Sau kết quả bầu cử gây sốc, lãnh đạo Hong Kong cam kết lắng nghe tiếng nói của dân
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cũng thừa nhận có nhiều phân tích và diễn giải nói rằng kết quả bầu cử hội đồng cấp quận hôm qua “phản ánh sự bất bình của công chúng đối với tình hình hiện tại và vấn đề gốc rễ trong xã hội”.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay sau khi các kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử hội đồng cấp quận tại Hong Kong ngày 24/11 được công bố, lãnh đạo đặc khu Carrie Lam cho hay chính quyền của bà tôn trọng kết quả bầu cử và cam kết lắng nghe tiếng nói của người dân.
“Chính quyền chắc chắn sẽ khiêm nhường lắng nghe các tiếng nói của người dân và suy nghĩ nghiêm túc về những điều đó”, bà Lam nói.
“Có các phân tích và diễn giải khác nhau trong cộng đồng liên quan tới kết quả bầu cử, và một số cho rằng kết qủa này phản ánh một thực tế rằng người dân bất bình với tình hình xã hội hiện tại và các vấn đề gốc rễ”, bà Lam thừa nhận, nhưng không nói chi tiết.
Các bình luận trên diễn ra sau khi các đảng ủng hộ dân chủ tại Hong Kong được dự đoán giành 390 trong tổng số 452 ghế hội đồng cấp quận trong cuộc bầu cử ngày 24/11, chiếm gần 90%, trong khi các đảng ủng hộ chính quyền chỉ giành 60 ghế.
Theo SCMP, phe ủng hộ dân chủ hiện kiểm soát 17 trong tổng số 18 hội đồng quận. Hội đồng quận duy nhất do phe ủng hộ chính quyền nắm giữ giờ đây là quận Ly Đảo gồm 18 thành viên, trong đó 8 ghế được phân chia tự động cho các lãnh đạo địa phương ủng hộ chính quyền.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm qua cũng cao kỷ lục, với gần 3 triệu người đi bỏ phiếu, tương đương hơn 71%, cao gần gấp đôi so với cuộc bầu cử 4 năm trước.
Trước đó, trong cuộc bầu cử hội đồng quận vào năm 2015, tất cả hội đồng quận đều thuộc kiểm soát của phe ủng hộ chính quyền và phe dân chủ khi đó chỉ giành khoảng 100 ghế.
Báo chí Hong Kong và khu vực đều nhận nhận định kết quả bầu cử trên là một thông điệp rõ ràng của cử tri nhằm gửi tiếng nói tới chính quyền Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn, sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền kéo dài suốt 6 tháng qua.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát hồi đầu năm nay sau khi chính quyền của bà Lam giới thiệu dự luật dẫn độ gây tranh cãi, cho phép dẫn độ các nghi phạm tới những nơi mà hiện Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Dự luật dẫn độ sau đó đã bị dừng vĩnh viễn, nhưng sự giận dữ của người biểu tình đã lan thành một phong trào rộng lớn hơn nhằm kêu gọi bảo vệ các quyền tự do của đặc khu, vốn khiến hàng triệu người xuống đường và gây ra những cuộc xô xát đổ máu giữa cảnh sát và người biểu tình.
Căng thẳng đã lên rất cao 2 tuần trước khi cảnh sát và người biểu tình đụng độ dữ dội tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU), nơi người biểu tình cố thủ và chặn một số một trong những cao tốc lớn của Hong Kong trong nhiều ngày. Tuy nhiên, vài ngày trước cuộc bầu cử hôm qua, tình hình đã dịu đi phần nào.
Ngoại trưởng Trung Quốc lên tiếng
Trong khi đó, bình luận về kết quả bầu cử trong khi đang có chuyến thăm Tokyo (Nhật Bản), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng dù kết quả bầu cử có thể nào thì Hong Kong vẫn là một phần và một đặc khu hành chính của Trung Quốc.
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm kích động Hong Kong, hoặc thậm chí làm tổn hại sự thịnh vượng và ổn định của khu vực này, sẽ không thành công”, ông Vương Nghị nói.
Ông Vương Nghị, hiện đang có mặt tại Tokyo để tham dự cuộc họp của nhóm các ngoại trưởng khối G20, trước đó đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nhưng không bình luận trực tiếp về các cuộc bầu tại Hong Kong.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Mỹ có liên quan tới sự bất ổn tại Hong Kong, điều mà Washington bác bỏ. Trung Quốc cũng kêu gọi Tổng Thống Mỹ Donald Trump không ký thông qua một dự luật ủng hộ Hong Kong được cả Thượng viện và Hạn viện thông qua hồi tuần trước, vốn có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao chống lại đặc khu này.
Theo SCMP, CNA