Sau phán quyết La Haye, mọi sự không còn “vũ như cẫn”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sau phán quyết La Haye, mọi sự không còn “vũ như cẫn”

André Menras – Hồ Cương Quyết

Phạm Toàn dịch
Tôi thiển nghĩ rằng sau bước nhảy dài về phía trước này tiến tới Luật pháp vì Công bằng, mọi sự sẽ chẳng còn như cũ được nữa. Đây là một thất bại nặng nề về chính trị và ngoại giao đối với Bắc Kinh. Theo thói quen tuyên truyền ve vãn nhân dân và mang tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan của chế độ (Cộng sản Trung Hoa), cú đòn này thật không thể coi nhẹ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Hoa sẽ dùng cú đòn này để nuôi dưỡng tình cảm hận thù vì đã bị “đối xử bất công”, một trong những đòn bẩy tâm lý nhằm vào tăng trưởng và bành trướng, nhưng đồng thời, sẽ càng ngày càng có nhiều người sẽ tính toán khôn ngoan hơn về những giới hạn của “sức mạnh Trung Hoa” và mối đe dọa giáng trả về kinh tế của các chính quyền ngoại bang. Tính ngạo ngược về sức mạnh Trung Hoa đang lên cho rằng không gì cưỡng nổi đã được ăn một cú giáng đáng kể.
Để phản ứng lại trọng tội này (của Tòa La Haye), và để khỏi mất mặt, Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ các hành động khiêu khích ở vùng tranh chấp. Đứng trước sự chối bỏ chính thức (đường chín đoạn) này mà Trung Quốc coi như một sự lăng nhục, nước này thậm chí còn có thể tiến đến những vụ đụng độ tại vùng tranh chấp với Hải quân Hoa Kỳ, sẽ càng tăng thêm nhiều vụ đối xử tàn tệ hơn nữa với ngư dân miền Trung Việt Nam, những người mà tôi biết rõ là sẽ chẳng bao giờ chấp nhận việc gia tăng hiện diện quân sự và thiết lập vùng nhận diện hàng không (ADIZ) ở đây… Ta cũng có thể hình dung là, với sự trụ đỡ quốc tế to lớn này (phán quyết La Haye) và ánh sáng soi rọi từ đó, có thể có những ngư dân quá khích sẽ không chịu bó tay mà sẽ tự vũ trang để tự vệ chống lại những tàu dánh cá dổm của Trung Quốc, để bảo vệ sinh mạng mình khi lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn không chịu làm công việc đó.
Quyết định của Tòa án quốc tế cũng bồi bổ thêm sức mạnh cho Nhật Bản, Australia, Ấn Độ trong những chiến lược hợp tác đã bắt đầu với Việt Nam. Tóm lại, gió biển không còn thổi theo hướng có lợi cho sức mạnh của đế chế Trung Hoa và Bắc Kinh sẽ phải mau chóng rút ra từ đó những kinh nghiệm nếu không muốn nếm thêm những hậu quả từ đó, kể cả những tác động trong nước trên bình diện kinh tế do tác động của phán quyết La Haye.
Nhưng phán quyết La Haye mới chỉ là một bước tích cực tới những trận chiến sẽ bùng nổ rõ rệt khi các phe sẽ ngày càng hình thành rõ rệt hơn. Vẫn còn khó thấy rõ những tác động bên trong Việt Nam khi những người ủng hộ việc kiện Bắc Kinh, khi phe “thoát Trung” được củng cố thêm sức mạnh. Phe theo Bắc Kinh bảo thủ (ở Việt Nam) liệu có theo đường lối cứng rắn hơn và ngày càng cô lập, hay là họ sẽ khôn ngoan thử tìm cách tạo ra một bãi đáp an toàn cho tới nay thấy rõ là đã thỏa hiệp được khá nhiều trong quá trình cởi mở với những lời thú nhận tội lỗi có cân nhắc? Sự thắt chặt hợp tác quân sự, đặc biệt là về hải quân và không quân của quân đội Việt Nam với Hải quân Hoa Kỳ có thể gia tăng trong hành động thực tế (chưa có trên văn bản). Đó có thể là điều có lợi cho cả hai bên, nhất là cho Việt Nam.
Nhưng, mặt khác, căn cứ theo những tuyên bố đầy mâu thuẫn và đáng lo ngại của nhóm Duterte mới cầm quyền ở Philippines, đặc biệt trong đề nghị cùng khai thác tài nguyên, Trung Quốc rất có khả năng nguy hại là nhờ mánh lới cụ thể đó mà đặt chân tại vùng đất “chủ quyền” mới bị Tòa La Haye dùng pháp lý nghiêm cấm nhận vơ. Hành động này của Trung Quốc như một thứ nhạo báng lại phán quyết của Tòa. Điều đó cũng chẳng khiến tôi ngạc nhiên chút gì khi Trung Quốc vung tay ném đô-la nhằm nuôi dưỡng sâu sắc thêm những bất đồng tiềm tàng cho tới nay vẫn được Manila và Hà Nội khéo léo né tránh… Washington sẽ làm gì khi đó? Liên Hiệp quốc sẽ làm gì với đề nghị của Pháp về việc thành lập hạm đội Đông Nam Á?
Tóm lại, mọi chuyện sẽ xoay chuyển như ngọn sóng trên biển xoay từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên. Nhưng một lần nữa, như bao giờ cũng vậy, chỉ những con người vô danh chúng ta, là những người sẽ chèo lái con tàu qua những cuộc đấu tranh sáng suốt và kiên trì. Người nào vị trí nấy. Không e sợ và không thỏa hiệp về nhứng điều căn bản. Kinh nghiệm già đời của riêng tôi đối với những hy vọng “ngây thơ” mà cuối cùng đều thành hiện thực đẩy tôi tới tinh thần lạc quan.
A. M. – H. C. Q.
Tác giả gửi BVN.