Tăng cường an ninh chế độ, Đảng đối diện với những thách thức thế nào trong thời kỳ thoái trào?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tăng cường an ninh chế độ, Đảng đối diện với những thách thức thế nào trong thời kỳ thoái trào?

Bình luận của Doãn An Nhiên
2024.07.05

Một người bán hàng rong đi qua một cửa hàng với cờ Việt Nam và cờ Đảng Cộng sản ở Hà Nội hôm 22/5/2024 (minh hoạ)

 Nhac NGUYEN / AFP

Sau gần 40 Đổi mới Việt Nam đã đạt thời kỳ ‘hoàng kim’, nhưng nay đã kết thúc và bước vào giai đoạn thoái trào, trong đó quá thái vật chất và tham nhũng chính trị là đặc trưng nổi bật. Như một phản ứng của chế độ toàn trị,  an ninh chế độ với trụ cột là an ninh tư tưởng hay an ninh ý thức hệ là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia toàn diện đang được tăng cường. Khởi xướng chủ trương và tiến hành Đổi mới, giờ đây Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đang đối diện với những thách thức to lớn. Nhận thức quá trình phát triển mang tính lịch sử không chỉ có ý nghĩa đánh giá các sự kiện đã xảy ra và lý giải những gì đang diễn ra mà còn cung cấp tầm nhìn thực tế khách quan và triển vọng của đất nước. Bài viết được trình bày trong bốn phần: (I)Thời kỳ ‘hoàng kim’ kết thúc: quá thái vật chất và tham nhũng chính trị; (II) Đảng ‘ngộ nhận’ về năng lực lãnh đạo kinh tế thị trường; (III)Tăng cường an ninh chế độ, Đảng siết chặt kiểm soát xã hội; (IV)Đảng đối diện với những thách thức thế nào trong thời kỳ thoái trào?

(Phần một)

(I)

Thời kỳ ‘hoàng kim’ kết thúc: quá thái vật chất và tham nhũng chính trị

Thời kỳ ‘hoàng kim’ kết thúc, và thoái trào bắt đầu. Thời kỳ ‘hoàng kim’ được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng đồng thời kéo theo sự thái quá vật chất và tham nhũng chính trị lan rộng.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước, đặc biệt trước thách thức “đổi mới hay sụp đổ”[1][2], năm 1986 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Đảng) Việt Nam bắt đầu đường lối Đổi mới… Mốc thời gian là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, tại đó chủ trương Đổi mới toàn diện đất nước được ban hành. Đó là đường lối duy trì chế độ Đảng CS toàn trị nhưng xoá bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp đồng thời với cải cách thể chế để đáp ứng những yêu cầu từ quá trình tự do hoá kinh tế “từ dưới lên” theo hướng thị trường.

Trong khoảng thời gian gần 40 năm, diện mạo Việt Nam được thay đổi nhờ thành tích tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đô thị hoá và cơ sở hạ tầng được tăng cường. Với tốc độ tăng tổng thu nhập quốc nội GDP trung bình năm khoảng 7% “quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trong ASEAN… GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023.” Điều bình thường quen thuộc khi những thành công được tuyên truyền “chạm đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc” [3] và do “sự lãnh đạo sáng suốt” của Đảng.

Tuy nhiên, kể từ khi khi đại dịch COVID-19 tràn tới nền kinh tế đã gặp trục trặc, mức tăng trưởng trồi sụt giảm đột ngột, năm 2020 chỉ là 2,92%, năm kế tiếp, giảm tiếp mức 2,58%, nhưng sau đó bật lên mức 8,02% vào năm 2022, rồi lại khó khăn để đạt mức 5,05% năm 2023. Giới nghiên cứu đã có lý do để ‘lo ngại’ về sự suy giảm kinh tế khi nêu những thách thức. Trước hết, hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế bị lung lay dữ dội, khủng hoảng bất động sản kéo theo vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp và lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài với sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như sụp giảm cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn. Ngoài ra, các chỉ báo khác về thực trạng kinh tế không khả quan như các doanh nghiệp rời thị trường tăng, khả năng hấp thụ vốn yếu, nợ xấu ngân hàng vẫn ở mức cao, một số bị cảnh báo về phá sản, thị trường chứng khoán ở mức thấp kéo dài, đời sống người lao động khó khăn…  Tất cả đều phản ánh động lực tăng trưởng đang suy giảm mang tính xu hướng hơn là tạm thời.

Ngoài kinh tế, một nửa khác của vấn đề là lĩnh vực chính trị – xã hội, trong đó sự thái quá vật chất, tham nhũng và tha hoá chính trị đang vượt khỏi ‘tầm kiểm soát’ của Đảng. Quốc nạn tham nhũng và tha hoá chính trị là “chưa từng có” trong lịch sử tồn tại của Đảng CS VN từ khi thành lập. Từ Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 tham nhũng đã được nhận định là nguy cơ tồn vong chế độ và chiến dịch “đốt lò” được phát động với ‘cam kết’ “không vùng cấm” và quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, mặc dù ‘ồn ào’ chống tham nhũng nhưng kết quả không được như mong muốn. Đảng đã thừa nhận các hành vi tham nhũng, tiêu cực của quan chức là tinh vi, phức tạp và khó lường. Trong đó, trong mỗi vụ án tham nhũng luôn có manh mối giữa doanh nghiệp và quan chức, các đại án như thuộc diện “trung ương chỉ đạo” thường có mối liên hệ với các quan chức ở thượng tầng. Đây là lý do mà Đảng “tăng tốc” đẩy chiến dịch đốt lò đến “cực điểm trong bối cảnh ông Tổng bí thư đã tại vị gần ba nhiệm kỳ 15 năm, thâu tóm quyền lực tuyệt đối và bộ máy thừa hành, trong đó lực lượng công an, quân đội được huy động bởi chiến lược an ninh quốc gia (sẽ trình bày ở phần sau) như một công cụ đắc lực, nhưng ông ấy đã không còn nhiều thời gian vì lý do sức khoẻ, tuổi tác để cai trị suốt đời.

Sự ‘xáo trộn’ nhân sự Bộ Chính trị khoá 13 (2021-2026) phản ánh ‘sự thật’ này. Tháng 1 năm 2021 diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 13, gần 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương được bầu ra, từ đó bầu chọn nhân sự lãnh đạo chóp bu: Bộ Chính trị Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương… gồm 18 người. Và, như đã biết, từ danh sách này, sau đó Quốc hội nước CHXHCN VN khoá 15 (theo chế độ ‘đảng cử dân bầu’), tại đây ban lãnh đạo quyền lực nhất Đảng – Nhà Nước được công bố, trong đó “tam trụ”, ngoại trừ  ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư từ hai khoá trước, số ‘mới’ gồm các ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong vòng hơn một năm kể từ đầu năm 2023, tại Bộ Chính trị đã có 6/18 uỷ viên phải “từ nhiệm”, dù không được công khai các tội danh, nhưng có trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến tham nhũng hoặc “tự diễn biến”. Trong đó có hai vị trở thành cựu chủ tịch nước (trong đó có ông Võ Văn Thưởng)  và một vị – cựu Chủ tịch Quốc hội!

Câu thành ngữ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, một câu văn khởi đầu trong sách giáo khoa Nho học dưới thời phong kiến tập quyền, về tính chất đang ‘đúng’ với hiện trạng xã hội khi chế độ ở giai đoạn kết thúc ‘đỉnh cao’ bước vào ‘thoái trào’. Bùng nổ các hiện tượng trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt, cướp ngân hàng, tranh chấp đất đai, tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá cược, buôn bán và tàng trữ ma tuý tràn lan với số lượng lớn, hàng chục nghìn vụ khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai, dân oan…

Điều gì đang xảy ra vậy? Liệu Đảng có thể kiểm soát được tình hình và, tương lai chế độ thế nào? Câu trả lời tuỳ thuộc vào việc giải mã các yếu tố khách quan cũng như chủ quan, tác động đến xu hướng thăng trầm chế độ Đảng CS toàn trị mang tính chu kỳ theo ba giai đoạn chủ yếu trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào có ý nghĩa quan trọng.

Trước hết, về các yếu tố bên ngoài. Sau sự kiện bức tường Béc Linh sụp đổ 1989 thế giới ‘hồ hởi’ bước vào toàn cầu hoá 4.0. Có bốn yếu tố quốc tế chủ yếu tạo nên bối cảnh quốc tế cho Đổi mới ở Việt Nam. Một là, quan niệm của nhiều nhà quan sát phương Tây nhận định về chế độ dân chủ sẽ là “sự kết thúc của lịch sử loài người.”[4] “Đó là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người” bởi các hệ tư tưởng cạnh tranh, điển hình là chủ nghĩa Mác-Lênin, đã bị đánh bại. Hai là, thế giới sẽ “phẳng”[5] khi phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa sẽ thay đổi trái đất từ “tròn” thành “phẳng” không những về kinh tế mà cả văn hoá xã hội; Ba là, các quốc gia Đông Á trỗi dậy, nổi bật là các con ‘rồng, hổ’ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… “vươn mình” về kinh tế đồng thời với quá trình dân chủ hoá. Ba yếu tố trên quyết định chính sách can dự của phương Tây, khuyến khích đầu tư ồ ạt vào Trung Quốc cho đến khi “tỉnh ngộ” rằng tăng trưởng kinh tế đã không dẫn đến dân chủ hoá, thay đổi thể chế chính trị. Trung Quốc giờ đây trỗi dậy hung hăng và, cuộc thương chiến Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng hướng tới trật tự thế giới mới khó lường với hai hệ tư tưởng đối nghịch.

Và, bốn là, Liên Xô dưới thời M.Gorcbachyov (1985-1991) cũng đang tiến hành chính sách Perestroika (cải tổ) và Glasnost (công khai), tác động đến giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Hơn thế, Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, duy trì chế độ toàn trị nhưng tăng tốc “cải cách và mở cửa”. Yếu tố thứ tư có ảnh hưởng quan trọng sau khi Việt Nam và Trung Quốc ‘bình thường hoá’ quan hệ sau Hội nghị Thành Đô[6] năm 1991, tại đó đồn đoán có ‘mật ước’ quan trọng được ký kết giữa hai nước “đồng minh ý thức hệ”. Mặc dù cho đến nay nội dung cụ thể của tài liệu này không được tiết lộ nhưng sự ảnh hưởng lớn của mô hình Trung Quốc, như ‘vòng kim cô’ vô hình giam hãm Việt Nam trong “một tương lai chung” mơ hồ.

Phần 2: Đảng ‘ngộ nhận’ về năng lực lãnh đạo kinh tế thị trường

Phần 3: Tăng cường an ninh chế độ, Đảng siết chặt kiểm soát xã hội

Phần 4: Đảng đối diện với những thách thức thế nào?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.