Tác hại của bạo lực chính trị và kích động hận thù
Nhân vật chính trị hàng đầu của Argentina, bà phó tổng thống Cristina Kirchner, đã may mắn sống sót hôm tối Thứ Năm 1/6 sau vụ ám sát bằng súng Bersa 9 mm nhưng súng kẹt cò khi bà đang ở cự ly trống sát nút (point-blank range).
Kẻ tấn công đã bị những người ngoài cuộc tóm lấy và bị bắt giữ. Nguời đàn ông Brazil này 35 tuổi, sống ở Argentina từ năm 1993.
Vụ việc diễn ra khi bà đang chào hỏi những người ủng hộ bên ngoài nhà của bà trong khu phố Recoleta ở Buenos Aires vào lúc 9 giờ tối.
Bà là cựu tổng thống hai nhiệm kỳ, là nhân vật chính trị hàng đầu của Argentina. Qua video ta thấy bà phản ứng bằng cách che mặt và cúi xuống.
Bộ trưởng an ninh Aníbal Fernández cho biết khẩu súng có 5 viên đạn “và không bắn được mặc dù đã bóp cò”. Ông ra lệnh ngày thứ Sáu hôm sau là ngày lễ quốc gia để mọi người có thời gian “tự cảm nhận về việc bảo vệ mạng sống, bảo vệ dân chủ và đoàn kết với phó tổng thống”.
Mức độ bạo lực bằng lời kích động đã gia tăng một cách đáng báo động từ các chính trị gia đối lập ở Argentina và xảy ra thường xuyên trong năm nay, chủ yếu tập trung vào cáo buộc tham nhũng được đệ trình lên tòa án, chống lại bà Kirchner. Một số chính trị gia đối lập cực đoan đã kêu gọi áp dụng lại án tử hình cho bà.
Bà bị chống đối vì dính vào các cáo buộc là ủng hộ công ty xây dựng của một đồng minh thân cận, cho các hợp đồng đường bộ ở tỉnh Santa Cruz, quê hương của bà, trong hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015.
Công tố viên Diego Luciani tuần trước đã kêu gọi mức án 12 năm tù nếu bà bị kết tội, kích động các cuộc biểu tình chống bà lan rộng khắp Argentina, bao gồm cả trước nhà của bà ở Buenos Aires.
Phản ứng lại, bà cho rằng các cáo buộc có động cơ chính trị và bà đang phải đối mặt với “một đội xử bắn qua trung gian tư pháp”.
Nhiều người cho rằng bà sẽ tranh cử vào Thượng viện, và có thể là tổng thống, trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Việc thủ phạm là người Brazil đã gây làn sóng chấn động cho Brazil, nơi mà ngày càng có nhiều lo ngại rằng những lời lẽ cực đoan của vị tổng thống cực hữu, Jair Bolsonaro, có thể truyền cảm hứng cho bạo lực.
Brazil còn một tháng nữa là bầu cử tổng thống, TT Bolsonaro sẽ phải đối mặt với đối thủ gay cấn của ông, cựu tổng thống cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva.
Ông Lula được cho là đã phải mặc áo chống đạn tại các cuộc vận động vì sợ một cuộc tấn công tương tự từ những kẻ cực đoan cánh hữu.
Ông Lula là đồng minh của bà Kirchner. Năm 2018, TT Bolsonaro gây sóng gió với lời kêu gọi những người ủng hộ ông dùng “súng máy” với đối thủ cánh tả.
Cựu tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff đã lên án cuộc tấn công và cảnh báo về nguy cơ bạo lực chính trị đang gia tăng. Bà nói rằng “Hận thù chính trị và bạo lực kiểu phát xít, được khuyến khích bởi các chính trị gia cực đoan, là mối đe dọa đối với nền dân chủ ở châu Mỹ Latinh”.
Ông Lula cho rằng kẻ tấn công đến từ phong trào phát xít.
Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric Font, nói rằng âm mưu ám sát phải bị cả châu lục lên án và “Con đường đi phải luôn là con đường của quan điểm và đối thoại, không bao giờ là con đường của vũ khí và bạo lực”.
Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sánchez nói rằng “Hận thù và bạo lực sẽ không bao giờ chiến thắng dân chủ”
FB Lê Minh Nguyên
https://bit.ly/3elMIhn