Tập đoàn quân sự Thái Lan khóa chốt chính trường

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập đoàn quân sự Thái Lan khóa chốt chính trường

Nghị viện Thái Lan tại Bangkok. – REUTERS/Chaiwat Subprasom

Theo RFI – Tú Anh – 27-03-2015

Thái Lan sẽ  quay trở lại thập niên 1980 với bản Hiến pháp mới sắp được công bố. Để ngăn chận mọi đối thủ dân sự giành lại chính quyền bằng lá phiếu, tập đoàn quân sự  khóa chốt lâu dài các định chế dân chủ. Giới chính trị gia và các nhà phân tích lo ngại tái diễn một chế độ dân chủ nửa mùa của 30 năm về trước.
Tác giả bản dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan là ông Paiboon Nititawan, một trong những khuôn mặt  hăng say kêu gọi quân đội lật đổ  chính phủ Yingluck Shinawatra. Kẻ thù lâu đời của gia đình Shinawatra đã được tập đoàn quân sự đền công, bổ nhiệm vào Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mà văn bản sẽ được báo cáo vào ngày 17.04 tới đây. Tiếp phóng viên AFP tại văn phòng trong trụ sở  quốc hội  chỉ định, Paiboon  Nititawan cho xem một phóng bản dự thảo và bình luận: Chúng tôi viết bản Hiến pháp này dựa trên những «vấn đề của 10 năm trở lại đây». Tuy nhiên,  dự thảo Hiến pháp mới, do tính  phản dân chủ, làm công luận  Thái lo ngại. Bức tranh biếm họa của nhật báo Thairath vẽ tập đoàn quân sự tay cầm bản Hiến pháp mới với lời chú: quả bom nổ chậm.
«Vấn đề» gì làm  chính quyền quân sự lo âu  và chận trước bằng cách nào?
Dự thảo Hiến pháp được xem là nền  tảng của chính trường Thái Lan theo mô hình «cải cách» của tập đoàn quân sự : sẽ tổ chức bầu cử năm 2016 nhưng không để cho những tổ chức chính trị  thân Shinawatra chiến thắng như đã luôn luôn giành được đa số từ năm 2001. Đối với phe cầm quyền hiện nay, «vấn đề số một» là ảnh hưởng của thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra còn quá mạnh, đứng từ xa giựt dây. Bản Hiến Pháp 2007, được ban hành đúng một năm sau khi lật đổ Thaksin, đã quy định một nửa con số Thượng Nghị sĩ do giới công chức cao cấp, cùng phe với quân đội và thẩm phán, chọn lựa. Theo dự thảo Hiến pháp mới, sẽ không có bầu cử gì cả, Thượng viện được giành riêng cho sĩ  quan và giới thẩm phán cho phép kiểm soát  mọi quyết định của  Quốc hội hạ viện trong trường hợp phe Thaksin  lại được đa số cử tri tín nhiệm. Paiboon Nititawan cho rằng không thể để cho giới doanh nhân như Thaksin dùng tiền bạc mua chuộc cử tri để nhảy vào chính trường bảo vệ quyền lợi riêng tư. Theo AFP, thành phần bảo thủ ở Thái Lan vẫn còn bị khủng hoảng tinh thần vì sự nghiệp thần tốc của Thaksin. Viên cựu sĩ quan cảnh sát này ăn nên làm ra trong ngành viễn thông, sau đó lao vào chính trường, nhanh chóng leo lên tận đỉnh cao quyền lực  nhờ vào cảm tình của một bộ phận dân nghèo ở các tỉnh miền bắc. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ quyền lợi quốc gia thì thủ tướng Thaksin Shinawatra lạm dụng chức quyền để trục lợi trong ngành địa ốc và bán tập đoàn viễn thông cho Singapore bất chấp tương lai của hàng ngàn nhân viên người Thái. Hiến pháp mới sẽ cho phép một thiểu số luật gia và sĩ quan thuộc phe bảo thủ kiểm soát đại diện dân cử, theo nhận định của giáo sư Khemthong Tonsakulrungruang, chuyên gia Hiến pháp tại đại học Chulalongkorn, Bangkok. Ngay hai đảng chính trị đối nghịch nhau (đỏ, vàng) cũng cùng tố cáo tính chất phản dân chủ của dự thảo Hiến pháp. Đảng Puea Thai, (Áo đỏ) thân Thaksin nhấn mạnh là từ nay người dân đi bầu nhưng không có quyền chọn thủ tướng. Còn đảng Dân Chủ (Áo vàng) không giấu «lo sợ» Thái Lan trở về thời quá khứ. Nhà phân tích Pavin Chachavalpongpun thuộc đại học Kyoto, Nhật Bản, khẳng định: Thái Lan quay trở lại thập niên 1980. AFP nhận, không khí chính trị tại Thái Lan ngày nay phảng phất hương vị của một chế độ dân chủ nửa vời của 30 năm trước, với một chính phủ do tướng Prem Tinsulanonda làm thủ tướng mà không qua bầu cử. Prem Tinsulanonda, hiện nay là cố vấn số một của quốc vương già yếu Bhumibol.