Tấn công Tân Cương ‘chuyên nghiệp hơn’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tấn công Tân Cương ‘chuyên nghiệp hơn’

Vụ việc ở Tân Cương được Tập Cận Bình gọi là ‘tấn công khủng bố’

Theo BBC – 11:22 GMT – thứ năm, 1 tháng 5, 2014

Hôm 30/04, một vụ nổ lớn xảy ra ở nhà ga tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, khiến ít nhất ba người chết và 79 người bị thương, ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm vùng này. Đây là chuyến thăm Tân Cương lần đầu tiên của Tập kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2012.

Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố sẽ “hành động kiên quyết” đối với các vụ “tấn công khủng bố”.

“Cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố không thể xao lãng dù một phút một giây nào và phải có các hành động quyết liệt để kiên quyết trấn áp cơ hội của bọn khủng bố,” Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói sau khi xảy ra vụ tấn công.

Tập cũng nói là cần ‘phải hiểu sâu sắc chủ nghĩa ly khai Tân Cương’.

Vincent Ni của BBC Tiếng Hoa phỏng vấn một chuyên gia nghiên cứu về chống khủng bố và quan hệ của Trung Quốc với các nước phương Tây về ý nghĩa của vụ tấn công.

Ông Raffaello Pantucci, nghiên cứu viên cao cấp của Royal United Services Institute (RUSI), cho rằng đây vốn là lo ngại thường trực của ông Tập Cận Bình, và tình hình ở Tân Cương ngày càng xấu đi.

BBC: Vụ tấn công ở Tân Cương có ‎ nghĩa như thế nào?

Vụ tấn công này chính xác là những gì mà ông Tập Cận Bình vốn vẫn lo lắng. Ông đã bày tỏ mối quan ngại này một vài lần.

Ông nói rằng ông coi Tân Cương và đặc biệt là Kashgar là “tiền phương của chủ nghĩa khủng bố”, nơi ông đề cập đến khá nhiều kể từ khi nắm quyền.

“Vụ việc ở Urumqi rất đáng lo. Chúng ta thấy có các vụ tấn công và nhiều vấn đề ở Urumqi trước kia, nhưng ta chưa từng chứng kiến vụ việc nào ở tầm cỡ như thế này trong một thời gian dài.” – Raffaello Pantucci, chuyên viên nghiên cứu cao cấp viện RUSI

Hội đồng An ninh Quốc gia và những thứ khác cho thấy khủng bố từ nội địa là mối lo lớn.

Chúng ta cần xem xem loại bom này trông như thế nào. Nhưng ý tưởng nhắm tới các trung tâm giao thông là chủ đề khá thường gặp trong khủng bố quốc tế. Thế nên không có gì quá ngạc nhiên khi việc này xảy ra.

Theo một cách nào đó, vụ việc ở Urumqi rất đáng lo. Chúng ta thấy có các vụ tấn công và nhiều vấn đề ở Urumqi trước kia, nhưng ta chưa từng chứng kiến vụ việc nào ở tầm cỡ như thế này trong một thời gian dài.

BBC: Liệu có phải bộ máy an ninh hoạt động không tốt, đặc biệt là khi ngài Chủ tịch ở đó?

Chúng ta sẽ nhanh chóng tìm ra đâu là điểm yếu của sự việc. Lần trước, khi sự việc xảy ra ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2013, rất nhanh sau đó có sự thay đổi trong cấu trúc quân sự ở cấp tỉnh. Nếu quay trở lại cuộc nổi dậy Urumqi hồi năm 2009, không lâu sau đó các quan chức cấp cao ở Phòng Công an Urumqi đã bị cách chức.

Nếu đây là thất bại về tình báo, thì họ cũng có hồ sơ theo dõi tốt về việc cho sa thải đúng người.

Ông Tập Cận Bình vừa hoàn tất chuyến thăm khu vực Tân Cương

BBC: Ông có cho đây là bước lùi trong chiến dịch chống khủng bố của ông Tập Cận Bình? Ông ấy đã nhắc đến điều này tới hơn chục lần chỉ trong vài tháng qua.

Tình hình ở Tân Cương đang ngày càng xấu đi. Kể từ năm 2010 có các kế hoạch lớn được đưa vào lịch trình để khôi phục nền kinh tế địa phương, mọi việc chỉ tệ đi.

Năm ngoái, hơn 130 người bị thiệt mạng ở Tân Cương, theo các báo cáo. Chúng ta thấy nhiều vụ việc giờ lan rộng dần ra từ trong địa phương. Dù các vụ này có liên quan đến nhau hay không, thì chúng vẫn là việc người Uyghur bất bình, vốn xuất phát từ cùng một nơi. Vụ tấn công ở Tân Cương cũng xuất phát từ đó.

Theo một cách nào đó, vấn đề trở nên chuyên nghiệp hơn ngay từ bên trong địa phương này. Đây không phải là một nhóm người tấn công sở cảnh sát ở các làng nhỏ ở nông thôn; đây là thành phố chính của cả một tỉnh, và bên trong ga tàu.