Tân chính phủ Ý khẳng định lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ
Lãnh đạo đảng Anh em Ý, bà Giorgia Meloni dự kiến sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này. Với việc thành lập một chính phủ cánh hữu mới, Ý cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng như Đài Loan và giữ vững lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ.
Ngày 25/9, kết quả của cuộc tổng tuyển cử ở Ý được công bố, và liên minh cánh hữu do Đảng Anh em Ý (FdI) lãnh đạo đã giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu 44%.
Liên minh cánh hữu Ý nhất trí cứng rắn với ĐCSTQ
Bà Meloni thường nói rằng, nếu đắc cử, bà sẽ hướng Ý tiến tới một lập trường chống Trung Quốc công khai hơn, kiên quyết không biến Ý trở thành “mắt xích yếu nhược” giữa các đồng minh phương Tây.
Về việc ký bản ghi nhớ sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa Ý và ĐCSTQ vào năm 2019, bà Meloni cho rằng đây là một sai lầm lớn của đảng chính trị “Phong trào Năm Sao” (Movimento 5 Stelle – M5S).
Cố vấn ngoại giao của bà Meloni, ông Giulio Terzi di Sant’Agata, nói rõ rằng “khi bản ghi nhớ về Vành đai và Con đường hết hiệu lực, Ý sẽ tham vấn chặt chẽ với các đối tác châu Âu và Đại Tây Dương”.
Không giống như hai đồng minh của liên minh cánh hữu, Đảng Anh em Ý đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan. Trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử năm 2022, bà Meloni đã gặp đại diện của Đài Loan tại Ý, Li Xinying, và đăng tải bài viết lên Twitter rằng, Ý sẽ “luôn sát cánh với những người tin vào các giá trị của tự do và dân chủ”.
Vào ngày 25/9, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan, bà Meloni nói rằng nếu bà đắc cử, “Đài Loan sẽ là mối quan tâm trọng yếu của Ý”.
Thượng nghị sĩ Lucio Malan của Đảng Anh em Ý là một trong hai chủ tịch của Liên minh Nghị viện Liên hợp của Ý về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China – IPAC), một liên minh nhằm điều phối cách các nền dân chủ phản ứng với việc ĐCSTQ ngày càng hung hăng.
Là người đứng đầu nhóm nghị sĩ hữu nghị Ý-Đài Loan từ năm 2013, ông Maran là một trong những nghị sĩ Ý chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc. Vào tháng 2/2022, ông Malan, cùng với 10 thượng nghị sĩ cấp cao, đã gửi thư tới Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc Đài Loan bị loại ra khỏi mạng lưới phòng chống dịch bệnh toàn cầu của WHO.
Liên minh trung hữu của Ý, bao gồm FdI, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ba người, mỗi người một thái độ khác nhau, nhưng nhìn chung có quan điểm đối đầu với ĐCSTQ.
Cựu Thủ tướng Berlusconi luôn có ấn tượng xấu về ĐCSTQ. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, ông Berlusconi cảnh báo rằng “sự mở rộng kinh tế và chính trị” của ĐCSTQ và “mô hình Trung Quốc” đối lập với các giá trị của phương Tây là một thách thức to lớn trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Berlusconi cũng kêu gọi một chính sách đối ngoại và quốc phòng chung của châu Âu để chống lại Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cam kết thúc đẩy chính sách kinh doanh để bảo vệ các công ty châu Âu và Ý khỏi các hành vi kinh tế bất bình đẳng của Trung Quốc, cũng như tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong cuộc bầu cử năm nay, ông Berlusconi nói rằng ĐCSTQ đã trở thành một “thách thức nguy hiểm trên các mặt trận kinh tế, chính trị và quân sự”.
Ông Matteo Salvini thậm chí còn thẳng thắn hơn. Vào tháng 3/2019, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Rome để ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác “Vành đai và Con đường”, ông Salvini, khi đó là Bộ trưởng Nội vụ, thậm chí đã từ chối gặp ông Tập và không tham dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước dành cho ông Tập.
Ông Salvini cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể “xâm chiếm” nước Ý. “Việc xử lý dữ liệu nhạy cảm là lợi ích quốc gia. Do đó, vấn đề viễn thông và xử lý dữ liệu không thể chỉ là vấn đề thuộc phạm trù kinh tế”.
Sau đó, với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, ông Salvini tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Vào tháng 6/2020, nhiều quốc gia đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, và ông Salvini cũng kêu gọi “một phiên xử của tòa án quân sự quốc tế Nuremberg thứ hai để xác định và trừng phạt tất cả những tội lỗi của ĐCSTQ”.
Vài tuần sau, ông Salvini và các chính trị gia khác đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Rome để phản đối việc Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Một nước Ý ‘thơ ngây’ ba năm về trước
Ngoại giao của Ý theo truyền thống tập trung vào quan hệ đối tác với Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và các nước Địa Trung Hải. Tuy nhiên, kể từ khi Phong trào Năm Sao thành lập vào năm 2009, Ý đã bắt tay vào chính sách thân Trung Quốc triệt để.
Vào thời điểm đó, chính phủ Ý đang mong muốn thoát khỏi suy thoái kinh tế, chưa đầy 5 tháng sau khi thành lập chính phủ mới, một nhóm công tác về Trung Quốc đã được thành lập trong Bộ Phát triển Kinh tế Ý để chịu trách nhiệm về các vấn đề Trung Quốc.
Vào tháng 3/2019, Ý và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác “Vành đai và Con đường”, trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm 7 cường quốc công nghiệp phương Tây (G7) ủng hộ sáng kiến này. Vào thời điểm đó, chính phủ Ý cũng tuyên bố rằng Ý có thái độ tích cực đối với kế hoạch “Made in China 2025” và không muốn thiết lập cơ chế rà soát đầu tư ở cấp EU.
Điều đó đã khiến Hoa Kỳ tức giận và cảnh báo một số đồng minh EU, những người lo ngại việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ nhạy cảm của phương Tây và các trung tâm giao thông trọng điểm. Một rủi ro thực tế hơn là các nước thành viên EU, bao gồm cả Ý, không đặt chính sách về Trung Quốc của họ trong một khuôn khổ chung, điều này đã làm suy yếu vị thế đàm phán của khối.
Sự chuyển mình nhanh chóng của Ý khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong quá khứ, chính phủ Ý cũng đã tiếp cận với Trung Quốc để tìm kiếm các cơ hội kinh tế, nhưng không phải vì sự thân thiện của ĐCSTQ. Ý, cũng như Pháp và Đức, cũng cảnh giác với việc Trung Quốc mua lại các lĩnh vực chiến lược của châu Âu và đang thảo luận với hai nước này về việc thiết lập một cơ chế sàng lọc đầu tư của EU. Đại sứ Ý tại Trung Quốc cũng đã ký một báo cáo chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng với các phái bộ châu Âu khác.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), chiến lược Trung Quốc mới của chính phủ Ý trong năm 2018 đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong đầu tư của nước này.
Theo tờ Financial Times, động lực chính thúc đẩy chiến lược này đến từ ông Michele Geraci, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý lúc bấy giờ, người đã sống ở Trung Quốc 10 năm và học tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc (UNNC). Ông giảng dạy tại trường kinh doanh, và chính ông Geraci là người đã thuyết phục lãnh đạo của đảng Phong trào Năm Sao, Luigi Di Maio, thúc đẩy chính phủ Ý chuyển hướng sang thân ĐCSTQ.
Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Ý
Khi bản ghi nhớ “Vành đai và Con đường” vào năm 2019 lần đầu tiên được đưa vào lĩnh vực tranh luận công khai ở Ý, sự hiểu biết của Ý về ĐCSTQ vẫn còn ngây thơ và thiển cận. Nhưng sau hơn 3 năm triển khai, Ý đã từ từ thay đổi lập trường, tìm cách kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh.
Năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi, người ủng hộ các đồng minh Âu Mỹ truyền thống, lên nắm quyền. Chỉ trong 4 tháng, chính phủ ông Draghi đã nhiều lần hạn chế sự can dự của ĐCSTQ vào việc thử nghiệm 5G tại Ý, ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp quản các công ty bán dẫn của Ý cũng như chặn đứng tham vọng thâu tóm các nhà sản xuất ô tô Iveco của Ý từ Tập đoàn FAW của Trung Quốc.
Tại cuộc họp G7 năm nay, chính phủ của ông Draghi đã công bố đồng ý về một giải pháp thay thế xanh cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, với việc G7 “nhất trí về sự cần thiết của một giải pháp thay thế minh bạch hơn cho các dự án của Trung Quốc”.
Trong khi đó, Ý cũng nhận ra rằng những lời hứa hẹn của ĐCSTQ vào năm 2019 đã “bay theo gió”. Một báo cáo cuối năm 2020 cho hay, “cơ sở kinh tế được đưa ra để ký kết Biên bản ghi nhớ Vành đai và Con đường là hoàn toàn sai lầm”.
Việc ký kết bản ghi nhớ “Vành đai và Con đường” đã khiến Ý phải trả giá đắt về chính trị, và bị phương Tây coi là “mắt xích yếu nhược của châu Âu” trong cuộc chiến chống lại ĐCSTQ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng, Ý nên chấm dứt “sự yếu nhược” và “ngây thơ” trước ĐCSTQ. Đức cũng nêu lên những lo ngại tương tự.
Việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến Ý mất đi một vị trí trên bàn đàm phán. Vào tháng 12/2020, khi ĐCSTQ đang lo lắng về những chi tiết cuối cùng của Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức lúc đó là Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã tham dự một cuộc họp qua liên kết video với ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte không tham gia, và ông Ivan Scalfarotto, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao Ý, đã ký kết bản ghi nhớ sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo quan điểm của ông, việc ký kết bản ghi nhớ này sẽ đưa Rome trở thành một đối tác đàm phán đáng tin cậy.
Lam Giang – 2/10/22
https://www.ntdvn.net/the-gioi/tan-chinh-phu-y-khang-dinh-lap-truong-cung-ran-doi-voi-dcstq-381104.html