“Sử” Việt Cộng
Gần đây, ở hải ngoại bàn luận nhiều về bộ “Lịch Sử Việt Nam” do Việt Cộng xuất bản ở trong nước và quảng cáo rùm beng sau buổi ra mắt ngày 18.8.2017. Bộ “sử” ấy được nhiều người ở hải ngoại chú ý vì “nghe nói”… chúng nó không gọi “chúng ta” là “ngụy” nữa.
“Nghe nói” bộ Lịch Sử Việt Nam gọi chánh quyền Quốc Gia ở miền Nam trước “giải phóng” là chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người đã tỏ ra vui mừng và đoán già đoán non xem “biến cố” này là “chỉ dấu” báo trước những xoay chiều nào sắp được VC thi hành.
Nào là VC muốn dùng danh nghĩa VNCH để đòi lại Hoàng Sa, nào VC muốn hòa giải dân tộc để đoàn kết chống Trung quốc xâm lược, vân vân và vân vân.
Thí dụ bài “Từ ‘Việt Nam Cộng Hòa’ đến hòa giải dân tộc” của ông Bùi Văn Phú, một trí thức ở Berkeley, được mở đầu như sau:
Những ngày qua có thông tin Viện Sử học Việt Nam vừa cho phát hành bộ sử Việt gồm 15 tập, do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên, trong đó khi nói đến miền Nam từ năm 1956 đến 1975, những nhà viết sử đã dùng danh xưng đúng của mảnh đất này là “Việt Nam Cộng Hòa” chứ không còn gọi là “ngụy quyền Sài-Gòn”.
Nhiều thảo luận đã đưa ra lí giải vì sao có thay đổi cách gọi tên như thế.
Có ý kiến cho đây là vì Hà Nội muốn đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng – những vùng quần đảo này trước đây thuộc về Việt Nam Cộng hòa (miền Nam), còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) qua Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại thừa nhận Hoàng Sa nằm trong lãnh hải Trung Quốc.
Theo công pháp quốc tế thì chỉ khi thừa nhận có quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thì Hoàng Sa mới thuộc chủ quyền của nước Việt Nam.
Cũng có người nói thay đổi cách gọi tên của miền Nam là tạo không khí cho chính sách hòa giải dân tộc để chung sức chống lại Trung Quốc đang bành trướng.
Những nhà sử học cho đó là cách viết sử nghiêm minh và chuẩn mực, điều mà trước nay bởi nguyên do chính trị và tuyên truyền nên sách sử xuất bản tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã dùng những từ miệt thị khi nói về Việt Nam Cộng hòa, như khi nói về chính quyền thì gọi là “ngụy quyền” và những người phục vụ chính quyền đó là “ngụy quân”.
Tuy nhiên, một tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lên tiếng phản đối cách gọi tên đó và cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là “một thây ma” đã chết từ lâu không việc gì phải dựng nó sống lại.
Trên Facebook của tôi, có bạn tỏ ra rất lạc quan với những biến chuyển chính trị trong vòng một năm qua, với việc Việt Nam đang xích gần lại với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết trong quan hệ mang tính chiến lược, trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, và đang tạo ảnh hưởng đến lãnh đạo Hà Nội cũng như tác động đến nền kinh tế đang có nhiều khó khăn ở Việt Nam.
Cũng có nhận định cho rằng sắp đến thời điểm đem Hiệp định Paris 1973 ra để thi hành.
Sự kiện này không phải là điều mới. Từ thập niên 1990, giáo sư Vũ Quốc Thúc, một nhà kinh tế và giáo sư đại học thời Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra chủ trương khôi phục và thi hành Hiệp định Paris, tức là đòi cho người dân miền Nam được quyền tự quyết về tương lai chính trị và những quyền tự do căn bản. (ngưng trích)
Sử gia Trần Gia Phụng cũng lên tiếng với bài “Lịch sử: Ngôn ngữ và quan điểm” có đoạn như sau:
Vì chưa được đọc bộ Lịch sử Việt Nam, nên bài nầy không nhận xét về bộ sách Lịch sử Việt Nam, mà chỉ giới hạn về phần giới thiệu sách của ban tổ chức trong buổi ra mắt sách ngày 18-8-2017.
1. Phải chăng ngôn ngữ thay đổi?
Trong buổi ra mắt sách ngày 18-8-2017, ngoài phần giới thiệu thông thường, có thêm phần trả lời báo chí, mà sách báo trong nước gọi là chia sẻ của PGS-TS (phó giáo sư tiến sĩ) Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam nầy.
Theo tiến sĩ Trần Đức Cường, bộ sử năm 2015 có nhiều nét mới, nhất là khi viết về nhà Mạc, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, và chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Vấn đề nhà Mạc, chúa Nguyễn và vua Nguyễn có phần cổ điển, ít được chú ý. Còn vấn để chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975, theo giáo sư Cường thì sách Lịch sử Việt Nam không còn gọi là ngụy quyền nữa, mà gọi là chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, nên những câu hỏi của báo chí xoay quanh nhiều về vấn đề nầy. Dưới đây xin trích lại nguyên văn các câu trả lời tiêu biểu của giáo sư Trần Đức Cường với báo chí về chuyện nhạy cảm nầy.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, giáo sư Trần Đức Cường nói: “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm Quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống.
Việt Nam Cộng hòa là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì? Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận.” (TTO tức Tuổi Trẻ Online)(1)
Trả lời ký giả Lan Hương đài RFA cũng về vấn Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Trần Đức Cường cho biết: “Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.
“Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.
“Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn.” (RFA ngày 21-8-2017.)
Phát biểu của giáo sư Cường đưa đến hai phản ứng thông thường: có người đồng ý và có người không đồng ý. Người không đồng ý ít hơn, không đáng kể, nhưng cũng xin ghi nhận ở đây, tiêu biểu là ý kiến của trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.
Trung tướng Tuấn nguyên là cục trưởng cục tuyên huấn, tổng cục chính trị quân đội CSVN, viết bài đăng trên mạng, đòi thu hồi bộ sách lịch sử mới phát hành. Ông Tuấn cho rằng không thể gọi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mà phải gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” như cũ. Ông Tuấn cáo buộc nhóm soạn sách đã bị “một nhóm cờ vàng hải ngoại, và bọn cơ hội cực đoan trong nước buộc bóp méo sự thật, nhằm để mọi người chấp nhận”. Ông Tuấn còn tiếp rằng nhóm soạn sách đã “làm việc không công cho Mỹ phá hoại đất nước”.(2)
Nhóm đồng ý với những phát biểu của giáo sư Cường và ban biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam cho rằng việc gọi Việt Nam Cộng Hòa đưa đến các điều lợi: 1) Xác nhận sự hiện diện của chính thể Việt Nam Cộng Hòa để xác nhận chủ quyền các quần đảo ngoài biển Đông, và xác nhận sự kế thừa hợp pháp trong những thỏa ước quốc tế mà Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được. 2) Mở đường cho việc hòa giải hòa hợp dân tộc, chẳng những với những quân nhân, công chức, dân chúng Việt Nam Cộng Hòa mà với con cháu trong đại gia đình của họ. 3) Sự hòa giải sẽ lôi kéo người Việt Hải ngoại trở về nước đầu tư, xây dựng đất nước. (Các phát biểu nầy đã được đăng trên các báo ở trong nước cũng như ở Hải ngoại.)
Nhận xét khen chê trên đây, hay những hội luận trên các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước về bộ sách Lịch sử Việt Nam chỉ dựa trên lời giới thiệu của PGS-TS Trần Đức Cường mà chưa đọc bộ sách Lịch sử Việt Nam, xem ra có phần vội vã, vì chưa biết thực tế bộ sách có đúng với lời giới thiệu của giáo sư Cường hay không? (ngưng trích)
Sau đó, ông Trần Gia Phụng đã chứng minh rằng VC đã chẳng thay đổi quan điểm gì cả và kết luận: “Cần chú ý là nhận thức lịch sử của đảng CSVN bắt nguồn cách đây cả thế kỷ, từ chốn xa xăm bên Moscow (Liên Xô) hay Bắc Kinh (Trung Cộng), được HCM và đồng đảng CS du nhập về Việt Nam, tạo dựng nên quan điểm sử học CSVN. Từ thời đó, nghĩa là cách đây gần 100 năm, quan điểm sử học CSVN đóng khung cứng nhắc, không bao giờ thay đổi, và không ai dám thay đổi. Thay đổi là đụng chạm đến HCM và nhứt là chủ trương độc tôn quyền lực của đảng CSVN, sẽ bị quy vào tội xét lại. Hơn nữa, khó một điều là nếu CSVN thay đổi nhận thức và quan điểm, ví dụ chủ trương chuyên chính vô sản, độc tôn quyền lực, thì CSVN có thể bị lâm nguy. Vì vậy CSVN không bao giờ thay đổi.” (hết trích)
Nhân nói tới nguồn gốc của đảng CSVN, cũng nên nhắc tới cuộc hội thảo quốc tế về “Nhân Quyền Cho Việt Nam” do Radio Irina (Tiếng Nói Tự Do từ Mạc- Tư- Khoa) tổ chức vào cuối tháng 4.1993 tại Mạc-tư-khoa, thành trì đổ nát của Mác-Lê, hai năm sau khi Liên-xô, cái nôi của CSVN, tan vỡ. Một số người Việt ở hải ngoại đã có mặt tham dự cuộc hội thảo này cùng với các nhân vật đến từ những nước khác và người Nga. Tại cuộc hội thảo này, Sử gia Nga G. Gramatsicov đã nói với phái đoàn Việt Nam: “Người Việt Nam có câu ngạn ngữ ‘uống nước nhớ nguồn’. Hồ Chí Minh đã đem nguồn nước độc hại từ Matxcơva về Việt Nam cho các bạn uống. Bây giờ chúng tôi đã tháo sạch nguồn nước dơ tại đây nhưng dân tộc Việt Nam vẫn phải tiếp tục uống nguồn nước dơ của cộng sản Nga. Chúng tôi cảm thấy có tội và muốn giúp các bạn làm sạch nguồn nước dơ ấy.”
Tại cuộc hội thảo cũng có mặt nhà báo Sait Kasum, vừa trốn thoát khỏi Cộng Hòa Tadjikistan đang trong cảnh tắm máu dưới chế độ cộng sản mới. Với nét hãi hùng còn in trên mặt, anh ta đã kể lại kinh nghiệm hòa hợp hòa giải với những người anh em cộng sản sau khi Liên Bang Xô -Viết tan rã.
Những người Việt Nam nào còn ôm giấc mơ hòa hợp hòa giải với Việt cộng hãy tìm đọc lịch sử Tadjikistan để tránh một bài học xương máu nữa cho chính mình. Những con người thông minh…chậm hiểu!
Cũng nhân cuộc tranh cãi về bộ “Lịch Sử Việt Nam” của Việt Cộng, có một “sự cố” nhỏ xảy ra dưới mái trường XHCN những năm Sài-Gòn mới “giải phóng” để trở thành TPHCM rất đáng được ghi vào Sổ Tay Ký Thiệt. Thời Việt Nam Cộng Hòa (không phải “thời ngụy” nhé), Giáo sư Đoàn Phi Loan dạy Triết tại Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Năm 1975, trước ngày thành phố Đà Lạt bị VC chiếm, cô giáo Loan cùng chồng con di tản về Sài-Gòn. Sau khi Sài-Gòn thất thủ, cô Phi-Loan thất nghiệp vì trường cũ BTX với hiệu trưởng mới “cách mạng 30” không nhận cho giáo sư di tản trở về dạy lại. Trở lại Sài-Gòn, sau mấy tháng lêu bêu, cô Phi-Loan xin được dạy lại tại Trường Tây Sơn cấp 3 (Saint Éxépury cũ), tức đệ nhị đệ nhất khi trước. Không có lớp Triết để dạy, nhà trường XHCN cho cô dạy Văn và Sử.
Một hôm trong giờ Sử về cuộc Thế Chiến II, cô Phi-Loan soạn “giáo án” (tức soạn bài dạy) theo tài liệu của sở Giáo Dục VC cung cấp. Khi cô giáo nói cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đã chấm dứt năm 1945 do Hồng quân Liên-Xô đánh bại Đức Quốc-Xã. Bỗng ở cuối lớp có tiếng la lớn: “Xạo!”
Cô giáo Loan giật mình nhìn xuống lớp, nhận ra cậu học trò đã nói câu “ghê gớm” ấy. Cô giáo nghiêm giọng mắng: “Sao em dám nói cô xạo?” Cậu học sinh lớp 12 trả lời liền: “Em không nói cô xạo. Em nói Việt cộng xạo!”
Tức thì có một học sinh mặt mày trông dữ tợn, xông tới nắm cổ áo tên vừa phát ra lời dại dột, quát lên: “Mày muốn yên thân mà học hay mày muốn đi cải tạo với mấy thằng ngụy?” Có lẽ cậu học sinh “dại dột” đã biết nhiệm vụ của tên này trong lớp học, cậu ta im lặng, không nói gì nữa.
Sau những bão táp xảy ra trong lớp học như thế, cô giáo Phi-Loan xin chuyển về một trường nhỏ trong cư xá Thanh Đa cho đến ngày vượt biên năm 1989.
Cô Phi-Loan đã qua đời tại Virginia hơn mười năm trước, để lại câu chuyện nhỏ trên đây cho những ai quan tâm tới bộ “Lịch Sử Việt Nam” đang được Việt cộng quảng cáo rùm beng mà một ngày nào đó, chắc không xa, sẽ bị ném ra bãi rác cùng với tượng lớn tượng bé của “bác Hồ vô vàn kính yêu”, nơi “bác” sẽ gặp đồng chí Lê-nin vĩ đại như bác viết trong di chúc năm 1969.
Ký Thiệt
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 163