Tập Cận Bình là kẻ thù của Tập sau Đại Hội XX (Những thách thức lớn của Tập)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập Cận Bình là kẻ thù của Tập sau Đại Hội XX (Những thách thức lớn của Tập)

Đại Hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung quốc đã bế mạc ngày 22 tháng 10
năm 2022 với Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba và ông đã thống trị gần như
tuyệt đối các chức vụ cao nhất nước, xóa bỏ các quy luật do Đặng Tiểu Bình lập ra
và trở về chánh sách bảo thủ của Mao Trạch Đông với thành phần nhân sự trung
thành thân tín của ông.
Có thể nói Đại hội lần thứ 20 là Đại hội củaTập Cận Bình với vai trò lãnh đạo suốt
đời như một Hoàng đế Trung Hoa với chủ trương lớn của Trung quốc mà Tập đã
khởi xướng để phục hưng “Giấc Mộng Trung Hoa”.
Trong việc sắp xếp lại nhân sự, ông loại bỏ hai đối thủ hàng đầu là Thủ tướng Lý
Khắc Cường và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Uông Dương phải về hưu mặc dù
cả hai đều chưa đến tuổi nghỉ hưu. Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính
trị đương nhiệm cũng bị truất phế khỏi Bộ Chính trị.
Kết quả Đại hội lần thứ 20 làm ta nhớ lại kết quả Đại hội lần thứ 9 vào tháng 4
năm 1969 với Mao Trạch Đông đã đạt đến đỉnh cao quyền lực, nhưng sự thống trị
của Mao đã làm cho Đảng chia rẻ và kém ổn định hơn.
Mao đã lợi dụng Đại hội đưa người của mình vào Bộ Chính trị và Ban Thường vụ
để rồi đưa đến sự tranh giành quyền lực và thanh toán lẫn nhau giữa các cấp dưới
của ông.

Đại hội Đảng CS Trung Quốc bế mạc ngày 22/10/2022

Vấn đề nhân sự:
Những nguy cơ tương tự có thể đang chờ đợi Tập khi ông cho các đàn em trung
thành trong nhóm “Chiết Giang” giữ những chức vụ quan trọng trong Ban Thường
vụ Bộ Chính trị như Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc
Tế và Lý Hy.
Những người ủng hộ Tập có thể sẽ thành lập các phe nhóm riêng của họ mà họ đã
tạo dựng trong nhiều năm lãnh đạo tại địa phương. Họ cũng muốn thành công
trong việc củng cố quyền lực cá nhân và tạo uy tín để giành sự ủng hộ của Tập,
gần như chắc chắn họ sẽ cạnh tranh với nhau nếu không nói là xung đột lẫn nhau.
Ngoài ra chúng ta cũng để ý đến thế hệ “Nguyên lão”xuất hiện trong năm 1980, là
những đảng viên kỳ cựu như Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Dương
Thượng Côn, Bạc Nhất Ba … đã từng bị Mao thanh trừng trong Cách Mạng Văn
hóa và sau này được phục hồi.
Thông thường các nhà lãnh đạo cao nhất nước đều được sự đồng thuận của các
Nguyên lão. Nếu không có sự hỗ trợ của các Nguyên lão, các nhà lãnh đạo có thể
mắc sai lầm khi theo đuổi các chánh sách cực đoan với quyền lực không bị kiểm
soát. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 1978, Tập Cận Bình không cần sự hỗ
trợ của các Nguyên lão và ông ta tự quyết định mọi việc.
Theo ông Thái Hà, nguyên giảng viên Trường Đảng cao cấp của Trung quốc, thói
tự cao và hoang tưởng của Tâp Cận Bình có thể đe dọa Trung quốc.
Trong báo cáo khai mạc Đại hội vừa qua, một điểm chính trong tư tưởng củaTập
là “hiện đại hóa kiểu Trung quốc”có nghĩa là chỉ những luật lệ của chủ nghĩa Mác
và chủ nghĩa xã hội mới phù hợp với điều kiện của Trung quốc trong thế kỷ 21.
Điều này ý nói sự lãnh đạo của Đảng nghiêm khắc; giữ vững luật lệ xã hội chủ
nghĩa kiểu Trung quốc; hiện thực hóa “phát triển chất lượng cao; làm phong phú
thêm “thế giới tinh thần” của nhân dân …
Những luật lệ mà Đặng Tiểu Bình đề ra trong thập niên 1980s về giới hạn tuổi và
nhiệm kỳ để điều hành đất nước đã bị Tập Cận Bình xóa bỏ tại Đại hội 20.
Đặng Tiểu Bình biết rằng những luật lệ đó cần thiết để tránh lập lại những bài học
phá sản của Mao, nhưng lòng tin của Đặng đã trở thành dã tràng.

Tập hay cố chấp, không thích bị chỉ trích và chỉ thích nghe những ý kiến thuận
chiều mà không nghe lời khuyên sẽ mất khả năng tự sửa sai.
Nói cách khác Tập Cận Bình phải đương đầu với nhiều thách thức khó khăn trong
và ngoài nước từ kinh tế, xã hội, chính trị và chiến lược:
Vấn đề kinh tế (và Zero Covid):
Nền kinh tế Trung quốc tăng trưởng thấp, nhu cầu èo uột. Tỷ lệ thất nghiệp tăng
vọt. Quốc gia có tốc độ tăng trưởng trung bình 6.7% kể từ năm 2012.
Tính đến năm 2022, mức GDP là 17.7 ngàn tỷ USD chỉ đứng sau Hoa Kỳ với GDP
là 22.9 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên nền kinh tế của quốc gia này mất dần năng lực
trong năm nay vì phải thích nghi theo chiến dịch phong tỏa Covid 19 (Zero Covid),
đang tàn phá doanh nghiệp và đời sống người dân:

  • Hỏa hoạn khủng khiếp bùng phát tại một chung cư ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị
    Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khiến 40 người chết vì mắc kẹt trong tòa nhà bị phong
    tỏa Covid. Các cuộc biểu tình chống biện pháp kiểm soát Covid 19 ở Urumqi đã bị
    phong tỏa trong 3 tháng và hô vang:”Dở bỏ lệnh Phong tỏa”.
  • Người biểu tình đã tập họp ở thủ đô , trung tâm tài chánh Thượng Hải hô vang
    khẩu hiệu “Tập Cận Bình và Đảng CS Trung quốc phải từ chức”.
  • Theo BBC News: Biểu tình rầm rộ tại Bắc Kinh chống Zero Covid.
    Người biểu tình tại Bắc Kinh đã cầm tờ giấy trắng, phản đối lệnh hạn chế vì Covid
    trong hai ngày 27 và 28/11/2022. Hành động phản kháng không phải bất thường
    tại Trung quốc, vì sự bất mãn của người dân từ nhiều năm qua liên quan đến các
    vấn đề ô nhiễm độc hại và Covid 19 …
    Kinh tế Trung quốc càng gặp khó khăn vì chính quyền thắt chặt nợ của các nhà
    phát triển bất động sản.
    Theo Cục Thống kê Quốc gia, đầu tư bất động sản giảm 16% so với cùng kỳ năm
    ngoái vào tháng Mười. Bất động sản Trung quốc sụp đổ năm 2021.
    Vấn đề Đài Loan:
    Trong ngày bế mạc Đại hội Đảng CS Trung quốc lần 20, Tập Cận Bình tuyên bố tiếp
    tục chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt liên quan đến việc thống nhất Đài Loan.
    Trong thập niên cầm quyền và sau Đại hội lần thứ 20, Tập Cận Bình đã nắm giữ
    nhiệm kỳ 3, ông ta đã làm những gì mà ông ta phải làm, phát động chiến dịch
    “đả hổ diệt tham nhũng”, quét sạch phe của Đoàn Thanh niên CS và đàn áp phe
    Giang Trạch Dân cũng như những người chống đối.

Bước tiếp theo của Tập là phải đạt được mục tiêu mạo hiểm: thống nhất Đài Loan
bằng quân sự.
Theo ông Ngụy Kinh Sinh, nhà tranh đấu dân chủ Trung quốc cho rằng trước tiên
Tập Cận Bình phải ổn định nội bộ để đương đầu với thế giới bên ngoài, đồng thời
quét sạch các tiếng nói đối lập; hoặc cả hai cùng một lúc.
Và sau đó cơ hội tốt nhất cho Tập Cận Bình trong cuộc chiến quân sự chống Đài
Loan là trong vòng hai năm.
Mối quan tâm lớn nhất của Tập khi phát động chiến tranh không phải Đài Loan có
vũ khí hiện đại, đại bác và hỏa tiển hay “lá chắn silicon” (do Đài Loan có công nghệ
bán dẫn cao), mà là sự ổn định bên trong xã hội Trung quốc.
Một khi chiến tranh Ukraine-Nga chấm dứt, Mỹ và các nước phương Tây sẽ dốc
toàn lực hỗ trợ Đài Loan và lúc đó Tập Cận Bình sẽ mất cơ hội thôn tính nước này.
Phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây hợp lý. Trong khi ủng hộ Ukraine họ
vẫn cảnh giác với ĐCSTQ.
Nhưng khi chiến tranh Ukraine kéo dài, Tập có thể thay đổi chiến lược
“ngồi xem hổ đấu” tăng viện trợ cho Nga (bao gồm viện trợ của Triều Tiên và Iran)
Hiện nay tâm lý của Đài Loan và người Hoa trên khắp thế giới thúc đẩy Ukraine
chiến đấu tới cùng. Đây có phải là tình huống thuận lợi cho Trung quốc hay là một
kế hoạch đánh lừa dư luận do Trung quốc tạo ra? – Điều này khó đoán được!
Tuy nhiên một số người Trung quốc không cảm thấy như vậy, dư luận Trung quốc
cho rằng Trung quốc không thể thắng được Mỹ cho nên ĐCSTQ không dám phát
động chiến tranh với Đài Loan. Ngay cả chính phủ Đài Loan và người dân cũng tin
vào dư luận sai lầm này. Đây là nguyên nhân tạo cho bè lũ Tập Cận Bình phát
động chiến tranh.
Vấn đề đối ngoại:
Tập Cận Bình nhấn mạnh trong Lễ nhậm chức, kiên quyết phản đối mọi hình thức
chính trị bá quyền và cường quyền, phản đối “tâm lý chiến tranh lạnh” và phản
đối can thiệp vào chính trị nội bộ của quốc gia khác.
Ông cũng khẳng định:”Trung quốc không thể phát triển mà không có thế giới và
thế giới cũng cần có Trung quốc”
Ngoài ra Ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định, chính sách đối ngoại sẽ duy
trì tính liên tục và ổn định. Ông cũng nhấn mạnh ngoại giao láng giềng là ưu tiên
hàng đầu trong quan hệ đối ngoại và đặt ASEAN ở vị trí ưu tiên, thực hiện sự phát
triển và thịnh vượng chung.

Với những nhận định trên, Tập Cận Bình phải đương đầu với nhiều thách thức
trong nước và quốc tế, nhưng yếu điểm lớn nhất là phe nhóm của Tập Cận Bình
không ai có kinh nghiệm về kinh tế do chủ quan và cực đoan.
-Về nhân sự, Tập đã gây thù oán với Đoàn Thanh niên CS và phe nhóm của
Giang Trạch Dân- Tăng Khánh Hồng, chưa kể với nhóm hậu duệ “thái tử đỏ”,
cho đến nổi cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sau Đại hội đã tỏ ra bất mãn và tìm
cách chống lại Tập.

  • Về kinh tế, nếu không điều chỉnh triệt để thì nền kinh tế sẽ bị đình trệ với
    mức tăng trưởng khoảng 3% trong thập niên 2020s trước khi giảm xuống 2%
    trong thập niên 2030s. Ngoài ra Trung quốc còn đương đầu với nạn dân số già
    gia tăng, số người lao động giảm sút, năng suất thấp và nợ trần cao.
  • Về Đài Loan là vấn đề nhức đầu cho Tập Cận Bình, càng thị uy thì dân chúng
    Đài Loan càng đoàn kết và huy động toàn dân phản kháng.
  • Còn vấn đề Biển Đông cũng là một thách thức cho ông Tập trong nhiệm kỳ III,
    mặc dù Trung quốc đã và đang xúc tiến đẩy nhanh bộ Quy Tắc Ứng xử trên
    Biển Đông để tạo vùng biển hòa bình và hợp tác, nhưng không ai bảo đảm
    Trung quốc sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết này.
    Qua kinh nghiệm lịch sử, tất cả các nhà lãnh đạo cứng rắn có được quyền lực
    tập trung đều phải trải qua một điều mà nhà tâm lý học Dacher Keltner gọi là
    “nghịch lý quyền lực”, một biểu hiệu của nghịch lý này là mối quan hệ đảo
    ngược giữa lượng quyền lực mà nhà lãnh đạo tích lũy được và cảm giác an
    toàn: càng nhiều quyền lực càng cảm thấy ít an toàn.
    Trong chế độ chuyên chế, các nhà lãnh đạo cứng rắn thường đạt được
    quyền lực bằng cách tiêu diệt đối thủ, điều này sẽ tạo ra kẻ thù không đội trời
    chung.
    Trở lại vấn đề của Mao, sau Đại hội lần thứ 9 vào tháng 4/1969, hai nhóm thân
    tín của Mao là Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu và nhóm Tứ Nhân Bang do vợ
    của Mao là Giang Thanh cầm đầu – đã bị lôi cuốn vào một cuộc tranh giành
    quyền lực tàn khốc để kế vị Mao. Mặc dù Mao đã chỉ định Lâm Bưu làm người
    kế vị, nhưng Mao càng ngày càng hoang tưởng về quyền lực của mình và sau
    cùng đứng về phe Tứ Nhân Bang hạ sát Lâm Bưu và gia đình trên chuyến bay
    trốn sang Liên Xô.
    Đây là một bài học xác đáng nhất cho Tập Cận Bình.

Quyền lực càng tuyệt đối thì trách nhiệm càng tuyệt đối và khi các thách thức
gia tăng, liệu ông Tập có thể trốn trách nhiệm được không?
Kẻ thù lớn nhất của Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình.
Hoàng Đình Khuê
Ngày 1/12/2022