Tam giác không cân Nga – Trung – Mỹ
AP – Ba nước Mỹ – Trung – Nga ‘nhìn nhau’
Theo BBC – 18 tháng 12 2015
Một quan chức TC mô tả quan hệ Nga – Mỹ – Trung trong thế kỷ này như ‘tam giác’ ba cạnh không đều nhưng ràng buộc nhau và kêu gọi ba nước lớn thông hiểu nhau để cùng phát triển.
Bà Phó Oánh, cựu đại sứ, nay là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội TC vừa có bài viết trên trang Foreign Policy số đón năm mới 2016 mang tựa đề ‘Beijing and Moscow Are Close, but
Not Allies’ nói về quan hệ Nga – Trung.
Nhưng bài phân tích cũng đề cập nhiều đến quan điểm của chính quyền TC về Hoa Kỳ.
Phó Oánh, từng là thứ trưởng Ngoại giao TC, gọi đây là quan hệ ba bên ‘như một tam giác không cân’.
Đặc biệt, bài báo không nói gì đến Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước khác.
Nga-Trung: ‘Là bạn, không là đồng minh’
Cạnh Nga – Trung ngắn nhất vì hai bên những năm qua đã giải quyết nhiều vấn đề để đi đến thông hiểu nhau rất nhiều.
Tuy vậy, như tựa đề bài viết nói rõ: “Bắc Kinh và Moscow gần gũi nhưng không phải đồng minh.”
Theo tác giả, dù một phần xã hội TC có ‘bức xúc lịch sử’ như nhà Thanh để mất đất cho Nga hoàng, các thể chế sau này đều tìm cách hợp tác với Liên Xô và Nga.
Nhưng lãnh đạo TC cũng rút kinh nghiệm hai lần ‘làm đồng minh’ với Moscow, một lần thời phong kiến, một lần thời Liên Xô, đều với kết quả không tốt.
Vì thế, lãnh đạo hai bên từ 1992 xác định sẽ ‘là bạn’ nhưng ngày càng gần gũi, chia sẻ.
Khủng hoảng Crimea và Ukraine không làm cho mối bang giao Nga – Trung kém đi.
Đặc biệt, dù ban đầu ủng hộ ‘toàn vẹn lãnh thổ Ukraine’ nhưng TC cũng cho rằng ‘không có lửa thì làm sao có khói’ và nói Cách mạng Màu mà Hoa Kỳ và Phương Tây ủng hộ là lý do khiến Moscow ra tay ở Ukraine.
Từ 2013, hai lãnh đạo Tập Cận Bình của TC và Vladimir Putin của Nga g̣ặp nhau nhiều lần, nhiều hơn hẳn các cuộc gặp với lãnh đạo những nước khác, theo Phó Oánh.
Đây là quan hệ ‘tích cực và ổn định’ hơn cả dù TC thường ‘phản ứng và thận trọng’ trên trường quốc tế còn Nga thì ‘dày dạn kinh nghiệm’ hơn, đôi khi có ‘quyết định gây ngạc nhiên’.
Quan hệ này thậm chí được coi là ‘hình mẫu’ đi từ chỗ thiếu vắng niềm tin đến chỗ tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Mỹ-Nga: ‘Căng thẳng vì nhiều chuyện’
Cạnh ‘Mỹ – Nga’ trong tam giác là dài nhất, hàm ý Washington và Moscow xa nhau nhất, và thường xuyên căng thẳng vì nhiều hồ sơ, từ châu Âu tới Trung Đông.
Đặc biệt từ khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận với Nga thì quan hệ này căng thẳng.
Mỹ-Trung: ‘Vừa đồng thuận vừa bất đồng’
Theo cách phân tích của Phó Oánh, quan hệ Mỹ – Trung có đồng thuận tốt trên các vấn đề: kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, sức khoẻ toàn cầu, chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sau các hội đàm Tập Cận Bình – Barack Obama.
Nhưng trong các vấn đề Biển Nam Trung Hoa (nơi mà Việt Nam gọi biển Đông), Đài Loan, nhân quyền, thương mại và một số chủ đề khác, Phó Oánh thừa nhận “Bắc Kinh và Washington có thể tiếp tục có bất đồng”.
Tuy thế, Oánh kết luận bằng một thông điệp rằng:
“Từ góc nhìn của Trung Quốc, quan hệ ba bên không nên bị coi là cuộc chơi mà hai bên về một phe chống lại bên thứ ba.”
Chỉ có như thế các nước mới xây dựng được môi trường quốc tế ‘hòa bình, ổn định’ như lãnh đạo TC đã nêu ra, theo tác giả.