Tại sao “Quân đội trung với Đảng” lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tại sao “Quân đội trung với Đảng” lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân?
 Tại sao “Quân đội trung với Đảng” lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân?
Quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia (đất nước, nhân dân). Quân đội về hình thức, có “quân đội ta” (bản chất: quân đội mình), “quân đội nó” (tính chất: quân đội địch), “quân đội nhân dân” (thực chất: quân đội quốc gia). Quân đội nhân dân tức là quân đội “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân quên mình” chiến đấu với các loại kẻ thù “giặc ngoại xâm” (quân đội nó: kẻ thù ngoại xâm), “giặc nội xâm” (kẻ thù phản quốc), “giặc ở trong lòng” (kẻ thù hại dân). Tuy nhiên, tại sao quân đội trung với “Đảng” (Đảng Cộng sản) lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân? Để trả lời được câu hỏi này, cần phải nhận thức được tính chất, bản chất, thực chất, mối liên hệ giữa các khái niệm nhân dân, quốc gia, đảng chính trị, Đảng Cộng sản, kẻ thù, quân đội.

Thực chất khái niệm quốc gia, nhân dân Việt Nam, kẻ thù của nhân dân

Quốc gia là khái niệm nói tới “Nước” (nước nhà, đất nước, tổ quốc) [1, tr. 811]. Trong quốc gia có lãnh thổ (đất đai, biển đảo, khí trời), quốc dân và nhân dân.

Nhân dân là khái niệm có tính chất (bên ngoài), bản chất (bên trong) và thực chất (toàn diện) ở giữa. Về tính chất, nhân dân là nói tới công dân (cá nhân) yêu cha, mẹ – người đã sinh ra mình. Về bản chất, nhân dân là nói tới một số công dân (nhóm) yêu quê hương – nơi đã sinh ra dân tộc mình. Về thực chất, nhân dân là nói tới nhiều công dân (cộng đồng dân cư) yêu đất nước (nước, tổ quốc, quốc gia) – nơi đã hình thành cộng đồng dân tộc Việt Nam mình. Tức nhân nhân Việt Nam là nói về tất cả các cá nhân (cá thể), nhóm (tập thể), cộng đồng (xã hội) dân tộc có lòng yêu nước, thương nòi trong “nước” (nước nhà) hay quốc gia Việt Nam.

Theo đó, các công dân không yêu nước – những người “phản quốc” (làm hại đất nước), “hại dân” (làm hại nhân dân) – thì không phải là nhân dân, mà chỉ là “quốc dân” (đồng bào); bởi vì: “Nhân dân và quốc dân khác nhau… Những bọn phản động chưa đến nỗi bị xử tử, vẫn là quốc dân” [2, t. 8, tr. 264].

Nói cách khác, những kẻ phản quốc, hại dân, như “giặc ngoại xâm” (kẻ thù ngoại xâm: quân đội nước ngoài xâm lược Việt Nam), “giặc nội xâm” (kẻ thù nội xâm: tư tưởng phong kiến, giáo điều, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí), đều được coi là “kẻ thù của nhân dân” [2, t. 8, tr. 289]. Còn những người dân chân thật, dám thẳng thắn “phê bình chính quyền” [2, t. 7, tr. 114], tức những người dám “nói thẳng, nói thật” – những người chân thành chỉ ra sai lầm về đường lối (tư tưởng quan liêu), chính sách (hành vi tham nhũng, lãng phí) của các đảng viên Đảng Cộng sản trong Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, chính quyền các cấp – thì không phải là kẻ thù hay “lực lượng thù địch”, như một số “tuyên truyền viên” (dư luận viên) của Đảng Cộng sản đang cố tình đổi “trắng” (người dân chân thật: tương tự quân “tốt” – tốt đẹp) thành “đen” (người đảng viên cộng sản cai trị: tương tự quân “tướng, sĩ” – tinh tướng, kiêu căng) trong bàn cờ Tướng.

Những điều nói trên đã được Hồ Chí Minh nêu rất rõ như sau: “Nói thật tức là phê bình” [2, t. 7, tr. 113]; “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ” [2, t. 5, tr. 245-246]; “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ… là đồng minh của thực dân và phong kiến” [2, t. 7, tr. 357]; “truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to” [2, t. 11, tr. 605]; “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hại hơn nữa” [2, t. 7, tr. 368].

Thực chất khái niệm đảng chính trị, Đảng Cộng sản, quân đội

Chính trị được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất các chủ thể (công chức, viên chức, thẩm phán, đại biểu dân cử) trong “chính quyền dân sự” [3] của quốc gia đề ra phương thức lãnh đạo, phương pháp quản trị, xác định nguyên tắc luật, nguyên lý pháp quyền, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc để thực hiện, bảo đảm đạt được mục đích đường lối chính trị, mục tiêu chính sách phát triển đất nước – quốc gia. Khái niệm chính trị là đối lập với khái niệm cai trị theo mô hình cấu trúc như sau: quản trị (bản chất: nhóm, chưa thật, chưa đúng) – chính trị (thực chất: cộng đồng, chân thật,  đúng) – cai trị (tính chất: cá nhân, không thật, sai).

Khái niệm “đảng” (đảng phái) là biểu hiện bản chất “nhóm”, tính chất “cá nhân”. Theo đó, đảng chính trị là khái niệm biểu hiện sự chân thật của nhóm (tập thể, các cá nhân) hoạt động chính trị trong cộng đồng quốc gia; còn đảng cai trị là khái niệm biểu hiện sự giả dối, xấu xa (thủ đoạn) của các cá nhân, nhóm độc quyền (đảng thiếu chân thật) hoạt động cai trị trong quốc gia. Nói cách khác, đối lập với đảng chính trị (đảng có nhiều đảng viên chân thật “phục vụ nhân dân”) là đảng cai trị (đảng có nhiều đảng viên không chân thật, quan liêu, tham nhũng, lãng phí làm hại nhân dân, đất nước – phản quốc).

Từ phân tích ở trên cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một nhóm độc quyền cai trị trong quốc gia. Đảng Cộng sản không phải là đảng chính trị (đảng chân thật – chân chính); bởi vì, trong Đảng còn nhiều đảng viên tham nhũng, ăn “hối lộ”, hay nói cách khác là: “còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được” [4, tr. 218]; hơn nữa, ngay tên gọi của đảng cũng đã biểu hiện tính chất phản khoa học (không chân thật). Cụm từ “cộng sản” (tính từ) chỉ là nói tới tính chất “góp vào, thêm vào” của từ “cộng” (dấu +) với từ “sản” (sinh ra) [1, tr. 212, 845]. Do vậy, về thực chất, cụm từ cộng sản là muốn nói về cộng đồng xã hội; theo đó, Đảng Cộng sản là muốn nói về “Đảng Cộng đồng”, “Đảng Xã hội”.

Quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia (đất nước, nhân dân). Về hình thức, quân đội có “quân đội ta” (quân mình), “quân đội nó” (quân địch) và “quân đội nhân dân” (quân đội của quốc gia, quốc dân, đồng bào); chẳng hạn, như quân ta (quân đội Việt Nam) và quân địch (quân đội Trung Quốc) trong chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979-1989), hay trong chiến tranh “mềm” (chiến tranh phi pháp, cướp biển đảo, khí trời: áp đặt đường “lưỡi bò”, xây dựng đảo nhân tạo trái pháp luật quốc tế) do Trung Quốc gây chiến trên biển Đông giai đoạn hiện nay.

Quân đội ta là nói tới quân đội nhân dân Việt Nam; bởi vì, quân đội ta “từ nhân dân mà ra” và “vì nhân dân quên mình” chiến đấu với quân thù là “giặc ngoại xâm” (kẻ xâm lược), “giặc nội xâm” (kẻ phản quốc), “giặc ở trong lòng” (kẻ làm hại dân) – các loại giặc hay kẻ địch không chân thật (gian dối) trong bầu cử, kẻ địch quan liêu (những người chủ quan, giáo điều, sai lầm về quan điểm, đường lối chính trị, mục tiêu chính sách), tham nhũng (những người có lòng tham lợi, tiền, danh, gian dối, nhũng nhiễu nhân dân để đạt được lòng tham), lãng phí (những người làm mất tài nguyên, giá trị, sức lao động, sự sống, sự thật, công lý – niềm tin của quốc gia).

Hồ Chí Minh đã từng nói về các mặt trận “quân sự” (chống giặc ngoại xâm), mặt trận “chính trị” (chống giặc nội xâm, giặc ở trong lòng) như sau: “Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn” [2, t. 4, tr. 166].

Nguyên nhân do đâu quân đội trung với Đảng lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân?

Từ các phân tích ở trên cho thấy, có 5 nguyên nhân cơ bản làm cho quân đội hay quân đội ta trung với Đảng lại trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân như sau:

Thứ nhất, do trung (trung thành) với Đảng (Đảng Cộng sản) nên quân đội đã trung với nhóm độc quyền cai trị, chứ không trung với nước (cộng đồng xã hội), như Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ về đạo đức mới của người cách mạng như sau: “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào” [2, t. 4, tr. 170]. Do đó, trung với Đảng Cộng sản chính là nguyên nhân làm cho quân đội ta trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân.

Thứ hai, do trung với Đảng nên quân đội phụ thuộc vào sự “lãnh đạo” của Đảng Cộng sản (Đảng lãnh đạo quân đội), hay quân đội là lực lượng do Đảng nắm giữ. Theo đó, Đảng cộng sản – tức các “công dân ưu tú” của nhân dân – đã và đang trở thành những người “làm đày tớ” cho quân đội; bởi vì, “lãnh đạo là làm đày tớ” [2, t. 15, tr. 292]. Nói cách khác, Đảng lãnh đạo quân đội tức là nhân dân làm đày tớ cho quân đội, hay quân đội đã trở thành lực lượng “cai trị” (trấn áp) làm hại nhân dân. Điều này lại trái ngược với tư tưởng của Hồ Chí Minh như sau: quân đội phải “phục vụ nhân dân” (làm việc, chiến đấu quyên mình vì lợi ích của nhân dân); “người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: – Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết” [2, t. 7, tr. 54]. Hơn nữa, Hồ Chí Minh cũng từng nói rõ: “Các đảng phái không được có quân đội riêng” [2, t. 4, tr. 173]. Điều đó cho thấy, quân đội trung với Đảng là trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân.

Thứ ba, do trung với Đảng nên quân đội đã tuân theo đường lối của Đảng, không “theo đúng đường lối của nhân dân” [2, t. 8, tr. 423], từ đó, không xác định rõ mục đích đường lối chính trị, mục tiêu chính sách phát triển, chức năng, nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc, nhân dân. Hiện nay, không ít đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam “làm kinh tế”, nên đã quá chú trọng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để kiếm “lợi” (lợi nhuận, lợi ích riêng cho cá nhân, nhóm, đơn vị). Chính do quân đội tìm kiếm lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; mắc tội “sai phạm trong quản lý sử dụng đất” [5]; tham nhũng, sử dụng lãng phí tài lực, vật lực, nhân lực của quốc gia, nên đã làm cho quân đội trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân. Hồ Chí Minh đã từng phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của quân đội và của nhân dân như sau: “bộ đội làm phần của bộ đội, dân làm nhiệm vụ của dân” [2, t. 10, tr. 620]; “bộ đội chỉ lo thi đua giết giặc lập công, bộ đội không phải là cơ quan sản xuất” [2, t. 7, tr. 353].

Thứ tư, do trung với Đảng nên nhiều đảng viên trong quân đội đã mắc căn bệnh chủ quan, như “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” [4, tr. 217]. Tức nhiều đảng viên cộng sản trong quân đội có tính kiêu căng, xa tránh những người nói thẳng, phê bình thật; chỉ thích “thắng” (lên quân hàm) mà không thích “thua” (xuống quân hàm); không phân biệt được đâu là “bạn” (đúng: đảng chính trị), đâu là “thù” (sai: đảng cai trị), và đâu là “nhân dân” (thật: quần chúng) ở giữa bạn và thù, theo mô hình câu trúc như sau: bạn (đúng: đảng chính trị) – nhân dân (thật: quần chúng) – thù (sai: đảng cai trị). Đây chính là nguyên nhân làm cho quân đội trung với Đảng đã trở thành kẻ thù phản quốc, “thoái bộ” (phản tiến bộ) làm hại nhân dân.

Hồ Chí Minh đã từng nói về “bệnh hiếu danh” – người “chỉ biết lên mà không biết xuống” [2, t.5, tr. 295]; hay nói về đức tính khiêm tốn của người cựu chiến binh (người tham gia kháng chiến chống ngoại xâm), sự thiếu hiểu biết của đảng viên về quan hệ giữa Đảng và nhân dân, không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là thù của quân đội như sau: “càng cựu, càng giỏi càng phải khiêm tốn” [2, t. 5, tr. 90]; “có những đồng chí không biết Đảng khác quần chúng như thế nào” [2, t. 3, tr. 635]; “chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình)” [2, t. 8, tr. 156].

Thứ năm, do trung với Đảng – tức trung thành (kiên định) với tư tưởng của một cá nhân nào đó, nên dẫn đến nhiều đảng viên cộng sản nói chung, đảng viên cộng sản trong quân đội nói riêng đã mắc phải “tệ sùng bái cá nhân”, chỉ biết sống “luồn cúi”, tôn thờ tư tưởng “cá nhân”, “chủ nghĩa cá nhân”, tâng bốc kẻ có “chức”, “quyền”, “tiền” chứ không thích người nói thật. Chính đội ngũ đảng viên cộng sản trong chính quyền mắc phải các tệ nạn này đã làm cho quân đội – lực lượng “dưới sự lãnh đạo của Đảng” – trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ tệ nạn này tồn tại ở Việt Nam như sau: “tệ sùng bái cá nhân cũng tồn tại ở Việt Nam, trong Đảng cũng như ngoài Đảng” [2, t. 10, tr. 402]; đồng thời, Hồ Chí Minh đã kiên quyết “phản đối sùng bái cá nhân” [2, t. 10, tr. 312].

Giải pháp nào để quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, nhân dân?

Từ các phân tích được nêu ra ở trên, theo tác giả bài viết, cần phải thực hiện 5 giải pháp chủ yếu sau đây:

Một làđổi mới tư duy khoa học về khái niệm nói chung, khái niệm đảng chính trị, nhân dân, quốc phòng, pháp luật, pháp quyền, hay chiến tranh, hòa bình nói riêng cho mỗi công dân, đặc biệt là công dân trong lực lượng vũ trang. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều cụm từ, khái niệm chưa khoa học, như: “nhà nước”, “giai cấp”; thậm chí phản khoa học, như cụm từ: “cộng sản”, “xã hội chủ nghĩa”. Đổi mới tư duy khoa học về khái niệm (tư duy về tính chất, bản chất, thực chất của khái niệm) tức là cần giáo dục cho mỗi công dân, bộ đội biết nhận thức rõ khái niệm khoa học, để từ đó xác định phương pháp (bản chất), nguyên tắc (thực chất) bảo vệ “chủ quyền quốc gia” (quyền làm chủ của nhân dân trong quốc gia), hay bảo vệ “nhân quyền” (quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân). Hiện nay, hầu hết mọi công dân, cán bộ “trong Đảng và ngoài Đảng” [2, t. 8, tr. 356] ở Việt Nam còn chưa nhận thức rõ mô hình cấu trúc khách quan của khái niệm khoa học như sau: “bản chất bên trong (động từ) – thực chất ở giữa (danh từ) – tính chất bên ngoài (tính từ)” [6].

Chẳng hạn, hiện nay còn nhiều bộ đội, ngay cả cán bộ cấp tướng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương cũng chưa nhận thức rõ thực chất, mối quan hệ giữa các khái niệm “hòa bình” (tính chất bên ngoài: hòa bình về hành động – tức chính quyền phải bảo đảm quyền sống về vật chất của người dân), “thái bình” (bản chất bên trong: hòa bình về tư tưởng – tức chính quyền phải bảo đảm quyền tự do về tư tưởng của công dân) và “hòa bình thật sự” (thực chất: hòa bình cả về tư tưởng và hành động – tức chính quyền phải bảo đảm quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân).

Tức về tính chất, hòa bình là đối lập với chiến tranh; hòa bình chỉ là tạm thời, chiến tranh vẫn có thể xảy ra khi trong quốc gia Việt Nam còn tồn tại tư tưởng phong kiến chuyên chế, như: độc quyền về tư tưởng, cai trị của cá nhân (đảng viên cộng sản: Tổng bí thư trong Bộ Chính trị), nhóm (Đảng Cộng sản: “vua tập thể” – Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng). Đất nước thái bình hay hòa bình thật sự là khi trong chính quyền không còn “tư tưởng phản tiến bộ” (tư tưởng “thoái bộ” – tư tưởng bị suy thoái), như tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” – xã hội không có độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự, tức xã hội không có dân chủ, pháp quyền, phát triển.

Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ về tầm quan trọng của nguyên tắc “luật phát triển” (quy luật của phát triển xã hội) [2, t. 6, tr. 282]; phương pháp “thực hành dân chủ rộng rãi” (dân chủ thật sự) [2, t. 15, tr. 622]; nguyên lý “thần linh pháp quyền” – thực chất “cơ chế ‘tam quyền phân lập’ giữa các cơ quan lập pháp (độc lập), hành pháp (đối lập), tư pháp (trung lập)” [7]; mục tiêu của “chủ nghĩa xã hội phát triển” [2, t. 11, tr. 158]; hay sự sai lầm của quân đội khi không phân biệt rõ giữa hòa bình và thái bình như sau: “Chính vì lầm tưởng hòa bình là thái bình cho nên có những tư tưởng sai lầm” [2, t. 9, tr. 311]; “Lầm tưởng hòa bình là thái bình mà không lo củng cố lực lượng quốc phòng, thế là sai lầm, mà lại là sai lầm to. Như thế không giữ gìn hòa bình, không giữ gìn được Tổ quốc” [2, t. 9, tr. 437].

Hai làđổi mới tư duy về quân đội, nhân dân. Tính chất của quân đội là “bộ đội” (cá nhân: quân nhân) – bộ đội vì nhân dân; bản chất của quân đội là “đoàn quân” (nhóm: quân đoàn) – đoàn quân do nhân dân mà có; thực chất của quân đội là “quân đội nhân dân” (cộng đồng: quốc dân, đồng bào) – quân đội của nhân dân; tức quân đội là của quốc gia hay của “cộng đồng xã hội” (nước, đất nước), chứ không phải của “nhóm” (Đảng Cộng sản).

Theo đó, đổi mới tư duy về quân đội, nhân dân, tức là cần xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của quân đội không phải là trung với Đảng, bảo vệ Đảng Cộng sản (nhóm), mà là trung với “nước” (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hay nước Cộng hòa Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa) và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, quân đội là phải biết hiếu với “dân” (thương yêu quốc dân, đồng bào dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước), tức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân (cộng đồng dân tộc Việt Nam). Do vậy, cần phải bảo đảm tính “trung lập” của lực lượng quân đội trong quốc gia; tức đảng chính trị (Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam) không thể giữ vai trò lãnh đạo quân đội. Việc nắm giữ hay người “chỉ huy” cao nhất trong lực lượng quân đội cần phải là người đứng đầu Chính phủ của nhân dân, được Quốc hội thay mặt nhân dân Việt Nam trao cho. Hồ Chí Minh đã từng nói về điều này như sau: “Thống nhất các bộ đội vũ trang dưới quyền chỉ huy của Chính phủ” [2, t. 4, tr. 173].

Đồng thời, cùng với đổi mới tư duy về quân đội, nhân dân, cần phải xác định rõ nhiệm vụ của quân đội là không được làm kinh tế. Toàn bộ các đơn vị quân đội đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang tính dân sự hiện nay cần phải được chuyển khỏi quân đội; chỉ giữ lại một số đơn vị sản xuất, dịch vụ gắn với nhiệm vụ quân sự như nghiên cứu khoa học, sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự.

Ba làtất cả các kế hoạch, dự án, đạo luật, mục tiêu chiến lược về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển đất nước liên quan đến yếu tố nước ngoài đều cần phải được phản biện của xã hội, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an ninh quốc gia. Đặc biệt, các dự án liên quan đến doanh nghiệp “công” (“nhà nước”) và “tư” (tư nhân) của Trung Quốc, thì cần phải kiểm soát chặt chẽ để loại bỏ các hình thức xâm lược “kiểu mới”, như xâm phạm chủ quyền dạng “bất chấp pháp luật” nhằm chiếm biển đảo trong thời đại đã có pháp luật quốc tế; xâm lược kiểu “đồng hóa” dân tộc Việt Nam vào dân tộc Trung Hoa, hay xâm lược bằng cách “vẽ ra” đường “lưỡi bò” phi pháp trong các sản phẩm tiêu dùng, rồi đưa vào Việt Nam và các nước khác.v.v…

Bốn làcần loại bỏ ý thức hệ “cộng sản chủ nghĩa”,“xã hội chủ nghĩa” – các tính từ phản khoa học – đang tồn tại ở Việt Nam. Bởi vì, chính ý thức hệ này là nguồn gốc đẻ ra tệ sùng bái cá nhân, hay căn bệnh “chủ nghĩa cá nhân” – căn bệnh “mẹ” sinh ra nhiều căn bệnh “con” khác; đó là các căn bệnh: hiếu danh, kiêu ngạo, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư duy ấu trĩ, đề ra nhiều khẩu hiệu sai lầm, dẫn tới không nhận rõ bạn, thù. Chính các căn bệnh này đã biến quân đội trở thành kẻ thù phản quốc, hại dân.

Hồ Chí Minh đã từng nói về những điều nêu trên như sau: “Kiêu ngạo là… Xa tránh những người chính trực nói thẳng… Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc” [2, t. 8, tr. 507]; “không thể nào dung túng tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó” [2, t. 10, tr. 399]; “Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù” [2, t. 8, tr. 278]; “tự kiêu tự đại là thoái bộ. Bởi vậy, quân đội ta khi thành công càng phải khiêm tốn, chớ có tự kiêu tự đại” [2, t. 11, tr. 367].

Năm làcần thay đổi tên Đảng, tên nước (Nhà nước) để bảo đảm tri thức khoa học (tri thức “thật”) về hình thức tên gọi của quốc gia, tính chính danh của đảng cầm quyền – chính quyền dân sự (chính quyền của nhân dân). Đây là giải pháp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam; xây dựng chính quyền thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tạo niềm tin trong nhân dân về chính quyền dân chủ do chính mình bầu ra, sự thân thiện của đảng cầm quyền, Chính phủ trong quan hệ với các nước dân chủ, lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hiện nay, ngay tên đảng, tên nước ở Việt Nam đều phản khoa học, tức không liêm chính về học thuật. Đây là “sai lầm về tư tưởng” – căn nguyên có thể dẫn đến “cái chết” của quốc dân – quốc gia Việt Nam cả về mặt văn hóa (giá trị: quyền được tự do), chính trị (tinh thần: quyền được hạnh phúc) và kinh tế (quyền lợi: quyền được độc lập).

Nếu Đảng Cộng sản vẫn “kiên định” xây dựng “chế độ xã hội chủ nghĩa” [8], phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hay bắt nhân dân Việt Nam phải “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” [9] – xã hội phản khoa học cả về “hình thức” (tính chất: xã hội phản phát triển), “nội dung” (bản chất: xã hội phản dân chủ) và “nguyên lý” (thực chất: xã hội không có pháp quyền) – thì Đảng trở thành kẻ phản động, phản bội lại đất nước, nhân dân. Sự kiên định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa được coi là căn nguyên không chỉ dẫn đến sự “tồn vong của chế độ” [10] (cái chết của chế độ), mà còn dẫn đến sự “tồn vong” (cái chết) của ngay chính bản thân Đảng Cộng sản theo đúng “quy luật phát triển của cách mạng” [2, t. 11, tr. 92].

Việc đổi tên Đảng, tên nước mà tác giả nêu ra trên đây cần phải được tiến hành đồng thời với xóa bỏ tư tưởng “hận thù” giữa những người Việt Nam (đồng bào cùng một “Mẹ Việt Nam” sinh ra) với nhau; xây dựng quân đội trung lập, các đảng chính trị đối lập, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong quốc gia, tôn trọng sự khác biệt, chính kiến giữa các đảng phái; thực hiện sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thật sự; quy tụ ý kiến đóng góp sáng suốt của cộng đồng người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, nhằm đề ra phương thức lãnh đạo, phương pháp quản trị, xác định nguyên tắc luật, nguyên lý pháp quyền đúng đắn, xây dựng “khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” [11] để thực hiện, bảo đảm đạt được mục đích đường lối chính trị, mục tiêu chính sách phát triển đất nước bền vững, tức bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống tồn tại, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi (độc lập), giá trị (tự do), tinh thần (hạnh phúc) giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng.

Nguyễn Hữu Đổng