Sự kết thúc của bóng ma “ông ngoại” Kissinger?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự kết thúc của bóng ma “ông ngoại” Kissinger?

13/12/2016

Kissinger, 93 tuổi, mệnh danh “ông ngoại của chính sách đối ngoại (“granddaddy of U.S. foreign policy”), là một tượng đài của giới ngoại giao Mỹ. Ông là cố vấn đối ngoại của gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon. Ý kiến của ông là vàng bạc. Hillary Clinton là “fan” của Kissinger. Trump không ngoại lệ. Tháng 5-2016, Trump gặp “ông ngoại” tại nhà riêng Kissinger, theo yêu cầu Trump. 

Nước Mỹ không cần ràng buộc gì với chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh (đối với Đài Loan) – Donald Trump trả lời phỏng vấn Fox News ngày 11-12-2016.

Phát biểu này không chỉ cho thấy một bước ngoặt trong bang giao Mỹ-Trung. Cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc, nếu Trump thật sự thực hiện khi chính thức vào Nhà trắng, chắc chắn sẽ vẽ lại bản đồ quyền lực khu vực và thậm chí định vị lại các tay chơi trên sân khấu chính trị toàn cầu. Điều đáng chú ý hơn: đây cũng có thể là sự cáo chung của bóng ma Henry Kissinger từng phủ ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại Mỹ đối với Trung Quốc hàng chục năm qua.

Kissinger, 93 tuổi, mệnh danh “ông ngoại của chính sách đối ngoại (“granddaddy of U.S. foreign policy”), là một tượng đài của giới ngoại giao Mỹ. Ông là cố vấn đối ngoại của gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon. Ý kiến của ông là vàng bạc. Hillary Clinton là “fan” của Kissinger. Trump không ngoại lệ. Tháng 5-2016, Trump gặp “ông ngoại” tại nhà riêng Kissinger, theo yêu cầu Trump. Cuộc gặp kéo dài một giờ.

Một tuần sau khi đắc cử, Trump lại “hầu chuyện” với “cụ”. Lần này tại Trump Tower. ABC News thuật: Trump cho biết mình “dành sự kính trọng đặc biệt đối với Kissinger và rất cám ơn ông ấy đã chia sẻ ý tưởng với tôi”. Trong thông cáo báo chí về sự kiện, nhóm chuyển giao quyền lực của Trump nói: “Tổng thống tân cử Trump và tiến sĩ Kissinger đã biết nhau nhiều năm và đã có một cuộc gặp lớn. Họ thảo luận về Trung Quốc, Iran, Nga, EU và nhiều vấn đề khác”.

Báo chí khó có thể biết chính xác Trump và Kissinger nói với nhau điều gì. Sau cuộc gặp trên, Kissinger qua Bắc Kinh. Để làm gì? Khó có thể biết. Ngày 1-12, Kissinger gặp Vương Kỳ Sơn. Ngày 2-12, báo chí Trung Quốc đăng ảnh Kissinger gặp Tập Cận Bình. Hôm đó, Kissinger nói với Tập: “Chúng tôi hy vọng chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung đi lên với cách thức ổn định và liên tục”. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Tập lẫn Kissinger đều sốc bất ngờ: Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn!

Ngày 5-12, khi trở về Mỹ, Kissinger trả lời báo chí: “Tập nói với tôi rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao mọi diễn biến”. Tại một sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, Kissinger nói thêm, ông “rất ấn tượng với phản ứng bình tĩnh của giới lãnh đạo Trung Quốc mà theo đó có thể thấy họ bày tỏ quyết tâm nhằm có thể xem xét một cuộc đối thoại bình tĩnh hay không”.

Một ngày sau, 6-12, Kissinger lại gặp Trump. Chắc là trách móc về cú điện đàm với nguyên thủ Đài Loan? Khó có thể biết chính xác. Tuy nhiên, 5 ngày sau, ngày 11-12, trong cuộc phỏng vấn Fox News, Trump chơi một cú nặng hơn nữa: Mỹ chẳng ràng buộc gì với chính sách “Một Trung Quốc” cả – chính sách mà Kissinger đã có phần thiết kế khi đi đêm với Bắc Kinh, qua mặt Chính phủ VNCN, từ năm 1971, để mở đường cho chuyến công du lịch sử 1972 của Nixon, bắt đầu mở rộng cánh cửa thế giới cho Trung Quốc. Lúc ấy, ngoài việc muốn rút chân khỏi miền Nam VN, Nixon-Kissinger còn đánh “ván bài Trung Quốc” với Liên Xô. Họ muốn kiềm Liên Xô bằng lá bài Trung Quốc. Đổi lại, Nixon phải nhìn nhận chính sách “Một Trung Quốc” về vấn đề Đài Loan. Chính sách này được các đời tổng thống Mỹ sau đó “thừa hưởng” đến giờ.

Kissinger không “nghỉ chơi” sau khi ván bài với Liên Xô kết thúc. Kissinger luôn tin rằng Trung Quốc là quốc gia đáng được kính trọng và cần được Mỹ cùng chia sẻ quyền lực. Từ sau Chiến tranh lạnh, trong suốt nhiều năm, Kissinger nỗ lực làm điều đó (đến Trung Quốc hơn 80 lần kể từ năm 1971). Không phải tự nhiên mà Kissinger luôn được tiếp đón như thượng khách tại Trung Quốc. Ông thuyết trình tại Bắc Kinh. Ông giảng tại Thượng Hải. Ngoài việc “kính trọng” Trung Quốc, Kissinger còn có một lý do khác: hãng tư vấn Kissinger Associates là nơi đại diện cho các công ty Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Trung Quốc, kể từ cuối thập niên 1970 đến nay!

Trong cuộc phỏng vấn mới đây (đăng trên nguyệt san The Atlantic 12-2016), khi được nhà báo Jeffrey Goldberg hỏi rằng ông có sợ không, nếu “tất cả những chuyện này, xuất phát từ Trump, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”; Kissinger trả lời: “Hơn bất kỳ gì khác, một trật tự thế giới hòa bình và cân bằng luôn dựa vào mối quan hệ ổn định giữa Mỹ với Trung Quốc. Tập Cận Bình miêu tả sự liên tương kinh tế là sự “cân bằng và thúc đẩy” cho quan hệ song phương rộng hơn của chúng ta. Một cuộc chiến mậu dịch sẽ tàn phá cả hai nước”.

Những gì đang diễn ra dường như bắt đầu đi dần ra khỏi đường biên mô hình “trật tự thế giới mới” mà Kissinger phác họa. Ngày 20-11, sau cuộc gặp Trump, Kissinger xuất hiện trong chương trình “Fareed Zakaria GPS” của CNN. Ông nói: “Đừng có mà đóng đinh Trump vào những chỗ mà ông ấy đứng trong chiến dịch tranh cử”. Rõ ràng những gì Trump nói không phải là “đinh đóng cột”. Dù sao, cũng vẫn rất bất ngờ khi Trump kéo ra luôn cả chiếc thảm Trung Quốc đang nằm dưới chân “ông ngoại”.Dù sao, tất cả cũng chỉ mới bắt đầu. Thủ thuật “đánh nhau” cũng lại là dùng lá bài nước nhỏ. Mỹ đã dùng lá bài Trung Quốc để đánh Liên Xô. Liên Xô dùng lá bài Việt Nam để “đánh” Trung Quốc. Trung Quốc dùng lá bài Campuchia để đánh Việt Nam. Bây giờ Mỹ lại dùng lá bài Đài Loan để đánh Trung Quốc. Có điều, ở tình thế hiện tại, Trung Quốc không có con bài nước nhỏ nào để đánh Mỹ.

Mạnh Kim
(FB Mạnh Kim)