Săn trộm tê giác gia tăng và ‘tinh vi’
Số lượng tê giác bị giết hại đã tăng năm thứ sáu liên tiếp, theo thống kê mới nhất từ các nhà nghiên cứu quốc tế.
Ít nhất 1.338 con tê giác đã bị giết để lấy sừng ở châu Phi trong năm qua.
Đây là tổn thất lớn nhất trong một năm kể từ khi làn sóng săn bắt trộm tê giác bùng phát thời gian gần đây.
Từ năm 2008, đã có khoảng 5.940 tên giác bị giết, mặc dù các nhà khoa học lo ngại con số trên có thể dưới mức thực tế.
Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện.
Tê giác vẫn bị giết dù có nhiều nỗ lực chống những băng nhóm săn trộm như tăng cường tuần tra, sử dụng công nghệ vệ tinh và tăng cường thu thập thông tin tình báo.
IUCN cáo buộc nguyên nhân là vẫn có nhu cầu từ Đông Nam Á – nơi người ta lầm tưởng sừng tê giác là một loại thần dược, như cách mà mạng lưới tội phạm quốc tế tinh vi lan truyền.
‘Không nơi nào an toàn’
Các quan chức nói mặc dù số lượng tê giác bị giết hại gia tăng nhưng vẫn có một vài tiến triển hữu ích.
Nhìn chung, nạn săn trộm tê giác đã giảm nhẹ và tại Nam Phi, nơi có lượng tê giác lớn nhất, số thú này bị giết trong năm nay đã giảm nhẹ, lần đầu tiên kể từ 2008.
Tiến sĩ Richard Emslie, từ nhóm chuyên gia của tổ chức IUCN châu Phi nói với BBC:
“Bất cứ sự gia tăng săn trộm nào đều đáng báo động nhưng cũng có một vài điều tích cực. Từ khi nạn săn trộm bắt đầu tăng từ năm 2008, chúng ta thấy con số săn trộm tăng theo cấp số nhân theo từng năm.”
“Nhưng trong vài năm qua, chúng ta thấy tỷ lệ này đã giảm.”
Tiến sĩ Emslie mô tả đây là “một xu hướng đáng khích lệ” và ông nhấn mạnh cách Nam Phi thực hiện để giảm lượng tê giác bị giết hại từ 1.215 con năm 2014 xuống còn 1.175 con năm 2015.
Nhưng thành quả ở khu vực này có thể dẫn đến số lượng vụ săn trộm tê giác gia tăng ở nơi khác. Trong khi Nam Phi có thể cải thiện tình hình, lượng tê giác bị giết hại ở các nước khác tăng bất ngờ.
Theo thống kê mới, lượng tê giác ở Namibia bị giết hại đã tăng gấp bốn lần chỉ trong hai năm qua. Cùng thời điểm, số tê giác bị giết ở Zimbabwe tăng gấp đôi.
Không còn tê giác trong tự nhiên
Tiến sĩ Emslie mô tả cuộc chiến chống săn trộm tê giác như việc ép một quả bóng.
“Nếu bạn siết chặt săn trộm ở phía này của Công viên quốc gia Kruger, cạnh biên giới Mozambique, ngay lập tức quả bóng phình qua phía bên kia và các vụ săn trộm tăng lên.”
“Bọn săn trộm có chiều hướng hoành hành từ công viên này đến công viên khác và từ nước này đến nước khác, nên không có quốc gia nào an toàn cho tê giác và tất cả đều phải cảnh giác trước mối đe dọa rất lớn.”
Bình luận về con số mới nhất, Craig Bruce, chuyên gia về tê giác tại Hiệp hội Động vật học London nói: “Tôi nghĩ đây là một tình cảnh khốc liệt, và cho dù báo cáo nói lượng săn trộm ở Công viên quốc gia Kruger giảm, tôi không nghĩ đây là lý do để ăn mừng.”
“Nếu tỷ lệ mất tê giác tiếp tục như trong hiện tại, tôi có thể ước tính chỉ trong 5, 10 năm tới, tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là những con tê giác nuôi trong chuồng và mất đi loài này trong tự nhiên.”
Sau đợt sụt giảm nghiêm trọng số lượng tê giác vào thập kỷ 1960, các chính phủ quyết tâm cải thiện tình hình và các quỹ bảo vệ độn vật đã nỗ lực giúp bảo tồn tê giác.
Tấn công chưa từng có
Cuộc khủng hoảng này ngày càng nghiêm trọng hơn và càng khó giải quyết hơn vì số lượng các băng nhóm săn trộm tinh vi và các đợt tấn công ngày càng gia tăng. Thị trường sừng tê giác chợ đen giá cao là nguyên do.
Bruce cho tôi biết cứ mỗi công nghệ mới được áp dụng để trợ giúp nỗ lực bảo tồn, như thiết bị bay, điện đàm và thu thập thông tin tình báo, những tay săn trộm lại có chiêu để đối phó.
Buôn bán tê giác bất hợp pháp
Buôn bán động vật hoang dã là ngành thương mại bất hợp pháp lớn thứ tư thế giới, theo tổ chức WWF, xếp sau ma túy, hàng giả và buôn người.
Sừng tê giác là một trong những mặt hàng đắt nhất thế giới, có giá khoảng 60.000 đôla Mỹ/kg. Tính về giá cả theo trọng lượng, sừng tê giác đắt hơn cả vàng hay kim cương.
Việc săn trộm không bị cấm ở Nam Phi, nơi có số lượng tê giác lớn nhất thế giới – đây cũng là mối đe dọa với những nơi có lượng tê giác ít hơn như ở châu Á.
“Đáng sợ là với cùng công nghệ chúng ta có thể sử dụng, họ cũng có thể sử dụng. Thật kinh hoàng, chúng ta càng sử dụng nhiều công nghệ để chiến đấu với bọn săn trộm, chúng cũng sử dụng chính những công nghệ đó để hỗ trợ săn trộm.”
“Chúng hiểu về thông tin tình báo hệt như chúng ta. Chúng biết cách đe dọa mọi người để lấy thông tin, đe dọa buộc họ giữ im lặng. Vì thế toàn bộ các yếu tố phạm tội đã phát triển theo cách chưa từng có.”
Dữ liệu mới nhất sẽ làm bùng phát trở lại những thảo luận kéo dài về cách tốt nhất để ngăn chặn số lượng tê giác sụt giảm.
Đã có những ý tưởng từ cắt sừng tê giác để chống săn trộm, làm thị trường sừng tê tràn ngập với các loại sừng rẻ tiền hay gắn các thiết bị theo dõi hoặc cả camera cho các con thú để đưa ra cảnh báo trước các vụ tấn công.
Với tổng số tê giác toàn cầu chỉ còn khoảng 25.000 con, người ta sẽ lại chú ý đến hội nghị quốc tế cao cấp về Công ước CITES, thành lập mặt trận chống mua bán bất hợp pháp các giống loài bị đe dọa vào tháng Chín ở Johannesburg.
David Shukman- Biên tập viên khoa học
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160310_rhino_poaching_grim_year