Tân Ðại Việt mở hội luận chính trị nhân dịp 52 năm thành lập
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Một, tại Phòng Thương Mai Westminster, đảng Tân Ðại Việt đã tổ chức lễ kỷ niệm 52 ngày thành lập đảng và sau đó mở cuộc hội thảo về đề tài “50 Năm Nhìn Lại.”
Buổi sinh hoạt thu hút được khá đông đảng viên các đảng phái quốc gia, các ban đại diện cộng đồng cùng là các tổ chức tranh đấu ở hải ngoại khiến phòng hội đông kín người.
Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, thành viên của Tân Ðại Việt, thay mặt ban tổ chức gửi lời chào mừng đến mọi người và cho biết một vài điều cần lưu ý trước khi vào buổi hội thảo.
Ông nhắc nhở, mục đích của cuộc hội thảo chính trị này là nhằm để tuổi trẻ Việt Nam khắp nơi qua mạng Internet, Paltalk, có thể học hỏi được những kinh nghiệm từ những người đã hoạt động đảng phái trong suốt hai nền cộng hòa của miền Nam Việt Nam.
Ông Nguyên cũng cho biết, ông đã mời bốn thuyết trình viên thuộc bốn đảng phái quốc gia đưa ra những gợi ý để mọi người cùng thảo luận, hy vọng các bạn trẻ theo dõi có thể rút ra được ít nhiều kinh nghiệm trong việc dân chủ hóa miền Nam trong hai chế độ Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa.
Ông cũng nhắc là buổi hội thảo không có ý định phê phán hay chỉ trích các nhà lãnh đạo trong hai chế độ ấy mà chỉ nhằm rút ra những ưu khuyết trong tiến trình xây dựng dân chủ trong hai nền cộng hòa ấy mà thôi.
Bác Sĩ Mã Xái, chủ tịch đảng Tân Ðại Việt, trong phần nghi lễ, nhắc lại sơ lược sự hình thành đảng Ðại Việt do nhà cách mạng Trương Tử Anh xướng xuất từ những năm cuối thập niên 1930 với chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn. Năm 1964, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tách ra khỏi sứ bộ miền Nam để thành lập đảng Tân Ðại Việt hoạt động công khai, đối lập chính quyền để cùng xây dựng đất nước.
Ngay sau đó, phần hội thảo chính trị bắt đầu với các thuyết trình viên Ðỗ Như Ðiện, Phan Thanh Châu (Việt Nam Quốc Dân Ðảng), Ðinh Quang Tiến (Ðại Việt Cách Mạng Ðảng), Hoàng Ðình Khuê (Tân Ðại Việt).
Ông Ðỗ Như Ðiện nêu ra những ưu điểm của các chế độ VNCH, đã có Hiến Pháp, thực hiện được những cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và tự do khiến cho người dân dù ít học cũng có được ý thức về tự do, dân chủ. Nền tảng cơ cấu hành chánh dân chủ được hình thành từ sự thành lập Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. Và cũng trong thời kỳ này các đoàn xây dựng nông thôn được thành lập tỏa đi bốn phương trời làm thay đổi hẳn sinh hoạt người dân nông thôn.
Ông Phan Thanh Châu có nhận xét rằng nền dân chủ của Việt Nam lúc ấy chưa được trọn vẹn, nhưng cũng đã làm cho cuộc sống của người dân miền Nam được an lạc, ấm no, hạnh phúc. Nhưng chiến tranh do Cộng Sản tiến hành đã phá hoại nền dân chủ sơ khai ấy. Lợi dụng sự tự do, Cộng Sản đã đưa người vào các tổ chức sinh viên, tôn giáo khiến tình hình chính trị miền Nam mất ổn định để chính quyền phải bãi bỏ một số những tự do căn bản như báo chí, truyền thông gây bất mãn trong dân chúng.
Ông Ðinh Quang Tiến cho rằng sau chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963, các chính đảng đã được mời tham chính nhưng đó lại là thời gian rối loạn vì những vụ chỉnh lý của quân đội nên các chính đảng đã lại trao quyền lãnh đạo quốc gia cho quân đội. Việc làm đáng ghi nhận của các chính đảng lúc ấy là đã thúc đẩy được Quốc Hội hoàn thành Hiến Pháp mới để sau đó dù quân đội có nắm quyền lãnh đạo cũng phải theo Hiến Pháp mà thi hành. Nhưng cuối cùng thì Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu cũng xin được Quốc Hội thông qua Luật Ủy Quyền để ông hạn chế các đảng phái, chỉ còn một đảng là đảng Dân Chủ của chính quyền mà thôi. Ðó là những khuyết điểm.
Người phát biểu sau cùng là ông Hoàng Ðình Khuê. Ông nhắc đến những ưu điểm trong nền Ðệ Nhất Cộng Hòa là ổn định được gần 1 triệu dân di cư, dẹp được các xứ quân thời Pháp như Bình Xuyên, Cao Ðài, Hòa Hảo, thiết lập được những thể chế cho chính quyền thực hiện nhiều công ích. Nhưng Ðệ Nhất Cộng Hòa lại không chấp nhận đối lập.
Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Khuê kêu gọi tuổi trẻ đang theo dõi buổi sinh hoạt này qua Internet, Paltalk… hãy so sánh hai chế độ VNCH ở miền Nam Việt Nam trước 1975 với chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện tại để có được cái nhìn sáng suốt mà cùng nhau kiến tạo ra con đường dân chủ, tự do cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Phần gợi ý từ đại diện các đảng phái chấm dứt, ban tổ chức tiến hành ngay cuộc hội thảo. Một số ý kiến của các người trẻ (trên dưới 40) tham dự thường nêu “nếu lịch sử lại quay lại thì các vị sẽ làm gì, có rút ra được bài học nào không.”
Câu hỏi này được các vị trên chủ tọa đoàn thay nhau trả lời.
Ông Phan Thanh Châu thành thực thú nhận vai trò của các đảng phái qua hai nền cộng hòa ở miền Nam trước năm 1975 đã không làm trọn được trách nhiệm của mình. Nguyên nhân chính là chiến tranh mà Cộng Sản đã phát động trên khắp miền Nam khiến các chính quyền không thực hiện được những tiến trình dân chủ cho đất nước và các đảng phái phải thu gọn hoạt động vì tình hình an ninh chung của đất nước.
Hội thảo chính trị là một sinh hoạt gần đây được nhiều đảng phái, hội đoàn tổ chức đã gây được một sinh khí chính trị sôi nổi trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon. Dù những buổi sinh hoạt này ban tổ chức không nêu ra việc hỗ trợ cho phong trào đấu tranh đang sôi sục ở trong nước, nhưng những tin tức hình ảnh qua mạng lưới thông tin cũng đã về đến Việt Nam và các nhà tranh đấu ở trong nước cũng đã ấm lòng vì trong và ngoài nước đang cùng đi trên một con đường, con đường xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, dẹp bỏ nhà cầm quyền độc tài tham nhũng, phá hoại đất nước, dân tộc.
Tân Ðại Việt mở hội luận chính trị nhân dịp 52 năm thành lập
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT