Sự vô cảm nguy hại ra sao đối với đất nước?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự vô cảm nguy hại ra sao đối với đất nước?

Giao thông ở Hà Nội vào ngày 29/1/2016 – AFP photo

Chân Như, phóng viên RFA, 2016-03-16
Vô cảm hay nói một cách nôm na là không có cảm xúc đang là vấn nạn của cả xã hội Việt Nam. Hầu hết mọi người không chỉ thờ ơ thản nhiên trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của những mảnh đời mà còn thờ ơ với đời sống xã hội, chính trị. Những điều đó sẽ ngụy hại như thế nào trước tình hình đất nước ngày nay? Đó là chủ đề của mục Diễn đàn bạn trẻ cùng với Chân Như và các bạn khách mời sau đây.

Giọt nước tràn ly

Chân Như: Chào các bạn. Vừa qua, vụ tai nạn ở Ái Mộ, Long Biên đã đánh động cả xã hội vấn nạn vô cảm khi có người gặp nạn. Các bạn suy nghĩ sao về việc này?
Hoàng Vũ: Vụ tai nạn ở Ái Mộ, Long Biên làm chết ba người. Em có đọc chia sẻ của một cô giáo chứng kiến từ đầu đến cuối cho thấy tình trạng vô cảm của người xung quanh khi cô giáo muốn cứu học sinh. Thật ra sự vô cảm đó không lạ gì, vốn dĩ nó có từ rất lâu rồi. Rất nhiều vụ tai nạn trước đây xảy ra, cũng như những điều sai trái xảy ra hằng ngày trên đường nhưng mọi người rất thờ ơ, sợ liên lụy đến mình. Bản thân em không thấy lạ với điều đó.

Mình cho rằng sự vô cảm này nó ăn sâu vào trong mỗi người dân Việt Nam vài chục năm nay dưới xã hội thể chế cộng sản này. Thực ra vụ Ái Mộ, Long Biên giống như là giọt nước tràn ly khi truyền thông cả lề trái và phải phơi bày ra một cách trần trụi nhất thôi chứ thật ra sự vô cảm này nó lâu rồi. – Trung Hiếu

Trung Hiếu: Mình cho rằng sự vô cảm này nó ăn sâu vào trong mỗi người dân Việt Nam vài chục năm nay dưới xã hội thể chế cộng sản này. Thực ra vụ Ái Mộ, Long Biên giống như là giọt nước tràn ly khi truyền thông cả lề trái và phải phơi bày ra một cách trần trụi nhất thôi chứ thật ra sự vô cảm này nó lâu rồi.
Mình nhớ có vụ, ngày 20 tháng 9, 2012 ở Ban Mê Thuột có một cậu bé học lớp 10 khi va chạm với một bác 60 mấy tuổi; Khi đưa bác đó vào bệnh viện thì bên công an điều tra họ bảo cậu bé gây ra tai nạn đó và tuyên 9 tháng hoăc 12 tháng tù. Rất may có phóng viên tìm ra được một số hồ sơ mà công an cố tình bỏ quên và sau khi ở trong tù 52 ngày thì cậu bé được ra khỏi. Từ những chuyện rất nhỏ đến chuyện lớn khi người dân họ tích cực giúp đỡ thì xảy ra tình trạng tréo ngoe như vậy dần dần lâu ngày biến thành sự vô cảm vì họ sợ liên lụy.
Chân Như: Ngoài chuyện tai nạn trên đường, trong chuyện chính trị – xã hội, các bạn có cảm nhận thấy sự thờ ơ, vô cảm đó không?
Văn Tráng: Với vấn đề chính trị – xã hội, chúng ta đều hiểu việc người dân vô cảm là chuyện đương nhiên. Họ bàng quang trước vấn đề mang tính chất cấp bách của quốc gia như về vấn đề Biển Đông, Trung quốc đâm tàu VN, bồi đắp Hoàng Sa Trường Sa, giết ngư dân, hay vấn đề mang tính chất nhỏ hơn như an sinh xã hội. Thậm chí, những điều cơ bản như điện nước xăng dầu, họ cũng chẳng quan tâm và xem như đó không phải là việc của mình. Tư tưởng của họ là tất cả đã có đảng và nhà nước lo. Đối với những người có chút hiểu biết trong xã hội thì họ nhận ra được chiều hướng xấu của xã hội thì họ lại lo sợ; đơn giản họ suy nghĩ có lên tiếng cũng không giúp được gì cả. Em có nhớ một câu của ai đó nói hằng ngày người ta đang bỏ phiếu mà không hề biết: trẻ trâu thì bỏ phiếu cho IS hoặc Lê Văn Luyện, thanh niên thì bỏ phiếu cho Bà Tưng hoặc Ngọc Trinh… Ở xã hội hiện nay nó đang thể hiện đúng như những gì họ bỏ phiếu. Họ không quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội nên nẩy sinh ra vấn đề lạm quyền, cướp đất, rất nhiều tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đó là những thực tế và hệ lụy trong xã hội ngày nay.
Trung Hiếu: Điều này chắc chắn như vậy rồi. Đối với tụi mình thì không còn là cảm nhận nữa, mà là trải nghiệm rồi. Trải nghiệm không chỉ là giao tiếp với cộng đồng xã hội mọi người nữa, nhưng sự vô cảm lại đến chính từ gia đình và người thân của mình. Chính trong gia đình mình nhiều khi họ không hiểu. Mình quan tâm về xã hội nhiều thì giống như Tráng nói vừa rồi, sẽ hạn chế bớt những chính sách không đúng. Nếu như một chính sách của chính quyền đưa ra có những bất cập mình phản ứng lên tiếng, thì rõ ràng những bất cập tiêu cực, những cái chưa được của chính sách sẽ được hạn chế đi rất nhiều. Cho nên rút lại một câu, nó không còn là cảm nhận nữa mà nó trở thành trải nghiệm của những người chấp nhận phản biện hiện nay ở trong nước.
Hoàng Vũ: Chuyện các vấn đề chính trị-xã hội cùng với sự vô cảm rõ ràng lắm rồi, thưa anh. Mọi người coi chuyện chính trị là chuyện của thiên hạ chứ không phải của mình, là chuyện đấu đá giữa ông nọ bà kia với nhau, còn mình chỉ lo thân mình thôi, cuộc sống của mình thôi. Tuy nhiên, mọi người không hiểu được một điều nữa là bản thân mình không thể tách rời được khỏi cộng đồng xã hội, trong môi trường chung; Đều phải hít thở bầu không khí chung hằng ngày, đều phải ăn và uống nước uống chung, những thức ăn độc hại hằng ngày. Đó là điều rất dở của mọi người bởi vì người ta sợ hãi và vô cảm từ rất lâu rồi.
034_1626448.jpg
034_1626448.jpg
Chân Như: Thì điều đó nguy hại thế nào? 
Hoàng Vũ: Thì rõ ràng là ngay bây giờ cũng đã và đang ảnh hưởng và nguy hại đến mọi người một cách càng rõ rệt từ các chính sách từ đảng và nhà nước đưa ra nhưng mọi người cứ im lặng và không có sự đấu tranh; cho đến các môi trường sống độc hại mọi người cũng làm ngơ không nhìn ra gốc rễ của vấn đề để lên tiếng. Họ cứ nghĩ đơn giản chỉ đi làm kiếm thật nhiều tiền, sau đó mua nhà mua xe để cho con cái học trường tốt, chỉ dừng lại như vậy. Nhưng rồi một ngày các chính sách của nhà nước đưa ra nó không hợp lý và khi nợ công tăng quá vượt trần sẽ dẫn đến ví dụ xẩy ra một vụ đổi tiền nữa chắng hạn (giống như trong quá khứ mà nhà nước cộng sản đã từng làm), cuối cùng người dân lại trắng tay. Người dân không ý thức được điều ấy, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì nó sẽ xảy ra những hệ lụy như vậy, chính người dân nhận hậu quả thôi .
Văn Tráng: Em xin chia sẻ thêm một chút về những hậu quả do người dân vô cảm với vấn đề chính trị xã hội. Những vấn đề chính trị xã hội, thật ra nó chỉ là những cách đối nhân xử thế đó là những vấn đề rất nhỏ trong cuộc sống chúng ta mớ rau con cá vv..Thì đi xa hơn một chút nếu người dân người ta vô cảm đến vấn đề chính trị xã hội nó sẽ làm suy giảm các giá trị đạo đức. Bên cạnh đó còn đẩy đất nước đến bờ vực hậu quả suy thoái. Cụ thể như bệnh vô cảm cũng dẫn đến chết người như vụ Ái Mộ, Long Biên là một ví dụ điển hình. Khi mà công an dính đến tính mạng của người dân thì người dân rất dễ chết, khi đồng loại vô cảm với nhau chẳng còn ai cứu giúp nữa, bác sĩ vô cảm với bệnh nhân thì người nhà còn biết trông chờ vào ai và rồi khi những người xung quanh gặp tai nạn mình không cứu thì đẩy người ta vào vòng nguy hiểm. Thứ hai, bệnh vô cảm nó có thể để lại một tai họa rất lớn cho đất nước như việc tạo ra một thế hệ, những tầng lớp người vô trách nhiệm; Luật sư có thể vô trách nhiệm với lợi ích của thân chủ, giáo viên vô trách nhiệm với việc đào tạo cho học sinh, bác sĩ vô trách nhiệm với người bệnh… Hậu quả là tạo ra một guồng máy không còn trơn tru nữa, hoạt động không hết được công suất. Một vấn đề quan trọng hơn nữa đó là bệnh vô cảm khiến cho đất nước suy vong. Như chúng ta đã biết công chức là xương sống của một đất nước nhưng họ lại vô cảm trước những nguyện vọng chính đáng của người dân. Do vậy, họ không thể nào nhìn thấy và thấy hiểu được những cái khốn khó của người dân. Thậm chí, họ không giải quyết được những tranh chấp khiếu kiện mà còn gây khó dễ để được đút lót, chung chi hoặc trù dập, dùng vũ lực để chiếm lấy đất; Hoặc là những người dân oan bị mất đất khiến họ phải có những hành động tiêu cực hơn, đẩy đất nước đến những hoàn cảnh thật éo le và đi đến tình trạng tụt hậu và có thể diệt vong.

Giải pháp khắc phục

Chân Như: Theo các bạn, giải pháp nào để khắc phục sự vô cảm này?

Theo em nghĩ, trước nhất, là chính mỗi bản thân chúng ta phải sống đúng chuẩn mực, biết đồng cảm với mọi người, biết trao dồi học hỏi và biết yêu thương nhau. -Văn Tráng

Văn Tráng: Về vấn đề này, em chia những mấu chốt của vấn đề ra để thấy từ đâu sinh ra nạn vô cảm và biện pháp khắc phục. Theo em nghĩ, trước nhất, là chính mỗi bản thân chúng ta phải sống đúng chuẩn mực, biết đồng cảm với mọi người, biết trao dồi học hỏi và biết yêu thương nhau. Đối với gia đình, muốn con cái trở nên tốt hơn thì phải biết sống yêu thương nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau, các thế hệ phải biết quan tâm đến nhau, người lớn phải làm gương cho con cái sau này. Và môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức, không chỉ là nơi nhồi nhét kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức và giáo dục sự đồng cảm với các bạn trẻ. Học sinh cần phải biết cách ứng xử, biết cách quan tâm giúp đỡ mọi người và phải được giáo dục những kỹ năng sống thiết thực. Bên cạnh đó còn phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cho học sinh vì học sinh Việt Nam rất thụ động, khi chỉ tiếp thu kiến thức thầy truyền đạt chứ ít khi dám phản biện lại. Rất cần phải dạy cho họ tinh thần mạnh mẽ dám đấu tranh, dám đương đầu với những gì họ cảm thấy không đúng. Bên cạnh đó, xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo cơ hội cho họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là cần có những chương trình thiết thực, dạy họ quan tâm, yêu thương, biết tinh thần hy sinh, biết giúp đỡ mọi người.
Nếu một xã hội vô cảm thì đấy là một xã hội chết. Và cuối cùng quan trọng nhất là thể chế chính trị, là chính quyền này. Rất nhiều người chia sẻ rằng bản thân họ không hề muốn vô cảm chút nào, nhưng khi họ giúp một người, chẳng hạn tai nạn giao thông thì công an liên tục làm khó họ khi người tham gia giao thông họ đang phải nằm bịnh viện thì công an họ tạm giữ, tạm giam họ luôn, chờ đến khi người ta tỉnh thì mới giải quyết cho họ. Và thay vì cứ trấn áp những tiếng nói bất đồng, những người quan tâm đến chính trị, thì họ nên chịu khó lắng nghe, nên chịu khó học hỏi và chấp nhận sự phản biện của những người bất đồng chính kiến. Hoặc là có những cách hành sử mang tính chất có lý có tình hơn như là vụ em bé học lớp 10, em chỉ vì giúp người thôi nhưng công an vào tận trường bắt đi. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cải cách hoặc là những nhà làm văn hoá (chúng ta trả lương cho họ) làm nghiên cứu những mô hình, nghiên cứu về cách giáo dục, nghiên cứu về việc xây dựng nếp sống, thì họ cần phải có trách nhiệm hơn, cần đi sâu đi sát vào xã hội hơn.
Trung Hiếu: Theo mình sự vô cảm của người dân hiện nay nó có rất nhiều nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, nền giáo dục hiện nay mình gọi là nền giáo dục chắp vá. Thứ hai, nếp sinh hoạt đời sống gia đình bị phá vỡ. Tuy nhiên, cho dù là những yếu tố gì đi chăng nữa mình vẫn quy về ở thế chế chính trị. Giáo dục cũng định hướng, mọi thông tin cũng định hướng, tất cả đều định hướng; Giống như một sự phát triển mà không được tự nhiên lúc nào cũng phải định hướng. Theo mình, mấu chốt là ở thể chế chính trị.
Hoàng Vũ: Vâng giải pháp để khắc phục sự vô cảm thì điều mình phải biết được đầu tiên là nguyên nhân. Theo em thì có hai nguyên nhân chính. Một là do chính quyền cộng sản nắm quyền và kiểm soát toàn bộ mọi hoạt động tư tưởng người dân. Họ kiểm soát một cách gọi là chặt chẽ và không để cho người dân có sự tự do nào cả. Từ đó, dẫn đến con người ta bị sợ hãi, từ sợ hãi đến dối trá. Người ta thấy cái xấu, cái sai trái và giả dối trong xã hội nhiều quá rồi nhưng không làm gì được. Có cảm giác con người ta bất lực không thể làm gì được, bởi vì mình có làm thì cũng chẳng thay đổi được gì cả. Đấy là cái suy nghĩ chung của mọi người như thế và từ đó dẫn đến tình trạng vô cảm. Giải pháp những điều đó như Tráng và anh Hiếu có nói đã khá đầy đủ: nguyên nhân gốc rễ là từ thể chế chính trị và sau đó dẫn đến sự thay đổi trong nền giáo dục.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình tuần này.