Tập Cận Bình càng tập quyền, ĐCSTQ càng sớm tan rã

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập Cận Bình càng tập quyền, ĐCSTQ càng sớm tan rã

Nghiêm Thuần Câu – Thứ Ba, 14/03/2023 – Tại “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã hiện thực hóa giấc mơ cầm quyền lâu dài, cũng giành được uy quyền tột bậc khi một mình giữ cả 3 chức vụ Chủ tịch cao nhất: Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Chủ tịch nước; tình cảnh đó có thể báo hiệu nguy cơ suy bại của ĐCSTQ cũng lớn chưa từng có.

Tập Cận Bình tại kỳ họp “lưỡng hội” hôm 11/3/2023 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Lintao Zhang/Getty Images)

Kế hoạch cải cách thể chế Đảng và Chính phủ của ông Tập Cận Bình có thể được báo trước phần nào, tư tưởng cơ bản là chuyển toàn bộ bộ máy vận hành thành kiểu thời chiến, dĩ nhiên bước ngoặt lớn này không thể thúc đẩy nhanh chóng mà theo từng bước, vì vậy đã có hé mở vài điểm cải cách thể chế tài chính nhưng vẫn để treo chờ xử lý.

Vấn đề không phải là liệu các cơ quan chính phủ có được chuyển sang cơ chế thời chiến hay không, mà là sẽ được thúc đẩy nhanh hay chậm, quy mô lớn hay nhỏ. Liên minh với Nga để đấu với Mỹ chỉ là sớm muộn, do đó không thể không chuyển đổi sang mô hình quản trị thời chiến.

Ông Tập Cận Bình một mình nắm giữ cả 3 quyền lực lớn, lại còn thông qua cải cách cơ cấu tổ chức Đảng và Chính phủ chuyển những vị trí trọng yếu liên quan tồn vong của Đảng và đất nước để mình nắm giữ, vấn đề cho thấy linh cảm không hay về tình hình, dựa trên việc ông Tập không còn dám đặt niềm tin vào năng lực của những thuộc cấp xu nịnh và dựa trên những lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội trong tương lai.

Tập Cận Bình đã giao cả 5 bộ phận chủ chốt (nội vụ, tài chính, tuyên truyền, đối ngoại và quốc phòng) cho những thân tín và chịu trách nhiệm trực tiếp trước ông ta, bố trí như thế xem chừng để ‘đắc nhân tâm’, nhưng vấn đề không nằm ở cơ cấu mà ở nhân trị, quan trọng là có “đắc nhân” được không. Nếu tất cả 5 thuộc cấp đó cùng đoàn kết theo phụ trách và có thêm tài thao lược của ông Tập thì mô hình thời chiến mới phát huy hiệu quả.

Nhược điểm của tập trung hóa nằm ở cơ chế ra quyết định, 5 cơ quan chính đều do một người quyết sách, khi lên đến đỉnh thì cũng là một người quyết, công việc đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ đều được giao cho 5 người và đến người cuối cùng là bản thân ông Tập. Tập Cận Bình cố chấp, có phán đoán sai lầm là “chuyện thường”, ra lệnh mù quáng là “khả năng cao”, có thể tưởng tượng được hậu quả khi tướng yếu lại không có binh mạnh là thế nào.

Nhược điểm kiểu cai trị tập quyền là: Thứ nhất, không có kiểm soát và cân bằng quyền lực; thứ hai, không có chất vấn trong việc ra quyết định; thứ ba, không có cơ chế sửa sai. Khi ông Tập Cận Bình quyết thì không ai dám có ý kiến khác. Thuộc cấp làm việc theo kiểu lấy lòng chủ, nên chỉ nói những lời làm ông Tập vui tai, chỉ làm việc mà ông Tập hài lòng, bất kể chất lượng công việc thế nào. Khi không có tiếng nói đối lập, tức là không có chỗ để đào sâu vấn đề, không ai dám can gián nếu thấy sai, dù biết đi vào ngõ cụt cũng nhắm mắt lao tới, kiểu tập trung quyền lực này là quá trình tự diệt.

Từ thời Mao Trạch Đông, mặc dù ĐCSTQ luôn tập quyền nhưng vẫn có sự phân nhiệm giữa Đảng và Chính phủ, theo truyền thống thì Chủ tịch Đảng ra đường lối còn Thủ tướng thi hành. Ông Mao Trạch Đông chỉ muốn làm lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, giao chuyện quốc kế dân sinh cho ông Chu Ân Lai để Mao có thể ngày ngày mơ mộng. Ngay cả khi ông Lâm Bưu đào tẩu, ông Chu Ân Lai cũng là người giải quyết, ông Mao chỉ nói câu “Trời phải mưa, mẹ phải gả chồng” rồi bỏ mặc.

Đến thời ông Đặng Tiểu Bình cũng chỉ quan tâm đến phương hướng chung, không tranh cãi, chú trọng thân Mỹ, mở cửa thị trường, cải cách thể chế, giao việc cụ thể cho ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương. Ông Hồ Diệu Bang chỉ quan tâm đến chính trị và tư tưởng, sửa lại những vụ oan sai, giao kinh tế và dân sinh cho ông Triệu Tử Dương.

Còn ông Giang Trạch Dân thì thích phô trương thi thố tài năng: Cho giới tư bản tham gia Đảng, giao ông Chu Dung Cơ cải cách kinh tế, vung bàn tay sắt gây cản trở nền tảng cải cách mở cửa. Còn ông Hồ Cẩm Đào thì thận trọng và kỷ luật, mọi việc nước từ lớn đến nhỏ giao cho ông Ôn Gia Bảo. Tóm lại, dù năng lực mỗi thời thế nào thì việc phân nhiệm giữa Đảng và  Chính phủ của Trung Quốc đã quán triệt suốt 40 năm dù tình hình không ngừng chao đảo.

Đến thời ông Tập Cận Bình bỗng bất ngờ từ bỏ cơ chế phân quyền và chế ước đối trọng, không còn cho phép chất vấn và tranh luận, chỉ có Tập Cận Bình một mình quyết định sinh tử. Lịch sử 10 năm qua đã chứng minh ông Tập Cận Bình không phải là người có tài thao lược, ông ta không ngừng nhận định sai tình thế, đánh giá sai đối thủ và chính mình, chí cao mà tài thấp, thiển cận mà hoang tưởng, hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại liên tục gặp trở ngại, không ngừng gây khó cho chính mình. Gặp bao chuyện như vậy mà ông ta vẫn cảm thấy chưa đủ, lại càng muốn tập trung quyền lực, tự làm khó bản thân.

Bức tranh tương phản chính là nước Mỹ, giới tinh hoa và tổng thống rất có quyền lực, nhưng các công việc trọng đại của đất nước đều do hai viện của Quốc hội quyết định. Quốc hội cho phép tổng thống làm thì tổng thống mới có quyền và tiền để làm, nếu Quốc hội không cho làm thì tổng thống cũng chịu.

Còn Quốc hội làm thế nào đưa ra quyết định? Giới nghị sĩ chịu chế ước của ý chí người dân, nhưng giữa họ cũng chế ước lẫn nhau, trước khi đưa ra một vấn đề nào đó thì phải tranh luận trước, tranh luận không phải là cãi cùn mà phải theo lý lẽ pháp luật. Mỗi quyết sách đưa ra phải không ngừng chịu thử thách bởi chất vấn và chỉ trích, những thử thách đó cũng không phải trải qua trong cảnh ‘đóng cửa bảo nhau’ mà trong cảnh công luận xã hội theo dõi sát sao, nếu sai lầm là sẽ chịu hậu quả chính trị, vì thế mặc dù giới nghị sĩ có quyền tranh luận nhưng họ cũng phải tranh luận có tình có lý, có sức thuyết phục.

Rõ ràng là cơ chế ra quyết định dân chủ của Mỹ hợp lý và hiệu quả hơn cơ chế ra quyết định độc tài của ĐCSTQ, bên nào hợp lý hơn thì hiệu quả đạt được cao hơn. Trước xu thế cạnh tranh và thách thức, ngăn chặn và áp lực toàn diện từ Mỹ và các nước dân chủ khác, ông Tập Cận Bình lại muốn dùng sức lực cá nhân chống lại, phải có bao nhiêu ngu dốt và phù phiếm để làm thế?

Hiện nay tình trạng tồi tệ suy bại của ĐCSTQ không ngừng lún sâu, vấn đề cấp bách hơn và phức tạp hơn là cần trả lại quyền lực cho dân, cần cân nhắc đại cuộc, cải tà quy chánh, thay đổi không để ông Tập Cận Bình độc quyền lũng loạn, chỉ cần người trung thành mà bất chấp lý lẽ, hành động theo cách đồi bại như vậy chẳng lẻ là điều tốt sao?

5 năm tới sẽ là mùa thu sinh tử của ĐCSTQ, không biết sẽ là phúc hay họa, nếu là họa thì cũng khó mà tránh, hãy xem Tập Cận Bình làm thế nào chỉnh đốn bản thân.

Nghiêm Thuần Câu
https://trithucvn.org/blog/tap-can-binh-cang-tap-quyen-dcstq-cang-som-tan-ra.html