Sau một năm chiến tranh Ukraina, Putin thắng nhiều hơn thua

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sau một năm chiến tranh Ukraina, Putin thắng nhiều hơn thua

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại  buổi hòa nhạc đánh dấu một năm hiệp đín sát nhập Crimée. Ảnh tại Matxcơva  18/03/ 2015.- REUTERS/Alexei Nikolsky

Theo RFI – Tú Anh – 6 tháng 4, 2015

Ai là người chiến thắng, nếu có,  sau một năm xung đột tại Ukraina? Theo nhiều nhà phân tích, phe thân Tây phương ở Kiev và phiến quân thân Nga ở miền đông đều thua. Chỉ có một mình tổng thống Nga Vladimir Putin là kẻ chiến thắng.

Tháng ba năm 2014, khi dùng áp lực quân sự xáp nhập bán đảo Crimée và sau đó ủng hộ phiến quân Ukraina,chủ nhân điện Kremli đã chấp nhận rủi ro rất lớn: nước Nga bị Tây phương cấm vận trả đũa làm suy sụp nền kinh tế. Nhưng đổi lại, Putin đã đầy lùi được viễn ảnh Kiev gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây dương, trừng phạt «cái tội»  chính quyền Ukraina bỏ Nga theo Mỹ và Châu Âu.

Kết quả chính trị này là mục tiêu mà tổng thống Nga muốn đạt tới. Theo giáo sư Nikolai Petrov, trường Cao đẳng Kinh tế Maxtcơva phân tích: Mục tiêu của Putin đã được thấy  rất rõ cách  nay một năm: chỉ cần ngăn chận Kiev không thể tiến hành những thay đổi mà Nga không muốn, đặc biệt là gia nhập liên minh Nato do Hoa Kỳ chỉ huy.

Một năm sau ngày xung đột bùng nổ tại miền đông Ukraina, khu vực này bị tan hoang vì bom đạn, mọi hạ tầng cơ sở từ nhà máy sản xuất cho đến phi trường quốc tế đều tê liệt. Phần lãnh thổ do Kiev kiểm soát tuy không bị chiến tranh nhưng kinh tế khủng hoảng phải trông nhờ vào viện trợ của Bruxelles và các định chế tài chính quốc tế với nhu cầu dự kiến cho 4 năm tới là 40 tỷ đôla.

Theo AFP, uy tín của chính phủ Kiev xuống thật thấp và không còn hy vọng  được Nato đón nhận làm thành viên mà lý do chính là không  chinh phục lại được các tỉnh bị mất.

Bên kia biên giới, Vladimir Putin đạt kỷ lục  tỷ lệ dân  chúng tín nhiệm do không tốn một viên đạn mà vẫn  lấy lại được Crimée,  bán đảo chiến lược của Nga  mà hơn nửa thế kỷ trước Staline đã tự ý trao cho Kiev.

Theo một kết quả thăm dò ý kiến của viện Levada, 72% dân Nga ủng hộ hành động của Putin và 57% mong muốn ông tranh cử nhiệm kỳ 4 vào năm 2018.

Rủi ro có tính toán

Chủ nhân điện Kremli đoán  chắc là  Tây phương  không đi xa hơn những biện pháp trừng phạt  đã ban hành. Thực tế đã chứng minh là  cựu gián điệp KGB đã bắt mạch chính xác nhược điểm của đối phương.  Về quân sự, tuy Hoa Kỳ thẳng thừng lên án Nga đưa quân xâm nhập Ukraina nhưng tổng thống Obama không quyết định cung cấp vũ khí sát thương  vì sợ chiến tranh leo thang.

Về kinh tế, tài chính, cũng vậy. Tuy Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu ban hành một loạt biện pháp trừng phạt đánh vào những điểm yếu của   kinh tế Nga  và đã góp phần vào việc làm cho đồng rub mất giá nhưng Tây phương không  trục xuất Nga ra khỏi hệ thống  giao dịch ngân hàng  SWIFT.

Khôn ngoan, chủ nhân điện Kremli biết lợi dụng tình thế khó khăn kinh tế để tuyên truyền đoàn kết dân Nga đối đầu với «áp lực của người ngoài».

Thực ra thì từ Washington, Luân Đôn cho đến Berlin và Paris, tất cả các thủ đô Tây phương đều khẳng định là không xem Nga là kẻ thù mà chỉ mong sao Putin thực tâm hợp tác đem lại hòa bình, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Kinh tế Nga, sau một năm đen tối, đã bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh theo như nhận định của bộ trưởng Alexei Oulioukaiev.

Theo nhà  phân tích Nga  Konstantine Kalatchev, tổng thống Nga đã áp dụng một phương châm nổi tiếng của đại đế Napoleon : làm đi  rồi sẽ tính.

Nhưng  điều chắc chắn là «Putin không lùi bước, không đầu hàng». Nhân vật có tham vọng làm Nga hoàng thế kỷ 21 sẽ tiếp tục thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ, vì quyền lợi  riêng của chính ông và theo những giá trị riêng mà không cần có sự đồng thuận của Mỹ hay châu Âu.

Một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Putin với Tây phương có chiều hướng hòa dịu. Theo thông báo của Kremli, lần đầu tiên từ 10 năm nay, tổng thống Putin sẽ sang New York tham dự Đại hội  đồng Liên Hiệp Quốc nhân khóa họp lần thứ 70.