Sếp lớn dầu khí từ chức giữa lúc VN điều tra dự án nhiều tỉ đôla ‘mất trắng’ ở Venezuela
Một sếp lớn trong ngành dầu khí Việt Nam vừa từ chức giữa lúc cuộc điều tra liên quan đến vụ “mất trắng” nhiều tỉ đôla trong dự án đầu tư dầu khí của tập đoàn ông tại Venezuela đang diễn ra, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi và cho rằng ông đang chạy trốn một cuộc “đốt lò” tiếp theo. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có những nhận định khác nhau với VOA, trong đó đề cập đến khả năng khó “moi” ra tham nhũng hay xử lý sai phạm (nếu có) và yếu tố “rủi ro chính trị” trong vụ này.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước hôm 13/3, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vừa nộp đơn xin từ chức khỏi vị trí lãnh đạo của tập đoàn.
Động thái này được báo chí mô tả là “bất ngờ” giữa lúc đưa ra nhiều thông tin về cuộc điều tra của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu-thuộc Bộ Công an-về dự án đầu tư trị giá hơn 1,8 tỉ đôla của PVN tại Venezuela có nhiều khả năng sẽ bị “mất trắng”.
Rủi ro chính trị?
Theo báo cáo của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ, PVN đã đổ tiền vào đầu tư 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Trong đó, chỉ có 2 dự án là có hiệu quả kinh tế và có chuyển tiền về nước là dự án ở Nga và ở Algeria. Còn lại 11 dự án bị xem là “lỗ khủng”, điển hình là dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela, với số vốn đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 là khoảng 1,82 tỉ đôla, theo giấy chứng nhận đầu tư mà báo Tuổi Trẻ dẫn ra.
Dự án Junin 2 của PVEP (công ty con của PVN) diễn ra trong giai đoạn ông Sơn đang giữ vị trí điều hành tại đây. Dự án này đã bị tạm dừng đầu tư vào cuối năm 2013 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vì “không có tiến triển”, theo Vietnamnet.
Cho đến nay, khả năng trắng tay của Việt Nam trong dự án đầu tư ở Venezuela là rất cao, theo nhận định của các chuyên gia.
Mặc dù Hội đồng thành viên PVN nói rằng ông Sơn đã nộp đơn xin từ chức từ nhiều ngày trước và không nêu rõ lý do từ chức của ông, nhưng thời điểm công bố thông tin về việc từ chức trùng hợp với thời điểm Bộ Công thương vừa đưa ra báo cáo cho biết 13 dự án đầu tư của PVN ở nước ngoài đa số thua lỗ đã khiến cho công chúng có nhiều suy đoán về một cuộc “đốt lò” chống tham nhũng có thể đang xảy ra ở PVN.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu và phân tích chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, thì nguyên nhân chủ yếu của việc dự án PVN bị mất trắng ở Venezuela là do “rủi ro chính trị” ở nước sở tại.
“Điều đó PVN không biết trước, không dự đoán được khi chuẩn bị đầu tư”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
“Khi Việt Nam quyết định đầu tư, tình hình chính trị bên đó chưa có dấu hiệu xấu đi. Vả lại chính phủ Venezuela có đảm bảo tài chính cho dự án”. TS. Hà Hoàng Hợp cho biết thêm. “Lúc đó đánh giá rủi ro chính trị là thấp, rất thấp”.
PGS-TS. Phạm Quý Thọ, một nhà phân tích chính sách từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cũng đồng quan điểm khi cho rằng quy trình thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam là rất có căn cứ. Tuy nhiên theo ông, cuộc khủng hoảng hiện nay của dự án tại Venezuela còn là hậu quả của thời kỳ “quản lý kinh tế yếu kém” của Việt Nam, với sự tác động của “tính chất chính trị”.
Ông nói: “Việt Nam quan hệ với Venezuela rất nhiều theo ý thức hệ XHCN, tức là mang tính chất chính trị rất nhiều. Lúc đó, giá dầu khá cao nên người ta tính toán là nếu đầu tư vào Venezuela thì sẽ đạt được hai mục tiêu: một là chính trị, hai là yếu tố kinh tế”.
Ông cho rằng cuộc điều tra mà Việt Nam đang thực hiện lúc này là “quá muộn”.
“Thậm chí người ta đã ‘đánh cá’ quá trình đầu tư. Khi giá dầu giảm, người ta đã không tiếp tục điều tra để điều chỉnh dự án. Đến bây giờ mới làm thì đã quá muộn, khi tình hình Venezuela đang rất bi đát và sắp sụp đổ. Khi thể chế Maduro sắp sụp đổ rồi mới điều tra thì khả năng mất vốn rất cao, gần như là không thể phục hồi số vốn đã đầu tư vào đó. Mà đây lại là số vốn rất lớn, gần 2 tỷ đôla”.
Bộ Công an ‘vào cuộc’
Báo Thanh Niên hôm 14/3 cho biết Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu-thuộc Bộ Công an- vừa có văn bản gửi cho PVN và cho biết đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án Junin 2.
Nhưng theo TS. Hà Hoàng Hợp, khả năng tìm ra tham nhũng, sai phạm hay “hình sự hóa” vụ này là rất khó.
“Bây giờ người ta mới moi ra xem là khi mà chuyển tiền sang bên kia thì có tham nhũng, hối lộ, chia tiền nhau giữa chừng hay sau đó không, nhưng sẽ rất khó moi bởi vì chuyển tiền là qua tài khoản mà từ đó đến giờ không thấy thì bây giờ rất khó”.
Ngoài ra, theo ông, ngay cả khi nếu phát hiện ra thiếu sót trong các bước thực hiện theo quy định của luật pháp Việt Nam thì cũng khó có thể xem đó là phạm pháp, và việc xử lý tiếp theo sẽ không theo “pháp quyền” mà tùy thuộc vào “nhiệt độ của những người ra quyết định”, trong đó có khả năng sẽ có thêm quan chức bị bỏ tù hoặc tăng án tù…
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có bằng kỹ sư công nghệ khai thác dầu khí của Đại học Hóa dầu Bacu, thuộc Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ, và bằng thạc sĩ thiết kế công nghệ hệ thống của Đại học RMIT của Úc.
Ông nắm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo về dầu khí trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PVEP vào năm 2009 và sau đó là Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên PVN vào tháng 3/2016.