Taliban là ai? – Tương lai Afghanistan? – Hoàng Đình Khuê

Cac Bai Khac

No sub-categories

Taliban là ai? – Tương lai Afghanistan? – Hoàng Đình Khuê

Ngày 15 tháng 8 năm 2021 Quân đội Mỹ đã rút khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến tại đây. Sự rút quân quá vội vàng đã để lại một số thường dân Mỹ và các công dân Afghanistan làm việc cho Mỹ, nhất là hàng tỷ dollar vũ khí và phương tiện quân sự của Hoa Kỳ còn nằm trong tay nhóm phiến quân cực đoan Taliban.
Theo Văn phòng Tổng Thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan cho biết từ năm 2003 đến 2016, Hoa Kỳ đã chuyển giao gần 600,000 vũ khí, 76,000 xe, 163,000 thiết bị liên lạc, 208 phi cơ cho lực lượng Afghanistan và từ năm 2017 đến 2019, Hoa Kỳ đã cung cấp cho lực lượng quân đội Afghanistan 4,702 xe Humvee, 2,520 quả bom, 1,394 súng phóng lựu, 20,040 lựu đạn và 7,030 súng máy.
Nhưng quan trọng nhất là người dân Afghanistan sẽ quay lại với cuộc sống địa ngục.
Thời kỳ Taliban ngự trị từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ phải che kín mặt, không được trang điểm, chỉ được ra khỏi nhà khi có người thân là nam giới đi kèm.
Phụ nữ bị cấm đi làm, con gái bị cấm đến trường. Tất cả âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, Internet đều bị cấm.
Sự trỗi dậy của Taliban có thể là mối đe dọa mới về trật tự chính trị và xã hội mà Mỹ và đồng minh xây dựng trong nhiều năm qua.
Hôm 7 tháng 9, thủ lĩnh tối cao lực lượng Hồi giáo Taliban là Hibatullah Abkhundzada khẳng định những người được bầu trong nội các sẽ làm việc nghiêm chỉnh theo quy tắc Hồi giáo và luật Sharia.
Như vậy Taliban là ai và Afghanistan sẽ đi về đâu?

Lãnh đạo Taliban họp bên trong Phủ Tổng thống Afghanistan

  1. Taliban là ai?

Năm 1994

Theo ngôn ngữ Pashto, Taliban là số nhiều của Talib (học sinh)
Taliban gồm một nhóm 50 học sinh tôn giáo được thành lập năm 1994 ở miền nam Kandahar do Mullah Mohammad Omar chỉ huy.
Omar theo học tại trường Hồi giáo Sang-i-Hisar năm 1992 ở Maiwand (phía bắc Kandahar). Những người Taliban lúc đầu bất mãn trước sự đau khổ của người dân Afghanistan qua các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm người Afghanistan không tuân thủ luật lệ đạo đức của đạo Hồi và nhóm người được rao giảng niềm tin vào luật Hồi giáo nghiêm khắc.                                                                    
Omar không hài lòng vì luật Hồi giáo đã không được tuân thủ ở Afghanistan sau khi chế độ cộng sản bị lật đổ, và nhóm Taliban đã thanh toán các lãnh chúa và tội phạm ra khỏi Afghanistan.

Mullah Omar chết Tháng 4/2013 tại Pakistan

Trong vòng vài tháng, lực lượng Taliban đã tăng lên 15,000 sinh viên từ các trường Hồi giáo.
Trong thời gian Liên Xô xâm lược Afghanistan, Hoa Kỳ đã chi hàng triệu USD để cung cấp cho học sinh Afghanistan những sách giáo khoa chứa hình ảnh bạo lực và giáo lý Hồi giáo nhằm khuyến khích phản kháng chống lại Liên Xô.
Ngay cả Taliban cũng sử dụng những cuốn sách do Mỹ phát hành.

Đồng thời các nguồn tin cũng nói rằng Pakistan đã ủng hộ Taliban rất nhiều vào năm 1994, Pakistan hy vọng giới cầm quyền mới ở Afghanistan sẽ có lợi cho Pakistan. 

Theo chuyên gia Pakistan phụ trách về Afghanistan, Ahmed Rashid cho biết từ năm 1994 đến 1999 ước tính có khoảng 80,000 đến 100,000 người Pakistan được đào tạo và chiến đấu ở Afghanistan hỗ trợ cho Taliban.

Vào ngày 3 tháng 11 năm 1994, Taliban tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ và chiếm được thành phố Kandahar.

Giai đoạn 1995 – 1996 

Trong một nỗ lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Afghanistan, Taliban mở rộng từ căn cứ Kandahar và càn quét các vùng lãnh thổ rộng lớn.
Đầu năm 1995 Taliban tiến về Kabul nhưng bị thất bại nặng nề trước các lực lượng chính phủ của nhà nước Hồi giáo Afghanistan dưới sự chỉ huy của Ahmad Shah Massoud. Trong khi rút lui khỏi Kabul, các chiến binh Taliban pháo kích vào thành phố, giết chết rất nhiều thường dân.
Các phương tiện truyền thông loan tin rằng sau vụ pháo kích của Taliban, người dân Afghanistan bất mãn và hết tin tưởng Taliban, coi đó cũng chỉ là một lực lượng tham quyền lực.
Sau đó Taliban giành được quyền kiểm soát phía tây thành phố Herat vào ngày 5 tháng 9 năm 1995.

Vào ngày 26 tháng 9 năm 1996, khi Taliban chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác, Massoud đã ra lệnh rút lui khỏi Kabul để tiếp tục kháng chiến chống Taliban ở vùng núi. Taliban tiến vào Kabul ngày 27 tháng 9 năm 1996 và thành lập TiểuVương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan (1966 – 2001)

Mục tiêu quân sự của Taliban trong giai đoạn này là đem lại trật tự bằng cách tái lập một quốc gia với Pashtun thống trị trong khu vực phía Bắc. Taliban đã tìm cách thành lập một chính phủ Hồi giáo thông qua luật pháp và trật tự và áp dụng nghiêm nhặt luật Sharia, phù hợp với trường phái luật Hồi giáo Hanafi và các sắc lệnh tôn giáo của Mullah Omar trên toàn bộ Afghanistan.
Đến năm 1998, Tiểu Vương quốc của Taliban kiểm soát 90% lãnh thổ của Afghanistan.
Trong suốt năm 2000, Hội đồng Bảo An LHQ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống lại việc Pakistan hỗ trợ quân sự cho Taliban. Vào tháng 7 năm 2001, một số quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ cáo buộc Pakistan “vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ vì viện trợ quân sự cho Taliban”. Riêng năm 2007, sau khi Taliban chiếm Kabul, Pakistan đã tặng 30 triệu USD hàng viện trợ và thêm 10 triệu cho tiền lương của chính phủ.
Đồng thời MI-6 cũng báo cáo ISI đang đóng vai trò tích cực trong một số trại huấn luyện của al Qaeda. ISI đã giúp xây dựng các trại huấn luyện cho cả Taliban và al Qaeda.

Suốt năm 2006, Ahmad Shah Massoud và Abdul Rashid Dostum,
vốn là kẻ thù cũ, nay cùng nhau thành lập Mặt Trận Thống Nhất (Liên Minh phương Bắc) chống lại Taliban đang chuẩn bị tấn công các khu vực còn lại dưới sự kiểm soát của Massoud và Dostum.
Mặt trận Thống nhất đã yêu cầu Taliban tham gia một tiến trình chính trị dẫn đến các cuộc bầu cử dân chủ trên toàn quốc.
Đầu năm 2001, Massoud áp dụng một chiến lược mới nhằm gây áp lực quân sự địa phương và kêu gọi chính trị toàn cầu.
Vào ngày 9 tháng 9 năm 2001, Massoud khi đó 48 tuổi là mục tiêu của vụ tấn công do hai người Ả Rập đóng giả nhà báo tại Khwaja Bahaddin, tỉnh Takkar của Afghanistan, Massoud đã chết trên chiếc trực thăng đưa ông đến bệnh viện.
Vụ ám sát Massoud có liên quan đến vụ tấn công ngày 11 tháng 9 trên đất Mỹ khiến gần 3,000 người thiệt mạng, có lẽ là vụ tấn công khủng bố mà Massoud đã cảnh báo trong bài diễn văn trước Nghị viện Châu Âu trong vài tháng trước đó.

Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, quân của Mặt trận Thống nhất của Massoud và Dostum đánh đuổi Taliban ra khỏi Kabul với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2001, Mặt trận Thống nhất giành quyền kiểm soát                      

Ahmad Shah Massoud chết ngày 9/9/2001

phần lớn nước này và đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ lâm thời hậu Taliban dưới thời Hamid Karzai.

Vào tháng 5 và 6 năm 2003, các quan chức cấp cao của Taliban tuyên bố Taliban đã tập họp lại và sẵn sàng chiến đấu nhằm đuổi lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan.
Sự hỗ trợ liên tục của Pakistan cũng như việc mua bán ma túy kết hợp với lịch sử kháng chiến cho thấy các lực lượng và thủ lĩnh của Taliban vẫn còn tồn tại.
Vào ngày 29 tháng 5 năm 2020 có thông tin cho rằng con trai của Mullah Omar là Mullah Mohammad Yaqoob hiện đang là thủ lĩnh của Taliban sau khi nhiều thành viên Quetta Shura bị nhiễm Covid 19.

Vào giữa năm 2021, Taliban khởi xướng một cuộc tấn công lớn ở Afghanistan trong quá trình rút quân của Mỹ. Điều này cho phép Taliban kiểm soát hơn một nửa trong số 421 quận của Afghanistan tính đến ngày 23 tháng 7 năm 2021.

Đến ngày 15 tháng 8 năm 2021, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bỏ trốn sang nước ngoài, Taliban đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan.

Nguồn tin cho biết ngày 20 tháng 8 năm 2021, các dân quân Afghanistan thuộc nhóm Ahmad Massoud đã đẩy lùi Taliban ra khỏi khu vực ở thung lũng Panjshir.
Tờ Washington Post dẫn lời người đứng đầu nhóm dân quân cho biết có tới 30 tay súng Taliban bị giết và 20 người khác bị bắt.
Thủ lĩnh nhóm Ahmad Massoud đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ của Tây phương để đánh trả nhóm Hồi giáo Taliban. Nhiều người cho rằng Amrullah Saleh, Phó Tổng thống Afghanistan dưới quyền Tổng thống lưu vong Ashraf Ghani hiện được lực lượng Massoud hậu thuẫn.
Saleh đã tuyên bố sẽ là Quyền Tổng thống của Afghanistan theo qui định Hiến pháp nước này.
     2) Afghanistan đi về  đâu?

Gần một tháng sau khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan và theo dõi sự sụp đổ kinh tế cũng như đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình của dân chúng, Taliban đã công bố một chính phủ lâm thời gồm 33 thành viên hoàn toàn là nam giới gồm Taliban và dân Pashtun là những người của chế độ cũ 1996-2001 trở lại nắm quyền. Phụ nữ không có vị trí nào trong chính phủ lâm thời.
Hôm 7 tháng 9, thủ lĩnh tối cao lực lượng Taliban Hibatullah Abkhundzada khẳng định những người được bầu trong nội các sẽ làm việc nghiêm túc theo quy tắc Hồi giáo và luật Sharia.
Chỉ huy Taliban là Waheedullah Hashimi cho biết trong cuộc phỏng vấn với Reuters:
“Chúng ta không thảo luận về hệ thống chính trị nào nên áp dụng tại Afghanistan
  bởi đã rõ ràng, đó là luật Sharia”

Chỉ huy Taliban: Waheedullah Hashimi

Đồng thời phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid trong cuộc họp báo khẳng định tổ chức sẽ tôn trọng quyền phụ nữ theo các tiêu chuẩn luật Hồi giáo.

Giáo sư tôn giáo về chính trị tại Đại học George Mason chuyên nghiên cứu Hồi giáo cho rằng: “Áp dụng luật Sharia thì dễ nhưng làm thì khó vì luật Sharia không cung cấp hệ thống soạn luật cho một nhà nước hiện đại, chẳng hạn không có luật thương mại và hành chánh.”
Mặc dù các phát ngôn viên thay nhau trấn an sẽ không có hành động trả thù xảy ra, nhất là Suhail Shaheen một giới chức Taliban ở Qatar cam kết không có hình thức trả đũa hay trả thù với những người làm việc cho quân đội nước ngoài.
Nhưng người dân vẫn hoài nghi, lời nói to hơn việc làm.
Quá khứ, hiện tại và tương lai của Taliban là một và giống nhau.

Riêng phụ nữ nhớ lại thời Taliban nắm quyền 1996-2001, họ áp dụng khắt khe luật Sharia:
 1) Phụ nữ bị cấm đi làm, con gái bị cấm đến trường. Mỗi khi ra đường phải có người khác phái là nam giới đi kèm.
2) Phụ nữ luôn mặc áo burqa, trùm từ đầu đến chân chỉ trừ lỗ hở để thấy đường.
3) Âm nhạc, TV, điện ảnh, Internet, hầu hết tranh vẽ, nhiếp ảnh đều bị cấm.
4) Đàn ông cấm cạo râu và phải để râu dài, ra đường phải mặc áo turban.
5) Đối với tội trộm cắp, hình phạt chặt tay. Còn phụ nữ bị kết tội ngoại tình, hình phạt bị ném đá đến chết hoặc bị treo cổ …

Với những dữ kiện trên, ta thấy Taliban có khuynh hướng điều hành đất nước theo tiêu chuẩn khắt khe của luật Hồi giáo.

*Tương lai chính trị của Afghanistan sẽ không sáng sủa, nhiều khả năng nước này sẽ bị phân quyền và lãnh đạo đất nước sẽ bị yếu kém.

Trước hết xét về phương diện địa chính trị, Afghanistan bị bao vây bởi sáu nước:
– 1) Phía Đông Bắc có Trung quốc (91 km).
– 2) Phía Bắc có Tajikistan (1,357 km); – 3) Uzbekistan (1,421 km);
– 4) Turkmenistan (804 km).
– 5) Phía Tây có Iran (921 km).
– 6) Phía Nam có Pakistan (2,670 km).
Cho nên Afghanistan không có chỗ nào thoát ra biển. Muốn ra biển, Afghanistan phải mượn hai cảng: Chabahar của Iran và Gwanda của Pakistan.
Đây là điều rất bất lợi cho Afghanistan cho nên phải lệ thuộc nhiều vào Pakistan.
Đó cũng là lý do Afghanistan là nơi trú ẩn an toàn cho các tổ chức khủng bố như  al Qaeda, nhà nước Hồi giáo (IS) và là trung tâm huấn luyện Thánh chiến bạo lực.

Bản đồ AFGHANISTAN

* Về kinh tế, Taliban sẽ kế thừa tình trạng thảm bại trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chính phủ Ghani đã để lại một gia tài kinh tế tham nhũng đầy trục lợi.
Số liệu đáng tin cậy, Ngân hàng thế giới báo cáo tỷ lệ nghèo đói đã giảm sau năm 2014 và tăng hơn 50% vào năm 2019.
Dữ liệu hiện tại về nền kinh tế không phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19, nhưng tài liệu CIA World Factbook báo cáo rằng thâm hụt thương mại gần một phần ba GDP.
Một chính phủ tham nhũng và giới chuyên nghiệp đã ngụy tạo sự thật GDP thực tế trên đầu người là một trong những nước thấp nhất thế giới (xếp hạng thấp 213/228 quốc gia). Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt thất nghiệp thanh niên không thể đo lường chính xác.
Nợ công đạt một trong tỷ lệ cao nhất so với bất cứ quốc gia nào (202/228).

Đã vậy Mỹ đang phong tỏa 9.5 tỷ USD tài sản của Afghanistan, Taliban sẽ không liên hệ nguồn tiền của Ghani để lại. Quyết định phong tỏa tài sản có thể gây thêm gánh nặng đối với nền kinh tế vốn đã thiếu hụt của Afghanistan.

*Nội chiến có thể lại bùng nổ?

Tình hình Afghanistan hiện nay rất khác với năm 2001 mà Taliban nắm quyền.
Một thế hệ trẻ (sanh sau 2001) đã lớn lên trong một xã hội đi ngược lại mọi giá trị mà Taliban tôn thờ và còn muốn áp dụng lại lần nữa để cai trị đất nước.
Ngay sau khi Taliban tiến vào Kabul, người dân Aghanistan đã phản kháng, biểu tình, giương cao lá cờ của chính quyền cũ và thách thức sự cai trị của Taliban.

Chưa kể một lực lượng kháng chiến ở miền Bắc, tỉnh Panjshir dưới sự chỉ huy của Phó Tổng thống Amrullah Saleh phối hợp với Mặt trận Thống nhất (Liên minh phương Bắc) của Massoud và Dostum đã tấn công giết hại 30 tay súng Taliban và bắt 20 người khác.
Cho nên một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên ở Afghanistan rất quan trọng. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến các vai trò của cộng đồng quốc tế và các cường quốc.
Mặc dù chống khủng bố không còn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington, nhưng vẫn sẽ chi phối cách tiếp cận của Mỹ với Taliban.

Còn Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh James Cleverly cho biết: ”Nếu Taliban bắt đầu hành xử như một chính phủ, nếu họ tạo điều kiện di chuyển trong nước cũng như xuất cảnh khỏi Afghanistan, đó là cơ hội để chúng tôi bắt đầu làm việc với họ.”
Trong khi đó cả Nga và Trung quốc đều lo ngại nguy cơ Afghanistan trở thành mồi đuốc cho phong trào khủng bố lan ra khắp Trung Á, nằm sát nách hai nước này.

Nếu Taliban không thực hiện đúng cam kết là đoạn tuyệt với chủ nghĩa khủng bố, không những Washington hay London chĩa mũi dùi vào tổ chức này, cả Moscow và Bắc Kinh cũng sẽ không bảo vệ Taliban khi Hội đồng Bảo An đưa ra nghị quyết trừng phạt.

Liên Minh Châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh sự cần thiết tránh các cuộc tàn sát tại Afghanistan.
Tổ chức NATO cũng khẳng định hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Cuộc xung đột Afghanistan tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến toàn cầu, nên việc giải quyết không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào dù là Iran, Ấn Độ, Pakistan, Trung quốc hay Nga …

Đây là thời kỳ cởi mở và thuận lợi nhất trong lịch sử Afghanistan. Nếu Taliban bỏ lỡ cơ hội chấm dứt điều này thì không biết tương lai Afghanistan sẽ ra sao?

Hoàng Đình Khuê, K16/TVBQGVN
Ngày 1/10/2021