Sản xuất Mỹ đón nhận làn sóng đầu tư châu Á

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bảo Nguyên • 26/11/22 – Mỹ đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất từ các nước châu Á. Các ngành nổi trội đang thu hút đầu tư bao gồm sản xuất chip, sản xuất pin EV. Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là các nước đi đầu tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất cho Mỹ trong năm nay.

Một gã khổng lồ sản xuất chip của Đài Loan đang gia tăng đầu tư vào một nhà máy rộng lớn mà họ đang xây dựng ở phía bắc Phoenix, Mỹ, góp phần vào làn sóng đầu tư châu Á đang thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang hồi sinh của Mỹ.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà cung cấp chip độc quyền của Apple, đặt mục tiêu sản xuất chip silicon bằng quy trình sản xuất 5 nanomet tiên tiến của mình tại địa điểm rộng 1.129 mẫu Anh ở Arizona, Mỹ. Người sáng lập TSMC Morris Chang đã tiết lộ tại một cuộc họp báo vào ngày 21/11 rằng công ty đang lên kế hoạch cho một cơ sở sản xuất chip thứ hai sẽ sản xuất ra hàng loạt những con chip 3 nanomet với tốc độ xử lý nhanh hơn.

Sản xuất Mỹ đón nhận làn sóng đầu tư châu Á
Các công nhân đang lắp ráp một chiếc ô tô điện tại nhà máy ô tô điện VinFast ở Hải Phòng, Việt Nam, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: NHAC NGUYEN/ AFP qua Getty Images)

Dự kiến ​​đi vào hoạt động vào năm 2024, cơ sở của TSMC dự kiến ​​sẽ tạo ra 1.900 việc làm công nghệ cao và hỗ trợ thêm hàng nghìn việc làm cho các nhà cung cấp và đại lý. Bloomberg đã đưa tin trong tháng này rằng Apple đã sẵn sàng lấy nguồn chip cho các thiết bị của mình từ nhà máy ở Arizona, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy của TSMC ở Đài Loan.

Sản xuất Mỹ đón nhận làn sóng đầu tư châu Á

Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

Giai đoạn đầu tiên của nhà máy khổng lồ, được công bố vào năm 2020, sẽ trị giá 12 tỷ USD và việc mở rộng tiềm năng của dự án sẽ nhận được thêm hàng tỷ USD đầu tư của công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới. Đặt cược của TSMC vào Arizona xuất phát từ sự kết hợp giữa các ưu đãi của chính phủ và rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu — chẳng hạn như khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Kết quả là, các công việc sản xuất được chuyển sang Mỹ.

Các công ty nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng này. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 129.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ vào năm 2022, mức cao kỷ lục, theo nhóm vận động Reshoring Initiative. Reshoring – quá trình đưa hoạt động sản xuất hàng hóa từ nước ngoài trở lại trong nước – đang trên đà tạo ra hơn 219.000 việc làm khác, với tổng số gần 350.000 việc làm mới được tạo ra trong năm nay.

FDI gia tăng và hoạt động đưa sản xuất trở lại đã giúp đảo ngược tình trạng suy giảm việc làm trong nhà máy trong thời gian dài tại Mỹ. Tự động hóa và hoạt động sản xuất ở nước ngoài đã cắt giảm số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ từ mức đỉnh là 19,6 triệu vào tháng 06/1979 xuống chỉ còn 12,9 triệu vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, ngành sản xuất đã tạo được khoảng 1,5 triệu việc làm kể từ mức thấp nhất vào tháng 03/2010. Theo Reshoring Initiative, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất vào cuối năm 2021 cao hơn khoảng 6 triệu việc làm so với mức dự báo trước cuộc Đại suy thoái 2007.

Bùng nổ đầu tư sản xuất pin EV

Hầu hết các công việc sản xuất được tạo ra bởi FDI và hoạt động đưa sản xuất trở lại trong nước là trong các lĩnh vực công nghệ cao, nơi Mỹ có thâm hụt thương mại. Trong vài năm qua, một loạt các khoản đầu tư đã diễn ra hoặc theo kế hoạch vào chất bán dẫn và pin xe điện (EV) đã thúc đẩy tăng trưởng việc làm theo dự kiến. Nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng pin EV đã biến vùng Trung Tây và Đông Nam thành trung tâm đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Ford đã hợp tác với SK On của Hàn Quốc trong thương vụ lớn nhất trong số này vào năm ngoái, một nhà máy sản xuất pin EV trị giá 5,8 tỷ USD ở Glendale, Kentucky, một dự án đã bắt đầu được xây dựng. Mùa hè này, Panasonic của Nhật Bản tiết lộ rằng họ đang chi 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở DeSoto, Kansas. Và tháng trước, Honda của Nhật Bản và LG của Hàn Quốc cho biết liên doanh của họ đang xây dựng một nhà máy pin trị giá 3,5 tỷ USD gần Jeffersonville, Ohio.

Nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast, một đơn vị của tập đoàn lớn nhất đất nước này, Vingroup, đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy EV trị giá 4 tỷ USD tại Hạt Chatham, Bắc Carolina. Đây là nhà máy ô tô đầu tiên của bang và là dự án phát triển kinh tế lớn nhất từ ​​​​trước đến nay của bang. Công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy lớn nằm bên ngoài Raleigh và Durham, nơi sẽ lắp ráp ô tô và xe buýt điện cũng như sản xuất pin EV.

Một công ty Trung Quốc cũng đang tham gia. Gotion Inc., công ty con tại Mỹ của một nhà sản xuất pin có liên kết với Trung Quốc, đang đầu tư 2,36 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện pin ở Big Rapids, Michigan, theo thông tin bang này công bố vào đầu tháng 10. Mặc dù các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ của Mỹ thường châm ngòi cho các đánh giá về an ninh quốc gia của liên bang, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy thỏa thuận Gotion đã thu hút sự giám sát chính thức.

Dựa trên các thông báo công khai, năm khoản đầu tư này vào sản xuất pin EV trên khắp vùng Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ dự kiến ​​sẽ mang lại tổng cộng hơn 21.000 việc làm. Hầu hết các dự án này đã được công bố trước khi Đạo luật giảm lạm phát (với một cái tên đáng ngờ) được thông qua vào tháng 8, cung cấp 369 tỷ USD nhằm khuyến khích năng lượng tái tạo, bao gồm khoản miễn thuế tiêu dùng cho xe điện được thiết kế để thúc đẩy sản xuất pin trong nước.

Khuyến khích trong đầu tư sản xuất chip

Reshoring Initiative lập luận rằng những nỗ lực của chính phủ là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động đưa sản xuất trở lại trong nước. Ví dụ: Đạo luật CHIPS, được ký thành luật vào tháng 8, đầu tư gần 53 tỷ USD vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Trong một phân tích được công bố vào tháng 7, chủ tịch của Reshoring Initiative, ông Harry Moser, lập luận rằng, mặc dù nguồn tài trợ chưa đến, nhưng dự luật được đề xuất đã khuyến khích những khoản đầu tư mới trong ngành.

Sản xuất Mỹ đón nhận làn sóng đầu tư châu Á

Joe Biden sau khi ký Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, tại một sự kiện ở Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 09/08/2022. (Ảnh: MANDEL NG N/AFP qua Getty Images)

Ông Moser đã trích dẫn nhà máy chip của TSMC ở Arizona, cũng như một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD đã được lên kế hoạch gần Austin, Texas, mà Samsung của Hàn Quốc đã công bố vào tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, Samsung đã bắt đầu tìm hiểu khả năng xây dựng thêm 11 nhà máy sản xuất chip ở Texas với tổng trị giá 191 tỷ USD.

Sự đầu tư dồi dào vào sản xuất chip có thể lại là một điều tiêu cực. “Trong một vài năm tới, sẽ có tình trạng dư thừa nguồn cung chip do có quá nhiều nhà máy sản xuất chip đã được công bố trên toàn thế giới”, Reshoring Initiative lưu ý trong một báo cáo hồi tháng 8. “Mỹ có nguy cơ đi từ chỗ phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan về chip trở thành phụ thuộc vào Trung Quốc để mua những con chip đắt đỏ của chúng ta để lắp ráp vào hệ thống thông tin giải trí, thiết bị y tế và máy chủ sau đó vận chuyển đến cho chúng ta”.

Theo dữ liệu của tổ chức này, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đang dẫn đầu làn sóng tạo việc làm trong năm nay với tư cách là các quốc gia cung cấp vốn FDI và hỗ trợ hoạt động đưa sản xuất trở lại nước Mỹ. Ví dụ, Hàn Quốc được dự đoán là nguồn cung cấp hơn 35.000 việc làm sản xuất mới của Mỹ vào năm 2022, chủ yếu là do sự bùng nổ của các khoản đầu tư lớn vào sản xuất pin EV.

Việt Nam dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 22.000 việc làm, trong khi Nhật Bản sẽ mang lại hơn 14.000 việc làm. Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan cũng xuất hiện trong danh sách top 10 về tạo việc làm, cùng với Canada, Đức, Hà Lan và Pháp.

Bảo Nguyên – Theo Greg Isaacson – The Epoch Times

https://www.ntdvn.net/kinh-te/san-xuat-my-don-nhan-lan-song-dau-tu-chau-a-397390.html