Tâm sự của một dư luận viên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tâm sự của một dư luận viên
06.12.2017
Trước tiên, tôi xin khẳng định với các bạn, tôi là một con người. Một con người bình thường về đầu óc, có học thức và tương đối thành đạt trong cuộc sống. Vậy tại sao tôi lại tự xỉ vả mình là “con vật”? Xin các bạn đọc tiếp để biết căn nguyên.
Tôi viết những dòng này chia sẻ với đọc giả sau một đêm trằn trọc suy tư về nhân tình thế thái. Số là sáng nay tôi có việc phải đến nhà riêng của cấp trên-Bí thư tỉnh X. Tỉnh tôi là một tỉnh nghèo nhưng tư gia của sếp không hề thua kém những tư gia của các đại gia hay siêu sao mà báo chí vẫn thường đưa tin. Nếu so với tư gia của vị đồng nghiệp ở Hà Giang vừa bị bãi chức, nó có thể không thua mặc dù nó nằm ở thành phố tất đất tất vàng chứ không phải nơi hẻo lánh.
Tôi xin giới thiệu về mình. Tôi là một thanh niên trẻ vào đảng tầm 10 năm, tốt nghiệp học viện báo chí tuyên truyền, công việc là tuyên giáo. Một nghề mà chỉ có ở những nước XHCN mới có. Tuy là công việc đặc thù nhưng hiện nay, chúng tôi là những đứa con cưng của đảng. Các bạn đọc bài báo “Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn 2020″, để thấy công tác tuyên giáo được đảng trọng dụng thế nào. Một tỉnh nghèo và thưa dân như Lào Cai mà cần đến 3.000 người làm công tác tuyên giáo chuyên nghiệp-chưa kể số lượng cộng tác viên-ở cấp xã đã có từ 8-13 tuyên giáo. Tôi tính trung bình mỗi tuyên giáo nhận lương 5 triệu/tháng thì cái tỉnh nghèo này mỗi tháng mất 15 tỷ, mỗi năm tốn 180 tỷ (nếu nhân ra cả nước sẽ có con số khủng khiếp-11.520 tỷ-đây chỉ là con số nhỏ nhất vì cơ số lấy từ tỉnh nghèo nhất). Tôi nghĩ chắc có lẽ tiền thuế thu mỗi năm ở tỉnh này đủ dùng để nuôi đội quân tuyên giáo là cùng.
Hiện nay lương của tôi gấp đôi số lương bình quân trên (tầm 10tr/tháng), công việc thường ngày của tôi là đọc các bài viết trên các blog lề trái để tìm ra xu hướng dư luận, tổng hợp tin tức báo cáo lãnh đạo. Nghiên cứu các bài viết thật kỹ để tìm ra sơ hở rồi nhằm vào đó mà đánh phá, gây nghi kỵ, bôi nhọ uy tín tác giả. Thỉnh thoảng tôi đi gặp một số nhân vật được cho là hoạt động dân chủ trên địa bàn mình đảm trách để nắm được gia cảnh cũng như tâm tư của họ. Công việc nhàn hạ, lương cao và nhiều cơ hội kiếm thêm nhờ biết thông tin các dự án sắp được chính quyền thực hiện. Nếu tôi bằng lòng với cuộc sống, lương tâm không cắn rứt thì tôi không viết những dòng này.
Hôm nay, tôi thấy mình không còn là con người, mà là một con chó không hơn không kém. Ngay khi bước chân vào tòa nhà uy nghi của sếp, hai con chó Becgie to giống Đức hung dữ nhào ra như muốn xé xác tôi, may mà có sợi xích quanh cổ nó níu lại. Sếp tôi người trắng núc, la lớn “bi, ngoan nào” và hai con chó ngoan ngoãn quay về chỗ cũ. Tôi hoàn hồn, còn sếp thì như đắc ý điều gì. Ông nói “giống chó dữ tợn vậy nhưng luôn phải nghe lời chủ, người cho nó ăn. Con nào khó trị tao bỏ đói cho biết điều”. Nói rồi hắn ta có vẻ mãn nguyện với uy quyền của mình trong nụ cười đầy thâm ý.
Trao đổi của chúng tôi cũng xoay quanh vấn đề không khí chính trị hiện tại: Chuyện hiến pháp, chuyện Đoàn Văn Vươn, chuyện khủng hoảng kinh tế, chuyện xu hướng của các nhà hoạt động dân chủ,… Phải nói rằng những người cộng sản như sếp tôi rất thực tế và khôn ngoan. Nói cho dân thì khác: yêu nước, ổn định, hy sinh, đảng chỉ có quyền lợi với dân tộc,… nhưng khi nói với nội bộ thì đơn giản là quyền lợi mình và đối phương. Họ biết ai có cùng quyền lợi, ai đang đi cùng thuyền, ai không thể bỏ thuyền được. Quyền lợi luôn là con bài mang ra mặc cả và đánh giá tình hình.
Sau buổi nói chuyện, tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Trên đường về hình ảnh những người dân khốn khổ đang cùng nhau đẩy xe gạch, từng tốp công nhân nam nữ đi làm phu hồ đang trên đường về, hàng quán thúng, mẹt của các bà các mẹ buôn bán lấn chiếm lề đường, vỉa vè bẩn thỉu,… đập vào mắt tôi. Tôi thấy mình như một con chó không hơn không kém, con chó được ông chủ nó cho ăn uống tốt để sủa. Sủa để nó vinh thân, sếp nó phì gia trong cảnh dân tình đói rách. Cái đám người khốn khổ kia họ đâu nghe được những lời thực dụng từ người lãnh đạo cao nhất của họ. Hàng ngày họ phải vất vả sớm hôm, nắng cháy cũng như mưa phùn để làm và làm. Họ chỉ có được miếng cơm qua ngày, phần thặng dư thì chảy đều từ chủ công ty đến sếp và một phần là nuôi tôi. Tôi thấy mình khốn nạn quá. Tôi đang nói láo, tôi phải nối dối người dân để có miếng ăn.
Tôi khâm phục những người như nhà báo Đắc Kiên, nhưng tôi không thể làm như anh. Sau lưng tôi còn có gia đình với hai con dại, bố mẹ,… Tôi biết nếu có lên tiếng thì cũng chỉ là người hùng trong giây lát, không giải quyết được vấn đề gì. Anh Kiên là một trong 7.000 nhà báo còn tôi là 1 trong vài trăm ngàn người. Luôn luôn không thiếu người làm công việc tôi làm.
Đảng hiện nay luôn biết nuôi hậu hĩnh những ai và bỏ đói những ai. Những người như chúng tôi luôn có mức lương cao kèm những ưu đãi như mua chung cư (mua có thể ở hoặc cho thuê), rồi đến công an, quân đội. Tôi giật mình xót xa khi biết lương giáo viên, bác sĩ hiện nay thâm niên gần 10 năm chỉ tầm 3,5 triệu, trong khi lương chúng tôi ít nhất là gấp hai lần số đó.
Lãnh đạo đảng luôn thực dụng: Bên ngoài thì nói đạo lý còn bên trong luôn đánh vào quyền lợi, dùng quyền lợi để buộc sự trung thành. Tôi thật sự phát tởm trong các cuộc họp kín nội bộ, lãnh đạo không cần che dấu mà nói toạc ra là chúng tôi phải làm hết mình để giữ vững chế độ vì chỉ có chế độ này mới trọng dụng người như chúng tôi. Nếu chế độ sụp đổ thì nghề tuyên giáo cũng mất, từ sống trong nhung lụa chúng tôi có thể phải đi ăn mày. Còn gì thâm hiểm hơn tình thế này?
Tôi thấy cuộc chiến cho dân chủ không cân sức, một bên nhỏ bé với vài cá nhân dùng tiền túi mình hoặc nếu có được hải ngoại giúp đỡ thì cũng không bao nhiêu vì an ninh luôn chú ý đến chuyện tiền bạc. Họ theo dõi và đánh phá ngay đường dây chuyển tiền. Người cộng sản luôn thực dụng về tiền. Một bên là nắm quyền lực nhà nước, dùng tiền thuế nuôi bộ máy tuyên giáo khổng lồ với ngân sách hàng chục ngàn tỷ như con số tạm tính trên.
Tôi viết ra đây để mọi người hiểu được tình thế mà anh em tuyên giáo chúng tôi mắc phải. Không có sự chọn lựa khác, chúng tôi buộc phải ra sức chống đỡ cật lực con thuyền XHCN vì nếu nó chìm thì chúng tôi cũng chết. Những người như chúng tôi đã nằm vào thế buộc phải im, không thể không nói được.
Những nhà đấu tranh dân chủ ngoài việc tuyên dương lý tưởng cao đẹp: Tự do, dân chủ,… hãy bắt tay tìm kiếm giải pháp nào để dung hòa quyền lợi những người như chúng tôi với sự thay đổi. Con người thấy một cái bè mới tốt hơn thì không ai ngu dại ra sức chống đỡ một chiếc bè sắp chìm.
Nguồn: (FaceBooker Vo Hong Ly)