So sánh Trung Quốc độc tài và Úc Đại Lợi dân chủ

Cac Bai Khac

No sub-categories

So sánh Trung Quốc độc tài và Úc Đại Lợi dân chủ

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) – Trong bối cảnh chính trị đương đại, có nhiều câu nói hoặc khái niệm của các danh nhân thế giới, được nhắc nhở thường xuyên, như kim chỉ nam không những cho các chính khách, mà đôi khi cho cả hệ thống chính trị. Chẳng hạn thành ngữ “quyền sống, tự do và truy tìm hạnh phúc” (life, liberty and the pursuit of happiness) nguyên thủy của John Locke và sau đó Thomas Jefferson điều chỉnh cho vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.

Tuy nhiên chưa có thành ngữ nào sâu sắc và đi thẳng vào bản chất của toàn bộ hệ thống chính trị đương đại bằng câu nói của Lord Acton, một chính trị gia Anh Quốc.
Đó là câu: “Quyền lực làm ung thối và quyền lực tuyệt đối làm ung thối tuyệt đối” (Power corrupts and absolute power corrupts absolutely).
Câu này một cách ngắn gọn giải thích một thực trạng nhân loại chứng kiến rằng, quyền lực chính trị, tự cổ chí kim luôn giống như một thứ ma túy cực mạnh. Một khi gieo vào cơ thể một cá nhân hay một định chế, sẽ hoàn toàn băng hoại cá nhân hay định chế đó, biến đối tượng thành một quái vật di hại cho tha nhân.
Tuy nhiên không phải cá nhân chính khách hay định chế chính trị nào cũng nhất thiết trở thành những con quái vật dưới ảnh hưởng của quyền lực chính trị. Lịch sử chứng minh rằng tuy các cá nhân như Lê Nin, Stalin, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Polpot và các đảng cộng sản liên hệ không ngại tắm máu nhân loại khi có quyền lực trong tay, nhưng cũng có nhiều cá nhân và định chế chính trị đã có hùng tâm và tráng chí vượt tiến, khai sáng kỷ nguyên dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho dân tộc và toàn thể nhân loại.
Những danh nhân như tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ George Washington, tổng thống đầu tiên khai sinh chế độ cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk là hai ví dụ điển hình. Nhất là vào giai đoạn đó của lịch sử, nếu say mê quyền lực, Washington có thể làm tổng thống cả đời và Ataturk có thể lên ngôi hoàng đế trên đất nước của họ.
Tuy nhiên nhờ nhân cách vượt trội của họ mà trong các thế kỷ sau, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo thế giới tự do, đem quan điểm dân chủ gieo rắc khắp năm châu bốn bể và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia Hồi Giáo dân chủ, phát triển và văn minh nhất thế giới.
Nhân loại không thiếu các nhân vật và nhân cách lớn như thế. Nelson Mandela, Abraham Lincoln, Tôn Dật Tiên, Mahatma Gandhi… là những ví dụ điển hình khác.
Các ngày gần đây, có 2 biến chuyển chính trị đáng ghi nhớ nhất trên trường quốc tế, phản ảnh 2 hệ thống chính trị, hai loại chính khách khác nhau và nhất là hai đường lối vận hành của quyền lực chính trị hoàn toàn tương phản. Một là khuynh hướng đam mê quyền lực chính trị đến độ điên rồ và hai là khuynh hướng giới hạn quyền lực chính trị, hầu chúng ta có thể học hỏi và áp dụng cho đất nước Việt Nam của tương lai.
Trước hết, chính trường Úc sôi động vì một vụ xì căn đan liên hệ đến Phó Thủ Tướng Barnaby Joyce và mối tình của ông với một nữ phụ tá Nikki Campion. Theo luật của Úc thì tình cảm giữa những cá nhân là việc riêng tư. Tuy nhiên khi đã là một thành viên của chính phủ thì có những quy định hành xử của các bộ trưởng (Ministerial standards) mà không ai có thể vi phạm.
Đảng Lao Động đối lập, các đảng phái và cá nhân đối lập, báo chí tư nhân nêu ra nhiều nghi vấn. Liệu Joyce và Campion có tư tình trong lúc Campion còn là thuộc cấp của Joyce hay không? Sự kiện Campion được chuyển qua làm việc cho một bộ trưởng khác với một chức vụ béo bở có phải là tham nhũng hay không?
Ngoài ra, hạnh kiểm cá nhân của Joyce, khi bỏ vợ và tư tình với một thuộc cấp đưa đến việc cô này mang thai, tuy không phạm pháp nhưng cũng bị dư luận phê phán.
Các đảng phái, phe nhóm đối lập và báo chí đòi hỏi Joyce từ chức. Joyce không chịu từ chức và lập luận rằng hành động của ông hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quy định hành xử của các bộ trưởng và nếu nói theo ngôn ngữ của người CSVN là “đúng quy trình”.
Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như Úc, cố gắng bám víu quyền lực chính trị như thế hoàn toàn vô vọng và ngày 23 tháng 2 vừa qua, Joyce tuyên bố từ chức thủ lãnh đảng Quốc Gia và cùng với tác động này, từ chức phó thủ tướng Úc Đại Lợi.
Trong khoảng thời gian đó, một hiện tượng ngược chiều lại xảy ra tại Trung Quốc. Sau đại hội 19 của đảng CSTQ từ ngày 18 đến 24 tháng 10, 2017 tôn vinh lãnh tụ Tập Cận Bình và khắc ghi và cương lĩnh đảng “tư tưởng Tập Cận Bình” thì hiện tượng “quyền lực tuyệt đối đưa đến ung thối tuyệt đối” hầu như lập tức diễn ra.
Ngày 25 tháng 2, 2018 vừa qua đảng CSTQ xác nhận Ban Chấp Hành Trung Ương đảng đã quyết định hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của chức vụ chủ tịch nước. Mọi người đều biết Ban Chấp Hành Trung Ương đảng là cơ quan tối cao và quốc hội CSTQ chỉ là bù nhìn. Dưới hệ thống chính trị này thì quốc hội có xác suất rất cao sẽ tu chính hiến pháp và Tập Cận Bình sẽ trở thành chủ tịch nước và nắm giữ quyền lực suốt đời.
Chủ nghĩa CS trong bản chất hàm chứa các yếu tố Phát Xít. Một khi lý tưởng xã hội chủ nghĩa triệt tiêu thì bản chất phát xít hiện rõ nguyên hình.
Các đảng CS trên thế giới sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ còn gắng gượng duy trì sự tồn tại được vì 3 nguyên tắc chiến lược của Đặng Tiểu Bình như kiền 3 chân. Một là cai trị độc tôn. Hai là cai trị tập thể và ba là luân phiên cai trị.
Sự chuyển đổi từ tập thể cai trị và luân phiên cai trị qua độc tài cá nhân trị của Tập Cận Bình nói lên sự điên rồ quyền lực của họ Tập, mà còn nói lên sự phản bội của họ Tập đối với chính sự tồn vong của đảng CSTQ.
Sự chọn lựa của dân tộc Việt Nam tương đối đơn giản. Mô hình độc tài đảng trị Cộng Sản hay mô hình dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Chúng ta không cần lưu ý đến những tuyên ngôn vô giá trị của những người như TBT Nguyễn Phú Trọng hoặc giàn lãnh đạo CSVN. Một người nội trợ Việt Nam bình thường cũng ý thức được sự chọn lựa nào là tốt nhất cho tương lai đất nước.
Những câu tuyên bố ngây ngô và mang tính bỡn cợt của TBT Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29 tháng 11, 2017 khi Ông cùng đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Nội tiếp xúc cử tri tại 2 quận Tây Hồ, Ba Đình rằng ông sẽ nhốt quyền lực chính trị vào lồng của luật pháp, hoàn toàn không khả tín.
Nhốt quyền lực vào lồng luật pháp là một tư tưởng không thực tế. Nhất là khi luật pháp cộng sản, còn gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa chỉ là luật rừng, vi phạm nguyên tắc công bằng lẽ phải và vi hiến trắng trợn. Phương thức kiểm soát quyền lực duy nhất phải là một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chánh.
Quan điểm hiến định sẽ trừng phạt hiệu quả tất cả mọi tác động vi hiến.
Quan điểm pháp trị sẽ áp dụng tinh thần thượng tôn luật pháp thay vì đảng tri.
Và quan điểm đa nguyên sẽ đưa đến tình trạng nhiều chính đảng kềm chế lẫn nhau và thay phiên nhau nắm quyền, cùng với một nền báo chí tư nhân  hùng mạnh phê phán từng góc cạnh của chính sách quốc gia.
Lúc đó, quyền lực chính trị sẽ được kiểm soát nghiêm túc.