“Tập Cận Bình độc tài hơn những người tiền nhiệm” – Lê Minh Nguyên dịch

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Tập Cận Bình độc tài hơn những người tiền nhiệm” – Lê Minh Nguyên dịch

Ký giả Raphael Ruffier-Fossoul, báo Lyon Capitale, phỏng vấn ông Ngụy Kinh Sinh. Đăng ngày 25/3/2014. Lê Minh Nguyên dịch từ ấn bản tiếng Anh.

Lời thiệu của báo Lyon Capitale:

Trong khi Pháp và thành phố Lyon trải thảm đỏ để đón ông Tập Cận Bình, nhân vật số 1 của Trung Quốc, thì những người dân chủ lo lắng về sự cầm quyền của một nhà độc tài hơn cả những người tiền nhiệm. Viện dẫn lý do một cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập dường như đang quyết tâm loại bỏ sự chống đối bên trong nội bộ của một đảng duy nhất.

Cuộc phỏng vấn với nhà dân chủ nổi tiếng nhất Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh. Ông có mối liên hệ lịch sử mạnh mẽ với Lyon, vì ông đã có mặt ở đây hai lần, vào năm 1999 và 2001, cùng lúc với những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình – do sự sắp xếp của báo Lyon Capitale.

Lyon Capitale: Năm 1999, ở Lyon, ông từ ban công của Lyon Capitale đã dùng loa phóng thanh để gọi cho ông Giang Trạch Dân. Vào lúc ấy, ông nói rằng đó là “đòn ngoạn mục nhất” của ông từ khi ông được thả và bị cưỡng bức lưu vong. Những ký ức nào ông còn giữ về người dân Lyon, những người đã huy động rất nhiều cuộc biểu tình khác nhau cũng như có các hoạt động chống lại các nhà lãnh đạo Trung Quốc?

Ngụy Kinh Sinh: Những điều tôi ấn tượng nhất về người dân Lyon, đặc biệt là các phóng viên, chính khách và những người trẻ, những người này đã chứng tỏ sự nhiệt tình cũng như niềm tin rõ ràng về những gì để yêu và những gì để ghét, cũng như sự can đảm của họ trong cuộc chiến tranh chống phát xít của năm 1939-1945. Tôi nhận thấy rằng họ rất dũng cảm, giống như ta thấy trong phim Chiếm Đóng (the Occupation).

Lyon Capitale: Năm 2001, độc giả và các nhà báo của Lyon Capitale, qua các loa phóng thanh khác nhau nằm trên các tuyến đường chính thức, đã thành công trong việc phát ra thông điệp được ghi âm của ông đến Chủ tịch sắp tiếp nối của Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào. Ông kêu gọi hãy “dân chủ hóa Trung Quốc”. Ông có nghĩ rằng ông ta đã nghe được lời kêu gọi của ông?

Ngụy Kinh Sinh: Chắc chắn ông Hồ Cẩm Đào nghe những gì Lyon Capitale phát ra trong các loa phóng thanh. Thật không may, là từ đó đến nay TQ đã không thay đổi. Dĩ nhiên không ai đụng được ông ta, nhưng chắc chắn ông ta cảm thấy rất xấu hổ.

Lyon Capitale: Năm 1999, Trung Quốc công khai gây áp lực Na Uy để ngăn chặn không cho ông nhận giải Nobel Hòa bình. Có phải các nền dân chủ phương Tây hiểu rất rõ những người như ông, những người ủng hộ dân chủ Trung Quốc?

Ngụy Kinh Sinh: Thật không may, đó lại là điều ngược lại. Để kiếm tiền ở Trung Quốc, các chính trị gia phương Tây đã cố gắng tâng bốc những người Cộng sản Trung Quốc. Hơn nữa, ngay cả ngân khoản mà trên danh nghĩa dùng để hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền Trung Quốc thì được điều phối để KHÔNG được trao cho những người như chúng tôi.

Lyon Capitale: Ông cho rằng việc trao tổ chức Thế vận hội Olympic cho Trung Quốc là một sai lầm, bởi vì nó sẽ tăng cường chủ nghĩa dân tộc và chế độ độc tài ở Trung Quốc…

Ngụy Kinh Sinh: Do bởi sự chống đối của dân chúng thế giới, cho nên các mục tiêu của chế độ Cộng sản Trung Quốc không hoàn toàn đạt được. Tuy nhiên, khi các viên chức của các quốc gia trên thế giới đến Bắc Kinh để tâng bốc chế độ, Đảng Cộng sản đã đạt được điểm về các vấn đề nội bộ như chủ nghĩa dân tộc.

Lyon Capitale: Có phải vẫn còn nhiều tù nhân chính trị ở Trung Quốc?

Ngụy Kinh Sinh: Con số chính xác các tù nhân chính trị thì khó có thể biết được. Nhưng tình hình hiện nay thì còn tồi tệ hơn so với mười năm trước.

Lyon Capitale: Ông đã luôn luôn lên án sự đàn áp khủng khiếp mà nguời thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng. Có phải những hành động khủng bố mà người Duy Ngô Nhĩ thực hiện là hậu quả trực tiếp của chính sách của Bắc Kinh đối với họ?

Ngụy Kinh Sinh: Không, không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa hai sự việc này. Chúng tôi phản đối sự đàn áp dã man của chính quyền TQ. Chúng tôi cũng phản đối chủ nghĩa khủng bố.

Lyon Capitale: Liệu chính phủ Trung Quốc được coi là có công trong việc phát triển kinh tế ở Trung Quốc?

Ngụy Kinh Sinh: Đối với bất kỳ xã hội lạc hậu nào, tốc độ phát triển kinh tế của nó là thường nhanh chóng. Khi một nước lớn bắt đầu phát triển nền kinh tế của nó, thì trên thực tế nó mang lại những cơ hội cho toàn thế giới. Nó không có gì liên quan với sự khôn ngoan của chế độ Cộng sản. Tôi muốn nhắc nhở với ông rằng dân nghèo ở Trung Quốc hiện nay cũng giống như những gì của ba mươi năm trước, trước khi có cái gọi là “phát triển kinh tế”.

Lyon Capitale: Bắt đầu từ ngày 25 tháng 3, ông Tập Cận Bình sẽ có mặt ở Pháp và Lyon cho chuyến viếng thăm cấp nhà nước. Đối với người phương Tây, ông ta dường như vẫn còn là một bí ẩn. Theo quan điểm của ông, thì ông Tập là người cởi mở hơn hay cứng rắn hơn so với những người tiền nhiệm của ông ta?

Ngụy Kinh Sinh: Những nguời phương Tây đã thất bại trong sự đánh bóng các nhà độc tài Trung Quốc. Vì vậy, họ sử dụng thuật ngữ “bí ẩn” này như một lớp khói mờ để che đậy bộ mặt của nhà độc tài Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình đã lòi bộ mặt của ông như một nhà cai trị độc tài, thậm chí hơn cả những người tiền nhiệm.

Lyon Capitale: Nếu ông có thể gởi một thông điệp tới ông Tập Cận Bình, thì những gì ông sẽ nói?

Ngụy Kinh Sinh: Nếu ông tiếp tục con đường như hiện nay của ông, thì sự sụp đổ của Đảng Cộng sản sẽ nhanh hơn. Ông sẽ không thể cứu Đảng Cộng sản; không ai có thể cứu Đảng Cộng sản.

Lyon Capitale: Ông sắp 64 tuổi. Ông bị bắt giam tháng 10 năm 1979 vì các tác phẩm mà ông viết kêu gọi dân chủ cho Trung Quốc. Sau 18 năm trong tù, và cũng gần ngần ấy năm bị buộc phải sống lưu vong kể từ khi ông bị tống xuất sau khi thả ra năm 1997, ông có còn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó ông có thể quay trở lại đất nước của ông?

Ngụy Kinh Sinh: Tất nhiên rồi, càng xa lâu Trung Quốc, tôi càng muốn quay về. Tuy nhiên, nhờ có những người bạn nhiệt tình như ở Lyon và các nơi khác, họ làm cho tôi đôi khi quên nhớ nhà.

Link gốc tiếng Pháp:

http://www.lyoncapitale.fr/Journal/France-monde/Actualite/France/Xi-Jinping-est-plus-autoritaire-que-ses-predecesseurs