Taliban chiếm Afghanistan: Bước ngoặt cho thế giới, cú sốc đầu tiên cho Biden

Cac Bai Khac

No sub-categories

Taliban chiếm Afghanistan: Bước ngoặt cho thế giới, cú sốc đầu tiên cho Biden

Lịch sử sẽ lưu lại bức ảnh của hãng thông tấn AP sáng Chủ nhật : một trực thăng vận tải Chinook phía trên nóc tòa nhà tua tủa những ăng-ten của đại sứ quán Mỹ. Sài Gòn 30/04/1975, Kabul 15/08/2021. Điểm khác biệt : lần này là ảnh màu chứ không phải đen trắng. Trong khi chỉ mới cách đây một tháng, Joe Biden từng khẳng định « không thể nào có chuyện di tản bằng trực thăng từ tòa đại sứ Mỹ » như Sài Gòn trước đây.

Hàng ngàn người dân tràn vào phi trường Kabul, leo cả lên máy bay, cố gắng đào thoát khỏi Afghanistan đang trong tay quân Hồi giáo Taliban, 16/08/2021.
Hàng ngàn người dân tràn vào phi trường Kabul, leo cả lên máy bay, cố gắng đào thoát khỏi Afghanistan đang trong tay quân Hồi giáo Taliban, 16/08/2021. Wakil Kohsar AFP

Tình hình Afghanistan là chủ đề chính của tất cả báo Pháp ra ngày hôm nay 16/08/2021. Le Figaro chạy tít « Kabul trong tay phe Taliban », Les Echos cho rằng đây là « Thất bại đáng sợ của phương Tây », Le Monde giải thích « Vì sao quân đội Afghanistan gục ngã ». Ảnh bìa của Libération là chiếc trực thăng cất cánh phía trên tòa đại sứ Mỹ, nhắc đến thất bại ở Việt Nam, với dòng tựa « Afghanistan : Lại sụp đổ » ? Đặc biệt hôm nay Le Figaro, Libération, Le Point, L’Express đều mở mục tường thuật trực tiếp trên trang web, cập nhật từng diễn biến tại Afghanistan.

Bức ảnh di tản ở Kabul đi vào lịch sử như Sài Gòn 1975

Libération nhận định lịch sử sẽ lưu lại bức ảnh của hãng thông tấn AP sáng Chủ nhật : một trực thăng vận tải Chinook trên nóc tòa nhà tua tủa những ăng-ten của đại sứ quán Mỹ. Sài Gòn 30/04/1975, Kabul 15/08/2021.

So sánh rất ấn tượng cho dù Nhà Trắng nhất định bác bỏ : một chính quyền sụp đổ, một quân đội tan rã, những người ngoại quốc khẩn cấp di tản, người dân không có chọn lựa nào khác là phải ở lại. Điều khác biệt : lần này là ảnh màu chứ không phải đen trắng. Trong khi chỉ mới cách đây một tháng, Joe Biden từng khẳng định « không thể nào có chuyện di tản bằng trực thăng từ tòa đại sứ Mỹ » như Sài Gòn trước đây. Le Point cho rằng tấm ảnh này sẽ ám ảnh nhiệm kỳ của ông Biden.

Kabul đã thất thủ chỉ trong vài tiếng đồng hồ mà không chiến đấu. Từ sáng hôm qua, thủ đô bất ngờ bị bao vây, quân Taliban xuất hiện tại nhiều khu ngoại ô. Tất cả đều đóng cửa ở Kabul, từ ngân hàng cho đến chợ búa, thủ đô chật ních hàng triệu người chạy loạn từ các tỉnh. Công chức rời bỏ sở làm, quân nhân, cảnh sát thay thường phục, tù nhân được Taliban thả khỏi các trại giam.

Từ sáu giờ sáng nay, dòng người xếp hàng trước các máy rút tiền nhưng máy không còn tiền để nhả ra. Le Figaro ghi nhận tại Kabul, người ta chuẩn bị tinh thần quay trở lại với cuộc sống địa ngục. Trên đường phố, chủ các cửa hàng lo tháo gỡ hoặc xóa bằng sơn trắng những quảng cáo có hình ảnh phụ nữ, các dịch vụ làm đẹp tự đóng cửa.

Quay lại với cuộc sống địa ngục

Edris, người đồng sáng lập một công ty truyền thông chuyên quảng bá nhân quyền và nữ quyền vội vã chạy đến văn phòng để thu gom các đĩa cứng, máy tính, ảnh và tài liệu, để không thể nhận diện được ai. Bởi vì trong thời kỳ Taliban ngự trị từ 1996 đến 2001, phụ nữ phải che kín mặt, không được trang điểm, chỉ được ra khỏi nhà khi có người thân là nam giới đi kèm ; âm nhạc, điện ảnh, truyền hình bị cấm. Những ai vi phạm bị trừng phạt công khai : đánh đòn, ném đá, treo cổ…

Le Monde ra từ chiều hôm trước thuật lại, các cửa hàng bán đồ cũ ở Kabul chật ních vật dụng người dân bán tống bán tháo để ra đi. Một chủ tiệm nói rằng mỗi ngày phải từ chối hai, ba chục người vì không thể mua hết. Một câu chuyện ở Herat khiến người ta lo sợ : một người đàn ông sống với vợ và con gái, khi thấy quân Taliban bất ngờ xuất hiện, để tránh cho con khỏi bị cưỡng hôn, ông ta cố gắng bảo vệ bằng cách khẳng định cả hai đều là vợ mình (đa thê được chấp nhận ở Afghanistan). Nhưng Taliban nói rằng một vợ là đủ, và bắt đi người vợ.

Một biển người đổ về phi trường quốc tế Hamid Karzai, lối thoát duy nhất. Các video trên mạng xã hội cho thấy những cảnh vô cùng hỗn loạn, hàng ngàn người chực chờ trên phi đạo, các thanh niên bám vào cầu thang để cố leo lên máy bay. Lính Mỹ phải bắn chỉ thiên để lập lại trật tự. Cơ quan hàng không dân dụng tuyên bố không phận chỉ dành cho phi cơ quân sự, các máy bay dân sự được yêu cầu chuyển hướng. Các hãng Lufthansa, Air France, British Airway, Virgin Atlantic thông báo không bay ngang Afghanistan.

Sụp đổ nhanh không ngờ

Le Monde cho biết bản thân Taliban cũng ngạc nhiên vì chiến thắng nhanh chóng này. Chẳng hạn đầu tháng Tám, tại một ngôi làng lớn ở tỉnh Badakhchan miền đông bắc, ba chiến binh Taliban đến bằng taxi, nói với chính quyền địa phương là hàng trăm quân sẽ đổ tới, thế là các viên chức ngoan ngoãn trao lại quyền hành. Thực tế họ chỉ có ba người !

Hôm 12/08, Dawood Laghmani, thống đốc tỉnh Ghazni chuyển giao thành phố cho Taliban sau khi thương lượng để được tự do ra đi cùng với thân nhân. Tại Herat, thủ lãnh huyền thoại Ismail Khan, từng chiến đấu chống Hồng quân và Taliban trong thập niên 90 đã buông vũ khí hôm 13/08. Kandahar, thành phố lớn thứ nhì và là cố đô Afghanistan, cũng thất thủ ngày 13/08 mà không có trận đánh đáng kể nào. Theo Le Monde, chính quyền Afghanistan phải trả giá cho sự tập trung quyền lực, và thường xuyên thay đổi các chỉ huy quân sự.

Ngược lại, theo Libération, Taliban có chiến thuật hẳn hoi, vừa thỏa hiệp vừa đe dọa. Họ gia tăng sức ép từ cuối tháng Sáu, và kể từ cuối tháng Bảy thay vì bao vây các thủ phủ đã chuyển sang tiến đánh vào ba thành phố lớn. Trong khi trước khi Taliban đã thỏa thuận ngầm với Mỹ là không tấn công trước 31/08. Hậu quả là Washington cho B-52 oanh tạc quân tăng viện và các kho vũ khí của Taliban, dẫn đến việc phe này tự cho rằng không cần tuân thủ thỏa thuận Doha.

Lý giải cho sự sụp đổ của quân đội Afghanistan, Le Monde cho là sự rút lui nhanh chóng của Mỹ đã làm lộ rõ các khiếm khuyết của một tổ chức bị tham nhũng hoành hành. Về mặt chính thức thì chính phủ có 300.000 quân trong đó mũi nhọn là lực lượng đặc biệt gần 50.000 người. Nhưng theo một nguồn tin quân sự cao cấp của Mỹ, Kabul đã thổi phồng con số để nhận được viện trợ nhiều hơn. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Kabul ước tính « có 46 tiểu đoàn ma, mỗi tiểu đoàn có 800 quân ». Tiền lương của những người lính ma này được chỉ huy bỏ túi. Những quân nhân thật thì không được tăng viện và hậu cần thiếu thốn.

Tình báo Mỹ: Afghanistan có thể trụ 2 năm như Việt Nam Cộng Hòa

Theo Le Figaro, đây là thất bại khủng khiếp của của tình báo Mỹ, trong vô số các thất bại khác. Nhiều tiếng nói đã cảnh báo hậu quả của việc đơn phương triệt thoái, và sự yếu kém về chính trị, quân sự của chính quyền Afghanistan. Nhưng ông Joe Biden vẫn làm ngơ.

Từ khi bắt đầu rút quân, nhiều nhà phân tích của các cơ quan tình báo Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng chống chọi của chính quyền Afghanistan trước Taliban, nhưng không ai đoán được chế độ sụp đổ ngay cả trước khi người Mỹ ra đi.

Các chuyên gia này cho rằng chính phủ Ashraf Ghani có thể trụ được hai năm sau khi Mỹ rút, như chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chống chọi được sau khi những toán lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam năm 1973. Chế độ cộng sản của Najibullah mà Liên Xô để lại sau khi rời khỏi Afghanistan năm 1989 cũng kiểm soát được các thành phố lớn trong hai năm, cho đến khi không còn được viện trợ vì Liên Xô sụp đổ, mới bị quân Hồi giáo đánh đổ năm 1992.

Nhưng cả những đánh giá bi quan nhất vẫn còn xa so với thực tế. Cuối tháng Sáu, tình báo Mỹ đánh giá lại thời gian kháng cự của chính quyền Kabul từ 6 tháng đến một năm. Ngày 08/07, Biden bác bỏ giả thiết chính phủ Kabul sẽ sụp đổ. Một tháng sau, 8 thủ phủ các tỉnh bị thất thủ chỉ trong vòng một tuần, nên thứ Tư tuần trước tình báo Mỹ nhìn nhận Taliban có thể bao vây Kabul trong một tháng và sẽ chiếm được trong vòng ba tháng. Bốn ngày sau, quân Hồi giáo đã tiến vào thủ đô, nhắc nhở rằng chiến tranh không tuân theo các quy tắc thuần túy toán học, mà vấn đề tâm lý vô cùng quan trọng.

Phải vội vã tiêu hủy các tài liệu mật của tòa đại sứ Kabul, không thể di tản những người Afghanistan làm việc cho mình và đã hứa sẽ cấp visa, người Mỹ vừa kết thúc cuộc phiêu lưu Afghanistan bằng một thảm họa do chính họ đã tạo ra. Việc di tản vô điều kiện và thiếu chuẩn bị, lẽ ra là điều phải tránh trước tiên.

Mỹ đơn phương triệt thoái, những hy sinh trở thành vô nghĩa

Nhà chính trị học Dominique Moise nhận định trên Les Echos « Chiến thắng của Taliban, một bước ngoặt trong trật tự thế giới ». Ông nhắc lại câu « What Went Wrong ? » của nhà sử học Mỹ gốc Anh Bernard Lewis về các vụ khủng bố ngày 11/9 –  điều gì đã diễn ra để mọi thứ tệ hại đến thế. Câu hỏi này lại được đặt ra trước thất bại ở Afghanistan, người Mỹ và NATO sao lại hoàn toàn thất bại một cách nhanh chóng như thế ?

Bao nhiêu là mạng sống đã hy sinh vô nghĩa, bao nhiều tiền bạc được chi ra cho một quân đội không muốn chiến đấu, để lập lại một chính quyền yếu kém và cố gắng thống nhất một quốc gia dễ dàng tan rã trước mọi cú sốc. Và phát súng ân huệ cuối cùng là việc đơn phương triệt thoái vô điều kiện. Những đội quân phương Tây được gởi đến với nhiệm vụ duy nhất là kiểm soát phi trường Kabul nhằm bảo đảm di tản công dân khỏi Afghanistan.

Một số người nói rằng sự kết hợp giữa một đất nước được mệnh danh là « nghĩa trang của các đế quốc » với nước Mỹ vốn hay thay đổi, chỉ có thể dẫn đến thảm họa. Điều ngạc nhiên duy nhất không phải là thất bại, mà là diễn biến quá nhanh. Tương quan lực lượng, đã hẳn là trên giấy tờ, nghiêng về phía chính quyền Afghanistan, nhưng trước hết là quyết tâm chính trị. Và người Afghanistan biết rằng ngược với Taliban, phương Tây không có ý định ở lại.

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Afghanistan không được lòng dân, đất nước chia rẽ. Người dân nông thôn không sẵn lòng hy sinh cho điều kiện sống của phụ nữ, cũng như người phương Tây không sẵn sàng chết cho Kabul. Vào thời buổi đại dịch, biến đổi khí hậu và Trung Quốc đang bành trướng, sự hiện diện tại Afghanistan dường như đã lỗi thời.

Bước ngoặt cho lịch sử thế giới, cú sốc đầu tiên cho Biden

Theo bước Donald Trump, Joe Biden chỉ đáp ứng mong muốn của « nhân dân », nhưng điều này mang lại hậu quả đáng kể cho khu vực và thế giới. Cuộc nội chiến Afghanistan kết thúc bằng chiến thắng của phe bóng tối mà phương Tây đã cố chống lại.

Các tuyên bố của Taliban rất nhập nhằng, nhưng có thể tin vào lời các thủ lãnh chiến tranh phe này : sẽ áp dụng luật Hồi giáo khắc nghiệt. Ấn Độ lo ngại những người Hồi giáo cực đoan trong nước mình sẽ được khích lệ, Pakistan cũng tương tự. Trung Quốc vốn đầy mưu mô, đã thương lượng với Taliban từ nhiều tháng qua để phe này đừng cổ vũ cho người Duy Ngô Nhĩ.

Theo tác giả, Taliban trở lại nắm quyền không chỉ là một bước ngoặt trong lịch sử Afghanistan, mà còn là cú đá giò lái nặng nề nhất cho phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Sự kiện này diễn ra vào lúc chuẩn bị kỷ niệm 20 năm các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín và đúng 10 năm sau Mùa Xuân Ả Rập.

Hồi năm 1975, sau khi Sài Gòn sụp đổ, Liên Xô của Brejnev lẫn Trung Quốc của Mao Trạch Đông không thể lợi dụng hoàn toàn sự nhục nhã của Mỹ. Nhưng Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày nay thì khác. Bắc Kinh sẽ không ngần ngại nhấn mạnh đến những nghịch lý của Mỹ.

Les Echos cho rằng cuộc khủng hoảng Afghanistan cũng mang lại nguy cơ cao cho ông Joe Biden. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỷ niệm 11/09, nguyên nhân khiến Washington can thiệp vào Afghanistan, phe Cộng Hòa lớn tiếng chỉ trích quyết định của Biden. Cựu tổng thống Donald Trump tố cáo « sự hỗn loạn đầy bi kịch », đòi ông Joe Biden từ chức, còn thủ lãnh Cộng Hòa ở Thượng Viện Mitch McConnell chỉ trích « thảm họa được báo trước ». Rúng động trước cuộc khủng hoảng đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống, Joe Biden đến hôm nay vẫn giữ im lặng, trong khi nhiều tờ báo như New York Times, Washington Post nặng lời đả kích ông.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210816-taliban-chi%E1%BA%BFm-afghanistan-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%E1%BA%B7t-cho-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-c%C3%BA-s%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-cho-biden