Sự suy tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp – Ls Trần Thanh Hiệp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự suy tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp – Ls Trần Thanh Hiệp

Vào thời điểm thế kỷ thứ VII trước CN, sự đột xuất của các Thành Quốc tại Hy Lạp đã được hậu thế chào đón như một “Phép Lạ” mở đường cho loài người bước từ cổ đại sang tân đại. Những xã hội tân tiến ngày nay, gần 30 thế kỷ sau, vẫn còn mang nhiều thành tố nền tảng xuất phát từ cơ cấu do các Thành Quốc Hy Lạp thủa xưa đã sáng chế. Tuy sự tôn sùng này không phải là đã không dựa trên những lý do xác đáng, và tuy rằng chỉ có tên tuổi của ba người nổi tiếng là Socrate, Platon và Aristote thường được gắn liền với phép lạ đó, nhưng công bình mà nói, các Thành Quốc ở Hy Lạp này thật ra chính là sự đóng góp âm thầm, trên cả hai bình diện khái niệm và định chế, của nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà cải cách vô danh. Cũng như các Thành Quốc ấy còn là những đáp ứng cho một loạt nhu cầu của xã hội Hy Lạp đương thời đang trải qua một cuộc khủng hoảng về chủ quyền, đang cần có một không gian công cộng chung, chủ trương phải đề cao vai trò của lý trí và ngôn ngữ, đang đòi hỏi sự bình đẳng cũng như sự biến đổi của tôn giáo. Sự thỏa mãn được các nhu cầu trên đã dẫn tới sự ra đời của các Thành Quốc mà các tác phẩm chính trị nổi tiếng như Cộng Hòa (La République) của Platon và Chính Trị (La Politique) của Aristote đã miêu tả, phê bình và lưu lại kiến thức, kinh nghiệm chính trị cho hậu thế.

I. Suy tàn không phải chỉ là tự băng hoại trên dòng thời gian, các Thành Quốc ở Hy Lạp, vào thời điểm từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IV trước CN, như một “phép lạ”, đã mang lại cho vùng đất này một nếp sống văn minh sáng chói về mọi mặt, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…Người ta cứ tưởng rằng với đà tiến hóa đó, Hy Lạp trong tương lai sẽ trở thành một ngọn đuốc soi đường cho văn hóa nhân loại. Nhưng không ngờ rằng từ phần nửa sau thế kỷ thứ IV trước CN, cuộc sống chung tại các Thành Quốc bỗng trở nên sa sút, quyền tự do chính trị của người dân, dưới nhiều hình thức, đã tiêu trầm.

Paul Valéry, khuôn mặt văn hóa hàng đầu của nước Pháp, đầu thế kỷ trước, đã đưa ra một nhận định trong tác phẩm Tạp Lục (Variétés) của ông – được rất nhiều người trích dẫn – rằng “Chúng ta, văn minh, bây giờ biết được rằng chúng ta không thể là bất tử (Nous autres, civilisations, nous savons maintenant que nous sommes mortelles). Qua nhận định này, hình như Paul Valery muốn nhắn gửi suy nghĩ của ông theo đó, mỗi khi cần lấy thái độ trước những hiện tượng về văn minh, thì đừng thất vọng, cũng như đừng hy vọng, mà phải tìm hiểu.

Và nếu tìm hiểu, thay vì thất vọng hay hy vọng trước sự kiện các Thành Quốc ở Hy Lạp, vào cuối Thế kỷ thứ IV trước CN đã lần lượt ra khỏi vũ đài lịch sử, thì sự suy tàn của những thực thể một thời sáng chói ấy đã không hoàn toàn chỉ là một sự tan rã vật thể. Mà là một bước chuyển đoạn, một sự tiếp nối, mở đường cho phát triển. Dĩ nhiên, bước chuyển hóa này không phải đã không có những nguyên nhân tiêu cực mà còn có những nguyên nhân tích cực nữa. Hay nói cách khác, cho chính xác hơn, đã có những nguyên nhân chủ quan và những nguyên nhân khách quan của một sự biến đổi, dưới đòi hỏi có tính cưỡng hành của tiến bộ.

Những nguyên nhân “bên trong hay tiêu cực” của sự suy tàn của các Thành Quốc. Đối với nhóm du mục người Ấn Âu (India-Europa) từ phương Bắc nhiều đợt di dân xuống bán đảo Grecia (Hy Lạp), một mỏm nhỏ hẹp và trắc trở mọc trồi ra từ bụng của lục địa Europa, sống tụ tập thành những nhóm nhỏ trên những vùng đất đồng bằng hay những thung lũng nhỏ của bán đảo, vì hình thể của bán đảo đã không cho phép họ họ hội tụ đông đảo. Đợt di dân cuối cùng, vào thời điểm thế kỷ thứ XII trước CN, đã diễn ra như một cuộc xâm lăng của những đoàn cướp võ trang của những người nói thổ ngữ Dorian, giống như tiếng nói của dân Helen ở thành Dorit, đến tàn phá cung điện, đền đài xua đuổi thổ dân và chiếm đất để ở lại định cư tại vùng đất mới. Biến cố này đã là nguồn gốc của sự đột xuất của các Thành Quốc ở Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ VIII, thứ VII trước CN.

Cuộc sống chung, trên một lãnh thổ có địa hình chia cắt, rất it đất liền xen lẫn với núi và biển, đã sản sinh ra một loạt thực thể tự trị, tự túc, độc lập với nhau. Nhưng chính nhờ vậy mà một nền “văn minh thành quốc” đã ra đời, mang lại cho Hy Lạp một nếp sống tự do, trù phú trong đa nguyên, đa dạng, dĩ nhiên còn tương đối thôi vì những hạn chế của ngoại cảnh. Và cũng là điều tự nhiên, nếu tình trạng chia cắt tự nhiên của hình thể lãnh thổ đã dẫn tới tâm lý đam mê độc lập, trong nội bộ một Thành Quốc, và, chia rẽ sâu sắc giữa những Thành Quốc. Cho nên với sự hiện hữu của hàng trăm Thành Quốc độc lập – thực ra là biệt lập – Hy Lạp đã gặp trở ngại tới mức không thể thực hiện được sự thống nhất làm nền tảng cho một Quốc gia chừng nào các Thành Quốc còn tồn tại. Tức là các Thành Quốc này là những nguyên nhân “bên trong, chủ quan” của sự suy tàn của các Thành Quốc.

Mặt khác, sự tranh hùng vì bá quyền giữa các Thành Quốc, hay đúng hơn, giữa hai Thành Quốc hàng đầu là Athènes và Sparte, cùng với các liên minh của hai Thành Quốc này, cũng là những nguyên nhân “tiêu cực, chủ quan” khác đưa tới sự sụp đổ của các Thành Quốc.

Ngoài ra, những biến đổi của xã hội Hy Lạp đương thời không phải chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan ở bên trong, mà còn đến từ bên ngoài. Những nguyên nhân khách quan này có thể chia ra làm hai loại. Một đằng là những nguyên nhân văn hóa, đằng khác là những nguyên nhân quân sự.

Về mặt tư tưởng chính trị, một khi Thành Quốc không còn giữ được địa vị nhất tôn nữa thì một số xu hướng chống Thành Quốc đã xuất hiện để đánh phá và chối bỏ Thành Quốc, cổ võ cho tư tưởng “thế giới đại đồng” (cosmopolitisme). Đó là các xu hướng “Xi Ních” (Cyniques), trong trường hợp này tạm dich ra tiếng Việt là “Phái Khuyển Nho” mà người sáng lập là Diogène de Sinope, người tự nhận mình là “chó”, thường truyền bá tư tưởng của mình nơi một ổ chó, “Phái Khoái Lạc” (Epicuriens) và “Phái Khắc Kỷ” (Stoiciens).

Phái “Xi Ních” chủ trương phải thiết lập một thế giới chính trị mới, trong đó con người sống tự nhiên nghĩa là thật gần với thiên nhiên, ngoài mọi ràng buộc của lề thói, của các định chế, luật lệ của xã hội. Một lối sống hoàn toàn ngoài vòng cương tỏa, tự nhiên như khi chưa có xã hội. Một lối sống không cần quê hương, tổ quốc, chỉ biết cá nhân, bất cần tập thể. Thứ chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối này rõ ràng là thù địch của tư tưởng Thành Quốc.

Phái “Khoái Lạc” (Epicuriens, danh xưng đặt theo tên của người sáng lập là Epicure) không chủ trương đi tìm khoái lạc cho riêng cá nhân, không chối bỏ các định chế xã hội, nhưng đòi hỏi rằng cuộc sống của con người phải được khoái lạc, trong thanh bình và công lý. Và đó là hạnh phúc mà ai cũng có quyền hưởng. Vì vậy sẽ không thể có được cái gọi là luân lý tự nhiên mà phải tùy thời, tùy hoàn cảnh. Tức là phải tương đối hóa luân lý, chính trị bằng sự kết ước khi thành lập xã hội. Tức là không có tư tưởng xã hội tự nhiên. Không bó buộc phải sống trong Thành Quốc.

Phái “Khắc Kỷ” (Stoiciens) chủ trì rằng thế giới loài người chịu sự chi phối của thần quyền nên chỉ có một xã hội độc nhất để con người sống đó là Vũ Trụ. Vũ Trụ là xã hội của của thần thánh của con người đều bình đẳng. Do đó, trong vũ trụ mọi người đều bình đẳng và sống tự nhiên khi nghe theo lý trí và trí thông minh. Các định chế quốc gia hay chế độ nô lệ đều không phải là sản phẩm của tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế không ai đứng ra thực hiện sự bình đẳng này và sự bình đẳng ấy rút lại chỉ còn là một triết lý sống thuần túy, ngay cả khi dưới sự áp bức.

Những nguyên nhân “bên ngoài” kể trên, tuy là những mũi tấn công hướng vào các Thành Quốc, nhưng không phải là những sức mạnh cưỡng hành đẩy các Thành Quốc vào tình trạng phải tan rã. Phải đợi năm 338 trước CN, xảy ra việc vua Philippe II của Macedonia đánh chiếm bán đảo Grecia và con của Philipp II là Alexandre III, thường được gọi là Alexandre Đại Đế (A Lịch San Đại Đế) đem quân mở cuộc trường chinh sang Châu Á, và như một cơn lốc, chinh phục tất cả Đế quốc Persia, chỉ dừng ngựa lại ở vùng Ngũ Hà (Punjab) của Ấn Độ, thì các Thành Quốc mới bị chìm ngập trong cái không gian chính trị mà danh tướng Alerxandre III, với giấc mộng hợp nhất châu Á với châu Âu, đã mở rộng như một chiến công oanh liệt bậc nhất trong lịch sử loài người.

Và nhìn trong toàn cảnh của những biến động đầy kịch tính nhưng thật vĩ đại này thì sự suy tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp đã là, và cũng chỉ là, một trang sử đã viết xong, không có gì để “thất vọng hay hy vọng”.

June 21, 2014

TÀI LIỆU BỔ TÚC:

Tôi chuyển tới độc giả link sau đây:

http://xemphimso.com/phim-alexander-dai-de/4924.html 

để nếu quí vị có thời giờ vô coi cuộc trường chinh của Alexander Đại Đế mà tôi đã coi, sau khi viết bài “Sự suy tàn…”. Cảm tưởng của tôi là mấy dòng chót của bài đó vô tình đã phản ánh được cái nhìn toàn bộ trong phim của đạo diễn Olivier Stone…