Tại sao Việt Nam rút khỏi cuộc đua giành chức lãnh đạo UNESCO?
VOA
12/10/2017
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại một vòng bầu chọn vào chức Tổng giám đốc UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tự hào là người Việt Nam đầu tiên ra ứng cử trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO, nhưng nay đã rút lui trước vòng 3 cuộc bầu chọn cho vị trí cao nhất trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc.
Nhà ngoại giao 56 tuổi – hiện là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO – là một trong 9 ứng cử viên dự tranh ghế tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Theo trang web chính thức của UNESCO, đại diện Việt Nam đã rút lui khỏi cuộc đua mà trước đó ông đã trực tiếp vận động tại 30 quốc gia thành viên với lời cam kết “sẽ giúp UNESCO đoàn kết hơn.”
Trong 1 bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michael Worbs, đại sứ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO, bà Trần Thị Hoàng Mai, thông báo với tổ chức của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Việt Nam quyết định rút ứng viên khỏi cuộc đua. Trong thư, bà Mai tái khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức của UNESCO và với tân Tổng giám đốc kế tiếp của tổ chức này.
Bức thư phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO ký tên đại sứ Trần Thị Hoàng Mai thông báo cho chủ tịch Ban chấp hành UNESCO về quyết định rút ông Phạm Sanh Châu khỏi cuộc đua tới chức Tổng giám đốc của tổ chức này.
VOA không thể liên lạc với đại sứ Châu để xin bình luận về quyết định của ông.
Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên ra tranh chức Tổng giám đốc tổ chức văn hóa của LHQ được Hà nội coi là “bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế.”
Phóng viên TTXVN tại Paris nói “tranh cử góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế” và “thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện” của Việt Nam.
Mục tiêu này của Việt Nam vấp phải trở ngại khi cách đây vài tuần, Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng kéo dài giữa Berlin và Hà nội về việc Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trên đất Đức hồi cuối tháng 7.
Tháng trước chính phủ Đức quyết định ngừng đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng ngoại giao vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Một tổ chức nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sỹ đã phát động chiến dịch loại bỏ đại diện của Việt Nam khỏi danh sách ứng cử viên Tổng giám đốc UNESCO sau vụ bắt cóc này.
Kể từ đầu tháng 8, một tổ chức có tên là Liên hội nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã mở một cuộc vận động toàn cầu, đặc biệt nhắm vào Bộ Ngoại giao và đại sứ của hầu hết các nước thành viên Hội đồng hành pháp UNESCO để thuyết phục họ bãi bỏ ứng viên của Việt Nam trong cuộc đua vào chức vị cao nhất của tổ chức này. Liên hội nhân quyền nói Việt Nam “không thể nào được bầu vào chức tổng giám đốc UNESCO sau vụ tổ chức bắt cóc người giữa Berlin.”
Từ Stuttgart, Tiến sĩ Dương Hồng Ân thuộc Diễn đàn Việt Nam 21 của cộng đồng người Việt, nói không có cơ sở để khẳng định liệu vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có ảnh hưởng đến việc tranh cử của đại diện Việt Nam hay không, nhưng ông cho biết cộng đồng người Việt không ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào chức vụ Tổng giám đốc UNESCO.
“Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến các nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ Cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới.”
Một số nghị sĩ Đức cũng chỉ trích những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh và vận động các nước thành viên Liên minh châu Âu không ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt -EU.
Tại vòng 2 diễn ra hôm 10/10, đại diện Việt Nam chỉ nhận được 5 phiếu trong tổng số 58 phiếu bầu cho chiếc ghế cao nhất UNESCO, và như vậy được xếp hạng áp chót, cùng với đại diện của Trung Quốc – Qian Tang. Ở vị trí chót bảng sau đại diện Việt Nam và Trung Quốc là đại diện của Li băng, bà Vera El-Khoury Lacoeuilhe, chỉ đoạt được có 2 phiếu.
Tại vòng 3 diễn ra ngày 11/10, đại diện của Pháp, Audrey Azoulay, và của Qatar, Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari, cùng dẫn đầu với số phiếu 18 cho mỗi người. Các đại diện khác từ Azerbaijan, Iraq và Guatemala cũng đã rút lui.
Nhận định về khó khăn của Việt Nam trong cuộc đua, báo Thể Thao Văn Hóa của TTXVN viết “không ít nước đang chờ đợi một ứng cử viên Tổng giám đốc từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi các nguồn vốn nhằm mục đích giải quyết được tình hình khó khăn về mặt tài chính của UNESCO.”
UNESCO sẽ chính thức thông báo Tổng giám đốc mới vào ngày 13/10.
Trong một động thái khác, Bộ ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO và duy trì với tư cách quan sát viên, thay vì là thành viên.