắm rồi như khoe:
-“Các anh về traị đi xem hôm nay có được no không nào?
Chúng tôi về đến trại, quả thật chiều hôm đó mỗi người chúng tôi lãnh một nón cối đầy khoai mì luộc còn bốc khói. Tôi nhai mà niềm uất hận cứ trào dâng lên làm tôi nghẹn không thể ăn được hơn hai củ khoai bàng cườm tay trẻ con, dù bụng tôi đói cồn đói cào.
3- Giáng Sinh 1979 trại Tân Lập Vĩnh Phú
Đầu năm 1978 chúng tôi bị chuyển đến trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, vì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Hoa. Trên báo Nhân Dân mà chúng bắt chúng tôi phải nghe, lác đác đã có các bài chửi Trung Quốc. Một lần có tên vệ binh hỏi chúng tôi nếu có yêu cầu đánh nhau với Tàu các anh có đi đánh không tôi trả lời tôi tuy là lính nhưng chỉ biết cầm sơn, cầm cọ, cầm viết chứ không biết cầm súng, nhất là súng AK. Hắn nhìn tôi lúc lâu rồi đỏ mặt quay đi.
Trại Tân Lập là một trại rất lớn đã có từ lâu đời. Trên những ngôi mộ tù thỉnh thoảng chúng tôi lượm được những thanh gỗ mục có viết tên những tù nhân bị chết ở đây có mảnh dễ chết từ năm 1954, 55. Trại Tân Lập chia ra làm 5 phân trại. Phân trại 2 của chúng tôi nằm tận trong cùng của dòng suối Ngọc quanh co chảy ra đến gần Ấm Thượng.
Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trồng rau xanh, cung cấp cho toàn trại, đồng thời còn trồng sắn trên những ngọn đồi trọc cách trại gần 2 cây số.
Từ các trại tù gần biên giới Việt Hoa chúng tôi bị đưa về tập trung ở 2 trại của tỉnh Vĩnh Phú là Hồng Quang và Tân Lập. Phân trại K 2 chúng tôi gồm toàn các anh em trẻ từ trại Hồng Ca chuyển đến đợt đầu, rồi đến nhiều đợt kế tiếp gồm toàn các sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống.
Ngày nọ trại K 2 tiếp nhận thêm một đợt gồm toàn các vị linh mục, mục sư, đại đức trước đây là tuyên úy trong quân đội đã giải ngũ hay còn đương nhiệm. Các cha, thầy bị tập trung vào một đội mà bọn vệ binh chúng thường gọi lóng với nhau là đội “đạo binh hương khói”. Công việc của đội tuyên úy là chăn gà chăn lợn trong vòng rào thứ 2 của trại. Một số khác tăng cường cho đội nhà bếp trong đó có cha già Bỉnh. Giáng Sinh năm 1978, nhờ có các cha mà chúng tôi được xưng tội rước lễ và dâng lễ Giáng Sinh dù phải khéo léo âm thầm để che mắt bọn vệ binh, quản giáo. Đêm Giáng Sinh năm đó chúng tôi hướng về buồng giam các tuyên úy để cùng thầm dâng lễ nửa đêm dù chúng tôi phải nằm trong mùng và trùm chăn kín mít vì lạnh.
Cuộc đời khổ sai của chúng tôi cứ thế trôi dần cho đến cuối năm 1979 thì xảy ra một biến cố lớn. Số là trong trại bỗng từ đâu có tin đồn loan truyền rằng chúng tôi sắp được thả hay được đi qua Mỹ. dù không tin tưởng lắm nhưng lòng tôi cũng háo hức. Bạn bè hỏi, tôi chỉ cười: Tao an tâm cải tạo chờ đón thế kỷ 21 – không biết sao lời nói của tôi đến tai tên quản giáo, hắn bắt tôi tra vấn và làm kiểm điểm.
Rồi mùa Giáng Sinh cũng đến. Sáng ngày 24, như thường lệ chúng tôi tập trung trước sân trại chờ gọi tên từng đội báo cáo con số tù xuất trại đi lao động. Lần lượt các đội đếu được gọi tên, cuối cùng chỉ còn đội Tuyên Úy là sót không được gọi.
Khi tất cả cải tạo vừa ra khỏi trại là lúc mấy chục tên công an vũ trang ùa vào trại. Chúng xông đến đội tuyên úy còn đang ngơ ngac rồi vây chặt họ lại, tên cán bộ trực trại đọc lệnh khám tư trang. Thế là các tuyên úy được áp giải về buồng giam. Mọi người thu xếp tư trang rồi khệ nệ cõng, khiêng ra trước sân lán và cuộc khám công tư trang quen thuộc với chúng tôi lại diễn ra. Có khác chăng, lần này đám công an vũ trang khám xét kỹ lưỡng tỉ mỉ từ đường khâu mối vá trên áo trên quần các vị tuyên úy.
Một tốp công an khác vào trong buồng khám xét, săm soi mọi chỗ nằm từ gầm sạp cho đến kẽ lá trên mái nhà ngay đầu nằm các cha các thầy. Chúng lôi ra đủ thứ trong đó nào là mấy cái ống bương đựng nước đến những thánh giá làm bằng gỗ củi, có vài miếng tôn nhỏ bàng ngón tay mà các cha các thầy dùng để cắt miếng bánh mì hấp vừa khô vừa cứng. Chúng đem những thứ đó ra và hỏi lớn xem của ai, có thứ thì có người đứng ra nhận có thứ thì không, mỗi khi có người nhận món gì tên quản giáo đều ghi tên vào cuốn vở học trò bằng giấy giang hắn kè kè mang theo rồi quăng món đó vào cái thùng xe cải tiến. Còn món nào không có người nhận, chúng tập trung tất cả và đưa cho tên quản giáo.
Tên quản giáo đội dẫn các cha, các thầy trở vào buồng, cho để đồ lên sạp theo sự chỉ định của hắn xong rồi bắt các cha các thầy tập trung ngồi khít hai bên đầu dãy sạp và bắt đầu kiểm điểm, hắn lôi ra từng thứ và hỏi lại món này của ai. Mội lần có người nhận hắn lại chăm chú ghi chép vào cuốn sổ. Phần đông các cây thánh giá thì có các cha, các mục sư nhận, hắn ghi vào sổ nhưng không giao lai cho khổ chủ. Cuối cùng chỉ còn mấy miếng sắt bằng ngón tay dùng để cắt bánh mì hấp là không có ai nhận, vì thực ra có ai biết rõ cái nào là của mình đâu trong trại tù đổi chỗ nằm xảy ra xoành xọach, có khi người này làm để quên ở chỗ nằm khi di chuyển lâu dần quên, người khác đến nằm tìm được cứ thế dùng rồi lại dấu đi, nên nào biết của ai đâu.
Tên quản giáo hỏi gằn mấy lần vẫn không có ai nhận, hắn bực dọc đứng lên: “Các anh vẫn còn ngoan cố bao che cho nhau chẳng anh nào thật thà khai báo, cứ quanh co dấu tôi thì bao giờ mới tiến bộ mà về ?!. Các anh dùng cái này làm gì có phải đây là thứ vũ khí sắc nhọn không?!
Các anh định tái vũ trang đấy à? Này tôi bảo cho mà biết đừng có mà bẻ nạng chống trời là không được với tôi đâu! Tôi yêu cầu anh Tùng (Đại Đức NX Tùng Đội trưởng) phải kiểm điểm hết đêm nay tìm cho ra đến bao giờ xong mới cho đội nghỉ. Nói xong hắn ngoe ngoảy đi ra cửa buồng. Thế là cả đội cứ ngồi im lặng kiểm điểm từ giờ này cho đến giờ kia.
Đến giờ đóng cửa buồng mà các vị vẫn chưa được tha tội cứ ngồi chịu trận mà chẳng được ăn gì từ sáng cho đến tối. Đến khoảng gần 10 giờ tên quản giáo trở lại và hỏi:
“Chưa xong à?, thôi mai cho cac anh kiểm điểm tiếp !!”
Các cha các thầy đều lặng lẽ ra chia phần ăn là mấy lát rau muống luộc với một chén sắn rồi âm thầm ăn uống trong lạnh lẽo của một đêm Giáng Sinh. Các vị ăn xong ai nấy về chỗ nằm mới đến gần
– “Đêm nay là đêm Giáng Sinh, mình nên làm gì để ghi nhớ ngày Thiên Chúa giáng trần đi chứ. Chẳng thấy ai hưởng ứng vì ai cũng đã quá mệt mỏi. Một lát sau vị đại đức lại đề nghị:
– “Hay chúng ta hát vài bài ca để kỷ niệm Giáng Sinh?”
– “Nhưng có được hát nhạc đạo đâu nào”, có tiếng ai đó đáp lại.
– “Thì mình hát nhạc cánh mạng cũng được chớ sao miễn là miệng mình hát nhưng lòng mình tường nhớ đến Chúa cũng được chớ gì.
Cuối cùng, sau một hồi thì thào bàn tán, mọi người đồng ý hát nhạc cách mạng trong đêm Nôel.
Cha Thanh Châu là vị tuyên úy của vùng 4 chiến thuật xung phong đứng ra bắt nhịp cho các vị cùng hát. Tiếng hát ban đầu còn nhỏ sau to dần to dần mọi người say sưa hát như quên hết nỗi căng thẳng trong ngày! Những bài hát CS trong một đêm Giáng sinh vang lên trong trại tù!!
Đang say sưa ca hát bỗng cửa buồng xịch mở: 5, 6 tên công an vũ trang súng AK lăm lăm trong tay xông vào, đi sau là tên thượng sĩ Quang, cán bộ giáo dục trại, hắn hách dịch hỏi :
– “Tại sao các anh không ngủ mà còn ca hát ồn ào?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi chưa ngủ được vì cả ngày kiểm điểm căng thẳng quá, chúng tôi muốn ca hát đôi chút cho khuây khỏa
– “Ai là ca trưởng?”
– “Thưa cán bộ không có ai là ca trưởng, chỉ có tôi cầm càng bắt nhịp cho anh em hát”
– “Ai cho phép anh xuyên tạc nhạc cách mạng?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi hát nhạc cách mạng chứ có phạm gì đâu?”
– “Không lôi thôi gì cả anh theo tôi đi ra ngoài, các anh khác ngủ đi lấy sức mai lao động, còn hát nữa là tôi cùm đấy”.
Nói xong hắn dẫn Cha Châu ra khỏi phòng trong bóng đêm dày đăïc, mọi người lặng lẽ nằm xuống ngủ vùi.
Sáng hôm sau trước giờ chúng tôi đi lao động, tên “cán bộ trực trại” điệu Cha Châu ra trước sân tập họp rồi hắn đọc lệnh biệt giam cha 14 ngày vì tội “Hát xuyên tạc nhạc cách mạng”.
Ai nấy đều thắc mắc cho đến ngày cha được tháo cùm thả về đội, mọi người mới vỡ lẽ vì các vị hát bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” trong đó có câu : “Nếu còn bóng quân xâm lược thì QUÉT sạch nó đi !”
Tên cán bộ giải thích: “Các anh hát ra là: Nếu còn bóng quân xâm lược thì GIẾT sạch nó đi. Bác Hồ có nói thế bao giờ?! Rõ ràng là các anh xuyên tạc lời bác, tưởng chúng tôi không biết hả?”
Thật ra đó chỉ là cái cớ để chúng dẹp các cuộc tụ họp dưới mọi hình thức trong đêm Noel mà thôi. Bằng chứng là trong các đội khác, thỉnh thoảng vẫn có người hát là “Giết sạch nó đi” mà có sao đâu?
Tất cả những sự kiện trong bài đều là có thưc, chúng tôi chỉ xin sửa đổi tên họ của vài anh em còn kẹt tại quê nhà, vì khôngmuốn công an lại đền hành hạ các anh thêm.
Trần Việt Yên
https://khoa28tvbqgvn.com/nhung-giang-sinh-trong-trai-tu-cong-san/
Vui cười
Trước khi đi ngủ, bà cụ dặn chồng:
– Ông nhớ xem chừng cửa nẻo, kẻo trộm nó vào thì khổ đấy
– Bà khéo lo! Ngay cả tôi còn không biết chổ bà cất tiền, huống chi người dưng.
Nhân viên kế hoạch hóa gia đình hỏi một người mẹ đang bồng một cháu bé trên tay:
– Bà bảo chồng bà đã chết 6 năm rồi, sao lại có cháu bé này?
– Ổng chết, nhưng tôi chưa chết…
Một ông 45 tuổi tâm sự với bạn:
– Mình định lấy vợ, nhưng cô ấy còn chưa học xong trung học.
Không biết mọi người có nói gì về mình không?
– Có lẽ về cậu thì không. Nhưng họ sẽ nói về cô ấy là: “… chắc bị lừa”
Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau:
– Suốt 10 năm kể từ ngày cưới, tôi và chồng tôi chỉ ra ngoài cùng nhau có mỗi một lần…
– Chắc là đi nhà hát hả?
– Không, khi nhà chúng tôi bị cháy…