Tấn bi kịch Đặng Văn Hiến
Chanh Tam 15/7/2018
Chúng ta đang ở trong tấn bi kịch Đặng Văn Hiến, trước một kết thúc tan hoang.
Một cuộc đời cùng cực trong áp bức, chỉ có bản năng chống chọi lại bất công, chút lý trí yếu ớt đã thức tỉnh trách nhiệm công dân của Hiến, để bi kịch là bản án tử hình dành cho anh.
Đó quả là một tấn bi kịch của xã hội chúng ta.
Người áp bức người vẫn là một hiện trạng xã hội phổ biến. Ngay trong lòng xã hội mới XHCN. Ngay với những đồng bào yếm thế, thiệt thòi nhất. Ngay ở những nơi là căn cứ địa che chở nuôi dấu đội quân bây giờ nắm giữ bộ máy quyền lực của đất nước.
Đau đớn nhất, cũng tệ hại nhất, chính thể chế ấy đã bảo hộ cho nạn áp bức, nhân danh quyền lợi toàn dân, nhân danh phát triển.
Nhà nước đã bảo hộ tệ trạng đó bằng chính sách đất đai tước đoạt quyền tài sản của người dân; và bằng sự vô cảm, thậm chí trực tiếp nhúng tay vào máu của những kẻ cướp mà chúng ta chọn làm công bộc .
Quan toà đã đủ công minh để yêu cầu điều tra những kẻ cướp đoạt đất đai, thuê mướn cả trẻ vị thành niên tấn công gia đình Đặng Văn Hiến trên mảnh đất họ khai hoang mà có.
Quan toà cũng công minh để vạch ra sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã để côn đồ làm chủ quan hệ xã hội, là thách thức trực tiếp để tiếng súng Đặng Văn Hiến toé máu đồng bào mình.
Nhưng toà án đã không thể kết tội chính nền pháp luật của chúng ta là nguyên nhân, nếu không nói là thủ phạm, để xảy ra bi kịch sẽ còn làm đau đớn không chỉ một đời người này.
Đó cũng là một bi kịch của nền tư pháp, của phương thức tư pháp của chúng ta.
Bi kịch ấy chính là ở chỗ nền tư pháp bị buộc đứng trước thách thức, để thượng tôn pháp quyền phải ngăn chặn mọi hành vi bộc phát làm tổn thương đến pháp quyền nhưng tước đoạt khả năng tự vệ chính đáng, tước đoạt ý chí chống lại áp bức của con người.
Ngay với nền pháp luật của chúng ta, định hướng xã hội chủ nghĩa phải là gì, nếu không nhận ra bảo vệ phẩm chất tự do của công dân cũng đích thực là bảo vệ chế độ. Đó cũng chính là phương thức bảo đảm căn cơ, bền vững nhất ổn định xã hội, ổn định chính trị.
Bi kịch Đặng Văn Hiến là một bi kịch chính trị ở nông thôn. Đó chính là nỗi cô độc khi bản năng sở hữu tài sản, một thứ bản năng gốc của con người, bị huỷ hoại trước sự dửng dưng của các thiết chế có trách nhiệm.
Hệ thống chính trị ở cơ sở đã không rút được củi đáy nồi, không ngăn chặn những đứa trẻ cùng khổ thành côn đồ, không có sức chiến đấu trước nạn kẻ mạnh áp bức kẻ yếu.
Nỗi sợ hãi vì phạm tội giết người, không có niềm tin với chính quyền cơ sở, nhưng chút lý trí yếu ớt và ý chí chống lại bất công đã đưa Đặng Văn Hiến tới niềm tin công dân, tự thú, kiên trì đề nghị phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, xin Chủ tịch nước ân xá.
Sẽ là một kết cục tan hoang nếu bản án thành hiện thực.
Cái chết của công dân Đặng Văn Hiến có thể đảm bảo kiểu công bằng giết người đền mạng nhưng xã hội sẽ thực hiện lối công bằng theo trật tự tự nhiên.
Lương tri sẽ tháo chạy khỏi niềm tin xã hội.
Xã hội mơ ước không có người áp bức người thành tuyệt vọng.
Đó là mục đích hay kết quả của chủ trương kiên trì định hướng XHCN mà những người cộng sản chọn đường cho Việt Nam?
Lương tri, hơn bao giờ hết phải trở thành sức mạnh nâng đỡ công lý, nâng đỡ nền pháp luật, nâng đỡ niềm tin của xã hội vượt qua những giới hạn thể chế, để khẳng định phẩm chất tự do chống lại áp bức, khẳng định niềm tin công dân của Đặng Văn Hiến là lựa chọn đúng đắn để làm người.
Niềm tin công dân ấy của Đặng Văn Hiến như còn cô quạnh!
Bình Luận từ Facebook https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/1523011034471825