Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tương lai của phương Tây
Nghiên Cứu Quốc tế
Posted on 25/08/2013 by The Observer
Nguồn: G. John Ikenberry (2008). “The Rise of China and the Future of the West: Can the Liberal System Survive?”, Foreign Affairs, Vol. 87, No. 1 (Jan. – Feb.), pp. 23-37.>>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Tố Uyên | Hiệu đính: Lâm Vũ
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành một trong những vở kịch nổi bật của thế kỷ 21. Sự phát triển kinh tế phi thường và chính sách ngoại giao linh hoạt của Trung Quốc đã tạo bước biến chuyển cho khu vực Đông Á, và những thập niên trong tương lai sẽ chứng kiến quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ hơn. Nhưng chính xác liệu vở kịch này sẽ được biểu diễn như thế nào thì vẫn còn là một câu hỏi mở. Liệu Trung Quốc sẽ lật đổ hệ thống hiện có hay sẽ trở thành một bộ phận trong đó? Và Mỹ có thể làm gì (nếu được) để duy trì vị thế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Một số nhà quan sát tin rằng kỷ nguyên của nước Mỹ đang đi đến hồi kết, khi mà trật tự thế giới định hướng bởi phương Tây được thay thế bằng một trật tự ngày càng bị chi phối từ phương Đông. Nhà sử học Niall Ferguson đã viết rằng thế kỷ 20 đẫm máu đã chứng kiến “sự xuống dốc của phương Tây” và “sự tái định hướng thế giới” về phía Đông. Các nhà chủ nghĩa hiện thực tiếp tục lưu ý rằng một khi Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và vị thế của Mỹ bị xói mòn, hai điều có thể xảy ra: Trung Quốc sẽ cố gắng dùng sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng để tái định hình luật lệ và thể chế của hệ thống quốc tế để phục vụ tốt hơn lợi ích của nước này. Những quốc gia khác trong hệ thống, đặc biệt là vị bá chủ đang suy yếu, sẽ bắt đầu xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh ngày một lớn dần.Và kết quả của những diễn biến này được dự báo sẽ là căng thẳng, ngờ vực và mâu thuẫn – những đặc điểm điển hình của quá trình chuyển dịch quyền lực.
Theo quan điểm này, vở kịch về sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ bao gồm một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và một nước Mỹ đang xuống dốc mắc kẹt trong một cuộc đối đầu quyết liệt về các luật lệ và vai trò lãnh đạo hệ thống quốc tế. Và khi mà quốc gia lớn nhất thế giới trỗi dậy không phải từ bên trong mà là từ bên ngoài trật tự thế giới được hình thành hậu Thế chiến II, đó sẽ là một vở kịch hạ màn với vị trí thống trị toàn cục của Trung Quốc và sự khởi đầu của một trật tự thế giới lấy châu Á làm trung tâm.
Tuy nhiên,con đường đó không phải là không thể tránh được. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không nhất thiết sẽ phải kích hoạt một quá trình chuyển dịch bá quyền khó nhọc. Quá trình chuyển dịch quyền lực Mỹ – Trung có thể diễn ra rất khác với quá khứ bởi Trung Quốc phải đối mặt với một trật tự quốc tế có nền tảng cơ bản khác hẳn với những gì mà các nhà nước mới nổi trong quá khứ phải đương đầu. Trung Quốc không chỉ đối mặt với một mình Mỹ mà là với cả một hệ thống lấy phương Tây làm trung tâm—một hệ thống mở, liên kết chặt chẽ, dựa trên luật lệ và có nền tảng chính trị sâu rộng. Trong khi đó, cuộc cách mạng hạt nhân đã khiến chiến tranh giữa các cường quốc càng khó có thể xảy ra – điều này loại bỏ công cụ chính yếu mà các cường quốc mới nổi đã sử dụng để lật đổ hệ thống quốc tế được các quốc gia bá chủ đang suy yếu bảo vệ. Nói tóm lại, trật tự phương Tây ngày nay dễ gia nhập nhưng rất khó lật đổ.
Trật tự thế giới bền vững và mở rộng một cách khác thường này tự thân nó là sản phẩm của sự lãnh đạo nhìn xa trông rộng của Mỹ. Sau Thế chiến II Mỹ không chỉ đơn thuần tạo dựng cho mình vị thế cường quốc lãnh đạo. Nó còn đi đầu trong việc xây dựng nên những thể chế phổ quát không chỉ mời gọi sự tham gia của các thành viên trên toàn thế giới mà còn mang các nền dân chủ và các xã hội thị trường lại gần với nhau hơn. Trật tự này được xây dựng dựa trên việc thúc đẩy sự tham gia và liên kết chặt chẽ giữa các cường quốc lâu đời với các nhà nước mới độc lập. (Chúng ta thường quên rằng trật tự hậu chiến này đã được thiết kế chủ yếu nhằm tái kết hợp các nước thuộc phe Trục bại trận và các nước thuộc khối Đồng Minh vốn chịu không ít đả kích thành một hệ thống quốc tế thống nhất). Ngày nay, Trung Quốc có thể có đầy đủ quyền tiếp cận và phát triển thịnh vượng ngay trong chính hệ thống này. Và nếu đúng như vậy thì sự trỗi dậy của Trung Quốc là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu được điều hành hợp lý, trật tự phương Tây sẽ tiếp tục được duy trì.
Khi đối mặt với một Trung Quốc đang nổi lên, Mỹ cần nhớ rằng vai trò lãnh đạo trật tự phương Tây sẽ cho phép nước này định hình môi trường mà trong đó Trung Quốc sẽ phải đưa ra những chọn lựa chiến lược trọng yếu. Nếu muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, Washington phải củng cố các luật lệ và thể chế đóng vai trò nền tảng của trật tự này —khiến nó càng dễ dàng gia nhập hơn nhưng càng khó lật đổ hơn. Đại chiến lược của Mỹ phải được xây dựng theo phương châm “Con đường dẫn đến phương Đông sẽ phải chạy qua phương Tây”. Washington phải làm “sâu rễ, bền gốc” trật tự này hết mức có thể, đem đến cho Trung Quốc nhiều động lực để hội nhập hơn là đối nghịch và từ đó làm tăng cơ hội tồn tại của hệ thống, thậm chí sau khi quyền lực tương đối của Mỹ bị suy giảm.
Sự chấm dứt “thời khắc đơn cực” của nước Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Nếu như cuộc đối đầu Trung – Mỹ là cuộc chiến mang tính quyết định của thế kỷ 21 thì lợi thế sẽ nghiêng về Trung Quốc, nhưng nếu đó là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và một hệ thống phương Tây được hồi sinh thì phương Tây sẽ chiến thắng.
Các quan ngại trong giai đoạn chuyển dịch
Trung Quốc đang thực hiện tốt mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu của mình. Xét về kích thước, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn lên gấp 4 lần tính từ thời điểm ban hành chính sách cải cách thị trường những năm cuối thập niên 1970 và ước tính sẽ được nhân đôi vào thập niên tiếp theo. Trung Quốc đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu trên thế giới và tiêu thụ chừng 1/3 nguồn cung sắt, thép và than đá toàn cầu. Tính đến cuối năm 2006 lượng dự trữ ngoại tệ của nước này đã đạt tới giá trị cực lớn, hơn 1 nghìn tỉ đô la Mỹ. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình 18%/năm theo tỉ lệ được điều chỉnh theo lạm phát. Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã giúp nó vươn đến không chỉ khu vực châu Á mà còn cả khu vực châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. Thực chất, nếu Liên Xô chỉ là đối thủ cạnh tranh về mặt quân sự của Mỹ thì giờ đây Trung Quốc nổi lên như là một đối thủ đáng gờm cả về quân sự lẫn kinh tế, phát đi tín hiệu về một sự chuyển dịch sâu sắc trong việc phân bổ quyền lực toàn cầu.
Sự chuyển dịch quyền lực là vấn đề mang tính chất tuần hoàn trong quan hệ quốc tế. Như 2 học giả Paul Kennedy và Robert Gilpin đã mô tả, nền chính trị thế giới được đánh dấu bởi sự tiếp nối của các cường quốc nổi lên để tổ chức nên hệ thống quốc tế. Một cường quốc có thể tạo ra và củng cố các quy tắc và luật lệ của một trật tự toàn cầu ổn định để theo đuổi lợi ích và an ninh của chính mình trong trật tự đó. Tuy nhiên, không có điều gì kéo dài mãi mãi: những thay đổi dài hạn trong quá trình phân bổ quyền lực sẽ dẫn đến sự nổi lên của các quốc gia thách thức mới – nhân tố châm ngòi cho cuộc tranh đấu về các “điều khoản” của trật tự quốc tế đó. Các quốc gia đang lên mong muốn chuyển dịch thứ quyền lực mà họ mới có được thành thẩm quyền cao hơn trong hệ thống toàn cầu để có thể tái định hình luật lệ và thể chế phù hợp với lợi ích của mình. Đến lượt mình, các quốc gia đang suy yếu sợ mất quyền kiểm soát và lo ngại cho sự an toàn của vị thế đang bị suy giảm của mình.
Những thời điểm này luôn chứa đầy nguy hiểm. Khi một quốc gia giữ vững vị trí chỉ huy trong hệ thống quốc tế, cả nó và các quốc gia yếu hơn đều không có động lực gì để thay đổi trật tự hiện có. Tuy nhiên khi quyền lực của quốc gia thách thức tăng lên còn quyền lực của quốc gia lãnh đạo suy giảm thì sự cạnh tranh chiến lược xảy ra sau đó và mẫu thuẫn – có nguy cơ dẫn đến chiến tranh – là điều hoàn toàn có thể. Mối nguy hiểm của sự chuyển dịch quyền lực có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất trong trường hợp của nước Đức cuối thế kỷ 19. Năm 1870, Vương quốc Anh có sức mạnh kinh tế gấp 3 lần so với Đức, cùng với một lợi thế quân sự đáng kể. Đến năm 1903, Đức lại dẫn trước cả về kinh tế lẫn quân sự. Khi nước Đức thống nhất và phát triển thì cũng là lúc sự bất mãn và nhu cầu của nó tăng lên. Nó càng phát triển thì càng trở thành mối đe dọa đối với các cường quốc châu Âu khác và thế là cuộc cạnh tranh an ninh bắt đầu. Trong kế hoạch tập hợp lực lượng chiến lược sau đó, Pháp, Anh và Nga, vốn là 3 kẻ thù cũ, lại chung vai sát cánh để chống lại một nước Đức đang nổi lên. Và kết quả chính là một cuộc chiến tranh châu Âu. Nhiều nhà quan sát nhận thấy động lực tương tự nảy sinh trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Học giả chủ nghĩa hiện thực John Mearsheimer nhận định rằng: “Nếu Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong suốt những thập niên tới, Mỹ và Trung Quốc có khả năng lâm vào một cuộc cạnh tranh an ninh dữ dội, ẩn chứa nguy cơ chiến tranh rất lớn.”
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi cuộcchuyển dịch quyền lực đều dẫn đến chiến tranh hay sự lật đổ trật tự cũ. Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, Anh đã chuyển giao quyền lực cho Mỹ mà không hề có mâu thuẫn gay gắt hay sự gián đoạn nào trong quan hệ xảy ra. Từ cuối những năm 40 đến đầu những năm 90 kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc từ mức chỉ tương đương với 5% tăng vọt lên hơn 60% GDP của Mỹ. Tuy vậy Nhật Bản lại chưa bao giờ thách thức trật tự quốc tế hiện có.
Rõ ràng là chuyển dịch quyền lực có nhiều dạng khác nhau. Một số quốc gia nhận thấy được sự phát triển kinh tế và địa chính trị đáng kể của mình nhưng vẫn điều chỉnh để phù hợp với trật tự hiện có, trong khi một số khác nổi lên lại mong muốn thay đổi trật tự đó. Một số quá trình chuyển dịch quyền lực dẫn đến sự sụp đổ của trật tự cũ và sự ra đời của hệ thống thứ bậc mới, một số khác lại chỉ dẫn đến những điều chỉnh nhất định trong hệ thống khu vực và toàn cầu.
Có rất nhiều nhân tố quyết định cách thức quá trình chuyển dịch quyền lực diễn ra. Bản chất chế độ và mức độ bất mãn với trật tự cũ của quốc gia trỗi dậy chính là những yếu tố quyết định: vào cuối thế kỷ 19, nước Mỹ – một đất nước tự do cách châu Âu cả một đại dương đã dễ chấp nhận trật tự quốc tế lấy nước Anh làm trung tâm hơn so với Đức. Nhưng mang tính chất quyết định hơn cả vẫn là đặc tính của bản thân trật tự quốc -bản chất của trật tự quốc tế mới chính là yếu tố định hình sự lựa chọn giữa thách thức và hòa nhập của một quốc gia đang lên.
Trật tự mở
Trật tự phương Tây hậu chiến là độc nhất về mặt lịch sử. Bất kì trật tự quốc tế nào do một cường quốc chế ngự đều dựa trên sự kết hợp giữa cưỡng chế và đồng thuận, nhưng trật tự do Mỹ lãnh đạo lại khu biệt ở chỗ nó có tính tự do hơn là tính đế quốc và do đó dễ tiếp cận, chính thống và bền vững. Các luật lệ và thể chế của nó được xây dựng và củng cố bằng các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa tư bản liên tục cải tiến. Đó là một trật tự bao quát, cởi mở với số lượng thành viên và các bên có lợi ích liên quan ngày càng được mở rộng. Nó có khả năng tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về kinh tế và quyền lực, trong khi đó cũng phát đi tín hiệu của sự ràng buộc. Tất cả các yếu tố này khiến cho trật tự này dễ dàng gia nhập nhưng khó lòng mà phá vỡ.
Ý đồ của các kiến trúc sư thiết kế nên trật tự phương Tây trong thập niên 1940 rất rõ ràng khi tạo dựng nó thành một trật tự mang tính thống nhất và mở rộng. Trước khi Chiến tranh Lạnh chia rẽ thế giới thành 2 phe đối đầu, Franklin Roosevelt đã cố gắng tạo dựng nên một hệ thống “một thế giới” do các cường quốc phối hợp điều hành với mục tiêu tái thiết một châu Âu bị chiến tranh tàn phá, liên kết các quốc gia bại trận và xây dựng nên cơ chế hợp tác an ninh và phát triển kinh tế rộng khắp. Trên thực tế, chính Roosevelt là người thúc đẩy – trong khi Winston Churchill lại phản đối – việc Trung Quốc trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại sứ Úc tại Mỹ lúc bấy giờ sau buổi họp đầu tiên với Roosevelt trong thời gian xảy ra chiến tranh đã viết lại trong nhật ký của mình rằng: “Roosevelt nói rằng ông ta đã có rất nhiều cuộc thảo luận với Winston về Trung Quốc nhưng ông cảm giác rằng Winston đã đi thụt lùi đến 40 năm khi bàn về Trung Quốc và cứ liên tục gọi người Trung Quốc là “Chink” và “Chinamen” (những từ mang tính phân biệt chủng tộc – ND) và ông cho rằng điều này rất nguy hiểm. Roosevelt mong muốn xem Trung Quốc như một người bạn của Mỹ vì theo ông trong 40 hay 50 năm tới Trung Quốc có thể dễ dàng trở thành một cường quốc quân sự”.
Trong hơn nửa thế kỷ tiếp theo, Mỹ đã sử dụng một cách hiệu quả hệ thống luật lệ và thể chế do mình xây dựng nên. Tây Đức thì được gắn kết chặt chẽ với các nước láng giềng Tây Âu dân chủ thông qua Cộng đồng Than Thép châu Âu (và sau này là Cộng đồng Châu Âu) và kết nối với Mỹ thông qua Hiệp ước An ninh Đại Tây Dương. Còn Nhật Bản thì gắn kết với Mỹ thông qua mối quan hệ hợp tác đồng minh và các cam kết kinh tế ngày cảng mở rộng. Hội nghị Breton Woods năm 1944 đặt nền móng cho các quy định thương mại và tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn đầu cũng như sự thịnh vượng sau đó của nền kinh tế thế giới – một thành tựu đáng kinh ngạc khi nghĩ đến sự tàn phá của chiến tranh và cạnh tranh lợi ích của các cường quốc trước đó. Những thỏa thuận bổ sung giữa Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản càng củng cố vững chắc tính chất mở và đa phương của nền kinh tế thế giới thời hậu chiến. Sau khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, Kế hoạch Marshall ở châu Âu và hiệp ước an ninh 1951 giữa Mỹ và Nhật Bản đã góp phần hợp nhất các cường quốc bại trận của phe Trục vào trật tự phương Tây.
Trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, hệ thống này một lần nữa chứng minh sự thành công ấn tượng của mình. Khi Liên Xô suy yếu, trật tự phương Tây đã cung cấp một loạt các quy định và thể chế vốn mang đến cho các nhà lãnh đạo Liên Xô sự trấn an và các điểm tiếp cận, khuyến khích họ trở thành một phần của hệ thống. Không những vậy, sự chia sẻ vai trò lãnh đạo cũng đã bảo đảm cho sự thích nghi của Liên Xô. Khi mà chính quyền Reagan theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Moscow thì các lãnh đạo châu Âu lại theo đuổi chính sách hòa dịu (détente) và thúc đẩy can dự. Mỗi hành động “đẩy” cứng rắn đều kèm theo một động tác “kéo” có tính ôn hòa, đủ để khiến Mikhail Gorbachev theo đuổi những cải cách đầy rủi ro. Vào đêm trước khi Đức được thống nhất, việc gắn một nước Đức thống nhất vào các thiết chế châu Âu và Đại Tây Dương – hơn là việc Đức trở thành một cường quốc độc lập – đã làm an lòng Gorbachev rằng cả Đức và châu Âu đều không có ý định hiếu chiến nào. Sau Chiến tranh Lạnh, trật tự phương Tây một lần nữa lại thành công với sự hội nhập của một loạt các quốc gia, lần này là các nước thuộc hệ thống cộng sản cũ. Có 3 đặc tính nổi bật đóng vai trò trọng yếu đối với sự thành công và trường tồn của trật tự phương Tây.
Thứ nhất, không giống như các hệ thống đế quốc trong quá khứ, trật tự phương Tây được xây dựng trên cơ sở các luật lệ và quy tắc không phân biệt đối xử và mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho các quốc gia mới nổi đẩy mạnh việc thực hiện những mục tiêu kinh tế và chính trị của mình trong khuôn khổ của hệ thống. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các trật tự quốc tế đã có những khác biệt lớn về vấn đề liệu những lợi ích vật chất được tạo ra đã đổ dồn một cách bất cân xứng về các nước lãnh đạo hay thực sự được phân chia rộng khắp. Trong hệ thống phương Tây, các rào cản đối với việc gia nhập kinh tế thấp và lợi ích tiềm năng lại cao. Trung Quốc đã khám phá được những lợi ích kinh tế to lớn mà đất nước này có thể có khi vận hành trong hệ thống thị trường mở này.
Thứ hai, đó là đặc tính lãnh đạo dựa trên sự liên minh của trật tự này. Những trật tự trong quá khứ thường có khuynh hướng chỉ do một quốc gia chi phối. Các bên có lợi ích liên quan trong trật tự phương Tây hiện tại bao gồm một liên minh các cường quốc dàn hàng xung quanh Mỹ – đây là điểm khác biệt quan trọng. Những quốc gia dẫn đầu này, phần lớn là những nền dân chủ tự do tiến bộ, không phải luôn luôn đồng quan điểm với nhau nhưng tất cả được liên kết với nhau trong một quá trình cho-và-nhận không ngừng về kinh tế, chính trị và an ninh. Sự chuyển dịch quyền lực thường được xem như cuộc đối đầu giữa một quốc gia đang nổi lên với một bá chủ đang suy yếu và trật tự sụp đổ khi cán cân quyền lực thay đổi. Tuy nhiên trong trật tự hiện tại, một tập hợp lớn hơn của các quốc gia tư bản dân chủ – và sự tích lũy quyền lực địa chính trị có được từ đó – vẫn nghiêng cán cân theo chiều có lợi cho trật tự này.
Thứ ba, trật tự phương Tây hậu chiến có hệ thống quy tắc và thể chế đặc biệt chặt chẽ, bao quát và được chấp nhận rộng rãi. Mặc dù có thể còn những hạn chế, nhưng trật tự này thực sự mang tính mở và dựa trên luật lệ hơn bất kỳ trật tự nào trước đó. Chủ quyền quốc gia và pháp quyền không chỉ là những chuẩn mực được thượng tôn trong Hiến chương Liên Hợp Quốc mà còn là một bộ phận nền tảng của logic vận hành của trật tự phương Tây. Điều chắc chắn là những quy tắc này ngày càng tiến triển và chính bản thân nước Mỹ về mặt lịch sử cũng tỏ ra nước đôi trong việc ràng buộc mình với các thể chế và luật quốc tế. Ngày nay thì sự nước đôi đó càng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng hệ thống toàn thể lại chứa đựng rất nhiều những luật lệ và thể chế đa phương liên quan đến an ninh, chính trị, kinh tế, khu vực và toàn cầu. Các luật lệ và thể chế này đại diện cho một trong những thành tựu quan trọng của kỷ nguyên hậu chiến. Chúng đặt nền tảng cho các cấp độ hợp tác và chia sẻ quyền lực vô tiền khoáng hậu trên phạm vi hệ thống toàn cầu.
Những động lực mà các đặc tính này tạo ra cho Trung Quốc khi gia nhập hệ thống quốc tế tự do càng được củng cố bởi bản chất khác hẳn của môi trường kinh tế quốc tế -đặc biệt là sự phụ thuộc lẫn nhau do công nghệ thúc đẩy. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc có tầm nhìn xa hiểu rằng toàn cầu hóa đã thay đổi cuộc chơi, do đó Trung Quốc cần những đối tác mạnh và thịnh vượng trên khắp thế giới. Từ góc nhìn của Mỹ, một nền kinh tế Trung Quốc khỏe mạnh đóng vai trò sống còn đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới. Công nghệ và cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu đã tạo ra một lôgic quan hệ kinh tế khác hẳn với trước đó – giúp cho logic chính trị và thể chế của trật tự hiện tại càng mạnh mẽ hơn.
Dung nạp sự trỗi dậy
Chuyển giao quyền lực và thay đổi hòa bình
Chiến thắng của trật tự tự do
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Su troi day cua TQ va tuong lai cua phuong Tay.pdf
– See more at: http://nghiencuuquocte.org/2013/08/25/china-rise-future-of-the-west/#sthash.qcr8VXFV.dpuf