Sự điêu tàn đang hiện ra dần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự điêu tàn đang hiện ra dần

Thế giới đang chứng kiến chiến cuộc Hoa Kỳ – Trung Quốc – Một cuộc chiến giữa Kinh Tế Thị Trường và Kinh Tế Phi Thị Trường; Một cuộc chiến “vô tiền khoáng hậu” chưa từng được biết đến trong 50 năm qua!

Tác hại của cái gọi là “chiến tranh nhân dân”
Giữa chiến cuộc đang dâng cao với nhiều dấu hiệu thật căng thẳng và vô cùng quyết liệt, “chủ nghĩa dân tộc” được Trung Quốc tiếp tục sử dụng dưới tên “Vạn Lý Trường Chinh Mới” [1] do ông Tập Cận Bình “kêu gọi người dân nước này chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn“. 
Thế giới sững sờ [2] trước những “bàn chải chà cầu” và “giấy vệ sinh” in hình Tổng Thống D. Trump được sản xuất tại Trung Quốc. Điều đó chỉ làm cho “văn hóa rực rỡ” 5.000 của người Trung Hoa thêm phần “chói lọi” hơn là tính thiết thực, giúp cho nhà cầm quyền Trung Quốc đang “đau đầu bạc tóc” kiếm tìm giải pháp khả dĩ.
Sự giàu có về vật chất của người Trung Hoa, không hề giúp ích họ hành xử văn minh hơn với sự tôn trọng cần có của thế giới. 
Dù Trung Quốc đứng hạng nhì thế giới về kinh tế, nhưng đứng áp chót khi xếp hạng tự do báo chí (!).
Người dân được sinh ra để sống và để mưu cầu hạnh phúc, không phải để đi gây chiến – đó là chân lý. Chính điều này đã phủ định hoàn toàn khái niệm “chiến tranh nhân dân“, vốn chỉ có những quốc gia độc đảng toàn trị, lừa dối người dân luôn sử dụng, mỗi khi cần đến “đám đông ô hợp” dưới tên gọi “lòng yêu nước nồng nàn“, nhưng thực chất chỉ thể hiện một sự cuồng nộ mù quáng và điên tiết, nhưng lại không hiểu được “mình phải có thế nào người ta mới thế chứ” như lời của ông Nguyễn Phú Trọng đang văng vẳng bên tai Chủ tịch Tập (!).
Điều tồi tệ hơn của “chiến tranh nhân dân” gây ra, một khi “tàn chiến cuộc”, nó để lại một quốc gia xác xơ về nhân cách với lòng thù hận ngút ngàn và sự chia rẽ xã hội trầm trọng! Điều này đã được lịch sử thế giới chứng minh mà Việt Nam là một trong số đó. Thật đáng sợ, khi chiến cuộc trôi qua, Việt Nam vẫn đang vật vã kiếm tìm sự bình an trong xã hội cùng sự “thống nhất nhân tâm” suốt hơn 44 năm qua như “bóng chim tăm cá”(!).
Liệu người Trung Hoa có giật mình với “nhân tâm ly tán” kinh khủng, từ cái gọi là “chiến tranh nhân dân” đã gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”, không chỉ với “người anh em ruột” mang tên Đài Loan mà ngay cả trong lòng thủ đô Bắc Kinh với Thiên An Môn, mà cho đến nay, 30 năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn xem là điều nghiêm cấm tuyệt đối, nếu ai đó muốn nhắc lại công khai!
Nhà cầm quyền Trung Quốc cần nghiêm túc nhìn lại khái niệm “chiến tranh nhân dân” để đừng đẩy người dân Trung Hoa lao vào cơn “đại hồng thủy” đang chực chờ hiển hiện, bởi họ không gây ra thảm cảnh đó!
“Chiến tranh nhân dân” vốn không mỹ miều như tên gọi, bởi nó vắt cạn kiệt “nội lực nhân dân” nhằm phục vụ cho kẻ cai trị!
WTO có nên tồn tại?
Trung Quốc gia nhập WTO chính thức vào ngày 20/1/2002, sau 15 năm đàm phán và chuẩn bị đầy cam go.
Hơn mười bảy năm qua, Kinh Tế Thị Trường dành cho Kinh Tế Phi Thị Trường quá nhiều “đặc ân” và sự “sủng ái” đầy hào sảng, thế cho nên, Trung Quốc mau chóng trở thành: 
+ Nước xuất khẩu và nhập khẩu thuộc hàng đầu thế giới.
+ Thành viên nòng cốt trong hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.+ Quốc gia sản xuất và tiêu thụ xe hơi nhiều nhất hành tinh.
+ Đối trọng của Hoa Kỳ trong kinh tế thương mại.
+ Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi vượt qua Nhật Bản.
Và còn nhiều lãnh vực tiến bộ vượt bậc khó chối cãi, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ thông tin.
Dù là như vậy, nhưng thật đáng tiếc, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa được Hoa Kỳ và phương Tây công nhận có nền Kinh Tế Thị Trường!
Khi được là thành viên WTO, nhiều quốc gia hy vọng Trung Quốc hành xử văn minh hơn, trên mọi lãnh vực để xứng đáng là đất nước “đứng giữa thiên hạ”, góp phần lớn lao cho một thế giới, cần hòa bình để phát triển thay vì thủ đoạn thấp kém và hận thù khôn nguôi…
Trong một bài báo vào tháng 4/2018 đăng trên Foreign Affairs do trang Nghiên Cứu Biển Đông chuyển ngữ [3], đại diện thương mại Hoa Kỳ đã khẳng định “Mỹ đã sai lầm khi để Trung Quốc gia nhập WTO – là các cam kết mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2001, không bao hàm tất cả các hành vi gây lo ngại hiện nay. Cả nghi thức gia nhập WTO của Trung Quốc lẫn cấu trúc của tổ chức này vào năm 2001 đều không đủ để bảo đảm hành vi kinh tế lý tưởng của Trung Quốc trong những thập kỷ sau đó…” 
Có lẽ nhận định trên đã đủ trả lời cho câu hỏi [4] “Tại sao Trung Quốc hăng hái cải tổ WTO trong khi Mỹ muốn từ bỏ?”.
Ngày 22/5/2019, đài VOA cho hay [5]: “Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ gặp giới chức từ Liên hiệp Châu Âu và Nhật tại Paris vào ngày 23/5 để bàn về các nỗ lực chung giải quyết các chính sách và cách hành xử phi thị trường của các nước khác… Cuộc họp dự kiến sẽ chủ yếu tập trung về các chính sách bao cấp của nhà nước Trung Quốc…”.
Ngày 3/6/2019, Tổng thống D. Trump viếng thăm cấp quốc gia đến Anh Quốc – một quốc gia hùng cường đứng trong HĐBALHQ và cả trong WTO. 
Phải chăng chuyến công du của Tổng thống D.Trump nhằm tiếp tục khẳng định Hoa Kỳ có quá nhiều “đồng chí” trước một nhà cầm quyền cộng sản vốn luôn đầy đủ “tình đồng chí” nhưng thật “dị hướng” trong tình trạng – không thể rõ hơn – vô cùng lẻ loi, cô độc?
Tạm kết
Diễn đàn Shangri – La tại Singgapore vào ngày 02/6/2019, đài VOA cho hay phía Trung Quốc đã biểu thị thái độ “bất khuất” trước Hoa Kỳ về căng thẳng thương mại, kể cả vấn đề Đài Loan và Biển Đông, thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.
Còn nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì trước “vòng xoáy khổng lồ” của chiến cuộc Mỹ – Hoa như ông Phạm Bình Minh khẳng định: “Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung”?…
Nguyễn Ngọc Già

Chú thích: