Sự Hình Thành Đảng Tân Đại Việt
“Thư Gửi Các Đồng Chí” của 14 sáng lập viên Đảng Tân Đại Việt là một tài liệu lịch sử nêu rõ hoàn cảnh và những lý do dẫn đến sự thành lập Đảng Tân Đại Việt vào ngày 14 tháng 11 năm 1964. Dưới đây là nguyên văn của lá thư:
Thư Gửi Các Đồng Chí
Các Anh Chị Em Đồng Chí thân mến,
Từ khi cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất đi, ĐVQDĐ không còn là một chánh đảng hợp nhứt nữa. Một số đảng viên kỳ cựu đã hoạt động riêng rẽ, không khép mình vào một hang ngũ nào; những người khác cố tổ chức lại Đảng nhưng mọi người chỉ tập hợp được một phần các đồng chí làm việc với mình.
Sự phân tán ra làm nhiều nhóm đã làm yếu sức Đảng. Do đó, những anh chị em có nhiệt tâm đã cố gắng xây dựng lại nền thống nhứt. Từ năm 1947 trở đi, đã có nhiều cuộc hội họp, tiếp xúc, trao đổi ý kiến để gây sự đoàn kết cần thiết. Tuy nhiên, những cuộc vận động này đã gặp rất nhiều trở lực.
Sự tiến triển của tình thế đã làm phát sanh nhiều chủ trương khác nhau. Anh chị em đảng viên, người thì nhứt quyết thi hành một chánh sách cách mạng cứng rắn, người lại thấy phải có một đường lối chánh trị uyển chuyển hơn. Do đó, thái độ mỗi cá nhân, mỗi hệ phái đối với các đoàn thể khác và đối với chánh quyền không giống nhau và sự nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau không thể tránh được. Muốn thống nhứt lại Đảng, cần phải có một lãnh tụ được tất cả anh chị em đảng viên kính mến, tin cậy và phục tùng, nhưng trong hàng ngũ, không người nào có đủ điều kiện kể trên. Bởi thế, các cá nhân và hệ phái không hòa hợp với nhau và trở thành một tổ chức duy nhất được.
Việc Đảng phân tán ra làm nhiều hệ phái, không cộng tác chặc chẽ với nhau sau khi cố Đảng Trưởng Trương khuất bóng đã phơi bày một cách rõ rệt nhược điểm của lãnh tụ chế. Ngoài ra, kinh nghiệm riêng của Đảng cũng như gương của các tổ chức chánh trị trong nước và trên thế giới cho ta thấy rõ ràng chủ trương tôn sùng cá nhân và chánh sách độc tài chỉ có thể đưa đến những kết quả tai hại cho đoàn thể và cho cả quốc gia. Sau hết, kinh nghiệm cũng cho chúng ta nhận thấy rằng nếu một chánh sách quá mềm dẻo thường đưa cá nhân đến sự phản bội lý tưởng của Đảng thì một đường lối quá cứng rắn cũng chỉ đưa đến sự gẫy đổ vô ích.
Bởi đó, trong những cuộc hội họp giữa các hệ phái, một số anh em đã đưa ra mấy đề nghị sau đây để sửa chữa lại phương pháp tổ chức và lề lối làm việc của Đảng:
1. Bỏ hẳn lãnh tụ chế và theo thể chế tập đoàn chỉ huy. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì vấn đề lãnh tụ được giải quyết một cách dễ dàng. Những người có uy tín trong các hệ phái có thể ngồi chung lại với nhau và quyết định mọi việc theo nguyên tắc đa số. Như vậy, không ai uy hiếp được ai và sự vắng mặt của một hay vài người không làm cho đoàn thể bị phân tán nữa.
2. Theo đường lối dân chủ tự do để hoàn thành việc dân chủ hóa đoàn thể, đồng thời đáp ứng nhu cầu của đất nước và nguyện vọng của toàn dân.
3. Có một chánh sách thích hợp để có thể vừa giữ lòng trung thành với lý tưởng, vừa trán hsự gẫy đổ.
4. Sửa lại đảng kỳ. Khi mới thành lập, cờ của ĐVQDĐ là lá cờ nền đỏ, tròng xanh, sao trắng. Nhưng khi Đảng hòa hợp với VNQDĐ làm QDĐ năm 1946, cờ này được đem ra dung cho tổ chức chung trước công chúng. Sau đó, khi hai Đảng phân tách ra trở lại, anh em VNQDĐ đã tiếp tục dùng lá cờ nền đỏ, tròng xanh, sao trắng làm đảng kỳ. Nhận thấy rằng việc hai Đảng tranh nhau dùng một lá cờ chẳng những gây ra sự lầm lẫn mà còn có thể làm mất hòa khí giữa hai bên, một số anh chị em đảng viên đề nghị thêm vào cờ cũ một sọc ngang màu vàng hai bên tròng xanh.
Trong một cuộc hội họp tại Hà Nội năm 1951 qui tập đại biểu của các hệ phái cả ba miền Trung, Nam, Bắc, những vấn đề trên đây đã được đem ra thảo luận. Một số anh chị em không nhận những đề nghị trên đây vì không chịu khép mình vào một hàng ngũ nào, hoặc vì giữ lòng trung thành với tất cả những quan niệm, chủ trương của Đảng hồi mới thành lập. Trong số những người còn lại, chúng tôi đã chấp nhận và thành tâm áp dụng những nguyên tắc ấy, một vài anh em khác cũng chấp nhận, nhưng không chịu thành thật áp dụng trong hàng ngũ họ chỉ huy.
Vì những lẽ trên đây, ĐVQDĐ vẫn không thống nhứt lại được và những nhóm qui tập nhau trong một tổ chức vẫn không hợp tác chặc chẽ cùng nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn phô bày ra công chúng những sự chia rẽ nội bộ của đoàn thể, nên cố gắng duy trì sự giao hảo với tất cả các anh chị em đảng viên đứng ngoài hàng ngũ hay thuộc hệ phái khác với hy vọng rằng nhờ sự biến chuyển của tình thế, tất cả mọi người cuối cùng sẽ quay về với lẽ phải và sự thống nhứt Đảng có thể thực hiện được.
Nhưng chánh sách này không đưa đến kết quả mong ước. Sự đoàn kết đã không thành, mà hành động tương phản của những người thuộc hệ phái khác nhau hoặc cùng chung hàng ngũ mà không thật tâm áp dụng những nguyên tắc chính họ đã công nhận, đã gây ra cho quốc dân cảm tưởng rằng Đảng không có một chánh sách rõ rệt, một đường lối nhứt định, một phương pháp làm việc hợp nhứt.
Tình trạng này nếu kéo dài, sẽ vô cùng nguy hại cho đoàn thể, làm cho đoàn thể không còn có thể tham dự một cách hiệu lực cuộc tranh đấu cứu quốc. Vì đó, chúng tôi nhận thấy cần phải có một thái độ dứt khoát.
Lãnh tụ chế và chủ trương độc tài đảng trị không còn thích hợp với tình thế đất nước và nguyện vọng dân chúng Việt Nam. Chánh trị thủ đoạn chỉ có thể đưa đến những kết quả nhứt thời. Muốn nắm phần thắng lợi trong công cuộc tranh đấu, mưu đồ sự sinh tồn cho dân tộc Việt Nam, ta cần phải cương quyết thoát xác, mạnh bạo theo đường lối tự do dân chủ và nguyên tắc tập đoàn lãnh đạo, đồng thời thanh niên hóa các cấp chỉ huy để mang lại cho Đảng một luồng sinh khí mới. Chúng tôi nhứt định theo đường lối này.
Ngoài ra, nhận thấy rằng việc nhiều hệ phái tranh nhau tên Đảng chỉ làm hại cho uy tín chung chớ không ích lợi gì cho ai, chúng tôi đã đồng ý nhau dùng một tên mới cho đoàn thể. Do đó, Đảng TÂN ĐẠI VIỆT ra đời.
Tên TÂN ĐẠI VIỆT hàm ý rằng:
1. Chúng tôi vẫn trung thành với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, với lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, với tinh thần tranh đấu của người chiến sĩ Đại Việt.
2. Nhưng đồng thời, chúng tôi áp dụng những nguyên tắc mới trong việc tổ chức Đảng và trong việc tranh đấu để mưu đồ sự sinh tồn cho dân tộc.
3. Tổ chức chúng tôi hoàn toàn tách khỏi những hệ phái còn mang tên Đại Việt, nếu có sự cộng tác thì cũng đứng trên lập trường những đoàn thể khác nhau liên minh nhau, chớ không phải lập trường một đoàn thể duy nhứt.
Anh chị em đồng chí thân mến,
Tổ quốc chúng ta đang lâm vào cảnh hỗn loạn và bị sự đe dọa nặng nề của Cộng Sản. Tất cả mọi người đều phải cố gắng tranh đấu để cứu quốc. Điều này bắt buộc chúng ta phải có một thái độ minh bạch và hợp lý. Chúng tôi đã trình bày những lý do khiến chúng tôi thành lập Đảng TÂN ĐẠI VIỆT. Các anh chị em nên bình tâm suy nghĩ để quyết định thái độ. Chúng tôi hết sức vui mừng đón tiếp những anh chị em có lập trường giống với chúng tôi. Đối với những anh chị em không đồng lập trường và nhứt định trung thành với tổ chức và đường lối cũ, chúng tôi rất tiếc không thể xem như là đồng chí nữa. Tuy vậy, với thiện chí hợp tác với mọi người quốc gia, chúng tôi không bao giờ xem các anh chị em là kẻ thù. Chúng tôi vẫn lấy tình thân hữu mà đối xử với các anh chị em, và sẵn sàng hợp tác với các anh chị em với tư cách là những chiến hữu trong những công tác nhứt định để phụng sự tổ quốc.
Thân ái chào tất cả các anh chị em
Thay mặt Đại Hội Đồng
Trung Ương Đảng Bộ TÂN ĐẠI VIỆT
Phan Thông Thảo Lê Văn Hiệp
Nguyễn Tôn Hoàn Trần Minh Dũng
Nguyễn Ngọc Huy (Hùng Nguyên) Hoàng Xuân Nam
Nguyễn Văn Kiểu Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn)
Dương Văn Liên Trương Dung Khả (Minh Nhựt)
Nguyễn Văn Tại Nguyễn Đình Huy (Việt Huy)
Nguyễn Ngọc Tân (Phạm Thái) Đồng Tuy