Sự cố thảm họa môi trường Formosa: 10 Bài học từ Fukushima

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự cố thảm họa môi trường Formosa: 10 Bài học từ Fukushima

Thục Quyên

19-2-2017

Ngày 11 tháng 3 sắp tới là tròn 6 năm thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Mặc dù Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO) cố gắng đưa tin để gây cảm tưởng mọi thứ đang trong tầm kiểm soát, họ không dám phủ nhận sự thật là không có cách nào để tìm được những thanh nhiên liệu hạt nhân đã tan chảy vẫn còn đang phát phóng xạ. Không những con người không thể đến gần nơi này, mà tất cả những con robot đưa vào để quan sát, tìm hiểu tình trạng, đều bị “chết” vì lượng phóng xạ quá mạnh, làm hỏng các bộ phận điện tử.

Ngày lại ngày, đã gần 6 năm qua và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, lượng nước khổng lồ nhiễm phóng xạ sau khi được phun vào làm mát các lò phản ứng vẫn tiếp tục rò rỉ vào Thái Bình Dương. Có nghĩa là thảm họa hạt nhân tuy bị cầm lại phần nào, vẫn âm ỉ tiếp tục giữa một khu vực cấm, có bán kính khoảng 20 cây số quanh nhà máy, nay đã trở thành một “vùng đất ma”. Tình trạng bấp bênh vì sự tháo gỡ những nhà máy tại Fukushima không khả thi, nên mỗi trận động đất, mỗi ngọn sóng thần, đều có thể khơi mào cho một thảm họa hạt nhân mới.

Nạn nhân Formosa có thể học hỏi kinh nghiệm đối phó thảm họa từ những nạn nhân Fukushima.

Tập sách “10 Bài học từ Fukushima” là một thông điệp của người dân Nhật Bản gửi tới mọi người trên thế giới để chia sẻ, không chỉ về những sự kiện liên quan đến thảm họa hạt nhân     và mức độ nghiêm trọng, mà tập trung đặc biệt vào những vấn đề các cộng đồng địa phương phải đối mặt, những vấn đề phức tạp nẩy sinh từ một thảm họa môi trường cho người dân, và bổn phận cùng phương cách để người dân có thể bảo vệ sự sống cũng như quyền lợi của mình và gia đình mình. Thí dụ trong tập sách có những chương trình bày về những điểm:

– Đừng cả tin những huyền thọai về an toàn để bị lừa bởi lời tuyên truyền của những thế lực kinh tế.

– Tiếp cận thông tin và lưu giữ hồ sơ là những việc vô cùng quan trọng.

– Nạn nhân thảm họa có quyền được khảo sát sức khỏe toàn diện và được thông tin.

– Để bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ công nghiệp nông, lâm và ngư sản… người dân phải được tham gia vào công tác đo lường mức độ ô nhiễm.

– Công bố thông tin, không được ém nhẹm.

– Không thể coi là đã kiểm soát thảm họa hoàn toàn nếu người dân/ công nhân chưa được điều trị và chăm sóc sức khỏe tối đa.

– Tái thiết cuộc sống hàng ngày và xây dựng lại cộng đồng cho/ cùng những nạn nhân là điều cần thiết.

– Kêu gọi sự hợp tác của các nạn nhân thảm họa trong việc ban hành và thực thi những luật pháp được lập ra để bảo vệ họ.

– Chính người đóng thuế của một quốc gia đang phải gánh chịu những chi phí sửa chữa và bồi thường khi một thảm họa xảy ra, nên dân chúng cần phải chú ý và kiểm sóat những quyết định của chính phủ.

Ngoài ra, theo quan điểm nhân quyền, con người có những quyền cơ bản và xã hội nơi họ sinh sống được hình thành dựa theo những giá trị phổ quát: đó là quyền sống an toàn, quyền được có sức khỏe, quyền được biết và được tham gia, cũng như quyền đòi hỏi được thông tin và được bảo vệ.

Theo quan điểm giảm thiểu rủi ro, những khung hành động phối hợp sự giảm thiểu rủi ro thảm họa vào các chương trình phát triển của mỗi quốc gia, được quốc tế công nhận, và nhiều văn kiện quốc tế đã được ký kết.

Hợp lực với Ủy Ban Xuất Bản Tập Sách Fukushima, nhóm SaveVietNam´s Nature chúng tôi vừa hoàn tất bản dịch tiếng Việt tập sách nhỏ “10 Bài học từ Fukushima” và đã đưa lên trang mạng http://fukushimalessons.jp/en- booklet.html. Sách có thể đọc hoặc tải xuống miễn phí tại http://fukushimalessons.jp/assets/content/doc/Fukushima10Lessons_VNA.pdf

Với tập sách nhỏ này, Ủy Ban Xuất Bản Tập Sách Fukushima và nhóm SaveVietNam´s Nature chúng tôi, mong muốn giới thiệu đến người dân Việt một số phương cách cũng như luật lệ quốc tế để đề phòng thảm họa, giảm thiểu rủi ro, và quyền cũng như cách thức tự bảo vệ khi thảm họa xảy ra.

Thục Quyên – SaveVietNam´s Nature