Tại sao các tổ chức đấu tranh cho dân chủ chưa phải là đối thủ của đảng CSVN? – Đỗ Minh Giám

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tại sao các tổ chức đấu tranh cho dân chủ chưa phải là đối thủ của đảng CSVN? – Đỗ Minh Giám

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trong cuộc phỏng vấn ông, do BBC tiếng Việt thực hiện ngày 26 tháng 4 năm 2013, đã phát biểu:“Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có.” (1)

Đã có nhiều phản ứng về phát biểu của ông Nguyễn đình Tấn. Đa số phản ứng đều không nhiều thì ít đồng ý với nhận định này. Bởi vì thực tế cho thấy đã có nhiều cơ hội để đi đến dân chủ nhưng các tổ chức tranh đấu cho dân chủ đã bỏ lỡ vì còn quá yếu.(2)

Thực tế này buộc chúng ta phải xem xét tại sao các tổ chức tranh đấu cho dân chủ còn quá yếu?

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự yếu kém này. Có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Ở đây chúng ta chỉ nêu ra một số nguyên nhân có ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển và lớn mạnh của tổ chức.

Những nguyên nhân khách quan:

– Cơ cấu tổ chức xã hội

Lịch sử đất nước chúng ta từ thời quân chủ qua thời đô hộ đến thời cộng sản hiện nay đều có cùng một hình thức cơ cấu tổ chức xã hội. Đó là cơ cấu tổ chức xã hội chỉ có nhà nước và các tổ chức đoàn thể do nhà nước tổ chức và điều khiển. Các tổ chức đoàn thể không do nhà nước tổ chức và điều khiển bị coi là phản loạn và bị tiêu diệt bằng mọi cách. Những người tham gia các tổ chức này dưới thời quân chủ thì bị chu di tam tộc, dưới thời đô hộ thì bị tử hình hay bị tù đầy và dười thời cộng sản ngoài việc bị tử hình hay tù đầy thì con cháu còn bị ghi lý lịch ba đời phải sống là công dân hạng hai. Với một môi trường sống như vậy thì việc thành lập tổ chức đảng phái độc lập và đối lập để bảo vệ quyền lợi của mình là điều không thể thực hiện để trở thành một nếp sống, một truyền thống sinh hoạt của người dân. Không có một nếp sống, một truyền thống sinh hoạt như vậy thì việc hình thành một tổ chức đảng phái đối lập có thể là đối thủ của đảng cộng sản Việt nam là một việc khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

– Tâm lý sợ đảng phái

Do việc bị tử hình hay tù đày và bị ghi lý lịch ba đời là công dân hạng hai khiến người ta sợ đảng phái không dám tham gia. Chỉ còn những người có tham vọng cướp và nắm chính quyền mới muốn tham gia đảng phái. Điều này làm cho nhiều người dân nghĩ sai về việc tham gia đảng phái. Họ chỉ nghĩ tham gia đảng phái là muốn nắm chính quyền. Và vì họ không thích nắm chính quyền nên sợ đảng phái không thích tham gia.

Ý nghĩ này cần phải thay đổi. Vì thực tiễn cho thấy là: ”Muốn bảo vệ những quyền mình được hưởng một cách chắc chắn thì phải có tổ chức. Tham gia tổ chức đảng phái là để đòi hỏi và bảo vệ những quyền ấy. Một tổ chức phải có hai thành phần hội viên: một thành phần tích cực đứng ra để tranh đấu bảo vệ và nếu có thể thì nắm chính quyền để việc bảo vệ những quyền mình đòi hỏi sẽ dễ dàng hơn và một thành phần ủng hộ và yểm trợ giúp các thành viên tích cực dễ dàng thành công. Không có đủ hai thành phần này thì một tổ chức không thể mạnh được”.

Như vậy việc tham gia tổ chức đảng phái không có nghĩa là mình phải nắm chính quyền mà chỉ có mục đích để bảo vệ những quyền mà mình được hưởng. Bao lâu chưa nắm bắt được thực tiễn này thì việc hình thành một tổ chức đấu tranh cho những quyền con người chưa có thể lớn mạnh được. Điều này cho thấy tại sao các tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ cứ bị èo ọt mãi và chưa có thể là đối thủ của đảng cộng sản Việt nam trong giai đoạn hiện nay.

– Văn hoá tìm giải pháp cá nhân cho những vấn đề chung

Một xã hội đặt nặng tập thể và không coi cá nhân là giá trị phải phục vụ thì việc người ta lo tìm những giải pháp cá nhân cho những vấn đề chung chỉ là phản ứng tự nhiên. Đồng thời việc cấm không cho thành lập tổ chức đảng phái để đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của mình cũng làm cho người Việt có thói quen đi tìm giải pháp cá nhân cho những vấn đề chung. Thói quen này đưa đến việc đầu tiên là hối lộ càng ngày càng lớn và sẽ thành nếp sống. Việc thứ hai là thấy không cần có tổ chức. Điều này ảnh hưởng tới việc hình thành một tổ chức tranh đấu lớn mạnh.

– Ảnh hưởng gia đình

Ảnh hưởng gia đình cũng rất quan trọng đối với việc tham gia tổ chức. Ngoài việc gia đình lo sợ bị nhà nước bỏ tù và các con cái bị ảnh hưởng trong tương lai thì việc mưu sinh của gia đình cũng là một áp lực không nhỏ đối với người muốn tham gia tổ chức. Không thể phó mặc cho gia đình chết đói để đi tham gia tổ chức mà chỉ có hi sinh và tốn tiền. Điều này cũng là một trở ngại lớn cho việc phát triển tổ chức. Và đó cũng là lý do khiến cho tổ chức không lớn mạnh vì người tham gia tổ chức không thể dành nhiều thì giờ cho tổ chức.

Những nguyên nhân chủ quan:

– Cách thức tổ chức đảng phái dựa trên những nhận định không phù hợp với thực tế

Có hai thực tế cần xem xét về việc tổ chức đảng phái. Một là tổ chức dựa trên những tiêu chuẩn: tiền, quyền và có chế tài liên quan đến cuộc sống của người tham gia tổ chức. Thực tế một này mang tính độc tài và phù hợp với não trạng độc tài. Hai là dựa trên những tiêu chuẩn: không tiền, không quyền và trên sự tự nguyện của người tham gia xuất phát từ lý tưởng và trách nhiệm. Thực tế hai này dựa vào tinh thần tự do dân chủ và lý tưởng tìm giải pháp chung cho những vấn đề cá nhân.

Đảng cộng sản Việt nam đã dựa trên thực tế một và chú trọng đặc biệt tới tiêu chuẩn chế tài. Khi thành lập đảng họ đã thành lập ngay một bộ máy trấn áp để khống chế đảng viên. Ngoài việc không chế trực tiếp đảng viên, họ còn khống chế cả vợ con cha mẹ và gia đình để gây sức ép trên đảng viên. Ngày nay thực tế một không còn phù hợp với thời đại tự do dân chủ. Nhưng nhiều tổ chức được thành lập vẫn nghiên cứu và áp dụng cách thức tổ chức như theo cách dựa trên thực tế một là thực tế của thời phong kiến. Đang khi thực tiễn của việc hình thành tổ chức đang đi theo cách dựa vào thực tế hai của thời tự do dân chủ nghĩa là không tiền, không quyền và chỉ dựa vào sự tự nguyện của cá nhân.

Vì áp dụng cách thức tổ chức dựa vào thực tế một cho việc tổ chức đang đi theo hướng của thực tế hai nên các tổ chức càng ngày càng èo ọt và co rút lại. Đó cũng là lý do các tổ chức chưa có thể là đối thủ của đảng cộng sản vào lúc này. Điều này buộc các người thành lập và phát triển tổ chức phải tích cực vận dụng trí não và đối chiếu với thực tế để tìm ra một cách thức tổ chức mới phù hơp với hoàn cảnh thực tiễn của tự do dân chủ. Không thể lười suy nghĩ để cứ đi theo lối mòn không còn phù hợp nữa và như vậy chỉ làm tổ chức sẽ bị tàn rụi.

– Mục tiêu của tổ chức không cụ thể và thiết thực với cuộc sống của người dân

Một trong những lý do làm cho tổ chức không phát triển được là mục tiêu của tổ chức không cụ thể và thiết thực với nhiều người. Đối với nhiều người dân thì tự do dân chủ không ăn được nên họ không cảm nhận được. Vì vậy nhiều người dân vẫn không thấy được lợi ích cụ thể của tự do dân chủ mà chỉ nhìn thấy tự do dân chủ sẽ đưa đến hỗn loạn.

Do đó lời kêu gọi tự do dân chủ đối với nhiều người dân vẫn là một cái gì xa vời, không thiết thực mà còn có thể đưa đến hỗn loạn. Thế mà các tổ chức cứ giương cao ngọn cờ tự do dân chủ, một ngọn cờ mà người dân không nhận thấy mình ở ngọn cờ đó. Điều này khiến người dân không ủng hộ các tổ chức.

Vậy phải mạnh dạn đi thực địa để tìm hiểu dân chúng muốn gì và mục tiêu nào dân chúng nhìn thấy mình và đồng nhất mình với nó. Nhờ vậy ta sẽ có thể đưa ra được những mục tiêu tranh đấu cụ thể mà người dân nhìn thấy mình và đồng nhất mình với những mục tiêu ấy. Có như vậy họ mới sẵn sàng hy sinh tranh đấu cho những mục tiêu ấy. Thí dụ như những sự việc: người dân mong muốn có đất và quyền làm chủ, không bị tham nhũng, có cơ hội học hành, được bảo vệ sức khoẻ miễn phí, có công ăn việc làm, có an ninh, có cuộc sống đạo đức v.v. Đó là những mục tiêu người dân có thể ăn được, sờ được và thấy mình ở trong đó. Như vậy mới lôi kéo được sự hưởng ứng và tham gia của người dân. Và từ đó mới hy vọng tổ chức sẽ lớn mạnh và có thể là đối thủ của đảng cộng sản Việt Nam.

– Phương pháp để đi đến mục tiêu không rõ ràng và cụ thể

Chúng ta cứ lúng túng giữa phương pháp bạo động và phương pháp bất bạo động. Điều đó khiến cho phương pháp đi đến mục tiêu không rõ ràng và cụ thể. Phải xác định là mình sẽ áp dụng phương pháp nào? Và nếu áp dụng thì phải làm sao? Để có thể xác định được chúng ta nên áp dụng phương pháp nào thì việc đầu tiên chúng ta cần rà soát lại lịch sử của những năm gần đây để biết kết quả của việc áp dụng các phương pháp ấy ra sao.

Lịch sử tranh đấu để thay đổi chính thể trong những năm gần đây cho thấy: đối với các chính thể độc tài cá nhân hay quân phiệt thì cả tranh đấu bạo động lẫn bất bạo động đều có thể đưa đến kết quả. Nhưng tranh đấu bất bạo động đưa đến kết quả bớt đau thương và hận thù hơn. Xem những bằng chứng cụ thể ở Nam Phi và gần đây ở Burma. Còn đối với các chính thể độc tài đảng trị như độc tài cộng sản thì tranh đấu bạo động thường không đưa đến kết quả vì đảng cộng sản là bậc thầy về tranh đấu bạo động và ta chỉ là học trò cho nên nếu ta dùng sở trường của họ để đánh họ thì kết quả phần thất bại nhất định thuộc về ta. Trái lại tranh đấu bất bạo động trong nhiều trường hợp đã đưa đến thành công như Ba Lan và các nước Đông Âu. Kinh nghiệm lịch sử này cho chúng ta thấy chúng ta không nên chọn lựa bạo động vì bạo động không đem đến kết quả đối với chế độ độc tài đảng trị như độc tài cộng sản. Thêm vào đó chúng ta không có khả năng để dùng bạo động, chúng ta không đủ tàn bạo và vì những tổn thất đau thương gây ra do bạo động. Cho nên cách tốt nhất là chúng ta nên chọn lựa phương pháp bất bạo động. Đó là phương pháp tranh đấu phù hợp với khả năng chúng ta và với trào lưu thời đại. Nó cũng giúp chúng ta dễ dàng thành công hơn là với bạo động và cũng bớt gây ra đau thương, đổ vỡ và hận thù cho đất nước.

Những bài học về tranh đấu bất bạo động của Nam Phi, cùa các nước cộng sản Đông Âu, của các cuộc cách mạng màu cho chúng ta những ý kiến cụ thể và hữu ích về việc chọn lựa những phương pháp tranh đấu với đảng cộng sản. Nhờ đó chúng ta có được những phương pháp rõ ràng, cụ thể và hiệu nghiệm để tranh đấu.

Nhưng quan trọng là một khi đã chọn thì phải xác tín với điều mình đã chọn. Không thể đã chọn bất bạo động mà còn nghi ngờ và trong đầu vẫn còn não trạng thích bạo động. Phải dứt khoát gạt bỏ não trạng thích bạo động – một não trạng thích đánh và đánh trả, thích trả thù để rửa nhục, luôn tiềm ẩn trong vô thức – và đi tìm hiểu học hỏi về bất bạo động để áp dụng có hiệu quả cho cuộc đấu tranh dành tự do dân chủ cho Việt nam.

– Tính cách của đoàn viên

Tính cách của đoàn viên cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và lớn mạnh của tổ chức. Đó là những tính cách như: gia nhập tổ chức vì tình cảm với ai đó trong tổ chức mà không phải vì lý tưởng mà tổ chức đề ra; theo tổ chức vì thấy tổ chức ấy mạnh; hăng hái lúc đầu và những lúc thành công nhưng thiếu kiên trì và tự tin trong những thời kỳ khó khăn, thất bại v.v. Ngoài ra còn những tính cách do đảng cộng sản Việt nam gây ra như thích địa vị chức quyền và tranh dành quyền lợi nhưng trốn tránh làm và không chịu nhận trách nhiệm, làm láo báo cáo hay v.v. đang trở thành nếp sống của người dân. Những tính cách này cản trở sự lớn mạnh của tổ chức. Chẳng hạn như vào tổ chức vì cảm tình với một người nào đó trong tổ chức, đến khi giận một người nào khác trong tổ chức thì lại rời tổ chức. Hoặc vào vì nghĩ tổ chức ấy mạnh, sau đó thấy không mạnh như mình nghĩ thì lại bỏ tổ chức. Hoặc nói hay nhưng không chịu làm và đùn cho người khác kiểu mồm miệng đỡ chân tay. Những tính cách kiểu như vậy cần phải quan tâm để thay đổi.

Trên đây chúng ta vừa xem xét qua những yếu tố làm cho tổ chức yếu kém không phát triển được. Mặc dầu những yếu tố khách quan cũng quan trọng nhưng những yếu tố chủ quan mới là những yếu tố quyết định. Bởi vậy chính chúng ta sẽ quyết định tổ chức chúng ta như thế nào: là tổ chức chính trị đủ sức đối đầu với đảng cộng sản hay chỉ là tổ chức ái hữu hoặc tổ chức tưởng niệm. Nếu chúng ta quyết định tổ chức chúng ta là tổ chức chính trị thì chúng ta phải cố gắng thay đổi những tư duy và lề lối làm việc không phù hợp với thực tế và không còn hợp thời để thay vào đó bằng những tư duy và lề lối làm việc phù hợp với thực tế và thời đại. Phải có can đảm dám vứt bỏ những tư duy và lề lối làm việc không còn phù hợp với thực tiễn và sự tiến bộ của loài người để tiếp nhận những cái mới phù hợp hơn. Có như vậy mới hy vọng tổ chức tranh đấu của chúng ta sẽ là đối thủ ngang tầm với đảng cộng sản Việt Nam.

Đỗ Minh Giám

Ngày 17-01-2014

 

*Nội dung bài viết không hoàn toàn phản ảnh quan điểm của Đảng Tân Đại Việt

(1) Đảng không có đối thủ:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/04/130426_prof_nguyendinhtan.shtml

(2) Có phải đảng CSVN hiện nay không có đối thủ?:

http://vietnamese.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-vn-comm-no-rival-12082013053208.html