Tâm thư gửi bạn trung niên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tâm thư gửi bạn trung niên

Nhuệ Hồng NGUYỄN HỮU THỒNG

Nhuệ Hồng là bút danh của Luật sư Nguyễn Hữu Thống. Ông bắt đầu viết văn năm 20 tuổi khi còn là một sinh viên Trường Luật Hà Nội. Nhuệ Hồng phụ trách phần văn nghệ sinh viên trong tạp chí Phổ Thông, cơ quan văn hóa của Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Trường Luật.

Năm 1955, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Tạ Văn Nho, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ và một số văn hữu, Nhuệ Hồng sinh hoạt trong nhóm Quan Điểm-Tiếng Miền Nam. Nhuệ Hồng làm chủ bút nhật báo Tiếng Miền Nam và Vũ Khắc Khoan chủ biên tuần báo Quan Điểm.

Năm 1956, Nhuệ Hồng phụ trách các phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Liên Minh Dân Chủ Xã Hội Á Châu tại Bombay và Hội Nghị Các Nhà Văn Á châu tại Delhi. Sau hai chuyến công du Ấn Độ, Nhuệ Hồng xuất bản cuốn hồi ký Những Chuyến Đi. Ngoài ra ông còn viết quyển khảo luận Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội áp dụng cho các nước nông nghiệp Á Châu.

Năm 1957, Nhuệ Hồng được chỉ định làm Tổng Thư Ký Đại Hội Liên Minh Á Châu Chống Cộng tại Sài Gòn. Ông cũng được bầu làm Phát Ngôn Viên của Chủ Tịch Đoàn Liên Minh Thế Giới Chống Cộng tại Mexico City.

Năm 1959, cùng các Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Bùi Tường Chiểu, Nhuệ Hồng thành lập Hội Tự Do Văn Hóa Việt Nam, thành viên của Hiệp Hội Tự Do Văn Hóa Quốc Tế (Congress For Cultural Freedom). Trong cương vị văn hóa, Hội công khai đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và đòi nhà cầm quyền trả lại thị trường tự do những phương tiện vật chất của văn hóa. Trong thời gian này, Nhuệ Hồng xuất bản cuốn Nền Dân Chủ Trong Các Tân Quốc Gia, áp dụng cho các nước chậm tiến vừa thoát vòng đô hộ đế quốc Tây phương. Và sau hai năm nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, năm 1972 Nhuệ Hồng đã sáng tác tác phẩm ưng ý nhất Xử Án Vương Thúy Kiều

Để trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Năm 1965, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Nhuệ Hồng phụ trách Bộ Chiêu Hồi kêu gọi các cán binh bên kia chiến tuyến và vỹ tuyến trở về hàng ngũ Quốc Gia. Nhân Ngày Quốc Hận chia đôi đất nước hai nhà văn mang tên Hồng tổ chức “Đêm Văn Nghệ Không Ngủ” bên bờ sông Bến Hải với sự cộng tác của Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Thái Thanh cùng 30 nghệ sĩ trình diễn với sự tham dự của 20 ngàn đồng bào Quảng Trị.

Năm 1966, Nhuệ Hồng đắc cử Dân biểu Quốc Hội Lập Hiến và được các đồng viện bầu làm Đệ Nhất Phó Chủ Tịch, phụ tá cụ Chủ Tịch Phan Khắc Sửu. Trong cương vị Tổng Thuyết Trình Viên và Trưởng Ban Nghiên Cứu Hiến Pháp, Nhuệ Hồng đã góp phần đáng kể vào việc soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1967.

Năm 1973, sau khi Hoa Ký ký Hiệp Định Paris mặc nhiên chấp thuận cho Bắc Việt đồn trú 200 ngàn quân trong nội địa miền Nam, Nhuệ Hồng tình nguyện thuyết trình về Sách Lược Cộng Sản tại các Trường Chỉ Huy Tham Mưu (Long Bình), Chiến Tranh Chính Trị (Đà Lạt) và Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ (Vũng Tàu).

Sau khi Sài Gòn thất thủ ngày 30-4-1975, Nhuệ Hồng vượt thoát trên con tàu định mệnh Trường Xuân cùng với hơn 3700 thuyền nhân. Tàu Trường Xuân hỏng máy ngoài khơi và được tàu Đan Mạch kéo về Hồng Kông sau ba ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương. Nhuệ Hồng tỵ nạn tại Pháp. Sau một năm hành nghề Luật sư tại Paris, ông lại bỏ sang Mỹ vì “chán khung cảnh xã hội Pháp”. Ông trở lại hành ngề Luật sư tại California từ năm 1978.

Sau đây mời các bạn đọc “ Tâm Thư Gửi Bạn Trung Niên” cho những người chiến bại tự cho là những người chiến bại trong cuộc chiến và thất bại trong cuộc đời.

 

VỀ TRI THIÊN MỆNH

Thưa Bạn,

Cổ nhân thường nói tới năm ba mươi bạn bắt đầu thành lập: lập công danh, lập sự nghiệp, lập chí (Tam thập nhi lập). Tới năm bốn mươi, tương đối công đã thành, danh đã toại, bạn không còn bị mê hoặc về tiền tài, về danh vọng, về sắc dục (Tứ thập nhi bất hoặc). Và sau mười năm học hỏi, nghiên cứu, suy ngẫm, đi đây, đi đó, bạn sẽ đạt tới tuổi giác ngộ và bạn sẽ thấu hiểu Mệnh Trời (Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh).

Khi hiểu được mệnh trời, bạn sẽ suy tư, hành động, cư xử thuận theo mệnh trời. Lúc đó bạn đã đạt tới tuổi trung niên. Hiểu được mệnh trời và thuận theo mệnh trời, bạn sẽ có một cuộc sống an vui, một sự thưởng thức an vui và một niềm thương yêu an vui.

Muốn tìm hiểu mệnh trời, không cần phải thông kim bác cổ, thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh, đọc nhiều kinh Phật hay Thánh kinh. Vì tại Việt Nam đạo Trời Đất phổ biến bàng bạc trong lời nói hàng ngày, trong ca dao tục ngữ, trong các truyện văn chương cũng như trong các sách giáo khoa.

Bạn hãy hình dung con người, một sinh vật nhỏ bé đứng chênh vênh trên mặt địa cầu, ngắm nhìn vũ trụ bao la với mặt trời, mặt trăng, các vì sao và hàng triệu hành tinh chuyển động trên vòm trời. Thế đứng chênh vênh đó như sau: Ban ngày chúng ta đầu đội mặt trời, chân đạp trái đất. Ban đêm chân chúng ta vẫn đạp trái đất nhưng đầu hướng ngược với phía mặt trời.

Có bao giờ bạn ngạc nhiên hỏi tại sao con người lại không rơi ra khỏi địa cầu để mất hút vào cõi hư vô? Có bao giờ bạn ngạc nhiên hỏi tại sao địa cầu, vì một ngẫu nhiên nào đó, lại không tiến gần lại mặt trời để bị mặt trời nóng cháy thiêu đốt, khiến con người cũng như cây cỏ, hoa lá, chim muông, ong bướm, thảy thảy đều tan thành tro bụi? Hay vì một sự trục trặc nào đó, địa cầu bỗng dưng tách ra khỏi quỹ đạo mặt trời, bay xa khỏi mặt trời, khiến chúng ta không còn được hưởng ánh sáng và sức nóng mặt trời. Khi đó địa cầu sẽ biến thành một hành tinh lạnh lẽo như mặt trăng. Các nhà văn, nhà thơ thường ca tụng hình ảnh thơ mộng êm đềm của mặt trăng. Biết bao thi sĩ ước mơ được ngao du Hằng Nga Cung Quảng. Sau khi chinh phục được mặt trăng, chúng ta mới thấy mặt trăng không phải là một hành tinh thơ mộng. Vì tại mặt trăng không có dưỡng khí, không có nước, không có đại dương, sông hồ, không có cây cỏ, hoa lá, chim muông, ong bướm và nhất là không có con người.

Bạn hãy tưởng tượng mình là một phi hành gia hay một bác học tình nguyện lên mặt trăng để thí nghiệm và nghiên cứu. Với các viễn kính tối tân bạn sẽ thấy địa cầu xinh đẹp biết bao, thơ mộng biết bao và xanh tươi biết bao! Xanh vì màu xanh của đại dương, sông hồ; xanh vì màu xanh của rừng ruộng, đồi nương. Lúc đó bạn sẽ ý thức rằng địa cầu đích thực là một thiên đường trong vũ trụ mà Thượng Đế đã dành riêng cho con người.

Sự luân chuyển của địa cầu trong quỹ đạo mặt trời gây nên sự điều tiết nhịp nhàng, chuyển vận thành bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sự chuyển mùa tô điểm màu sắc, gieo rắc hương vị cho cuộc sống. Lẽ tuần hoàn của trời đất cao cả và màu nhiệm vì thế. Trong tuổi thiếu niên chúng ta muốn khai phá và chinh phục thiên nhiên. Tới tuổi trung niên chúng ta lại muốn hòa đồng cùng vũ trụ, đồng điệu với thiên nhiên. Mỗi độ Xuân sang khi hoa đào, hoa mai nở, bạn hãy nhìn vào bông hoa để thấy lẽ tuần hoàn mầu nhiệm của trời đất. Mỗi độ Thu về, bạn hãy cùng Nguyễn Du ngâm mấy câu thơ:

“Sân Ngô cành biếc đã chen lá vàng”.

“Dậu Thu vừa nẩy giò sương”

Khi Ngô đồng rơi một lá, thiên hạ thấy Thu sang (Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu). Nhìn lá vàng bay, bạn mường tượng thấy địa cầu luân chuyển nhịp nhàng theo trật tự thiên nhiên, điều hành bởi ĐấngTối Cao Toàn Thiện và Toàn Năng. Từ khi khai thiên lập địa có tới hàng triệu triệu năm, trật tự thiên nhiên vẫn được duy trì. Và mỗi ngày địa cầu vẫn tự quay chung quanh mình để phân định ngày đêm, đồng thời luân chuyển trong quỹ đạo mặt trời để phân định bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi khi năm hết Tết đến, ông cha chúng ta thường có tục lệ gói bánh dầy, bánh chưng, bánh dầy hình tròn, bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho “Trời tròn Đất vuông”. Quan niệm vuông tròn của trời đất tuy không đúng với khoa học địa lý, nhưng là một ý niệm biểu tượng lòng tri ân của con người đối với Trời Đất. Trong dịp đầu năm nhà vua làm lễ Nam Giao tế Trời Đất, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho đất nước thanh bình, cho trăm họ ấm no. “Trời che đất chở”, trời sinh thành dưỡng dục con người, đất bao dung che chở con người. Nhờ sức hút mầu nhiệm của trái đất, chúng ta vẫn đứng vững hai chân trên mặt địa cầu mà không mất hút vào cõi hư vô.

Ngoài đức Toàn thiện và Toàn năng, Trời còn có đức Hiếu sinh để cấu tạo sinh thành muôn loài: “Trời sinh Trời dưỡng”, “Trời sinh voi sinh cỏ”.

Đến đây tôi xin nói về sự mầu nhiệm của con chim sẻ. Con chim sẻ gợi lại cho tôi những kỷ niệm êm đềm. Thời thơ ấu anh em chúng tôi thường đi thả diều trên những bờ đê vào mùa lúa chín. Khi chúng tôi chạy tới đâu, từng đàn chim sẻ bay vút lên cao như để hưởng ứng sự bay bổng của những cánh diều. Chiều tối về nhà nhìn lên sân thượng đã thấy đàn chim sẻ đậu ngay ngắn, nghiêm chỉnh như những hướng đạo sinh đứng dàn chào. Lúc đó có niềm thông cảm bao la giữa người và con chim sẻ. Sau này đọc thấy trong Thánh Kinh một câu đầy ý nghĩa: “Ngay đối với con chim sẻ Thượng Đế cũng ban tước lộc cho nó, huống chi con người”. Huống chi con người là sự cấu tạo hoàn mỹ nhất của Thượng Đế. Con chim sẻ không có hình dung thanh tú như chim bạch yến, không có lông cánh tốt mã như chim hoàng oanh, cũng không có giọng hót véo von như chim họa mi. nhưng Trời vẫn ban tước lộc cho nó sinh sống và truyền kế giống nòi trên khắp mặt địa cầu. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có chép chuyện Khổng Tử và các môn đệ đi du hành thấy người đánh lưới chỉ bắt được các sẻ non vàng mép mà không bắt được sẻ già, nên hỏi tại sao. Người đánh lưới đáp: “Sẻ non tham ăn cho nên dễ bắt, sẻ già khôn ngoan cho nên khó bắt. Nếu sẻ non mà theo sẻ già thì bắt sẻ non cũng khó. Nếu sẻ già mà theo sẻ non thì bắt sẻ già cũng dễ”. Câu chuyện chim sẻ trong sách Đồng ấu dạy ta sự quan trọng của lãnh đạo.

Trong Cổ Học Tinh Hoa có truyện Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Hoa thấy hình con chim sẻ đậu trên cành trúc. Tưởng là chim thật, Mạc Đĩnh Chi chạy lại định vồ. Thì ra là con chim vẽ. Triều thần cười ồ lên, Mạc Đỉnh Chi vừa ngượng, vừa giận cầm tay xé tan bức tranh. Triều thần hỏi lý do. Mạc Đĩnh Chi giải thích: “Chim sẻ tượng trưng cho kẻ tiểu nhân, cành trúc biểu tượng cho người quân tử. Để kẻ tiểu nhân đứng trên người quân tử là trái lẽ nên tôi phải xé bỏ bức tranh”.

Theo thiển ý Mạc Trạng Nguyên có phần quá khắt khe, Vì đối với người, có thể có hạng quân tử và hạng tiểu nhân. Nhưng đối với chim, tôi không thấy có loài chim tiểu nhân. Mỗi lần thấy bóng dáng con chim sẻ, bạn hãy mường tượng đức hiếu sinh của Trời Đất. Trời không bỏ một ai. Trời không bao giờ bỏ con người. Trời cũng không bao giờ bỏ muôn loài trong đó có con chim sẻ.

Với đức Toàn Thiện và Toàn Năng,tạo hóa điều hành vũ trụ theo trật tự thiên nhiên. Với đức Hiếu Sinh, tạo hóa sinh thành dưỡng dục muôn loài. Để giữ thế quân bình cho vạn vật, tạo hóa bao giờ cũng giữ đức Chí Công Vô Tư. Trong đời sống hàng ngày, ta thường nghe thấy những câu: “Đèn Trời soi xét”, “Lưới Trời lồng lộng”, “Không Trời ai ở với ai”… Đức Công Bằng của tạo hóa đã được Nguyễn Du ghi nhận trong Truyện Kiều:

“Lạ gì bỉ sắc tư phong

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

Hay:

“Tinh hoa phát tiết ra ngoài”

Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”

Quan niệm”Hồng nhan đa truân”, “Tài hoa bạc mệnh” đã được chứng nghiệm trong đời sống thực tiễn cũng như trong các truyện văn chương:

“Có tài mà cậy chi tài

“Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Bình về cuốn“Thanh Tâm Tài Tử”, Kim Thánh Thán than rằng: “Tạo hóa không muốn có sự toàn bích. Đã cho cái này lạị lấy cái kia. Sinh ra một đóa hồng nhan lại bắt mười phần chiết ma. Phó cho một mảnh tài tình lại buộc trăm điều nghiệt chướng”.

“Đã sinh lấy kiếp hồng nhan

Làm cho cho hại cho tàn cho cân”

Đối với vạn vật Trang Tử cũng có nhận định tương tự: “cây thẳng thường bị đốn trước, giếng trong thường hay cạn trước”.

Quan niệm “bỉ sắc tư phong” (cái này trồi lên thì cái kia trụt xuống) đã diễn tả quan niệm Quân Bình Nhị Nguyên hay quan niệm âm dương truyền thống của Đông phương. Dương lên đến cực thịnh biến thành âm. Âm lên đến cực độ biến thành dương. Trong cái rủi có cái may và trong cái may lại có cái rủi.

Chúng ta còn nhớ câu truyện Tái Ông Thất Mã. Tái Ông có con ngựa quý, một hôm xổ chuồng chạy lên núi mất tích. Bạn bè lối xóm đến chia buồn, nhưng Tái Ông nói: “Mất chưa hẳn đã là rủi”. Quả nhiên ít lâu sau con ngựa trở về dẫn theo một đàn ngựa Hồ. Bạn bè lối xóm đến chúc mừng, nhưng Tái Ông nói: “Được ngựa chưa chắc đã là may”. Quả nhiên cậu con trai thấy ngựa hay nên tập cưỡi chẳng may ngã ngựa què chân. Bạn bè lối xóm đến chia buồn. Nhưng Tái Ông lại nói: “Bị thương chưa chắc đã là rủi”. Quả nhiên ít lâu sau Rợ Hồ xâm lăng bờ cõi, trai tráng trong làng đi tòng chinh bị giặc tàn sát rất nhiều. Riêng đứa con trai vì bị thương nên được ở nhà và cha con Tái Ông được xum họp.

Câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” chỉ là một ngụ ngôn khuyên con người chấp nhận phúc họa như những biến cố thường tình. Vì trong cái rủi biết đâu chẳng có cái may, cũng như trong cái may nhiều khi đã có mầm cái rủi. Đó cũng là ý nghĩa câu: “Sinh dữ tử lành”. Nếu chúng ta có khả năng cải thiện những biến cố xẩy đến, ta phải mang hết nghị lực để biến cải. Trái lại, nếu nó vượt khỏi tầm tay, ta cũng phải an nhiên chấp nhận rồi kiếm những phương cách tích cực mà hoạt động. Mọi chán nản buông xuôi, bi quan, yếm thế chỉ làm cho tình trạng thêm bi thảm và nhân tâm thêm chán ngán.

Tôi còn nhớ một phiên họp mới đây của Luật Sư Đoàn với đề tài thảo luận: “Nếu bạn có cơ hội làm lại cuộc đời, bạn có muốn tiếp tục hành nghề luật sư nữa hay không”. Một đồng nghiệp đã nói lên cảm nghĩ chung khi nhận định rằng: “Mặc dầu mọi vẻ quyến rũ bên ngoài, nghề luật sư mang lại cho ta nhiều ưu tư lo lắng hơn là thoải mái. Với sự cạnh tranh nghề nghiệp, sự hối thúc của thân chủ, đồng nghiệp, tòa án, người luật sư chịu nhiều lo âu, phiền toái hơn bất cứ nghề nào khác. Ông bạn kể lại đời sống an nhàn của cha ông ta trước kia, nguyên là một người thợ mộc. Ông nói: “Sau thời gian tập việc, cha tôi đã thạo nghề và làm nghề thợ mộc vô cùng thoải mái. Cha tôi cảm thấy thích thú trong việc chế tạo các dụng cụ bàn ghế như những công trình sáng tạo nghệ thuật. Cha tôi không hề lo lắng phiền muộn. Người ung dung sống một cuộc đời nhàn tản gần thiên nhiên và Thượng Đế. Nếu được tái tạo cuộc đời, tôi xin được kế tiếp nghề thợ mộc của cha tôi.”

Lời nhận định của ông bạn đồng nghiệp có phần hữu lý. Vì trong nghề thủ công không có sự đấu tranh gay go như trong nghề luật sư.

Đến đây chúng ta hãy đối chiếu với đời sống một nông phu thời tiền chiến. Người nông phu phải vất vả cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, dãi dầu hai sương một nắng. Nhưng họ khỏe mạnh hơn chúng ta, giản dị hơn chúng ta và an vui hơn chúng ta. Ăn cơm ngô sắn mà ăn uống ngon lành, ngủ dưới lều tranh mà ngủ say như trẻ thơ. Đời sống nội tâm an nhàn, vô tư lự. Vì họ tin vào Đức hiếu sinh của Trời Đất:

“Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp”.

Lời cầu nguyện “lấy đầy bát cơm” của bác nông phu cũng phảng phất như lời cầu nguyện trong Thánh Kinh “Xin Thượng Đế ban cho chúng tôi bánh mì dùng đủ hôm nay”.

Trở lại vấn đề “Tri Thiên Mệnh” chúng ta có thể tóm lược như sau:

Trời Đất vạn vật cùng thuộc một bản thể được cấu tạo và sinh thành do một Đấng Tối Cao mệnh danh là Tạo Hóa, Thượng Đế, hay Trời. Với đức Toàn Thiện và Toàn Năng, tạo hóa điều hành vũ trụ theo tiết điệu nhịp nhàng, trong trật tự thiên nhiên, không hề có xáo trộn, trục trặc từ hàng vạn, hàng triệu triệu năm.

Với đức Hiếu Sinh, tạo hóa sinh thành dưỡng dục và trợ trưởng muôn loài (Trời sinh Trời dưỡng). Với Đức Chí Công Vô Tư, Tạo hóa điều hành cuộc sống theo quan niệm Quân Bình Nhị Nguyên về “Bỉ sắc tư phong”.

Trời Đất họp thành vũ trụ làm môi trường sinh hoạt cho con người. Con người hấp thụ đức của Trời Đất, sự kết hợp của âm dương, sự tụ hội tinh túy của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Được Trời phú cho phần tâm linh, con người ý thức mệnh Trời nên được trao sứ mạng thay Trời hành đạo. Do đó có mối tương quan mật thiết giữa Thiên đạo và Nhân sự. Vì sự lưu hành của Thiên lý vô cùng mạnh mẽ nên muốn hành động theo Thiên đạo, con người phải tự lực tự cường không nghỉ (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức).

VỀ QUÂN BÌNH NHỊ NGUYÊN

Quân Bình Nhị Nguyên là một quan niệm hết sức phổ biến trong văn chương tục ngữ.

Chinh Phụ Ngâm mở đầu bằng câu “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Truyện Kiều bắt đầu bằng câu “Trăm năm trong cõi người ta”. Trời đất và Người ta là hai ý niệm nhị nguyên được phổ cập sâu rộng trong tiềm thức mỗi người chúng ta. Đó là hai thực thể khác biệt, tương sinh tương khắc, như ngày và đêm, tối và sáng, âm và dương, trống và mái, vuông và tròn…

Tuy nhiên:

“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”

Trời và đất là hai thực thể khác biệt, tương sinh tương khắc nhưng họp thành vũ trụ. Cũng như người với ta họp thành xã hội, thành nhân loại; ngày với đêm họp thành thời gian, vợ với chồng họp thành gia đình; núi với sông họp thành đất nước, nước với nhà họp thành quốc gia. Nước thủy triều cũng có hai gợn,  gợn sóng cao và gợn sóng thấp; nhịp trái tim cũng có lúc đập lúc nghỉ; hơi thở cũng có hít vào và thở ra.

Sự quân bình nhị nguyên chẳng những là một nhân sinh quan truyền thống, mà còn biểu tượng cho quan niệm thưởng thức là thẩm mỹ quan và quan niệm yêu thương là luyến ái quan.

Trong cõi trời đất, ngoài con người còn có cỏ cây, hoa lá, chim muông, ong bướm…

Cây Cỏ: Cây vươn cao lên trời thành dương; Cỏ ôm sát mặt đất thành âm. Nếu chỉ có cỏ mà không có cây thì thiếu hào khí; nếu chỉ có cây mà không có cỏ thì thiếu êm đềm thân mật. Cũng vì vậy chúng ta trồng cả cây lẫn cỏ. Chiều chiều bạn ra vườn tưới cây cỏ, bạn ngắm nhìn trời đất và chia sẻ sự quân bình nhị nguyên của tạo hóa. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy hòa đồng cùng vũ trụ, đồng điệu với thiên nhiên.

Hoa Lá: Lá vẫn khiêm tốn và chung thủy với màu xanh cố hữu tự ngàn xưa. Hoa phô trương rực rỡ muôn màu muôn sắc, tô thắm cuộc đời.

Chim Muông: Chim cất cánh bay vút lên trời tượng trưng cho chiều cao. Thú cất vó phi nhanh trên mặt đất vẽ những nét chấm phá theo chiều ngang.

Ong Bướm: Ong cần cù nhẫn nại gây mật tha về tổ, dự phòng cho mùa đông tháng giá. Bướm ung dung phong thái ca tụng ve vuốt những cành hoa, trang điểm cuộc đời. Xã hội loài người cũng tương tự như vậy. Muốn cho cuộc sống điều hòa, toàn diện, chúng ta cần đến cả lao động sản xuất lẫn triết nhân thi sĩ.

Anh Em: Anh em một nhà phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau như tay chân trong thân thể: Anh em như thể tay chân.

Vợ Chồng: Vợ chồng phải hòa thuận, phân công tự nhiên như tay phải và tay trái. Trong khi chơi quần vợt, tay trái không phàn nàn rằng mình phải tung banh cho tay phải đánh. Cũng như trong khi đi du lịch, tay phải không phàn nàn rằng mình phải xách va ly nặng để tay trái được thảnh thơi. Nếu chúng ta ý thức được sự phân công tự nhiên đó, chắc tỷ lệ những vụ ly dị sẽ giảm rất nhiều.

Sự đồng tính luyến ái đi trái với luật thiên nhiên, nghịch với sự quân bình nhị nguyên. Nó sẽ mang xã hội đến đồi bại và nhân loại đến suy vong.

Con Người: Con người thuộc bản thể nhị nguyên, tinh thần và vật chất, tình thương và nhu cầu, tâm hồn và thân thể, tâm và thân. Do đó có lời chúc tụng “thân tâm an lạc” hay lời khuyên “ăn vóc học hay”. Mỗi khi bạn đến thăm con gái lấy chồng xa, bạn ôm đứa cháu ngoại vào lòng rồi hôn lên má nó, lúc đó thân bạn và tâm bạn có cảm giác êm đềm. Cũng như khi mẹ ôm con vào lòng, ru con ngủ bằng ca dao, lòng mẹ và người mẹ truyền cho con tình thương yêu ấm áp. Giống vật cũng có tình yêu. Gà mẹ giương cánh che chở cho gà con chống lại móng vuốt của diều hâu. Lợn rừng can đảm chiến đấu với chó sói để bảo vệ lợn con. Chó mẹ hung dự nhất khi thấy người lạ lại gần chó con mới sanh. Cầm thú còn có tình thương, huống chi con người.

Muốn phát triển toàn diện, con người phải có “một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể cường tráng”. Muốn xã hội tiến bộ, nhà lãnh đạo phải lo cho dân được ấm no đồng thời tạo cơ hội cho dân được tự do lạc phúc.

Trong tinh thần thực tiễn, cổ nhân tạo hình để giáo hóa, đúc đồng tiền Khải Định hình tròn lỗ vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Nhìn đồng tiền trong vuông ngoài tròn, cổ nhân ứng dụng tác phong và phương châm xử thế vào sự lưu hành của thiên lý. Đó là quan niệm “Nội phương nhi ngoại viên” (trong vuông ngoài tròn).

Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Vương Thúy Kiều bị Thúc Ông truy tố ra tòa về tội gái thanh lâu mượn mầu son phấn quyến rũ Thúc Sinh là người sinh viên lương thiện, đã có vợ là con nhà công hầu, lại không có sự ưng thuận của người gia trưởng. Đó là tội “Bất ưng vi” (Điều gì luật pháp và đạo lý cấm làm mà cứ làm sẽ cấu thành tội “Bất ưng vi”).

Trong cuộc chứng nghiệm tư pháp bằng “khổ nhục kế”, Thúy Kiều bị tra tấn khảo đả. Mục đích để coi nàng có quyết tâm rời khỏi chốn thanh lâu, hay chỉ vì tài sản họ Thúc mà quyến rũ gã thanh niên trẻ tuổi đẹp trai? Sau khi cuộc chứng nghiệm tư pháp bằng khổ nhục kế đã có kết quả và lòng kiên trinh của Thúy Kiều đã được chứng minh, quan tòa truyền bổ túc bằng cuộc chứng nghiệm tinh thần và bắt nàng làm bài thơ vịnh cái gông.

Nhìn cái gông hình vuông tròn, Thúy Kiều mường tượng thấy lẽ càn khôn màu nhiệm của trời tròn đất vuông, cho “qua cơn khổ tận tới tuần thái lai”. Nàng cũng nhớ lại đã cùng Thúc Sinh gắn bó yêu thương nhau “trăm năm tính cuộc vuông tròn”. Nàng cũng nghĩ tới tương lai dòng họ Thúc và hy vọng rồi đây sẽ sinh con đẻ cái “mẹ tròn con vuông”.

Trong vuông ngoài tròn còn là phương châm xử thế của nhà hành động. Trước những biến cố trọng đại của đất nước cũng như trong phép xử thế hàng ngày, con người ý thức được mệnh trời, thường theo tôn chỉ trong vuông ngoài tròn.

Bên trong thì vuông vức cứng rắn, tình nghĩa chung thủy, tư tưởng dứt khoát, lập trường vũng chắc, mục tiêu cố định. Nhưng để đối xử với người, bên ngoài phải tròn trặn, uyển chuyển, mềm dẻo để tránh mâu thuẫn, tranh chấp và đổ vỡ.

Cũng theo tôn chỉ đó, sau khi thắng quân nhà Thanh, vua Quang Trung đã cử sứ thần sang Trung Hoa triều cống. Nếu không có lẽ vó ngựa Mãn Thanh đã dày xéo bờ cõi Việt Nam và mở rộng biên cương Trung Quốc tới quần đảo Mã Lai.

Thưa Bạn,

Tôi biết nỗi khổ tâm của bạn. Hiện nay bạn là kẻ tha phương qua miền đất lạ, như cây bật gốc, mất hết phương vị trong xã hội, mất hết hương vị trong cuộc đời. Cao lương mỹ vị bạn không thấy ngon, đàn ngọt hát hay bạn không thấy vui, nhà cao cửa rộng bạn không thấy thoải mái. Tâm hồn bạn lúc nào cũng khắc khoải âu sầu, lòng bạn lúc nào cũng thổn thức, chán ngán.

Lý do là vì bạn đã đánh mất quê hương và đánh lạc mất quan niệm về hạnh phúc cuộc đời. Sau cuộc quốc phá gia vong, đồng bào ta sống cũng như chết, nhất nhất phủ nhận cái sống hiện tại để cầm cái chết ra đi. Kẻ ra đi thì phiêu bạt khắp năm châu bốn biển, kéo dài kiếp sống phong trần, đêm đêm khóc nhà, khóc nước, khóc quốc gia.

“Tứ hải phong trần gia quốc lệ” (Nguyễn Du)

Kẻ ở lại thì đọa đày lao ngục, lòng chỉ nghĩ tới chuyện sống chết như Nguyễn Du “thập tuần lao ngục tử sinh tâm”. Nguyễn Du chỉ bị lao tù hơn ba tháng, trong khi hàng trăm ngàn đồng bào ta đã bị giam cầm hơn ba năm hay hơn 13 năm trong ngục tù cải tạo.

Tới tuổi trung niên bạn khó lòng hội nhập vào đời sống mới tại miền đất lạ. Bạn tự gán cho mình nhãn hiệu kẻ chiến bại trong cuộc chiến và thất bại trong cuộc đời.

Do đó tôi phải tâm sự với bạn. Cùng nhau chúng ta hãy suy ngẫm về lẽ thành bại theo quan niệm Quân Bình Nhị Nguyên. Và cùng nhau chúng ta hãy rút kinh nghiệm vế  bài học của thất bại để tìm những phương châm tư tưởng và hành động hầu xây dựng tương lai.

VỀ TAM HÒA

Khi nào du ngoạn Cựu Kim Sơn, bạn hãy ghé tiệm Tam Hòa trong khu chợ Tàu để  được nghe giải thích ý nghĩa tam hòa là hòa với Trời, hòa với Người và hòa với Mình.

Tới tuổi trung niên bạn đã ý thức được Mệnh Trời, hiểu được lẽ càn khôn mầu nhiệm của Trời Đất, đức Toàn Thiện Toàn Năng của Tạo Hóa, đức Hiếu sinh và đức Quân Bình của Thượng Đế. Tâm hồn bạn đã hòa đồng cùng vũ trụ, đồng điệu với thiên nhiên. Sau cuộc quốc phá gia vong bạn tự trách mình nhiều hơn oán Trời.

Và như vậy bạn đã hòa với Trời.

Ngoài ra bạn hãy hòa với Người, hòa với đồng minh. Bạn biết ơn đồng minh đã thâu nhận bạn vào miền đất mới, tạo cơ hội cho gia đình bạn sinh sống để lập lại cuộc đời.

Trở lại thời kỳ chiến tranh, bạn ghi nhận rằng đồng minh đã tích cực hy sinh cho đất nước bạn. Hơn năm chục ngàn thanh niên Hoa Kỳ đã chết thay cho con em chúng ta. Hàng triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam đã chịu những khủng hoảng cơ cực vì cuộc chiến bị dư luận hiểu lầm và những hy sinh của họ trước kia bị coi như vô ích. Chưa nói tới những công trình viện trợ kinh tế và kỹ thuật của đồng minh trong 20 năm. Chúng ta chỉ đặt câu hỏi: Trong chiến tranh Việt Nam đã có thanh niên Liên Xô hay Trung quốc nào chết thay cho thanh niên Bắc Việt hay không? Chính đảng và chính phủ Hoa Kỳ đã đối xử tàn nhẫn với Việt Nam và đã đình chỉ viện trợ trước cuộc tổng tấn công của địch. Nguyên nhân là vì chính giới Hoa Kỳ đã đặt quyền lợi đảng phái lên trên quyền lợi và danh dự quốc gia.

Tuy nhiên trong quảng đại quần chúng người dân Hoa Kỳ bao giờ cũng thông cảm với cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta. Và họ sẵn lòng bao dung giúp đỡ khi chúng ta thất trận.

Sau cùng, và đây là điều tế nhị nhất, bạn hãy hòa với Mình. Bạn hãy dẹp mặc cảm tự ti để bỏ ra dăm ba phút suy ngẫm về cuộc sống của chính mình.

Đa số chúng ta đều sinh ra trong những năm khủng hoảng kinh tế, thóc cao gạo kém. Thời thơ ấu khi cắp sách đến trường, mẹ thường gói cho chúng ta một ít cơm nắm muối mè để ăn trưa. Cũng vì vậy mà thế hệ chúng ta được mệnh danh là “thế hệ cơm nắm muối mè”. Có khi chúng ta phải đi bộ hay đi xe điện năm, mười cây số mới tới trường. Tới tuổi thiếu niên chúng ta bắt đầu chứng kiến cảnh quê hương khói lửa. Với cuộc đấu tranh giành độc lập một số anh em chúng ta bị kẹt trong hàng ngũ bên kia. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến 30 năm, chúng ta đã trưởng thành và chẳng ít thì nhiều đã chịu ảnh hưởng của cuộc du kích chiến. Chiến tranh du kích là gì, nếu không phải là ngụy trang, dối trá với những thủ đoạn hư hư thực thực, dương đông kích tây? Những kỹ thuật và thủ đoạn đó với thời gian đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta và tạo cho chúng ta một nếp sống ngụy trang, không thành thực và không khuất phục. Thêm vào đó là bản tính thông minh cố hữu của dân tộc. Chúng ta nẩy ra đầu óc tự tôn và đầu óc lãnh tụ.

Chúng ta hãy bình tâm nghiên cứu về các sở trường, sở đoản của mình. Rút kinh nghiệm của bài học quá khứ để sắp sẵn chuẩn bị cho tương lai.

Hai dân tộc thông minh nhất Á châu, một tại cực tây là Do Thái, một tại cực đông là Việt Nam, đã phải trải qua nhiều gian lao thử thách. Lý do thứ nhất là vì Do Thái và Việt Nam nằm trên con đường di dân và chinh phục của các đế quốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Lý do thứ hai là vì hai dân tộc này quá thông minh tài trí nên thường hay tính toán suy xét hơn thiệt và đặt quyền lợi cá nhân trên quyền lợi cộng đồng. Cũng vì vậy mà Do Thái đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới trong hai ngàn năm. Và Việt Nam cũng đã lâm vào chiến tranh trường kỳ trong 30 năm để rốt cuộc chính chúng ta ngày nay phải chịu cảnh nhà tan cửa nát.

Nhưng rồi dân tộc Do Thái đã giác ngộ, đã bỏ sự tính toán vị kỷ để khôi phục tinh thần cộng đồng và khôi phục đất nước.

Trở về bản tính đặc thù của người Việt Nam, phải khách quan nhìn nhận rằng chúng ta là những người thông minh tài trí. Chiếu quan niệm Quân Bình Nhị Nguyên, người thông minh thường mau hiểu. Vì mau hiểu nên không chịu học hỏi, suy ngẫm và không thích mất công tìm kiếm. Do đó sự hiểu biết thường thiếu sót, phiến diện, biết một mà không biết hai, hiểu một khía cạnh của vấn đề nhưng không thấu triệt toàn bộ vấn đề. Kinh nghiệm sinh hoạt nghị trường cho biết một vấn đề đặt ra, thoạt nghe tưởng tầm thường và đơn giản, nhiều khi lại phơi bày biết bao khía cạnh mới mà sự nghiên cứu và thảo luận sẽ lần lượt soi sáng. Vì vậy người thông minh muốn thành công phải kiên nhẫn, khiêm nhượng, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, và nhất là thâu thập ý kiến của các bậc huynh trưởng giàu kinh nghiệm.

Cũng trong tinh thần đó, người tài trí thường hay sử dụng tài tính toán và tài ăn nói để phục vụ quyền lợi bản thân. Đấy là không kể những thói quen do các thủ đoạn, mánh lới mà họ học được trong chiến tranh du kích. Cũng vì vậy người dân chỉ khen kẻ có tài, nhưng không tâm phục kẻ có tài. Trong giờ phút khó khăn họ thường theo người có đức, có tâm.

Muốn phục vụ đại cuộc, người có tài phải sửa lại cái tâm cho ngay chính. Vì theo Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong chữ Tâm có chứa đựng chữ Nhân. Người có tâm là người có lòng nhân, có thiện chí, đức độ, bác ái, khoan dung.

Hơn nữa, vì là người thông minh tài trí chúng ta thường mắc phải tính tự tôn. Vì sinh ra và trưởng thành trong chiến đấu, chúng ta đã trở thành bất khuất. Với sự tự tôn và bất khuất chúng ta không phục một ai. Vì chúng ta hoạt bát, giỏi biện luận nên dễ có khuynh hướng chỉ trích, phê bình người khác và công việc họ làm. Vì không bắt tay vào việc nên chúng ta không ý thức được những khó khăn trở ngại về nhân sự và phương tiện. Do đó có câu: “Nói dễ làm khó”. Biết bao anh em chúng ta khi còn trong bóng tối thì chói lọi hào quang, nhưng khi ra công khai thường bị đốt cháy mau chóng. Do đó muốn hiểu người phải xét họ khi vào việc và tuyệt đối không nên có thành kiến hay đố kỵ.

Những tính tốt và tật xấu nói trên thực ra chỉ là hai khía cạnh của một đồng tiền. Người Việt Nam thông minh tài trí nhưng mắc bệnh chia rẽ, đố kỵ. Một người Việt Nam so với một người Nhật Bản hay Đại Hàn có vẻ trội hơn. Nhưng ba người Việt Nam là ba  lãnh tụ, nên không họp thành một lực lượng, một cộng đồng nhất trí như ba người Nhật Bản hay ba người Đại Hàn. Cũng một phần vì thế mà Đại Hàn vẫn giữ vững chủ quyền trong khi chúng ta phải phiêu bạt khắp năm châu bốn biển.

Muốn khôi phục quốc gia trước hết chúng ta phải khôi phục con người. Chiếu quan niệm Quân Bình Nhị Nguyên, người có tài trí phải trau dồi tâm đức, người thông minh phải chịu khó, người hoạt bát phải tìm hiểu, người tự tin phải khiêm nhượng và người bất khuất phải biết quý mến.

Quý mến người nhân đức, từ bi, yêu nước, thương nòi.

Quý mến người có trí tuệ, thông thái, chủ trương, mưu lược.

Quý mến người dũng cảm, nghị lực, quyết tâm, bền chí.

Thân cây cũng có chỗ sâu, chổ hỏng, nhưng không phải vì thế mà ta vứt bỏ cả cây. Con người cũng có tính tốt và tật xấu. Với tinh thần khiêm nhượng và quý mến, chúng ta hãy tìm hiểu những khả năng, thiện chí của người khác và sẵn sàng chấp nhận một vài sở đoản, nếu có. Vì chúng ta cũng biết “ngựa hay thường có tật”.

Trong công cuộc khôi phục chủ quyền đất nước, chúng ta phải kiếm đồng tâm, đồng chí, đồng minh để tạo đoàn kết và gây lực lượng. Thấy người có nhân, ta hãy quý mến. Thấy người có trí ta hãy quý mến. Thấy người có dũng ta hãy quý mến. Nếu ta thấy người có cả nhân, trí, dũng thì sao? Thí tất cả chúng ta hãy xúm lại đoàn kết chung quanh người đó mà hoạt động.

Một nhà lãnh đạo như vậy không phải là không có. Khó ở chỗ chúng ta chưa đủ khiêm nhượng và quý mến để tìm ra người đó. Khi nào chúng ta có đủ khiêm nhượng và quý mến lúc đó chúng ta sẽ tìm ra người lãnh đạo.

Ý thức được hai đức tính khiêm nhượng và quý mến, chúng ta sẽ Hòa với Mình và Hòa với Người. Và lúc đó Trời sẽ giúp chúng ta đạt được tâm nguyện.

Cầu chúc bạn an vui.

Tháng Tư, 2016

Nhuệ Hồng NGUYỄN HỮU THỒNG

Chủ Tịch, Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền