Tập Cận Bình Phát Điên vì Trump
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng
12/12/2016
Trong cuộc du hành để cám ơn một số tiểu bang Mỹ, hôm 9 tháng 12 năm 2016, vị Tổng Thống tân cử Donald Trump tuyên bố tại Michigan rằng “Mỹ không nhất thiết phải đi theo chánh sách Một nước Trung Hoa”. Ông thắc mắc rằng Mỹ có nhất thiết phải đi theo lập trường từ trước là Đài Loan chỉ là một bộ phận của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn ngày Chủ Nhật 11 tháng 12 dành cho đài truyền hình Fox, Ông Trump tuyên bố rằng “ông hiểu chánh sách Một nước Trung Hoa, nhưng ông không hiểu tại sao Mỹ phải theo chánh sách đó, trừ khi Mỹ có cuộc thương lượng với Trung cộng về nhiều việc khác, trong đó có vấn đề mậu dịch.
Trong cuộc phỏng vấn nầy ông Trump lên án nhiều chánh sách củaTàu, trong đó có chánh sách tiền tệ, vấn đề biển Đông,Bắc Triều Tiên. Ông nói Bắc Kinh không can dự gì vào việc ông điện đàm với Tổng Thống Đài Loan cả.
Ông tiếp “tôi không muốn Trung cộng ra lệnh tôi và đây là cuộc điện đàm của tôi. Đó là cuộc nói chuyện rất lịch sự, ngắn ngủi. Tại sao nước khác lại có thể nói tôi không thể làm việc nầy? Tôi nghĩ rằng việc nầy thực sự không tôn trọng (người khác), và đừng nên làm thế.”. Nhà báo Caren Bohan tường thuật.
Ông nhận cuộc điện đàm chúc mừng từ bà Tổng Thống Đài Loan, Thái Anh Văn, đó là cuộc điện đàm đầu tiên trong cương vị Tổng Thống tân cử, kể từ sau việc Tổng Thống Carter thừa nhận Đài Loan là bộ phận của một Trung Quốc từ 1979.
Ban đầu chính Ngoại Trưởng Trung cộng Vương Nghị không thấy cuộc điện đàm nầy là một xúc phạm và coi đó là sự xã giao, không ảnh hưởng đến sự bang giao bấy lâu nay dựa trên chánh sách Một nước Trung Hoa. Nhưng theo tiết lộ mới nhất từ những nhân vật thân cận với Trump thì đây là sự sắp xếp của những người vận động hành làng của Đài Loan, thông qua tổ hộp luật sư của cựu Thượng Nghị Sĩ Bob Dole có văn phòng ở Đài Loan sắp đặt nhiều tháng nay. Như vậy, cuộc điện đàm được sắp xếp, cân nhắc kỹ lưỡng, cả người gọi và người nhận đều theo thuyết âm mưu riêng của họ.
Trong tuần qua tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung cộng trên trang đầu có bài bình luận gai gắt rằng “gây khó khăn cho mối quan hệ Trung- Mỹ sẽ tự tạo sự khó khăn cho chính chính phủ Trump”. Và đồng thời cũng “làm giảm thiểu cơ hội để Mỹ đạt mục tiêu trở thành vĩ đại” như Trump tuyên bố trong cuộc vận động bầu cử.
Nhà báo Trọng Nghĩa viết: “Bài báo của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti, trước hết ghi nhận « gáo nước lạnh » mà ông Donald Trump vừa đổ lên đầu Trung Quốc với hai hành động : Cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan ngày 02/12/2016, và sau đó là tin nhắn trên mạng Twitter cực lực đả kích Trung Quốc và nhất là đã nhắc đến việc Trung Quốc hoành hành tại Biển Đông.”
“Theo Le Monde, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quả thực ông Trump rất bị ảnh hưởng của các học giả hay chính khách trong đảng Cộng Hòa rất có ác cảm với sự vươn lên của Trung Quốc. Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là ông Peter Navarro, cố vấn cho ông Trump về các vấn đề thương mại trong chiến dịch vận động tranh cử.
Nhân vật này là tác giả một quyển sách đả kích gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc, xuất bản năm 2015 dưới tựa đề « Ngọa hổ : Chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc có ý nghĩa ra sao đối với thế giới – Crouching Tiger : What China’s Militarism Means for the World) ». Trong một bài biên khảo trên chuyên san The National Interest tháng Bảy vừa qua với tựa đề « Hoa Kỳ không thể bỏ rơi Đài Loan », ông Navarro viết: « Trước các hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã đến lúc Hoa Kỳ phải dấn thân mạnh hơn nữa vào việc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Đài Loan ». (Trọng Nghĩa).
Ông Trump chú ý đến mối bang giao với cường quốc thứ 2 của thế giới, Trung cộng. Trong một tuyên bố ngày 8 tháng 12 tại Des Moines, Iowa rằng “Hoa Kỳ cần và phải cải thiện mối bang giao với Trung cộng” nhất là chánh sách kinh tế mà ông cho rằng Trung cộng chưa có một nền kinh tế thị trường tự do đích thực và không kiềm chế được Bắc Hàn.
Trong chuyến đi để cám ơn những tiểu bang quan trọng, nhưng không thuộc bên nào, giúp ông thắng cử, ông Trump liên tục kết án Trung cộng về việc ăn cắp tài sản trí tuệ (intellectual property theft), đánh thuế không công bằng với những công ty Mỹ ở Tàu, làm ngơ trước mối đe doạ từ Bắc Hàn, cố ý làm giảm gía trị đồng Quan, tung hàng thừa mứa giá rẻ mạt ra nước ngoài.
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Quĩ Tiền Tệ Thế Giới kết án Trung cộng lạm dụng trong việc điều hành tiền tệ. Tổ chức Thương Mại Quốc Tế cho biết Trung cộng áp đặt thuế xuất cao với những món hàng nhập khẩu từ Mỹ để chận bớt hàng Mỹ và để tiêu thụ hàng nội địa, trong khi đó Mỹ không đánh thuế hàngTrung cộng.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần lập đi, lập lại là “tiêu thụ hàng hoá Mỹ, thuê mướn nhân công Mỹ, áp lực công ty Mỹ không chuyển công việc ra nước ngoài, ưu tiên cho quyền lợi nước Mỹ” và sẽ đánh thuế 35 phần trăm cho những hàng hoá do công ty Mỹ sản xuất ở nước ngoài và mang ngược trở về Mỹ bán. Nếu thực hiện những lời hứa nầy, thì hàng hoá sản xuất từ Tàu, công nhân Tàu trong những xí nghiệp của Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ. Tập “bức xúc” việc nầy không ít.
Tờ Le Monde ngày 8 tháng 12 có bài « Trung Quốc báo động trước ý định của Donald Trump », bài báo nêu bật sự kiện tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã khiến Bắc Kinh hết sức bực bội khi chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.(Trọng Nghĩa).
Từ một số tín hiệu đáng ngại trên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 06/12, ông Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh đã kêu gọi : « Hành động của ông Trump đã nhắc nhở giới truyền thông, giới nghiên cứu và người dân chúng ta là có lẽ chúng ta đã có cái nhìn quá tích cực về chính sách Trung Quốc trong tương lai của ông Trump ».(Trọng Nghĩa).
Với những tuyên bố về chánh sách Hoa Kỳ trong lúc vận động tranh cử làm cho nhiều người không biết ông Trump sẽ làm gì sau khi chính thức nhận quyền lực Tổng Thống, họ biết rằng đó không phải là những tuyên bố ngẫu hứng, bốc đồng mà là chánh sách tương lai của Tổng Thống Trump. Vì vậy tháng rồi ông Tập Cận Bình mướn một nhà ngoại giao 94 tuổi của Mỹ, Henry Kissinger, sang để giải thích về chánh sách bang giao tương lai của Hoa Kỳ mà ông Tập và cả Bộ Chính Trị của Trung cộng không thể giải mã nổi.
Làm được những gì? Làm như thế nào? Chúng ta có bốn năm nữa để có câu trả lời chinh xác.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời của vị Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Regan tuyên bố, trong bang giao quốc tế “phải có sức mạnh mới có người bạn trung thành”. Phải chăng ông Trump đang áp dụng quan niệm nầy trong khi lãnh đạo nước Mỹ?