Sóng Thần Trump: Nhìn Xa
Theo Vietbao
Trong hai tuần qua, ta đã có dịp bàn về những nguyên nhân gần của thắng lợi của ông Trump, cũng như đoán qua những gì TT Trump sẽ làm. Bây giờ, ta đào sâu thêm vấn đề, nhìn xa hơn.
Trước hết, ta nhìn lại thất bại bất ngờ của bà Hillary. Tất nhiên, nhìn sự việc sau khi đã xẩy ra bao giờ cũng dễ và cái gì cũng… quá hiển nhiên. Nhưng sự thật là thất bại của bà Hillary đúng ra có thể đoán trước được.
Nước Mỹ ngày nay hình như đã bị chia làm hai khối rõ rệt: một khối là dân thành thị và một khối là dân lao động và nông thôn.
Khối dân trí thức, trưởng giả thành thị sống trong một vỏ bọc tự mãn mà mọi sự tương đối đều khá tốt đẹp: kinh tế phục hồi, thất nghiệp thấp, một số lớn có việc làm tốt, lương cao và ổn định. Khối này ăn no rửng mỡ, suốt ngày chú tâm lo mấy cái chuyện “phải đạo” như quyền phá thai tự do, hôn nhân đồng tính, chuyện cầu tiêu cho vài ba anh chị chuyển giới, hợp pháp hoá ma túy, hâm nóng địa cầu, ô nhiễm môi sinh,… Gọi là phú quý sinh lễ nghiã.
Dĩ nhiên trong khối thành thị này có khối dân da màu và nghèo nữa. Nhưng khối này được bảo vệ, đùm bọc bằng trợ cấp, ve vãn bởi khối trí thức cấp tiến trưởng giả, nhân danh bao dung, hòa nhập, đa dạng,… Bỏ phiếu cho phe cấp tiến vô điều kiện. Khỏi bàn thêm.
Trong khi đó thì một khối dân khác, là dân lao động, dân trung lưu sống trong vùng ngoại ô, nông thôn hay tỉnh lẻ bị lãng quên, không ai để ý việc họ mất job, mất bảo hiểm y tế, bị ngân hàng tịch thu nhà, con cái đi học trong các trường xuống cấp,… Họ làm việc cật lực mà vẫn không thấy khá hơn khi mức lương thực tế đã không tăng từ 15 năm qua. Họ lo cho bữa cơm tối nay chứ không phải chuyện hâm nóng địa cầu trong vài thế kỷ nữa. Họ lo cho con họ khỏi bị ăn bom khủng bố chứ không lo cho cái cầu tiêu trong trường của chúng.
Trong khi đó, họ cũng nhìn thấy những kỷ lục mới như kỷ lục người sống bằng trợ cấp, bằng phiếu thực phẩm foodstamps,… toàn là tiền thuế họ đóng. Họ cũng nghe thấy TT Clinton đi Detroit tuyên bố bà Hillary sẽ mang hàng trăm ngàn dân Trung Đông vào làm việc tại đây để phục hồi kinh tế của tiểu bang, mà không nghe thấy ông nói gì về chuyện kiếm jobs tốt cho chính họ. Ai lo cho họ đây?
Chỉ có một người nhìn thấy rõ và công khai nói rõ là sẽ lo cho họ: miả mai thay, đó là một ông tỷ phú sống trong lâu đài bạc trăm triệu tại Nữu Ước. Kết quả là đảng DC không còn là đảng của lao động, thợ thuyền, trung lưu nữa, mà chỉ còn là đảng của dân da màu từ đen đến nâu đến vàng, nữ hoàng welfare, dân thất nghiệp chờ trợ cấp, đồng tính, một nhúm trí thức thiên tả và một đám rửng mỡ. Mà như vậy thì làm sao thắng cử gì nữa?
Nhà Nước Obama, đảng DC, giới chuyên gia tự phong, bà Hillary, và ngay cả giới chóp bu đảng CH và các tài phiệt Wall Street, tất cả đều đã dự đoán sai lầm về kết quả bầu cử chỉ vì tất cả đều sống trong cái bọc thành thị, mà không ai nhìn thấy cái khối dân lính thợ hay dân cầy ruộng nông thôn. Nhất là mấy anh nhà báo và mấy anh chuyên gia thăm dò dư luận trong phòng lạnh tại các tòa nhà trọc trời ở New York, San Francisco, Washington DC,…
Thật ra, bà Hillary cũng nhìn thấy họ chứ không phải là không, nhưng bà đã nhìn sai. Cái bệnh, hay đúng hơn, cái cố tật bất trị của dân cấp tiến luôn luôn là thái độ mục hạ vô nhân, tự cho mình là trí thức, hiểu hết biết hết, và dĩ nhiên lúc nào cũng là chân lý. Tất cả những người không đồng ý với họ đều là kỳ thị, có ác ý, ngu dốt,… Bà Hillary cũng mắc bệnh này, trước mắt bà, chỉ có “cái đám tệ hại, kỳ thị, hết thuốc chữa” mới chống bà.
Có người cãi “nói TT Obama và bà Hillary không lo cho khối thợ thuyền là sai”. Đảng DC là đảng của người nghèo, với chính sách giúp đỡ dân lao động và dân nghèo tối đa, bằng đủ loại trợ cấp, kể cả trợ cấp thất nghiệp được gia hạn mấy lần. Và thật là một miả mai khi TT Obama và bà Hillary lo cho dân nghèo và dân lao động như vậy mà lại bị họ bỏ, nhẩy qua bên ông tỷ phú sống trong nhà lát vàng.
Lý luận như vậy là không hiểu tâm lý khối dân đó. Họ là khối dân có tự trọng, tự tin vào cánh tay của mình, không thích sống nhờ trợ cấp do Nhà Nước ban cho. Cái mà họ cần là công ăn việc làm tốt để sống độc lập, cho dù phải vất vả, chứ không phải là ăn không ngồi rồi lãnh tiền thí phát. Dân cao bồi trong suốt lịch sử Mỹ, chưa bao giờ muốn sống nhờ trợ cấp của Nhà Nước. TT Obama và bà Hillary cho rằng trợ cấp sẽ mua được tất cả. Và họ đã sai.
Như một tác giả đã nhận định, cả chục triệu người của cái khối bị lãng quên đó trong những tiểu bang kỹ nghệ đã kiên nhẫn đứng xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ để bỏ phiếu cho người mà họ tin sẽ giúp mang jobs lại cho họ, an toàn lại cho gia đình họ. Cái lạ lùng là họ làm vậy bất chấp mọi “dự đoán” của tất cả chuyên gia và truyền thông dòng chính (TTDC) là bà Hillary tất nhiên sẽ thắng, không có cách nào khác được. Có nghiã là lá phiếu bỏ cho ông Trump của họ hoàn toàn vô ích, lãng phí. Nhưng họ không cần biết lá phiếu của họ sẽ mang lại thành công cho họ hay không, miễn sao có dịp nói lên tiếng nói của họ, đó mới là điều quan trọng. Và kết quả là họ đã thắng. Cuộc bầu cử vừa qua là một bài học vô giá về dân chủ và sự quan trọng của mỗi lá phiếu trong một chế độ dân chủ thực sự.
Điểm đáng nói, cả chục triệu người đó phần lớn sống ở tỉnh nhỏ, nông thôn làng xã, hay làm việc cật lực cả ngày trong hãng xưởng, chỉ nhìn thấy đời sống thực tế trước mắt và chung quanh mình. Họ không đọc New York Times hay Washington Post, không coi CNN hay MSNBC, nên không nhìn thấy bức tranh kinh tế huy hoàng của TT Obama mà TTDC tô vẽ cho dân thành thị.
Nhiều chuyện quan trọng sẽ xẩy ra trong hậu trường chính trị Mỹ trong những năm tháng tới.
Đảng DC thua sẽ phải đóng cửa diện bích vài năm để tự vấn, tìm cách tuyển lựa một ứng viên khá hơn cho năm 2020 và xa hơn nữa. Hiển nhiên cuộc bầu cử thể hiện việc cả nước bác bỏ toàn diện đảng DC và tư tưởng cấp tiến, hơn là hậu thuẫn ông Trump.
Ngắn hạn, đảng DC sẽ bị phân hoá nặng, đánh nhau túi bụi trong nội bộ. Đảng sẽ đòi hòi những bộ mặt mới không tỳ vết qua vụ thảm bại, và nhất là phải có một hướng đi mới gần với quần chúng hơn. Rồi đảng sẽ phải nghĩ đến tương lai, xa cũng như gần. Gần nhất là cuộc bầu giữa muà năm 2018. DC sẽ phải cố gắng bằng mọi cách chiếm thêm được ít nhất ba ghế để dành lại đa số tại Thượng Viện để cầm chân ông Trump. Không dễ chút nào khi năm đó sẽ có 25 thượng nghị sĩ DC phải ra tranh cử lại, tức là tất cả 25 vị đó đều phải thắng hết, cộng thêm 3 vị mới nữa, mới nắm được đa số tại Thượng Viện. Việc chiếm lại đa số tại Hạ Viện thì vô vọng, khỏi cần nghĩ tới.
Xa hơn là cuộc bầu tổng thống năm 2020. Ai sẽ đứng ra phất cờ cho đảng DC?
Dù sao, chuyện nhân sự cũng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là phải thay đổi chính sách, chiến lược như thế nào? Tiếp tục con đường cấp tiến cực đoan, bỏ qua đám da trắng bất mãn để tích cực phục vụ cho các khối thiểu số, hay de lui, bớt phải đạo để tìm cách lôi kéo khối da trắng đó “hồi chánh”?
Dĩ nhiên nếu ông Trump thất bại, không mang jobs về lại cho khối thợ thuyền và trung lưu da trắng, không cải tiến được cuộc sống của họ, thì họ sẽ trở về lại với DC rất nhanh. Nhưng ngược lại, nếu TT Trump mang jobs về lại cho họ được thì DC sẽ gặp khó khăn lớn trong nhiều năm tới.
TTDC bị dập mặt trong cuộc bầu vừa qua, cũng sẽ phải suy nghĩ lại những gì họ đã làm, phải làm một cuộc lột xác nội bộ nếu muốn lấy lại uy tín và niềm tin của quần chúng. Khó ai có thể chối cãi việc TTDC phe đảng quá mức chẳng những đã làm mất niềm tin của quần chúng, mà còn tạo bất bình vì thiếu công bằng. Dân Mỹ nói chung rất trọng công bằng -fairness-, và TTDC đã đi quá xa, nhất là báo New York Times bị coi như cơ quan ngôn luận của DC, và đài CNN, bị gọi là Clinton News Network. Trong mùa tranh cử, TTDC tràn ngập cáo phó về CH. Cuối cùng thì thiên hạ lại đi dự đám ma DC.
New York Times đã viết một bài dài, xin lỗi độc giả vì đã tiên đoán sai lầm, đánh giá không chính xác hậu thuẫn của ông Trump, không hiểu những ưu tư, lo ngại của một khối lớn dân Mỹ. Đây dĩ nhiên là một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng dù sao vẫn chưa đủ: NYT vẫn chưa chịu nhìn nhận đã có quan điểm cấp tiến cực đoan, hoàn toàn thiên vị. Và vẫn chứng nào tật nấy, loan tin đám dân đang biểu tình đập phá chống ông Trump với thiện cảm, không một lời tố cáo nào, tập trung nỗ lực đả kích nội các mới của ông Trump mặc dù chưa ai nhậm chức. Xin lỗi thì xin lỗi, phe đảng vẫn phe đảng.
TTDC có cách bào chữa rất sáng tạo. Khi họ tung hô TT Obama thì họ biện giải trách nhiệm của truyền thông là giúp cho chính quyền thành công. Bây giờ họ đánh ông Trump thì họ vặn vẹo truyền thông có trách nhiệm chống chính quyền chứ không thể dạ vâng suốt ngày. Các cụ ta gọi là “lưỡi không xương, muôn đường lắt léo” là vậy.
Ngay cả đảng CH cũng phải tìm cách hàn gắn, sau những chia rẽ lớn giữa hai phe ủng hộ và chống ông Trump. Khối #NeverTrump và các chính khách “phản đảng” đào ngũ qua phe bà Hillary, mất hết uy tín trong nội bộ đảng sẽ phải “tự kiểm thảo” và “hồi chánh”. Ông Romney đã gặp ông Trump và có thể tham gia nội các. Ông Jeb Bush kêu gọi đảng CH nhất trí yểm trợ tổng thống tân cử, xây dựng lại đảng.
Chuyện xin chữ ký để cử tri đoàn bỏ phiếu cho bà Hillary có tính khôi hài, như mấy đứa con nít lăn ra ăn vạ vì không được ăn kẹo. Trên nguyên tắc, chuyện thay đổi bầu bán kiểu này có thể xẩy ra, hoàn toàn hợp pháp, và bà Hillary có thể trở thành tổng thống được. Nhưng trên thực tế, chẳng thể nào xẩy ra, ít ra phải có gần 40 đại biểu của ông Trump phản đảng, nhẩy rào bỏ phiếu cho bà Hillary thì bà mới đắc cử, là chuyện không thể xẩy ra.
Cử tri đoàn là đại biểu của các tiểu bang, họ phải bỏ phiếu theo tiểu bang mình, sao lại đòi hỏi họ bỏ phiếu theo các tiểu bang khác. Ví dụ: ông Trump thắng tại Florida, làm sao các đại biểu của Florida lại có thể bỏ phiếu cho bà Hillary chỉ vì bà này thắng tại Cali được? Lý luận vậy mà cũng có người nghe! Ấy vậy chứ một ông giáo sư đại học Harvard đã khẩn khoản van nài các đại biểu dẹp chuyện “ý dân” đi và bầu cho bà Hillary để “cứu nước Mỹ”. Vẫn cái bệnh cố hữu của mấy ông bà trí thức cấp tiến “chỉ có tôi là không ngoan, có lý, tất cả thiên hạ đều ngu hết”. Dẹp ý dân đi, nghe theo ý tôi!
Mà nếu đảng DC “ăn cướp” bầu cử kiểu này được thật thì nước Mỹ sẽ có nội chiến ngay. Đừng quên phản ứng của khối 60 triệu người đã bầu cho ông Trump, một phần không nhỏ là dân cao bồi. Ông thần Trump dĩ nhiên sẽ không ngồi yên.
Dù sao thì việc làm của nhóm người này cũng nêu lên một vấn đề cần xét lại: đó là thể thức bầu gián tiếp qua cử tri đoàn.
Trước hết, ta cần phải hiểu đây là hình thức bầu bán cực kỳ phức tạp mà các cha già của nước Mỹ này đã tốn không biết bao nhiêu công sức mới nghĩ ra được, rồi lại được điều chỉnh liên tục từ cả hơn 200 năm qua. Chủ ý là tôn trọng tiếng nói tương đối đồng đều cho tất cả các tiểu bang trong liên bang.
Nếu bầu tổng thống dựa trên kết quả phổ thông đầu phiếu của cả nước, thì hiển nhiên những tiểu bang lớn hai bên ven biển như New York, New Jersey, Cali,… sẽ nắm trọn vẹn quyền quyết định, trong khi không ai để ý đến tiếng nói và quyền lợi của mấy chục tiểu bang nằm giữa hết. Hệ quả tất yếu là những tiểu bang này sẽ không có lý do gì ở lại trong liên bang nữa, mà sẽ rút ra, thành một liên bang độc lập hoàn toàn, hay thành hai ba chục “nước” độc lập. Liên bang hiện hữu sẽ tan vỡ.
Phe ta đòi hỏi bà Hillary phải là tổng thống vì bà thắng ông Trump tới hơn 2 triệu phiếu. Không sai là bà Hillary thắng khoảng hai triệu phiếu. Nhưng cái mà TTDC không nói rõ là tại đúng một tiểu bang Cali, bà Hillary đã thắng ông Trump tới gần 4 triệu phiếu. Như vậy nếu trên cả nước, bà Hillary chỉ thắng có 2 triệu phiếu, thì trừ qua trừ lại, có nghiã là ông Trump đã thắng 2 triệu phiếu trên 49 tiểu bang còn lại, có phải không? Có nghiã là bà Hillary chỉ là tổng thống của Cali, và ông Trump là tổng thống của cả nước. Tại sao cả nước phải theo Cali?
Ta cũng đừng nên quên là sách lược tranh cử của hai ứng viên hoàn toàn bị chi phối bởi thể thức bầu gián tiếp hiện hữu, cốt sao đạt được thắng lợi theo thủ tục này. Ông Trump đã biết rõ đi kiếm phiếu cho mình ở đâu đủ để đắc cử, nói gì để có thể thắng, trong khi bà Hillary mù tịt, một lần nữa chứng tỏ những chê bai về ông Trump không có kinh nghiệm hay khả năng chính trị là sai bét.
Một yếu tố quan trọng khác: hình thức cử tri đoàn đã dìm chết cả triệu phiếu của dân bảo thủ tại những tiểu bang cấp tiến lớn (không phải xôi đậu) như Cali, New York, New Jersey, Illinois, Massachusetts,… Họ biết đi bỏ phiếu cũng vô ích vì chắc chắn bà Hillary sẽ thắng tại tiểu bang của họ, nên họ nằm nhà. Nhưng nếu bầu theo số phiếu dân thì cả triệu người này sẽ đi bỏ phiếu, CH sẽ có thêm cả triệu phiếu nữa. Không có gì bảo đảm bà Hillary sẽ có nhiều phiếu hơn.
Bà thượng nghị sĩ Barbara Boxer của DC đã đệ nạp dự luật hủy bỏ cử tri đoàn để “bảo đảm tiếng nói của mỗi cử tri được tôn trọng”. Thật ra, hủy bỏ cử tri đoàn sẽ khiến cho tiếng nói của cử tri của ít nhất hai chục tiểu bang bị tắt ngúm.
Thực tế nhất, sẽ không có cách nào bỏ thể thức này được vì như vậy sẽ phải sửa Hiến Pháp, cần ít nhất 37 tiểu bang (2/3) chấp nhận. Hiện nay DC chỉ kiểm soát có 17 tiểu bang, làm sao đủ túc số sửa Hiến Pháp?
Bà Jill Stein, ứng viên cấp tiến cực đoan của đảng Xanh –Green Party-, thu được 1% phiếu tại Wisconsin. Dù vậy, bà cũng nộp đơn đòi đếm phiếu lại tại cả tiểu bang này, và tuyên bố sẽ đòi hỏi tương tự tại Michigan và Pennsylvania, vì bà Stein tố chuyên gia điện toán của Putin đã xâm nhập và cài máy bầu để tăng số phiếu của ông Trump. Theo luật Wisconsin, bà Stein sẽ phải trả chi phí đếm lại, cỡ chừng 2 triệu chưa kể vài triệu cho các luật sư. Bà Stein trong một tuần qua, đã thu được gần 5 triệu tiền “đóng góp” không biết của ai. Đây không phải là lần đầu đảng Xanh đòi đếm phiếu lại. Năm 2004 cũng đảng Xanh đòi đếm phiếu lại tại Ohio và ứng viên DC John Kerry được thêm 300 phiếu.
Kỳ hạn chót để chính thức xác nhận kết quả bầu cử là 13 tháng 12 trước khi cử tri đoàn chính thức bầu 19 tháng 12, 2016.
Nói tóm lại, “bên thua cuộc” đang loay hoay đủ kiểu để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, như mấy anh chết đuối đang tìm phao.
Nhìn xa, TT Trump sẽ có nhiều việc không làm được, sẽ rất đau đầu. Ông sẽ phải làm việc với lưỡng viện quốc hội. CH kiểm soát cả hai viện, nhưng không ít dân cử CH chống ông Trump quyết liệt, chưa chắc ông sẽ đủ đa số để làm gì. Sau đó, CH chỉ mới có 52 ghế tại Thượng Viện, chưa được đa số tuyệt đối 60, có nghiã là sẽ bị DC ngăn chặn rất nhiều việc, không phải muốn làm gì cũng được.
Nhận xét cuối cùng: một số không ít dân Mỹ không chấp nhận kết quả bầu cử, xuống đường biểu tình, đập phá liên tục cả tuần lễ sau bầu cử. Họ cũng dọa sẽ huy động cả triệu người biểu tình tại thủ đô ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Nghe qua đã thấy đáng ngại. Nhưng có lẽ sẽ chẳng thấm vào đâu khi ông Trump bắt đầu hành động, chẳng hạn như ra lệnh trục xuất hàng ngàn di dân lậu, hay thu hồi một phần Obamacare. Hàng ngàn người sẽ biểu tình chống đối, với sự cổ võ của TTDC, và sự gián tiếp đồng tình của TT Obama và bà Hillary. Bạo động sẽ khó tránh.
Sóng thần Trump đã nhận chìm cả đảng DC, khối cấp tiến, và TTDC. Cái nguy cơ trước mặt là nếu không khéo, sóng thần này cũng có thể quét luôn cả nước Mỹ ra biển. (27-11-16)