Tạp luận: Chẩy máu chất xám tại chỗ
Theo blog Bà Đầm Xòe – Đào Dục Tú
Con số 72 ngàn tiến sĩ ,thạc sĩ hiện chưa co công ăn việc làm do Bộ LDTBXH công bố mới đây, ít nhiều gây chấn động dư luận xã hội và hàng loạt câu hỏi không dễ trả lời về nền giáo dục nước nhà lại được cầy sới tận gốc trốc tận rễ. Vì sao một nước đang phát triển, chỉ có điểm duy nhất để các tổ chức ngân hàng thế giới-nôm na là chủ nợ của VN, ghi nhận là xóa đói giảm nghèo “ấn tượng” đã có công đào tạo “Một rừng người có học vị cao” như thế mà tại làm sao họ không được sử dụng để thi thố tài sức trí tuệ tuổi trẻ cho sự nghiệp kiến quốc hiện rất cần đến tri thức và trí thức. Nền kinh tế trí thức; hàm lượng trí thức “trong từng sản phẩm” khoa học công nghệ, tăng tính cạnh tranh kinh tế còn nhiều yếu kếm thua thiệt của nước nhà vân vân và vân vân nhiều học giả,nhà khoa học trong những năm vừa qua giải trình nghiêm túc, tâm huyết và tường tận trên các diễn đàn vấp phải thực tế con số làm tròn 72 ngàn trên đây (có thể cao hơn) thật không khác gì một sự quá trớ trêu, trêu ngươi, nếu không muốn nói hài hước ! Người có chút suy nghĩ, nhất là những ai có lòng tự trong trí thức ,liêm chính trí thức, sao có thể không rầu lòng cho được.
Người ta cũng chẳng muốn nói đi nói lại mãi vì thực tế dư luận báo chí ,dư luận xã hội và cả trên các diễn đàn công quyền là Quốc hội đã không biết bao nhiêu dịp tốn nhiều giấy mực, thời gian mổ xẻ nguyên nhân bao trùm ,nói nôm na là trường chưa ra trường ,thấy chưa ra thầy ,trò chưa ra trò theo một chuẩn mực khoa học và thực tiễn VN thôi, nhưng là VN đúng nghĩa phù hợp với phần nhân loại văn minh phát triển hiện đại (không nói chuẩn quốc tế xa vời). Nếu như cứ kéo dài mãi tình trạng có thời điểm sốt đại học cao đẳng (ngoài đủ thứ sốt đất ,sốt tiền ,sốt dự án, sốt tham nhũng ,sốt đội giá công trình,sốt vàng sốt bạc . . . luôn là tác nhân làm nóng thời sự.) đến mức nửa tháng ở trên dải đất chữ S lạ lùng này lại xuất hiện một trường đại học nữa, bổ xung cho con số mấy trăm trường cao đẳng đại học khắp các tỉnh thành ,các ngành các cấp mọc như nấm sau mưa sau một thời gian không dài; và nếu như cái cảnh giáo viên một trường nào đó ở Bình Định đám thẳng vào mặt học sinh rồi học sinh dồn thầy vào một góc bục giảng để cứu bạn vân vân. . . (không ít người đã xem trên mạng ) tiếp tục diễn ra như chuyện thường ngày, thì hỡi ôi giáo dục phổ thông và đại học nước mình biết bao giờ mới “sánh ngang với các cường quốc năm châu” về giáo dục được ! Giữa con số 72 ngàn thạc sĩ tiến sĩ chưa có công ăn việc làm mà nói toạc móng heo ra là thất nghiệp với cảnh “thầy giáo bạo hành học sinh” ở Bình Định có thể chẳng liên quan gì đến nhau ,chẳng gợi ra một liên tưởng gì giữa hai sự việc ,sự vật nhưng rõ ràng cùng tỏ lộ thực tế xám xịt của bức tranh hoạt động giáo dục xứ này. Người ta cũng không muốn bàn đến 72 ngàn “ông thạc sĩ ” ” ông tiến sĩ” đã làm tiêu hao bao nhiêu là tiền bạc ,tâm sức cùng hy vọng của các ông bố bà mẹ ,của thân nhân 72 ngàn gia đình khắp trung nam bắc; làm tiêu hao bao nhiêu là nhân tài vật lực của quốc gia bao cấp đào tạo một rừng người có học như thế ! Có một liên tưởng hài hước mà chẳng thấy vui tí nào, có thể “cười ra nước mắt” là thời xưa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến riễu cợt các vị ” tiến sĩ giấy” “Cũng tàn cũng lọng cũng cân đai-Cũng gọi ông nghè có kém ai”; song các vị ấy lại “được” “nhà nước bảo hộ phú-lang-sa” xếp phẩm hàm cùng công ăn việc làm đàng hoàng thời thực dân phong kiến (đã đành nhiều vị ăn hại dân là chính). Còn thời a-còng, một rừng người có học ở VN “dân chủ gấp vạn lần tư bản” ,bằng cấp đỏ chói dấu son vẫn không sao tìm được “chỗ đứng dưới ánh mặt trời”, tương lai bất định, sở học ,kiến thức nhà trường chắc sẽ mai một dần cùng tuổi trẻ và tháng ngày thấm thoắt thoi đưa. . . . Cách đây 10 năm ,trên diễn đàn quốc hội đã có đại biểu trí thức cảnh báo rằng với tình hình kinh tế xã hội hiện tại, chỉ cần mỗi năm 15 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học là có thể “thu xếp được” đầu ra . Nhưng lúc đó con số ra trường hàng năm đã là 200 ngàn cử nhân đủ thứ ngành nghề tự nhiên xã hội và đến này thì con số đó đã lên tới 400 ngàn do mấy trăm cỗ máy đại học sản xuất ra. Sinh viên không có việc ,đi học tiếp “chờ thời” ;cán bộ lãnh đạo muốn kéo dài năm mười năm đeo bám chế độ với đủ thứ quyền lợi “không thể buông bỏ” cũng “đánh trống ghi tên” đi học lấy bằng cao hơn . . . Mà bằng cấp ở xứ mình ,chả lẽ lại nói trắng phớ ,đâu có đắt giá như tôm tươi ! Có người còn bóc mẽ ,đến tiếng Anh “giấy trắng mực đen” ghi trên văn bằng chứng chỉ cấp quốc gia hẳn hoi “trông thì đẹp như Kiều” nhưng có trường có viện nhiều khi còn để sai những lỗi sơ giản, thật không ra làm sao! Giáo dục đại trà ,giáo dục ồ ạt ,giáo dục chậy theo thành tích, giáo dục đuổi theo “các dự án”, giáo dục bất chấp thực tế xã hội cần gì ,cần bao nhiêu là đủ; mở trường đại học mà như phong trào rầm rộ chỉ nhằm cái đích kiếm lợi nhuận như một công việc kinh doanh béo bở cần ” chớp thời cơ” đục nước béo cò. . .đương nhiên người trong cuộc ,người nắm bắt thông tin kịp thời ,có ai còn ngạc nhiên về con số 72 ngàn thạc sĩ tiến sĩ hiện đang đi tìm việc chưa ra địa chỉ cần tìm. Hình dung khối tri thức chuẩn (và chưa chuẩn) mà rừng người có học này đang mang trong đầu ,thấy rõ hơn chất xám đang chảy tại chỗ ở một xứ sở đang coi giáo dục là chìa khóa của phát triển sau một thời gian mấy mươi năm giao giảng luận thuyết bao cấp khoa học công nghệ là then chốt .