Sự ra đời của các lực lượng chính trị đối lập – Nguyễn Hải Sơn
Dân gian ta có câu “Sông có khúc, Người có lúc”, trong kinh tế hay chính trị cũng thế, cứ sau mỗi bước dài phát triển thì rơi vào một giai đoạn thoái trào.
Lịch sử cũng vậy, không có gì là tồn tại vĩnh viễn theo tiến trình biện chứng lịch sử.
30 tháng 4, 1975, ngày mở màn cho giai đoạn lịch sử mới do đảng cộng sản thống trị, nhưng chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa chính trị ngoại lai, phi Dân Tộc và trái với nhơn tính, cái gì đã sai từ gốc thì không thể sinh ra cái đúng được.
Nhìn lại lịch sử tiến trình xụp đổ của các nước cộng sản Ðông Âu, Liên xô củ và các tàn dư độc hại của nó đang hoành hành tại Nga, Ukraina hiện nay … tất cả đang cho thấy hơn bao giờ hết sự cần thiết của sự ra đời của các lực lượng chính trị Dân Tộc, Dân Bản, chơn chính, hợp lòng người để tác động thúc đẩy tiến trình nhằm chấm dứt một giai đoạn lịch sử đen tối, giải thoát Dân Tộc khỏi ách tàn hại cộng sản, để đưa đất nước Việt Nam Tư Do, Dân Chủ vươn lên.
Nhơn ngày quốc nạn 30 tháng 4 sắp đến Ban Biên Tập hân hạnh giới thiệu đến quí bạn đọc một bài viết từ trong nước để góp phần xây dựng một cái nhìn đầy đủ toàn diện và khách quan cho đất nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhứt thiết phản ánh lập trường của Website TÐV.
Cũng cùng với tinh thần đó, Ban Biên Tập luôn hân hoan đón nhận tất cả các bài viết giá trị về mọi chủ đề liên quan đến nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam thực sự Ðộc Lập, Tư Do, Dân Chủ và Phú Cường.
Trân trọng,
Ban Biên Tập
Chính trị là rường cột của quốc gia. Không có nền chính trị vững vàng, quốc gia không thể phát triển được. Ba mươi chín năm so với chiều dài lịch sử không phải là dài, nhưng cũng đủ thời gian để chứng minh rằng: Con đường mà quốc gia đó chọn lựa là đúng hay sai?
Quốc gia là tập hợp những con người sống trong một lãnh thổ dưới sự cai trị của một thể chế chính trị. Không có một nền chính trị đúng đắn, quốc gia không thể theo kịp các quốc gia khác; đừng nói gì đến chuyện “sánh vai các cường quốc năm Châu”. Một quốc gia muốn ganh đua, phát triển cùng thế giới phải có một hệ thống chính trị hữu hiệu để thu dụng nhân tài, vật lực của quốc gia mình.
Nền chính trị Cộng sản sai từ gốc. Cái gì đã xuất phát sai thì về sau cũng không thể đúng được. Thiên đường CS được xây dựng trên giáo điều là con người sinh ra không để phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước mà để chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng CS. Nhưng, CS là một xã hội như thế nào thì không ai biết. Cái gì để nuôi sống con người và điều gì làm quốc gia hưng thịnh thì lý thuyết CS không bàn đến.
Hàng vạn chiến binh CS không sợ tù đày, chết chóc vì họ tin một ngày nào đó cái lý tưởng CS sẽ trở thành hiện thực. Lý tưởng CS đã thấm sâu vào tim óc của họ, đã tạo ra một khoái cảm mà họ cho là chủ nghĩa lạc quan cách mạng. Trong ngục tù họ hát vang bài Quốc tế ca; trước khi bị xử bắn họ ca bài ca cách mạng. Hoàn toàn không có bài hát ca ngợi tinh thần dân tộc.
Con người là nhân tố quyết định trong mọi thể chế chính trị. Không có con người, quốc gia không thể xây dựng được. Một con người bảo thủ, độc đoán không thể xây dựng một thể chế dân chủ, văn minh? Một con người tham lam, dốt nát không thể xây dựng một xã hội rộng lượng… Có thể ví lãnh đạo một quốc gia giống như ông cha một gia đình. Nhìn vào tính cách của người cha, chúng ta có thể nói gia đình đó đang ở tình trạng như thế nào và phát triển ra sao.
Tính cách của những người đứng đầu quốc gia phản ảnh thể chế chính trị mà quốc gia đó theo đuổi? Không có Lý Quang Diệu sẽ không có một Singapore hưng thịnh, không có Hồ Chí Minh sẽ không có nước Việt Nam Cộng sản … Cho nên, nhiều học giả phương Tây muốn tìm hiểu lịch sử hiện đại VN, họ lại đi nghiên cứu về lai lịch của Hồ Chí Minh. Họ muốn biết Hồ Chí Minh là một con người như thế nào ?
Nền chính trị tốt đẹp là nền chính trị thuận lòng dân, nhờ đó mọi người dốc hết sức mình cho công cuộc chấn hưng đất nước. Nền chính trị tốt đẹp là mảnh đất màu mỡ để phát triển nhân tài, còn một nền chính trị phản động sẽ giết chết người tài. Nền chính trị CS không tìm được người tài đã phản ảnh phần nào cái bản chất phản động của chế độ.
Hệ thống cai trị của CS rất chặt chẽ. Tất cả các tổ chức, đoàn thể đều ở trong vòng kiểm soát của họ. Mọi cá nhân và tổ chức đều bị ràng buộc lẫn nhau, không thể thay đổi hoặc cải cách được. Guồng máy CS có nhiều ban bệ, nhiều chức vụ dẫm đạp lên nhau; do đó chức quyền thì nhiều nhưng làm việc không hiệu quả.
CS đang nắm trong tay quyền lực, nhân lực, và tài nguyên. Nhưng do chính sách sai lầm nên không kích thích được sản xuất, không thúc đẩy xã hội phát triển; họ lại còn phải nuôi cả một bộ máy cồng kềnh và không có năng lực. Một nền sản xuất thô sơ, một đội ngũ công chức đông đảo kèm theo đồng lương thấp kém nên các viên chức CS phải kiếm thêm tiền bằng cách ăn hối lộ, ăn cắp, ăn xén…
Lý thuyết CS cho rằng tư tưởng quyết định hành vi, nhưng vật chất lại quyết định ý thức. Như vậy, vật chất quyết định hành vi con người?
CS luôn lấy tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) làm định hướng cho những chính sách của mình. Mục tiêu của họ là lật đổ chế độ tư bản vì cho rằng bản chất của tư bản là bóc lột. Những ý tưởng ưu việt về công bằng XHCN không thể thực hiện được bằng các chính sách kinh tế, nên họ dùng chuyên chế vô sản để thực hiện sự cào bằng. Đảng đã dùng quyền lực của mình để can thiệp vào các mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, chế độ CS đã sinh ra một kiểu bất công khác, không dựa trên quy tắc và luật lệ xã hội mà dựa trên quyền lực của đảng.
Những bất công mà chế độ CS tạo ra còn nặng nề, sâu xa và nguy hại hơn rất nhiều so với những tồn tại trong chế độ tư bản. Nhân loại sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để sửa chữa những hậu quả này. Khi chưa sống với CS, nhiều người có thể cho rằng xã hội CS là một thiên đàng; nhưng nếu đã sống rồi, họ sẽ thấy xã hội CS ngu dốt, man rợ và tàn bạo.
Chính sách CS chỉ áp dụng trong những quốc gia có trình độ sản xuất lạc hậu, lôi kéo những con người ít học. Khi xã hội phát triển đến một mức độ nào đó, dân trí được nâng cao, con người ta sống sung túc tiến bộ hơn; cái lý thuyết CS mặc nhiên bị vất bỏ.
Ở những nước có nền sản xuất nhỏ và trình độ thấp, mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ là phù hợp với thực tế của đất nước đó. Nhưng do cái bệnh thành tích và duy ý chí, CS bao giờ cũng “thổi to” cái hình thức của mình hơn so với hoàn cảnh. Không có bệnh thành tích, cái vỏ bọc ngoài, thì CS không thể tồn tại.
Doanh nghiệp quốc doanh ôm một mớ tiền, xây một trụ sở thật to nhưng làm ăn không hiệu quả. Hiệu quả là gì? Đơn giản là ít nhân lực, ít vốn, ít chi phí… nhưng hoạt động sinh lợi nhiều. CS chưa bao giờ tính toán hiệu quả bằng những phương pháp khoa học. Do vậy, còn CS lãnh đạo thì đất nước chỉ rơi vào nghèo nàn, tụt hậu chứ làm sao mà tiến lên được. Ngay cả nước Nga, trước cách mạng tháng Mười, là một cường quốc phương Đông, nhưng sau một thời gian theo CS thì họ đã xuống hạng.
Những ai đã sống trong chế độ CS sẽ nhận thấy một điều là CS không có nền tảng cho sự phát triển. Sự áp đặt đã giết chết tính cách, nền kinh tế chỉ huy đã làm tàn lụi sức sáng tạo. Cho nên, càng đầu tư làm ăn càng thua lỗ, càng mở rộng sản xuất càng giảm khả năng cạnh tranh… Bài học mía đường, bài học đánh bắt xa bờ, bài học cà-phê chè ở các tỉnh Trung du Bắc bộ,… đã để lại những kinh nghiệm đau thương. Tất cả những hậu quả này là do chính sách cải cách nửa vời, là do theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Đảng muốn mở cửa hội nhập để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay; nhưng nhiều quan chức đảng không muốn thay đổi. Có người lại muốn quay lại thời bao cấp; cái thời mà con người ta cần phải hô khẩu hiệu thật nhiều, thì mới được đánh giá là có tinh thần theo Đảng.
Do vậy có thể nói, những gì CS phải đối mặt ngày hôm nay là hậu quả của những chính sách cai trị của họ ngày hôm qua. Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng đều chịu những hậu quả của nó; và chắc chắn, Hà Nội chưa bao giờ tính trước được những khó khăn này. CSVN đã biến thái rất nhiều so với những lý thuyết CS chính thống, và cũng khác xa những gì mà các chính khách phương Tậy dự đoán. Hậu quả của xã hội VN có thể tóm tắt từ ba nguyên nhân sau đây:
1. Ngu dốt, tham lam và đạo đức giả.
2. Tư tưởng bề trên của các quan chức trong guồng máy đảng (cường quyền).
3. Không có một cơ chế để kiểm soát hoặc giám sát quyền lực (lộng quyền).
Trong lịch sử nhân loại, không thấy một thể chế chính trị nào khoan dung đối với những người trong guồng máy của mình, nhưng lại xử phạt nghiêm khắc dân chúng. Ngay cả chế độ phong kiến ngày xưa, quan có thể bị xét xử một cách nghiêm minh để làm gương.
Trong xã hội CS, cùng một tội danh nhưng quan và dân được xét xử dưới hai hình thức khác nhau và theo hai mức án khác nhau. Sự công bằng đã biến mất ngay chính trong hoạt động tố tụng; và hậu quả là nền tư pháp quốc gia bị bẻ gãy. Đây là khiếm khuyết chung cho những chế độ độc tài, và là nguyên nhân dẫn đến sụp đổ.
Độc tài kích thích sự bạo ngược, bạo ngược giết chết tự do, và mất tự do là con đường dẫn đến suy tàn. CSVN không phải là đế chế nhưng sự bạo tàn của họ còn hơn cả đế chế; sự bạo tàn nhằm khuất phục những kẻ chống đối và tiêu diệt những tư tưởng đối lập.
CS là những con người cực kỳ bảo thủ; quan điểm bảo thủ đã ăn sâu vào tâm thức của họ nên rất khó thay đổi. Những lời phát biểu của ông Lê Đăng Doanh trước cán bộ cao cấp ở Hà Nội vào cuối năm 2004 chỉ làm cho quan chức đảng mơ hồ về những thay đổi sắp xãy ra, còn thay đổi ra sao thì họ không thể mường tượng đựơc.
Trước đây, những họat động trong guồng máy đảng là bí mật; không ai biết chuyện gì đang xảy ra và con số chính thức của nó là bao nhiêu? Chuyện nội bộ đảng không bao giờ được công khai; ai muốn công khai là có ý đồ chống đảng. Hôm nay, những chuyện kín đáo như vậy lại bày ra trước bàn dân thiên hạ, làm cho quan chức CS rất lúng túng.
Một thể chế chính trị sai lầm sẽ dẫn đến những hệ lụy về kinh tế. Một nền kinh tế bệ rạc sẽ phát sinh những vấn nạn xã hội. Những bất công của xã hội VN có nguồn gốc từ chính trị, do đó muốn giải quyết những vấn đề của xã hội VN không có cách nào khác là phải “bứng” cái gốc rễ chính trị thối nát đi.
Từ những phân tích ở trên để thấy rằng: VN cần phải thay đổi cấp bách và triệt để. Có nghĩa là phải thay đổi tận gốc rễ chính trị, chứ không phải thay đổi kinh tế, giáo dục hay xã hội. Những từ ngữ như là “cải cách kinh tế”, “cải cách hành chánh”, “đổi mới tư duy”… chỉ là những trò bịp bợm vẽ vời. Những trò này chỉ làm cho đất nước càng đi vào ngõ cụt.
Ai cũng biết, CS không bao giờ từ bỏ quyền lực của mình. Ngay cả chuyện đơn giản nhất là từ chức để bảo vệ danh dự mà họ còn không làm được, thì việc từ bỏ quyền lực chỉ là chuyện hoang đường. Từ chức có nghĩa là mất tất cả! Từ bỏ quyền lực là một tấn bi kịch mà những người CS kiên cường nhất không bao giờ dám nghĩ tới.
CS cố ngụy tạo cho thế giới thấy rằng; họ muốn xóa đi đói nghèo của đám dân đen, nhưng thực tế họ đang làm cho đám quan chức ngày thêm giàu có; có nghĩa là bất công xã hội ngày càng gia tăng. Họ cho rằng; dưới sự lãnh đạo của đảng, đất nước VN sẽ trở nên hùng cường. Đây chỉ là trò ngụy biện nhằm đeo bám quyền lực.
Một hệ thống chính trị gồm những con người không chịu trách nhiệm trước dân chúng, nhưng cũng không muốn từ bỏ quyền lực thì quốc gia đó sẽ về đâu?
Ở một quốc gia dân chủ luôn có đảng cầm quyền và đảng đối lập; đây là sự cân bằng ở thượng tầng kiến trúc. Trong một cuộc bầu cử dân chủ, nếu một đảng phái thắng cử, họ có một thời gian để thi thố đường lối của mình. Nếu đường lối lãnh đạo mang lại lợi ích cho xã hội thì quần chúng sẽ tiếp tục ủng hộ, còn không thì “xin mời” xuống cho người khác lên làm.
Một đảng lãnh đạo dở mà cứ tham quyền cố vị thì chắc chắn đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng và tụt hậu. Cái tội dở mà làm dai!
Hoạt động chính trị có mục tiêu là mang lại công bằng cho tất cả mọi người và trên mọi lãnh vực.
Trong một xã hội dân chủ-đa đảng, dân chủ về mặt xã hội và đa đảng về mặt chính trị; những đảng phái chính trị có một cơ hội để trình bày những quan điểm của mình. Đó là sự công bằng. Sự công khai và minh bạch trên chính trường sẽ tạo điều kiện công khai và minh bạch trong các hoạt động xã hội khác.
Chính trị sẽ mở đường đi tìm sự công bằng thông qua tiếng nói của mình. Nhưng CS không bao giờ tạo cơ hội cho sự công bằng, dù chỉ là công bằng trong lời ăn tiếng nói. Vậy thì những nhà hoạt động dân chủ sẽ làm gì?
Trước đây, CS dựa vào ba dòng thác cách mạng của thời đại để tiến công và giành thắng lợi. Hôm nay, những người không cộng sản cũng biết khai thác những suy yếu của CS để giành ưu thắng cho mình:
1. Sự sụp đổ của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa trên toàn thế giới.
2. Những yếu kém nội bộ bộc lộ, khi CS mở cửa hội nhập.
3. Chính quyền CS không có khả năng giải quyết những xung đột trong nước ngày càng gia tăng.
Chính trị là đức tin về sự công bằng. Niềm tin chính trị là niềm tin mạnh mẽ và lớn lao nhất. Vì niềm tin này, nhiều người cầm súng chiến đấu và hy sinh.
Trước đây, những chiến sĩ Việt Cộng tin rằng; Đế quốc Mỹ là những tên xâm lược, chủ nghĩa Cộng sản sẽ chiến thắng trên toàn thế giới… do đó họ không ngại gian khổ, chết chóc để chiến đấu cho lý tưởng. Lý tưởng CS thì cao xa, còn thân xác thì bé bỏng. Cho đến một ngày, họ nhận ra cái lý tưởng mà họ một thời tôn thờ và chết cho nó, chỉ là cái bánh vẽ. Đức tin đã hoàn toàn sụp đổ!
Chính trị là thống soái, là thượng tầng kiến trúc mà mỗi quốc gia phải xây dựng cho bằng được. Không có tư tưởng chỉ đạo, mọi chính sách kinh tế-xã hội không thể thực hiện được. Và quốc gia có nguy cơ sụp đổ.
Một xã hội thiếu niềm tin chính trị, xã hội đó sẽ dẫn đến khủng hoảng. Xã hội miền Nam trước đây là một ví dụ. Miền Nam được xây dựng trên quyền lực của một số tướng lĩnh; quyền lực và sự giàu sang của họ có được là nhờ vào sự can thiệp và viện trợ quân sự của Mỹ. Khi người Mỹ rút đi đã để lại một khoảng trống chính trị. Cho nên, khi nghe tin CS sắp chiếm một nơi đang sinh sống, họ đã vội vàng từ bỏ nó. Hành vi này đã tạo nên một sự bất an trong binh sĩ và dân chúng. Cuối cùng, sự bỏ chạy của họ đã tạo nên cơn hỗn loạn thật sự khi CS có mặt ở miền Nam vào năm 1975.
Nhiều người than phiền rằng; con người VN hôm nay không có lòng tự hào dân tộc và không tôn trọng danh dự Tổ quốc. Điều này cũng đúng thôi, bởi vì đâu có còn Tổ quốc mà để tự hào. Tất cả những gì của dân tộc, đều đã bị hy sinh cho lý tưởng Cộng sản hết rồi.
Hơn lúc nào hết, trong lúc này, chúng ta cần phải định nghĩa thế nào là lòng yêu nước. Yêu nước là yêu đám dân nghèo không tên, không tuổi? Yêu nước là yêu nơi ta được sinh ra và nuôi lớn? Yêu nước là yêu mồ mả tổ tiên ông bà? Yêu nước là yêu kỷ niệm thời thơ ấu; cây đa đầu làng, dòng sông trưa hè, góc phố quạnh hiu?…
Lòng yêu nước có thể được diễn tả theo cách riêng của mỗi người, nhưng tất cả đều hướng về cội nguồn thiêng liêng. Chúng ta có thể đánh giá lòng yêu nước của một dân tộc thông qua tinh thần cộng đồng của người dân nước đó?
Cho đến nay, lòng yêu nước của nhân dân VN vẫn tiếp tục bị ngộ nhận và lợi dụng. Ông Lê Duẩn đã từng định nghĩa: Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội. CS dạy cho học sinh yêu những cái to tát, vĩ đại và mơ hồ, chứ không phải yêu những điều gần gũi và thân thương. Hậu quả ngày hôm nay, nếu có hỏi một sinh viên: Thế nào là lòng ái quốc? Anh ta sẽ không trả lời được, và hình như chính quyền không muốn nhắc đến chuyện này. Lòng ái quốc là một danh từ cao đẹp, đến nỗi, nó được giành để đặt tên riêng cho một người.
Yêu thì ai cũng hiểu rồi! Nước là nước non, là giang sơn Tổ quốc… Yêu nước có nghĩa là thương nòi. Thương dân là khi thấy dân đau khổ, phải xót xa căm giận?
Những con người sống trên đầu trên cổ dân đen, những con người làm cho đất nước ngày càng nghèo nàn, tụt hậu; đó là bọn phá nước hại dân?
Yêu nước là tìm ra một con đường để đưa đất nước thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu và tủi nhục. Con đường đó có thể là lãnh đạo nhân dân đứng lên lật đổ độc tài; lật đổ những thế lực đã đưa dân tộc vào con đường suy vong, không lối thoát.
Bất cứ xã hội nào cũng có tầng lớp đại diện cho sự thống trị của xã hội đó. Thời trung cổ thì có tầng lớp tăng lữ, quý tộc; thời phong kiến thì có quan lại, địa chủ; thời tư bản thì có ông chủ, chính khách; thời CS thì có các quan chức Đảng… Nhưng bất cứ thời nào cũng có dân; những người lao động lương thiện, chiếm đa số và làm nên bộ mặt của xã hội đó.
Khi quyền lợi của dân chúng và giai cấp thống trị mâu thuẩn sẽ phát sinh những bất ổn xã hội. Và những bất ổn này phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị.
Chính trị là đỉnh cao của nghệ thuật cai trị và là khoa học của mọi khoa học. Những con người ưu tú nhất của quốc gia mới có khả năng theo đuổi con đường chính trị. Chưa thấy một công trình xã hội học nào nghiên cứu: Tại sao những người hành nghề luật sư, bác sĩ thích lao vào con đường chính trị? Có lẽ do quan niệm về sự công bằng và chí hướng của họ?
Trong xã hội CS, sự giàu có xuất phát từ quyền lực hoặc gắn liền với quyền lực. Một tầng lớp quan chức giàu có đông đảo sống trên đầu trên cổ đám dân đen nghèo khó làm cho xã hội mất cân bằng. Những bất ổn xã hội sẽ làm cho vị thế của quyền lực bị chông chênh, và thay đổi chính trị sẽ xóa sổ một tầng lớp lãnh đạo độc tài. Điều này đã từng xảy ra ở những nước theo chế độ CS.
Khi giàu có con người ta sợ mất của, sợ chết… Sự giàu có và quyền lực của tầng lớp thống trị, lẽ ra, được dùng để xây dựng thành lũy chống lại sự đối kháng. Nhưng ngược lại, họ ôm của cải bỏ chạy trước khi sự đối kháng đến. Sự giàu sang không được xây dựng trên nền tảng chính trị sẽ làm chế độ mau sụp đổ hơn. Nguyên lý này cũng đúng cho hoàn cảnh của CSVN hiện nay.
Để kêu gọi đầu tư, Hà Nội cho rằng, VN là một quốc gia có nền chính trị ổn định nhất. Nhưng thật ra, hệ thống chính trị CS là mong manh và dễ sụp đổ nhất.
Ngày 29 tháng ba vừa qua, nhân dịp mit-tinh kỷ niệm 30 năm ngày “giải phóng” thành phố Đà Nẵng. Ông bí thư thành ủy phát biểu rằng: “Thành tựu mà đảng bộ và chính quyền thành phố đạt được trong ba mươi năm qua là được lòng dân…” CS mà được lòng dân thì chỉ có ông Bí thư này phát biểu. Đây là cái kiểu nói “cả vú lấp miệng em”. Có được lòng dân hay không thì phải hỏi dân, chứ làm sao ông ta có thể chủ quan nói được? Ông ta cũng biết rằng; ý dân là ý trời, cho nên cần phải nói chặn ngọn trước. Đây là đòn chính trị áp đảo, để người dân khỏi phải mất công suy nghĩ là CS đã cho họ được những gì trong ba mươi năm qua?
Thượng bất chính, hạ tắc loạn. “Chính” ở đây, không chỉ là tính chính trực của tầng lớp lãnh đạo, mà còn là sự chính nghĩa của chế độ và tính đúng đắn của hệ thống chính trị. Xã hội Việt Nam hiện nay bầy hầy, nhếch nhác và hỗn loạn là do cái sự bất minh, bất chính ở thượng tầng…
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhưng sự hòa hợp, hòa giải vẫn chưa thấy. Một dân tộc không có hòa hợp, thì dân tộc đó không thể đồng tâm nhất trí để xây dựng đất nước. Hà Nội không có một giải pháp chính trị cho những xung đột trong quá khứ. Họ chỉ muốn giải quyết nhanh chóng mọi xung đột bằng biện pháp bạo lực, do đó mâu thuẩn ngày càng chồng chất và kéo dài đến ngày nay.
CS tự vỗ ngực rằng; họ đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông đã thu về một mối… Không ai nhận thấy sai lầm là họ đã thống nhất đất nước bằng biện pháp quân sự. Không có một giải pháp chính trị, Hà Nội đã tạo nên một lực lượng chống đối từ nơi khác, không phải trong lãnh thổ VN mà từ hải ngoại. Đối với lực lượng này, họ còn khó đối phó và giải quyết hơn là chính phủ miền Nam trước đây.
Những ngày cuối tháng tư năm 1975, nhiều người hy vọng một giải pháp chính trị cho miền Nam. Nhưng CS miền Bắc đang ở thế thắng trận thì ngu gì họ tìm kiếm hòa bình? Ngay cả Pháp và Trung quốc cũng muốn tìm một giải pháp chính trị cho Đông Dương vào thời điểm đó, nhưng làm sao mà có được?
Khi những giá trị về tự do, dân chủ và công bằng được Hà Nội sử dụng như những trò lừa bịp trắng trợn, thì lòng tin của dân chúng đã bị tổn thương một cách nghiêm trọng.
Hơn lúc nào hết, những người yêu nước VN phải ý thức được thân phận của dân tộc mình. Sự bất mãn của dân chúng đã lên đến tột đỉnh, và sự thối rữa của xã hội đã đến mức rã rời. Do vậy, cần phải có một lực lượng chính trị để hướng dẫn sự phản kháng của dân chúng thành những hành động có mục đích, tập trung lực lượng, và cuối cùng là giật bỏ “cái mặt nạ CS”.
Trong hoàn cảnh hiện nay, tầng lớp CS chóp bu có chấp nhận một giải pháp chính trị hay không, là tùy họ. Nhưng sự ra đời của các chính đảng đối lập là tất yếu; bởi vì các lực lượng này không chỉ giải quyết những vấn đề của xã hội Việt Nam hôm nay, mà còn giải quyết những khúc mắc do lịch sử để lại.
Lịch sử đã cho chúng ta một số phận, không có sự chọn lựa nào khác; một số phận vinh quang và tuyệt đẹp.
Nguyễn Hải Sơn