Sự thất thời của Hồng tướng quân Lưu Á Châu
Tác giả
Cathy Yin-Garton
và Xueling Teng
- Thứ hai, 15/05/2023
Ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một Thượng tướng Không quân Trung Quốc đã về hưu và là tác giả, có thể phải đối mặt với một bản án tử hình kèm một sự ân xá. Một số ý kiến cho rằng việc bắt giữ ông có thể được thúc đẩy bởi những bất đồng công khai của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình và ĐCSTQ. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình video của The Epochtimes)
Mục lục
- Ông Lưu Á Châu nổi lên trong triều đại của ông Giang
- Khiến giới lãnh đạo hàng đầu khó chịu
- Bám rễ sâu vào văn hóa của ĐCSTQ
Các bản tin chưa được xác nhận từ Trung Quốc cho thấy ông Lưu Á
Châu (Liu Yazhou), một Thượng tướng Không quân Trung Quốc đã về hưu, có
thể phải đối mặt với một bản án tử hình kèm một sự ân xá, vốn có thể
được giảm xuống thành án tù chung thân. Từ năm 2021, ông Lưu đã bị điều
tra về tội tham nhũng, nhưng một số ý kiến cho rằng chính những bất đồng
công khai của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng
sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy việc bắt giữ ông.
Các hãng truyền thông chính thức
của Trung Quốc chưa xác nhận cũng như phủ nhận bất kỳ chi tiết nào về
những rắc rối pháp lý của ông Lưu. Hôm 24/03, Minh Báo (Ming Pao), một
tờ báo của Hồng Kông được biết là có mối liên hệ với ĐCSTQ, đưa tin rằng
ông Lưu đã bị bỏ tù vì những hành vi tham nhũng và tham vọng chính trị
của mình và có khả năng nhận một bản án nghiêm trọng, thậm chí có thể là
một bản án tử hình có ân xá. Không rõ lý do vì sao tờ Minh Báo lại đăng
câu chuyện này, nhưng Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun), từng là
người viết diễn văn của ĐCSTQ, suy đoán rằng ĐCSTQ có thể đã tiết lộ câu
chuyện đó như một lời cảnh báo cho những ai có thể chỉ trích đảng hoặc
ông Tập.
Trước khi bị bắt, ông Lưu là một
hình mẫu quân sự và là ngôi sao đang lên trong ĐCSTQ. Ông xuất thân
trong một gia đình quân nhân danh giá, lớn lên thành một người cộng sản
thế hệ thứ hai, và được học hành tử tế. Ngoài ra, vợ của ông là một
người láng giềng và là bằng hữu nối khố của ông Tập, còn nhạc phụ của
ông là ông Lý Tiên Niệm, cựu chủ tịch nước Trung Quốc từ năm 1983 đến
năm 1988 và là một trong Bát Nguyên Lão của ĐCSTQ dưới thời Đặng Tiểu
Bình. Điều này làm cho vụ bắt giữ ông Lưu thậm chí còn hấp dẫn hơn.
Ông Lưu Á Châu sinh năm 1952 tại
Ninh Ba, Chiết Giang. Thân phụ của ông là một cựu chiến binh của Tân Tứ
Quân của ĐCSTQ và từng là phó chính ủy của Quân khu Lan Châu. Năm 16
tuổi, ông Lưu bắt đầu phục vụ trong đơn vị của cha mình và gia nhập
ĐCSTQ năm 18 tuổi.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa
năm 1972, ông Lưu đã được cấp một học bổng quân sự để học tiếng Anh tại
Đại học Vũ Hán, nơi ông đã gặp người vợ tương lai của mình. Ông tốt
nghiệp năm 1975 và sau đó được bổ nhiệm làm việc tại Cục Hàng không Dân
dụng Bắc Kinh. Năm 1984, ông trở thành một thành viên của Hiệp hội Nhà
văn Trung Quốc. Sau đó, từ năm 1986 đến năm 1987, ông Lưu là một học giả
thỉnh giảng tại Đại học Stanford của California, nơi ông đã có các mối
liên hệ với nhiều người trong lĩnh vực quân sự, chính trị, và học thuật
của Mỹ.
Ông Lưu Á Châu nổi lên trong triều đại của ông Giang
Dưới thời cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch
Dân, sự nghiệp chính thức của ông Lưu đã thăng hoa. Từ năm 1996 đến năm
2012, ông đã thăng hàm Thiếu tướng, Trung tướng, và Thượng tướng trong
Lực lượng Không quân. Trong thời gian này, ông giữ chức Cục trưởng Cục
Chính trị Không quân Quân khu Bắc Kinh, Phó Chính ủy Không quân, Chính
ủy Đại học Quốc phòng. Ông Lưu cũng là một thành viên của Ủy ban Trung
ương ĐCSTQ khóa 18. Năm 2017, ông đã về hưu khi chưa đến 65 tuổi.
Sự thông thạo các ngôn ngữ phương
Tây và kinh nghiệm du học của ông Lưu đã đặt nền tảng giúp ông trở
thành một nhà lãnh đạo đầy ảnh hưởng trong ĐCSTQ và trên trường quốc tế.
Ông đã có những mối giao tiếp với cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Michael Pillsbury và viết lời tựa cho phiên bản Hoa ngữ của cuốn sách
của ông Pillsbury có nhan đề “The Hundred-Year Marathon” (Cuộc Đua
Marathon 100 Năm).
Nền tảng giáo dục và các mối liên
hệ của ông Lưu trong văn hóa chủ nghĩa Marx-Lenin của ĐCSTQ đã tạo
thuận lợi cho danh tiếng và sự nghiệp của ông. Khoảng thời gian ở Hoa Kỳ
cũng khiến ông trở thành một trong số ít người “thân phương Tây” trong
quân đội Trung Quốc. Mặc dù xuất thân từ cộng sản, nhưng ông Lưu có một
khuynh hướng thân Mỹ. Điều này có thể đã góp phần tạo nên những sự khác
biệt của ông với ông Tập.
Khiến giới lãnh đạo hàng đầu khó chịu
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 10 năm,
ông Tập đã củng cố quyền lực của mình bằng cách loại bỏ phe Giang Trạch
Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông cũng đã ra tay ngăn chặn một cuộc đảo chính quân
sự, nhưng quân đội của ông không có lòng trung thành tuyệt đối. Không
giống như những người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, ông
Tập thiếu kinh nghiệm quân sự.
Ngược lại, ông Lưu gắn bó sâu sắc
trong quân đội, với hai người huynh đệ giữ chức vụ cao cấp và là những
cựu sinh viên Đại học Quốc phòng, những người đã trở thành lãnh đạo quân
đội cao cấp. Hơn nữa, theo ông Michael Pillsbury, ông Lưu có những mối
liên hệ chặt chẽ với phe Giang, vốn đã cố gắng lật đổ ông Tập trước đây.
Ông Lưu cũng có những mối liên hệ với phe Hồ Cẩm Đào, vốn đã bị ông Tập
thanh trừng mặc dù phe này nghiêng về việc cải tổ. Năm 2012, ông Hồ Cẩm
Đào đã phong ông làm Thượng tướng.
Vào đầu triều đại của ông Tập,
ông Lưu đã ủng hộ ông Tập và viết các bài báo ca ngợi ông ấy. Tháng
05/2013, ông đã đăng một bài báo có nhan đề “Kiên thủ ‘Đảng tính’ thiêng
liêng” trên tờ Nhân dân Nhật báo do đảng điều hành để thể hiện lòng
trung thành của mình.
Tuy nhiên, sau đó các quan điểm
của họ đã trở nên khác nhau. Một người cộng sản thế hệ thứ hai nói với
The Epoch Times rằng ông Lưu không thích ông Tập và đã bày tỏ sự không
bất mãn của ông trong các cuộc tụ họp của các thái tử đảng, một thuật
ngữ chỉ con cháu của các quan chức cao cấp nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng
của ĐCSTQ. Các bài báo được đăng trên “Red Culture Network” của Trung
Quốc đã miêu tả ông Lưu một cách không có thiện cảm như là “một người
đầy tham vọng và mưu mô điển hình.” Về vấn đề Đài Loan, ông Lưu phản đối
các chiến thuật thống nhất hung hăng, mâu thuẫn với cách tiếp cận của
ông Tập. Từ quan điểm của ông Tập, ông Lưu đang tham gia vào “những suy
đoán liều lĩnh về chính quyền trung ương.”
Một bộ sưu tập các bài diễn văn
nội bộ của ông Lưu Á Châu được phát hành ở Los Angeles vào năm 2014, do
Thư viện Đông Á tại Đại học Princeton thu thập, bao gồm các cuộc thảo
luận sâu rộng theo quan điểm của ông Lưu về vấn đề Đài Loan. (Xem hình
bên dưới)
Ở trang 106, ông Lưu Á Châu cho
biết: “Tôi không ủng hộ việc sử dụng vũ lực một cách liều lĩnh đối với
Đài Loan, đặc biệt không phải là một cuộc tấn công mà cả hai bên đều
phải gánh chịu … Việc giải phóng Đài
Loan là một cuộc nội chiến, và cho dù chiến thắng có vẻ vang, thì đó
cũng là một sự tổn thất và làm tổn hại đến đất nước và dân tộc của chúng
ta.”
Một trong những huynh đệ của ông Lưu,
ông Lưu Á Vĩ (Liu Yawei), hiện đang là Giám đốc Chương trình Trung Quốc
cho Trung tâm Carter ở Hoa Kỳ và có các mối liên hệ với một số nhân vật
nổi tiếng. Trang web do ông biên tập, “China-US Focus,” đã đăng các bài
báo chỉ trích ông Tập. Một trong những tác giả, ông Hồ Vĩ (Hu Wei), là
một trong “ba đại diện” cho tài năng văn học và nghệ thuật của ông Giang
Trạch Dân. Đây lại là một mối lo ngại khác của ông Tập về ông Lưu.
Năm 2016, mạng lưới CCTV của
ĐCSTQ đã phát hành một loạt phim tài liệu gồm 8 tập nhằm quảng bá hệ tư
tưởng của Đảng, có nhan đề “Cuộc trường chinh làm thế giới chấn động.”
Ông Lưu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chọn bà Bạch Linh (Bai
Ling), một nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa, vào vai chính. Sau khi bộ
phim tài liệu này được công chiếu, giới truyền thông nhà nước đã chỉ
trích đội ngũ sản xuất sử dụng một “ngôi sao gợi cảm,” người đã từng
“phỉ báng Quân Giải phóng Nhân dân.” Điều này đã đề cập đến kinh nghiệm
diễn xuất trước đây của bà Bạch Linh trong các bộ phim người lớn.
Bà Bạch Linh từng là một văn công
trong Quân khu Thành Đô đóng quân ở Lâm Chi, Tây Tạng. Bà đã làm chứng
trước Quốc hội Hoa Kỳ, tuyên bố các nhà lãnh đạo của Quân Giải phóng
Nhân dân đã tấn công tình dục bà. Sau đó, bà đã phá thai, điều này đã để
lại cho bà những vết thương lòng sâu sắc.
Quá khứ gây tranh cãi của bà Bạch
Linh và vai chính trong bộ phim tài liệu này đã châm biếm “hình ảnh
vinh quang” của quân đội ĐCSTQ. Khi biết về vụ bê bối này và vai trò của
ông Lưu trong đó, ông Tập đã trở nên vô cùng tức giận.
Bám rễ sâu vào văn hóa của ĐCSTQ
Mặc dù có một khuynh hướng thân Mỹ,
nhưng rốt cuộc ông Lưu Á Châu đã được hưởng lợi từ các cổ tức của Đảng
Cộng Sản và trở thành một người thụ hưởng.
Ông Lưu Á Châu từng tự hào tuyên
bố nằm trong danh sách đen thành viên Đảng Cộng Sản “cứng đầu” của CIA
vì phản đối Mỹ và diễn biến hòa bình.
Để thể hiện lòng trung thành với
các cấp lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, vào tháng 06/2013, ông Lưu đã dự
trù và tham gia vào việc phát hành bộ phim tuyên truyền chống Mỹ,
“Silent Contest” (Cuộc chiến Thầm lặng). Bộ phim này cáo buộc rằng Hoa
Kỳ đang tham gia vào một “âm mưu chống Trung Quốc” và nhấn mạnh cuộc đấu
tranh ý thức hệ và tư duy Chiến Tranh Lạnh. Ngoài ra, bộ phim còn chứa
những nhận xét phỉ báng Pháp Luân Công và chỉ đích danh các học giả tự
do gốc Hoa Mao Vu Thức (Mao Yushi) và Hạ Vệ Phương (He Weifang) là phát
ngôn viên cho hoạt động lật đổ ĐCSTQ của Hoa Kỳ.
Mặc dù những người chỉ trích tin rằng
bộ phim “Cuộc chiến Thầm lặng” là một chứng nhận về lòng trung thành
của ông Lưu với ĐCSTQ, nhưng bộ phim đó không đủ để ngăn chặn việc bắt
giữ và bỏ tù ông ta, không chỉ vì cáo buộc tham nhũng kinh tế, mà còn vì
hành động sẵn sàng bày tỏ ý kiến đối lập với ông Tập.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times